|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:46:14 GMT 9
Vết xích chiến xa trên đất Kontum mùa Hè đỏ lửa 1972 Lê Quang Vinh, Chi Ðoàn 1/8
--------------------------------------------------------------------------------
Mưa giăng phủ trên nền trời Kontum, hạt mưa nhẹ như sương mù, những hạt mưa chỉ mang lại ướt át, lầy lội, những hạt mưa không gây chết chóc ai. Nhưng giữa những cơn mưa vô tình đó là một vùng Komtum khói lửa. Ðịch pháo như mưa, pháo theo mưa liên tục trút xuống thành phố và các vị trí của quân ta mà Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn là mục tiêu mưa pháo của địch. Trong những cơn mưa pháo đó, mỗi khi đạn đạo của pháo thu ngắn lại do tầm điều chỉnh của Bắc quân, là vị trí của Chi Ðoàn bị ăn đạn. Lý do là vị trí phòng thủ của thiết giáp chỉ cách Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn chưa tới 500 mét. Gia đình kỵ binh các cấp đều ăn ngủ bên cạnh chiến xa, tất cả trong tình trạng sẳn sàng tác chiến, nhận lệnh, chỉ cần khoảng 2 phút là tất cả xích sắt chiến xa chuyển động. Cùng lúc, khả năng tác chiến của Chi Ðoàn được phục hồi sau khi được trực thăng tiếp tế cơ phận và sửa chữa các chiến xa bị hư. Chi Ðoàn có được 10 chiếc M41 trong tay sẳn sàng tham chiến. Giữa tháng 5/1972, SÐ23BB và các đơn vị thống thuộc đã bẽ gẵy ít nhất là 2 cuộc tấn công của Bắc quân, song áp lực địch vẫn còn đè nặng trên thị trấn Cao Nguyên này. Quốc lộ 14 lại bị chốt cứng tại đèo Chu Pao. Phương tiện tiếp tế duy nhứt cho mặt trận Kontum là thả dù, mà địa điểm thả là bãi thả dù nằm phía Nam khu nghĩa địa. Nếu dù tiếp tế rơi bên này bờ suối thì lọt vào tay bạn, nếu gió đưa dù qua bên kia bờ suối thì địch có dịp ăn gạo xấy, thịt hộp của phe ta! Cả tháng trời chỉ có gạo xấy và thịt hộp, không có một miếng rau hay lương thực tươi, mà nếu từ trời bỗng rơi xuống mấy miếng thịt heo tươi anh em cũng chưa chắc dám ăn. Cái cảnh heo ăn thịt người làm anh em lợm giọng. Trước mắt chúng tôi, có mấy lần chứng kiến bầy heo đói sút chuồng chạy rong dọc đường Nguyễn Huệ, Phương Nghĩa phía Nam phi trường Kontum. Ðàn heo giành nhau gậm xé một cái chân người, kéo lê trên vệ đường với chiếc giép râu còn dính chặc ở bàn chân, y như trong một phim ma kinh dị...
Như mọi ngày, địch pháo ngày, pháo đêm, pháo trong cơn mưa, pháo khi trời nắng, pháo lúc sương mù... Nhưng đêm nay, địch bỗng ngưng pháo. Trực giác chiến trường cho biết có một cái gì bất thường, nghĩa là địch chuẩn bị giở trò. Các Chi Ðội báo động và tăng cường canh gác. Trời Kontum tối đen như mực, màn đêm lại rải xuống những cơn mưa phùn tê buốt thịt da, héo hắt lòng chinh nhân đang chong súng chờ giặc. Thời gian chầm chậm trôi như con kiến bò từ lổ chiếu môn đến đỉnh đầu ruồi, những con mắt chong vào đêm tối. Vừa qua khỏi nửa khuya, khắp nơi, hàng loạt tiếng nổ vang rền như phá tung màn đêm. Ðịch bắt đầu đợt tấn công mới. Qua hệ thống truyền tin, Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn nhận các báo cáo:
- Ðịch vào tới phi trường!
- Ðịch tấn công Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB trong thành Dak - Pha
- Ðịch tấn công hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh....
Nằm trong tầm quan sát của Thiết Kỵ, trong cái tĩnh lặng của màn đêm lạnh lẽo giăng giăng mưa lạnh, chợt mìn chiếu sáng và claymore đồng loạt nổ rực sáng về phía cánh Bravo, nơi bãi thả dù tiếp tế những ngày vừa qua. Bravo khai hỏa. Ðại bác và đại liên nổ rền một góc thành phố Kontum. Mìn chiếu sáng và hỏa châu rọi rõ khu vực giao tranh, soi rõ bước chuyển quân của địch khi địch bị hỏa lực khủng khiếp của chiến xa bắn giạt về phía Nam khu trường học, nhưng cuộc di quân trốn đạn của định vẫn bị hỏa lực cánh Bravo bám chặt và bị dồn ngược lại để sau cùng lui về bờ suối, vừa rút vừa bắn trả bằng đại liên, B40, 41 và cả AT3 nhưng không gây thiệt hại cho các chiến xa cánh Bravo, vì địch không nhìn ra vị trí các chiến xa. Hỏa lực địch dồn vào vách các căn nhà cháy phía sau lưng kháng tuyến của Bravo.
Hỏa châu đã thay mặt trời. Tiếng súng ngưng, chiến trường im lặng. Mặt trời lại từ từ bò lên thế hỏa châu. Tôi phóng ống dòm qua các vùng địch xâm nhập tấn công hồi đêm, xác địch nằm la liệt trên những gò đất, trên những bụi cây ngoài tuyến phòng thủ. Ðịnh bụng là sẽ xin lệnh Sư Ðoàn cho các đứa con bung ra truy kích và khai tác chiến quả, tôi chưa bốc máy thì bất ngờ Trung Tâm Hành Quân Sư Ðoàn gọi khẩn cấp:
- Toàn bộ gia đình Tài Lực rời vị trí, giao lại cho Bộ Binh. Chuẩn bị cải cách để giải tỏa áp lực địch trong thành Dak - Pha và tái chiếm lại phi trường Kontum!
- Tài Lực nhận rõ!
Lệnh ra, trong phút chốc, tất cả chiến xa lăn xích rời vị trí tiến ngược vào thành phố, rẽ trái tại đường Lê Lợi rồi đổi hướng Bắc để vào thành Dak-Pha. Tại khu nghĩa địa nhỏ trước cổng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, địch ẩn nấp trong các gò mả và giao tranh ác liệt với Trinh Sát Sư Ðoàn. Cách thành Dak - Pha khoảng 500m về phía Nam, có một khu vườn mít, tôi cho lệnh các chiến xa chui hết vào trong đó để ẩn nấp và quan sát mục tiêu.
Cổng thành Dak - Pha sập đổ nát nhưng bức tường thành phía Nam vẫn đứng nguyên sừng sững, phân chia trong và ngoài. Tôi nhìn đăm đăm vào tháp nước nơi khẩu 12 ly 8 của địch đặt trên nóc tháp tác xạ lên máy bay, tác xạ vào các cánh quân ta tiến vào trong thành. Không thể đi bằng cổng chính để làm mục tiêu cho địch tác xạ, tôi lệnh cho ba chiến xa dưới quyền:
- Chuẩn bị khoan tường để tiến vào thành!
- Nhận rõ!
Ngay tức khắc, ba chiếc M41 như ba con cua sắt dương càng húc vào tường. Rầm! Rầm Rầm! Tường vừa sập, chiến xa tràn vào, tác xạ liên tục vô cổng chính và các căn nhà sập gần tháp nước, nơi địch bắn ra. Vừa lọt vào bờ thành là các chiến xa đầu chạm địch dữ dội. Toàn bộ Chi Ðoàn vượt qua bức tường đổ. Ðịch có mặt khắp nơi, trong đống gạch vụn, sau bức vách đổ, sau nhưng ngôi nhà sụp, trong hầm, trong hố, sau gốc cây... Chỗ nào cũng có tiếng súng địch nhắm vào thiết giáp.
Bên cạnh, cuộc ác chiến từ hồi đêm còn đang diễn ra tại Bội Chỉ Huy Trung Ðoàn 44BB, nơi trước đó đã đặt Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn. Nhìn chung, địa thế rất khó điều động chiến xa. Tôi quyết định nhanh, chia gia đình ra từng phân đội, cứ hai chiến xa tiến theo một trục để yễm trợ và bảo vệ lẫn nhau. Trục tiến là đường đi giữa hai dãy nhà đổ nát, một chiếc chạy sát dãy bên phải, một chiếc chạy sát dãy bên trái, thận trọng tối đa khi tới ngả tư. Ðịch ẩn nấp trong những căn nhà đổ nát nên tất cả mọi loại vũ khí đều được đem ra sử dụng: Ðại bác phóng vào hầm địch, đại liên 50 và 30 dìm cứng địch trong vòng tử địa, lựu đạn được tung vào từng ô cửa sổ, từng góc nhà, từng lổ trống vách tường. Vũ khí chống chiến xa của địch bị vô hiệu vì khoảng cách hai bên quá gần. Trong trận quần thảo cận chiến sinh tử này, thế bám trận của địch bị vỡ và địch tháo chạy về hướng Bắc, để lại vô số cán binh bị chết và bị thương, một tổn thất nặng nề. Các đơn vị bộ binh của Trung Ðoàn 44 tức tốc tràn ra khỏi vị trí phòng thủ, và một trận phản công ác liệt diễn ra khắp nơi trong thành Dak- Pha.
Chi Ðoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong trận giải tỏa thành Dak – Pha, Chi Ðoàn bị hy sinh cũng không nhỏ, kể cả 5 sĩ quan và 3 chiến xa bị hư hại. Dù vết thương còn đang rướm máu, gia đình Tài Lực lại nhận tiếp lệnh của thượng cấp: Rời Dak – Pha, giao lại cho Bộ Binh, di chuyển gấp để giải tỏa phi trường. Xích sắt chiến xa lại nghiến đường bụi đỏ mà ào ào tiến lên, lại lao vào "gió cát" mà chừng như nghe đâu đó âm thanh của một thứ "hồn tử sĩ gió ù ù thổi" trong gió Kontum từ thành Dak – Pha thổi theo vết lăn của xích sắt...
* * *
Phi trường Kontum nằm về phía Ðông của thành phố và ở vị trí Ðông Nam thành Dak - Pha. Phi đạo chạy dài theo chiều Ðông - Tây. Phía Nam phi đạo, gần cổng ra vào có vài căn nhà dành cho hành khách Air Việt Nam và An Ninh Phi Trường. Phía Bắc phi đạo có một số ụ để máy bay. Cuối phi đạo và dọc theo hàng rào phi trường là những lô cốt bảo vệ phi trường. Phi trường là một trong những mục tiêu quan yếu mà Bắc quân phải tấn chiếm.
Tiếng khua động của xích sắt chiến xa không át được tiếng súng nổ vang mỗi lúc một rõ từ hướng hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Tôi mừng trong bụng là tiếng đại liên 50 vẫn còn nổ ròn rã, vì điều nay cho biết địch chưa chiếm được căn cứ Trung Ðoàn, dù có nhiều đám cháy trong doanh trại. Từ các ụ máy bay cuối phi đạo, địch đặt đại liên bắn vào Trung Ðoàn Thiết Giáp để yễm trợ cho bộ binh tấn công vào hậu cứ Thiết Giáp và khu vực Quân Tiếp Vụ gần thành Dak - Pha... Một vài lô cốt bị địch thổi sập, nhưng địch vẫn chưa lọt vào được.
Ðịch chưa vào được là hậu cứ Thiết Giáp chưa mất, lực lượng quân ta vẫn còn. Tôi lệnh cho phân đội chiến xa đầu bọc về phía Nam của hậu cứ Thiết Giáp, sau đó chuyển sang hướng Ðông rồi bố trí đợi lệnh. Tôi cần thời gian để quan sát, ước lượng ý đồ, khả năng và mục tiêu của địch... trước khi có kế hoạch tấn công. Ước lượng sai, hành động sai là tự sát. Ðịch đã ở trong vị thế đã dàn trận và tấn công. Tôi nghĩ đến cái câu của người xưa "biết mình biết địch, trăm trận trăm thắng." Thắng bại gì thì chưa biết, nhưng chỉ biết là yếu tố địch, khả năng địch, lực lượng địch, vũ khí địch... tôi chưa nắm hết, mà biết mình thì tôi biết khá rõ.
Mặc dù được bổ sung trên 10 sĩ quan sau trận ác chiến trong nghĩa địa và sửa chữa, bổ sung chiến xa, nhưng khi giải tỏa thành Dak - Pha, gia đình Tài Lực bị hy sinh nghiêm trọng một số sĩ quan ưu tú để bây giờ, đối chiến với Bắc quân đã chiếm phi trường và đang uy hiếp dữ dội hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh, Chi Ðoàn chỉ còn lại hai sĩ quan là Chi Ðoàn Trưởng và Thiếu úy Nguyễn Văn Tám. Các Chi Ðội, Phân Ðội chiến xa được trao quyền chỉ huy cho các Hạ Sĩ Quan Kỵ Binh kế quyền. Trong tình huống nguy khốn mà vết xích chiến xa chỉ có đường lăn tới, thầy trò chúng tôi đựa lưng nhau chiến đấu. Tôi gọi Tám:
- Nhiệm vụ của cậu là ở lại với 2 M113 và bảo vệ cho 3 chiến xa bị hư. Tất cả chiến xa còn lại và anh em Hạ Sĩ Quan gia đình Chi Ðoàn do tôi điều động. Nhiệm vụ phải hoàn thành trong bất cứ tình huống nào! Cậu nhận rõ?
- Rõ 5! Thẩm quyền!
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:46:29 GMT 9
Giọng Tám chắc và quyết liệt. Tôi họp tham mưu bỏ túi với tất cả anh em còn lại mà trong đó tôi là Chi Ðoàn trưởng, người sĩ quan duy nhất trong trận đánh sắp diễn ra. Tuy nhiên, tôi vô cùng tin tưởng những Hạ Sĩ Quan Thiết Kỵ can đảm và đầy kinh nghiệm của Chi Ðoàn. Theo lệnh tôi, tất cả chiến xa còn lại của Chi Ðoàn được chia làm 3 Phân Ðội:
- Phân đội 1 gồm 2 chiến xa, do Trung Sĩ Nhất Y – Ðê – Niê ( người Thượng) chỉ huy.
- Phân đội 2 gồm 2 chiến xa, do Thượng Sĩ Bảo chỉ huy.
- Phân đội chỉ huy gồm 3 chiến xa do tôi, Chi Ðoàn trưởng, trực tiếp chỉ huy.
Qua hệ thống âm thoại đặc biệt của gia đình Tài Lực, tôi gọi, 2 Phân Ðội và giao trách nhiệm:
- 1 tấn công địch ở ụ máy bay đầu. Phân Ðội Chỉ Huy trách nhiệm giữ cạnh sườn phải cho 1, sau khi 1 vào tới mục tiêu, Phân Ðội Chỉ Huy tấn công mục tiêu 2 ở ụ máy bay thứ hai. 2 bảo vệ phía Nam, và Ðông khi Phân Ðội Chỉ Huy chiếm mục tiêu thì 2 tức tốc tấn công mục tiêu 3 ở ụ máy bay thứ ba. Ngay sau đó, 1 rút ra bảo vệ cạnh sườn mặt Ðông cho 2. Tất cả 1,2 nhận rõ?
- 1, 2 nhận rõ 5! Thẩm quyền!
Xích sắt chiến xa bắt đầu lăn trên kế hoạch, sau lưng là bộ binh SÐ23 tùng thiết theo sát chiến xa. Bắc quân đang chỉa tất cả các loại vũ khí vào hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh, bất ngờ tiếng xích sắt vang sau lưng họ. Bắc quân ngỡ ngàng hoang mang trong tình huống này. Chỉ với 7 chiến xa mà Bắc quân đã chào đón vô cùng nồng nhiệt với pháo 130 ly, cối 120 ly, đại bác 75 ly không giật. Pháo địch bắn thành một hàng rào lửa cản chiến xa, lấy phi đạo làm ranh giới.
Ðể tránh bị ăn pháo, tôi lệnh cho phân đội 1 tác xạ và lao thẳng vào mục tiêu với tốc độâ nhanh tối đa, trong lúc đó, phân đội chỉ huy trải lưới lửa vào cạnh sườn địch từ từ ụ máy bay 1 đến ụ máy bay 2. Chiến xa phân đội 1 đã gặp sự chống trả mãnh liệt của địch với đại liên được đặt ngay trên bờ thành cùng với B40 và B41 tác xạ thẳng vào đội hình của phân đội, đồng thời pháo và đại bác 75 ly không giật của địch từ cuối phi đạo cũng đồng loạt trút đạn vào các chiến xa đang tấn công. Chiến xa vẫn tiến. Một trung đội bộ binh bám sát theo chiến xa. Mục tiêu địch càng lúc càng gần, và "Ầm! Ầm!" Ðại lên địch trên bờ thành ụ máy bay số 1 bị đại bác chiến xa bắn tung, chiến xa ủi mục tiêu và bộ binh tràn ngập liền sau đó. Tiếng hô "xung phong" muốn át cả tiếng đạn nổ vang trời.
Trận đánh càng lúc càng ác liệt và không kém phần hào hứng. Tinh thần chiến đấu tuyệt vời của Thiết Giáp và Bộ Binh SÐ23 thể hiện rõ ngay trên trận mạc máu lửa. Người trúng đạn nằm lại tại chỗ, còn khả năng bắn yễm trợ anh em cứ tiếp tục bắn. Người không bị đạn cứ tiếp tục xông vào phía trước. Chiến xa nào đứt xích thì nằm lại, tiếp tục tác xạ theo khả năng còn lại của mình, chiến xa nào còn nguyên cứ lăn xích xông tới. Cả 3 phân đội chiến xa và bộ binh quần thảo với địch đến xế chiều, từng ụ đại liên địch, từ ụ 75 ly không giật của địch... liên tục bị nổ tung và tràn ngập. Ðến chiều cùng ngày, Bắc quân bị đẩy sát hàng rào phía Ðông phi trường và sau đó bị quét sạch.
Súng im tiếng trên toàn phi trường và hậu cứ Trung Ðoàn Kỵ Binh. Khói từ những đám cháy còn phảng phất trong ánh chiều tà. Trận địa xơ xác, tiêu điều, những vị trí súng bị phá hủy, những thây người, những vết xích ngang dọc. Tôi cho chiến xa tiếp cận hàng rào phi trường về mặt Ðông, số tử thương của địch bỏ lại nơi này có hơn một tiểu đoàn.
Màn đêm kép sụp đến che kín dần những tang thương đổ nát của chiến trường. Công tác thu dọn chiến trường và tản thương xong, gia đình Tài Lực di chuyển về vị trí được chỉ định, và mắt vẫn chong vào bóng đêm vất vưởng âm hồn tử sỉ hai bên.
Lê Quang Vinh
Phụ chú liên hệ:
- Ngày 3/5/1972, TT Việt Nam Cộng Hòa bay lên Kontum, đáp trực thăng đến mặt trận thăm viếng và ủy lạo chiến sĩ. Mùi thuốc súng vẫn chưa tan trong thành phố. Cùng ngày, vị Tổng Tư Lệnh Quân Ðội đã gắn một sao lên cổ áo vị Ðại Tá Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Lý Tòng Bá, đồng thời cũng là tư lệnh chiến trường Kontum 1972. Cùng lúc, có quyết định thăng một cấp cho hầu hết các chiến binh tham dự mặt trận.
Chi Ðoàn Thiết Kỵ 1/8 đã là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho chiến thắng giải tỏa và cứu Kontum, từ ngày nhổ chốt Chu Pao đến lúc chiếm lại phi trường Kontum. Chi Ðoàn đã hy sinh cho chiến thắng này:
- 68 kỵ binh mũ đen, trong đó có 18 sĩ quan. - Trên 300 bị thương - 2 chiến xa M41 bị phá hủy. - 10 chiến xa bị hư hại nặng.
Ðổi lại về phía địch:
- Trên 10 chiến xa T54 bị bắn cháy. - Bắt sống một T54 còn nguyên vẹn. - Hơn một ngàn chết bỏ xác tại trận địa, số tử thương và bị thương được đồng đội mang theo không rõ.
Chi Ðoàn, với những tổn thất nặng nề như trên nhưng lúc nào cũng còn khả năng tác chiến và hoàn thành nhiệm vụ trong khói lửa, một phần nhờ lòng ưu ái của Ðại tá Nguyễn Xuân Hường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8 Kỵ Binh Thiết Giáp. Gần như Ðại tá Hường đã vét cạn nhân lực của hai Chi Ðoàn 2/8 và 3/8 để bổ sung cho 1/8 sau những trận giao tranh nặng nề. Ðiều này được thể hiện rõ trong trận giải tỏa phi trường Kontum và hậu cứ Trung Ðoàn 14 Kỵ Binh. Khi trực thăng còn đang đáp xuống sân vận động để di tản thương binh cũng là lúc những sĩ quan và binh sĩ Kỵ Binh Thiết Giáp đổ xuống từ trực thăng để tăng cường, bổ sung cho gia đình 1/8 kịp lúc cho những trận đánh kế tiếp. Chính vì thế, toàn thể Kỵ Binh Thiết Giáp, nhất là Chi Ðoàn 1/8, đã rất kính mến người anh cả Kỵ Binh Ðại tá Nguyễn Xuân Hường.
Sau khi Kontum được giải tỏa, Chi Ðoàn 1/8 vẫn lại là đơn vị Thiết Kỵ duy nhất ở lại Kontum chứ không được thay thế để dưỡng quân, để rồi vài tháng sau đó, 1/8 Thiết kỵ lại cùng Bộ Binh SÐ23 lại quần thảo với Bắc quân trong một trận dạ chiến ác liệt để tái chiếm căn cứ hỏa lực Non Nước gần Ngô Trang nằm về hướng Tây Bắc Kontum, đánh bật 2 tiểu đoàn địch ra khỏi vị trí đóng chốt, cứu nguy cho Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 53 và toán cố vấn Mỹ.
Khi căn cứ hỏa lực Non Nước lọt lại vào tay ta, Trung tá cố vấn trưởng Trung Ðoàn đã nói trước mọi người:
- Ðây là đơn vị chiến xa tuyệt vời mà lần đầu tiên trong đời binh nghiệp tôi mới chứng kiến trong trận đánh!
Cũng sau đó, chính ông đã đề nghị cấp huy chương "anh dũng bội tinh/silver star " của Hoa Kỳ cho Chi Ðoàn Truởng 1/8 Thiết Kỵ Lê Quang Vinh.
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:48:05 GMT 9
Người Lính Chưa Qua Sông Nguyễn Phúc Sông Hương Tiểu Ðoàn Trưởng. Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Tù cải tạo. Hiện sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
--------------------------------------------------------------------------------
Trích Tuyển tập "Những Trận Ðánh Không Tên Trong Quân Sử" sẽ ra mắt tại Nam Cali ngày 08/02/2003 và Bắc Cali ngày 15/02/2003. Sách dày 420 trang bìa 4 màu, gồm 21 tác giả với 34 truyện/ký. Giá bán mỗi cuốn 25US ; sẽ trích ra 5US/cuốn để giúp đỡ anh em TPB/VNCH. Liên lạc: nsvietnam@yahoo.com . * * *
(Cho cháu Trúc Vy khi cháu khôn lớn để cháu hiểu và thương ngày xưa của ông ngoại)
Ngày thứ mười hai của trận chiến, từ khi lên Bộ Tư Lệnh họp và nhận lệnh trở về, Tiểu Ðoàn Trưởng luôn trầm tư. Nhiều lần Tiểu Ðoàn Trưởng nhìn Tiểu Ðoàn Phó như muốn nói gì đó nhưng rồi lại lắc đầu, yên lặng. Qua vô tuyến, các đại đội báo cáo vẫn tiếp tục hoạt động lục soát trong khu vực trách nhiệm và tìm thấy rất nhiều xác lính CS và các loại vũ khí của họ trong rừng cao su hướng Tây Nam thị xã. Tiểu Ðoàn Trưởng cho lệnh các Ðại đội trưởng: "không cần thiết phải thu lượm chiến lợi phẩm." Ðến sáu giờ chiều, Tiểu Ðoàn trưởng họp các đại đội trưởng cho lệnh chuẩn bị di chuyển lúc sáu giờ ba muơi phút. Im lặng vô tuyến kể từ giờ phút này. Bảy giờ kém mười lăm, khi Tiểu Ðoàn vừa đến điểm tập trung tại ngã ba Tân Phong sát quận đường Xuân Lộc, Tiểu Ðoàn Phó và các đại đội trưởng mới biết lệnh bỏ Xuân Lộc. Mọi người tái mặt nhưng không ai nói gì. Tiểu Ðoàn Truởng nhìn sâu vào mắt Tiểu Ðoàn Phó Nguyễn Mạnh Tông như muốn san sẻ nổi buồn và sự lo lắng của bạn mình. Nguyễn Mạnh Tông có vợ và mẹ vợ đang ở Xuân Lộc. Bây giờ quân rút, số phận người thân ở lại sẽ ra sao khi quân lính CS tràn vào phòng tuyến trống nội ngày mai. Nguyễn Mạnh Tông nhìn Tiểu Ðoàn Trưởng gật đầu và nói trong xúc động: - Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn rất nhiều gia đình vợ con binh sĩ Sư Ðoàn phải chịu ở lại. Buồn và lo thật nhưng đành chịu. Nếu Thiếu Tá có cho tôi biết trước, tôi cũng sẽ không về từ biệt gia đình. Mọi người ai cũng biết đến bài học rút quân đầy cay đắng của quân dân vùng Cao nguyên vừa mới tháng trước đây thôi. Gia đình kéo theo, lính không còn lòng dạ nào để chiến đấu...
Rút bỏ Xuân Lộc theo tình hình biến chuyển của chiến trường, và tình hình chung của đất nước, nhưng dù sao đi nữa, lòng người lính Sư Ðoàn cũng vô cùng đau xót khi phải bỏ vùng đất nhà quen thuộc. Và còn nữa: sự liên hệ mật thiết với người ở lại, ra đi chẳng khác gì ruột cắt làm đôi. Ðêm đó trên đường hành quân, anh em binh sĩ nhận ra được Tư Lệnh Sư đoàn kiêm Tư lệnh mặt trận Xuân Lộc, Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, cùng di chuyển đường bộ với họ... Tại sao Tư Lệnh không xử dụng trực thăng riêng của ông? Buổi trưa họp ở BTL, Tiểu Ðoàn Trưởng nhận thấy Tư Lệnh không được khoẻ, gương mặt hốc hác với đôi mắt sâu và thâm quần của một người mất ngủ. Thế mà đêm nay rút quân ông lại không xử dụng trực thăng riêng của mình để được khoẻ thân và an toàn như nhiều cấp Tướng lãnh chỉ huy khác? Thêm một lần nữa, vị Tướng trẻ chứng tỏ tinh thần sát cánh chiến đấu cùng với thuộc cấp, trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những giờ phút sinh tử. Với một cấp chỉ huy như vậy thì anh em binh sĩ làm sao mà không hăng say chiến đấu... Nhìn lại, ba năm giữ chức vụ Tiểu Ðoàn Trưởng dưới quyền ông, vỏn vẹn chỉ có ba chai Martel mình tặng ông trong dịp Tết. Ðáp lại khi Tiểu đoàn về trú đóng gần bộ Tư Lệnh Sư đoàn, ông đã ưu ái tổ chức tiệc, dạ vũ cho tất cả sĩ quan Tiểu đoàn và chính ông cùng tham dự, lên sân khấu đàn và hát cho anh em binh sĩ nghe.
Sư đoàn 18 rút khỏi Xuân Lộc, xe tăng và bộ binh càn qua chốt địch chận trên đường 22 mà đi, về đến Bình Giả vào sáng hôm sau gần như toàn vẹn. Chỉ riêng anh em chiến sĩ Lữ Ðoàn Dù tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc rút sau, trách nhiệm đoạn hậu nặng nề đã chạm súng với quân CS bám theo. Trở về căn cứ Long Bình vài ngày để bổ sung vũ khí. Ngày 25 tháng Tư, Tiểu đoàn theo Trung đoàn lên lập phòng tuyến tại vùng Trãng Bom, ranh giới Biên Hòa, Long khánh. Cùng với một Chi đoàn M113 thuộc Thiết Ðoàn 5 do Ðại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, Tiểu đoàn dàn quân bên này hào sâu cắt ngang Quốc Lộ 1. Quân số Tiểu Ðoàn sau trận Xuân Lộc còn lại trên 300. Một điều khiến các cấp chỉ huy Tiểu đoàn rất vui là không một người lính nào đào ngủ dù mấy ngày ở Long Bình, Biên Hòa, nơi anh em có nhiều cơ hội để bỏ về Sài Gòn, nơi có gia đình đang trông đợi. Tất cả anh em không đành lòng bỏ lại bạn bè, cấp chỉ huy, tất cả cùng chấp nhận đồng lao cộng khổ cho đến giờ phút cuối cùng. Sáng ngày 27 tháng Tư, xe tăng địch bò đến phía bên kia phòng tuyến. Hai chiếc M41 của Thiết Ðoàn 5 nguỵ trang chực sẳn bắn đại bác 90 ly trúng một tăng địch. Nhưng, từ hai mặt phải trái cách quốc lộ 1 khoảng trên 100 mét, cùng một lúc lính bộ binh và xe tăng địch xuất hiện. Thì ra lực lượng địch biết không thể băng qua hào sâu nên len lỏi trong rừng, bọc vòng tạo thành thế gọng kềm để kẹp chặt Trung đoàn 48. Qua vô tuyến, lúc đó mới biết rằng Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn và Tiểu Ðoàn 1 đóng trong đồn điền cao su Trãng Bom đã rút về hướng Nam từ lúc tờ mờ sáng. Như vậy tại tuyến đầu chỉ còn lại Tiểu đoàn 3 và một Chi Ðoàn M113 trong lúc xe tăng và bộ binh địch ào ào tràn ra từ ba hướng. Sau lưng không còn lực để dựa thì còn đánh đấm gì được nữa!.Nếu không nhanh chân thì chắc chắn sẽ bị quân CS bao vây cắt đường rút và diệt gọn. Tiểu Ðoàn Trưởng lệnh cho các đứa em phân tán, rút nhanh ra đường. Tội nghiệp chi đoàn M113 của Ðại úy Sơn phải tức tốc phân tán để đón những người bạn bộ binh trong lúc tăng địch bắn phá dữ dội. Nếu thiếu tinh thần chiến đấu và đồng đội thì anh em thiết giáp đã bỏ bạn bè bộ binh, vì thật ra M113 đâu phải là đối thủ của tăng T54 CS. Ngay cả M41 của mình cũng đã quá già nua yếu ớt đối với T54. Nhưng nếu M113 mà bỏ chạy thì đâu còn là chiến sĩ Thiết Giáp Quân lực VNCH. Hơn nữa, Tiểu đoàn 3/48 với Chi đoàn 3 Thiết Ðoàn 5 đã quá quen biết giao tình qua bao cuộc hành quân chung khắp vùng 3 chiến thuật và bên kia biên giới Campuchea trong năm 1970. Chi đoàn M113 của Ðại úy Sơn vốn đã quen địa hình nên sau khi đã gom được bộ binh liền rút rất nhanh. T54 địch đuổi theo, nhưng không làm được gì. Ðây thật sự là một cuộc rút chạy. Ðáng buồn thật. Ðáng buồn vì phải bỏ lại hai chiếc M41 anh hùng ở tuyến đầu, đáng buồn vì đơn vị chưa nổ một phát súng đã tìm đường thoát thân. Nhớ lại đêm nào ở mặt trận Bến Cát Bình Dương năm 1973, lính Tiểu Ðoàn đuổi tăng địch, bắn cháy tăng địch, và mới hai tuần trước đây thôi lúc còn ở mặt trận Xuân Lộc, tăng địch là miếng mồi ngon cho M72. Ðáng buồn khi nghĩ đến anh em chiến sĩ Ðịa Phương quân ở căn cứ Bầu Cá chiến đấu trong tuyệt vọng. Tội nghiệp cho những chiến sĩ và gia đình con bị bỏ lại trong căn cứ Bầu Cá nhỏ bé, cô đơn. Ngày 28 tháng tư, Tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Nô, Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Ðoàn 5 làm tuyến án ngữ mặt bắc căn cứ Long Bình. Ngày hôm đó, chỉ có tăng của hai bên bắn nhau, còn bộ binh ngồi chơi, la hét cổ vỏ mỗi lần tăng địch bị trúng đại bác 90 ly của M41. Lúc này mà có M48 lâm trận thì T54 của địch chắc phải cháy như cây đuốc nhiều hơn nữa. Từ đồi cao nhìn xuống Quốc lộ, người lính Sư đoàn hết sức khâm phục những người bạn Nghĩa quân Hố Nai, chỉ với súng carbin và M16 trong tay cũng bố trí chận đánh bộ binh địch nếu địch dám xâm phạm vào vùng đất xóm làng thân thương của họ. Ngày 29 tháng tư, lúc 5 giờ chiều, Tư Lệnh gọi Trung Tá Thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 5 và Tiểu đoàn trưởng 3/48 đến BTL trong căn cứ Long Bình để họp cùng Tướng lê Minh Ðảo, Trung Tá Nguyễn Văn Nô và Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/48. Khi đang họp thì chuông điện thoại reo vang . Tướng tư Lệnh nhấc ống nghe. Một phút sau ông bỏ máy với vẻ chán nản và nói: - Tổng Thống Dương Văn Minh hỏi chúng ta có giữ được Long Bình Biên Hòa để chờ thương thuyết không? Ông nhìn thẳng hai thuộc cấp rồi chậm rải từng tiếng một: - Phải giữ bằng mọi giá, đây là vòng đai cuối cùng để bảo vệ Sài Gòn! Ông nhướng đôi mắt sáng lên: - Thiết Ðoàn của Trung Tá Nô chưa suy xuyển bao nhiêu phải không? Còn em, quân số Tiểu đoàn còn được bao nhiêu ? - Thưa Thiếu Tướng, còn đủ, chưa mất mát người nào từ khi rời khỏi Xuân Lộc! Nhìn hai anh em chúng tôi, Thiếu Tướng nói với giọng cương quyết: - Các em phải chiến đấu toàn lực, không được để mất thêm một tấc đất nào!
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:49:29 GMT 9
Trên tấm bản đồ hành quân vùng 3 Chiến thuật, đầy ký hiệu màu đỏ chỉ các đại đơn vị địch: Quân đoàn 1 từ hướng Bắc theo QL 13, QÐ2 và 4 từ hướng Ðông Bắc đang áp sát Biên Hòa, QÐ 3 từ Tây Bắc theo QL 1 gần Củ Chi, các Sư đoàn, Trung đoàn, tổng cộng gần 16 Sư đoàn quân CS với những mũi tên đỏ cùng chỉ hướng Sài Gòn. Trung Tá Nô lắc đầu khi nhìn khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ và lo âu của vị Tư Lệnh. Mình cũng vậy thôi phải không Trung Tá, nhưng dù sao thì chúng ta ngày quần thảo với địch quá mỏi mệt, đêm nằm xuống đầu không kịp suy nghĩ đã bị hơi đất xông lên kéo giấc ngủ đến rất mau. Những giấc ngủ mệt nhưng có còn hơn không. Tư Lệnh thì chắc không ngủ được bởi cái đầu chứa đầy hình ảnh những mũi tên đỏ chỉ về Thủ đô. Ngày mai sẽ có giải pháp, Tổng Thống Dương Văn Minh vừa nói như vậy. Giải pháp như thế nào. Giải pháp gì khi chúng ta đang ở trong thế yếu? Nhượng bộ và nhượng bộ mà thôi. Lời nói của Tổng Thống khi ông nhậm chức ngày hôm kia rỏ ràng đã tỏ ra quá nhiều nhân nhượng và sợ hải kẻ thù, làm mất tinh thần toàn quân. Ông dùng hai chữ "anh em" để chỉ kẻ xâm lược như một đòn tình cảm, nhưng chắc chắn ông chẳng bao giờ được phe bên kia đáp ứng trong "tinh thần anh em" đó. Khoảng 11 giờ đêm 29 tháng Tư, đài phát thanh Sài Gòn phát lời huấn lệnh của Tướng ba sao Vĩnh Lộc, quyền Tổng Tham Mưu trưởng QLVNCH: - Các cùi cố gắng giúp Tổng Thống hoàn thành nhiệm vụ lịch sử! Có phải chăng đây là lời giả biệt của vị Tướng ba sao? Linh cảm cho anh em chiến sĩ biết rằng lại thêm một cấp chỉ huy cao cấp đào ngủ, bỏ nước ra đi. Có một chút gì cay đắng, buồn bực và khinh thường trong lòng những người chiến binh. Không! Chúng tôi không bỏ hàng ngủ! Vẫn còn những người lính Bộ Binh và Thiết Giáp đầy gian khổ nguy nan này, vẫn còn rất nhiều đơn vị trên các trận tuyến chung quanh Thủ đô yêu quý. Sư đoàn 5 ở Lai Khê của Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Sư Ðoàn 25 ở Củ Chi của Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá, và hàng hàng lớp lớp chiến sĩ anh hùng các đại đơn vị Tổng trừ bị Dù, Thủy Quân Lục chiến, Biệt Ðộng Quân. Những cánh chim đại bàng của không quân VNCH vẫn còn bay, những hạm đội của Hải quân vẫn còn trên sông ngòi, mặt biển Tổ quốc.
Ðêm đó, pháo địch từ mọi hướng rót xuống Long Bình như không ngừng nghỉ. Khoảng 3 giờ sáng toàn thể các đơn vị được lệnh rút khỏi Long Bình kéo về bờ Nam sông Ðồng Nai làm phòng tuyến. Lúc qua thành phố Biên Hòa, thật ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều xe tăng tối tân M48 bố trí khắp nơi trong thành phố. M48 nằm đây để chờ T54 của địch vào thành phố rồi mới nổ súng hay sao ? Biết còn có cơ hội nổ súng hay không? Sao Tư Lệnh Quân đoàn Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn không tăng cường M48 cho chiến tuyến Trãng Bom mà giao trách nhiệm nặng nề cho những chiếc 41 có từ Ðệ Nhị thế chiến? Tiểu đoàn Trưởng nuốt nước bọt đắng khô cổ nhưng nước mắt thì như muốn ứa ra đầy uất ức. Người ta quý những chiếc tăng 48 này hơn những mạng người. Một chiếc tăng M48 giá mấy triệu Mỹ kim trong lúc giá một người lính bằng 12 tháng tiền tử tuất. Thôi đi, đừng suy nghĩ vẩn vơ, ngươi chỉ là một sĩ quan chỉ huy nhỏ, cầm Tiểu đoàn còn chưa xong, biết gì mà vội trách móc các cấp chỉ huy cao cấp của mình! Ngày 30 tháng Tư lúc trời vừa hừng sáng, đơn vị vừa xuống xe đang bố trí gần khu Nghĩa trang Biên Hòa thì quân CS với xe tăng treo cờ MTGP dẩn đầu đoàn Molotova theo xa lộ hướng về Sài Gòn. Họ đi một cách ngang nhiên như đoàn xe diễn hành. Mấy chiếc tăng dẩn đầu, thỉnh thoảng còn nổ súng bắn vu vơ vào hai bên đường, còn bộ binh trên xe Molotova vẫn ngồi yên. Hỏa lực từ vài chiếc M113 trên đồi Nghĩa trang bắn theo nhưng đoàn xe CS vẫn tiếp tục theo hướng đã định. Lúc này thì Bộ Binh đã tách rời Thiết Giáp. Không biết Thiết Ðoàn 5 sau đó về đâu, còn Bộ Binh gồm Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 48 với Trung đoàn trưởng Trung Tá Nguyễn Chí Công và toàn bộ Tiểu đoàn 3 cùng băng đồng tìm cách về Sài Gòn. Trung Ðoàn phó là Trung Tá Khôi đi cùng Tiểu đoàn 1/48 cũng trực chỉ hướng Thủ Ðô. Người lính lúc này sốt ruột lắm. Phải di chuyển cho nhanh về tiếp tay với các lực lượng bạn ở Sài Gòn để giữ cho được Thủ đô yêu quý của người miền Nam. VC từ trong các làng, sau các lùm tre bắn đuổi theo, anh em cũng không cần bắn trả lại. Thỉnh thoảng nghe những tiếng nổ lớn từ hướng Sài Gòn, và nhìn những cụm khói đen bốc cao từ lòng Thủ đô, bước chân người lính như muốn bốc lên khỏi những cánh đồng đất bùn đang làm chậm bước. Thấy lính Sư Ðoàn, anh em Ðịa Phương Quân bỏ đồn bót, xách súng đạn chạy theo để cùng về Sài Gòn chiến đấu. Ðồn bót làm gì nữa khi Sài Gòn sắp mất. Nhưng!!!... Lúc đó khoảng mười giờ, cái thời gian lạ hoắc và đáng nguyền rủa. Bàng hoàng, sửng sốt, tuyệt vọng bỗng ào đến giữ chặt cứng những bước chân, làm mắt hoa lên và tim như nghẹt thở khi tiếng nói của một người xa lạ vang lên từ chiếc radio nhỏ người lính mang theo bên mình. Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, ông là ai? Chắc ông không phải là Nguyễn Hữu Hạnh, con cọp Ba Ðầu Rằng nổi tiếng, từng khiến Cộng Sản kinh sợ ở Biệt Khu 41 Phước Bình Thành? Nguyễn Hữu Hạnh này là Nguyễn Hữu Hạnh xa lạ vừa được Tổng Thống hai ngày phong chức Tham Mưu trưởng QLVNCH. Chúng tôi nghi ngờ ông không phải là một vị Tướng lãnh của QLVNCH, bởi vì nếu thật ông là Tuớng từng cầm quân trận mạc thì chắc ông đã không quên ý chí kiêu hùng của người lính VNCH. Chúng tôi, những con xe đã ủi hết cuộc đời, những con tốt đã liều lĩnh qua sông, những con mã chạy không kịp thở, những con pháo tự nổ tung xác để làm gì trong bao nhiêu năm tháng qua, để bây giờ phải lắng nghe, tuân thủ cái lệnh buông súng đầu hàng nhục nhã!? Quý vị không thấy nhưng chúng tôi thấy những bạn bè đã hy sinh đang sống lại, khóc lóc và nguyền rủa... Ngay cả những oan hồn người lính CS chết trên đường vào Nam cũng đang cười vào đầu óc ngây thơ của quý vị đang ngồi trong dinh Ðộc Lập, trong bộ Tổng Tham Mưu!! Ðầu hàng! Thật quá dể. Chúng tôi có thể làm được điều đó ngoài mặt trận, nhưng những người lính trực diện vơi súng đạn đã không làm vì còn danh dự, trách nhiệm đối với Quân Lực và Tổ Quốc. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày QLVNCH phải đầu hàng. Thực tế tại các chiến trường trong nhiều năm chiến đấu đã cho chúng tôi niềm tin rằng QLVNCH mạnh hơn quân CS Bắc Việt trên mọi mặt. Chúng ta yếu kém hơn họ trên mặt trận tuyên truyền láo khoét mà thôi. Chao ơi, nào ai muốn chiến tranh huynh đệ tương tàn. Nhưng có ai nhận chúng ta là huynh đệ không? Và họ có nghĩ gì đến tổ quốc Việt Nam hay là chỉ phục vụ cho tổ quốc Cộng sản bạo tàn? Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta chỉ là kẻ tự vệ. Kẻ tự vệ bao giờ cũng sáng ngời lý tưởng, huống gì lý tưởng chiến đấu của chúng ta là hai chữ Tự Do. Này, các "người anh em", hãy đến đây nhận lấy vũ khí, rồi trả thù, hành hạ, đánh đập, tù ngục chúng tôi. Khi buông súng là mặc nhiên chấp nhận tất cả. Và để rồi xem ý nghĩa hai chữ "anh em" mà thượng cấp chúng tôi dùng sẽ như thế nào! Anh em đồng đội của tôi ơi, cho đến giờ phút này, tuy lòng đau đớn nhưng chúng ta thật bình thản, không hề mảy may sợ hãi, bởi vì chúng ta đã cầm súng để tự bảo vệ mình. Chúng ta chiến đấu trong tinh thần dân tộc máu đỏ, da vàng, không thẹn với lương tâm bởi tinh thần mã thượng và nhân đạo của con nguời đối với con người nơi trận tuyến. Chúng ta quý mạng sống kẻ thù như mạng sống của mình. Chưa, chưa bao giờ chúng ta nhẫn tâm ném một trái lựu đạn xuống hầm VC vì tiếng khóc của bà mẹ, của người vợ van xin cho đứa con, cho người chồng lầm đường. Chưa bao giờ chúng ta căm thù, hành hạ kẻ vừa bắn ngã đồng đội anh em mình bởi vì chúng ta hiểu đó là quy luật của chiến trường. Những người lính hai bên ai cũng muốn mình chiến thắng. Người lính miền Nam chúng ta nổ súng không có thù hận đem theo. Và đó cũng là một nguyên nhân mà chúng ta thành kẻ chiến bại ngày hôm nay.
* * *
Lúc này là 11 giờ 30, mặt trời và mặt đất như chưa bao giờ biết nhau như những người lính chưa bao giờ phải buông súng đầu hàng. Gần ba trăm tay súng, bỗng chốc tự mình làm cho mình còn lại tay không. Tay không trong hiện tại đớn đau và tay không trong tương lai khốn cùng. Ba trăm con người sắp hàng bước đi trước họng súng của mười du kích CS. Có lẻ trong giây phút này đây quý vị trong Dinh Tổng Thống cũng không hơn gì chúng tôi. Nơi đây, những du kích này còn lo sợ chúng tôi phản ứng còn quý vị thì đang ngoan ngoãn vâng lời dạ thưa tôi xin bàn giao, tôi xin đầu hàng. Trong Dinh tổng Thống không có mẹ già khóc, không có những em nhỏ nhìn theo mến thương, trước đám đông, nhiều đồng bào còn hoan hô các anh chiến sĩ QLVNCH. Ðây là đồng bào thuộc xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Ðức, những con dân miền Nam nhân ái , yêu chuộng tự do. Họ đang đứng thành hàng hai bên đường, không phải để đón tiếp kẻ cầm vũ khí trong tay mà đón tiếp những người vừa bị lột trần giày, nón. Những nụ cười rất quen thuộc, thân thương mà kẻ chiến thắng cũng như quý vị cao chạy xa bay, đầu hàng không bao giờ được trao tặng. Cởi dày, cởi áo phải chăng là khúc cuối của vở bi kịch? Phải, chính là bi kịch, nhưng đoạn cuối thì chưa đến. Vì là bi kịch nên cha, mẹ, anh chị, em đứng hai bên đường rơi nước mắt. Tất cả mọi người đều sợ chiến tranh, giờ đây chiến tranh đã chấm dứt mà sao đồng bào nơi đây không cảm thấy có niềm vui. Phải chăng khi đã thật sự thấy tận mắt những gương mặt hốc hác, những nụ cười không lành lặn, trọn vẹn, những áo bạc màu rách vai, những đôi dày vẹt đế đầy bùn đất... đồng bào mới hiểu được có những chịu đựng tận cùng của con người nơi các chiến sĩ miền Nam của họ. Và chính đó là tình thương chân thật . Mừng cho các con còn sống! Mừng cho các anh yên lành! Chúng con nghe mẹ nói, muốn cầm tay mẹ và thì thầm mẹ ơi, chúng con đang chết từ giây phút này, một cái chết dưới thấp hơn tất cả cái chết trên đời thưa mẹ. Các anh muốn nói với em rằng có những vết thương đang hằn sâu, sâu hơn những vết thương các anh nhận từ chiến trận .
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:50:18 GMT 9
Một tên xã đội trưởng du kích hỏi: - Ai là cấp chỉ huy ở đây? Mọi người chờ đợi. Tiểu Ðoàn Trưởng trả lời: - Tôi! - Anh tập họp tất cả binh lính! Xã đội trưởng nói, giọng không được tự chủ khi đối diện với mấy trăm con người mắt nhìn hắn như trêu ghẹo... Lúc đó trong sân chùa Long Thạnh Mỹ, những người lính ngồi bệt xuống đất, cởi những chiếc vớ nhà binh rồi đưa lên mũi ngửi, mỉm cười nhìn nhau. Phải không bạn, chúng mình mang những đôi vớ này đã mấy ngày từ hôm rút khỏi Trãng Bom mà không có thì giờ để thay chiếc khác. Cởi những đôi vớ ra, bàn chân thật thoải mái nhưng tâm hồn sao lại u uất. Mùi hôi của vớ không nặng bằng mùi phiền muộn. Khi thấy anh em binh sĩ cởi giày, nhiều bà con chạy về nhà lấy dép ra cho. Lính và dân trao đổi giày nhà binh và dép nhẹ với những nụ cười như muốn nói với nhau: "Cám ơn em đã cho anh đôi dép, đôi dép khiến đôi bàn chân anh nhẹ nhàng. Cám ơn anh đã nhường cho em đôi giày lính, đôi giày này sẽ tiện lợi cho em trong những tháng ngày tương lai." Thấy đồng bào vui mừng khi nhận đôi bốt mòn đế, người lính ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu. Phải, chính từ giờ phút này đây, những cuộc đời sẽ thay đổi, những khốn khó đang chực chờ. Tội nghiệp các em đang độ tuổi lớn khôn, chỉ mới ngày đầu mà đã thấy ra con đường tương lai đen tối! Khoảng hai giờ chiều thì đồng bào đem thức ăn đến sân chùa Long Thạnh Mỹ. - Các con ăn cơm cho đở đói! - Các chú ăn cho thật no nghe!. - Các anh cứ tự nhiên như ăn cơm của mình!Ðồng bào trong xã mời các anh, thương các anh lắm! Ðã lâu lắm rồi, đây là bữa cơm thịnh soạn nhất mà người lính chiến đấu được hưởng. Cơm gạo trắng, thịt heo kho măng thơm phức. Nhiều đồng bào đứng xem lính ăn, cười mãn nguyện. - "Trưa nay ăn thịt kho, chiều nay ăn cá lóc kho nghe các con!" Mẹ nói. - "Ra giếng chùa tắm cho mát rồi đi nghĩ cho khoẻ nghe các con!" Cha bảo. Tội nghiệp vị sư già gần 70 tuổi, không quen mùi thức ăn sinh vật, nhưng cũng đi từ nhóm này đến nhóm khác thăm hỏi như là một người cha sau bao ngày xa xách con mình. Hầu hết anh em binh sĩ đều ăn uống tự nhiên, rất ngon lành. Những sĩ quan chỉ huy thì không bình yên như vậy. Có người không nuốt nổi vì nước mắt lưng tròng. Khóc vì tủi nhục và cũng vì sung sướng. Nếu chiến đấu không có lý tưởng, không vì tự do hạnh phúc của dân tộc thì sao có được bữa cơm đầy tình nghĩa đáp đền hôm nay. Buổi chiều sân chùa vắng lặng vì anh em binh sĩ vào chơi trong làng. Trung Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn Trưởng và vài sĩ quan ở lại nghe vị sư già nói chuyện. Trước đây, sư đã từng có chức vụ trong ủyban kháng chiến Liên khu 5 ở miền Trung, nhưng sư bỏ trốn vào Nam khi nhận rõ bản chất của người CS. Sư nói: - Quân Ðội miền Nam có lý tưởng nhưng không tinh nhuần lý tưởng, lại thiếu khôn ngoan xảo quyệt, nhân nghĩa giả như Cộng Sản. Khi được hỏi về tương lai của miền Nam thì vị sư lắc đầu: - Thầy e rằng rồi đây ngay những chiếc áo tu nâu sồng nghèo khó cũng khó được mặc! Ðôi mắt vị sư buồn nhìn về xa xôi: - Từ khi cuộc chiến bùng nổ lớn, mất miền Trung, đồng bào hàng hàng lớp lớp chết vì chạy giặc, kinh kệ không vào trong đầu óc thầy nữa! Ðôi mắt sư nhìn sâu vào mắt mọi người với tiếng thở dài. Giọng một người run run: -- Vì đau khổ của chúng sanh mà tâm thầy không an, đôi mắt thầy hướng ra ngoài cửa Phật, còn chúng con hôm nay có được giây phút an lạc hiếm hoi trong cuộc đời. Chỉ sợ mai đây khi bước ra khỏi bóng chùa... Sư chắp tay hướng lên bàn thờ Phật: - Mô Phật! Bây giờ thì mọi chuyện đã xong, chỉ mong rằng họ sẽ khôn ngoan giải quyết trong tình nghĩa huynh đệ, đồng bào ruột thịt thì mới mong oán oán không chất chồng! Lời Sư trầm hẳn xuống: - Các con rồi đây phải cố gắng nhẩn nhục chịu đựng, chấp nhận tất cả. Thầy tin rằng đồng bào mình không ai không thương các con. Hãy tạm quên lý tưởng mà luôn luôn nghĩ đến sự tồn tại thực tế của gia đình mình! Khi nghe Sư hỏi thăm gia cảnh mình, tự nhiên mọi người đều ứa nước mắt. Nước mắt sư cũng ứa ra. Vì thương nhớ quê nhà, lo âu cho đạo pháp hay biết trước số phận sắp tới của những con người còn trẻ đang quây quần trước mặt mà thầy khóc? Có lúc nào đó, lòng chợt nhớ đến mẹ. Không biết mẹ còn ở Huế hay lạc bước đến phương nào từ khi Huế mất. - Ðêm nay thầy không thỉnh kinh, các con vào chánh điện mà nghỉ! Sư nói, rồi nhẹ nhàng đứng dậy. Anh em cũng đứng dậy chào người. Sư bước đi, dáng gầy xiêu xiêu. Màu nắng chiều tháng Tư nhạt nhòa trên vai áo nâu sồng, màu nắng loang lổ trên bậc thềm chùa như những mảnh vá của tâm hồn những người tạm nương nhờ cửa Phật đêm nay. Buổi tối anh em binh sĩ về sân chùa đầy đủ. Dưới ánh trăng mờ mọi người nằm la liệt, có người ngủ say bất động như xác chết. Một vài tiếng ho, ú ớ từ đâu đó vang lên. Không ngủ được, Nguyễn Mạnh Tông ngồi dậy nói : - Anh Ba ơi, anh em mình đi một vòng trong sân thử xem!* Trần Văn Minh ÐÐT Ðại Ðội Chỉ huy, nghe nói cũng ngồi dậy: - Em đi với anh Ba và anh Tư! Tông hỏi: - Có cần đếm thử xem anh em còn đủ không? - Thôi khỏi cần. Chắc không có anh em nào bỏ đi đâu! Tiểu Ðoàn Trưởng nghĩ thầm: "Anh em ai bỏ đi lúc này cũng được nhưng chắc không ai nỡ, anh em biết rằng nếu có người bỏ đi thì ngày mai các sĩ quan chỉ huy sẽ bị làm khó dể. Anh em ở lại để tỏ rỏ tình huynh đệ và tính kỷ luật của đơn vị một lần cuối. Cám ơn các em. Chúng ta chỉ còn với nhau ở nơi yên tỉnh này một đêm thôi. Rồi ngày mai... "
* * *
Mọi người ngước mắt nhìn bầu trời phương xa đang treo lơ lửng một vài trái sáng. Chắc chắn đâu đó, quanh Sài Gòn và ngay trong lòng Sài Gòn giờ phút này vẫn còn có những người vẫn tiếp tục chiến đấu. Còn vùng 4 chiến thuật nữa. Vùng bốn không đầu hàng CS. Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng là những danh tướng, quý vị sẽ không tuân lệnh tổng thống Dương Văn Minh. Vùng bốn dân đông, kinh tế phồn thịnh sẽ là nơi quy tụ những anh hùng. Khi ba người trở lại chỗ cũ thì thấy mấy anh em thuộc Trung đội Quân báo của thượng sĩ Bé đang ngồi nhìn dáo dác chung quanh. Bé nói: - Em giật mình thức dậy không thấy Thiếu Tá và hai Ðại Úy nên gọi anh em dậy đi tìm! Tiểu Ðoàn Trưởng cám ơn rồi bảo mọi người đi ngủ. Tình cảm anh em vẫn còn gắn bó quá, thật không có gì thay đổi dù Tiểu Ðoàn Trưởng bây giờ không còn là Tiểu Ðoàn Trưởng, sĩ quan không còn là sĩ quan... Ðặt lưng nằm xuống, nhưng ba người vẫn không ngủ được. Giờ phút này, thật sự chỉ có giờ phút này mới nghĩ đến gia đình vợ con, mấy ngày qua chỉ nghĩ đến sự an nguy của đơn vị. Chỉ có những người lính chiến đấu mới biết rõ điều này hơn ai hết. Một đêm yên lành, thể xác bềnh bồng trôi qua đêm. Sáng 1 tháng 5, nắng đã lên ngoài sân chùa. - Mời Trung Tá, Thiếu Tá uống trà! Nguyễn Toàn, nguyên là người phụ trách cơm nước cho Tiểu Ðoàn Trưởng, pha trà và mời. -Thôi anh Toàn, đừng gọi Trung Tá, Thiếu tá, Ðại Úy gì nữa, mọi người đều như nhau, cùng một hoàn cảnh cả! - Dạ, nhưng tụi em vẫn xem như không có gì thay đổi! Tiểu Ðoàn Trưởng quay qua người lính quân báo bên cạnh, hỏi nhỏ: - Cây súng nhỏ của tôi cậu còn giữ không? Người lính nỡ nụ cười: - Em xin lỗi, em cố giữ như lời Thiếu Tá dặn, nhưng mấy anh em khuyên em ném nó đi, coi chừng Thiếu Tá nóng nảy làm bậy, khổ cho gia đình. Tụi em thấy mấy người du kích có vẻ nể nang chúng ta, họ không dám làm nhục Thiếu Tá và các vị sĩ quan đâu. Loạng quạng tụi em bẻ họng tụi nó hết! Khoảng 11 giờ trưa, xã đội trưởng xuống gặp Tiểu Ðoàn Trưởng, yêu cầu tập trung binh sĩ để nhận giấy chứng nhận cho ra về. Theo lời Tiểu Ðoàn Trưởng, mọi người kéo nhau xuống tập họp tại sân xã. Tiểu Ðoàn Trưởng và các Sĩ Quan nhận giấy rồi phát lại cho anh em binh sĩ . Ðứng trước anh em đang tập họp, Xã đội trưởng VC nghiêm sắc mặt rồi nói: - Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam khoan hồng cho tất cả các binh sĩ nguỵ về với gia đình. Yêu cầu khi về địa phương phải đến trình diện chính quyền Cách Mạng. Các sĩ quan cấp úy cũng sẽ được ra về nội trong chiều nay. Riêng sĩ quan cấp Tá sẽ được chuyển lên Ủy Ban Quận quyết định. Ai nhận giấy tờ xong bây giờ có thể ra về! Xã Ðội Trưởng dứt lời, đưa mắt nhìn anh em binh sĩ. Anh em vẫn đứng yên, mắt hướng về những người chỉ huy cũ chờ đợi. Tiểu Ðoàn Trưởng bước đến trước anh em nhưng miệng như không thốt ra được lời nào. Một phút rồi hai phút, bỗng trong hàng quân có tiếng khóc. Tiểu Ðoàn Trưởng ứa nước mắt. Anh em ứa nước mắt. Tiểu đoàn trưởng nói và chớp chớp đôi mắt để làm khô nhanh hạt lệ đang ứa ra. - Ô kìa, sao lại... Anh em! Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ thấy một anh em nào khóc, ngay cả khi chứng kiến sự hy sinh của bạn mình. Bây giờ hết chiến tranh rồi, hết chết chóc rồi, anh em sẽ ra về xây dựng cuộc đời mới, sống hạnh phúc với gia đình vợ con thì tại sao lại làm như đàn bà thế, phải vui cười lên chứ. Cười như tôi đây này! Tiểu Ðoàn Trưởng nói và cố mỉm cười. Cái mỉm cười lạ lùng nhất mà mọi người chưa bao giờ thấy. Anh em mỉm cười theo, có người cười thành tiếng nhưng vẫn có người còn sụt sùi. "TÐ 3/48 chưa bao giờ bại trận, ngay cả bây giờ cũng vậy, không được tỏ ra yếu đuối trước họ, không thể để họ xem thường tinh thần người lính miền Nam". Tiểu Ðoàn Trưởng nói thầm với mình rồi quét đôi mắt sáng đầy cương quyết nhìn mọi người. Tiểu Ðoàn Phó Nguyễn Mạnh Tông gật đầu nhận hiểu. Anh em nhận hiểu như đã nhiều lần nhận hiểu khi nghe cấp chỉ huy mình nói trước giờ xuất quân . - Bây giờ anh em có thể ra về, nhưng hãy trả lời tôi trước khi chúng ta chia tay! Tiểu Ðoàn Trưởng chống hai tay vào hông, một cử chỉ quen thuộc mỗi lần đứng trước hàng quân. -Tất cả! Ngồi... - Xuống! - Ðứng... - Dậy! Cả ba trăm người trả lời cùng với động tác ngồi xuống và đứng dậy một lượt, âm thanh hùng hồn vang động làm rung rinh tâm hồn những cán binh VC và đồng bào có mặt khiến họ đều nhất loạt vỗ tay. Khi mọi người bắt tay nhau từ giả, Tiểu Ðoàn Trưởng quay qua hỏi trung sĩ Lê Văn Tạo:
- Ngoài anh Tạo biết gia đình Sơn, còn có ai biết nữa không?
- Chỉ một mình em biết thôi, em đã chuẩn bị tất cả rồi, xác Sơn đã được đưa lên xe lam, chốc nữa em sẽ đưa Sơn về nhà cho gia đình Sơn!
Giọng Tạo thật buồn và anh nói tiếp:
- Nó cố giữ cái máy truyền tin nên bị hụt cẳng khi qua sông, em kêu nó buông cái máy ra mà nó không chịu nghe... Ðánh nhau không chết bây giờ lại chết, may mà sáng nay xác nỗi lên còn không thì ... - Có mấy trăm đây, em lấy mà trả tiền xe! - Thưa Thiếu Tá không, người chủ xe lam không lấy tiền! Sơn ơi! Cái chết của em đau lòng mọi người lắm, nhưng em sẽ bất tử trong lòng anh em bởi vì tất cả chúng ta không ai quên được những giờ phút Tiểu Ðoàn lội qua sông để mong đến với Sài Gòn đang kêu cứu.
* * *
Gã tù binh đứng như trời trồng giữa buổi trưa ngày cuối tháng tư nắng gắt. Gã nhắm mắt lại, tai nghe lao xao những lời từ giả. Tay gã muốn cử động khi có bàn tay ai nắm chặt nhưng bàn tay gã như khô đi và cứng ngắt. Gã đứng đó và thấy một dòng sông đang chảy xiết với hình ảnh những người lính vội vã lội qua sông. "Sơn ơi! Sao em không chịu buông cái máy truyền tin, còn giữ nó làm chi trong giờ phút sau cùng khi không còn gọi được một ai, không nghe ai gọi mình!" Hởi con sông đang chảy xiết và sẽ chảy mãi trong trái tim đau đớn của ta! Ta làm sao quên dòng chảy ào ạt của ngươi đã nhận chìm, cuốn trôi đôi tay người lính đang nâng chiếc máy truyền tin lên cao, lên cao. Hởi người lính muốn qua sông về với Sài Gòn mà chưa qua được! Anh vẫn thấy đôi mắt em hướng về Thủ Ðô buổi sáng 30 tháng Tư. "Ngày xưa khi anh mở mắt chào đời, Mẹ yêu, theo gương người trước chọn lời,... đặt tên cho người nặng tình yêu nước vào nôi ( Phạm Duy). Không biết con sẽ hát bài ca này bao nhiêu lần trong cuộc đời lưu lạc Mẹ ơi!...
Nguyễn phúc Sông Hương
* (Các danh xưng anh Ba, anh Tư, anh Năm ... mà Sĩ quan Tiểu đoàn 3 dùng từ khi thiếu Tá Phương (anh hai) còn làm Tiểu Ðoàn Trưởng năm 1972, lúc đó Tiểu Ðoàn Trưởng hiện tại là Tiểu đoàn Phó, là anh ba)
Ghi chú của nhóm chủ trương:
Sau khi SÐ18 được lệnh bỏ trống mặt trận Long Khánh và rút về ven biên Sài Gòn, không có một tin tức, văn bản hay báo chí nào nói đến cuộc chiến đấu bi hùng và tuyệt vọng của những người lính VNCH trong những ngày hấp hối sau cùng của miền Nam. Ðọc "Người Lính Chưa Qua Sông", chúng ta như sống lại những ngày bi tráng và đau thương của quân lực. Nó là truyện thực, là vết tích của lịch sử bị bỏ quên, và nó đã sống lại trong tập truyện này.
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:55:09 GMT 9
Còn đâu những huyền thoại bịp trong cuộc chiến Ðông Dương 1955 – 1975 khi cộng sản Việt Nam hiện hình buôn dân bán nước Hồ Ðinh
-------------------------------------------------------------------------------- (Nguyệt San Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết đặc biệt của Hồ Ðinh nhân ngày quân lực 19/6/2002. Hồ Ðinh là một trong những cây bút cột trụ của tạp chí Lửa Việt và Nguyệt San Việt Nam từ hơn hai thập niên qua... và là một trong vài nhà văn quân đội viết và chiến đấu bền bĩ nhất hiện nay tại hải ngoại.../HT) Ngày 1 tháng 5 năm 1975, VNCH coi như hoàn toàn sụp đổ sau khi Dương văn Minh ra lệnh buông súng đầu hàng, nhưng có điều kỳ quái là Lê Duẩn, vua của đất Bắc lúc đó, lại lên đài tuyên bố " không có kẻ thắng, người bại ", chứ không phải do ông chủ tịch Mặt trận GPMN Nguyễn hữu Thọ,nhân vật mà báo chí trong và ngoài nước luôn nhắc nhở từ tháng 12/1960 cho tới 10 giờ trứa ngày 30-4-1975. Ðây là sự thật chứ không phải cảnh giả ngộ, vì tại Sài Gòn hôm đó, hình bóng của chính phủ lâm thời miền Nam coi như cũng chết tiệt theo chính phủ VNCH, kể luôn cái hai bên nằm trong trại David, Tân sơn Nhất. Hình ảnh còn thấy đưọc sự sống của mặt trận là mấy lá cờ nửa xanh, nửa đỏ giữa có ngôi sao vàng,được treo lủng lẳng theo đoàn tăng, pháo Liên Xô,nhưng toàn do bộ đội Bắc bộ phủ lái. Riêng Mặt Trận gì gì đó, nghe đồn đã về thủ đô nhưng rồi ai tớ, ai thầy, đã quá rõ ràng trên hàng ghế danh dự nơi khán đài do Phạm Hùng, Trần văn Trà chủ tọa. Màn hài kịch dài mấy chục năm chấm dứt. Người nam kẻ bắc từ đó lại ôm nhau chìm trong vũng bùn ô uế của xã nghĩ a thiên đàng. Lừng lẫy nhất trong mặt trận hửu danh vô thực, có Nguyễn thị Bình, một trong những người của bốn phe đã đặt bút ký vào trong manh giấy lộn cũng là tờ đoạn mãi VNCH cho CS của cặp Nixon-Kissiger, ngày 27-1-1973, sau này thành đám lục bình nổi trôi theo con nước ròng, nước lớn trên các kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền, Y thị và đồng bọn trong cái mặt trận ma, bị vứt vào quên lãng như tờ giấy lộn trên với cái thân phận bù nhìn, phất phơ, ngồi trơ mắt ếch. Thế nhưng, chứng nào tật nấy, còn lên báo năm 1995 nói ngọng, vẽ rắn thêm chân, chỉ hươu nói ngựa vào cái thời điểm, mà khắp VN và thế giới, ai cũng đã biết hết sự thật não nùng . Ðời mà đến thế thì thôi , hoặc im miệng ngồi lãnh tem phiếu dưỡng già, hay khá khá hơn như Nguyễn Hộ, Nguyễn văn Trấn..ít ra còn dám viết lại những lỗi lầm của mình trót dại theo giặc phản dân hại nước. Không làm được hai điều trên mà còn tệ hơn ,lấy uy danh của ông ngoại mình, vốn là bậc anh hùng dân tộc, đem ra bêu xấu khắp nước , vì sự lố lăng , lừa bịp và phản bội của chính mình.
Hai mươi bảy năm qua rồi, ngày nay các huyền thoại BỊP một thời làm mù mắt cả nước cũng theo chuyện xưa, tích củ, chuyện bán nước buôn dân, tàn theo mùa chinh chiến, bởi vì tầm quan trọng lịch sử của một cuộc chiến, hầu như do các huyền thoại liên hệ quyết định nhưng huyền thoại cũng là con dao hai lưỡi, để kết luận sự thành bại của cuộc chiến. Những gì có hôm nay trên đất Việt, mới thực sự đánh giá ai là giặc là nguỵ và ai mới xứng đáng đi vào lịch sử.
(Nguyễn Thị Bình khoe trên báo KTNN số 188 ngày 10-10-95, về chuyện bịp trong hiệp định NBVN năm 1973).
1- BẮC VIỆT XÂM LĂNG MIỀN NAM:
Ngày nay qua những khai quật của lịch sử trong núi kho tàng dữ liệu, từ Pháp, Mỹ cho tới Tàu Cộng, từ Việt cộng miền Nam cho tới Cộng gộc đất Bắc..và VNCH, cho thấy những chiến thắng của Lê Duẩn, Võ nguyên Giáp, Văn tiến Dũng..tại miền nam trong suốt 20 năm đối mặt với QLVNCH, thật ra không có gì là vĩ đại như đảng tuyên truyền. Những trận Ấp Bắc, Ðầm Dơi, Hiệp Hoà, Suối Ðá,An Lão, Bình Giã..cho tới cuộc đại chiến hồi Tết Mậu Thân, những trận long trời lở đất trên đất Cao Miên, Hạ Lào, rồi Vũng Rô, Ba Gia, Phụng Dư, Ðồng Xoài, Ðức Cơ, Bố Ðức, Cồn Tiên, Làng Vây, Cô Tô, Trí Pháp..và mùa hè đỏ lửa 1972 cho đến hồi gần kết cuộc tại PhanThiết, Xuân Lộc, Long An, Sài Gòn..mọi nơi, khắp chốn, từ trong núi cho tới thị thành, lúc nào cũng đánh lén, hồi nào cũng biển người, khi nào cũng có hỏa lực hùng hậu đưọc viện trợ hay mua chịu trả sau từ Nga, Tàu..nhưng đâu có lần nào thây không phơi đầy bãi, đánh nhanh, rút vội quay về rừng ? Cho tới khi thảm kịch VN chính thức thành hình ngày 27-1-1973, qua cái gọi là hiệp định chấm dứt chiến tranh, sau 4 năm 9 tháng Mỹ và khối CS quốc tế cò kè bán mua cái thân xác nhược tiểu VNCH. Khi người Mỹ rút bỏ VN bắt đầu từ thập niên 70 qua chương trình VN hoá chiến tranh, không có Mỹ chiến đấu bên cạnh không ngờ những năm 1970-1973, QLVNCH qua những Sĩ quan trung cấp, trong mọi quân binh chủng từ Nhảy Dù, TQLC, LLÐB, BÐQ, Thiết Kỵ, cho tới các Sư đoàn bộ binh 1,2,3,5,7,9, 18,21,22,23,25 kể cả các đơn vị Ðịa phương quân , được các nhà quân sử xếp loại Lính thiện chiến nhất thế giới. Thật vậy, có là lính để chứng kiến lính VNCH trong các mặt trận long trời lở đất tại An Lộc, Kon Tum, Quãng Trị, Bình Ðịnh, Thưọng Ðức, Sa Huỳnh, Tống Lê Chân, Xuân Lộc và những ngày hấp hối tại Tây Ninh, Củ Chi, Long An, Biên Hoà, Sài Gòn..mới biết sự chiến đấu phi thường của những người lính lãnh một năm lương, không bằng một trận cười của các me tây, me Mỹ và các nhà trí thức khã kính của miền Nam, số ít ăn cơm ta thờ ma hồ hay như thị Bình khoe là theo VC từ lúc còn ở trong đền thờ ông ngoại là Phan chu Trinh tại Ða Kao, Sài Gòn. Hiệp định Paris 1973 là vết dao trí mạng của Kissinger đâm đúng ngay hồng tim của VNCH, khi Mỹ và CS quốc tế hiệp đồng, hợp thức hoá sự có mặt của bộ đội Bắc Việt trên lãnh thổ miền Nam, cắt và ngưng viện trợ cho QLVNCH như đã từng ký hưá để tháo chạy trong danh dự ngay cả trên nóc nhà, Nhưng trên hết khi Mỹ dùng viện trợ bắt ép VNCH ký nhận bản hiệp ước vô lý bất nhẩn 1973, cũng là lúc quân dân miền Nam khởi đầu sự tan rã vì bất bình trước sự kiện miền Nam đang thắng lớn, bỗng dưng đầu hàng cái mặt trận MA qua chấp nhận sự hiện diện của chính phủ LTMN Ma và quân đội giải phóng MA qua người Bắc thật. Thêm vào đó là bọn hàng binh phản chiến, bọn trí thức thời thượng khôn nhà dại chợ..tất cả hiệp đồng đâm sau lưng người chiến sĩ, thì bảo làm sao lính không chết tới bị thương ?
Về cái huyền thoại chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ cứu nước, thì cũng chẳng có gì vĩ đại như đảng ra rã tuyện truyền mút mùa nước nổi, vì chống Pháp là công của toàn dân có cả người anh vĩ đại phương bắc, Nhật thì đâu có đánh trận nào mà tự ý họ giãi giáp và rút về nước sau khi đầu hàng Ðồng Minh vô điều kiện, Riêng thắng Mỹ thì lại càng phải xét lai, vì với lực lưọng CSVN lúc đó, chỉ mới đưọc xếp loại ba trên thế giới, thắng hay bại đều do quân viện Nga-Hoa, hậu phương trên đất Bắc sau mấy chục năm chiến tranh triền miên khốc liệt, coi như sắp cạn kiệt kể cả người, vậy lấy gì để thắng Mỹ là một nước giàu mạnh trên thế giới, đúng nghĩa vật chất lẫn quân sự.
Tóm lại người Mỹ chỉ vì theo đuổi chính sách tự trói hay đúng ra theo đuổi một giải pháp chính trị cho Ðông Dương hơn là dùng bom đạn gây đổ vở chết chóc như CS chủ trương , quyền lực trên đầu súng, trong suốt mấy chục năm qua. Sự thực ngày nay về sức mạnh Mỹ qua cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991,Nam Tư và mới đây tại A Phú Hản, coi Nga Tàu kể cả Pháp chuyên rình ăn ké như pha, từ đó đủ chứng minh rằng với 500.000 quân Mỹ có hỏa lực hùng hậu nhất thế giới, hậu phương tiếp liệu vô tận, giàu mạnh và tài giỏi như quan thầy Nga còn tan hàng, nếu Mỹ thật tâm đánh giặc thì Bắc Việt sức nào mà đở nổi và chống được bao lâu? Ngay cả trên bàn cờ chính trị, CS đã thắng gì, dù có gây được vài ba phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, nhưng đây là sản phẩm của bọn đạo tặc truyền thông da trắng, chứ không phải công của VC. Sau này mới biết được, người Mỹ đã dự liệu trước sự vi phạm trắng trợn hiệp định 1973 và bản tuyên cáo của La Cell St. Cloud vào tháng 6/1973 của Bắc Việt, để có lý do quốc tế hủy bỏ lời hứa viện trợ tái thiết cả chục tỷ đô la, phong tỏa kinh tế và cấm vận VC dài hạn cho tới đầu năm 1990 mới hủy bỏ.
Tóm lại cuộc chiến Ðông Dường lần thứ ba 1955-1975, dù cho có gọi bằng thứ danh từ gì chăng nửa như chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh giải phóng dân tộc, nội chiến Nam-Bắc..thì tựu trung cũng là Bắc Việt xâm lăng VNCH. Cái đa dạng và phức tạp từ trong định nghĩa ra tới thực chất, đều thoát thai qua lớp hỏa mù tuyên truyền và đống núi tài liệu tả bánh lù , đối chọi tréo cẳng ngổng làm cho lớp trẻ trong và ngoài nước, cũng như những kẻ bàng quang không biết đâu mà mò. Từ đó suy diễn bậy bạ và trút hết mọi thua thiệt vào kẻ chiến bại VNCH, đáng ra phải đưọc vinh danh vì công trạng giữ gìn và bảo vệ nước Việt trước sự xâm lăng nhuộm đỏ của CS quốc tế.
Bốn mươi lăm năm tìm đủ trăm phương ngàn kế, tận dụng hết tất cả thủ đoạn, xô lệnh sơn hà, gây cảnh máu sông, xương núi, để làm chủ cho được VN, cuối cùng giờ vinh quang, cũng là lúc những huyền thoại thay nhau òa vỡ trong biển lệ trùng trùng, ngay cái phút đối mặt, người miền Nam đã bẽ bàng trước cảnh bị gạt thâm canh, vì cái mặt trận MA chỉ là công cụ để bộ đội Hồ nhuộm đỏ đất Miền Nam nước Việt.
Rồi thì đổi đời bi thiết ngay trên vùng đất mới vừa đưọc cách mạng giải phóng, các anh hùng rừng núi Trường Sơn, mật khu Hố Bò, trung kiên với đảng , ngày thứ nhất về thành đã võ vàng lột xác trước cảnh sang giàu của vùng bị tạm chiếm, mà đảng bảo là đói khổ lầm than. Sự bịp bợm của cấp lãnh đạo làm tan vở huyền thoại về ‘ đạo đức cách mạng’. Thêm một lần nửa người Việt cả nước nhận thực về tình công sản, chỉ đẹp khi chưa nắm chính quyền như trước năm 1954 ở miền Bắc và 1975 tại miền Nam.
Ðất nước xơ xác tiêu điều dưới sự lãnh đạo của tập đoàn đỉnh cao trí tuệ, dân đói mặc bây, chỉ lo triễn lãm tội ác Mỹ Nguỵ, xây kỳ đài khắp quê làng, phố chợ, in sách để quảng bá về vụ Mỹ Lai, Bến Tre nhưng không nói tới thảm cảnh chôn sống giết dân Tết Mậu Thân tại Huế, trên đại lộ kinh hoàng, đường số 7, Bình Ðịnh, An Lộc, phóng đại huyền thoại Củ Chi lại quên là Ðịa đạo đã bị san bằng từ năm nào, kể cả cái R cũng thành bình địa, khiến Nguyễn chí Thanh phải tan xương nát thịt dưới bom Mỹ năm 1967. Tóm lại tất cả đều đi ngưọc lại lời Lê Duẩn tuyên bố, làm giặc chỉ để có quyền cướp của, giết người, hủy diệt tôn giáo, đình, chùa, nhà thờ, coi trí thức miền nam tệ hơn cục phân như Mao đã phán, kể cảø số ít trí thức đã góp phần đem vinh quang cho đảng. Nắm súng trong tay,lại bá đạo, tàn độc nên khắp miền Nam không thấy cảnh bàn thờ ra đường, ký giả đi ăn mày, cha tố cáo tham nhủng hay trí thức khùng coi đời như bửa tiệc nhân sinh. Tất cả im re lặng ngắt, thấy cán bộ đầu ngỏ đã thưa ông cần gì. Sự co mình của những kẻ hung hăng nhất của ngày củ, khiến đảng càng kiêu căng phách lối, đốt hết sách vở miền Nam, bỏ tù hằng triệu quân công cán cảnh VNCH trước cảnh sa cơ, cày mộ tử sĩ , đuổi hằng trăm ngàn người Hoa ra khỏi nước để hốt vàng, chiếm nhà, đoạt xí nghiệp, tài sản... khiến cả nước ngáp, đói vì bo bo độn gạo mọt. Nay hối hận thì cũng muộn màng, trước giao khoán phần chống giặc cho lính, còn hạ nhục, đâm lén, phủ phàng, nay lính đã rã ngủ, còn ai để bảo vệ cho dân? Nhưng thê thảm hơn hết là chính sách trồng người, mà nạn nhân là các thế hệ thanh thiếu niên cả nước, bị nhét vào đầu những trang sử Việt viết bằng ý thức hệ duy vật Mác Xít cọng sản quốc tế, vứt bỏ nhiều anh hùng liệt nử của dân tộc Hồng Lạc, đem tên những cha căng chú kiết, tự phong là liệt sĩ, nữ lưu gì gì đó trám đầy, cùng với những bịa đật tuyên truyền, làm hư hỏng cả một thế hệ thanh niên ngày nay. Cũng may, ngày tàn của đảng tới sớm, nên sự thật đã tẩy sạch hết mọi bẩn dơ, kỳ quặc trong số lớn lớp người trên. Hởi ôi, chỉ có 55 ngày đêm đại bại, mà VN phải chịu sống trong cơn ác mộng của xã nghĩa thiên đưòng, chẳng biết bao giờ mới ngóc đầu lên như nhân loại, để thở hít không khí trong lành của xã hội người.
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:55:47 GMT 9
2- CÒN ÐÂU NHỮNG HUYỀN THOẠI BỊP
TẤT CẢ ÐỀU LÀ CỦA ÐẢNG TA ÐÓ :
Trong Ðại thắng mùa xuân, Văn tiến Dũng đã nói một cách huỵt toẹt là nhiều người có liên hệ tới cuộc chiến VN, vào những giờ phút cuối cùng từ tổng thống Pháp Giscard d’Estaing, Ðại sứ Pháp tại VNCH Mérillon, Ðại sứ Mỹ Martin, cho tới Dương văn Minh cùng với nhóm thân cộng Chân Tín, Lý quý Chung, Dương văn Ba, Châu tâm Luân..đều bị cộng sản gạt một cách cay cú về chuyện hòa đàm. Nhưng chính cái xảo trá này, đã khiến cho cộng sản sau ngày 30-4-1975, phải trả một giá đích đáng, là không còn ai trong loài người TIN. Câu dồng dao "nói như vẹm nói" đã phát xuất từ đó.
Trong lúc Dương văn Minh, Nguyễn văn Huyền tin tưởng ngày mai trời lại sáng, ra lệnh cho tất cả quân binh chủng/QLVNCH còn đang chiến đấu khắp mặt trận, ráng thêm một chút thôi, ngày mai 30-4-1975, là có hòa bình, thì theo lời Trần văn Trà viết trong KTNN số 34 năm 1990, lúc 24 giờ ngày 29-4-1975, được Lê Duẩn chọn làm giờ G cho 5 quân đoàn Bắc Việt, từ 5 hướng tổng tấn công vào Sài Gòn. Ðây cũng là thời gian để cán bộ nằm vùng lộ mặt, xách động dân chúng nổi dậy diệt chính quyền. Lúc này Mỹ cũng đã kết thúc cuộc di tản theo kế hoạch Frequent Wind và mờ sáng ngày 30-4-1975, đại sứ cũng bay tới soái hạm Blue Ridge của hạm đội 7, sau đó là toán TQLC, kết thúc sự hiện diện của người Mỹ tại VN từ 1954
Thế là giấc mộng nhuộm đỏ miền nam cưu mang từ năm 1959 đã toại nguyện, từ đây các cấp cộng sản tự phong cho mình chức trời, khinh thường chẳng những bọn trí thức da trắng, mà cả da vàng mũi toẹt, cùng quốc dân VN. Cả đảng từ lớn tới nhỏ, từ Bắc bộ phủ quyền uy sông núi, cho tới đám cò mồi trong mặt trận MA, kể luôn sư đoàn 304 quàng khăn đỏ, mới lập đêm 29-4-1975, cũng phun châu nhả ngọc qua hàng ngàn câu chuyện cổ tích chỉ có trong đầu những con người mất nhân tính, kể lại, vẽ vời, gây ấn tượng và trên hết dùng súng bắt người đối diện TIN là gà có bốn chân. Nhưng phải nói là nhờ chính miệng các con bài trong chiếu, tự lật con bài tẩy của mình trước khán thính giả, người miền Nam mới chịu tin đó là sự thật . Thế là thêm một huyền thoại của đảng bị vùi dập phũ phàng trong ngàn muôn lời nguyền rủa và sự khinh bỉ tận tuyệt dù trước mặt vẫn phải đối diện với kẻ thù
* TRẦN VĂN DANH KỂ CHUYỆN PHONG THẦN :
Từ sau hiệp định ngưng bắn Ba Lê được thi hành năm 1973, Trần văn Danh, chỉ huy trưởng quân báo Bắc Việt, kiêm phó tham mưu trưởng Miền, coi về tình báo chiến lược, đặc công và biệt động, được Bắc bộ phủ cài đặc trong phái đoàn bốn bên, công khai ngồi chình ình nơi phòng có gắn máy lạnh tại trại David, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Nhờ đặc quyền, đặc sũng này mà Danh đã thu nhập được gần như tất cả bí mật trong ngoài của VNCH và theo đó mà binh một ván bài bịp thần sầu qủy khóc, đưa Minh lớn vào bẩy rập quyền lực ảo tưởng để cuối cùng bị mang một tội danh thiên cổ. Ngay từ khi mặt trận MA được lên khuôn, Danh theo lệnh vào Nam từ tháng 12/1960 bằng đưòng Trường Sơn, hợp tác với Mười Cúc Nguyễn văn Linh đang nằm vùng tại đây. Rồi Ban quân sự Miền của Bắc Việt đưọc thành lập do Trần văn Quang chỉ huy, Danh phụ trách tình báo, đặc công. Theo Danh thú nhận, thời gian từ 1955-1963, hầu hết các cơ sở nằm vùng của cộng sản tại miền Nam bị tiêu diệt và thất bại nặng nề. Số lớn còn sống hoặc ra chiêu hồi hay bị bắt cầm tù. Nhân dịp này, miền Bắc đã tân tạo cơ quan, đem cán bộ cộng gộc vào làm tình báo và bọn này đã nằm vùng khắp các cơ quan đầu nảo từ Tòa đại sứ Mỹ cho tới dinh Ðộc Lập, bộ, nha, sở.. Theo Danh, trước khi tổng tấn công miền Nam năm 1975, Lê Duẩn chơi trước ván cờ thấu cáy bằng cách đánh Phước Long và các vùng lân cận do Danh (Ba Trần), Năm Thạch (Hoàng Cầm) và Năm Ngà (Nguyễn minh Châu) chỉ huy. Chiến dịch Phước Long để Hà Nội phát hiện một cách chắc chắn là Mỹ đã thật sự phủi tay, không can thiệp vào miền Nam, vì vậy Trung ương đảng mới quyết định công khai xé bỏ hiệp ưóc, đánh chiếm VNCH.
Giữa lúc trong dinh Ðộc Lập mê mãi chuyện thay ngựa, đổi vua để được VC chấm cho hòa hợp, hòa giải trong chính quyền liên hiệp cuội, thì Danh cho biết ngay ngày 24-4-1975, quân ủy miền Bắc đã ra lệnh cưỡng chiếm Sài Gòn., do Văn tiến Dũng, Phạm Hùng chỉ huy đầu nảo cùng với Trần văn Trà, Lê trọng Tấn, Lê Ðức Anh, Ðinh Ðức Thiện coi các lộ quân. Danh lo tình báo, Mười Cúc phụ trách sư đòan 304 nằm vùng và Võ văn Kiệt chuẩn bị ngựa xe, trà nước và người phe ta, chầu đón giặc bắc vào thành. Danh được Phạm Hùng phong tướng ngay đêm miền nam sụp đổ.
* ÐỒNG SĨ NGUYÊN KHOE BÁT QUÁI ÐỒ :
Ðọc trường thiên ký sự "Ðưòng đi không đền" của Xuân Vũ và dăm lần gót lính lội rừng, mới ý vị được sự khổ cực cùng tận của chiến tranh. Trường Sơn trong suốt cuộc chiến là mồ chôn hằng vạn tử sỉ của cả hai phía. Những địa danh như Ðồi không tên, Dốc pháo cụt, sông A Vương, Lũng Giằng, Khe Sanh, Dakto, A Shau,Ia-Drang, Pleime, Ðức Cơ.. ra tới tận miền Bắc, càng lúc trở nên khốc liệt khi chính thức là con đường chiến lược tải người và quân dụng vào xâm lăng miền Nam.
Tháng 11-1997, Võ nguyên Giáp nhắc lại đường Trường Sơn 559 do Ðinh đức Thiện và Ðồng sĩ Nguyên chỉ huy, nối Bắc bộ phủ đến tận các chiến trường Nam "ruột thịt", có kèm theo ống dẫn xăng dầu, dùng cho cơ giới và đoàn vận tải xuyên sơn. Theo Nguyên, bắt đầu chỉ huy binh đoàn 559 từ tháng 12-1966 với 750 xe vận tải, bốn binh trạm có nhiệm vụ chuyển tải người, quân dụng vào Nam. Một phần đường mòn chạy trên đất Lào và Kampuchia mà Hà Nội bảo là họ cho phép. Ðường chính thức ra đời vào ngày 19-5-1959 do công lao phác họa của Võ Bẩm, trải qua ba giai đoạn đường bộ, gùi thồ và xa lộ đất từ năm 1964 bằng xe cộ. Từ năm 1971,đường được mở rộng đồng thời với tuyến biển 759 nhưng hoạt động kém hiệu quả vì lực lưọng Hải quân/QLVNCH quá hùng hậu. Binh đoàn 559 có quân số trên 120.000 người, gồm 10.000 thanh niên xung phong, 1 sư đoàn cao xạ phòng không tăng phái và tám sư đoàn chiến đấu vận tải. Sau ngày ký hiệp định 1973, Hà Nội bỏ binh trạm và đưa quân thẳng vào Nam một cách công khai mỗi lần từ sư đoàn lên tới quân đoàn, kể cả cơ giới, pháo, tăng chỉ mất 12 ngày, thay vì 4 tháng như trước. Hai sư doàn quân xa dọc ngang xuôi ngược hết đông qua tây Trường Sơn , trước sự bất lực của VNCH vì không có hỏa lực để bắn hạ, còn Mỹ thì phủi tay khi ôm hết tù binh và cốt lính về nước. Tóm lại trong suốt cuộc chiến, Trường Sơn là bãi chiến trường đẳm máu nhất từ năm 1965 trở về sau. Nhưng hy sinh máu xương để được gì cho đất nước, hay chỉ là sự tưởng tiếc của những kẻ mắn may sống sót, những cô gái Trường Sơn mõi ngóng các chàng lính của cả hai bên, cho tới ngày tuổi xuân tháp cánh mà bóng ai vẫn biền biệt theo cái huyền thoại Trường Sơn đã chết héo trong tâm khảm của đồng bào sơn cước bị cướp bốc, khinh rẻ từ lúc có hòa bình.
* CỦ CHI ÐÃ NÁT TỰ LÂU RỒI :
Mấy lúc gần đây thấy đảng quảng cáo rầm rộ về cái địa đạo Củ Chi dài tới 250 km, mà bẽ bàng. Dù sao nguòi viết cũng đã ăn ngủ với Củ Chi hơn năm, khi Trung Ðoàn 43 biệt lập tăng phái hành quân cho tỉnh Hậu Nghĩa, mà tiểu đoàn 1/43 lại đóng thường xuyên ở thành đồng vách cát, gần như không sót một chỗ nào. Tóm lại Củ Chi mười lăm xã Phú Mỹ Hưng, An Phú, An Nhơn Tây, Nhuận Ðức, Trung Lập, Phú Hòa Ðông, Tân Thạnh Ðông, Trung An, Phước Vĩnh Ninh, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Thái Mỹ, Tân Phú Trung và Tân Thông Hội, lính 43 không bỏ sót một chốn nào, nhưng đâu thấy địa đạo. Củ Chi nằm sát nách Sài Gòn, trên lãnh thổ có rất nhiều đường giao thông ngang dọc như quốc lộ 1, tỉnh lộ 15 chạy cặp sông Sài Gòn, tỉnh lộ 7A và 8A nối liền Bầu Trai, tỉnh lỵ Hậu Nghiã, qua Củ Chi, thông với Thủ Dầu Một. Suốt cuộc chiến, Củ Chi là giao điểm của tất cả hỏa lực của VNCH và Hoa Kỳ nhắm vào từ Sư doàn 25 HK, tới SD5,25 VNCH..vậy làm sao mà Củ Chi có thể trở thành địa đạo dài tới 250 km? Ðịa đạo Củ Chi như lời giải thích của các bô lảo trong vùng, xuất hiện trong thời gian khi chính phủ VNCH tiếp thu từ năm 1955, do các cựu kháng chiến Việt Minh, không đi tập kết mà cũng chẳng về tề, đào để phòng thân, cho nên xã nào cũng có. Sau đó tình hình khả quan, số lớn ra hợp tác với chính quyền hoặc trở thành người dân thường nên hầm thành hoang phế. Từ năm 1959 về sau, Hà Nội lại gây chiến, lập mặt trận ma đóng đô trong địa bàn quanh quẩn Tây Ninh, Hậu Nghĩa sát Củ Chi. Thế là du kích tìm các hầm hố, địa đạo củ moi dất để làm chổ trốn khi bị săn đuổi. Vì Củ Chi mưa nhiều, đất sốt, nên hầm hố sau một muà mưa rừng là xập nếu không tu bổ, trong hầm là hang ổ của các loại rắn, bò cạp, rít, chuột.. nên không mấy ai thích vào, trừ phi giây phút tử thần réo gọi. Số du kích, cán bộ bị rắn rít, bò cạp hạ sát, cũng không thua số thương vong bom đạn là mấy. Ðó là mặt thật của địa đạo 250 km trong tưởng tượng!
Ðịa đạo Củ Chi qua cuộc chiến thường được nhắc tới bằng các tên làng xóm quanh vùng như Hố Bò, Bến Ðình, Bến Dưọc..một vùng đồn điền cao su, giữa các mật khu nổi tiếng như Bời Lời, Trảng Bàng, Dương minh Châu, Tam giác Sắt. Mật khu Hố Bò, Củ Chi được Hà Nội gọi là Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn giao cho Mười Cúc và Võ văn Kiệt cai quản, có Trung đoàn 1012 ( Thủ đô) và 2 Tiểu đoàn Quyết Thắng 1,2 nhưng gần như chết hết qua nhiều lần đụng độ triền miên với Hoa Kỳ và SD25/VNCH. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, quân số các đơn vị trên được bổ sung từ miền Bắc vào. Củ Chi tê liệt từ khi SD 25 Mỹ vào đóng tại Ðồng Dù, sau đó là SD 101 KVHK, thường dùng chiến dịch trực thăng bay vào tận ổ, nên sau này cán gộc cở Cúc, Kiệt thường ở dưới hầm cho chắc mạng.
* CHIẾN DỊCH ROM-PLOW ỦI XẬP ÐỊA ÐẠO CỦ CHI :
Gồm 12 chiếc xe ủi đất loại lớn, đưọc tướng Wayan, có vấn trưởng của Ðại Tướng Ðổ cao Trí, tư lệnh QÐ3 lúc đó, biệt phái cho TK/Hậu Nghĩa. Chiến dịch ủi quang khu Hố Bò, Củ Chi làm Hà Nội điên tiết . Ðể bảo đảm doàn xe cơ giới trong lúc khai quang, một thiết đoàn gồm M48 và M113 của Hoa Kỳ yểm trợ, bảo vệ an ninh, xe ủi được bọc bằng lưới chông B40 và bao cát, nên đã hoàn thành nhanh chóng công tác sau 15 ngày làm việc, địa đạo Củ Chi đã biến thành một vùng đất rộng thoáng quang, hầm xập người cũng biến mất. Hết Hố Bò tới Bời Lời, sau đó là đường Trảng Mít, Dầu Tiếng cuối cùng tới các căn cứ lõm của du kích ấp xã trong các quận Củ Chi, Trảng Bàng, Ðức Hòa, Ðức Huệ..Tình hình an ninh đưọc vãn hồi, huyền thoại địa đạo Củ Chi chỉ còn trong các sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền của đảng mà thôi.
Tóm lại địa đạo Củ Chi, Hố Bò, Bời Lòi đã bị đoàn cơ giới HoaKỳ hủy diệt năm 1970 như bình địa. Hầu hết cán bộ cán binh vưọt trốn qua đất Miên, vậy sau ngày 30-4-1975, thành đồng Củ Chi ở đâu mà trình diễn? Vậy mà vẫn có người tin, điều này làm cho thế giới phải nể sợ sự nói láo không ngọng của người CSVN, nhất là trong giai đoạn sự thật ai cũng biết hết.
Năm nay , người Việt trong và ngoài nước bừng lên niềm căm phẩn và tủi nhục khi phát giác thêm sự kiện Bắc bộ Phủ vì quyền lực cá nhân mà bán, nhượng giang san tổ quốc cho kẻ thù Tàu Cộng. Có diều nực cười trong nước, ngoài một số đếm trên đầu ngón tay chỉ mặt bọn phản quốc, các trí thức đương thời hầu hết đều im re, có một ông Bùi Duy Tân nào đó , lên báo thế giới mới hỏi ai là tác giả bài thơ ‘Nam quốc sơn hà’ thế thôi. Chuyện mới khơi lại chuyệc cũ mấy chục năm về trước, trong lúc Quảng Trị bị Hà Nội xua quân qua sông Bến Hải cuỡng chiếm, cùng lúc cả nước đắm chìm trong bom đạn ngoại xâm từ An Lộ, Bình Ðịnh lên tới Kon Tum, người dân chiến nạn và lính chết như rạ, thì tại Sài Gòn, thay vì cùng quyết lòng giết giặc, lại biểu tình, xuống đường.. rồi ngày 10-10-1974, nước đang trong cơn lửa loạn, Mỹ cúp viện trợ, VC từ Bắc vào Nam như sóng vở bờ , chuẩn bị cướp nưóc, thì lại biểu tình.. đi ăn mày. Ðây chắc là điềm báo trước, nên sau ngày 30-4-1975 cả nước gần như đi ăn mày trước sự cướp của, giựt nhà của kẻ thắng trận.
Nhớ ngày Quân lực 19-6-2002 Hồ Ðinh
|
|
|
Post by Huu Le on Jan 26, 2008 10:58:22 GMT 9
Hồi Ký - Yểm Trợ Trận Chiến Hoàng Sa Nguyễn Văn Sáng
-------------------------------------------------------------------------------- Ngày 17 tháng 4 năm 1974, chiến hạm Vĩnh Long HQ-802 (LST) của chúng tôi bỗng sôi động hẳn lên với lệnh rời vùng trách nhiệm Trường Sa để tiến về quần đảo Hoàng Sa. Có tin đồn Trung Cộng sắp tấn công tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, và Hải Ðội III Ðặc Nhiệm trực thuộc Hạm Ðội chuẩn bị nghênh chiến. Chiến hạm chúng tôi được điều động đi yểm trợ tiếp vận vì đã được thực tập trong lực lượng đặc nhiệm Hải Ðội III năm 1973, vừa là 1 tàu với nhiều máy móc kỹ thuật. Phản ảnh sự sôi động của tình hình bây giờ, người ta còn nghe mọi thủy thủ trên tàu trong câu chuyện thường nhật lại nói chêm thêm dăm ba câu tiếng tàu vào các câu đùa cợt trong suốt hải trình ra vùng Hoàng Sa. Ðời quân đội là thế, thằm chút khôi hài trong cái cực nhọc để tìm chút vui tươi. Cá nhân tôi, vừa được đi du tập qua các quốc gia Á Châu trong vùng trách nhiệm của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ về lại Hạm Ðội VN, nhận thấy quá rõ ràng thái độ mới của chính trường Hoa Kỳ và sự bấp bênh của chính quyền Nixon, lòng tôi âu lo về sự xuất hiện của loài cá mập này càng làm gia tăng gánh nặng cho HQVN. Như vậy, thật bất ngờ, trận hải chiến Hoàng Sa sắp thành sự thật. Nhiệm vụ của Hải Ðội đặc nhiệm được thành lập từ năm 1973 nhằm đối phó với vấn đề đặt quân trú phòng trên lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa, song song với việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên dầu hỏa thuộc về chủ quyền VN. Hải Ðội đặc nhiệm được chỉ huy bởi HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc (Khóa 5), cũng là Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3 (Hải Ðội Tuần Dương), thuộc BTL Hạm Ðội. Thành phần của Hải Ðội đặc nhiệm cùng thao dượt mùa hè 1973 gồm có: CXH HQ-802 (Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công) là soái hạm, CXH HQ-801 (có chở theo các Sinh Viên Sĩ Quan thuộc Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang), Khu Trục Hạm HQ-4 (DER) và 3 Tuần Dương Hạm (WHEC). Ngoài ra còn được tăng phái 1 số hạm trưởng thâm niên để thực tập các công tác tiếp vận quy mô ngoài khơi.
Trước đó khoảng 3 tháng, bỗng dưng Bắc Kinh lên tiếng tuyên bố chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa. Ngoại trưởng VNCH ông Vũ Văn Bắc liền lên tiếng bác bỏ và cực lực lên án ý đồ xâm lăng này của Trung Cộng. Ngày 16-1-1974 Trung Cộng mang 2 chiến hạm số 402 và 407 cùng nhiều ngư thuyền vũ trang đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17-1-1974, Khu Trục Hạm HQ-4 đến Hoàng Sa gây áp lực buộc lức lượng Trung Cộng rút khỏi 2 đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Tuy nhiên, chiến hạm của Trung Cộng vẫn lảng vảng trong vùng. Chiều lại, tin báo cáo cho biết có thêm 2 chiến hạm săn tàu ngầm loại Kronstad của Trung Cộng được tăng cường. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, Bộ Tư Lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng và Vĩnh Lạc. Ðồng thời, tăng cường thêm Tuần Duyên Hạm HQ-5 (Cruiser) và Hộ Tống Hạm HQ-10 (Escort) vào vùng chiến cùng với Khu Trục Hạm HQ-4 (Destroyer) và Tuần Duyên Hạm HQ-16 (Cruiser). Tăng cường thêm có Toán Hải Kích SEAL điều động bởi HQ Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Khóa 20), và toán Biệt Hải điều động bởi HQ Trung Úy Lê Văn Dũng (Khóa 20), 1 Trung Ðội Ðịa Phương Quân đang trú phòng tại đảo chính, đảo Hoàng Sa, và 1 phái đoàn công binh của Quân Ðoàn 1 (do Thiếu Tá Hồng chỉ huy) tăng viện để xây cất một phi đạo trên đảo Hoàng Sa. Lực lượng HQ Trung Cộng có 11 chiến hạm và ghe thuyền (gồm các tàu Khinh Tốc Ðỉnh Komar với hỏa tiễn hải-hải, Vớt Mìn, Trục Lôi Hạm và Hộ Tống Hạm), tổng số binh sĩ Trung Cộng hiện diện không rõ.
Chiến hạm chúng tôi, HQ-802, hai máy tiến full vận chuyển với tốc độ nhanh đến vùng 1 Duyên Hải ngày 18-1-1974 để nhận lệnh. Trên đường đi Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công ra lệnh hạm phó, Thiếu Tá Thái, chỉ huy bắn thử các trọng pháo để thao dượt tác xạ. Mỗi phát đại bác bắn đi, tàu chúng tôi rung chuyển khắp thân của khối sắt nỗi, hầu hết thủy thủ đoàn đều lên boong tàu lúc thao dượt tác xạ. Chúng tôi chỉ biết HQ-5 đã tiến ra Hoàng Sa với toán SEAL, HQ-4 mang theo toán Biệt Hải, và HQ-16 đang có mặt ngoài khơi Hoàng Sa. Dĩ nhiên là mọi thủy thủ đều quan tâm đến những diễn tiến đầy kinh ngạc này. Ðang bận đương đầu với chiến cuộc với CSVN mà HQVN tham dự bằng yểm trợ hỏa pháo từ mặt biển, nay nghe tin HQ Trung Cộng sử dụng chiến hạm với tốc độ nhanh trang bị hỏa tiễn vượt trội hơn hỏa lực HQVN, ai cũng lo ngại về sự bất cân bằng của trận hải chiến. Trước đó khoảng 1 năm, CXH Vĩnh Long HQ-802 được lệnh đi thao dượt tập đội tại ngoài khơi Trường Sa, theo các tin tức là 2 quần đảo Trường và Hoàng Sa có thể có các mỏ dầu quan trọng. Từ đó chúng tôi rời đất liền với những công tác dài hạn kéo dài vài ba tháng lênh đênh chỉ thấy những nước và sóng biển, thèm khát mặt đất, cây cối, nhà cửa và những tà áo dài. Hải đảo Trường Sa buổi chiều các hải âu bay về hòn đảo nhỏ với số lượng đông đảo làm đen cả bầu trời và tiếng kêu chíu chít nhộn nhịp của bầy chim có thể nói kinh khủng như phim “Birds” của vua kinh dị Hitchkok. Ai muốn bắt bao nhiêu chim và lấy bao nhiêu trứng chim hải âu này đều được cả. Chỉ cần lấy xoong, giỏ ra mà xúc bắt vì chúng nhiều vô số. Các sinh vật dưới biển nhiều con thật lạ lùng, các anh Ðịa Phương Quân ăn phải cá biển độc bị sưng phù và nhiễm bệnh nhiều đến nỗi chúng tôi phải chở thêm y sĩ ra trị bệnh. Có buổi chiều tàu bỏ neo, tôi đứng gần anh hạ sĩ Ðương đang thả mồi câu cá. Mồi nhấp nhấp rung dưới nước, hạ sĩ Ðương giật lên 1 con cá khá lớn. Anh vừa kéo cá lên khỏi mặt nước khoảng 1 mét, bỗng từ dưới nước nổi lên 1 con cá mập phóng ngang qua táp mất con cá của hạ sĩ Ðương, cắn đứt luôn cả dây câu, và biến vào lòng biển. Mọi người chúng tôi đều nhìn nhau kêu “Ồ” một tiếng. Từ hôm ấy, chúng tôi không rủ nhau nhảy xuống biển vùng ấy để bơi lội khi trời nóng bức, điều mà chúng tôi vẫn thường làm mấy hôm trước. Cả hai vùng biển Trường và Hoàng Sa đều nổi tiếng là có nhiều đá ngầm tức là các đỉnh núi của những núi chìm với chân núi sâu một hai ngàn thước, ví như các bãi chông dễ thọc lũng các tàu bè. Các tàu khi mắc đá ngầm bị bể nát cả thân, chỉ nỗi lềnh bềnh phần trên trở thành xác khô phơi thân cùng sương gió. Ngày còn phục vụ trên HQ-800 tàu chúng tôi cũng đã trợ giúp kéo tàu Trường Xuân của Vishipcoline khi tàu này bị mắc cạn ở Trường Sa. Có trải qua cái khổ tâm đó thì mới hiểu cái kinh dị của hai vùng biển này.
Sáng sớm ngày 19-1-74, trong khi tàu chúng tôi được lệnh bỏ neo ngoài khơi, quá Ðà Nẵng ngang hòn Tri Tôn, Hạm trưởng Công ra lệnh 2 toán đặc biệt trang bị vũ khí và áo phao có cả 2 binh sĩ người nhái trực thuộc HQ-802 hạ xuồng chuẩn bị ứng chiến. Tuy nhiên, lệnh từ Bộ Tư Lệnh Vùng 1 vẫn giữ chúng tôi trong tình trạng chờ để yểm trợ. Cùng lúc ấy, tại quần đảo Hoàng Sa, toán Hải Kích SEAL (Người Nhái) của HQVN được lênh đổ quân lên đảo Quang Hòa do Trung Cộng chiếm cứ. Quân Trung Cộng nổ súng khiến cho 2 người nhái VN chết (Hạ Sĩ Long “sandwich”, và HQ Trung Úy Ðơn). Toán Hải Kích rút về chiến hạm HQ-5 lúc 9:30 sáng. Trận hải chiến ngay sau đó bắt đầu lúc 10:00 sáng. Tôi được biết chiến hạm 2 phía dàn hình đối mặt, HQ Việt Nam ở vòng ngoài tiến về hướng Ðông Nam vào, Trung Cộng vây quanh đảo Quang Hòa, hướng về phía Ðông Bắc nghênh chiến. Sĩ quan chỉ huy chiến thuật (HQ Ðại Tá Ngạc) ra lịnh khai hỏa, tác xạ trực tiếp vào tàu địch. HQ Trung Cộng phản công. Trận hải chiến diễn ra với tổn thất hai bên như sau:
- VNCH: HQ-10 bị chìm tại trận. HQ-16 bị hư hại nặng, (phòng máy bị trúng đạn nhưng còn hải hành được). HQ-5 và HQ-4 bị hư hại nhẹ. Gần 50 binh sĩ bị tử thương, kể cả hạm trưởng HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà của HQ-10 cùng chết theo tàu.
- Trung Cộng: Chiếc Kronstad 271 (soái hạm ) bị chìm. Ba chiến hạm tham chiến còn lại bi hư hại nặng và trung bình. Con số tử vong và bị thương không rõ.
Chúng tôi nóng lòng theo dõi các diễn tiến của trận hải chiến và rất đau lòng trước cái chết của một số đàn anh và các chiến hữu mà chúng tôi đã gặp từ Hải Ðội 3 Duyên Phòng (Vũng Tàu). . . Một lần nữa cái đau xót xưa lại trở về, kẻ thù Phương Bắc lại dày xéo mãnh giang sơn mà cha ông chúng ta đã lập nên. Sau trận Hoàng Sa, Trung Cộng lập tức huy động một lực lượng hùng hậu kết hợp Hải-Lục-Không Quân với gồm cả 42 chiến hạm và 2 tiềm thủy đĩnh tấn công đổ bộ bao vây tấn chiếm đảo chánh Hoàng Sa và các đảo kế cận, bắt giữ tất cả binh sĩ VN trên các đảo giải về Trung Cộng.
Sáng ngày 20-1-74, hai chiến hạm HQ-4 và HQ-5 về lại Ðà Nẵng cập bến an toàn gặp lại HQ-16 đã về đó trước, tất cả các chiến hạm đều bị trúng đạn. Chiến hạm chúng tôi sau đó được lệnh trở về Vũng Tàu. Sau này khi tàu về đến Vũng Tàu, tôi thấp thỏm mong tin về các bạn SQ cùng khóa tham dự trong trận đánh đó là HQ Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Người Nhái) và nhất là HQ Trung Úy Lê Văn Dũng (Biệt Hải) bị HQ Trung Cộng tiến chiếm đảo Hoàng Sa bắt mang về Trung Cộng, cùng với các Ðịa Phương Quân và toán Công Binh. Khi thoáng thấy HQ-471 do HQ Ð/Úy Hoàng Thế Dân (Khóa 20) làm Hạm Phó lù lù xuất hiện về lại cửa biển Vũng Tàu từ vùng chiến Hoàng Sa, chúng tôi đã lên máy truyền tin và vì quá mong đợi tin an nguy lẫn nhau đã liên lạc trực tiếp bằng bạch văn về tin tức của trận hải chiến, bất chấp các lệnh mã hóa truyền tin.
Trong hải sử cận đại mà các cuộc hải chiến xảy ra rất hiếm hoi, biến cố Hoàng Sa là trận hải chiến đã hâm nóng lại mối thù sâu xa với kẻ thù Phương Bắc, mà liên tục qua nhiều thế kỷ đã tìm cách xâm chiếm và xâm phạm chủ quyền nước Việt Nam, như một anh láng giềng ngoan cố tệ hại nhất. Trận hải chiến Hoàng Sa đã để lại tâm khảm tôi một số ưu tư dằn vặt mà qua thời gian tôi vẫn không thể nào khuây. Chúng ta không thể nào quên được ý đồ xâm chiếm của kẻ thù Phương Bắc. Kém may mắn thay, đi kèm với hành động xâm lăng ấy là một thái độ trở cờ của chính trường HK, hậu quả của lỗi lầm về chánh trị của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate. Nước VN đã bị cô lập và bị từ khước các chọn lựa bằng giải pháp ngoại giao, để rồi phải chọn hình thức hi sinh, chiến đấu trong vô vọng, liều chết để bảo tồn danh dự trước kẻ thù mạnh hơn mình về quân sự. Tuy nhiên có lẽ niềm đau day dứt nhất vẫn là cái chết đáng thương của các chiến sĩ Hải Kích kiêu hùng mà quân chủng Hải Quân đã phải tốn bao nhiêu công sức để đào tạo. Họ được lệnh đổ bộ lên đảo trước các mũi súng địch đang gờm chờ sẵn trong hàng phòng thủ, mà không hề được hải pháo dọn bãi yểm trợ. Rồi nghĩ lại hoàn cảnh HQ-10 trong tình trạng bán khiển dụng (tàu có 2 máy chánh nhưng một đã bị hư), mà vẫn được lệnh tham chiến để rồi bị trúng đạn chìm vào lòng biển cả. Người lính VN đã phải trực diện với bao phi lý của thời cuộc như thế chỉ để nối tiếp các thế hệ đàn anh viết lên những trang sử đỏ thẳm bằng máu của chính họ. Xin đốt một nén hương lòng cho các anh hùng Hoàng Sa và mượn lời thơ của Nguyệt Trinh để ghi khắc công trạng ấy và cầu mong cái chết của họ không trở thành vô nghĩa:
Sóng biển chiều nay cuồn cuộn quá Còn đây uy dũng pháo Hoàng Sa Vành khăn tang trắng đầu con trẻ Kinh buồn vĩnh biệt tiếng cười cha
Nguyễn Văn Sáng
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 11, 2009 7:17:42 GMT 9
30 Thang 4 ,1975 Trịnh Văn Ngạn Tuong TRAN VAN HAI 1975 viết theo lời kể của Trung úy Huỳnh Văn Hoa, tùy viên của tướng Trần Văn Hai Lời người viết: Trong khoảng thời gian 1975-1977, người viết bị giam tại trại Cải Tạo Suối Tre, Long Khánh. Tại đây người viết ở chung D (tương đương cấp tiểu đội) với trung úy Huỳnh Văn Hoa, sĩ quan tùy viên của chuẩn tướng Trần Văn Hai, tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh kiêm chỉ huy trưởng Căn Cứ Đồng Tâm. Trước đó, chuẩn tướng Trần Văn Hai đã từng là chỉ huy trưởng Binh Chủng Biệt Động Quân, và cũng từng làm Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia. Trong thời gian đi cải tạo, anh Hoa đã kể cho người viết nghe những giờ phút cuối cùng của chuẩn tướng Trần Văn Hai. Ông đã chọn cho mình một cái chết anh hùng như một số tướng lãnh khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, thiếu tướng Phạm Văn Phú, thiếu tướng Lê Nguyên Vỹ,... Hôm nay, nhân ngày Quân Lực 19.06.1994, người viết xin ghi lại những giờ phút cuối cùng của chuẩn tướng Trần Văn Hai để chúng ta cùng suy gẫm và cùng để đốt lên nén hương tưởng niệm các "Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân", đã hy sinh cho công cuộc chiến đấu chung của dân tộc. Chi tiết về thời gian có thể lầm lẫn, vì chuyện kể cách đây đã hơn 15 năm rồi, nhưng nội dung câu chuyện thì không thể nào sai lạc được, vì cái chết của chuẩn tướng Trần Văn Hai cũng như một số tướng lãnh khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã gây ấn tượng mạnh trong tâm não người viết. "Tôi" trong bài chính là trung úy Hoa. "...Căn cứ Đồng Tâm, một căn cứ quân sự quan trọng nằm ngay yết hầu trên cửa ngõ từ miền Tây về Sài Gòn. Một ngày nhộn nhịp xe cộ, kẻ ra người vào, hôm nay vắng lặng như tờ... Lúc bấy giờ là 14giờ 30 ngày 30.4.1975. Sau khi theo vị tư lệnh họp mặt với các sĩ quan thuộc quyền ông lần cuối tại câu lạc bộ sĩ quan sư đoàn, tôi trở về phòng riêng trong dãy cư xá sĩ quan độc thân để thu xếp đồ đạc cá nhân và chờ lịnh. Mới cách đây 2 tiếng đồng hồ thôi, sau khi nhận được lệnh đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh và chờ "phía bên kia" đến bàn giao, chuẩn tướng Tư Lệnh đã triệu tập tất cả sĩ quan và ông đã ngỏ lời cám ơn cùng chào từ giã các sĩ quan thuộc cấp của mình, đồng thời ông ra lịnh cho tất cả mọi người trở về gia đình thu xếp cho vợ con, tránh đụng độ với quân địch, đổ máu vô ích. Đúng 15 giờ, điện thoại Tư Lệnh gọi tôi lên văn phòng của ông. Sau lễ nghi chào kính như thường lệ, tôi đứng nghiêm đợi lịnh. Khác với mọi ngày, chuẩn tướng Tư Lệnh không ngước nhìn tôi, ông ngồi im như pho tượng gỗ, dường như ông đang suy tư một điều gì... Một lúc sau ông ra dấu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế tiếp khách, trước bàn làm việc của ông. Khi tôi đã an tọa, ông mới bắt đầu lên tiếng một cách từ tốn: "Anh cám ơn em đã ở bên cạnh anh trong giờ phút cuối cùng này. Vận nước đã đến hồi như vậy, không thể làm gì hơn được. Là quân nhân chúng ta phải tuyệt đối chấp hành lịnh thượng cấp ". Sau đó ông hỏi thăm gia cảnh tôi. Cuối cùng, ông mở ngăn kéo làm việc, lôi ra một món đồ gói bằng giấy báo, ông đưa cho tôi và nói rằng: "Sáng sớm ngày mai, em có thể trở về với gia đình. Anh nhờ em đưa gói đồ này cho mẹ anh và nói với bà rằng, đây là quà của anh gởi cho bà và bảo bà đừng lo lắng gì cho anh cả. Bây giờ em có thể về doanh trại thu xếp đồ đạc, từ giờ đến tối lúc nào cần anh sẽ gọi". (Sau này tôi được biết trong gói quà ấy có 70,000 đồng cũng như có một số vật dụng cá nhân hàng ngày của chuẩn tướng Tư Lệnh). Đứng dậy chào vị TưLệnh trở về doanh trại, lòng tôi bất ổn. Tôi linh cảm như sắp có điều gì ghê gớm xảy ra cho ông. Chờ mãi đến hơn 6giờ chiều, không thấy điện thoại Tư Lệnh gọi, lòng tôi hết sức bồn chồn, đứng ngồi không yên. Cuối cùng, tôi quyết định chạy bộ lên văn phòng Tư Lệnh... Căn cứ Đồng Tâm rộng lớn chìm trong hoang vắng. Càng đến gần văn phòng Tư Lệnh tôi càng hồi hộp. Và rồi tôi cũng đến nơi. Đèn đuốc trong văn phòng vẫn sáng như mọi ngày, nhưng một bầu không khí lạnh lẽo bao trùm. Tôi rón rén bước lại cửa văn phòng, nghe ngóng động tĩnh...Vẫn hoàn toàn yên lặng! Sau cùng, tôi liều đẩy mạnh cánh cửa phòng làm việc của Tư Lệnh bước vào, một khung cảnh hiện ra trước mắt làm tôi hết sức ngỡ ngàng... Chuẩn tướng Tư Lệnh ngồi gục đầu mê man trên bàn làm việc. Một ly rượu lớn đã cạn còn ở trên bàn. Tôi biết điều gì đã xảy ra... Tôi cấp tốc liên lạc với tiểu đoàn Quân Y và bệnh xá Sư Đoàn. Lúc ấy còn một vị thiếu tá bác sĩ ở bệnh xá. Tôi liền trình bày nhanh qua điện thoại tình trạng của chuẩn tướng Tư Lệnh. Chờ một lúc sau, ông thiếu tá bác sĩ lái chiếc xe jeep cứu thương đến văn phòng Tư Lệnh. Chúng tôi đặt chuẩn tướng Tư Lệnh nằm trên băng-ca và chở xuống bệnh xá Sư Đoàn ngay. Lúc này ông đã mê man bất tỉnh. Tại bệnh xá, sau một hồi tận lực cấp cứu, vị thiếu bác sĩ buồn rầu báo cho tôi biết, vì thuốc độc đã ngấm vào máu khá lâu, chuẩn tướng Tư Lệnh không qua được cơn nguy kịch... Chúng tôi lặng lẽ lau mặt cho ông, đặt ông nằm ngay ngắn trên băng-ca và đứng nghiêm chào vị Tư Lệnh đáng kính lần cuối. Sau khi lấy chăn đậy thi hài ông lại, tôi trở về doanh trại thu xếp đồ đạc và quyết định khuya nay sẽ về Sài Gòn báo tin cho gia đình ông biết... Khi về tới Sài Gòn, tôi được biết gia đình Tư Lệnh gồm vợ, con và mẹ đã chạy vào lánh nạn ở nhà thương Grall. Sau khi gặp được gia đình ông trong nhà thương, gia đình ông quyết định bằng mọi cách phải mang xác ông về Sài Gòn. Sáng hôm 01.05.1975, mẹ ông và tôi, một già một trẻ, bao nguyên chiếc xe Lambretta, loại xe ba bánh, xuống căn cứ Đồng Tâm. Chúng tôi đến nơi vào khoảng 10giờ sáng. Khác với hôm qua, hôm nay căn cứ tràn ngập người ra vào. Kẻ đi tìm con, người tìm chồng, kẻ đi hôi của,v.v... Xe Honda chạy loạn xạ trong căn cứ. Khi xe lam của chúng tôi chạy đến cổng thì gặp một bộ đội cộng sản địa phương chặn lại. Như đã sắp đặt trước, mẹ của Tư Lệnh xuống xe mếu máo: "Con ơi, má có thằng con bị bắt đi quân dịch, nghe nói đâu nó chết hôm qua, cho má vào nhận xác nó đi con! Tội nghiệp má quá, hòa bình rồi con ai cũng về nhà, riêng con má không về nữa..." Nói xong, không đợi cho tên bộ đội trả lời, bà giục tôi lên xe và hối tài xề xe lam chạy lẹ vào căn cứ. Tên bộ đội trẻ cứ đứng há hốc miệng ra nhìn, chẳng hiểu ra sao cả. Tôi hướng dẫn tài xế xuống bệnh xá Sư Đoàn. Sau đó cùng khiêng thi hài Tư Lệnh lên xe, và đưa về Sài Gòn. Về đến nhà thương Grall thì trời đã tối hẳn. Người ta xầm xì báo cho nhau biết chiều nay, ở đây, vừa cử hành đám tang tướng Phạm Văn Phú. Phần tôi lúc này quá mệt mỏi, đầu óc vô cùng căng thẳng, không biết vợ con hiện giờ ở đâu... Sau khi tẩm liệm xác Tư Lệnh xong, tôi đứng yên lặng nhìn ông lần cuối, không dám chào theo nghi thức quân đội vì sợ bị lộ tung tích, gia đình ông sẽ gặp nhiều phiền toái. Cuối cùng, tôi cũng phải từ giã vị Tư Lệnh đáng kính với hai hàng nước mắt đầm đìa để về tìm vợ con... Tôi cũng xin nhắc lại một chi tiết đáng lưu ý, trước ngày 30.04.1975 một tuần lễ, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có phái một chiếc trực thăng xuống căn cứ Đồng Tâm đón chuẩn tướngTư Lệnh về Sài Gòn, nhưng ông đã từ chối. Ông chỉ cho vợ con về Sài Gòn, và sau cùng ông đã chọn một cái chết anh hùng như tôi đã kể cho anh nghe..." Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ... (Quốc ca VNCH)
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 11, 2009 8:57:26 GMT 9
Góc chiến trường xưa: Ít kỷ niệm về công tác xây dựng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa Monday, March 02, 2009 Nguyễn Thành Nam Hồi giữa thập niên 1960, sau khi chính phủ VNCH thông qua quyết định xây dựng nghĩa trang quân đội thì được giao cho Cục Công Binh, Bộ Công Chánh và trường Ðại học Kỹ Thuật Phú Thọ phối hợp tổ chức các cuộc thi thiết kế để chọn đề án trúng giải. Cục Công Binh sắp xếp lại thành mô hình lên Tổng Thống duyệt xét, rồi phân phối cho các đơn vị thi công. Tôi còn nhớ một ngày khoảng đầu Tháng Mười 1965, sau cuộc hành quân cùng SÐBB 25 giải tỏa vùng Tam Giác Sắt (Bình Dương) dưới áp lực nặng nề của CS, tiểu đoàn 302 công binh Chiến Ðấu đang nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số. Tiểu đoàn trưởng là Ðại úy Nguyễn Thành Nam (hiện định cư tại Ðức Quốc) nhận lệnh từ Trung Tá Nguyễn Văn Chức, Liên Ðoàn trưởng Liên Ðoàn 30 Công Binh Chiến Ðấu trở về nhận nhiệm vụ xây dựng Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Trung Tá đã nhắc nhở là việc xây dựng công trình này rất quan trọng, vì có tầm vóc quốc gia. Trung tá nói: “Tôi cũng biết đơn vị của anh đang dưỡng quân, nhưng tình hình khẩn cấp nên xin anh khuyến khích anh em các cấp cố gắng hoàn thành công tác này. Nếu cần thêm những phương tiện gì tôi sẽ cung cấp đầy đủ theo nhu cầu của công trường”. Sau khi đơn vị tôi trình diện Ðại Tá Võ Thành Lượng (đã qua đời tại Canada), cục trưởng Cục Công Binh, tôi qua sở Kỹ Thuật Cục Công Binh nhận hồ sơ, đồ án, bản vẽ v.v... của công tác xây cất và hướng dẫn anh em đến địa điểm công trường. Từ saigon theo xa lộ Biên Hòa khoảng 22 km, vị trí nghĩa trang nằm phía trái xa lộ. Tình trạng nguyên thủy theo hướng Ðông-Tây cách xa lộ khoảng 100 m, một quả đồi dài gồm có hai phần là một quả đồi thấp nhỏ (sau này xây cất Cổng Tam Quan và Ðài Liệt Sĩ) và một quả đồi lớn dài dự trù xây cất nghĩa trang chôn cất tử sĩ khoảng 26 ngàn ngôi mộ. Diện tích tổng quát là 126 mẫu, riêng khu chôn cất là 58 mẫu. Phần đất còn lại dự trù sau này sẽ xây các cơ sở tôn giáo như chùa và nhà thờ để tiện việc làm nghi lễ an táng tùy theo tín ngưỡng. Gần cuối nghĩa trang phía tay phải, nhà thầu bắt đầu khởi công xây cất liên đội chung sự và các nhà quàn, nhà ướp lạnh tử thi chờ thân nhân tử sĩ đến, kho vật liệu tống táng v.v... do thầu khoán Trần Kim Sa (hiện ở Canada) thực hiện. Công tác xây cất nghĩa trang chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I: Giao cho Liên Ðoàn 30 Công Binh Chiến Ðấu, liên đoàn trưởng là Trung Tá Nguyễn Văn Chức (sau lên chuẩn tướng làm cục trưởng Cục Công Binh và Thứ Trưởng Ðịnh Cư trong nội các Nguyễn Bá Cẩn hiện cư ngụ tại Sacramento, CA). Trực tiếp xây dựng là Tiểu Ðoàn 32 Công Binh Chiến Ðấu sử dụng hai Ðại đội A và B. Riêng ÐÐ C thì biệt phái cho công trường Dinh Ðộc Lập để thực hiện những công trình sau: - Lấy đất đỏ Biên Hòa đắp con đường chánh dài khoảng 100m đủ rộng cho xe chạy hai chiều từ xa lộ vào đầu nghĩa trang, từ đó chia làm hai nhánh chạy bọc quanh nghĩa trang và các đường nhỏ phân chia các lô. Sau đó sẽ cán đá trải nhựa. - Một công tác khác là nhận cây bạch đàn từ vườn ươm cây Gia Ðịnh trồng dọc theo hai bên đường lớn từ xa lộ vào nghĩa trang. - Xây cổng tam quan và Ðài Liệt Sĩ trên ngọn đồi thấp từ xa lộ đi vào, đúc bực thềm xi măng lên xuống từ bốn phía của Ðài Liệt Sĩ theo sơ đồ bản vẽ của Sở Kỹ Thuật Cục Công Binh. - Ðúc tượng beton ngay phía bên trái đầu đường dẫn vào khu nghĩa trang, cách đó có làm bãi đáp trực thăng. Khi hoàn tất trung Úy Nguyễn Thanh Thu điêu khắc gia từ Quân Ðoàn III Biên Hòa chở bức tượng Thương Tiếc đặt lên bệ. - Toàn khu nghĩa trang rộng lớn phân chia theo hình lưới nhện mà ở giữa xây dựng Nghĩa Dũng Ðài với Vành Khăn Tang (Giai đoạn II). Tất cả chia làm 8 khu, phân khu đúng như lưới nhện, trong nhỏ ngoài lớn. Các lô đánh dấu thứ tự như sau: Phía tay phải là Ðài Liệt Sĩ và Nghĩa Dũng Ðài có các lô H, A, I và B. Phía trái có các lô D, C, E, G, không có lô F có lẽ vì trong tiếng Việt không có vần F. Lô H nằm phía tay phải con đường chính từ Ðài Liệt Sĩ vào Nghĩa Dũng Ðài là lô quan trọng, dự trù sẽ chôn các thành phần quân dân chíng cao cấp có công trạng đặc biệt với đất nước như Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington của Hoa Kỳ. Lô H còn chia ra 5 lô nhỏ là H1, H2, H3, H4 và H5. H1 dành cho mộ dân chúng có công với tổ quốc như Tổng Thống, Thủ Tướng... Tới năm 1975 chưa có một ngôi mộ nào. H2 dành cho các chiến sĩ vô danh. H3 dành cho các tướng lãnh gồm có mộ của Ðại tướng Ðỗ Cao Trí, Tướng Phước, Tướng Ánh (không quân), Tướng Hiếu, Tướng Soạn, Tướng Ðồng và hai tướng nữa không biết là ai. Sau năm 1975, sáu ngôi mộ này đã cải táng dời đi chỉ còn hai ngôi mộ của Tướng Ánh và Tướng Phước. Cho đến cuối năm 1966, khi giai đoạn I gần xong, Ðại Tá Võ Thành Lượng Cục trưởng Cục Công Binh và phái đoàn đến quan sát công trường và công tác do các nhà thầu thực hiện. Trước đó Liên Ðội chung sự do nhà thầu xây cất cũng gần hoàn tất, đã bắt đầu nhận tử thi các chiến sĩ từ các mặt trận chở về chôn cất. Ðến năm 1967, Tiểu Ðoàn 302 Công Binh Chiến Ðấu nhận lệnh đi hành quân mở đường với Trung Ðoàn 9/SÐ 5 BB từ Chơn Thành đến sông La Ngà dài 20km để công binh xây dựng sân bay cho Lục Lượng Ðặc Biệt do trung Tá Lê Nguyên Vỹ (sau lên Chuẩn tướng Tư Lệnh SÐ 5 BB và tự sát khi CS chiếm miến Nam) chỉ huy. Vì thế nên LÐ 30 CBCÐ bàn giao công trường lại cho Liên Ðoàn 5 Công Binh Kiến tạo. Giai Ðoạn II: Liên đoàn II CBKT do Trung Tá Nguyễn Thiện Nghị (Sau lên Ðại tá làm Cục Trưởng Cục Công Binh hiện ở San Jose)) làm trung Ðoàn Trưởng có Tiểu Ðoàn 54 CBKT do Ðại Úy Lê Văn Tâm chỉ huy hai đại đội 541 và 542 có nhiệm vụ thực hiện Nghĩa Dũng Ðài. Công trình này có ba phần: 1. Một tháp hình chữ thập: đáy là 6m và đỉnh là 3m. Chiều cao từ đỉnh đồi lên tới đỉnh tháp là 48m. Bên trong tháp có 15 tầng, mỗi tầng rộng 3m11. Một thang sắt được bắc từ dưới lên. 2. Vành Khăn Tang: cao 5m xây chung quanh trụ Ðài. Ðường kính vành khăn là 24m đặt trên 4 trụ xi măng. Mặt ngoài Vành Khăn Tang sẽ được gắn các công trình điêu khắc bằng đồng. Hình ảnh dựng nước và bảo vệ từ đời vua Hùng đến hiện tại (trước năm 1975) do điêu Khắc gia Nguyễn Văn Mầu (Biên Hòa) thực hiện theo giao kèo 20 năm. Mặt ngoài Vành Khăn Tang dự trù sẽ khắc tên các anh hùng tử sĩ. 3. Sân Ðài: mặt bằng có đường kính là 34m chung quanh trồng cỏ nhung. Dự trù thì ngày 19 Tháng Sáu năm 1975 sẽ khánh thành đợt I (chưa gắn hình điêu khắc) theo lời yêu cầu của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhân dịp ông đến thăm Nghĩa Trang vào Tháng Mười Một năm 1974. Việc thám sát tìm địa điểm thích hợp về phong thủy cho nghĩa trang được xem xét rất cẩn thận. Thời gian tôi đi tù ngoài Bắc cũng như thời gian vượt biên tạm trú tại trại tị nạn Palawan, Philippines, tôi đã nghe các cựu quân nhân các binh chủng cho biết phái đoàn tìm đất cho nghĩa trang gồm Cục Công Binh, Cục Quân Nhu, Bộ Ðịa Chánh, có thầy địa lý người Hoa tháp tùng, các địa điểm đều trình lên Tổng Thống duyệt xét, sau đó mới quyết định nơi xây dựng nghĩa trang. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến ông thầy địa lý người Hoa này. Vào khoảng giữa năm 1962, khi ấy tôi đang là trung Úy làm tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 202 thuộc Liên Ðoàn 20 CBCÐ do thiếu tá Nguyễn Văn Bạch (sau lên Ðại tá, đi tù, ra tù sang Mỹ và đã chết) đang công tác làm hệ thống đường vòng chống phục kích đèo Mang Giang trên quốc lộ 19 (giữa Pleiku và An Khê) bất ngờ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đến công trường với ông thầy địa lý người Hoa này. Tổng Thống không hỏi han chi đến công tác công binh đang làm mà cả ba vị tổng thống, thầy địa lý và Thiếu tướng Tôn Thất Ðính khi ấy à Tư Lệnh Quân Khu II và Ðại Úy Lê Công Hoàn, tùy viên của Tổng Thống, leo lên đầu ngọn đồi lấy máy đo cao độ, dùng địa bàn nhắm hướng. Mọi người chỉ thấy ông thầy địa lý nói chuyện riêng với Tổng Thống rồi xem bản đồ, lấy tay chỉ về dẫy ngọn đồi nhỏ chạy dài về hướng bìa rừng. Sau đó thì công binh được lệnh làm con đường từ Quốc lộ 19 đến các quả đồi đó theo thứ tự P1 (điểm), P2, P3 v.v... Tuần nào Tổng Thống cũng ra xem xét công tác và chỉ thị thêm. Khi làm đường đến P10 thì được lệnh ngưng công tác. Sau đó chúng tôi mới biết Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đi tìm long huyệt mà không tìm được vì đi tìm càng xa càng đi sâu vào vùng bất an ninh nên phải hủy bỏ. Như vậy công tác xây dựng Nghĩa Trang QÐBH đã bắt đầu từ Ðệ I Cộng Hòa (khoảng đầu năm 1963) do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm chỉ thị. Sau vì cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một 1963 đưa đến sự sụp đổ của Ðệ I Cộng Hòa. Cũng như từ Tháng Mười Một 1963 đến giữa năm 1965, hết chỉnh lý lại đến các vụ đảo chánh liên tục, các chức vụ trong chính phủ và quân đội thay đổi liên tục, kéo dài mãi đến 19 Tháng Sáu 1965 mới giao chính quyền cho quân đội. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia (Quốc Trưởng) mới ra lệnh khởi công từ đầu Tháng Mười 1965 với tất cả mô hình bản vẽ đã làm sẵn từ thời Ðệ I Cộng Hòa. Khoảng Tháng Ba 2007, có anh em từ hải ngoại về thăm lại nghĩa trang cho biết sơ khởi: - Số mộ còn tương đối nguyên vẹn nghĩa là còn mộ bia, tấm phủ ciment trên mộ còn 4,527 mộ. - Số mộ bị đập phá tan hoang, mất bia hoặc mất tấm ciment trên mộ là 2,781 mộ. - Số mộ bị phá mất mộ bia và tấm ciment nhưng vẫn còn nấm mộ là 2,454 mộ. - Số mộ phỏng đoán được thân nhân bí mật đem đi nơi khác khoảng 2,910 mộ. - Số mộ bị san bằng hoặc bị cỏ mọc khuất lấp khoảng trên 2,700 mộ. - Ba ngôi mộ chôn tập thể 63 tử sĩ tại lô I sau ngày 30 Tháng Tư 1975. Tổng cộng ước khoảng 15,439 mộ của tử sĩ VNCH. Ngày dự định bắt đầu dân sự hóa Nghĩa Trang QÐBH đã qua mà chưa thấy nhà cầm quyền CS Hà Nội quyết định ra sao. Nhưng chắc chắn nguyện vọng của toàn dân và các gia đình nghĩa tử đều mong muốn một điều là giữ lại để làm di tích lịch sử như Nghĩa Trang Arlington Hoa Kỳ. Vì dầu sao đi nữa thì hình ảnh Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa đã ghi lại một dấu tích lịch sử, là quê hương tâm linh của những nạn nhân chiến cuộc mà không bao giờ có thể xóa nhòa trong lòng mọi người. Bây giờ người chết thì đã yên phận dưới huyệt mộ, còn đâu nữa hận thù, còn đâu nữa phân tranh nên nếu có quật mồ họ lên đi nữa thì cũng chỉ còn nắm xương tàn. Có dân sự hóa để khỏi mang mặc cảm là đối thủ của chính quyền, thì họ cũng đã thành vô hình, lấy gì để cải tạo hay thay đổi căn cước? Dân sự hóa chẳng qua là thay đổi mấy tấm ciment che đắp hay tấm bia trước mộ mà thôi, chứ hồn thiêng của các anh hùng liệt sĩ, họ đã nhập vào hồn thiêng sông núi thì làm sao mà gỡ ra? Vì thế mà người viết cũng mong mỏi thêm một điều là nhà cầm quyền CSVN nên cho phép thân nhân mang hài cốt các tù cải tạo trong các trại tù trên toàn cõi đất nước VN đem về nghĩa trang QÐBH chôn cất, cũng như các thương phế binh VNCH còn ở tại VN sau khi chết cũng được an táng tại đây như tù cải tạo, để họ còn có chỗ đi về... Cho di chuyển người lính làm mẫu cho bức tượng Thương Tiếc (nghe tin đã tử trận và rất linh thiêng) đem về dựng tại mộ Chiến Sĩ Vô Danh ở lô H2 để mọi người đến viếng nghĩa trang chiêm ngưỡng. Và cũng là để ghi dấu một sự kiện lịch sử “bất khả tư nghị” này. Có như vậy thì hồn thiêng sông núi sẽ gìn giữ cho Tổ Quốc VN, cho các thế hệ tương lai con cháu một nguồn tâm linh và đời sống sẽ được bình an. Nguyễn Thành Nam, Wiesbaden, Germany
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:35:30 GMT 9
30 Tháng 4, Nỗi Đau Việt Nam
--------------------------------------------------------------------------------
Số phận 6 toán Thám sát của Liên Đoàn 81/Biệt Cách Nhảy Dù trong Chiến Khu D cuối tháng 4 – 1975
Khoảng cuối thập niên 70, thời điểm chiến tranh Việt Nam đã đi vào khốc liệt. Miền Nam Việt Nam phải chịu bao cảnh đau thương bi thảm là hậu quả của Cộng sản miền Bắc xâm lược thôn tính miền Nam. Chết chóc không chỉ dành cho những người lính Việt Nam Cộng Hòa mà còn cho cả thường dân vô tội miền Nam nữa. Có một câu thơ tôi không biết xuất xứ từ đâu, ai là tác giả, nhưng những người lính VNCH thì hầu như ai cũng thuộc cả: “Khi tôi chết ai là người xây nấm mộ. “Một chiếc quan tài ai tiễn tôi !!!” Riêng với anh em toán Thám Sát Delta thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta (Lực Lượng Đặc Biệt) có câu: Một mai anh chết trong rừng thẳm Thì có ngàn cây phủ liệm anh Một câu thơ mà dân Delta từ ngày đó, cho đến bây giờ - tuy không còn khoác chiến y nữa - vẫn lấy làm tâm đắc bởi: Khi anh chết không ai đưa tiễn … Thì lấy đâu vòng hoa tưởng niệm ! Từ những cảm xúc đó, tôi xin trích một đoạn viết về Toán 6 Thám sát của Liên Đoàn 81/Biệt Cách Nhảy Dù trong Chiến Khu D cuối tháng 4 – 1975 trích trong Tuyển Tập Đời Chiến Binh do gia đình 81/Biệt Cách Nhảy Dù Lực Lượng Đặc Biệt thưc hiện để TƯỞNG NHỚ CÁC TỬ SĨ Biệt Cách Dù, Lưc Lượng Đặc Biệt, Chiến Sĩ Vô Danh đã hy sinh vì lý tưởng tự do để bảo vệ Miền Nam Việt Nam . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Số phận 6 toán Thám sát của Liên Đoàn 81/Biệt Cách Nhảy Dù trong Chiến Khu D cuối tháng 4 - 1975
Đời Chiến Binh – trang 251 – 251 . . . . . . . . . . . . . . . . . Riêng về 6 toán thám sát được trực thăng thả sâu trong mật khu VC đã hoàn toàn mất liên lạc. Hệ thống vô tuyến liên lạc của toán bằng máy PRC25, UHF-1 phải qua các trạm chuyển tiếp (Radio Relay Station) bằng phi cơ L19 hoặc các đài tiếp vận truyền tin ở các núi cao. Nhưng sau ngày 29 tháng 4 – 1975 các toán này không lên lạc bằng truyền tin với bộ chỉ huy LĐ81/BCND được nữa, vì những đài yểm trợ tiếp vận truyền tin đã không còn. Các toán thám sát chưa biết lệnh buông súng của Tồng Thống Dương Văn Minh ngày 30 tháng 4 – 1975. Mười tám anh em của 3 toán liên lạc truyền tin được với nhau, lương khô 5 ngày đã cạn, họ đã phải nhịn đói, mưu sinh thoát hiểm, lặn lội từ rừng sâu, khi về đến một làng ở quận Tân Uyên cạnh sông Đồng Nai gần thác Trị An (đồn Đại An ngày xưa). Họ đã quá đói nên men vào làng để xin ăn và thăm hỏi sự tình. Ba toán thám sát này đã bị Việt Công bao vây, nên anh em đành buông súng vào ngày 5 tháng 5 – 1975. Mười tám anh em bị Việt Cộng giam, bỏ đói, sau đó bắn hết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em thám sát thả trôi sông, sau bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Đồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã chôn tập thể trong trong cái giếng bỏ hoang. Theo dân làng cho biết thì có một anh chưa chết, được hai vợ chồng già trong làng đem dấu và cứu sống. Anh này tên là Đức. Hàng năm mỗi khi Tết đến anh Đức đều trở lại để đền đáp và tạ ơn cứu tử của ân nhân. Nhưng từ năm 1995 hai ông bà cụ đó đã qua đời nên anh Đức không còn đến nữa. Một toán viên khác tên là Nguyễn Văn Một, khi dân làng chôn cất thì có giữ được một cuốn nhật ký nhưng nay cuốn nhật ký đó cũng thất lạc. Mặc dầu Liên Đoàn 81/BCND đã cố gắng tìm kiếm để mua lại nhưng không được. Còn phần mộ của anh Tuấn là sĩ quan toán trưởng đã được gia đình đến bốc cốt từ năm 1993. Các toán của chuẩn úy Lê Xuân Hiền trở về ngày 7 tháng 5 – 1975 và toán của thiếu úy Nguyễn Minh về ngày 15 tháng 5 – 1975 cũng tại vùng Đại An nhưng không bị Việt Cộng xử bắn nữa. Anh Lê Xuân Hiền và Nguyễn Minh nay đã được định cư ở Hoa Kỳ. Theo dư luận địa phương cho biết sở dĩ hai toán này không bị Việt Cộng giết chết vì dân chúng bàn tán sôi nổi về sự dã man của Việt Cộng đã ngược đãi và tàn sát 3 toán trước. Toán trưởng Lê Xuân Hiền cho biết sau khi bị tước bỏ vũ khí ngày 7 tháng 5 – 1975, anh bị đưa vào trại tù binh trong rừng Bình Sơn. Tại đây, toán trưởng Hiền gặp thêm 12 anh em thám sát ở các toán khác. Trong đó toán trưởng Hiền còn nhớ tên các anh chuẩn úy Huỳnh Sơn Phương, trung sĩ Võ Văn Hiệp, Lý Khách, Lê Văn Điệp, c/u Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Sơn v.v… Trong thời gian bị giam giữ ở đó, các anh đã bị đánh đập tra tấn trả thù nên anh Nguyễn Văn Sơn và t/s Võ Văn Hiệp đã chết. Năm 1995 Gia Đình 81/BCND ở hải ngoại đã cho người về làng Đại An để lập mộ cho những anh em đã đền nợ nước nhưng dân chúng địa phương đã không dám hợp tác. Dân chúng sợ Việt Cộng trả thù vì lập mộ bia cho anh em là trưng bày cái dã tâm vô nhân đạo của Việt Cộng. Những quân nhân thuộc LĐ81/BCND đã bỏ mình tại làng Đại An vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến chỉ còn trong trong tâm tưởng của những người dân ở đó và chiến hữu còn sống sót mà thôi. Phần Kết Những anh hùng của LD981/BCND đã sa cơ trong thảm cảnh tháng Tư ở Đại An, họ đã nhận lãnh những viên đạn oan nghiệt của kẻ thù vào sau cái ngày mà những người còn “mê ngủ” đã rêu rao gọi là ngày “hòa bình đã đến trên quê hương Việt Nam!” GĐ81/BCND
Để có một ý niệm khái quát về Liên Đoàn 81 BCND, tôi xin trích trong Đời Chiến Binh một đoạn nói về Liên Đoàn 81/BCND trong mặt trận Phước Long đầu năm 1975 trước khi nói về Liên Đoàn 81/BCND và Những Ngày Cuối Tháng Tư
(trích trong Đời Chiến Binh – trang 232 – 237) LTS: Những chi tiết trong bài này được tóm tắt theo ký ức của các quân nhân thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù (LĐ81/BCND) nhằm vẽ lại một góc độ nhỏ nhoi của chung cuộc đau thương bức tử mà những người lính LĐ81/BCND nói riêng, và của toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung đã phải gánh chịu vào những ngày tháng Tư năm 1975 và những năm sau đó … Suốt từ năm 1974 cho đến ngày 30/4/1975, Liên Đoàn 81/BCND tăng phái cho quân đoàn III để hoạt động trong chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D, và các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, và Biên Hòa. Nhiệm vụ của Liên Đoàn 81 là thả các toán thám sát vào hoạt động những nơi mà những đơn vị khác ít khi hành quân vào vì lưc lượng địch quá đông, vì địa thế hiểm trở, vì ngoài tầm hoạt động của pháo binh, vì xa nơi hoạt động của các đơn vị bạn, v.v… Các toán thám sát có cái lợi điểm là quân số ít (mỗi toán chỉ có 6 người), dễ dàng lẩn tránh khi gặp địch, dễ dàng thoát hiểm khi bị truy kích vì đã được huấn luyện kỹ về mưu sinh thoát hiểm. Nhiệm vụ của các toán la thu lượm tin tức hoạt động của địch để báo cáo lên cấp trên, tùy theo mục tiêu, các toán có thể tổ chức đột kích, phục kích bắt tù binh khai thác tin tức. Có những mục tiêu ngoài khả năng của toán và theo yêu cầu của Quân Đoàn, Liên Đoàn 81 thỉnh thoảng cũng mở những cuộc hành quân đột kích vào hậu tuyến như trận phục kích tiêu diệt đoàn xe tiếp tế của địch ở thung lũng Ashau thuộc tỉnh Thừa Thiên năm 1968 và ở vùng tam biên (biên giới Việt, Miên, Lào) thuộc tỉnh Kontum năm 1972. Ngoài nhiệm vụ phục kích, đột kích nói trên, tùy theo tình hình Liên Đoàn 81 còn có thể tập trung lại để hành quân phối hợp với các đơn vị khác như ở thành phố An Lộc năm 1972, Quảng Trị năm 1973, và Phước Long năm 1975.
LĐ81/BCND trong trận Phước Long
Ngày 3 tháng 1 năm 1975, Liên Đoàn 81 được lện tăng viện cho tỉnh lỵ Phước Long, trung tá Vũ Xuân Thông và thiếu tá Nguyễn Sơn chỉ huy 300 quân chuẩn bị nhảy vào Phước Long. Cuộc đổ quân được chia làm hai đợt, nhưng ngày hôm đó không thực hiện được vì phi trường Biên Hòa bị pháo kích khá nặng, một số trực thăng bị hư hại, một số phi công có nhà ở ngoài không vào phi trường sớm được. Giờ xuất quân ấn định là 9 giờ sáng nhưng mãi đến chiều, số trực thăng tập trung ở phi trường Long Bình để đưa BCD nhảy vào chiến trận Phước Long mới đủ túc số ấn định. Đúng 2 giờ chiều, 30 trực thăng cùng cất cánh. Sau một giờ bay, chiến trận Phước Long hiện ra trước mắt vị CHT/LĐ81. Đỉnh núi Bà Rá đã lọt vào tay Việt Cộng. Từ đó, pháo kích rót vào quân ta không một viên nào ra ngoài mục tiêu, tất cả thành phố như chìm trong biển lửa. Có thể thả BCD xuống được nhưng sao giờ đổ quân đó, các phi tuần oanh tạc vẫn chưa thấy xuất hiện để làm tê liệt địch quân ở núi Bà Rá? Qua hai vòng bay ngoài thành phố Phước Long để tránh cao xạ phòng không, vẫn không thấy phi tuần đến, lại thêm trời chiều Phước Long với khói súng mù mịt khắp thành phố, với núi rừng âm u bao quanh Phước Long là gần 100 cây số, sớm nhất là phải 5 giờ 30 chiều đợt đổ quân thứ hai mới đến kịp. Giờ đó, màn đêm đã hoàn toàn phủ kín Phước Long, trực thăng và phi cơ oanh kích đành bó tay, chắc chắn BCD đã thả xuống đợt đầu với làn sóng người “sinh Bắc tử Nam” được. Không thể hy sinh BCD ngu xuẩn như thế, CHT/LĐ81 quyết định không thả quân BCD và sẵn sàng nhận trách nhiệm và mọi hậu quả. Ngày 4/1/1975, trước 9 giờ đã có đầy đủ số trực thăng như dự định nên 300 quân đã vào được Phước Long với một số tổn thất tương đối. 300 quân nhảy vào một chiến trường mà 90% vị trí phòng thủ đã lọt vào tay địch quân cộng, với tinh thần quân trú phòng quá suy sụp, hàng ngũ chiến đấu không còn nguyên vẹn thì giờ phút khai tử Phước Long chẳng còn bao lâu nếu không được tiếp tục đưa thêm quân tăng viện vào. Phần lực lượng còn lại của Liên Đoàn 81 đã sẵn sàng để vào tiếp viện nhưng lệnh trên không cho nên ngày 6/1/1975, Phước Long đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân, Liên Đoàn 81 đã xử dụng trực thăng cứ thoát được 100 quân ở xung quanh rừng Phước Long, trong số này có 7 quân nhân đơn vị bạn, số còn lại kể như bị chết, bị bắt hay mất tích.
Trớ trêu thay, sau khi Phước Long thất thủ, Không quân đã phải ra tòa vì tội “mất Phước Long”, đó là một quyết định bất công. Đúng ra là BTL/QĐIII, BTL/KH và chính CHT/LĐ81 phải ra tòa mới đúng. Đúng hơn nữa, người đã quyết định đưa BCD vào “biển lửa” khi đã có ý định bỏ rơi Phước Long mới là kẻ có tội. Khi KĐ43 Chiến Thuật phải ra điều trần trước hội đồng tướng lãnh, CHT/LĐ81 đã đến buổi họp, ông xin được phát biểu trước và sau đó vội vã ra về vì Phước Long đã mất, bộ chỉ huy BCD chỉ mới cứ ra được trên 100 quân, trong đó có trung tá Vũ Xuận Thông, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật, thiếu tá Nguyễn Sơn, (CHP/BCH/CT), đại úy Trương Việt Lâm (Biệt đội trướng BĐ 811), và đại úy Lê Đắc Lực (Biệt đội trướng BĐ 814), (những vị này hiện đang ở Hoa Kỳ), còn trên 100 BCD khác nữa đang cần có CHT/LĐ81 trên các phi vụ tìm kiếm. Gần 9 năm liên tục lặn lộn trên các chiến trường với anh em BCD, CHT/LĐ81 nhận thấy Không Quân, nhất là anh em đã thường chết chung với BCD, do đó, CHT/LĐ81đã xin sẵn sàng nhận tội làm mất Phước Long trước tòa án binh chứ không phải Không Đoàn 43 Chiến Thuật. Xin được trích đăng một đoạn do Không Quân Đào Vũ Anh Hùng đã viết trên đặc san Lý Tưởng của Không Quân liên quan đến “sự kiện Phước Long”: . . . . . . . “Đại tá Triệu, xước danh “pilot Thái Bình” mà Dương Hùng Cường mô tả là “lái máy bay trước khi biết lái xe đạp”, Không Đoàn Trưởng KĐ 43 Chiến Thuật yêu cầu tôi đại diện Không Đoàn làm “luật sư” trong buổi điều trần trước hội đồng tướng lãnh. Đại tá Phan Văn Huấn, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù có một thiếu úy tùy viên đi theo, vào phòng họp sau cùng. Ông xin được nói trước với lời lẽ hiên ngang đầy khí phách: “Mất Phước Long, lý do tại sao, quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần BCD 81, chúng tôi vào chỗ chết đã đành, bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng với anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, chết lây với chúng tôi thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa là điều tôi cho là vô lý. Nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị ở lại tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả. Tôi xin phép ra về vì còn nhiếu việc phải làm.” Đại tá Huấn đứng nghiêm chào và quay ngắt đi ra. Ông đến như một cơn gió và ông đi cũng như một cơn gió. Ông xuất hiện chưa đầy năm phút, nói một lời ngắn ngủi nhưng tôi ghi nhớ mãi cái giây phút lịch sử và hình ảnh của ông. Hội đồng tướng lãnh ra về, giao việc tiều tra cho đại tá Nguyễn huy Lợi, Nha Quân Pháp, ở lại làm việc. Tôi đã làm trọn vai “luật sư”, biện hộ cho Không Đoàn 43 Chiến Thuật. Ngày di tản, gặp lại đại tá Nguyễn Huy Lợi trên boong tầu Mỹ, trước đông anh em, ông đã khen ngợi tôi không tiếc lời về việc tôi dám nói ra sự thật vụ mất Phước Long.
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:38:55 GMT 9
Sau ngày 30 – 4 - 1975
Câu chuyện sau đây được viết lại theo lời kể của Đại Tá Trần Phương Quế, nguyên tiểu đoàn trưởng TĐ81/Biệt Cách Nhảy Dù (1968- 1970); sau đó là trung đoàn trưởng Trung Đoàn 9/Sư Đoàn 5/Bộ Binh. Ông bị tù cải tạo mười ba năm và hiện đang cư trú tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ.
30 tháng 4 – nỗi đau Việt Nam.
Xin được thêm một lần viết lại “cái hùng khí của một sĩ quan trẻ VNCH” đã tự quyết cuộc đời không để chết nhục trong tay địch.
. . . . . . .
Khoảng tháng 6 năm 1975, tại cư xá Lam Sơn có khoảng bảy chục gia đình vì có một số sĩ quan đã đưa gia đình di tản trước 30 – 4 – 1975. Đây là khu cư xá SQ của QLVNCH nên Việt Cộng điều động một tiểu đoàn giữ an ninh khu đó. Bộ Chỉ huy TĐ đóng ở nhà Tướng Mạnh (QLVNCH), dẫy A 20. Trong thời gian này, cả khu cư xá Lam Sơn bị cúp nước dài dài … Nhà Đại Tá Quế có một cái giếng đã đào từ thời gian gia đình ông mới dọn về ở cư xá đó. Trước tình trạng thiếu nước nguy ngập đó, cái giếng nước nhà Đại Tá Quế đã cung cấp nước cứu nguy cho cả khu cư xá Lam Sơn kể cả cho Việt cộng.
Với bản chất hung hăng thô lỗ, và trình độ ít học của bọn lính Việt cộng trú đóng khu đó, đã làm biết bao cảnh chướng tai gai mắt gây phẫn nộ cho những cư dân khu cư Lam Sơn. Chúng thường tắm rửa trần truồng ngay tại khu vực giếng nước và hơn thế nữa, chúng còn trần truồng đi thản nhiên quanh khu vực đó nữa. Một thanh niên tên Tuấn thấy cảnh tục tằn khó coi không thể chấp nhận được đã đến gặp bọn Việt Cộng tại Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn của chúng để tìm cách ngăn chặn những hành vi bẩn thỉu kia.
Người thanh niên đó là con trai của Đại Tá Quế. Anh tên Trần Phương Tuấn, một sĩ quan động viên (SQ Trừ Bị Thủ Đức năm 1972). Khi ra trường phục vụ tại Nha Trang, sau đó thăng cấp thiếu úy thuyên chuyển về Tiểu Khu Gia Định (vùng III). Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tuấn về ở với gia đình cha mẹ tại cư xá Lam Sơn. Tuấn đến bộ chỉ huy tiểu đoàn của VC để nói về “phong cách dâm ô” của mấy người lính VC thì bị bọn VC nạt nộ, chửi bới và đuổi đi.
Sau đó Tuấn lại đến thêm vài lần nữa để cố thuyết phục bọn VC nhưng hoàn toàn thất vọng. Tuấn lớn tiếng phản đối vì không thể để cảnh đó cứ kéo dài mãi. Bọn VC chỉ chờ có thế để lấy cớ gây gỗ, xô sát, ẩu đả. Những cư dân ở khu đó ra can ngăn vì sợ nguy hiểm cho tính mạng Tuấn. Tuấn cương quyết phải giải quyết thỏa đáng minh bạch. Bọn VC càng làm tới, chúng nhào tới đánh Tuấn. Tuấn chịu không nổi, đi về nhà lấy lựu đạn đem theo rồi ném vào bộ chỉ huy TĐ của VC gây nhiều tử vong cho bọn VC. Rồi Tuấn lẳng lặng về nhà tự sát (ngày 15 tháng 6 năm 1975). Ngay sau đó gia đình Đại Tá Quế bị đuổi ra khỏi nhà. Cũng trong thời gian này đ/tá Quế đã đi trình diện cải tạo (tháng 5 – 1975). Gia đình đ/tá Quế phải đi ở nhờ một người quen ở Chợ Vườn Chuối cho tới ngày đi Mỹ diện H.O. Câu chuyện xảy ra ít ai biết tới. Một tiếng nổ, một cái chết, đến quá nhanh trong thời gian “đổi đời” mà “ám khí tử thần” lúc nào cũng như sẵn sàng chụp xuống hàng ngũ quân đội VNCH, nói riêng và cho cả nhân viên cán chính miền Nam Việt Nam, nói chung.
Câu chuyện của người trẻ tuổi Trần Phương Tuấn, một Sĩ Quan QLVNCH – một câu chuyện có thật đã xẩy ra – cũng đã chìm vào dĩ vãng. Nhưng âm vang của nó kéo dài mãi mãi. Tôi không biết viết gì thêm ngoài mượn câu nói của đích thân Đại Tá Quế, tức thân phụ của Thiếu Úy Trần Phương Tuấn để thay lời kết:
“ĐỨNG VỀ PHƯƠNG DIỆN “NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG “HÒA, VỚI TÔI, ĐÓ LÀ MỘT ĐIỀU “HÃNH DIỆN. CÒN ĐỨNG VỀ “TÌNH CẢM CỦA MỘT NGƯỜI CHA “ĐỐI VỚI NGƯỜI CON THÌ LÀ “ĐIỀU RẤT ĐAU LÒNG !”
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:41:56 GMT 9
Ba muươi, tháng tư, bảy mươi lăm, nỗi đau Việt Nam còn đó
Tôi nghe anh Tư – anh Tư, cái tên thân mật mà anh em 81 Biệt Cách Dù chúng tôi gọi đại tá Phan Văn Huấn, Chỉ huy trường 81/BCD từ lâu rồi – nhắc lại câu nói với tôi ngày trước khi đi Mỹ: “ta biết mi đã giải ngũ mà vẫn còn ở trại gia đình sĩ quan 81/BCD để rồi sau 30 tháng 4 – 75, mi phải đi tù 9 năm và gánh chịu nhiều mất mát đổ vỡ … là điều u uất lắm ...” Một đoạn phim dĩ vãng chợt trở về … . . . . Khi nghe đại úy Hiếu, bác sĩ nhãn khoa thuộc Tổng Y Viện Cộng Hòa hỏi tôi:
- Đại úy muốn giải ngũ hay giải phẫu? Tôi giật mình tưởng mình nghe lầm, nhưng tôi hỏi lại với ý khác: - Thưa bác sĩ nếu giải phấu, liệu kết quả có chắc không ? Bác sĩ Hiếu trả lời là không biết trước được. Tôi suy nghĩ thật nhanh trong đầu rồi nói với bác sĩ Hiếu: - Tôi muốn giải phẫu? Bác sĩ Hiếu gật đầu rồi nói chuyện với tôi vài câu sau đó tôi trở về phòng lại. Lúc đó khoảng giữa năm 1973, tôi đang điều trị vết thương trên đầu và mắt phải. Năm 1974, tôi giải ngũ, thương phế binh cấp độ tàn phế 50%. Tôi gặp đại tá Huấn, chỉ huy trưởng LĐ 81/BCD để nói về tình trạng của tôi. Anh Tư (đại tá Huấn) nói ngay: - Mặc dù mi đã giãi ngũ rồi nhưng mi đã khoác áo Biệt Cách Dù và bị thương cho mầu cờ sắc áo đó, mi cứ ở lại trại gia đình sĩ quan 81 này và mi vẫn là đứa con của 81/BCD. Tôi cám ơn anh Tư. Bỗng anh nói tiếp : - Bây giờ còn chuyện này nữa, Tổng cuộc Thực Phẩm Quốc Gia, đỡ đầu cho Liên đoàn 81 chúng ta. Nếu mi muốn đi làm công chức ở đó, ta sẽ viết giấy giới thiệu cho mi. Tôi cám ơn anh Tư rồi cáo từ về nhà, ở khu gia đình sĩ quan 81 ở ngay sát hàng rào Liên đoàn. Đó là lần cuối tôi được mặc bộ đồ hoa bèo với đầy đủ huy hiệu … của đơn vị mà tôi đã được khoác nó trên người trong 8 năm trời. Tôi nghe nóng nóng trên mắt, trên má … hình như tôi muốn khóc. Tôi bắt đầu cuộc sống dân sự từ đó. Ngày ngày đi làm ở Tổng cuộc Thực Phẩm Quốc Gia, đường Phạm Đăng Hưng, Sài Gòn. Đến đầu năm 1975, tôi chuyển về coi an ninh kho gạo ở bến Lê Quang Liêm, Chợ Lớn. Cuộc sống dân sự lặng lẽ trôi. Tôi vẫn ở khu gia đình sĩ quan, sát ngay Liên đoàn nên hàng ngày gặp một số anh em LĐ 81/BCD ở hậu cứ, còn đại đa số đi hành quân. Mặc dù đã giải ngũ nhưng đôi khi trong những ngày nghỉ, tôi lên căn cứ hành quân của LĐ ở Tây Ninh đóng trong B 16 (LLĐB cũ) hoặc ở trong phi trường Biên Hòa để gặp bạn bè cũ. Hình như hình ảnh người lính với bụi đỏ mịt mờ, với mồ hôi nhễ nhại … vẫn còn lởn vởn quanh tôi. Rồi 30 tháng 4 tới. một cuộc đổi đời đảo ngược tất cả … Tất cả chỉ có thể gom lại một câu: “mất tất cả rồi”. Khoảng ngày 28 tháng 4, tôi đưa gia đình về nhà cha mẹ ở Sài Gòn và tôi vẫn đi làm ở kho gao (Chợ Lớn). Sáng đầu tháng 5 tôi trở lại nhà ở tại khu gia đình SQ Liên Đoàn 81, chỉ còn là nhà trống. Đã mất thật rồi. Tôi đứng lặng nhìn mái nhà thân yêu, tôi muốn khóc và tôi đã khóc. Tổng Cuộc Thực Phẩm Quốc Gia đổi tên là Ban Lương Thực Thực Phẩm; các phòng như Phòng 1, 2, Nhân viên, Tài chánh … đổi là Buồng 1, 2, v.v.. Đến ngày 24 tháng 6 – 75, tôi nhận giấy đưa đi cải tạo. Ai học được chữ ngờ. Tôi cũng không ngờ mình đã bị tù 9 năm. Trong thời gian trong tù, tôi gặp lại đại tá Huấn, ở Long Giao (khoảng cuối năm 1975), chúng tôi chỉ trao đổi một vài câu thăm hỏi vì gặp nhau bất ngời khi đi lao động. Ở trại Nam Hà khoảng đầu năm 1983 tôi gặp lại các “ông thày” (cấp chỉ huy) như: đ/tá Huấn, đ/tá T.P. Quế, chuẩn tướng P.D. Tất (chỉ huy trưởng TTHL/HQ Delta trước năm 1970), đ/ta Hồ Tiêu (cựu Tư Lệnh LLĐB), và một số các sĩ quan cao cấp LLĐB khác. Cuộc sống tù lúc này tương đối “dễ thở” hơn dăm năm tù đầu tiên. Cuối năm đó tôi chuyển vào Nam ở Z 30 A, Xuân Lộc Gần giữa năm 1984, tôi được thả về. Tôi đã gần như nghe quen tiếng … mất mát, nhưng đến khi trực diện với cảnh hạnh phúc gia đình đổ vỡ, tôi đã chết đi cảm giác đầu. Cảm giác đầu, một cái cảm giác rất cần thiết cho dân nhảy toán Delta chúng tôi ngày đó. Ngày đó, chúng tôi sợ nhất trường hợp … khi đang đi trong rừng, bất thình lình gặp VC mà người đi đầu (quan trọng hơn cả), đứng “chết trân”, bất ky cục kịch … thì quả là bất lợi, khó lường được hậu quả tai hại sẽ xảy đến. Cái chết trân bất ky cục kịch đó, chúng tôi gọi là “cảm giác đầu”. Và lần “trở về” ấy, tôi đã chết đi cái cảm giác đầu đó. Rồi tôi gặp lại ông thày, lúc này chúng tôi gọi ông thày (đ/tá Huấn) là anh Tư cho thân mật, sau 13 năm tù cũng đã được thả về. Thời gian này, việc nộp đơn đi H.O. đang bùng lên và mang lại luồng sinh khí mới cho những người tù cải tạo. Các anh em trong LĐ 81 còn ở VN lúc đó thỉnh thoảng cũng họp lại để tâm tình thăm hỏi nhau … Một lần, anh Tư nói với tôi bằng một giọng trầm buồn: “Thôi mi cũng cũng đừng buồn nữa, ai mà ngờ được việc gia đình mi còn ở lại khu gia đình sĩ quan LĐ … đã đưa mi đến thảm cảnh ngày nay …” Tôi nhắc lại một việc – tôi tạm ví như giấc mộng con – đó là việc bất thành mà anh Tư không muốn nhắc lại, dù ngay với những thuộc cấp, coi như những đứa con của gia đình 81 BCD. Ngược dòng thời gian trở lại những ngày tháng trước 30 tháng 4 năm 1975. Lúc đó căn cứ hành quân LĐ81 đóng trong phi trường Biên Hòa. Trước tình biến động có chiều hướng xấu đi, đ/tá Huấn đã nghĩ đến chuyện “đường cùng tự cứu nguy” của một người lính. Việc nguy hiểm này ông chỉ bàn với bốn chiến hữu tâm phúc nhất của ông (xin dấu tên). Đó là việc cho thả một số vũ khí đạn dược, lương khô, thuốc men … cần thiết cho việc “đào tẩu mưu sinh” sau này nếu như (!!!) … Nếu như sau này … ông sẽ cùng những chiến hữu LĐ dùng “những thứ đó” làm hành trang cho việc đào tẩu bằng đường rừng qua Thái Lan. Công việc “những thứ đó” thả vào rừng rồi chôn dấu (xin dấu)) đã thực hiện được vài chuyến … Nhưng đến cuối tháng tư thì LĐ nhận lện rút về Sài Gòn. “Giấc mộng con” đó bị chôn vùi như “những thứ đó” đã được chôn vùi … (vào lãng quên). Anh Tư, im lặng nói với tôi: “thôi chuyện đã qua, không cưỡng lại định mệnh được !”. Tôi im lặng hồi lâu rồi đọc hai câu thơ của Cao Bá Quát, cho anh Tư, hay cho riêng tôi, hay cho những ai nữa đó … thì âm vang vọng lại không gì ngoài tiếng nấc … “Anh hùng mạc vãn thiên niên quốc. “Chinh chiến không thành nhất lũy danh”. “… nhất lũy danh” là của thời xưa chứ bây giờ, chẳng còn gì nữa … Có còn chăng là cái nắm chặt tay nhau trong những lần …họp mặt đơn vị cũ của nhựng người ngày xưa đã hơn một lần nắm chặt tay nhau trong rừng xanh núi thẳm, trong sinh linh máu lửa … Tôi chợt nhớ đến hoàn cảnh các hạ sĩ quan LĐ 81 cũng phải đi cải như thượng sĩ Đầy bị 7 năm, thương sĩ Đại bị 5 năm, thượng sĩ Quỳ bị 3 năm. Thượng sĩ Quỳ trước là tóan phó của tôi cũng đã chết rồi … Tôi đã gặp anh Đại khi còn ở VN và khi sang Mỹ chỉ mới gặp lại một lần trong buổi họp mặt LĐ năm 2002 ở Cali. Tôi cũng mới điện thoại nói chuyện với Đại về chuyện tù cải của các hạ sĩ quan LĐ81 và xin lược thuật dưới đây. . . . . . . Sau hai đợt tập trung cải tạo sĩ quan cấp tá, cấp, đến đợt tập trung hạ sĩ quan. Các hạ sĩ quan từ thượng sĩ trở lên thuộc các đơn vị Tình báo, An ninh Quân đội, Cảnh sát đặc biệt, LLĐB, Nha Kỹ thuật, LĐ 81/BCND … phải đi trình diện cải tạo. Các thượng sĩ (trở lên) ở LĐ 81 sau 30 tháng 4 – 75, có một số đã di chuyển đi nơi khác. Còn lại đã đi cải tạo gồm: các thượng sĩ sau: th/sĩ Đầy, N. Thái Nhẫn, NV Toàn, La Văn Kim, N.V Quỳ và NV Đại. Anh Đại coi ba lớp học sơ cấp của khu gia binh LĐ 81 nên còn gọi là thày Đại. Quỳ là toán phó (Thám sát thuộc TTHL/HQ/Delta) của tôi năm 1968. Sau gần ba năm cải tạo, về ở lại trong khu gia binh cũ ngay Ngã Tư An Xương, Hóc Môn. Thượng sĩ Đầy bị tù cải tạo bảy năm. Riêng thượng sĩ Đại, trong tháng 9 (khoảng Tết Trung Thu), anh đi trình diện tại trường Trung Học Trưng Vương, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau đó, anh được đưa ra Tân Cảng, lên tầu HQ 501 hay 502, anh không nhớ chính xác. Tầu chậy tới Cần Giờ bị trục trăc nên quay trở lại Tân Cảng. Sau đó được đưa đến trại Tân Hiệp, Suối Máu, Biên Hòa. Trại này trước là trại tù binh CS. Trong chuyến đi này có vài vị tướng như tướng Đỗ Kế Giai, Lê Văn Thân … cùng với một số sĩ quan bị bắt sau 30 tháng 4 – 75 vì không trình diện tập trung cải tạo đúng hạn. Sau vài tháng ở trại Tân Hiệp, anh em lại bị đưa ra Phú Quốc. Ở Phú Quốc khoảng chín tháng, vì tình hình lộn xộn ở Căm – Bốt, nên lại bị chuyển về Long Giao, căn cứ (pháo binh) của Sư đoàn 25 Hoa Kỳ. Có một chuyện khôi hài xảy ra: một trung úy tự xưng là Trung tướng Nguyễn Huệ, tư lện Sư đoàn 23. Anh em trong trại gọi là sư đoàn 23 B. Không hiểu anh trung úy kia hành động như thế với ý gì … Trong thời gian ở Long Giao, anh Đại có nghe tin đại úy Trương Văn Út, trước năm 1970 ở Tiểu đoàn 81 BCND, rồi chuyển sang Nhảy Dù (Đại đội trưởng Trinh sát), đã trốn trại thoát. (Sau mấy năm sống khốn khổ ở Sài Gòn, anh Út đã vượt biên thoát và đang ở Texas). Đến khoảng giữa năm 1977, anh em tù lại bị chuyển đi trại Bù Gia Mập, Phước Long. Trong thời gian này ở Phước Long có một chuyện đặc biệt xảy ra: có năm người trốn trại bị bắt và hai người bị bắn chết tại chỗ còn ba người bị bắt lại. Không ai biết về sau số phận ba người bị bắt lại sẽ ra sao. Trong hai người bị bắn chết, một người tên Nguyễn Hòa, chuẩn úy, thuộc Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, cũng là em ruột của Trung tá Nguyễn Văn Lân, chỉ huy phó LĐ. Năm 1978, không nhớ rõ vào tháng nào, VC lại chuyển trại đưa tù về lại Tân Hiệp, Suối Máu, Biên Hòa. Một sự việc đặc biệt xảy ra vào cuối năm 1978, anh em trong trại Tân Hiệp có tổ chức hát Lễ Giáng sinh (ngay trong đêm Giáng sinh) và bị bao vây cô lập nhưng VC chưa dám thẳng tay trừng phạt hay tiêu diệt vì sợ bùng nổ lớn. Ngay sau đó, VC tiếp tục bao vây trại cả tháng trời. Có hai người bị nghi là chủ mưu tổ chức hát Lễ Giáng sinh bị bắt đưa đi khỏi trại. Anh em trong trại đồng loạt đứng lên tranh đấu bằng những cuộc biểu tình bất bạo động để đòi đưa hai bạn kia về lại trại. Cuối cùng VC phải đưa hai bạn đó trở về trại lại. Đến đầu năm 1981, thượng sĩ Đại được tha vê. Thượng sĩ quỳ chưa kịp đi Mỹ thì chết ở Việt Nam. Anh Đại đi Mỹ diện H.O. và đang ở Texas. Nói về LĐ 81 BCND, anh Tư (tức đại tá Huấn) đến Mỹ (H.O.) năm 1993, đã được anh em 81 BCND ở khắp nước Mỹ tín nhiệm làm “con chim đầu đàn” của gia đình 81 BCND ở Mỹ. Cứ ba năm tổ chức họp mặt một lần, để tất cả anh em không những ở Mỹ và còn ở các nước khác về gặp lại nhau chia vui sẻ buồn, hàn tuyên tâm tình … Hơn mười lăm năm ở Mỹ, tôi mới chỉ về họp mặt LĐ 81 một lần. Anh em chúng tôi gặp nhau buồn buồn tủi tủi khi nhắc lại những chuyện xưa. Lần đó, tôi gặp chị Kiều Mỹ Duyên (học cùng lớp với tôi thời trung học đệ nhất cấp), và thiếu tá Đào Minh Hùng, Biệt đội trưởng Biệt đội 4), cũng học chung lớp với tôi, chúng tôi vẫn gọi nhau mày tao … như ngày nào. Vẫn cái tình học trò và cái tình huynh đệ chi binh. Đào Minh Hùng đã đứng chết trân khi tôi kể lại câu chuyện về một người bạn học cũng chung lớp thời xưa ấy … Tôi xin ghi lại ở đây như một đoạn kết câu chuyện … Anh bạn chúng tôi tên Bùi Quang Phi, khi chúng tôi học tiếp lên đệ nhị cấp thì Phi đã tốt nghiệp Cán Sự Kiến Trúc. Anh có khiếu về hội họa nên theo học ngành đó. Sau đó chúng tôi lưu lạc và rất ít gặp nhau. Khỏang đầu thập niên 90, tôi trong thời gian chờ đợi phỏng vấn đi H.O. tôi vô tình gặpBùi Quang Phi ở trại Tân Việt, đối diện thành Nhảy Dù, Ngã Tư Bảy Hiền. Lúc đầu gặp, tôi tưởng Phi không muốn nhận bạn cũ. Sau gặp anh N. V. Kết (Kết đen, BĐQ), bạn cùng trại tù Vĩnh Quang, cũng ở gần nhà Phi và biết tình cảnh của Phi nên kể rõ cho tôi nghe. Tôi thật không ngờ, Phi lại rơi vào hoàn cảnh khốn khổ như thế. Phi đi tù cải tạo khoảng dăm năm, được tha về trong tình trạng tâm thần bất ổn, nếu không muốn nói là điên điên … khùng khùng !! Khi về đoàn tụ với gia đình, vì tình trạng bệnh tật đó, không đi làm được, mà không có điều kiện chữa bệnh. Nộp đơn đi H.O. cũng không được. Thật là tột đỉnh đau thương! Vợ chồng tôi đến thăm gia đình Phi mấy lần nhưng lần nào chị Phi cũng khóc và giọng nức nở: “Anh ấy vẫn thỉnh thoảng ra nghĩa địa ngủ. Tình trạng này kéo dài gần mười năm nay rồi …” Hùng hỏi tôi có biết thêm tin gì về Phi sau này nữa không, tôi trả lời cho đến bây giờ, cũng không biết tình cảnh Phi như thế nào … Hùng bỗng nói nhỏ cho tôi đủ nghe: “Cái số mày ăn mày …, ăn mày thật đấy … nhưng dù sao thì cũng còn thoát được cái địa ngục Xã hội chủ nghĩa”. . . . . . . Theo quy luật đào thải, tôi thấy mình đang tiến dần vào hoang phế, (tôi tạm dùng từ này vì không biết từ nào hơn). Tôi ngay đến bây giờ, ý thức chính trị vẫn chỉ là điều chưa được thấu triệt lắm, chỉ nhìn đời bằng cái nhìn bình thường – bình thường đến độ được hiểu như nghĩa “bình dân” của “phó thường dân Nam Bộ”. Dầu sao tôi cũng được khoác áo “phó thường dân Nam Bộ” đúng nghĩa. Và cho dù thời gian khoác áo đó không lâu dài nhưng ít ra nó cũng cho tôi ý niệm “cuộc sống bình dân”. Riêng tôi, tôi ví đó là “xuân thu” của đời mình. Xuân thu cũng đã qua rồi! Cũng trong ý niệm “phó thường dân Nam Bộ” ngày đó, bây giờ đổi thành “phó kiều dân Hoa Kỳ”, tôi vẫn cố tập cho mình một cái nhìn “bình thường”. Cái nhìn sự việc (nói chung), trên quan niệm thông thường: Yếu tố thực lực, nỗ lực chủ quan Yếu tố tác động khách quan. Thành thực mà nói, về điểm đầu, miền Nam Việt Nam, thời đó, chúng ta phải khẳng định sức mạnh chiến đầu, tức thực lực, (nỗ lực chủ quan) chúng ta không thiếu. Song, bên cạnh đó, chúng ta cũng có những “phản lực”, tức lực chống lại như nằm vùng, vào bưng biền, du kích v.v… Đó là vế mặt quân sự, còn mặt dân sự, như các cuộc biểu tình chống đối chính phủ của dân chúng và nhất là giới trẻ sinh viên, v.v… Tôi chỉ xin nói đến sự việc đã xảy ra và xin gạt sang một bên “nguyên nhân và tác động gây ra”. Về yếu tố thứ hai, nước ta là một “tiểu nhược quốc”, và trên thực tế, số phận của những nước nhỏ bé, không có tiềm năng gì cả, được ví như “con cờ thí” của bàn cờ thế giới do hai phe “đầu nậu” đấu với nhau, thì cũng chỉ là một điều dễ hiểu. Hiển nhiên như, miền Nam “chiến tranh” với miền Bắc nhưng các thỏa ước, hiệp định không do miền Nam tham dự hoặc ký kết mà do “Tổng Thống Mỹ” quyết định (xin miễn dẫn chứng vì quá hiển nhiên). Còn nhiều điểm nữa kể ra không hết. Chỉ nhìn qua hai điểm này, chúng ta đã thấy ngay cái kết quả của cuộc chiến VN từ năm 1954 đến 1975. Nghĩa là ta đã thấy được thân phận của miền Nam chúng ta. Có điều với đa số chúng ta (nói chung), ở thời cuộc chiến đang diễn ra, “sự thật trắng trợn” đã được bưng bít, che đi – và cũng xin gạt sang một bên việc tìm hiểu, phân tích lý do tạị sao. Thay vào đó, tôi buông tiếng thở dài cho khuây khỏa ! Thôi thì, với tôi, tuy có muộn nhưng ít ra cũng học được bài học thật quý giá – một bài học TỰ LỰC và TỰ DO - Thời đó, miền Nam chúng ta tuy chưa đủ sức tự lực nhưng đồng thời cũng thiếu tự tin và nỗ lực vào việc “tự lực cánh sinh”. Cạnh đó, lại chưa đủ “ý thức chín mùi” cho việc đòi hỏi có ngay cái TỰ DO của các nước văn minh tiền tiến để đáp ứng thỏa đáng cho dân chúng. Từ đó đã gây ra sự mất thăng bằng, mất yên ổn trong cuộc sống, ảnh hưởng vô cùng tai hại cho cuộc chiến đấu chống Cộng sản, mà hậu quả khôn lường như đã đến: 30 – 4 Cho tới nay, gần bốn mươi năm sau, miền Nam đã có được gì, câu trả lời vẫn muôn đời không giống nhau và “thân phận của người dân”, dù một người hay nhiều người vẫn còn tùy thuộc vào cái gọi là “định mệnh chung” (cộng nghiệp) của đất nước. Ba muươi, tháng tư, bảy mươi lăm, nỗi buồn còn đó. Tôi vẫn mang nỗi buồn, hẳn cũng giống như nỗi buồn trong một bài thơ cổ mà tôi không biết tác giả là ai: “Tri ngã giả “Vị ngã tâm ưu “Bất tri ngã giả “Vị ngã hà cầu “Du du thương thiên “Thử hà nhân tai”
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:43:54 GMT 9
30 Tháng 4, Nỗi Đau Việt Nam
--------------------------------------------------------------------------------
Cho Người nằm xuống
“Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn …” Đó là câu đầu bài ca “Một Mai Giã Từ Vũ Khí”. Tôi không nhớ tên tác giả nhưng âm điệu lời ca vẫn mãi xoáy nghiến da diết tâm trí tôi – một kẻ giã từ vũ khí lúc cuộc chiến gia tăng khốc liệt vào những năm 1973 – 1974 …. Trở về đời sống “phó thường dân Nam Bộ” trong cái tâm trạng tàn phế ấy, những người thân tôi thường an ủi: “thôi thế cũng yên một bề !” Tôi thì không tin như thế - cái “tưởng rằng đã yên”, thực ra chưa hẳn đã thật yên vì … mùi thuốc súng, khói lửa chiến chinh đang có khuynh hướng tiến dần về Sài Gòn. Rồi chỉ một năm sau đó, “. . . sẽ một ngày chinh chiến tàn …” và chinh chiến đã tàn ! đã tàn thật rồi !!! Tiếng súng không còn nữa trên các nẻo quê hương yêu dấu – mà thay vào đó – những tiếng thương đau hờn oán vang dội trên khắp giải đất quê hương. Bởi chinh chiến tàn … để mở màn cho một địa ngục trần gian của thiên đường cộng sản: lao ngục tù đầy với vỏ bọc tập trung cải tạo, lao động khổ sai dưới hình thức kinh tế mới, cưỡng bức lao động bằng hình thức lao động tiên phong, thanh thiếu niên tiền phong của thành phố mang tên bác, và đặc biệt với khẩu hiệu: “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ !”
Những lớp người trước tôi, những lớp người cùng thời và những lớp người sau tôi, đã chôn vùi giấc mộng bình thường, một cuộc sống hài hòa thanh thản, vào những nơi tận cùng khốn khổ của cái gọi là đỉnh cao xã hội chủ nghĩa. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi và tôi vẫn cứ im lặng kéo dài cuộc sống qua các trại tù Cộng sản từ miền nam ra Bắc rồi lại trở về miền Nam. Trong thời gian lưu đày đó, tôi gặp lại đại tá Hồ Tiêu (cựu Tư Lệnh LLĐB), đại tá Phan Văn huấn (Chỉ huy trưởng LĐ 81/BCND), đại tá Trần Phương Quế (Trung đoàn trưởng Tr.Đ 9/SD95/BB, nguyên Tiểu đoàn trưởng TĐ 91/BCND/LLĐB năm 1968 – 1970), cùng các bạn: Hiếu, Ẩn, Vân, Phan (bạn học thời trung học) và còn nhiều bạn khác nữa v.v… Trong hoàn cảnh lưu đày ấy, những phút tâm tình bên nhau là những an ủi, những niềm vui nhen nhúm lên những hy vọng mà sống – dù rằng chúng tôi vẫn biết hy vọng đó chỉ là ảo vọng, một thứ ảo vọng phủ dụ, đánh lừa giác quan – nhưng không thể phủ nhận sự có mặt của nó được. Nói cách khác, chúng tôi mặc nhiên đón nhận nó để quên đi những nhục hình tù đày.
Về chuyện lính tráng, tôi được nghe “đích thân 61” (61 là danh hiệu của đại tá Trần Phương Quế, trung đoàn trưởng TĐ 9 / SĐ 5 / BB) kể về thiếu tá Nguyễn Ích Đoan (Tiểu đoàn trưởng TĐ 1/ Tr.Đ 9) đã đánh một trận tuyệt vời … để đời ! Đó là trận đánh trên đồi KHÔNG TÊN giữa Lai Khê và Bến Cát vào khoảng tháng 4 năm 1974. Căn cứ 81 của Địa Phương Quân ở gần Bến Cát, được coi như một tiền đồn quan trọng của Bến Cát, Lai Khê thuộc tỉnh Bình Dương. Căn cứ 81 này đã bị Việt cộng tràn ngập. Quân đoàn III đã cử Sư Đoàn 18 BB giải vây nhưng sau đó chỉ định Sư Đoàn 5 BB lãnh trách nhiệm giải tỏa khu vực căn cứ 81 đó vì Sư Đoàn 5 hiểu rõ về vùng này. Trọng trách giải tỏa cả khu vực đã được giao cho Trung đoàn 9/SĐ 5 vì Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh SĐ 5, tin tưởng vào khả năng cũng như kinh nghiệm tác chiến của Trung tá Tr. Ph. Quế, Trung đoàn trưởng Tr.Đ 9/SĐ 5/BB.
Nhân đây, tôi xin một vài hàng sơ lược về đại tá Tr. Ph. Quế. Ông nguyên là Tiểu đoàn trưởng TĐ 91/BCND/LLĐB (1968 – 1970). Đến cuối năm 1970, LLĐB/VN giải tán nhưng giữ lại hai đơn vị là Tiểu đoàn 81/BCND và Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta và sát nhập (hai đơn vị đó) để thành lập Liên đoàn 81/BCND. Trung tá Phan Văn Huấn (nguyên Chỉ huy trưởng TTHL/HQ/Delta) làm Chỉ huy trưởng và Trung tá Trần Phương Quế làm Chỉ huy phó. Sau đó trung tá Tr. Ph. Quế thuyên chuyển qua SĐ 5/BB giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Tr.Đ 9 / SĐ 5/BB. Ngoài trung tá Quế ra, còn ba sĩ quan khác ở LĐ 81/BCND là đại úy Nguyễn Ích Đoan, trung úy Mã Thế Kiệt và trung úy Nguyễn Văn Tôi cũng chuyển sang SĐ 5/BB. Đại úy Ng. Ích Đoan sau thăng cấp thiếu tá giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TĐ 1/Tr.Đ 9 của tr. tá Quế. Còn trung úy Kiêt và Tôi đều là đại đội trưởng Trinh sát của trung đoàn và sư đoàn. Riêng trung úy Kiệt đã tử trận (tôi không nhớ rõ thời gian).
Trở lại chuyện trận đánh tại Đồi KHÔNG TÊN, của TĐ 1 do thiếu tá Đoan làm tiểu đoàn trưởng. Đây là một trận đánh tuyệt vời, độc đáo mà th. tá Đoan đã dùng chiến thuật “địa đạo” – nghĩa là đào giao thông hào (dưới đất) từ dưới chân đồi lên lưng chừng đồi rồi đào tách ra hai ngả để tấn công lên đỉnh đồi VC đang chiếm đóng. Ngay từ khi nhảy vào trận địa, th. tá Đoan cũng nắm vững tình hình địch ở rải rác các vùng quanh chân đồi gần căn cứ 81 Địa Phương Quân. Do đó, th. tá Đoan khi dùng chiến thuật đào giao thông hào (địa đạo) đã rất thận trọng trong mọi hành động dù thật nhỏ nhặt, cũng như luôn luôn theo dõi, nghe ngóng để làm chủ được tình thế. Cho nên khi tấn công, đã tiêu diệt địch ngay trong đợt khai hỏa đầu tiên mà địch không hề hay biết và trở tay kịp. Rồi những đợt tấn công kế tiếp theo đó, địch đã chết hàng trăm tên cùng với hàng trăm vũ khí đủ loại bỏ lại ngay trên chiến trường. Chỉ một số nhỏ tàn quân địch tháo chậy được. Tr. Tá Quế đích thân chỉ huy trận đánh đó. Ông hầu như túc trực 24/24 tại phòng HQ / Tiền phương để theo dõi và chỉ huy. Khi thiếu tá Đoan báo cáo khai lệnh tấn công, tr. tá Quế đã nghe tiếng sung nổ cùng với tiếng hô xung phong của TĐ 1 (vang lên trong máy truyền tin). Trong phòng truyền tin, cả bộ chỉ huy Tr.Đ 9 Tiền phong của tr. Tá Quế im lặng chờ đợi kết quả. Khi những tiếng hò hét cùng với với tiếng reo của binh sĩ tiểu đoàn 1 vừa vang dội trong máy truyền tin thì cả bộ CH/TP của tr. tá Quế cũng vỗ tay reo hò như đang tham chiến vậy. Những đợt báo cáo hoàn toàn tiêu diệt địch của th. tá Đoan làm tất cả mọi người đang túc trực theo dõi trận đánh quên cả mệt mỏi vì mất ngủ. Tr. tá Quế sau đó thăng cấp đại tá.
Với tôi, không phải vì là thuộc cấp của tr. tá Quế (từ 1968, tôi thuyên chuyển về TĐ 91/BCND dưới quyền chỉ huy của ông), nhưng tôi cũng lấy làm hãnh diện về những lời đích thân (tr. tá Quế) tâm tình với tôi (năm1983 khi còn Nam Hà), ông nói: “. . . dầu sao thì mình cũng hãnh diện về trận đánh Đồi KHÔNG TÊN đó vì chúng tôi đều gốc Biệt Cách Dù mà …” Có điều đau buồn là th. tá Đoan đã chết trong trại tù Hoàng Liên Sơn. Tôi không nhớ năm nào vì không ở chung trại với th. tá Đoan. Thật không ngờ, ba sĩ quan BCND đã bỏ xác lại ở vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn, Yên Bái: th. tá Đoan, đại úy Trường và đại úy Tiếu. Bây giờ, tôi xin mượn những dòng này thay nén hương lòng thắp lên tưởng nhớ đến th. tá Đoan, đ. Úy Tiếu, đ. Úy Trường, những SQ/QLVNCH can trường quả cảm đã bỏ xác trong các trại tù Cộng sản. Rồi sau Tết 1984, tôi trở về từ trại tù Cộng sản – từ cái “lồng nhỏ cải tạo” chuyển sang cái “lồng lớn XHCN” – tôi chỉ thấy lạc lõng và mất mát. Mãi đến năm 1988 và 1989, có những đợt thả sĩ quan cấp tá và những thành phần “cứng đầu ác ôn”, tôi tìm đến thăm các cấp chỉ huy ngày trước như đ. Tá Hồ Tiêu, đ. Tá Huấn, đ. Tá Quế, đ. Tá Đại …. Một cảm giác lâng lâng tìm về … một chút chút gì để nhớ để quên … khó mà diễn tả được. Tôi cũng tìm gặp bạn bè cũ và các hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc cấp trước đây. Một niềm vui dù nho nhỏ, cũng thấy mình bớt đi chút ít bụi phiền và nhen nhúm lên một hy vọng mong manh sớm thoát khỏi “thiên đường Cộng sản” ….
Một lần, tôi đến thăm đại tá Quế ở trong một ngõ hẻm đường Phan Đình Phùng, gần chợ Vườn Chuối. Đó là căn nhà của người thân của đ. Tá Quế cho ở nhờ vì sau khi “đích thân” đi cải tạo, một biến cố đã xảy ra làm cả gia đình đích thân bị trục xuất khỏi căn nhà đang ở tại Cư xá Sĩ quan Lam Sơn, Gò Vấp. Đó là chuyện người con trai của đích thân: thiếu úy Trần Phương Tuấn …. …. Đích thân nhiều lần nói với tôi: “ … chuyện đã qua hãy để cho qua … gia đình tôi không muốn khơi lại …” . . . . . . . . . N.K.H.
“Cho Người Nằm Xuống” trích từ Đặc San Cánh Dù Bốn Phương của Hội LLĐB/TB/WA – 2002.
Đôi lời về thiếu úy Tr. Ph. Tuấn: Thiếu úy Tr. Ph. Tuấn đã chống lại hành vi thô tục bẩn thủi và hà hiếp dân lành của bọn bộ đội Cộng sản và đã ném lựu đạn làm chết nhiều bộ đội CS đó. Rồi thiếu úy Tr. Ph. Tuấn về nhà tự sát Chuyện đã qua, nhưng với gia đình đ. Tá Quế, niềm đau vẫn còn đó. Và niềm đau của chúng ta, nói chung, cũng vẫn còn đó …
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:46:17 GMT 9
30 tháng 4 - Nỗi đau còn đó Tháng 5 năm 1992, tôi hỏi anh bạn tôi: - Nên mang gì đi Mỹ ?. Một câu hỏi quen thuộc của anh em chúng tôi, những người đang chờ chuyến bay đi Mỹ. Anh bạn tôi nhìn tôi một cách hóm hỉnh và nói: -… Thì mày mang theo cái gì mà mày không muốn để lại … ở nơi này … Tôi cười nói với anh bạn tôi: - Thế thì bù trất … Cũng như không ! Anh bạn tôi lại cười: - Chưa chắc à, về tìm kỹ lại đi xem cái đã … rồi hãy nói ! Những mẩu chuyện đó tôi không để ý đến cho đến hơn một năm sau, tôi biết anh bạn tôi cũng vừa mới vào Mỹ. Tôi gọi điện thoại hỏi thăm, mở đầu ngay bằng câu: “Cám ơn mày đã nhắc tao về … cái mang theo khi đi Mỹ. Còn mày, mày mang theo cái gì vào Mỹ ?” Bạn tôi mỉm cười: “… Thì cũng như mày thôi …” Rồi chúng tôi cùng cười lên ha hả … Nhớ lại câu nói của bạn tôi lần đó, ngay khi về nhà, tôi ngồi suy nghĩ xem những thứ cái gì không muốn để lại … Và tôi chợt nhận ra đó là những cái gì. Tôi vội vàng đứng dậy, lục lọi tìm kiếm “những thứ đó” … rồi gói kỹ lại như một bảo vật. Bây giờ, thỉnh thoảng lấy ra, ngồi thừ người ra nhìn nó … để thấy tất cả không gian trước mắt mình đang mờ đi … “Những thứ đó” là dăm tấm hình cũ, chụp đã mấy chục năm rồi, của cả gia đình còn sót lại; những giấy khai sinh bằng giấy bổn, vàng khè, lám nhám, có hai thứ tiếng Pháp và Hán (chữ nho); một số giấy tờ, sách vở cũ như cuốn Agenda 1988 Mậu Thìn, trong đó tôi ghi chép lại đủ thứ linh tinh … Đặc biệt, một cuốn vở học trò giấy vàng đậm, dầy và nổi nhám sần sùi, một kỷ vật từ trại tù cải tạo Nam Hà (1983). Ngày đó, có một anh bạn (tù cùng phòng), đã say mê đọc sách của Phạm Công Thiện từ thập niên 70, nên bảo gia đình lén phô tô một ít bài viết trong sách của Ph.C. Thiện gửi cho anh. Tôi vô tình được đọc mấy bài “phô tô” đó, và lại cũng sau mê P.C.T. như anh. Sau đó tôi viết lại một vài bài vào cuốn vở học trò của tôi để đọc trong những lúc trống vắng, buồn tủi … Coi đó như một kỷ vật quý báu, tôi phải cố dấu để khi được thả về sẽ mang theo. Thật không ngờ, nó đã theo tôi đến ngay lúc này. Và ngay lúc này đây, tôi mở cuốn vở học trò, kỷ vật trong tù cải tạo, một dòng chữ viết tay hiện ra: “Số phận con người có tính cách phi lý, vì con người phải nối kết sự tất yếu với điều vô căn, vô lý, vô duyên ….” Rồi mở cuốn Agenda 1988, lại một hàng chữ viết tay khác: “Đâu đó, trong kiệt tác La Condition Humaine (Thân Phận Con Người), văn nhân André Malraux nói rất chí lý: “Trong cuộc sống, cần nuôi dưỡng một chút căm hờn mới có thể tiếp tục tranh đấu.” . . . . . . . . Tôi lặng người đi. Đã rất nhiều lần, tôi tìm lại những nét chữ mình – từ ngày xưa ấy – những câu như trên đó, không xa lạ với tôi nhưng mỗi lần đọc nó, tôi vẫn thấy buồn muôn thuở … Đúng vậy, Sống là tranh đấu. Mà theo André Malraux thì cần nuôi dưỡng một chút căm hờn. Vâng, tôi cũng không tránh khỏi … “cái thường tình” đó. Cho tôi xin NUÔI DƯỠNG MỘT CHÚT CĂM HỜN … Đâu đó, chút căm hờn lại nổi sóng trong tôi … Và kìa . . . . hãy nhìn lại . . . . . . . . . . . “Anh hùng mạc vãn thiên niên quốc “Chinh chiến không thành nhất lũy danh.” Hai câu thơ trên của thi hào Cao Bá Quát phảng phất nỗi u uẩn “mộng công hầu khanh tướng” chìm vào vô vọng hơn là vẽ lại cảnh khói lửa binh đao của một đất nước thời mạt vận. Gạt sang một bên “luật thành bại” bởi nó là tất yếu của chiến chinh, cái nỗi uẩn kia đọng lại ở ba chữ cuối: “nhất lũy danh”. Sau cuộc chiến chinh không thành ấy, còn lại chăng cái thành quách siêu đổ, điêu tàn nào đó … Tên nó ư ? Có thể là Cổ Thành Quảng Trị, một tiền đồn hẻo lánh trên đỉnh Cô Tô, trong Động Khe Mễ, cuối vùng Khe Sanh, An Lão, Hen Hét, hay tận cùng vùng Ba biên giới Dakto, Tân Cảnh v.v… và v.v… Tất cả đều mang nghĩa một lũy danh. Và tất cả rồi thì cũng lùi vào quá khứ, vào mai một ! Thế nhưng tất cả vẫn còn đó. Như nỗi đau 30 tháng Tư vẫn còn đó. Những trang sử, mà dù cho những đứa con băng hoại của Mẹ Việt Nam đang cố tình bóp méo, thì khẳng định không thể lâu dài được. Có chăng chỉ là giai đoạn nhất thời thôi. Sự thật sẽ được phơi bày, được lịch sử chứng minh dù rằng bị chậm chễ, có thể hàng trăm năm sau. Hàng chục, hàng trăm năm, với lịch sử, chỉ là cái chớp mắt hay một khoảng thời gian ngắn ngủi. Còn trong đời chúng ta đã mấy ai vượt trên vài ba chục năm khoác chiến y ? Để rồi cô đọng nỗi sầu nhân thế, nhìn lại đời mình mà nghe xa lạ đang chảy dài trong đời sống quen thuộc hàng ngày. Nhất là với chúng ta, những người trong lớp áo “tỵ nạn” – tại đây và bây giờ - đang đong đưa da diết cái tâm cảnh “lưu vong”. (phải chăng là hệ quả của cái hận chinh chiến không thành). Cái buồn quay quắt đó, luẩn quất đâu đây qua hai câu thơ của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quang hà xứ thị “Yên ba giang thượng xử nhân sầu.” (Tản Đà dịch: Quê hương khuất bòng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn long ai.) Trở lại chuyện chiến chinh khói lửa, thành quách, vết tích lưu dấu, ít nhiều có khác nhau. Như Thành Cát Tư Hãn, tên tuổi để lại muôn đời. Còn vết tích chiến chinh của đại đế lừng danh đó, hầu như rất hiếm hoi được nói đến. Còn Tần Thủy Hoàng, dù vĩ nhân hay bạo chúa, cũng lưu danh lịch sử với Vạn lý trường thành. Còn biết bao tên tuổi khác nữa, kể sao hết. Còn Hồ Chí Minh thì sao ? Tên tuổi họ Hồ đã được xây dựng bằng hai triệu chiến sĩ tử vong (nói chung) vì chủ trương “cách mạng vô sản chuyên chính” của “bác vĩ đại”; cộng thêm vào đó, hàng trăm ngàn oan hồn bỏ mình ngoài biển cả, trong rừng sâu khi bỏ nước chậy trốn tìm tự do sau cuộc cách mạng vô sản kia thành công. Cái hậu quả “vinh quang” gặt hái được do chủ trương đường lối của bác sao nghe đau lòng, tủi nhục quá ! . . . . . . . . Đất nước ta trải qua hàng trăm năm chinh chiến thì cũng chỉ dân tộc ta gánh chịu thảm cảnh của chiến tranh. Còn với phía “đồng minh” hay cá “nước bạn”, nếu có giúp ta thì họ cũng đặt quyên lới của nước họ lên trước đã. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sự hy sinh cao cả, đã bỏ mình, của những chiến sĩ cũng như nhân viên dân sự của các nước (nói chung) đã tham chiến ở Việt Nam vừa qua. Họ thực sự là những người đáng ngưỡng phục, đã hy sinh rất nhiều, kể cả tính mạng họ vì lý tưởng tự do. Nhưng những sự hy sinh cao cả đó đã bị bỏ quên và bị chôn vùi bởi ngay giới truyền thông (thiên tả) của Hoa Kỳ. Rồi chính từ đó, đã đưa những nhận định sai lệch, những gán ghép tệ hại bất lợi về những người đã tham chiến ở Việt Nam đến mọi tầng lớp dân chúng Hoa Kỳ. Xin trích dẫn vài đoạn viết về “nỗi lòng người về từ chiến tuyến Việt Nam” trong cuốn NAM VET – 1988, 1990 by Chuck Dean. Published by Multnomah Press Portland, Oregon 97266. (Để nghe những tiếng thổn thức … của những người khoác chiến y …) . . . .. . . Living for DEROS “…If you were demonic and powerful enough to want to make someone ‘crazy’ following a war like Vietnam, what would be the worst set of social, economic, political, and psychological conditions you could create for the returnee? First, you would send a young man fresh out of high school to an unpopular, controversial guerilla war far away from home. [You would] expose him to intensely stressful events, some so horrible that it would be impossible to really talk about them later to anyone except fellow ‘survivors.’ To ensure maximal stress, you would create a one-year tour of duty during which the combatant flies to and from the war singly, WITHOUT a cohesive, intact, and emotionally supportive unit with high morale. You would also create the one-year rotation to instill a ‘survivor mentality’ which would undercut the process of ideological commitment to winning the war and seeing it as a noble cause. Then at DEROS (Date of Expected Return from Overseas Service), you would rapidly remove the combatant and singly return him to his front porch without an opportunity to sort out the meaning of his experiences with his men in his unit. No homecoming welcome or victory parade. Since you are demonic enough, you make sure that the veteran is stigmatized and portrayed to the public as a ‘drug-crazed, psychopathic killer.’ By virtue of clever selection by the Selective Service system, the veteran would be unable to easily reenter the mainstream of society because he is under-educated and lacks marketable job skills. … Finally, but not least, you would want him to FEEL isolated, stigmatized, unappreciated, and exploited for volunteering to serve his country. Tragically, of course, this scenario is not fictitious; it was the homecoming for most Vietnam Veterans.” (Nam Vet pg. 15-16) . . . . . . Tiếp theo trang 18: “…The poor Vietnam vet never got a parade or welcome home after the war. All of the war protests were really cruel. That’s why these guys are so warped.” (Nam Vet pg. 18) Tiếp theo trang 56: “…When we came home, we got caught in a cultural crossfire. The people who opposed the war subjected us to a heavy barrage of criticism and humiliation. The ‘patriotic’ element of society held us responsible for losing the war. We became America’s scapegoat, on which our country laid its sins, frustrations, and war pains so it could wipe it’s hands clean of any responsibility for out collective social, political, and military involvement in Vietnam. As young men and women, we found ourselves caught in the turmoil of this undeclared civil war, and we were the epicenter of national unrest. So we withdrew into a state of shame and denial, mixed with spiritual trauma and distrust. Most of us found ourselves unable to compete in the job market. Many of us had dropped out of high school to serve in the war and were inadequately trained to land a skilled job. We became frustrated, unable to fit into the society that we loved and for which we had fought. Depression moved in. the vast majority of Vietnam combat veterans have been depressed since the war. And statistics tell us that each of us will significantly influence and affect a minimum of five other people in our lifetime. The potential impact upon this nation is staggering.” (Nam Vet pg. 56) . . . . . Họ và chúng ta, đã có những giọt nước mắt và nỗi đau giống nhau . . . . . Riêng đối với giới lãnh đạo chính quyền Hoa Kỳ, việc tham chiến ở Việt Nam, không chỉ đơn thuần với mục đích vì lý tưởng tự do, mà còn vì nhiều vấn đề khác liên quan tới cục diện chính trị thế giới, quyên lợi riêng tư khác … Chuyện chính trị, được hiểu như bất khả bàn luận một cách “bạch văn thẳng thừng” như các vấn đề khác. Chính trị biến hóa khôn lường, hay nói cách khác, “chân lý chính trị” mang tính “nhất thời”, cái đúng nhất thời ! Cái mà hôm qua cho là đúng thì hôm nay chưa hẳn còn mang nghĩa đó nữa ! Tóm lại, ngay cả hàng trăm ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ khi sang tham chiến ở Việt Nam với phong thái, khí thế như thế nào để rồi khi còn sống sót trở về, họ có còn được chính người dân Hoa Kỳ chào đón như lúc ra đi không Câu trả lời không thuộc về người các nước khác ngoài Hoa Kỳ. (Giới truyền thông Hoa Kỳ biết rõ hơn ai hết). Ngay cả những chiến sĩ Hoa Kỳ cũng bị “bán đứng” nữa huống hồ “thân phận nhược tiểu” chúng ta !!! (còn tiếp)
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:49:08 GMT 9
Trở lại chuyện chinh chiến ấy, chúng ta bây giờ, thử phóng một cái nhìn vào một thoáng lịch sử, không phân tích, không phê phán, chỉ suy gẫm mà gật gù … để soi rọi, để gật gù … (kể cả buông tiếng thở dài). Tất cả chúng ta, mỗi người là một viên gạch xây “bức tường lịch sử” là chuyện tất yếu. Còn chuyện có để lại một chút dấu tích, một chút gì nhắn gửi lại … lại là vấn đề xét ra không cấp thiết … Điều mà dễ dàng nhận ngay ra là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta chỉ chú trọng đến “cầm súng chiến đấu”, một nhiệm vụ thuần túy quân sự, để bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, phải chăng đã không đưa “mục tiêu chính trị” lên ngang hàng với nhiệm vụ chiến đấu. Trên thực tế, Quân lực VNCH thời đó, cũng có những buổi hội thảo về chính trị, về tình hình chính sự quốc nội và quốc ngoại v.v… nhưng hầu như chỉ mang tính chất “theo dõi” và “phổ biến, thông qua”. Quả thực, đại đa số chúng ta thời đó, ít ai quan tâm đến “vấn đề chính trị”, những hiện tượng chính trị của các nước liên quan đến cuộc chiến Việt Nam, nhất là Hoa Kỳ, đồng minh của Việt Nam. Phải nói thế nào về vai trò “đồng minh Hoa Kỳ” của Việt Nam ? Hình như chỉ có hai chữ dễ tiễn tả nhất: “chịu thua !” khi mà Tổng thống Hoa Kỳ (Johnson) gửi thư “trao đổi quan điểm” (EXCHANGE VIEWS in February 1967) với Hồ Chí Minh và gạt Việt Nam Cộng Hòa sang một bên !! Quyền “định đoạt” không do nước “chủ nhà” VNCH mà do “đồng minh Hoa Kỳ”. Ôi thân phận nhược tiểu … (Tài liệu Presidents Johnson and Ho exchang views in February 1967 trong America in Vietnam, A Documentary History . . . . . Anchor press / Doudbleday Garden City, New York 1985. Pages: 259 – 262) (Xin gạt sang một bên việc trích lại hai lá thư của Tổng Thống Johnson và Hồ Chí Minh). Tiếp theo, xin trích dẫn một vài đoạn nói về biến cố chính trị dưới thời Tổng Thống Johnson trong cuốn “A People and a Nation” – của Mary Beth Norton & David M. Katzman & Paul D. Escott & Howard P. Chudacoff & Thomas G. Paterson & William M. Tuttle, Jr. and William J. Brophy – Third Edition - 1991 Trang 545: “… Secretary of Defense Robert McNamara worked quietly to scale back the American military presence in Vietnam, but when he failed to persuade President Johnson, he resigned. ‘Ho Chi Minh is a tough old S.O.B.,’ McNamara told his aids. ‘And he won’t quit no matter how much bombing we do.” Trang 546: “… American and South Vietnamese units eventually regained much of the lost ground, inflicting heavy casualties on the enemy. But the Tet offensive jolted Americans. If all of America’s firepower and dollars and half a million troops could not defeat the Vietcong, could anything? The Tet offensive and its impact on public opinion hit the White House like a thunderclap. The new secretary of defense, Clark Clifford, told Johnson that the war could not be won, even it 206,000 more soldiers requested by the army were sent to Vietnam. Strained by exhausting sessions with advisers, realizing that further escalation would not bring victory, and faced with serious opposition within the Democratic Party, Johnson changed courses. In a television appearance on March 31, he announced that he had stopped the bombing on most of North Vietnam and asked Hanoi to begin negotiations. Then he surprised the nation by dropping out of the presidential race. The United States, knowing it could not win, would at least try not to lose.” Ngưng trích …………………………………… Đọc đến những câu: “. . . . the war could not be won, even it 206,000 more soldiers requested by the army were sent to Vietnam.” Và: “. . . . and asked Hanoi to begin negotiations.”, chúng ta không khỏi mủi lòng cho “đồng minh” của chúng ta, một “lãnh đạo” khối tự do … đã phải thú nhận: “ … it could not win, would at least try not to lose.” Một biện minh, một luận điệu mang nhiều “dị tính” mà hiểu như thế nào về “win” và “not to lose” sẽ không có câu trả lời chính xác. “Chân lý” của “chính trị” mà. Có điều dù đúng hay sai, nghe nó xót xa lắm .. Trong cuốn “Vietnam: The War at Home” của Thomas Power (Reprint. Originally published: 1973) đã viết rất chi tiết về những biến cố chính trị tại Mỹ và một số những quan hệ khác giữa Việt Nam và người Mỹ (Vietnam and the American People 1964 - 1968). Chỉ cần nhìn vào đề tựa cuốn sách ta cũng thấy ngay … vấn đề mà điều quan trọng là thế đứng của ta như thế nào ? Cuộc chiến của Việt Nam, một cuộc chiến Cộng sản miền Bắc xâm lược miền Nam Cộng Hòa. Chủ trương chiến tranh xâm lược của Cộng sản miền Bắc đã phơi bầy trắng trơn qua lời nói của Võ Nguyên Giáp: “… Inside Vietnam, meanwhile, the Vietminh grew under Vo Nguyen Giap, an unusual figure who became one of the century’s most spectacular soldiers. Dynamic and passionate, Giap could also be brutal. In 1969, he admitted to the Italian journalist Oriana Fallaci that North Vietnam had then already lost a half million troops against the United States and its South Vietnamese clients but would continue to fight ‘as long as necessary – ten, fifteen, twenty, fifty years.’ A generation earlier, as the war against France began, he said: ‘Every minute, hundreds of thousands of people die on this earth. The life or death of a hundred, a thousand, tens of thousands of human beings, even our compatriots means little.” (Trích trong cuốn “Vietnam a History” của Stanley Karnow – First published in 1983 – N.Y. trang 141) 30 tháng 4 - Nỗi đau còn đó – Bài 3 Trong khi Cộng sản miền Bắc chủ trương chiến tranh xâm lươc, qua lời nói của Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy, tình người bị xóa bỏ. Cả hàng trăm, ngàn, vạn triệu, tính mạng, sinh linh con người, đối với họ Họ Võ, họ Hồ và tập đoàn lãnh đạo Cộng sản, không có một chút ý nghĩa gì cả, mà chỉ là phương tiện cho họ Hồ, cho tập đoàn lãnh đạo Cộng sản thực hiện mưu đồ đen tối của họ. Mục tiêu, cứu cánh, chiến thắng của Cộng sản được xây dựng trên hàng triệu hàng triệu sinh mạng vô tội của toàn dân Việt Nam. Chúng ta đã đau và vẫn còn đang đau niềm đau của đất nước … Bao giờ mới nguôi được nhỉ ! Thời gian vẫn chẳng ngừng trôi Hờn căm u uất, muôn đời còn đây … Bây giờ chúng ta có “nhìn lại” chỉ để mà nhìn lại thôi. Ngày đó, hầu hết chúng ta “không được biết đến” những tình hình, những hiện tượng, những diễn biến chính sự trong các nước “liên quan” tới cuộc chiến Việt nam, nhất là Hoa Kỳ, nên chúng ta vô tình “mặc nhiên công nhận” cái “thực trạng” hồi đó. Giờ đây, có “nhìn lại” qua những tài liệu, báo chí … của Mỹ mới được “bạch hóa”, phổ biến … và chúng ta có … chiêm nghiệm được một chút gì đi nữa thì cũng chẳng “hồi tố” cái “không được biết đến” ngày đó. Chẳng hạn như sự việc về vấn đề “quân nhân Hoa Kỳ sang tham chiến ở Việt Nam” và những pản ứng, cái nhìn nói chung của người Hoa Kỳ thời đó. Xin trích dẫn vài đoạn sau trong cuốn Nam Vet. Chúng ta nghĩ gì bây giờ ? Chắc chỉ một tiếng thở dài … dài thườn thượt !!! Định mệnh đã đến với dân tộc ta. Tiếng súng không còn nữa, cuộc sống không tiếng súng mà cuộc sống như đã chết … Chúng ta hãy thử đọc lại những đoạn này: Trích trong “America’s Dates with Destiny” của Pat Robertson trang 266 – Thomas Nelson Publishers – N.Y. 1986 “… And with the fall of Saigon to the Communist North Vietnamese, the tragedy in Indochina seemed only to begin. In the months that followed an estimated 1 million Vietnamese tried to flee their homeland by boat across the South China Sea. Thousands of these “boat people” were killed braving Communist patrols, violent storms at sea, attacks by pirates, and leaking, unseaworthy boats that filled with water and left hundreds to drown, to die from heat and exposure, or to be eaten by the sharks.” Trang 267: “… Just five days before Saigon fell, President Gerald Ford addressed the student body at Tulane University in New Orleans. Already he had consigned to history the American tragedy in Vietnam: ‘Today, Americans can regain the sense of pride that existed before Vietnam. But it cannot be achieved by refighting a war that is finished… These events, tragic as they are, portend neither the end of the world nor of America’s leadership in the world.’ The president was right to try to give the nation hope during that time of failure and disgrace, but he was kidding himself if he actually believed that America could so easily ‘regain the sense of pride that existed before Vietnam.’” ………………………………………….. Ngưng trích. Qua cái nhìn lại đó, chúng ta hiểu nghĩa chữ “regain” trong câu cuối đoạn trên, như thế nào ? Tuy nhiên, điều quan trọng trong bất cứ không gian nào, thời gian nào, “ý chí chiến đấu” (the will to fight) là điều cấp thiết cho “ý chí chiến thắng” (the will to win) – dù rằng chúng ta vẫn biết “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Còn chuyện “tìm lại” hay “regain” không phải là điều chúng ta không nghĩ tới. Có điều, cứ như câu nói của cựu Đại sứ Peterson (ở Việt nam trước đây): “Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ. Cái mà chúng ta có thể thay đổi được là tương lai”. Câu này giúp chúng ta tìm con đường đi tới tốt đẹp hơn nhưng thiết tưởng, cũng không nên … bóp méo dĩ vãng, bóp méo sự thật – ngay cả cho mục đích “cứ vãn” hay “phục hồi”, hay “lấy lại” (regain ?) danh dự … bởi sự thật trước sau gì cũng được phơi bầy, sớm trể, chỉ là vấn đề thời gian …
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:55:49 GMT 9
Cố Thiếu Úy Trần Văn Quí ... đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh Lá thư của em gái Trần Văn Quí: Anh tôi là cựu sinh trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Anh đã hy sinh tại Kontum ngày 6 tháng 2 năm 1974. Kỷ vật còn lại là tấm thẻ bài, vài tấm hình và một bức thư dài chưa kịp gửi, vì suốt thời gian hành quân không thể gửi thư về nhà được, kể cả kỳ tiếp tế vì máy bay có đáp xuống được đâu mà chuyển thư. Anh viết "trên đỉnh đồi 949m nhìn về thành phố Kontum thấy nhớ nhà làm sao ấy, ở đây mỗi ngày chỉ viết 1 trang vừa làm nhật ký vừa làm thư, và cũng là lúc đang suy tư về gia đình đó! Bây giờ chỉ có cách chờ ngày về dưỡng quân mới bỏ thư được, chắc sau gần 1 tháng trời bặt tin bặt tức ở nhà cũng trông thư con lắm, nhưng vì chiến cuộc con chẳng biết làm sao hơn, nếu thư liên lạc thường xuyên không được thì sau ngày hành quân con sẽ gửi về nhà một lá thư dài thế này để bù lại những ngày gửi thư lẻ tẻ ". Bức thư đó đã được tìm thấy trong túi áo của anh. Quanh xác anh nằm vương vãi 6 đôi dép râu, tay anh còn chốt lựu đạn. Một viên đạn xuyên sọ và xuyên đùi đã cướp đi mạng sống của anh khi tuổi đời chưa đầy 21. Suối Non Nước và đồi Tân Cảnh đã ghi lại dấu chân sau cùng của cố Thiếu Úy Trần Văn Quí. Anh đã hy sinh cho non sông, xứng đáng là trai nước Việt hào hùng, đem mồ hôi pha máu hồng viết thành sử xanh. Có thể nào tôi gửi được hình ảnh và cả bức thư lên trang web này (LiênTrường Võ Khoa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức Nam Ðịnh Ðồng Ðế) để hương hồn anh được ấm áp bên bạn bè chiến hữu ? -------------------------------------------------------------------------------- -------------------------------------------------------------------------------- Kính thưa Ba Má! Con vừa nhận được 1 lá thư ở nhà đề ngày 21-11-73, chứ không nhận được lá thư 18-11-73 và con hồi âm liền đây! Hiện giờ con đang hành quân trong 1 khu rừng rất rậm ở vùng Con-Sơm_luh cách thành phố Kontum khoảng 10km đường chim bay, con nhận được thư trong kỳ tiếp tế hôm qua 29-11-73, mấy hôm nay trung đội con đang đóng chốt nghỉ chân trên 1 ngọn đồi cao 949m, con giữ nhiệm vụ Trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp 1 trung đội người kinh với trách nhiệm chiếm giữ ngọn đồi này và an ninh những vùng xung quanh. Thưa Ba Má, từ hôm ở tiểu khu Kontum chơi gặp trung sĩ Châu nhờ đưa thư tay về nhà đến nay đã hơn nửa tháng, và kể từ đó con ở miết trong rừng đến nay chưa nhìn thấy mặt trời cũng như nhà cửa làng mạc gì cả, xung quanh mình toàn là cây cối chằn chịt, hố sâu, suối vắng, và những thành núi thẳng đứng phải bám leo lên. Con đến Kontum ngày 5-11-73 và ở phố chơi đến 13-11-73 con ra trình diện đại đội. Ngay hôm đó con nắm Trung đội trưởng Trung đội 3 Đại đội 2, và chỉ có 3 tiếng đồng hồ sau Đại đội 2 có lệnh giải tán để bổ sung binh sĩ qua 3 đại đội còn lại của tiểu đoàn 252, còn cán bộ của Đại đội 2 đi theo bộ chỉ huy nhẹ. Sáng ngày 14-11-73 tiểu đoàn con làm lễ xuất quân, ở bộ chỉ huy chiến thuật bên sông Đáp-La cách thành phố Kontum khoảng vài chục cây số, buổi lễ vừa xong có 1 đoàn trực thăng khoảng 10 chiếc xuống chở tiểu đoàn con vào vị trí hành quân, con theo Bộ chỉ huy nhẹ đi chuyến máy bay sau cùng, với ba lô, súng, đạn và lương thực đầy đủ, con ngồi lên trực thăng thòng 2 cẳng ra và chĩa súng xuống đất vì trong máy bay người ta ngồi chật cứng rồi. Từ Bộ chỉ huy chiến thuật đến vị trí hành quân khoảng 15km đường chim bay, nếu đi bộ thì suốt ngày mới tới, bãi đáp ở đây là 1 ngọn đồi đã được dọn cây trống trãi, xung quanh gài toàn mìn và lựu đạn, chỉ có 2 con đường mòn rất nhỏ từ đó di chuyển ra xung quanh, khi đến bãi đáp, máy bay không đáp hẳn xuống mà cứ lơ lửng cách mặt đất khoảng 1,5km và con phải nhảy xuống nhưng không sao cả, chỉ xiểng niểng vì sức gió của cánh quạt. Xuống máy bay rồi con theo Bộ chỉ huy nhẹ, đi theo đường mòn cặp theo triền dốc xuống núi, đường mòn ở vùng này toàn là lên dốc, xuống dốc hoặc lội dọc theo những con suối ngập cỡ đầu gối, và bây giờ con cũng như mấy ông Hạ sĩ quan trong đại đội phải tự lo cơm nước, đào hầm, canh gác v.v… giống như binh sĩ vậy, vì lúc này cán bộ không có lính trong tay. Sau khi đổ quân con di chuyển liên miên, không ngày nào được đóng quân cả, chỉ có buổi trưa dừng quân lại 1 vài giờ, cơm nước, nghỉ ngơi rồi lại bắt đầu di chuyển, đến chiều tìm những ngọn đồi cao, ở đó dừng quân để ăn cơm chiều và lo đào hầm hố phòng thủ, xong rồi căng poncho sửa soạn chỗ ngủ. Trong cuộc hành quân này con quen với ông Trung sĩ Chinh năm nay 40 tuổi, ông hành quân ở vùng Kontum gần 20 năm nay, lúc trước ông làm Trung đội phó Trung đội, nhưng vì Đại đội bị giải tán binh sĩ, nên con đi chung với ông. Ông ta nấu cơm và nước cho con ăn chung, cũng như hầm hố, lều chỏng đều chung nhau cả, ông có nhà ở chợ Kontum và bà nhà cũng buôn bán tại đó. Những ngày đầu đi hành quân con bị trợt té liên miên vì trời mưa tầm tả cả tuần lễ, con phải bám theo những nhánh cây leo lên đồi, nhất là đi dưới suối dễ bị té nhất vì nước chảy rất xiết và có nhiều tảng đá trơn lởm chởm; Trong hơn 1 tuần lễ đầu, ngày cũng như đêm, quần áo đồ đạc của con đều ướt sủng vì rừng này âm u quá, không có ánh nắng, mà dưới suối lại có rất nhiều con vắt, con này giống như con đĩa nhưng nhỏ bằng cây đinh 5 phân thôi, con vắt này cắn rất độc, ai lội qua suối cũng bị nó leo lên chân, bò lên mình, lên cổ để hút máu, nó có thể chui xuyên qua vớ để hút máu chân, có khi chui vô giày rất nhiều, mà đang lúc di chuyển dưới suối với trang bị nặng nề đâu ai còn để ý đến việc gỡ những con vắt, nên khi dừng quân nhiều người cởi giày ra thấy lưng một giày máu và vớ cũng ướt đẫm máu vì những vết cắn của con vắt, con cũng bị vắt cắn khá nhiều, nhưng nhìn thấy là bắt ngay, con này rất là dai và trơn nên tay ướt cũng khó bắt, vì cứ lo bắt vắt nên con vấp mấy tảng đá té như điên, về đêm trời cũng vẫn mưa, con và bác Chinh bứt lá cây lót xuống đất nằm nghỉ mệt chứ không sao ngủ được vì đồ đạc, mền, khăn, cái gì cũng ướt, ở đây là xứ muỗi sốt rét nhưng không ai mang mùng cả, con cũng vậy, nếu có đem mùng theo cũng không mang nổi và cũng không có chỗ để, vì ba lô của ai cũng có 10 ngày gạo và đồ đạc, súng đạn, hơn nữa xài mùng bất tiện lúc bị đột kích. Binh chủng Địa phương quân thì hầu hết chỗ nào cũng sướng, nhưng ở Kontum thì khác hẳn, không phải đóng đồn hay giữ cầu, hoặc phè phỡn ở thôn ấp như Bình Dương chẳng hạn, hoặc địa phương quân ở Vùng 4, mỗi lần hành quân là vào nhà dân nhậu nhẹt ăn uống. Địa phương quân ở Kontum chỉ được mỗi cái là khỏi lo vấn đề bị bắn sẻ vì ở đây toàn cây cối và dã thú chứ không 1 bóng người, quanh năm suốt tháng chỉ sống với núi rừng, chỉ có thể quay về xum họp với gia đình trong đêm trường thanh vắng, nhưng cũng chưa hẳn hưởng 1 giấc chiêm bao trọn vẹn vì còn phập phồng lo sợ cho chính bản thân mình và các binh sĩ thuộc hạ, mình phải gánh nặng trách nhiệm trên vai. Có lẽ số con phải khổ vì con đã tự ý chọn Kontum nên không than van với ai được, nhưng đối với gia đình con phải nói hết những sự thật phủ phàng cũng như những diễn tiến mà chính con gặp phải để Ba Má khỏi bận tâm, hoang mang vì con. Đời sống ở đây nói đúng ra là nó gian nan hơn quân trường gấp bội. Trong cuộc hành quân cả Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn phó, ông nào cũng phải mang ba lô, lương thực và súng đạn, vì ở đây mỗi người đều tự lo cho mình cả, hành quân trong rừng 10 ngày tiếp tế 1 lần và mỗi cuộc hành quân từ 1 tháng trở lên, tệ hại nhất là vấn đề ăn uống, mỗi ngày chỉ ăn được 1 ca gạo, có khi với khô, có khi với muối, vì đồ ăn phải tự túc , có gởi tiền, tiếp liệu mới mua, còn gạo mỗi lần tiếp tế 10 ca, 1 tháng 3 lần và trừ lương 3.000 đồng 1 tháng, hành quân như vậy muốn ăn thêm nhiều cơm cũng không được, vì sức người chỉ mang được 10 ca gạo với các đồ trang bị khác. Lúc đầu mang gạo nặng quá, leo núi không nổi, con cho tụi nó bớt, đến gần 1 tuần sau con ăn hết sạch, không còn gì để ăn nữa, vì trong rừng này không có cái gì ăn được cả, may nhờ bác Chinh còn gạo chút đỉnh, ổng phải chia cho con nên 1 ngày mỗi người chỉ ăn được 1 chén cháo với muối hột để chờ ngày tiếp tế, lần đầu tiên ăn muối không quen nên tay chân bủn rủn, leo lên 1 ngọn đồi phải nghỉ hàng chục lần! Kontum là nơi cuối cùng, không còn đâu hơn nữa, mặc dầu tình hình đã yên đến 9-10 phần, ở đây ngoại trừ lính người Thượng ra, thì lính người Kinh toàn là những tên năm cha bảy chú, những tù giết người vừa ở quân lao ra, tên nào tên nấy đều mặt rằn dữ tợn; còn con, không hiểu ma quỷ dẫn đường thế nào mà ra đây đề bị đày ngang xương, lãng xẹt; con nghe tụi lính kể lại nỗi khổ trong quân lao, con thấy còn sướng hơn đi hành quân ở đây nữa, vì ở đó ăn uống đầy đủ, đi đứng thong thả, không làm gì hết, thân nhân có thể thăm bất cứ lúc nào và muốn tắm rửa ngày mấy lần cũng được. Bây giờ con mới thấy ở quân trường là sướng, vì tất cả những gì đều có cán bộ lo cả, lúc đó cứ tưởng đi học bãi là cực, những ngọn đồi ở Thủ Đức cao nhất chỉ có 30m thôi, nhưng đồi ở đây thấp nhất cũng 900m hoặc 1000m trở lên, và bây giờ mình là 1 cán bộ thì ngược hẳn lại, tự mình phải lo cho mình và cho các binh sĩ. Và lúc còn đi học lại là những lúc sung sướng nhất đời, vì còn sum họp với gia đình, còn hưởng được không khí ấm cúng với nệm ấm chăn êm, và ăn uống như vậu là đầy đủ quá, ấy thế mà còn chê khô, mắm nữa chớ! Nhưng bây giờ thui thủi 1 mình ở nơi lam sơn chướng khí với biết bao nhiêu tử thần đang chờ chực, nhiều khi đóng quân gần con suối mát trong xanh, nhưng không dám xuống tắm vì sợ ăn B40 vì chiến trường ở đây chỉ tiêu thụ B40 và lựu đạn thôi! Hơn nữa tắm suối thế nào cũng bị vắt cắn có khi muỗi cắn còn nhiều hơn vắt nữa, cả 2 loài con nào cắn cũng bị sốt rét cả, chứng bệnh sốt rét này nguy hiểm vô cùng và người mắc bệnh này dễ chết nhất! Trường hợp bệnh nhẹ thì không chết nhưng khống có thuốc gì chữa khỏi cả, suốt đời cứ nóng nóng lạnh lạnh mãi, có lần con xuống suối múc lên 1 lon guigoz nước thật trong nhưng chưa uống vội, con đun sôi lên thấy những bọt nước đỏ ngầu như máu! Con phải vớt bỏ những bọt nước và để lắng những cặn đỏ mới sớt nước ra quậy với thuốc lọc nước rồi mới uống, ngoài ra con rất cẩn thận bôi thuốc muỗi khi ngủ nên tuy ăn uống cực khổ con vẫn khỏe mạnh như thường, nước suối ở đây rất độc, nó thấm qua những lớp lá cây và phân thú rừng, và nhiều nơi thây người chết nhiều quá chôn không kịp để nằm ngổn ngang trên mặt đất cũng bị nước thấm qua, bây giờ tình hình rất yên nhưng thỉnh thoảng đi ngang qua những đống xương người và những cái sọ ngổn ngang và mấy con quạ trên cây kêu kên những tiếng rợn người. Thắm thoát 1 tuần lễ ăn muối đã qua, đến ngày 20-11-73 có 1 đoàn trực thăng đến tiếp tế, các binh sĩ được tiếp tế gạo và khô, mắm, còn cán bộ từ Hạ sĩ quan trở lên chỉ tiếp tế gạo thôi, còn đồ ăn phải tự túc, tức là có gởi tiền mặt cho tiếp liệu mới có. Như vậy con chỉ có gạo thôi, còn ông Chinh có đồ ăn ở gia đình gởi lên nên con ăn đồ ăn chung với nhau. Trong kỳ tiếp tế này, trực thăng có đổ quân thêm 1 số nữa, trong đó có thằng bạn cùng Đại đội con ở Thủ Đức, từ hôm trình diện Tiểu khu Kontum nó bệnh rất nặng không đi đâu được, khai bệnh cũng không được luôn, nên kỳ tiếp tế nó bốc đi, đến nơi nó không nhảy xuống được mà máy bay cũng không đáp hẳn xuống đất, tới chừng máy bay cất lên cao khoảng 3m, nó bị đạp văng xuống đất, cả ba-lô, súng đạn cũng văng theo luôn! Ông Tiểu đoàn phó trông thấy cũng lắc đầu, cứ tưởng nó bị xóc cây nhọn vào người rồi! xuống tới nơi nó nằm liệt giường không đi đâu được, nhưng cũng may nó chỉ bị cây xướt rách áo thôi! Sau đó ông Tiểu đoàn trưởng ra lệnh có đám lính Thượng chặt sát gốc những gốc cây nhọn lởm chởm trong bãi đáp, nhưng vì bãi đáp rộng quá nên chặt suốt ngày cũng chẳng được bao nhiêu. Từ ngày lãnh tiếp tế, bộ chỉ huy nhẹ đuợc đóng quân tại chỗ 5 ngày liền, và bắt đầu từ đó trời cũng hết mưa, 1 trận mưa sái mùa do 1 cơn bão đưa đến! và bây giờ con mới đi theo đường mòn, theo mấy ông người Thượng xuống 1 hố sâu dưới chân đồi, cách chỗ đóng quân 300m, ở đó có 1 con suối rất trong, lúc đó con có thể tắm rửa, bứt lá tàu bay và lá cây dến ở 2 bên bờ suối về nấu canh, có khi theo mấy ổng bứt măng le về ăn, và lấy nước uống cũng ở đây, măng le là những cây tre non chưa trổ lá, nó là những mục măng rất già, cao khoảng 4-8m, người ta chặt những cây đó xuống rồi bẻ những phần mềm trên ngọn ăn được, đôi khi mấy ổng cũng ném lựu đạn bắt cá, nhưng suối nhỏ quá, cũng không được bao nhiêu, mỗi quả lựu đạn chỉ được chừng 1 kg cá nhỏ thôi, ở đây tụi Thượng kiếm ăn rất giỏi, tụi nó làm bẫy bắt chuột, đào hang bắt heo đất, tụi nó ăn thịt không chừa con nào hết, nào cóc, nhái, rắn, rết tụi nó làm nốt, và thịt rừng mỗi ngày có ăn đều đều, bắt được con nào tụi nó cũng thui rồi mới làm thịt. Thắm thoát cũng 5 ngày trôi qua, 5 ngày trời sống như chính phủ lưu vong, Đại đội con toàn là cán bộ chứ không có lính, lúc này đồ đạc cũng tương đối khô ráo nên đêm đến có thể thả hồn về nhà ẳm Út Lộc chút đỉnh, nhưng ác nghiệt thay, ban đêm là cả lớp sương mù dày đặc, phủ kín núi rừng, và khí lạnh của núi rất khủng khiếp, không có mền nào đắp ấm được, còn tấm ra trắng của con chỉ để lót nằm chứ không thể đắp được, vì đắp cũng vẫn lạnh mà còn mất yếu tố ngụy trang ban đêm, nên con đắp chung mền với ông Chinh, nhưng cái mền nỉ của ông chỉ còn một nửa, vì nếu để nguyên ông mang không nổi, lần đầu tiên hành quân trong rừng nên con không biết nhu cầu cần những gì để chuẩn bị trước. Sáng ngày 25-11-73, Bộ chỉ huy nhẹ con di chuyển đến Bộ chỉ huy nặng Tiểu đoàn, Bộ chỉ huy nặng đóng trên 1 ngọn đồi cao 1.250m, cách chỗ con ở khoảng 5km, sáng sớm cơm nước xong là chuẩn bị đi liền, vì ông Tiểu đoàn phó đi sai phương giác nên tất cả đều bị lạc giữa rừng, và phải lên đồi xuống suối liên miên, mãi đến trưa mới tới chân ngọn đồi 1250m, ở đó nghỉ ngơi 1 chút rồi bắt đầu leo lên, ngọn đồi trông không cao bao nhiêu, nhưng leo mãi cũng không tới đâu cả, đến chiều tối mới lên tới đỉnh đồi, tới nơi con gặp 2 thằng bạn cùng khóa, được ở Đại đội 1 và bây giờ đại đội này di chuyển sang đồi khác nhường chỗ cho Bộ chỉ huy nhẹ ở; sau 1 ngày lội núi, mấy thằng thượng ở Bộ chỉ huy nhẹ có bắn được 1 con kỳ đà bằng bắp vế, bọn chúng thui lên rồi xào nấu theo kiểu thượng, con có ăn vài miếng nhưng tanh quá ăn ớn cổ, tụi con đang ăn uống ngon lành bỗng nghe những tiếng réo của đạn B40 ở dưới thung lũng phía Bắc, kế tiếp là những tiếng nổ long trời, rồi hàng loạt đạn M16, trong vòng 5 phút lựu đạn và M79 nổ như mưa bấc, chiếc máy PRC/25 ở Bộ chỉ huy tiếu đoàn báo về là Trung đội của 2 thằng bạn lúc nãy bị phục kích tan hàng tất cả, mấy thằng lính thượng lúc đó quen đường mòn, chạy rút đâu mất hết, còn thằng truyền tin người thượng sợ quá không liên lạc được gì, nó chỉ báo cho biết là hiện giờ chỉ còn 2 chuẩn úy và 1 truyền tin đang lạc dưới hố, và máy lại ngưng hẳn liên lạc, Bộ chỉ huy tiểu đoàn gọi pháo binh bắn xối xả về hướng súng nổ định thí quân, tới sáng mai lại yên hẳn và có máy liên lạc về được, Tiểu đoàn cho máy bay L19 dẫn đường tụi nó về, đến nơi chỉ còn có 5 người, 2 thằng lính bị thương bàn tay bị nghi là hủy hoại thân thể, 2 thằng chuẩn úy bị nhốt, còn thằng truyền tin bị đánh 20 roi và bị phạt mang 2 trái lựu đạn xuống suối kích đêm về tội không liên lạc thường xuyên về bộ chỉ huy. Sau ngày tiếp tế có 1 tuần mà lương thực gần hết rồi, gạo còn rất ít mà cá khô thì hết sạch, con xin được 2 nắm gạo của mấy đứa quen và phải đi xin từng muổng muối để ăn với cháo trắng. Đến ngày 27 -11-1973 có lệnh tất cả các cán bộ của Đại đội 2 phải trở về ngọn đồi củ của Bộ chỉ huy nhẹ gần bãi đáp trực thăng, để đón nhận toán lính mới, vừa bổ sung cho Đại đội 2, toán lính này gồm 51 người, bị bệnh hết 3 chỉ còn 48 thôi, tụi nó phải lội bộ từ Bộ chỉ huy chiến thuật đến bãi đáp suốt 1 ngày trời, đến chiều tụi nó tới nơi, con và ông Chinh nhận được 13 binh sĩ, sau đó bị lấy bớt 5 người để bổ sung qua đại đội trinh sát, chỉ còn 8 người kể cả con và ông Chinh trung đội phó chỉ được 10 người, trong đó có 1 ông trung sĩ nhất rất già. Ông nào ông nấy cỡ tuổi 30 trở lên chứ không có nhỏ và tất cả đều là lính ở quân lao mới ra trường nên mặt mày thằng nào cũng có sọc rằn cả ! sau khi nắm trung đội 3 con được chỉ định dẫn lính lên ngọn đồi ở gần đồi ban chỉ huy đại đội ngay buổi tối hôm đó. Trên đồi này là 1 cái chốt đã có hố phòng thủ sẳn, đỉnh đồi rất là lớn và cây cối âm u, con chỉ có 1 bản đồ Kontum, 1 địa bàn và 1 thằng truyền tin mang máy PRC/25 đi theo, ở đây con liên lạc thường xuyên về Ban chỉ huy đại đội, vì nếu cúp liên lạc 15 phút là đại đội sẽ kêu pháo binh phá hủy ngọn đồi này ngay, còn trường hợp bị hư máy phải tìm cách di chuyển chỗ khác, chứ mất liên lạc là coi như đã bị VC chiếm! Sau 1 đêm canh phòng cẩn thận trên đồi, sáng sớm phải báo máy về đại đội là tình hình trong đêm vô sự, và sự yên ổn kéo dài đến trưa ngày 28/11/1973, có một loạt súng cối 61 ly pháo vào sân bay, vừa nghe nổ là con lấy địa bàn ra đo hướng nổ và ước lượng khoảng cách từ đồi mình đến chỗ phát ra tiếng nổ rồi báo máy về đại đội như các trung đội khác, mà đại đội đã chỉ định để tìm ra tọa độ của nơi bị pháo kích. Sau đó có lệnh ở đại đội đưa xuống chỉ định trung đội 3 để lại tại chốt 1 nửa quân số, còn 1 nửa đi theo trung đội trưởng và truyền tin về ban chỉ huy đại đội phối hợp với toán lính thượng đi lục soát quanh bãi đáp và cách bãi đáp 500 m, xung quanh bãi đáp không có đường mòn gì cả, cây cối chằng chịt phủ không thấy mặt trời, con để toán lính thượng đi đầu, đến đâu chúng chặt cây đến đó, lúc này con phải sử dụng địa bàn đo phương giác và ước lượng khoảng cách để đi, chứ không nhìn thấy sân bay nên tụi thượng cũng không biết đi hướng nào, đi khoảng 100 m phải báo máy về ban chỉ huy tọa độ điểm đứng lúc đó, ở bộ chỉ huy theo dõi con đi phương giác rất đúng, ước lượng khoảng cách bước đôi bị sai, vì phải xuống lồi lõm nên con phải đi thêm nửa giờ nữa để trừ hao khoảng cách đường chim bay, mãi đến 5 giờ chiều con mới trở về đến chân đồi, con cho lính nghỉ chân 1 chút rồi bắt đầu leo lên, lúc này sương xuống lành lạnh và sa mù bắt đầu phủ xuống, toán lính người kinh cũng nóng trở về đại đội nên dành đi trước toán lính người thượng, lên gần tới đỉnh đồi con con có cảm giác lạ lắm, khu đồi này sao âm u quá, con nghĩ thầm chắc mình bị đi lạc nhưng tại sao máy của bộ chỉ huy bảo cứ quẹo lên ngọn đồi bên tay trái là tới? tự nhiên con bị rùng mình mấy cái vì đám sương lạnh, con chỉ kịp niệm 1 câu : “Nam mô cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm bạch y quan thế âm bồ tát” vừa dứt là 1 loạt đạn M16 của toán lính đi đầu quét thẳng tới trước, loạt đạn vừa dứt con nghe tiếng la của người bị thương ở góc đồi đằng trước “Trời ơi tôi bị gãy cẳng”, tiếp theo là hàng loạt đạn nổ túi bụi, nhánh cây gãy răng rắc. Lúc đó con đang bối rối, không biết phải làm gì, chỉ cầm bản đồ, địa bàn đứng chết trân, chừng quay lại thấy lính của mình đều xuống hầm núp cả, chỉ còn có mỗi thằng lính thượng đang run sợ, nó chui qua bụi mây định bỏ chạy, con ngoắc nó lại bảo xuống hầm ngay,mày chạy mày chết, ông già nằm gần đó cũng la theo : “Ông chuẩn úy còn đứng đây mà mày chạy đi đâu ?”, lúc đó nó cuống quá vừa chạy vừa lết xuống hầm; và con đang ngồi sau 1 gò mối, xoay lại thấy thằng truyền tin ngồi dưới hầm ngoắc tay, con chạy lại nhảy xuống hầm với thằng truyền tin, lúc đó con mới hồi tỉnh trở lại. Con gọi máy về đại đội, máy báo cho biết là bị ngộ nhận, lúc đó tự nhiên tiếng súng im hẳn, mấy cây M79 bên này bắt đầu nạp đạn, con ngóc đầu dậy, thấy đằng góc đồi phía trước có 1 tảng đá lớn, biết ngay là chốt của trung đội 3, con chạy lên kêu “Bác Chinh ơi, bác Chinh”. Lúc đó mấy ổng đều rút chốt lựu đạn cầm sẳn trên tay, ông Chinh nghe tiếng kêu quen quen, nhận ra con ngay, ông la lên : “Ối giời, ông chuẩn úy của mình kia mà !”, chừng đó mấy ổng mới gắn lựu đạn trở lại, hai bên chạy đến bàn cãi nhoi trời đất, chỉ còn ông bị thương nằm dưới đất, ông này bị 1 viên M16 xuyên qua 2 bắp đùi, nhưng không trúng xương, viên đạn trổ ra 1 lỗ bằng miệng ly, lúc đầu thấy máu nhiều quá, con quýnh quáng cả lên, nhưng ông bị thương còn tỉnh lắm, ổng bảo con cởi dùm đôi giày, rồi cởi quần trận ra, lấy vớ băng lại cầm máu, làm xong tay chân con dính toàn là máu, những cục máu đọng lại trong ống quần giống như những cục huyết heo rất gớm, lát sau có y tá đến và khiêng võng ra bãi đáp tải thương.
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:56:28 GMT 9
Sau đó trung đội có lệnh di chuyển đổi chỗ cho trung đội 2 ở ngọn đồi nhỏ sát góc bãi đáp, đến bộ chỉ huy đại đội,con lấy bản đồ ra so lại bản đồ của đại đội, thấy mình đã đi lố quá 500m, con hỏi ông đại đội trưởng : như vậy tôi có bị phạt không? ổng bảo đừng lo sợ gì hết, không có gì đâu,chỉ buồn mỗi cái là bị lạc có 500m mà đã gặp việc không may, trong khi ổng đi lạc cả tuần lễ mà vẫn bình yên,ổng dặn con hễ ai có hỏi vụ này cứ nói là trung đội mình đi lục soát bị địch phục kích, như vậy người bị thương mới lãnh tiền được, rồi ổng làm báo cáo và gọi máy về tiểu đoàn, tối hôm đó con dẫn trung đội ra góc sân bay, thấy con còn hoang mang về cuộc chạm súng hồi chiều, thằng chuẩn úy Song còn gọi với theo, bảo con đừng sợ gì hết, chuyện rủi ro, không ai quở trách đâu. Lúc đó con cũng yên tâm phần nào, suốt đêm đó nằm ở chốt con trằn trọc mãi không ngủ được, vừa chợp mắt là thấy trước mắt mình toàn là máu đỏ ối ! và cứ như vậy giật mình mãi, ông Chinh nằm kế bên bảo là con mới thấy máu lần đầu chứ gặp nhiều rồi cũng quen, về đêm trong rừng rất vắng lặng, thỉnh thoảng có vài tiếng kêu rền đất của thú rừng, con vẫn thức nằm bất động, đêm đó con suy nghĩ lung lắm ! tư tưởng liên miên hết chuyện này đến chuyện nọ ! nghĩ cũng tội nghiệp cho thằng thượng hồi chiều vì quá sợ hãi mà chui vào bụi gai mây như con chuột ; mà không sợ hãi sao được ! khi đã lâm trận tức là khi tính mạng con người đã gần kề với sự chết chóc thì lúc đó sự sợ hãi của con người đến tột đỉnh ! và phần tâm trí bị tiêu tan đâu mất, thể xác con người lúc đó chỉ còn cử động như một con thú chỉ biết tìm lấy sự sống mà thôi. Nghĩ lại trách nhiệm của mình cũng khá nặng, chỉ sơ xẩy là thiệt hại bao nhiêu người, ở quân trường mình sơ sót điều gì bị la rầy nghe bực bội, nhưng không nguy hại gì cả, còn ngoài đơn vị không ai quở trách mình cả, nhưng trước mũi tên hòn đạn mà sơ hở một chút là lãnh đủ; chiến trường ở miền rừng núi khác hằn với miền đồng bằng, vì cây cối quá rậm nên cách khoảng 50 m người ta không nhìn thấy nhau, mà khi nhìn thấy bóng người thấp thoáng thì đã quá gần, các binh sĩ nổ súng liền chứ không đợi lệnh cấp chỉ huy như những cuộc tấn công, mà hôm đó toán lính ở trên đồi không có máy liên lạc nên mới xảy ra vụ ngộ nhận như vậy.
Sáng hôm sau Đại đội 2 có lệnh di chuyển đến bãi đáp khác, bãi đáp mà lúc trước con đổ quân xuống, ban chỉ huy Đại đội đóng tại bãi đáp, còn mỗi Trung đội đóng chốt trên các ngọn đồi xung quanh, trung đội con được lên ngọn đồi 949m và đóng tại đó, mỗi ngày ở Đại đội có gọi máy cho biết tọa độ ở vùng hoạt động, con phải để lại trên đồi 2- 3 người, còn lại bao nhiêu dẫn đến điểm họat động lục soát, ở ban chỉ huy đại đội liên lạc máy thường xuyên để theo dõi cuộc lục soát của mỗi trung đội. Có nhiều bữa cũng nhận lệnh đi lục soát, nhưng con làm biếng không đi đâu hết, chỉ nằm tại chỗ báo máy về đại đội những diễn tiến giống như đi thiệt, nhưng ở nhà vẫn sắp đặt địa bàn bản đồ định hướng sẳn sàng, nếu đại đội có hỏi hiện giờ anh di chuyển đến đâu, và cho biết điểm đứng hiện tại, thì cứ việc coi theo bản đồ mà nói, nếu đường di chuyển có con suối thì báo cáo là đến bờ suối v.v… Ở đại đội nó nằm một chỗ lật bản đồ điều khiển mình thì ở chốt mình cũng lật bản đồ đóng kịch trở lại.
Ở đồi 949m trung đội con đóng chốt cho đến ngày về dưỡng quân 10-12-73. Trong thời gian này mỗi ngày phải đi lục soát xung quanh khu đồi một lần, tối đến cho gài lựu đạn xung quanh và canh gác cẩn thận. Việc gài lựu đạn rất nguy hiểm, mấy hôm nay đại đội con bị thương dài dài vì toàn lính người kinh mới về đây chưa rành gài lựu đạn, nhiều ông rung tay quá làm bật kíp lựu đạn, nếu bình tĩnh đá văng quả lựu đạn thì không sao, nhưng mấy ổng cuống chân quá, không đá được chỉ còn chờ quả đạn nổ thôi.
Lúc đầu mấy ổng đòi canh gác lơ là, có nhiều ông vừa gác vừa ngủ, sáng ra ông trung đội phó phạt nặng những người đó ! nhưng con cản lại, lần đầu chỉ cảnh cáo thôi, sau đó con tập hợp trung đội lại, giải thích những công việc lợi hại của đơn vị. Trước nhất con để ông phó nói qua về tình hình quanh khu vực, xong rồi đến lượt con, trước nhất con dùng tình cảm để nói :“Trong trung đội chúng ta, toàn là người kinh với nhau cả, khác hẳn với người thượng, những người chỉ có thể sai khiến bằng bạo lực, còn chúng ta là những người có trình độ hiểu biết cao, tôi không muốn anh em làm việc một cách miễn cưỡng vì một áp lực nào, mà các anh em phải hợp tác với chúng tôi làm việc một cách vui vẻ trong sự ý thức và tinh thần tự giác của anh em, đối với tôi các anh em là những người đã từng trải nhiều kinh nghiệm, còn tôi như người em cần học hỏi nhiều ở anh em, tuy thế nhưng không phải là lý do để các anh em coi thường mệnh lệnh của chúng tôi, tuy tôi mới ra trường nhưng dầu sao tôi cũng đã mang cấp bậc này, như vậy trên vấn đề chỉ huy, chắc chắn tôi phải hơn anh em. Quan niệm của tôi không bao giờ ỷ vào lon lá để áp bức thuộc cấp của mình, tôi đồng ý về tuổi tác tôi kém xa các anh em, nhưng khi làm việc tôi vẫn trở về cương vị của tôi, trên phương diện chỉ huy tôi vẫn là người có quyền hạn đối với các anh em, tôi không muốn anh em bắt buộc tôi phải dùng uy quyền của mình đối với các anh em, nhưng nếu cần tôi vẫn sử dụng đến nó !
Một lần chót, tôi nhắc lại các anh em vấn đề canh gác, anh em canh gác là để bảo vệ mạng sống cho chính mình và bạn bè; nếu anh em lơ là trong việc canh gác, tức là anh em đã coi thường mạng sống của đơn vị … và ngay từ bây giờ hễ tôi hoặc ông phó bắt được người nào bỏ gác hoặc ngủ trong giờ gác tôi sẽ phạt đi kích một đêm, một mình mang 2 quả lựu đạn xuống suối, nếu ông nào không thi hành lệnh phạt của tôi, tôi sẽ báo máy đề nghị về đại đội, và hình phạt lúc đó không phải nhẹ nhàng như trước đâu !
Và tôi nhắc thêm một điều nữa là vấn đề săn bắn; chúng ta đang lúc hành quân, dĩ nhiên ai cũng đói khát mà thú rừng ở đây lại quá nhiều ! mà lệnh của tiểu đoàn không cho bắn những con lớn từ mèo rừng đến con mang, những con vật linh thiêng của rừng núi, các tiểu đoàn khác cũng vậy, tuyệt đối không được bắn những giống này, theo mấy ông thượng thì ăn thịt những con này rất xui xẻo, có lần tiểu đoàn bắn chết con mang, ăn nhậu xong là bị tấn công, thiệt hại gần hết ! Đó là những ý tưởng dị đoan của dân thiểu số, bây giờ chúng ta xét đến khía cạnh thực tế mà nói, khi ta bắn một phát súng tức nhiên mục tiêu của chúng ta bị lộ và địch sẽ theo hướng súng và tấn công chúng ta.
Riêng ở trung đội này, tôi tuyệt đối cấm các anh em săn bắn bất cứ con gì, từ chim chóc đến thú dữ,vì như vậy là thiệt hại an ninh cho chính chúng ta, và tôi cũng khó trả lời khi đại đội gọi máy hỏi lý do từng tiếng súng.
Qua những điều chúng tôi vừa trình bày, anh em có thắc mắc điều gì cứ việc thẳng thắn phát biểu, nếu ngoài phạm vi hiểu biết của tôi, tôi sẽ nhờ thượng cấp giải quyết.
Thưa Ba Ma, ra đơn vị rồi vấn đề nói chuyện trước nhiều người sao khó quá, nhiều binh sĩ già cả nhưng con phải kêu bằng anh em chứ không cách gì hơn được, và nói chuyện với thuộc cấp cũng mệt ở chỗ là phải thận trọng lời nói, chứ không ăn nói tự do bừa bãi như ở quân trường đựơc, vì ở quân trường tụi nó ngang tuổi và ngang cấp bậc nên nói sơ sót cũng không sao! Nhưng ở đơn vị người lính có nể phục cấp chỉ huy hay không là do lời nói đầu vậy! Trong buổi họp tiểu đoàn, ông tiểu đoàn phó có nói, các anh em ra trường có muốn làm cho lính nể thì rất khó, còn làm cho lính sợ thì rất dễ, đối với lính thượng mình nói như nước đổ lá môn, nhưng đối với người kinh vấn đề cư xử là quan trọng hơn cả! Đối với lính, mình nói phạt là phạt chứ không thể tha được vì nói mà không làm nó sẽ coi thường lời nói mình.
Từ hôm nắm trung đội đến nay con chưa phạt ai hết, mấy ổng cũng vui vẻ lắm, nhiều khi mấy ổng than cực than khổ, nhớ nhà nhớ vợ nhớ con, con cũng đành chịu chứ không biết nói sao hơn được, vì mình cũng chẳng khác gì mấy ổng, mà chẳng lẽ cấp chỉ huy lại than van với lính ! chỉ khi nào rảnh con liên lạc máy với mấy thằng cùng khóa tâm sự chút đỉnh thôi và tụi nó cũng than vãn như điên.
Ở trong rừng mãi buồn quá, suốt thời gian hành quân không thể gửi thư về nhà được, kể cả kỳ tiếp tế vì máy bay có đáp xuống được đâu mà chuyển thư, trên đỉnh đồi 949m nhìn về thành phố Kontum thấy nhớ nhà làm sao ấy, ở đây mỗi ngày chỉ viết 1 trang vừa làm nhật ký vừa làm thư, và cũng là lúc đang suy tư về gia đình đó !
Bây giờ chỉ có cách chờ ngày về dưỡng quân mới bỏ thư được, chắc sau gần 1 tháng trời bặt tin bặt tức ở nhà cũng trông thư con lắm, nhưng vì chiến cuộc con chẳng biết làm sao hơn, nếu thư liên lạc thường xuyên không được thì sau ngày hành quân con sẽ gửi về nhà một lá thư dài thế này để bù lại những ngày gửi thư lẻ tẻ.
Viết cho chị Hai
Chị Ngà !
Vừa nhận được thư chị tôi mừng không kể xiết, trong thư có nói lá trước 15-11-73 không có dán tem, bởi thế nên tôi không có nhận được.
Được biết gia đình đều khỏe mạnh tôi mừng lắm, còn Út đã biết bò rồi à ! “oa... oa” “cóp – hà” giỏi lắm phải không? Út biết ăn cơm chưa, hay còn đóp Guigoz, à Út bây giờ chắc không còn là Út Guigoz nữa nhỉ ! thương Út quá mà không biết sao về ẳm Út được ! Chắc ngày về Út đã biết đi học rồi, lúc đó nó không biết ông lính này đâu ! À còn thằng Trọng có được về phép không và có chịu được nổi cơm quân trường không? Bảo nó ráng học đi, được ở quân trường là sung sướng lắm đấy. Hôm 20-11-73 có tin thị xã Kontum bị pháo kích, nhưng lúc đó tôi đang hành quân trong rừng làm sao biết được, lúc đó chỉ nghe những tiếng hú đề-ba của hỏa tiển 122 ly và khi tới nơi thì VC chạy mất rồi chỉ còn lại 8 cái vỏ hỏa tiễn còn nóng hổi. Ở đây tối nào tôi cũng niệm phật, và có niệm chú Bạch Y nữa, còn vấn đề đi săn ở đây tôi tuyệt đối cấm ! Vấn đề ăn uống ở đây rất mắc mỏ, nhưng có khi nào ra phố đâu mà tốn tiền ! còn việc nước nôi ở đây rất phiền toái, tuy nước có thừa, nước rất trong nhưng rất độc, ở những nơi hiểm trở thế này,đòi hỏi con người phải thận trọng đủ thứ, từ miếng ăn, miếng uống đến đường đi nước bước v.v… Nhưng thường thường những lúc khó khăn gian khổ thế này, con người ta không bao giờ chết được, sự chết chỉ đến với con người trong những lúc sung sướng mà thôi !
Thành phố Kontum không giống như Sài gòn hay Trung Chánh, Bà Điểm gì cả, nó chỉ là một thị xã rất nhỏ trong khoảng ô vuông 2km cạnh, một dãy đất nằm dưới thung lũng xung quanh toàn là núi non trùng trùng điệp điệp. Cả thành phố Kontum chỉ có một cái chợ ở giữa, chợ Kontum chỉ bằng chợ Bà Điểm thôi, tại đây chỉ có 3 con đường lớn tráng dầu cỡ như đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, ngoài ra toàn là đường nhỏ rải đá hoặc đường mòn thôi, chỉ có lẩn quẩn trong phố là có người kinh còn xung quanh cách chợ khoảng 5 km toàn là những buông sóc người thượng, ra xa tí nữa thì toàn là rừng núi, những dấu vết của kỳ chiến cuộc Kontum kiêu hùng mà thây người nhiều quá, không thể nào mang ra hết được. Ở đây muốn về Pleiku chơi thì rất khó vì phải đi ngang qua đèo Chu-Pao ở đó có trạm kiểm soát rất gắt, và Chu-Pao cũng là một địa danh nổi tiếng hồi chiến cuộc, và bây giờ mới hiểu thấm thía chữ kiêu hùng của Kontum đó. Ở Pleiku lên Kontum thì rất dễ chỉ cần đi xe đò 2 giờ là tới nơi không có ai xét hỏi gì hết vì Kontum là chỗ cuối cùng của binh chủng địa phương.
Còn khí hậu ở tại thành phố Kontum tuy rất lạnh, nhưng dù sao cũng còn có xe cộ, và đông người nên cái lạnh còn chịu được,chứ ở trong rừng khí lạnh rất quáio đản, lúc giữa trưa mà chướng khí rợn người như đêm noel vậy ! còn về đêm chỉ trùm poncho lại ngủ thôi ít khi ra căn lều lắm ! Hiện giờ tôi hết tiền mà lương tháng 11 chưa có, chờ đến tháng 12 lãnh dồn. Ở đây tiền và đồ ăn cái gì cũng cần thiết nhưng ở Sài Gòn làm sao gởi ra được, tiền còn có thể gởi măn-đa chứ đồ ăn không bao giờ gởi ra được ! Thôi thì ở nhà đừng gởi gì ra hết vì tôi chỉ được về dưỡng quân có 10 ngày rồi lại vào rO
|
|
|
Post by NhiHa on Mar 12, 2009 4:58:53 GMT 9
... rừng tiếp nên cũng không cần tiền làm gì, có thể 2 ngày phép về Kontum ăn cơm ở nhà ông trung sĩ Chinh được rồi.
Ở đây chỉ hy vọng về nhà được trong kỳ thi tú tài 2 , 01-06-74, còn vấn đề hình chụp chắc không có,chị lục lại trong tủ chỗ cuốn album xem có tấm phim nào không?
À, chị đã được miễn học Chí Linh rồi, cũng đáng mừng lắm đấy, vì chỉ có ở nhà là sướng nhất mà thôi!
Còn việc Lan đến nhà thăm 10-11-73 sao trễ quá nhỉ, phải sớm hơn 1 tuần là gặp tôi rồi; ối giời ! cô ta cũng chịu khó quá đấy. Ở Bình Dương mà lội mãi tới Sài Gòn tìm nhà để tặng quà, nghĩ cũng kiên nhẫn thiệt ! Ở quân trường cô ta thăm rất nhiều lần, nhưng toàn là lúc tôi về phép cả, chỉ gặp tôi một lần lúc gần mãn khóa thôi. Đối với gia đình Lan, tôi chỉ mến bác Mười và một người anh vì họ rất tử tế, còn đối với cô ta tôi chỉ coi như bạn, tôi chỉ gọi cô ta bằng tên chứ không bao giờ gọi bằng em như thằng Nguyên, vì có lần ở quân trường cô ta có gởi thư tỏ tình với thằng Nguyên rồi!
À, Dương Ngọc Nga ở 80 Âu Dương Lân cũng có gởi thư thăm tôi nữa hả ? Cô này tôi chỉ quen biết sơ sơ ở khu tiếp tân thôi mà cũng gởi thư từ lắm nhỉ ! Lúc ở Bình Dương tôi hay lại nhà cô Vân con của ông lái đò chơi, còn cô Nga thì làm chung chỗ với Vân, và cô ta giới thiệu Nga với tôi, chuyện đó tôi bỏ quên đến chừng sắp mãn khóa, 2 cô có vào thăm, lúc đầu tôi cũng không nhớ Nga là ai, chừng Vân nhắc lại tôi mới nhớ, lúc đó cô ta có gởi thư qua lại với tôi vài lần, tôi chỉ biết cô ta mồ côi cha, ở nhà bán tiệm vàng, và học tới lớp 3 thì nghỉ học đi làm, cô ta nói chuyện không được văn vẽ nhưng có vẽ thành thật lắm ! lúc đầu tôi không để ý nhưng sau tôi thấy cô ta dễ mến lắm đó!
Mấy cô gởi thư có gì quan trọng không? Còn tôi lúc này nãn quá không muốn gởi thư cho ai hết cả, chị viết thư trả lời giùm tôi nhé! Tôi chẳng biết tán tỉnh thế nào, nhưng vì mang tên là lính sữa Babilắc nên mấy cô mới làm quen đó!
Ở đây mấy ông binh lính hầu hết đều biết ăn nhậu,cờ bạc, chơi bời, nhưng riêng tôi, không bao giờ có chuyện đó, ăn nhậu đôi khi còn có chút đỉnh nhưng chơi bời tôi tuyệt đối không bao giờ có, vì tôi ghê tởm những chứng bệnh này đến tận xương tủy lận, ở trung đội có nhiều ông mắc bệnh lậu rất thảm thương, nhưng lúc về phép vẫn chứng nào tật nấy, mà mình cũng không cách nào ngăn cản họ được!
Đến ngày 10-11-72 lại có chuyến tiếp tế từ hạ sĩ quan trở lên chỉ tiếp tế gạo thôi chứ không có đồ ăn, các binh lính có đồ ăn nhưng rất ít, mỗi người chỉ có 1 miếng thịt heo chỉ vài trăm gram thôi, nói là thịt heo chứ thật ra chỉ là da và mỡ thôi, tôi xin được 1 miếng mỡ heo bằng lóng tay mà ăn thấy ngon không kể xiết vì cả tháng trời chưa khi nào được ăn một miếng đồ tươi như vậy.
Sau đó có lệnh di chuyển đến vị trí khác, 1 ngọn đồi cách đó khoảng 5km đường chim bay, nhưng đi đường rừng phải mất chừng 1 ngày trời mới tới. Lúc đầu đi bằng phương giác rất chính xác nhưng phải băng rừng mệt quá, tôi phải cho lính đi theo đường mòn, đi đường mòn thấy khỏe thiệt, vì không phải chặt cây cối gì hết, nhưng đi loanh quanh rất xa, mà trên bản đồ lại không có đường mòn! Như vậy đi đến đâu chỉ báo cáo cảnh vật xung quanh về đại đội, để đại đội ấn định vị trí đóng quân, đến một lúc trung đội tôi di chuyển đến một ngọn đồi trọc, trên đó có để 3 cây M72 mới toanh, tôi báo cáo về đại đội là đã đến 1 ngọn đồi và những gì có trên đó, thì thằng điều khiển máy ở đại đội lại ấm ớ làm sao, nó không biết phải vị trí đóng quân ở đó không, nó bảo cứ tiếp tục đi theo đường mòn, đến nửa giờ sau ông đại đội trưởng đến điều khiển máy, tôi nói là trung đội tôi đã qua khỏi ngọn đồi đó hơn nửa giờ rồi, ông ta hoảng hồn nói cho trở lại ngọn đồi đó ngay vì đã đi quá mấy cây số rồi! Lúc đó vừa mệt vừa sùng nhưng cấp trên sơ suất như vậy mình biết khiếu nại thế nào! Thôi đành phải trở về vậy!, Khi đến nơi rồi ai nấy đều mệt rã rượi, cũng chỉ vì một câu nói sơ suất ở trên mà cấp dưới phải chịu hậu quả như vậy!
Sống trong rừng rú sao cuộc sống tẻ nhạt quá ! Sự lạnh lẽo ở chốn hoang thiêng làm cho con người ta già đi thì phải, thật vậy! có lần tôi nhìn vào gương thấy mình đã thay đổi hẳn hồi đó, mặt mày già dặn, râu tóc xồm xoàm như những người đứng tuổi vậy!
Hành quân cả tháng trời nhưng thật ra tôi chỉ được tắm rửa có mấy lần! mặc dầu có biết bao nước trong suối mát, nhưng từ đỉnh núi đóng quân đến con suối dưới chân núi xa khoảng 1 km đường dốc đứng mà phải đi bằng 2 chân lẫn 2 tay mới mong khỏi bị lăn xuống núi, đã vậy có phải là yên ổn đâu, ở suối là nơi dễ bị phục kích nhất. Trong cuộc hành quân này tiểu đoàn tôi bị chết cũng khá nhiều chỉ vì xuống suối múc nước mà thôi.
Còn vấn đề lương bổng ở đây không thể làm đơn mượn trước được, tôi phải đành chịu cực 2 tháng đầu vậy, và cuối tháng 12 lãnh lương 2 tháng dồn cũng khoảng hơn 20 ngàn vì còn ăn lương trung sĩ khoảng 13 ngàn 1tháng, nhưng trừ tiền cơm cũng khá nhiều, hơn nữa địa phương quân không có tiền phụ cấp đắc đỏ hay tiền hành quân gì hết vì nó không có quyền lợi như các sư đoàn, và kỳ lương này tôi cần mua sắm nhiều thứ nên không thể gởi măn-đa về được đâu, thôi để chờ kỳ lãnh lắp-ben vậy!
Hiện giờ tôi vẫn mạnh khỏe và vẫn vui vẻ trên đường hành quân, tuy gian lao nhưng không có gì nguy hiểm cả, tình hình Kontum lúc này cũng lắng dịu rồi ! như vậy phần tôi coi như tạm yên, ước mong một ngày nào đó sẽ được về sum họp với gia đình như thường đêm trong giấc ngủ !
Đến đây tôi tạm dừng bút, chúc Ba Má và cả gia đình được bình yên ! còn Út lúc nào cũng mạnh giỏi và nghịch ngợm nhiều thật nhiều cho mau lớn, thương Út nhiều lắm đó !
Sau cùng tôi có lời chúc gia đình Bác Ba cũng như những người thân thích với gia đình mình được nhiều may mắn. Nhờ chị chuyển lời chúc Lan, Nga, Tuấn v.v… những người bạn thân tuy xa nhau nhưng tâm hồn vẫn còn sum họp với kẻ ly hương…
Con của Ba Má
TB: Tôi thường niệm phật và đọc chú Bạch Y mỗi đêm, bây giờ tôi thuộc lòng viết lại, chị dò coi đúng không nhe.
“Nam mô cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Bạch Y Quan Thế Âm Bồ Tát” (3 lần)
Nam mô phật, nam mô pháp, nam mô tăng, nam mô cứu khổ cứu nạn quan thế âm bồ tát, đát chả đá án dà la phạt đá, dà la phạt đá , dà la phạt đà, la đà phạt đá, la da phạt đá, sa há, thiên la thần, địa la thần, nhân ly nạn, nạn ly thân, nhất thiết tai ương hóa vi trần.
|
|
|
Post by Can Tho on May 13, 2009 23:38:12 GMT 9
Những Người Lính Cũ TRẦN MỘNG TÚ Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 1-2009 Hai người phụ nữ chở nhau trên chiếc xe gắn máy đi vào thành nội Huế, dưới cơn mưa đầu tháng 11.Nước ngập ngang xe, người chở xe là một Ma xơ trẻ, quay đầu lại nói với người ngồi phía sau: - Cô à, mình xuống dắt xe đi bộ, kẻo nước vô trong máy xe, tắt máy bây giờ thì khổ lắm. Cả hai xuống xe, trời tối, mưa trên đầu, nước lụt ngang bắp chân, hai người đàn bà vừa đi vừa tìm số nhà. Ma xơ, người địa phương, còn trẻ lắm, và tôi đến (hay về) từ một nơi bên kia địa cầu. Ma xơ chắc đã quen với mưa lũ, và đường phố nên đi nhanh hơn trong khi tôi vừa lạnh vừa dò dẫm trong nước, bước hụt vào một cái ổ gà hay vấp vào vỉa hè, chao đi xuýt ngã mấy lần. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm được số nhà muốn tìm. Có người đàn bà đang tát nước ra ngoài lối đi. Tôi hỏi bà: - Thưa có phải nhà của ông Hồng không ạ? - Dạ phải, mời bà vào. Bà mở cổng, chúng tôi vào một lối đi dài, bên phải là mặt chính của nhà, bên trái có năm ba bụi cây cao thấp, trời tối quá không nhìn rõ những chiếc lá, bóng tối làm bụi cây trông như những cái dù to mầu đen. Bà chủ nhà như được báo trước sẽ có khách, mời khách đi thẳng vào cuối nhà, chỉ tay lên chiếc gác lửng: -Em tôi ở trên đó, bà cứ leo lên. Bà nói xong đi ra, tiếp tục cúi xuống tát nước từ trong nhà ra ngoài đường. Ma xơ ở bên ngoài trông xe, tôi đứng tần ngần nhìn chiếc cầu thang, rồi rụt rè leo lên những bực gỗ nhỏ. Một người đàn ông đang ngồi trên đó đón tôi bằng khuôn mặt rạng rỡ: - Em có nhận được phôn từ hai hôm nay ở Sài Gòn, nói là sẽ có người ở bên đó đến thăm (Anh dùng chữ bên đó để chỉ người ở nước ngoài về). Tôi xin lỗi đến trễ một hôm, tôi đã lỡ chuyến máy bay Sài Gòn-Huế hôm trước vì phi trường Phú Bài ngập nước, máy bay không hạ cánh được và chúng tôi mới đến chiều nay. Sau khi lấy phòng ở khách sạn tôi đã may mắn nhờ ngay được một Ma xơ còn trẻ, nhanh nhẹn tìm nhà hộ, nếu không thì chắc sáng mai mới tới được. Tôi ngồi xuống sàn gác đối diện với anh, hai chân tôi vướng víu vì dài quá và ống quần bị ướt sũng. Trước mặt tôi là người đàn ông trung niên, khỏe mạnh, tươi tỉnh, cụt cả hai chân sát đến thân, ngồi giữa những đồ dùng cá nhân của anh, tôi không nhìn kỹ và nhớ anh có những gì chung quanh, hình như có mấy cuốn sổ lớn nhỏ, cái bình thủy, bình trà, cái radio, quần áo, chăn gối và cái điện thoại cầm tay. Thế giới của anh thu gọn trên gian gác khoảng ba thước vuông. Người lính Thủy Quân Lục Chiến này, không may mắn bị thương tháng 1 năm 1975. Vì mất cả hai chân nên anh không "được" đi cải tạo, vì không được đi cải tạo nên anh không vào được danh sách H.O. Tôi hỏi thăm gia cảnh, được biết anh ở đây với gia đình người chị, anh bị thương khi còn trẻ quá chưa có cơ hội lập gia đình. Anh cho tôi một danh sách của những người bạn cùng hoàn cảnh như anh, so với danh sách tôi nhận được ở Sài Gòn thì có một vài tên khác nhau. Anh nói, phải cẩn thận vì có thể họ không phải là những người Thương Phế Binh thật. Tôi nói, không sao cả miễn là những người này cần được giúp đỡ. Tôi chia tay anh, hẹn trưa ngày mai sẽ gặp mặt mọi người. Anh cầm điện thoại, mở sổ, liên lạc ngay với các bạn, giọng anh dồn dập, gọi từng người: -Trưa mai, 1 giờ nghe, đến nhận quà, có người bên đó qua thăm. Tôi và Ma xơ lội nước về khách sạn. Tin tức khí tượng cho biết cơn lũ vẫn tiếp tục dâng. Lũ năm nay là lũ ngâm, có nghĩa là hết cơn nọ, tiếp cơn kia, nên nước không rút kịp, cứ giữ hoài một mực ở những nơi trũng và ở sông Hương. Nước sông Hương đục ngầu vì pha đất bùn. Cả thành phố Huế gầy gò, run rẩy trong mưa lũ, tôi đi ngủ thấy mình bồng bềnh trong câu hát Quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn. Trời hành, Trời làm cơn lụt mỗi năm…. Cả đêm trời mưa, đến sáng đổ xuống một cơn mưa lớn, nước trôi phăng phăng trên đường Đống Đa, trước cửa khách sạn. Tôi mặc áo dài, trùm áo mưa, bối rối lội nước đi lễ ở nhà thờ Dòng Thánh Tâm trên đường Phan Đình Phùng, đi trong nước và gió, tưởng như sắp bị cuốn xuống con nước sông Hương đã dâng mấp mé mặt đường. Nhưng may quá, đến trưa mưa tạnh, nước rút bớt ở một vài con phố. Tôi nhờ Ma xơ chở lại căn nhà hôm qua. Đến nơi tôi thấy ở gian trước, đã có năm bẩy người đàn ông đang ngồi chung quanh chiếc bàn nhỏ chờ tôi tới. Mới thoáng nhìn tất cả mọi người, tôi biết ngay là họ phải có thân nhân chở tới chứ không thể tự di chuyển được. Thấy tôi đến họ bối rối không biết mời tôi ngồi đâu, tôi đề nghị ngồi cả xuống sàn nhà cho rộng, tôi bỏ giầy vào ngồi chung với họ. Ngồi trước mặt họ, tôi thấy có điều gì không ổn, hình như đối với những người đang quây quần nơi này, tôi là người dị tật. Tôi dư hai cái chân. Tôi lúng túng không biết để hai cái chân thừa này vào đâu. Bẩy người bạn này, không ai có chân cả, có người lại mất thêm một cánh tay, có một người mù. Chúng tôi nói chuyện với nhau.Tôi hỏi han từng người.Các anh cho biết, phần đông bị thương ở Mùa Hè Đỏ Lửa (1972,)có người bị thương ngay đầu năm 1975, lúc đó đang nằm ở Quân Y Viện bị đuổi ra đường. Tôi ngập ngừng hỏi: -Làm sao mà các anh sống còn cho đến bây giờ, nhất là trong thời gian những năm ngay sau ngày 30 tháng 4. Các anh cười (đặc biệt lúc nào họ cũng có nụ cười trên miệng) -Khổ lắm chị ơi! Nhưng chúng em nhất định sống, người thì nương vào vợ con, người thì nương vào cha mẹ, anh chị. Thế rồi chúng em cũng qua được hết. Vài năm mới đây, các anh em ở Saigon nhận được quà của các anh chị bên đó gửi về trước, rồi đến chúng em ở Huế. Mỗi lần lễ tết chúng em có quà cũng có bữa tiệc nhậu nhẹt với nhau, vui lắm, nhưng vẫn phải giữ gìn, kín đáo. Anh cụt một tay, đưa mẩu tay cụt gần đến khuỷu ra khoe với tôi. -Em không có hai chân, cụt một tay em vẫn làm thợ lò rèn được, em cuốn dây thép ngay vào chỗ này, để cái phần thép dư ra trên cái đe, tay còn lại em cầm búa đập cho dẹp ra. Cũng kiếm được hai chén cơm một ngày. Tôi không nói được câu nào, nhìn xuống phần quắt queo của cái tay gẫy, tưởng tượng ra sợi thép to bản quấn nghiến vào đó, ngậm ngùi, thán phục. Đang nói chuyện thì có một anh đi xe lăn đến, anh bị liệt từ lưng trở xuống. Anh không xuống xe, anh ngồi yên trước cửa nhà. Cũng không thấy ai có ý đỡ anh xuống đất ngồi. Anh nói ít, nét mặt buồn buồn, những người bạn khác cho biết. Anh phải nhờ giúp đỡ hoàn toàn về lên, xuống xe,làm vệ sinh, vì anh không thể nào tự đứng lên trên hai chân được. Tụi em tuy cụt cả hai chân, nhưng lê trên hai mông và khỏe hơn anh, nên tự túc vệ sinh cá nhân được. Tôi ngồi ngắm họ, tám người đàn ông này, vào năm 1975 họ còn trẻ lắm (Ngưới lớn tuổi nhất sinh năm 1939, người trẻ nhất sinh 1954) họ mất cả hai chân, có anh còn mất thêm một cánh tay, có anh vừa không chân vừa mù. Làm sao mà họ sống còn được với cơn lốc hậu chiến! Ngay cả người lính còn đủ mắt, mũi, chân tay đã điêu đứng lắm rồi! Vậy mà sau bao nhiêu khổ nhục họ vẫn tìm đến nhau, dựa lưng vào nhau để tồn tại. Đây là những câu thơ họ viết cho nhau đọc: Tháng tư gẫy súng hao gầy Vòng tay khói thuốc tháng ngày hư hao (Hồng Trần) Cũng đôi lần đi qua đường cũ Núi rừng xưa loang lỗ chừ đã xanh cây Rừng xanh lá còn đời tôi héo úa Cũng đôi lần đi qua thành phố cũ Vết chiến tranh chừ đã tân trang Phố vươn mình thay da đổi thịt Riêng đời tôi cứ mãi cơ hàn (Nguyễn Nghệ) Tôi thương cảm và kính phục họ, trong hòan cảnh khốn cùng nhất, bằng cách nào đó, họ vẫn đứng vững (không cần chân) và duy trì được tinh thần đồng đội, thái độ bất khuất của những người lính. Tôi tặng mỗi người một phong bì, một phần thuốc bổ. Khi tôi trao vào tay từng người món quà nhỏ đó lòng tôi thật rưng rưng, nước mắt ứa ra ( mặc dù tôi cố cầm lòng) Tôi không biết mình muốn nói lời gì để cảm ơn những người lính này? Họ là dấu tích, là niềm tự cao của một thời hòa bình bên này; hay là huy chương, là tinh thần anh dũng của một thời chiến tranh bên kia. Người Việt Nam đứng ở hai bên vĩ tuyến 17, xác định bên này, bên kia theo tiêu chuẩn nào? Tôi trao đổi địa chỉ với những người bạn mới này, xin số phôn liên lạc và danh sách của những anh em ở Quảng Trị. Khi ra về, tôi hứa sẽ không quên họ (?) Sáng hôm sau trời vẫn còn mưa tầm tã, tôi liên lạc, hẹn gặp được với anh Sự ở Quảng Trị và thuê xe đi La Vang, Quảng Trị. Trên đường từ Huế ra La Vang nước sông dâng cao, có chỗ mấp mé mặt đường, có chỗ ngập tràn tóe nước trên bánh xe chạy. Nhà cửa ruộng vườn hai bên ở thụt xuống nên nước ngập cao cả thước, thỉnh thoảng có một chiếc thuyền chở mấy đứa nhỏ từ trong nhà lên mặt đường, chúng ướt như mấy con thỏ nhỏ vừa bị tuột lông, trông thương quá! Giữa vùng nước bát ngát tôi đọc được trên một tấm bảng dài, sơn đỏ, kẻ chữ vàng :"Việt Nam Dân Chủ Ấm No Quang Vinh Hạnh Phúc" Tấm bảng đứng ngơ ngáo như một kịch sĩ ra trình diễn không đúng lúc. Trận Mùa Hè Đỏ Lửa, ngôi giáo đường La Vang bị tàn phá nặng nề, tượng Đức Mẹ thương tích đến xót xa. Tôi đứng trước tượng, bức tượng nhợt nhạt trong mưa, những thương tích còn y nguyên, đôi mắt Mẹ buồn bã cúi nhìn. Tôi biết Đức Mẹ đã hiểu lòng tôi, tôi không cầu nguyện gì riêng cho mình cả, tôi đã dư đến hai cái chân, làm sao dám xin thêm một thứ gì nữa. Tôi cũng ngạc nhiên là mình không bị cảm lần này. Lại đi trong mưa, trong gió, ghé vào Quảng Trị. Vùng đất Quảng Trị nơi người dân Việt có cuộc sống hẩm hiu nhất, vừa nghèo, Chó ăn đá gà ăn muối, vừa hứng chịu những trận đánh khốc liệt. Nơi mỗi tấc đất đều thấm máu người trong thời chiến tranh huynh đệ. Anh Sự hẹn tôi ở khúc đường, cách cầu Thạch Hãn 200 thước, anh đứng trong mưa, trùm chiếc áo mưa đỏ cho dễ nhận. Khi xe dừng lại anh cho biết đã hẹn những anh khác đang đến. Trời vẫn đổ mưa, không vào nhà anh Sự ở sâu trong ngõ được, tụ tập ngay ở quán cà phê bên đường, quán này cũng lại vừa là một cái chợ nhỏ, có người mặc chiếc áo mưa vàng, trên lưng in chữ CATP ghé vào. Anh Sự hơi lộ vẻ lo lắng trên mặt, chữ đó có nghĩa Công An Thành Phố, nhưng ông công an này chỉ ghé vào mua một trái mướp nhỏ trong khi đang công tác, rồi đi. Lần lượt những chiếc xe ôm thả tám người vào quán. Tôi theo họ vào, họ không mất hai chân như các anh ở Huế, nhưng mỗi người có một bàn chân gỗ thò ra dưới ống quần nhầu nhĩ. Họ trông thảm hại, thiếu thốn quá! Chắc lúc khô ráo đã thảm hại rồi, mưa ướt còn làm tăng thêm nỗi nghèo khổ. Họ không được lạc quan như các anh ở Huế, có anh mang theo cả Chứng Minh Thư có số quân của ngày tháng cũ. Tôi thấy đau lòng quá. Tôi cũng chẳng nói gì với họ được lâu, vì còn phải quay lại Huế, trời thì mưa, lạnh, chỗ đứng trong quán chật hẹp, người ra vào mua bán, và hình như họ cũng không dám tụ họp lâu. Trông họ bồn chồn quá! Tôi ghi tên họ xuống (chỉ lấy tên, không lấy họ) Có hai thanh niên trẻ đi nhận quà cho cha mình. Tôi có địa chỉ và điện thoại của anh Sự rồi. Tôi hứa với lòng là sẽ gọi một vài người bạn rất thân ở ngoài nước giúp những người bạn trong nước này có cái quần, cái áo ấm hơn trong những ngày mưa lụt, có miếng thịt miếng cá to hơn trong ngày lễ tết. Khi quay xe ra về, tôi nói anh tài xế cho tôi ngừng lại ít phút ở cầu Thạch Hãn. Nơi đây Mùa Hè Đỏ Lửa đã là mồ chôn của bao nhiêu người lính của cả hai miền Bắc Nam. Một tượng đài được dựng ngay bên cầu Thạch Hãn có mô hình những giọt máu đỏ đang chẩy xuống. Tôi hy vọng khi treo những giọt máu này lên tượng đài, ai đó đã hiểu là những giọt máu này không phân biệt Bắc Nam, và chắc chắn một điều, nước dòng sông Thạch Hãn đã hòa máu, nước mắt của dân, quân cả hai miền. Anh tài xế nói, vụ đánh mùa hè 1972, nơi đây không còn gì sót lại. Không nhà, không chó, không mèo, không người, một vùng đất chết. Tôi nhớ đến câu thơ của Giuseppe Ungarette (Thi Si Ý 1888-1970) viết về một ngôi làng bị tàn phá trong chiến tranh. Những bức tường bị cào nát, người thân chết hết. Không còn gì cả ngoài thánh giá trong tim But in my heart/No cross is missing/ My heart is the most tortured village Trái tim tôi là một ngôi làng bị tra tấn nặng nhất. Tôi trở về Mỹ mang theo hình ảnh và địa chỉ của những người lính cũ. Trái tim tôi có phải là một ngôi làng đang được chúc phúc hay không? Trần Mộng Tú Huế-Quảng Trị- Tháng 11/2007
|
|
|
Post by Can Tho on May 13, 2009 23:50:02 GMT 9
Vài Kỷ Niệm Về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Và Tướng Lê Nguyên Vỹ. TRIỆU VŨ Thứ Năm, Ngày 19 tháng 3-2009 LTS. Triệu Vũ là một giáo chức, bị động viên vào khóa 19 Trừ bị Thủ Ðức. "Cải tạo" trên 7 năm ở thượng du Bắc Việt, Ông cùng gia đình di dân qua Liên bang Mỹ năm 1990, và hiện ngụ tại Houston, Texas.Dù lịch sử đã sang trang từ lâu, bài ký ức về Tướng Lê Nguyên Vỹ, cố Tư lệnh SÐ 5 BB–người đã chọn chết theo thành, và không nỡ bắt "con em người ta gửi gấm cho mình" chết oan uổng ở những giờ phút tàn cuộc của chiến tranh Việt Nam–là một trong những tài liệu hiếm hoi, có giá trị sử liệu. Hợp Lưu trân trọng giới thiệu tác giả Triệu Vũ với quí độc giả. Tạp Chí Hợp Lưu Ðầu tháng 9-1965, sau khi tốt nghiệp khóa 19 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, tôi về Bình Dương trình diện Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh. Ðây là một trong những đại đơn vị kỳ cựu của Quân lực VNCH, bao gồm các đơn vị thiểu số miền Bắc – mà đa số thuộc sắc dân Nùng thuộc vùng tự trị Móng Cáy của Ðại tá Woòng A Sáng. Di cư vào Nam, được mang tên Sư Ðoàn 3 Dã Chiến, sau đổi thành Sư đoàn 5 Bộ Binh, trấn giữ vùng đông bắc thủ đô Saigon và được coi như đơn vị tín cẩn nhất của chế độ. Ngày ấy, Tướng Vỹ còn mang cấp bậc Thiếu Tá, giữ chức Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9. Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn đồn trú tại Bến Cát, sau dời lên Chơn Thành, cách tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 50 km về hướng Bắc. Từ Bộ Tư Lệnh SÐ ở Phú Lợi - Bình Dương, tôi đã nhiều lần lên đó, khi thì đi cùng phái đoàn Thanh Tra, khi thanh tra một mình, theo lệnh đơn vị trưởng, nên tôi có nhiều dịp tiếp xúc với Thiếu Tá Vỹ và các Sĩ Quan trong Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn. Nhờ vậy, cũng từ những ngày đó, tôi biết thêm nhiều về cuộc đời "người lính chiến thực sự" Lê Nguyên Vỹ. Tướng Vỹ sinh năm 1933 tại Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Ông nguyên là sĩ quan binh chủng Nhảy Dù, thời Thiếu Tá Ðỗ Cao Trí còn giữ chức Liên Ðoàn Trưởng. Ông tham dự nhiều cuộc hành quân từ Bắc vào Nam. Năm 1955, sau cuộc tảo thanh Bình Xuyên ở Saigon - Chợ Lớn, ông được thăng cấp Ðại Úy. Ít năm sau, rời Nhảy Dù, Ông ra phục vụ tại Sư Ðoàn 5 BB. Ông được giao chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 2/9, rồi Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9BB năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá sau một thời gian làm Chi Khu Trưởng Chi Khu Bến Cát. Những ai từng làm việc với ông, dù thượng cấp, hay quân sĩ dưới quyền, đều chung một nhận xét: Ông là vị chỉ huy rất nóng tánh – theo tôi phải nói là trực tánh mới đúng. Trong một đặc san của Sư Ðoàn 5BB thuở đó, đã ghi như sau về Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9 – tức Thiếu Tá Vỹ: "Có một lần Ông vung tay đập vỡ mấy cái mặt bàn". Nhưng nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận Ông là một sĩ quan chỉ huy hành quân tài giỏi, thủ cũng như công. Những phái đoàn thanh tra từ Tổng Tham Mưu, Quân Ðoàn, Sư Ðoàn khi đến quan sát nơi đóng quân của đơn vị Ông, đều hết lời khen ngợi. Bản doanh Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 9 tại Chơn Thành là một căn cứ phòng thủ hình ngũ giác kiểu mẫu. Ðối với nhân viên thuộc Bộ Chỉ Huy, có lẽ Ban 2 vất vả hơn cả. Lý do đơn giản là Ông Trung Ðoàn Trưởng luôn quan tâm đến tình hình địch, tình hình bạn. Nhờ vậy, đơn vị do Ông chỉ huy đã ghi hết chiến công này đến chiến công khác, trong cũng như ngoài Khu 32 Chiến Thuật. Những địa danh, những mật khu, những chiến khu từ Bến Súc, Bến Sỏi qua Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, đến Ðồng Xoài, Phước Long, Phước Quả rồi mênh mông Tam Giác Sắt, Chiến Khu C, Chiến Khu D v.v. nơi nào cũng in dấu gót giầy hành quân của các chiến sĩ Trung Ðoàn 9. Những năm 1965-1967, sau khi quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam, tình hình chiến trận cũng như chính trị có nhiều biến động. Trên mặt trận quân sự, CSBV công khai đưa các đơn vị chính qui vào vùng Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên, tức Mặt trận B-3) và Tây Bắc vùng Hỏa Tuyến (Mặt trận Trị-Thiên). Ðồng thời, CSBV cũng thành lập Sư Ðoàn 2 tại Quảng Ngãi và Sư Ðoàn 3 "Sao Vàng" tại Bình Ðịnh (Quân khu 5 CS). Tại miền Ðông Nam Phần (Quân Khu 7 CS), CSBV thành lập sư đoàn (Công trường) 9 tại Bình Long, 5 tại Bà Rịa (Căn cứ Mây Tầu) và 7 tại Phước Long. Về chính trị, từ tháng 6-1965, chính phủ dân sự Phan Khắc Sửu - Phan Huy Quát rút lui, trả lại quyền điều hành đất nước cho quân đội! Người ta được nghe những cụm từ như Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương v.v., hoặc Tổng Cục A, Tổng Cục B, Cục Y, Cục Z v.v. Vì Quân Ðội điều hành việc nước, dĩ nhiên nhiều quân nhân được nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các Bộ và nha, sở. Những cấp chỉ huy cao trong quân đội cứ thay đổi liên tục. Thực là đau lòng khi thấy phe này hạ bệ hoặc thanh toán phe kia, tôn giáo này kình chống tôn giáo nọ. Chắc không ai có thể quên vụ "bàn thờ ra đường" còn được gọi là vụ "Phật Giáo miền Trung" xẩy ra vào mùa Xuân 1966. Chính quyền Trung Ương tại Saigon năm ấy đã mang quân đội và cảnh sát ra Ðà Nẵng và Huế thẳng tay dẹp bàn thờ và phong tỏa chùa chiền. Một số lớn quân nhân theo Phật giáo đã bị thuyên chuyển từ Vùng I vào Vùng III hoặc vùng IV Chiến Thuật. Dân gian thời đó thường truyền miệng "được làm vua, thua làm đại sứ" hoặc "được làm vua, thua đi chữa bệnh" v.v. Trường hợp các Ông Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Ðỗ Cao Trí, Nguyễn Chánh Thi, Phạm Văn Liễu v.v. là những chứng nhân rực lửa hận thù hoặc xót xa, tiếc nuối, ngậm ngùi tới cuối đời. (Xem hồi ký Nguyễn Chánh Thi, Ðỗ Mậu, Phạm Văn Liễu, v.v.) Thời gian này, Trung Ðoàn 9 của Trung Tá Vỹ thường phối hợp hành quân với các đơn vị của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ trong các chiến dịch tiến vào các mật khu Cộng Sản như Cedar Falls, Junction City v.v. Ông giữ vững lập trường một người lính chiến đấu, gắn bó với tiền tuyến, sát cánh cùng thuộc cấp giữ chắc tay súng truy cản địch quân ngoài mặt trận, chỉ lo chu toàn nhiệm vụ mà không quan tâm đến nhiều rối loạn chính trị, nhiều tranh giành quyền lực tại hậu phương. Sự tham chiến của binh đội Mỹ – nhất là việc đánh bom miền Bắc để áp lực Hà Nội ngưng xâm lược miền Nam, chấp nhận sự hiện hữu và biên giới của hai thể chế chính trị do các cường quốc ngấm ngầm chấp nhận – gặp sức phản kháng và chống đối trên toàn thế giới. Ngay tại Mỹ, phong trào phản chiến cũng ngày một dâng cao, khởi đi từ những cuộc biểu tình ngồi chống lệnh động viên trong các đại học, rồi đến những cuộc biểu tình ngoài đường phố. Bởi vậy, từ năm 1966-1967, chính phủ Tổng Thống Lyndon B. Johnson phải tìm cách tiếp xúc với Bắc Việt để tìm một giải pháp chính trị. Trong khi đó, tại miền Nam, các phe phái, Tướng Tá vẫn không ngừng tranh chấp, thanh toán lẫn nhau. Tình huynh đệ chi binh và mục tiêu chiến lược bảo vệ miền Nam khỏi họa Cộng Sản không đủ ngăn chặn những mưu bá, đồ vương. Người ta cho rằng miền Nam sẽ ổn định nếu chấm dứt tình trạng quân đội nắm quyền và tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt. Thế nhưng oái oăm thay, sau khi liên danh Nguyễn Văn Thiệu -Nguyễn Cao Kỳ thắng lợi trong cuộc tuyển cử tháng 9-1967 và dẹp yên được chống đối của phe Phật Giáo cùng sinh viên, học sinh, tình hình hậu phương bề ngoài yên tĩnh, thực ra có biết bao cột sóng ngầm cuồn cuộn. Sự kết hợp bất đắc dĩ của liên danh Thiệu - Kỳ có nguy cơ trở thành đối đầu và tiến đến thanh toán nhau trong những ngày tới. Ngoài chiến trường, chỉ nói riêng khu 32 Chiến Thuật (gồm 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long, Phước Long), vùng trách nhiệm của Sư Ðoàn 5 BB, đã mở rất nhiều cuộc hành quân bình định, hành quân truy quét địch, cho nên tình hình an ninh tạm ổn. Lại thêm lúc này quân đội Mỹ vào miền Nam đã lên con số khá cao. Quốc lộ 13, còn có tên gọi là "Quốc lộ máu", đoạn Bình Dương - Bình Long đã ít bị phục kích hoặc gài mìn. Hoặc đoạn đường "gai lửa" Bình Dương - Phước Long trên Quốc lộ 14 cũng được khai thông. Ðặc biệt thời gian này, Tiểu Ðoàn 2 Trung Ðoàn 9BB đã ghi một chiến công lớn. Nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm kháng cự, lại được phi pháo yểm trợ, Tiểu đoàn đã bẻ gẫy một cuộc tấn công của địch vào Bộ chỉ huy, đóng tại Phước Quả, cách tỉnh lỵ Phước Long hơn 10 km về phía tây nam. Do chiến thắng trên, Tiểu Ðoàn Trưởng 2/9 (Ðại Úy T.) được thăng cấp Thiếu Tá, sau về làm Trung Ðoàn Phó Trung Ðoàn 9 BB. Như đã lược nhắc, từ năm 1967, phong trào phản chiến trên nước Mỹ dâng cao. Những vụ biểu tình đòi rút binh đội Mỹ khỏi Việt Nam không ôn hoà như trước mà có phần quá khích, có khi còn đốt cờ Mỹ hoặc xé thẻ trưng binh v.v. Chính phủ Johnson bối rối, hơn nữa lại sắp có tổng tuyển cử vào năm tới (1968). Ðây là một thách thức lớn của Tổng Thống Johnson và Ðảng Dân Chủ. Qua trung gian Tổng thư ký LHQ, Pháp, Vatican cùng một số nước khác, chính phủ Johnson tìm cách dò ý Hà Nội về một giải pháp chính trị. Trong khi đó, bộ máy chiến tranh tại Hà Nội, được Liên Sô và Trung Cộng cố vấn, đã bắt mạch được thế lúng túng của Hoa-Thạnh-Ðốn, nên ra sức chuẩn bị một trận đánh lớn để chứng tỏ khả năng hiện diện và tiềm năng quân sự của họ tại chiến trường miền Nam, đồng thời làm chao đảo tinh thần nhân dân và Quốc Hội Mỹ cũng như tạo áp lực với chính phủ Johnson tiến tới bàn hội nghị. Ðúng vào những ngày Tết năm Mậu Thân 1968, Hà Nội đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hưu chiến, mở cuộc Tổng Tấn Công vào Saigon và 44 tỉnh, thị xã của VNCH. Mặt trận tại Bình Dương và BTL/SÐ5 khởi diễn đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết (31-1-1968). Lúc này, quân số hiện diện tại các đơn vị thuộc BTL/SÐ, cũng như Tiểu Khu Bình Dương, trường Công Binh, Thiết Ðoàn 1 Kỵ Binh v.v. không tới 50%. Thế mà, dù cho địch có chuẩn bị thật kỹ, bảo mật tối đa và đặc biệt tấn công bất ngờ, chúng vẫn không làm chủ tình hình. Giao tranh dữ dội tại khu vực Lò Chén và trường Công Binh trong tỉnh lỵ. Ðịch cũng đặt những "chốt" chặn xung quanh thị xã và pháo kích vào Phú Lợi, cách Bình Dương 5km về hướng đông, nơi đặt Bộ Tư Lệnh SÐ5BB, mục đích cầm chân, không cho tiếp viện. Lập tức, Sư Ðoàn điều động đơn vị của Trung đoàn 7BB giải toả từ phía nam lên và đặc biệt lệnh cho Trung Ðoàn 8 của Ðại Tá Vỹ ở Bến Cát (lúc này Ông đã thăng cấp Ðại Tá, chỉ huy Trung Ðoàn 8BB) đưa đơn vị về giải tỏa từ phía bắc và phía đông. Ðại Tá Vỹ đặt Bộ chỉ huy Hành Quân tại Bưng Cải, khoảng giữa tỉnh lỵ và BTL/SÐ. Ông đích thân điều động cuộc hành quân đánh đuổi địch ra khỏi thị xã và các chi khu lân cận, đồng thời tiếp tục truy quét tàn quân địch. Nhìn chung, cuộc tổng tấn công và tổng khởi nghĩa của Việt Cộng năm Mậu Thân đã thất bại nặng nề. Nhưng về chính trị, chúng đã đạt thắng lợi đáng kể. Trước áp lực từ nhiều phía, tháng 3-1968, Tổng Thống Johnson tuyên bố không tái tranh cử và hai tháng sau, Hoa-Thạnh-Ðốn cùng Hà Nội cử phái đoàn tới Paris để thương nghị. Số phận VNCH đang nằm trên bàn cờ chính trị cũng như lịch sử VN sắp sang một trang mới. Sau những đợt hành quân giải tỏa năm Mậu Thân, Ðại Tá Vỹ trở về Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn tại Bến Cát. Thế là, sau khi chỉ huy Trung Ðoàn 9 trên 3 năm, rồi Trung Ðoàn 8 trên 2 năm, Ðại Tá Vỹ đã thực sự dẫn giắt và có công xây dựng thành 2 Trung Ðoàn chủ lực hùng hậu của SÐ5BB. Chính Tướng Phạm-Quốc-Thuần, người đã nắm chức Tư Lệnh SÐ5 hơn 4 năm (có lẽ lâu hơn các vị Tư Lệnh khác) chắc rất hãnh diện và quý mến vị Trung Ðoàn Trưởng này. Ðổi lại, Ðại Tá Vỹ được địch quân treo giá tính mạng rất cao. Ðể có thể chiêu dụ hoặc thanh toán Ông, địch đã dùng nhiều phương cách, kể cả ám sát và mỹ nhân kế v.v. Ðịch còn dùng thủ đoạn khác là lợi dụng tình cảm quan hệ gia đình từ miền Bắc gửi thư cho Ông. Nhưng chúng đã không thực hiện được một ý đồ nào. Ông và các quân sĩ thuộc quyền, tiếp tục truy lùng và diệt địch, tiếp tục lập chiến công. Những trận đánh tại Phú Hòa Ðông, bên kia sông tỉnh lỵ Bình Dương, vòng lên Cầu Ðịnh, Bầu Bàng, Bầu Lòng, qua tận Phú Giáo, hoặc những vụ phục kích trên hành lang di chuyển của địch, bắt sống, hạ sát giao liên - kinh tài, tịch thu vũ khí - tài liệu v.v. khiến hoạt động quấy phá của địch trong vùng trách nhiệm suy giảm rõ rệt. Thời gian này, sự kiện đáng ghi nhớ là một lần nữa, SÐ5BB lại được tuyên dương công trạng trước Quân Ðội. Và tất cả quân nhân từ binh sĩ tới cấp Tướng thuộc SÐ hãnh diện được đeo Dây Biểu Chương Bảo Quốc Huân Chương màu đỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, chiến thắng quân sự của VNCH và Ðồng Minh năm 1968 không đủ làm nguội tham vọng chiếm miền Nam của Hồ Chí Minh - Lê Duẩn và Ðảng CSVN. Tại Mỹ, việc TT Thiệu chưa chịu gửi phái đoàn qua Paris tham dự hòa đàm trước ngày bầu cử phần nào giúp liên danh Nixon đắc cử khít khao, nhưng chính sách giải kết của Mỹ đã là hòn đá tảng. Tổng thống Nixon gọi TT Thiệu qua Midway thông báo sẽ bắt đầu triệt thoái quân Mỹ và Ðồng Minh, nhưng sẽ giúp VNCH tăng gia quân số cũng như trang bị vũ khí hiện đại hơn, trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh (Vietnamization). Ðích thân TT Nixon, trong chuyến công du Á Châu, đã bí mật ghé Saigon vào hạ tuần tháng 7-1969, cho lệnh quân đội Mỹ triệt thoái nhanh hơn. Chính sách ngoại giao toàn cầu của Mỹ cũng thay đổi dần, từ "đối đầu" sang "hòa hoãn", "đối thoại". TT Nixon và Cố vấn An Ninh Quốc Gia Henry Kissinger bắt đầu sử dụng cả hai lá bài Nga Sô và Trung Cộng, để ép Hà Nội phải chấp nhận một giải pháp chính trị. Ðầu năm 1970, vì quân đội Ðồng Minh đã một phần rút khỏi Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, BTL/SÐ5 di chuyển lên Lai Khê, cách quận lỵ Bến Cát khoảng 5km về hướng đông bắc, nằm trên Quốc lộ 13. Lai Khê xưa kia là nơi người Pháp xây dựng nhà máy, phòng thử nghiệm cao su và có trồng hàng trăm héc ta cao su làm mẫu. Lai Khê đã trở thành một căn cứ quân sự quan trọng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh một Lữ Ðoàn của SÐ1BB Hoa Kỳ; và khi họ về nước, BTL/SÐ5BB tiếp nhận căn cứ trên. Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn 8 cùng đóng chung trong căn cứ. Thời gian này, Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã thay Tướng Thuần làm Tư Lệnh. Ðại Tá Vỹ làm Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 8 thêm một thời gian trước khi đi thụ huấn tại Hoa kỳ. Và Trung Ðoàn này đặt dưới quyền chỉ huy của một sĩ quan do Tướng Hiếu đưa từ miền Trung về. Tiếc thay vị Ðại Tá Trung Ðoàn Trưởng mới (Bùi Trạch D.) đã thân bại danh liệt trong trận Snoul (nằm giữa tỉnh Kratie và biên giới Việt - Campuchia), khiến cả một Trung Ðoàn chủ lực của SÐ, với phù hiệu "Chúa Sơn Lâm" trên ngực áo trái, bị thảm bại, nay như người bệnh đang cần chữa trị, thuốc thang để mau có sức hồi phục – cả đơn vị chỉ còn khoảng 500 tay súng. Chính Tướng Hiếu cũng bị ảnh hưởng không tốt sau trận Snoul. Kể từ đây, con đường binh nghiệp của Tướng Hiếu đã rẽ sang một khúc quanh mới (và cuối cùng Ông đã tử nạn tại Văn Phòng Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn III với lý do "Bất cẩn khi lau chùi vũ khí?") Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoá Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ, Ðại Tá Vỹ được lệnh trở lại SÐ5BB, với chức vụ Tư Lệnh Phó SÐ. Ðương kim Tư Lệnh là Tướng Lê Văn Hưng. Ðại Tá Vỹ ra sức chấn chỉnh việc phòng thủ căn cứ Lai Khê, nơi đặt bản doanh chính của Bộ Tư Lệnh SÐ. Căn cứ Lai Khê có vòng đai phòng thủ khá rộng. Các pháo đài, các vọng gác làm bằng gỗ thông và bao đựng cát che chắn, có tính dã chiến, tạm bợ, do quân đội Ðồng Minh để lại, đã đến lúc phải tu bổ, sửa chữa nhiều. Ðích thân Ðại Tá Vỹ cùng các Ðơn vị trưởng đến từng vọng gác, từng pháo đài quanh căn cứ để kiểm soát, đôn đốc, tái thiết lập hệ thống phòng thủ. Ông chỉ thị các đơn vị phải đào những hầm trú ẩn hình chữ "A" để giảm thiểu thiệt hại cho binh sĩ khi địch pháo kích v.v. Cũng nhờ vậy mà sau nhiều lần tấn công của đặc công Việt Cộng, khi thì vài toán nhỏ, khi cả tiểu đoàn, cũng không thể nào xâm nhập sâu trong căn cứ. Trái lại, bị lực lượng bố phòng phát hiện kịp thời và phản kích khiến chúng thiệt hại nặng. Có lần, sau một cuộc tấn công xâm nhập, tổng số tử thi đặc công đếm được ngay tại vòng đai trong cùng của căn cứ lên tới hơn 40 xác. Ðây là con số khá lớn, vì căn bản, tấn công bằng đặc công là xử dụng những toán nhỏ, được huấn luyện rất thuần thục, nhằm gây tổn thất lớn về vật chất và tinh thần cho đối phương. Vả lại, phải mất một thời gian lâu dài, địch mới đào tạo bổ sung được hơn 40 đặc công. Ngoài bản doanh chính tại căn cứ Lai Khê, Sư Ðoàn 5 đặt Bộ Tư Lệnh Hành quân tại thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, nằm trên Quốc lộ 13, cách Saigon khoảng 100km về hướng bắc. Tướng Hưng và Ðại tá Vỹ thường luân phiên có mặt tại An Lộc để kịp đáp ứng tình hình. Thời gian này, kế hoạch "Việt Nam hóa" chiến tranh đã gần hoàn tất. Cả Mạc-Tư-Khoa lẫn Bắc Kinh đều áp lực Hà Nội sớm giải quyết chiến tranh. Lê Ðức Thọ – nhân vật quyền lực thứ ba trong bộ Chính trị Ðảng CSVN – nhiều lần mật đàm tại Paris cùng Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ Henry Kissinger, trong chiến lược "vừa đánh vừa đàm". Về phương diện quân sự, nhân thế thất bại chiến lược của quân lực VNCH tại Hạ Lào và Campuchia, Hà Nội quyết định mở một đợt tấn công mới trong mùa Xuân-Hè 1972, với miền Ðông Nam Việt làm "điểm", và Quảng Trị cùng Cao nguyên Trung phần làm "diện", nhằm tiêu hao lực lượng VNCH và mở rộng lãnh thổ kiểm soát, chuẩn bị cho giải pháp "ngưng bắn da beo". Trên mặt trận ngoại giao, Hà Nội muốn lợi dụng năm tranh cử Tổng thống ở Mỹ để ép chính phủ Richard Nixon phải nhượng bộ ngưng yểm trợ chế độ VNCH của Tổng Thống Thiệu, hầu thành lập một chính phủ hòa hợp. Hà Nội còn muốn thành lập một thủ đô cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, dưới bảng hiệu mới Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, vào tháng 1-1972, do Tướng Abrams dự đoán được ý đồ của Hà Nội – đã gia tăng những cuộc oanh tạc B-52 khiến các trục tiếp vận chiến lược của CSBV bị thiệt hại nặng nề – cuối cùng Bộ Chính trị Ðảng CSVN đổi ý, chọn Quảng Trị làm "điểm" [chủ yếu], mặt trận miền Ðông và Cao nguyên chỉ còn là "diện" [hỗ trợ]. Hạ tuần tháng 3-1972, đích thân Văn Tiến Dũng mang hơn 1 quân đoàn với đầy đủ tăng pháo vượt qua giới tuyến Bến Hải đánh chiếm Quảng Trị. Khác với những đợt tấn công năm Mậu Thân (2/1968, 5/1968, 9/1968) mà các nhà nghiên cứu và bình luận gọi là cuộc "tấn công tự sát", lần này Hà Nội, với mục đích tạo ưu thế tại bàn hội nghị, đồng loạt mở 3 mặt trận lớn tại Quảng Trị, Kon Tum và Bình Long. Những ngày đầu tháng 4-1972, đã có tin tình báo ghi nhận những cuộc chuyển quân của địch từ phía bên kia biên giới, theo hướng bắc và đông bắc tiến gần đến Lộc Ninh, một quận lỵ thuộc tỉnh Bình Long, cách thị trấn An Lộc khoảng 20km về phía tây bắc. Ðây là nơi đặt Bộ Chỉ Huy Chiến đoàn 9 (gồm Trung đoàn 9 BB, tiểu đoàn Biệt động quân, Chi đoàn Thiết giáp, tiểu đoàn Pháo binh v.v.). Thế rồi, rạng sáng ngày 6 tháng 4 năm 1972, vẫn với chiến thuật quen thuộc tiền pháo hậu xung, lực lượng địch với quân số đông gấp ba quân trú phòng, lại có chiến xa yểm trợ mở cuộc tấn công. Ðại Tá Chiến đoàn trưởng Nguyễn Công V. cùng một số sĩ quan tham mưu bị bắt làm tù binh. Trong khi đó, thị trấn An Lộc, tức tỉnh lỵ Bình Long, bị địch pháo kích từ mấy ngày trước, mở màn cho những trận mưa pháo ròng rã trên ba tháng trời. Người ta bàng hoàng, lo lắng được tin Lộc Ninh thất thủ. Tướng Hưng và Ðại Tá Vỹ đều có mặt tại BTL Hành quân để điều động quân sĩ trong vùng được gọi là mặt trận Bình Long - An Lộc. Ngày 13-4-1972, Việt Cộng tung 3 Sư đoàn bộ binh (Công trường 5, 7, 9), có pháo và chiến xa yểm trợ tấn công. Mở đầu là những trận mưa pháo rót vào thị xã từ nửa khuya. Ðạn pháo nổ liên tục trải khắp thành phố, rung chuyển mặt đất. Người ta không thể ước tính được có bao nhiêu trái đạn pháo và cũng không định hướng được địch đã pháo từ phía nào. Không kể những vị trí quân sự như Bộ Tư Lệnh Hành Quân/SÐ5, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, Bộ Chỉ Huy TrÐ 8 v.v., bệnh viện, trường học, chợ, nhà dân, trung tâm tạm cư cho người di tản từ Lộc Ninh đều bị trúng pháo địch. Cả thành phố chìm trong lửa khói. Rồi bỗng nhiên địch ngừng pháo. Bên ngoài, trời vừa hừng sáng, những cột khói đen vươn lên cao. Người ta nghe được tiếng máy gầm gừ của đoàn cơ giới tiến vào thị xã. Không! Không thể lầm được! Chiến xa địch đang di chuyển, càng lúc càng gần Bộ Tư Lệnh Hành Quân. Ðây là lần đầu địch sử dụng chiến xa tại chiến trường miền Ðông và cũng là lần đầu tiên, binh sĩ của ta phải đối phó, nên có phần nào hoảng hốt, bối rối. Nhưng lạ thay, các họng súng đại bác trên chiến xa không thấy nhả đạn, địch hình như đang dò tìm mục tiêu, chúng đã mất phương hướng. Một chiếc T54 đang nghiến xích sắt trên mặt đường sát bên hông BTL/Hành Quân. Mọi người, từ binh sĩ tới Tư Lệnh chiến trường, đều nín thở như chờ đợi một thảm họa và hầu như phó mặc cho số phận. Bỗng Ðại Tá Vỹ lao khỏi hầm, với nón sắt, áo giáp và đặc biệt khẩu súng chống chiến xa M72 trên tay, theo sau là Trung úy sĩ quan tùy viên. Tới bờ tường phòng thủ, vừa lúc chiến xa địch vượt qua khỏi cổng chính khoảng 20 mét, Ông quỳ người, giữ tư thế tác xạ, đưa M72 lên vai. Người sĩ quan tùy viên kế bên, khom người quan sát. Mọi người trong hầm chỉ huy hồi hộp phóng tầm nhìn qua lỗ châu mai. Một tiếng nổ. Và một luồng lửa đỏ tống về phía sau. Chiến xa địch bị trúng hỏa tiễn, bốc khói nhưng vẫn cố di động trước khi trở thành một khối sắt xám xịt vô dụng bên vệ đường. Quân sĩ từ trong hầm chỉ huy đổ ra ngoài reo hò mừng rỡ. Bây giờ người ta mới thực sự tin M72 đã bắn hạ chiến xa địch mà suốt mấy năm qua, từ khi được trang bị, chưa có cơ hội tác xạ. Ai ngờ ngày hôm đó, trong cơn nguy khốn, vị Ðại Tá Tư Lệnh Phó chiến trường lại làm nhiệm vụ một khinh binh, đích thân sử dụng M72 triệt hạ T54 của Bắc Việt. Câu chuyện Ðại Tá Vỹ bắn hạ chiến xa địch lan truyền, tinh thần quân sĩ trú phòng tại Bình Long - An Lộc lên cao. Ðó đây có những báo cáo về Bộ Tư Lệnh, cho biết đã bắn hạ thêm nhiều chiếc khác. Hình như chiến xa địch bị vô hiệu hoá vì không có bộ binh phối hợp, có lẽ do hiệu quả những đợt B52 trải nhiều thảm bom suốt ngày đêm hôm trước.
|
|
|
Post by Can Tho on May 13, 2009 23:51:36 GMT 9
Vì Hà Nội mở chiến dịch Xuân Hè 1972 khắp 3 vùng chiến thuật, lực lượng Tổng trừ bị VNCH (Dù và TQLC) bị phân tán mỏng. Sau đó, Bộ Tổng Tham Mưu giữ TQLC ở vùng I, và đưa Nhảy Dù về vùng III và vùng II. Quân Ðoàn III còn được tăng phái một số đơn vị của Quân Ðoàn IV như SÐ21BB, SÐ9BB. Liên Ðoàn Biệt Cách Dù cũng vào mặt trận hầu có thể sớm giải tỏa An Lộc. Nếu An Lộc thất thủ, Sàigòn tất nhiên bị đe doạ. Trong khi các lực lượng giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn tại các nút chặn quanh thị xã An Lộc, nhất là tại Xa Cam, khoảng 10km về phía nam, thì lực lượng tử thủ bên trong thị xã như sống trong hỏa ngục. Hàng ngày, cái thị trấn nhỏ bé nhận nhiều ngàn đạn pháo của địch, cộng thêm tiếng bom nổ của các phi cơ oanh kích chiến xa địch trên đường tiến gần thị xã, tiếng bom từ B52 trải xuống quanh vùng dội lại v.v. Liên lạc từ BTL Hành Quân đến các đơn vị bên ngoài bị gián đoạn. Tinh thần mọi người quá căng thẳng và rơi vào tình trạng khủng hoảng. Cũng có thể nhận xét của Tướng Hollingsworth, Cố vấn Quân Ðoàn III, rằng Tướng Hưng, Tư Lệnh chiến trường, như người "mất hồn" và "không làm được việc gì cả" là quá khắt khe chăng? An Lộc bị vây hãm càng lâu, tinh thần quân sĩ trú phòng càng xuống. Thiếu ngủ, thiếu dinh dưỡng, thiếu nước, v.v. lại thêm môi trường ô nhiễm vì xác tử thi đã thối rữa, bốc mùi v.v. thực không sao tả hết được nỗi kinh hoàng cùng cực của các chiến sĩ tử thủ An Lộc ba mươi sáu năm về trước (cũng vào THÁNG TƯ quái ác). Vì "tất cả cho chiến trường", cho nên kế hoạch tiếp tế, tản thương đã lập tức thực hiện song song với việc giải tỏa. Việc tiếp tế thả dù khởi đầu không được như ý. Phi cơ phải tránh phòng không địch, nên bay quá cao và có nhiều kiện hàng rơi không đúng nơi dự tính. Lại thêm địch tiếp tục pháo nên việc đón nhận các tiếp liệu phẩm gặp khó khăn. Ðã có những quân nhân tử nạn vì bị kiện hàng rơi trúng, không kịp tránh, hoặc bị trúng đạn pháo trước khi chạm tay vào các vật phẩm tiếp tế. Dẫu vậy, không như Cổ Thành Quảng Trị ở Vùng I hay Tân Cảnh (Dakto) ở Vùng II, thị trấn An Lộc đã đứng vững, chứng minh tinh thần anh dũng, quyết chiến của các chiến sĩ tử thủ cũng như giải tỏa, trong mặt trận Bình Long - An Lộc. Kết thúc trận chiến, sau này theo thống kê, cả hai bên đều thiệt hại nặng. VNCH vẫn kiểm soát được các tỉnh lỵ, huyện lỵ (trừ Lộc Ninh) và thị trấn trên Quốc lộ 13, đoạn Bình Dương - Bình Long, Việt Cộng kiểm soát vùng nông thôn và ven ranh. Di chuyển lên Bình Long, Phước Long, phải dùng phi cơ, không còn thênh thang đường bộ như năm trước. Rời chiến trường Bình Long - An Lộc, một trận chiến làm rúng động thế giới, Ðại Tá Vỹ về làm Phụ Tá Hành quân Tư Lệnh Quân Ðoàn III rồi được chỉ định làm Tư Lệnh lực lượng đặc nhiệm (gồm liên đoàn Biệt Ðộng Quân, Thiết Giáp, Pháo Binh v.v.). Ngoài ra, Ông cùng một phái đoàn được đi du ngoạn Ðài Loan gọi là để tưởng thưởng các chiến sĩ hữu công. Sư Ðoàn 5BB cũng có một Tư Lệnh mới, Ðại Tá Trần Quốc Lịch thay Tướng Hưng từ sau trận chiến An Lộc. Những cuộc giao tranh ác liệt không còn, thỉnh thoảng địch "đóng chốt" hoặc bắn xẻ. Năm 1973, Ðại Tá Vỹ thuyên chuyển về Sư Ðoàn 21 BB, giữ chức Tư Lệnh Phó. Ít lâu sau, chính Tướng Hưng lại về làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 một thời gian trước khi nhận chức Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn IV. Rừng núi miền Ðông Nam Phần khác với vùng sình lầy miền Tây. Hơn hai mươi năm trước, Thiếu Úy Vỹ đã cùng bao đồng đội, lao mình ra phỏi phi cơ ở độ cao mấy ngàn bộ, khi thì nhảy ngay trên đầu địch, khi thì nhảy xuống sau lưng địch, đánh bọc hậu, thì nay, dù Sư Ðoàn 5 hay Sư Ðoàn 21, dù Quân Ðoàn III hay quân Ðoàn IV, đời chiến binh đâu chẳng là nhà. Và nhiệm vụ nào thượng cấp đã giao, phải ra sức chu toàn. Với nhiệm vụ của một Tư Lệnh Phó, Ðại Tá Vỹ thường bay thị sát trong vùng và không may, trong một phi vụ quan sát, máy bay gặp nạn, Ông bị văng ra khỏi phi cơ nhưng như có phép lạ, chỉ bị gẫy xương ống chân và xây xát, bầm tím trên mặt, trên thân thể. Còn sống sót khi máy bay gặp nạn là điều hiếm thấy và quân y viện đã săn sóc, bó bột chân; xong để Ông về nhà dưỡng thương ba tháng trước khi tháo băng bột. Thời gian dưỡng thương, đi lại phải nhờ vào cặp nạng nhôm quân y viện cho mượn, sinh hoạt cần thiết hàng ngày đôi lúc phải nhờ người khác. Nhưng đây cũng là thời gian hiếm có trong đời để nhớ về những trận đánh, những chiến trường và những chiến công. Là một chiến sĩ từng xông pha ngoài trận tuyến, dày dạn chiến trường, mà nay chỉ làm bạn với chiếc máy thu thanh, thu hình, tin tức chỉ xoay quanh Việt Cộng vi phạm hiệp định bao nhiêu lần, đã đón nhận bao nhiêu tù binh, giành dân lấn đất ở đâu v.v., Ông thường tự hỏi chẳng lẽ mang danh chiến sĩ mà cứ loanh quanh trong căn phòng hơn 20 mét vuông với đôi nạng hay sao?.... Thoắt đã gần 3 tháng, còn 2 tuần nữa là tới ngày tháo bột. Những bằng hữu, chiến hữu lui tới thăm hỏi cũng thưa dần. Trong khi ấy, sau trận chiến An Lộc, Sư Ðoàn 5 BB cần được bổ sung và chỉnh đốn về mọi mặt, từ quân số đến trang thiết bị. Ðại Tá Trần Quốc Lịch, đã được thăng cấp Chuẩn Tướng. Bộ Tham Mưu/SÐ gồm Ðại Tá Tham Mưu Trưởng Ð., Trưởng Phòng 1 H., Trưởng Phòng Tổng Quản Trị T.H., Trưởng Phòng 4, Tiểu Ðoàn Tiếp Vận, Trung Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn v.v. cộng với các Trung Ðoàn Trưởng mới … tập họp thành một "…" (không biết dùng từ nào cho thích hợp), làm Sư Ðoàn "tuột dốc" thê thảm. Nạn bè phái, chạy chọt chức vụ, cấp bậc, lo lót về đơn vị yểm trợ, lính ma, lính kiểng, ăn chơi, trụy lạc v.v. khiến Trung Ương không thể dung dưỡng được lâu. Và kết quả, Chuẩn Tướng Lịch bị cách chức Tư Lệnh, giáng cấp, chờ ngày ra toà (dịp này, Chuẩn Tướng Lê Văn Tư/SÐ25BB cũng bị cách chức và giáng cấp). Vào một ngày đầu tháng 11-1973, Ðại Tá Vỹ nhận lệnh về đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 BB với trọng trách chấn chỉnh, thanh lọc và lấy lại uy danh ngày xưa. Thời gian này, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã thay Tướng Nguyễn Văn Minh làm Tư Lệnh Quân Ðoàn III và Quân Khu III. Lệnh trên đã ban ra, buộc Ðại Tá Vỹ phải yêu cầu các quân y sĩ tháo băng bột ở chân sớm hơn dự dịnh một tuần và ngày 7 tháng 11-1973, lễ bàn giao diễn ra tại Bộ Tư Lệnh/SÐ ở Căn Cứ Lai Khê. Trở lại chiến trường miền Ðông lần này, lại nhận một trọng trách lớn, Ðai Tá Vỹ bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh, sắp xếp các sĩ quan ở Trung Ðoàn và Bộ Tham Mưu. Ông rất hài lòng với ba Trung Ðoàn Trưởng: Trung Tá Quế, từ đơn vị Biệt Cách Nhảy Dù chỉ huy Trung Ðoàn 9; Trung Tá Hùng, thụ huấn tại Trường Chỉ Huy Tham Mưu, về chỉ huy Trung Ðoàn 8; và Trung Tá Vượng, Trung Đoàn 7. Trường hợp Trung Tá Vượng tưởng cũng nên mở dấu ngoặc để nói thêm: Ông từ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, về Sư Ðoàn 5 làm ... sĩ quan Thanh Tra! Ðại Tá Vỹ, không muốn phí phạm nhân lực và muốn tạo cơ hội tốt cho Trung Tá Vượng, nên đã trao Trung Ðoàn 7 cho Ông. Ðối với Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn, trải qua những kinh nghiệm chiến trường và những phúc trình đầy đủ, Ðại Tá Vỹ muốn có một phụ tá biết xử dụng khả năng, sức mạnh của thiết giáp, kỵ binh nên Ðại Tá Thoàn thuộc binh chủng Thiết Giáp đã về làm Tư Lệnh Phó/SÐ, và Trung Tá Ð.Ð.Chinh, một Sĩ Quan Tham Mưu nhiều năm kinh nghiệm thay Ðại Tá Ðăng trong chức vụ Tham Mưu Trưởng. Dĩ nhiên phần lớn các trưởng phòng thuộc Bộ Tham Mưu/SÐ cũng lần lượt ra đi. Thế là SÐ5BB bây giờ đã mang một bộ mặt mới và quân sĩ đã có niềm tin mới vào các cấp chỉ huy. Con đường trước mặt là phải ngăn chặn và giáng trả những vi phạm, phải giành lại những nơi mà địch lấn chiếm sau hiệp định tháng 1-1973, tới nay còn đóng "chốt" và cố thủ. Ngoài ra, việc phòng thủ các vị trí đóng quân cũng là mối quan tâm lớn của vị tân Tư Lệnh. Bài học đắt giá từ chiến trường An Lộc khiến các đơn vị đã tích cực hơn nhiều trong việc thiết lập hệ thống phòng thủ. Ngoài việc đào giao thông hào quanh đơn vị, lập hầm trú ẩn an toàn cho binh sĩ, mỗi đơn vị bắt buộc phải đào một giếng nước v.v. Riêng vòng đai phòng thủ căn cứ, ngoài hệ thống mìn bẫy dĩ nhiên phải có, Ðại Tá Vỹ đặc biệt giao cho Tiểu Ðoàn 5 Công Binh sản xuất thực nhiều chông nhỏ rải xung quanh các pháo đài quanh căn cứ. Loại chông này, lấy vật liệu từ kẽm gai, có hình dáng như 4 cái đinh, mỗi đinh dài khoảng 3cm, mũ của đinh tụ lại ở giữa, bốn đầu nhọn của đinh có ngạnh giống lưỡi câu, hướng ra ngoài. Khi chông rải ra, lúc nào cũng có một mũi nhọn hướng lên trời để chờ đợi những bàn chân "đi giải phóng". Ðại Tá Vỹ muốn tạo niềm tin cho các quân sĩ, tin vào khả năng tác chiến, tin vào vũ khí và hỏa lực, tin vào hệ thống phòng thủ vững chắc và nhất là tin vào tinh thần quyết chiến của cấp chỉ huy cùng đồng đội, thì cho dù tiền pháo hậu xung, cho dù biển người, cho dù xe tăng T54, T56 v.v. cũng không làm sờn lòng chiến sĩ SÐ5. Tuy rất bận rộn với công vụ, Ðại Tá Vỹ thường dành vài giờ mỗi tháng để nhắn nhủ hoặc tâm tình cùng quân sĩ tại võ đường của SÐ. Ðặc biệt, rút kinh nghiệm chiến trường An Lộc, Ông đã chỉ thị Trung Ðoàn 8 cho tác xạ biểu diễn hoả tiễn TOW (được trang bị từ cuối năm 1972), một loại hoả tiễn tối tân có thể điều khiển tìm mục tiêu, để quân sĩ trú phòng vững tin hơn. Thời gian này, Sư Ðoàn lại được bổ sung hai Sĩ Quan nhiều kinh nghiệm tham mưu và chiến trận: Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường và Ðại Tá Từ Vấn. Ðại Tá Tường xuất thân binh chủng Nhảy Dù, trước khi về SÐ là Tiểu Khu Phó TK/Bình Ðịnh; Ðại Tá Vấn nguyên là Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân. Về an ninh diện địa, trong vùng trách nhiệm của SÐ5BB, Việt Cộng vi phạm Hiệp Ðịnh ngừng bắn nhiều lần, nhưng chỉ lẻ tẻ và ở mức độ thấp. Ðơn vị tác chiến của SÐ đã trực tiếp giáng trả hoặc hỗ trợ các đơn vị Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân giành lại thôn, ấp xa xôi do địch tạm chiếm. Tuy nhiên vào khoảng gần cuối năm 1974, cách quận lỵ Bến Cát hơn 10km về phía tây nam, đồn Rạch Bắp bị địch tràn ngập. Ðây là một trọng điểm kiểm soát hành lang di chuyển của địch. Lực lượng đồn trú bị tổn thất nhẹ và đã rút ra ngoài an toàn. Bộ Tư Lệnh chỉ thị Trung Ðoàn 9 phải đưa một đơn vị hành quân giải tỏa. Ðịch đã rút lui về vùng Tam Giác Sắt chỉ để lại chừng một trung đội cố thủ tại đây. Trải qua mấy ngày đầu, lực lượng tái chiếm vẫn dậm chân tại chỗ. Ðịch núp dưới giao thông địa đạo tránh bom và pháo. Khi ta xung phong lại gặp hỏa lực dữ dội của địch. Cho nên đơn vị của TrÐ 9 đến giải tỏa, thay đổi chiến thuật. Trong khi cả tiểu đoàn vây hãm vòng ngoài, có những toán nhỏ với vũ khí nhẹ và lựu đạn, xâm nhập và tiêu diệt từng ổ kháng cự. Thế là cũng với quân số tương đương, ta chiếm lại được Rạch Bắp. Niềm vui chiến thắng kéo dài tới ngày Quốc Khánh 1-11-1974, ngày Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ được vinh thăng Chuẩn Tướng. Một số các quân nhân khác cũng được tưởng thưởng và thăng cấp trong dịp lễ kỷ niệm này. Ðặc biệt sắc lệnh thăng thưởng cấp Tướng chỉ có hai vị: H.V.Lạc lên Chuẩn Tướng thực thụ, và Lê Nguyên Vỹ nhiệm chức. Khoảng trung tuần tháng 12-1974, từ phía đông bắc căn cứ Lai Khê, tin dữ đưa về: Việt Cộng tấn công một số chi khu của tỉnh Phước Long như Ðôn Luân, Ðức Phong và đang uy hiếp tỉnh lỵ. Mọi liên lạc tiếp viện, yểm trợ không thể dùng đường bộ, chỉ hoàn toàn trông vào không lực VNCH. Trong khi phi trường Biên Hòa, phi trường Phước Long, và BTL/SÐ5 bị pháo liên tục thì Sư đoàn 7 của địch, có tăng và pháo yểm trợ mỗi ngày một xiết chặt vòng vây quanh Phước Long. Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III đã không vận tăng cường đến Phước Long lực lượng Biệt Cách Dù, một tiểu đoàn bộ binh và 3 đại đội trinh sát. Ngoài ra rất nhiều phi tuần đánh bom quanh tỉnh lỵ. Nhưng vì đánh giặc theo kiểu "con nhà nghèo", bắn một viên đạn, thả một trái bom đều phải tính thành tiền, vả lại làm gì còn B52 trải bom thảm theo yêu cầu nữa, lại không còn một lực lượng Tổng Trừ Bị nào tăng phái cho Quân Ðoàn, vì thế Phước Long chỉ cầm cự được thêm ít lâu và thất thủ vào ngày 6-1-1974. Ðây là tỉnh lỵ đầu tiên của VNCH bị địch lấn chiếm trong chiến dịch "tầm ăn dâu" hay là "giành dân lấn đất". Không biết do áp lực nào, Tổng Thống Thiệu đưa Tướng Dư Quốc Ðống về thay Tướng Thuần. Hình như Tướng Ðống cũng lập kế hoạch giải tỏa và cần tăng viện một sư đoàn, nhưng không được đáp ứng vì không đủ quân, nên có ý xin từ chức. Rồi vài tháng sau, Tướng Nguyễn Văn Toàn thay Tướng Ðống. Tướng Thuần, Ðống hoặc Toàn làm tư lệnh, Phước Long vẫn nằm trong tay Việt Cộng và hình như Phủ Tổng Thống hay Bộ Tổng Tham Mưu đã quay mặt với lý do nơi đây không phải là vị trí chiến lược quan trọng. Chỉ trong vòng 3 tháng mà hai lần thay Tư Lệnh quân đoàn bảo vệ Saigon. Rồi lại một tin không vui từ Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III truyền đi: Tướng Hiếu đã tử nạn!!! Nghe tin này, người ta thực hoang mang và xúc động. Trong khi đó, sau khi chiếm được Phước Long, Việt Cộng tảng lờ những chống đối, lên án, tại Ủy ban kiểm soát đình chiến, tại Ban liên hợp quân sự v.v. cứ khăng khăng "chỉ đánh trả lại những vi phạm Hiệp định Paris" của VNCH. Quan trọng hơn hết, Hoa Kỳ không có phản ứng, hoặc phản ứng lấy lệ. Dĩ nhiên, đối với Hoa Kỳ, chiến tranh VN đã là dĩ vãng. Kể từ năm 1967, họ đã từng bước lập kế hoạch, nào là thư từ qua lại, nào là đi đêm, hoạt động con thoi, nào là qua trung gian các cường quốc rồi chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, rồi leo thang, rồi ném bom Hà Nội v.v. Cuối cùng, gần 6 năm sau, đúng nửa đêm ngày 27 rạng 28-1-1973 giờ quốc tế, có một bản văn được ký kết tại Hội nghị Paris với tên gọi "Hiệp Ðịnh về Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam" theo nhu cầu và quyền lợi của quốc gia Hoa Kỳ. Hơn 60,000 lính tác chiến Mỹ còn lại đã triệt thoái. Hầu hết tù binh Mỹ được phóng thích, kể cả Ðại tá Không quân John McCain – đương kim ứng cử viên Tổng thống Mỹ – sau hơn 5 năm đủ mùi vị đầy đọa, hạ nhục tại Hỏa Lò Hà Nội. Dù chẳng phải không tiên liệu được tham tâm nhất thống miền Nam của Lê Duẩn và Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, nhưng TT Nixon và Ngoại trưởng Kissinger không có một lựa chọn nào khác, đành vui hưởng cái gọi là "hòa bình trong danh dự" [peace with honor] từ mùa Xuân 1973. (Không biết đây có phải là Mỹ đã "thua" và phải "tháo chạy" như có người đã nhận xét?). Tại Bộ Tư Lệnh SÐ5BB, đầu năm 1975, Ðại Tá Từ Vấn giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng thay Ðại Tá Chinh xin thuyên chuyển về trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Ðại Tá Nguyễn Mạnh Tường, theo trên cho biết, có liên hệ đến vụ đảo chánh 11-11-1960, nên không được chấp thuận chức vụ Tham Mưu Trưởng. Tướng Vỹ chỉ định Ông làm Phụ Tá Hành Quân. Nhìn chung Quân đội VNCH giai đoạn này, đã ở thế thủ. Viện trợ quân sự bị cắt giảm nhiều, không đủ lực mở những cuộc hành quân quy mô, có tăng, có pháo và phi cơ yểm trợ đầy đủ như trước. Tướng Vỹ cho biết, trong tình hình xấu nhất, Ông có thể cầm cự 6 tháng không cần tiếp tế. Nhưng Hà Nội bắt đầu phát động chiến dịch Xuân-Hè 1975, với hy vọng làm ăn ở miền Tây nguyên. Ba sư đoàn Bắc quân, được tăng pháo và đặc công yểm trợ, tấn công và chiếm được thị xã Ban Mê Thuột, nơi đặt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 BB vào thượng tuần tháng 3-1975. Tư lệnh Quân đoàn II và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị bất ngờ. Giữa lúc các lực lượng cơ hữu của QĐ II đang lo tái chiếm Ban Mê Thuột, TT Thiệu triệu tập một phiên họp mật với Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên và Trung Tướng Ðặng Văn Quang tại hành lang Dinh Ðộc Lập, tiết lộ đã quyết định triệt thoái khỏi Pleiku và Vùng I chiến thuật, rút về lập tuyến phòng thủ Phan Rang - Ban Mê Thuột. Lý do chính là phái đoàn Nghị sĩ mới từ Mỹ về cho biết viện trợ tài khóa 1975-1976 lại bị cắt giảm. TT Thiệu đành phải thực hiện chiến lược "đầu bé, đít to" – cắt nhỏ dần lãnh thổ kiểm soát, cốt sao giữ được Vùng III và Vùng IV. Quyết định này được thông báo cho Tướng Trưởng ngày 12-3-1975: Hoàn trả Nhảy Dù về Sài Gòn; nếu cần, triệt thoái Huế, về giữ Ðà Nẵng. Hai ngày sau, TT Thiệu cùng các Tướng Khiêm, Viên và Quang bay ra Cam Ranh, họp mật với Tướng Phạm Văn Phú, và cho lệnh triệt thoái Kontum - Pleiku. Tướng Phú đề nghị cho hành quân cấp Quân Đoàn dài theo Quốc lộ 7-B – từ ngã ba Thuần Mẫn trên lộ 14, xuống Cheo Reo (Phú Bổn), Củng Sơn, rồi Tuy Hòa. Vì lý do "bảo mật", ngay ngày 16-3, toàn bộ lực lượng QÐ II bắt đầu rút khỏi Pleiku. Các lực lượng Cảnh sát, Ðịa Phương Quân và Nghĩa quân đều bị bỏ lại. Ngay trong đêm 16-3, hỗn lọan đã bùng nổ ở Pleiku, khi Sư Đoàn 6 Không Quân di tản gia đình và thân nhân. Hàng chục ngàn dân chúng Pleiku thu góp tài sản đổ về đường 7-B. Văn Tiến Dũng, dù bất ngờ, cũng sai quân đuổi theo truy kích. Ðoàn di tản bị kẹt đọng lại ở Cheo Reo, và rồi Củng Sơn. Quốc lộ 7-B trở thành địa ngục trần gian cho những quân nhân QÐ II di tản. Toàn bộ xe tăng, thiết giáp và pháo bị lọt vào tay CSBV. Chưa đầy 5000 người di tản tìm được về Tuy Hòa. Tư lệnh lực lượng bảo vệ, Chuẩn Tướng Tất, bị bắt sống. Trực thăng cứu thoát được Chuẩn Tướng Cẩm, Tư lệnh phó QĐ II, về Tuy Hòa, nhưng sau này vẫn lọt vào tay CS. Lý do TT Thiệu ra lệnh triệt thoái, tới nay vẫn còn là dấu hỏi lớn, vì đã mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của miền Nam Việt Nam. Người ta nghĩ rằng trước khi trở thành Tổng Thống, Ông đã là một Trung Tướng, đã là Bộ Trưởng Quốc Phòng, vậy thì đằng sau quyết định đó, có ẩn ý gì? ... Chỉ chắc một điều là quyết định này không do Mỹ chỉ thị để có thể "tháo chạy". Ðại tướng Khiêm và Trung tướng Quang đã khiến các nhân viên Mỹ cực kỳ bực dọc vì không thông báo cho Mỹ biết việc này, khiến các nhân viên Mỹ ở vùng II và Vùng I thất điên bát đảo. Hạ tuần tháng 3-1975, sau khi cuộc triệt thoái cao nguyên trở thành thảm bại, TT Thiệu cho lệnh Tướng Trưởng bỏ ngỏ các tỉnh Quân khu I, rút về tử thủ Ðà Nẵng. Nhưng ngày 29-3, Ðà Nẵng bị bỏ ngỏ. Các tỉnh duyên hải miền Trung cũng lần lượt sụp đổ như lâu đài trên bãi cát. Ngay đến Phan Rang, quê hương của TT Thiệu, cũng di tản từ ngày 2-4-1975. Lữ Ðoàn 3 Dù đang trên tàu về Sài Gòn, được lệnh đổ bộ xuống Nha Trang, rồi từ đây kéo lên Khánh Dương, chốt chặn mức tiến của SÐ 10 CSBV. Một Lữ đoàn Dù khác, cùng tàn quân SÐ 2 BB và SÐ 6 KQ, được điều ra Phan Rang lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Ðoàn III. Nhưng chốt phòng thủ chiến lược này bị cánh quân miền Ðông của Lê Trọng Tấn, với quân số hơn 1 quân đoàn, diệt gọn trong hai ngày 16/17-4-1975. Ngày 18-4-1975, Long Khánh bỏ ngỏ. Tướng Toàn phải di tản Không quân xuống Cần Thơ. Mặc dù hai Sư Đoàn 25 BB và 5 BB còn trấn giữ phía Tây Bắc và Bắc Sài Gòn, tình thế đã tuyệt vọng. Bắc quân lên tới hơn 3 quân đoàn, với tăng, pháo hợp đồng. Tối 21-4-1975, TT Thiệu bàn giao cho Phó TT Trần Văn Hương, để "trở lại chiến đấu bên các chiến hữu". Nhưng bốn ngày sau, hai ông Thiệu, Khiêm bí mật rời Sài Gòn bằng phi cơ Mỹ. TT Hương cũng chỉ ở Dinh Ðộc Lập được một tuần lễ, rồi ủy quyền cho Quốc Hội. Chiều ngày Thứ Hai, 28-4-1975, Ðại Tướng Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống – với hy vọng đạt một giải pháp màu hồng với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. Ðiều Tướng Minh và nhiều chuyên gia ngoại quốc không biết là vai trò MTDT/GPMN đã hầu như chấm dứt. Lê Duẩn – người không ngừng cổ võ "cách mạng là tấn công" – cho lệnh phải giải quyết càng sớm càng tốt, nếu có thể trước năm 1976 như dự định. Tướng Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu không chọn đường tử thủ. Sáng ngày 29-4-1975, Thủ Tướng Mẫu chính thức yêu cầu người Mỹ rút khỏi VN, đóng cửa văn phòng tùy viên quân sự (DAO) – một bước ngoại giao có tính toán giúp Mỹ rảnh tay ra đi. Cũng ngày 29-4-1975 này, Tướng Toàn và Bộ Tư Lệnh QÐ III từ Biên Hòa di chuyển về Gò Vấp, 5km bắc Thủ đô Sài Gòn. Riêng Sư Ðoàn 5, lực lượng vẫn bảo toàn nguyên vẹn. Theo Tướng Vỹ, có thể địch tránh không muốn đụng SÐ5, nên chúng pháo cầm chân và tiến quân về Sàigòn theo hai hướng đông và tây của Lai Khê, đồng thời đặt các nút chặn phía nam của Lai Khê, Bình Dương. Sư Ðoàn 5 cũng được lệnh chuẩn bị di chuyển về phía nam để tái phối trí. Sáng 30 tháng 4-1975, sau buổi họp Tham Mưu thường lệ chừng một tiếng đồng hồ, người ta bàng hoàng nghe tin TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Ông còn nhân danh Tổng Tư Lệnh Quân Ðội ra lệnh cho quân nhân các cấp buông súng, chờ bàn giao! Ðúng là sét đánh ngang tai! Tướng Vỹ lúc đó ưu tư nhiều, vẻ mặt trầm lặng, khác với bản tánh thường ngày. Ông tâm sự với một số sĩ quan tham mưu thu hẹp bên cạnh, với nét mặt bình thản khác thường: "Lệnh trên đã ban ra, phải thi hành. Hơn nữa, con em người ta giao cho mình, không lẽ đem nướng vào giờ thứ 25 sao? Ðối với các anh em thì tùy ý quyết định". Xong Ông đi về phía trailer [phòng lưu động của quân đội] dùng làm phòng ngủ riêng cho Tư Lệnh. Ít phút sau, hai tiếng nổ khô khan vọng ra. Mọi người hốt hoảng chạy tới. Tướng Vỹ đã dùng khẩu súng ngắn của Ông để tự sát. Vết đạn xuyên từ phía dưới cằm lên đầu. Các Sĩ Quan hiện diện kính cẩn nghiêng mình, không cầm được nước mắt. Lúc ấy là 12 giờ rưỡi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong khi mọi người vội vã đưa thi hài Tướng Vỹ an táng tạm trong vòng đai căn cứ thì phía ngoài hàng rào, Việt Cộng dùng loa phóng thanh, âm lượng thật lớn kêu gọi mọi người bên trong đầu hàng. Khoảng 3 giờ chiều, Bộ Tham Mưu và các đơn vị mới tự động rời khỏi căn cứ, không có súng nổ. Nhưng mới qua khỏi quận lỵ Bến Cát, bị địch chận lại, tịch thu tất cả vũ khí, quân trang dụng. Hạ sĩ quan trở xuống cho tự túc về điạ phương, sĩ quan giữ lại, phân theo cấp bậc để đưa đi tù. Trang quân sử về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh chấm dứt ở thời điểm này. * * * Từ lâu, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, rồi sau những năm tháng bị Việt Cộng giam cầm, hành hạ, tôi đã có ý định ghi lại vài kỷ niệm về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và Tướng Lê Nguyên Vỹ. Ðã gần 33 năm trôi qua, tôi chưa thực hiện được ý nguyện này. Khi còn ở trong nước cũng như kể từ khi định cư tại Mỹ mười mấy năm trước, biết bao nhiêu câu hỏi của bằng hữu, của đồng đội, của người thân xoáy sâu mãi trong tâm trí tôi. Ai cũng yêu cầu tôi nói đôi điều về Tướng Vỹ. Tôi biết ở đâu đó, rải rác một vài dòng trên báo chí, hay vài phút trong một chương trình phát thanh tiếng Việt, không đủ thỏa mãn người đọc, người nghe. Lại nữa, tôi là một sĩ quan của Sư Ðoàn 5BB, suốt 10 năm rưỡi trong quân ngũ, 2 năm dành cho quân trường và một đơn vị ngoài SÐ, 8 năm rưỡi còn lại dành cho Sư Ðoàn 5 và tôi đã khoác quân phục mang phù hiệu SÐ5 tới ngày cuối cùng. Ai mà không hãnh diện khi có dịp nhắc đến đơn vị của mình, lại còn hãnh diện hơn nữa khi nhắc đến cấp chỉ huy đơn vị đã anh dũng, can đảm tuẫn tiết, quyết không chấp nhận đầu hàng địch. Ngày nào chưa ghi được đôi dòng, dù là không đầy đủ lắm về Tướng Lê Nguyên Vỹ, tôi còn rất áy náy, như gánh nặng chưa trút xuống được và thấy mình mắc một món nợ chưa kịp trả. Món nợ ấy là niềm hãnh diện mà Tướng Vỹ đem lại cho SÐ5 BB nói riêng và Quân lực VNCH nói chung. Tướng Vỹ là người lính chiến đấu ngoài mặt trận với đầy đủ cái OAI cái DŨNG của nhà Tướng. Tôi cũng muốn nhắc nhở một sự thực mà người ta muốn chối bỏ là Miền Nam có nhiều dũng tướng, thành mất, Tướng phải chết theo thành, như Tướng Lê Nguyên Vỹ đã làm. 30 tháng 4-1975, ngày tang lớn. Những bàng hoàng, xúc động sau 33 năm, nay đã lắng dịu phần nào. Cuộc sống nơi xứ người và tuổi 70 khiến tâm trí tôi bình thản hơn. Ðôi dòng đơn sơ trên là những sự thực về Tướng Vỹ mà tôi biết, dĩ nhiên chưa phải là tất cả. Dẫu sao, đây là những dòng tâm thành, thay nén nhang dâng lên tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lê Nguyên Vỹ nhân ngày giỗ thứ 33 của người. Triệu Vũ, Tháng 4-2008.
|
|
|
Post by Can Tho on Jul 11, 2009 16:18:14 GMT 9
TRẬN ẤP BẮC
tác giả: cựu Đại tá Hà Mai Việt
Trích trong cuốn " THÉP và MÁU, Thiết-Giáp trong chiến-tranh Việt-Nam "
DẪN-NHẬP
Vào đầu tháng giêng năm 1963, tại Ấp Bắc, một làng nhỏ hẻo-lánh, dân cư thưa-thớt, với nhiều kinh rạch chằng-chịt, thuộc tỉnh định-Tường, cách Sài-Gòn khoảng 40 dặm về phía Tây-Nam, đã xảy ra một cuộc giao-chiến dữ dội giữa quân đội Việt-Nam Cộng-Hòa (VNCH) và Việt-Cộng (VC) mà địa-hình, địa-vật tại nơi này đã giúp địch-quân có nhiều ưu-thế trong việc phòng-thủ. Nơi đây cũng là ngoại-vi tiếp-cận của khu-vực mà Cộng-Sản gọi là mật-khu Ba-Bèọ
Trong thời điểm này, chi đoàn 5/1 thiết-vận-xa M113 (1) do tôi (đại-úy Hà-Mai-Việt) chỉ-huy, đang hành-quân tại Đồng-Xoài thuộc Vùng 3 Chiến-thuật thì vào lúc nửa đêm ngày 2-1-1963 được lệnh khẩn di-chuyển về Ấp Bắc để tăng-cường cho lực-lượng hành-quân đang bị địch-quân áp-lực nặng. Chi đoàn 5/1 được đặt dưới quyền điều động của đại-tá tư-lệnh sư đoàn 7 Bộ-binh kể từ ngày 3-1-1963 (2).
Nhân dịp này, chúng tôi nhận thấy, theo binh-thuyết, kế-hoạch hành-quân tiên khởi của trận Ấp Bắc khả-thi, nhưng trên thực-tế lại có những khuyết điểm mà các đơn-vi.-trưởng thường gặp như địch-tình không xác-thực, không có ưu-tiên không-yểm. Điểm sai trái nhất là không thống-nhất chỉ-huy (3), nếu không muốn nói là việc điều-quân khá phức-tạp. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận thấy trận Ấp Bắc chỉ là một biến-cố quân-sự thông-thường, mặc dầu đây là lần đầu-tiên toàn-bộ một tiểu đoàn Bộ-binh được trực-thăng-vận đến điểm tập-trung (4). Sau nữa, chúng tôi không thấy có điều gì quan-hệ đến mức độ giới truyền-thông Hoa-Kỳ phải đem ra mổ xẻ để lươ.ng-giá chiến-tranh Việt-Nam.
Sau đây là những nét chính về cuộc hành-quân nàỵ
TÌNH-HÌNH CHUNG
Theo tin-tức tình-báo thì tại Ấp Tân-Thới, ở về phía Tây-Bắc Ấp Bắc khoảng một cây-số rưỡi, VC thiết-lập một đài truyền-tin vào cuối năm 1962. Cũng theo tin tình-báo thì địch có một đơn-vị cấp đại đội tăng-cường, quân-số khoảng hơn 100 người, bảo-vệ đài nàỵ Nhưng sau này người ta được biết, trên thực-tế thì địch đông gấp ba dự đoán. Tại Ấp Bắc có sự hiệnđiện của các tiểu đoàn 514 chủ-lực Tỉnh Mỹ-Tho, tiểu đoàn 263 chủ-lực Miền và dân-quân du-kích địa-phương. Quân-số của VC ước-lượng khoảng từ 350 đến 400 người (5).
Ngày 29-12, Bộ Tổng-tham-mưu Quân đội VNCH chỉ-thị cho Bộ Tư-lệnh Sư đoàn 7 Bộ-binh (BB) tổ-chức hành-quân tiêud diệt địch và triệt hạ đài truyền-tin nói trên (6). Cơ-sở này nằm giữa vùng đồng lầy ngập nước, có nhiều kinh rạch quanh-co, đáy sâu, đầy bùn, là những chướng-ngại-vật đáng kể cho thiết-quân-vận M113 (TQV M113) và cho ngay cả bộ-binh khi phải vượt quạ Trong khu-vực mục-tiêu, nhà cửa thưa-thớt. Dọc theo Cống Lương, hai bên bờ có nhiều cây tràm và cỏ dại rậm-rạp, địch có thể đào hầm-hố để phục-kích hay phòng-ngự.
Được lệnh của bộ Tổng-tham-mưu, đại-tá Bùi đình đạm, tư-lệnh sư đoàn 7 BB, cho mở cuộc hành-quân Đức-Thắng 1, khaid diễn ngày 2-1-1963, với ý định bao vây, triệt-hạ cơ-sở và tiêu điệt địch trong vùng Tân-Thới và Ấp Bắc (7). Theo kế-hoạch của bộ tư-lệnh sư đoàn 7 BB thì một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 11 BB cơ-hữu được trực-thăng-vận đến bãi đáp nằm về phía Bắc khu-vực hành-quân để tiến vào Ấp Tân-Thớị Đồng-thời, một thành-phần khác gồm 2 tiểu đoàn Bảo-An (8) thuộc tiểu-khu định-Tường, tiến từ phía Nam khu-vực hành-quân lên Ấp Bắc. Đại đội 7 Cơ-giới M113 (9), nguyên thống thuộc sư đoàn 7 BB, do đại-úy Lý-Tòng-Bá chỉ-huy, được tăng-phái cho tiểu-khu ịnh-Tường. Đại đội này từ Mỹ-Tho di-chuyển đến quận-ly. Cai-Lậy, rồi băng đồng tiến về hướng Đông-Bắc, nhắm vào Ấp Bắc. Ngoài các đơn-vị nói trên, sư đoàn 7 BB còn có 3 đại đội Bộ-binh và Biệt động-quân làm trừ-bị . Tổng-kết quân-số thuộc khu chiến-thuật Tiền-Giang tham-chiến lên đến gần hai ngàn ngườị Tương-quan lực-lượng: 4/1.
Nói về khả-năng tác-chiến và thành-quả của Đại đội 7 Cơ-giới (CG) do đại-úy Lý-Tòng-Bá chỉ-huy, người ta phải kể đến cuộc hành-quân trước đó hơn hai tháng: Ngày 25-9-1962, tại vùng ranh-giới Mỹ-Tho và Sadec, nhờ yếu-tố lưu động và bất-ngờ của TQV M113 lội nước, đại đội 7 Cơ-giới với 9 TQV M113 đã hạ được 150 VC, bắt sống 38 tù-binh thuộc tiểu đoàn 502 chủ-lực tỉnh Kiến-Phong, tịch-thu 27 vũ-khí đủ loại, trong đó có 1 đại-liên 30 và 2 trung-liên. Về phía đại đội CG chỉ có thượng-sĩ Ninh tử-thương và 1 binh-sĩ bị thương. Đây là lần đầu tiên tiểu đoàn 502 đụng đại đội 7 CG trong vùng Đồng-Tháp nên đối-phương đã bị thiệt-hại nặng và phải chém-vè thoát chạy ngay từ lúc đầu (10).
Ngoài ra, kể từ ngày đại đội 7 CG xuất-quân vào tháng 4 năm 1962 cho đến trước ngày đụng độ tại Ấp Bắc, đại đội này luôn-luôn giữ thế chủ động, đem lại nhiều chiến-thắng vẻ-vang khiến Cộng-quân thường tìm cách tránh né, không dám đụng độ. Kể từ sau trận Ấp-Bắc 1-1963 đến cuối năm 1964, trước khi được sáp-nhập vào Thiết đoàn 6 Ky.-Binh, đại đội 7 CG vẫn giữ vững vai-trò chủ động trên chiến-trường Đồng Tháp. Bằng vào những thành-tích của đại đội 7 CG trong năm 1962, bộ Chỉ-huy Thiết-giáp-binh đã khẩn súc-tiến việc thành-lập 4 chi đoàn Thiết-kỵ M113 đầu tiên cho các Trung đoàn Thiết-giáp. Nhưng những thành-tích nói trên lại không được giới truyền-thông Hoa-Kỳ ghi nhận.
Trong lúc sư đoàn 7 BB mở cuộc hành-quân Ấp Bắc vào sáng ngày 2-1-1963, thì tại tiểu-khu Tây-Ninh, thuộc Vùng 3 Chiến-thuật, hơn 60 phi-cơ thuộc không-lực Hoa-Kỳ và VNCH gồm 16 oanh-tạc-cơ B-26 và 24 khu-trục-cơ T-28 của HK, 26 khu-trục-cơ AD6 của Không-quân VN cũng có mặt trên bầu trời Tây-Ninh để yểm-trợ cho hơn 1,200 chiến-sĩ Nhảy Dù và một tiểu đoàn bộ-binh được trực-thăng-vận tấn-công vào 9 cơ-sở VC trong Chiến-khu C (11).
Cũng vì lý đo phần lớn trực-thăng bận tham đự hành-quân tại Tây-Ninh nên Sư đoàn 7 BB chỉ được cấp 10 trực-thăng vận-tải CH-21 (12) và 5 trực-thăng võ-trang UH-1 để đổ quân. Nên với số trực-thăng này, tiểu đoàn BB phải thả quân làm hai đợt, thay vì thả toàn-bộ tiểu đoàn trong cùng một lúc để đạt yếu-tố xung-kích và bất-ngờ.
DIỄN-TIẾN CUỘC HÀNH-QUÂN
Tại hướng Bắc mục-tiêu, theo kế-hoạch dự trù, 1 đại đội đầu-tiên của tiểu đoàn BB đã được trực-thăng thả xuống phía Bắc Ấp Tân-Thới vào lúc 07:00 giờ sáng ngày 2-1-1963. Ngay sau khi từ trực-thăng nhảy xuống, đại đội này chạm địch nên phải giữ an-ninh bãi đáp. Lại nữa, vì lý đo sương-mù dày đặc, kế-hoạch đổ quân được đình-hoãn lại khoảng hai tiếng. Vào khoảng gần 10:00 giờ sáng, thành-phần còn lại tiếp-tục nhảy xuống bãi đáp nhưng khi tiểu đoàn BB tiến vào mục-tiêu, các toán tiền-phong đã bị VC đóng chốt tại hướng Bắc và Tây-Bắc Ấp Tân-Thới ngăn chặn và cầm chân tiểu đoàn tại đâỵ
Về phía Nam Ấp Bắc, cũng vào lúc 07:00 giờ sáng, 2 tiểu đoàn Bảo-An Định-Tường lội nước (13) tiến từ phía Nam lên hướng Bắc bằng 2 trục song-hành (14) nhằm chặn địch tháo chạy về hướng nàỵ Trên đường tiến quân, khoảng 07:45 sáng, tiểu đoàn Bảo-An ở cánh Đông bất-thần lọt vào ổ phục-kích của VC tại Tây-Nam Ấp Bắc, thuộc khu Cống Lương. Địch quân ẩn-nấp dưới hố cá-nhân, được bao-phủ bởi những hàng cây và bờ bụi chạy dọc theo hướng Nam và Tây Ấp Bắc, đồng-loạt khai-hỏa khiến đại-úy tiểu đoàn-trưởng Bảo-An cùng 13 quân-nhân khác bị thương, đại đội-trưởng đại đội Bảo-An tiền-phong cùng 7 binh-sĩ tử-thương. Được tin này, thiếu-tá Lâm-Quang-Thơ, tiểu-khu-trưởng tiểu-khu Định-Tường, liền ra lệnh cho cả hai tiểu đoàn Bảo-An dừng lại làm nút chặn, đồng-thời xin bộ tư-lệnh Sư đoàn 7 BB điều động lực-lượng trừ-bị đến tăng-cường.
Trước khi đổ quân tiếp-viện, pháo-binh sư đoàn hỏa-tập tối đa vào 2 mục-tiêu Tân-Thới và Ấp Bắc. Tại giữa làng, trung-tâm của mục-tiêu, khói lửa ngụt trời, nhưng du-kích quân Cộng-Sản đã phân tán mỏng, ẩn-nấp kín đáo dưới những cụm cây ngoài bìa làng hướng về phía đồng ruộng có tầm quan-sát xa . Khoảng sau 10:00 giờ sáng, 10 trực-thăng CH-21 chở đại đội bộ-binh thả xuống bãi đáp cách Ấp Bắc về hướng Tây khoảng hơn 300 thước, ngay trong tầm quan-sát và tác-xạ của địch quân. Vào lúc này, một trực-thăng CH-21 đang chở quân bị trúng đạn, đáp xuống ruộng an-toàn, bộ-binh trên trực-thăng vô-sự. Trong khi ấy, hệ-thống chỉ-huy của VNCH và Hoa-Kỳ (HK) thiếu phối-hợp, không nắm vững tình-hình nên thiếu bình-tĩnh. Ngay sau đó, 1 trực-thăng võ-trang UH-1 xông đến để cấp-cứu, nhưng đã bị bắn hạ. Kế đó là 1 trực-thăng CH-21 bay đến với ý định cứu hai phi-cơ vừa bị rớt, cũng bị bắn rơi (15) . Tính đến trưa, về phía bạn có 5 trực-thăng bị rớt, trong đó có 1 trực thăng buộc phải đáp xuống vì lý do kỹ-thuật (16). Trong suốt cuộc hành-quân, cũng như trong thời-gian đổ-quân xuống vùng Ấp Bắc, đơn-vị hành-quân không có ưu-tiên không-yểm vì mặt-trận Tây-Ninh giữ ưu-tiên. Chính vì vậy mà tại Ấp Bắc, quyền chủ động chiến-trường đã mất, và 14 trong số 15 trực-thăng tham-chiến đã bị trúng đạn từ các vị-trí ẩn-nấp dọc theo bờ kinh bắn lên (17).
Khi được tin chiếc trực-thăng đầu tiên bị rớt, từ trên phi-cơ quan-sát L-19, trung-tá John Paul Vann, cố-vấn-trưởng sư đoàn 7 BB, dùng máy truyền-tin liên-lạc với đại-úy James Scanlon, cố-vấn đại đội 7 Cơ-giới M113, để yêu-cầu đại-úy Scanlon cho đại đội 7 CG tiến ngay vào Ấp Bắc. Nhưng vào lúc này, đại đội 7 còn đang ở hướng Tây, cách xa Ấp-Bắc khoảng gần 2 dặm, chưa vượt qua được Cống Bà Ký. Cống Bà Ký còn có tên là Kinh Lạn. Đây là lần đầu tiên đại đội 7 CG M113 gặp khó-khăn trong việc vượt kinh. Diễn-tiến vừa kể, đã được chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá (18) tường-thuật chi-tiết trong bài "Trận Ấp Bắc Thực-tế và Huyền-thoại" như sau:
Đại đội 7 M113 phải đối điện với con kinh thiên-nhiên mà nông đân địa-phương gọi là "Kinh Lạn" không bờ ác-nghiệt . . . . Nó như là khúc xương khó nuốt của những con trâu sắt M113 mà tôi đang cưỡi .Canh-cánh với trách-nhiệm, lo cho sự an-nguy của phi-hành đoàn, tôi phân-vân chưa biết xử trí ra sao . Có lần tôi đưa ra ý-kiến lên ban Cố-vấn cũng như bộ chỉ-huy hành-quân là nên chỉ-thị cho một cánh quân bạn nào gần đó mở cuộc hành-quân bộ đến nơi chiếc trực-thăng bị rơi, dù chậm nhưng chắc hơn là xử dụng đại đội 7 M113. Lý do là không làm sao chúng tôi biết được việc vượt qua Kinh-Lạn để tiến tới mục-tiêu phải mất bao nhiêu thời-gian. Xa đội chúng tôi thay nhau từng bước mò-mẫm dọc bờ kinh nhưng không lần nào cho xe băng ngang được vì lòng kinh toàn là bùn, không đáy . Vì không hiểu và nhận ra yếu-tố đặc-biệt này mà phía cố-vấn Mỹ đã hiểu-lầm, cho tôi là thiếu tinh-thần trách-nhiệm, không hăng-hái chiến đấu, không muốn đụng độ với địch-quân.
Cuối cùng, vào khoảng 1 giờ trưa, đại đội 7 CG đã vượt qua Kinh Lạn. Trên đường tiến vào mục-tiêu, đại đội 7 CG đã bắt tay được với viên trung-úy BB chỉ-huy cánh quân nhảy xuống Ấp Bắc. Vị sĩ-quan này cùng với binh-sĩ của ông còn đang trú-ẩn trong chiếc trực-thăng bị rớt đầu tiên, trong dịp này ông có phàn-nàn với đại-úy Bá như sau: Ngồi trên trực-thăng, mặc dầu tôi chỉ nghe thấy một vài tiếng súng nổ rời-rạc, bỗng thấy đoàn trực-thăng theo nhau chiếc đáp, chiếc lảo đảo, chiếc rớt, rồi rớt khi họ tiếp-cứu nhau.Tôi cho là vì các phi-công còn vụng-về (19).
Trong lúc 12 thiết-quân-vận M113 của đại đội 7 CG còn đang dò dẫm tiến vào mục-tiêu ở mé làng trước khi mở rộng đội hình hàng ngang, thì quân VC, từ các hầm-hố dưới những cụm cây dọc ven bờ kinh trước mặt, chờ cho xe M113 tiến tới gần, còn cách khoảng từ 15 đến 20 thước, bất-thần nổ súng khiến Chuẩn-úy Nguyễn-Văn-Nho thuộc trung đội 1/7 và Thượng-sĩ Nguyễn-Văn-Hào, trên xe chỉ-huy của đại đội, tử-thương (20). Sáu xạ-thủ đại-liên 50 thuộc các trung đội khác cũng lần-lượt gục ngã vì đại-liên 50 trên M113 không có lá chắn để che chở xạ-thủ mỗi khi tác-xạ (21). Cũng vì vậy mà trong trận Ấp Bắc đại đội 7 CG có 8 tử-thương và 7 bị thương, tổn-thất khoảng 15% quân-số tham-chiến.
Trước tình-trạng nói trên, Thiếu-tướng Huỳnh-Văn-Cao, tư-lệnh quân đoàn IV, bay đến bộ chỉ-huy hành-quân Sư đoàn 7 hội-thảọ Sau đó tướng Cao lên bộ Tổng-tham-mưu để can-thiệp và đề-nghị tăng-phái ngay một đại đội Nhảy Dù nhảy xuống khu-vực đại đội 7 CG đang chiếm giữ vào lúc 1 giờ trưa để giải-quyết chiến-trường trước khi trời tối . Nhưng bộ Tổng-tham-mưu lại tăng-phái tiểu đoàn 8 Nhảy Dù với 2 đại đội và nhẩy xuống Ấp Bắc vào khoảng 06:00 giờ chiều, lúc trời sắp tối . Một số nhảy đúng xuống vùng ấn định, nhưng phải nằm tại chỗ qua đêm, một số bị mắc trên cây trong làng, một số khác bị gió chiều thổi bạt vào giữa vị-trí địch nên đã bị hy-sinh oan-uổng (22).
Theo tướng Bá, là người đã chứng-kiến cảnh những cánh dù lạc hướng nói trên, cho biết: Một giờ trước đó, khoảng 5 giờ chiều, đại đội 7 CG đã đánh tan quân VC và chiếm xong mục-tiêụ Tôi dẫm trên xác quân VC còn bỏ lại, nhìn các chiến-sĩ Dù của ta đang lần-lần đáp xuống cánh đồng ở phía đằng sau đại đội 7 Cơ-Giớị Thật là một hình-ảnh tuyệt đẹp như cảnh trong Ciné và trận Ấp Bắc đã chấm dứt từ trước đó (23).
Lợi dụng màn đêm buông xuống, đồng-thời thừa lúc tiểu đoàn Dù đang đáp xuống phía Tây khu-vực hành-quân, VC tháo-chạy về hướng Đông Ấp Bắc, một cánh đồng hoang và cũng là một lỗ hổng của trận-chiến mà bộ tư-lệnh hành-quân đang bỏ ngỏ. Nhưng đến sáng hôm sau, ngày 3-1-1963, bộ tư-lệnh hành-quân vẫn điều động chi đoàn 5/1 Thiết-vận-xa M113 tăng-phái (24) tiến vào mục-tiêu với nhiệm-vụ tấn-công tiêu diệt địch thay vì khai-thác chiến-quả hay truy-kích. Điều đó chứng tỏ việc địch rút lui vào lúc nửa đêm là một bất-ngờ đối với bộ tư-lệnh hành-quân.
Trong khi trực-thăng lâm-nạn lại thiếu không-trợ, không có một đơn-vị bạn nào ngoài đại đội 7 CG gần chiếc trực-thăng bị rớt để kịp thời tiếp-cứu, trung-tá J.P. Vann sợ trách-nhiệm nên ông đã đổ lỗi cho đại đội 7 CG trì-trễ (25). Riêng đại-úy Scanlon, cố-vấn đại đội 7 CG, không hiểu rõ tình-hình nên không kịp thời báo-cáo trở-ngại địa-thế cho trung-tá Vann. Tệ hại hơn nữa là ngay sau khi đại đội 7 đụng địch, thượng-sĩ Hào tử-thương và ba người khác thuộc xa đội chỉ-huy bi.-thương, còn đang nằm sóng-sượt trên nóc xe hay dưới sàn xe chỉ-huy thì đại-úy cố-vấn Scanlon đã tung cửa sau của M113 chỉ-huy, bỏ chạy về phía sau (26). Mãi đến sáng sớm hôm sau, ngày 3-1-1963, Scanlon mới trở về với đại đội 7 CG, nhưng lúc này đại-úy Bá đã giải-quyết mọi trở-ngại và chiến-trường đã được thanh-toán. Kết-quả là tại mục-tiêu, đại đội 7 CG đã tìm thấy 8 tử-thi nằm rải-rác trên miệng hầm, trong đó có 1 cấp chỉ-huy VC (27).
Tính đến chiều ngày 3-1-1963, thiệt hại về nhân-mạng của các đơn-vị bạn và địch tham-chiến sau cuộc hành-quân hai ngày tại Ấp Bắc được ghi nhận như sau:
- Quân đội VNCH có 66 tử-thương và 109 bị thương (28).
- Về phía Hoa-Kỳ có 3 chết và 6 bị thương.
- Việt-Cộng có 36 bị bắt sống, để lại 18 xác, đem theo khoảng 50 thương-binh và một số tử-thi.
HẬU-QUẢ
Trận Ấp Bắc, trên thực-tế, đã kết-thúc ngay trong ngày đầụ Sang ngày hôm sau, mồng 3-1-1963, các phóng-viên Hoa-Kỳ mới đến vùng hành-quân khai thác tin-tức. Họ không hề hay biết gì hơn về cuộc hành-quân này ngoài những điều mà họ đã khai-thác được qua "báo-cáo sau khi chạm địch" của các cố-vấn Hoa-Kỳ. Nhưng tiếc thay, những báo-cáo này lại được viết trong khi các Cố-vấn còn đang bực-bội về vụ các cấp chỉ-huy VNCH đã bỏ lỡ cơ-hội chiến-thắng. Trong báo-cáo sau cuộc hành-quân, trung-tá John Paul Vann, cố-vấn sư đoàn 7 BB, nhận định như sau (29):
- Quân đội VNCH thiếu kinh-nghiệm tác-chiến, thiếu phối-hợp nên đã để tiểu đoàn 514 VC vượt thoát.
- Đại đội 7 Cơ-giới đã trì-trễ: Trong suốt 3 tiếng rưỡi đồng-hồ, thiết-quân-vận chỉ tiến được 1,500 thước mặc dù địch trang-bị vũ-khí nhe..
Nhận định nói trên của ông Vann, cũng như những báo-cáo tương-tự của các cố-vấn khác đã được giới truyền-thông coi như tài-liệu chính-thức dùng để khai-thác, chỉ-trích đường lối lãnh đạo của Hoa-Kỳ tại Đông Nam-Á và chính-sách mà họ cho là độc tài, sai trái của tổng-thống Ngô đình Diệm (30).
Thiếu-tướng Huỳnh-Văn-Cao, tư-lệnh Vùng 4 Chiến-thuật, thì cho rằng kế-hoạch hành-quân của Sư đoàn 7 BB không thích-ứng với địa-hình địa-vật, không dồn nỗ-lực chính vào mục-tiêu nên thất-bại (31).
Chuyện Ấp Bắc đã được báo-chí Hoa-Kỳ luân-phiên khai-thác, nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, liên-tiếp trong nhiều tháng. Nhưng hầu như chưa bao giờ họ nói đến những khó-khăn, trở ngại trong cuộc hành-quân này như thời-tiết xấu, địa-thế đồng lầy ngập nước, kinh rạch chằng-chịt, . . . Trái lại, các phóng-viên Hoa-Kỳ có mặt tại Sài-Gòn đã biến Ấp Bắc thành một vụ nổ lớn nhằm chỉ-trích chế độ Ngô đình Diệm và đường lối Hoa-Kỳ can đự vào chiến-tranh Việt-Nam. Hay nói khác đi, Ấp Bắc là vũ-khí chính để giới báo-chí truyền-thông khai-hoả.
Tóm lại, vấn đề cơ-quan truyền-thông Hoa-Kỳ cố tình khai-thác trận Ấp Bắc nhằm mục đích chỉ-trích đường lối của Hoa-Kỳ tại Việt-Nam, vì họ cho rằng chính-sách này có thể đưa Hoa-Kỳ đến chỗ phá-sản và hy-sinh thêm nhiều nhân-mạng. Hơn thế nữa, họ còn kịch-liệt chống đối chế độ Ngô đình Diệm vì họ cho rằng tổng-thống Diệm đã áp dụng chính-sách độc-tài, gia đình-trị, nhất là sau khi bà Ngô đình-Nhu tuyên-bố: "Tất cả báo-chí truyền-thông Hoa-Kỳ là Cộng-Sản." (32)
Lúc bấy giờ, báo-chí Hoa-Kỳ phần lớn cho rằng tổn-thất tại Ấp-Bắc là một thất-bại quan-trọng và chê-trách quân đội VNCH. Họ đánh-giá quân đội VNCH còn non kém, không đủ sức đương đầu với quân CSBV. Nhưng trên nguyên-tắc mà nói, không ai có thể nhìn vào kết-quả của một trận chiến nhỏ, cấp trung đoàn, tại một địa-phương hẻo-lánh, trong một hoàn-cảnh địa-thế khó-khăn để khẳng định hay kết luận không tốt về cả một quân đội hay một chính-thể của quốc-gia ấy.
Theo đa-số quan-sát viên chiến-trường thì sự-kiện xảy ra tại Ấp-Bắc là điều không may và đáng tiếc, ngoài ra việc thắng hay bại tại Ấp-Bắc cũng chỉ là chuyện bình-thường. Cũng kể từ sau trận Ấp Bắc, nhiều mâu-thuẫn về vấn đề chỉ-huy và phối-hợp đã xẩy ra giữa các giới-chức Hoa-Kỳ có thẩm-quyền.
Chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá, nguyên đại đội-trưởng đại đội Cơ-giới M113, cho biết: Vì John. P. Vann quá hăng say và quá lo cho số-phận của người Mỹ cũng như số trực-thăng bị tổn-thất nên mất bình-tĩnh để rồi vu-khống cho Quân đội VNCH mà chính tôi là người trong cuộc. Có lần Vann đã xin-lỗi tôi để yêu-cầu tôi bỏ qua cho ông khi gặp lại tôi tại tỉnh Bình Dương vào năm 1968 và Quân đoàn 2 vào năm 1972. Đó là sự thật (33).
Nói về Ấp Bắc, thiếu-tướng Huỳnh-Văn-Cao, là tư-lệnh Quân đoàn 4 trong thời-gian này, đã viết trong tập hồi-ký Một Kiếp Người như sau: Không may, mới ngày đầu năm, dương lịch, Sư đoàn 7 thất trận ở Ấp Bắc. Việc này là do Cộng-Sản nội-tuyến cao-cấp nên Sư đoàn chịu thất trận. Thua một trận nhỏ, mà báo chí sách vở dư luận ở Hoa-Kỳ làm rùm beng to chuyện lắm. Chỉ hư một chiếc M113, rớt một trực-thăng, chết và bị thương vài chục chiến-sĩ, thế mà Cộng-Sản khoác lác tuyên truyền lớn chuyện, xem như là chiến thắng Điện-Biên-Phủ không bằng (34).
Biến-cố Ấp Bắc đã gây một tiếng vang lớn bất lợi cho đệ nhất Cộng-Hòa Việt-Nam. Nó còn là giềng-mối cho báo-chí Hoa-Kỳ tranh-luận về việc quân-lực Hoa-Kỳ tham-chiến tại Việt-Nam và tạo cơ-hội cho Cộng-Sản Bắc-Việt tuyên-truyền.
Trích trong
“ Thép và Máu, Thiết-giáp trong chiến-tranh Việt-Nam “
của cựu đại tá Hà-Mai-Việt
Tài-liệu tham-chiếu và ghi-chú:
(1) Chi đoàn 5/1 Thiết-Vận-Xa M113 là 1 trong 4 chi đoàn thiết-kỵ đầu-tiên, thành-lập vào cuối năm 1962 theo khuôn mẫu của đại đội 7 và 21 Cơ-giới M113, nhưng xa đội là ky.-binh thay vì bộ-binh. Các chi đoàn này, thống-thuộc 4 trung đoàn Thiết-giáp, hành-quân trắc-nghiệm trên mọi địa-thế khác nhau trong 4 Vùng Chiến-thuật.
(2) Trưa ngày 3-1-63, chi đoàn 5/1 tuân-hành lệnh tấn-công vào Ấp Bắc nhưng địch quân đã rút lui từ đêm trước.
(3) Trong bài “Trận Ấp Bắc thực-tế và huyền-thoại” chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá kể lại chuyện khi ông còn là đại-úy đại đội-trưởng đại đội 7 Cơ-giới trong trận Ấp Bắc, từ trên máy bay quan-sát L19, Trung-tá J. P. Vann nói với ông qua máy truyền-tin : Anh Bá ! Nếu anh không cho xe qua kinh thì tôi sẽ nói với đại-tướng Lê-Văn-Tỵ bỏ tù anh. Hệ-thống chỉ-huy hành-quân quả là phức-tạp, không theo hệ-thống, cũng như không còn trật-tự nữạ Có lẽ ông Vann cho rằng mình là Tư-lệnh chiến-trường chứ không phải là Cố-vấn cho tư-lệnh Sư đoàn. Theo quan-sát-viên chiến-trường, trong cuộc hành-quân Ấp Bắc có nhiều thẩm-quyền chỉ-huy hay có ảnh-hưởng đến cuộc hành-quân như thiếu-tướng Huỳnh-Văn-Cao, tư-lệnh quân đoàn IV, đại-tá Daniel B. Porter, Cố-vấn quân đoàn, đại-tá Bùi đình đạm, tư-lệnh sư đoàn 7 BB, trung-tá John Paul Vann, cố-vấn sư đoàn, thiếu-tá Lâm-Quang-Thơ, tỉnh-trưởng kiêm tiểu-khu-trưởng định-tường.
(4) Theo tài-liệu ghi-nhận được thì 5 trực-thăng bị rớt: 1 vì lý do kỹ-thuật, 1 chiếc bị hạ vì lýđo bay vào tầm tác-xạ của VC, 2 chiếc khác bị loại vì lýđo phi-công can đảm hay khinh địch nên đã vội-vã nhảy vào tầm bắn của VC để cũng bị rớt. Theo thông-lệ của quân-lực Hoa-Kỳ trong chiến-tranh Việt-Nam, mỗi khi có một phi-cơ HK bị bắn hạ, dù là trực-thăng hay khu-trục, họ đã dồn tất cả ưu-tiên và phương-tiện vào việc cứu-nạn, bất-chấp lơ.i-hại, dù có phải rớt thêm vài chiếc nữạ Cũng vì vậy mà nhiều cuộc hành-quân của VNCH được HK yểm-trợ gặp trường-hợp nói trên đã bị khựng lại hay bỏ dở để lo cấp-cứu phi-hành đoàn. Tai hại hơn nữa là trực-thăng võ-trang đã được lệnh “chỉ bắn địch khi bị địch bắn trước”. Có lẽ chính vì vậy mà trực-thăng võ-trang đã không thám-sát bằng hỏa-lực để tìm và triệt-hạ các toán phòng-không mai-phục trước khi đổ quân. Kể từ khi bị tổn-thất 5 trực-thăng, Cố-vấn Hoa-Kỳ trở nên lúng-túng để đưa đến thất-bại và sau này giới truyền-thông HK khai-thác, làm lớn chuyện. Người ta cho rằng đây là một cuộc hành-quân trực-thăng-vận qui-mô đầu-tiên trong chiến-tranh VN nên phi-hành đoàn còn thiếu kinh-nghiệm.
(5) Theo tin-tức tình-báo thì quân VC bảo-vệ đài truyền-tin có khoảng hơn 100 người (1 đại đội tăng-cường) thuộc tiểu đoàn 514 chủ-lực. Sự thực thì địch đông gấp ba và đài truyền-tin đã được rời đi nơi khác trước ngày 1-1-1963 nhưng địch vẫn ở lại Ấp Bắc, tổ-chức địa-thế để nghênh-chiến.
ạ) Theo chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá trong bài hồi-ký “Trận Ấp Bắc thực-tế và huyền-thoại”, phổ-biến vào năm 2000, thì địch tung vào mă.t-trận Ấp Bắc tiểu đoàn 514 chủ-lực Mỹ-Tho và tiểu đoàn 263 chủ-lực Miền, chưa kể những thành-phần dân-quân du-kích khác.
b.) Theo đại-tá Harry G. Summers, Jr. trong Historical Atlas of the Vietnam War, Boston, New York, 1995, P. 80 thì trong vùng hành-quân, địch có 350 người thay vì 100 người, kể cả các thành-phần của tiểu đoàn 261 chủ-lực.
c.) Theo tướng Don Ạ Starry trong cuốn Mounted Combat in Vietnam (P. 25) thì vùng mục-tiêu Ấp Bắc được 3 đại đội VC chính-qui trang-bị đại-liên, súng cối 60 ly cùng một số đơn-vị du-kích tại địa-phương tổ-chức tuyến phòng-thủ dọc theo kinh Cống Lương, từ ấp Tân-Thới xuống tận Ấp Bắc.
(6) Trong thời-gian này các Quân đoàn đang được thành-lập nên bộ Tổng-tham-mưu đã ra lệnh thẳng cho Sư đoàn.
(7) Thoạt đầu, bộ tư-lệnh sư đoàn định khaiđiễn hành-quân vào ngày N, 1-1-63, sớm hơn một ngày, nhưng theo đề-nghị của đại-tá tư-lệnh sư đoàn 7 BB, ngày N được hoãn lại 24 giờ. Chính vì việc đình-hoãn này mà nội-tuyến CS đã thông-báo cho đồng bọn kịp thời phản-ứng. Ngay như việc binh-sĩ chuẩn-bị thamđự hành-quân rồi khựng lại, hay các đoàn xe tiếp-tế đạnđược di-chuyển cũng tự tố-giác cho bên ngoài biết sắp có biến động. Do đó, địch-quân có đủ thời-giờ chuẩn-bị trước để chạy hay ở lại kháng-cự.
(8) Bảo-An là một tổ-chức được hơ.p-nhất bởi ba tổ-chức bán quân-sự hình-thành trước năm 1954, đó là các tổ-chức Bảo-Chính đoàn tại Bắc-Việt, Việt-Binh đoàn tại Trung-Việt và Vệ-Binh Nam-Việt. Kể từ năm 1955, tổ-chức Bảo-An được đặt dưới quyền chỉ-huy của Tổng-Giám đốc Bảo-An. Đến năm 1964, tổ-chức Bảo-An được biến-cải thành địa-Phương-Quân, một lực-lượng thiết-yếu trong Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa với 1,100,000 ngườị
(9) Đại đội 7 cơ-giới là một trong hai đơn-vị bộ-binh cơ-giới đầu tiên thành-lập vào tháng 4-1962, thống-thuộc sư đoàn 7 và sư đoàn 21 BB để trắc-nghiệm tác-chiến trong vùng đồng-bằng sông Cửu-Long thuộc Vùng IV chiến-thuật. Mỗi đại đội Cơ-giới có 15 thiết-quân-vận M113 (TQV M113). Hỏa-lực của đại đội trên TQV gồm có 15 khẩu đại-liên 50, 18 khẩu đại-liên 30, 4 súng-cối 60 ly, và 3 súng phóng hỏa-tiễn 3.5. Trong khoảng thời-gian từ 11-6 đến 30-9-1962, hai đại đội 7 và 21 Cơ-giới đã hạ 502 VC và bắt sống 184 tù-binh, trong khi đó thiệt-hại về phía bạn gồm 4 chết và 9 bị thương. (Tham-chiếu Monograph of Armored Combat in Vietnam, 1976, PP. 8-13, của tướng thiết-giáp Donn Ạ Starry).
(10) Bị thất-bại lần này, CS đã ho.c-tập để tìm phương-thức chống lại trực-thăng và thiết-quân-vận M113. Họ nhắm vào những yếu điểm của chiến-cụ mới để khai-thác. Do đó họ đã tìm cách vô-hiệu-hóa hỏa-lực của M113 bằng cách triệt-hạ xạ-thủ đại-liên 50, là vũ-khí mạnh nhất trên TQV M113.
(11) Tại mă.t-trận Tây-Ninh, sau khi không-lực HK và VNCH oanh-kích dữ dội vào vùng mục-tiêu, 1,250 chiến-sĩ Dù đã được thả xuống để tiêuđiệt địch và thanh-toán chiến-trường. Kết-quả: Ta ti.ch-thu nhiều vũ-khí và tài-liệụ Về phía địch, quân-số tổn-thất ước-lượng từ 400 đến 800 tử-thương.
(12) CH-21 là loại trực-thăng vận-tải, thường được dùng để chở quân hay tiếp-tế trong lục-quân Hoa-Kỳ. Hình thù CH-21 giống như quả chuối khổng-lồ nên còn được người Mỹ gọi là “Flying Bananạ” Vào tháng 12-1961, Hoa-Kỳ đem sang Việt-Nam 2 đại đội trực-thăng CH-21 gồm 33 chiếc với đầy đủ phi-công và 400 chuyên viên tiếp-liệu và bảo-trì.
(13) Vì hành-quân trong vùng đồng lầy ngập nước nên tất cả các đơn-vị bộ-binh, cũng như khinh-binh thuộc đại đội Cơ-giới khi hạ-chiến, đều phải lội ruộng. Mực nước tùy chỗ, trung-bình trên dưới đầu gối, có khi cao tới thắt lưng.
Trong cuộc phỏng-vấn tại Colorado ngày 11-8-2001, đại-úy Dương-Khang nguyên là trung đội-trưởng của đại đội trinh-sát thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 12, sư đoàn 7 BB, có mặt trong trận Ấp-Bắc, ông cho biết: Tại phía Bắc vùng hành-quân, trong lúc đơn-vị trinh-sát sư đoàn đang lội nước ngang tới bụng, thì 2 tên VC, ngồi trên thuyền tam-bản neo sẵn, dùng trung-liên FM BAR bắn xối-xả vào đoàn người đang lội dưới ruộng. Nhiều chiến-sĩ của đại đội không kịp trở tay!
Nói về nỗi cực-khổ của các chiến-sĩ, ky.-binh và bộ-binh tùng-thiết, hành-quân trong vùng đồng lầy, ngập nước, tướng Lý-Tòng-Bá viết như sau: Không bao-giờ tôi quên những khó-khăn, gian khổ mà tôi và những anh em binh-sĩ thuộc quyền, tưởng là không tài nào vượt qua được với nhiều lần các M113 thay nhau kẹt xích, kẹt bùn, loay-hoay giữa ruộng. Có lần hơn cả hai ngày đêm, anh em các xa đội với quần áo trận đang mặc, từ ướt rồi khô, rồi từ khô đến ướt. Cứ miệt mài thay nhau liên-tiếp móc kéo xe ra khỏi từng vũng bùn, khỏi vùng nguy-hiểm.
(14) Một tiểu đoàn Bảo-An tiến trên trục ở hướng Đông và tiểu đoàn Bảo-An thứ nhì tiến trên trục bên hướng Tâỵ
(15) Trong thời-gian này, trực-thăng CH-21 không được võ-trang và trực-thăng võ-trang UH-1 Hueys, trang-bị 2 đại-liên 30 và 16 hỏa-tiễn cỡ 2.75in, cũng chỉ được bắn địch sau khi địch khai-hỏa trước hay nói khác đi nếu địch có bắn thì mới được bắn lạị (Trang 67 Vietnam War, The 1963 Debacle, Richard F. Newcomb, 1987 Part of the explanation for Ấp Bắc, Harkins said, was the rule that helicopters could not fire until fired upon, and the Mohawks were unarmed).
(16)William M. Hammond, The Military and The Media, Wash., DC, 1988, P31.
(17) Theo Dave R. Palmer trong Summons of the Trumpet, trang 33, để chống lại trực-thăng, VC được trang-bị tối-thiểu 2 đại-liên 50 và súng tự động đủ loại, xạ-thủ đã được huấn-luyện cẩn-thận về kỹ-thuật chống máy-baỵ
(18) Năm 1972, đại-tá Lý-Tòng-Bá, tư-lệnh sư đoàn 23 Bộ-binh, được tổng-thống Nguyễn-Văn-Thiệu vinh-thăng chuẩn-tướng đă.c-cách tại mă.t-trận Kontum kiêu-hùng.
(19) Chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá, tại Las Vegas, NV, kể lại vào ngày 14-11-2001.
(20) Lý-Tòng-Bá, Trận Ấp Bắc thực-tế và huyền-thoại, Sàigòn Nhỏ Houston, 2001, PP. 38-39.
(21) Sở dĩ xạ-thủ đại-liên 50 dễ bị hạ là bởi đại đội Cơ-Giới còn trong thời-gian trắc-nghiệm, TQV M113 chưa được trang-bị lá chắn cho đại-liên 50. Trong khi tác-chiến, xạ-thủ đại-liên 50 đã để lộ từ ngực đến đầu, khiến địch dễ sát-hạị Ngoài ra, TQV M113 được sản-xuất với mục đích chuyên-chở bộ-binh. Trên M113 cũng như trên các xe thiết-giáp khác, Đại-liên 50 thường dùng để phòng-không nên không có lá chắn cho dễ xoay trở. Vào đầu thập-niên 60, sau khi trắc-nghiệm trên chiến-trường VN, TQV M113 mới được xử dụng như một chiến-xa nhẹ, có khả-năng băng đồng, lội nước, trong vai-trò xung-kích, nên Đại-liên 50 sau này đã được trang-bị lá chắn bằng thép do căn-cứ 80 Quân-Cụ VNCH thực-hiện. Những lá chắn này sau đã trở thành khuôn-mẫu cho Hoa-Kỳ ứng dụng. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong dịp vinhđanh 712 khoá-sinh VNCH tốt-nghiệp tại trường Thiết-Giáp Fort Knox, Kentuckey, từ năm 1955 đến năm 1975, vào ngày 25-5-2000 tại đại-hội thường-niên Thiết-giáp-binh HK tổ-chức tại Fort Knox, tiến-sĩ Lewis Sorley, sĩ-quan Thiết-giáp HK hồi-hưu, hiện chuyên viết quân-sử, đã trình-bày trước cử-tọa như sau: “Theo tướng Don Starry và giáo-sư George Hofman trong cuốn binh-sử của Thiết-giáp Hoa-Kỳ, mang tựa đề Camp Colt to Desert Storm, trong chương nói về Chiến-tranh Việt Nam, tôi nhận thấy rằng Thiết-Quân-Vận M113 (TQV M113) là một Chiến-mã của cuộc chiến này, và chính Thiết-giáp-binh Việt Nam đã sửa đổi TQV M113 như tăng-cường hỏa-lực, làm lá chắn đỡ đạn, bọc thêm thép, biến M113 thành một loại thiết-xa nhẹ có khả-năng băng đồng, vượt sông, được gọi là Thiết-kỵ xa (Armored Cavalry Assault Vehicle = ACAV). Chúng ta đã học lại của họ, rồi hệ-thống hóa những điều mà họ đã khai-triển.”
(22) Huỳnh-Văn-Cao, Một Kiếp Người, Chantilly, Virginia, 1993, P. 18-19.
(23) Chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá, tại Las Vegas, NV, kể lại vào ngày 14-11-2001.
(24) Về tổ-chức và trang-bị của chi đoàn 5/1 Thiết-kỵ, trong thời-gian trắc-nghiệm, cũng gần giống như của đại đội 7 Cơ-giớị Nhưng Armored Personnel Carrier M-113 của đại đội Cơ-giới lấy tên là “Thiết-quân-Vận M113” dùng để chuyên-chở bộ-binh. Còn chi đoàn Thiết-kỵ cũng trang-bị M113 nhưng được xử dụng như một chiến-xa nhẹ trên mọi địa-thế nên được gọi là “Thiết-vận-xa M113”.
(25) Hành động hốt-hoảng và báo-cáo sai-lạc của Cố-vấn J. P. Vann chính là đầu giây mối nhợ khiến trận Ấp Bắc trở nên một đề-tài nóng bỏng, để từ một trận không có gì quan-trọng đưa đến việc giới truyền-thông Hoa-Kỳ lươ.ng-giá mơ-hồ mà kết-luận là quân đội VNCH còn non kém.
(26) Chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá, tại Las Vegas, NV, kể lại vào ngày 1-1-2002.
(27) Sự kiện này đã được chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá xác nhận ngày 31-12-2001.
(28) Dave R. Palmer, Summons of the Trumpet, Presidio Press, CA, 1978, P. 37.
(29) William M. Hammond, Public Affairs: The Military and The Media, 1962-1968, Center of Military History USA, Washington D.C., 1988, PP. 31-33.
(30) William M. Hammond, Public Affairs: The Military and The Media, P. 35.
(31) Huỳnh-Văn-Cao, Một Kiếp Người, P. 18.
(32) William M. Hammond, Public Affairs: The Military and The Media, P. 31-37.
(33) Chuẩn-tướng Lý-Tòng-Bá, tại Las Vegas, NV, kể lại vào ngày 14-11-2001.
(34) Huỳnh-Văn-Cao, Một Kiếp Người, P. 88.
|
|
|
Post by Can Tho on Jul 11, 2009 16:22:53 GMT 9
Trận Ấp Bắc Thực Tế và Huyền Thoại
Lý Tòng Bá
1. Trận Ấp Bắc Thực Tế và Huyền Thoại
Nhân mùa 30/4 năm nay, sau khi nói chuyên qua phone, cựu tướng Lý Tòng Bá đã gửi tới tòa soạn một bài ký viết tay, trong đó, tướng Bá đã viết lại tỉ mỉ những sự thực về trận Áp Bắc, những sự thực mà một số sách báo ngoại quốc và CS đã xuyên tạc hay bóp méo sự kiện.
Tướng Bá nguyên là người chỉ huy ĐĐ7 M113 trong trận Áp Bắc đầu năm 1963 tại Mỹ Tho, sau này là tư lệnh Sư Đoàn 23 BB.
Với sự chấp thuận của tướng Lý Tòng Bá, bài viết này được Hải Triều viết lại (cách hành văn) mà không sửa đổi bất cứ ý chính và chi tiết nào. Toàn bộ nội dung bài viết vẫn được giữ nguyên vẹn. Mong là bàI viết này giải tỏa được một phần nổi uất nghẹn của tướng Lý Tòng Bá nói riêng và QLVNCH nói chung về những bất công và bất hạnh của quân lực trong cuộc chiến VN.
Chúng tôi xin được giới thiệu bài viết đặc biệt này đến quý độc giả nhân ngày 30/04 bất hạnh năm nay, và chân thành cám ơn niên trưởng lý Tòng Bá. HT
Trận Ấp Bắc được ghi vào quân sử trong cuộc chiến VN. Báo chí quốc tế, và kể cả sách báo VC cũng nhắc nhiều về Ấp Bắc. Đó là một trong những trận đụng độ khốc liệt quan trọng giữa Đại Đội 7 M113 của VNCH và quân VC tại Khu Chiến Thuật Tiền Giang. Nói rõ hơn, là tại mật khu Đồng Tháp Mười thuộc miền Tây Nam Bộ của VC, cách xa quận Cai Lậy Mỹ Tho trên dưới chỉ 10 cây số về hướng Đông Bắc.
Không giống như những lần trước với những cuộc đụng độ cấp trung đội hay đại đội, lần này, BTL Sư Đoàn 7 QLVNCH đã phải sử dụng cả một trung đoàn, lần đầu tiên mở ra cuộc hành quân "Trực Thăng Vận" với một tiểu đoàn Bảo An của tiểu khu Mỹ Tho tăng cường mà ĐĐ7 M113 của SĐ7 làm nỗ lực chính để đối đầu với VC. Và cũng là lần đầu tiên mở rộng chiến tranh, Cộng quân đã bất ngờ tung vào trận Ấp Bắc một lực lượng đáng kể gồm Tiểu đoàn 514 Chủ Lực Mỹ Tho, tiểu đoàn Chủ Lực Miền 263, chưa kể những thành phần dân quân du kích khác. Lợi dụng địa thế hiểm yếu quen thuộc, Ấp Bắc không khác gì hơn là một cái làng bỏ trống nằm giữa khu đồng ruộng ngập nước quanh năm, chằng chịt kinh rạch, và cũng là nơi mà VC luôn có mặt kiểm soát với nhiều lần chạm trận trong cuộc chiến 1945 - 1955, một lần nữa tại Ấp Bắc, họ đã áp dụng lối đánh lén, phục kích, bắn sẻ để trì hoãn thế trận và gây thiệt hại cho các cánh quân VNCH bạn trong giai đoạn đầu, hầu có thể tập trung lực về vị trí chọn lựa với hầm hố của cái gọi là "chiến thuật công kiên chiến", đánh cầm cự để tùy nghi khai thác chiến quả nếu được, bằng không, khi thấy thế yếu, họ lần lượt trốn chạy, rút nhanh theo kiểu mà họ thường nói là "chém vè" trong đêm tối, rút lui mất da.ng. Ý đồ và hoạch định trận Ấp Bắc khi đó là vậỵ Muốn hay không, VC đã biết lợi dụng những kẽ hở của quân VNCH mà người chỉ huy phía ta không để ý hoặc không tiên liệu những biện pháp thích ứng... để bất ngờ khai thác tình hình cho nhu cầu "tâm lý chiến và chính trị" trong chủ trương một cuộc chiến tiêu hao lâu dài kiểu "tầm ăn lá", nhất là trong thời gian đó, VC có nhu cầu phải gây lại uy tín và tinh thần cán binh đã mất trong vài tháng trước khi tiểu đoàn 502 Chủ Lực tỉnh Sa đéc bị tổn thất hàng trăm quân tại ranh giới Mỹ Tho - Sa Đéc trong trận đụng độ ác liệt với Đại Đội 7 M113 vào ngày 18 tháng 2 năm 1962. Trong trận đánh này, một nửa quân số của TĐ502 bị loại ra khỏi vòng chiến ngay trong những giờ phút đầu tiên của trận đánh, một nửa còn lại đã phải ngụp lặn trong cánh đồng ngập nước để tìm cách chém vè trong đêm tốị Thế nhưng số VC định chém vè này đều bị bắt sống. Kiểm điểm tổn thất, Đại Đội 7 M113 chỉ có một tử thương là Thượng sĩ Ninh, trung đội trưởng, và một số binh sĩ khác bị thương. Tại sao sự tổn thất giữa hai bên chênh lệch như thế này? Nguyên nhân, chúng ta phải hiểu là các đơn vị VC không biết được khả năng của loại xe M113 do hãng Chrysler của Mỹ chế tạo, nó hoàn toàn không giống loại xe được cho là những con cua lội nước, hay "Crabe" của quân Pháp cũng do Mỹ chế tạo, được sử dụng trong đệ nhị thế chiến, và được trang bị cho các chiến đoàn xe lội nước gọi là "GA" (Groupement Amphilies) mà có lần bị chính tiểu đoàn 502 của VC đánh thiệt hại nguyên một đơn vị.
Từ những yếu tố không biết về khả năng mới - cơ động trên của M113, các đơn vị VC đã dàn trận. Đúng như lời của một anh tù binh kể lại thì tình thế quả không giống như lần phục kích đoàn xe "Crabe" của quân Pháp. Những gì VC điều nghiên, dàn thế trận, chuẩn bị tinh thần cho cán binh lâm trận... đã không xẩy ra như những gì họ hoạch định và mong đợị Chẳng hạn xe M113 không có lần nào bị súng nhỏ bắn thủng như loại xe "crabe" của Pháp, và cũng không một lần nào thấy bất cứ một xa đội M113 nào phải ngừng lại từng chập để cho lính nhảy xuống gỡ gỡ rơm rạ, cỏ lúa... kẹt trong bánh xích xe làm xe không chạy được, để nhân cơ hội này, VC bất thần nổ súng tấn công.
Khi thế trận bùng ra, tôi đã ra lệnh các xa đội, từng chiếc lội nước, khai hỏa phóng thẳng ngay vào ổ phục kích của tiểu đoàn 502 đang dàn thành đội hình bán nguyệt ở giữa ruộng nước. Mũi tiến quân xông vào vị trí địch đang ngâm mình dưới nước, các xa đoàn M113 được đại liên và trung liên BAR đặt trên các xuồng ba-lá bắn yểm trơ.. M113 đã tung hoành với những khả năng đa hiệu bất ngờ ngoài dự liệu và sự hiểu biết của các cấp quân sự VC, đã làm cho thế trận phục kích giăng bẫy của VC bị tan vỡ thê thảm. Khi thanh toán chiến trường, không biết quân VC đã bố trí ở đó lúc nào, nhưng trên mình của mỗi cán binh VC còn sống sót, bị bắt làm tù binh, mỗi anh ít lắm cũng phải đeo 3,4 con đỉa, loại đỉa trâu không nhỏ của đồng bằng sông Cửu Long, no tròn đầy máu lớn bằng cỡ ngón tay cái, muốn rức nó ra phải dùng điếu thuốc đang cháy chấm vào đầu nó... Một anh VC được anh em binh sĩ kéo lên từ ruộng nước, đặt ngồi trên M113. Anh ta ngơ ngẩn nhìn quanh quẩn như mất hồn. Anh ta và đồng đội đã tham dự một trận đánh hoàn toàn không giống những gì cấp chỉ huy của anh ta huấn thị và dạy trên sa bàn hành quân.
Nhân viết lại những dòng này, chúng ta một lần nữa có thể nói đây không phải là lần duy nhất mà chạm trận với QLVNCH, địch đã bị tổn thất nặng nề, không phải chỉ có một lần, chỉ có ĐĐ7 chiến xa M113 thành đạt được song thường ít khi giới truyền thông bạn triệt để khai thác, mà chính Neil Shehan, người phóng viên chiến trường đã viết quyển "The Bright Shining Lie" nói về chiến tranh VN đã nhiều lần nghe nói đến. Có lần, anh theo xe M113 với tôi trong một vài cuộc hành quân tại Mỹ Tho, nhưng những lần đó lại không đụng độ với VC, vì thế, anh ta vẫn chưa chịu hiểu, và chưa thất sự thật, và vẫn mang nặng tinh thần trái ngược khi đề cập tới cuộc chiến đấu tự vệ của QLVNCH, mà thường là chỉ tìm và chú trọng tới chiến thắng, dù lớn hay nhỏ của VC để phóng đại, cho nên mãi đến bây giờ, dù Neil Shehan tôi coi là một người bạn quen thân, tôi cũng chẳng biết Shehan có chủ trương hay mục đích gì... Một người chịu khó, khá thông minh, đỗ đạt từ một Harvard nổi tiếng, thích tự do mà chỉ viết những bài báo lập luận phê bình ác ý và không chính xác nhắm vào QLVNCH. Nhứt là 30/4/75, anh ta đã cho xuất bản quyển "The Bright Shining Lie" với những biện luận bất công nhắm vào QLVNCH, một quân lực bị bất ngờ "ngã ngựa" vì sự phản bội của đồng minh. Sau khi xuất bản quyển sách nói trên, có một lần Shehan đã viết một bài khá lịch sự liên quan đến tôi trên tờ The New Yorker, đó là bài "After the War was over" xuất bản ngày 18/11/91, và anh ta đã gửi tặng cho tôi tờ báo đó. Phải chăng đây là lần cuối Shehan gián tiếp muốn tôi bỏ qua những lỗi lầm mà anh ta đã viết về tôi khi chỉ huy ĐĐ7 chiến xa M113 trong trận Ấp Bắc với những lập luận vô căn cứ và lệch lạc khi được vài cố vấn Mỹ thời đó kể lại câu chuyện với dụng ý bào chữa những khuyết điểm nông nổi của mình.
Sau gần 13 năm ở tù CS ra, tôi gặp Neil Shehan một lần tại VN, đến Mỹ năm 1991, tôi gặp lại Neil Shehan tại Las Vegas khi hắn tham dự một "convention" với sự có mặt của tướng Powell. Đó là lần gặp mặt lâu nhứt trong đó tôi kể lại tình tiết và sự thật của trận Ấp Bắc cho anh ta nghe: “ ... Ngày đó, sau đêm cuối cùng, Đại Đội 7 M113 rời thị xã tỉnh Mỹ Tho đến quận Cai Lậy, xuất phát theo đội hình hàng dọc (để giảm làm thiệt hại lúa) hướng về mục tiêu. Đại Đội M113 ít lắm cũng đã vượt qua 2 con kinh ngang trước khi vào vùng tiếp giáo với mật khu Bà Bèo của VC nằm dọc theo hai bờ kinh Tổng Đốc Lộc mà Ấp Bắc là một trong những vùng ven biên. Cùng lúc tôi nhận được lệnh từ Bộ Chỉ Huy hành quân nhẹ đặt ở Cai Lậy, Tiểu Khu Mỹ Tho là phải nhanh chóng đưa Đại Đội 7 M113 đến mục tiêu, vì nơi đó đã có một chiếc trực thăng bị rơi trong cuộc đổ quân lần đầu mà nguyên nhân có thể là lỗi vụng về kỹ thuật của phi công chứ chưa chắc là do đạn VC bắn. Đó là chiếc H21 hình thù như quả chuối già quá cũ gần đến ngày phế thải. Vì theo anh trung úy chỉ huy toán nhảy đợt đầu xuống mục tiêu Ấp Bắc cho tôi biết là anh không nghe bất cứ tiếng nổ nào lúc phi cơ đáp xuống mà chỉ nghe vài tiếng súng nhỏ sau đó. Không lâu sau đó, ĐĐ7 M113 phải đối diện với con kinh thiên nhiên mà nông dân địa phương gọi là "kinh lạn" không bờ ác nghiệt. Lần đầu dưới mắt tôi, nó như một dòng nước chảy xuôi qua một bãi ruộng bằng phẳng, lởm chởm vài bụi cỏ với lá rủ mình quặt què theo nước.. . Quả thật, nếu là một thi sĩ, con kinh lạch trước mặt sẽ là nguồn cảm hứng của muôn bài thơ, nhưng ở đây, nó như là khúc xương khó nuốt của những con trâu sắt M113. Canh cánh với trách nhiệm, lo cho sự an nguy của phi hành đoàn, tôi phân vân chưa biết phải xử trí ra sao. Có lần tôi đưa ra ý kiến lên ban cố vấn cũng như Bộ Chỉ Huy Hành Quân là nên chỉ thị cho một cánh quân bạn nào gần đó mở cuộc hành quân bộ đến nơi chiếc trực thăng bị rơi, dù chậm nhưng chắc chắn hơn là sử dụng ĐĐ7 M113. Lý do là không làm sao chúng tôi đoán biết việc vượt qua kinh lạch để tiến đến mục tiêu phải mất bao nhiêu thời gian. Xa đội chúng tôi thay nhau từng bước mò mẫm độc bờ kinh nhưng không lần nào cho xe băng ngang được vì lòng kinh toàn là bùn không đáỵ Vì không hiểu và nhận ra yếu tố đặc biệt này mà phía cố vấn Mỹ đã hiểu lầm, cho tôi là thiếu tinh thần trách nhiệm, không muốn đụng độ với địch quân. Đó là một nhận định phiến diện, cạn cợt, không hiểu thực trạng của địa thế chiến trường. Lối suy nghĩ và nhận định ấu trĩ ấy tôi không hề hay biết. Đến khi qua Mỹ, đọc quyển "The Bright Shining Lie" của N.Shehan có viết những điều ngộ nhận sai lầm đó về tôi, tôi mới biết. Lúc đó thì quá trễ để nói lại vần đề cho rõ. Nghĩ lại, trong cảnh đầu tắt mặt tối của tôi và anh em các xa đội, ông sĩ quan cố vấn J.Scanlon của chúng tôi ngồi luôn trên xe với chiếc máy truyền tin, không nhúc nhích một bước, đã nói gì với trung tá Vann, cố vấn SĐ7 đang bay trên đầu với chiếc L19. Sau khi Scanlon đưa ống nói cho tôi, lần đầu tiên tiếp chuyện thẳng với Vann, tôi nghe được một câu hắc búa của J.P. Vann: - Anh Bá! Nếu anh không cho xe qua kinh thì tôi sẽ nói cho Dại Tướng Lê Văn Tỵ bỏ tù anh!
Câu nói này tôi không bao giờ quên. Lúc vừa nghe, tôi tức giận đỏ bừng cả mặt. Tôi âm thầm tự nhủ, tại sao ông Vann này lại có thể thốt ra một câu như vậy! Tôi thẳng thắn trả lời: - Trung tá Vann! Tôi rất mong thấy ông đáp xuống đây để tận mắt ông nhìn thấy những khó khăn thực tế của trận địa và những gì chúng tôi đang làm. Bằng không, vì lý do nào đó mà tôi phải đi ở tù, thì đó chẳng qua là vì danh dự của người lính!"
Khi đó, trong đầu tôi bỗng thấp thoáng cái câu " 1 ngày lính là 9 ngày tù" của ai đó đặt ra và bây giờ tôi thấy như rất đúng. Tôi nói lời chào cám ơn Trung Tá Vann rồi cúp máỵ Theo tôi, đó là đầu dây mối nhợ của câu chuyện "ăn thua" trong trận Ấp Bắc. Vann, một sĩ quan cố vấn, nóng nảy quá độ, hăng say quá trớn, sợ bị qui trách nhiệm, "ăn thì OK, thua thì đổ thừa". Mà thực ra, trong trận Ấp Bắc có gì phải quan trọng hóa việc ăn thua, ngoài những trở ngại, những khó khăn chồng chất, chết chóc xẩy ra khi phải đánh nhau với kẻ thù dùng du kích chiến kiểu "nói láo, đánh lén, bắn sẻ, chém vè..." Ngày đó, trong trận cuối cùng, VC cũng đã bị ĐĐ7 M113 đẩy lui để lại 8 xác tại chỗ, kể cả người chỉ huỵ
Không bao giờ tôi quên những khó khăn gian khổ mà tôi và những anh em binh sĩ thuộc quyền tưởng là không tài nào vượt qua được, kể cả lần các M113 bị kẹt xích, kẹt bùn loay hoay giữa ruộng hơn một ngày đêm, anh em các xa đội phải thay nhau liên tiếp móc kéo xe ra khỏi vùng nguy hiểm... Cuối cùng, ĐĐ7 M113 cũng vượt qua được con kinh lạn ác nghiệt đó để tiến đến mục tiêu Ấp Bắc khoảng trên dưới 4 giờ chiều. Sau khi anh trung úy chỉ huy toán quân nhảy trực thăng đầu tiên xuống trận địa cho tôi biết tình hình tại chỗ, tôi ra lệnh cho cố chuẩn úy Nguyễn Văn Nho (anh là cây vợt vô địch bóng bàn của binh chủng thiết giáp) đưa trung đội I áp sát vào mé làng Ấp Bắc để dò dẫm. Trung đội chỉ huy và các trung đội khác tiếp theo tiến theo đội hình hàng dọc, trước khi tôi ra lệnh mở rộng đội hình thành hàng ngang, quân VC đã bất thần nổ súng cách trung đội 1 chỉ khoảng 50 thước, mở đầu cho trận đánh Ấp Bắc. Trong những giây phút khai hỏa đầu tiên của địch, chuẩn úy Nguyễn Văn Nho của Trung Đội 1, Thượng Sĩ Nguyễn Văn Hào của xe chỉ huy bị hy sinh, chưa kể một số xạ thủ đại liên 50 của các trung đội khác vừa chết vừa bị thương. Tổng số thiệt hại của Đại Đội 7 M113 từ phút đầu cho đến tàn trận là 8 chết và 14 bị thương. Số thiệt hại này phần lớn do các khẩu đại liên thời đó không có trang bị tấm chắn đỡ đạn. Sau trận Ấp Bắc, các loại lá chắn này mới thực hiện để che đạn cho các xạ thủ đại liên M113. Nhắc lại chuyện này, tôi vẫn phân vân thắc mắc tại sao người ta chỉ chịu trang bị thêm phương tiện và vũ khí mới cho quân đội VNCH sau khi các đơn vị quân đội chúng ta bị thiệt hai hay bị mất đi những chiến sĩ và cán bộ chỉ huy tài giỏi, gan dạ vì thiếu phương tiện chiến đấu thích hợp. Chỉ riêng một yếu tố là nếu trên xe M13, các xạ thủ đại liên có những lá chắn đạn an toàn cho xạ thủ thì trong trận Ấp Bắc thì số thương vong của chúng ta giảm nhiều, đồng thời ĐĐ7 M113 có thể đã đưa tiểu đoàn 514 Chủ Lực VC tỉnh Mỹ Tho tan tác đi theo tiểu đoàn 502.
Tôi nhớ một lần trước trận Ấp Bắc, đoán được ý đồ của VC là khi không còn cách nào khác để mở trận mới đánh với Đại Đội 7 M113, thì họ chỉ còn dựa vào ven làng, vào một thế đất mà chọn lựa để có thể dễ dàng gây khó khăn cho Đại Đội 7 M113 khi bất ngờ xuất hiện từ các hầm hố kiên cố được che khuất, tấn công khai hỏa vào các xạ thủ đại liên 50 trên xe M113 chứ không dám nằm giữa đồng ruộng phục kích như lần tiểu đoàn 502 của họ bị tiêu diệt ở tỉnh Sa Đéc. Tiên liệu điều như trên, tôi gửi lên cấp chỉ huy cũng như cố vấn Mỹ một đề nghị khẩn cấp và thiết thực việc trang bị lá chắn đạn an toàn cho xạ thủ đại liên càng sớm càng tốt... Đề nghị đó không được chấp thuận. Tướng Stilwell của phái bộ viện trợ Mỹ đã trực tiếp trả lời cho trung tá Nguyễn Văn Thiện, nguyên chỉ huy trưởng binh chủng Thiết Giáp ( 1957 - 1964) (*) bằng một câu mà tôi không bao giờ quên. Câu nói nguyên văn bằng tiếng Pháp của tướng Stiwell như sau: "le meilleur moyen de défense c'est tirer." Ờ nghĩa là "muốn bảo vệ mình, người lính chỉ có bắn!" Theo tôi, trên lý thuyết thì quá đúng, hoặc trong phim xi-nê cao bồi, hay tại "desert storm" với "bão sa mạc" thì còn có lý... chứ đối với chiến tranh du kích kiểu VC trên địa thế núi rừng, sông lạch VN thì chưa chắc câu của tướng Stilwell là câu thần chú hộ mạng, mà trận Ấp Bắc là một thí dụ điển hình. Làm sao chúng ta thấy được VC nằm phục kích trong nước, dưới lá, dưới sình mà bắn trước để bảo vệ mình.
Nhắc lại, cả một chiến đoàn gọi là GM100 của quân Pháp đã bỏ mạng tại đèo An Khê ở Pleiku trong chiến tranh Việt Pháp trước đây đã ở trong tình huống trên. Tôi rất may đã sống sót trong trận Ấp Bắc. Từng tràng đạn địch "thay nhau tránh né" khi bay qua đầu tôi, một điều kỳ lạ, mãi cho đến bây giờ tôi không biết tại sao mạng tôi còn, tại sao tôi còn sống với hàng loạt đạn vượt qua đầu để lại những tiếng kêu "bực...bực" bên taị. Có lần tôi đang bắn trả qua lại với đám VC đứng trong những hầm hố không quá 20 thước trước mặt, bất ngờ tôi thấy anh đại úy J. Scanlon đang ngồi trong M113 của tôi mở cửa sau M113 chỉ huy nhảy ra ngoài chạy mất dạng. Trong xe chỉ huy của tôi lúc đó có xác của thượng sĩ Nguyễn Văn Hào bị tử thương, và có lẽ lần đầu tiên anh chứng kiến tận mắt xác chết trong xe chỉ huy, chưa kể hai người bị thương khác nằm la liệt máu me, đó là anh Kiên, tài xế xe jeep riêng của tôi bị đạn xuyên cổ và anh lính kèn ngả xuống sau tiếng kèn xung phong ngả xuống bên tay mặt của tôi. Tình trạng này có lẽ đã làm cho Scanlon mất tinh thần, và đã thật sự gây khó khăn không nhỏ cho tôi trong việc điều động đơn vi.. Thành phần bị chết và bị thương trong những giây phút chạm súng đầu tiên phần đông là những anh em chỉ huy trưởng xa và xạ thủ đại liên 50 chứ không ai khác. Dĩ nhiên, trong tình huống đó, sức mạnh và đà tấn công của ĐĐ7 M113 bị yếu và khựng lại, nhứt là ở phía trước mặt tôi, giữa ĐĐ7 M113 và mé làng chỉ là một bãi nước không biết là ruộng hay là một vũng bùn. Nếu M113 kẹt dính ở đó thì vô cùng nguy hiểm. Trước tình huống đó, tôi dự định cho các xa đội lui về phía sau vài chục thước để bảo đảm an toàn hầu có thể dùng các loại pháo hỏa tập tiêu diệt mục tiêu mà tôi mới chợt nghĩ ra, vô cùng cần thiết để giải quyết một tình huống khó khăn. Không dùng pháo trong trường hợp này là một thiếu sót nghiêm tro.ng. Lúc đó, kể cả cố vấn Vann cũng chỉ lo cho an ninh phi hành đoàn của chiếc trực thăng bị rớt mà không có sáng kiến gì khác. Sau khi việc yêu cầu cung cấp hỏa tập được đáp ứng và ban ra, nó đã vừa tiêu diệt địch, vừa dọn đường cho một trận xung phong cuối cùng.
Từ bộ chỉ huy hành quân nhẹ của Tiểu Khu Mỹ Tho, Trung Tá Lâm Quang Thơ, tỉnh trưởng, lệnh cho tôi lui về phía sau 400 thước an toàn cho đơn vị để một phi tuần 2 chiếc B26 oanh tạc mục tiêụ Cần nói rõ thêm, mỗi lần dùng "phi pháo yểm" là mỗi làn từng đợt pháo và từng đợt phi cơ thay nhau đánh vào mục tiêu. Thường thì VC hay nằm dọc theo mé rừng hay ven làng trong các hầm hố kiên cố, còn nếu địa thế là vùng núi thì họ không nằm trên đỉnh mà lại bám các vùng yên ngựa hay bên sườn đồi... cho nên, tại Ấp Bắc, những đợt oanh kích của 2 chiếc B26 lúc đó chỉ có tác dụng tâm lý hơn là tiêu diệt đối phương.
Đúng khoảng trên dưới 5 giờ chiều, sau quả bom cuối cùng mà tôi thấy rõ rời bụng phi cơ rớt xuống giữa mục tiêu Ấp Bắc với hai cánh máy bay dường như run rẩy báo hiệu ngày phế thải... thì Đài Độ M113 ào ạt mở đợt tấn công lần chót, đẩy lui không khó quân VC ra khỏi các vị trí. Các toán quân VC bị đánh bật ra khỏi vị trí đã bỏ chạy tán loạn, để lại 8 xác chết, trong đó có cả một cấp chỉ huỵ Đúng như trong bài viết thêm của Neil Shehan về trận Ấp Bắc trong nguyệt san "The New Yorker" với bài "After the war was over", bài viết có đoạn : "Tối lại, quân VC có cho một thành phần nhỏ nào đó bò về mục tiêu Ấp Bắc để tìm xác anh chỉ huy..." Nhưng việc nói VC lén về Ấp Bắc tìm xác cũng là chuyện không thật. Làm sao có chuyện đó khi toàn Đại Đội 7 M113 đang nằm dàn trận chờ sẵn tại chỗ. Một tên chỉ huy VC bi tử thương là có thật, nhưng toán VC mò về lấy xác thì không. Tôi nhớ chiều hôm đó, khoảng 6 giờ, sau khi Đại Đội 7 M113 đã hoàn toàn làm chủ tình hình và chấm dứt trận đánh, thì việc cho một đơn vị Dù nhảy xuống cánh đồng trống phía sau lưng Đại Đội 7 là một điều vô ích. Có một toán nhỏ quân Dù bị gió chiều bọc cuốn đựa lạc vào một vùng không an ninh, đã gặp một thiệt hại nhỏ, nhưng đó quả là một thiệt hại không đáng xẩy ra và rất oan uổng. Đúng là tháng xui ngày rủi của quân ta.
Trong lửa đạn, trong trận đánh, cái đầu tôi với cái mũ nồi đen kỵ binh lúc nào cũng nhoi ra khỏi M113 mà đạn mọi phía bắn ào ào tới mà cái đầu chẳng bị trúng viên nào, làm cho tôi có cảm tưởng VC bắn rất tồi! Nhưng chưa hết, vào sáng sớm hôm sau, vì còn ấm ức về cái vùng sâu phía trong của mục tiêu Ấp Bắc chưa được chế ngự và lục soát kỹ, tôi đã quyết định mở cuộc hành quân loại bỏ túi - tức là "hạ chiến" - với một thành phần nhỏ của các xa đội tạm thời rời M113 để đánh bô.. Đến hơn nửa đường di quân, bất ngờ không biết ai gọi mà những tràng pháo binh loại 105 ly của phe ta không mời mà đến, thay nhau từng đợt 4 quả với 4 tiếng "bụp - bụp - bụp - bụp" nghe từ quận Cai Lậy vọng lại báo hiệu những lần đạn rời nòng bay đi. Những trái đạn chạm đất nổ vang, và chúng tôi mừng là nó không rơi vào vị trí chúng tôị Có khoảng 40 trái đạn bắn đi, có trái rơi cách chúng tôi khoảng 10 thước. Từ trong một cái hố với với máy truyền tin PRC trên lưng, Hạ Sĩ Tòng lúng túng gọi khẩn cấp về xe chỉ huy để chuyển lời yêu cầu của tôi yêu cầu Bộ Chỉ Huy Hành Quân cho ngưng cuộc pháo kích vì "chúng tôi đã đầu hàng vô điều kiện!" Trong khi tôi đang trong thế ngồi chồm hổm, đẩy mạnh lưng vào thành hố để tim bớt đập mạnh thì anh đại úy cố vấn J. Scanlon mất tinh thần, bò quanh bò quẩn trước mặt tôi... trông ngơ ngác như một con bê lạc bầỵ Theo tôi, nếu cảnh đó được Neil Shehan chứng kiến và viết đầy đủ lại trong quyển "The Bright Shining Lie" của anh ta thì chắc anh ta đáng lãnh giải "nobel" ở Thụy Điển chứ không phải giải Pulitzer mà anh ta nhận ở Mỹ. Cả CS , vì nhu cầu tuyên truyền chính trị, lẫn các nhà báo Mỹ, vì thiếu chứng liệu và nhiều thiên kiến, đã viết sai sự thực, xuyên tạc sự thực về cược chiến tự vệ anh dũng của quân dân miền Nam. Và cũng thể theo lời yêu cầu của một số chiến hữu cựu quân nhân QLVNCH và đồng minh, tôi đã gạn lọc trí nhớ để tìm lại những dữ kiện thật thuộc loại "đầu dây mối nhợ" của trận Ấp Bắc mà vì lý do chính trị và nhu cầu phản chiến, họ đã cố tình bóp méo sự thật. Tôi đã viết lại bằng tay, bằng chính thủ bút của mình. Và như chiến trường Ấp Bắc tan hoang, khi tôi viết xong bài này trên mấy trang giấy cuối thì dưới bàn viết của tôi là một đống giấy nháp với cây viết "bi" đã gần hết mực "dàn trận tan tác ngổn ngang" dưới gầm bàn. Viết bài này, tôi cũng có ý nhắc cho những ai chưa biết sự thật, là, với chiến thắng và kinh nghiệm từ trận Ấp Bắc, không biết bao nhiêu lần tôi đã đánh thắng những đơn vị địch quân từ các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và cả quân đoàn của VC - bất cứ ở đâu, từ miền Tây, miền Đông Nam phần đến Tây Nguyên, đặc biệt là hầu hết các lần đó đều có sự hiện diện của J.P Vann, kẻ có lần đã đề nghị lên đại tướng Lê Văn Tỵ cho tôi đi tù - và sau này, cũng chính J.P.Vann vận động cho tôi lấy quyền chỉ huy SĐ23 BB đánh tan 3 sư đoàn VC do tướng Bắc quân Hoàng Minh Thảo, một trong những tướng hùng hổ nhất của Bắc Việt chỉ huy.
Từ những điều trên trong bài này, việc sách báo VC và Tây phương nói quân VNCH thua trong trận Ấp Bắc là xuyên tạc, là sai sự thật. Và nếu còn sống (**) đến hôm nay, chưa chắc J.P Vann đã cho N.Shehan viết trận Ấp Bắc một cách thiếu sót và sai lệch. Vì đó cũng chính là cái thiếu sót của J.P.Vann trong những phút giây đầu tiên của trận Ấp Bắc, vì ông chưa đủ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến tranh du kích kiểu VC. Sự thiếu sót và thiếu kinh nghiệm đó của ông và ký giả Tây phương đã làm cho các bài viết về trận Ấp Bắc (cũng như nhiều lãnh vực khác...) bị bóp méo và hiểu lệch khác đi.
Cựu tướng Lý Tòng Bá Cựu tư lệnh SĐ25 BB/Cựu tù cải tạo. (Hải Triều đánh máy bài viết và sắp xếp hành văn với sự chấp thuận của tướng Bá)
Ghi chú:
* Trung Tá Nguyễn Văn Thiện, sau lên Đại Tá, phục vụ tại Quân Đoàn 1 của tướng Hoàn Xuân Lãm, là một trong hai người được tướng Nguyễn Văn Thiệu gọi về dinh Độc Lập để gắn sao cấp tướng. Chẳng may chiếc A37 chở anh về Sài Gòn bị ngộ nạn và mất tích.
** Ông Vann, trong một chuyến đến thăm tướng Bá ( Sư Đoàn 23 BB) đả tử thương trong một tai nạn máy bay tại Cao Nguyên. Chiếc trực thăng chở ông trên quốc lộ 14 gần Chu Paọ Đại Tá Nhu chỉ huy Biệt Động Quân là người chỉ huy cuộc tìm và thu hồi xác ông Vann và phi hành đoàn. Anh em Biệt Động Quân cho biết không hề nghe tiếng súng khi máy bay bi rớt. Dù đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tai nạn, song người ta có thể dự đoán là máy bay rớt vì trục trặc kỹ thuật chứ không phải vì đạn phòng không. Chi tiết này ghi lại từ tướng Lý Tòng Bá qua cuộc điện đàm sáng 9/4/2001. HT
|
|