|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:54:01 GMT 9
Phần 2: TRẦN PHONG SẮC (1878-?)dịch giả các truyện tàu Hứa Hoành Vào đầu thế kỷ 20, ở Nam Kỳ có 3 dịch giả truyện Tàu cùng tên Sắt: người thứ nhứt là Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, người thứ hai là Nguyễn Kỳ Sắt, và người thứ ba là Tân An (1) Trần Phong Sắc. Cùng với Nguyễn Chánh sắt, Nguyễn An Khuông, Mộng Huê Lầu (Lê Hoằng Hựu... Trần Phong Sắc là một trong những dịch giả Nho học uyên bác, thạo chữ Quốc Ngữ, dịch nhiều bộ truyện Tàu nhứt, gây ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế hệ nam nữ thanh niên, trung niên và ngay lớp phụ lão nữa. Trần Phong Sắc sống cuộc đời trầm lặng, âm thầm dịch sách, sáng tác . Sự đóng góp của ông vào gia tài văn hoá nước nhà buổi sơ khai thật đồ sộ, nhưng các nhà làm văn học bỏ quên ông, không dành cho ông một chỗ đứng khiêm nhượng nào trong Văn học sử miền Nam. Rất tiếc không sách báo nào đề cập đến thân thế, sự nghiệp của ông nên muốn viết về tiểu sử của Trần Phong Sắc rất khó khăn. Chúng tôi phải sưu tầm, lượm lặt rải rác, phỏng vấn nhiều vị bô lão từng sống ở Tân An, Mỹ Tho và nhứt là tham khảo cuốn Địa phương chí "Tân An Ngày Xưa" của Đào Văn Hội để viết lại bài nầy. Tuy là một dịch giả có biệt tài, dịch hàng 40 quyển truyện Tàu, sáng tác hàng mấy chục bài ca cổ điển, nhưng ông không sống được bằng nghề ấy. Nghề chánh của ông là thầy giáo dạy môn Luân Lý tại trường tiểu học Tân An trong thời gian từ năm 1916 đến năm 1930. Trần Phong Sắc là người hữu tài vô mạng. Bình sanh, bao nhiêu công lao trí lực để dành làm giàu cho nhà xuất bản, đời sống vật chất của ông suốt đời cũng không dư giả chi, đến chết lại lâm cảnh nghèo. Dường như ông lấy chuyện dịch truyện, sáng tác bài ca như một sở thích làm vui, không mấy chú trọng đến tiền bạc. Nghe nói rằng giới trí thức đương thời ở Tân An hễ nhắc tới ông thì họ mỉm cười, nụ cười khinh bạc, mỉa mai vì họ cho rằng Trần Phong Sắc là một người gàn, có lẽ họ chưa hiểu ông. Dù dạy học, dịch sách viết bài ca, lãnh vực nào Trần Phong Sắc cũng làm đầy đủ, nhiệt tình và xuất sắc, để lại cho hậu thế nhiều quyển truyện xưa, bài ca đến nay, lớp người hậu bối vẫn còn nhắc nhở. Trần Phong Sắc là người làng Huê Mỹ Thạnh, phủ Tân An, sau là tỉnh Tân An, nhà ở ngã tư gần Cầu Quây trong chợ Tân An. Kể về tướng mạo, một người từng học với ông là Đào Văn Hội (năm 1918) đã kể về ông như sau: - Ông Trần Phong Sắc tướng tá xấu, mang đầu tóc to tướng, nước da ngâm ngâm đen, mắt lé nặng. Lúc đó (1918) ông dạy môn Luân Lý ở các lớp tiểu học (Tân An). Khi đi dạy, ông bịt chiếc khăn nhiễu đã phai màu, mặc cái áo xuyến dài cũ, mang đôi giày hàm ếch xập xệ. Ông vẫn đi bộ luôn từ xóm Ngã Tư tới trường, trong túi áo trắng bên trong kè kè những sách . Chính quyền địa phương bổ nhiệm ông dạy môn Luân Lý từ lớp Năm đến lớp Nhì, lương tháng mười mấy đồng bạc. Học sinh thường gọi ông là "thầy ma-ranh" (morale) hoặc "ông kẹ lửa", vì trong lớp đứa nào trững giỡn thái qúa, ông "tặng" cho cái cú nháng lửa và cho điểm 0 . Trần Phong Sắc sống cuộc đời trầm lặng mấy mươi năm ở tỉnh lẻ, dù có tài nhưng ông không khoe khoang, ít giao du, thù tạc bạn bè như các đồng nghiệp khác lúc bấy giờ. Ông chỉ chơi thân với một vài người, trong đó có ông huyện Ngô Văn Chiêu, người sáng lập ra đạo Cao Đài sau nầy, ông Cao Văn Lỏi, ông Một Kim...Tính tình Trần Phong Sắc rất hiền lành. Ông dùng hết thì giờ ngoài việc dạy học để dịch truyện Tàu, viết lời ca (hầu hết bằng chữ Hán) trong các bài ca cổ điển. Khi đi dạy học, trong giờ ra chơi của học sinh, Trần Phong Sắc thường ngồi lại lớp, lấy sách chữ Hán ra đọc, trong khi những thầy giáo khác tụ tập chuyện trò cười đùa . Có lẽ vào thời đó môn Luân Lý bị coi thường mà ông Trần Phong Sắc lại quá lôi thôi, hiền hậu nên các bạn đồng nghiệp ít kính nể, và cũng không dạy học trò kính trọng ông ..Lớp ông dạy, học trò thường nói chuyện ồn ào như cái chợ, không coi ông ra gì cả. Ngôi nhà ông ở là một kiểu nhà xưa ba gian, lợp ngói âm dương, nền đất vách ván, thấp.. Trước nhà có một hàng rào bằng cây, quét vôi trắng toát và viết đầy những chữ Nho. Cửa ngõ nhà là hai trụ gạch, phía trên có một tảng đá xanh to gác ngang dày một tấc, rộng 40cm và ngang 1,2m, đứng xa xa trông như một cái am. Ngoài ra ông cùng một số bạn đồng tâm như Bộ Thọ (Lê Kiển Thọ), Một Kim (Đoàn Văn Kim), thầy giáo Nguyễn Văn Ngộ, Ngô Văn Chiêu thường lập đàn cầu cơ để chữa bịnh cho bá tánh không lấy tiền. Trong nhóm nầy riêng Trần Phong Sắc là người ăn chay trường. người ta kể lại trong một lần cầu cơ:"Ông giáo Vân ngồi đồng dương, ông Bộ Thọ ngồi đồng âm, Trần Phong Sắc làm phép đàn, ông Đoàn Văn Kim ghi chép và Ngô Văn Chiêu làm độc giả. Cơ lên mạnh cho biềt: "Ngũ chơn bữu khí lâm triều thế Giá hạc đằng vân xiển tự nguyên..." Lúc ấy cơ Đức Cao Đài tiên ông giáng cơ, cơ gõ mạnh và bảo ông Trần Phong Sắc sửa lại hai câu thơ ấy. Vốn là một nhà Nho sành sõi, uyên bác về Hán Văn, nhưng vì không biết Cao Đài tiên ông là ai, nên Trần Phong Sắc mới trả lời một cách suồng sã rằng: - Bài thỉnh nầy ra 100 năm rồi, từ bên Trung Quốc qua đây không ai dám cho là sai, nay ngài bảo sửa, nói vậy là thiệt trật hay sao ? Tiên ông quơ cơ đập vào đầu ông Trần Phong Sắc vì vô lễ. Ông lẹ làng sụt xuống né khỏi. Kế Đức Cao Đài tiên ông kêu gọi Ngô Văn Chiêu bảo sửa. Ông Chiêu sửa lại như sau: "Bửu chơn ngũ khí lâm triều thế.." Từ đó về sau ông Trần Phong Sắc không làm phép đàn nữa. Năm 1920 ông huyện Ngô Văn Chiêu đổi đi trấn nhậm tại Hà Tiên. Cả Toà hành chánh tỉnh (tham biện cùng nhân viên văn phòng) có làm lễ tiễn đưa. Ông Trần Phong Sắc có làm bài thơ thù tạc: "Mừng nay quan Huyện đổi Hà Tiên Có đức trời cho đặng có quyền Trăm năm Vũng Gù (tên cũ của Tân An) còn tiếng mến Một đường sau trước nổi danh hiền. Hòn Nghệ cầm báu đưa theo gió, Đảnh Hạc hoa tươi rắm tới triền. Âm chất sẽ ngồi xe ngựa mã Trùng phùng đồng ước hội Đào Viên!" Nhắc lại cuộc đời dạy học của Trần Phong Sắc, ông Đào Văn Hội kể lại:"Môn Luân Lý của ông Trần Phong Sắc thường dạy vào buổi chiều, tùy theo lớp mà dạy từ 4 giờ tới 4 giờ rưỡi hay 5 giờ. Ông giảng dạy bổn phận làm con đối với cha mẹ, học trò đối với thầy, nhân dân đối với chánh phủ, anh chị em, bè bạn cư xử với nhau ... Rồi ông lên bảng đen viết 1 câu lối 9, 10 chữ Hán, và viết luôn câu giải nghĩa. Chữ ông viết rất đẹp, sắc sảo như dao cắt. Ông bắt chúng tôi chép vào tập vở trình ông chấm điểm. Nhưng chữ Nho ngoằn ngoèo khó viết đối với những bàn tay non nớt và chúng tôi viết chẳng khác nào vẽ bùa! Thế mà được ông khuyên 9 đến 10 điểm ngon lành! Gần 40 tuổi, Trần Phong Sắc tái hôn với một cô thôn nữ. Có người cắc cớ hỏi ông tại sao không kết hôn với một goá phụ tuổi từ 30 đến 40, có phải là xứng đào xứng kép chăng. Quý độc giả có thể đoán được ông trả lời thế nào không? Ông bảo rằng:"Thà rằng cưới con gái đồng trinh, còn đàn bà goá chồng, phải để cho người ta thủ tiết thờ chồng mới phải đaọ thành hiền!" Vẫn theo lời ông Đào Văn Hội:"Tôi không biết thuở mẫu thân ông sanh tiền, ông thờ mẹ hiếu thảo thế nào mà sau khi mẹ ông quá vãng, ông cho tạc tượng gỗ một người đàn bà, trên đầu gắn tóc giả, mặc y phục đàng hoàng để thờ trên cái gác nhà ông. Sớm mai và chiều hai buổi, ông dọn cơm nước nhang đèn trước tượng, cúng lạy kính cẩn. Sự tử như sanh" (Cung phụng người chết cũng như người sống). MỘT DỊCH GIẢ CÓ TÀI Truyện Tàu được dịch ra lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1904, đó là bộ "Tam Quốc Chí", được đăng trên tờ báo "Nông Cổ Mín Đàm". Từ đó, nhiều người có kiến thức Hán văn và chữ Quốc ngữ liên tục dịch cho đến năm 1932. Trong số hơn 30 dịch giả (xem thêm bài Nguyễn Chánh Sắt, đăng trên báo "Đời Sống" ở Houston) thì Trần Phong Sắc là một người dịch nhiều bộ nhứt (gần 20 bộ), gây ảnh hưởng lớn lao cho cả dân chúng Nam Kỳ vào đầu thế kỷ nầy. Ảnh hưởng truyện Tàu đã góp phần hình thành một nhơn sinh quan đặc biệt của người dân miền Nam mà nét luân lý nổi bật qua các câu châm ngôn "Trọng nghĩa khinh tài", anh em bè bạn ăn ở với nhau có thủy chung, trước sau không thay đổi. Trong cuộc sống, hễ gặp bất bình thì ra tay can thiệp, cứu giúp: "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả" (thấy điều nghĩa không ra tay hành động không phải kẻ anh hùng), hoặc "Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly..." (có nghĩa là sự giúp đở lẫn nhau khi lâm hoạn nạn, sống chết có nhau khi đã thề làm bạn...) Trong khi ngoài Bắc, Nguyễn Đỗ Mục nổi danh nhờ dịch các bộ tiểu thuyết diễm tình Trung Hoa như: . Dư Chi Phụ (Chồng tôi) . Dư Chi Thê (Vợ tôi) . Song Phụng Kỳ Duyên ... thì ở Nam Kỳ, nhà Nho và nhà giáo Trần Phong Sắc cũng nổi tiếng với hàng mấy chục quyển truyện Tàu. Các truyện Trần Phong Sắc đã dịch như: . Phong Thần . Ngũ Hổ Bình Tây . Tam Quốc Chí . Ngũ Hổ Bình Nam . La Thông Tảo Bắc . Dương Văn Quảng Bình Nam . Tiết Nhơn Quý Chinh Đông . Nhạc Phi Diễn Nghĩa . Tiết Đinh San Chinh Tây . Anh Hùng Náo Tam Môn Giai . Phi Long Diễn Nghĩa . Hậu Anh Hùng . Tam Hạ Ham Đường . Phong Kiếm Xuân Thu . Tàn Đường . Tây Hán . Vạn Huê Lầu . Đông Hán . Quần Anh Kiệt . Phấn Trang Lầu . Tái Sanh Duyên . Càn Long Hạ Giang Nam . Chánh Đức Du Giang Nam . Tam Hạp Minh Châu Bửu Kiếm . Tây Du Diễn Nghĩa . Đông Du Bát Tiên . Bắc Du Chơn Võ . Nam Du Huê Quang v.v... Trong các bộ truyện Tàu kể trên, một bộ gồm nhiều quyển, có khi một bộ nhiều dịch giả chia nhau dịch. Nhiều bộ đồ sộ, dịch lại rai hàng chục năm như bộ "Đông Châu Liệt Quốc" gồm 15 quyển, được các dịch giả dịch từ năm 1906 đến năm 1929, nghĩa là phải 23 năm mới xong! Bộ "Đông Châu Liệt Quốc" được các ông Nguyễn Chánh Sắt. Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần Đình Nghị, Nguyễn Kỳ Sắt và Trần Phong Sắc dịch . Còn bộ "La Thông Tảo Bắc" được Trần Phong Sắc dịch cùng vớơi nữ dịch giả Phạm Thị Phượng. Tuy thì giờ dành hết cho việc dịch truyện Tàu, nhưng Trần Phong Sắc cũng đam mê sáng tác lời ca cho những bản nhạc cổ điển. Những truyện dịch của ông được in tại Sài Gòn, Chợ Lớn do các nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết, Đinh Thái Sơn, Đặng Lễ Nghi..để phát hành khắp Nam, Trung, Bắc và Miên, Lào nữa. Văn phong dịch của Trần Phong Sắc rất trôi chảy, thích hợp với mọi từng lớp và mọi lứa tuổi. Vì lẽ đó từ người nông dân đến người trí thức đều hiểu được và say mê. Hồi còn nhỏ, tôi cũng phải đọc truyện Tàu hàng ngày cho ông nội tôi nghe để ...lấy tiền ăn bánh. Đọc mãi tôi cũng thấy say mê cốt chuyện hấp dẫn đó. Trong các bản dịch, lẻ tẻ Trần Phong Sắc chêm vào một bài thơ Đường bát cú hay tứ tuyệt, chứng tỏ ông có tâm hồn thi sĩ và nền Hán văn vững vàng. Những bài thơ ấy được đặt ở đầu mỗi chương để bình luận hay tóm lược câu chuyện. Trong truyện "Phong Thần", ông kết thúc bằng bài thơ: "Trằn trọc đêm thanh mấy khắc chầy, "Phong thần diễn dịch, giải niềm Tây. "Sắc tài, phép tắc bày ra đủ, "Chép để khuyên răn phỉ nguyện nầy." Còn trong bộ "Chánh Đức Du Giang Nam", ông có làm mấy câu thơ: "Trần Thiện can vua kính họ Lương, "Phong làm thừa tướng giúp triều đường. "Sắc bà Quốc Thái sai tìm chúa, "Chánh Đức về ngay hưởng thái bường (thái bình)" Trong truyện Phong Thần nói về thời hồng hoang lịch sử Trung Hoa, nhiều chuyện huyễn hoặc mà ngày nay ta cho là bịa đặt, mỗi khi một vị tiên xuất trận đối địch, thường ngâm một bài thơ rồi mới so tài đấu phép. Qua ngòi bút linh hoạt của Trần Phong Sắc, nhiều đoạn diễn tả tình nghĩa thầy trò một cách thân ái người nghiêm minh như đoạn Thái Ất mượn tay đạo hữu Văn Thù sửa trị tánh nết hung hăng của Na Tra Linh Châu Tử. Không những tế nghị trong văn tình cảm mà trong khi tả cảnh các tướng Phiên đấu chiến, giọng văn của ông cũng biến đổi:"Mạnh mẽ, gọn gàng, đằng đằng sát khí như tiếng binh khí chạm nhau chan chát..." Chúng tôi nhớ lại một đoạn tả cảnh ấy như sau: " ...kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, một qua một lại, một tới một lui, bốn mươi hiệp cầm đồng..." Đôi khi nhà Nho đạo mạo Trần Phong Sắc cũng dùng lối văn hài hước, chọc cười độc giả. Thí dụ hồi:"Lưu Kim Đính dựng bảng chiêu phu tại núi Song Toả, có Cao Quân Bảo đi ngang qua, đập bảng ấy đi, khiến Lưu Kim Đính nổi giận. Tức thì đôi nam nữ anh hùng, anh thư nhứt tề hỗn chiến, sáu mươi hiệp thắng bại bất phân đao lớn, giáo dài, trai mạnh, gái dạn ..."
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:55:25 GMT 9
NGƯỜI TIỀN PHONG SÁNG TÁC NHIỀU BÀI CA CỔ ĐIỂN Ở vùng Thủ Thừa, Vàm Cỏ, Tân An vào đầu thế kỷ 20 nhạc cổ phát triển mạnh. Những thầy đờn nổi danh ở vùng nầy hồi thập niên 1930 như Hai Nghĩa, Mười Tốt, Tư Trinh... Các ca sĩ, nhạc công đó sở dĩ nổi danh là nhờ những ông như Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc, là những người đặt lời cho các bài ca cổ điển như Ngũ đối, Long đảng, Vạn giá... Ông Tiếng còn gọi là Cử Thiện, quê ở Thủ Thừa, cùng hợp soạn "Cầm Ca Tân Điệu" được coi như một bộ sưu tập khá đầy đủ các bản đàn cùng lời ca Cải lương ở giai đoạn phôi thai. Tuy không biết đàn, nhưng dựa vào các Âm điệu (notes) cổ điển, Trần Phong Sắc đặt nhiều bài ca mà nhiều danh ca cổ nhạc Nam Kỳ thời đó rất ưa thích. Chẳng hạn bạn "Lưu Thủy Hành Vân" có âm điệu như vầy: "Xự cống xê xang hò, "(là) xự cống xê xang hò, "Xế xang hò (là) họ xự xang "Xế xang còn xang xê cống... Rồi Trần Phong Sắc dựa vào âm điệu đó đặt lời "Ngoạn Hứng Hoa Viên" bằng chữ Hán: "Ngoạn hứng hoa viên, hề, "Tình nguyện hứng hoa viên, hề, "Nhứt nhựt thanh nhàn thị tiện, "Lung linh đào lan mai trước..." Tập "Cầm Ca Tân Điệu" do nhà in Joseph Nguyễn Văn Viết Sài Gòn, in xong năm 1925, trong đó Trần Phong Sắc đặt nhiều bài ca như: . Lưu Thủy Hành Vân . Dạ Cổ Hoài Lang (tiền thân bản Vọng Cổ) . Long Hổ Hội . Ngũ Điểm . Bài Tạ . Khổng Minh Toạ Lầu . Tây Thi . Cổ Bản . Lưu Thủy . Phú Lục . Bình Bán . Xuân Tình . Tứ Đại Cảnh . Tứ Đại Oán . Văn Thiên Tường . Cửu Khúc Giang Nam... Dân địa phương Tân An thường kể lại một giai thoại về trận hoả hoạn lớn năm 1916, trong đó nhà ông Trần Phong Sắc nằm dưới ngọn gió lùa cháy tới, người nhờ ông biết "vẽ bùa", nên ngọn lửa trệch qua căn nhà khác. Chuyện ấy không biết đúng hay không nhưng chúng tôi cũng xin thuật lại để độc giả nghe chơi. "Năm 1916, xóm Ngã Tư bị một trận hoả hoạn lớn vào buổi chiều nắng gắt. Thời bấy giờ phương tiện cứu hoả thô sơ, không đủ sức dập tắt ngọn lửa, nên bà Hoả thiêu rụi háng trăm căn nhà lá. Heo nhốt trong chuồng cũng chết bộn, may không có tai nạn về người . Xóm hoả hoạn ấy cách nhà ông Trần Phong Sắc một cái rạch nhỏ mà ngọn gió thổi về phía nhà ông nữa. Theo nhiều người chứng kiến: Ông Trần Phong Sắc đem một cái hình nhơn cao độ vài tấc tây để trên phiến đá xanh trước cửa ngõ, tay cầm lá cờ, ông đọc điều gì như lâm râm khấn vái một chặp, đoạn phất cờ trên tay hình nộm mấy lượt. Lạ thay, ngọn lửa đương cháy mãnh liệt, hướng về nhà ông, sắp leo qua rạch tấn công mái nhà ông, rồi bỗng quay lại, tạt qua hướng khác. Trận hoả hoạn đó nhà ông thoát nạn". Có những người để lại sự nghiệp lớn cho đời nhưng ít được người đời nhắc tới mà Trần Phong Sắc là một trong những người ấy. Chú thích: (1) Chúng tôi quen gọi theo quê quán của Trần Phong Sắc là Tân An để phân biệt với cụ Nguyễn Chánh Sắt quê ở Tân châu, cũng là bút hiệu. Bút hiệu của Trần Phong Sắc là Đằng Huy. Phần 3: NGUYỄN CHÁNH SẮT (1869 - 1947) nhà văn tiền phong Nam Kỳ Hứa Hoành Nguyễn Chánh Sắt là một người tự học, một nhà văn tiền phong, một dịch giả truyện Tàu nổi tiếng ở miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Các nhà làm văn học sử từ trước đến nay, thường bỏ quên tên tuổi và sự nghiệp của cụ, hoặc chỉ nói qua được một hai dòng về sự đóng góp vào cái gia sản văn hoá đồ sộ của miền Nam. Riêng tôi, để viết lại tiểu sử của các bậc tiền bối, sống chỉ cách chúng ta trên dưới 1 thế kỷ, phải bỏ ra nhiều năm để sưu tầm tài liệu xuất xứ từ đủ mọi nguồn gốc khác nhau. Đối với Nguyễn Chánh Sắt cũng rất khó, vì trong hoàn cảnh chật hẹp hôm nay không được đến nơi chôn nhau cắt rún của cụ để hỏi thăm, sưu tầm gia phả, tài liệu, mà chỉ lượm lặt một cách rời rạc, nên chỉ có thể cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng quát về một con người trong một giai đoạn lịch sử mà thôi. Nguyễn Chánh Sắt tự Bá Nghiêm, biệt hiệu Tân Châu Du Nhiên Tử, sinh quán tại làng Long Phú, Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, sau nầy đổi là huyện Phú Tân (Châu Phú- Tân Châu) thuộc tỉnh An Giang. Nguyễn Chánh Sắt là người tự học để thành công. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng cho kẻ hiếu học. Cha mẹ ông là những người nông dân nghèo, không đủ phương tiện cho cậu bé Sắt tới trường học mặc dầu cậu Sắt đã 8 tuổi. Thấy vậy, một gia đình phú hộ trong làng hiếm con tên là Nguyễn Văn Bửu ngỏ ý với cha mẹ cậu muốn xin Nguyễn Chánh Sắt về làm con nuôi để cho ăn học. Buổi đầu, cậu Sắt được học chữ Hán với một thầy đồ trong làng, và sau đó được theo học trường Quận tại Cần Thơ. Thời gian nầy, Nguyễn Chánh Sắt được học thêm chữ Pháp. Sau bậc sơ học, Nguyễn Chánh Sắt được gia đình cha mẹ nuôi gởi xuống Châu Đốc theo học trường tiểu học Pháp Việt. Năm 17 tuổi, Nguyễn Chánh Sắt tốt nghiệp bằng Tiểu học rồi được cha mẹ nuôi cưới vợ cho ra riêng để tạo lập sự nghiệp làm ăn. người vợ ông tên Văn Thị Yến, con một Hoa Kiều, là một cô gái đảm đang, có sạp buôn bán tạp hoá tại chợ Châu Đốc, nhờ đó cuộc đời của cậu thư sinh đỡ vất vả buổi đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Chánh Sắt là một người có chí, không muốn ăn không ngồi rồi, nên lúc ở nhà rảnh rỗi, Nguyễn Chánh Sắt cố gắng tự học thêm chữ Pháp và chữ Hán. Đầu thế kỷ 20, Tân Châu là một trung tâm dệt lụa nổi tiếng khắp miền Nam. Một người Pháp tên là De Colbert đến đây lập xưởng dệt, khuếch trương công việc làm ăn. Nghe tiếng đồn Nguyễn Chánh Sắt là một thanh niên hiếu học, thông minh, nên De Colbert đến tìm Sắt và mời cậu cộng tác cho mình, giữ sổ sách xưởng dệt và làm thông ngôn trong các cuộc giao dịch với người bản xứ. Thấy Sắt là một thanh niên hiền lành, đạo đức, thông minh, nên De Colbert ngỏ ý muốn giúp đỡ cậu. Ít lâu sau, De Colbert thôi việc dệt lụa để đi làm công chức, và được đổi đi Côn Nôn (Côn Đảo), ngỏ ý muốn đem Nguyễn Chánh Sắt theo. Đó cũng là thử thách để Nguyễn Chánh Sắt có dịp giao thiệp với đời, trau dồi thêm chữ Pháp nhờ làm thông ngôn. Ba năm sau De Colbert mất, Nguyễn Chánh Sắt về Sài Gòn. Ban đầu ông xin vào làm trong Sở Canh Nông. Nghề công chức thời Pháp thuộc rất nhàn, Nguyễn Chánh Sắt dùng thì giờ nhàn rỗi viết báo, viết sách dạy chữ Hán cho học trò và thử dịch vài quyển truyện Tàu. Thấy công việc có kết quả, dần dần Nguyễn Chánh Sắt trở nên ham thích nhưng chưa đam mê. Ông Nguyễn Chánh Sắt bắt đầu viết từ năm 1918, và đến năm 1919, quyển tiểu thuyết kim thời đầu tiên được in trong "Sách Vệ Sinh Chỉ Nam" của nhà thuốc Nhị Thiên Đường ở Chợ Lớn. Tiểu thuyết ấy lấy tên là "Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên" nhưng người đương thời vẫn quen gọi là "Chăng Cà Mum". Cũng trong thời gian nầy, Nguyễn Chánh sắt được một người bạn giới thiệu vào dạy Hán Văn trong trường Taberd. Sau đó, Nguyễn Chánh Sắt được ông Canavaggio mướn trông coi sở muối ở Bạc Liêu. Canavaggio là một người Pháp ham thích hoạt động, có kiến thức, ngoài tư cách hội viên Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, còn kinh doanh nhiều nghề. Canavaggio khởi công làm ruộng ở Sốc Trăng, Bạc Liêu, chăn nuôi trâu bò, làm đại lý mua bán muối, nuôi tằm dệt tơ lụa ở Tân Châu. Chính Canavaggio có vựa bán muối trong chợ Cầu Muối, đồng thời cũng là người làm chủ tờ báo "Nông Cổ Mín Đàm" Năm 1905, Nguyễn Chánh Sắt bắt đầu viết cho tờ "Nông Cổ Mín Đàm" rồi đến năm 1906 ông làm chủ bút "Lục Tỉnh Tân Văn". Cũng bắt đầu từ đó, Nguyễn Chánh Sắt tham gia phong trào Duy Tân ở miền Nam do Trần Chánh Chiếu phát động, lấy tên "cuộc Minh Tân". Tuy không phải là một nhà cách mạng của phong trào, nhưng trong lãnh vực văn hoá, tư tưởng, Nguyễn Chánh Sắt cùng với Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thành Út, Đặng Thúc Liêng... đã cổ võ cho công "cuộc minh tân", kêu gọi các điền chủ, công chức thức tỉnh, đem tiền của để hùn hạp buôn bán, cạnh tranh quyền lợi với Hoa Kiều và Ấn Độ. Trên mặt báo, Nguyễn Chánh Sắt viết những lời cổ động dân chúng theo cuộc "minh tân", đang liên tục nhiều tháng trên "Lục Tỉnh Tân Văn". Thời gian nầy công ty "Nam Tân Minh Công Nghệ" thành lập năm 1908, gồm nhiều cổ phần, đa số là điền chủ và công chức, trụ sở đặt tai Mỹ Tho là một đầu mối giao thông về Miền Tây. Hồi đó đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho đưa các điền chủ, thầy cai tổng, ông Hội đồng ... ghé chợ Mỹ Tho nghỉ ngơi trong các khách sạn. Đêm đêm họ hưởng thú vui cao lâu, nghe ca hát ra điệu bộ, rồi sáng hôm sau mới xuống tàu lục tỉnh về quê. Chuyến trở lên cũng vậy. Họ ghé Mỹ Tho nghỉ ngơi cho khoẻ để sáng hôm sau đáp xe lửa đi Sài Gòn. Trong công ty nầy có 2 khách sạn: - Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho - Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn. Về chính trị, tờ "Lục Tỉnh Tân Văn" cũng công khai chỉ trích chế độ thuộc địa. Về kinh tế, "Lục Tỉnh Tân Văn" chủ trương giành quyền lợi cho người bản xứ, kêu gọi các nhà thương nghiệp Việt Nam thành lập các xí nghiệp, cổ động dân chúng tiêu thụ hàng nội hoá, giảm bớt mua hàng nước ngoài và chống lại sự chèn ép kinh tế của các nhà tư bản ngoại quốc. Tờ "Lục Tỉnh Tân Văn" còn nhiều lần kêu gọi đồng bào "Nên tự trách mình, nên bỏ những lối ăn nết ở không hợp..." Đến năm 1909 thủ lãnh phong trào là Gilbert Trần Chánh Chiếu bị bắt, phong trào suy sụp dần, rồi đến năm 1912, Nguyễn Chánh Sắt trở xuống Bạc Liêu làm ruộng. Nhưng 4 năm sau, Nguyễn Chánh Sắt trở lên Sài Gòn làm chủ bút "Nông Cổ Mín đàm". Năm 1920, ông trở về quê ở Tân Châu, được dân chúng tín nhiệm, cử ông chức Hương Quản làng Long Phú. Nhưng chỉ sau một năm, Nguyễn Chánh Sắt lại trở lên Sài Gòn rồi đắc cử Phụ thẩm Toà Án Sài Gòn, được phong Huyện danh dự (huyện hàm), nên dân chúng Tân Châu còn gọi là "Ông Huyện Sắt". Thời gian ở Tân Châu, Nguyễn Chánh Sắt có mướn một người ở đợ, tên là Ba Quốc. Một hôm Ba Quốc không chịu làm việc, cứ ngồi một nơi "tơ tưởng" chuyện trên trời dưới đất, được dân chúng hưởng ứng, gọi là "Ông đạo Tưởng". Đạo Tưởng gởi thơ cho Tham Biện Châu Đốc, yêu cầu cung cấp súng đạn để ông ta dẫn đồng đạo qua Pháp đánh Đức. Chuyện "Ông đạo Tưởng", chúng tôi có kể sơ trong bài "Bùa ngải, thư ếm", xin miễn kể lại. Cuộc đời ông Nguyễn Chánh Sắt hiếu động, dời chỗ luôn, nhưng dù bất cứ vị trí nào ông cũng tỏ ra là một người giàu nghị lực, siêng năng hoạt động và là một người biết giữ phẩm cách ,đạo đức. DỊCH GIẢ TRUYỆN TÀU Phong trào dịch truyện Tàu ở Nam Kỳ bắt đầu từ năm 1901 cho đến năm 1932, có trên 30 dịch giả tên tuổi, nhiều bản dịch có giá trị được dân chúng mê đến nỗi muốn thuộc lòng từng đoạn. Những bộ truyện nổi danh suốt nửa thế kỷ qua là "Đông Châu Liệt Quốc", "Tam Quốc Chí", "Thủy Hử"...Trong khoảng hơn 30 dịch giả đã dịch trên 70 quyển truyện Tàu, chúng tôi thấy tên các người dịch sau đây: - Trần Phong Sắc - Nguyễn Văn Thạnh - Nguyễn Chánh Sắt - Trần Thị Sĩ - Nguyễn An Khương - Đào Xuân Trinh - Nguyễn An Cư - Tô Chẩn - Nguyễn Liên Phong - Nguyễn Công Kiều - Lê Sum - Cosme Nguyễn Văn Tài - Lê Duy Thiện - Nguyễn Kim Đính - Phạm Minh Kiên - Nguyễn Bá Thời - Trần Hữu Quang - Trần Công Danh - Nguyễn Hữu Sanh - Phạm Thành Kỉnh - Huỳnh Trí Phú - Trần Quang Xuân - Huỳnh Công Giác - Phạm Văn Điền - Hoàng Minh Tứ - Trương Minh Chánh - Nguyễn Văn Hiển - Trần Xuân - Phạm Thị Phượng (La Thông tảo Bắc) - Nguyễn Kỳ Sắt .... Trong số các dịch giả kể trên, nổi tiếng và dịch nhiều nhứt là hai ông Trần Phong Sắc và Nguyễn Chánh Sắt, mỗi người dịch độ 20 quyển, có bộ lên tới 1000 trang...Truyện Tàu xuất hiện lần đầu tiên năm 1904, đó là quyển "Tam Quốc Chí", đăng trên "Nông Cổ Mín Đàm". Bộ truyện đồ sộ nhứt là "Đông Châu Liệt Quốc" khoảng 15 cuốn, có nhiều dịch giả, trong đó có Nguyễn Chánh Sắt. Họ dịch lai rai suốt 23 năm, bắt đầu từ năm 1906 đến 1929. Những người cùng dịch "Đông Châu Liệt Quốc" gồm: Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Kiều, Trần Đình Nghi, Nguyễn Kỳ Sắt. Còn về nhà in, quyển "Đông Châu Liệt Quốc" cũng có đến 4 nhà in khác nhau: - Năm 1906 in tại IMP Saigonnais - Quyển 3 do Hùynh Kim Anh dịch, in tại nhà in Phát Toán - Quyển 7 do Huỳnh Kim Anh dịch, in tại nhà in Imp Schneider - Quyển 14 do Huỳnh Kim Anh dịch, in tại nhà in "Xưa Nay" của Nguyễn Hào Vĩnh. Bộ "Tái Sanh Duyên" do Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn Văn Đẩu dịch tới quyển 11. Ngoài ra Nguyễn Chánh Sắt còn dịch bộ "Chung Vô Diệm"...(1)
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:56:17 GMT 9
MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI VIẾT TIỂU THUYẾT SỚM NHẤT NAM Kỳ Từ trước đến nay, nhiều sách văn học nước nhà không dành cho Nguyễn Chánh Sắt một địa vị xứng đáng vì sự đóng góp của ông đối với nền văn học còn trong thời kỳ phôi thai. Cũng ở trong trường hợp đó, chúng ta còn phải kể thêm nhiều tác giả khác như Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu (Mộng Huê Lầu), Biến Ngủ Nhy (Nguyễn Bính), Trương Duy Toản...Dưới đâu là bảng liệt kê những tiểu thuyết, tuồng hát bộ do Nguyễn Chánh Sắt soạn: - Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên (Kim thời tiểu thuyết, in năm 1919) - Gái Trả Thù Cha, in năm 1920 - Tài Mạng Tương Đố, in năm 1925 - Tình Đời Ấm Lạnh (in trong "Thiên Sanh Đường" đại dược phòng) - Lòng Người Nham Hiểm, in năm 1916 - Man Hoang Kiếm Hiệp (nhà in Đức Lưu Phương) - Giang Hồ Nữ Hiệp (nhà in Đức Lưu Phương) - Trinh Hiệp Lưỡng Mỹ - Việt Nam Lê Thái Tổ - Các tuồng hát bộ: Đinh Lưu Tú, Sài Gòn 1919, nhà in Imp. J. Viết. Ngoài ra, Nguyễn Chánh Sắt còn là tác giả của vài cuốn sách dạy chữ Hán cho trẻ em. Trong các quyển tiểu thuyết kể trên, tác phẩm đầu tay "Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên" (Chăng Cà Mum) sáng tác năm 1918, in năm 1919, lấy bối cảnh một mối tình xảy ra vùng biên giới Việt Miên, in trong cuốn sách quảng cáo thuốc "Nhị Thiên Đường" ở Chợ Lớn. Truyện "Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên" được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Nhơn vật chính, cô gái tên Chăng Cà Mum, gốc người Việt bị bắt đem bán cho Mẹ Sốc trên đất Miên. Quyển truyện nầy nổi tiếng đến mức nhiều độc giả viết thơ cho ông , chỉ cần đề tên "Mr. Chăng Cà Mum" và địa chỉ thì thơ cũng tới nơi, không sai lạc. Tên "Chăng Cà Mum" trở thành cái tên phổ thông cho tất cả phụ nữ Khmer. Vì giá trị quyển tiểu thuyết ra đời cách nay hơn 70 năm, rất ăn khách, nên chúng tôi xin phép tóm lược cốt chuyện để độc giả có một cái nhìn về quan niệm viết tiểu thuyết hồi xưa, đồng thời thấy được văn phong, luân lý của tác giả. Các tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt lấy đề tài xã hội đương thời, thực tế, viết theo lề lối tiểu thuyết Tây Phương, dùng lối văn xuôi bình thường, đánh dấu bước chuyển mình của loại văn học mới miền Nam. Sau đây, xin tóm lược cốt chuyện "Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên": "Lâm Trí Viễn, quê tại xép Cơ-Tầm Bon (tác giả cho biết ở dưới tỉnh thành Châu Đốc chừng sáu, bảy ngàn thước), cha mẹ gởi trọ học tại nhà người bà con tại tỉnh thành. Gặp Đào Phi Đáng, Lâm Trí Viễn đem lòng yêu. Đào Phi Đáng là con gái của một người Triều Châu, buôn bán tại Nam Vang. Cha mẹ mất, Đào Phi Đáng được dì ruột ở Chui-Chèn-Oa đem về nuôi nấng. Khi trổ mã con gái, Đào Phi Đáng ham vui, theo chúng bạn, mang tiền bạc trốn khỏi nhà dì, xuống Châu Đốc, và được một người đàn bà bán cá tôm ngoài chợ cho trú ngụ trong nhà Một hôm, Lâm Trí Viễn đọc báo thấy có tin một người giàu có ở Tân Châu tên là Trịnh Thế Xương, vợ mất sớm, chỉ có một đứa con gái tên Trịnh Phương Lang, hình dung yểu điệu, phía bên trái có một cái bớt bằng ngón tay cái mà tròn. Lúc Trịnh Phương Lang mới lên 6 tuổi, chợ Tân Châu bị hoả hoạn, nên cô bị thất lạc . Từ đó đến nay đã 12 năm biệt tích vắng tăm. Trịnh Thế Xương đăng báo rao khắp lục tỉnh nếu ai biết tung tích Trịnh Phương Lang, tìm đem về cho ông ấy, sẽ được đền bù 2000 đồng bạc (lúa lúc đó giá 2 cắc một giạ, một đồng bạc mua được 5 giạ lúa) Lâm Trí Viễn bày cách cho Đào Phi Đáng giả làm Trịnh Phương Lang, về lại ăn cắp tiền của cha mẹ cùng Phi Đáng lên Sài Gòn, nhờ một người làm nghề thay răng tên Cao Quốc Thủ, dùng xảo thuật tạo dịch cái bớt son giả cho Phi Đáng. Phi Đáng về, đi xuồng, giả bị chìm ở phía sau thành phố Châu Đốc, rồi "tình cờ" Lâm Trí Viễn đi ngang qua đó ra tay nghĩa hiệp, cứu nàng. Rồi Lâm Trí Viễn viết thơ báo cho Trịnh Thế Xương biết rằng mình vừa cứu được một cô gái có đặc điểm giống như cô gái của ông đã rao mất lạc, đăng trên nhựt báo. Lâm Trí Viễn đưa cô Đáng lên nhà gặp Trịnh Thế Xương, và cô tự xưng tên là Lang. Ông Trịnh Thế Xương không ngờ gì cả, nhận đó là con mình. Dì Tư bán cá có công đùm bọc cho Phi Đáng, được đền ơn 100 đồng bạc. Phần Trí Viễn được mời đến nhà hậu tạ 2000 đồng và hai cây lụa Tân Châu. Khi đó, có một người tên Trần Trọng Nghĩa, quê ở Mỹ Tho làm thông ngôn Dây Thép (Bưu Điện) đổi về nhà giấy Tri Tôn (Xà Tón). Nghĩa mới 20 tuổi, cha mẹ mất sớm, chưa vợ con. Nho học, Tây học đều thông, nghề võ, đánh quyền cũng giỏi. Mỗi tuần vào chúa nhựt, Trần Trọng Nghĩa giao nhà cho đứa ở tên thằng Mốc coi giữ, mang súng, cưỡi ngựa lên núi một mình săn bắn và ngao du, xem phong cảnh. Một hôm, mải theo đuổi thú săn, đến gần núi Cô Tô, thấy bên mé rừng có người con gái Cao Man cỡi trâu chạy như bạy, phía sau có hai con beo rất to đuổi theo. Trọng Nghĩa bắn chết 2 con beo, kêu cô gái lại hỏi thăm và ngạc nhiên khi cô trả lời bằng tiếng Việt rất trôi chảy. Nàng cho biết ba nàng bắt đi chăn trâu đã tám, chín năm nay chưa bị beo rượt lần nào. Lân nầy may nhờ chàng cứu sống. Trọng Nghĩa nhìn nàng, đoán thầm là người Việt hoặc có ai đó bắt bán lên Cao Man, hay cũng có duyên cớ chi đây. Vừa cất lời hỏi, nàng chưa kịp trả lời, bỗng thấy một người Cao Man từ trong mé rừng hăm hở chạy ra, vẻ mặt giận dữ, xốc lại xô nàng và chỉ tới, hình như biểu nàng phải về. Nàng mặt mày thất sắc, riu ríu đuổi trâu về. Trọng Nghĩa về nhà trằn trọc cả đêm, rồi từ đó, cứ mỗi chúa nhựt giả đi săn bắn vào chỗ cũ để mong gặp lại nàng. Đến đây tác giả cho biết nàng tên Chăng Cà Mum, đầy tớ của một người Cao Man tên là Thạch Ung, làm Mẹ Sốc, cai quản vùng ấy, tính tình hung bạo, sâu độc, thường đày đoạ Chăng Cà Mum, đánh đập làm nàng khổ sở nhiều bề. Thạch Ung lại có đứa con trai tên Thạch Quýt, hình dung cổ quái, muốn lấy Chăng Cà Mum làm vợ, nên mỗi khi cha mẹ la rầy Chăng Cà Mum thì hắn thường kiếm lời che chở, nhờ vậy cũng đỡ cho Chăng Cà Mum khỏi chịu phần roi vọt. Một bữa, Trọng Nghĩa gặp lại Chăng Cà Mum trong rừng. Hai người chuyện trò thân mật. Khi được hỏi về lai lịch, nàng cho biết mình vốn là người Việt Nam tên Lang, hồi lên 6 tuổi bị người ta bắt cóc đưa xuống ghe chở đi rồi đem tới sóc nầy mà bán cho lão Mẹ Sốc. Trọng Nghĩa hứa có dịp sẽ đưa nàng về miệt ngoài, rồi thăm dò tin tức xem cha nàng là ai, sẽ giao nàng cho ông . Từ đó, ngày chúa nhựt nào hai người cũng đến chỗ hẹn hò mà trò chuyện với nhau.. Trọng Nghĩa dạy nàng học chữ quốc ngữ. Sau thấy nàng có khiếu thông minh, liền dạy qua chữ Pháp. Ngày qua tháng lại, thấm thoát đã 2 năm trời, nàng học chữ Pháp cũng vừa thông chút đỉnh. Lúc ấy Trịnh Thế Xương phó thác nhà cửa cho người cháu kêu bằng cậu là Triệu Bất Thanh để dắt con gái là Trịnh Phương Lang giả, tức Đào Phi Đáng đi du lịch Hà Tiên. Tình cờ ghé lại Châu Đốc, gặp ông Trần Trọng Nghĩa làm quen với chàng, được chàng hướng dẫn đi thăm cảnh núi Cô Tô. Trong lúc mải mê săn bắn, Trịnh Thế Xương đứng lại ngắm một bàu sen. Bỗng thấy một nàng con gái từ dưới bàu sen, tay cầm 3 đoá hoa sen, xâm xâm bước tới trước xe, dâng cho Trịnh Thế Xương. Trịnh Thế Xương thấy nàng tuy quần áo rách rưới, nhưng hình dung yểu điệu, lại thêm lời nói dịu dàng nên chạnh lòng thương xót, lấy 5 đồng bạc trao cho nàng để thưởng công. Nàng từ chối, không lãnh, tạ ơn rồi lùa trâu đi. Đào Phi Đáng thấy vậy, trong lòng ganh ghét , song chẳng nói ra. Sáng hôm sau, Trịnh Thế Xương và Đào Phi Đáng từ giã Trọng Nghĩa rồi đi Tịnh Biên. Trong lúc ấy tại nhà Thạch Ung, Thạch Quýt xin cha mẹ ép Chăng Cà Mum làm vợ hắn. Chăng Cà Mum giả vờ nhận lời, rồi thừa lúc nửa đêm, lén bắt một con bò nhảy phóc lên lưng, chạy như bay ra Xà Tón. Trọng Nghĩa lầy quần áo của mình cho nàng cải trang, rồi tự cầm cương ngựa đánh xe đưa nàng qua Tịnh Biên tìm ông Trịnh Thế Xương. Sau khi nghe Trọng Nghĩa kể lai lịch Chăng Cà Mum, ông Trịnh Thế Xương sẵn sàng nhận nàng làm dưỡng nữ, đặt tên là Nhị Quế. Đào Phi Đáng kiếm lời ngăn cản, nhưng vô hiệu quả. Nhị Quế được cấp cho một đứa ở tên Thị Phụng. Từ đó ngày ngày Nhị Quế học ươm tơ dệt lụa, nấu ăn, làm bánh mứt, thêu thùa may vá, chưa đầy 3 tháng mà nghề nào cũng khéo, nên được mọi người đem lòng thương mến. Thừa dịp Trịnh Thế Xương bỏ quên chìa khoá, Triệu Bất Thanh lén mở tủ lấy 1000 đồng. Nhị Quế gặp Bất Thanh trong phòng cha nuôi và Thanh năn nỉ đừng tiết lộ, vì cậu y có lịnh cấm y vào phòng. Vì Nhị Quế giữa lời hứa nên khi ông Trịnh Thế Xương hay mất tiền, hỏi cả hai người con, Phi Đáng kiếm lời vu khống cho Nhị Quế. Nhờ Thị Phụng cho biết Triệu Bất Thanh quyết hại mình, nên tính ở lâu không tiện, chờ đêm khuya trốn đi, để lại tất cả áo quần của cha nuôi sắm cho, chỉ mặc bộ đồ giả dạng con trai của Trọng Nghĩa lúc trước. Thị Phụng đưa Nhị Quế đến nhà bà Năm Thọ là mẹ nàng để nương tựa. Sau khi đọc thư Nhị Quế để lại, Trịnh Thế Xương khóc ròng, liền giục tôi tớ đi kiếm khắp nơi mà không được tin tức chi hết. Ở nhà bà Năm Thọ, Nhị Quế nhờ em Thị Phụng là thằng Bưởi đem thơ báo tin cho Trọng Nghĩa ở Tri Tôn. Nửa đường hắn bị Thạch Quýt đón bắt, đoạt bức thơ của Chăng Cà Mum, xem xong trả lại, chỉ hỏi tên thằng Bưởi rồi thả nó đi. Tìm đến nhà thằng Bưởi, Thạch Quýt cho một người Việt Nam ở dưới ghe của hắn, nói dối là Trọng Nghĩa sai đến rước Chăng Cà Mum. Khi Chăng Cà Mum xuống ghe, thình lình Thạch Quýt ở dưới khoang chun lên, bắt Chăng Cà Mum đè xuống, nhét khăn vô họng, trói lại, bỏ xuống khoang chở về Xà Tón. Bỗng Trọng Nghĩa xuất hiện, nhảy phóc xuống ghe, đánh nhau với Thạch Quýt, hạ hắn, rồi mở trói cho Chăng Cà Mum.. Trọng Nghĩa tính giao Thạch Quýt cho làng trị tội, thì bỗng gặp ghe của Trịnh Thế Xương tới, trên đường đi du lịch cho giải khuây. Hai cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau khi nghe Trọng Nghĩa kể đầu đuôi, Trịnh mắng Thạch Quýt sao dám bắt con gái mình. Thạch Quyét chỉ Chăng Cà Mum nói rằng cô nầy là con nuôi của cha hắn, hồi trước có người ở Tân Châu chở qua Xà Tón mà bán cho cha hắn hồi cô ta mới 6 tuổi, nghe nói tên cô ấy là Lang. Trịnh Thế Xương nghe tên Lang thì sửng sốt, sẵn cái áo của Chăng Cà Mum vùng vẫy khi nảy mà rách một đường, Trịnh Thế Xương liền vạch ra coi, thì thấy cái bớt son nơi vai trái. Khi Trịnh Thế Xương tỏ ra thắc mắc vì cô gái ở nhà cũng tự xưng là Trịnh Phương Lang có cái bớt son, thì Thị Phụng cho biết cái bớt son của cô Hai ở nhà là cái bớt giả, cách nay mấy bữa, nó đã bay mất. Trịnh Thế Xương mở trói, tha cho Thạch Quýt, đưa con trở về Tân Châu. Đào Phi Đáng biết lộ chuyện, nhơn đêm khuya, mở rương lấy hết quần áo, vòng vàng, chuỗi hột, túm lại một gói rồi lỏn ra ngả sau trốn mất. Khi Trọng Nghĩa qua Tân Châu, Trịnh Thế Xương kể cho chàng biết tự sự, rồi quyết định gả Phương Lang cho chàng. Triệu Bất Thanh bị ông Xương cậy làm tờ từ, rồi đuổi ra khỏi nhà, cuốn gói lên Nam Vang, đến sau trôi nổi lên Biển Hồ, không biết đi đâu biệt tích. Đào Phi Đáng qua Châu Đốc, quyết tìm Lâm Trí Viễn, lúc nầy đã lên Sài Gòn học. Phi Đáng lên tuốt Sài Gòn hỏi thăm Lâm Trí Viễn mới biết cậu ta bị đau trái trời mà chết cách 3 ngày trước. Sau đó Đào Phi Đáng trở thành gái điếm, sao vào chốn lầu xanh, bị lây chứng ác mà bỏ mạng. Sau khi thành hôn, Trọng Nghĩa và Phương Lang sắp đặt việc hợp tác cho thằng Mốc và Thị Phụng. Về sau con trai của Trọng Nghĩa học giỏi, được du học bên Tây". Đây là quyển tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử, xã hội thực tế. Việc cháy chợ Tân Châu xảy ra năm 1910 khiến nhiều gia đình ly tán, việc Lâm Trí Viễn theo trọ học ở tỉnh thành Châu Đốc cũng là hoàn cảnh của tác giả, rồi khung cảnh địa lý, vùng Miên Việt. Tóm lại, những sự kiện thật, mới lạ, lần đầu tiên được đưa lên tiểu thuyết, vì lẽ đó người ta coi đây là quyển tiểu thuyết đánh dấu bước chuyển biến quan trọng từ cũ sang mới. Chú thích: (1) Cụ An Khê Nguyễn Bính Thinh, nhà văn và cũng là nhà cách mạng, bạn của người cháu ngoại của Nguyễn Chánh Sắt, tên Trân Xuân Nam, bút hiệu Trọng Tâm, có lần kể cho cụ nghe về Nguyễn Chánh Sắt: Một lân về Tân Châu thăm ông ngoại, Trần Xuân Nam kể chuyện họp bạn văn chương ở Sài Gòn cho cụ nghe, cụ vuốt râu cười: - Mấy cháu tha thiết đến chữ Quốc Ngữ như thế là tốt. Tương lai của dân mình tùy thuộc phần lớn ở tiếng nói và chữ viết của nước mình. Không lẽ học tiếng nước ngoài bỏ tiếng nước mình để làm đầy tớ cho Tàu rồi lại làm đầy tớ cho Tây mãi sao ? Một hôm cụ hỏi Trần Xuân Nam có đọc truyện Tây Du của cụ dịch không? Đoạn văn nào anh ưa nhứt? Nam hóm hỉnh trả lời: - Con ưa chỗ ngoại viết là "Tề Thiên Đại Thánh nhảy lên mây và nghĩ thầm rằng...." . Ngoại còn giỏi hơn ông Tề nữa, vì ổng nhảy cao tận mây xanh mà ngoại cũng biết ổng nghĩ thầm thế nào..!" (Tài liệu do nhà văn An Khê gởi cho tác giả) (Rút trong khởi thảo "Nhân Vật Lịch Sử, Chính Trị, Văn Hoá miền Nam" Tự Điển) Phần 4: CÔ BA TRÀ, HUÊ KHÔI NAM KỲ Hứa Hoành Tài liệu để viết bài nầy gồm nhiều loại có xuất xứ khác nhau, chúng tôi sưu tầm và lưu giữ trong nhiều năm. Trước hết là tư liệu do một người bạn vong niên là cụ Nguyễn Văn Vực cung cấp, hay kể lại trực tiếp. Cụ Vực là một người đam mê các chuyện cổ, có trí nhớ phi thường, nhứt là những chuyện cụ nghe, thấy ở Nam Kỳ. Tài liệu của cụ chỉ thua cụ Vương Hồng Sển mà thôi. Cụ Nguyễn Văn Vực từng giữ chức Chánh sự vụ Sở thông tin đô thành Sài Sòn dưới thời Tổng Thổng Ngô Đình Diệm, và từng ra ứng cửa dân biểu Quốc Hội khoá I (1956) với dấu hiệu "Cái Nón Lá". Tổng kết số phiếu cụ đứng hạng nhì sau ông Hà Như Chi, người của chính quyền. Tài liệu mới nhứt là quyển "Sài Gòn tạp-pín-lù" của cụ Vương Hồng Sển, mới xuất bản bên nhà, do nhà văn Phạm Thăng nhã ý cho mượn. Mới đây do một sự tình cờ may mắn, tôi lại quen được với một gia đình là thân nhân của Cậu Tư Phước George, đó là ông bà Thái K.C. Tôi đến tận nhà để được nghe ông bà kể nhiều chi tiết về cuộc đời "Cậu Tư Phước George", xem nhiều hình ảnh liên quan mà ông bà còn giữ được, cũng như các giai thoại về cuộc ăn chơi của Cậu Tư lúc qua Pháp du lịch. Ông bà Thái K.C. là cháu của bà kế mẫu Cậu Tư Phước George, tức bà thứ thất của ông Đốc Phủ Lê Công Sủng, thân phụ Cậu Tư Phước George, tức Lê Công Phước. Khi du học bên Tây, Cậu Tư có một người bạn đồng hành, đó là ông Thái Minh Phát, em của bà thứ thất kể trên. Theo vai vế trong gia đình, Cậu Tư phải gọi ông Thái Minh Phát bằng "cậu" vì em của mẹ (mẹ ghẻ). Tôi rất tiếc không tìm thấy hình Cậu Tư trong những tấm ảnh hiếm hoi của gia đình nầy. Trong chương I, tức phần bối cảnh chung của lịch sử Nam Kỳ vào mấy thập niên đầu của thế kỷ 20 chúng tôi sử dụng một phần lớn trong quyển sách nhan đề "The French present in Cochinchina and Cambodia" của tác giả Milton E. Osbone, tiến sĩ sử học Đông Nam Á tại đại học đường Cornell. Ngoài ra còn nhiều tài liệu rời rạc khác hoặc do chính một người trong cuộc kể lại (công tử Út Nhu), một số sách báo cũ. Tác giả xin trân trọng gởi đến quý vị có phương danh nêu trên lòng biết ơn chân thành. Riêng với độc giả mặc dầu đã cố gắng nhiều, nhưng chắc chắn chúng tôi không khỏi thiếu sót, sai lầm không cố ý, kính xin quý vị niệm tình tha thứ và chỉ dạy thêm, chúng tôi xin đa tạ..
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:57:01 GMT 9
Chương Một BỐI CẢNH NAM KỲ VÀO MẤY THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ 20 Tất cả những sự kiện được viết lại trong bài nầy đều xảy ra vào những năm sau Thế Chiến Thứ Nhứt (1914-18), cho tới khi Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu (1939-45). Các chi tiết trong chương bối cảnh, sẽ đề cập rõ ràng đến sự giàu có lớn nhờ ruộng đất của các ông đại điền chủ vi chánh sách nâng đỡ của người Pháp, và nhứt là thế lực cũng như đặc quyền của các ông Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Những điều đó, cùng với việc đào kinh, gia tăng diện tích lúa trúng mùa sẽ giúp chúng ta nhận ra cái không khí ăn chơi của con cái nhà giàu, và góp phần cắt nghĩa hiện tượng đặc biệt của xã hội Nam Kỳ, một hiện tượng độc đáo mà trước đó và sau đó không bao giờ có. Trong chương nầy, chúng ta sẽ nhận thấy nguồn gốc sâu xa của sự biến đổi xã hội nông nghiệp Nam Kỳ thành một nền kinh tế hàng hoá phồn thịnh kỳ lạ vào các năm 1927, 1928, 1929. Cái bối cảnh giao thời giữa hai nền văn hoá mới cũ đã tạo ra những hiện tượng ít ai tiên đoán được. Cùng một lò sản xuất, nhưng người thanh niên thời ấy trở thành những kiểu mẫu khác nhau. Giàu có lớn, tiền bạc dư thừa, những gia đình ấy có cuộc sống xa xí, tạo ra một hạng người ngồi không ăn chơi thoả thích: Công tử. Về mặt khác như chính trị, kinh tế, văn hoá, chúng tôi chỉ lược qua các sự kiện tiêu biểu. Về lịch sử, chính trị chúng tôi nói ít vì có nhiều sách báo đề cập rồi, nói nhiều sẽ nhàm chán. Trong phần kinh tế, chúng tôi sẽ kể một số chi tiết về những hãng xưởng đầu tiên do người Pháp lập ra ở Nam Kỳ. Chúng tôi cũng kể sơ lược các nhà giàu lớn ở vài tỉnh miền Nam thời đó.. Họ làm giàu nhờruộng đất, đồn điền, mở xí nghiệp...có tài sản lớn. Chính họ và lớp con cháu họ đã tạo ra một hiện tượng mới, làm biến đổi xã hội miền Nam hồi Tây mới qua. Về giáo dục, chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn. Lóp thanh nhiên Việt Nam đầu tiên du học bên Algérie, bên Pháp vào cuối thế kỷ 19 là những ai? Những người Việt Nam đầu tiên nhập tịch Pháp là những người nào? Lớp con cháu họ sẽ đóng những vai trò chính trị quan trọng trong thế hệ kế tiếp. Đó là lớp trí thức mới, hấp thụ văn hoá Tây phương, thay thế cho lớp nho sĩ cũ đang tàn tạ dần. Tùy theo lãnh vực, cá tính, hoàn cảnh mà họ sẽ là những nhà nghiên cứu, công chức (chủ quận, Hội Đồng, Cai tổng...) hay công tử ăn chơi, hay trở thành những thanh niên yêu nước, có lý tưỏng, tích cực hoạt động chống Pháp trong giai đoạn mới. Lớp thanh niên mới còn là những luật sư, bác sĩ, kỹ sư, chánh án, Hội Đồng địa hạt...Trước hết về chính trị, từ khi Thế Chiến Thứ Nhứt chấm dứt, thuộc địa Nam Kỳ bước qua một giai đoạn mới: giai đoạn khai thác kinh tế của người Pháp. So với Bắc và Trung, đời sống dân Nam Kỳ cao hơn, và cũng khá hơn từ những năm trước. Thời kỳ nầy Nam Kỳ rất ổn định. Chỉ trong thập niên đầu của thế kỷ 20, nhờ các kinh đào mà diện tích đất canh tác ở Nam Kỳ tăng gấp đôi. Trong khi chiến tranh 1914-18, hàng hoá của Pháp bị gián đoạn với các thuộc địa. Tại Việt Nam, nhiều người Việt giàu, có sáng kiến, dám bỏ vốn làm ăn nhiều ngành khắp Sài Gòn và Nam Kỳ Lục Tỉnh. Thắng lợi của Pháp trong Thế Chiến I làm gia tăng ảnh hưởng và uy tín của họ tại thuộc địa Đông Dương. Nhiều người Việt tin rằng Pháp sẽ nới rộng chính sách cai trị cho phù hợp với nguyện vọng và công ơn của dân chúng Việt Nam đã góp tiền, góp xương máu để họ chiến thắng. Nếu như ở miền Trung và miền Bắc có những cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ mà cao điểm là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái, thì tại Nam Kỳ, các phong trào tranh đấu giành độc lập không còn xuất hiện dưới hình thức cũ nữa. Con cái các điền chủ được qua Pháp du học tăng dần. Lớp thanh niên mới, hấp thụ văn hoá Pháp chính là những người lãnh đạo các phong trào tranh đấu chống thực dân ở miền Nam. Khi chọn thanh niên bản xứ cho qua Pháp, dĩ nhiên họ lựa những con cháu các người đã có công và trung thành với họ, để đào tạo thành những tay sai đắc lực. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cây đắng sanh trái ngọt. Cậu Hai Miêng (Huỳnh Công Miêng), con trai Lãnh binh Huỳnh Công Tấn về nước một thời gian, bất hợp tác với Pháp, còn chống đối Pháp tiêu cực. Một trường hợp điển hình khác là ông Nguyễn Thế Truyền, cháu của Tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hân. Mặc dầu ông nội cậu, Nguyễn Duy Hân là một người thân Pháp, nhưng sau khi thành tài, Nguyễn Thế Truyền trở thành một nhà cách mạng, suốt đời hy sinh cho lý tưởng. Thấy phương pháp tranh đầu cũ lỗi thời, thất bại như cuộc khởi nghĩa non nớt của Phan Xích Long, phong trào Đông Du... đều bị đàn áp dã man, lớp thanh niên tân học áp dụng câu "lấy độc trị độc". Học văn hoá Pháp để chống lại người Pháp. Biến cố vua Khải Định, băng hà ở Huế không làm cho dư luận Nam Kỳ chú ý. Họ rất thờ ơ. Tuy vậy, dân chúng miền Nam rất hăng say tranh đấu đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và nhứt là biểu dương sức mạnh hùng hậu trong lễ quốc táng nhà ái quốc Phan Chu Trinh. Sống dưới chế độ thuộc địa gần 50 năm, Nam Kỳ có nhiều thói quen, tập quán và tự do hơn Bắc và Trung Kỳ. Trong hai thập niên 1920-30, chúng ta thấy có mấy biến cố chính tiêu biểu: - Trước tiên là hội kín Nguyễn An Ninh (1900-43). Sinh trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Nguyễn An Ninh là một thanh niên có lý tưởng cao cả và suốt đời đam mê phục vụ cho lý tưởng ấy. Từ bỏ phú quý, từ bỏ nếp sống quen thuộc của hạng con nhà giàu, nhứt là sau khi đậu Cử nhân Luật khoa ở Pháp về, Nguyễn An Ninh cương quyết từ bỏ sự cám dỗ của quan trường mà Pháp hứa hẹn, ông lập ra một phong trào quần chúng, nông dân để cải tổ xã hội. Ông là nhà cải cách xã hội đầu tiên dựa vào lực lượng lao động. Ông chỉ trích chế độ của Pháp, đồng thời kêu gọi cải tạo xã hội phong kiến của ta. Theo ông, văn minh động đích Tây phương có thể kết hợp với văn minh tĩnh chỉ Đông phương. Phong trào, hay hội kín Nguyễn An Ninh bắt đầu từ bài diễn văn "Cao vọng của thanh niên" tại trụ sở Hội Khuyến Học ở Sài Gòn vào năm 1923. Xuất phát từ Hóc Môn, Bà Điểm, nhưng phong trào bành trướng mạnh ở các tỉnh miền Nam nhưTân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh. Hội kín Nguyễn An Ninh cũng gây tiếng vang lớn, được nhiều người tham gia làm cho thực dân Pháp điên đầu. - Kế tiếp là cuộc tiếp đón ông Bùi Quang Chiêu, lãnh tụ đảng Lập Hiến vào năm 1926. Cuộc tiếp đón đó có một ý nghĩa chính trị trọng đại và tầm mức to lớn. Tập họp sức mạnh và biểu dương ý chí tranh đấu trước mặt thực dân. Lần đầu tiên, thanh niên trí thức Nam Kỳ dám tập họp thành đám đông (60000 người), giương cao những tấm biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu đòi tự do, dân chủ. Dịp nầy, thanh niên cũng làm áp lực với Pháp: " Hãy thả Nguyễn An Ninh! Hãy thả Nguyễn An Ninh!" Cuộc biểu tình đón tiếp ông Bùi Quang Chiêu làm cho bọn Tây thực dân chủ đồn điền, chủ xí nghiệp tức tối. Chúng hò hét la ó, chỉ trích cả Toàn Quyền A. Varenne. Vào ngày 24 tháng ba 1926, một lực lượng hùng hậu nhứt xuống đường dự lễ quốc táng nhà chí sĩ Phan Chu Trinh. Bắt chước cách tổ chức lễ quốc táng cho Tôn Trung Sơn năm trước ở Trung Hoa, lần nầy các tiệm buôn, hãng xưởng tại Sài Gòn đều đóng cửa, các công sở nghỉ việc để tang cho cụ Phan. Hai trăm ngàn người đủ mọi thành phần xã hội, lặng lẽ theo xe tang tiễn đưa cụ Phan đến nơi an nghỉ cuối cùng trên nghĩa trang Tân Sơn Nhứt. Còn 200 biểu ngữ đòi độc lập, tự do, hứa hẹn nối tiếp sự nghiệp tranh đấu của cụ Phan. Nhiều bài điếu văn trở thành diễn văn cổ võ cho lòng ái quốc, kêu gọi mọi người noi gương tranh đấu của cụ Phan. Những từ ngữ mới "độc lập", "tự do", "dân chủ"... được nói đến trước đám đông lần đầu tiên. Mãi đến 10 năm sau, một biến cố xuất phát từ phía Pháp: Mặt Trận Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp nới rộng chế độ cai trị thuộc địa, thả tù chính trị, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, thợ thuyền, đã tạo ra một phong trào tranh đấu khác ở Việt Nam, đó là Đông Dương đại hội. Mục đích của Đông Dương đại hội để thu thập ý kiến, nguyện vọng của mọi từng lớp dân chúng, trình bày với đại diện của Mặt Trận Bình Dân qua Việt Nam điều tra. Đại biểu của giai cấp tư sản, đại biểu nhóm Tranh Đấu (La Lutte) , đại biểu công nhân, thợ thuyền, nông dân, phụ nữ đều được mời tham dự. Chuẩn bị cho Đaị Hội Đông Dương trong không khí hết sức phấn khởi, nhưng thực dân ở Nam Kỳ vẫn còn ngoan cố. Thống Đốc Nam Kỳ Henri Rival tiếp kiến các lãnh tụ của phong trào, chọn ngày họp đại hội (16 tháng 9), nhưng sau đó hắn trở mặt, cấm nhóm họp. Họ bắt các lãnh tụ của phong trào Đông Dương đại hội như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, nhưng sau đó, do áp lực của Marius Moutet, họ phải thả các vị ấy. Ở Bắc cũng có phong trào Đông Dương đại hội, nhưng cũng không kết quả và phong trào tản ra nhanh chóng. Cuộc diễn thuyết kêu goị dân chúng tranh đấu tại Xóm Lách, vườn bà Đốc Phủ Tài, cô ruột Nguyễn An Ninh, tuy không thành công, nhưng cũng gây được tiếng vang lớn. Thời kỳ nầy có một vài phần tử Cộng Sản từ Pháp về hoạt động chui vì không có ảnh hưởng và không được quần chúng ủng hộ. Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai sống ký sinh tờ báo La Lutte của Tạ Thu Thâu và Trần Văn Thạch, đó là nhóm Tranh Đấu. Còn yếu thì liên hiệp, hợp tác để tồn tại: đó là sách lược của Cộng Sản. Tạ Thu Thâu là một gương mặt chính trị lớn của miền Nam, quê ở Long Xuyên, du học bên Pháp. Vì tham dự cuộc biểu tình trước điện Élysée đòi ân xá cho các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái, nên bị trục xuất về nước. Trần Văn Thạch là một thanh niên trí thức, thông minh, đậu Cử nhân Giáo khoa Văn chương tại đại học Sorbonne. Nhóm Tranh Đấu cũng gồm thêm Nguyễn Văn Sổ, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh... là những thành phần ưu tú của xã hội bấy giờ. Nhóm Tranh Đấu ứng cử Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ và Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, đắc cử vẻ vang với 80% cử tri dồn phiếu cho họ, chứng tỏ dư luận rất ủng hộ. Trong khi cán bộ Cộng Sản như Tạo, Mai còn núp trong bóng tối hoạt động lén lút, tuyên truyền lừa bịp và phá hoại các tổ chức chống Pháp của người quốc gia. Về báo chí, thời kỳ nầy có gần 40 tờ báo, nhưng chúng tôi xin kể những tờ báo tiêu biểu như: - Đông Pháp thời báo 1924-28 - Tân Dân báo - Đuốc Nhà Nam 1928-37 -Phụ Nữ Tân Văn 1929-34 -Thần Chung (Tiếng chuông buổi sớm) 1929-33 ... Nếu kể về khuynh hướng, chúng ta thấy: - Về chính trị có báo La Lutte, La Cloche Fêlée, L'Annam, La Tribune Indochinoise... - Về nghệ thuật văn chương có : Sài Thành nhựt báo (1930-31), Văn Học tuần san (1934-1937), Tiểu Thuyết Thứ Sáu (1935), Tiểu Thuyết Nam Kỳ (1935), Sài Gòn Ngọ báo (1935-1936), Tuần báo Nghệ Thuật... - Về phụ nữ, ngoài Phụ Nữ Tân Văn còn có : Đàn Bà Mới, Nữ Lưu, Nữ Công tạp chí (1936-1938), Nữ Giới... Thuở đó, các văn nhơn ký giả tiếng tăm thường lui tới các nhà hàng Đông Pháp lữ quán, Nam Đồng Hưng, Lục Tỉnh khách lầu, Đỗ Văn Bình Hôtel, Cửu Long Giang khách sạn ... Họ thường tới vào buổi chiều, thảo luận tin tức, ăn uống, nghe đờn ca ra bộ, tiền thân của Cải lương ngày nay. Trong số các người làm báo nổi tiếng thời đó, người ta hay gặp các ông Nguyễn Tử Thức , chủ bút "Nam Trung tuần báo", Lê Sum tự Trường Mậu, bỉnh bút tờ Công Luận, Lão Ngạc Nguyễn Viên Kiểu, Dù Thúc Lương Khắc Ninh, cựu Hội Đồng Quản Hạt, cũng là bầu gánh hát. Về kinh tế, Nam Kỳ bước qua một giai đoạn mới phát triển lạ lùng. Biến cố thứ nhứt là do ảnh hưởng cuộc khai hoang đất đai miền Tây, làm cho Nam Kỳ thịnh vượng hơn bao giờ hết. Việc đào kinh vừa thay cho việc làm đường lộ, làm gia tăng diện tích đất canh tác lên nhiều lần. Kinh đào tới đâu, dân tứ xứ tới đó cắm dùi làm ruộng, lập vườn, lập làng xóm. Số lúa gạo do Nam Kỳ sản xuất gia tăng vượt bực và trở thành món hàng quan trọng để xuất cảng. Có lúc (1937) Việt Nam sản xuất trên 3 triệu tấn lúa! Khi hàng hoá lúa gạo sản xuất gia tăng dĩ nhiên giá trị đồng bạc Đông Dương mạnh hơn đồng Phật Lăng (franc) của Pháp. Cũng sau thế chiến, nhiều người Pháp đem vốn qua lập đồn điền cao su, cà phê, trong khi người Tàu nắm độc quyền mua bán lúa gạo. Một trong những người Việt đầu tiên biết làm ăn, có kiến thức Tây học, có tài kinh doanh và thành công mãi đến năm 1975 là ông Trương Văn Bền. Không tốt nghiệp một trường công nghệ nào, nhưng vào năm 1918 ông Bền đã lập ra nhà máy ép dầu dừa tại Chợ Lớn, sử dụng 70 công nhơn bản xứ, tiêu thụ hàng năm 1500 tấn cùi dừa khô. Năm 1925, hãng xà bông Trương Văn Bền ra đời (sau nầy gọi là hãng xà bông Việt Nam), xưởng đặt phía bên hông chợ Kim Biên, sản xuất một loại xà bông thơm lừng danh khắp Đông Dương : Xà bông Cô Ba! Các ông Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, con ông Huyện Sĩ là những cự phú có óc kinh doạnh. Cả 3 ông đều có học bên Tây, đỗ Tú Tài đôi, về nước bỏ vốn làm ăn, kinh doanh nhiều lãnh vực mới mẻ, cạnh tranh với người Pháp. Lê Phát Vĩnh là người có tánh hào hiệp, lịch duyệt, cư xử với mọi người (công nhân, tá điền) rất được lòng, khi chết nhiều người còn nhớ. Ngoài mấy ngàn mẫu đất ở miền Tây, giáp ranh với "điền ông Kho Gressier", ông Vĩnh còn có đồn điền trà, đồn điền cao su ở Cầu Đất (Đà Lạt) và miền Đông. Năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (quận I), sử dụng 50 công nhân. Ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài. Riêng trong lãnh vực đồn điền, ông Vĩnh có 200 công nhân. Lê Phát An, năm 1934 trở thành cậu vợ Hoàng đế Bảo Đại, có tặng cháu gái là Nguyễn Thị Hữu Lan (Nam Phương Hoàng Hậu) một triệu đồng làm của hồi môn, đủ biết sự giàu có đến bực nào! Ông được Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông dân Pháp, có tên Tây Denis Lê Phát An. Ông sống như một nhà quý tộc đúng nghĩa, biết làm ăn lớn, ăn chơi giao du với các ông hoàng bà chúa của Âu Châu. Ăn xài như ông hoàng, bạn thân với Hoàng Thái Tử Henri D'Orléans, Thái Tử Đan Mạch Waldemar, Công Tước De Montpensier và nhiều nhà danh giá khác... Ông là nhà qúy tộc duy nhứt ở Nam Kỳ, tiền rừng bạc bể có biệt điện Ana ở Vũng Tàu, tư dinh Mont Roye ở Hạnh Thông Tây. Trong lãnh vực điện lực, Lê Phát An và Phạm Tùng Long có 12 nhà máy đèn ở các tỉnh Nam Ky như Trà Vinh, Mỹ Tho, Châu Đốc, Phan Thiết... Trong khi đó, tại Rạch Giá, công ty điện nằm trong tay các ông Cao Thiệu Toản, Nguyễn Chánh Ngọ, Bùi Văn Mậu. Hồi đó từ Gia Định trở lên là những đồn điền cao su ngút ngàn, nằm trong tay các nhà tư sản Việt Nam như Nguyễn Hữu Hào (quê ở Gò Công), Lê Phát Vĩnh (đồn điền Bà Rịa), ở Thủ Dầu Một có đồn điền các ông Nguyễn Văn Yến, Trần Văn Chương, Lê Phát Tân (em ruột ông Lê Phát Vĩnh), Nguyễn Tấn Thành... Ông Thành thuở nhỏ là một người rất nghèo, theo mẹ ra chợ bán rau cải, nhờ hiếu học, thông minh mà trở thành giàu có. Tỉnh Biên Hoà nhiều đồn điền cao su rộng lớn tới vài trăm mẫu, của các ông Nguyễn Văn Của (tức ông huyện Của), Trần Văn Tư, Trương Văn Bền, bà Nguyễn Thị Tâm. Nhiều chủ nhân các đồn điền ấy có chân trong tập đoàn cao su Đông Dương. Về ngành in và xuất bản: ở Mỹ Tho có nhà in Nguyễn Văn Trí, Sa Đéc có nhà in Hồ Văn Lang, Sài Gòn có nhà in "Xưa Nay" của ông huyện Của và Lê Phát An, nhà in Nguyễn Văn Viết và nhà in Đặng Thị Độc Lập... Các tỉnh có mấy xí nghiệp đáng kể như nhà máy xay lúa Nguyễn Thành Liêm. Ông Liêm cũng có lập nhà máy ép dầu dừa tại An Hoà. Nhà máy đường Hiệp Hoà thành lập năm 1921. Nhà máy xay Lê Văn Tiết ở Chợ Lơn, mỗi ngày xay được 16 tấn gạo. Về giao thông chuyên chở: tại Vĩnh Long có Nguyễn Thành Liêm là một nghiệp chủ giàu lớn. Ông làm chủ hãng xe đò hàng chục chiếc, sử dụng trên 20 tài xế và 30 công nhân.. Ở Cần Thơ có nhà tư sản Trần Đắc Nghĩa có khách sạn, gánh hát Trần Đắc. Về đường thủy có hãng tàu đò ông Phán Nuôi (Vĩnh Long), hãng Vĩnh Hiệp ở Mỹ Tho. Về ngân hàng có người Việt tiên khởi thành lập "Việt Nam Ngân Hàng" là do các ông Trần Trinh Trạch, Nguyễn Tấn Sử, Nguyễn Tấn Lợi, Lê Quang Liêm, Trương Tấn Bộ, Nguyễn Thành Điểm ...góp vốn. Nhiều công ty mua bán làm đại diện các hãng xưởng của Pháp như: Công ty Nguyễn Phú Khai ở Sài Gòn, chuyên nhập cảng xe hơi, xe đạp, thuốc lá, công ty Nguyễn Văn Hảo đại diện hãng xe "Rùa Nắp" (Rounab), Lê Phát An còn chung vốn với De Ligon lập công ty dệt. Ngoài người Việt, người còn cho vay vốn (Chetty), người Hoa cũng góp vốn buôn bán làm cho Nam Kỳ phát triển nhanh chóng. Về xã hội: Nam Kỳ có đời sống cao nhờ kinh tế phát triển. Số điền chủ bực trung (500 mẫu ruộng) tăng rất nhiều. Họ có đời sống phong lưu như một quan lại ngoài Bắc (Tuần Vũ, Tổng Đốc). Hằng ngày, con cái họ ăn chơi tại các trà đình tửu điếm, đá gà, hút thuốc phiện cầu vui, coi hát... Có hai địa điểm tập trung ăn chơi hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 như: Sài Gòn có khách sạn Continental, nhà hàng Hôtel de France đường Catinat. Ở Chợ Lớn có phòng ngủ, nhà hàng tập trung gần khu "Đèn năm ngọn" đường Phùng Hưng ngày nay. Đây là khu làm ăn của người Tàu, nơi tiệc tùng đãi đằng các quan Tây để làm áp phe. Người Tàu có thói quen giải quyết công chuyện làm ăn trên bàn tiệc. Nơi nào cũng có ca nhi, gái điếm và động hút thuốc phiện, thú vui phổ thông thời đó. Chợ Lớn còn có hát bộ Tàu, Sơn Đông mãi võ, nhạc Tàu, coi bói, thai đố, đấm bóp trong khách sạn. Việc tổ chức cờ bạc hồi thập niên 1920-30 nằm trong tay thầy Sáu Ngọ, Sáu Nhiều. Sáu Ngọ được mệnh danh là vua cờ bạc Sài Gòn, hằng năm số tiền xâu lên đến 2 triệu bạc (Xem thêm "Nam Kỳ Lục Tỉnh" tập I, cùng tác giả) . Sáu Ngọ là người lai, mẹ Tàu, nhập Pháp tịch lấy tên Tây Paul Daron. Các nơi ăn chơi vùng Sài Gòn dành riêng cho người Pháp, giới ký giả và dân có học Tây. Chợ Lớn là nơi dành riêng cho người Tàu, các ông điền chủ dưới tỉnh lâu lâu lên Chợ Lớn làm việc mua bán, giá lúa gạo.
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:57:37 GMT 9
Ở miệt vườn, từ Mỹ Tho đến Bạc Liêu là nơi có nhiều điền chủ hạng trung. Một số ít đại điền chủ như ông Hương Liêm, đốc phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hinh) ở Bến Tre, đốc phủ Sưng ở Mỹ Tho, Hội Đồng Trạch, Hội Đồng Điều.. ở Bạc Liêu. Họ cất nhà lợp ngói âm dương, nền đúc cao tới ngực, có hàng rào song sắt, hai bên lối đi có trồng nhiều bông kiểng. Nhà nào cũng cất gần mé sông, hoặc có đào rạch nhỏ để chở lúa về, có chỗ để ca-nô, có nhà mát để chiều chiều ra mé sông hứng gió. Ngày nay, trên rạch Long Hồ, còn nhiều nhà mát kiểu xưa. Trong quyển "Bảy ngày trong Đồng Tháp ", trang 91, ông Nguyễn Hiến Lê viết:"Khi tới gần Gò Đá, chúng tôi qua một trại rất lớn, có cày máy. Chủ điền vui vẻ tiếp đãi, giữ chúng tôi lại ăn cơm. Chỉ trong một giờ là trên bàn đã có sáu, bảy món ăn, rượu quý, trái cây và bánh ngọt rất nhiều. Dĩa chén toàn là đồ Limoges, ly bằng pha lê. Chủ nhân có 600 mẫu đất, phàn nàn lỡ mua non 1 vạn đồng bạc máy cày, mới dùng được vài tháng lại phải bỏ vì không khí ẩm thấp, thợ chuyên môn không có... Chủa điền trong nầy là những ông vua nhỏ. Chánh tham biện vào nhà họ, thấy những thứ rượu của họ mà thèm. Họ mua từng thùng để đãi khách quý... Điền chủ hạng trung như vậy dư sức cho con cái qua Pháp học, mà số điền chủ đó ở Nam Kỳ có biết mấy ngàn người, chưa có thống kê rõ ràng". Nếu nói riêng về giá cả vài món hàng chúng tôi xin nêu ra để độc giả thêm ý niệm về giá trị của đồng tiền lúc ấy. Từ năm 1919, giá vàng 50 đồng một lượng. Sau đó sụt lần cho đến khủng hoảng kinh tế năm 1932 chỉ còn 19 đồng một lượng. Nói chung trong hai thập niên kể trên, giá vàng xê xích khoảng 40 đồng một lượng mà thôi. Còn giá ruộng đất từ năm 1925, có 50 đồng một mẫu, có khi tăng đến 80 đồng nếu là ruộng tốt, gần bờ kinh xáng mới đào. Một mẫu ngoài Bắc rộng 3,600m2 , ở Trung rộng 4,800m2 và ở Nam Kỳ một mẫu rộng 10,000m2, lấy theo đơn vị đo lường của Pháp. Một mẫu có 10 công, mỗi công ruộng có 1,000m2. Hồi năm 1927, ông Lê Phát Vĩnh có đăng báo bán 1,000 mẫu ruộng ở Phụng Hiệp chạy xuống Sóc Trăng, với giá 80,000 đồng, nhưng không ai mua, họ chỉ trả 60,000 đồng (tính ra 60 đồng/1 mẫu). Giá lúa năm 1928 là 1.20, nhưng đến năm 1933, có khủng hoảng kinh tế, chỉ còn 0.30 hay 0.20 một giạ. Vè Nọc Nạn (1928) cho biết:"Lúa thì một giạ, giá thì đồng hai." Về các cơ quan tư vấn cao nhứt ở Nam Kỳ, gồm một phần người bản xứ tham gia gọi là Hội Đồng. Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Coloniale) thành lập năm 1880, được quyền biểu quyết ngân sách Nam Kỳ. Lúc ban đầu, Hội Đồng nầy có 12 hội viên, nửa Pháp, nửa Việt. Muốn được đi bầu, phải là các điền chủ đóng thuế từ 20 đồng trở lên, nhà buôn phải có môn bài hạng 6 trở lên, còn công chức thì hạng thầy thông, thầy phán trở lên mới được đi bầu. Về nhân viên chính quyền bản xứ muốn đi bầu phải tri phủ, tri huyện, chánh phó tổng, lý trưởng đã làm việc trên 3 năm và các hội viên phòng Canh Nông, phòng Thương Mãi... Hội Đồng Địa Hạt ăn lương tỉnh, hay thành phố như Sài Gòn, Chợ Lớn. Ngoài ra, còn phòng Thương Mãi và Canh Nông được lập ra để tập họp những điền chủ, các nhà tư sản Pháp lẫn Việt. Phòng Thương Mãi Nam Kỳ thành lập năm 1897. Cao hơn hết là Hội Đồng Kinh Tế Lý Tài Đông Dương lập ra từ năm 1928, do hội viên các tổ chức vừa kể bầu lên. Thật ra các ong Hội Đồng chỉ có quyền tư vấn, nhưng đối với dân chúng họ được trọng vọng lắm vì giàu có, nhiều đặc quyền do Pháp ban cho. Kể từ khi Le Myre de Vilers, một người dân sự được bổ làm Thống Đốc Nam Kỳ, việc tổ chức cai trị đi vào nề nếp. Trong một cuộc bầu cử Hội Đồng Quản Hạt vào năm 1886, một ứng cử viên dùng chữ Quốc Ngữ để vận động tranh cử, đó là người bà con với ông Phủ Ca, tên Trần Tử Lương: "Tôi phục vụ trong chính quyền Pháp 22 năm, và được thăg Đốc Phủ Sứ hạng nhứt, rồi xin hưu trí. Tôi hiểu biết mọi vấn đề. Điều đó rất quan trọng để giúp đồng bào. Bây giờ tôi biết nói và viết tiếng Pháp, lẫn tiếng Hán. Tôi mong muốn trở thành ông Hội Đồng quản hạt Nam Kỳ, để đem hết sức mình giúp đỡ người An Nam về tất cả những vấn đề liên quan tới họ". Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ có nhiều quyền lợi. Muốn vào Hội Đồng phải là những đại điền chủ, những nghiệp chủ giàu lớn. Hơn nữa, với chính sách nâng đỡ, các ông Hội Đồng được quyền đặc nhượng về ruộng đất miễn phí. Chẳng hạn như: - ngày 3 tháng 8 năm 1900 cấp cho Hội Đồng Hồ Bảo Toàn 200 mẫu đất - ngày 6 tháng 8 năm 1904 cấp cho Hội Đồng Trần Bá Diệp 100 mẫu đất . Tất cả đều miễn phí. Năm 1882, một Hội Đồng người Pháp, ông Vienot than phiền rằng trong những phiên họp các ông hội đông người Việt không tham gia bàn cãi, thảo luận gì cả, bởi vì không biết tiếng Pháp. Khi hỏi ý kiến, hay biểu quyết về vấn đề gì họ cũng đồng ý, tiếng Pháp gọi là "OUI", như tiếng "OK" của Mỹ nên dân chúng thường chế nhạo các ông Hội Đồng dốt tiếng Tây là "Hội Đồng Qùi". Từ đó, họ đề nghị những người muốn ra ứng cử Hội Đồng phải có quốc tịch Pháp. Còn Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt là Cuniac cho rằng cần có thông ngôn để các ông Hội Đồng hiểu biết thấu đáo các vấn đề bàn cãi. Năm 1905, ông Hội Đồng Trần Bá Diệp đắc cửa Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, nhưng 4 ngày sau phải từ chức vì lý do riêng. Ông Hội Đồng Diệp Văn Cương cho rằng vì áp lực từ bên Pháp. Bắt đầu từ năm 1881, Pháp cho gia nhập dân Tây những người có thể nói tiếng Pháp, còn nếu có công trạng với Pháp được miễn điều kiện nầy. Những kẻ có mề-đay "Bắc Đẩu bội tinh" là những người vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ trước nhứt: - Nguyễn Thành Trung năm 1882; - Lê Phát Đạt (ông Huyện Sĩ) năm 1882; - Diệp Văn Cương; - Hồ Bảo Toàn; - Trần Bá Diệp năm 1882; - Cao Văn Sanh năm 1882; - Hội Đồng Phong (không nhớ họ gì); - Trần Bá Thọ (con Tổng Đốc Lộc). Vào năm 1893, Pháp cho phép con cái các ông Hội Đồng được theo học trường Taberd có học bổng. Ông Hội Đồng Cao Văn Sanh có con được du học bên Algérie. Những ông Hội Đồng nổi tiếng hồi mấy thập niên đầu thế kỷ 20 là các ông : Bùi Quang Chiêu, Lê Quang Liêm (Phủ Bảy), Trương Văn Bền, Huỳnh Ngọc Bỉnh, Trần Như Lân (bác sĩ)... Các ông Hội Đồng có trách nhiệm phê chuẩn các đề nghị xin cấp đất cho những người đứng đơn xin từ 20 mẫu trở lên. Dưới 20 mẫu thường do chánh tham biện phê chuẩn. Thống Đốc hay Toàn Quyền có thể cấp một số đất co bạn bè thân thích. Năm 1900 nhơn dịp Toàn Quyền Paul Doumer vào Nam ghé ăn ở nhà Đỗ Hữu Phương, cấp cho m4 một số đất rộng 2,223 mẫu ở Vị Thanh bây giờ. Cũng từ năm 1900, hàng chục ngàn mẫu ruộng ở miền Tây được cấp cho các người Pháp, Việt có thế lực, và tiếp tục những năm sau đó. Ở miền Tây, chúng ta còn nghe nhắc đến những sở đất rộng lớn gọi là Điền Ông Kho (Gressier), Điền Ông La-Bách (Labaste), Điền Cờ Đỏ... phần lớn là những đất đai được cấp không tốn tiền. Các nhơn vật nổi tiếng nhứt của Nam Kỳ buổi đầu đều vô dân Tây và có đạo Công giáo. Họ cho con cưới vợ lấy chồng Pháp để bảo đảm quyền lợi và sự học vấn sau nầy. Vào năm 1888, toàn cõi Nam Kỳ có 2373 cử tri đủ điều kiện đi bầu Hội Đồng Quản Hạt, chia ra như sau: - Biên Hoà 313 cử tri; - Sài Gòn 563 cử tri; - Trà Vinh 453 cử tri; - Vĩnh Long 333 cử tri; - Châu Đốc 203 cử tri; - Mỹ Tho 508 cử tri... Những con số đó cho biết số người giàu ở các tỉnh lúc bấy giờ. Không phải tất cả mọi ông Hội Đồng đều chỉ biết nịnh hót Tây. Chúng ta hãy nghe lời phàn nàn của giám mục Mossard tuyên bố trong một phiên họp Hội Đồng Quản Hạt rằng: "Nhờ hấp thụ văn hoá do nhu cầu cai trị, nhưng một số các ông Hội Đồng tỏ ra ít trung thành với Pháp". Vào năm 1930 ở Nam Kỳ có 257 đại điền chủ, mỗi người có ít nhứt từ 500 mẫu ruộng trở lên. Riêng Hội Đồng Tó, tức Trần Trinh Trạch, có đến 146,000 mẫu ruộng, rộng bằng một tỉnh trung bình ngày nay, là người giàu nhứt , thế hệ sau ông Huyện Sĩ. Các ông gia nhập Pháp tịch đầu tiên là Đỗ Hữu Phương vào năm 1881, Trần Bá Thọ năm 1883. Vào năm 1906, toàn cõi Nam Kỳ có 254 người Việt có Pháp tịch. Việc giáo dục những năm đầu ở Nam Kỳ ra sao? Chiếm được Nam Kỳ rồi, người Pháp muốn dùng văn hóa Pháp thay thế cho nền văn minh bản xứ. Họ chọn lớp con cháu những người có công với họ cho qua Pháp, Algérie du học, với lý do khí hậu Algérie hợp với người Đông Dương hơn. Vào năm 1893, con của những Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ tên Duồm và Năng (không rõ chữ lót là gì) và con của Hội Đồng Cao Văn Sanh được cho du học Algérie trước tiên. Trường Adran thành lập năm 1861, trường Taberd lập năm 1874, Pháp chú ý đến thế hệ kế tiếp là lóp con cháu của Đỗ Hữu Phương, Trần Tử Ca, ông Huyện Sĩ, nên nhiều con cháu các gia đình ấy đều được qua Pháp du học. Nên nhớ vào năm 1869, lúc chiếm trọn Nam Kỳ, nhưng chưa có hoà ước chính thức mà Pháp đã mở ra ở Sài Gòn 6 trường học để dạy chữ Pháp và chữ Quốc Ngữ, thay thế cho chữ Hán. Trường Le Myre de Vilers (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) là một trường được thành lập sớm nhứt, vào năm 1872 dưới thời Thống Đốc dân sự cùng tên. Khi mới thành lập có vụ rắc rối giành học trò giữa Thanh Tra Nội Vụ bản xứ và Giám Mục Lize. Vì cần học sinh nên họ bắt các học trò trong họ đạo của Cha Lize vào học, mà Cha không đồng ý, tạo ra sự tranh chấp . Sách "Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt" do tác giả Milton E. Osborne gọi vụ đó là "Affaire de l'école centrale de My Tho". Cha Lize phàn nàn câu:"Vâng lịnh Chúa hơn vâng lịnh người đời" không còn ý nghĩa nữa. Vụ tranh chấp ấy làm cho thanh tra bản xứ phải nhượng bộ. Nhiều nhà khá giả có lịnh bắt buộc phải cho con theo học trường Mỹ Tho. Tuy nhiên họ tìm cách giấu con ruột, cho đứa ở đi học, vì sợ triều đình trả thù. Những con cái của gia nhơn, ở đợ nếu có chí, về sau trở thành những ông phủ, ông huyện dễ dàng. Để khuyến khích, ngoài trợ cấp quần áo, tiền bạc cho học trò, Pháp còn cấp cho cha mẹ chúng. Ta thấy thực dân cũng khôn ngoan chú trọng chính sách trồng người. Con trai Huỳnh Công Tấn là Huỳnh Công Miêng còn gọi là Cậu Hai Miêng (1859-1899) về làm quan một thời, rồi chán đời, ăn chơi, sống như công tử đầu tiên của Nam Kỳ được mọi người ca tụng là "miễn tử lưu linh". Cậu Hai Miêng có một gia tài ruộng đất kếch sù nhưng ít ai biết. Theo tài liệu Pháp, lúc chết Cậu Hai Miêng còn trên 1,000 mẫu ruộng! Trước năm 1975, còn ngôi mộ Cậu Hai Miêng tại đường Nguyễn Tấn Nghiệm (sau đổi Trần Đình Xu). Cậu Hai Miêng chết, nhưng danh tiếng cậu còn sống mãi trong lòng người dân vì tập thơ "Cậu Hai Miêng" được in và tái bản nhiều lần, phổ biến sâu rộng ở Nam Kỳ. Nội dung tập thơ ca tụng tính khí Cậu Hai sống theo anh hùng hảo hán, điệu nghệ với anh em bè bạn, hay giúp đỡ người nghèo. Cậu Hai Miêng tới đâu, hết tiền xài, cứ vào dinh các tham biện chủ tỉnh, chủ quận hỏi xin. Các quan nể cậu, và nhớ công lao cha cậu nên cũng giúp đỡ. Đôi khi cậu làm điều gì phạm lỗi nhỏ, họ cũng bỏ qua. Nói về hành vi hào hiệp, rộng lượng của cậu, dân chúng Nam Kỳ có hai câu thơ trong tập thơ"Cậu Hai Miêng": "Cậu Hai Miêng, cậu chớ có lo Hết tiền cậu cứ xuống kho lấy xài." Vài người Việt qua Algérie du học vào cuối thập niên 1880 là các ông Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương, Trương Minh Ký,. Ông Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) quê ở Bà Rịa, con rể Trương Vĩnh Ký, du học Lycée d'Alger, về nước làm giáo sư, rồi thành giám đốc các trường sơ học vào những năm 1890-1900. Ông còn là một nhà văn tiền phong, đã viết truyện "Thầy Lazaro Phiền", xuất bản năm 1887. Ngoài ra ông còn là họa sĩ, đã vẽ các tranh minh hoạ trong tiểu thuyết "Phan Yên Ngoại Sử" của Trương Duy Toản, xuất bản năm 1910 tại Sài Gòn . Ông Trương Minh Ký (1855-1900) là người quê ở huyện Bình Dương, nay thuộc tỉnh Gia Định, cũng học bên Alger (thủ đô nước Algérie), về nước làm giáo sư dạy trường Chasseloup Laubat, trường thông ngôn và viết cho tờ "Gia Định báo.". Năm 1899, ông làm thông ngôn trong một phái đoàn của triều đình Huế dự hội chợ đấu xảo tại Paris. Trương Minh Ký để lại nhiều tác phẩm chữ Quốc Ngữ, ngôn ngữ, chữ Pháp và chữ Hán rất có giá trị. Ông Diệp Văn Cương chúng tôi có nói nhiều trong các tập Nam Kỳ Lục Tỉnh, xin miễn kể lại.
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:58:25 GMT 9
Chương Hai TIỀN, SẮC ĐẸP VÀ BÙA NGẢI Sài Gòn năm 1929... Tại sao lấy mốc thời gian 1929 ? Năm 1929 là năm kinh tế Nam Kỳ cực thịnh, nhưng qua năm sau, bắt đầu giảm dần do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 1933, kinh tế Nam Kỳ thê thảm nhứt vì các món hàng xuất cảng như lúa gạo, cao su, than đá... trên thị trường quốc tế hạ thấp chưa từng thấy. Vào năm 1929, lần đầu tiên cán cân xuất nhập cảng của Nam Kỳ thăng bằng, có phần trội hơn về mặt xuất cảng. Mức sản xuất lúa lên đến 2,291,000 tấn và cứ bổ đồng 1,000 dân thì có 5 người qua Pháp: 2 người đi lính chiến, 2 người là lính thợ và 1 ngưòoi du học. Năm 1929, dân số Sài Gòn Chợ Lớn khoảng 400,000 người, và Sài Gòn trở thành một đô thì sầm uất nhứt trong nước . Chợ Tân Định và nhà thờ Tân Định mơí khánh thành năm 1928. Chợ Lớn mới dời về Bình Tây, do ông Quách Đàm cất tặng cho chính phủ. Chợ Bến Thành do Chú Hoả (Hui Bon Hoa tức Huỳnh Trọng Huấn) cất tặng cho chính phủ năm 1914. Lúa gạo cao giá nhứt: 1đồng 2 cắc một giạ. Đời sống nông dân khá hơn đôi chút. Thật sự khi lúa trúng mùa liên tiếp, bán được giá...tiền bạc vào tay các điền chủ, nông dân không có ruộng chiếm tới 71%, nên không hưởng được phúc lợi trong việc làm ruộng bao nhiêu. Trong hai năm 1927-28, số nhà máy xay lúa ở Chơ Lớn tăng gấp đôi. Chợ Hoà Bình mãi đến năm 1935 mới xây, cũng do một thương gia giàu, hiến cho chính phủ để được độc quyền xây phố lầu chung quanh để cho mướn. Hệ thống mua bán lúa gạo thực sự nằm trong tay Hoa kiều. Người Ấn sống trầm lặng hơn. Họ cho vay, buôn bán nhỏ, nuôi bò sữa ... Khu vực ăn chơi của người Hoa tập trung tại Đèn Năm Ngọn (đường Phùng Hưng và Khổng Tử sau này), rộn rịp từ sáng sớm tới khuya. Các năm 1927, 28, 29 mãi lực dân chúng Nam Kỳ cao hơn bao giờ hết. Chiếc xe đạp đã phổ thông. Cái giàn hát máy đã theo chân các điền chủ trung lưu về tận miền quê. Tại Sài Gòn , Chợ Lớn có xe điện, xe hơi, xe ngựa (hai loại: Mui kiếng để chở khách, và loại xe chở rau cải hàng hoá). Sài Gòn đi Chợ Lớn có hai lộ trình xe ngựa: lộ trình mé sông đi dọc đường Hàm Tử, bến Chương Dương và lộ trình trên, đi đường Nguyễn Trãi. Phổ thông hơn hết cho các người sang bực trung là xe kéo (do người kéo như xe ngựa). Năm 1922, khi vua Khải Định sang Pháp, ngỏ ý với viên Khâm Sứ Trung Kỳ, muốn đem chiếc xe kéo và một thằng phu, để qua Paris nó kéo ông đi chơi, làm cho viên Khâm Sứ phì cười! Thú ăn chơi hồi đó đã phát triển vượt bực. Thực dân nắm độc quyền hai món thuốc độc để đầu độc dân ta: Rượu và Thuốc Phiện. Khắp Sài Gòn Chợ Lớn có khoảng 500 tiệm hút thuốc phiện công khai. Các đại lý bán thuốc phiện đều có treo cờ "R.O." (Régie d'Opium) và các đại lý bán rượu treo cờ "R.A." (Régie d'Alcohol). Riêng hai món nầy nhà nước độc quyền, mỗi năm thu một số tiền lời khổng lồ. Toàn Quyền Maurice Long có phần hùn trong công ty rượu Đông Dương. Ở Cao Miên cũng vậy, chính phủ Pháp trợ cấp thuốc phiện cho hoàng gia Miên hằng tháng...để hút chơi. Nếu nhà vua không hút thì bán lấy tiền chi dụng. Trong việc đào kinh, đắp lộ xe ở miền Tây hồi thập niên 1920, nhà nước "Đại Pháp" cung cấp rượu cho dân phu như một cách trả lương, vì đó là "thứ uống rất vệ sinh"! Ngoài ra, còn hai thứ tệ đoan xã hội là nạn cờ bạc và mãi dâm cũng rất phổ thông, được người Pháp ngầm khuyến khích. Thập niên 1920, người ta ước lượng tổng số huê lợi chứa bài của thầy Sáu Ngọ, vua cờ bạc, từ 2 triệu đồng đến 2 triệu rưỡi. Các xóm em út nơi nào cũng có, nhứt là các khu lao động, bến tàu, bến xe. Nổi tiếng nhứt hồi những năm đó là xóm Bồ-Rệt (Boresse, tên Chánh Tham Biện đầu tiên của Sài Gòn , Gia Định), rồi sau đó lan tràn tới xóm Vườn Lài. Những năm giữa thế kỷ khu Bình Khang nổi tiếng là "xóm chơi bời". Về mặt văn hoá, thời kỳ nầy nhiều tác phẩm khêu gợi lòng yêu nước xuất hiện ở Nam Kỳ nhiều nhứt. Nữ Lưu Thơ Quán Gò Công của cô Phan Thị Bạch Vân thành lập năm 1928, tồn tại một thời gian ngắn, nhưng có những sách giá trị: - Gương nữ kiệt, Phan Thị Bạch Vân dịch - Giám hồ nữ hiệp của Huỳnh Thị Tuyết Hoa. - Băng tâm ngọc chất của Huỳnh Anh Thị. - Nữ anh tài của Huỳnh Thị Tuyết Hoa Nhà xuất bản của ông Nguyễn Kim Đính "Tân Dân Học Xá" cũng cho ra đời nhiều cuốn sách bị thực dân cấm. Năm 1927, Trần Huy Liệu, lúc chưa vô đảng Cộng Sản, lập "Cường Học Thư Xá" xuất bản được 13 quyển, thì có 10 quyển bị cấm lưu hành như: - Anh hùng cứu nước của Đào Khắc Hùng - Gương phục quốc của Trần Huy Liệu - Hiến thân cho nước của Trần Huy Liệu - Anh hùng yêu nước Đặc biệt nhà văn có khuynh hướng Mác-Xít đầu tiên của miền Nam là Trần Hữu Độ (1887-1945) với các tác phẩm kêu gọi bạo động như "Hồi trống tự do", "Tờ cớ mất tự do", "Tiếng chuông truy hồn"...nhưng Trần Hữu Độ chưa bao giờ hoạt động cho Cộng Sản. Về mặt báo chí, chúng tôi có kể lại trong mục Bối Cảnh (chương đầu của bài nầy), xin nhắc lại các tờ báo giá trị và có uy tín thời đó như "Đông Pháp thời báo" ban đầu của ông Nguyễn Kim Đính, sau đó bán cho ông Diệp Văn Kỳ, tờ "Thần Chung", và đặc biệt nhứt là tờ báo "Phụ Nữ Tân Văn" của bà Nguyễn Đức Nhuận... Một biến cố được báo chí hồi đó nhắc nhở nhiều hơn hết, làm xôn xao dư luận, các bậc thức giả miền Nam là việc thi hào R.Tagore Ấn Độ, người Á Châu đầu tiên chiếm giải Nobel, đã đến viếng thăm Sài Gòn trên đường viễn du thế giới, cổ võ cho hoà bình. Đặc biệt ông được người dân Sài Gòn ngưỡng mộ, dành cho nhiều cảm tình khi ông đến toà báo "Phụ Nữ Tân Văn" tại báo quán. Có thể nói trong lịch sử văn hoá thế giới, hiếm hoi có những người với đầu óc sáng tạo phi thường như R.Tagore. Ông sáng tác 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, hàng ngàn bức tranh, trong đó có nhiều bức tranh được trưng bày trong các viện bảo tàng mỹ thuật trên thế giới. Ông là một nhà thơ, một nhà triết học, nhà giáo đầy tâm huyết, một nhà nghiên cứu văn học cổ đại Ấn Độ. Sau khi Thế Chiến Thứ Nhứt chấm dứt, Tagore đi du lịch khắp thế giới, để cổ võ cho phong trào giành độc lập của các thuộc địa. Tagore từng qua Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Ba Tư và vài nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Lần đầu tiên vào năm 1924, tin thi hào Rabindranah Tagore viếng thăm Sài Gòn làm các báo sốt sắng đăng tin tức, hình ảnh, sự nghiệp của ông . Tuy nhiên, lần đó công cuộc chuẩn bị tiếp đón Tagore ...hụt, vì ông không ghé Việt Nam mà từ Trung Quốc đi thẳng về Ấn Độ. Bàn về sự nồng nhiệt của giới trí thức Nam Kỳ đối với thi hào Tagore hồi đó, thi sĩ Đông Hồ nhận xét:"Trí thức Việt Nam khoảng mấy năm đó say mê các nhà cách mạng. Họ thấy Tagore cũng như Thánh Gandhi, là những ông thánh, những chí sĩ ái quốc, dám lên tiếng chống đối thực dân để đòi hỏi độc lập, tự do và bình đẳng cho người dân thuộc địa". Người Nam Kỳ đã công khai đón tiếp nhà cách mạng Phan Bội Châu, chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, cổ võ các học thuyết của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, thì việc tiếp đón Tagore rầm rộ cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng vào năm 1929, trên đường viễn du thế giới, từ Nhựt Bản, Tagore ghé lại Sài Gòn trước khi qua Phi Châu. Khi chiếc tàu chở Tagore cặp bến Nhà Rồng vào ngày 21 tháng 6-1929, tờ báo "Tribune Indochinoise" tổ chức cuộc biểu tình lớn để chào mừng Tagore. Ký giả Lê Trọng Nghĩa, một nhà báo có uy tín trong vụ binh vực vụ án "Đồng Nọc Nạn" năm trước (1928), đồng thời cũng là hoạ sĩ có tài đến phỏng vấn và xin vẽ chân dung thi hào Tagore bằng than chì trên giấy trắng khổ 50x65cm. Bức ảnh nầy R.Tagore là một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ, mặc áo đen, ngồi cầm bút, để tay lên bàn. Bên góc bức hoạ có chữ ký của Tagore và được gia đình nữ sĩ Ái Lan, em ruột ký giả Lê Trung Nghĩa lưu giữ như một báu vật. Sáng ngày 23 tháng 6-1929, Tagore được hướng dẫn đến thăm toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn và "Nhà Thương Cuộc". Tại toà báo, gần Tổng Nha Ngân Khố trước 1975, bà Nguyễn Đức Nhuận cùng các ông Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Diệp Văn Kỳ đến túc trực tiếp đón Tagore, cho ông ta xem nhiều số báo viết, giới thiệu thân thế và sự nghiệp của thi hào. Trong các báo đó, hình ảnh thi hào Tagore kém tươi trên gương mặt, cái tinh thần trong đôi mắt dường như có hào quang sáng rực của con người "tiên phong đạo cốt". Bà Nguyễn Đức Nhuận có viết một bài nhan đề "Thi sĩ Tagore ghé viếng toà soạn báo Phụ Nữ Tân Văn" cho biết: "Trước tôi vẫn tưởng ông Ấn Độ nầy da đen như ông Gandhi và phần nhiều người xứ ấy, bây giờ mới biết là mình lầm. Ông cao lớn, tuổi gần 70 quắc thước lắm. Nước da trắng mịn và ửng đỏ, mũi cao trán rộng. Rõ là trán của một nhà tư tưởng. Bàn tay của Tagore giống như bàn tay của những người đàn bà khuê các. Tagore thuộc về một vọng tộc, sanh trưởng chốn phong lưu, hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy. Viết tới đây tôi lại nhớ tới ông Gandhi trong một cuộc bút chiến với ông, bút chiến mà đằm thắm, có tật hô rằng:"Ông Tagore! Ông cũng phải đi dệt vải như chúng tôi". Dệt vải chắc là thi sĩ không được sành, nhưng dệt nên những câu cẩm tú thì khéo lắm, khéo cho đến nỗi ông là người Á Đông lần thứ nhứt được phần thưởng Nobel. Quê hương của R.Tagore ở miền Punjab, Tây Bắc Ấn Độ, vùng hợp lưu của 5 con sông nổi tiếng. Nơi đây cũng có một nền văn minh tối cổ của nhân loại vào khoảng 2000 năm trước Tây Lịch tại Mohenjo-daro và Harappa. Sở dĩ nơi đây có giống người Ấn cao lớn, da sáng, mũi cao vì cuộc viễn chinh của Alexandre Đại Đế, người xứ Macedơin vào đất Ấn. Alexandre khuyến khích quân lính lấy người bản xứ, do đó, tạo ra một chủng tộc Ấn Độ có màu Ấn-Âu, để phân biệt với người Ấn bản xứ Dravidian ở miền Nam, và cao nguyên Decan mà Gandhi là người thuộc dòng giống ấy. Có một điều đặc biệt khi đến Sài Gòn , Tagore mặc chiếc áo dào Việt Nam, phía trên đội mũ Ấn Độ bằng nỉ đen, không vành, mang kính, trông cũng chẳng khác xa một "ông già đạo mạo người An Nam bao nhiêu". Giới làm báo lấy làm ngạc nhiên khi Tagore cho biết ý định đi dạo phố Sài Gòn trong bộ y phục cổ truyền Việt Nam đó. Ông được một nhà báo hảo tâm dẫn đến một nhà may danh tiếng Sài Gòn , để đặt may áo dài Việt Nam... Hai hôm sau, trên đường phố rộn rịp của Sài Gòn, người ta thấy một ông già Ấn Độ cao lớn, quắc thước phương phi, râu tóc bạc phơ trong bộ áo dài bằng gấm bông bạc, lại thêm đội khăn đóng, giày Escarpin, đi dạo phố trước những cặp mắt tò mò của thị dân! Trở lại cuộc sống cô Ba Trà lúc nầy, tiền bạc vô như nước. Từ đây cô bắt đầu một cuộc sống như một bà hoàng, lên xe xuống ngựa mấy chục năm liền, làm điêu đứng phá sản không biết bao nhiêu công tử hào hoa, tay tiền rừng bạc bể xứ Nam Kỳ. Trong phần trước, chúng ta nghe nói cô Ba Trà được cậu Tư Phước George tặng nhẫn hột xoàn trị giá vài ngàn, rồi cậu Ba Qui cạnh tranh, tặng chiếc khác gấp đôi. Những đồ vật giá trị ấy lần lượt đi vào tiệm cầm đồ hoặc vào tay những Ấn kiều chuyên môn cho vay. Tiền vô như nước, nhưng vô cửa trước rồi ra cửa sau đúng như ông thầy bói danh tiếng Vi Kính Trang đã bói cho cô. Hồi những năm đầu thế kỷ 20, đất Sài Gòn - Chợ Lớn có hai ông thầy tướng số nổi danh mà mãi đến sau nầy chưa có người nào có thể so sánh, ngay cả Chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Những năm 1960, Huỳnh Liên rất nổi tiếng, ai cũng nghe danh. Riêng tôi, xin nói thật một điều là không dám tin những lời đồn về những điều tiên tri của Huỳnh Liên, nhưng chính một người trong đại gia đình của tôi, có đến nhờ ông Huỳnh Liên "cho phép" để bán một căn nhà ở Phú Nhuận với giá cao như ông đã hứa. Đợi cả tháng, nhà vẫn không bán được, mà cũng không ai đến coi, nên người đóng tiền trước cho Huỳnh Liên tìm tới văn phòng ông đòi tiền lại. Lúc đó văn phòng đang đông khách. Sau một hồi nói qua nói lại, mà vẫn không lấy tiền lại được, người quen của tôi bực tức, nói: - Nè, tôi nói cho ông biết. Ông làm được thì nói, không làm được thì thôi, đừng lừa bịp chúng tôi. Tôi thách ông có bùa phép gì làm cho tôi chết. Nếu ông làm (ếm) mà tôi không chết, tôi đến đốt nhà ông ! Lần đó khách đang ngồi đời, sững sờ đến ngạc nhiên! Ông thầy Tư Nên, tôi có nói đến trong bài "Các cuộc đời ngoại hạng Nam Kỳ thuở trước" nên không nhắc lại. Tuy nhiên có một chi tiết mới, chúng tôi được một người bạn vong niên là ông Nguyễn Văn Mạnh kể laị. Lúc đó vào năm 1915, thầy Tư Nên đang mở văn phòng coi bói tại thành phố Mỹ Tho. Hoàng tử Bửu Đảo, theo lời cụ Nguyễn Văn Vực có lúc làm thơ ký cho nhà Bưu Điện Sài Gòn, nên những ngày nghỉ, thường theo bạn bè xuống trường gà Rạch Gầm của ông chủ. Trước để đá gà, hay đi coi Ca ra bộ (tiền thân của Cải Lương) ở các khách sạn Mỹ Tho. Nơi đây hồi đầu thế kỷ là nơi phồn hoa đô hội, vì hành khách lên xuống lục tỉnh, phải đi xe lửa tới Mỹ Tho, ngủ đêm, rồi sáng hôm sau xuống tàu lục tỉnh về miền Tây. Chuyến lên Sài Gòn, các ông điền chủ cũng ngủ ở Mỹ Tho một đêm trước khi đáp xe lửa đi Sài Gòn . Đường lộ trải đá dành cho xe hơi lưu thông về miền Tây chưa thành hình. Nhiều khúc lộ còn mới đắp dang dở. Có một lần Bửu Đảo xuống Mỹ Tho, được bạn bè dẫn tới thầy Tư Nên coi bói. Lúc đó, Hoàng tử Bửu Đảo tay cầm cây can, chỉ chỏ xuống đất như kéo một gạch ngang. Thầy Tư Nên sụp lạy và nói: - Tâu Ngài:"Cây can vẽ một vạch ngang trên mặt đất thành ra chữ Vương. Ngài có chân mạng đế vương. Nghe xong Bửu Đảo phì cười, tưởng rằng thầy Tư Nên nói chơi, vì trước khi vào đây, không ai giới thiệu Bửu Đảo là một Hoàng tử cả. Chỉ mấy tháng sau, khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại ở Huế và bị lưu đày (1916), Toàn Quyền Paul Pert đưa Bửu Đảo lên ngôi vua, lấy hiệu là Khải Định. Nghe đâu sau khi tức vị, Khải Định có nhớ tới ông thầy bói Tư Nên, bèn gởi thư khen ngợi. Thầy tướng và thầy bói Vị Kính Trang nổi tiếng sớm hơn thầy Tư Nên. Thời đó muốn đến xem bó với thầy Vi Kính Trang phải trả 5 cắc (phân nửa của một đồng, giá bằng một giạ lúa), nhưng kiếm được thầy đã khó, mà chờ đợi thầy cũng rất lâu mới tới lượt mình. Ban đầu Vi Kính Trang ở trên gác trong đường nhỏ Rue d'Artisan, phía đường Cháo Muối, tức đường Thủy Binh, sau là đường Đồng Khánh. Sau đó Vi Kính Trang dời đến một căn phố lầu phía dưới là tiệm bán mì, hủ tiếu ở đường Jaccréo, nay là Tản Đà, gần Arc-En-Ciel. Vi Kính Trang là một thầy tướng, thầy bói danh bất hư truyền. Mới gặp cô Ba Trà, nhìn sơ qua tướng mạo, ông nói trúng phong phóc mọi việc xảy ra trong quá khứ như người trong nhà kể vậy. Có những chuyện người trong nhà không biết mà ông Vi Kính Trang biết rõ, không sai một nét. Khi cô Ba Trà hỏi chuyện hậu vận, Vi Kính Trang nhìn cô một lần nữa, rồi nghiêm trang nói: - Số cô giàu sang tột bực. Tiền vô như nước, nhưng ra cũng như nước chảy. Cô không có số cầm tiền. Dẫu cô có muốn xây dựng gia đình với ai, để hưởng giàu sang sung sướng cũng không được... Xin lỗi cô, cô có số của "Đạm Tiên": "Sống làm vợ khắp người ta, Hại thay thác xuống làm ma không chồng... Nghe Vi Kính Trang nói, cô Ba Trà vừa vui thích, nhưng cũng có vẻ lo lắng. Cô móc bóp đền ơn ông 5 đồng, nhưng ông từ chối chỉ lấy 5 cắc mà thôi! Sau đó, cô lên xe bảo tài xế chở về nhà "Nguyệt Tiên Cung", thay vì đi lại sòng bạc thầy Bảy Phương như đã dự định (lời cô kể lại). Nếu có ai hỏi quý vị độc giả rằng một người đàn bà đẹp như huê khôi, tiền rừng bạc biển ăn xài không tiếc, sống trên nhung lụa, lên xe xuống ngựa trong mấy chục năm liền... Mỗi khi ra đường có kẻ hầu người hạ, bồi bếp riêng, tài xế riêng, các công tử, các quan lại cao cấp, khác thượng lưu xã hội... đua nhau săn đón, chiều chuộng, thì độc giả gọi người đàn bà ấy là ...gì ? Tôi không dám lạm dụng chữ nghĩa, không dám gọi đó là một bà hoàng, bà chúa như kiểu "Bà chúa đĩ Bắc hà, cô Tư Hồng" mà chúng tôi có viết laị trong bài "Vua Khải Định", mà sự thật cuộc sống của cô Ba Trà còn sang hơn cả một bà hoàng, bá tước của hàng quý tộc bên Âu Châu. Trong lịch sử ăn chơi Đông Tây kim cổ nước ta, chưa có người nào có thể so sánh với cuộc đời cô Ba Trà . Chính cô đã làm điêu đứng biết bao công tử hào hoa, các đại điền chủ, thanh niên cũng có, sồn sồn cũng có, nhỏ hơn cô hàng chục tuổi cũng có.... hễ ai gặp cô cũng mê như một sức quyến rũ kỳ lạ, hay bị thôi miên.. Nhiều ông đại điền chủ lên Sài Gòn bán mấy ghe chài lúa, ăn chơi huy hoắc với cô Ba Trà chỉ hơn một tháng mà lúc trở về chỉ còn tay không. Trong khi sở phí Đông Pháp lữ quán càng cao, nợ nần càng nhiều, cô Ba Trà muốn giải nghệ thì chính là lúc các công tử Ba Qui, cậu Tư Phước George mê cô và một nhà triệu phú trẻ tuổi khác làm "trung gian thương mãi" (tiếng Tàu gọi là mái chính), lai hai dòng máu, họ Lương, nên dân ăn chơi gọi "Lương mái chính", gặp cô, mê cô, bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng định xây tổ uyên ương, ăn đời ở kiếp với cô. Ngôi nhà lầu nầy cất theo kiểu phố hai từng, mặt tiền rộng 6m, sơn màu xanh (kiểu thanh lâu) ở đường Richaud (nay là Phan Đình Phùng) nguyên của ông trưởng toà Tư ở Vĩnh Long làm chủ. Căn phố lầu này cho mướn giá 160 đồng một tháng tương đương 4 lượng vàng, đủ biết sự sang trọng của nó ra sao. Những người tiền rừng bạc bể mới dám tới đó ăn chơi với huê khôi "Ba Trà". Do Lương mái chính bỏ tiền trang hoàng lộng lẫy, đồ đạc mắc tiền, trướng rũ màn che, ghế nệm, trường kỷ, nhà để xe (garage), phòng cho bồi bếp, vệ sĩ, gia nhơn... Chỗ ở mới của người đẹp sang trong đến nỗi giới ăn chơi đặt tên "Nguyệt Tiên Cung" mà thực chất là "cái tổ quỷ" của bọn đàn ông giàu tiền. Tuy gọi phố lầu cho gọn, thật ra đó là một loại biệt thự liên lập hai từng. Mỗi từng gồm nhiều phòng riêng biệt. Mỗi phòng đều trang bị salon cẩm lai, salon gõ cẩn ốc xa cừ lóng lánh, ngồi lên mát lạnh. Đặc điểm của chỗ ở nầy là mỗi phòng đều treo một thứ màn mắc tiền bằng voan mỏng, màu sắc khác nhau: Trắng, xanh, hồng có viền ren tím. Trên lầu, các phòng đều treo màn màu hồng, màu đỏ, phản chiếu dưới ánh sáng bóng đèn ngủ trắng đục, làm cho không khí thêm gợi tình, huyền ảo. Khách vào đây có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên mà thật sự chỗ nầy là "chốn lầu xanh de luxe". Các ông hội đồng, thầy cai, các ông điền chủ mỗi lần vào Nguyệt Tiên Cung một đêm, sáng ra thấy mất một ghe chài lúa như chơi. Cũng vì tiếng đồn Nguyệt Tiên Cung là chỗ ăn chơi phong lưu, thanh lịch, nhiều ông nhà giàu trọng tuổi, còn hảo ngọt, từ Hậu Giang lên, tò mò tới chơi một lần cho biết. Theo cụ Vương Hồng Sển, "thật sự ít ai có dịp ăn ngủ với cô Ba Trà". Hồi đó cái "tổ quỷ" Nguyệt Tiên Cung chính là nơi hành lạc kiểu "nhứt dạ đế vương" đầu tiên ở Sài Gòn .
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 9:59:16 GMT 9
Ngoài cô Ba Trà, Nguyệt Tiên Cung còn có các cô "á hậu" khác như cô Quế Anh, cô Tư Nhị. Quế Anh là một cô gái đẹp, có đầu óc lãng mạn, học trường "áo tím", từng đóng vai nữ trong tuồng "Tối độc phụ nhơn tâm", làm cho khán giả rơi lụy nhiều đêm. Sau đó, Quế Anh từ giã học đường, bước vào con đường giang hồ. Nay cặp với công tử này, mai ông điền chủ kia, miễn ai có tiền và dám ăn xài. Cô Tư Nhị , một người "đầu gà, đít vịt" (cha Tiều, mẹ Miên) quê ở Sa Đéc, lên Nam Vang lập nghiệp. Cô có thân hình rắn chắc, nói theo kiểu bây giờ, cô có "thân hình nẩy lửa", hấp dẫn. Không có điều lệ thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhứt định, khách hào hoa muốn vô Nguyệt Tiên Cung phải nạp 1000 đồng lệ phí, gọi là "đi lễ". Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có in hình bộ lư), đựng trong bao thơ, đặt trên một cái mâm do một cô xẩm bưng lên lầu để "xin ra mắt cô Ba". Những ai nạp tiền lẻ (giấy 20đ, giấy 50đ..) đều bị coi là keo kiệt, có khi cô Ba không tiếp làm cho mất mặt. Bước vô nhà, khách được thỉnh vào phòng khách thứ nhứt rất sang trọng. Ở đây khách được mời ngồi vào salon chờ đợi. Một cô trịnh trọng bưng lại một ly rượu Champagne đặt trên một cái mâm. Khách được mời "nhắm chút rượu khai vị". Độ 10 phút sau, khi khách vừa nhấm chút rượu cho ấm bụng, lại được mời qua một phòng khác. Trước khi qua phòng nầy có một anh Chà Và (Java) đen, mặc đồng phục trắng, kiểu bồi khách sạn ngày nay gác cửa, lễ phép chào khách rồi nhường khách bước qua phòng nầy. Giống như khuê phòng các tiểu thơ, phòng nầy sực nức mùi nước hoa, trên bàn có một bình hoa thơm. Khách vừa ngồi trên salon, liền có một cô xẩm khá đẹp, trong bộ xường xám Thượng Hải bó sát lấy thân hình cân đối, người cao ráo, chân thon, dài xuất hiện, mỉm cười. Khách cảm thấy mê mẩn tâm thần vì cảnh sắc cứ thay đổi luôn khó biết trước . Cô xẩm lễ phiép bưng lên một mâm đặt trước mặt khách, trên đó có chén trà sâm để khách giải khát, tăng cường sinh lực. Kế bên là một dĩa bàn, trên có đựng sẵn một khăn mặt còn nóng, tẩm dầu thơm để khách lau mặt cho sảng khoái, và tận hưởng cái hương vị ngây ngất, quyến rũ cao sang dành cho giới thượng lưu. Khách còn đang mơ màng, chợt một cô gái khác xuất hiện, cúi đầu kính mời khách lên lầu. Một thiếu nữ kiều diễm sẵn sàng, y phục bằng lụa mỏng, khêu gợi, đón khách an toạ. Rồi họ dọn ra một mâm đặc sản thuộc loại sơn hào hải vị: một chén yến hột gà chưng với sâm, đường phèn, một con bồ câu ra ràng chưng với yến để khách tăng cường sức khoẻ. Bồ câu ra ràng là loại bồ câu mới nở, mềm, bổ để cho những vị khách răng rụng xếu xáo không nhai thịt được . Ăn xong, khách được mời qua một phòng tắm sang trọng với nước nóng pha dầu thơm. Trong khi đó, một cô xẩm mặc áo quần bó sát hướng dẫn khách tắm (vì nhiều người ở nhà quê, không biết cách sử dụng vòi nước, bồn tắm và sau đó, khách được mời thay một bộ đồ ngủ (pyjama) bằng lụa Lèo cho thoải mái. Nếu may mắn, sau màn ấy, khách được ôm ấp người đẹp Ba Trà trong một phòng ngủ khác sang trọng như nữ hoàng. Tuy nhiên, phần lớn các công tử, giới ăn chơi vào tới đây, chỉ được cô Tư Nhị, cô Quế Anh...tiếp mà thôi, cô Ba Trà ít khi tiếp họ. Nhiều người không được gần cô Ba, nhưng sau khi về cũng khoe rằng "đã ngủ với huê khôi Ba Trà", để tỏ ra mình là khách ăn chơi sành điệu. Có người không được gần cô Ba Trà, khi về gieo tiếng oán, chớ cô Ba lúc ấy đang lên như diều gặp gió, các công tử phong lưu như cậu Tư Phước George , cậu Ba Qui, cậu Bích mới là người tình của cô. Thời kỳ ở Nguyệt Tiên Cung, nhan sắc cô Ba thêm lộng lẫy. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành. Có lúc cô "lăng xê" mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô còn choàng một khăn voan lụa, ngồi xe du lịch mui trần, mà hồi đó chưa có ai xinh đẹp vừa sang trọng qúi phái như cô Ba. Vướng vào con đường cờ bạc, cô Ba thường lui tới các sòng bài ăn thua lớn như các sòng bài của thầy Sáu Ngọ ở Chợ Lón, thầy Sáu Nhiều, sòng thầy Bảy Phương ở đường Caribelli, đó là khách sạch Đỗ Văn Bình Hôtel Confortable. Chỗ nầy cũng thu hút nhiều tài tử, khách văn chương, nhà văn, nhà báo vì thường có tổ chức "đờn ca ra bộ", tiền thân của ca kịch Cải Lương miền Nam. Thập niên 1910-1920... khách sang từ lục tỉnh về chơi, thường đi tàu ghé Mỹ Tho ngủ một đêm.. Hôm sau họ lên xe lửa đi Sài Gòn . Chuyến về họ cũng ghé trạm chuyển tiếp Mỹ Tho nên chợ Mỹ Tho là chốn phồn hoa đô hội, chỉ thua Sài Gòn mà thôi. NgườiTây phương thường quan niệm học vấn góp phần hình thành nhơn cách con người. Nhơn cách gồm hai phần: lương tri và lương năng. Không học mà biết gọi là lương năng. Có học mới biết gọi là lương tri. Cô Ba là người đẹp nhưng thiếu học, cho nên bên ngoài cô có vẻ là một người quý phái, nhưng cô ăn nói vụng về, có khi cộc lốc, vô duyên, nhưng vì mọi người đều mê say sắc đẹp củ cô, nên đối với những câu đối đáp thiếu văn hoa ấy , họ cho là chân thành. Thậm chí có nhiều lúc cô ăn nói sẳng lè như ra lịnh, nhưng khách đa tình vẫn mê cô như điếu đổ. Chính cô cũng thú nhận điều đó. Nhiều người đối với cô ơn nghĩa tràn đầy, nhưng cô đối với họ bằng sự "đoản hậu". Mối tình chênh lệch giữa cô và bác sĩ Án là một thí dụ điển hình. Trước tình yêu, lòng khoan dung độ lượng của một lương y, săn sóc, chu cấp tiền bạc "thi ân bất cầu báo" với thái độ của người quân tử, nhưng cô đáp lại bằng thái độ của người vong ơn bội nghĩa. Đàn ông có nhơn tình, ai cũng ghen, cũng ích kỷ, nhưng mỗi người phản ứng một cách khác nhau tùy bản lãnh và nhân cách của người ấy. Bác sĩ Án là một người cao thượng, "ăn không được thì buông" chớ không phải "ăn không được thì khuấy cho hôi" như bao nhiêu người tầm thường khác. Để độc giả có một cái nhìn liên tục về cuộc đơì của "huê khôi Nam Kỳ, cô Ba Trà" nầy, chúng tôi xin nhắc lại những biến cố chánh. Trong cuộc du hí Vũng Tàu, đầy thất vọng và buồn thảm trở về, bác sĩ Án nhất định trả tự do cho người đẹp. Trước một người đẹp như hoa nở, như trăng mới lên. ông lương y cảm thấy mình có tuổi, không tương xứng, nên không còn theo đuổi cô Ba nữa. Xung quanh cô, hiện thời có biết bao nhiêu công tử hào hoa theo đuổi, chỉ mong cô ban cho chút tình lẻ. Dù giàu có, lương ông bác sĩ nọ với các công tử nào có thấm gì. Hơn nữa cô Ba đâu có chịu an phận làm vợ lẽ của một người chồng luống tuổi. Nhưng trong khi yêu, ông bác sĩ không nhận ra điều đó. Trong tình yêu, người ta ích kỷ, nhưng ông bác sĩ nầy cao thượng. Con chim quý đã xổ lồng, đi tìm phương trời xa lạ, mong gì trở lại. Trong lúc tới lui các sòng bài ăn thua lớn, nhiều người tiền rừng bạc bể gặp cô, muốn tung tiền mua chuộc làm của riêng. Một ông hội đồng ở Rạch Gaí, muốn "lập phòng nhì với cô", một hôm đem tặng cho Dì Tư Ăng-Lê một số tiền và mượn bà nầy làm mối. Vốn là người đàn bà từng trải, Dì Tư nhận tiền, nhưng nói khéo: - Chà, việc nầy khó quá. Ông nói thẳng với "Ba", chớ tôi đâu dám! Nhưng sau khi ông hội đồng cạn túi, cô Ba cũng giã từ không lưu luyến. Còn ông hội đồng cũng học được một bài học kinh nghiệm nhớ đời. Cô Ba Trà lập Nguyệt Tiên Cung là nhờ người mái chính họ Lương. Cũng như nhiều khách đa tình, hiếu sắc khác, Lương mái chính cũng có ý định chọn cô Ba Trà làm vợ, ăn ở lâu dài, nên mới bỏ ra một số tiền lớn mướn phố, để xây tổ uyên ương với người đẹp. Rốt cuộc: "Uổng công xúc tép nuôi cò, Nuôi cho cò lớn, cò dò cò bay." Cái tổ uyên ưong ấy chính là "cái tổ quỷ" của bọn công tử, nhà giàu, chớ phải nào là của riêng Lương mái chính! Chỉ một thời gian tấp nập khách phong lưu, Nguyệt Tiên Cung bắt đầu vắng khách vì ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế đến Nam Kỳ mạnh mẽ nhứt vào năm 1932. Nhiều đại điền chủ phá sảnh, một số điền chủ hạng trung cũng vỡ nợ vì ruộng đất cầm cố không đủ tiền chuộc, bị tịch thu. Nông dân sống nhờ hột lúa, công chức với đồng lương cố định, thiệt thòi nhứt: "Lúc lúa hai hào (2 cắc), dân mếu máo "Quan ăn năm chục, vợ rầy la." Như vậy giá lúa từ 1 đồng 2 (năm 1928) sụt xuống 6 lần. Chỉ những người buôn bán còn giữ được phong độ, nhưng mãi lực dân chúng cũng kém đi. Tờ "Lục Tỉnh Tân Văn" số ra ngày 23-12-1931 viết: "Những người có nghề nghiệp trong tay còn xoay quanh trong vòng no ấm. Còn những người chỉ biết có nghề cạo giấy (thơ ký, thầy thông ngôn...) mới kiếm tiền làm sao? Đi bán hàng rong cũng lỡ mà đi khuân vác cũng rầy. Ấy là hạng trí thức thất nghiệp. Còn những học sinh có bằng Thành Chung, cũng đành bó gối, công sở không mướn và tư sở cũng không dùng." Một thức giả khác, ông Cao Sơn, làm một bài thơ tả cảnh Sài Gòn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đăng trên báo "Đồng Nai" ngày 1 tháng 3 năm 1932: "Trải mấy tang thương luống ngậm ngùi, Sài Thành phong cảnh có chi vui? Phố phường ngang dọc, ai buôn bán? Đường sá dập dìu khách tới lui. Vinh mặt, múa men phường mọt nước, Chau mày ngất ngưởng bạn thương đời. Lần xem Việt sử thêm ngao ngán, Bảy chục năm qua lắm đổi dời." Chỉ trừ một số ít công tử còn phong độ, hầu hết các nhà giàu đều bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế nầy. Thời gian nầy cậu Tư Phước George đã lập gánh hát Huỳnh Kỳ để làm người tình của các cô đào kiều diễm, lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Còn cậu Ba Qui, sau một thời gian theo cô Ba Trà, bây giờ cũng đã chán, tìm các cô gái nửa chợ nửa quê nhưng có thân hình rắn chắc để bắt bồ. MARIANE LÊ THị NHị Cô Tư Nhị là gái làng chơi hạng sang, nổi tiếng một thời với cô Ba Trà. Chính cô Ba Trà thuật lại cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Tư Nhị trong hồi ký. Lần đó, cô đến coi hát tại rạp hát của ông hội đồng kiêm bầu gánh Lương Khắc Ninh, chỗ đó sau nầy là rạp Kim Châu, được gặp Tư Nhị một dịp hết sức tình cờ. Cô kể lại: "Một hôm, tôi buồn quá, thả cu ky lại rạp chớp bóng Cầu Muối, gọi rạp ông Bầu Ninh". Lúc nầy, cô đang cặp với một kép mới là công tử Bích người Trà Vinh đang nằm khám vì tội không tiền trả nợ, "tôi bơ vơ phải về với anh chồng Tây Franchini. Phim đang diễn, bỗng tôi nghe từ đàng sau có tiếng thanh tao mời mọc: - Mời cô Ba hút với em một điếu thuốc! Tôi đáp nhỏ: - Cám ơn cô, tôi không biết hút thuốc! Bỗng cô kia nói tiếp và rất rõ: - Thôi mà cô Ba. Hút cho em một điếu để làm quen mà! Tại cô chưa biết em, chớ em đã biết cô từ lâu. Má em thường nhắc đến tên cô hoài và thường dạy em:"Thà làm đĩ, ra chơi bời như cô mới đáng gọi là gái ngoan." Trời đất ôi, thật là một câu sét đánh ngang tai. Nếu tôi biết trước sự việc như vậy thà ở nhà còn hơn. Đi coi hát làm chi để nghe chưởi một tiếng nóng phừng da mặt. Cả mấy người ngồi gần tôi đều day mặt lại dòm tôi, làm tôi càng thêm mắc cở. Phim đang chiếu, nhưng tôi bực quá, xô ghế đứng dậy ra về. Ra tới xe, chưa kịp leo lên, thì cô gái mời hút thuốc lá cũng vừa theo ra. Không ai mời, cô nhảy phóc lên xe, ngồi và nói tỉnh bơ: - Nhà cô Ba ở đâu? Cho em về theo với! Nhìn kỹ cô gái, tôi đổi giận làm vui. Đây là một cô gái mơn mởn đào tơ, tròn trịa như con chim chàng nghịt, óc cau đầu mùa lúa trổ, ngực tròn căng như muốn xé hàng sọc dưa rằn ri tung ra. Trán cô thấp, có mớ tóc xoăn quăn che lúp xúp, ngỗ nghịch nhiều hơn phục tùng. Cặp mắt cô mơ mộng, tình tứ, nửa mời mọc, nửa khiêu khích, đúng là "một con đĩ mén mặt dày" ăn nói như hồi nãy, nhưng mặn mòi, duyên dáng một cách rừng rú, khiến tôi không giận được với "con ba trợn" nầy." Sau rõ lại cô Tư Nhị từ Nam Vang xuống, cha người Tiều, mẹ người Miên nhưng từng ở Sa Đéc (có tài liệu nói rằng cô Tư Nhị cha Miên, mẹ Việt). Từ ngày cô Tư Nhị về ở chung, nhà tôi càng rậm rật khách phong lưu. Trai lối xóm đón đường chọc ghẹo Tư Nhị hàng đêm. Sở dĩ Tư Nhị có tên Tây Mariane Lê Thị Nhị cũng có giai thoại, cô Ba Trà kể tiếp: "Một hôm tôi và Nhị với Franchini đi coi chớp bóng thấy trên màn ảnh có một nữ minh tinh duyên dáng, có nhiều nét giống Tư Nhị, nên Franchini, vốn có cảm tình với Nhị, lấy tên cô ấy là Mariane mà đặt cho Nhị: Mariane Lê Thị Nhị, còn tôi Yvette Trà. Sẵn tôi thứ ba, thắng gọi Nhị là Tư như một người em tôi. Franchini vốn có máu mê đàn bà nên lúc cô Nhị ở chung, hắn cũng trổ mòi "dê". Tuy nhiên Franchini có lúc bực mình với Tư Nhị vì tập làm gái hạng sang, nhưng Tư Nhị vẫn còn nhiều thói nhà quê, cục mịch. Lúc về Nguyệt Tiên Cung, Ba Trà cũng đưa Tư Nhị về ở chung. Về sau, cô Ba Trà đóng vai một tú bà hạng sang. Số là có một công tử Gò Đen tới Nguyệt Tiên Cung chơi, "cảm" Tư Nhị, đề nghị đưa Trà 10,000 đồng rồi dẫn Nhị đi lập tổ uyên ương. Công tử nầy mua cho Tư Nhị một căn phố trệt, có đầy đủ bàn ghế, nằm ở góc đường Verdun và Richaud, tức góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước năm 1975. Tuy vậy, Tư Nhị đâu muốn làm người vợ hiền và an phận với cuộc sống. Như ngựa quen đường cũ, chỉ được ít tháng, Tư Nhị chán công tử ấy, cặp bồ với người khác. Tư Nhị cũng là một ngôi sao sang trọng trong giới ăn chơi hồi đó, chỉ thua Ba Trà. Xuất thân làm đào hát, nhờ có thân hình quyến rũ, có sắc đẹp, nhưng giọng ca khàn khàn không hay, Tư Nhị chỉ thích làm tình nhơn của những ai giàu có, dám chi tiền không tiếc. Ban đầu Tư Nhị đầu quân dưới trướng cô Ba Pho, tức Joséphine Lệ Ngọc trước khi qua làm đàn em của cô Ba Trà. Tưởng cũng nên nói qua về lý lịch cô Ba Pho. Đương thời, cô là người đẹp thuộc vào hạng đối tượng của các công tử phong lưu. Cũng như các người đẹp nổi tiếng đương thời khác, đi đâu cô Ba Pho cũng có một vệ sĩ đi kèm. Trong các người đẹp ăn chơi lúc đó, cô Ba Pho là người khôn ngoan, biết giữ gìn nhan sắc và tiền của, giống như trường hợp "bà chúa đĩ Bắc Hà" tức cô Tư Hồng. Tôi nghe kể lại một giai thoại về cô Joséphine Lệ Ngọc nầy, nhưng không quả quyết đúng hay sai: Hồi năm 1956, tôi có đến chơi và ăn ở trên lầu nhà xuất nhập cảng xe đạp "Trần Chi" , đại lộ Tổng Đốc Phương Chợ Lớn. Người chủ nhà, tức ông Trần Chi cho biết:"Cô Ba Pho tức Joséphine Lệ Ngọc, một trong những người đẹp ăn chơi nổi danh của đất Sài Gòn hồi thập niên 1840, cô có biệt danh là "cô Tư Dái", không rõ nguồn gốc của hai chữ nầy ra sao. Cuối thập niên 1950, gia đình cô mua lại rạp chớp bóng cũng gần hãng xuất nhập cảng xe đạp "Trần Chí", sửa chữa lại lấy tên mới "rạp chiếu bóng Victory Lệ Ngọc", nằm trên đại lộ Tổng Đốc Phưong, dân chúng thường gọi là rạp Lệ Ngọc. Chiều chiều, người Sài Gòn thỉnh thoảng củan thấy Tư Nhị, ngồi xe du lịch lượn quanh Sài Gòn, nay với công tử nầy, mai với thanh niên khác. Khi thì ngồi xe Hotchkiss với công tử Gò Đen, khi thì đi tắm suối Xuân Trường với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cuộc đời của Tư Nhị là một chuỗi những ngày ăn chơi trác táng, những cuộc truy hoan thâu đêm, không biết giữ gìn sức khoẻ và cũng không biết ngày mai. Bắt chước "mốt" ăn chơi của các tài tử điện ảnh bấy giờ, Tư Nhị cũng ngậm ống điếu thật dài, để tạo ra một phong cách thanh lịch và quý phái. Nhiều đêm cô ngả bên bàn đèn, mơ màng tận hưởng sự khoái lạc của "nàng Phù Dung". Nhiều ông huyện trẻ, cũng đến nạp tiền cho cô, để được gần người đẹp cho biết mùi đời. Nhờ hoàn cảnh sống chung với cô Ba Trà mà Tư Nhị được nhiều công tử tiền rừng bạc biển chú ý, và cuộc đời của cô bay bổng như diều gặp gió. Cũng giống như cô Ba Trà, Tư Nhị không biết lo xa. Cô ỷ mình sức khoẻ, cứ phung phí bằng cách hút thuốc phiện, thuốc lá thả giàn, ăn chơi suốt đêm, cho nên cuộc đời thâu ngắn. Càng luống tuổi, cô càng khốn đốn vì con ma thuốc phiện hành hạ. Cuộc đời cô xuống dốc quá nhanh. Độc giả có thể đoán trước cuộc đời cô Tư Nhị về cuối đời ra sao không ? Cụ Vương Hồng Sển thuật lại: "Gần đây, vào tháng bảy năm 1982, tôi có gặp lại bạn cũ là anh Ba Quan, một tay chơi lịch duyệt trong giới cầm ca. Anh Ba Quan kể lại sau năm 1945 hay 46 gì đó, tiền hết, còn tiền giấy 500 của chính phủ mất hết giá xài, trong mình anh còn độ 100 bạc, vừa đói, vừa khát, anh lết trở về Sài Gòn . Một buổi sáng, anh làm gan, ra đường phố vắng hoe, không một bóng người . Anh thả lần tới Chợ Cũ, đường George Guyemer (nay là Võ Di Nguy) ăn điểm tâm xong, bước ra cửa, đưa tờ giấy xăng, chưa kịp lấy lại tiền lẻ, bỗng nghe có tiếng người gọi: - Anh Ba! Giựt mình quay lại, không thấy ai cả, trừ năm ba người hành khất dơ dáy. Quan nói trong bụng:"Ai kêu mình vậy cà?". Rồi nghe một giọng nói tiếp theo: - Anh Ba, em là Tư Nhị đây! Quan nhìn không ra vì đứng trước mặt là một người đàn bà ăn mày, không còn hình thể con người . Hai chưn sưng và băng bó bằng lớp vải máu mủ, ruồi bu đầy, mặt đổi sắc, môi thâm đen. Quan không dám ngó lâu, rút tờ giấy 20 đồng, đặt nhẹ vào lòng bàn tay, rồi đi thẳng một nước ." Tới đây tôi cũng nhớ đến cô Cẩm Nhung, một vũ nữ tài sắc, nổi danh một thời của các vũ trường Sài Gòn hồi những năm cuối thập niên 1950, từng làm say mê biết bao công tử. Cẩm Nhung có một sắc đẹp não nùng, cuộc sống giàu sang nhung lụa vì nhiều người đua nhau cung phụng tiền bạc. Kể từ khi cô bi một người đàn bà đánh ghen, tạt át-xít vào mặt, nhiều người nghe báo chí đăng tin ấy, đều bùi ngùi thương cảm. Bẵng đi vài năm, tôi có dịp đi qua bắc Mỹ Thuận, nghe một người đàn bà ăn mày có giọng ca não nùng ai oán. Tôi bước lại gần để tặng cho người ấy một số tiền nhỏ. Trời ơi, người đàn bà ấy có khuôn mặt một ác quỷ, mặc bộ bà ba đen cũ rách, trên ngực có đeo tấm bảng "vũ nữ Cẩm Nhung". Tôi sững sờ một lúc lâu ... Còn cô Quế Anh, một người con gái đẹp, lãng mạn, từng ăn chơi phóng túng đất Sài Gòn hồi thập niên 1930. Quế Anh là một người lai, cha Tiều, mẹ Việt, gia đình buôn bán khá giả. Cô bỏ đi giang hồ vì tánh lãng mạn chớ không phải vì thiếu thốn hay nghèo. Hồi đó cô đang theo học trường "áo tím" (Gia Long sau nầy). Cô Quế Anh đẹp, thông minh, ăn chơi nhưng lại là người có tâm hồn. Trong cảnh trụy lạc, cô vẫn còn chút liêm sỉ và danh dự. Từ lúc sa ngã vào chốn ăn chơi, cũng như Tư Nhị, cô sung sức, cặp kè với bất cứ ai có tiền. Người ta biết tới tên cô khi cô đóng vai Lý Ngọc Thơ trong vở tuồng "Tối độc phụ nhơn tâm", diễn liền tiếp ba xuất hát làm nghĩa vào năm 1923. Lý Ngọc Thơ đã làm khán giả mê mẩn tâm thần. Kể từ đó, cô Quế Anh ăn chơi theo sở thích. Cũng bài bạc, thuốc phiện là những cái mốt thời thượng lúc bấy giờ. Nhiều ông kỹ sư, bác sĩ từ bên Tây về, gặp cô mê ngay và làm người tình trong giai đoạn. Cô thay đổi nhơn tình như thay áo, cũng lên xe xuống ngựa một thời. Tiếc thay số mệnh cô ngắn, có phải vì "tài mạng tương đố" chăng? Về sau, khi nhan sắc vào thu, tuổi khoảng 40, ong bướm chán chường, cô trở nên một người thất chí, sống trong cảnh nghèo lại mang bịnh ghiền. Cụ Vương Hồng Sể tâm sự rằng cụ cũng mê cô một thời. Lúc nhan sắc tàn phai, gặp lại cụ, cô nói:"Tuy thương anh, nhưng không thể sống với anh được vì em không xứng đáng." Sau đó, cô Quế Anh có tặng cụ một bài thơ bày tỏ tâm sự: "Một bóng đèn khuya khắc lụn vơi, Tàn canh, say tỉnh, giận thay đời. Bụi hồng lắm lúc, còn mưa nắng, Má phấn nhiều phen chịu lấp vùi. Cầm sắt những ngờ xui lá thắm, Tang thương âu hẳn phận bèo trôi. Nào người chung đội trong trời đất, Gang tấc nầy xin nhắn một lời."
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 10:00:27 GMT 9
CHUỘC NGẢI XIÊM Nam Kỳ là đất cũ của người Miên. Người Miên và Xiêm cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ, cùng theo Phật giáo Tiểu Thừa hay Nam Tông. Trong khi từ miền Trung trở ra Bắc nước ta chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, theo Phật giáo Đại Thừa hay Bắc Tông. Thừa là cổ xe. Tiểu Thừa là cổ xe nhỏ, ví dụ như chiếc xe đạp, chỉ chở được một người . Đại Thừa là cổ xe lớn, chở được nhiều người , ví dụ như xe du lịch, xe buýt. Phật giáo Tiểu Thừa theo triết lý "như đi chiếc xe nhỏ, ta tu một mình theo đường lối khổ hạnh. Khi nào bản thân được siêu thoát đắc đạo, trở lại cứu vớt chúng sinh". Trái lại, tu theo Đại Thừa, tức đi xe lớn, vừa đi đường vừa chở kẻ khác quá giang. Tu theo Đại Thừa là vừa tu hành vừa cứu giúp những người nghèo khổ. Những người tu theo Đại Thừa thường ở chùa có của cải để bố thí, mặc áo nâu sòng, vừa tu vừa làm việc từ thiện giúp đời. Phật giáo Đại Thừa truyền từ Ấn Độ qua phương Bắc tới Miến Điện, Trung Hoa, Nhựt Bản vào Việt Nam ...nên ta gọi là Bắc Tông. Phật giáo Tiểu Thừa truyền bá theo phía Nam qua Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào rồi vào Việt Nam nên gợi là Nam Tông. Kinh sách Phật giáo Đại Thừa viết bằng chữ Phạn Sankrit và kinh sách Phật giáo Tiểu Thừa viết bằng tiếng Nam Phạn Pali. Văn minh Ấn Độ có nhiều điều huyền bí, khó lý giải. Dân chúng Nam Kỳ thường nghe nói hoặc chứng kiến những tác dụng của bùa, ngải, thư, ếm. Giới trí thức hay người bình dân cũng đều nhìn nhận việc đó, và cho rằng bùa ngải có sức mạnh thiêng liêng, vô hình, làm hại người, bảo vệ người, hoặc có tác dụng mê hoặc kẻ khác. Quê tôi từ lâu ở gần các sóc người Miên, mà dân làng quen gọi là người "Thổ". Chữ "Thổ", có lẽ để chỉ thổ dân, tức người địa phương, chủ nhân ông của lãnh thổ nầy . Quê tôi cũng có một ngôi "chùa Thổ" tên Sanghamangala, nằm tại ngã ba quán An Nhơn, trên con đường liên tỉnh Vĩnh Long đi Trà Vinh. Theo một tài liệu cũ cho biết "chùa Thổ" nầy xây dựng vào năm 1339, là một trong những ngôi chùa cổ nhứt Nam Kỳ. Trước khi nói tới tác dụng của bùa ngải, tôi xin nhắc lại một kỷ niệm mà tôi biết rõ. Tôi có một người bạn vào năm 1964 mới tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức. Anh được đổi về Trà Vinh, đơn vị đóng gần phi trường. Xung quanh đó có nhiều sóc Miên ở lâu đời. Nơi đây người bạn tôi có giao du thân mật với một gia đình người Miên địa phương. Qua nhiều lần ăn uống, nhậu nhẹt chung, người Miên ấy có nhã ý tặng bạn tôi một miếng Cà Tha (hình vuông, mỗi cạnh chừng 1cm5 bằng vải, bên trong có đựng bùa). Người Miên ấy dặn bạn tôi:"Anh cứ đeo miếng Cà Tha nầy. Nó sẽ là bùa hộ mạng cho anh trong lúc nguy hiểm". Nể bạn, anh ấy đeo vào cổ và giữ gìn kín đáo, sợ bạn đồng ngũ chê cười. Có một lần anh đang hành quân ở Tiểu Cần, trận đánh đẫm máu vừa kết thúc. Tiếng súng vừa im, bạn tôi cùng người lính cận vệ bắt đầu cuộc lục soát chiến trường. Khi đến một bụi rậm, thình lình một loạt tiểu liên bắn ra. Anh bạn tôi té sấp, máu ra linh láng. Người cận vệ liền quạt cho tên Việt Cộng một tràng M16. Hắn gục đầu đền tội. Trong lúc khiêng người bạn tôi về vị trí cứu thương, thì bác sĩ nhận ra được một điều hết sức kỳ diệu: người bạn ấy bị bắn trúng ngực, nhưng nhờ xâu chìa khoá mà anh bỏ túi trên nên không viên đạn nào xuyên qua tim cả. Anh bị thương nhưng khỏi bị mổ vì các vết đạn đều tạt ngang. Lần ấy anh nằm bịnh viên gần một tháng. Sau nầy anh tâm sự:"Không hiểu là một điều may mắn hay có một sức mạnh siêu nhiên nào cứu anh khỏi chết". Bây giờ anh định cư bên California. Tôi kể lại câu chuyện ấy để tùy độc giả phán xét. Khi nói tới những người đàn bà hay dùng bùa, ngải yêu làm cho đàn ông mê hoặc, tôi chưa biết và cũng không có kinh nghiệm. Chúng tôi chỉ thuật lại những điều nghe nói. Trường hợp cô Ba Trà có kể lại chuyện cô đi Xiêm chuộc ngải để được đàn ông cho tiền nhiều, vì lúc bấy giờ kinh tế khó khăn, mà cô thì như hoa đã mãn khai. Tôi cũng có nghe đồn nhiều chuyện bùa, ngải gieo tai họa cho người lành ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc... Họ bỏ bùa cho con gái bỏ nhà theo trai, đàn bà goá gom góp tiền bạc cuốn gói theo tiếng gọi của ái tình, theo "người có cầm ngải".. Huê khôi Ba Trà từng nói: "Đàn bà chuộc ngải và cầm ngải, thì bọn đàn ông, con trai có tiền mới mê mình." Sau khi Nguyệt Tiên Cung vắng khách lần thứ hai, nhơn tình ít lui tới. Các công tử thì lặn như sao đêm 30. Đàn ông trăm người như một. Ai cũng muốn tìm của lạ. Lúc muốn thì muốn cho được, khi no đủ rồi thì chán chê, đi tìm của mới khác. Thua buồn, cô Ba Trà mới nghĩ cách đi chuộc ngải để có tiền. Theo cô biết muốn cầm ngải thì phải là ngải Xiêm mới có hiệu quả cao hơn bùa ngải Miên. Vì vậy, cô quyết tìm cách qua Xiêm. (Lời cô Ba Trà...) "Lúc ấy tôi thật manh giáp chẳng còn. Anh Lương mái chính ở Chợ Lớn mà cũng chẳng ra thăm. Nợ nần tứ tung. Nguyệt Tiên Cung vắng khách. Vắng hơn chùa Bà Đanh. Chà chetty than hết tiền, không cho tôi vay nữa. Các công tử thì lặn mất hết. Nằm gác tay lên trán, tôi nhớ lại cứu tinh của tôi là chị Hai Tóc Đỏ, năm xưa thường khoe bùa ngải với tôi. Nay tôi nhớ đến chị mà quyết tâm tìm chị để nhờ dẫn đi Xiêm chuộc ngải. Hỏi thăm, tôi được biết bây giờ chị Hai Tóc Đỏ có chồng đang ở bên Xiêm, tôi quyết qua bên ấy, níu lưng chị cầu cứu. "Nói chí tình, chị Hai Tóc Đỏ đối với tôi rất ngọt. Trong buổi đầu ở xứ lạ, chị Hai Tóc Đỏ đã giúp tôi được gặp vị sư cho ngải của thủ đô Xiêm, lúc ấy là Bangkok. Tôi cũng nhắc lại ở đây rằng, số tôi hên, tới đâu cũng được quới nhơn giúp đỡ, đúng như lời ông thầy bói Vi Kính Trang đã nói. Lần đầu xuất ngoại, tôi không rành thủ tục, cứ tưởng đi Xiêm cũng như qua Miên, không cần giấy tờ gì. Khi tôi vừa từ Sisophon vượt qua biên giới tới Xiêm, bị lính biên phòng bắt, giải giao cho Toà Lãnh Sự Pháp ở đây". Xiêm là tên cũ của Thái Lan và đổi tên chánh thức thành Thái Lan năm 1939, dưới thời Thống Chế Pibun Songram làm Thủ Tướng. Thủ đô Bangkok nằm bên bờ sông Chao Praya, thành lập năm 1780. Còn triều đại trị vì nước Xiêm hay Thái Lan là Chakri cũng thành lập năm 1872 tức là trước khi vua Gia Long thống nhứt đất nước 20 năm! Các vua triều đại Chakri đều lấy đế hiệu Ram. Vua hiện tại, Bhumibol Adulyadej là Ram đệ Cửu. "Vừa bị giải giao tới Lãnh Sự Pháp tại Bangkok - lời cô Ba Trà - tôi được một thanh niên Việt cao lớn, đẹp trai, đang làm việc tại đây, niềm nở hết sức. Tôi có cảm tưởng như người quen lâu ngày mới gặp lại. Người đó là anh Đỗ Hữu Trí, con thứ của ông Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương. Ông Phương là người giàu thứ nhì ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ nầy. Dân Sài Gòn thường truyền tụng câu:"Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định". Giàu hạng nhứt là ông Huyện Sĩ, ông ngoại vợ Hoàng Đế Bảo Đại; thứ nhì là Đỗ Hữu Phương; thứ ba là bá hộ Xương, tên Lý Tường Quang; thứ tư hộ trưởng Định. Đỗ Hữu Phương có nhiều người con du học bên Tây rất sớm: Đỗ Hữu Vị, phi công đầu tiên của Việt Nam . Đỗ Hữu Chuẩn, trung tá trẻ tuổi nhứt trong quân đội Pháp. Đỗ Hữu Trí, làm trong Lãnh Sự Quán Pháp tại Bangkok từ năm 1933. Sau đó Trí đổi nhiệm sở, sang làm cho Lãnh Sự Quán Pháp tại Singapore. Đỗ Hữu Phương có một người con gái gả cho Hoàng Trọng Phu, con của Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải, người giàu có và danh giá nhứt Bắc Kỳ thời đó. Ông Hoàng Cao Khải có công với Pháp, được Pháp và triều đình Huế phong Duyên Mậu Quận Công. Đề nghị của Pháp cho ông làm Phó Vương Bắc Kỳ về đến triều đình Huế, bị Thượng Thư Cao Xuân Dục bác bỏ, nhưng dân chúng vẫn nịnh bợ, gọi ông là Phó Vương. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1919, Hoàng Cao Khải tổ chức ăn lễ thất tuần, được Pháp tặng Bắc Đẩu Bội Tinh, triều đình Huế gia phong Khâm Sai Kinh Lược Đại Thần. Gia đình Hoàng Cao Khải được dân chúng truyền tụng "một nhà ba Tổng Đốc": - Hoàng Cao Khải: Tổng Đốc Hà Đông, - Hoàng Trọng Phu: Tổng Đốc Nam Định, - Hoàng Mạnh Trí : Tổng Đốc Hà Đông (thế cha) Gặp cô Ba Trà, Đỗ Hữu Trí như bị hớp hồn. Gái đẹp gặp trai đa tình như cá gặp nước. Vụ án nhập cảnh lậu, chỉ mấy ngày sau cô Ba Trà trở thành khách du lịch đầy đủ giấy tờ hợp pháp, nhờ sự lo lắng của Đỗ Hữu Trí. Chính Đỗ Hữu Trí tự mình lái xe đưa cô Ba Trà du lịch, xem hoàng cung, thắng cảnh quanh châu thành Bangkok. Cuối cùng, sau khi cô Ba Trà tìm được chị Hai Tóc Đỏ, để nhờ dẫn đi chuộc ngải, thì Đỗ Hữu Trí cũng lấy xe riêng đưa cô Ba Trà về biên giới Thái Miên để đáp xe lửa về Nam Vang. "Như một người vừa tốt nghiệp một trường huấn luyện, tôi về Sài Gòn với niềm tin mới. Nhiều người thân tín báo với tôi rằng Nguyệt Tiên Cung đang bị con nợ bao vây. Trưởng toà đã được đơn các thân chủ thưa, sẵn sàng lập biên bản khi thấy mặt tôi để "giải ra toà", và tịch biên đồ đạc. Họ định cho tôi vào khám "giam thâu", chờ chừng nào trả đủ tiền thì mới được tự do. Nếu sự việc xảy ra như vậy, còn gì thể diện của tôi? Vì lẽ đó, khi về Sài Gòn , tôi tạm lánh mặt trong Hôtel des Nations ở đường Charner. Chỗ tôi ở chỉ có người tài xế và một đứa ở trung thành biết mà thôi... Họ có bổn phận báo cáo tin tức bên ngoài. Tôi chỉ xuống lầu ăn cơm vào giờ khách sạn vắng thực khách thì người tài xế riêng mới lên mời tôi xuống dùng cơm. Cơm nước xong, tôi lại rút về phòng nằm đợi thời. "Mấy hôm sau, tôi đang ngồi dùng cơm trưa tại phòng ăn của khách sạn Hôtel des Nations, trong lúc vắng khách. Thình lình một người lạ mặt xuất hiện, đi lại gần bàn tôi, và trao cho tôi một danh thiếp làm tôi giựt mình. Kèm theo danh thiếp là một bao thơ có đựng tiền. Tôi coi danh thiếp, thấy đề mấy dòng chữ "Lâm Ngọc Bích tự Lâm Kỳ. X, compredore Banque de L'Indochine, chi nhánh Cần Thơ". Trong bao thơ có 100 tờ giấy xăng (giấy 100 đồng). Tôi thắc mắc, không biết số tiền nầy là tiền gì, tại sao có người đem cho tôi trong khi tôi hoàn toàn xa lạ với tên người in trong danh thiếp? Hồi tưởng lại, lúc ở bên Xiêm, tôi luyện phép và van xin sự tổ phò hộ cho tôi được các công tử nhà giàu mê tôi, cho tiền tôi xài. Bây giờ, tự nhiên có tiền vô, tôi thắc mắc có phải do tác dụng của bùa ngải, hay do công tử họ Lâm mê nhan sắc tôi? Số tiền ấy có thể gọi là tiền lễ ra mắt. Xin quý độc giả nhớ rằng vào thời đó, lương đốc phủ sứ đặc hạng sắp về hưu có 250 đồng một tháng, mà người ta dám cho tôi một lần 10,000 đồng, quả là một số tiền to tát đến bực nào. Có tiền, tôi đường hoàng trở về Nguyệt Tiên Cung trả nợ nần và lại sống xa hoa như trước. Khách quen mới cũ, đều biết tin, cũng trở lại. Cách đó một tuần, tôi được một người bạn quen dẫn đi đổ hột "xí ngầu lác" taị tiệm vàng bác Năm Hy, số 108 đường Bonard. Tôi gặp vận đen , thua liên tục. Lúc đó cũng có thành kiến "đỏ tình thì đen bạc". Sau một giờ, tôi thua sạch túi. Tôi sai đứa bồi thân tín gọi điện thoại xuống "Banque de L'Indochine" ở Cần Thơ để xin 5,000 đồng. Tôi không đích thân nói chuyện với công tử họ Lâm nầy, vậy mà 4 giờ sau, có người tài xế, trên cổ áo gắn phù hiệu "Banque de L'Indochine, Annexe de Cần Thơ", đem lên một bao thơ lớn, lễ phép trao cho tôi. Mở ra, tôi đếm trước mặt: 50 tờ giấy xăng còn mới tinh, thơm mùi mực in. Sau nầy tôi mới biết rõ lý lịch công tử họ Lâm nầy. Thân phụ cậu là một nhà triệu phú nhờ có óc kinh doanh. Đương thời, thân phụ cậu làm chủ hãng rượu lớn nhứt Nam Kỳ tên H.C. Cũng như hãng rượu "Distillery Français de L'Indochine", từng làm mưa làm gió khắp thị trường Đông Dương, nhưng dân "nát rượu" lại thích rượu nếp trắng của hãng H.C. ở Châu Đốc hơn.
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 10:01:00 GMT 9
Phần 5: HÓC MÔN, BÀ ĐIỂM VỚI 18 THÔN VƯỜN TRẦU Hứa Hoành Địa danh Hóc Môn, cho tới nay vẫn còn nhiều ý kiến giải nghĩa khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, người ta nói:"Hóc là chỗ xa xôi vắng vẻ (như ‘hóc bà tó’) có nhiều cây môn nước mọc". Nhà văn Lê Trung Hoa trong tiểu luận phó tiến sĩ văn chương có cách giải thích khác: "Hóc là cổ ngữ, có nghĩa là dòng nước nhỏ. Hóc đồng nghĩa với ‘hói’ để chỉ nơi đấy sâu lõm xuống thành bãi dài có nước đọng". Theo một vị cao niên là cụ Lương Văn Nên (1857-1937) ở Hóc Môn kể lại rằng:"Cách nay trên 100 năm, Hóc Môn là một khu rừng đất cao, có nhiều cọp và thú dữ. Ban đêm chúng thường ra con rạch ở gần chợ Hóc Môn ngày nay uống nước". Lời kể ấy củng cố giả thuyết: "Hóc Môn là dòng nước nhỏ, có mọc nhiều cây môn nước". Tưởng cũng cần nói thêm về cây môn nước. Môn là loai cây thân cao như cây bạc hà, lá lớn trên ngọn, mọc theo chỗ trũng hoặc bờ sông, bờ ruộng có nước. Có hai loại môn: Môn ngọt ở chính giữa lá có chấm đỏ, có thể xào thịt ăn, hoặc làm dưa giống như dưa cải hay dưa mái dầm. Còn môn ngứa chỉ dùng lá gói đường, đậu mà thôi. Hóc Môn nằm phía Bắc Sài Gòn. Từ Phú Nhuận có đường cái quan đi lên Bà Điểm, Hóc Môn, Trảng bàng, cho tới Tây Ninh và biên giới Cam Bốt. Con đường này do Lê Văn Duyệt trong lúc làm Tổng Trấn Gia Định thành, chỉ huy dân phu đắp. Về sau Pháp mở rộng lên Gò Dầu gọi là quốc lộ số 1. Khi người từ miền ngoài tới, Hóc Môn còn là rừng rậm. Họ phải chặt cây làm chỗ trồng trọt, rồi làm ruộng, rẫy. Dần dần nơi đây có thôn ấp. Sản phẩm được trồng nhiều nhất vùng Hóc Môn Bà Điểm là cau, trầu để ăn kèm với thuốc trồng rất nhiều ở Gò Vấp. Thuốc ở Gò Vấp nổi danh khắp Nam Kỳ một thời gọi là thuốc Gò. Trầu , cau Hóc Môn Bà Điểm cũng nổi danh khắp miền Đông. Thuở đó, trầu, cau, thuốc lá rất cần thiết hằng ngày, vừa để ăn, vừa dùng trong việc xã giao. "Miếng trầu là đầu câu chuyện", điều đó chứng tỏ trầu,cau, thuốc là món hàng rất có giá trị. Trầu là loại dây leo, phải cắm nọc cho nó bò lên. Hồi cuối thế kỷ 19, ở đây có một cái chợ chuyên môn bán nọc để trồng trầu, do ghe xuồng từ các nơi chở đến. Chợ đó là xã Tân Thới Nhì, có chợ Bến Nọc. Trầu và cau phải trồng lên liếp , nhưng không xẻ mương như ở miền giữa sông Tiền và sông Hậu, vì ở đây đất cao, chỉ có thể đào giếng lấy nước tưới mà thôi. Thị trường tiêu thụ trầu cau là chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu. Mấy thập niên cuối của thế kỷ 19, dân chúng Bà Điểm, Hóc Môn thường gánh trầu xuống Gia Định bán. Họ đi thành đoàn hai, ba chục người để khỏi bị cọp vồ. Những năm sau đó, có xe ngựa chở trầu, cau và đồ hàng bông xuống bán ở Sài Gòn. Những ai từng cư ngụ trên đường Lê Văn Duyệt hồi những năm đó chắc sáng sớm sẽ bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa lọc cọc trên mặt đường, hoặc tiếng xe bò cót két của người Hóc Môn, Bà Điểm chở trầu cau và đồ hàng bông xuống chợ. Vùng này , theo sách cổ, có đến 18 thôn chuyên canh trầu cau, nên gọi là "Thập bát phù viên", tức 18 thôn vườn trầu. Theo bản án của Toà Án Gia Định xử vụ Quản Hớn khởi nghĩa, giết vợ chồng Đốc Phủ Ca, có kể tên 18 thôn liên hệ phải bồi thường số tài sản thiệt hại do cuộc khởi nghĩa này gây ra. Các thôn đó là: 1. Bình Hưng 2. Vĩnh Lộc 3. Tân Thới Thượng 4. Tân Đông Thượng 5. Trung Chánh (Quán Tre) 6. Tân Thông Tân 7. Tân Thông Tây 8. Tân Thới Tam 9. Tân Thới Nhì 10. Tân Thới Tứ 11. Tân Đông 12. Tân Thành 13. Tân Đông Trung 14. Xuân Hoá 15. Bình Hưng Đông 16. Bình Nhạn 17. Mỹ Hạnh Hóc Môn là nơi hội tụ của những cuộc đời tao loạn miền Ngoài, tìm đến cuộc đất mới ấm no. Họ lập thành làng xóm trong cùng chung một hoàn cảnh, tạo ra một sắc thái riêng biệt của con người Hóc Môn: Giàu nghĩa khí (Nguyễn An Khuơng, Nguyễn An Cư, Nguyễn An Ninh), giàu lòng yêu nước như Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. Trong quá trình hình thành Hóc Môn, Bà Điểm, ban đầu họ lập các thôn xóm như Cây Lài, Bàu Xiêm…rồi dần xuống Hóc Môn, Bà Điểm, trở lên Củ Chi… Năm 1982, tôi có lần lên thăm người bạn ở Suối Đá, tức quận lỵ của một quận mới: Dương Minh Châu. Đang lúc đó mùa khô, có phong trào làm thủy lợi, đắp con đê vòng quanh lòng hồ của đập Trị An. Sáu tỉnh xung quanh Sài Gòn đều phải gởi người đến làm sưu, tự túc cơm gạo. Bạn tôi kể, có một lần vào giờ giải lao, một người dân Hóc Môn vừa đốt điếu thuốc, nhả khói lên trời rồi ra câu đối: “Trai Hóc Môn vừa hôn vừa móc”. Lập tức bên cạnh có người đáp lại: “Gái Gò Công vừa gồng vừa co” Dưới thời Gia Long (1802-1820), Hóc Môn là lỵ sở của huyện Bình Dương. Phạm vi huyện này lan rộng xuống tới Sài Gòn, và cả huyện Cần Giờ ngày nay. Hồi đàng cưụ, Trần Tử Ca (1823-1885) làm xã trưởng Hạnh Thông tới Gò Vấp. Sau Ca được thăng làm phó tổng Dương Hoà Thượng. Ban đầu Trần Tử Ca là một phú hộ, nhờ có chút ít học vấn nên được cử làm xã trưởng Hạnh Thông, chớ không phải là người xuất thân khoa bảng. Hồi đó Trần Tử Ca chưa theo đạo Thiên Chúa. Năm 1860, đồn Chí Hoà bị hạ. Pháp chiếm luôn các vùng lân cận như Hóc Môn, Trảng Bàng, Tây Ninh. Lúc đó huyện Bình Dương còn dưới quyền tri phủ Hồ Huân Nghiệp, đang chỉ huy nghĩa quân kháng chiến. Đến năm 1865, Hồ Huân Nghiệp bị bắt và đem hành hình tại Phú Thọ rồi tri huyện Lưu Đình Lễ ở Hóc Môn cũng bỏ chạy. Pháp cử tên Lucien de Grammond lên trấn nhậm Hóc Môn. Tên nầy có râu quai nón, rất dài, mỗi khi giận, hắn nhai râu “trạo trạo”, dân chúng gọi là “ông nhai râu”. Trần Tử Ca dẫn vài tên nghĩa quân ra hàng để chuộc tội. Pháp cần người bản xứ ra cộng tác , nên thâu dụng Ca, cho hắn cai trị Hóc Môn, báo cáo tình hình và giữ an ninh. Thấy Ca khôn ngoan lanh lợi, thạo đường đi nước bước, Pháp cho Trần Tử ca dẫn đường để chúng đi kinh lý các tỉnh miền Tây. Tháng tám năm 1867, Ca cùng Giám Đốc Nội Vụ Paulin Vial xuống tàu ở Gò Công, bắt đầu xuống Bến Tre. Tình hình ở đây cũng mới tạm yên. Rồi họ xuống Trà Vinh, quân Pháp còn giao tranh với nghĩa quân tại Cầu Nang. Tên chỉ huy ở đây đã báo cáo:”Có làng tất cả dân chúng đều theo nghĩa quân.” Sau đó phái đoàn Pháp xuống Sốc Trăng, lên Rạch Giá, Long Xuyên. Chuyến đi thị sát vùng mới chiếm cho Pháp có ý niệm vững chắc về tình hình mấy tỉnh miền Tây cũng như địa thế của nó. Khi về, để củng cố lòng tin cậy của Pháp, gia đình Ca xin rửa tội theo đạo Công Giáo. Thấy địa vị khá vững, Ca bắt đầu công việc làm ăn của mình. Trong lúc tình hình vùng mới bình định chưa hoàn toàn yên ổn. Ca tìm những gia đình giàu có bắt bớ để tra khảo vì nghĩ họ giúp đỡ tiền bạc cho nghĩa quân. Bắt họ, có lợi trước mắt là khi đánh đập, gia đình sẽ đem tiền đến chuộc. Mặt khác Ca lo củng cố an ninh, kiểm soát dân cư cựu trào, phân loại theo thành tích mà hắn biết rõ trước đây. Thấy Ca làm được việc, Pháp cho Ca giữ chức Phó tổng lúc trước. Hồi năm 1983, có một lần ăn cơm trong một gia đình ở Chợ Lớn, tôi được nghe một vị bô lão, năm đó 81 tuổi, nhắc chuyện xưa về Phủ Ca:"Phủ Ca là người khôn ngoan, có lối làm việc theo kiểu đàng cựu. Mỗi lần bắt nạn nhân để khảo của, hắn vừa uống trà vừa hỏi cung, để cho dân chúng bu xung quanh xem. Mỗi khi nạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn, rên la, thân nhân đứng bên ngoài cũng đau đớn, xin đem tiền đến nạp để cứu người thân. Nhiều người quá nghèo, nhưng vì thương chồng, con, phải bán nhà cửa, trâu, heo đến chuộc mạng, rồi sau đó bỏ làng trốn đi. Với phương pháp này, Ca làm giàu nhanh chóng, cất nhà gạch ở chợ Hóc Môn đầu tiên." Một nho sĩ xu nịnh lúc bấy giờ đã mô tả hình dung Phủ Ca như sau: "Ca thường bịt khăn nhiễu điều tứ cú, mặc áo lót song khai. Trấn nhậm tại xứ Hóc Môn, tục danh Mười Tám Thôn Vườn Trầu. Đang thuở ấy, bốn phía xứ Hóc Môn, nhân dân phong tục nhiều người ngang ngạnh, phần thì liền với Trảng Bàng, đất gò rộng minh mông vô hạn, quân giặc giã, trộm cướp hay quần tụ ra vào." Dựa thế lực của chồng, vợ Ca cũng tác quái nhiều việc. Bà độc quyền mua trầu cau rồi dùng xe bò chở xuống Gia Định bán. Bà còn sắp xếp việc mua bán trong chợ Cầu. Trước đó ở đây có chợ Bến Nọc. Năm 1871, Ca được thăng tri huyện, thế lực càng lớn, dân chúng nơm nớp lo sợ, coi ông như cọp. Đến năm 1879, Ca được thăng đốc phủ sứ, mở tiệc ăn mừng bắt quan làng, dân chúng đóng góp. Năm đó, Ca cất dinh quận, bắt dân phu phục dịch cả năm trời như tội nhân lao động khổ sai. Bà vợ, để mở mang công việc làm ăn, cũng cho cất mới ở tại chỗ Chợ Cầu bây giờ. Chỗ đó về sau, dân địa phương gọi là "Chợ Quan Lớn Ca". Trước bữa khai thị hai hôm, Ca cho dán bố cáo: "Mốt tới, coi chợ mới, tốt" Sáng sớm hôm sau, bên cạnh thông cáo đó, có một câu đáp của một sĩ phu, chơi xỏ Ca: "Mai lên thấy con Mên" (Miên lai) Hồi trước ở trong Nam, người Việt sống chung đụng với người Miên nhưng kỳ thị họ, coi họ kém văn minh. Khi nói đến "Cao Mên, Con Mên…" là có ý nghĩa khinh khi họ.
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 9, 2010 10:01:26 GMT 9
CUỘC KHỞI NGHĨA 30 TẾT Vợ chồng Ca là người vừa tham vừa tàn ác. Sẵn quyền lực, được Pháp tin cậy, Ca không từ chối bất cứ biện pháp làm tiền dã man nào. Giữa thập niên 1880, dân chúng Hóc Môn trải qua những giấc mơ hãi hùng. Lúc nào họ cũng bị ám ảnh bởi :”nửa đêm thúc thuế trống dồn”. Bài “Vè Quản Hớn” nói lên tình cảnh ấy: “Đêm năm canh giấc ngủ chẳng an Ngày sáu khắc, lo xâu cùng thuế (1) Qua năm Dậu (1885) gẫm âu quá tệ, Khổ người dân như khúc gỗ tròn …” (1) xâu : tức là sưu, hình thức đóng thuế bằng cách ra sức làm những công việc nặng nhọc như đắp đường, làm cầu, cất dinh…không được trả công. Qua bốn câu đó, ta thấy tình hình bất mãn lên đến cực điểm vào cuối năm 1884. Hổ phụ sinh hổ tử. Hai người con của Phủ Ca cũng là những tên cường hào ác bá. Một tên gọI là Phủ Luông vừa gian ác, vừa hiếu sắc. Một tay hắn phá nát không biết bao nhiêu gái trinh tiết. “Thêm công tử Phủ Luông mỹ hiệu, Bởi bội ước hồn phi yểu yểu…” Trong “Vè Quản Hớn”, dân gian dị nghị hai người con Phủ Ca như sau: “Hai chàng con đốc phủ Ca, “Xóm làng bắt hết, khảo tra sự tình” “Ai ai đều cũng thất kinh, “Trẻ già lo sợ như hình cò ma.” "Ngỡ là con trả thù cha, "Nào hay bán máu, đổi ra bạc tiền. "Làm oai: kẻ trói, người xiềng, "Dẫn về trường bố, cho liền cửa quan" "Ai mà muốn chối tai nàn, "Bạc cây đem nộp, mới an thân mình. "Kẻ làm thì dạ ưng tình, "người không cũng bắt, hành hình dữ thay. "Kẻ thì kết án lưu đày. "người thì chém giết xứ này Hóc Môn" Bài "Vè Quản Hớn" đã tố cáo hành vi tàn ác của hai người con Trần Tử Ca. Tuy không giữ chức vụ gì, nhưng dựa lịnh cha, họ cũng bắt người tra tấn để khảo của , bất luận oan hay ưng. Ngoài ra, theo lịnh Pháp hồi đó, dân chúng đóng thuế dầu phộng để đốt đèn. Theo lịnh Ca, dân nạp dầu phộng nhiều, Ca cho lính ép lấy dầu, giữ lại một phần lớn, còn ít thì nạp vào kho. Tiếng dữ được loan truyền trong dân chúng: "Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng, "Ép lấy dầu nộp thiểu , thâu đa…" Bao nhiêu tiền của, do công lao, sức lực của dân nghèo, gia đình Ca đều tóm thâu gần hết. Gặp cảnh khổ của người dân, Ca cũng không động lòng. Trong lúc mọi người oán hận Ca thì Ca thản nhiên tổ chức lễ mừng lục tuần rình rang, bắt lính tráng, dân phu phục dịch suốt tuần lễ. Để giúp vui, Ca cho tổ chức đua ngựa, rước gánh hát bội về diễn , nhưng dân chúng phải góp tiền để trả. Các hương chức hội tề chia nhau gánh vác, đóng góp vàng lụa "mừng quan" "…Khai lục tuần địch thể giá vua, "Theo tân trào phá miếu đốt chùa" gây thêm khích động. Một người có tâm huyết, đứng về phía dân chúng là Phan Công Hớn tục gọi là Quản Hớn, đang coi việc an ninh trong làng. Hớn cùng Nguyễn Văn Quá âm thầm chuẩn bị gươm, dao, mác và bí mật chiêu tập một số nghĩa quân chờ cơ hội. Dân chúng quá bất mãn vì bị bóc lột tàn nhẫn nên họ theo Quản Hớn rất nhiều. Như thường lệ, những ngày giáp Tết Ất Dậu (1885), người tụ tập ngoài đường, nơi vắng vẻ, luyện tập. Chiều 30 Tết, trong khi mỗi gia đình lo cơm nước, rước ông bà, quét dọn nhà cửa sạch sẽ , tươm tất. Gần đến giờ Giao Thừa, giờ phút thiêng liêng mà mọi người đang trông đợi như chậm lại. Nhà nhà đều mở cửa. Trên mỗi bàn thờ, đèn, nhang nghi ngút, sáng trưng. Bỗng môt hồi mõ hiệu lịnh nổi lên: -Có biến động! Mõ hồi một! Nhiều nhà hốt hoảng. Cửa đóng. Đèn tắt. Ngoài đường, tiếng chân người chạy sầm sập. Chỉ phút chốc, một đoàn người cầm đuốc, gươm dáo vừa tiến về dinh quận Hóc Môn, vừa la ó:"Giết Phủ Ca", "Chặt đầu vợ chồng Phủ Ca"! Rồi quân khởi nghĩa chia nhiều tốp, vừa phá cổng, vừa bắn giết nhóm giữ cửa, trong khi các nhóm khác leo tường lọt vào bên trong. Hồn phi phách tán, vợ chồng Phủ Ca bị nghĩa quân bắt trói trước sân đình quận. Phẫn uất, chúng liền chặt đầu, rồi sau đó đem bêu phơi trước dinh quận. Quân khởi nghĩa dưới quyền lãnh đạo của Quản Hớn thành công như nước vỡ bờ. Bao nhiêu thù ghét được dịp bùng nổ. Họ đốt phá, bắn giết những người trong gia đình Phủ Ca. Chỉ một vài người đàn bà, con nhỏ, gia nhơn chạy thoát được. Sáng mùng một Tết, dân chúng Hóc Môn ăn mừng. Tết rất lớn. Họ đem bánh tét, trà, thuốc đãi nghĩa quân, rồi reo hò . Trong khi đó, Quản Hớn vẫn chia quân phòng thủ. Khoảng 3 giờ chiều, toán quân tiếp viện đầu tiên tới. Họ giao tranh với nghĩa quân, nhưng không chiếm lại được dinh quận, vì họ cố thủ. Rồi quân Pháp từ Gia Định kéo lên, vây bốn mặt. Đi tới đâu, quân Pháp bắn giết tới đó để dằn mặt. Dân chúng bắt đầu bỏ nhà chạy trốn vào rừng. Tuy quân số đông, nhưng chỉ là ô hợp, họ chiến đấu vì sự phẫn nộ lâu ngày như phá vỡ sự đè nén, chớ không biết cách chiến đấu. Lại nữa, súng đạn ít, gươm, dao không thể đương đầu với võ khí của Pháp nên cuộc chiến đấu chậm dần. Một số người bị thương, tử trận, một số bỏ trốn. Giặc Pháp kéo vô dinh quận bắt được Quản Hớn, Nguyễn Văn Quá, và hơn hai mươi người còn lại. Cuộc khởi nghĩa đã bị dẹp rất nhanh chóng. Trước đó chừng mười hôm, Đề Bường (Nguyễn Văn Bường) cũng chuẩn bị khởi nghĩa ở Phú Nhuận. Ý định của Đề Bường là tấn công chợ Xã Tài (Phú Nhuận) rồi kéo sang đốt chợ Đất Hộ (Đa Kao), liên lạc với nghĩa quân Hóc Môn để họ tiếp trợ. Đề Bường cho người liên lạc với một nhóm tù bị giam tại khám lớn, hẹn đến đêm đó nổi lửa đốt khám, nghĩa quân sẽ đến giải cứu. Tuy nhiên khám vẫn nổi lửa đốt lên đúng hẹn, làm cho Pháp bỏ chạy , nhưng đợi mãi không có quân đến tiếp cứu vì Đề Bường đã bị bắt trước khi ra tay. Thế là cuộc khởi nghĩa của Đề Bường chỉ gây được tiếng vang mà thôi. Mặc dầu không có sự liên lạc, nhưng trước cuộc khởi nghĩa Hóc Môn, nghĩa quân ám sát tên Trần Bá Hựu, chủ quận Long Thành, em ruột của Tổng Đốc Trần Bá Lộc, khiến người Pháp có cảm tưởng rằng "phong trào Cần Vương lan rộng vào Nam", làm cho họ ráo riết chuẩn bị đối phó. Ngoài ra ở làng Long Hội, giáp ranh giữa Mỹ Tho và Gò Công, có Nguyên Soái Hiền, phó Nguyên Soái Trần Công Chánh, cũng chiêu tập được hàng trăm người , đồng loạt nổi lên phá nhà việc làng. Họ kêu gọi dân chúng cùng đứng lên giết giặc. Cũng như nhiều nơi khác, nghĩa quân chỉ chiến đấu với lòng căm thù, nhưng thiếu tổ chức và võ khí, nên bị đàn áp nhanh chóng. Trong việc đem quân trở lại Long Hưng, Pháp bị chết mấy người lính làm cho họ càng thêm dã man, gặp ai nghi ngờ, chúng giết lập tức. Cuối cùng, những người cầm đầu như Nguyên Soái Hiền, Phó Nguyên Soái Trần Công Chánh đều sa vào tay giặc. Trước phong trào chống Pháp lên cao, Thống Đốc Nam Kỳ dùng biện pháp phạt tiền nguyên cả làng đó vì đã "chứa chấp bọn phiến loạn." HẬU QUẢ: Sau tất cả các biến cố đó, tỉnh Gia Định bị giới nghiêm vào ban đêm hàng tháng trời. Pháp áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát an ninh, dập tắt các phong trào mới nhen nhúm. Những vụ khởi nghĩa nầy, Pháp đều đưa ra xử tại toà án Bình Hoà, Gia Định. Hồi đó, hạt Sài Gòn còn gồm luôn Gia Định. Từ năm 1875, dinh tham biện (Toà Bố) đặt tại làng Bình Hoà, nên gọi hạt Bình Hoà. Đối với người Pháp, họ rất khó phân biệt giữa "Bình Hoà" và "Biên Hoà" nên họ đổi ra Gia Định cho khỏi nhầm lẫn. Từ năm 1889, họ đổi danh từ "hạt" ra "tỉnh". Phiên xử nghĩa quân ám sát Trần Bá Hựu, có một án tử hình dành cho người cầm đầu và ba án khổ sai chung thân. Vụ Đề Bường mưu toan khởi nghĩa ở Phú Nhuận và phá khám lớn bị bắt lúc chưa xảy ra, nên Thống Đốc Nam Kỳ áp dụng biện pháp hành chánh, ký lịnh lưu đày ngày 21 tháng Hai năm 1885. Nguyễn văn Bường chung thân khổ sai, biệt xứ ở Côn Lôn, còn những người khác bị từ năm đến mười năm. Năm sau, Đề Bường bị bịnh chết ở Côn Đảo. Sáu tháng sau, tỉnh Bình Hoà nhóm để xử vụ Hóc Môn. Vụ án liên quan đến nhiều người nên phiên xử kéo dài nửa tháng. Sau đó, thực dân tuyên án: 14 người tử hình trong đó có Phan Công Hớn, Nguyễn Văn Quá. 16 người khác tù khổ sai có thời hạn. Phiên toà Bình Hoà xử vụ Quản Hớn kết thúc ngày 31 tháng Tám 1885. Thực dân muốn áp dụng hình phạt thật nặng nề để dằn mặt dân bản xứ. Tuy nhiên, bản án về tới Pháp, Tổng Thống Pháp được báo cáo dư luận dân chúng Gia Định bất mãn, nên hạ bản án xuống: chỉ 2 người cầm đầu tử hình, còn lại 12 người khác bị khổ sai chung thân. Sau đó chừng một tháng, ta thấy dưới bến tàu nhiều chiếc khởi hành chở tù đi đày ở các hải đảo xa xôi hằng ngày . Trong dư luận bấy giờ, dân chúng có câu ca dao: "Ngó ra ngoài biển mù mù, "Thấy tàu ông Thượng chở tù về Tây" Về Tây là về phía Tây. Đi gần có Côn Nôn. Đày xa có Đại Hải hay đảo Bourbon tức đảo Réunion thuộc Ấn Độ Dương sau nầy. Cũng có một số ít bị đày sang đảo Tahiti, hay Cayenne Nam Mỹ như các nạn nhân trong vụ binh biến kinh thành Huế năm 1885. Sáng sớm ngày 30 tháng Ba 1886, tại chợ Hóc Môn, dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết hai lãnh tụ cuộc khởi nghĩa "18 thôn vườn trầu" là Phan Công Hớn và Nguyễn Văn Quá. Vẫn theo bản án của tòa Bình Hòa, 18 thôn liên hệ đã kể trên phải liên tục chung góp để bồi thường cho gia đình Phủ Ca số bạc gần hai vạn đồng. Thời đó, số tiền ấy quá lớn, nhiều người chịu không nổi cảnh chung góp trả nợ phải bỏ làng trốn đi nơi khác. Theo một nguồn dư luận khác, cuộc khởi nghĩa sở dĩ thành công nhanh chóng một phần do lòng phẫn nộ của dân chúng, và một phần do trong quân lính tham dự có một số theo Thiên Địa Hội, dùng bùa phép để trở nên gan dạ. Dầu sao cuộc khởi nghĩa ấy cũng biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc, và cũng là một cách để dằn mặt bọn thực dân. Qua vụ giết Phủ Ca, dư luận Hóc Môn phản ánh qua bài "Vè Quản Hớn": "Quản Hớn dầu chết cũng rạng danh, "Vì trừ được tham quan ô lại "Quan đốc phủ thác đà cũng phải "Khai lục tuần địch thể giá vu "Theo tân trào phá miếu phá chùa, "Thuở cựu trào làm cai phó tổng "Ở một ngày một lộng "Lầu ba từng lại có võ môn "Nhựt nhựt thường kiểng đổ trống rung "Xe song mã sướng đà quá sướng "Dân bần tiện lòng kia chẳng tưởng "Ép dầu nộp thiểu, thâu đa..." Sau vụ nầy, Pháp đưa Phủ Ngôn từ Gò Công tới thay thế. Phủ Ngôn ở một thời gian ngắn, Phủ Lê Tấn Đức kế nhiệm. Ông Đức cũng nổi tiếng cường hào ác bá ở Bạc Liêu, dân chúng, hương chức đều kêu ca hành vi của ông. (Xem thêm bài "Cà Mau tiền rừng bạc biển, nhưng cuộc sống khó khăn" cùng tác giả trong sách "Nam Kỳ Lục Tỉnh tập I", Văn Hóa tái bản lần thứ nhất năm 1993). Từ đó, ở Hóc Môn có lưu truyền hai câu ca dao: "Mừng xuân có pháo, có nêu, Có đầu quan phủ bêu nơi cột đèn"
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 10, 2010 2:44:34 GMT 9
Khoa cử ở Nam Kỳ dưới triều Nguyễn *** Trần viết Ngạc Kỳ thi Hương đầu tiên dưới triều Nguyễn vào năm 1807 chỉ dành cho sĩ tử ở xứ Đàng Ngoài trước đây, lấy đậu 61 cử nhân. Ưu ái và vỗ về sĩ phu và nhân dân Bắc Hà chăng? Khoa sau, 1813, Gia Long mới cho thiết lập một trường thi ở Kinh đô Huế và một trường ở Gia Định thành (trường Gia Định). Trường Gia Định được duy trì từ năm 1813 cho đến năm 1858, tổ chức được 19 kỳ thi Hương. Sau Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), trường An Giang (1864) thay thế cho trường Gia Định. Tất cả 20 kỳ thi Hương ở Nam Kỳ (1813-1864) tuyển chọn được 274 cử nhân. Kỳ lấy đỗ cao nhất là 20 cử nhân vào các năm 1847, 1848 và thấp nhất là 8 cử nhân ở kỳ thi Hương đầu tiên (1813). Có một sự kiện lạ lùng ít ai lưu tâm tìm hiểu và biết đến là 274 cử nhân thi đậu tại các trường thi Gia Định và An Giang, duy nhất chỉ có Lương Khê Phan Thanh Giản là đạt được học vị Tiến sĩ! Nếu kể thêm các cử nhân gốc Nam Kỳ thi ở các trường khác thì trước sau Nam Kỳ, suốt thời kỳ khoa cử dưới triều Nguyễn chỉ có 3 vị Tiến sĩ. Ngoài Phan Lương Khê đậu năm 1826, ba mươi năm sau mới có vị thứ hai là Phan Hiển Đạo (1856). Phan Hiển Đạo thi cử nhân ở trường Thừa Thiên vào năm Đinh Mùi (1847), đậu thứ ba và thi Hội, đậu Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856). Vị tiến sĩ thứ ba là Nguyễn Chánh, người thôn Phú Mĩ Tây, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Nguyễn Chánh đậu giải nguyên tại trường Thừa Thiên khoa Mậu Ngọ (1858) và đậu Tiến sĩ (thứ 4) khoa Nhâm Tuất (1862), làm quan đến chức Thượng thư bộ Hình và Tổng đốc Thanh Hóa. Có đôi điều đáng suy nghĩ: Thứ nhất, tại sao các sĩ phu Nam Kỳ ít người đạt đến bậc cao nhất của Khoa cử dưới triều Nguyễn. Chỉ tính cùng thời gian từ năm 1822 đến năm 1865 thì toàn quốc có 280 tiến sĩ trong khi Nam Kỳ cùng thời gian trên chỉ có 3 tiến sĩ và trong số 274 cử nhân thi Hương tại Nam Kỳ chỉ có một tiến sĩ duy nhất đó là Phan Thanh Giản! Phan Thanh Giản là người khai khoa và trong suốt 30 năm (1826-1856), Phan là người trí thức tiêu biểu nhất của Nam Kỳ trong khoa cử và cũng là vị đường quan cao nhất ở Nam Kỳ trong triều đình Huế. Phải chăng vua Tự Đức không có lựa chọn nào khác khi cử vị tiến sĩ đầu tiên và cũng là duy nhất trong số 274 sĩ tử Nam Kỳ đậu cử nhân, làm Khâm sai đại thần để ký kết với thực dân Pháp một hòa ước liên quan đến số phận ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862) ? Và cũng chính ông, chứ không ai khác được cử đi Paris và Madrid để chuộc lại Ba tỉnh miền Đông. Hòa ước Aubaret ký kết năm 1864 bị Pháp phủ nhận và Phan Thanh Giản lại được cử vào chức Kinh lược sứ tại Ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Phan Lương Khê có thể có chọn lựa nào khác là chén thuốc đắng khi Ba tỉnh Miền Tây mất vào tay Pháp năm 1867! Thứ hai, chúng ta cần ghi nhận là sĩ tử Nam Kỳ đáng cho chúng ta tự hào khi đã cùng nhân dân xả thân bảo vệ đất nước. Một số cử nhân đã đi vào lịch sử dân tộc như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cáa cử nhân Trương Gia Hội, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Thành Ý, Âu Dương Lân, Trương Minh Giảng, Trương Văn Uyển, , Trần Xuân Hòa, Đỗ Trình Thoại, Phan Văn Đạt, Lưu Tấn Thiện, Đinh Văn Huy ... So với những vị khoa bảng ở các vùng khác, các sĩ phu xuất thân từ khoa cử ở Nam Kỳ, trong công cuộc đấu tranh giữ nước, xứng đáng là niềm tự hào của nhân dân Nam Kỳ và nhân dân cả nước. Bảng thống kê sau đây cho chúng ta biết thêm về khoa cử ở Nam Kỳ dưới triều Nguyễn : STT Khoa Số cử nhân Thủ khoa Ghi chú thêm 1 1813 8 Nguyễn Bảo Bang Khoa Hương đầu tiên ở Nam Kỳ 2 1819 12 Trương Hảo Hiệp Trương Minh Giảng 3 1821 16 Nguyễn Văn Kỳ (cùng khoa) 4 1825 15 Trương Phước Cang Trương Văn Uyển 5 1828 16 Mai Hữu Điển Phan Thanh Giản 6 1831 10 Đinh Văn Huy Hy sinh ở Campuchia, được lập đền thờ. Con là Đinh Văn Khoa, hy sinh ở Hà Tĩnh, cũng được lập đền thờ 7 1835 9 Bùi Hữu Nghĩa Cùng khoa 8 1837 11 Nguyễn Văn Triêm Trần Xuân Hòa 9 1840 11 Nguyễn Hoài Vĩnh Trần Thiện Chánh 10 1841 15 Hồ Đăng Phong Đỗ Trình Thoại 11 1842 16 Võ Duy Quang Phạm Hữu Chánh (Án sát An Giang) 12 1843 15 Phạm Văn Trung Lưu Tấn Thiện 13 1846 18 Nguyễn Xuân Ý (Bố chánh An Giang) Phan Văn Đạt (hy sinh, được lập đền thờ) 14 1847 20 Nguyễn Công Hài (Án sát Hà Tiên) Nguyễn Thông đậu thứ hai 15 1848 20 Nguyễn Đức Hoành Phan Văn Trị 16 1849 17 Võ Thế Tri Trương Gia Hội 17 1852 13 Nguyễn Hữu Huân Nguyễn Nùng Hương 18 1855 13 Nguyễn Tánh Thiện Nguyễn Thành Ý 19 1858 9 Lê Đình Sâm Âu Dương Lân 20 1864 10 Võ Doãn Xuân Thi ở trường thi An Giang Tổng cộng 20 kỳ thi Hương, lấy đỗ 274 cử nhân. Trần Viết Ngạc Phan Thanh Giản Nguyễn Thông Lều chõng di thi Hương Trả nợ bút nghiên
|
|
|
Post by Can Tho on Dec 21, 2010 9:18:17 GMT 9
Lịch Sử Hình Thành Nam Bộ -------------------------------------------------------------------------------- Năm 1698, Nguyễn Phước Chu - tức chúa Minh - sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính (thường đọc là Cảnh) vào Nam kinh lý và lập phủ Gia Định. Nhưng trước đó, có lẽ hàng thế kỷ, nhiều sử liệu cho thấy người Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông ở châu thổ miền Nam và sông Mê Nam bên Xiêm rồi. Biên niên sử Khơ Me chép: Năm 1618, vua Chey Chettha II lên ngôi. Ngài liền cho xây cung điện nguy nga tại U Đông, rồi cử hành lễ cưới trọng thể với một công chúa Việt Nam rất xinh đẹp con chúa Nguyễn (người ta phỏng đoán đó là công nữ Ngọc Vạn con chúa Sãi, Nguyễn Phước Nguyên). Hoàng hậu Sam Đát Việt Nam cho đem nhiều người đồng hương tới Campuchia, có người được làm quan lớn trong triều, có người làm các nghề thủ công và có người buôn bán hay vận chuyển hàng hóa. Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập đồn thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế trở thành thị tứ trên bến dưới thuyền, công nghiệp và thương nghiệp sầm uất. Giáo sĩ Ý tên Christoforo Borri sống tại thị trấn Nước Mặn gần Qui Nhơn từ năm 1681 đến năm 1622, viết hồi ký "Chúa Nguyễn phải chuyên lo việc tập trận và gởi quân sang giúp vua Campuchia - cũng là chàng rể lấy con gái hoang của chúa! Chúa viện trợ cho vua cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại vua Xiêm". Borri cũng tả khá tỉ mỉ về sứ bộ của chúa Nguyễn đi Campuchia hồi 1620: "Sứ thần là người sinh trưởng tại Nước Mặn, một nhân vật quan trọng đứng sau chức tổng trấn. Trước khi lên đường, ông đã để nhiều ngày giờ bàn bạc và nhận lệnh của chúa. Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bài trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh U Đông, thì dân chúng Khơ Me, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ hội đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh. Vì sứ thần đây là người quan thuộc, đã lui tới nhiều lần, từng làm đại diện thường trú từ lâu, chứ không phải sứ giả mới tới lần đầu. Borri còn cho biết tòa sứ bộ khá quan trọng và đông đúc, nào là thê thiếp, người hầu kẻ hạ của sứ thần, nào binh sĩ giữ an ninh và phục dịch sứ bộ. Một giáo sĩ khác người Pháp tên là Chevreuil tới thăm Colompé (tức Phnom Penh, Nam Vang) hồi 1665 đã thấy "hai làng An Nam nằm bên kia sông, cộng số người được độ 500 mà kẻ theo đạo Công giáo chỉ có 4 hay 5 chục người". Ngoài Nam Vang, tại các nơi khác cũng có nhiều người Việt Nam sinh sống, ở thôn quê thì làm ruộng, gần phố thì buôn bán, làm thủ công hay chuyên chở ghe thuyền, kể hàng mấy ngàn người. Như ở Đất Đỏ, Bà Rịa, Bến Cá, Cù lao Phố, Mỹ Tho, Hà Tiên, .. Ngoài đồng bằng sông Mê Kông, người Việt Nam còn đến làm ăn và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Nam. Lịch sử cho biết: dân tộc Thái mới lập quốc từ thế kỷ VII sau công nguyên ở giữa bán đảo Đông Dương và chủ yếu trên lưu vực sông Mê Nam. Nước này gọi là Xiêm hay Xiêm La (Siam), đến năm 1939 mới đổi tên là Thái Lan. Kinh đô Xiêm xưa ở Ayuthia, xây dựng từ năm 150 trên một khúc quanh của sông Mê Nam cách biển gần 100 km. Theo bản đồ Loubère vẽ năm 1687, thì kinh đô Ayuthia nằm trong một hòn đảo lớn, giữa hai nhánh sông Mê Nam. Đường sá, cầu cống, phố chợ, lâu đài... được ghi khá rõ ràng. lại có thêm chú chích minh bạch như: A=Thành phố, B=cung điện, C=bến cảng, D=xưởng thủy hải quân, E=xưởng thủy ghe thuyền, F=phố thị, G=chủng viện... Chung quanh hòn đảo chính có những khu vực dành riêng cho dân Xiêm hay người nước ngoài cư trú: người Xiêm ở phía Bắc và Tây Bắc, người Hoa ở phía Đông, người Việt Nam, Mã Lai, Nhật Bản, Hòa Lan, Bồ Đào Nha ở phía Nam. Nơi người Việt ở cũng là một cù lao khá rộng, qua sông là tới phố thị kinh đô, việc đi lại giao dịch rất thuận lợi. Nhìn cách bố trí thôn trại chung quanh Ayuthia, ta có thể phỏng đoán cộng đồng người Việt ở đây khá đông và là một trong mấy nhóm ngoại quốc tới lập nghiệp sớm nhất. Trên bản đồ có ghi rõ chữ Cochinchinois nơi thôn trại Việt. Đương thời, địa danh này chỉ người Đàng Trong và cũng có thể chỉ chung người VIệt Nam, vì trước đó - trong thời gian chưa có phân ranh Trịnh Nguyễn, Tây phương dùng địa danh ấy, biến dạng bởi Giao Chỉ - Cauchi - Cauchinchina - Cochinchine để gọi chung Việt Nam (có nghĩa Cochin ở gần Trung Hoa , nhằm phân biệt với Cochin ở Ấn Độ). Đa số người Việt ở đây là người Đàng Trong, song cũng có người Đàng Ngoài. Họ tới định cư và lập nghiệp có lẽ từ thế kỷ XVI hay đầu thế kỷ XVII rồi, nghĩa là từ thời nhà Mạc khi trong nước rất xáo trộn là loạn ly. Theo ký sự của Vachet thì có cả nam nữ già trẻ. Ngoài Ayuthia, người Việt còn tới làm ăn định cư tại Chân Bôn (Chantaburi) và Bangkok là những thương điếm trung chuyển từ Hà Tiên tới kinh đô Xiêm. Sử Việt Nam và sử Khơ Me cùng nhất trí ghi sự kiện: Năm 1674, Nặc Ong Đài đánh đuổi vua Nặc Ong Nộn. Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa liền sai thống suất Nguyễn Dương Lâm đem binh đi tiến thảo, thâu phục luôn 3 lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang (trong sử ta, địa danh Sài Gòn xuất hiện từ 1674 vậy). Đài thua chạy rồi tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nặc Ong Thu làm Cao Miên quốc vương đóng đô ở U Đông, cho Nặc Ong Nộn làm Phó vương. Sử ta còn ghi rõ: năm 1679, chúa Nguyễn Phước Tần tức Hiền Vương cho "nhóm người Hoa" muốn "phục Minh chống Thanh" là Dương Ngạn Địch tới Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên tới Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn và làm ăn sinh sống. Những nơi đó đã có người Việt tới sinh cơ lập nghiệp từ lâu. Như Trịnh Hoài Đức đã chép: các chúa Nguyễn "chưa rảnh mưu tính việc ở xa nên phải tạm để đất ấy cho cư dân bản địa ở, nối đời làm phiên thuộc ở miền Nam, cống hiến luôn luôn". Nhưng năm 1658, "Nặc Ong Chân phạm biên cảnh", Hiền Vương liền sai "phó tướng Tôn Thất Yên đem ngàn binh đi 2 tuần đến thành Mô Xoài (Bà Rịa), đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy". Sau được tha tội và được phong làm Cao Miên quốc vương "giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không xâm nhiễu dân sự ở ngoài biên cương. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất". Như vậy là từ trước 1658, Mô Xoài và Đồng Nai đã thuộc "biên cảnh" của Việt Nam. Bốn mươi năm sau (tức 1698), chúa Nguyễn mới sai Nguyễn Hữu Kính vào "kinh lý" miền Nam. Đó là cuộc kinh lý miền biên cảnh - khi ấy "đất đai đã mở rộng khắp miền đông Nam Bộ nay. Trên cơ sở lưu dân Việt Nam tự phát tới "khẩn hoang lập ấp", Nguyễn Hữu Kính đã lập phủ Gia Định và 2 huyện Phước Long, Tân Bình (một phần nay là Saigon). Đúng là dân làng đi trước, nhà nước đến sau. Và miền biên cảnh Nam Bộ sáp nhập vào cương vực Việt Nam một cách thật êm thắm và hòa hợp dân tộc vậy. Theo: .vanhoanambo.com
|
|
|
Post by NhiHa on May 21, 2011 3:23:47 GMT 9
Nhìn vào quá khứ qua cổ vật đồng bằng Mékong Wednesday, May 18, 2011 3:40:32 PM Viên Linh ‘Mảnh đất của những hội ngộ không ngừng’ là nhan đề một bài báo viết về cuộc triển lãm về Cổ vật Việt Nam diễn ra ở New York vào tháng 3 năm 2010, tại Hội Asia Society in New York. Bài báo chia làm 5 cột, thì 3 cột bên tay mặt, chạy suốt từ trên xuống dưới, là tấm hình pho tượng Phật bằng gỗ, ghi chú là xuất xứ từ Phù Nam từ thế kỷ thứ sáu. Người quỳ, Óc Eo, Mỹ Lâm, An Giang, bằng đá, thế kỷ thứ VI. (Hình: Arts of Ancient Vietnam) Nhan đề thực sự của cuộc triển lãm là “Nghệ thuật cổ của Việt Nam”. Người viết bài báo đó nhấn mạnh rằng đây là cuộc triển lãm cổ vật Việt Nam “nhiều hàm ý nhất từ trước đến nay.” (1) Từ phòng này sang phòng kia tại nơi trưng bày, người ta thấy những cổ vật mỹ lệ cho biết có các cuộc hội ngộ trong quá khứ lịch sử. Hội ngộ ở đây không phải là gặp gỡ bình thường, mà có khi đẫm máu. Hội trưởng của Hội Á Châu New York tên là Vishakha Desai, nói rằng xưa nay hai chữ Việt Nam có nghĩa là “xung đột,” nay với cuộc triển lãm này, những người tổ chức muốn đối nghịch lại ý nghĩ đó. Bà Nancy Tingley là giám đốc nghệ thuật của dự án triển lãm, một người rất cứng rắn, nói rằng bà đã làm việc suốt 20 năm cho dự án Arts of Ancient Vietnam, Nghệ thuật của Việt Nam thời Cổ. Nó ở ngoài những gì xảy ra trong Tết Mậu Thân ở Huế, ở Mỹ Lai hay trong sự sụp đổ của Sài Gòn. Nó nhắm vào việc giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật cổ nhất là liên hệ tới sự gặp gỡ của con người qua việc kinh doanh, thương mại. Dự án bị kéo dài cũng vì trước năm 2003 Việt Nam chưa từng có luật lệ về việc cho mượn các sản phẩm mỹ thuật và đem chúng ra khỏi viện bảo tàng. Sau một thời gian, Việt Nam đã thích ứng hơn với sinh hoạt của giới nghệ thuật hoàn vũ, và trước khi phòng triển lãm mở cửa, có mười viện bảo tàng ở Việt Nam đã gửi sản phẩm qua tham dự, kể cả Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Sài Gòn. Bà Tingley, cư ngụ ở Bắc California, nói rằng bà nhìn lịch sử về các cuộc tiếp xúc giữa các dân tộc qua “lăng kính kinh doanh”. Câu này có thể bị hiểu lầm là nhân sự có đầu óc kinh doanh. Ðó chỉ nhằm diễn tả: Lịch sử giao tiếp của các dân tộc qua sự giao thương, bằng các hải cảng, hay đường bộ. Và qua sự trao đổi, mua bán các sản phẩm nghệ thuật, loại tiểu công nghệ, bởi các nghệ nhân hay thương buôn. Cuộc triển lãm ở New York có hơn một trăm cổ vật được trưng bày trong một thời gian là ba tháng. Bà Tingley nói rằng đây là lần đầu tiên trên một trăm cổ vật này được gom vào một chỗ, trước đó, ngay tại ở Việt Nam, cũng chưa từng có. Ðó là hơn 100 cổ vật của hơn 2000 năm lịch sử ở Việt Nam. Ðiển hình là các sản vật của hai nền văn hóa Ðông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở trung tâm phía Nam, hai nền văn hóa tồn tại tới khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Tấm gương Tàu tìm thấy ở Sa Huỳnh cho biết rằng sự giao thương đã có giữa hai miền từ thế kỷ đó. Các chum táng người chết (đứng) có lẽ cho người ta ý nghĩ, người chết là binh sĩ, vì võ khí dựng bên cạnh. Văn hóa tại Ðồng Bằng Sông Cửu Long phát triển từ thế kỷ I tới thế kỷ thứ V sau Tây lịch. Ðồ trang sức bằng vàng của họ được trưng bày bên cạnh sản vật của Rome, Tàu, và Ấn Ðộ. Người ta hiểu rằng các doanh gia của các giống dân đó từng có mặt ở đồng bằng sông Mekong hơn 15 thế kỷ trước. Các sản phẩm nghệ thuật của Dân tộc Phù Nam được trưng bày trong một khu riêng. Theo sự mô tả, họ có một nền văn minh thành phố hiện diện ở đồng bằng sông Mekong trong khoảng 5 thế kỷ, cho tới thế kỷ thứ V. Các nghệ phẩm bằng vàng của họ được lưu hành song song với các nghệ phẩm của Ấn Ðộ, La Mã. Dân chúng Phù Nam từng có dịp chung sống với doanh gia của hai dân tộc trên có khi cả 5, 6 tháng liền, bởi vì họ giao thương đa số bằng đường biển, mà mùa mưa ở đồng bằng Mekong thường kéo dài hàng tháng. Họ còn bán cả tê giác và voi cho thương nhân ngoại quốc. Họ đã đóng chiếc thuyền dài tới hai trăm bộ Anh, có thể chứa được tới 700 người. Ðây chắc phải là một dân tộc rất rành về nghề biển... Cuộc gặp gỡ của các dân tộc ở Việt Nam đành rằng có máu đổ, nhưng có pho tượng Phật to gần bằng người thật, bộ mặt thanh thản, và tay phải đưa ra dấu hiệu “abhaya mudra” (dấu hiệu hòa bình). Những điểm này cho thấy thung lũng Mekong là mảnh đất hiếu hòa, nơi gặp gỡ không ngừng của các dân tộc, và các nền văn minh. Tại Bình Hòa, Tháp Mười, Phong Mỹ, có những sản vật nhờ carbon-14 cho biết, đã tồn tại từ thế kỷ thứ IV tới thế kỷ thứ VII. Người ta đào thấy cả tượng đá Hindu nơi đây. Các nhà khảo cổ tin rằng nền văn hóa Oc Eo và Ðế quốc Phù Nam hiện diện từ trước khi có Vương quốc Kmer ở hạ lưu sông Mekong. Tại làng Mỹ Lâm ở tỉnh An Giang, trên mảnh đất xưa kia thuộc Văn hóa Oc Eo, đại diện bằng một pho tượng quỳ bằng đồng. Pho tượng này hiện diện từ thế kỷ thứ VI, hiện có thể còn bày tại viện bảo tàng Sài Gòn. Ekamukha Linga, Óc Eo, An Giang, bằng đá, thế kỷ thứ VI. (Hình: Arts of Ancient Vietnam) Vẫn tại An Giang còn một cổ vật đẹp bằng đá, cao 65 cm, đó là điêu khắc Ekamukha Linga. Thần Shiva của đạo Hindu luôn luôn cầu nguyện trong hình thái một linga, hoặc mặt này hoặc mặt kia của 4 mặt linga (mặt thứ năm là mặt đầu cùng ít khi được nhìn thấy.) Ekamukha Linga như ở An Giang là “linga một mặt,” nhất diện dương vật. Tượng linga thường được bày trong phòng gọi là “harbhagrha” (phòng tử cung - womb chamber), là một phòng chính cho sự cầu nguyện của các tín đồ thờ phụng Shiva. (2) Song song với các cuộc triển lãm nghệ thuật của Việt Nam thời Cổ, một cuốn sách được phổ biến, đó là cuốn Arts of Ancient Vietnam của tác giả Nancy Tingley. Sách bìa cứng, khổ lớn, giấy láng, in màu, dày tới non 400 trang, giá 40 mk. Hình ảnh trong cuốn sách vô cùng đẹp, chi tiết, và nhìn là thấy đó là cuốn sách của những viện bảo tàng. Yêu nghệ thuật của Ðồng Bằng Cửu Long, bạn nên có cuốn sách này. (V.L.) Chú thích: (1) Louise Roug, Land of endless meetings, Los Angeles Times, 21.2. 2010. (2) Louis Malleret, L'Archeologie du Delta du Mekong, 1959 (Trích lại của Arts of Ancient Vietnam, Nancy Tingley, Yale U. Press, 2010.
|
|
|
Post by Can Tho on May 21, 2011 8:46:15 GMT 9
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG Qua vài nét văn hóa Miệt Vườn
Nguyễn Văn Trần "Nhà Bè nước chảy chia hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về" I.- SƠ LƯỢC KHAI MỞ MIỀN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG.- 1.- Người ta nói "Miền" Đồng Bằng Sông Cửu Long để tách bạch một địa phương, tuy rộng lớn, trên một phạm vi rộng lớn hơn, đó là "vùng", như "vùng" Nam Thái Bình Dương, "vùng" Đông Nam Á, mà Miền Đồng Bằng Sông Cửu Long chỉ là một "đơn vị" nằm trong vùng địa lý văn hóa Đông Nam Á . Chúng ta ai cũng biết miền Nam Việt Nam chạy dài tận mũi Cà Mau thành hình theo bước Nam tiến của tiền nhơn . Năm 1658, di thần nhà Minh , "Phản Thanh phục Minh", với 3000 quân tinh nhuệ, với chiến thuyền và võ trang hùng hậu, đến Thuận Hóa để xin được Chánh quyền Việt Nam giúp đỡ. Chúa Nguyễn, Hiền Vương, nghĩ nếu từ chối và đuổi đi, thiø đám tàn quân nầy vì cùn đường có thể đánh phá ta, nên tiếp đãi niềm nở, còn khoản đãi, phong chức và cho phép vào phía nam khẩn hoang, lập nghiệp ở Biên Hòa, Cù Lao Phố, và Định Tường với lời chỉ dẫn "đó là vùng đất mới của ta". Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch là hai tướng nhà Minh chỉ huy lực lượng hải thuyền di tản về phương nam với lòng mưu cầu phục Minh sau này . Tướng Trần Thắng Tài vâng lệnh Chúa Nguyễn dẩn một đoàn quân với chiến thuyền đi về vùng Biên Hòa để khai phá và định cư lập nghiệp. Họ mở mang thương mãi và chỉ trong ít lâu biến Cù Lao Phố thành một trung tâm thương mãi trù phú . Đến khi Tây Sơn tiến đánh vào Nam, một phần dân cư ở đây di tản về Bến Nghé sanh sống . Họ chuyên thu mua và bán nông phẩm từ phía Định Tường chở tới . Bến Nghé sau này trở thành Chợ Lớn và hoạt động kinh tế vẫn còn nằm trong tay người Tàu . Trong lúc đó, tướng Dương Ngạn Địch dẫn một đoàn quân kéo về Định Tường định cư lập nghiệp. Cánh nầy chuyên vê nông nghiệp . Họ lập ra chín nông trại, dần dần mở mang ra thành Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay . 2.- Người Việt Nam theo chơn người Tàu tiếp tục bước Nam tiến và thành lập Chánh quyền ở những nơi dân cư ổn định đời sống . Nơi nào có Chánh quyền Việt Nam, nơi đó lập tức được hợp thức hóa trở thành lãnh thổ của Việt Nam . Tức nước Việt Nam định hiønh . Sự kiện lịch sử này hoàn toàn phù hợp với tinh thần công phàp ngày nay . Người học sử có nhận xét đặc biệt về lịch sử lập quốc của Việt Nam, không giống lịch sử lập quốc của phần nhiều các quốc gia khác bởi "chính người Việt Nam từng bước lập thành nước Việt Nam". Chúng ta có thể mường tượng lịch sử lập quốc Việt Nam như một dòng nước từ trên vùng đất cao chảy loang ra vùng đất thấp . Nước chảy đến đâu thiø đất thắm nước là đất của dòng nước ấy. Mà Việt Nam cũng tắm mình trong dòng nước Nam Hải với các quốc gia khác trong Vùng Đông Nam Á . Đất trong Nam là đất của Nhà Nguyễn, nên khi Gia Long tẩu quốc, chạy vào Định Tường, Ba Giồng, được dân chúng miền Nam khắp nơi niềm nở đón tiếp và phục vụ nhà vua tận tình . Cũng vào thời gian ấy, Mạc Cữu từ Thái Lan qua, đặt chơn ở Hà Tiên, lập ra thương cảng, một thời buôn bán phồn thịnh . Sau nhiều lần bị Thái Lan và Cao Miên uy hiếp, Mạc Cữu chấp nhận thuần phục Nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong chức quan, cai quản phần đất Hà Tiên để về sau nầy nối liền với Rạch Giá . Và lãnh thổ Nhà Nguyễn từ đó chạy dài tận mũi Cà Mau . II.- TỔ CHỨC ĐỊNH CƯ VÀ MIỀN ĐỊA LINH NHƠN KIỆT 1.- Chánh quyền địa phương được thiết lập xong liền bắt tay ngay vào việc lo tăng gia sản xuất lúa gạo, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh cá, ... để góp phần cải thiện đời sống dân chúng . Cùng với hoạt động kinh tế, Chánh quyền còn quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân, đứng ra lập đền chùa, miếu mạo, tổ chức quan hôn, tang, tế trong dân chúng . Đồng thời, trường học cũng xuất hiện để khai hóa dân trí con em trong làng xã . Những người có học chữ nho, y học, được Chánh quyền cho phép dạy học, chữa bịnh cho dân chúng . Đến đây, chúng ta nhận thấy một sự kiện xã hội rõ nét ở địa phương mới khai khẩn này, đó là người Tàu và người Miên, vốn là chủ nhơn ở đây, chỉ chăm lo làm ăn, buôn bán, còn người Việt Nam đến sau, lại quan tâm tổ chức xã hội theo trật tự Nhà Nguyễn . Vì thế mà trong quá trình lập quốc, ít khi xảy ra những cuộc tranh chấp về chủ quyền đất đai gay gắt . Người Tàu và người Miên mặc nhiên nhìn nhận Chánh quyền Nhà Nguyễn và người Việt là chủ nhơn của phần đất này . Cơ sở xã hội văn hóa được tổ chức như thế đã vững chắc cho đến khi thực dân Pháp đến xâm chiếm 2.- Có hai nơi được xem như Trung tâm văn hóa quan trọng của Miền Nam lúc bấy giờ, đó là Vĩnh Long và Định Tường . Hai nơi này đã đào tạo một Phan Thanh Giản thi đậu tiến sĩ . Ông bị lên án là ông quan nhu nhược, đầu hàng thực dân vì đã chấp hành hòa ước với Pháp năm 1862, nên sau đó ông đã chọn cái chết để tỏ tiết tháo sĩ phu . Dân miền Nam không quên những nhà Nho ái quốc và đầy tiết tháo khác, như Bùi Hữu Nghĩa thi đậu thủ khoa ; thủ khoa Huân chết sống với Mỹ Tho; Trương Công Định rạng danh chống Pháp ở đám lá Tối Trời, Gia Thuận, Gò Công; Thiên Hộ Dương, một điền chủ ái quốc chống Tây ở Đồng Tháp ; Nguyễn Trung Trực chống giữ vùng Nhật Tảo nêu cao tấm gương ái quốc và can trường mà ngày nay người Rạch Giá tôn thờ là vị thần linh : "Lửa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần". Đó là 4 vị sĩ phu Nam Hà xuất thân từ trung tâm văn hóa Định Tường và Vĩnh Long, sống chết cho Đồng Bằng Sông Cửu Long . Trong quá trình khai mở miền Nam, nhà Nguyễn chiêu mộ dân lập ấp đưa về miệt dưới như Ba Xuyên, Cà Mau, Rạch Giá . Trong chương trình lập ấp, tức tổ chức định cư về mặt xã hội, chánh quyền nhà Nguyễn kêu gọi những tù phạm nếu hưởng ứng chương trình này họ sẽ được khoan hồng Nhà Nguyễn theo đuổi mục tiêu chiến lược là mở rộng bờ cõi về phía Nam, thiết lập và củng cố chánh quyền miền Nam, tổ chức phòng thủ chống ngoại xâm . 3.- Khi thực dân Pháp đến, nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, nên họ cho bố trí lực lượng quân sự kỹ lưỡng . Nhưng vẫn không thiếu những người dân thường, dưới sự lãnh đạo hoặc ảnh hưởng những tấm gương sáng ái quốc của các sĩ phu Nam Hà, đứng lên từng nhóm chống Tây . Họ bị bắt và bị đày biệt xứ, tức bị đày qua Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau, hoặc chính họ rời bỏ Hai Huyện mà chạy trốn qua những vùng đất mới này để lánh nạn : "Cần Thơ là cảnh Cao Lãnh là quê Anh đi khỏi xứ Tào Khê Thoát vòng lao lý đâu dè gặp em". Đồng thời, thực dân Pháp xoa dịu, tránh mọi phản ứng không cần thiết của dân chúng . Họ mở trường dạy học và mời các ông đồ ngày trước làm đốc học và thầy giáo . Học sinh không mấy người chịu đi học trường của Tây khai mở . Khi thực dân Pháp tới thì Văn Miếu tiêu biểu nền Nho học vẫn còn . Lập tức, các giáo sĩ Vatican chiếm lấy ngay để biến làm nơi truyền giáo . Họ muốn vĩnh viễn tiêu diệt mọi mầm mống chống đối chính quyền thực dân vì Nho sĩ vẫn là "cái đầu" của xã thôn và đồng thời xóa tận gốc vết tích nền học vấn cũ ung đúc lòng yêu nước và tinh thần quật khởi trong dân chúng, thay thế vào đó là cái học mới theo nền văn minh Tây phương . Chính sự việc này còn là nguyên nhân sâu xa của tầng lớp sĩ phu chống đối thực dân Pháp và đợt sóng văn minh mới . Trước lòng dân oán hận, thực dân Pháp phải cho duy trì những tập tục cũ như lễ lạc, tín ngưỡng dân gian . Ông già Ba Tri, tức nhà Nho ái quốc Nguyễn Đình Chiểu than thở, lòng đầy uất hận vì bất lực : "Thà đui mà giữ đạo nhà Còn hơn sáng mắt, ông cha không thờ ". III- SƠ LƯỢC VỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI 1.- Có nhiều người quan tâm phân biệt những vùng đất khác nhau, như, "Miệt Vườn" với Đồng Bằng Sông Cửu Long . Chữ "Miệt" chỉ một vùng đất ở xa theo vị trí địa lý đối với người nói chuyện, như "Miệt Trên" , "Miệt Dưới", "Miệt Cao Lãnh" , "Miệt Đồng Tháp", "Miệt Xà Toóng" , "Miệt Bảy Núi",... "Miệt Vườn" chỉ những vùng đất cao, thấm nước ngọt, thuận lợi cho việc lập vườn tược cây trái . Nơi đây, cách sinh hoạt được tổ chức khác hơn so với những nơi người dân sanh sống bằng nghề làm ruộng . Từ đó, phong cách xã hội của người dân cũng khác . Họ có vẻ thanh tú hơn nông dân ở vùng ruộng nước . Khỏi phải nói, phụ nữ "Miệt Vườn" đẹp hơn phụ nữ "Miệt Ruộng" vô cùng . "Đời phải đời thạnh trị Cuộc phải cuộc văn minh, Kìa là gió mát trăng thanh Biết đâu nhơn đạo bày tình cho vui". (Câu hát dân gian) Người miệt vườn hay miệt ruộng tuy có khác nhau về phong thái xã hội nhưng phần lớn họ đều nặng lòng ái quốc như nhau . Đó là nét văn hóa dễ nhận ở người dân của vùng đất mới này . Về cách tổ chức đời sống, họ ăn mặc đơn giản, ngắn gọn nên chiếc áo bà ba rất thích hợp với mọi người và mọi lứa tuổi . Nhà cửa thường xây cất tập trung theo trục giao thông như đường cái, ven sông rạch và mở toang ra bên ngoài, khác với miền Bắc, nơi thời tiết lạnh lẽo . Từ đó, tánh tiønh người miền Nam, nhất là miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, tỏ ra thật thà, bộc trực, không thích suy nghĩ, nói năng quanh co, bợ đỡ, xảo trá,... Trong quan hệ giao tiếp, họ luôn luôn nhiệt tình với lối xóm, bạn bè : "Bà con xa không bằng láng giềng gần". Với bạn bè hay lối xóm, họ phải ăn ở với nhau cho "điệu nghệ", tức theo "đạo nghĩa" (nghĩa = công bằng, cho phải phải phân phân để không mất lòng nhau vì không ai bị thiệt) . 2.- Sau khi ổn định xong vùng đất mới với chế độ thuộc địa, người Pháp bắt đầu mở rộng sự xâm nhập văn hóa Tây phương. Họ mở trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Tây chung với chữ Nho nhưng trọng chữ Tây hơn để sớm đào tạo một lớp quan chức mới, phục vụ cho bộ máy hành chánh thuộc địa . Lớp "sĩ phu" Tây học này được trả lương cao nên có đời sống vật chất dễ chịu và họ rời bỏ ruộng vườn ra sanh sống ở thành thị . Đây chính là lúc nhà Nho Tú Xương than thở : " Cái học nhà Nho đã hỏng rồi Mười người đi học, chín người thôi..." hoặc châm biếm cách thi cử theo chế độ mới : "Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ Ậm oẹ quan trường miệng thét loa, Lộng cắm rợp trời quan sứ đến Váy lê quét đất mụ đầm ra." hoặc " Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt Dưới sân ông cử ngoảnh đầu rồng." Than thở cho số phận của một ông Nghè, ông Cống và giễu cả ông Phán: "Nào có lạ gì cái chữ nho Ông Nghè ông Cống cũng nằm co, Sao bằng đi học làm ông Phán Tối rượu săm banh, sáng sửa bò." Tuy nhiên, ở đây vẫn còn những Học Lạc, Thủ Khoa Huân, Đồ Chiểu, Sương Nguyệt Anh cố bám giữ cái học cũ . Họ làm thơ cổ bằng chữ nho . Nhưng những sáng tác của nho sĩ chỉ được một số ít người có học chữ nho đón nhận nồng nhiệt mà thôi . Trước trào lưu ồ ạt của văn minh tây phương, một số nhà nho đành chấp nhận "đầu hàng", quay ra dịch truyện tàu ra quốc ngữ, hoặc truyện bằng chữ nôm ra quốc ngữ . Từ cuối thế kỷ 19, bắt đầu có những sáng tác, báo chí bằng chữ quốc ngữ như "Thầy Lazaro Phiền" , "Gia Định báo", "Nông Cổ Mín Đàm",... Truyện văn vần như Phạm Công Cúc Hoa, Lâm Sanh Xuân Nương, Sáu Trọng, ... bằng quốc ngữ rất được rộng rãi giới bình dân ưa chuộng . Những nho sĩ ái quốc cũng bắt đầu đón đọc những tác phẩm về tư tưởng tây phương, như của Montesquieu, J.J.Rousseau, qua Hán văn dịch từ tiếng Nhựt . Một lần nữa, những nho sĩ ái quốc chịu ảnh hưởng tư tưởng chính trị tây phương, đứng lên làm cách mạng chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc mà không "Cần Vương" nữa . Tiếp theo, một lớp người mới, học trường Tây, chữ Tây ngay từ nhỏ, lớn lên, học xong, đỗ đạt trường Tây, họ kêu gọi dân chúng tập hợp lại chống Tây . Những người này khác hẳn với một số người đương thời với họ, học Nga, học Tàu, trình độ học vấn kém hơn họ nhiều nhưng lại theo Nga, theo Tàu, đánh mất hoàn toàn con người Việt Nam ỏ họ . Những người học Tây mà theo Việt Nam đó là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Võ Thành Cứ, . . . 3.- Trong sinh hoạt văn hóa, một bộ môn nổi bật và hấp dẫn quần chúng mạnh nhất là hát bộ, hát cải lương và đờn ca tài tử. Vào đầu thế kỷ qua, nhà in Phát Toán ở đường Nguyễn Văn Thinh, Sài Gòn 1, in và xuất bản "Bản đờn tranh và bài ca". Người bấy giờ chơi đờn ca theo quan niệm là đờn ca chỉ để "di dưỡng tánh tình, giao cảm với bạn tri âm", hoàn toàn không có ý làm tiền nên còn được dân chúng và giới mộ điệu gọi là "văn nghệ tài tử". Ngày trước, đờn ca, hát múa chỉ dành riêng và thạnh hành trong Cung điønh, nay mở rộng ra phục vụ dân chúng, mà lại là dân chúng miền Đồng Bằng Sông Cửu Long . Cải lương và nhiều bài hát còn lưu truyền cho tới ngày nay đều xuất phát từ miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, bởi vì miền này trù phú, người dân có đời sống sung túc nên có thời giờ và điều kiện nghĩ đến những môn giải trí tao nhã . Từ đó xuất hiện văn nghệ . Tại Vĩnh Long, có ông Tống Hữu Định tổ chức ca hát tại tư gia của ông . Người ca hát đứng trên bộ ván và hát có bộ, tức có nhiều cử chỉ để diễn tả ý của bài hát . Cũng ỏ Vĩnh Long, có ông Huờn, công chức tòa án, sáng tác bài ca cải cách, ông Phạm Đăng Đàng là một thầy đờn nổi tiếng, ông Trương Duy Toản là soạn giả tiền phong về cải lương . Ông Toản còn là ký giả và chủ bút báo Trung Lập . Về Từ Hải, ông ca ngợi tinh thần anh hùng, tranh đấu mà không vì "công hầu khanh tướng", lại phảng phất tinh thần yêu nước : " ... Đường cung kiếm, cái chí nam nhi Núi sông là phận, từ đây quyết vẫy vùng cho sống dậy trần ai Rền một trời, đùng đùng xao động, Tài oanh liệt, mấy ngọn gươm vàng Rạch một sơn hà, mặc dầu ngang dọc..." Đờn ca chẳng riêng biểu diễn cho công chúng Đồng Bằng Sông Cửu Long thưởng ngoạn mà còn được đem qua tận xứ Pháp, tham dự như phần văn nghệ tại cuộc triển lãm quốc tế vào lúc bấy giờ . Miệt vườn một thời nổi tiếng "ca nhạc tài tử với bộ điệu" đã ảnh hưởng mạnh đến những vùng xa xôi khác, như Sài Gòn . Ở Hậu Giang, lúc bấy giờ có ông Hai Khị, người gốc Minh Hương, giỏi về nhạc ; ông Sáu Lầu sáng chế bản "Dạ cổ hoài lang", tức bản vọng cổ còn lưu truyền đến ngày nay . Năm 1917, ông André Thậm lập gánh xiệc có pha ca hát có điệu bộ . Qua đó, chúng ta thấy cải lương ra đời từ miệt vườn, thâu thái cái hay cũ, đổi mới theo nhu cầu, hoàn cảnh địa phương . Người dân đến đây định cư lập nghiệp cũng vận dụng óc sáng tạo để thích nghi với từng hoàn cảnh, điều kiện đất đai, nước gió . Nơi họ giữ ruộng cày cấy, nơi họ xạ lúa và nơi thì họ trồng đủ các loại cây ăn trái,... Mỗi chọn lựa đều nhằm thích nghi để phát huy khả năng sản xuất . Văn nghệ tài tử và cách tổ chức đời sống của người Việt từ miền ngoài vào đây theo bước nam tiến là hai nét đặc trưng của văn hóa dân tộc : " Chuồn chuồn bay thấp Mưa ngập ruộng vườn Nghe lời nói lại càng thương Thương em, anh muốn lập vườn cưới em ". (Câu Hò) Người miệt vườn có tiếng là văn minh -"Văn minh miệt vườn". Thế mà khi tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh tây phương, họ chẳng những ngỡ ngàng mà còn ú ớ nữa . Năm 1917, máy hát dĩa chạy bằng dây thiều nhập vào Việt Nam . Nhà giàu miệt vườn là trong số những người mua sắm máy hát đầu tiên . Khi nghe máy hát, có nhiều người sợ hãi bảo nhau : "Trong đó, có hồn người ta bị bắt nhốt vào nên nó mới hát thành tiếng . Chứ máy bằng sắt thì làm gì nói ra tiếng người ta được". Còn thấy máy chụp hình thì họ càng sợ hãi hơn nữa, vì họ cho là máy chụp hình sẽ "hốt hồn vía" của họ mất đi . 4.- Khi phong trào cách mạng Duy Tân phát động năm 1919, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đến Mỹ Tho, Tân Châu, Cao Lãnh vận động quần chúng . Qua năm 1910, có thêm những nhà cách mạng, như ông Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Võ Hoanh từ Côn Đảo được đưa về và chỉ định an trí ở Bến Tre, Mỹ Tho, Sa Đéc . Những nhân sĩ Nam Kỳ theo phong trào Duy Tân, Đông Du như các ông Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Nguyễn Thần Hiến, Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Quang Diêu, gốc Nho học nên chịu ảnh hưởng Tôn Dật Tiên "Tiết chế tư bổn, bình quân địa quyền". Hưởng ứng cuộc vận động cách mạng dân tộc của các nhà ái quốc này, thanh niên Nam Kỳ dấn thân theo chương trình Đông Du đông đảo hơn những nơi khác, và dân Nam Kỳ đóng góp tiền bạc cũng nhiều hơn những nơi khác . Sách báo bằng quốc ngữ, nhờ những điều kiện thuận lợi của địa phương nên xuất hiện ở xứ Nam Kỳ phải nói là rất sớm, vào cuối thế kỷ 19 . Về truyện, có "Thầy Lazaro Phiền" của Nguyễn Trọng Quảng, mà ngày nay người đọc vẫn hiểu được như thường bỡi lời văn tuy có xưa nhưng vẫn không quá khác biệc với chữ nghĩa ngày nay . Về báo, có Gia Định báo xuất bản vào cuối thế kỷ 19 và kéo dài làm nhiều chục năm, qua đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 20 . Lục Tỉnh Tân Văn tiếp theo và tồn tại khá lâu . Nam Phong và Phong Hóa, Ngày Nay chỉ xuất hiện sau, vào cuối tiền bán thế kỷ 20 . Cũng như về tiểu thuyết, đến năm 1923 mới thấy Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, trong lúc ấy, tiểu thuyết quốc ngữ của Hồ Biểu Chánh đã ra mắt vào năm 1916 . Thế mà văn học sử chỉ thấy ghi tiểu thuyết quốc ngữ chỉ có Tố Tâm, Tự Lực Văn Đoàn và báo, chỉ có Nam Phong, Phong Hóa, Ngày Nay . Điều đáng buồn là không được ghi nhận sự "có mặt" của sách báo Nam Kỳ, chứ không phải được ghi vào danh mục rồi bị phê bình là "dở quá", không xứng đáng là tác phẩm văn học ! 5.- Một sự kiện văn hóa Đồng Bằng Sông Cửu Long nổi bật rực rỡ chỉ trong vòng không quá hai năm, thâu phục hơn 2 triệu người, đủ thành phần xã hội, nam nữ, tuổi tác và đưa số người này khuôn vào nếp sống hướng thượng, lành mạnh, đạo đức và đầy lòng ái quốc . Đó là sự ra đời của Phật Giáo Hòa Hảo vào năm 1939, tại Châu Đốc . Các nhà ái quốc tiền bối đau lòng cho vận nước, không ngại gian khổ, bôn ba ra hải ngoại vận động cứu nước như phong trào Duy Tân, Đông Du . Nối tiếp công cuộc đó, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, trước tiønh hình thế chiến bùng nổ, vận mạng Việt Nam còn trong vòng kiềm chế của thực dân, bèn đứng lên vận động quần chúng ngay nơi Ngài sinh trưởng, tức quần chúng nông dân miền Đồng Bằng Sông Cửu Long . Ngài ý thức sức mạnh đánh đuổi ngoại bang giành độc lập cho đất nước không tìm ở đâu khác hơn là ở ngay đồng ruộng miền Nam . Cũng như về tu Phật, Ngài dạy "Phật tại tâm chứ đâu mà tìm". Trào lưu văn minh Tây phương đã làm đảo điên xã hội, Ngài cổ súy chấn hưng phong hóa nước nhà, đồng thời thức tỉnh lòng ái quốc ở người dân để thành lập phong trào nhơn dân tranh đấu cứu nước. Ngài lấy đạo dạy đời làm căn bản : "Đời không đạo, đời vô liêm sỉ Đạo không đời, đạo biết dạy ai". và sống đời sống của người Phật Giáo Hòa Hảo lấy Tứ Đại trọng Ân làm kim chỉ nam : "Tu đền nợ nước cho rồi Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen". Trước đó, năm 1927, tại miền Đông xuất hiện Cao Đài Đại Đạo . Đây cũng là một tôn giáo ái quốc của xứ Nam Kỳ, vùng đất vừa mới được khai mở, thiếu cái gốc ngàn năm của đất Thăng Long hay đất Thần Kinh . Cao Đài xuất hiện ở miền Đông viø dân Hai Huyện văn minh hơn, có học Tây nhiều hơn, và số người làm việc cho bộ máy hành chánh của Tây cũng đông đảo hơn . Từ đó, cách tổ chức, hành đạo, truyền bá giáo lý của Cao Đài Đại Đạo đều mang tính khoa học tây phương . Người khai mở đạo là một vị Đốc Phủ Sứ . Những người cầm đầu mối đạo cũng là những người thuần tây học. Và Cao Đài mở rộng trong tầng lớp trung lưu, công tư chức Nam Kỳ . lV.- GIỜ ĐÂY VÀ NƠI ĐÂY* Hội Ái Hữu Đồng Bằng Sông Cửu Long là một tập hợp những người Việt hải ngoại, ngày nay đến đây lập nghiệp .Tất cả cùng có chung quê hương thuộc vùng sông nước ấy . Trước kia, tiền nhân của họ đã một lần rời bỏ làng xóm, quê hương theo bước chân nam tiến đến vùng đất xa xôi, từng bước định cư, lập nghiệp và cùng nhau thành lập miền Đồng Bằng Sông Cửu Long . Giờ đây, con cháu của họ lại một lần nữa rời quê hương của ông cha để lại, tản mạn ra hải ngoại ở khắp nơi . Rồi ở đây, họ cùng nhau dựng lại Đồng Bằng Sông Cửu Long với những con người "miệt vườn, miệt ruộng" thiệt, nhưng trên đất đai của xứ định cư . Nhưng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở đây mới chính là "cái còn" của chúng ta, vì chúng ta đã dựng lại nó với tất cả tâm tình chân thật, với nếp văn hóa của lớp con cháu của những người trước kia khai mở nó . "Cái còn" này chúng ta phải trân quý, gìn giữ . Nếu để mất một lần nữa là chúng ta bị mất hết, mất trọn vẹn gia sản tiền nhân. Cũng như người con gái miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, trước làn sóng văn minh Tây Phương làm thay đổi nếp sống miệt vườn, cương quyết bảo vệ cho kỳ được cái nét đôn hậu ở người yêu : "Áo bà ba, vạt ngắn vạt dài Em may cả đống đó, sao anh không bận, mà anh bận chi hoài cái áo bành- tô " ? Quả thật, người con trai giật mình, thức tỉnh trước lời người con gái trách móc . Bổng tự nhiên anh cảm thấy những lời mộc mạc ấy có sức mạnh như một công án thiền . Không biết phải thốt lời gì khác hơn là tìm cách tự bào chữa cho mình . Lời ngụy biện nhưng rất có duyên chắc sẽ làm mát lòng người yêu : "Áo bành- tô xấu mặt nhưng dễ nhìn Anh bận nó hoài... để có cái túi bự ... mà anh đựng cục tình của em... " Nguyễn văn Trần, Nông dân " Miệt ruộng phèn " Cần Giuộc Ghi chú : *Ghi lại buổi nói chuyện hôm lễ giới thiệu Hội Ái Hữu ĐBSCL tại Vancouver, với vài sửa đổi nhỏ Áo Bành-tô là áo của Tây, như áo " Vết " ngày nay . Sơn Nam, Đồng Bằng Sông Cữu Long, Xuân Thu, TX, huê kỳ Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu giang, Phù Sa, Saì gòn, 1959 Phan Khoang, Lich sử Đàng Trong, Sài gòn, ( sd ) Nguyễn văn Hầu, Thoại Ngọc Hầu, Những cuộc Khai phá Miền Hậu giang, Hương Sen, Sài gòn, 1972 Vài tài liệu của Văn Khố pháp, tài liệu Hội thảo về "Âu Á" ở Aix-en-Provence ( bảng chụp thiếu ngày )
|
|
|
Post by NhiHa on May 25, 2011 7:59:13 GMT 9
Đô thị ở Nam bộ thời cận đại Nguyễn Thị Hậu 1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH CÁC TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH Ở NAM BỘ 1.1 Dười thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1611 lập Dinh Phú Yên. Năm 1693 lập Dinh Bình Thuận. Đến năm 1698 Chúa Nguyễn Phước Châu sai Chưởng cơ trấn thủ Dinh Bình Khang Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân vào kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông phố lập làm Phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập Dinh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập Dinh Phiên Trấn. Mở đất được ngàn dặm, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chíng trở vào Nam tới ở, thiết lập thôn xã phường ấp, khẩn đất hoang, định tô thuế, lập sổ đinh. Sài Gòn chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ đó, trong một bối cảnh lịch sử có những nét đặc biệt góp phần quy định nhiều đặc điểm của tiến trình văn hóa Việt Nam ở địa phương về sau. Năm 1679 Tổng binh Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu Trần Thượng Xuyên và Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch đem 50 chiến thuyềnvà 3000 người vào Quảng Nam xin quy phục Chúa Nguyễn. Chính quyền Đàng Trong tiếp nhận, cho Trần Thượng Xuyên tời Biên Hòa, Dương Ngạn Địch tời Mỹ Tho. Với kinh nghiệm hải hành và truyền thống buôn bán lâu đời, những người Hoa tỵ nạn chính trị này đã “vỡ đất hoang, lập phố xá”, thu hút thương nhân các nơi tới buôn bán, góp phần quan trọngtrong việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho quá trình khai thác Nam bộ của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong.Trên phương diện giao lưu văn hóa, các đợt nhập cư với quy mô lớn của người Hoa như thế còn dẫn đến việc du nhập nhiều yếu tố văn hóa Hoa Nam vào Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Cùng với sự tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác như Chăm, Khmer, sự giao tiếp với thương nhân Nhật Bản, phương Tây… tình hình nói trên làm hình thành trong xã hội Việt Nam ở Sài Gòn một màu sắc đa dân tộc có kết cấu mở kiểu Đông Nam Á với phương thức phát triển liên tục đổi mới, năng động và trẻ trung. Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng người Việt tiến vào đồng bằng Nam bộ lúc họat động ngọai thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Ngòai thương cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ XVI, các trung tâm thương nghiệp như Hà Tiên, Vũng Tàu cũng khá phát triển, nên sau khi chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam, Sài Gòn cũng mau chóng trở thành một thương cảng lớn. Theo thời gian, thương cảng này cũng phát triển thành một trung tâm thương nghiệp trong khu vực, xuất khẩu không chỉ nông sản hang hóa của khu vực Nam bộ mà còn là đầu mối xuất khẩu nhiều lâm thổ sản của Campuchia. Tình hình nói trên cùng với mạng lưới sông rạch dày đặc ở Nam bộ đã khiến Sài gòn cũng đồng thời trở thành một trung tâm văn hóa và hành chính quan trọng, một đô thị lớn sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân. Song khác với Thăng Long và Phú Xuân vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, Sài Gòn – Gia Định là trung tâm kinh tế (thương nghiệp, thủ công nghiệp) trước rồi mới trở thành trung tâm chính trị - văn hóa: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị”. (Cao Tự Thanh chủ biên, 2007, tr.13-15). 1.2 Năm 1808, vua Gia Long nhà Nguyễn đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên. Gia Định thành thông chí ghi chép như sau. TRẤN THÀNH GIA ĐỊNH Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần, 1648 - 1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá chỗ cong chỗ thẳng, tạm tùy tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn súy thay đổi lắm lần cũng để y như vậy. Đến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788) năm thứ 11, buổi đầu đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng [2a], việc binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của Tây Sơn ở phía đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân. Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta, chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng Tốn. Trong thành, phía trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho chứa, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng cây cột cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước ta, trên có làm chòi canh vọng đẩu bát giác tòa, ở bên treo cái thang dây để thường xuyên lên xuống, trên ấy có quân ngồi canh giữ, có điều gì cần cảnh báo thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân cứ trông hiệu đó để tuân theo sự điều động. Hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước ta, có cầu treo thả ngang qua, bên ngoài đắp lũy đất, chu vi 794 trượng, vừa hiểm trở, vừa kiên cố tráng lệ. Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, bên trái là đường cái quan [2b] từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam. Trấn Phiên An. Lỵ sở trấn Phiên An ban đầu dựng ở xóm Tân Thuận, tổng Bình Trị, sau vẫn chỗ ấy, đến niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), dời qua dựng ở địa phận thôn Hòa Mỹ, nằm phụ vào phía đông bắc quách ngoài thành Gia Định, mặt trông ra hướng tây nam, lưng dựa vào sông Bình Trị, 3 tòa nhà ngói, ở giữa là công thự Trấn thủ, phía tả là công thự Cai bạ, phía hữu là công thự Ký lục, là công thự của trấn cũng gọi là công dinh, ngang dọc đều 80 tầm, bề ngang chia làm ba phần, chỉ có dinh giữa rộng hơn 5 tầm. Năm thứ 18 (1819), cách sau trấn thự 6 tầm, phía ngoài đại lộ, lại dựng 5 dãy kho bằng ngói cho 4 trấn, mỗi dãy 31 gian cao rộng đẹp đẽ, đủ dùng để cất giữ, có dựng trại Thừa ty, nằm dọc theo trước sân 3 dinh, khám đường và nhà giam dựng ở phía bắc đường cái quan. Chợ Bến Thành. Phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thủy binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau. Phố chợ Sài Gòn. Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán. TRẤN BIÊN HÒA Lỵ sở trấn Biên Hòa khi xưa đặt ở địa phận thôn Phước Lư, huyện Phước Chánh, đất thấp nên hay có lụt. Năm Gia Long 15 (1816) dời lỵ sở qua gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm, trong chia thành hình chữ tỉnh, giữa dựng Vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống, chỗ chính giữa phía sau dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm, mà chia ra làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng thêm 5 tầm, dài 60 tầm, 2 con đường phải trái đều 7 tầm, chung quanh xây tường gạch, làm dãy kho chứa gồm 31 gian lợp ngói xây gạch dày chắc, hai bên phải trái làm trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực rất chỉnh tề. Phố lớn Nông Nại. Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội… Từ sau năm Bính Thân (1776), Tây Sơn vào chiếm, họ dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về phủ Quy Nhơn, đất nầy trở thành vườn gò hoang. Sau khi Trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước. TRẤN ĐỊNH TƯỜNG Lỵ sở trấn Định Tường ở đất thôn Mỹ Chánh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa. Ngày 18 tháng 2 mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679) đời Thái Tông năm thứ 32 (Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Đại Minh sang kinh xin quy phụ. Vua sai Xá sai là Văn Trinh, Tướng thần lại là Văn Chiêu đưa dụ văn sang vua Cao Miên là Nặc Thu, bảo chia đất này cho đoàn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và thuyền bè đến đóng ở vùng Mỹ Tho, rồi xây dựng nhà cửa, qui tụ người Việt, người Thổ kết thành thôn xóm. Đến đời Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) lập ra phủ trị ở phía bắc chợ, lệ thuộc vào dinh Phiên Trấn. Đời Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) cải đặt làm đạo Trường Đồn có một viên Cai cơ hoặc Cai đội và một Thư ký ở làm việc, sau nầy mới lập dinh trấn… Phía nam lỵ sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo. TRẤN VĨNH THANH Vào tháng 2 năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), khâm mạng, Trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất. Lưng hướng Kiền (hướng tây bắc), mặt hướng Tốn (hướng đông nam), từ phía nam qua phía bắc cách 200 tầm, từ đông qua tây cũng vậy, chỗ giữa của bốn mặt thành lõm vào, phía ngoài có thành cong bao vòng chỗ cửa hình như đầu cái khuê bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, hay như hình hoa mai. Trong thành có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang, trước dựng hành cung, ở giữa là 3 công thự, sau có kho chứa, trại quân và nhà thừa ty đều ở hai bên phải và trái. Hào rộng 10 tầm, phía trái thành là sông Long Hồ, phía phải là Ngư Câu (Rạch Cá), mặt sau là dòng sông lớn Tiền Giang, mặt trước thành có đào ngòi cừ sâu, dài 425 tầm, bề ngang 40 tầm thông với sông Long Hồ và Ngư Câu (Rạch Cá) để làm hào ngoài thành. Góc thành phía đông có đường cái quan dọc theo sông, phía trái là sứ quán, phía phải là chợ Vĩnh Thành, ngòi chảy ngang đầu đường cái quan, bắc cầu dài, đi ngang lỵ sở cũ, qua cầu sông lớn Long Hồ, đến chợ Long Hồ. Ở ngoài bờ ngòi góc phía nam là xưởng thủy quân, bên ngoài có đồn nhọn góc ba mặt bao theo, góc phía tây nam ngòi có bắc cầu thông qua, mặt sau giáp sông, có nhà cửa tiệm quán, thật là nơi trọng yếu bề thế đẹp đẽ. TRẤN HÀ TIÊN Trấn thự Hà Tiên, nằm hướng Kiền (tây bắc) trông ra hướng Tốn (đông nam) lấy núi Bình Sơn làm gối, Tô Châu làm tiền án, biển cả Minh Hải làm hào phía nam, Đông Hồ làm hào phía trước, ba mặt có lũy đất từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi, từ cửa tả đến xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, các lũy nầy đều cao 4 thước ta, dày 7 thước ta, hào rộng 10 thước ta. Ở giữa làm công thự, vọng cung, lại ở trước công thự, hai bên đặt dãy trại quân, trước sân có cầu Bến Đá, phía trái có sứ quán, phía phải có công khố. Dinh Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ, ngoài vọng cung về phía trái có chợ trấn, phía trái công thự có đền Quan Thánh, sau thự có chùa Tam Bảo. Bên trái chùa có đền thờ Mạc công. Chợ trấn trông về đông là bến hồ, ở đó có trại cá, phía bắc công khố là miếu Hội Đồng, phía bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia thành khu ngang dọc, lấy đường lớn làm ranh; phía tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều, đầu [37a] bến có bắc cầu ván thông ra biển tiếp với hòn Đại Kim, phía đông phố Điếu Kiều là phố chợ cũ, qua phía đông chợ này là phố chợ Tổ Sư, kế nữa là phố lớn, tất cả đều do Mạc Tông gầy dựng từ trước. Đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội ở dọi biển vậy. (Trịnh Hòai Đức, 1820, tái bản 1998). 1.3 Năm 1834 Vua Minh Mạng đã đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông; Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây. 1.4 Năm 1862, sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và năm 1867 chiếm ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn. Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện. Khoảng năm 1868, Nam Kỳ có hơn hai mươi arrondissement (lúc này gọi là hạt, địa hạt, "hạt tham biện" hay "tiểu khu", do tham biện cai trị); dinh hành chánh gọi là tòa tham biện, dưới quyền Thống đốc đóng ở Sài Gòn, thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement. Đến năm 1871 giảm còn 18 hạt, năm 1876 tăng lên 19 hạt. Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, gọi là circonscription administrative, mỗi khu vực lại được chia nhỏ thành các "hạt" (arrondissement) như sau: Khu vực Sài Gòn có 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định Khu vực Mỹ Tho có 4 tiểu khu: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn Khu vực Vĩnh Long có 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc Khu vực Bát Xắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng Ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố cấp 1 (municipalité de première classe) Sài Gòn, đứng đầu là một viên Đốc lý (Maire). Sắc lệnh này được ban hành ngày 16 tháng 5 năm đó. Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập thành phố cấp 2 (municipalité de deuxième classe) Chợ Lớn, tương đương cấp tỉnh sau này. Đứng đầu thành phố cũng là một viên Đốc lý. Năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ lập thêm một hạt (tiểu khu) mới là hạt Bạc Liêu thuộc khu vực Bát Xắc từ đất của 2 tổng của hạt Sóc Trăng và 3 tổng của hạt Rạch Giá. Như vậy toàn bộ Nam Kỳ có 20 hạt. Năm 1895 lập thêm thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques, tách từ hạt Bà Rịa (Cap Saint Jacques nhập vào hạt Bà Rịa năm 1898 để rồi năm sau lại tách ra). Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi "hạt" thành "tỉnh" (province) và chia Nam Kỳ thành 3 miền. Đồng thời, chức tham biện đổi thành chủ tỉnh (chef de province), tòa tham biện gọi là tòa bố. Như vậy Nam Kỳ có tất cả 20 tỉnh, phân bố như sau: Miền Đông có 4 tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa Miền Trung có 9 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc Miền Tây có 7 tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu Ngoài ra còn có 3 thành phố Sài Gòn (cấp 1), Chợ Lớn (cấp 2), thành phố tự trị Cap Saint Jacques và Côn Đảo không thuộc tỉnh nào. Năm 1905, xóa bỏ thành phố Cap Saint Jacques, chuyển thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Trụ sở của Thống đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers. (Tóm lược theo Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, 1998). 2. ĐẶC ĐIỂM QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở NAM BỘ 2.1 Đô thị (thành thị, thành phố) là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa của quốc gia, vùng miền hay địa phương; là khu vực hành chính tập trung với mật độ cao các cơ sở hạ tầng , kinh tế, văn hóa, là nơi tập trung sinh sống, sản xuất, buôn bán, dịch vụ của đông đảo cư dân, là nơi gần các trục đường giao thông với mạng lưới giao thông hiện đại, là nơi cơ cấu công nghiệp, dịch vụ cao hơn cơ cấu nông nghiệp…Phần lớn đô thị ở nước ta là do nhà nước sản sinh ra, tức là khi có nhu cầu lập kinh đô hay trung tâm tỉnh, thành thì tìm vị trí, xây dựng công sở, hình thành dần đô thị do nhà nước quản lý, với các chức năng gốc là hành chính, kinh tế, trong đó chức năng hành chính là cơ bản. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa có đô thị và một nền văn hóa đô thị. Các kinh đô thường nặng về chức năng hành chánh và quân sự, mặc dù là trung tâm của đất nước nhưng do luôn chịu tác động mạnh mẽ từ những vùng nông thôn xung quanh nên hầu như tính chất đô thị khá mờ nhạt. Các cảng thị, dù là cảng biển hay cảng sông, thực chất chỉ là những bến chợ trung chuyển, dịch vụ mà không gắn liền với khu vực kinh tế sản xuất hàng hóa. Điều này có thể đúng với các đô thị cổ phía Bắc hay miền Trung, nhưng các đô thị ở Nam bộ hình thành có phần khác biệt so với những đô thị khác như Hà Nội, Huế hay Phố Hiến, Hội An… Tuy bước đầu hình thành các đô thị này mang tính chất là trung tâm chính trị - hành chính – quân sự nhưng không thể thiếu yếu tố là trung tâm kinh tế - yếu tố này trong quá trình phát triển ngày càng nổi bật. Điểm lại những trấn thời Nguyễn ở Nam bộ ta thấy vào nửa đầu thế kỷ XIX đây đã là những trung tâm kinh tế sầm uất. Trong sử sách bên cạnh việc ghi chép về những tòa thành mang chức năng trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá chợ búa luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của tòa thành đó. Vị trí của các đô thị luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển… và những bến – chợ trước đó để hình thành các bến cảng trong đó có những cảng thị quan trọng như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này như Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là những “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành quách, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến ví những bến - chợ nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân. Ví dụ như Gia Định thành có cấu trúc giao thông đường thủy : Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngỏ giao dịch buôn bán với những tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hủ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo, lương thực các loại. Cùng với hệ thống đường thủy, cấu trúc giao thông đường bộ gồm 3 trục chính: đi Cao Miên chạy thẳng ra cảng Bến Nghé; đi các tỉnh miền Tây; đường đi về Đồng Nai. Nhu cầu giao thông ngày càng cao, hệ thống đường sá đi bộ và xe ngựa cũ không theo kịp đà phát triển vùng Sài gòn về các mặt kinh tế xã hội, thương mại dịch vụ, ngành công nghiệp sửa chữa tàu bè. Những con đường hiện có đi Cao Miên, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây được nối trực tiếp về thành Bát Quái ngày càng phát uy hiệu quả. Quá trình lịch sử vùng đất Nam bộ cũng là quá trình hình thành cư dân Nam bộ. Quy tụ từ tứ xứ, từ nhiều nguồn gốc xuất thân, từ nhiều tộc người, những lớp lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau, từ những hòan cảnh lý do khác nhau nhưng đều có một cách ứng xử chung, đó là luôn giao lưu tiếp xúc, cởi mở về văn hóa nói chung và về lối sống về cách thức làm ăn nói riêng đã làm cho các đô thị ở Nam bộ rất đa dạng về kinh tế và văn hóa. Nó góp phần làm nhạt đi tính chất “chính trị” của các đô thị này, đồng thời làm cho các đô thị ở Nam bộ tuy vẫn là trung tâm của một vùng nông thôn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có ảnh hưởng khá nhiều về lối sống, về sinh họat kinh tế - văn hóa đến những vùng xung quanh. Cư dân nông thôn nhập cư đến các đô thị là xu hướng tăng dân số chính của các đô thị này. Hiện tượng này còn phổ biến cả trong thời kỳ từ 1945 – 1975 và hiện nay. Một hiện tượng sau này phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là địa danh huyện “châu thành” có ở nhiều tỉnh, đó là đơn vị hành chính trong đó có thị xã – trung tâm của tỉnh. Hiện tượng này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của đô thị với vùng nông thôn. Như trên đã nói, nếu thừa nhận tính chất chủ yếu của các đô thị Nam bộ là thương mại và dịch vụ thì không thể không nói đến vai trò quan trọng của lưu dân người Hoa. Những trung tâm thương nghiệp đầu tiên như Cù Lao phố, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên đều do những lớp người Hoa sinh sống tập trung và hình thành nên. Trong giai đọan mới hình thành, tại các “phố chợ” này họat động thủ công nghiệp (làm gốm và nhiều nghề khác…) cũng là một họat động kinh tế chính. Nhưng quá trình phát triển đô thị đã dần tách biệt thủ công nghiệp và thương nghiệp, thủ công nghiệp lui xuống vị trí thứ yếu và sau này chuyển địa bàn sản xuất ra ngọai ô hoặc sang vùng lân cận. 2.2 Đô thị hóa là quá trình biến đổi về phân bố các lực lượng sản xuất, bố trí dân cư, những vùng không phải đô thị trở thành đô thị. Tiền đề cơ bản của đô thị hóa là sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... thu hút nhiều nhân lực từ nông thôn đến sinh sống và làm việc, làm cho tỉ trọng dân cư ở các đô thị tăng nhanh. Đô thị xuất hiện làm tăng sự phát triển giao thông với các vùng nông nghiệp xung quanh và các đô thị khác; phát triển văn hoá và sự phân công lao động theo lãnh thổ, tăng cường thành phần công nhân, tiểu thủ công, trí thức, thương nhân, kĩ thuật viên, v.v. (Từ điển Bách khoa tòan thư Việt Nam). Như vậy, căn cứ vào quá trình hình thành các trung tâm hành chánh ở Nam bộ ta có thể nhận thấy đây cũng là quá trình Đô thị hóa với 2 giai đọan: - Giai đọan nửa đầu thế kỷ XIX: hòan chỉnh các trung tâm chính trị - quân sự đã hình thành trước đó để trở thành các trung tâm hành chính – chính trị trong thời kỳ chính quyền nhà nước đã được thiết lập và từng bước hòan thiện. Đô thị trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất lúc này là Gia Định thành. Diện mạo các đô thị thời này chưa thóat khỏi cấu trúc đô thị phong kiến, từ các công trình xây dựng đến cấu trúc dân cư và đời sống đô thị. - Giai đọan nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: Các trung tâm hành chính – chính trị của nhà nước phong kiến chuyển biến dần thành các đô thị - thành phố kiểu châu Âu. Bộ máy chính quyền có sự thay đổi cơ cấu, tổ chức… từ đó diện mạo của các đô thị này cũng thay đổi tùy theo việc xác định vị trí chức năng của nó. Từ cảnh quan đô thị đến hạ tầng cơ sở đến cấu trúc kinh tế, thành phần và nguồn gốc dân cư thay đổi làm cho sinh họat và đời sống đô thị có sự thay đổi rõ rệt, hình thành tầng lớp thị dân (tuy không quá tách biệt nhưng có lối sống tương đối khác biệt so với lối sống đậm nét nông dân – nông thôn truyền thống). Đến cuối thế kỷ XIX với tổ chức hành chính của Pháp. Nam bộ có 20 tỉnh và trung tâm của 20 tỉnh ấy có thể được coi là những đô thị của Nam bộ, tuy mức độ phát triển có khác nhau. Mặc dù miền Tây có nhiều tỉnh (và tỉnh lỵ) nhưng các đô thị ở miền Đông có sự phát triển và mang diện mạo “thành thị” hơn, có lẽ vì mức độ phát triển công nghiệp ở đây cao hơn do điều kiện tư nhiên thuận lợi. Mặt khác các tỉnh miền Đông lại gần cảng thị Sài Gòn nên sự giao lưu tiếp xúc về kinh tế - văn hóa cũng mạnh hơn, thường xuyên hơn. Trong cả hai giai đọan Bến Nghé - Sài Gòn – Gia Định luôn giữ vai trò trung tâm về hành chánh - chính trị - quân sự - kinh tế - văn hóa của tòan Nam bộ, là đại diện cho Nam bộ. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu vực sản xuất thủ công nghiệp ở miền Đông Nam bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo và nông sản là loại hàng hóa quan trọng bậc nhất. Chừng đó yếu tố cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài đã biến Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sơ như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hóa đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động… Những kiến trúc lớn như Trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Tòa án, Trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu do cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nhưng không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua… Đặc biệt, Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến là công xưởng Ba Son được xây dựng trên cơ sở Xưởng Thủy từ cuối thế kỷ XVIII. Từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại đây, Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam. Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hóa, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đọan khác. (Nguyễn Thị Hậu, 2008). TÀI LIỆU THAM KHẢO. 1.Trịnh Hòai Đức: Gia Định thành thông chí, Thành trì chí. 1820. Tái bản 1998, nhà xuất bản Giáo Dục. 2. Nguyễn Thị Hậu: Đô thị Sài Gòn nhìn từ khảo cổ học, trong sách Nam bộ đất và người tập 6, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2007). 3. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên: Địa chí văn hóa TP.HCM, tập 1: Lịch sử, nhà xuất bảnThành phố Hồ Chí Minh, tái bản 1998. 4. Cao Tự Thanh chủ biên: Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802, tr.13-15, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2007. 5. Từ điển bách khoa tòan thư Việt Nam. www.bachkhoatoanthu.gov.vn/news.aspxNguyễn Thị Hậu
|
|
|
Post by NhiHa on May 25, 2011 8:02:15 GMT 9
Chợ Nguyễn Thị Hậu Chợ xưa chợ nay Chợ xưa là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa của một khu vực nhất định, thường là chợ “làng”. Nông thôn miền Bắc xưa kia, chợ làng họp nơi bến sông hay đầu làng – ranh giới giữa “nơi ở” khép kín trong lũy tre làng với cánh đồng liền khỏanh của các làng liền kề nhau. Chợ họp trên bãi đất tương đối rộng, bằng phẳng, có cây đa hay cây gạo lớn tỏa bóng mát. Hàng ngày họp chợ từ sáng sớm đến khi mặt trời cao hơn con sào là tan chợ. Chỉ có vài hàng quán như hàng nước chè, hàng xén, hàng lò rèn… còn lại là buôn gánh bán bưng. Hàng hóa chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, người bán người mua đều quen biết. Thuận mua vừa bán ít khi nói thách mặc cả, có khi còn mua chịu bán thiếu… Có làng chợ họp tháng dăm ba phiên. Vào ngày phiên chợ tấp nập, hàng hóa phong phú hơn, người các làng khác cũng đến mua bán trao đổi… Ở Nam bộ, sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ thường họp nơi bến sông, ngã ba ngã tư kênh rạch gặp nhau hay có đường bộ cắt ngang. Ngày hai lần nước lớn nước ròng, nơi giáp nước ghe xuồng cắm sào neo đậu chờ con nước để đi tiếp nên thành chợ trên sông hay trên bến dưới thuyền. Dần dần trên bờ hình thành các thị tứ với tiệm cà phê, chạp pô, tiệm vàng, tiệm gạo, rau trái… Chợ cũng họp hàng ngày rồi theo phiên. Có khi ngày phiên theo con nước cho tiện ghe xuồng lui tới. Quan sát chợ xưa có thể nhận biết nhiều điều về “đất nước, con người” vùng quê ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô… Đi chợ là nhu cầu không chỉ/ không phải để mua bán mà còn để gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ tình cảm, quan hệ xã hội… Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… không chỉ để biết giá cả chất lượng hàng hóa mà còn có thể biết được tính tình, thái độ của người bán kẻ mua. Tên gọi của chợ - một lọai địa danh – là một yếu tố văn hóa, thường gắn liền với các đặc sản của làng/ vùng miền ấy. Bây giờ những tên chợ đậm chất dân dã đang mất dần... Chợ nay. Muốn nói đến các siêu thị đang mọc ra nhan nhản khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Hình thức giống nhau, nội thất trang trí bày hàng giống nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang dấu ấn địa danh. Trong đó mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Quan hệ “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… vì người bán “vô hình” mà chỉ có người tính tiền (ở nước ngòai đã có siêu thị người mua tự tính tiền, tự quẹt thẻ trả tiền). Siêu thị - chợ hiện đại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị: coi trọng tính cá nhân, đặt giá trị vật chất của hàng hóa lên trên quan hệ tình cảm trong mua bán. Tính chất văn hóa vùng miền (sản phẩm, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại. Tên gọi các Chợ hiện đại - phần nhiều là tên nước ngòai - nghe... nhạt hóet, không mang chút ký ức văn hóa nào cả. Chợ - ký ức của những con người được di truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ. Đi chợ với mẹ, mong mẹ đi chợ về... tuổi thơ của ai mà không có những ký ức đẹp như thế... Ra chợ mà nghe Người ta hay nhận xét: ăn nói kiểu chợ búa, ăn nói như hàng tôm hàng cá… Và xã hội cũng mặc định rằng, chợ, và người buôn bán ở chợ chỉ có kiểu ăn nói đanh đá, ghê gớm, “vô văn hóa” như thế! Có thật ngôn ngữ ở chợ từ xưa đến nay chỉ có như thế không? Năm 1975 về Sài Gòn. Lần đầu đi chợ tôi được nghe mời chào bằng giọng nói ngọt ngào: Mua bán trả giá lời lẽ nhẹ nhàng, nếu có đôi co một chút cũng chỉ như phân trần giải thích… Dù bán được hay không cũng đều có lời cám ơn, dù không mua được hàng, thậm chí mua đắt hơn một chút nhưng người mua vẫn vui lòng vì cảm giác mình tự nguyện mua, không bị ai ép buộc. Cái sự “thuận mua vừa bán” này phổ biến từ gian hàng đồ dùng cao cấp đến hàng rau cá thịt. Thi thoảng có cuộc to tiếng thì thường là giữa những người bán hàng với nhau, một lời can ngăn từ bất cứ ai cũng có thể ngăn chặn cuộc cãi vã. Đang “quen” với việc mua bán ở mậu dịch và phải luôn “ngọt nhạt” với các cô mậu dịch viên nên ấn tượng nhất của tôi về “ngôn ngữ chợ búa” ở đây chính là cách xưng hô thân mật: người bán xưng “dì” (nếu lớn tuổi), xưng “con” nếu nhỏ tuổi, gọi người mua là con, là dì, là cậu… Đây chính là cách xưng hô trong gia đình của người Việt ở Nam bộ, anh chị em ruột thịt về phía mẹ có chỉ có 2 danh xưng là Dì (chị và em gái) và Cậu (anh và em trai) của mẹ. Việc đem hệ thống xưng hô từ gia đình ra ngoài xã hội là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt Nam, phần nào “quy định” cách ứng xử ngoài xã hội. Có lẽ vì người bán mua chủ yếu là phụ nữ nên việc “hướng về” bên ngoại như một điều tất nhiên, cách xưng hô cũng “quy định” cách ứng xử nơi “chợ búa” tựa như đều là những người có bà con về bên ngoại: gần gũi, thân mật, không khách sáo và có phần xa cách như với bên nội? Cách xưng hô ở chợ như vậy cho ta nhận ra dấu ấn “văn hóa mẫu hệ” khá rõ của người Việt Nam bộ, có lẽ đã được gìn giữ từ thời lưu dân Ngũ Quảng vào khai phá vùng đất phương Nam. Có thể suy luận thêm chút nữa, phải chăng cho đến thế kỷ 16, 17 người Việt vẫn thiên về “mẫu hệ” - truyền thống cơ bản của văn hóa Đông Nam Á? Cách xưng hô, ứng xử theo kiểu “mẫu hệ” như thế này đã mai một. Bây giờ chỉ ở chợ thôn quê, vài chợ nhỏ chợ hẻm, nơi kẻ mua người bán không mấy xa lạ với nhau… ta còn nghe được người bán người mua gọi nhau thân mật gần gũi như thế. Ở những chợ lớn, chợ nơi thị thành xưng hô nói năng đã khác. Mà bây giờ, ăn nói “kiểu chợ búa”, “hàng tôm hàng cá”… đâu cần phải ra đến chợ mới có!./. Nguyễn Thị Hậu
|
|
|
Post by Can Tho on Feb 8, 2012 10:15:54 GMT 9
Mậu dịch giữa Nhật Bản với Đàng Trong: Chaya Shirôjirô
Vĩnh Sính Ba nhà ‘hào thương’ Nhật Bản đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ mậu dịch với Đàng Trong nói riêng và Đông Nam Á nói chung vào cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII là Suminokura 角倉, Chaya 茶屋 và Gotô 後藤. Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu hào thương Chaya và đôi nét về quan hệ mậu dịch của nhà buôn này với Đàng Trong. Trước hết ta cần định nghĩa ‘hào thương’ là gì ? Hào thương (gôshô 豪商) là những “đại thương nhân” nổi tiếng từ những năm sau “thời Chiến quốc” (Sengoku jidai, 1477-1573) tao loạn. “Hào” chữ Hán có nghĩa là “có tài trí hay ý chí hơn người”, như chúng ta thường dùng trong các từ “hào kiệt”, “hào hùng” hay “hào phóng”. Bởi vậy, “hào thương” nói nôm na là những thương nhân có tài lực dồi dào, gầy dựng nên cơ nghiệp nhờ có đầu óc và năng lực kinh doanh nhạy bén hơn người. Theo nhà nghiên cứu Kôno Ryô, những nhà hào thương hội đủ ba yếu tố sau đây: dám làm, làm một cách nhiệt tình những gì họ cảm thấy ưa thích, và có khả năng chuyển biến tình huống nghiệt ngã trở thành thuận lợi.1 Cũng cần nói thêm lúc bấy giờ người Nhật gọi ‘Đàng Trong’ là ‘Giao Chỉ 交趾’ với đối tượng buôn bán là Chúa Nguyễn, và ‘Đàng Ngoài’ được gọi là ‘An Nam 安南’. * * * Chaya Shirôjirô (茶屋四郎次郎 Trà-ốc Tứ-lang Thứ-lang) không phải là tên của một người, mà là tên gọi chung cho những người làm chủ nhà buôn Chaya. Theo truyền thống thế tập, hay nói nôm na là ‘cha truyền con nối’, khi người chủ nhà buôn Chaya qua đời hay nghỉ hưu, người kế nghiệp chức vụ đó sẽ thừa kế luôn cả tên Shirôjirô. Bởi vậy, cho đến giữa thế kỷ XIX, có khá nhiều người mang tên là Chaya Shirôjirô. Ở đây, chúng tôi chủ yếu chỉ đề cập đến khoảng thời gian nhà buôn Chaya gửi thuyền buôn sang Đàng Trong, tương ứng với 5 đời chủ nhân đầu tiên — tức là từ năm 1592 cho đến giữa thập niên 1630 khi chính quyền Tokugawa thực hành lệnh bế quan toả cảng (tiếng Nhật gọi là sakoku 鎖国, tức là “toả-quốc”) và ngưng phát hành giấy phép châu ấn (shuin 朱印, con dấu đỏ) cho các thuyền buôn. Nói cho đúng, Chaya chỉ là thương hiệu, và tên chính thức của họ tộc này là Nakashima.2 Dòng họ Nakashima nguyên đời đời thuộc giai cấp võ sĩ (samurai). Đến đời Akinobu, vì bị thương trong khi giao tranh nên Akinobu xin giã từ binh nghiệp để đổi sang nghề buôn bán trang phục Nhật (呉服 gofuku, “ngô-phục”) ở Kyoto. Mặc dầu nói là buôn bán trang phục, nhưng sự thật nhà buôn của Akinobu mua bán nhiều mặt hàng — nói theo ngôn ngữ ngày nay là một dạng “hãng buôn tổng hợp” (sôgô shôsha総合商社), tức là một “tổng hợp thương xã”. Đến đời con trai của Akinobu là Kiyonobu 清延 (1545-1596), vì vị Shôgun (Tướng-quân) lúc đó là Ashikaga Yonutseru mỗi lúc du hành thường ghé nhà Kiyonobu nghỉ ngơi uống trà theo phong cách trà đạo; nên dần dà mỗi lúc Shôgun muốn ghé uống trà, Shôgun chỉ cần nói với người hầu cậu : “Ghé quán trà !” Được Shôgun coi nhà mình là “quán trà” là một điều vinh dự đối với Kiyonobu. Tên Chaya (茶屋 Trà-ốc, tức là “quán trà”) bắt nguồn từ đó, và Kiyonobu là chủ nhân đầu tiên lấy tên Chaya Shirôjirô. Khi bàn về sự nghiệp kinh doanh của Kiyonobu, một điểm cần chú ý là mối quan hệ khắn khít giữa ông và Tokugawa Ieyasu (Đức-Xuyên Gia-Khang), người sáng lập ra dòng họ chính quyền Tokugawa bakufu. Kiyonobu được Ieyasu hết mực tin dùng ngay từ khi Ieyasu chưa hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước (1600) để trở thành Shôgun đầu tiên của dòng họ Tokugawa. Tuy Kiyonobu là thương nhân, nhưng sự phân biệt giữa thương nhân và võ sĩ trong thời kỳ nội chiến vào thế kỷ XVI chưa rõ ràng, vả chăng Kiyonobu vốn dòng dõi võ sĩ, nên mặc dầu phải lo tiếp tế lương thực và võ khí cho Ieyasu, Kiyonobu cũng từng mang áo giáp cùng Ieyasu xuất trận có đến 53 lần! Cũng nên để ý rằng sau khi Ieyasu nắm quyền bính, gia đình Chaya được đãi ngộ giống hệt như võ sĩ : tên có họ đàng hoàng, được đeo kiếm, được cấp tư dinh và hưởng bổng lộc tính bằng lúa. Thuyền Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến Nhật buôn bán (tranh thế kỷ XVI) Thuyền châu ấn (năm 1634) Để thấy rõ vai trò của Kiyonobu đối với Ieyasu, cần nói thêm là vì địa bàn của Ieyasu nằm ở miền Đông (vùng Tokyo ngày nay), Ieyasu sẽ khó bề làm nên sự nghiệp nếu không có người thân tín giúp lo liệu công việc ở vùng Kyoto và Osaka — trung tâm chính trị và kinh tế của nước Nhật lúc bấy giờ. Nói cụ thể là Ieyasu cần có người tiếp xúc với triều đình Thiên hoàng ở Kyoto nhằm tạo thế đứng chính trị; đồng thời đặt mua súng ống, thương, kiếm, và áo giáp từ các nhà buôn lớn ở Sakai ở gần Osaka. Xuất thân gần đất kinh kỳ Kyoto và thông thạo địa bàn này, Kiyonobu lại vừa nhạy bén về chiến lược kinh doanh, chính trị và quân sự. Trên thực tế, Kiyonobu và nhà buôn Chaya đã là người đại diện chính thức của Ieyasu và chính quyền Tokugawa ở vùng Kyoto — Osaka. Khi Kiyonobu dẫn thuyền buôn Chaya sang Đàng Trong vào năm 1592, giấy phép châu ấn lúc ấy đang còn do chính quyền Toyotomi Hideyoshi cấp vì Tokugawa Ieyasu chưa nắm quyền bính.3 Tiêu chuẩn tuyển chọn để cấp giấy phép châu ấn rất nghiêm ngặt, cũng cùng năm ấy, khắp nước Nhật chỉ có 9 thuyền được cấp giấy phép. Năm chiếc đi từ Nagasaki, 3 chiếc đi từ Kyoto, và 1 chiếc đi từ Sakai. Như vậy thuyền của Chaya là một trong 3 chiếc được tuyển chọn ở Kyoto. Nhà buôn Chaya được chọn có lẽ vì Kiyonobu là người đại diện cho uy thế và quyền lợi của Tokugawa Ieyasu, và đồng thời Kiyonobu cũng có quan hệ hữu hảo với Toyotomi Hideyoshi. Tuy không còn tư liệu nào nói về những thuyền châu ấn nhận giấy phép do Hideyoshi cấp, nhưng nếu căn cứ theo tranh vẽ thuyền châu ấn đến Đàng Trong sau khi Tokugawa lên nắm quyền mà hiện nay hãy còn lưu trữ ở chùa Kyômizu ở Kyoto và Nagasaki, chúng ta có thể suy đoán đại để như sau: Thuyền có trọng tải khoảng 400 tấn, hoa tiêu có lẽ là người Tây phương có nhiều kinh nghiệm đi biển, mỗi thuyền chở từ chừng 300 người, đa số là thương nhân, khách trên thuyền còn có cả phụ nữ vì trong 1 bức tranh chúng ta thấy có một người đàn bà gảy đàn 3 dây.4 Chủ thuyền không chỉ chuyên chở những mặt hàng mua bán của mình mà còn chở và thâu tiền đi ‘quá giang’ của những thương nhân đi cùng hàng hoá buôn bán của họ. Sở dĩ chủ thuyền cho những thương nhân khác tháp tùng vì muốn đa dạng hoá mặt hàng nhằm dễ mua bán khi vào cảng, đồng thời chỉ có những thương nhân này mới có đủ kiến thức chuyên môn về các mặt hàng mang theo. Hàng Nhật Bản xuất khẩu gồm có bạc, đồng, lưu huỳnh, đao kiếm, nồi chảo, ấm sắc thuốc hay đun nước, bình phong, quạt, v.v.; và hàng nhập khẩu chính là trầm hương, tơ tằm, ngà voi, da nai, chì, thiếc, đường, vải bông, các loại động vật, v.v. Thuyền buôn Nhật Bản thường rời cảng Nagasaki vào đầu Xuân, nương gió Bắc đi về Nam và nơi cập bến thường là cửa Hàn (Đà Nẵng). Từ Nagasaki đến Đàng Trong trung bình mất khoảng 40 ngày. Bận về lại Nhật, để nương gió nồm thuyền nhổ neo vào khoảng từ tháng 7 cho đến tháng 9. Tính trung bình, mậu dịch bằng thuyền châu ấn thường mang lại lợi nhuận trung bình vào khoảng 200%. Trong chuyến đi đầu tiên của thuyền Chaya sang Đàng Trong vào năm 1592, bản thân Kiyonobu cũng tháp tùng làm chủ thuyền, mặc dầu lúc đó đã 48 tuổi — thuộc hàng cao niên theo tiêu chuẩn lúc bấy giờ. Khi Ieyasu đã tóm thâu thiên hạ, mặc dầu Kiyonobu đã mất bốn năm trước đó (1596), gia vận của Chaya càng ngày càng hưng thịnh. Con của Kiyonobu là Kiyotada 清忠 được giao quản lý thương nhân ở năm tỉnh Kyoto, Osaka, Nara, Sakai và Fushimi; đặc trách về trang phục cho chính quyền Tokugawa bakufu và quản đốc vật tư ở Kyoto, đồng thời được cấp đặc quyền mậu dịch bằng thuyền châu ấn. Trên thực chất, Kiyotada là “tổng đại diện” của chính quyền Tokugawa ở vùng Kyoto – Osaka. Kiyotada mất sớm (1603), em là Kiyotsugu 清次 (1584-1622) — tức là Chaya Shirôjirô đời thứ ba — lên thay. Cũng trong năm đó, Ieyasu được chính thức bổ nhiệm làm Shôgun và tiếp tục phát hành giấy phép châu ấn cho các thuyền buôn. Tính từ lúc đó cho đến năm 1635 — khi chính quyền Tokugawa ngừng cấp giấy phép, có tất cả 356 giấy phép được cấp, trong đó số thuyền đi Đàng Trong chiếm tỷ số cao nhất (71 giấy phép) so với các địa điểm khác ở Đông Nam Á. Riêng nhà buôn Chaya được cấp đến 11 giấy phép, trong đó có 1 giấy phép được cấp trong đợt cuối cùng trước khi Nhật Bản đóng cửa nên không sử dụng. Vì tất cả giấy phép của nhà buôn Chaya là để đi buôn bán ở Đàng Trong, chúng ta có thể nói Chaya là nhà buôn đi hàng đầu trong mối giao thương giữa Nhật Bản với Đàng Trong. Theo nghiên cứu của các học giả người Nhật, mặt hàng mang lại lợi lộc nhiều nhất cho nhà buôn Chaya qua mậu dịch với Đàng Trong là tơ tằm. Trước đó, người Bồ Đào Nha giữ độc quyền xuất khẩu tơ tằm sang Nhật. Nhằm ngăn chận độc quyền của người Bồ Đào Nha và cũng để bạc khỏi lưu xuất quá mức ra khỏi nước Nhật, Tokugawa Ieyasu thi hành chính sách cho một số thương nhân ở Kyoto, Sakai và Nagasaki cùng nhau góp tiền vốn nhằm nhập khẩu tơ tằm với giá rẻ, rồi sau đó phân bố lại cho những người có xuất vốn. Quá trình này hoàn toàn không có sự can thiệp của thương nhân nước ngoài và những thương gia người Nhật không ở trong hiệp hội những người xuất vốn. Kiyotsugu chắc hẳn đã đóng vai trò quan trọng trong việc đề nghị Ieyasu áp dụng biện pháp cứng rắn đó. Độc quyền của người Bồ Đào Nha từ đó được khống chế và quyền độc chiếm đó nay vào tay một số thương nhân xuất vốn nhiều nhất. Chính trong bối cảnh đó mà các hào thương ở vùng Kyoto như Chaya, Suminokura và Gotô đã ra đời. Mậu dịch giữa Đàng Trong và Nhật Bản tiếp tục trong hai đời thứ tư Michisumi 道澄 và đời thứ năm Nobumune 延宗, cho khi có lệnh bế quan toả cảng năm 1635. Thư Chúa Sãi gửi Chaya Shirôjirô đời thứ tư Cần chú ý rằng Chaya Shirôjirô đời thứ ba (tức Kiyotsugu) có một người em ruột tên là Shinshirô 新次郎. Shinshirô từ trẻ cũng được Ieyasu quý mến, cho về lập một nhánh mới của nhà buôn Chaya ở Owari (nay là phía Tây của huyện Aichi) — một trong ba lãnh địa do thân thích của Ieyasu làm lãnh chúa. Shinshirô cũng được cấp giấy phép châu ấn và đã từng đến Đàng Trong. Khi về già, Shinshirô tu tại gia, lấy tên là Chô-i (長意Trường-Ý). Trong chùa Jômyô-ji (浄妙寺Tịnh-diệu-tự) ở Nagoya hiện nay vẫn còn lưu trữ 3 bảo vật có liên hệ với Đàng Trong: a) một hộp trầm kỳ nam (tiếng Nhật gọi là kyara 伽羅, tức già-la) tức loại trầm quý nhất, những miếng trầm cắt nhỏ để trong hộp làm bằng thiếc; b) một bức tranh tên là “Lang kiến Quan Thế Âm Bồ Tát tượng 廊見観世音菩薩像”; c) một bức tranh lớn thường được gọi là “Chaya Chô-i Kôshi bôeki zu 茶屋長意交趾貿易図” (Tranh mậu dịch giữa Chaya Chô-i [với Đàng Trong]). Cảnh Chaya Shirôjirô yết kiến Chúa Nguyễn Bức tranh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tương truyền do chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tức là Chúa Sãi, còn gọi là Phật Chúa) tặng Chô-i khi thuyền gặp bão và được chúa Nguyễn giúp đỡ (khoảng giữa năm 1615 và năm 1620). Bức tranh “Mậu dịch với Đàng Trong” rất lớn, chiều dọc 78 cm và chiều ngang dài đến 4m98. Tranh có 4 phần: 1) quang cảnh ở Nagasaki — nơi thuyền buôn Chaya nhổ neo đi về Nam; 2) quang cảnh sinh hoạt trên thuyền; 3) quang cảnh nghênh tiếp khi thuyền cập bến ở cảng “Toron” (Tourane, tức Đà Nẵng ngày nay) với những chiếc ghe nhỏ ra đón cùng cảnh tiếp đón trong dinh chúa, cùng “phố Nhật” ở Hội An; và 4) quang cảnh trên đường từ Đà Nẵng ra Thuận Hoá. Nét vẽ rất sống động, chứng tỏ người vẽ tranh đã từng đến và biết rõ về Đàng Trong. Trên bức tranh còn có ghi 18 chú thích, ghi thêm những chi tiết cần thiết. Những chứng tích quý báu về quan hệ kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản được con cháu của dòng họ Chaya giữ gìn chu đáo từ đời này sang đời nọ mãi cho đến ngày nay. Vĩnh Sính Viết lại xong vào thượng tuần tháng 12 năm 2010 1 Kôno Ryô, Gôshô omoshiro Nihonshi (Lịch sử Nhật Bản nhìn một cách thú vị qua những hào thương) (Tokyo: Kosaidô, 1991), trang 1. 2 Còn đọc là Nakajima. 3 Nên chú ý Toyotomi Hideyoshi chỉ là kampaku (関白quan-bạch, một chức gần giống như tể tướng), chứ không phải là Shôgun.Sau khi nhường chức cho con nuôi là Hidetsugu, chức vụ của Hideyoshi là taikô (太閤, thái-cáp; tựa như “tể tướng, nhưng đã về hưu”). 4 Shamisen三味線 tam-vị-tuyến.
|
|
|
Post by Can Tho on Feb 8, 2012 10:20:17 GMT 9
Saigon đầu thế kỷ 20 đến 1945 : Việt Nam thức tỉnhNguyễn Đức Hiệp Sống mà vô dụng, sống làm chi Sống chẳng lương tâm, sống ích gì ? Nguyễn An Ninh Người Pháp đến Việt Nam có đủ loại thành phần xã hội, từ nhiều địa phương khác nhau : công chức, trí thức, di dân lập nghiệp, đồn điền, nông trại, buôn bán… Những người hiểu biết, trí thức thì ít (như T. Holbé, E. Huber, L. Finot, J. Janneau, Aymonier, Malleret, Cadière, Landes, Yersin, Monin...) nhưng đa số đông đảo hơn cả là giới di dân lập nghiệp, buôn bán, quân nhân, tư bản thuộc đủ mọi thành phần giai cấp, chính kiến (bảo hoàng, cộng hòa), tôn giáo (công giáo, tin lành), chủng tộc (Pháp, Corse, Phi thuộc Pháp). Người Corse thường bị người Pháp coi là quê, ít học thức chưa thấm nhuần văn minh Pháp, đến Saigon khá đông. Vì thế sự phản ứng của họ qua các đòi hỏi nguyện vọng của người Việt là chống đối và muốn giữ đặc quyền và qua đó chính quyền Nam Kỳ hầu như đều áp dụng chính sách đàn áp là một sự sai lầm to lớn của người Pháp ở Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung. Họ đi ngược trào lưu giải thuộc địa nhất là trong giai đoạn giữa thế kỷ 20 và để lại hệ quả nhiều đổ máu và đấu tranh ý thức hệ lâu dài ở Việt Nam. Như đã nói ngoài số ít những công chức, luật sư, bác sĩ hay trí thức nghiên cứu, chúng ta có thể thấy thành phần đa số những người Pháp đi qua Nam Kỳ nói riêng và Đông Dương nói chung qua sự nhận xét của ông Raoul Postel vào những năm của thập niên 1880 khi ông đến Saigon làm việc như sau (14) : « Thế thì "xã hội người Âu" ở Saigon là gì ? Câu trả lời của chúng tôi sẽ hàm chứa một vài vùng tối. Trước hết phải hiểu giới người Âu ở Sài Gòn, hầu như ít có ngoại lệ, gồm người đủ mọi nước và đủ hạng người, họ cố gắng làm lại cuộc đời, xây dựng lại sự nghiệp, tìm cách xóa đi những tì vết, tai tiếng trong quá khứ : bạn có thể thấy rõ điều này khi quan sát các động thái, thủ đoạn, những câu chuyện ba hoa, những cử chỉ vồn vã mà họ biểu dương, như để tăng giá trị đối với gia đình hay chủ nợ, đối với cố hương xa vời hay xã hội gần kề. Họ ranh mãnh như hiện thân của sự đồi trụy, khéo léo như tay tổ đạo đức giả, tôi không dám nói của sự sám hối. Họ là lớp bèo bột của mẫu quốc và Châu Âu trôi dạt tới đây. Ngoài trừ một vài trường hợp hiếm hoi có nhân thân đàng hoàng, ba phần tư thương gia đã từng nhiều phen phá sản hay làm ăn lụn bại. Nếu phải áp dụng luật pháp một cách chi li, thì môt nửa trong số họ phải bị trục xuất ra khỏi thuộc địa. Phong hóa của họ cũng thấp kém như mức độ chân thực. Sự vô luân trơ trẽn được phô bày giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi không muốn đào sâu vấn đề xem ai đã làm hư ai, người Pháp đã làm cho người Á Châu suy đồi đạo đức, hay chính người châu Á tiếp xúc với người Pháp đã hủ hóa họ nhưng tôi xin cam đoan là chính người Pháp đã làm thoái hóa nòi giống bản xứ, vốn dễ bị vàng bạc tiền tài mê hoặc, nhưng phong tục của họ còn tương đối thuần khiết nơi nào người Pháp chưa thâm nhập hay còn ít thâm nhập. Phải đau lòng chấp nhận sự thật ấy bởi vì gương xấu là do kẻ chiến thắng, kể cả từ cấp cao nhất. Làm sao còn ngạc nhiên khi thấy thuộc địa không tiến lên được. Một nước không có luân thường đạo lý thì tất nhiên rơi vào vòng sa đọa. Xã hội thuộc địa chỉ học đòi từ chính quốc những cái táo tợn, những thói hư tật xấu ; ngoài ra thì nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Người ta không hề vun trồng nghệ thuật, vì biếng nhác hay vì bận bịu : ngược lại thì ở các sòng bạc, mà chính quyền thuộc địa dành độc quyền khai thác, các thương gia bị cháy túi như chơi, còn quân nhân và công chức thì thua bạc, đua nhau mắc nợ.» Những thập kỷ đầu thế của kỷ 20 đánh dấu sự học hỏi và thức tỉnh của con người Việt Nam một thế hệ sau giai đoạn đầu đối diện, điều chỉnh, thích nghi với cú “sốc” đổi thay mạnh mẽ toàn diện khi mà người Pháp đến nơi, tạo lập một môi trường văn hóa, chính trị, xã hội, kinh tế hoàn toàn mới lạ trên mảnh đất Nam Kỳ. Ý thức hệ phong kiến về chính trị và tư tưởng sĩ-nông-công-thương, về xã hội - kinh tế đã bị thách đố và bị sụp đổ hoàn toàn, đầu tiên ở Nam Kỳ và nhiều năm sau ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Các nhà báo, nhà văn hóa, trí thức vào Nam học hỏi, làm việc và từ đấy qua Pháp tìm đường canh tân, đất nước. Canh tân trước hết là thay đổi tư tưởng sĩ-nông-công thương, ảnh hưởng của Tống nho ngự trị xã hội Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Một cuộc đổi đời trong đó sức mạnh kinh tế, năng lực quốc gia là hoàn toàn dựa vào tầng lớp có tinh thần thực dụng, thương mại, công nghệ, sản xuất, mạo hiểm và năng động. Tờ báo quốc ngữ phản ảnh tinh thần mới này là tờ Nông cổ mín đàm xuất bản năm 1901, năm đầu của thế kỷ mới, thế kỷ 20. Về phương diện bộ mặt phát triển thành phố, Saigon tiếp nối với sự xây dựng các cơ sở theo sự đòi hỏi của người Pháp từ khi họ đến định cư, thiết lập cơ sở thương mại, lập đồn điền, xây dựng xưởng hãng, hay điều hành quản lý guồng máy mới được thiết lập và xây dựng tại Nam Kỳ trong vòng mấy chục năm qua. Nhà hát mới của thành phố được xây vào năm 1900 bởi công ty kiến trúc của Félix Ollivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret, với mặt tiền của nhà hát giống tòa nhà Petit-Palais ở Paris. Ngày 15/1 năm 1910, nhà hát được khánh thành với sự tham dự của hoàng tử Đan Mạch Prince Waldemar. Saigon 1903 – trích từ hồi ký của Paul Doumer (nguồn: flickr). Để ý đường xe lửa Saigon - Mỹ Tho bắt đầu từ bến Francis Garnier (Bạch Đằng) lên trạm chính ở trung tâm rồi đi Mỹ Tho. Chợ Bến Thành lúc này chưa có, đường vào Chợ Lớn chỉ có 2 ngả : ngả dọc bờ rạch arroyo chinois (kênh Tàu Hủ) gọi là route basse (đường dưới) và ngã bên trên gọi là route haute (đường trên, nay là Nguyễn Trãi) vì con đường Gallieni (Trần Hưng Đạo) đi qua khu kinh rạch, ruộng của Nhơn Hòa Xã và Tân Hòa Xã đi Chợ Lớn chưa có. Sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng địa điểm và đề án xây tòa thị sảnh thành phố được Hội đồng quản hạt chấp nhận. Tòa thị sảnh được xây từ năm 1901 đến 1908 trên một vùng đất cao ở cuối đường Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), nhìn xuống tận đầu đường ở gần sông Saigon. Tháng 2 năm 1909, đúng 50 năm sau khi Pháp chiếm thành Saigon, tòa thị sảnh thành phố được khánh thành dưới sự hiện diện của toàn quyền Đông Dương. Ông Jean Bouchot, giám đốc đầu tiên của viện bảo tàng Musée Blanchard de la Brosse (nay là viện bảo tàng lịch sử), trụ sở trong vườn bách thảo, là người đầu tiên để ý đến các tư liệu liên quan đến lịch sử vùng Saigon. Các bài của ông trên Tạp chí của Hội nghiên cứu Đông dương (Bulletin de la Société des études indochinoises) như “La naissance et les premières années de Saïgon” (5) (6) (7) là tư liệu quý về Saigon trong giai đoạn đầu lúc Pháp đến. Ông cũng là người khám phá ra mộ đá tiền sử ở Xuân Lộc, tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai). Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành lập vào năm 1929, còn gọi là bảo tàng Hội nghiên cứu Đông dương. Ý định thành lập bảo tàng đã có từ năm 1882 khi Hội đồng quản hạt đồng ý trên nguyên tắc qua đề nghị của giáo sư Milne-Edwards. Hội Nghiên cứu Đông dương lúc này cần có một nơi để lưu trữ tư liệu, hiện vật khảo cổ Khmer, Cham, etc... Trong thời gian từ 1882 đến 1929, bảo tàng tạm thời phải di chuyển ở nhiều nơi, như mướn một nhà (1904) ở 140 đường Pellerin (nay là Pasteur), ở số 16 rue Lagrandière (Lý Tự Trọng) trước khi dời đến địa điểm trong vườn bách thảo (7). Trong số các hội viên của Hội nghiên cứu Đông Dương ở Saigon được nhiều người biết sau này có các ông Aymonier, bác sĩ Mougeot, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Paulus Của, A. Landes, bác sĩ Dejean de la Batie, Lê Văn Thông, kĩ sư Thévenet, Henri Marchal, Georges Maspero, Nguyễn Văn Của (chủ nhà in Nguyen Van Cua). Năm 1906 là năm chùa Đa Kao làm lễ khánh thành. Đây là chùa với kiến trúc đặc thù của người Hoa, ở gần trung tâm thành phố Saigon, thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Quan Âm, Thổ địa, Thành hoàng đế, Quan Phu tử, Thiên tướng, Thanh long đại tướng... Chùa do một người Hoa kiều tên là Lưu Minh bỏ tiền ra xây từ năm 1900. Tương truyền là nhờ thần thánh phù hộ, ông đã thoát khỏi Trung quốc sau khi bị kết án chung thân tội giết em của ông và đã thề sẽ trả ơn. Ông xây chùa ở vị trí ngay nơi một cây cổ thụ đã bị xét đánh đổ mà các người trú mưa dưới gốc cây không bị hề hấn gì. Thật sự thì không đúng vậy vì sau đó ông đã đi Trung quốc nhiều lần không hề hấn gì và ông xây để phù hộ công việc làm ăn của ông và ông có lợi ích trong đó. Chùa được xây ở vị trí trước đó là một miếu cổ mà ta vẫn còn thấy một tường dưới gốc cây cổ thụ (8). Đầu thế kỷ 20, trong các công trình xây dựng có nhà thờ Huyện Sĩ ở góc đường Frère Louis (Nguyễn Trãi ngày nay, Frère Louis Gaubert là người lập ra trường Taberd) và đường Frères Guillerault (Tôn Thất Tùng). Nhà thờ do ông Huyện Sĩ, xây xong vào năm 1905. Ông Huyện Sĩ, tên thật là Lê Phát Đạt (1841-1900), người Saigon sống ở khu Cầu Kho gần đó. Ông Huyện Sĩ theo đạo Ki tô, học latin, quốc ngữ, Pháp ở trường dòng. Thời kỳ Pháp ban đầu đến ở miền Nam, những người có chữ nghĩa như ông được trọng dụng. Ông được cử làm Thông phán ở Tân An. Trong thời gian ở Long An, ông trở nên giàu có qua các đất đai ruộng lúa ông mua lúc Pháp bán các đất đai để phát triển canh tác với giá rất rẻ. Thời đó ở miền Nam có câu “ nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định ”. Ông là người giàu nhất trong bốn người giàu ở Sài Gòn và Nam Kỳ. Thứ nhì là Đỗ Hữu Phương, làm tổng đốc. Thứ ba là Lý Tường Quan, người Minh Hương, tục danh là Hộ Xường, và thứ tư là ông Hộ trưởng tên là Định, gọi là Hộ Định. Để nhớ lại vùng mình sinh trưởng trước đây, ông Huyện Sĩ tài trợ xây tại Saigon gần khu Cầu Kho một nhà thờ, nay mang tên ông. Ông mất trước khi nhà thờ được xây xong. Ông cũng là ông ngoại của bà Nam Phương hoàng hậu, vợ của vị vua cuối cùng Việt nam, vua Bảo Đại. Chợ Bến Thành, còn gọi là Chợ Mới, được hãng thầu Brossard et Mopin xây vào năm 1912 (tháng 3 1914 thì hoàn tất) ở vùng trũng có đầm nước bị lấp đi gọi là marais Boresse (ao Bồ Rệt), thay thế Chợ Vải trên đường Charner (Nguyễn Huệ). Chợ Vải vì thế được gọi tên là Chợ Cũ, hiện nay vẫn còn, nhưng nhỏ hơn so với trước. Chợ Bến Thành được khai trương tưng bừng trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 3 năm 1914, với pháo bông, và nhiều người từ lục tỉnh đổ về tham dự (3). Ngay tại góc đường Catinat (Đồng Khởi) và Quai de Belgique (bến Bạch Đằng) là khách sạn Majestic, khách sạn sang nhất Đông nam Á đầu thế kỷ 20. Khách sạn Majestic, xây năm 1925 theo kiểu nhà nghỉ vùng Riveria (miền nam Pháp) với kiến trúc baroque, do một người thương gia giàu có người Minh hương gốc Phúc Kiến đầu tư xây dựng : ông Hứa Bổn Hòa (Jean Baptiste Hui Bon Hoa) hay còn gọi với tên thân mật là chú Hỏa. Chú Hỏa, cũng như một người Minh hương gốc Triều Châu giàu có khác cùng thời là Quách Đàm, lập nên sự nghiệp từ lúc hàn vi nghèo khó, có nhiều tiệm cầm đồ và bất động sản ở nhiều nơi trong Saigon - Chợ Lớn và khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bệnh viện Saigon, Từ Dũ, khu biệt thự đường Lý Thái Tổ (nay là nhà khách chính phủ) là do Hứa Bổn Hòa xây. Biệt thự tư gia gia đình ông ở, trên đường Phó Đức Chính, nay là Viện bảo tàng mỹ thuật thành phố. Trên các đường Catinat (Đồng Khởi), Bonard (Lê Lợi), Kinh lấp (Charner, Nguyễn Huệ), rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn), MacMahon (Nam Kỳ khởi nghĩa) có các cửa tiệm với dịch vụ mới như xuất bản sách báo, bán sách, vở, thuốc tây, chụp và rửa ảnh, tư vấn luật pháp và văn phòng các công ty bắt đầu thay thế các cửa hàng của người Hoa. Trên đường rue d’Espagne có một nhà in tên là Trần Trọng Cảnh (112 rue d’Espagne), nơi đây cũng là trụ sở của báo L’Ere nouvelle do Cao Hải Đề làm giám đốc, chủ bút là Vũ Đình Dy. Báo xuất bản năm 1926. Trong phần quảng cáo của báo Thời đại mới, ta có thể thấy các cơ sở kinh doanh, kinh tế, dịch vụ của người Việt và Hoa ở Saigon - Chợ Lớn và các tỉnh (18). Góc đường Adran (Hồ Tùng Mậu, chợ Cũ) L’Ere nouvelle (Thời đại mới) là báo của Đảng Lao Động An Nam (Parti travailliste Annamite) do ông Cao Triều Phát sáng lập, Cao Triều Phát sau này là đại biểu quốc hội Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cố vấn ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Số 116 đường MacMahon là văn phòng của luật sư Phan Văn Trường, khách sạn Nam Việt khách lầu (Hotel d’Annam) ở số 72-80 đường Kinh lấp (Boulevard Charner) do ông Huỳnh Huệ Ký làm chủ, góc đường Catinat và Bonard là tiệm thuốc tây L. Solirene (18). Số 118 đường Catinat là tiệm bán máy ảnh và rửa phim, Photo Nadal (17) (sau này có để lại các bộ sưu tập hình ảnh xưa vùng Saigon - Chợ Lớn, xem (4)). Dọc đường Ohier (Tôn Thất Thiệp ngày nay) có rất nhiều tiệm của người Ấn (người Pháp gọi là Chetty, Việt gọi là Chệt) cho vay tiền (17). Văn phòng của công ty Bùi Kỳ Luận & Fils ở góc đường Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) và Pellerin (Pasteur) chuyên sửa xe hơi, sửa máy in, sửa máy tàu, bắt điện nhà, đóng tàu hơi và tàu khói. Saigon-Auto của ông Tăng Quang Di chuyên bán phụ tùng xe hơi như Citroen, dầu MobilOil… ở 19-21 đường Amiral Roze (Trương Định). Tòa soạn của tờ báo Nữ Giới Chung xuất bản năm 1918 cho phụ nữ nằm ở đường Taberd (Nguyễn Du). Tuần báo nầy còn tên là Fémina Annamite, do bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh), con gái của cụ Nguyễn Đình Chiểu, làm chủ nhiệm. Không xa nơi này là trụ sở báo Nông Cổ Mín Đàm ở số 12 đường rue Cap St Jacques (sau là rue Filippini, ngày nay là đường Nguyễn Trung Trực). Gần trụ sở của báo Nông Cổ Mín Đàm là tòa soạn tờ Đông Pháp thời báo (Le Courrier Indochinois) do ông Diệp Văn Kỳ mua lại của ông Nguyễn Kim Đính năm 1927. Tòa soạn của báo Đông Pháp thời báo nằm ở góc đường Filippini (Nguyễn Trung Trực) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn). Đông Pháp thời báo ra năm 1923 có khuynh hướng thân chính phủ, nhưng từ khi ông Diệp Văn Kỳ làm chủ, tờ báo trở nên cấp tiến. Trong số những cộng tác viên của báo là các ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Trần Huy Liệu. Năm 1929, Diệp Văn Kỳ thay tờ Đông Pháp thời báo bằng tờ nhật báo Thần chung. Sau hơn 40 năm từ lúc Pháp chiếm Saigon, lúc này chữ quốc ngữ đã được phổ biến ở Nam Kỳ lục tỉnh, rộng rãi nhất là ở các thành phố. Hai tờ báo quốc ngữ có tiếng tăm của người Việt làm chủ bút đầu thế kỷ 20 là tờ Nông cổ mín đàm (1901) và tờ Lục tỉnh tân văn (1907). Lục tỉnh tân văn do Nguyễn Chánh Sắc làm chủ bút, một người vừa giỏi Hán học và Tây học. Tờ Nông cổ mín đàm (chữ Hán nghĩa là "uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn") chủ yếu nói về nông nghiệp và thương mại, phản ảnh Nam Kỳ thời đó (cũng như trước kia và ngày nay) phát triển sung túc là nhờ canh nông (mà gạo là quan trọng nhất) và thương mại. Chủ nhiệm là ông Paul Canavaggio, một thương gia người Pháp, và trong số các chủ bút của tờ báo có ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắc những người giỏi Tây học nhưng cũng rất đậm truyền thống Việt Nam và hiểu Hán học. Nông cổ mín đàm được coi là tờ báo kinh tế đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Người Việt bắt đầu tham gia vào các hoạt động thương mại, kỹ nghệ và nhiều người đã thành công. Phong trào Minh Tân do ông Trần Chánh Chiếu phát động để cải cách tư tưởng, suy nghĩ, canh tân cách sống, văn hóa bắt đầu lan ra nhiều tỉnh. Ông có liên hệ và giúp đỡ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và Duy Tân của Phan Châu Trinh. Về kinh tế, ông kêu gọi các người Việt từ nhà nông, điền chủ, công chức, mau thức tỉnh, đem tiền của để hùn hạp buôn bán, đầu tư vào các hoạt động thương mại cạnh tranh với người Hoa và Ấn. Trong lãnh vực kinh tế, ngoài các độc quyền của chính phủ các mặt hàng có nguồn lợi thuế lớn, như rượu, thuốc phiện, muối thì các lãnh vực khác đều tự do cạnh tranh. Nhưng trong số những phương thức canh tân giúp người Việt thì phương pháp tẩy chay hàng hóa, dịch vụ người Hoa của phong trào Minh Tân mà có lúc xảy ra nhiều lần đã không có hiệu quả và có hướng tiêu cực không đúng. Mục Thương cổ luận trong báo Nông cổ Mín đàm ở trang nhất tuyên chiến với tư tưởng tứ dân (sĩ, nông, công, thương) đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt với lời khẳng định : Sự đại thương là đệ nhứt cách giúp cho dân phú quốc cường, đồng thời hướng dẫn các thương nhân Việt Nam cách giao thương buôn bán và khuyến khích, kêu gọi họ đoàn kết để cạnh tranh với các thương nhân Hoa kiều và Ấn kiều. Trần Chánh Chiếu lập tổ hợp "Minh Tân công nghệ" với Minh Tân khách sạn, hãng xà bông Can Can (con vịt), tiệm "Mộng Tiền Trà" ở Sài Gòn và lập "Duy Tân lữ quán" ở Mỹ Tho (16). Các cơ sở này được dùng để ủng hộ các nhà yêu nước hoạt động, giúp đỡ phong trào Minh Tân, Duy Tân và Đông Du. Tài sản, tài chánh của cá nhân ông, ông đều không ngại đổ vào trong công cuộc canh tân đất nước. Cùng chí hướng với ông trong phong trào Minh Tân là Nguyễn An Khương có khách sạn "Chiêu Nam Lầu" ở trung tâm Saigon, đường Nguyễn Huệ gần chợ Cũ. Vì ra mặt ủng hộ và khuyến khích phong trào Đông Du và Duy Tân, ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, mặc dầu có quốc tịch Pháp, đã bị theo dõi và cô lập. Sau vụ khởi loạn của Phan Xích Long, năm 1917 ông bị tình nghi có dính líu và bị Pháp quản thúc ở quê nhà Rạch Giá. Lúc này ông đã già yếu, nhân dịp cuộc tranh cử dân biểu đại diện Nam Kỳ vào quốc hội giữa luật sư tiến bộ Monin và quyền thống đốc Nam Kỳ Outrey, ông đã gắng gượng đi bầu cho Monin và trước khi mất đã nói “ C’est ma dernière cartouche ” (Đây là viên đạn cuối cùng của tôi) (16). Ngày nay trong Chợ Lớn, có chợ Trần Chánh Chiếu mang tên ông. Đầu thế kỷ 20 cũng xuất hiện nhà in và nhà sách của ông Albert Portail. Nhân viên một hãng in, ông được gởi qua Saigon làm việc vào năm 1905. Không lâu sau đó, ông mua lại một hãng in khác ở Saigon. Hãng in này có một nhà sách trên đường Catinat. Hãng in và các nhà sách của ông ở nhiều nơi đã phát hành và phân phối bán sách trên toàn cõi Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20. Nhà sách của ông ở Saigon rất lớn, một phần của nhà sách Albert Portail hiện nay là nhà sách Xuân Thu trên đường Đồng Khởi. Qua báo chí và sách vở bằng chữ quốc ngữ, tư tưởng và văn học được phổ biến đến quần chúng. Ngoài những thông tin về tiến bộ trong các lãnh vực nông nghiệp, báo Nông cổ mín đàm cũng đăng các truyện sáng tác và dịch, ngay cả các tác phẩm cổ điển của Trung quốc như Tam quốc chí bằng quốc ngữ, được đăng nhiều kỳ hấp dẫn bạn đọc khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Bây giờ không phải chỉ giới học thức sĩ phu mới được có tiếp cận đến thông tin, văn học mà tất cả tầng lớp trong xã hội kể cả giới bình dân. Báo đăng những vở tuồng hát bội cải cách theo tân thời (tiền thân cải lương) như các vở Vì nghĩa quên nhà, Báo nghĩa nổi tiếng của Hồ Biểu Chánh vào năm 1917 (13). Vở kịch tuồng Vì nghĩa quên nhà (soạn cùng với Lê Quang Liêm) sau đó được diễn ở rạp Eden, Saigon, gây ra cuộc tranh luận về hát bội và kịch hát cải cách báo hiệu sự ra đời của cải lương mà ta biết ngày nay. Năm 1920, đoàn Tân Thịnh đã dùng chữ “cải lương” đầu tiên để diễn các vở kịch cải cách này. Theo ông Hứa Hoành thì (11) : « Truyện Tàu được dịch ra lần đầu tiên ở nước ta từ năm 1904, đó là bộ Tam Quốc Chí, được đăng trên tờ báo Nông Cổ Mín Đàm. Từ đó, nhiều người có kiến thức Hán văn và chữ Quốc ngữ liên tục dịch cho đến năm 1932. Trong số hơn 30 dịch giả thì Trần Phong Sắc là một người dịch nhiều bộ nhứt (gần 20 bộ), gây ảnh hưởng lớn lao cho cả dân chúng Nam Kỳ vào đầu thế kỷ nầy. Ảnh hưởng truyện Tàu đã góp phần hình thành một nhơn sinh quan đặc biệt của người dân miền Nam mà nét luân lý nổi bật qua các câu châm ngôn Trọng nghĩa khinh tài, anh em bè bạn ăn ở với nhau có thủy chung, trước sau không thay đổi. Trong cuộc sống, hễ gặp bất bình thì ra tay can thiệp, cứu giúp : Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả (thấy điều nghĩa không ra tay hành động không phải kẻ anh hùng), hoặc Hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly… (có nghĩa là sự giúp đỡ lẫn nhau khi lâm hoạn nạn, sống chết có nhau khi đã thề làm bạn…) ».
|
|
|
Post by Can Tho on Feb 8, 2012 10:23:09 GMT 9
Các nhà báo cũng lập ra Hội Ái hữu các nhà báo Nam Kỳ, AJAC (Amicale des Journalistes Annamites de Cochinchine). Hội trưởng là Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Ðuốc nhà Nam. Trụ sở hội quán AJAC tọa lạc ở góc đường La Grandière (Lý Tự Trọng ngày nay), và Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Nguyễn Văn Sâm có lúc đã ra tranh cử và đắc cử vào Hội đồng quản hạt, nhưng sau vì AJAC chống Pháp nên bị bắt vào tù trong một thời gian. Hội khuyến học Nam Kỳ (Société d'Enseignement Mutuel de Cochinchine) tọa lạc ở số 34 đường Aviateur Roland Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân). Hội do ông Bùi Quang Chiêu thành lập. Ngoài những buổi nói chuyện về các đề tài kỷ thuật, nông nghiệp, văn hóa… bằng hai thứ tiếng Pháp hay Việt do các diễn giả người Pháp hay người Việt trình bày. Nơi đây ngày 25 tháng 1 năm 1923, người thanh niên yêu nước Nguyễn An Ninh đã có bài nói chuyện nổi tiếng bằng tiếng Pháp với đề tài “Chung đúc một nền học thức cho dân An Nam”. Nguyễn An Ninh, con cụ Nguyễn An Khương, người trong phong trào Minh Tân canh tân đất nước cùng thời với Gilbert Trần Chánh Chiếu. Nguyễn An Ninh đỗ cử nhân luật ở Pháp, thấm nhuần tư tưởng cộng hòa tự do của cách mạng Pháp. Ông là người đầu tiên dịch quyển Contrat social (Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau. Ông Trần Văn Giàu, người đã từng gặp Nguyễn An Ninh, đã tả ông như sau : “ Người anh Ninh, tóc chấm vai, mắt sáng như sao, tiếng trong như chuông ” (10). Còn Vương Hồng Sển thì viết (15) : “ Theo tôi nhớ, ông Ninh người chắc da, chắc thịt, nẩm thấp đều đặn nhưng không đáng gọi lùn, ông có bề ngang, mặt đỏ hồng vì có dư sức khỏe. tóc đen nháy và thật nhiều, ông lăng xê mốt để tóc dài xù xụ khỏi ót và thanh niên đời đó đứa nào có ít nhiều tâm sự như tôi đều bắt chước gọi kiểu phi lô xốp à la mode de Nguyễn An Ninh, cái kiểu hippy như bây giờ đâu phải là mới mẻ. Cặp mắt của ông sáng có sao, đôi lông mày thật rậm. Khi ông nhíu lại, trông người oai phong đầy nghị lực. Thế mà ông hiền như cục bột, miệng luôn luôn tươi cười tha thứ, và ăn nói rất có duyên…” Các bài nói chuyện sau đó của ông về đề tài thanh niên và đất nước cũng đã thu hút rất nhiều người dân đến nghe. Cũng vì một trong những bài nói chuyện ngày 15 tháng 10 1923 này bằng tiếng Pháp với đề tài Ước vọng của thanh niên An Nam của Nguyễn An Ninh, mà chính quyền Pháp đã để ý đến ông và viên toàn quyền Cognacq đã gọi ông lên gặp và cảnh cáo. Trong buổi gặp mặt và tranh luận giữa hai người trong văn phòng toàn quyền, ông Cognacq đã cắt ngang ông Ninh với lời nói : « II ne faut pas d'intellectuels en ce pays » (“Ở xứ này không cần có trí thức”) và cho biết là Hội khuyến học phải loại ông Ninh ra, nếu không Hội sẽ bị giải tán. Số tiền 3000 đồng (piastres) trợ cấp của chính phủ hàng năm cho Hội bị rút lại và những người tổ chức trong Hội đã mời ông Ninh nói chuyện đều bị khiển trách. Không nao núng, không lâu sau, ngày 10/12/1923 Nguyễn An Ninh xuất bản tờ báo La Cloche fêlée (Chuông rè) do Eugène Dejean de la Batie đứng tên làm chủ nhiệm. Chuông rè ra sau tờ Le Courrier Indochinois (Đông Pháp thời báo) chỉ ra trước đó cùng năm vào ngày 2/5/1923 nổi tiếng mà sau này Diệp Văn Kỳ đã mua lại và cuối cùng đổi tên tờ Đông Pháp thời báo thành tờ Thần Chung vào năm 1929. Nhưng tờ La cloche fêlée chịu rất nhiều khó khăn, nhất là ít ai dám chịu in báo của ông. Nguyễn An Ninh hầu như viết bài hoàn toàn cho tờ báo, một mình mang đi in và tự minh đi bán báo ở các đường phố trên Saigon : đường Catinat, Bonard, rue d’Espagne, Pellerin... Vương Hồng Sển nói về Nguyễn An Ninh bán báo ở Saigon ở trước nhà hàng tàu Yeng Yeng đầu đường Pellerin (Pasteur ngày nay) ở Chợ Cũ, nơi có bán cơm Tây rẽ mà nhiều người đến ăn (đặc biệt có món bò Chateaubriand nổi tiếng) như sau : “ Nhưng mỗi tuần vào khoảng tháng hai tháng ba tây năm 1926 cứ mỗi thứ hai và thứ năm lối bảy tám giờ tối không sót ngày nào, ai muốn gặp Ninh cứ lại trước nhà hàng Yeng Yeng thì gặp, không trật bữa nào... Trước khi giáp mặt chị em, tôi thường mua một tờ Chuông Rè để lấy le. Nhưng ông Ninh sau khi bán cho tôi đều đều, lại lầm tưởng, cho tôi đúng là nhà ái quốc có gan, không nữa cũng một tay cừ nào đó có sạn trong đầu. Một đôi khi sau khi nhận của tôi một cắc bạc tiền mua báo, ông chồng báo qua tay trái và chìa tay mặt bắt tay tôi niềm nở như hai bạn tương tri cách mặt lâu ngày. Có mấy lần tôi thẳng thắng kéo tay mời ông vô dùng cơm Yeng Yeng, nhưng ông lắc đầu lia lịa, xổ một dọc tiếng Tây cám ơn không ngớt, và tỏ vẻ cảm động thật tình. Nói cho đúng lúc ấy ai ai đều ngán ông Ninh và không dám giao thiệp công khai, vì sợ liên lụy không nhỏ. Riêng tôi, tôi lại nghĩ lại. Lúc bấy giờ chưa ai biết là nhà ái quốc dám hy sinh tánh mạng như ngày nay đã rõ, lúc ấy ông là người ai cũng e dè không dám lại gần, trừ những người cùng một chủ nghĩa với ông, Việt Tha, Le Jean de la Bâtie, Paul Marchet, vân vân. Còn tôi, tôi vẫn phục ông thật tình ...” Không lâu sau, Nguyễn An Ninh bị bắt sau buổi mít tinh ở vườn Xóm Lách, đường Lanzarotte (Đoàn Công Bửu ngày nay), trước lúc có cuộc “đón tiếp” ông Bùi Quang Chiêu từ Pháp về vào ngày 24/3/1926 tại nhà Rồng. Buổi nói chuyện của ông Nguyễn An Ninh ngày chủ nhật 21/3/1926 tại vườn xoài nhà bà đốc phủ Nguyễn Tấn Tài (cô ruột Nguyễn An Ninh (11)) đường Lanzarotte (nay là đường Đoàn Công Bửu), trong đó có các nhân vật khác tham dự như các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Phan Long, Trương Văn Bền, Nguyễn Tấn Văn, Tạ Thu Thâu, đã thu hút hàng ngàn người. Ông Vương Hồng Sển đã tả lại không khí ngày đó như sau (15) : “ Tôi đọc tờ truyền đơn rồi, hôm sau tôi vội xách lên dinh thượng thư (nay là trụ sở bộ kinh tế), tìm anh em bạn học cũ, tụi bãi học năm xưa, để rủ đi nghe diễn thuyết. Các anh L.M. Thọ (sau tàm đốc phủ chết vì bịnh). T.H. Phục, Nguyễn Chỉ, cả hai lên tới đốc phủ rồi bị ám sát những năm 1945-1946, nhưng anh nào cũng kiếm cớ thối thác, người mắc đi khỏi, người mắc việc nhà, miệng thì hưởng ứng nhưng lòng vẫn mê say đường công danh, muốn trung thành để được điểm son và rất sợ có tên trong sổ bìa đen mật thám mà chậm đường gia quan tấn tước. Không rủ họ được, tôi về rủ anh em cùng chỗ trọ. Tôi chừa ra chú nhỏ Nguyễn Văn Lư, tôi gọi Lư tiên sinh, vì chú còn đi học mình rủ đi nghe việc quốc sự không nên. Một bạn nay đã từ trần là Công, hãng Denis Frères, thì chúa nhựt nào cũng phải đi xem lễ, nên tôi không ép. Lão Dân làm cho báo Trung lập và báo Impartial, thì khỏi mời nó cũng dự vì phận sự là đi lấy tin tức. Còn lại anh Hai Cự thì thứ bảy nào anh cũng trông mãn giờ, trưa về Cây Cui thăm nhà. Anh Cự hứa chắc chắn sẽ trở ra sáng chúa nhựt 21-3-1926 thật sớm để kịp đi với tôi và căn dặn đôi ba lần tôi đừng đì một mình thất vui. Có biết đâu vì giữ lời hứa mà xôi chè đầu hỏng. Nói có vong linh bác Năm Hy, chủ nhà trọ, khi nghe chúng tôi bàn soạn, thì thầm bác hỏi : “ Vườn bà đốc phủ Tài ở chỗ nào, tụi bây chỉ cho tao đi với ”. Tôi thưa. - Dạ, bác cứ gọi xe kéo trả nó năm cắc bạc, biểu nó chạy lên đường Lanzarotte, chỗ nào có người ta tụ tập đông là chỗ đó đó. Và như đã nói, xôi chè hỏng bét tôi không dự được buổi diễn thuyết ngày 21-3-1926 nầy. Sáng chúa nhựt ấy, tôi thức thật sớm, xuống ăn điểm tâm nhà hàng Vĩnh Lọt ở gần bên, rồi về nhà ngồi chờ anh Hai Cự. Vả chăng vườn bà đốc phủ Tài ở tới Lanzarotte (đường Đoàn Công Bửu), xóm Lách, còn nhà chúng tôi ở là Chợ Mới Sài Gòn, cái ga xe lửa điển thì ở mé nhà thương đô thành, chỗ bót Lê Văn Ken ngày nay. Đồng hồ đã gõ tám tiếng, rồi tám tiếng rưỡi, tôi sốt ruột ra vô ngóng chờ mà trông hoài không thấy bóng anh Hai Cự. Gần chín giờ sáng, anh Cự lù lù từ ga xe điện bước qua, tôi không đợi anh vô nhà, lật đật kéo anh chạy kiếm hai xe kéo nhờ kéo lẹ lẹ lên đường Lanzarotte. Xe chạy đến đầu đường d’Arfeuilles (Nguyễn Đình Chiểu) thì bị chận lại. Thiên hạ rần rần tuôn về như nước chảy vì cuộc diễn thuyết đã bi giải tán. Ngoài đường người ta đông nghẹt, lớp thì lính phú lít, lớp lính ma tà xúm nhau hối thúc bộ hành đi cho mau, không được tùng tam tụ ngũ, giùm năm giùm ba, ác nhứt là biện Tây, biện Chà, đứa cầm roi gân bò, đứa thổi tu-hít, roi nghe vùn vụt, tiếng síp-lê hoót hoót nghe muốn són đái. Tôi lấy mắt lườm anh Cự mà không nói lời nào, kéo tay anh cố chen đám đông bước tới. Bỗng gặp anh Nguyễn Văn Lạc Khám Lớn, thấy tôi, anh lôi ngoắc lại mà rằng : “ Đừng vô nữa thất công. Đã bị cò bót giải tán tự nãy giờ. Người ta đông quá xá đông, diễn giả nói nhỏ quá không nghe gì được (lúc ấy chưa có máy phóng thanh, cũng chưa biết dùng loa để nói). Đ.M, Tây phách quá, mấy thằng Chà đáng ghét cứ rượt theo dân nào ăn mặc lùi xùi mà đánh chửi hoài ”. Ba ngày sau, ngày 24/3/1926 cũng đáng nhớ trong lịch sử Saigon : cuộc đón tiếp ông Bùi Quang Chiêu và ngày cụ Phan Châu Trinh mất. Bùi Quang Chiêu, người sáng lập Đảng Lập Hiến (Parti Constitutionnaliste), mong có sự cải tổ dân chủ và nới rộng quyền lợi chính trị cho người Việt, theo chủ trương “Pháp-Việt đề huề” lúc đầu được nhiều người tin tưởng đặt kỳ vọng. Tại nhà Rồng đã có những xô xát đánh nhau giữa những người Pháp mang gậy gộc đánh nhóm người Việt đi đón ông. Ngày này cũng là ngày cụ Tây hồ Phan Châu Trinh mất ở Saigon. Báo chí Saigon đăng tin lớn, tập trung về nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Tờ Đông Pháp thời báo đăng nhiều trang về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đám tang Phan Châu Trinh là cuộc diễn hành vĩ đại nhất mà Saigon chưa từng chứng kiến cho đến giờ: khoảng từ 60 000 đến 100 000 người (lúc đó Saigon có khoảng 300 000 dân) đã tiễn đưa cụ đến nghĩa trang của hội Gò Công tương tế, gần Tân Sơn Nhất (19). Ngày nay, bên cạnh mộ, là nhà lưu niệm Phan Châu Trinh. Nhưng người Saigon mến và ái mộ Nguyễn An Ninh hơn hết, một người vì nước không màng danh lợi cho bản thân mình. Bài thơ cuối cùng của ông, tìm được trong túi áo ông khi ông chết trong tù ở Côn đảo (9) : Sống và chết Sống mà vô dụng, sống làm chi Sống chẳng lương tâm, sống ích gì ? Sống trái đạo người, người thêm tủi Sống quên ơn nước, nước càng khi. Sống tai như điếc, lòng đâm thẹn Sống mắt dường đui, dạ thấy kỳ Sống sao nên phài, cho nên sống Sống để muôn đời, sử tạc ghi. Chết sao danh tiếng vẫn còn hoài Chết đáng là người đủ mắt tai Chết được dựng hình tên chẳng mục Chết đưa vào sử chứ không phai Chết đó, rõ ràng danh sống mãi Chết đây, chỉ chết cái hình hài Chết vì Tổ quốc, đời khen ngợi Chết cho hậu thế, đẹp tương lai Họat động báo chí ở Saigon nở rộ trong các thập niên 1920 và 1930. Ngoài các tờ Le Courrier Indochinois (Đông Pháp thời báo), Ere nouvelle (Nhật Tân báo) còn có các tờ La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai, La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương) của Bùi Quang Chiêu, L’Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam) của Nguyễn Phan Long, Đuốc Nhà Nam (Flambeau d’Annam) của Nguyễn Văn Sâm. Các chủ tờ tờ báo này nằm trong Đảng Lập Hiến Đông Dương (Parti Constitutionnaliste), có mục đích kêu gọi người Pháp để Việt Nam có một bản hiến pháp làm nền tảng tự trị như nước Anh đã làm cho các xứ Australia, Canada, những cựu thuộc địa của nước này. Tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường, tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu là những tờ báo tiến bộ. Các tờ báo của Pháp, với đường lối bảo thủ có các tờ L’Impartial, L'Opinion, Saigon républicain và Le Courrier de Saigon. Tuy nhiên có vài tờ báo của những người Pháp tiến bộ, bảo vệ quyền lợi người Việt và dân bị trị như tờ Indochine của luật sư Monin, đặt ở trụ sở số 39 đường MacMahon và tờ La voix libre của Edgard Ganofsky, một người Pháp chống thực dân Pháp. Ganofsky cũng đứng ra làm chủ nhiệm cho tờ La Lutte của Tạ Thu Thâu. Trần Văn Giàu nói về E. Ganofsky (một Nguyễn An Ninh của Pháp) như sau (10) : “ Ganofsky là một “người Pháp chống thực dân Pháp”, phát hành tờ La voix libre, hễ người Việt nam yêu nước yêu cầu ông làm chủ nhiệm một tờ báo tiếng Pháp để chống thực dân thì ông nhận liền. Ông là một người kỳ dị, sống rất nghèo, ngủ trên “nệm” lót bằng những chồng báo cũ. Ông phát hành báo của ông bằng xe đạp hay bằng xe hai bánh kéo tay, ông ghét cay ghét đắng tất cả những bất công của chế độ thuộc địa và tất cả mọi thứ bất công khác trên đời. ” Đường Nguyễn Huệ (còn gọi là đường Kinh lấp) sau khi lấp kinh và có xe lửa (tram) hơi nước. Nhà sau cùng trong hình là nhà Vương Thái. Bộ mặt thành phố đã có một số thay đổi so với các năm của thế kỷ trước. Theo một sách hướng dẫn Saïgon-Souvenir, petit guide saigonnais à l'usage des passagers des débutants dans la colonie xuất bản năm 1906 mô tả cho khách viếng thăm Saigon của tác giả L.I. (1), ta có thể thấy cảnh quang của Saigon đầu thế kỷ 20 như sau : Bắt đầu từ bến Francis Garnier (Bạch Đằng ngày nay) ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi) dọc theo bờ sông đến quảng trường rộng hội tụ các con đường chính, trong đó đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) là đường quan trọng chính đi về phía bắc Saigon. Tại quảng trường Rigault de Genouilly (nay quảng trường Mê Linh), có tượng của đô đốc cùng tên người đánh chiếm Nam Kỳ năm 1859. Tượng được dựng từ năm 1878. Cạnh tượng Rigault de Genouilly là một kim tự tháp xây kỷ niệm Doudart de Lagrée, thuyền trưởng tàu đi thám hiểm sông Mekong (Expédition du Mékong). Chung quanh là các khẩu súng đại bác tịch thu trong các trận chiến nối với nhau bằng các dây xích quanh tượng. Ngày nay tại quảng trường này là tượng anh hùng chống ngoại xâm Việt Nam, Trần Hưng Đạo. Đường Norodom (Lê Duẩn ngày nay) và trại lính bộ binh. Tiếp tục dọc theo bến sông đi qua các cửa hàng hải quân (magasins de la Marine), cục quản lượng (les Subsistances), nơi ở của chỉ huy trưởng hải quân (l'Hôtel du commandant de la Marine), các xưởng Pháo binh và sau cùng là xưởng tàu (nay là xưởng Ba son), nơi sửa chữa tàu và có rất nhiều công nhân người Việt và Hoa. Tiếp tục dọc theo đại lộ Luro (nay là đường Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng) là các trại lính bộ binh (casernes de l'Infanterie Coloniale), sau đó sẽ thấy các nhà xây rất đẹp mắt trước khi ta đi băng qua một khoảng trống lớn có bãi cỏ trước các trại lính. Tại đây cũng có rất nhiều các cơ sở đạo công giáo. Những trại lính gồm các dãy nhà (pavillons) lớn, sáng sủa dễ chịu, bao bọc bởi các hiên ở mỗi tầng; các phòng đều rộng rãi, sạch sẽ, trong sân trồng nhiều cây lớn, nói chung rất là sống động, vui. Khỏi nói nhiều biện pháp tuyệt đối vệ sinh được thực hiện và các lính đều trong tình trạng tốt, sống dễ chịu và rộng rãi. Tất cả các khách du lịch đều nhất trí cho là các trại lính thuộc địa ở Saigon là những trại lính khang trang và đẹp nhất trên thế giới. Bảo tàng Blanchard de la Brosse (trong thảo cầm viên) Để tăng thêm phúc lợi cho các người lính, bên cạnh các trại lính là Câu lạc bộ lính và thủy binh (Cercle des Soldats et Marins). Câu lạc bộ là một nhà nhỏ, bên trong là thính đường, có chỗ để viết thư, đọc sách. Thư viện có khoảng 1500 đầu sách, phòng giải lao bán nước uống được bao cấp với giá hạ. Đi tiếp là vườn bách thảo (thảo cầm viên). Từ thảo cầm viên trở lại phía trại lính, theo đại lộ Norodom (nay là Lê Duẩn) sẽ thấy một nhà thờ Tin lành, Hội đồng chiến tranh, cơ dinh của tướng bộ binh (Hôtel du General de Division), câu lạc bộ quân sự (Cercle militaire). Tiếp tục đi thẳng, phía sau nhà thờ là tượng Gambetta dựng vào ngày 5/5/1889 với ghi chú "Défenseur de la politique coloniale"... Xa hơn nữa cuối đường là dinh toàn quyền trong một vườn lớn, dinh này xây với chi phí 12 triệu francs. Trở lại nhà thờ Đức Bà, trước nhà thờ là tượng giám mục d’Adran (Pigneau de Béhaine, évêque d' Adran tức Bá Đa Lộc, cha Cả)... Nhà thờ được xây vào năm 1877 với chi phí 2 500 000 francs. Cạnh nhà thờ là bưu điện thành phố. Trước nhà thờ là đường Catinat chạy đến bờ sông. Catinat là tên một chiến hạm đầu tiên của Pháp bắn vào Đà Nẳng năm 1852. Từ đường Catinat xuống bến sông ta sẽ gặp tòa nhà ngân khố (Trésor, ở bên phải, góc đường Catinat và Nguyễn Du ngày nay), nhà ở của tư lệnh lữ đoàn 4 thuộc địa (Hôtel du commandant de la 4e Brigade coloniale et du point d'Appui du Cap), các công sở, cửa tiệm, quán café, khách sạn… Giữa đường Catinat từ nhà thờ Đức Bà và bờ sông Saigon là nhà hát thành phố ... đằng sau nhà hát là nhà máy phát điện. Ở góc đường Catinat và Bonard (Lê Lợi) là nhà hàng khách sạn Continental. Nơi đây là nơi lui tới và gặp mặt của giới thượng lưu Pháp Việt, như ông Paul Blanchy, nhà buôn bán trồng tiêu và sau này là thị trưởng Saigon. Nơi đây trong lúc ngồi với bạn hữu, ông Diệp Văn Kỳ cũng đã gặp ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đi lang thang trên đường Catinat vào nam kiếm sống sau khi làm báo thất bại ngoài bắc. Diệp Văn Kỳ, chủ nhiệm tờ Đông Pháp thời báo và là một người nổi tiếng hào phóng, đã cho tiền Tản Đà để trang trải nợ nần, giúp đỡ định cư trong ngôi nhà rộng yên tĩnh ở Xóm Gà (Gia Định) và trả lương hậu hỉnh để Tản Đà viết cho tờ Đông Pháp thời báo (11). Thống kê dân số Saigon, đầu thế kỷ 20, theo sách của L.I. (1) khoảng chừng Pháp 6 000 Người Âu khác 5 000 Vietnam 30 000 Cam Bốt 150 Hoa 13 000 Ấn Độ 1 000 Nhật 100 Mã lai 500 Tổng cộng 55 750 (thống kế này chắc chỉ bên trong trung tâm thành phố vì dân số toàn vùng Saigon năm 1869 đã là 104 522) Người Ấn có nhiều loại : Ấn đạo Sikh hay Hồi từ Pondichéry thường có vi trí cao trong thương trường, trong cơ quan, cảnh sát .., người Ấn Hindou (gọi là malabares) thường là tiểu thương, đổi tiền và một nhóm gọi chung là Chettys (Chệt) có các tiệm cầm đồ. Họ mặc y phục trắng, đầu cạo trọc, trên trán và hai má các chấm hay gạch bằng than. Người Mã Lai thường là gác dan, lái xe. Ở bờ biển Vũng Tàu họ sống bằng nghề chài lưới và có cơ sở thương mại đáng kể. Buổi chiều sau giờ làm việc, nhiều người thường đi dạo hay đi xe, xe ngựa xuống Chợ Lớn (giữa Saigon và Chợ Lớn còn vắng vẻ và nhiều đầm lầy), hay về hướng Gò Vấp viếng khu mộ Cha Cả (Cha Cả, Bá Đa Lộc, chôn năm 1799 với sự hiện diện của vua Gia Long), chung quanh lăng là các đồng ruộng lúa, loáng thoáng vài căn nhà nhỏ giữa đồng. Phía quá Lăng cha Cả về phía tây (trường đua) là khu nhiều mồ mả của người Việt, đầm lầy và có kinh vòng quanh (Canal de ceinture) nối với Phú Lâm, Chợ Lớn (rạch Lò gốm, rạch Chợ Lớn). Giá tiền đi xe từ Saigon đến Chợ Lớn : 0.70 đồng hạng nhất, 0.50 đồng hạng nhì (đi và về là 1.30 hạng nhất và 0.90 hạng nhì), đi xe kéo thì 1 cuốc 0.10 đồng, một tiếng là 0.25 đồng. Xe tram bằng hơi nước Saigon-Chợ Lớn : 0.1 hạng nhất, 0.06 hạng nhì và 0.03 hạng ba (1). Xe lửa chạy bằng hơi nước dùng than củi lúc này đã phổ biến rộng rãi, sau khi thống đốc Nam Kỳ khai trương đường xe lửa ở Saigon từ năm 1882. Sau này có hai đường xe lửa chạy ở Saigon-Chợ Lớn-Gia Định. Đường thứ nhất, Saigon-Gia Định, bắt đầu từ chợ Bến thành chạy theo Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) đến mé sông, lên đường Luro (Tôn Đức Thắng), rue de Bangkok (Mạc Đĩnh Chi), Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Đất Hộ (Đa Kao) rồi lên Gia Định đến trạm cuối cùng là Lái Thiêu (3). Đường Saigon-Chợ Lớn có hai ngả : đường mé sông chạy từ Bến Thành dọc theo Arroyo chinois (kênh Tàu Hủ) vào Chợ Lớn, đến trạm cuối là trạm Bình Tây và đường xe lửa giữa chạy từ chợ Cũ ra chợ Bến Thành đi dọc theo đường Saigon-Mỹ Tho bắt đầu từ trạm Lê Lai đi qua các đường Rue de marins (Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo), Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm) rồi đến ga Rodier (chợ Cũ-Chợ Lớn). Sau này đường xe lửa giữa chạy bằng hơi nước được thay bằng đường xe lửa điện. Xe lửa Saigon 1906 (Le tramway à Saigon) – Nguyễn Huệ 1882, Thống đốc Nam Kỳ Charles Le Myre de Vilers khai trương đường xe lửa hơi nước. Theo Vương Hồng Sển (3) thì đầu xe lửa hơi nước này vẫn chạy đuờng Saigon - Mỹ Tho chở khách cho đến khi giải bản về chở củi (“ Nay Le Myre de Vilers đã chết ba mươi đời vương, duy còn lại một đầu xe lửa trước chạy đường Sài Gòn - Mỹ Tho, mà mới đây đã giải bản cho về chở củi ! Mỗi lần chạy, đầu xe lửa Le Myre de Vilers vừa ho vừa khạc ra khói vừa thét ra lửa, mà có khi không đủ trớn lên dốc cầu Tân An và cầu Bến Lức, trèo lên tuột xuống, lên dốc không nổi… trối kệ, xe cặp bến cũng còi cũng "xả hơi" ồn ào oai vệ khiếp ? ”). Xe lửa trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ) nhìn về bến Bạch Đằng, để ý lúc này đã có đèn đường Xe lửa Saigon-Chợ Lớn lúc đầu là chạy bằng hơi nước (dùng than củi), sau này chuyển ra xe lửa điện. Trong xe lửa là các hàng ghế bằng cây theo kiểu của Métro xưa bên Paris. Xe lửa bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ chạy lên đường Lê Lợi, Lê Lai rồi chạy thẳng theo đường Trần Hưng Đạo vào Chợ Lớn. Hai bên đường Trần Hưng Đạo (lúc đó gọi là đại lộ Galliéni) lúc trước toàn là đất hoang và sình lầy. Năm 1928 thì đường này mới được tráng nhựa và năm sau điện giăng giữa chia con đường làm hai chiều, đường rầy xe điện đặt theo trục giữa đại lộ (2). Không xa đường xe điện, trên đường Yersin, gần đình Cầu Quan (nay gọi là đình Thái Hưng) là nhà hát Thành Xương (rạp hát Cầu Quan), nơi mà nhiều đoàn hát bộ, cải lương thành phố trình diễn trong thập niên 1930 và sau này. Đây là trung tâm, nơi dung dưỡng của nhiều nghệ sĩ hát bộ và cải lương của thành phố. Cũng tại rạp Thành Xương này, tháng 4-1933, đã có buổi họp nói chuyện của liên danh “Sổ lao động”, ra tranh cử vào Hội đồng thành phố, với sự có mặt của Trần Văn Thạch, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trần Văn An. Rạp Thành Xương hôm đó chật kín người dân đến nghe tràn cả ra ngoài. Nhóm “Sổ lao động”, gồm Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch, Tạ Thu Thâu, Lê Văn Thu, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Văn Phương, Phan Văn Chánh gồm những người cộng sản và đệ tứ, ra tờ báo La Lutte. Lúc này, thời khủng hoảng kinh tế 1929, giá gạo và cao su xuống thảm hại, nhiều người phá sản, là lúc nhiều người thất nghiệp, đời sống cực kỳ khó khăn, và có nhiều bãi công ở Saigon. Kết quả bầu cử ngày 30/4 và 7/5 1933, hai ông Nguyễn Văn Tạo và Trần Văn Thạch của “Sổ lao động” được đắc cử.
|
|
|
Post by Can Tho on Feb 8, 2012 10:26:49 GMT 9
Tháng 5-1935, trong cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố, các ông Trần Văn Thạch, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu và Dương Bạch Mai của Sổ lao động đều trúng cử làm chính quyền thực dân Pháp rất giận dữ và cơ quan an ninh (Sureté) càng theo dõi, tìm cơ hội bắt, đàn áp, mang ra tòa nhóm La Lutte. Sổ lập hiến của các ông Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Sâm, Bùi Quang Chiêu... có ra tranh cử nhưng không thành công. Ngày giáng sinh 25/12/1935, các người lái xe ngựa (thổ mộ) ở Saigon - Chợ Lớn và nhiều nơi như Bà Điểm, Phú Nhuận, Khánh Hội đến biểu tình ở chợ Bến Thành chống sự làm khó khăn của chính quyền để công ty xe điện Pháp (Compagnie Française des Tramways) độc quyền rước khách. Năm sau, 1936, Mặt trận bình dân (Front populaire) thắng cử ở Pháp với chính phủ của Léon Blum, làm phấn khởi, châm ngòi cho các cuộc bãi công ở xưởng Ba son, nhà đèn Chợ Quán, Hãng rượu Bình Tây, Hãng dầu Standard Oil ở Nhà Bè, Hãng dệt, nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn, công nhân hỏa xa, bến tàu, đồn điền cao su... khắp Nam Kỳ. Lúc này luật áp dụng như bên Pháp, công nhân biểu tình không cần xin phép, chỉ báo trước 24 tiếng đồng hồ. Năm 1938, sau khi chính phủ Mặt trận bình dân đổ, đàn áp của thực dân xảy ra khắp nơi. Gần trạm xe điện Petrus Ký, ở số 98 đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) là trụ sở của hội Hội Đức Trí Thể Dục (S.A.M.I.P.I.C tức Société d'Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine). Xưa kia ở trụ sở hội này là nền móng của một chùa cổ Cao Miên, tại đây khi đào đất đã tìm thấy các cổ vật như cây đèn đồng, ngạch cửa đá (3). Hội Đức Trí Thể Dục do ông Nguyễn Khắc Nương (nghị viên hội đồng thành phố), kĩ sư Lưu Văn Lang và một số trí thức Nam Kỳ thành lập năm 1926 (Lưu Văn Lang ngày nay cũng là tên đường ngang hông chợ Bến Thành). Ông Nguyễn Khắc Nương cũng là người viết vở tuồng hát bội cải cách (tiền thân của cải lương) Ngô Công Nhược mắc lừa năm 1920 trên báo Nông Cổ Mín Đàm (13). Trong thập niên 1930, S.A.M.I.P.I.C là nơi có các buổi hội thảo, nói chuyện và hội họp của nhiều trí thức, sinh viên học sinh ở Nam Kỳ. Các ông Tạ Thu Thâu và Phan Văn Hùm đã từng nói chuyện tại đây vào năm 1932 về triết học biện chứng thu hút nhiều thính giả. Và nổi tiếng nhất là các cuộc nói chuyện và tranh cãi về thơ mới - thơ cũ rất sôi nổi vào năm 1935 giữa Nguyễn Văn Hanh và cô Nguyễn Thị Kiêm mà sau đó tờ Phong Hóa của Tự Lực văn đoàn đã nhảy vào ủng hộ phong trào thơ mới. Trong số các sinh viên học sinh trường Petrus Ký lập ra phong trào Câu lạc bộ học sinh với tên phổ biến là Scola Club, và dùng trụ sở của Hội S.A.M.I.P.I.C làm nơi sinh hoạt hội họp, là các ông Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước. Ông Trần Văn Khê cũng là một trong những người điều khiển ban nhạc của Scola Club. Hội S.A.M.I.P.I.C cũng cấp nhiều học bổng cho các học sinh sinh viên học ở các trường trên toàn cõi Đông Dương. Tiểu ban mỹ thuật của Hội cũng tổ chức nhiều buổi trình diễn âm nhạc, kịch, như độc tấu dương cầm và các sang tác mới nhạc cải cách của các nhạc sĩ tân nhạc. Một đường (có lẽ là Ngô Nhân Tịnh) ở Chợ Lớn mà xe lửa (đường mé sông và kênh Tàu Hủ) đi qua mà trạm cuối là chợ Bình Tây – bên phải là nhà hát Từ đường Trần Hưng Đạo, xe điện chạy thẳng vào đường Đồng Khánh (rue des Marins) sau này là Trần Hưng Đạo nối dài, qua khu Đại Thế Giới nay là khu Cát Tường và đường Tản Đà (rue de Jaccario). Qua nhà hàng và khách sạn Arc-En-Ciel, đến đường Tổng Đốc Phương (nay gọi là Châu Văn Liêm) thì quẹo qua trái mới đến Bưu Điện Chợ Lớn. Sau đó là nhà ga cuối cùng là Gare Rodier, tại Kinh Tàu (2), nay là bến xe Chợ Lớn. Một địa điểm lịch sử quan trọng trên đường Trần Hưng Đạo là rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Ngay tại rạp này, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, vào ngày 20/8/1945, trước hàng ngàn người tụ tập quanh rạp, Mặt trận Việt Minh công khai kêu gọi khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ vài ngày sau, ngày 25/8/1945, chính quyền hoàn toàn vào tay nhân dân Saigon với hàng trăm ngàn người đổ ra đường mừng phấn khởi, như cảm thấy thời cơ mới của dân tộc Việt Nam đã đến sau bao nhiêu năm nhục nhã u tối. Già trẻ, nam nữ, mọi thành phần trong xã hội đều tự động ra đường, đi khắp phố phường. Họ phấn khởi, vui mừng, đi như chào đón một tương lai độc lập mở ra cho đất nước và mọi người. Một không khí không thể diễn tả, như hồn dân tộc thức tỉnh, hồi sinh. Cách mạng tháng 8 xảy ra trên khắp đất nước nhất thời đồng bộ, một sự kiện hi hữu trong lịch sử Việt Nam Các đường xe lửa đã có ảnh hưởng lớn vào sự phát triển kinh tế và xã hội, nhất là đường xe lửa Saigon - Mỹ Tho nối Saigon với Mỹ Tho và từ đó đi các tỉnh miền Tây bằng xe đò. Chung quanh ga Saigon, gần chợ Bến Thành, mọc lên các cửa tiệm, hàng quán, nhà nghỉ. Người từ khắp lục tỉnh Nam Kỳ xuống Saigon đều đến nơi đây : các chủ vựa, nhà buôn, điền chủ, chủ hãng, công nhân, học sinh lên Saigon học… Hàng quán nổi tiếng gần và sau chợ Saigon là các nhà hàng Quảng Hạp, Đông Pháp lữ quán ở đường d’Espagne (Lê Thánh Tôn), nhà hàng Cửu Long Giang đường Aviateur Garros (Thủ Khoa Huân). Nhà hàng Quảng Hạp bán cơm tây rất ngon và đông khách do chủ là người Hoa gốc Hải Nam đã là đầu bếp trước đây của viên thống đốc Cognacq xin nghỉ để mở nhà hàng. Đông Pháp lữ quán nổi tiếng với chủ và cát-chê (cashier) là cô Yvette Ba Trà, người đẹp Saigon đã làm bao nhiêu điền chủ, địa chủ, công tử khắp nơi ở lục tỉnh mê mệt (3). Một nhân chứng viết về quang cảnh, con người, cách ăn mặc và đời sống ở Saigon, dưới góc độ của một người du khách là bà Gabrielle Vassal, viếng nơi đây vào năm 1906. Gabrielle Vassal là phụ nữ người Anh theo chồng là bác sĩ người Pháp đến viện Pasteur ở Nha Trang làm việc từ năm 1906 đến 1911. Trong lúc tàu ghé Saigon và ở 3 ngày tại viện Pasteur đã tả về cuộc sống và quang cảnh trong thành phố (12). Khi tàu cặp bến cảng Saigon, so với các cảng khác như Colombo, Singapore… bà rất ngạc nhiên khi thấy hầu như cả Saigon náo nhiệt ra bến tàu đón như là một sự kiện lớn. Một số đến đón bạn, người thân, một số ra để làm quen và rất nhiều ra để xem. Ngay trên tàu trước khi xuống, bà đã thấy theo sau chồng bà đã có năm hay sáu người Việt và Hoa, đều là thợ may, họ đều muốn làm các bộ quần áo trắng cho ông Vassal trong thời gian rất ngắn. Các người thợ may Việt, môi đều đỏ đậm và xưng lớn vì nhai trầu và răng nhuộm đen (chú thích : đến giữa thế kỷ 20 tục ăn trầu mới biến mất hoàn toàn). Họ tranh giành may cho ông Vassal, trong đó một người nói chỉ trong vòng 24 tiếng là một chục bộ đồ veste trắng sẽ sẵng sàng giao ngay. Để có thể yên, ông Vassal lấy 3 bộ từ một thợ nói dai và quấy rầy nhất. Sau khi kêu xe ngựa malabar đến phòng nghỉ ở viện Pasteur, vợ chồng Vassal được giám đốc Viện cho mượn xe ngựa của Viện để đi tour mà nhiều người trước đó ở bến tàu đã đi. Tour này gọi là Tour d’Inspection nổi tiếng ở Saigon cho du khách. Bà Vassal đã tả những gì bà quan sát về quang cảnh và con người trên xe ngựa như sau : “ Một trong những đường mà chúng tôi đi có trồng phượng vĩ, đang trong mùa trổ hoa nở rộ. Thật là một màu rực rỡ bột phát ; sự rực rỡ đẹp như vậy là quá sức tưởng tượng của bất cứ ai chưa từng ở vùng nhiệt đới, hàng đống hàng đống các hoa mỹ nhân đỏ (red poppy hay coquelicot) cũng không thể so sánh được như thế. Cũng chính qua buổi đi dạo xe ngựa này, tôi cũng làm quen đầu tiên với các cây dừa cao, những bụi tre phong nhã, và các cây nhiệt đới khác…. Nhưng những người bản xứ trên đường là làm chúng tôi chú ý liên tục. Đa số họ đang trở về một làng kế cận ngoài trung tâm Saigon sau một ngày làm việc. Trong số họ, tôi thấy có những người thông ngôn, với tóc cắt ngắn, đội khăn đen xếp theo từng lớp thật tuyệt đối đều bằng nhau chung quanh đầu họ, mặc áo dài đen, quần trắng, và mang giày Âu với vớ. Một sự kiện đáng chú ý là các giày của người An Nam, nếu họ mang, đều trông như thật là mới, như là vừa mới mua ở tiệm, và cũng là kiểu mới nhất. Kế tiếp là có những người “nha que” (nhà quê) mặc áo xanh da trời, nhưng thường vá nhiều nơi nên chỉ còn rất ít là màu da trời còn lại, và mặc quần dơ chưa giặt. Họ đi bộ dọc bên đường người này sau người nọ. Họ mang chân không, và nếu thỉnh thoảng một trong số họ hãnh diện là chủ nhân của một đôi giày Trung Hoa không gót (chú thích: đôi giép), thì họ cầm ở trên một tay của họ. Còn tay kia, họ cầm một cái dù, ngay cả khi mặt trời đã biến mất từ lâu, dù vẫn được giữ cao trên đầu họ. Ý tưởng về một cá nhân đơn độc đi trịnh trọng giữa buổi tranh tối tranh sang với cái dù vẫn còn trên đầu không bao giờ ngừng làm tôi vui. Thay vì khăn đóng, những người công nhân cu-li (coolies) có một khăn mặt hay một mảnh vải dơ cuốn sơ sài quanh đầu, hé cho thấy búi tóc không được gọn ghẽ ở dưới. Những người đàn bà, cũng như đàn ông, không bao giờ đi hai người kế bên ; chúng tôi gặp một nhóm nhỏ năm hay sáu người hấp tấp đi về nhà từ chợ xa nào đó. Họ gánh các giỏ tròn đan cây treo trên đòn tre trên một vai họ, và mặc dầu sức nặng trĩu về một bên trên cơ thể, họ vẫn đi tới với tướng đi đong đu qua lại. Cánh tay bên kia, uốn cong ở khuỷu tay, đong đưa mạnh mẽ qua lại để cân bằng sức nặng bên khiêng. Để thay đòn tre từ vai này sang vai kia, họ đi chậm lại, nghiêng đầu về phía trước và đẩy đòn tre qua sau cổ họ. Tôi ít khi thấy một người đàn bà để đòn gánh giỏ của họ xuống đất và gánh lên lại lần nữa. Những người đàn bà bản xứ ở giai cấp giàu hơn đi qua nhanh trước mặt tôi, trên những chiếc xe kéo (rickshaw), một vài người với khăn vải lụa màu sáng cài dưới cằm, số khác trên búi tóc trang trí các nữ trang bản xứ, hay được gắn bởi một kẹp bằng bạc, vì quá nhiều trang sức như thế nên không thể mang khăn đầu được. Khi những tia sáng cuối cùng của hoàng hôn chiếu nghiêng nghiêng đứng bóng từ hướng tây, các nhóm nhỏ gia đình người An Nam tụ tập bên ngoài các chòi nhà của họ, và ngồi chồm hổm chung quanh các tô cá và cơm, họ ăn buổi ăn tối gia đình. Trong trường hợp khi thức ăn chưa sẵn sàng, hoàn tất và người mẹ vẫn còn đang nấu, người cha, hay ngay cả ông nội, được chúng tôi thấy đang chăm sóc mấy đứa trẻ, đong đua đứa trẻ trong tay họ và hát cho chúng nghe. Ánh sáng mờ nhạt làm tăng thêm sự thơ mộng và vẽ đẹp huyền ảo của nhóm gia đình nhỏ thân mật. Màn đêm bắt đầu buông xuống, các đền thờ Phật bên trong nhà chòi được thắp sáng, những bức tượng thô hay những ảnh màu của những vị thờ phượng được thấy rõ từ ngoài đường. Các điểm sáng trước các tượng, hình ảnh cho thấy các cây nến đang cháy sáng, khói bốc lên làm tăng tác dụng cho các người cúng các thần linh. Thỉnh thoảng hương nhang tỏa lan ra qua bên đường, và mùi nhang thơm trộn lẫn với những mùi thơm lạ và hấp dẫn của buổi chiều tối vùng nhiệt đới thêm vào cảm giác say mê thích thú xâm nhập khắp mọi nơi. Lần lần các nhóm gia đình tan nhóm và biến vào bên trong nhà. Lúc này, chúng tôi nhận thấy một đứa trẻ nằm lên trên chiếu để ngủ, chỉ thấy một núm tóc chìa ra từ một bên đầu và bàn chân không từ bên kia, ở trong đó chúng tôi nhận ra một hình hài của một phụ nữ nằm đong đưa trên võng, với đứa con nhỏ nằm trong đôi cánh tay. Cuối cùng, một người đàn ông ngồi xổm trước cửa nhà chòi, hút điếu thuốc lá cuối cùng trong ngày của ông ta, sau đó ông ta đứng dậy, xếp tháo đi hai cột tre dùng để dựng cửa nhà, cửa này khi mở thì đẩy lên trên từ trong ra phía ngoài, sau đó ông ta đóng sập xuống và khóa lại. Do đó, từ nhà này sang nhà kia, yên lặng ngự trị, ngoại trừ tiếng khóc của đứa trẻ nít và lời hát ru của người mẹ dỗ con. Đêm tối lúc này là hoàn toàn, tôi cảm thấy như mình lạc vào một thế giới vô định nào đó. Một sự nhẹ nhõõ khi xe ngựa quay trở lại một trong những con đường Saigon có đèn chiếu sáng. Chúng tôi ăn tối trên sân thượng của khách sạn Continental ở giữa thành phố, và mặc dầu đã quá giờ căn tối, vẫn còn có người ngồi ở nhiều bàn đầy rượu ngọt (liqueur) và nước lạnh. Đường phía dưới yên lặng, nhưng không phải là vắng, bởi vì các xe kéo với bánh cao su và người cu-li chân không kéo xe không gây nên tiếng động trên mặt đường phẳng. Yên lặng chỉ được phá đi bởi những tiếng la đặt đồ ăn uống hay kêu tới các người hầu bàn An Nam hay cu-li xe kéo, và những lời chào hỏi hay từ giã của bạn bè khi họ đến hay đi. Có nhiều loại và tình trạng người ở đây, từ những nhân viên đang chơi bài hay chỉ trích chính phủ, đến những người lạ như chúng tôi. Nhưng đa số là những cư dân (Pháp) ở Saigon. Những người này vào khách sạn như là nhà của họ, đi quanh và nói chuyện không tự chủ kín đáo gần như là xấc láo. Rõ ràng họ sống nhiều và lâu ở những chốn nghỉ mát công cộng như vậy hơn là ở nhà của họ, và khi họ tựa vào bàn hay lảng vảng ở ngoài đường, họ lạnh lùng nhìn những người đi qua mà không có thái độ gì nghiêm chỉnh. Đây là những người đàn ông và đàn bà, ngay từ khi đặt chân đến thuộc địa đã lao mình vào tinh thần của một thành phố không có nhiều đạo đức. Được giải phóng khỏi những khuôn phép của một đời sống quy ước hơn ở quê nhà, họ lợi dụng sự phóng khoáng tự do hơn ở miền nhiệt đới, để lao mình vào những thú vui có được ở đây, học tính biếng nhác và xa xỉ, và không còn để ý gì đến tự chủ. Không lâu sau đó, khi chúng tôi nhanh chóng và yên lặng trở về Viện Pasteur, chúng tôi thấy các con đường, khi lúc ban ngày đầy ánh sáng và màu sắc, dưới góc độ khác lúc ban đêm. Những cây tối và đen trên đầu và hầu như hoàn toàn che hết mặt trăng và các vì sao. Đèn điện dưới những vòm cây tạo ra những bóng hoang tưởng kỳ dị bay qua bay lại, và chiếu sáng trên lưng nhiều mồ hôi của các phu kéo xe của chúng tôi, thay đổi da màu đen của họ thành trắng long lanh. Trong lúc đi trên chuyến xe ngắn này, suy nghĩ về những sự kiện trong ngày, tôi trực cảm thấy an tâm hơn khi biết là, mặc dầu đầy sự lý thú quyến rũ của thành phố này, nơi chúng tôi đến sau cùng chỉ là một làng nhỏ khiêm tốn bên cạnh biển cả. ” Một đọan ngắn của bà Gabrielle Vassal cho ta thấy một khoảnh khắc ngắn trong sinh hoạt và phong cách người Saigon đầu thế kỷ 20. Mang ô dù là một tập tục cho đến thập niên giữa thế kỷ 20 mới biến mất (cũng như tập tục ăn trầu). Có thể tập quán mang dù bắt đầu từ quan niệm ngày xưa của quan lại và vua chúa là chức tước của một người được quy cho là có được bao nhiêu lọng rước. Vì thế và chức tước của một viên quan có thể đoán biết được qua có bao nhiêu lọng viên quan đó có do quân hầu mang khi đi ra ngoài đường. Viên sĩ quan người Pháp tên là Vannier theo giúp Nguyễn Ánh, có vợ người Việt, được làm quan sau này ở Huế trong triều đình vua Gia Long với chức quan có quyền mang hai lọng rước. Sự tương phản của cuộc sống người Việt chung quanh trung tâm Saigon và đa số những người Pháp ở trung tâm và thái độ của nhiều người Pháp đến sống ở Saigon mà bà Vassal cho là gần như xấc láo cũng sẽ là nguyên nhân của nhiều sự va chạm, và gây ra các biến cố trong lịch sử ở Saigon nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Bức tranh xã hội mà ta thấy thoáng qua như trên cho thấy Saigon đầu thế kỷ 20 đang trong giai đoạn giao thời của hai thế giới. Và con người bắt đầu chuyển mình trong cuộc sống hàng ngày và trong tâm thức và tư duy, thích ứng với một thế giới mới đang chuyển biến nhanh chóng. Nhưng con người Saigon nói riêng, và Việt Nam nói chung cũng sẽ còn chịu nhiều thử thách sau này nữa qua những sự tranh đấu gay go về tư tưởng, ý thức hệ. NGUYỄN ĐỨC HIỆP Tham khảo
(1) L. I., Saïgon-Souvenir, petit guide saigonnais à l'usage des passagers des débutants dans la colonie, Editeur Coudurier et Montégout (Saïgon), 1906.
(2) Trần Ngọc Quang, Saigon và những tên đường xưa.
(3) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(4) Hình ảnh, tư liệu : Belle Indochine.
(5) Jean Bouchot, La naissance et les premières années de Saïgon, ville française. Saïgon, A, Portail, 1927, extr. du Bulletin de la Société des Études Indochinoises, nouvelle série, t. II, n°2.
(6) Jean Bouchot, Saigon sous la domination cambodgienne et annamite, Bulletin de la Société des études indochinoises Tome 1, Jan.-Juin/1926, pp. 3-31, Société des études indochinoises (Saïgon).
(7) Jean Bouchot, Le musée de Cochinchine, Bulletin de la Société des études indochinoises Tome IV, No. 2, pp. 93-102, 1929, Société des études indochinoises (Saïgon).
(8) A. Lelièvre, Ch. Clouqueur, Etude sur la Pagode de Dakao, Bulletin de la Société des études indochinoises, année 1913, 1913/71 (no. 65)-1913/12, pp. 21-42, Société des études indochinoises (Saïgon).
(9) Lê Minh Quốc, Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại, NXB Văn Học, 1997.
(10) Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí Minh, trong Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Tph Hồ Chí Minh, 1987, Quyển I, trang 235-420.
(11) Hứa Hoành, Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh.
(12) Gabrielle Vassal, On and off duty in Annam, London, W. Hesnemann, 1910.
(13) Nguyễn Ngọc Bạch, Quá trình hình thành nghệ thuật sân khấu cải lương : Từ ca ra bộ đến hình thành.
(14) Raoul Postel, A travers la Cochinchine, Challamel aîné (Paris), 1887.
(15) Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư, Nxb Trẻ, 2003, tr. 153.
(16) Nguyễn Văn Trung, Lục châu học, Chương 10 : Tình trạng ấn loát, phát hành và mối quan hệ với người cầm bút vào cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
(17) J. Aspar, Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat, Saïgon).
(18) L'Ere nouvelle. Organe bi-hebdomadaire du Parti travailliste Annamite, Saïgon :1926-1929,
(19) Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ, Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Châu Trinh (4-4-1926).
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 19, 2013 17:33:59 GMT 9
Trống paranưng ở miền tháp nắng (CATP) Ngoài thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), tháp bà Ponagar (Khánh Hòa) cùng hệ thống đền đài sừng sững vượt thời gian, người Chăm còn là tác giả của trống paranưng. Nhiều người từng mê đắm giai điệu của bài hát nổi tiếng Tiếng trống paranưng (nhạc sĩ Trần Tiến) nhưng ít ai biết nguồn gốc của loại trống này. “Lò” trống cuối cùng Cuối tháng 8-2013, vùng Panduranga (tiếng Chăm, hiện nay là Ninh Thuận và Bình Thuận) nắng như lửa đốt. Khuôn mặt người dân địa phương ở xứ xương rồng cát trắng đen sạm. Rời thủ phủ Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi đi ngược về hướng thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (gần chân tháp Pôrômê) để tìm những nghệ nhân Chăm Pa cuối cùng của cả nước đang lưu giữ và bảo tồn trống paranưng. Trưởng công an xã Trần Văn Huy giao cho phó công an xã Ngụy Thành Hoàng Vinh, một người Chăm chính hiệu, dẫn đường cho những vị khách phương xa. Vượt qua nhiều nương rẫy và men theo bờ kênh tưới mát ruộng đồng, chúng tôi đến thăm nhà ông Thiên Sanh Thềm (Thềm theo tiếng Chăm nghĩa là sự vững chãi). Lúc này vợ chồng ông Thềm đang ngồi hóng mát dưới một tán cây sau khi đục đẽo một súc gỗ để làm trống. Nói về cơ duyên trở thành nghệ nhân, ông Thềm chầm chậm kể: “18 tuổi, tôi được cha là Thiên Sanh Tào dạy làm các nhạc cụ dân tộc. Hai năm sau, tôi đã làm thành thạo và đánh trống, thổi kèn vào loại cừ khôi trong làng”. Ông Thềm đánh trống paranưng Gặp chúng tôi, ông Thềm khoe đang làm những chiếc trống để giao cho khách. Thân trống làm bằng gỗ cà chít được đặt mua từ trong rừng vì ông không còn sức đi tìm như thời trai trẻ được nữa. Dây căng trống cũng làm bằng da thú mà nghệ nhân phải trữ để làm từ năm này qua năm khác. Thường thì da của con mang đực sẽ cho thanh âm rất hay. Trống chỉ cao 15cm, đường kính hai mặt đều nhau: 45cm. Trước khi làm trống, ông phải cúng Pô Giàng xin được làm trống. Ông Thềm còn là một tay vỗ trống có hạng khi được nhiều nơi mời biểu diễn, nhất là trong các ngày Tết Kate (Tết giữa năm) hoặc Rija Nưga (Tết đầu năm). Bây giờ gỗ hiếm, sức người cũng yếu nên ông làm cả tháng ròng mới xong. Trống của ông được bán tới cộng đồng người Chăm ở Sóc Trăng, Bình Định, Phú Yên và các bảo tàng ở Hà Nội. Ông đã đóng được khoảng 80 bộ trống. Một đơn vị ngoài Đà Nẵng vừa đặt mua tám cặp paranưng, giá mỗi cặp là bảy triệu đồng. Có một số nơi làm được kèn saranai nhưng trống paranưng thì chỉ mình ông làm được. Giá thành của trống chỉ đủ mua vật liệu mà theo ông nói là làm vì cái tâm và lấy công làm lời mà thôi. Ngoài làm trống paranưng, ông còn làm trống gi năng, kèn saranai mà chúng được ví như thần hồn của bà con người Chăm. Trống paranưng được ví như đất, còn gi năng được ví như trời. Làm kèn saranai gồm bảy lỗ tượng trưng cho thất khiếu của con người (hai lỗ mũi, hai tai, hai lỗ tai, miệng). Ngày xưa, kèn làm từ ngà voi, sừng trâu đến nay không còn thì làm bằng gỗ (giáng hương, gõ, lai). Anh công an thôn Lưu Vạn Huy cho biết thôn có 644 hộ với 3.800 khẩu, nhưng chỉ có ông già Thềm là còn đục đẽo làm trống suốt ngày. Ngoài ra, ông còn đào tạo 18 thanh niên đi dự giải văn hóa Chăm và đoạt giải nhất tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm. GIỮ HỒN CỔ THÁP Rời nhà ông Thềm, chúng tôi chạy xe máy ngang qua những chân núi chập chùng, nay đã có đường nhựa thênh thang và những ngôi nhà ngói khang trang đang dần mọc lên để tìm đến nhà ông Phú Sạng ở thôn Hậu Sanh. Ông Sạng giờ hơn 80 tuổi, lưng đã còng nhưng vẫn còn làm được các nhạc cụ. Đặc biệt, ông có mái tóc dài hơn ba mét mà ông nói là mái tóc trời cho, giống như nhiều đạo sĩ người Chăm khác được mời đến tháp bà Ponagar ở TP. Nha Trang để cùng bái. Thân thể suy yếu nhưng ông đeo kính mát trông có vẻ rất trí thức. “Tui được một người bác là Thiên Sanh Xòm chỉ dẫn truyền nghề làm trống vì ông này không có con trai. Từ hồi trước giải phóng, khi mới 15 tuổi, tui đã thạo làm rồi do làm trống đỡ vất vả hơn đi chăn mướn cho người ta” - ông Sạng nhớ lại. Bàn tay của chàng trai trẻ tên Sạng rất tài hoa khi làm trống và các loại kèn, vót nan dệt chiếu... Ngày trước, ông làm một tháng được bốn cái trống paranưng còn bây giờ thì làm lâu lắm vì ông ngồi lâu rất đau lưng. Mới đây, ông đi mổ đôi mắt đục ngầu, mong thấy ánh sáng tốt hơn để ông còn cơ hội được ngồi làm trống, làm đàn cho bà con Chăm ưng cái bụng. Chia tay hai nghệ nhân Chăm cuối cùng, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh ông Thềm cần mẫn làm trống paranưng. Để rồi vào mùa lễ hội Kate, những thiếu nữ Chăm thướt tha với vũ điệu Silva dưới chân tháp Chăm rêu phong bốn mặt, trong tiếng trống rộn rã, người làm trống như vui và phấn chấn hơn. Điều mà “nghệ sĩ chân quê” tên Thềm vui nhất là những đứa con trai Thiên Sanh Minh, Thiên Sanh Vũ đang được cha truyền lại nghề làm trống, kèn để thực hiện tâm nguyện làm cho 16 tộc họ của làng mỗi tộc một bộ trống, kèn. AN HÒA
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Sept 20, 2013 12:23:23 GMT 9
LỊCH SỬ VƯƠNG QUỐC CHĂM PA (CHIÊM THÀNH)1. Thời kỳ xác định bản thể Vương quốc Chiêm Thành (Champa) cổ cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với người Việt Nam. Vương quốc này ở đâu, xuất hiện từ thời nào, phát triển ra sao và tại sao biến mất ? Không sử sách Việt Nam nào nhắc đến. Đọc lại sử xưa, những nhân vật lịch sử Chiêm Thành, với những tên phiên âm Hán hóa, thường được nhắc tới một cách mơ hồ, đôi khi với những lời lẽ xúc phạm, từ đó sinh ra hiểu lầm rồi hiểu sai dẫn đến tâm lý phân biệt đối xử hay khinh thường, không thông cảm lẫn nhau. Đây là thiếu sót lớn trong quan hệ giữa người Việt và người Việt với nhau. Tình trạng này cần sớm chấm dứt vì cộng đồng người Chăm ngày nay là thành tố bất khả phân của dân tộc Việt Nam. Quá khứ của người Chăm cũng là quá khứ chung của người Việt Nam. Tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm Thành xưa, chính vì thế, không những là một bắt buộc lịch sử mà còn là một biểu lộ tình cảm để hàn gắn những tai họa mà cộng đồng người Việt Nam nói chung đã gây ra cho những dân tộc anh em trước khi cùng nhau bắt tay xây dựng lại một đất nước chung. Quan niệm về đất đai, lãnh thổ và tổ chức chính trị Trước khi đi sâu vào phần tìm hiểu lịch sử vương quốc Chiêm Thành xưa, tưởng cũng nên duyệt lại một số quan niệm về đất đai và lãnh thổ của người Kinh và người Chăm. Có nắm vững yếu tố này, chúng ta sẽ dễ dàng theo dõi những chuyển biến lịch sử tiếp theo và kết quả tất yếu của nó. Khuyết điểm của những nhà viết sử hay nghiên cứu dân tộc học là thường dựa trên những quan điểm văn hóa và tình cảm của mình để phê phán các dân tộc khác, hiểu lầm và ngộ nhận là không tránh khỏi. Đất đai và lãnh thổ tuy là những giá trị cụ thể nhưng quan điểm của người Kinh và người Chăm rất khác nhau. Đối với người Kinh, đất đai và lãnh thổ vừa là một giá trị vật chất vừa là một biểu tượng tình cảm, trong khi đối với người Chăm đó là một giá trị tâm linh và là một biểu tượng thần quyền. Qua những đợt di dân liên tục từ hơn một ngàn năm qua, lãnh thổ của người Kinh không ngừng mở rộng theo thời gian và cộng đồng người Kinh ngày nay đã có mặt tại khắp nơi trên thế giới. Người Kinh tuy rất quí đất đai nhưng đó chỉ là một tài sản cần phải bảo vệ, một kỷ niệm cần phải giữ gìn. Rất ít ai chịu giam mình nơi chôn nhau cắt rốn nếu điều kiện sinh sống nơi đó khó khăn. Nơi nào có thể an cư lạc nghiệp được, nơi đó trở thành quê hương, nơi nào sinh sống khó khăn thì bỏ đi tìm nơi khác. Và khi ra đi, người Kinh mang theo cả bàn thờ tổ tiên, gia phả và tín ngưỡng đi theo, do đó không có vấn đề mất gốc hay mất cội nguồn. Suy cho cùng, người Kinh vừa là một dân tộc du mục vừa là một dân tộc phù sa, bởi vì, một mặt, lịch sử dân tộc Kinh là một lịch sử di dân thường trực và cuộc di dân này đến nay chưa chấm dứt, mặt khác, người Kinh chỉ gắn bó với những vùng đất thấp, đất đồng bằng cạnh những dòng sông hay trục lộ giao thông, ít ai chịu gắn bó đời mình với rừng núi hay biển cả bao la. Trên phạm vi lớn hơn là lãnh thổ. Lãnh thổ bao gồm cả đất đai, bầu trời và vùng nước, có lằn ranh nhất định và thuộc chủ quyền một quốc gia. Đối với người Kinh, lãnh thổ là một phạm trù ảo, không cụ thể, cha chung không ai tiếc. Lãnh thổ rộng hẹp ra sao là vấn đề trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia, không ảnh hưởng gì đến đời sống thường ngày của người dân. Người Chăm thì ngược lại, đất đai là một vật thể thiêng liêng không thể sang nhượng và chối bỏ. Từ ngàn xưa cha ông đã ở đây thì con cháu đời sau phải ở đó, không ai tự quyền rời bỏ quê cha đất tổ định cư nơi khác. Rời bỏ quê cha đất tổ là từ bỏ dòng tộc, từ bỏ thần linh. Chính vì thế, trong suốt dòng lịch sử đương đầu với người Kinh, cộng đồng người Chăm chấp nhận mọi hy sinh và gian khổ để giữ đất và bám đất, cho dù quê hương không còn hay bị tước mất. Tất cả những lễ lạc trong triều chính và ngoài dân gian đều nhằm vinh danh các vị thần cai quản đất đai, vì đất là nguồn sống và cũng là nơi ngự trị của các vị thần bảo vệ đất, che chở gia đình và đồng tộc. Nếu vì một lý do nào đó ngoài ý muốn một người Chăm phải rời bỏ quê hương đi nơi khác lập nghiệp, sinh hoạt tâm linh của người đó luôn gắn liền với nơi sinh quán cũ, vì không ai được quyền mang bàn thờ tổ tiên và thần linh đi theo, con người lệ thuộc thần linh chứ không ngược lại. Hơn nữa nếu phải ly hương, người đó cũng không thể đi ra ngoài lãnh thổ đã được thần linh che chỡ, nghĩa là chỉ giới hạn trong vùng đất của đồng tộc mà thôi. Đó là lý do giải thích tại sao tại người Chăm không di cư ra khỏi địa bàn cư trú của họ và tại nhiều nơi, nhất là ở Bình Thuận, người Chăm định cư tại một làng cách xa nơi sinh quán cũ cả trăm cây số nhưng vẫn muốn lệ thuộc về hành chánh và nghi lễ tại làng cũ. Đạo Hồi khi du nhập vào đây cũng phải thích nghi với tâm lý tôn thờ thần linh của người Chăm để được chấp nhận và đã biến cải thành đạo Bani. Tất cả chỉ vì người phụ trách lễ nghi và sổ bạ hành chánh địa phương là các thầy Paseh, Tapah (nếu là giáo dân đạo Bà La Môn) và các thầy Char, Po Adhya, Po Bac (nếu là giáo dân đạo Bani). Đây là một khó khăn về quản trị hành chánh mà các chính quyền người Kinh không hiểu nổi và muốn xóa bỏ, nhiều tranh chấp đáng tiếc đã xảy ra. Nhiều người sẽ hỏi dân số vương quốc Chiêm Thành xưa bây giờ ở đâu ? Không lẽ đã bị tiêu diệt hết sao ? Con số 100.000 người Chăm tại Bình Thuận và Châu Đốc có phản ánh đúng sự thật không ? Câu trả lời là không và dân chúng gốc Chăm vẫn còn nguyên vẹn. Người Chăm đồng bằng không đi đâu cả, họ đã ở lại trên lãnh thổ cũ tại miền Trung và với thời gian đã trở thành công dân Việt Nam một cách trọn vẹn. Có thể nói không một người Việt Nam nào sinh sống từ lâu đời tại miền Trung nào mà không mang ít nhiều dòng máu Champa trong người. Điều này cũng rất dễ khám phá, ít nhất là về hình dáng : da ngăm đen, vai ngang, mặt vuông, tóc dợn sóng, vòm mắt sâu, mắt bầu dục hai mí, mũi cao, môi dầy, miệng kín. Cũng không phải vô tình mà cách phát âm của người miền Trung khác hẳn phần còn lại của đất nước, với nhiều âm sắc thấp của người Champa. Đó là chưa kể những danh từ có nguồn gốc Champa. Cũng không phải tình cờ mà các điệu múa hát của người Chăm trở thành những điệu múa hát trong cung đình và ngoài dân gian thời Nguyễn. Nêu ra một vài trường hợp cụ thể trên chỉ để chứng minh một điều : dân cư vương quốc Champa cũ đã hội nhập hoàn toàn vào xã hội Việt Nam. Nhắc lại quá khứ của người Chăm cũng là nhắc lại quá khứ của cộng đồng người Việt tại miền Trung nói chung. Về chính trị, vương quốc Champa được tổ chức theo định chế liên bang. Trước khi bị xóa tên, vương quốc Chiêm Thành là một kết hợp của nhiều tiểu vương quốc, từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến mũi Kê Gà (Bình Thuận). Mỗi tiểu vương cai trị một lãnh thổ riêng, với một dân số nhất định, sinh hoạt độc lập với các tiểu vương khác và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Một cách không chính xác, vương quốc Chiêm Thành cũ (Campapura) có ít nhất năm tiểu vương quốc : Indrapura (Bình Trị Thiên), Amaravati (Quảng Nam), Vijaya (Nghĩa Bình), Kauthara (Phú Khánh) và Panduranga (Bình Thuận). Có thể thêm tiểu vương quốc Aryaru (Phú Yên) là sáu, nhưng sự hiện diện của tiểu vương quốc này trong lịch sử Chiêm Thành không rõ ràng. Trong mỗi tiểu vương quốc cũng có sự phân chia quyền hành giữa các lãnh chúa địa phương. Chính sách địa phương tản quyền này đã được triều đình Việt Nam công nhận năm 1471, khi thành Đồ Bàn, kinh đô vương quốc Chiêm Thành, vừa bị đánh chiếm : đất Quảng Nam được chia thành nhiều lãnh địa khác nhau và giao cho những lãnh chúa Champa địa phương cai quản. Vương quyền trung ương Chiêm Thành chỉ giữ vai trò thần quyền, gìn giữ sự thống nhất và sự vẹn toàn lãnh thổ mà thôi, những sinh hoạt khác đều do các tiểu vương quốc địa phương đảm nhiệm. Khi có nhu cầu hay gặp nguy biến, triều đình trung ương nhân danh thần linh bảo vệ vương quốc kêu gọi các tiểu vương địa phương đóng góp nhân tài, vật lực xây dựng đền đài, chuẩn bị chinh chiến hay triều cống các thế lực lớn mạnh hơn. Vị thần bao vệ vương quốc Chiêm Thành được biết đến nhiều nhất là nữ thần Yan Po Nagar (Bà Mẹ Đất Nước hay Thiên Y Thánh Mẫu), đền thờ đặt tại Xóm Bóng, Nha Trang. Về biên giới, lằn ranh phân chia giữa các tiểu vương quốc và vương quốc Chiêm Thành cũ với các thế lực chính trị đương thời là một biên giới thần quyền, không ai được quyền vượt qua và cũng không ai có quyền xâm phạm. Vương triều Chiêm Thành không có tham vọng đất đai, họ chỉ tập trung phát triển và bảo vệ những đất đai thuộc quyền sở hữu mà thôi. Những chuyển biến lịch sử sau đây chứng minh điều đó. 2. Tượng Lâm : địa bàn xác định bản thể Rất khó xác định mốc thời gian để biết vương quốc cổ Chiêm Thành đã được hình thành từ hồi nào. Phần lớn những nhà khảo cổ và sử học đều đồng ý là vương quốc này xuất hiện vào đầu công nguyên, tức là thời gian người Chăm bắt đầu có chữ viết, chữ Phạn cổ. Nói như vậy không có nghĩa là trước đó người Chăm không có lãnh thổ, không có tổ chức chính quyền và không có lịch sử riêng. Bản thể Chiêm Thành có trước danh xưng. Tổ chức chính quyền của họ có thể đã thành hình cùng lúc với sự xuất hiện của các Lạc hầu, Lạc tướng trên địa bàn lưu vực sông Hồng và sông Mã của nước Văn Lang, thời Hùng Vương. Những tài liệu có dấu vết thời gian rõ ràng (sử liệu cổ Trung Hoa và các bia ký) ghi nhận vương quốc cổ Chiêm Thành chính thức xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 2, năm 192 khi quốc gia Lâm Ấp ra đời. Thật ra vương quốc này trước đó có rất nhiều tên : Hồ Tôn Tinh, Tượng Lâm. Sau này được đồng hóa với các tên Lâm Ấp, Hoàn Vương Quốc, Chiêm Thành (Campapura), Phan Rang (Panduranga), cuối cùng là trấn Thuận Thành (Pradara). Những tên gốc Phạn vừa kể đều do người Trung Hoa hay người Việt đặt ra, dựa theo cách phát âm của người địa phương mà gọi. Về nước Hồ Tôn Tinh, sách Lĩnh Nam Chích Quái viết: "Xưa kia bên ngoài lãnh thổ Âu Lạc có một vương quốc mang tên Diệu Nghiêm [có thể là Phù Nam]. Vị vua của vương quốc này có tên là Tràng Minh, hiệu Quỷ Vương [Dasanana] có mười đầu. Phía bắc vương quốc này có một vương quốc khác tên Hồ Tôn Tinh [quốc gia của người khỉ] do vua Dasaratha cai trị. Hoàng tử Chung Tư [Rama], người kế vị vua Dasaratha, có một người vợ là công chúa Bạch Tinh [Sita]. Công chúa Bạch Tinh có một sắc đẹp tuyệt trần không giống người phàm. Quỷ Vương, mê hồn trước sắc đẹp của Bạch Tinh, mang binh sang đánh nước Hồ Tôn Tinh cướp công chúa về nước. Hoàng tử Chung Tư, quá căm giận, dẫn đầu một đoàn hầu binh xe núi băng biển tiến vào vương quốc Diệu Nghiêm, giết Quỷ Vương, đưa công chúa Bạch Tinh về". Theo nhận xét của học giả Huber (La Légende du Ramayana en Annam, Etudes indochinoises), Hồ Tôn Tinh có thể là vương quốc Champa cổ. Những quốc gia chịu ảnh hưởng nền văn minh Ấn Độ thời đó đều có sự tích giống nhau, tại Indonésia trong các đền thờ Bà La Môn lớn đều khắc chuyện thần thoại này trên tường đá. Chuyện Quỷ Vương có mười đầu chỉ là cách mô tả thô thiển ngai vàng của các vị vua trong thần thoại Ấn Độ và Phù Nam thường có hình con rắn hổ mang [naja] mười đầu. Về đất Tượng Lâm, các sử liệu Trung Hoa xác quyết đó là phần đất ở vùng cực nam quận Nhật Nam xưa kia, trực thuộc quyền quan trị hành chánh của Giao Châu thời Bắc thuộc, ngày nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (có tài liệu ghi đến cửa Đại Lãnh, Phú Yên). Những nhà khảo cổ phương Tây cho rằng Tượng Lâm có thể là phần đất chạy dọc theo bờ biển, từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân, nằm trong lãnh thổ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, gọi chung là Thanh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Một số học giả người Chăm xác nhận lãnh thổ Tượng Lâm bao gồm : Indrapura (Bình Trị Thiên), Amavarati (Quảng Nam) và Vijaya (Nghĩa Bình), sau này gọi chung là Bắc Chiêm Thành. Như vậy, về văn hóa, Tượng Lâm là nơi tập cư của nhiều nhóm người xuất thân từ nhiều nền văn hóa khác nhau, một sự pha trộn văn hóa tự nhiên giữa các giống người vào thời hoang sơ. Đầu tiên là sự pha trộn văn hóa giữa các nhóm Indonésien di cư (văn hóa Indus) và cổ Mã Lai (văn hóa Sa Huỳnh), kế là với nhóm Việt tộc sơ sử (văn hóa Đông Sơn), sau có thêm người Hán (văn hóa Khổng Mạnh) từ phương bắc di cư xuống và người Môn Khmer (văn hóa Óc Eo-Phù Nam) từ tây-nam đi lên. Cuối cùng là những nhóm Malayo-Polynésien (văn hóa Mã Lai - Đa Đảo hay Nam Đảo) từ biển cả tràn vào hồi đầu công nguyên. Nhóm sau cùng, hùng mạnh hơn, đã thu phục hay đồng hóa những nhóm có trước, để chỉ còn yếu tố Nam Đảo độc tôn, và thiết đặt quyền cai trị lâu dài (thế kỷ 1 trước và sau công nguyên). Một số cư dân bản địa, không chấp nhận hay không chịu nổi sự cai trị của nhóm di dân mới tới, đã di tản lên vùng rừng núi sinh sống và trở thành những nhóm sắc tộc thiểu số ngày nay, nhưng không vì vậy mà quan hệ giữa đồng bằng và miền núi bị cắt đứt, dân cư hai vùng đã nương tựa nhau để tồn tại trong suốt thời gian qua. Sang thế kỷ thứ 2, một số thương nhân Ấn Độ đến vùng đất này buôn bán và luôn tiện phổ biến nền văn minh và văn hóa mà họ thừa hưởng cho thành phần cầm quyền địa phương và một số cơ chế tổ chức quốc giả đã được thành hình từ miền Nam lên miền Bắc. Một tấm bia đá tìm được ở làng Võ Cảnh (Nha Trang) cho biết vị vương cai trị vùng đất phía nam vào thế kỷ thứ 2 tên là Sri Mara, không có phần kế tiếp. Nhiều học giả cho rằng vị vương đó là Khu Liên, người thành lập vương quốc Lâm Ấp ở phía bắc, là sai. Sri Mara chỉ là một tiểu vương Champa ở phía nam (Kauthara), trong khi Khu Liên là một tiểu vương khác ở phía bắc (Indrapura). Do nằm cạnh lãnh thổ với Trung Quốc, sự hình thành vương quốc Champa phía bắc được biết đến nhiều nhất bởi các nguồn sử liệu Trung Hoa để lại và cũng nhờ đó người ta biết thêm quan hệ giữa người Việt (các Lạc hầu và Lạc tướng) và người Chăm trong thời Bắc thuộc đã rất gắn bó. Cũng nên biết đất Giao Châu, tức nước Văn Lang cũ là thuộc địa của nhà Đông Hán (-202 đến + 220) từ năm 111 trước công nguyên. Sau khi diệt xong nhà Triệu (Triệu Đà), Hán Vũ Đế chia đất Âu Lạc (Văn Lang cũ) ra làm ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Theo Tiền Hán thư, quận Giao Chỉ có 92.440 hộ gồm 746.237 dân, quận Cửu Chân có 35.743 hộ gồm 166.013 dân và quận Nhật Nam có 15.460 hộ gồm 69.485 dân. Quận Nhật Nam có năm huyện : Tây Quyển (Hà Tĩnh), Ty Cảnh hay Ty Ảnh (Quảng Bình), Châu Ngô (Quảng Trị), Lô Dung (Thừa Thiên) và Tượng Lâm (từ Quảng Nam trở xuống). Không chấp nhận sự cai trị của người Hán, một số dân cư (các nhóm Lạc hầu, Lạc tướng) từ các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đã hoặc trốn lên các vùng rừng núi phía tây ẩn náu, hoặc chạy xuống các vùng cực nam (huyện Tượng Lâm) hợp lực với những nhóm dân cư bản địa chống lại quân Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành địa bàn tranh chấp quyền lực giữa quan quân nhà Hán với các nhóm cư dân bản địa trong suốt thời kỳ Bắc thuộc. Trương Tôn, thái thú quận Cửu Chân (25-56 trước công nguyên), mô tả dân chúng huyện Tượng Lâm là "những giống người còn man di, chỉ biết bắt cá và săn thú rừng, không biết cày cấy. Bọn người này rất bất trị, thường hay nổi lên chống lại thiên triều, đốt nhà, giết người, cướp của, rồi rút vào rừng sâu mỗi khi quân tiếp viện đến". Tại Giao Chỉ, năm 42, một Lạc tướng tên Thi Sách nổi lên chống lại sự cai trị hà khắc của quân Hán nhưng thất bại, ông bị quân đô hộ giết chết. Vợ là Trưng Trắc, cùng em là Trưng Nhị, tiếp nối cuộc kháng chiến chống lại nhà Hán. Hai Bà chiêu mộ nghĩa binh gốc Nam Đảo phía nam và Lạc Việt phía bắc, đánh đuổi quân đô hộ ra khỏi xứ sở. Binh lực của Hai Bà chiếm 65 thành trì trong các quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ. Hán vương (Quang Vũ Đế) phải cử Phục Ba tướng quân Mã Viện mang đại quân sang đánh dẹp và chiếm lại những phần đất đã mất. Để xác nhận uy quyền của nhà Hán, Mã Viện cho dựng cột đồng khắc sáu chữ : "Trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt" [trụ đồng ngã xuống, Giao Chỉ không còn]. Thông điệp này thật ra là một lời nhắn nhũ đám quan quân địa phương : muốn giữ yên đất Giao Chỉ phải ngăn chặn phiến quân từ phía nam tràn lên, nếu không đất Giao Chỉ sẽ mất. Quan quân địa phương ở đây phải hiểu là quan quân nhà Hán và quan quân Lạc Việt hợp tác với nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ (gọi chung là người Kinh, tức người định cư trên đồng bằng). Lệnh của Phục Ba tướng quân Mã Viện có lẽ đã được đông đảo dân chúng địa phương nghe theo nên, theo truyền thuyết, khi đi ngang trụ đồng mỗi người phải ném một cục đá vào chân trụ đồng để nó luôn được đứng vững. Sự kiện này giải thích sự qua lại ở khu vực biên giới phía nam quận Giao Chỉ của các thương nhân phía bắc rất là tấp nập. Lâu dần trụ đồng bị lấp, ngày nay không còn dấu vết do đó không biết ở đâu. Cũng có thể Mã Viện, sau khi diệt xong hai Bà Trưng, đã thi hành một chính sách cai trị mềm dẽo hơn để lấy lòng dân chúng địa phương, vì không có sử sách nào nhắc đến những cuộc bạo động của người Giao Chỉ chống lại thiên triều trong suốt hơn 50 năm sau đó. Trụ đồng này là mốc ranh giới đầu tiên giữa nhà Hán và dân cư gốc Nam Đảo. Sự kiện này chứng minh các nhóm dân cư gốc Kinh theo nhà Hán sinh sống trên phần đất phía nam quận Nhật Nam rất sợ những cuộc tiến công của người Nam Đảo phía dưới. Về địa điểm của trụ đồng, sử cổ Trung Hoa (Hậu Hán Thư và Thuy Kinh chú) ghi chép rằng nó nằm ở phần lãnh thổ cực nam của nhà Hán (quận Nhật Nam) ở huyện Cửu Phong (còn gọi là Cự Phong, tỉnh Quảng Trị ngày nay). Những nguồn sử khác (Tấn thư, Nam Tề thư và Lương thư) cũng xác nhận trụ đồng được dựng lên ở phía nam huyện Tượng Lâm (phía bắc Thừa Thiên). Có sách (Tân Đường thư) ghi trụ đồng được dựng lên ở phía nam Quảng Châu. 3. Những cuộc nổi dậy của người Chăm ở Tượng Lâm Sau biến cố hai bà Trưng, có lẽ chính sách cai trị của quan quân Đông Hán đã cởi mở hơn nên đất Giao Chỉ trở nên yên bình trong hơn năm thế kỷ. Ngược lại, tình hình chính trị phía nam, huyện Tượng Lâm, luôn giao động. Mùa hè năm 100, hơn 2.000 dân Tượng Lâm nổi lên phá đồn, đốt thành, giết một số quan quân cai trị. Chính quyền đô hộ phải huy động quân của các quận huyện khác đến dẹp, giết được chủ tướng, cuộc nổi loạn mới tạm yên. Từ đó chính quyền nhà Hán không dám ức hiếp một cách thô bạo dân cư tại đây nhưng đặt vùng đất này dưới quyền cai trị trực tiếp, do một binh trưởng sứ cầm đầu, phòng hờ những cuộc nổi loạn sau này. Để lấy lòng dân cư địa phương, quan quân nhà Hán tổ chức phát chẩn cho dân nghèo, miễn thuế hai năm... Mục đích của chính sách cai trị trực tiếp này là thu thuế và nhận phẩm vật triều cống (vàng, bạc, sừng tê giác, ngà voi, móng chim ưng, hương liệu, vai lụa...) càng nhiều càng tốt. Thuế và phẩm vật triều cống do những lãnh chúa địa phương (thuần phục nhà Hán) thay mặt thiên triều quyên góp trong dân chúng. Như vậy nhà Hán vừa có thu nhập vừa không hao tốn ngân quỹ, lại duy trì được ảnh hưởng trên vùng đất đó, bù lại lãnh chúa địa phương được thiên triều sắc phong và được bảo vệ khi bị tấn công. Theo sử liệu cổ của Trung Hoa (Hậu Hán thư, Lưu Long truyện, Mã Viện truyện) ghi lại thì người huyện Tượng Lâm luôn chống đối lại chính sách cai trị của nhà Hán và thường tranh chấp lẫn nhau về quyền cai trị tại vùng đất này. Tượng Lâm ở quá xa chính quốc nên sự cai trị trực tiếp của những quan đô hộ và binh lực thiên triều làm hao tốn công quỹ mà lợi ích chính trị và kinh tế chưa chắc đã cao, do đó đã rất lơ là. Năm 136, khoảng 1.000 dân Tượng Lâm nổi lên chống lại sự cai trị của nhà Hán và đánh chiếm huyện Tượng Lâm, họ đã đốt thành và giết trưởng lại (huyện trưởng). Năm sau thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phải điều hơn 10.000 binh sĩ từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân xuống đàn áp nhưng thất bại. Thay vì đi dẹp loạn, đoàn quân này lại phối hợp với dân quân Tượng Lâm chống lại và chiếm đóng một số thành quách khác trong quận, quan quân Đông Hán phải rút lui khỏi huyện Tượng Lâm. Năm 138, Giả Xương, một quan thị ngự sử nhà Hán đi sứ phía nam, đã cùng với các quan thái thú trong quận Nhật Nam gom quân đi dẹp những cuộc nổi loạn ở huyện Tượng Lâm. Nhưng sau gần một năm cố gắng, tất cả đều thất bại, không những thế họ còn bị dân quân địa phương bao vây hơn cả năm trời. Từ đó nhà Hán mất tin tưởng ở đám quan quân địa phương và chỉ tin dùng quan quân từ Trung Hoa đưa xuống. Năm sau Hán Thuận Đế sai tướng Cổ Xương huy động 40.000 quân ở các châu Kinh, Dương, Duyên, Dự (Trung Hoa) xuống đàn áp cuộc nổi dậy. Cổ Xương bị quân nổi loạn đánh bại, Hán vương sai một tướng khác tên Lý Cố mang viện binh tiếp trợ nhưng Lý Cố viện bảy lý do để hoãn binh. Cuộc tiến quân bị khựng lại và tình hình tạm yên trở lại. Những kế sách của Lý Cố là : ly gián nội bộ những người nổi loạn bằng cách mua chuộc những lãnh chúa địa phương nhằm làm suy yếu tiềm lực của dân quân Tượng Lâm ; tránh can thiệp bằng quân sự vào những tranh chấp cục bộ của người địa phương ; chỉ để lại một quan lại người địa phương thay mặt thiên triều cai trị ; vấn đề lãnh đạo địa phương để cho người địa phương chọn lấy, người thắng cuộc được thiên triều tấn phong ; quan cai trị địa phương phải là một lãnh chúa thần phục thiên triều ; tước Vương Hầu (dành cho người nhà Hán) và Liệt Thổ (dành cho người địa phương). Để thực hiện mưu kế của Lý Cố, Hán vương phong Trương Kiều làm thứ sử Giao Chỉ và Chúc Lương làm thái thú Cửu Chân ; cả hai có nhiệm vụ thu thuế và nhận phẩm vật từ những quan lại được nhà Hán tấn phong. Trương Kiều đã thu phục được hàng chục ngàn thường dân Nhật Nam và Tượng Lâm qui thuận Hán triều. Năm 144, dân chúng quận Nhật Nam và huyện Tượng Lâm lại nổi lên chống lại ách cai trị của nhà Hán, nhưng bị thứ sử Hạ Phương đánh bại. Năm 157, một người tên Chu Đạt cùng với dân chúng Cửu Chân nổi lên giết huyện lệnh ở Cự Phong và thái thú Nghê Thức chiếm quyền lãnh đạo. Sự kết hợp tự nhiên giữa dân chúng hai quận Cửu Chân và Nhật Nam gây nhiều bối rối cho các quan quân cai trị. Dưới sự chỉ huy của đô úy quận Cửu Chân là Ngụy Lãng, quân Hán phản công quyết liệt, giết hơn 2.000 dân Cửu Chân, phe nổi loạn phải chạy xuống phía nam chiếm quận Nhật Nam và chống trả lại. Trong ba năm liền, từ 157 dến 160, lực lượng nghĩa quân huyện Tượng Lâm, khoảng 20.000 người, tiến lên đánh quân Hán và chiếm nhiều huyện khác của Nhật Nam. Vài năm sau, năm 178, Lương Long cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán, chiếm được nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam ; năm 181 Hán vương cử Lã Đại mang đại quân sang đánh dẹp tình hình mới tạm yên. Đến đời Hán Sơ Bình (190-193), nhân nội tình Trung Hoa loạn lạc, dân chúng Tượng Lâm, phối hợp với dân cư hai quận Cửu Chân và Nhật Nam, nổi lên đánh đuổi quân Hán và đạt thắng lợi sau cùng. Năm 192, tiểu vương quốc Champa đầu tiên phía bắc chính thức ra đời, dưới tên Lâm Ấp. Tiểu vương quốc này là đầu tàu mở đầu cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh ở phía bắc và là phong trào thống nhất vương quốc Chiêm Thành ở phía nam. 4.Thời kỳ mở nước và dựng nước Từ sau nửa thế kỷ thứ hai sau công nguyên, phần lãnh thổ cực nam Giao Chỉ trở nên khó trị, dân cư bản địa liên tục nổi lên chống lại chính sách cai trị hà khắc của chính quyền đô hộ nhà Hán. Huyện Tượng Lâm trở thành nơi tranh chấp thường trực giữa quan quân đô hộ và nhân dân địa phương. Năm 190, người Tượng Lâm nổi lên giết thứ sư Chu Phù và chiếm huyện thành. Vài năm sau, năm 192, dân cư Tượng Lâm lại nổi lên giết huyện lệnh (huyện trưởng) và tôn Khu Liên, con một quan công tào (xã trương) địa phương, lên làm vua. Khu Liên tự tiện xén một phần lãnh thổ cực nam của quận Nhật Nam - huyện Tượng Lâm – thành lập một vương quốc riêng : Lâm Ấp. Lâm Ấp : một biến cố lịch sử Cho đến nay gần như không một sử gia Việt Nam nào quan tâm đến biến cố Lâm Ấp. Có lẽ nhiều người cho rằng Lâm Ấp không quan trọng vì không dính líu gì, nếu không muốn nói là thù địch, với người Việt Nam. Tất cả đều rất lầm. Cuộc nổi dậy của người Lâm Ấp là của chính dân tộc Việt Nam, người Việt cổ, vào thời đó. Lâm Ấp là một biến cố lịch sử trọng đại, mở đầu giai đoạn đấu tranh giành độc lập của những dân tộc bị đặt dưới ách đô hộ của người Hán. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, một lãnh thổ đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của thiên triều đã tự tách ra và tuyên bố độc lập. Sự kiện này trái với nguyên tắc tổ chức chính quyền của người Hoa, vì từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên trở đi, dưới thời nhà Hán, nguyên tắc trung ương tập quyền đã là nền tảng của các chính sách cai trị của người Trung Hoa, không có ngoại lệ. Giao Chỉ thời đó là một phần lãnh thổ Trung Hoa, các quan cai trị đều do thiên triều trực tiếp chỉ định, mọi ý đồ ly khai hay tự trị đều bị trừng trị. Mục đích của chính sách trung ương tập quyền này là giữ gìn và bảo vệ sự toàn vẹn giống nòi, người Hán không chấp nhận bất cứ một pha trộn chủng tộc nào ngoài chủng tộc Hán với nhau. Một lấn cấn khó chịu là trong suốt thời Bắc thuộc, đại bộ phận giới "quí tộc" Lạc Việt (Lạc hầu và Lạc tướng), và người Kinh - bị khuất phục bởi văn minh và văn hóa do người Hán mang lại - đã hợp tác với người Hán trong việc quản trị đất nước, đương nhiên ở những địa vị thấp hơn. Những cuộc nổi dậy chống lại chính sách cai trị hà khắc và muốn tách khỏi văn minh và văn hóa của người Hán, phần lớn đều do người Mường (hai Bà Trưng năm 42 và bà Triệu năm 248) và người Nam Đảo (Mai Thúc Loan năm 722) khởi xướng. Những cuộc nổi dậy của người Kinh - Lý Bí, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử (thế kỷ 6 và 7), Phùng Hưng và Dương Thanh (thế kỷ Cool, Khúc Thừa Mỹ và Dương Đình Nghệ (thế kỷ 10) - đều xuất phát từ động cơ bất mãn của những người cộng tác không được ưu đãi hơn là ý chí giành độc lập hay muốn tách khỏi ảnh hưởng của người Hoa. Chỉ đến thời Ngô Quyền ý chí độc lập của người Việt mới rõ ràng nhưng người Kinh lại xem người Chăm là đối thủ, nên đã không ngừng phân biệt đối xử vì văn hóa khác biệt và uy hiếp họ trong suốt thời kỳ tự chủ, quên hẳn quá khứ ruột thịt đã qua. Trở về với Lâm Ấp, khi thành lập vương quốc riêng có lẽ Khu Liên không có ý định tách rời ảnh hưởng văn minh và văn hóa Trung Hoa, nhưng với thời gian quyết tâm tách khỏi quỹ đạo Trung Hoa ngày càng rõ nét. Sở dĩ có sự đoạn tuyệt này là vì tổ chức chính trị xã hội của người Hoa không còn phù hợp với nền tảng chính trị xã hội Lâm Ấp nữa. Vào thời kỳ này, thương nhân và tu sĩ Ấn Độ đã giao tiếp mật thiết với người Chăm sinh sống ven biển miền Trung. Khi ở lại chờ thuận buồm xuôi gió trở về quê cũ, những người Ấn này đã truyền cho giới quí tộc địa phương văn minh và văn hóa của họ, và đương nhiên truyền luôn cả cách thức tổ chức xã hội. Khác với người Hoa, tổ chức xã hội của người Ấn dựa trên nguyên tắc tản quyền và phân quyền, phù hợp với nếp sống và ước nguyện tự trị của người địa phương nên rất được ưa chuộng. Đặc điểm của người Ấn là không dùng bạo lực để áp đặt văn hóa hay uy quyền chính trị của mình trên những xã hội khác, kém hơn, mà để các thân hào địa phương tự nguyện làm thay, sau khi hấp thụ văn minh và văn hóa của họ. Tranh chấp văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ trong nội bộ Lâm Ấp ngã ngũ sau khi Khu Liên qua đời, chữ Phạn cổ (sanscrit, một loại chữ viết xuất phát từ miền nam Ấn Độ cách đây hơn 2.000 năm) trở thành chữ viết chính thức cua các triều vương. Các bia ký tìm được trong giai đoạn này đều khắc bằng chữ Phạn. Quốc thư trao đổi cua Lâm Ấp với Trung Hoa thời đó được viết bằng chữ "Hồ" (chữ cua nước Hồ Tôn Tinh, tức chữ Phạn) thay vì chữ Hán. Văn hóa Ấn Độ, từ phía Nam đưa lên, trơ thành văn hóa của toàn vương quốc Lâm Ấp. Đạo Bà La Môn và đạo Phật được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, lấn át anh hương đạo Khổng và đạo Lão cua văn hóa Trung Hoa để lại trong vương quốc. Cũng nên biết thờ cúng ông bà là tín ngưỡng dân gian của người bản địa, Kinh hay Chăm, do đó rất được kính trọng, giáo lý và nghi lễ các tôn giáo khác phải thích hợp theo nếu muốn được ủng hộ. Về chính trị, các vị vua Lâm Ấp đều gán ghép tên mình với một thần linh, thường là với Siva (còn gọi là Isvara) để có độc quyền cai trị. Uy quyền vua thể hiện qua cái lọng màu trắng mà dân gian không được dùng. Phụ tá nhà vua là các quan lại trung ương và địa phương, được phân chia thành ba hạng : đứng đầu là hai vị tôn quan (senapati và tapatica-hai tể tướng võ và văn), kế là thuộc quan gồm ba hạng : luân đa đinh (dandavaso bhatah-tướng chỉ huy cấm vệ), ca luân trí đế (danay pinang, quan hầu trầu) và ất tha già lan (yuvaraja-kế vương), sau cùng là ngoại quan (quan lại địa phương). Quân lực Lâm Ấp khoảng từ 40 đến 50.000 người, gồm kỵ binh, tượng binh và thủy binh, Triều đình Trung Hoa có lẽ cũng muốn chấm dứt tình trạng tranh chấp văn hóa và chính trị kéo dài quá lâu này nên đã chấp nhận sự ly khai một cách miễn cưỡng, họ đặt tên quốc gia mới này là Lâm Ấp, thay vì Hồ Tôn Tinh hay Tượng Lâm như trước kia, và duy trì mối quan hệ tốt để nhận càng nhiều phẩm vật triều cống càng tốt. Về danh xưng, Lâm Ấp chỉ là sự biến nghĩa cua chữ Tượng Lâm. Đối với nhà Đông Hán, danh xưng Lâm Ấp là một khinh miệt, vì đó chỉ là một phần đất nho không quan trọng ở vùng cực nam để thiên triều phai quan tâm trực tiếp. Sách Thuy Kinh Chú giai thích : "Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bo chữ Tượng để chỉ còn chữ Lâm". Cũng nên biết ngôn ngữ Trung Hoa trong thời kỳ này có nhiều hạn chế trong việc phiên âm các tên ngoại quốc : Lâm Ấp là cách phát âm Việt hóa từ chữ Lin-yi, phiên âm từ chữ "Hindi" hay "Indi", tức người Ấn. Có người nói đó là cách phiên âm từ chữ Phạn "Indirapura" (đất của người Ấn Độ). Về sau người Chăm đặt tên phần đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên là Indrapura (đất của Indra, thần sấm sét). Lâm Ấp cũng có thể do sự phát âm Việt hóa từ chữ "Krom" hay "Prum" (hai tộc của người Việt cổ) mà ra. Bình dân hơn người ta giai thích : Lâm là rừng, Ấp là thôn nho v.v... Nói chung, cho dù diễn giải thế nào Lâm Ấp là một định chế độc lập với vương triều Trung Hoa tại Giao Chỉ. Về tên gọi Khu Liên cũng thế, có rất nhiều tranh cãi. Sử sách Trung Hoa viết tên vị vua đầu tiên của Lâm Ấp là Khu Liên, có sách viết là Khu Quỳ, Khu Đạt hay Khu Vương. Nhiều sư gia cho rằng Khu Liên thuộc dòng dõi cua bộ tộc Dừa ơ phía Bắc… Thật ra Khu Liên không là tên của người nào cả, đó chỉ là cách gọi một cách kính trọng một người có ngôi vị cao trong một định chế tập thể (làng, xã, huyện…). Đối với dân chúng địa phương, "Khu" không phai là tên riêng mà là tước vị của một tộc trương (lãnh chúa), phiên âm từ chữ "Kurung" (như các vua Hùng) của người Việt cổ – hay chữ "Varman" của người Chăm từ tiếng Phạn, có nghĩa là tước tộc trương, lãnh chúa hay vua. Trước đó, năm 137, các quan đô hộ nhà Hán gọi quân phan loạn ở Tây Quyển (Quảng Bình) là "rợ Khu Liên". Như vậy Khu Liên chỉ là tên gọi chung những người không cùng văn hóa với người Hán ở phía nam Giao Chỉ. Tên gọi này không liên quan gì đến danh xưng Sri Mara (tên một vị vương tôn người Chăm khác cùng thời kỳ, con bà Lona Lavana ở Panduranga) tìm thấy trên một bia ký bằng đá granít (ngang 1 mét, dày 1 mét, cao 2,5 mét) ở làng Võ Cạnh (nay thuộc xã Vĩnh Trung), Nha Trang. Về địa lý, vương quốc Lâm Ấp ở đâu, rộng hẹp như thế nào ? Còn rất nhiều điểm tối, không ai rõ. Theo sử cổ Trung Hoa thì lãnh thổ vương quốc này là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, phía nam huyện Lô Dung (Thừa Thiên ngày nay). Đường Thư nói Lâm Ấp từ huyện Tây Quyển (Quảng Bình) trở xuống. Đại Nam Nhất Thống Chí nói Tượng Lâm là Bình Định và Phú Yên. Thuy Kinh Chú cho biết thu phu Lâm Ấp lúc đầu không biết ở đâu, sau được biết đặt tại Khu Lật (Huế, Thừa Thiên), phía Nam có sông Lô Dung (sông Hương) chay qua. Một cách tóm lược, dựa vào sử sách xưa, lãnh thổ Lâm Ấp có thể đã trải dài từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Một số chuyên gia Champa cho rằng Lâm Ấp là lãnh thổ Indrapura (đất của thần Indra), từ mũi Hoành Sơn đến đèo Hải Vân, do vương triều Gangaraja, tức những người Ấn Độ đến từ sông Gange, khai sinh ra. Sự kiện này cần được ghi nhận với tất cả dè dặt vì cho đến nay chưa một dấu tích bia ký nào giải thích sự kiện này. Các triều vương Lâm Ấp 1. Triều vương thứ nhất (192-366) : khai sinh vương quốc Khu Liên lên ngôi năm 192, trị vì trong nhiều năm, nhưng không biết mất năm nào và ai là người kế vị. Sử cổ Trung Hoa (Lương thư) cho biết trong khoang thập niên 220-230, con cháu Khu Liên có gơi phái bộ đến thống đốc Quang Đông và các thái thú Giao Châu (Lã Đại và Lục Dận) triều cống và duy trì quan hệ ngoại giao. Sự kiện nổi bật sau thời Khu Liên là cuộc dấy binh của bà Triệu năm 248 tại quận Cửu Chân chống lại quân Đông Ngô (Trung Hoa). Bà Triệu, còn gọi là Triệu Trinh Nương, là một thiếu nữ Mường cưỡi voi ra trận làm khiếp đam quân địch. Bà Triệu cũng là mẫu người lý tương cua chế độ mẫu hệ : thân hình nẩy nơ (vú dài ba thước !?) và can đam (dám đứng ra gánh vác việc nước). Có lẽ trong giai đoạn này con cái cua Khu Liên gia nhập vào đội quân cua bà Triệu rất đông vì cuộc khơi nghĩa này được sư Trung Hoa ghi nhận là cuộc nổi dậy cua nhân dân Lâm Ấp. Nhà Đông Ngô phong danh tướng Lục Dận tước An Nam hiệu úy, tức thứ sư, sang Giao Châu dẹp lọan. Lục Dận vừa dùng mưu vừa làm áp lực chiêu dụ các bộ lạc nổi loạn ; sau hơn 6 tháng cầm cự quân cua Bà Triệu bị cô lập và bị đánh bại phai chạy về miền Nam lánh nạn. Lục Dận xua quân xuống chiếm Khu Lật (Huế), bắt theo hàng ngàn thợ khéo tay mang về Giao Châu rồi dâng cho nhà Đông Ngô năm 260. Những vùng đất bị nghĩa quân Lâm Ấp chiếm đóng đều bị lấy lại. Lãnh thổ Lâm Ấp trơ về vị trí cũ, tức huyện Tượng Lâm, quân Đông Ngô không dám tiến xuống xa hơn. Có lẽ truyền nhân đích tôn cua Khu Liên đã chết trong cuộc khơi nghĩa này vì không còn được nhắc tới nữa. Sách Lương thư cho biết năm 270, cháu ngoại cua Khu Liên là Phạm Hùng (Fan Hiong hay Fan Hsung) lên làm vua. Cũng nên biết "Phạm" ở đây là cách phiên âm Hán hóa từ chữ "Po" (hay Pô, Phò, Pha) của người Chăm, tức là người đứng đầu, lãnh tụ hoặc là ngài, chứ không phải là cách phiên âm từ chữ "varman" của người Ấn, cũng có nghĩa là vua, vương, ngài, hay "họ Phạm" của người Việt Nam mà ra. Cũng nên biết người Lâm Ấp theo chế độ mẫu hệ, chỉ có tên chứ không có họ. Dưới thời Phạm Hùng, lãnh thổ Lâm Ấp được nới rộng tới thành Khu Túc, cạnh sông Gianh, phía bắc và tới Khánh Hòa (Kauthara) phía nam. Phạm Hùng cũng đã chinh phục và thống nhất các tiểu vương quốc khác nằm trong các lõm đất dọc duyên hai miền Trung : Amavarati (Quang Nam), Vijaya (Quang Ngãi, Bình Định) và một phần lãnh thổ Aryaru (Phú Yên). Nhưng sau hơn 10 năm chinh chiến (271-282), Phạm Hùng bị quân Tây Tấn (do Đào Hoàng chỉ huy) đánh bại, năm 283 con là Phạm Dật (Fan Yi) lên ngôi thay. Năm 284, Phạm Dật gơi một sứ bộ sang Trung Hoa cầu hòa ; Lâm Ấp được thái hòa và Phạm Dật trị vì 52 năm thì qua đời. Triều vương thứ hai (337-420) : mở rộng vương quốc Phạm Dật qua đời năm 336, một tể tướng cướp ngôi vua tự xưng Phạm Văn (Fan Wen). Phạm Văn không phải là người Chăm mà là một người gốc Hoa quê ơ Dương Châu, bị bán làm nô lệ cho một quan cai trị huyện Tây Quyển tên Phạm Tương. Năm 15 tuổi, vì phạm tội gian Văn phai trốn theo một thương gia người Lâm Ấp sang Trung Hoa và Ấn Độ buôn bán, nhờ đó đã học hoi được kỹ thuật luyện kim và xây thành lũy của người Hoa. Khi về lại Lâm Ấp năm 321, Văn trơ thành người thân tín cua Phạm Dật và được giao trọng trách xây thành, đắp lũy, dựng cung đài theo kiểu Trung Hoa, chế tạo chiến xa và vũ khí, chế biến dụng cụ âm nhạc v.v... và được thăng chức tể tướng. Dưới thời Phạm Văn, kỹ thuật luyện sắt (rèn kiếm, đúc lao) đạt đến tột đỉnh. Nhà vua áp dụng văn minh Ấn Độ thẳng vào đời sống : cai tổ lại hệ thống quan lại theo khuôn mẫu Ấn Dộ, nhờ đó guồng máy tổ chức chính quyền chạy đều và mang lại hiệu qua tốt ; xây dựng thu phu chính trị tại Khu Lật (K’iu-sou, hay Thành Lồi, Huế), hình chữ nhật, chu vi 2100 mét, tường cao 8 mét, có 16 cưa, dân chúng sống chung quanh chân thành, mỗi khi có loạn, các cưa thành đều đóng lại. Với thế mạnh này, Phạm Văn đánh thắng hai nước Đại Kỳ Giới và Tiểu Kỳ Giới (có thể đây là hai vương quốc trên đất Lào ngày nay), chinh phục nhiều bộ lạc khác như Che Phou, Siu Lang, Khiu Tou, Kan Lou và Fou Tan (có thể là những bộ lạc thiểu số gốc Thái trên dãy Trường Sơn), tăng cường số phụ nữ mang về từ các lãnh thổ đánh chiếm được và tăng nhân số trong quân đội (khoang từ 40.000 đến 50.000 người). Năm 340, Phạm Văn xin nhà Đông Tấn cho sát nhập quận Nhật Nam, gồm các huyện Tây Quyển, Ty Canh, Chu Ngô, Lô Dung và một phần đất phía nam quận Cưu Chân huyện Hàm Hoan (Thanh Hóa) vào lãnh thổ Lâm Ấp nhưng không được toại nguyện. Phạm Văn liền xua quân tiến công vào nội địa Nhật Nam, chiếm huyện Tây Quyển, giết thứ sư Hạ Hầu Lâm, lấy mũi Hoành Sơn (nam Thanh Hóa) làm biên giới phía bắc, cho xây lại thành Khu Túc (cạnh sông Gianh) phòng giữ. Từ đó phần lãnh thổ từ đèo Ngang trơ xuống thuộc về Lâm Ấp và cũng kể từ đó phía bắc đèo Ngang là nơi xay ra những trận thư hùng giữa Lâm Ấp và Giao Châu trong suốt hai thế ky 4 và 5. Năm 349 nhà Đông Tấn phản công, quân Lâm Ấp bị đánh bại, Phạm Văn bị trọng thương và qua đời, con là Phạm Phật (Fan Fo) lên thay. Phạm Phật là một vị tướng tài ba, được nhiều sử gia cho là người mơ đầu vương triều Gangaraja (Bắc Chiêm Thành). Vừa lên ngôi, Phạm Phật tấn công quân Đông Tấn tại Nhật Nam và vây thành Cưu Chân. Năm 351, quân Lâm Ấp bị đánh bại phai bo chạy về phía tây tại Lãng Hồ, huyện Thọ Lãnh (Thanh Hóa), thành Khu Túc bị chiếm, ranh giới được thiết lập lại tạihuyện Ty Canh gần sông Nhật Lệ (Quang Bình). Năm 359, quân Đông Tấn chiếm huyện Thọ Lãnh và đánh bại quân Lâm Ấp tại vịnh Ôn Cấn, chiếm thành Khu Túc ; Phạm Phật xin hòa và gơi sứ bộ sang Trung Hoa triều cống (372 và 377). Phạm Phật mất năm 380 nhường ngôi cho con là Phạm Hồ Đạt. Phạm Hồ Đạt (Fan Houta) được nhiều học gia cho là vua Dharmamaharaja, hiệu Bhadravarman I, người sáng lập vương triều Gangaraja. Dưới thời Phạm Hồ Đạt, Phật giáo tiểu thừa (Thevada) phát triển mạnh, nhiều nhà sư đến trực tiếp từ Ấn Độ sang truyền đạo. Thành Khu Lật (Huế) vẫn là trung tâm chính trị nhưng đổi tên thành Kandapurpura, nghĩa là Phật Bao Thành (vì là nơi có nhiều đền đài và hình tượng Phật và Siva). Bên cạnh đó nhà vua còn cho xây dựng thêm một trung tâm tôn giáo mới tại Amavarati, tức thánh địa Hào Quang (nay là Mỹ Sơn, một thung lũng cách Đà Nẵng 70km về phía tây). Nhiều đền thờ Bà La Môn được xây dựng tại Mỹ Sơn để thờ thần Siva và tượng Linga, tượng trưng sức mạnh phái nam. Ngôi đền đầu tiên được xây bằng gỗ vào cuối thế ky 4 mang tên Bradresvara, kết hợp giữa tên vua Bradravarman I và thần Isvara (hay Siva). Kể từ thế ky thứ 4 trở đi lãnh tụ chính trị và tôn giáo tại Lâm Ấp là một : thờ thần tức thờ vua, vua thay mặt thần Siva cai quan muôn dân. Siva vừa là thần bảo hộ xứ sở vừa là viï thần giữ đền (Dvarapala) để dân chúng đến thờ phượng và dâng lễ vật. Năm 399, Phạm Hồ Đạt mang quân chiếm quận Nhật Nam, giết thái thú Khổng Nguyên, tiến công quận Cưu Đức, bắt sống thái thú Tào Bính nhưng bị quân cua thống chế Đỗ Viện đánh bại phai rút về dưới đèo Ngang. Năm 413,Phạm Hồ Đạt mang bộ binh chiếm đóng Nhật Nam, ra lệnh cho thuy binh đổ bộ vào Cưu Chân đốt phá các làng xã ven duyên. Thứ sư Đỗ Tuệ Độ mang quân ra nghinh chiến, chém được con cua Phạm Hồ Đạt là Phạm Trân Trân (tiểu vương đất Giao Long) và tướng Phạm Kiện, bắt làm tù binh hơn 100 người, trong có một hoàng tư tên Na Neng, tất ca đều bị chém đầu. Phạm Hồ Đạt trốn vào rừng sâu rồi mất tích. Trong khi chưa tìm được một vị vua mới, triều đình Lâm Ấp tiếp tục triều cống Trung Hoa để được yên về chính trị. Trong thời gian từ 413 đến 420, con cháu Phạm Hồ Đạt tranh giành ngôi vua, nội chiến xảy ra khắp nơi. Năm 413, một người con cua Phạm Hồ Đạt là Địch Chớn (Ti Chen), đạo sĩ Bà La Môn, được triều thần đưa lên ngôi vua, hiệu Gangaraja (sông Gange bên Ấn Độ). Địch Chớn là người đam mê văn hóa Ấn Độ muốn nhường ngôi cho em là Địch Khai (Ti Kai) để sang Ấn Độ sống những ngày cuối đời, nhưng Địch Khai sợ bị triều thần ám hại, dẫn mẹ chạy trốn vào rừng. Ngôi báu đành nhường cho Manorathavarman, cháu Địch Chớn nhưng tể tướng Thiếu Lâm (Tsang Lin) chống lại vì người này không được sinh ra từ một người mẹ có dòng máu tinh khiết (tức đẳng cấp Brahman), nên bị Manorathavarman giết chết. Triều vương thứ ba (420-530) : tranh chấp với Trung Hoa Năm 420, con cháu cua Thiếu Lâm ám sát vua Manorathavarman và đưa người em cùng mẹ khác cha cua Địch Chớn là Văn Địch (Wen Ti) lên thay. Văn Địch xưng hiệu là Phạm Dương Mại I (Yan Mah hay Fan Yang Mai), có nghĩa là Hoàng tư Vàng, nhưng không trị vị lâu vì bị chết trong một cuộc tấn công của quân Đông Tấn. Con là thái tư Đốt, 19 tuổi, được nhà Đông Tấn phong vương năm 421, hiệu Dương Mại II. Nhân tình thế loạn lạc bên Trung Hoa (nhà Tống dẹp nhà Đông Tấn), năm 431, Dương Mại II dẫn hơn 100 chiến thuyền tấn công các làng ven biển tại cưa Thọ Lãnh, Tứ Hội và Châu Ngô (quận Nhật Nam và Cưu Chân) nhưng bị đánh bại, quân Tống chiếm thành Khu Lật, Dương Mại II chạy trốn ra Cù Lao Chàm (Quang Nam). Năm 433, Dương Mại II xin "lãnh" đất Giao Châu về cai trị nhưng vua Tống không chịu, chiến tranh lại xảy ra. Năm 443 vua Tống Du Long phong thống chế Đàn Hòa Chi làm thứ sư Giao Châu, cùng hai phó tướng là Tống Xác và Túc Canh Hiến, mang đại quân đánh Lâm Ấp, Phạm Dương Mại II chạy thoát được ra cưa Tượng Phổ, vịnh Bành Long (Bình Định), tổ chức lại lực lượng, tăng cường thêm nhiều đội tượng binh rồi ra lệnh tổng phan công nhưng không địch nổi quân Nam Tống. Những người sống sót chạy sang Láng Cháng (Luang Prabang tại Bắc Lào) tị nạn, một số chạy đến Champassak (Nam Lào) ẩn náu. Đàn Hòa Chi thu rất nhiều vàng bạc, châu báu, tượng đồng vàđập phá rất nhiều đền đài. Sư Trung Hoa (Tống Thư) chép rằng Đàn Hòa Chi lấy được nhiều tượng vàng (mười người mới ôm xuể), đem nấu chay thâu được hơn 10 vạn cân (50.000 kí-lô vàng y?). Từ đó Trung Hoa biết Lâm Ấp có nhiều vàng nên mỗi khi có dịp là tiến quân xuống đánh cướp. Trong thời này, nhiều nhà sư Phật giáo Trung Hoa ái mộ nét kiến trúc và tượng đài trong các đền thờ tại Mỹ Sơn sang Lâm Ấp tìm hiểu và học hoi rất đông, nhiều tượng Bồ Tát cua Phật giáo Đại Thừa Trung Hoa được tìm thấy trong các chùa (chùa Quang Khê) trong vùng. Trong lúc chạy trốn về phía nam, Dương Mại II chinh phục luôn các tiểu vương tại Vijaya (Bình Định), Aryaru (Phú Yên), thống nhất lãnh thổ phía Bắc. Năm 443, Dương Mại II về lại Khu Lật, thấy canh hoang tàn, buồn rầu rồi mất năm 446. Lãnh thổ phía Bắc cua Lâm Ấp bị đẩy lùi về huyện Lô Dung (Thừa Thiên), con cháu Dương Mại II lại tranh chấp quyền hành. Năm 455 con Dương Mại II là Phạm Chút (Fan Tou) lên ngôi, hiệu Trần Thành (Devanika). Trung tâm chính trị vẫn tại Khu Lật, nhưng Trần Thành cho xây dựng thêm một trung tâm văn hóa và tôn giáo mới tại Amaravati, gọi là thánh địa Hào Quang (Mỹ Sơn, Quang Nam). Vương quốc Lâm Ấp tiếp tục được nới rộng xuống phía nam đến tận sông Ba (Tuy Hòa), thuộc lãnh thổ Aryaru (Phú Yên) và vùng núi non phía tây lân cận (cao nguyên Kontum, Darlac), và phía tây tới Champassak (Nam Lào), nhiều bộ lạc Thượng sống trên dãy Trường Sơn cũng theo về triều cống. Phạm Trần Thành mất năm 472, Lâm Ấp không có vua, nội bộ triều đình có biến động. Năm 484, một người Khmer tên Phạm Đăng Căn Thăng (Kieou Tcheou Lo), con vua Phù Nam Jayavarman tị nạn tại Lâm Ấp, cướp ngôi và cầm quyền trong gần 20 năm. Năm 492, con Phạm Trần Thành là Phạm Chư Nông giết Căn Thăng giành lại ngôi báu. Phạm Chư Nông bị chết đuối năm 498, con cháu tiếp tục trị vì đến năm 527 : Phạm Văn Tổn (Fan Wen Kuoan) trị vì từ 498 đến 502, Phạm Thiên Khơi hiệu Devavarman (510-514) và Cao Thức Thắng Khơi hiệu Vijayavarman hay Bật Tôi Bật Ma (526-527). Triều vương thứ tư (529-757) : cung cố và ổn định lãnh thổ Năm 529, Vijayavarman mất không người kế tự. Triều đình Lâm Ấp phong Luật Đa La Bật Ma lên làm vua, hiệu Rudravarman I. Năm 577 Luật Đa La Bật Ma mất, con là Prasastadharma lên kế nghiệp, hiệu Phạm Phạn Chi (Sambhuvarman). Dưới thời Phạm Phạn Chi, văn hóa Lâm Ấp tỏa rộng khắp Đông Nam Á. Năm 598, nhà Tùy chiếm dóng Lâm Ấp và phân chia thành ba châu : châu Hoan (Ty Canh), châu Ái (Hai Âm) và châu Trong (Khương). Năm 605, Phạm Phạn Chi dời kinh đô về Sinhapura, thành phố Sư Tư (nay là Trà Kiệu, cạnh sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quang Nam). Danh xưng Campa (Chiêm Thành) chính thức xuất hiện trong hời này. Năm 629 Phạm Phạn Chi mất, con là Phạm Đầu Lê (Kandharpardharma) kế nghiệp. Năm 645 Phạm Đầu Lê qua đời, vương triều Lâm Ấp loạn lạc. Phạm Trấn Long (Prabhasadharma), con Đầu Lê, vừa giành được ngôi vua liền bị giết chết, dân chúng đưa con trai cua một công chúa, em gái cua Trấn Long, tên Chư Cát Địa lên làm vua, hiệu Bhadresvaravarman (sự ghép tên giữa thần Bradresvara và vị tổ Bradravarman). Chư Cát Địa làm vua được một năm (646) thì bị triều thần lật đổ, công chúa Tchou Koti, con gái cua chánh phi của Phạm Đầu Lê, được tôn lên làm nữ vương, hiệu Jagaddharma. Đức độ cua bà Jagaddharma rất được dân chúng kính trọng. Sau khi qua đời, nữ vương Jagaddharma được dân chúng lập đền thờ tại tháp Po Nagar (Xóm Bóng, Nha Trang). Năm 653 Tchou Koti nhường ngôi cho chồng (người Khmer) tên Prakasadharma (Po Kiachopamo), hiệu Vikrantavarman I. Năm 685, Vikrantavarman I qua đời, nhường ngôi cho con là Vikrantavarman II (Kientotamo). Dưới thời Vikrantavarman II, văn hóa Lâm Ấp toa khắp Đông Nam Á, các quốc gia lân bang đều muốn kết thân. Năm 731, Vikrantavarman II qua đời, con là Rudravarman II (Lutolo) trị vì đến năm 757 thì mất. Con là Bhadravarman II lên thay nhưng bị các vương tôn miền Nam hạ bệ, chấm dứt vai trò lãnh đạo của vương triều miền Bắc. Thời kỳ vàng son Sau thời kỳ dựng nước và mở nước khó khăn, từ thế kỷ thứ 4 vương quốc Lâm Ấp đã trở thành một thế lực chính trị đáng kể trong vùng, dưới thời Bradravarman I (Phạm Hồ Đạt), người sáng lập triều đại Gangaraja phía Bắc. Là một kết hợp của nhiều tiểu vương quốc khác nhau, lãnh thổ phía Bắc giáp ranh với quận Cửu Chân, lãnh thổ phía Nam trải dài đến mũi Kê Gà (Varella, Phan Thiết). Hào quang của Lâm Ấp chiếu sáng vùng trời Đông Nam Á, các quốc gia láng giềng đều tìm đến để làm thân. Cho đến nay không ai biết hai miền Nam Bắc đã thống nhất như thế nào, nhưng từ thế kỷ 5 trở về sau thông thương giữa hai miền trở nên liên tục và ồ ạt, lượng người và hàng hóa di chuyển từ miền Nam lên miền Bắc thay đổi dần dần cán cân quyền lực. Người Chăm phía Bắc, vì phải thường xuyên đối phó với quân thù, trở nên thiện chiến ; khi mộ quân hay trên đường chạy nạn, vì bị quân Trung Hoa truy đuổi, họ khuất phục luôn những tiểu vương quốc khác đã có mặt dọc bờ biển miền Trung từ lâu đời, quen sống trong hòa bình và an lạc. Với thời gian, vương quyền miền Bắc suy yếu dần, vì dồn hết tài nguyên nhân vật lực cho chiến tranh, vai trò lãnh đạo nhường lại cho các vương triều phía Nam giàu có và hùng mạnh hơn. Triều vương thứ năm (758-854) : vương triều Panduranga hay Hoàn Vương Quốc Năm 757, môt tiểu vương phía Nam nổi lên hạ bệ Bhadravarman II - nhà vua trẻ vừa lên ngôi - rồi tự xưng vương, hiệu Prithi Indravarman, chấm dứt dòng Gangaraja phía Bắc. Theo bia ký đọc được, Prithi Indravarman là người đã thống nhất lãnh thổ Champa một cách chính danh nhất, vì được triều thần công nhận là "người thống lãnh toàn bộ đất nước như Indra, thần của các vị thần". Tuy đất nước đã được thống nhất, lãnh thổ này vẫn chưa có tên. Khi sang Trung Hoa triều cống, không biết sứ thần của Prithi Indravarman đã giải thích như thế nào mà sử liệu cổ Trung Hoa đặt tên lãnh thổ mới của người Chăm trong thời kỳ này là Hoàn Vương Quốc, "vương quyền trở về quê cũ". Để xác minh điều này, việc làm đầu tiên của Prithi Indravarman là dời kinh đô Sinhapura (thành phố sư tử hay Trà Kiệu, Quảng Nam) về Virapura (thành phố Hùng Tráng, nay là thôn Palai Bachong, xã Hòa Trinh, huyện An Phước - cách Sài Gòn 310 cây số về phía Bắc trên quốc lộ 1, tỉnh Ninh Thuận). Dưới thời Prithi Indravarman, văn minh và văn hóa Ấn Độ từ phía Nam đưa lên lấn át toàn bộ sinh hoạt của người Chăm phía Bắc ; chữ Phạn được phổ biến rộng rãi trong giới vương quyền và các nơi thờ phượng ; đạo Bà La Môn được đông đảo người theo ; đạo Phật Tiểu Thừa (Thevada) phát triển mạnh trong chốn dân gian ; đền đài, dinh thự và chùa tháp được xây dựng lên khắp nơi, nhiều nhất là tại Khu Lật (Huế), Amavarati (Mỹ Sơn), Sinhapura (Trà Kiệu)… để tạ ơn thần linh. Tuy vậy nguyên tắc tự trị của các tiểu vương quốc phía Bắc vẫn được tôn trọng, vì không thấy di ảnh hay hình tượng nữ thần Bhagavati - vị thần bảo hộ Panduranga được Prithi Indravarman chọn làm "Bà Mẹ xứ sở" để dân chúng thờ phượng – trong các di tích khảo cổ trên lãnh thổ Chiêm Thành phía Bắc. Về "Bà Mẹ xứ sở", ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (646-653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Tháp này về sau được biết dưới tên Po Nagar, hay Tháp Bà. Truyền thuyết Chăm cho rằng Hoàn Vương Quốc trước kia do nữ vương Po Nagar cai trị trong suốt 200 năm, từ 758 đến 958. Thời gian trị vì lâu dài này là thời gian mà vương triều Panduranga thịnh hành. Nữ vương Po Nagar - còn gọi là Yan Pu Nagara, Po Ino Nagar hay Bà Đen (nguời Việt Nam gọi là Thánh Mẫu Thiên Y Ana) - là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra quả đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 phu quân, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phượng cho tới ngày nay : Po Nagar Dara, nữ thần Kauthara (Khánh Hòa) ; Po Rarai Anaih, nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk, nữ thần Manthit (Phan Thiết). Prithi Indravarman là một quân vương tài giỏi, đất nước thái bình và rất phồn vinh. Sự giàu có của Hoàn Vương Quốc hấp dẫn các vương quốc lân bang, đặc biệt là Srivijaya (Palembang), Malayu (Malaysia), Javadvipa (Java), Nagara Phatom (Thái Lan), Sriksetra (Miến Điện) và Angkor (Chân Lạp) ; họ đến để trao đổi hoặc chờ dịp cướp phá. Năm 774, quân Nam Đảo từ ngoài khơi đổ bộ vào Kauthara và Panduranga, chiếm Virapura. Vua Prithi Indravarman đã chống trả lại mãnh liệt nhưng bị chết trong đám loạn quân (sau này được dân chúng tôn thờ dưới pháp danh Rudraloka). Một bia ký đọc được ở tháp Po Nagar ghi "những người đen đủi và gầy yếu từ miền xa đến, ăn những thức ăn khủng khiếp hơn xác chết, lại có tính hung ác. Bọn người này đi mành đến lấy cắp tượng linga của thần Sri Sambhu, đốt phá đền thờ [Po Nagar]". Sau cuộc tấn công này quân Nam Đảo cướp đi rất nhiều báu vật, trong đó có tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng. Ngay khi Prithi Indravarman vừa tử trận, một người cháu gọi ông bằng cậu tên Satyavarman được hoàng tộc tôn lên thay thế. Nhưng vừa lên ngôi, Satyavarman đã cùng hoàng tộc chạy lên miền Bắc (Bình Định) lánh nạn. Tại đây, nhà vua được cộng đồng người Chăm và người Thượng địa phương (Bahnar, Hré) giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh tiến xuống Kauthara tấn công quân Nam Đảo. Trước uy lực của Satyavarman, quân Nam Đảo lên thuyền bỏ chạy ra khơi, tân vương dẫn hoàng gia về lại Virapura. Tại đây, nhà vua xây thêm một cung điện mới trong thành Krong Laa và không ngờ đã sáng chế ra một phong tục mới mà các đời vua sau bắt chước theo, đó là tục trồng cây Kraik, biểu tượng của hoàng gia, trước cung điện. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, 10 năm sau (774-784) thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay. Năm 786, Satyavarman mất (được dân chúng thờ phượng dưới pháp danh Isvaraloka), em trai út của ông được hoàng tộc đưa lên ngôi, hiệu Indravarman I (786-801). Hay tin Satyavarman từ trần, năm 787, quân Java từ ngoài khơi lại tràn vào Virapura cướp phá, sát hại rất nhiều binh sĩ và dân chúng, phá tháp Hòa Lai thờ thần Bhadradhipatisvara tại Virapura. Quân Nam Đảo chia ra làm hai nhóm, một nhóm bắt theo nhiềuá phụ nữ cùng rbáu vật chở về nước, một nhóm khác chiếm giữ Panduranga. Phải hơn mười năm vất vả Indravarman I mới đuổi được quân Nam Đảo ra khơi để khiến thiết lại xứ ở (năm 799). Tại Virapura, nhà vua xây lại tháp Hòa Lai bằng ba tháp mới, gọi là Kalan Ba Tháp, thờ các thần Indrabhadresvara, Sankara và Narayana. Cũng vất vả lắm Indravarman I mới dẹp yên được một số giặc giã nổi lên từ khắp nơi, như tại Candra (phía bắc), Indra (đông-bắc), Agni (phía đông), Yama (đông-nam), quan trọng nhất là loạn Yakshas (phía nam). Yakshas là những bộ lạc Thượng cư ngụ trên lãnh thổ đế quốc Angkor chứ không phải là quân Khmer. Đầu thế kỷ thứ 9, Indravarman I mất, em rể là hoàng thân Deva Rajadhiraja lên thay, hiệu Harivarman I, mở đầu một trang sử mới. Trong hai năm đầu tân vương dồn mọi nổ lực xây dựng lại đất nước và phục hồi thế lực quân sự. Để nhận thêm sự ủng hộ của quần chúng, nhà vua sai tể tướng Senapati Pangro trùng tu lại tháp Po Nagar và xây thêm hai tháp mới cạnh tháp chính, một ở hướng nam và một ở hướng tây-bắc để dân chúng đến chiêm bái tượng nữ thần Bhagavati, được tạc lại bằng đá hoa cương. Sau những cố gắng vượt bực, Hoàn Vương Quốc hưng thịnh trở lại, Harivarman I quyết định trả thù những quốc gia đã tấn công và cướp bóc đất nước của ông trước đó. Tháng 1-803, quân Chăm tấn công châu Hoan (Tỷ Cảnh, nay là Thanh Hóa) và châu Ái (Hải Âm, nay là Nghệ Tĩnh), mang về rất nhiều phẩm vật. Với lượng lúa gạo mang về miền Bắc, thủy quân Hoàn Vương Quốc xuất dương trừng phạt vương quốc Kelantan ở Java và Patani ở Malaysia. Khi trở về, nhà vua cho người lên Tây Nguyên mộ thêm binh sĩ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người thiểu số. Với đạo quân này, hai lần (nam 803 và 817), Harivarman I tiến vào cao nguyên Đồng Nai thượng, đánh bại quân Khmer và kiểm soát một vùng đất rộng lớn Để có thêm nguồn lương thực, năm 808, Harivarman I xua quân đánh chiếm châu Hoan và châu Ái lần nữa, nhưng bị thái thú Trương Châu đánh bại : 59 người trong hoàng tộc bị bắt sống, nhiều thớt voi, tàu chiến và quân trang quân dụng bị tịch thu, hơn 30.000 người bỏ xác tại trận. Về con số ba vạn người bị chết này, tưởng cũng nên tương đối hóa nó vì thời đó người Hoa chưa phát minh ra số "không" (zéro) do đó cái gì nhiều quá, đếm không xuể đều được ghi là "vạn" ; con số ba vạn ở đây có thể do nhiều đơn vị khác nhau cùng báo cáo và cũng có thể được thổi phồng để được triều đình trung ương khen thưởng, vì qua năm sau, năm 809, Harivarman I tái chiếm châu Hoan và châu Ái một cách dễ dàng và mang về rất nhiều phẩm vật. Không rõ Harivarman I mất năm nào nhưng con trai là tiểu vương (pulyan) đất Panduranga lên kế vị năm 817, hiệu Vikrantavarman III. Vì tân vương còn nhỏ tuổi, triều thần phong tể tướng Senapati Par, tiểu vương đất Manidhi (?), làm phụ chính. Viên tể tướng này đã tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Kambujas (Kampuchea ngày nay), do vua Jayavarman II cai trị, phá nhiều thành trì khmer trên cao nguyên Đồng Nai thượng. Để tạ ơn Bà Mẹ Xứ Sở, trong khuôn viên Po Nagar, Senapati Par cho xây thêm hai tháp mới về phía tây và tây-nam, thời gian sau xây thêm ba tháp khác : một tại khu trung tâm thờ Sri Shambu, một phía tây-bắc thờ Shandhaka và một phía nam thờ Ganesha. Mặc dù vậy, trung tâm chính trị và tôn giáo vẫn được duy trì tại Virapura, thủ phủ Panduranga. Dưới thời Vikrantavarman III, Hoàn Vương Quốc rất là giàu có, quân lực rất là hùng mạnh. Một bia ký, tìm được tại tháp Po Nagar, mô tả Vikrantavarman III như sau : "[Người] đeo những dây vàng có đính ngọc trai và ngọc bích, giống như mặt trăng tròn đầy đặn, che một chiếc lọng trắng bao phủ cả bốn phương trời bởi vì lọng còn sâu hơn cả đại dương, thân thể [Người] trang sức phủ kín bởi vương miện, đai, vòng, hoa tai, những tràng hồng ngọc... bằng vàng, từ đó phát ra ánh sáng giống như những cây leo [sáng lấp lánh]". Thư tịch cổ Trung Hoa (Cựu Đường thư) mô tả thêm : "[Vua] mặc áo cổ bối bạch diệp... trên đeo thêm trân châu, dây chuyền vàng làm thành chuỗi...". Đẳng cấp quí tộc và phụ nữ cung đình cũng đeo trang sức quí : "Phu nhân mặc vải cổ bối triệu hà... mình trang sức dây chuyền vàng, chuỗi ngọc trai". "[...] Quân đội được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau...". Với thời gian, Hoàn Vương Quốc trở thành nạn nhân của sự giàu có của mình, các thế lực lân bang liên tục tràn váo cướp phá. Trong suốt hơn 20 năm, từ 854 đến 875, quân của đế quốc Angkor đã nhiều lần tiến đánh Hoàn Vương Quốc, chiếm nhiều vùng đất rộng lớn dọc tả ngạn sông Đồng Nai, đôi khi còn băng cao nguyên Langbian đột nhập vào lãnh thổ Panduranga cướp phá. Vikrantavarman III mất năm 854 (được thờ dưới pháp danh Vikrantasvara), không người kế tự, nội bộ triều đình xảy ra tranh chấp. Triều vương thứ sáu (859-991) : vương triều Indrapura hay Campapura (Chiêm Thành) Sống mãi trong xa hoa, vương triều Panduranga trở nên yếu đuối. Sau hơn 20 năm chinh chiến với Angkor quyền hành trong nước lọt dần vào tay các dòng vương tôn miền Bắc, chính họ đã chống trả lại các đợt xâm lăng của đế quốc Angkor. Năm 859, một vương tôn mang nhiều chiến công, tên Laksmindra Bhumisvara Gramasvamin, được triều thần đưa lên ngôi, hiệu Indravarman II. Mặc dù là truyền nhân đích tôn của các đời vua trước (ông nội là Rudravarman II, cha là Bhadravarman II), Indravarman II lên ngôi do "dày công tu luyện, do sức mạnh của trí tuệ trong sáng", vì Indra là thần trên các vị thần. Sau khi qua đời ông được dân chúng thờ dưới tên Paramabuddhaloka. Dưới thời Indravarman II, trung tâm quyền lực chính trị và tôn giáo được dời lên phía Bắc tại Indrapura - thành phố Sấm Sét (nay là Đồng Dương, cách Đà Nẵng hơn 50km về phía nam) trên bờ sông Ly Ly (một nhánh sông Thu Bồn, cách thánh địa Trà Kiệu 15 cây số). Vị trí của Indrapura rất thuận lợi trong việc phòng thủ chống lại những cuộc tiến công của quân Khmer và quân Nam Đảo. Phật giáo Đại Thừa cũng phát triển mạnh trong giai đoạn này, nhiều nhà sư Trung Hoa được phép đến Indrapura truyền đạo, xây chùa chiền và thu nạp giáo đồ, nhưng không mấy thịnh hành. Indravarman II là người đã dung hòa được hai tôn giáo lớn nhất thời đó (Bà La Môn và Phật giáo) trong dân gian và xã hội : nhiều Phật viện (Vihara), Phật đường, tu viện, đền thờ được xây dựng khắp nơi lãnh thổ, một bảo tháp dài 1.330m tên Laksmindra Lokesvara được xây dựng cạnh đền thờ Bà La Môn (một tượng Buddha thời này, cao 1,14m, được tìm thấy tại Đồng Dương năm 1978). Đẳng cấp tu sĩ (Brahman) rất được trọng vọng, đạo Bà La Môn rất thịnh hành. Indravarman II rất tự hào vì các đại thần dưới quyền đều là những người Brahman và Ksatriya, và chính nhà vua cũng là một Brahman. Quốc hiệu Campapura (đất nước của người Chăm, theo tiếng Phạn cổ) được Indravarman II chính thức sử dụng khi tôn vinh đất nước mình. Sử sách Trung Hoa phiên âm là Chang Cheng (từ chữ Campapura hay Campa mà ra), tiếng Việt là Chiêm Thành hay Chiêm Bà, tiếng Tây phương là Champa. Trong thực tế, Campa là tên của một cây có hoa màu trắng, nhụy vàng, hương rất thơm. Tiếng Việt gọi là hoa đại hay bông sứ. Loài hoa này được trồng quanh cung điện của các vua Chăm và đền thờ của người Chăm ; sau này được trồng tại nhiều nơi thờ tự của các tôn giáo khác ở miền Trung và các gia trang có sân vườn rộng. Mỗi dịp lễ lạc người Chăm thường hái bông sứ dâng lên bàn thờ, mùi hương tỏa ngát không gian của đền thờ. Campa cũng là tên một địa danh miền bắc Ấn Độ, trên con sông Hasdo, tỉnh Madhya Pradesh, gần thành phố Bhagalpur (Bilaspur). Thời đó, vì mến mộ văn minh và văn hóa Ấn Độ, các vị lãnh đạo Champa thường đặt tên triều vương, lãnh thổ và thành phố của mình theo tên các địa danh đã có tại Ấn Độ. Chiêm Thành dưới thời Indravarman II rất là hùng mạnh, hai miền Nam-Bắc đã được thống nhất trong hòa bình. Trong những năm 861, 862 và 865, quân Chiêm Thành tổ chức nhiều cuộc tấn công vào phủ An Nam, mang về rất nhiều lương thực và của cải. Năm 889 vua Angkor là Yasovarman hai lần tiến quân vào Chiêm Thành nhưng đều bị đánh bại và chết trong rừng sâu (năm 890), một phần đất trên Đồng Nai thượng và lãnh thổ đông-bắc Angkor (cao nguyên Rattanakiri và Mondolkiri) đặt dưới quyền kiểm soát của Chiêm Thành. Năm 890 Indravarman II mất, cháu là hoàng thân Jaya Sinhavarmadeva Campapura Paramesvara kế vị, hiệu Jaya Sinhavarman I. Tân vương được nhiều danh tướng Ajna Jayendrapati, Ajna Narendranpavitra, Sivacarya, Po Klun Pilih Rajadvara… tận tình giúp đỡ. Nhà vua tiếp tục cho xây thêm nhiều đền đài tráng lệ, tu viện Phật giáo quanh thánh địa Đồng Dương. Tượng nữ thần Bhagavati được cho đúc lại bằng vàng thờ trong chính điện tháp Yan Po Nagara. Uy quyền của vương triều Indrapura nới rộng lên đến Tây Nguyên. Cao nguyên Darlac-Kontum do một tiểu vương người Thượng, tên Mahindravarman, cai trị. Nhiều đền đài Chăm được xây cất trong thung lũng sông Bla gần Kontum (đền Kon Kor được xây cất năm 914 thờ thần Mahindra Lokesvara). Jaya Sinhavarman I mất năm 898, con là Jaya Saktivarman lên thay (899-901). Những vị vua tiếp theo - Bhadravarman II (901-918) và con là Indravarman III (918-959) - tiếp tục sự nghiệp của cha ông trong lãnh vực tôn giáo : đạo Bà La Môn trở thành quốc giáo. Qua trung gian những gia đình hoàng tộc gốc Nam Đảo - Rahdar Ahmed Abu Kamil, Naqid Amr Ali - trốn chạy chính sách cai trị khắc nghiệt của những tiểu vương Java, được tể tướng Po Klun Pilih Rajadvara nhận vào tị nạn, đạo Hồi chính thức được phổ biến trong chốn hoàng gia. Với thời gian, đạo Hồi được đông đảo quần chúng bình dân tin theo. Nhân cơ hội, những gia đình quí tộc tị nạn này truyền bá luôn văn minh và văn hóa Nam Đảo, đặc biệt là lối kiến trúc và cách điêu khắc, cho nghệ nhân Chăm. Vào thời này, người Chăm đã nắm vững kỹ thuật đi biển, biết buôn bán và giao hảo tốt với các quốc gia lân bang : Trung Hoa và Java. Vừa lo ngại vừa ganh tị sức mạnh và sự giàu có của Chiêm Thành, năm 945 vua Khmer là Rajendravarman II cùng binh sĩ băng rừng từ Angkor vào Kauthara, cướp tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng - vị thần bảo vệ xứ sở và là biểu tượng uy quyền của Chiêm Thành - trong tháp Yan Po Nagara mang về nước ; từ sau ngày đó, vương triều Indravarman III suy yếu hẳn. Dưới thời Indravarman III, biến cố quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn vong của vương quốc Chiêm Thành là sự hình thành một vương quốc độc lập phía Bắc : nước Đại Cồ Việt, nhưng chỉ thực sự để lại hậu quả qua các triều vua sau. Năm 959, Indravarman III từ trần, con là Jaya Indravarman I lên thay năm 960. Việc làm đầu tiên của tân vương là cho tạc lại tượng nữ thần Bhagavati bằng đá hoa cương để dân chúng đến thờ, năm 965 mới xong. Năm 972, Jaya Indravarman Iraq từ trần, con là Phê Mi Thuế, Paramesvaravarman I (972-982), lên thay. Sinh hoạt chính trị của Chiêm Thành trong giai đoạn này rất là hỗn độn, năm 978, một người tên Kinan Tache mang phẩm vật sang Trung Hoa triều cống để được phong làm vua Chiêm Thành nhưng không được nhà Tống nhìn nhận. Trong lúc đó, lợi dụng tình trạng loạn lạc tại Đại Cồ Việt (loạn thập nhị sứ quân, từ 944 đến 972), quân Chiêm Thành nhiều lần tiến lên đánh phá những quận huyện ở phía nam, gây nhiều thiệt hại nhân mạng và tài sản. Năm 979, hay tin Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Ngô Nhật Khánh, một sứ quân Đại Cồ Việt, thuyết phục vua Paramesvaravarman I, dẫn hơn một ngàn chiến thuyền từ Chiêm Thành vào chiếm Hoa Lư, nhưng không thành. Ngô Nhật Khánh bị giết, quân Chăm phải rút về. Tình hình chính trị của Đại Cồ Việt trong giai đoạn này cũng không lấy gì làm sáng sủa : triều đình không có vua, Hạng Lang tức Đinh Vệ Vương còn quá nhỏ (6 tuổi), mẹ là thái hậu Dương Vân Nga không thể một mình đảm đương việc nước vì phía Bắc quân Tống lăm le tiến xuống, phía Nam quân Chiêm sẵn sàng tiến lên. Năm 980, Dương Vân Nga nhường cho Lê Hoàn làm vua Đại Cồ Việt, hiệu Lê Đại Hành hoàng đế. Tân vương sai sứ sang Trung Hoa báo tin, dâng vài tù binh Chiêm vừa bắt được làm quà biếu. Vua Tống nhận tặng phẩm nhưng lại muốn duy trì ảnh hưởng tốt với Chiêm Thành, sai thống đốc Quảng Châu cho những tù binh Chiêm ăn uống rồi thả về nước. Bực mình trước tin này, Lê Đại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Canh sang Chiêm Thành yêu cầu vua Chiêm sang bái kiến. Paramesvaravarman I, sau khi nhận lại tù binh từ nhà Tống và tin chắc sẽ được Bắc triều bênh vực nếu bị Lê Đại Hành tấn công, đã không những không sang bái kiến mà còn bắt giam sứ giả. Lê Đại Hành rất giận nhưng chưa có phản ứng. Sau khi đánh đuổi quân Tống ra khỏi lãnh thổ phía Bắc cuối năm 980, Lê Đại Hành củng cố lại lực lượng chuẩn bị tấn công Chiêm Thành. Đầu năm 982, nhà vua dẫn đại quân tiến vào Indrapura. Đây là cuộc Nam chinh đầu tiên của người Việt vào đất Chiêm Thành. Paramesvaravarman I tử trận ngay tại cửa thành, chấm dứt triều đại Indrapura. Lê Đại Hành tiến vào kinh đô Indrapura (Đồng Dương), giết tướng giữ thành Tỳ My Thuế, bắt sống hàng trăm vũ nữ trong hậu cung, tịch thu rất nhiều báu vật mang về nước. Bên ngoài binh lính Việt đốt phá thành trì, san phẳng lăng tẩm các vị vua Chiêm, bắt theo hàng ngàn tù binh, trong đó một nhà sư Ấn Độ tên Thiền Trước Tăng (bhiksu). Lãnh thổ Bắc Chiêm Thành (Bình Trị Thiên) bị chiếm đóng từ 982 đến 983. Sau chiến thắng này, văn hóa và nghệ thuật (nhất là âm nhạc) Chiêm Thành chính thức được du nhập vào đời sống cung đình và dân gian Việt. Đền đài, dinh thự tại Hoa Lư được trang trí bằng những chiến lợi phẩm do các thợ Chiêm Thành chạm trổ và sản xuất ra. Indravarman IV (Xá Lợi Đà Ngô Nhựt Hoàn) – được hoàng triều tôn lên làm vua khi Paramesvaravarman I vừa tử trận - chạy vào Panduranga lánh nạn và chịu triều cống nhà Lê mới được yên. Năm 985 Nhựt Hoàn sai pháp sư Kinkoma sang Trung Hoa xin nhà Tống cứu viện nhưng được khuyên là nên duy trì quan hệ tốt với Đại Cồ Việt. Nội bộ nhà Lê cũng xảy ra tranh chấp về quyền lãnh đạo trên lãnh thổ Bắc Chiêm Thành, người thì đề nghị cai trị trực tiếp, người thì khuyên tản quyền. Cuối cùng một giải pháp trung gian được áp dụng : nơi nào còn đông đảo người Chăm cư ngụ thì giao cho người địa phương quản lý, nơi nào đông dân cư gốc Kinh sinh sống thì triều đình Đại Cồ Việt đặt quan cai trị trực tiếp. Sự kiện này chứng tỏ sự cộng cư giữa các nhóm cư dân địa phương sau khi Lâm Ấp giành được độc lập vẫn còn khắng khít, nhưng từ khi người Kinh bắt đầu cai trị trực tiếp lãnh thổ Bắc Chiêm Thành chống đối bắt đầu xảy ra. Năm 983, một quản giáp (trưởng làng) người Kinh sinh sống trên lãnh thổ Bắc Chiêm Thành tên Lưu Kỳ Tông nổi lên chém đầu một người con nuôi của Lê Đại Hành, lúc đó là một quan cai trị trực tiếp, xây thêm thành lũy quanh Phật Thành (Fo Che) phòng thủ lãnh thổ Bắc Chiêm Thành, rồI mộ hơn 10.000 người và nhiều voi ngựa đánh Đại Cồ Việt. Lê Đại Hành tiến quân xuống đánh nhưng cuộc chiến đã không xảy ra, vì sau khi vượt núi Đông Cổ và sông Bà Hòa (Thanh Hóa), đại quân của nhà Tiền Lê chịu không nổi sương lam chướng khí phải rút về. Năm 986, hay tin vua Indravartman IV (Ngô Nhựt Hoàn) của người Chăm từ trần, Lưu Kỳ Tông liền tự xưng vương và xin nhà Tống thừa nhận. Sự tiếm quyền này xúc phạm đến tín ngưỡng của người Chăm vì Lưu Kỳ Tông không xuất thân từ vương tộc hay đẳng cấp tôn giáo nào, và là một đe dọa cho cộng đồng người Hoa địa phương. Một người Chăm gốc Hoa tên Poulo Ngo dẫn theo khoảng 150 người đổ bộ lên đảo Hải Nàm và vùng duyên hải nam Quảng Châu tị nạn. Năm 988, thêm 300 người khác do Ho Siuan dẫn đầu đổ bộ lên bờ biển Quảng Châu. Người Chăm gốc Nam Đảo còn lại theo Bằng Vương La (Cu-thì-lợi Hà-thanh-bài Ma-la), một người Champa sinh sống tại Phật Thành, kháng chiến chống Lưu Kỳ Tông.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Sept 20, 2013 12:25:04 GMT 9
Triều vương thứ bảy??
Năm 989 Lưu Kỳ Tông, một người Kinh tự nhận là vua lãnh thổ Chiêm Thành phía Bắc từ năm 983, bị Bằng Vương La (Cu-thì-lợi Hà-thanh-bài Ma-la), một vương tôn Chăm phía Nam, nổi lên lật đổ và được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Harivarman II (Dương-to-pai hay Dương Đà Bài). Harivarman II xưng vương tại Phật Thành (Vijaya), nhưng tổ chức vương quyền vẫn đặt tại Indrapura (Đồng Dương), ý muốn đề cao nguồn gốc thần quyền của ông từ bộ tộc Dừa. Harivarman II được nhiều sử gia xác nhận là người sáng lập vương triều thứ bảy của Chiêm Thành.
Năm 990, một người Việt tên Dương Tiến Lộc - làm quan quản giáp đi thu thuế tại châu Ái và châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An) - hô hào người Kinh và Chăm nổi lên chống lại nhà Lê. Dương Tiến Lộc có yêu cầu Harivarman II giúp đỡ nhưng bị từ chối. Hay tin có phản loạn, Lê Đại Hành liền mang quân vào đánh dẹp, Dương Tiến Lộc cùng những người phản loạn bị giết chết, hơn 360 tù binh Chăm bị bắt mang về miền Bắc, một số được tuyển làm nài điều khiển voi trong binh lực nhà Lê.
Năm 992, quan hệ giữa nhà Lê và vương triều Vijaya trở nên bình thường và, để tỏ lòng biết ơn Harivarman II từ chối không ủng hộ cuộc phản loạn của Dương Tiến Lộc, Lê Đại Hành trả tự do cho hơn 300 tù binh Chăm về nước. Cũng nên biết làn ranh phân chia Đại Cồ Việt và Chiêm Thành trong giai đoạn này được xác định tại đèo Ngang, tức địa phận Di Luân, gần cửa sông Gianh (Quảng Bình). Cùng thời gian này, quan hệ giữa Chiêm Thành và Trung Hoa trở nên bình thường, Harivarman II được nhà Tống công nhận, hai bên trao đổi nhiều phẩm vật quí giá. Nhân dịp này Harivarman II yêu cầu vua Tống giao trả những người Chăm tị nạn tại Quảng Châu trước đó (986-988) về lại Chiêm Thành.
Mối giao hảo thân thiết giữa Chiêm Thành và Trung Hoa không làm vua Lê hài lòng. Năm 994, Lê Đại Hành cho người vào Viyaja yêu cầu Harivarman II triều cống nhưng bị từ chối, vua Lê liền cất quân sang đánh. Quân Chiêm tuy có đẩy lui được cuộc trừng chinh này nhưng hao tổn cũng khá nhiều, Harivarman II chấp nhận sẽ triều cống trở lại. Nhưng Lê Đại Hành yêu cầu phải triều cống tức khắc và buộc Harivarman II phải đích thân sang bái kiến mới vừa lòng. Vua Chiêm liền sai một thân tín tên Chế Đông sang thay mặt, Lê Đại Hành trách là vô lễ ; Harivarman II phải sai cháu là Chế Cai sang chầu và hứa sẽ không quấy phá vùng biên giới nữa mọi việc mới yên. Tuy vậy trong những năm 995 và 997, do thiếu đói vì mất mùa quân Chiêm có tràn sang cướp phá một số làng xã dọc vùng biên giới rồi rút về liền. Lê Đại Hành cũng chỉ củng cố lại một số địa điểm phòng thủ chứ không trả đũa ; một số gia đình nông dân nghèo gốc Kinh được đưa vào lập nghiệp trên một phần lãnh thổ Bắc Chiêm Thành, sau này có tên là Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh.
Năm 999, Harivarman II mất, con là Po Alah (Po Ovlah hay Âu Loah) - một tín đồ Hồi giáo trung kiên đã từng sang La Mecque hành hương - lên thay, hiệu Yanpuku Vijaya (Dương-phổ-cu Bi-trà-xá-lợi). Trung tâm quyền lực đặt tại Vijaya, tức thành phố Chiến Thắng (còn có tên là Phật Thệ, Phật Thành hay Chà Bàn, Đồ Bàn, nay là thị trấn An Nhơn). Toàn bộ vương tộc tại Indrapura (Đồng Dương) được đưa về Sri Bini (Qui Nhơn) định cư, vì nơi này ít bị uy hiếp hơn khi có chiến tranh. Dưới thời Yanpuku Vijaya (999-1010), đạo Hồi cùng với đạo Bà La Môn phát triển mạnh mẽ. Tân vương tổ chức lại quân đội và cử nhiều phái đoàn sang Trung Hoa thông sứ với hy vọng được nhà Tống bảo vệ khi bị Đại Cồ Việt tấn công.
Năm 1005, hay tin Lê Đại Hành mất, Yanpuku Vijaya mang quân tấn công Đại Cồ Việt, lúc đó do Lê Long Đĩnh (1005-1009), một hôn quân, cai trị. Hai bên giữ thế giằng co, bất phân thắng bại trong 40 năm (1005-1044). Yanpuku Vijaya mất năm 1010, Sri Harivarmadeva lên thay, hiệu Harivarman III. Tân vương cai trị đến năm 1018 thì mất, Chế-mai-pa Mộ-tài (Chemeipai Moti) lên thay, hiệu Paramesvaravarman II.
Trong lãnh thổ người Kinhù, Lý Công Uẩn lật đổ nhà Lê, thành lập nhà Lý (năm 1010), hiệu Thái Tổ, đổi quốc hiệu là Đại Việt. E ngại uy dũng và mến mộ đức độ của Lý Thái Tổ, Chiêm Thành và Chân Lạp cử người sang triều cống. Giao hảo giữa Chiêm Thành và Đại Việt rất là tốt đẹp, nhưng chỉ kéo dài được mười năm. Năm 1020, do mất mùa và đói kém, quân Chiêm Thành tiến chiếm hai châu Bố Chánh và Ma Linh (Quảng Bình). Năm 1021, thái tử Phật Mã, trưởng nam của Lý Thái Tổ, chiếm lại hai châu bị mất. Năm 1026, quân của thái tử Phật Mã chiếm luôn châu Điền (Thừa Thiên). Lý Thái Tổ mất năm 1028, Phật Mã lên thay, xưng hiệu Thái Tôn. Vua Chiêm Thành không những không chịu thông sứ với Đại Việt mà còn xua quân đánh phá các làng ven biển tại châu Điền, châu Ái (Thanh Hóa) và châu Hoan (Nghệ An). Sau khi củng cố lại lực lượng tại châu Hoan, Lý Thái Tôn sát nhập ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh vào lãnh thổ Đại Việt và cử võ quan vào trấn thủ.
Năm 1030, Paramesvaravarman II qua đời, triều đình Viyaja rối loạn. Một vương tôn tên Chế Li (Cheli) tiếm ngôi, xưng hiệu Vikrantavarman IV. Nội chiến liền xảy ra, rất là khốc liệt. Con cháu Paramesvaravarman II nổi lên chống lại. Năm 1038, con Vikrantavarman IV là hoàng tử Địa Bà Thích cùng với một số thủ hạ trong binh đội địa phận Bố Chánh (hơn 100 người do các tướng Bố Cả, Lan Đồ Thích, Lạc Thuẩn, La Kế và A Thát Thích chỉ huy) nổi lên giành ngôi với vua cha nhưng không thành, phải chạy vào Đại Việt xin tị nạn. Tại đây Địa Bà Thích hai lần xin nhà Lý (1039 và 1040) đưa về làm vua, nhưng không được chấp nhận.
Trước đe dọa của chính con mình, năm 1401 Vikrantavarman IV - sau khi liên minh được với vương quốc Angkor là vua Surayavarman I - yêu cầu nhà Lý giao hoàng tử Địa Bà Thích phản nghịch về xử tội, nhưng không thành. Quân Chăm liền tấn công Đại Việt, Vikrantavarman IV bị giết ngay trong trận đầu, con là thái tử Sạ Đẩu (Po Tik) lên thay, hiệu Jaya Sinhavarman II. Tân vương sai sứ sang Trung Hoa xin vua Tống tấn phong đồng thời cũng xin được bảo vệ, nhờ đó được yên bình vài năm. Năm 1043, quân Chiêm dùng thuyền đổ bộ vào một số làng xã ven biển đánh phá và chỉ rút lui khi quân Lý tiến tới.
Năm 1044, viện cớ Chiêm Thành không chịu triều cống từ hơn 16 năm qua và còn quấy rối lãnh thổ, Lý Thái Tôn dẫn đầu một đại binh gồm 10.000 thủy quân xuống đánh. Jaya Sinhavarman II vừa tổ chức phản công vừa cho người sang Trung Hoa cầu cứu. Quân Chiêm chận quân Đại Việt tại phía nam sông Thu Bồn (Quảng Nam) nhưng bị thua to: gần 30.000 binh sĩ và hơn 60 voi trận phơi thây trên chiến trường, hơn 5.000 quân Chiêm và 30 voi trận bị bắt sống. Jaya Sinhavarman II cũng bị tử thương trong trận này, tướng Quách Gia Gi (Isvaras) liền cắt lấy đầu mang sang trại vua Lý làm lễ vật xin hàng. Lý Thái Tôn thấy quân Chiêm bị giết quá nhiều liền ra lệnh không cho binh sĩ giết người vô cớ. Quân Đại Việt tiếp tục tiến xuống phía Nam, chiếm đế đô Phật Thệ (Vijaya hay Đồ Bàn), bắt được vương phi Mỹ Ê cùng nhiều cung nữ và nghệ nhân mang về đất Bắc.
Trên đường về nước, khi đến sông Lý Nhân (sông Hương), Lý Thái Tôn cho người mời Mỵ Ê sang chầu nhưng bà nhảy xuống sông tự tử để giữ tiết với chồng. Quý mến sự thủy chung này, vương phi Mỵ Ê được Lý Thái Tôn phong tước Hiệp chánh hộ thiên và cho lập đền thờ. Những tù binh Chiêm Thành sau đó được cấp ruộng đất và cho định cư tại Hưng Hóa (Nghệ An) trong hai xã Vĩnh Khương và Đăng Châu. Nông dân Đại Việt cũng di cư vào các vùng đất mới tại Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh lập nghiệp.
Trong số tù binh Chăm có một thiền sư Phật giáo tên Thảo Đường. Tăng sư Thảo Đường lập ra phái Thiền tông thứ ba tại Đại Việt. Nhiều chùa Phật giáo Tiểu Thừa tại miền Bắc Việt Nam (chùa Vạn Phúc ở Bắc Ninh, chùa Thiên Phúc ở Sơn Tây) do nhân công gốc Chăm xây dựng. Thợ Chăm dạy cho thợ Đại Việt cách đúc tượng Phật và xây cất chùa kiểu Ấn Độ. Nghệ nhân Chiêm Thành dạy cho các cung nữ triều đình nhà Lý các điệu nhạc Chiêm Thành (các điệu nam ai, nam oán...).
Triều vương thứ tám (1044-1074) : loạn sứ quân
Quách Gia Gi là một vương tôn thuộc đẳng cấp Ksatriya (chiến sĩ). Sau khi đầu hàng nhà Lý, ông được triều thần tôn lên làm vua năm 1044, hiệu Jaya Paramesvaravarman I. Trước một đất nước bị kiệt quệ vì chiến tranh, Quách Gia Gi một mặt phải giao hảo tốt với Trung Hoa và Đại Việt để được yên thân, mặt khác tập trung sức lực còn lại bình định loạn lạc ở phía nam. Trước kia, theo thỏa hiệp giữa Vikrantavarman IV và Surayavarman I (vương quốc Angkor), quân Khmer vào giúp Chiêm Thành dựng trại tại Panduranga, khi Vikrantavarman IV mất quân Khmer không những không chịu rút quân về mà còn muốn chiếm giữ luôn lãnh thổ Panduranga.
Năm 1050, viện cớ một tiểu vương tại Panduranga không tuân phục triều đình trung ương, Jaya Paramesvaravarman I cùng cháu là hoàng thân Yavaraja Mahasenapati mang quân chinh phạt và cũng nhân dịp đánh đuổi quân Khmer ra khỏi lãnh thổ. Tiểu vương Panduranga thua trận, một số binh sĩ và dân chúng đất Pănrăn (Phan Rang) phải trốn trong các hầm đất, hang động hoặc chạy lên núi trốn, một số khác chạy theo quân Khmer về bên kia biên giới lánh nạn. Toàn bộ tài sản, súc vật của dân chúng Pănrăn bị tịch thu mang về Vijaya làm chiến lợi phẩm ; những tù binh bị mang về làm nô lệ và hạ xuống làm đẳng cấp Sudra. Tiểu quốc Panduranga bị đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của triều đình trung ương Vijaya. Trong giai đoạn này, người Chăm chạy loạn lên Tây Nguyên (đặc biệt là cao nguyên Đắc Lắc) lánh nạn một số đã ở lại định cư vĩnh viễn, hòa trộn với những nhóm dân cư có trước để thành người Rhadé.
Dẹp xong loạn phía Nam, Jaya Paramesvaravarman I xây dựng lại đất nước. Nhà vua cho dựng lại các tượng đài bằng đá hoa cương trong tháp Po Nagar, cấp cho những vị tu sĩ giữ đền 50 nô lệ Chăm, Khmer, Hoa, Miến, Xiêm, 15 cân vàng, 15 cân bạc, và nhiều vật dụng quí giá khác. Nhà vua mất năm 1060, con trai trưởng lên kế vị hiệu Bhadravarman III, trị vì được một năm (1060-1061) thì mất.
Năm 1061, em trai của Bhadravarman III là Chế Củ lên thay, hiệu Rudravarman III. Rudravarman III là một người tinh khôn, một mặt giao hảo bình thường nhà Lý để tránh bị nghi ngờ, mặt khác chuẩn bị quân sĩ tiến đánh Đại Việt. Năm 1068, Rudravarman III mang quân đánh vào các làng của người Việt tại Ma Linh và Địa Lý, quân Lý thua phải rút lên phía Bắc.
Năm 1069, Lý Thánh Tôn (lên ngôi năm 1054) cùng Lý Thường Kiệt mang 30.000 quân và 200 chiến thuyền tiến chiếm Sri Bini (Qui Nhơn), rồi đế đô Vijaya (Bình Định), giết tướng giữ thành là Bố Bì Đà La trên sông Tu Mao (nay là Hà Giao). Rudravarman III băng rừng chạy sang Chân Lạp tị nạn. Tại đây hoàng gia Chăm bị người Khmer bạc đãi, Rudravarman III về lại Vijaya chịu cho quân Đại Việt bắt sống, cùng với 3.000 quân và gia quyến, hơn là qui thuận Angkor. Tuy vậy thành Vijaya vẫn bị quân Đại Việt tràn vào đốt phá trước khi rút về nước. Dân số Vijaya lúc đó được ghi nhận là hơn 2.560 gia đình. Để chuộc lại tự do, Rudravarman III xin dâng ba tỉnh phía bắc Chiêm Thành gồm Bố Chánh (hay Bố Chính), Địa Lý và Ma Linh (Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay). Lãnh địa Indrapura bị xóa tên và trở thành ba tỉnh của Đại Việt. Nhà Lý đổi tên Ma Linh thành châu Minh Linh, Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Bố Chánh được giữ nguyên tên.
Thật ra ba châu Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh đã thuộc về Đại Việt từ lâu, từ đời nhà Tiền Lê (năm 982), cách đó gần 80 năm. Do sức ép về dân số, nhiều gia đình nông dân nghèo khó không có đất canh tác trên đồng bằng sông Hồng và sông Cả đã tự động di cư đến đây rồi khai phá đất hoang và canh tác hoa mầu. Trong cuộc sống cộng cư, với thời gian, có thể những nhóm di dân cư này đã hòa trộn với các nhóm dân cư gốc Kinh có mặt từ trước, khi vương quốc Lâm Ấp được thành hình, hoặc với người Chăm địa phương từ nhiều đời để tạo thành các nhóm "dân miền Trung". Yếu tố Chăm do đó không còn mạnh mẽ, nếu không muốn nói là mất hẳn ảnh hưởng trên vùng đất này, nhường chỗ cho yếu tố Kinh, đầy sức sống và đông đảo hơn. Nói một cách khác, sự dâng đất này là một hình thức công nhận quyền sở hữu chính thức của nhà Lý trên một vùng đất đã thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền trung ương Chiêm Thành từ lâu. Sự dâng đất này còn ngụ ý là Chiêm Thành sẽ không mang quân sang quấy phá nữa, vì thần linh bảo vệ hoàng tộc và đất đai không còn nữa. Đất ở ba châu này thật ra có phì nhiêu hơn ở vùng Thanh Hóa (tức châu Điền), nhưng không phì nhiêu bằng đất ở Amavarati (Quảng Nam). Sự tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành về sau trên phần lãnh thổ này vì tự ái dân tộc nhiều hơn vì sự mầu mỡ của đất đai.
Sau khi nhượng hẳn cho Đại Việt ba châu phía Bắc, Rudravarman III mất uy tín trước các tiểu vương. Chiêm Thành bị loạn sứ quân, không ai còn nghe ai nữa. Hơn mười tiểu vương tự tuyên bố độc lập, kẻ mạnh mang quân đi đánh tiểu vương quốc yếu để mở rộng lãnh thổ hoặc gây thanh thế. Các tiểu vương ở phía Nam, liên minh với đế quốc Angkor, biến Panduranga thành trung tâm chống lại vương triều và các tiểu vương phía Bắc. Năm 1074, buồn phiền trước cảnh đất nước loạn lạc và bị các tiểu vương phía Nam xua đuổi, Rudravarman III (Chế Củ) dẫn gia đình sang Đại Việt xin tị nạn và tan biến luôn trong xã hội người Kinh.
Triều vương thứ chín (1074-1139) : tranh chấp với Đại Việt
Tại Panduranga, một hoàng thân xuất thân từ Panduranga tên Thăn (còn gọi là Yan Visnumurti, Madhavamurti hay Devatamurti, tiếng Việt là Thân), cùng em là hoàng tử Pãn (tên Việt là Phan), đã lần lượt chinh phục các tiểu vương sứ quân, thống nhất lại đất nước. Năm 1074, Thăn được quần thần tôn lên làm vua, hiệu Harivarman IV, mở đầu triều vương thứ chín.
Thăn là tên một hoàng tộc thuộc bộ tộc Cau mà dân chúng Panduranga cho là dòng vương tôn chân truyền của vương quốc Champa. Chính vì thế Harivarman IV rất tự hào về nguồn gốc xuất thân của mình, vì luôn tự nhận là sự kết hợp của hai bộ tộc lớn nhất của Chiêm Thành : cha là Pralaysvara Dharmaraja, dòng Narikelavansa thuộc đẳng cấp Ksatriya, bộ tộc Dừa ở Amaravati ; mẹ thuộc dòng Kramukavansa, đẳng cấp Brahman, bộ tộc Cau ở Panduranga. Sở dĩ có sự giải thích dài dòng về nguồn gốc xuất thân này - nhất là nguồn gốc xuất thân của mẹ, dòng Brahman chính thống - vì Harivarman IV biết chắc rằng trong các sứ quân không ai hội đủ điều kiện về nguồn gốc xuất thân để có thể được tôn lên làm vua trên toàn cõi Chiêm Thành.
Việc làm đầu tiên của Harivarman IV là phục hồi lại các đền đài đã bị tàn phá bởi quân Đại Việt và cuộc nội chiến. Không đầy một năm sau, Chiêm Thành trở nên hùng mạnh trở lại. Harivarman IV mang quân sang đánh Đại Việt, giành lại phần lãnh thổ mà Rudravarman III đã nhượng trước đó.
Năm 1075, viện cớ phục hồi ngôi vua cho con cháu Rudravarman III (Chế Củ), nhà Lý sai Lý Thường Kiệt mang quân chiếm lại ba châu vừa bị mất. Trước sự chống trả mãnh liệt của quân Chiêm, Lý Thường Kiệt phải lui binh nhưng cho người vẽ lại địa thế rồi đưa một số nông dân gan dạ (thật ra là những binh lính trá hình) vào định cư. Hay tin quân Lý bị Chiêm Thành đánh bại, vua Tống sai Vương An Thạch mang 10.000 quân tiến qua biên giới tấn công Đại Việt. Lý Thường Kiệt lui về bảo vệ lãnh thổ phía bắc. Ba châu vừa chiếm lại lọt vào tay Chiêm Thành.
Năm 1076, vua Tống sai Quách Quì kết hợp với Chiêm Thành và Angkor, mang 7.000 quân tiến công Đại Việt nhưng bị Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đánh bại. Thừa thắng, Lý Thường Kiệt tiến xuống chiếm đóng đế đô Phật Thành, Harivarman IV phải cùng con cái và một số thân tín chạy lên núi trốn ; tại đây phái đoàn được các sắc dân Thượng che chỡ.
Quân Lý chỉ chịu rút khỏi Phật Thành khi Harivarman IV tuyên bố chấp nhận triều cống nhà Lý trở lại. Hay tin này, hoàng thân Sri Nandanavarmadeva (người Khmer) - mang quân vào miên Nam Chiêm Thành theo lời mời của Quách Quì để chống lại nhà Lý - chiếm luôn Panduranga. Vua Harivarman IV phải yêu cầu nhà Lý giúp đỡ. Lúc này mặc dù đã tuổi già sức yếu, Lý Thường Kiệt vẫn phải thân chinh đi đánh dẹp. Quân Khmer thua to bỏ chạy về nước, Harivarman IV truy đuổi và tiêu diệt hết tại Somesvara (Biên Hòa ngày nay). Nhà vua sai em là hoàng tử Pãên (tiếng Việt là Phan) chiếm thành Sambhupura (Sambor) trên sông Mékong, bắt được nhiều tù binh cùng vàng bạc và của cải mang về nước.
Dẹp xong loạn phương Nam, Harivarman IV tập trung phục hồi đất nước. Mặc dù vẫn duy trì triều đình tại Vijaya, nhà vua sửa sang lại các nơi thờ phượng khác trên toàn quốc và cho xây dựng lại các thánh địa tôn giáo tại Indrapura (Đồng Dương) và Sinhapura (Mỹ Sơn). Hoàng tử Pãn đích thân đôn đốc việc trùng tu các đền thờ tại Sinhapura (Mỹ Sơn). Dưới triều vua Harivarman IV, Chiêm Thành trù phú trở lại, đền đài cung điện tìm lại những nét huy hòang tráng lệ ngày xưa.
Năm 1080, Harivarman IV nhường ngôi cho con là thái tử Văk Pulyan Rajadvara, 9 tuổi. Tân vương lên ngôi năm 1081, hiệu Jaya Indravarman II (Chế Ma Na). Chú là hoàng tử Pãn thế quyền giám quốc. Nhưng không biết vì nguyên do nào mà cả triều thần và thái tử Văk đồng tôn Pãn lên làm vua, hiệu Sri Paramabodhisatva (Si-bà Ra-ma Bồ-đề Sát-bà). Paramabodhisatva giao hảo tốt với Đại Việt, mục đích chính của nhà vua là duy trì sự thống nhất của Chiêm Thành, vì lúc đó một tiểu vương Panduranga tên Rudravarman ly khai, không công nhận vương quyền phương Bắc. Thật ra sự ly khai này đã xảy ra từ 16 năm trước, nhưng triều đình Vijaya vì bận lo giải quyết những vấn đề khác cấp bách hơn nên chưa ra tay. Tiểu vương Rudravarman bị đánh bại, Panduranga bị dưới quyền cai trị trực tiếp của Phật Thành (Vijaya).
Năm 1086, nội bộ Chiêm Thành xảy ra nội chiến. Thái tử Văk (Jaya Indravarman II) được triều đình thúc đẩy muốn cầm quyền trở lại. Ước muốn này gặp sự phản đối của vua Paramabodhisatva (hoàng tử Pãn) - người muốn đưa trưởng nam của mình là hoàng tử Pulyan Sri Yavaraja lên ngôi - đã tìm mọi cách loại trừ thế lực của thái tử Văk nhưng không được. Cuối cùng Paramabodhisatva mất tích, phe của ông bị phe của thái tử Văk giết hết. Jaya Indravarman II lên ngôi và tiếp tục triều cống Đại Việt. Năm 1092, Jaya Indravarman II nhờ nhà Tống giúp đòi lại vùng đất đã mất nhưng không kết quaœ.
Năm 1103, một người Việt ở phủ Diên Châu (Nghệ An) tên Lý Giác nổi lên làm phản. Lý Thường Kiệt vào đánh, Lý Giác thua chạy sang Phật Thành (Vijaya) thuyết phục vua Jaya Indravarman II hưng binh chiếm lại vùng đất đã mất. Lý Thường Kiệt một lần nữa phải thân chinh đi dẹp lọan, Jaya Indravarman II bị thua phải trả lại ba châu đã chiếm và chịu triều cống trở lại năm 1104.
Nhà Lý liền phân chia lại các châu vừa lấy lại như sau : châu Bố Chánh gồm huyện Nam Bố Chánh (Bố Trạch ngày nay) và huyện Bắc Bố Chánh (Quảng Trạch và Tuyên Hóa ngày nay), châu Lâm Bình (Địa Lý cũ) gồm huyện Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay) và huyện Phong Đăng (sau gọi là Phong Phú, tức huyện Lệ Thủy ngày nay). Hai huyện Phong Lộc và Phong Phú là vựa lúa lớn nhất của đất Indrapura. Châu Minh Linh (Ma Linh cũ) được chia thành hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh.
Năm 1113, cháu Jaya Indravarman II là Harivarman V lên ngôi, tân vương giữ nguyên chính sách cai trị của chú, quan hệ giữa Chiêm Thành và Đại Việt rất là thân thiết. Harivarman V trị vì đến năm 1129 thì mất không người kế vị, Chiêm Thành lâm cảnh loạn lạc. Vương triều Panduranga không chịu sự cai trị của Vijaya, liên kết với Chân Lạp đánh lại. Hai miền Nam Bắc đánh phá lẫn nhau trong suốt 10 năm (1129-1139).
Triều vương thứ mười (1139-1145) : Dưới sự khống chế của người Khmer
Năm 1129 Harivarman V mất, hoàng triều Champa tôn người con nuôi của nhà vua tên Po Sulika lên thay, hiệu Jaya Indravarman III. Vì không có quan hệ gia tộc trực tiếp với dòng vua cũ, Jaya Indravarman III phải tự nhận có quan hệ xa xôi với các triều vua trước để được dân chúng phục tùng. Theo các bia ký đọc được tại Đồng Dương và Po Nagar, Jaya Indravarman III sinh năm 1106, được nhận vào hoàng tộc năm 1129 tước Devaraja, được phong vương (Yuvaraja) năm 1133. Jaya Indravarman III xây thêm nhiều tượng thần Siva, Visnu và Linga trong những năm 1139, 1142 và 1143 tại Indrapura và Kauthara để xác nhận ông là truyền nhân của đẳng cấp Brahman.
Cùng thời gian này, năm 1112, tại Chân Lạp vua Suryavarman II lên ngôi. Năm sau tân vương xua quân đánh chiếm Chiêm Thành. Tham vọng của nhà vua được thời cuộc hỗ trợ vì bên Trung Hoa nhà Tống đang bận chống quân Kim (Mãn Châu) ; vua Lý Thần Tông chết sớm, Lý Anh Tôn còn quá nhỏ, các tướng lãnh tranh quyền, Đại Việt bị suy kém. Năm 1128, được Nam Chiêm Thành hỗ trợ, Suryavarman II dẫn 20.000 quân, đi trên 700 chiến thuyền, đổ bộ vào Thanh Hóa đánh phá và cũng là một cách răn đe Đại Việt không nên hỗ trợ Bắc Chiêm Thành, bị Angkor liên tục đánh phá từ 1030. Không chịu đựng nổi sự hà hiếp của người Khmer, đời sống dân chúng Chăm rất là khổ sở. Dưới sự cai trị hà khắc của người Khmer, một số vương tôn Chăm chạy vào Đại Việt xin tị nạn (Cụ Ông và 30 gia nhân, Kim Đình A Phú và 4 gia nhân, Tư Bồ Đà La cùng 30 gia nhân, Êng Ma và Êng Câu…). Trong những năm 1131 và 1136, quân Nam Chiêm Thành và Chân Lạp hợp nhau đánh phá Nghệ An và bờ biển Thanh Hóa.
Năm 1132, viện cớ Jaya Indravarman III không chịu hợp tác tấn công Đại Việt, Suryavarman II tiến quân lần nữa sang đất Chiêm Thành: đế đô Vijaya bị chiếm năm 1145. Jaya Indravarman III mất tích trên chiến trường (được dân chúng thờ dưới tên Rudraloka), những người chống lại quân Khmer đều bị xử trảm. Suryavarman II tự xưng là hoàng đế của cả Chân Lạp lẫn Chiêm Thành. Kể từ 1145 đến 1149, lãnh thổ đế quốc Khmer được nới rộng lên phía Bắc, từ Champassak (Nam Lào) đến đèo Hải Vân (Bắc Chiêm Thành), người Khmer trực tiếp điều khiển binh lực Chiêm Thành.
Trên cao nguyên, Jaya Harivarman I được đông đảo người Thượng và người Khmer (có thể là người Thượng thuộc hệ ngôn ngữ Môn Khmer) ủng hộ. Nhà vua tổ chức kháng chiến chiếm lại Panduranga, nhưng lãnh thổ Bắc Chiêm Thành (Vijaya) vẫn còn nằm trong tay người Khmer, do em rể vua Jaya Indravarman III là hoàng tử Hariveda (đẳng cấp Ksatriya) cai trị. Vương quốc Chiêm Thành bị chia đôi.
Triều vương thứ mười một (1145-1318) : xung đột với Angkor
Năm 1145 hoàng thân Parabrahman được triều thần đưa lên kế vị Jaya Indravarman III, hiệu Rudravarman IV. Vừa lên ngôi, Rudravarman IV cùng con trai là Ratnabhumivijaya (hoàng tử Sivanandana) bị quân Khmer truy lùng ráo riết phải bỏ Vijaya chạy vào Đại Việt lánh nạn. Thời gian sau, Rudravarman IV băng rừng về lại Panduranga lập chiến khu trên cao nguyên, nhiều bộ lạc Thượng gia nhập quân kháng chiến rất đông. Trên đường chạy loạn, Rudravarman IV lâm bệnh mất năm 1147 (dân chúng thờ dưới tên Brahmaloka hay Parabrahmaloka), con là thái tử Ratnabhumivijaya lên thay, hiệu Jaya Harivarman I (Chế Bì Ri Bút).
Trên cao nguyên, Jaya Harivarman I được đông đảo người Thượng và người Khmer (có thể là người Thượng thuộc hệ ngôn ngữ Môn Khmer) ủng hộ. Nhà vua tổ chức kháng chiến chiếm lại Panduranga, nhưng lãnh thổ Bắc Chiêm Thành (Vijaya) vẫn còn nằm trong tay người Khmer, do em rể vua Jaya Indravarman III là hoàng tử Hariveda (đẳng cấp Ksatriya) cai trị. Vương quốc Chiêm Thành bị chia đôi.
Năm 1148, vua Khmer (Jaya Indravarman III) cử tể tướng Sankara cùng tướng Sipakhya tấn công Panduranga, nhưng bị quân Chăm đánh bại tại đồng bằng Kayev, tỉnh Virapura (tiếng Khmer là Rajapura, tiếng Việt là Phan Rang). Thừa thắng xông lên, năm 1149, Jaya Harivarman I dẫn đầu đoàn quân Chăm, Thượng chiếm thành Vijaya, giết Hariveda trên sông Yami (sông Hà Giao, Bình Định), thống nhất lại đất nước. Kinh đô đặt tại Vijaya.
Do phân chia quyền lợi không đồng đều, người Rhadé, Bahnar và nhiều bộ lạc Thượng khác tôn Vansaraja (Ưng Minh Diệp), anh rể Jaya Harivarman I, lãnh đạo phong trào kháng chiến chống lại Jaya Harivarman I. Năm 1150, sau khi xưng vương tại Madhyamagrama (ngày nay là An Khê, cạnh núi Yang Mung), Vansaraja dẫn đại quân xuống đồng bằng tấn công người Chăm, nhưng bị đánh bại tại làng Slay. Jaya Harivarman I tiến lên cao nguyên càn quét quân nổi loạn, Vansaraja phải chạy vào Đại Việt xin nhà Lý giúp đỡ đưa về làm vua. Lý Anh Tôn sai thương chế Nguyễn Mông mang 5.000 binh sĩ từ Thanh Hóa và Nghệ An vào đánh Chiêm Thành. Chiến trận đã diễn ra rất là khốc liệt tại Dalva (Đông Hà) và Lavan (La Vang), cả Nguyễn Mông lẫn Vansaraja đều bị tử trận. Trong những năm sau (1151-1155), quân Chiêm Thành thường xuyên vào lãnh thổ Đại Việt (Nghệ An) cướp phá, vua Lý Anh Tôn định cất quân đi chinh phạt nhưng Jaya Harivarman I chịu dâng nhiều phẩm vật quí giá nên thôi, thực sự nhà Lý cũng e ngại sức mạnh quân sự của Chiêm Thành.
Vì dồn hết mọi năng lực vào chiến tranh đánh dẹp nội loạn và ngoại xâm, đời sống dân chúng Chiêm Thành trở nên cơ cực, nhiều lãnh chúa địa phương nổi lên chống lại triều đình trung ương. Năm 1151, Jaya Harivarman I phải hao tổn nhiều công sức lắm mới khuất phục được những cuộc nổi loạn tại Amavarati. Vừa dẹp loạn phương Bắc, Jaya Harivarman I lại phải đương đầu với những cuộc nổi loạn tại Panduranga, do người Khmer đỡ đầu. Phải mất năm năm (1151-1155), nhà vua mới dẹp xong được loạn và sau 1160 Chiêm Thành tìm được lại sự hùng mạnh của quá khứ và giao hảo tốt với các lân bang.
Năm 1162, Jaya Harivarman I băng hà truyền ngôi cho con là hoàng tử Sakan Vijaya, hiệu Jaya Harivarman II. Năm 1167 Sakan Vijaya bị hoàng thân Vatuv Gramapuravijaya soán ngôi, hiệu Jaya Indravarman IV.
Trong những năm 1164-1166, quân Chiêm Thành thường xuyên tổ chức đánh cướp các tàu buôn Ả Rập qua lại trên Biển Đông và tiến lên đánh phá các làng xã của Đại Việt tại châu Lâm Bình và Minh Linh. Năm 1167, Lý Anh Tôn sai Tô Hiến Thành mang quân đánh Chiêm Thành. Jaya Indravarman IV vội cử người sang cống nạp, Tô Hiến Thành lui quân về nước. Quà cáp thường là chiến lợi phẩm cướp từ các tàu buôn Ả Rập. Chính vì những hành vi cướp bóc tàu thuyền này mà nhà Tống từ chối không phong vương cho Jaya Indravarman IV, mặc dầu đã cử nhiều phái đoàn sang Trung Hoa triều cống.
Jaya Indravarman IV (1151-1205), còn gọi là Po Klong Girai, Po Klong Garai hay Po Klău Girai, là người có công xây đập Chaklin (Nha Trinh) và hai mương dẫn nước (mương Cái và mương Đực) tại Phan Rang để canh tác nông nghiệp. Theo truyền thuyết, Po Klong Garai - còn gọi là Vua Lác, con của nữ thần Po Sah Ino - lúc mới sinh ra đã mắc bệnh cùi, may nhờ có rắn naga liếm nên lành bệnh. Tuy mang bệnh cùi từ lúc còn trẻ nhưng nhà vua đã tỏ ra đắc lực trong việc chiến chinh. Khi băng hà, nhà vua dân được chúng thờ trong tháp Po Klong Garai (tháp Chàm Phan Rang, phường Lưu Vinh, thị xã Tháp Chàm).
Jaya Indravarman IV quyết chí phục thù đế quốc Angkor về việc xâm chiếm và đô hộ Chiêm Thành. Quân lực Chiêm Thành dưới thời Jaya Indravarman IV rất giỏi về tượng binh và thủy chiến. Năm 1170, sau khi điều đình với Đại Việt giữ thế trung lập (bằng phẩm vật triều cống), Jaya Indravarman IV mang đoàn tượng binh tấn công Chân Lạp, lúc đó do vua Dharanindravarman II cai trị. Cuộc chiến kéo dài một năm, bất phân thắng bại (quân Khmer cũng dùng tượng binh đối chọi), sau cùng quân Chiêm phải rút về nước vì hết lương thực.
Năm 1171, một quan nhân gốc Hoa (không rõ tên) - quê ở Ki Yang Kiun, Quí Châu, thuộc đảo Hải Nàm, bị chìm tàu trôi giạt vào bờ biển Chiêm Thành - được dân chúng dẫn đến trình diện Jaya Indravarman IV. Người này chỉ cho vua Chiêm cách cưỡi ngựa xung trận thay vì dùng voi như trước, điều này làm nhà vua rất thích thú vì hiệu quả thần tốc và gọn nhẹ của nó. Sau khi nắm vững được thuật cỡi ngựa, Jaya Indravarman IV cử một đoàn người sang Cửu Châu, đảo Hải Nàm, mua hết ngựa chiến nhưng bị vua Tống không cho bán (vì những hành vi hải tặc trước đó). Đoàn thương buôn Chăm nổi giận bắt người, đốt những trại nuôi ngựa không chịu bán. Dân Hải Nàm quá lo sợ phải bán cho họ một số ngựa mới được yên, nhưng không đủ để thành lập một đội kỵ binh. Năm 1172, Jaya Indravarman IV cử một đoàn người khác sang Trung Hoa triều cống, trả về những thường dân bị bắt và yêu cầu xin được mua ngựa, vua Tống vẫn từ chối.
Không mua được ngựa, Jaya Indravarman IV tấn công Chân Lạp bằng đường thủy (năm 1176). Nhà vua cho đóng thêm nhiều tàu chiến, tập dượt thủy binh. Năm 1177, Jaya Indravarman IV đi thuyền từ cửa sông Cửu Long vào chiếm Vrah Nagar (Prah Nokor, ngày nay là Sài Gòn). Quân Chiêm tịch thu nhiều chiến lợi phẩm và bắt theo nhiều tù binh Khmer về nước. Những tù binh này lúc đầu có bị bạc đãi, nhưng về sau được đối xử tử tế để trở thành dân Chăm và hội nhập hoàn toàn vào xã hội dân Chiêm Thành.
Trong số tù binh này có một vương tôn Khmer, sau này là Jayavarman VII. Lúc còn ở Chiêm Thành, Jayavarman VII học được cách tổ chức xã hội, cách huấn luyện binh sĩ thủy bộ và còn kết thân được với nhiều hoàng thân của xứ này. Ông được thả về nước năm 1186 để kế nghiệp anh là vua Yasovarman II, bị soán ngôi.
Về lại Chân Lạp, Jayavarman VII kết nghĩa với một vương tôn Chăm tên Sri Vidyanandana, quê ở Tumpraukvijaya (một làng ở Bình Định), đến Chân Lạp lập nghiệp từ 1182. Sau khi dẹp được loạn ở Malyan (hay Mou Leang, một làng ở vùng phía Đông Chân Lạp), hoàng thân Sri Vidyanandana được Jayavarman VII phong một tước hoàng tộc Khmer là Yuvaraja. Năm 1190, Jayavarman VII sai Vidyanandana đi đánh Chiêm Thành, ông chiếm được Vijaya, bắt sống Jaya Indravarman IV mang về Chân Lạp. Hoàng tử In (anh em cột chèo với Jayavarman VII) được phong làm tiểu vương xứ Nagara Vijaya (Bắc Chiêm Thành), hiệu Surya Jayavarman (hay Surya Jayavarmadeva), hoàng thân Vidyanandana được phong làm tiểu vương xứ Rajapura (Nam Chiêm Thành), hiệu Suryavarman (còn gọi là Suryavarmadeva hay Bố Trì), cả hai đều đạt dưới sự lãnh đạo của Jayavarman VII. Vương quốc Chiêm Thành trở thành một thuộc địa của Chân Lạp. Panduranga và Vijaya là hai tỉnh của đế quốc Angkor. Người Thượng trên Tây Nguyên không công nhận vương quyền mới này đã cùng một số vương tôn Chăm khác tổ chức đánh phá Amavarati, Vijaya và Panduranga.
Năm 1191 tại Vijaya, Surya Jayavarman (hoàng tử In) bị Rasupati, một hoàng thân Champa, đánh bại phải chạy về lại Chân Lạp. Rasupati tự xưng là vua xứ Vijaya, hiệu Jaya Indravarman V. Không nhìn nhận vương quyền mới này, Jayavarman VII cho Jaya Indravarman IV (cựu vương Chiêm Thành và cũng là thân phụ của hoàng tử In) về Bắc Chiêm Thành chiếm lại ngôi báu. Jaya Indravarman IV được Suryavarman (hoàng thân Sri Vidyananda) tiếp sức mới chiếm được Vijaya, Rasupati (Jaya Indravarman V) bị xử trảm. Thay vì giao thành lại cho vua Chăm cũ, Suryavarman chiếm luôn Vijaya ; Jaya Indravarman IV liền kêu gọi dân chúng tại Amavarati và các làng Ulik, Vyar, Jriy, Traik chống lại. Năm 1192, Jaya Indravarman IV bị tử trận tại Traik. Suryavarman thống nhất lại đất nước, lên ngôi vua và tìm cách tách khỏi ảnh hưởng của đế quốc Angkor.
Hay tin hoàng thân Suryavarman làm phản, Jayavarman VII cử đại quân, trong số này có cả người Thượng (do tướng Jai Ramya cầm đầu), sang đánh Chiêm Thành. Cuộc chiến kéo dài từ 1193 đến 1194, đại quân Khmer bị đánh bại. Thay vì theo quân Khmer về nước, một người Djarai tên Sri Agara chiếm một vùng đất lớn từ Amavarati đến Pidhyan (Phú Giang, bắc Phú Yên) rồi tự xưng vương năm 1193, hiệu Patau Ajna Po Ku.
Tuy đẩy lui được quân Khmer, Suryavarman vẫn lo sợ. Năm 1194, ông dời cư lên Amaravati (Quảng Nam) tránh nạn và giao hảo tốt với Đại Việt năm 1198, bằng cách triều cống hằng năm, và được vua Lý Cao Tông (Long Cán) phong vương năm 1199. Đất nước được thái bình trong vài năm thì Suryavarman bị chú là Yuvaraja on Dhanapati Grama (Bố Do) soán ngôi năm 1203. Dhanapati Grama đưa quân Khmer vào chiếm Amaravati, Suryavarman dẫn một hải đội hơn 200 chiến thuyền chạy vào cửa Cửu La (Nghệ An) xin tị nạn. Tại đây, vị hoàng thân Chăm (người Việt gọi là Bố Trì) bị Dĩ Mông và Phạm Giêng, hai quan trấn thủ Nghệ An, nghi ngờ. Suryavarman rất buồn lòng, dùng mưu đốt thuyền của Phạm Giêng và giăng buồm ra khơi mất tích.
Dhanapati được lệnh vua Khmer đánh dẹp các cuộc nổi loạn tại Chiêm Thành, đặc biệt là trên cao nguyên. Patau Ajna Po Ku bị bắt sống đem về Chân Lạp trị tội. Dhanapati được phong toàn quyền cai trị xứ Chiêm Thành. Chiêm Thành trở thành một tỉnh của đế quốc Angkor lần thứ hai. Dhanapati được con trưởng của Jaya Harivarman II (1162-1167), sinh sống tại Chân Lạp, tên Ansaraja Turaivijaya phụ lực cai trị Chiêm Thành. Turaivijaya cai quản đất Amavarati, tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Việt (Nghệ An) trong những năm 1207, 1216 và 1218 ; tất cả đều bị quan trấn thủ Nghệ An Lý Bất Nhiêm đẩy lui. Chiêm Thành bị đế quốc Angkor tái đô hộ trong suốt 17 năm (1203-1220). Năm 1220 bị quân Xiêm La làm áp lực tại chính quốc, quân Khmer rút khỏi Chiêm Thành. Trong gần 100 năm chống chọi và bị Angkor đô hộ, Chiêm Thành bị kiệt quệ.
Quân Chân Lạp vừa rút khỏi Chiêm Thành, hoàng tử Ansaraja Turaivijaya (tên Khmer là Sri Ajirang) được hoàng tộc Chăm tôn lên làm vua, hiệu Jaya Paramesvaravarman II, đóng đô tại Viyaja. Vừa lên ngôi, tân vương cho xây lại những tượng đài bị đập phá tại tháp Sri Sanabhadresvara (Mỹ Sơn) và Po Nagar (Nha Trang), xây thêm các đập nước, mở rộng diện tích dinh điền, đất nước phồn thịnh trở lại ; nhiều bộ lạc Thượng trên Tây Nguyên về thần phục. Năm 1230, hoàng tử Abhimanyuvarman, một vương tôn tỉnh Pankaja người Cathei, được Jaya Paramesvaravarman II cử làm thống lãnh đất Panduranga. Những tiểu vương kế nghiệp ông được biết đến sau này tại Panduranga là Po Unvavah, Po Binasur, Po Putrik v.v... (Tên những vương tôn Chăm tại miền Nam Chiêm Thành, hay tại Panduranga sau này, đều kèm theo chữ Po (Pô, Pu, Pou hay Poh), có nghĩa là Ông, Ngài hay Vua). Năm 1244, vua Chiêm tổ chức nhiều đợt tấn công vào duyên hải Nghệ An và Thanh Hóa, chiếm đóng Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh.
Tại Đại Việt, sau khi ổn định triều chính, năm 1252 Trần Thái Tôn dẫn đại quân đi đánh Chiêm Thành. Cuộc tiến công kéo dài gần một năm, thành Vijaya thắt thủ, vương phi Bố Gia La cùng nhiều cung phi, tù binh và quan chức triều đình Chăm bĩ bắt mang về Đại Việt. Jaya Paramesvaravarman II bị tử trận năm 1254, em là hoàng tử Sakan Vijaya lên thay, hiệu Jaya Indravarman VI. Jaya Indravarman VI duy trì giao hảo với Đại Việt, triều cống đều đặn. Năm 1257, nhà Trần rút quân về nước, lúc đó đang bị quân Nguyên (Mông Cổ) đe dọa.
Năm 1257, Jaya Indravarman VI bị ám sát, hoàng tử Pulyan Sri Yuvaraja, con người chị (công chúa Suryadevi) lên thay, hiệu Jaya Sinhavarman VI. Năm 1266, hoàng tử Chay Nuk, con Jaya Paramesvaravarman II, lên kế vị, hiệu Indravarman V. Indravarman V tiếp tục giao hảo tốt với Đại Việt. Năm 1278, Indravarman V sai hai sứ giả (Bồ Tinh và Bồ Đột) sang Đại Việt xin bảo hộ và thành lập một liên minh chống lại quân Mông Cổ.
Hay tin này, năm 1281, vua Nguyên (Hốt Tất Liệt) cử hữu thống chế Toa Đô (Sogatu) và tả thống chế Lưu Thâm cùng tham chính A Lý và Ô Mã Nhi mang 10 vạn thủy binh từ Quảng Châu sang Chiêm Thành buộc Indravarman V phải đích thân về Trung Nguyên triều cống. Không chống nổi quân Mông Cổ, Indravarman V chịu đặt Chiêm Thành dưới sự bảo hộ của nhà Nguyên năm 1282. Toa Đô được nhà Nguyên phong làm thống đốc toàn quyền cai trị xứ Chiêm Thành, tiểu vương Chăm nào chịu theo quân Nguyên đều được phong làm phó vương.
Hoàng tử Harijit Po Devada Svor (hay Po Depitathor), con Indravarman V, cùng mẹ là hoàng hậu Gaurendraksmi, không chấp nhận sự đô hộ của Mông Cổ rút vào rừng, tổ chức kháng chiến. Harijit mộ được khoảng 20.000 người, gồm đủ mọi các sắc tộc Thượng sinh sống trên cao nguyên Ya Heou, phía tây bắc Chiêm Thành, tấn công quân Nguyên trên khắp lãnh thổ Bắc Chiêm Thành. Năm 1283, Toa Đô dẫn đầu một đoàn quân gồm 5.000 người, 100 tàu và 250 thuyền đi dọc theo bờ biển và các con sông lớn đổ bộ lên Tây Nguyên nhưng bị đánh bại. Quân Mông Cổ - một phần bị bệnh tật, không chịu đựng nổi khí hậu nóng nực của miền nhiệt đới, một phần vì đói kém, thiếu tiếp liệu từ lục địa - phải rút về trấn giữ đồng bằng.
Tháng 4-1285, Toa Đô cùng Ô Mã Nhi mang hải đội từ Chiêm Thành, trong đó có đội thủy binh người Chăm, tiến lên ra Bắc hợp với Thoát Hoan vây thành Thăng Long, kinh đô của Đại Việt. Quân của Thoát Hoan bị quân Trần đánh bại phải rút về nội địa, quân của Toa Đô bị đánh tan tại Nghệ An. Toa Đô bị chết tại trận, quân Trần bắt được rất nhiều tù binh Mông Cổ và Chăm, trong đó có hai tướng Chăm tên Lậu Khê và Na Liên, bị trả về cho vua Chiêm Thành xử tội. Những binh lính Chăm khác theo Mông Cổ, không dám về lại quê cũ, theo quân Nguyên về Hoa lục và được cho định cư trên đảo Hải Nàm, bờ biển nam Quảng Châu, nơi đã có nhiều người Chăm khác đến lập nghiệp từ năm 992 dưới thời Lưu Kỳ Tông. Những binh lính Chăm này, đa số theo đạo Hồi, đã lập gia đình với người địa phương và ở lại lập nghiệp. Đây là đợt di dân thứ hai của người Champa ra hải ngoại.
Năm 1288 Indravarman V mất, hoàng tử Harijit lên ngôi, hiệu Jaya Sinhavarman III (Chế Mân), đặt kinh đô tại Vijaya. Mặc dù không triều cống nhà Trần, bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành rất là thắm thiết. Chỉ một thời gian ngắn sau Chiêm Thành hùng mạnh trở lại, các vương quốc lân bang, trong có Đại Việt cử người sang thông hiếu đều đặn. Nhiều đền đài được xây cất cả tại đồng bằng lẫn trên cao nguyên. Chế Mân cho xây một tháp trên đồi Chok Hala, gọi là đồi Trầu, để dân chúng đến tế lễ, sau này là tháp Po Klong Garai (Tháp Chàm Phan Rang).
Năm 1292 và 1293, trên đường tiến đánh Java (Indonesia) và Madjapahit (Mã Lai) quân Mông Cổ xin vào bờ mua tiếp liệu nhưng bị Chế Mân từ chối, phải giương buồm đi tiếp. Cũng nên biết Chế Mân có rất nhiều quan hệ tình cảm với các tiểu vương Nam Đảo. Vợ cả của Chế Mân là vương phi Bhaskaradevi, con một đại vương Java ; thứ phi là hoàng hậu Tapasi, con gái một tiểu vương Yavadvipa (Mã Lai). Lãnh thổ Chiêm Thành trong thời kỳ này được nới rộng lên cao nguyên Darlac và Langbian, Chế Mân cho xây một đền thờ tại Yang Prong (An Khê) để đón nhận phẩm vật triều cống của những bộ lạc Thượng trên Tây Nguyên.
Năm 1301, cựu hoàng Đại Việt là Trần Nhân Tôn, sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tôn, đi thăm các nước láng giềng. Khi thăm Chiêm Thành, Trần Nhân Tôn được Chế Mân tiếp đãi nồng hậu và đã ở lại đây 9 tháng. Để tạ ơn, khi ra về cựu vương hứa gả công chúa Huyền Trân (em gái Trần Anh Tôn) cho Chế Mân. Cuối năm 1301, Chế Mân sai Chế Bồ Đày mang lễ vật sang cưới Huyền Trân. Triều đình nhà Trần có nhiều người không thuận, cuộc thương thảo kéo dài từ 1302 đến 1305 ; sau cùng, mùa hè năm 1306, Chế Mân thuận tặng cho nhà Trần hai châu Ô và châu Rí (châu Lý), phía bắc đèo Hải Vân, để làm quà cưới, nhà Trần mới chịu và sai Đoàn Nhữ Hài đưa Huyền Trân về Chiêm Thành. Tại đây, Huyền Trân được Chế Mân đặt tên là hoàng hậu Paramesvari.
Châu Ô và châu Rí là đề tài tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành trong thời gian sau đó. Năm 1307, Trần Anh Tôn đặt tên lại hai châu mới này thành Thuận châu (Quảng Trị) và Hóa châu (Thừa Thiên và một phần Quảng Nam ngày nay), rồi giao cho Đoàn Nhữ Hài cai quản. Châu Thuận gồm các huyện Đăng Xương (nay là Triệu Phong), Hải Lăng, Phong Điền , Quảng Điền và Hương Trà. Châu Hóa gồm các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Diên Phước và Hòa Vang. Người Chăm sống trong các làng La thỉ, Tác Hồng và Đà Bồng nổi lên chống sự cai trị của người Việt. Để trấn an dân Chăm, Đoàn Nhữ Hài chấp nhận để người Chăm chịu sự quản trị trưc tiếp của các nhân sĩ Chăm địa phương và cho miễn thuế ba năm.
Về chủ quyền, nông dân Việt đã đến lập nghiệp và khai phá hai châu này từ lâu, nhất là trong thời gian có chiến tranh với Mông Cổ. Thật ra sự sát nhập này, trên bình diện nào đó, chỉ là sự hợp thức hóa một sự kiện đã rồi, vì quan hệ cộng sinh giữa hai chủng tộc đã diễn ra từ lâu đời. Những cuộc hôn nhân dị chủng chắc chắn không phải là những trường hợp ngoại lệ, với thời gian dân cư Việt có lẽ đã đông hơn dân cư Chăm tại đây.
Triều vương thứ mười hai (1318-1390) : tột đỉnh
Năm 1318, nhà Trần phong một tướng Chăm tên Thủ (Patalthor) lên ngôi, hiệu Chế A Năng (hay Thành A vương, tương đương với tước phó vương của Đại Việt). Vì không thuộc dòng dõi bộ tộc Cau và Dừa, Chế A Năng liên tục bị triều thần chống đối từ 1323 đến 1326. Để có sự chính thống, năm 1323 Chế A Năng cử em trai là Pao Yeou Patseutcho đi sứ sang Trung Hoa xin nhà Nguyên công nhận. Hay tin này, năm 1326 nhà Trần mang quân sang đánh nhưng bị đẩy lùi. Chiêm Thành sống trong thái bình cho tới 1342.
Năm 1336 Chế A Năng từ trần, con ruột là Chế Mỗ và con rể là Trà Hoa Bồ Đề tranh ngôi vua trong 6 năm, Chiêm Thành sống trong loạn lạc. Năm 1342 Chế Mỗ bị đuổi sang Đại Việt, Trà Hoa Bồ Đề chính thức lên ngôi. Năm 1353, Trần Dụ Tôn đưa Chế Mỗ về nước nhưng đến Cổ Lũy (Quảng Ngãi) thì bị quân Chiêm chận đánh, quân Trần rút về, Chế Mỗ buồn rầu rồi qua đời. Từ sau ngày đó, quân Chiêm Thành liên tục tràn sang đánh phá Hóa châu và Thuận châu.
Năm 1360, Trà Hoa Bồ Đề qua đời, em Chế A Năng là Po Binasor (Po Bhinethuor) được triều thần tôn lên làm vua, hiệu Chế Bồng Nga (Che Bonguar). Chế Bồng Nga là một vị tướng tài, chỉ huy nhiều trận đánh vào lãnh thổ Đại Việt. Vừa lên ngôi, ông liền tổ chức lại quân đội, chuẩn bị chiến tranh với nhà Trần nhằm chiếm lại những phần lãnh thổ bị mất. Những tù trưởng và bộ lạc Thượng trên Tây Nguyên theo Chế Bồng Nga rất đông.
Từ 1360 đến 1370, quân Chiêm Thành ra vào lãnh thổ Đại Việt như chốn không người. Dân cư Đại Việt lập nghiệp dọc các vùng bờ biển Bố Chánh, Tân Bình, Thuận Hóa (Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên) sinh sống rất khổ sở trước nạn binh đao. Từ 1371 đến 1383, quân Chiêm đã ba lần chiếm đóng Thăng Long và năm 1390 lúc đang tiến vào Thăng Long lần thứ tư thì Chế Bồng Nga bị tử trận, chấm dứt một trang anh hùng sử.
Nét đặc biệt của Chế Bồng Nga là mỗi lần đánh phá xong, ông cho rút quân về bên kia đèo Hải Vân chứ không cho người ở lại quản trị trực tiếp những vùng đất vừa bị chiếm như những vua trước, vì người Chăm tin rằng trấn đóng những vùng đất lạ sẽ mang tai họa và cũng không muốn bị hao tổn lực lượng bởi những hành động kháng chiến. Tuy vậy vẫn có thể nói trong vòng 30 năm, Chế Bồng Nga đã khôi phục lại những vùng đã mất từ hơn 300 năm trước đó (Bố Chánh, Địa Lý và Ma Linh bị mất năm 1069, châu Ô, châu Rí năm 1306).
Chế Bồng Nga chết, quân Chiêm như rắn không đầu liền bị rối loạn, quân Trần sát hại rất nhiều. Các vùng đất dưới ảnh hưởng Chiêm Thành đều được thu hồi. Lê Quí Ly (tức Hồ Quí Ly sau này) kinh lý các vùng đất Hóa châu và Thuận châu, tổ chức lại việc phòng thủ và cho xây dựng lại những nơi bị tàn phá. Phan Mãnh được bổ nhiệm cai trị hai xứ Tân Bình (Quảng Bình) và Thuận Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên). Nhà Trần đưa dân chúng từ các vùng trung du, vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã vào định cư tại Tân Bình và Thuận Hóa.
Triều vương thứ mười ba (1390-1458) : suy yếu
Bị đánh bại năm 1390, tướng La Khải (Ko Cheng) chiếm được xác Chế Bồng Nga mang đi hỏa táng, rồi thu quân về nước. Về Đồ Bàn, La Khải liền xưng vương và chịu triều cống nhà Trần trở lại. Năm 1391, La Khải xin nhà Minh thừa nhận nhưng đến năm 1413 con của ông là Ba Đích Lại mới được nhà Minh tấn phong.
Chính sách cai trị khắt khe của La Khải gây bất mãn trong nước. Vây cánh của Chế Bồng Nga đều bị La Khải thay bằng những tướng sĩ thân tín, con trai của Chế Bồng Nga tên Chế Ma Nô Dã Na cùng em là Chế San Nô sợ bị ám hại đã chạy qua Đại Việt xin tị nạn. Cả hai được nhà Trần phong tước Hiệu chính hầu. Năm 1397, một hoàng thân tên Chế Đà Biệt, em là Mộ Hoa, con là Gia Diếp cùng toàn thể gia quyến sang Đại Việt tị nạn. Chế Đà Biệt được Lê Quí Ly giao trọng trách bảo vệ biên giới phía nam của Đại Việt đề phòng những cuộc tấn công mới của quân Chiêm Thành. Năm 1400, La Khải mất, con là Ba Đích Lại (Jaya Sinhavarman V) lên ngôi.
Tại Đại Việt, năm 1400 Lê Quí Ly lên ngôi vua, đổi thành họ Hồ. Cũng nên biết, lúc nhà Trần suy yếu vai trò của Lê Quí Ly trở nên nổi bật và trực tiếp điều khiển triều đình từ 1372. Vì thiếu sự chính thống, Hồ Quí Ly thường ra oai bằng cách tấn công Chiêm Thành và các lãnh thổ Chiêm Động (nay là Thăng Bình, Quảng Nam, hay bắc Amavarati), Cổ Lũy (nay là Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Bạt Đạt Gia, Hắc Bạch (nam Quảng Ngãi, bắc Bình Định) và Sa Lý Nha (tức Sa Huỳnh) lần lượt bị sát nhập từ 1400 đến 1403. Vựa lúa lớn nhất Bắc Chiêm Thành bị mất hẳn, toàn bộ đất đai tại Indrapura và Amaravati (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi) cũng không còn.
Những vùng đất mới được phân thành châu Thăng, châu Hoa, châu Tư và châu Nghĩa ; bốn châu mới này họp lại thành lộ Thăng Hoa do một quan an phủ sứ cai trị, chỗ giáp giới đặt thành trấn Tân Ninh. Chế Ma Nô Dã Na (con Chế Bồng Nga), lúc đầu làm Thăng Hoa quận vương để chiêu dụ dân chúng Chăm, sau được phong Cổ Lũy thượng hầu giữ hai châu Tư và Nghĩa. Quí Ly đưa những nông dân cùng gia đình không có đất cày từ những châu khác ở phía bắc vào khai phá đất mới. Người Champa không chấp nhận sống dưới sự cai trị của người Việt bỏ đi lên núi hoặc về Vijaya (Đồ Bàn) lập nghiệp.
Năm 1403, Ba Đích Lại yêu cầu nhà Minh can thiệp để đòi lại Indrapura và Amavarati, nhưng bị nhà Hồ từ chối. Chỉ khi nhà Hồ bị dẹp và nước Đại Ngu bị nhà Minh đô hộ, từ 1407 đến 1427, Chiêm Thành mới phục hồi lại sức mạnh quân sự và những vùng đất đã mất dưới tay nhà Hồ đều lấy lại được.
Năm 1407, hoàng tử Ngauk Glaun Vijaya (con Ba Đích Lại) cất quân đánh Đại Việt, giết quan trấn thủ lộ Thăng Hoa là Chế Ma Nô Dã Na (con của Chế Bồng Nga). Ba Đích Lại được nhà Minh phong vương năm 1413. Mặc dù vậy, dân chúng Champa không muốn di dân lên những vùng đất vừa chiếm lại lập nghiệp, chỉ một số người muốn trở về để giữ gìn hương hỏa mà thôi. Dẹp yên phía Bắc, Ba Đích Lại mang quân xuống tấn công vương quốc Chân Lạp phía nam đang suy yếu, vì bị Xiêm La đánh phá liên tục. Quân Chăm chiếm được nhiều vùng đất lớn dọc sông Đồng Nai và trên đồng bằng sông Cửu Long. Quân Khmer bị đuổi tới thành phố Chantabun, gần biên giới Xiêm La, vua Chau Ponea Yat phải cầu cứu nhà Minh và quân Minh đã hai lần tiến vào Chiêm Thành (1408 và 1414) làm áp lực Chiêm Thành mới chịu rút quân, Chân Lạp thoát nạn đô hộ. Mặc dầu vậy, quân Chiêm Thành cũng chiếm được thị trấn Nagara Brah Kanda (thị xã Biên Hòa ngày nay).
Năm 1428, Lê Lợi đuổi được quân Minh ra khỏi lãnh thổ và lên ngôi vua, hiệu Thánh Tổ. Trước thế lực của nhà Lê, Ba Đích Lại trả những vùng đất đã chiếm dưới thời nhà Minh, đổi thành lộ Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây và đặt quan cai trị. Việc giao hảo giữa Chiêm Thành và Đại Việt trở nên tốt đẹp.
Năm 1433 Lê Lợi mất, con là Nguyên Long, 11 tuổi, lên ngôi hiệu Thái Tôn, Ba Đích Lại liền trở mặt. Năm 1434, ông cho quân sang đánh phá các vùng đất (Hóa châu) vừa giao trả trước đó, vua Lê phải cử Lê Khôi và Lê Chiếc ra dẹp, vua Chăm mới chịu triều cống trở lại.
Thật ra từ 1390 đến 1433 Chiêm Thành không có vua, đất nước lâm vào cảnh nội loạn. Đối với người Chăm, La Khải và Ba Đích Lại chỉ là những kẻ soán ngôi. Năm 1433, quần thần Chiêm đưa công chúa Po Sahnar về miền Nam cai trị (Panduranga), đóng đô tại Phan Rí, không tuân lệnh Vijaya. Hoàng tử Nauk Glaun Vijaya thân chinh đi đánh dẹp, gây nhiều thù oán với các dòng vương tôn Champa phía nam như bắt công chúa Po Sahnar về giam tại Vijaya. Chính vì thế năm 1441 khi Ba Đích Lại qua đời, Nauk Glaun Vijaya không được triều thần cho nối ngôi mà đưa người cháu của cố vương là Maha Kilai (Mã Kha Qui Lai) lên thay. Chú của tân vương là Po Parichanh tự đứng ra nhiếp chính, rồi tự xưng vương năm 1442, hiệu Bí Cai (Maha Vijaya) và được nhà Minh công nhận.
Vừa lên ngôi, Bí Cai liền mang quân tấn công nhà Lê và bị đánh bại. Vua Lê Nhân Tôn tiến chiếm Phật Thành (còn gọi là Đồ Bàn, Chà Bàn, Vijaya) bắt được nhiều vương tôn Champa, trong đó có công chúa Po Sahnar, rồi rút về. Ba Đích Lại cùng hoàng gia phải chạy lên núi trốn trong những buôn làng của người Thượng như Trà Toàn (Po Ka Prah), Trà Toại (Po Ka Prih). Kinh đô Phật Thành (Vijaya) bị nhà Lê đổi thành Đồ Bàn.
Trong hai năm 1444 và 1445, Bí Cái nhiều lần dẫn quân tiến vào Hóa châu nhưng đều bị đẩy lùi. Năm 1446, được Maha Quí Lai hướng dẫn, quân Lê chiếm thành Đồ Bàn, bắt sống Bí Cai và tất cả phi tần đem về Thăng Long. Maha Quí Lai được nhà Lê tôn lên làm vua Chiêm Thành và chịu triều cống, quan hệ giữa hai nước tốt đẹp trở lại. Năm 1448, Lê Nhân Tôn đánh dẹp các lực lượng Thượng do những hoàng tôn Chăm lãnh đạo, chiếm xứ Bồn Man (Djarai-Kontum) và đặt thành châu Quy Hợp rồi giao cho một vương tôn Chăm thần phục nhà Lê cai quản.
Năm 1449 Maha Quí Lai bị người em tên Bí Do (Maha Kido) bắt giam rồi xưng vương. Bí Do sai Giao Nể Mỗ và Bàng Thoan sang Đại Việt báo tin, vua Lê không những không công nhận mà còn khiển trách nặng nề. Sau biến cố này, Bí Do đuổi 70 gia đình Việt định cư tại Chiêm Thành về nước rồi ngưng luôn việc xin tấn phong. Năm 1452, Quí Lai mất, Bí Do sai sứ sang Trung Hoa xin nhà Minh công nhận và được phong vương năm 1457.
Chiêm Thành bị phân hóa
Năm 1472, Bố Trì Tri, cháu của Trà Toàn, chạy về Panduranga (Giao Nam) xưng vương, hiệu Thái Da (Jayavarman Mafoungnan). Tân vương sai sứ sang Đại Việt xin thừa nhận và xin tiếp tục triều cống. Ranh giới phân chia hai nước được xác nhận tại đèo Cù Mông, cạnh chân núi Thạch Bi.
Vua Lê Thánh Tôn áp dụng chính sách bảo hộ, chia Chiêm Thành ra làm ba tiểu quốc, phong ba tiểu vương cai trị.
1. Bồ Trì Tri cai quản đất Giao Nam, tức Nam Chiêm Thành gồm Kauthara và Panduranga, bằng 1/5 lãnh thổ cũ, từ mũi Kê Gà trở xuống gồm 5 lãnh địa : Aya Tră (Nha Trang), Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Phan Rí (Parik) và Pajai (Phố Hài, gần Phan Thiết). Giao Nam (tức Panduranga) được độc lập về chính trị, kinh tế và tín ngưỡng nhưng phải triều cống nhà Lê. Kinh đô trong giai đoạn đầu đặt tại Virapura, tức Phan Rang.
2. Trà Toại cai trị đất Nam Phan : xứ Bồn Man, tức châu Quy Hợp (Tây Nguyên ngày nay và một phần cao nguyên Attopeu Nam Lào).
3. Một vương tôn Champa (người Thượng) khác cai quản đất Hóa Anh : lãnh thổ Aryaru cũ (Phú Yên).
Sau 1471, lãnh thổ của vương quốc Chiêm Thành phía nam (Kauthara và Panduranga) chỉ còn từ đèo Cù Mông đến mũi Kê Gà (cap Varella). Lãnh thổ Đại Việt mới kéo dài từ ải Nam Quan đến đèo Cù Mông. Phần đất Chiêm Thành cũ, gọi là Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) được chia thành ba vùng gồm Đại Chiêm tức Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (Quảng Ngãi) và Đồ Bàn (Bình Định). Một tướng Chăm tên Bà Thái (Po Thai) làm tri phủ đất Đại Chiêm. Những quan Đại Việt cai trị Đồ Bàn và Cổ Lũy có quyền tiền trảm hậu tấu.
Hàng đoàn người Chăm, trong đó có nhiều gia đình vương tôn không chấp nhận sự cai trị của người Việt tại Cổ Lũy, chạy vào rừng sâu trên lãnh thổ xứ Láng Cháng (Luang Prabang, Bắc Lào) lánh nạn, một số vượt Trường Sơn chạy sang Chân Lạp định cư. Đây là cuộc di dân lần thứ tư sau các đợt di tản năm 986, 1285 và 1318. Lê Thánh Tôn đổi tên đất Cổ Lũy thành đạo Quảng Nam gồm 3 phủ (Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn) và 9 huyện.
Trên cao nguyên một lãnh tụ Chăm tên Công (còn gọi là Chăm Công) được sự giúp đỡ của vương quốc Láng Cháng tổ chức đánh phá các làng xã và đồn phòng thủ của quân Việt. Năm 1479, Lê Thánh Tôn mang đại binh gồm 180.000 người sang Láng Cháng dẹp loạn Chăm Công, truy đuổi vua Láng Cháng sang lãnh thổ Miến Điện. Vua Lê giao một vương tôn Chăm thân Đại Việt cai trị xứ Quy Hợp gồm 7 huyện và cho thành lập phủ Trấn Ninh giao cho một quan người Việt cai trị.
Tại Nam Bàn, Lê Thánh Tôn cho thành lập Thái bộc tư khanh, một bộ phận hành chánh chuyên lo đặt lại cho đúng qui chế họ tên của người Chăm theo đúng phiên âm Đại Việt. Vì người Chăm không có họ nên việc xét tên đặt họ rất khó khăn, nếu tên có nhiều chữ thì chỉ giữ lại ba chữ cuối : thí dụ như Tô Môn Tô Sa Môn viết thành Tô Sa Môn, Sa Qua Sa Oa Qua thành Sa Oa Qua...
Vua Lê còn ra lệnh cấm quan viên và dân chúng Việt chứa chấp người Chăm. Nhà Lê đưa những tội phạm biệt xứ gốc Kinh vào các châu Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (thuộc đạo Quảng Nam) khai phá đất mới. Những lưu dân này lúc ra đi, hoặc độc thân hoặc không được mang theo gia đình, một số đã lập gia đình với các thiếu nữ Chăm và sinh con đẻ cái. Con cái của những người này sau đó đã trở thành người Việt, quên hẳn gốc Chăm của mẹ và đã trở thành những người miền Trung. Người Chăm tại Phan Rang gọi những người Chăm mang hai giòng máu tại Quảng Nam và Bình Định là Chăm Hoi (người Việt gọi là Hời). Phụ nữ Chăm Quảng Nam và Bình Định lấy chồng Việt là chuyện thường, nhưng rất hiếm trường hợp phụ nữ Chăm tại Ninh Thuận và Bình Thuận lấy chồng Việt, vì khác biệt tôn giáo, đa số theo đạo Chăm Bani (Hồi giáo cải cách).
Dân chúng Việt sống trên các lãnh thổ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, tức Indrapura cũ, thỉnh thoảng bị người Hroi, một bộ lạc gốc Malayo Polynesien cư ngụ trên Tây Nguyên, tràn xuống đánh phá, từ đó người miền Trung gọi chung tất cả những người có nước da đen đủi ở trần là Hời. Về sau danh xưng này được đồng hóa với người Chăm trước thế ky 15. Thật ra người Chăm lai Thượng hay Thượng gốc Chăm được người Chăm Phan Rang gọi là Chăm Pal, không liên quan gì đến người Chăm Hoi tại Bình Định. Họ là những người thuộc các bộ lạc Rhadé, Raglai, Churu v.v...
Năm 1478, Bố Trì Tri mất,em à Koulai lên thay và bị ám sát tại Lão Qua (Lào) năm 1505, con là Chakou Poulo kế nghiệp. Chakou Poulo lo mở mang xứ sở, giao hảo với Trung Hoa và được nhà Minh sắc phong năm 1515 và nhìn nhận vương quốc Nam Chiêm Thành cho tới năm 1543. Thuyền buôn ngoại quốc (Trung Hoa, Mã Lai, Khmer, Bồ Đào Nha và Hòa Lan) vẫn lui tới các hải cảng Panduranga buôn bán tấp nập trong những thế ky 16 và 17.
Đầu thế ky 16, người Chăm trong các vùng đất Thuận Hóa và Nam Bàn thường hay nổi lên đánh giết những gia đình người Việt đến định cư lập nghiệp. Đất Nam Bàn trở nên khó cai trị, việc quản trị sau đó phải giao cho những quan Việt. Được sự đồng ý của chúa Trịnh, vua Lê sai Nguyễn Hoàng trấn thủ đất Thuận Hóa giữ yên bờ cõi phía Nam. Nhiều gia đình hoàng tộc Champa sinh sống trên vùng đất này chạy về Panduranga tị nạn. Một số dân cư Chăm sinh sống dọc các bờ biển miền Trung trở thành những nhóm hải tặc tổ chức cướp phá các đội thương thuyền ngoại quốc, nhất là của người Bồ Đào Nha và Hòa Lan, đi lại trong vùng để sinh sống. Địa Bàn hoạt động của các đám hải tặc là quanh các đảo Côn Lôn và Phú Quý.
Chiêm Thành trên danh nghĩa không còn được nhắc tới nữa, nhưng trong thực tế vương quốc Chiêm Thành đối với người Chăm vẫn tồn tại mặc dù đất đai bị thu hẹp. Sau này vào thời Nguyễn sơ, nhất là dưới thời Nguyễn Hoàng, vương quốc Chiêm Thành được nhìn nhận trở lại.
Đối với nhiều sử gia và học giả phương Tây, biến cố 1471 đánh dấu sự giải thể vương quốc Chiêm Thành, không một biên khảo lịch sử hay niên giám triều đình Chiêm Thành nào được phổ biến từ sau ngày đó. Trong thực tế, sinh hoạt triều chính của các dòng vương tôn Chiêm Thành vẫn tiếp tục, với một qui mô tuy nhỏ hẹp nhưng không kém phần xúc tích. Tuy vậy tìm hiểu lịch sử người Chăm trong giai đoạn này rất là khó khăn vì thiếu chứng liệu, người viết đã dựa vào các nguồn sử liệu Việt Nam, đối chiếu với nhiều nguồn sử liệu khác của nước ngoài để phác họa lại giai đoạn thiếu sót này.
Nam Chiêm Thành trong thế kỷ 16
Sau 1471, nhóm hoàng tộc Chăm từ Nam Bàn (từ Quảng Nam đến Đồ Bàn) chạy về Giao Nam (Bình Thuận) lánh nạn và tranh chấp quyền bính với các dòng vương tôn địa phương tại Phan Rang (Virapura). Nhóm người này tự nhận là truyền nhân đích tôn của vương triều cũ (vương triều Vijaya) và kêu gọi dân chúng địa phương không thừa nhận dòng họ Bố Trì Tri (Jayavarman Mafoungnan) vì chỉ là cấp thừa hành của các dòng tiên vương. Tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt, các dòng vương tôn Nam Bắc Chiêm Thành kết thành từng phe nhóm tranh chấp lẫn nhau. Với thời gian, dòng dõi vương tôn Nam Bàn được dân chúng mến chuộng và tôn lên làm vua cai trị lãnh thổ Nam Chiêm Thành. Yếu tố bộ tộc truyền thống Cau và Dừa phai dần trong ký ức tập thể dân gian và kể từ thế kỷ 15 trở về sau huyền thoại này không còn được nhắc tới nữa. Dân chúng Panduranga (Nam Chiêm Thành), quá mệt mỏi trước các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và nội chiến, muốn quên đi quá khứ để chỉ chăm lo cuộc sống hằng ngày.
Dòng họ Bố Trì Tri không trị vì lâu. Năm 1478 Bố Trì Tri mất, em là Koulai lên thay nhưng năm 1505 bị ám sát tại Champassak (Nam Lào), con là Chakou Poulo kế nghiệp và trị vì đến 1530 thì mất. Kể từ sau ngày đó con cháu dòng vương tôn Nam Bàn được hoàng triều và dân chúng tôn lên làm vua. Con Trà Toại là hoàng thân Po Karutdrak được tôn lên làm vua, kế nghiệp Chakou Poulo cai quản xứ Panduranga. Con Karutdrak, thái tử Maresarak làm vua năm 1536. Po Kanarai lên ngôi năm 1541, hiệu Chế Bãi. Năm 1553 Chế Bãi mất, Po Ất (Po At) lên thay.
Trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, người Chăm phía Bắc vẫn thỉnh thoảng nổi lên quấy phá Thuận Hóa (châu Ô và châu Rí). Nhân cớ này, Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, rồi bí mật xây dựng cho mình và con cháu cơ nghiệp riêng. Mỗi lần các chúa Nguyễn bị các chúa Trịnh làm áp lực, vương quốc Chiêm Thành lãnh nhận những hậu quả.
Năm 1560, Nguyễn Hoàng bị Trịnh Kiểm buộc phải nộp hàng năm 400 cân bạc, 500 tấm lụa nếu muốn được yên. Không sao tìm đủ phẩm vật dâng nộp, Nguyễn Hoàng cử người xuống Aryaru (Tuy Hòa) thông báo cho vua Po Ất cung cấp số lượng phẩm vật nói trên, nhưng bị từ chối. Liền tức thì, Nguyễn Hoàng xua quân tiến chiếm Phan Rang, quân Chăm rã hàng, hàng ngàn người chạy theo Po Ất lên Tây Nguyên lánh nạn. Sau khi cướp phá các đền đài và tịch thu hết tài sản của hoàng gia Chiêm, Nguyễn Hoàng rút quân về nước nhưng để lại số binh sĩ trấn giữ Tuy Hòa. Năm 1579, lợi dụng sự yếu kém của quân Chăm, một hoàng thân Khmer trấn thủ lãnh thổ đông-bắc Chân Lạp (Mondolkiri và Rattanakiri) dẫn đại quân tiến vào Phan Rang giết Po Ất rồi tự xưng vương, hiệu Po Klong Halau (Po Klău Haluv).
Nam Chiêm Thành trong thời Nguyễn sơ
Sau khi làm chủ toàn bộ lãnh thổ Panduranga, Po Klong Halau (1579-1603) mở rộng giao thương với phương Tây, nhà vua tìm mua súng điểu thương và những khẩu đại pháo phòng thủ bờ biển và kinh thành. Không bao lâu sau, vương quốc Panduranga trở nên hùng mạnh, Po Klong Halau tổ chức nhiều cuộc tấn công vào lãnh thổ Đại Việt, chiếm Thành Hồ (Tuy Hòa) trên sông Đà Rằng năm 1579 và thách đố các thế lực khác trong vùng, nhất là Chân Lạp.
Trước sự đánh phá của quân Chiêm phía nam và áp lực quân sự của chúa Trịnh phía bắc, Nguyễn Hoàng không những bỏ qua việc mất Thành Hồ mà còn đề nghị thành lập một liên minh quân sự với Chiêm Thành. Po Klong Harau cũng muốn được yên với Đại Việt để chống trả những cuộc tiến quân của Chân Lạp nên đã chấp thuận. Năm 1594, nhà vua gởi quân sang tiếp cứu tiểu vương Johore, đất Madjapahit (bán đảo nam Mã Lai, gần Singapore), chống lại sự tấn công của quân Bồ Đào Nha.
Năm 1597, vua Khmer Chetta I (tiếng Chăm là Cau Bana Tan, hiệu Paramaraja V) mang quân đánh Chiêm Thành viện cớ Po Klong Harau làm phản không chịu sát nhập Panduranga vào lãnh thổ Chân Lạp. Nhờ được trang bị những loại vũ khí mới, quân Chăm đánh bại quân Khmer trong những trận đầu và còn tiến sâu vào nội địa Chân Lạp. Về sau, được người Chăm tị nạn tại Chân Lạp ủng hộ, quân Khmer phản công trở lại và cuộc chiến trở nên ngang ngửa. Khi quân Chăm rút lui về nước, quân Khmer do tướng Ukana Tejo và hai tướng gốc Chăm, Po Rat và Laksmana chỉ huy, tiến vào Panduranga cướp các khẩu trọng pháo do người Bồ Đào Nha cung cấp.
Liên minh giữa Đàng Trong và Panduranga cũng không bền lâu. Năm 1603 khi Po Klong Halau qua đời, con là Po Thikdhik lên thay, hiệu Po Nit. Po Nit không những không chịu thông sứ với xứ Đàng Trong mà còn xây kho lương, tuyển mộ binh sĩ đánh phá phủ Hoài Nhơn, đạo Quảng Nam. Nguyễn Hoàng liền thành lập dinh Phú Yên và đưa một số di dân gan dạ vào lập các "lân" (làng biên giới) để canh tác và dò xét tình hình.
Năm 1611, sau khi củng cố xong thế lực ở phía bắc đèo Ngang, Nguyễn Hoàng sai một người Chăm không rõ tên, gọi là Văn Phong (Văn Phong là tên một chức chủ sự) dẫn quân qua đèo Cù Mông chiếm thành Phú Yên (Aryaru), tổ chức dinh điền và đưa dân từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định vào định cư, lập ra hai xã Đồng Xuân và Tuy Hòa. Quân Chăm tấn công liên tục hai xã mới này, nhưng không thành công. Po Nit mất năm 1613, em là Po Chai Păran kế nghiệp. Po Chai Păran dời đô từ Virapura (Phan Rang) về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí) đề phòng chúa Nguyễn tấn công bất ngờ. Năm 1618 Po Chai Păran mất, con là Po Ehklang lên ngôi.
Năm 1622 nội bộ triều chính Panduranga có loạn, một vương tôn đạo Bani tên Po Klong Menai (Po Klău Manai) giết Po Ehklang rồi tự xưng vương, hiệu Po Mahtaha. Dưới thời Po Klong Menai, xung đột với người da trắng và tôn giáo trở nên trầm trọng. Trong những năm 1622-1630, thuyền buôn của các thương nhân Hòa Lan qua lại trên Biển Đông bị quân "Mã Lai" (thực ra là người Chăm) cướp bóc và thương điếm của người phương Tây tại Côn Sơn thường xuyên bị đập phá, những cơ sở truyền đạo của các giáo sĩ phương Tây trên lãnh thổ Panduranga đều bị đốt. Những vị lãnh đạo các tôn giáo Bà La Môn và Bani cũng nhân cơ hội xúi giục giáo dân chống phá lẫn nhau trong những dịp lễ lạc. Đất nước trở nên loạn lạc, dân chúng sống trong cảnh lầm than, tại mỗi nơi các lãnh chúa và tù trưởng địa phương tùy theo sức mạnh của mình tổ chức đánh phá các nơi khác để cướp bóc lương thực.
Trước cảnh loạn lạc này, năm 1627, một tù trưởng người Thượng gốc Churu tên Thốt được dân chúng Chăm và người Thượng tôn lên làm lãnh tụ đứng ra dẹp loạn. Dẹp loạn xong, tù trưởng Thốt được dân chúng tôn lên làm vua, hiệu Po Romé (Pô Rômê). Việc đầu tiên của tân vương là buộc các lãnh tụ tôn giáo Bà La Môn và Bani (các thầy Paseh và thầy Char) phải sinh hoạt chung với nhau, phân chia những ngày lễ lớn như các lễ nghi về nông nghiệp (lễ dựng chòi, lễ mừng cây lúa, lễ cúng chúa lửa, lễ cúng sân lúa, lễ cúng cơm mới...) cho hợp lý để các thầy tế lễ và giáo dân đạo kia có thể tham dự. Po Romé (1627-1651) là một vị vua sáng suốt, biết tổ chức, chăm lo đời sống dân chúng, đất nước sống trong thái hòa. Gần như tất cả các vương quốc địa phương đều giao thương với Chiêm Thành : Xiêm La, Chân Lạp, Ai Lao, Ấn Độ, Mã Lai và Đại Việt, kể cả với các quốc gia phương Tây. Nhiều đập nước lớn dẫn thủy nhập điền (như đập Marên) được thành lập tại những nơi khô cằn và triền núi để dân chúng canh tác. Nhà vua chọn Krong Laa (làng Palai Bachong, xã Hòa Trinh, thị xã Phan Rang, trên quốc lộ 1, cách Sài Gòn 310 cây số) làm kinh đô, cạnh sông Krong Binh (sông Viêu). Nơi này trước kia là kinh đô cũ (Virapura) của vua Satyavarman, được trồng nhiều cây Kraik tượng trưng cho uy quyền của vua.
Năm 1629, một chủ sự người Chăm, gọi là Văn Phong, nổi lên đánh phá các làng di dân người Việt tại Phú Yên. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh mang quân xuống đánh dẹp và thành lập Trấn Biên Dinh, lấn sâu vào lãnh thổ Chiêm Thành tới chân núi Thạch Bi (đèo Cả) để bảo vệ di dân. Sau thất bại này, Po Romé làm hòa và xin cưới con gái thứ ba của Sãi Vương là công chúa Ngọc Khoa (em của Ngọc Liên và Ngọc Vạn, đã gả cho vua Chân Lạp Chetta II năm 1620, và là chị của Ngọc Đỉnh), gọi là Po Bia Út, tước hiệu hoàng hậu Akaran.
Cũng nên biết Po Romé có rất nhiều vợ. Vợ thứ nhất tên Po Bia Suthi (hay Po Bia Suchi), con vua Po Ehklang, không có con. Po Romé lên cao nguyên Đắc Lắc cưới người vợ thứ hai, con một tù trưởng Rhadé, tên Po Bia Thanh Chan (hay Po Bia Suncan) và sinh hạ được nhiều con. Sau cùng nhà vua xin cưới công chúa Ngọc Khoa, vợ thứ ba và cũng là vợ út của Po Romé (không tài liệu nào nhắc đến con cái của bà Ngọc Khoa). Tuy là sui gia với chúa Nguyễn, quân Chăm vẫn thỉnh thoảng tấn công quân Việt tại Phú Yên. Năm 1651, trong một trận giáp chiến với quân Việt, Po Romé bị tử thương. Dân chúng Chăm rất thương tiếc và xây cho ông một tháp lớn tại Phan Rí để thờ, gọi là tháp Po Romé (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước).
Năm 1652, Po Nraup, người con cùng mẹ khác cha với Po Romé, lên ngôi, hiệu Bà Thâm (còn gọi là Bà Tấm hay Bà Bì). Bà Thâm là một người Chăm lai Thượng (Chăm Pal), cha là người Chăm, mẹ là người Churu. Vừa lên ngôi Bà Thâm dẫn quân tấn công Trấn Biên Dinh, chiếm lại thành Phú Yên. Hiền vương Nguyễn Phúc Tần sai tướng Hùng Lộc (một người gốc Chăm theo chúa Nguyễn) mang 3.000 binh sĩ vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả, núi Thạch Bi), đánh bọc hậu, chiếm Aya Tră (Nha Trang), bắt được Bà Thâm. Để cầu hòa, Bà Thâm dâng đất Kauthara và chấp nhận lấy xã Kamran (Cam Ranh) làm ranh giới : phần đất phía nam sông Phan Rang thuộc vua Chiêm Thành, phần đất phía bắc thuộc về chúa Nguyễn (lãnh thổ Kauthara) và đổi tên thành phủ Thái Ninh (gồm Thái Khang và Diên Ninh), sau là phủ Diên Khánh (Khánh Hòa). Tướng Hùng Lộc được phong làm thái thú. Nhiều đoàn người Chăm, lo sợ bị trả thù, vượt cao nguyên Đắc Lắc sang Xiêm La lánh nạn, đông nhất là tại Ayuthya.
Lãnh thổ Panduranga như vậy chỉ còn lại 4 địa phận : Panră (Phan Rang), Krău (Long Hương), Parik (Phan Rí) và Pajai (Phố Hài). Kinh đô dời về Bal Canar (thôn Tịnh Mỹ, Phan Rí). Vương quốc Nam Chiêm Thành mất đi những hải cảng lớn, việc giao thương với các tàu buôn phương Tây giảm dần và mất hẳn vào giữa thế kỷ 18, người Champa trở thành một dân tộc lục địa, mất hẳn khả năng hàng hải và ngư nghiệp.
Năm 1653 Bà Thâm qua đời, hoàng thân Po Prik Tirai Pakhuoh được chúa Nguyễn cho lên thay. Po Prik Tirai là con trai vương phi người Rhadé (Po Bia Tanchan) của Po Romé. Năm 1657, Po Ja Tanưh, rể vua Po Prik, được chúa Nguyễn phong vương (đề đốc đại tướng). Năm 1659, Po Saut (Bà Tranh) lên ngôi trị vì đến năm 1692.
Cũng nên biết từ 1620, vua Chân Lạp là Chey Chetta II tặng Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên đất Đồng Nai làm quà cưới công chúa Ngọc Vạn, nhưng vì bận đối phó với chú Trịnh nên chúa Nguyễn chưa thể đưa người vào khai phá ngoài những lưu dân phiêu lưu và tội phạm bị đày xa xứ. Từ sau ngày đó, vương quốc Nam Chiêm Thành nằm trong thế gọng kìm giữa hai thế lực, xứ Đàng Trong và Chân Lạp. Quân Việt có băng qua lãnh thổ Panduranga năm 1630 giúp Chey Chetta II nhưng rút về hết khi xong nhiệm vụ. Năm 1679 nhân có hai vị tướng nhà Minh xin tị nạn, chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Đồng Nai. Phong trào di dân Việt từ Diên Khánh vào Đồng Nai trong giai đoạn này còn rất hạn chế vì không thể băng ngang lãnh thổ Chiêm Thành bằng đường bộ trong khi tàu thuyền thì quá hiếm hoi và chỉ dành cho nhu cầu triều chính và quân sự.
Năm 1691, Bà Tranh (Po Saut) xua quân đánh Diên Ninh với hy vọng chiếm lại Kauthara, rồi không chịu triều cống nữa. Năm 1692, Minh vương Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính chiếm Panduranga, giết Bà Tranh và bắt theo một số cận thần gồm Kế Bà Tử (Po Saktiray Depatih), Tả Trà Viên (Po Thutirai Depatih), vương phi Bà Ân cùng rất nhiều binh sĩ đem về giam tại núi Ngọc Trản (Thừa Thiên). Hoàng thân Po Chongchan (Po Choncăin) được đưa lên kế nghiệp và bị buộc phải triều cống nhiều phẩm vật quí hiếm cùng vàng bạc cho chúa Nguyễn, lúc đó ngân khố đang rất thiếu hụt. Không chịu nổi sự áp đặt này, năm 1692 Po Chongchan bỏ vương triều, dẫn theo khoảng 5.000 gia đình tín đồ đạo Bani chạy sang Chân Lạp tị nạn. Đây là đợt tị nạn thứ sáu (sau năm 986, 1285, 1318, 1471 và 1652) của người Chăm ra hải ngoại và là đợt tị nạn thứ hai sang Chân Lạp. Đoàn người di tản đã để lại nhiều tài sản quí báu cho người Churu và người Kaho cất giữ trên cao nguyên Đồng Nai thượng và Langbian. Tại Chân Lạp, nhóm người này họp với nhóm "Mã Lai" (người Khmer gốc Chăm theo đạo Hồi) tạo thành nhóm Chăm Java, theo đạo Hồi chính thống. Một số sau đó về định cư tại Châu Đốc gọi là Chăm Islam (Chăm Islam khác với Chăm Bani, mặc dù cùng là đạo Hồi). Từ 1692 đến 1695, người Chăm tại Panduranga không có vua.
Quân Việt liền tiến chiếm Panduranga đang bị bỏ trống và đặt cho tên mới là trấn Thuận Thành. Những lãnh địa cũ của người Chăm cũng được đổi tên và giao cho các tướng Việt nắm giữ : Nguyễn Trí Thắng cai quản Phố Hài, Nguyễn Tấn Lễ địa phận Phan Rí, Chu Kiêm Thắng lãnh thổ Phan Rang.
Tháng 8-1693, trấn Thuận Thành đổi thành phủ Bình Thuận (trấn là khu quân sự chưa ổn định, phủ là khu vực hành chánh đã ổn định). Dân chúng Chăm không chấp nhận sự cai trị trực tiếp của người Việt đã nổi lên chống đối. Để trấn an, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Kế Bà Tử, em vua Po Saut, làm khám lý (tỉnh trưởng) phủ Bình Thuận, ba người con của Bà Ân làm đề đốc (quận trưởng) thay mặt Minh vương cai trị và thâu thuế. Những tù binh Chăm bị giam tại Huế cũng được trả về phủ Bình Thuận ; tất cả buộc phải ăn mặc như người Việt : quan thì áo thụng, mũ cánh chuồn, đi hia ; binh lính thì mặc áo cộc, đội nón lá, không được vấn váy (sà rông), tóc bới ra sau. Người Chăm tại phủ Bình Thuận được hưởng qui chế giám hộ (tự trị về hành chánh, kinh tế và tôn giáo) đã tỏ ra bớt chống đối nhưng sự căng thẳng vẫn tồn tại.
Năm 1696, nhân có nạn đói, một người Hoa tên A Ban và một hoàng thân Chăm tên Ốc Nha Thát xúi giục dân chúng nổi loạn nhưng liền bị dập tắt. Sau biến cố này, qui chế bảo hộ bị hủy bỏ, phần đất đông người Chăm cư ngụ nhất tại phủ Bình Thuận đổi thành trấn Thuận Thành, Kế Bà Tử được phong làm "phiên vương" (vua), một tước ngang với vua Chăm cũ, và được giao lại ấn kiếm, yên mã. Kể từ cuối thế kỷ 17, người Chăm tuy mất độc lập nhưng vẫn còn hưởng qui chế tự trị.
Trấn Thuận Thành thật ra chỉ còn là một vùng đất nhỏ tại Phan Rang và Phan Rí, người Chăm gọi là Bal Prădară (Thuận Hải), gồm hai huyện An Phước (phía nam Phan Rang) và Hòa Đa (phía nam Phan Rí). Cung đình vua Chăm đặt tại Bal Canar (Tịnh Mỹ) về hình thức. Bên cạnh sự quản trị đó, phong trào di dân lập ấp của người Việt vào trấn Thuận Thành ngày càng gia tăng. Những làng Việt Nam, hơn 200 làng, tạo thành những khoảng da beo trong lãnh thổ Prădară. Những người Chăm bất mãn bỏ lên cao nguyên sống lẫn lộn với người Thượng (Churu, Kaho và Djarai) tại Djiring (Lâm Đồng), một số khác chạy sang Chân Lạp hòa nhập với nhóm Chăm Java đã có từ trước. Sự thù ghét người Việt tại Chân Lạp do những nhóm Chăm di cư gieo rắc bắt đầu manh nha trong lòng người Khmer.
Sự cộng cư giữa người Chăm và Việt rất là khó khăn, do bất đồng văn hóa, tôn giáo, hành chánh và việc khai thác đất đai ngày càng gay gắt. Năm 1712, một quan lại và khoảng 30 binh lính Kinh được tăng cường để phụ giúp Kế Bà Tử về hành chánh. Sự hiện diện của những Kinh binh này làm người Chăm bất mãn vì nhiều khu đất tốt lần lượt lọt vào tay nhóm người này. Từ đó người Chăm sống co cụm lại trong hai huyện An Phước và Hòa Đa để duy trì bản thể và phong tục tập quán riêng. Tại Phan Lý Chàm, người Kinh thành lập bốn thôn giữa các làng Chăm : Xuân Quang (xóm Ổi), Xuân Hội (xóm Tầm), Tuân Giáo (xóm Rau Cá) và Tuân Mục. Về sau những di dân này lập gia đình với thiếu nữ Chăm, gọi là người Kinh Cựu (Cựu ở đây là người Chăm). Một số tù binh Việt Nam, bị bắt từ thế kỷ 18, chấp nhận ở lại Chiêm Thành lập gia đình với phụ nữ Chăm cũng được gọi là người Kinh Cựu (Chăm Yuôn, tức người Chăm lai Việt).
Để duy trì tốt sự tuân phục của các dòng vương tôn Chăm, các chúa Nguyễn lần lượt phong vương con cháu Kế Bà Tử và Tả Trà Viên. Kế Bà Tử trị vì đến năm 1727. Năm 1728, Nguyễn Phúc Chu phong Po Jinah Depatih, cháu Kế Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành. Năm 1731, Tả Trà Viên, con Po Saut, lên thay. Năm 1732, Po Rattirai Depatih, cháu Kế Bà Tử, làm vương trấn Thuận Thành. Con Rattirai, Po Tathun Demurai kế nghiệp năm 1763. Po Tithuntirai Rakhuoh (Rakhvăh), con Tả Trà Viên, được chúa Nguyễn tấn phong năm 1765, nhưng đến năm 1768 mới chính thức chấp chánh.
Người Chăm trong thời nhà Nguyễn
Dưới thời Gia Long (1802-1820), qui chế tự trị của người Chăm được duy trì trong chừng mực. Phong trào di dân và chính sách ban thưởng ruộng đất cho các công thần tại trấn Thuận Thành đã đẩy những người không chấp nhận sự cai trị của nhà Nguyễn vào chốn rừng sâu và đất cao. Dòng họ còn lại của vị vua cuối cùng là Po Chongchan không được Gia Long nhìn nhận, tất cả bỏ sang Chân Lạp tị nạn. Những vùng đất tốt quanh thành Đồ Bàn cũ trước kia, do người Chăm Hroi cư ngụ và bị kết tội theo Nguyễn Huệ, đều bị tịch thu. Thành Đồ Bàn bị đổi tên thành Bình Định, tức đã dẹp yên được loạn Tây Sơn.
Về hành chánh, Gia Long sát nhập trấn Thuận Thành (trước kia trực thuộc thuộc phủ Bình Thuận) vào Gia Định thành và phong Nguyễn Văn Chấn (Po Săununcăn) làm chính vương, dưới quyền quản trị trực tiếp của tổng trấn Lê Văn Duyệt. Tước vương này tương đương với chức chưởng cơ của triều đình Huế và được người Chăm nhìn nhận như là vua (patau). Năm 1807, Nguyễn Văn Vĩnh (Po Klănthu) lên thay và được phong làm phó vương.
Lo sợ thế lực của Lê Văn Duyệt lấn át uy quyền của mình tại miền Nam, năm 1822 Minh Mạng đặt phủ Bình Thuận trực thuộc Phú Xuân. Phó vương Nguyễn Văn Vĩnh bị triệu về Huế giam lỏng vì tình nghi theo Lê Văn Duyệt. Phó tổng trấn Gia Định thành kiêm trấn thủ phủ Bình Thuận, Trương Văn Chánh, cũng bị triệu về kinh, một thân tín của Minh Mạng là Mai Gia Lương được đưa vào thay.
Năm 1823, khi chính vương Nguyễn Văn Chấn lâm bệnh qua đời, Mai Gia Lương đưa một người Chăm thân tín tên Bait Lan lên thay nhưng không được người Chăm công nhận. Minh Mạng buộc phải đưa Nguyễn Văn Vĩnh về làm vương để giữ yên nhân tâm và ban cho ấn đồng "Quản Lý Thuận Thành Quan Phòng". Với sự tín cẩn này, Nguyễn Văn Vĩnh áp dụng chính sách cai trị khe khắt của Minh Mạng khiến dân chúng Chăm bất mãn và không nhìn nhận ông là truyền nhân đích tôn của dòng Kế Bà Tử. Nhiều nhân sĩ Chăm vào Gia Định cầu cứu Lê Văn Duyệt nhưng tả quân bất lực vì Minh Mạng đã tước hết quyền. Các nghi lễ của người Chăm bị cấm cử hành ngoài trời và chốn đông người.
Năm 1829 Nguyễn Văn Vĩnh mất, không người kế vị. Lê Văn Duyệt đề nghị Nguyễn Văn Nguyên (hoàng tử Po Dhar Kauk), con Nguyễn Văn Vĩnh, lên làm phó vương Gia Định Thành kiêm trấn thủ trấn Thuận Thành, hiệu Po Kabait Thvac, lên thay. Minh Mạng, ngược lại, chọn Nguyễn Văn Thừa (Po Phauk Tha), con Nguyễn Văn Chấn, lên thay nhưng chỉ cho giữ chức tuần phủ (kham ma).
Nhiều phong trào chống đối nhà Nguyễn đã xảy ra nhưng đều bị dep tan trong biển máu như cuộc nổi dậy của Tà La Văn (Ja Lidon), một người Thượng ở Cam Tăng, Phan Thiết, năm 1823 ; của Nvait Kabait, một tướng người Thượng trên Đồng Nai thượng, năm 1826 ; của Katip Sumat, một tu sĩ Hồi giáo toàn nguyên, kêu gọi thánh chiến chống các đạo khác tại Ninh Thuận năm 1833 ; của Ja Thakva (Điền Sư), tại Bình Thuận năm 1834.
Minh Mạng buộc người Chăm phải lấy một trong sáu họ Việt do chính nhà vua ban : Nguyễn, Dụng, Lâm, Diệp, Hắc, Tôn. Về sau có thêm các họ : Thiên, Quảng, Bá, Đàng, Thiết, Thổ, Dương v.v... Người Bani có các họ Inh Khrit, Inh Gra, Yang Inh, Than Bra, Băng Tay Bajang, Popat v.v... Tên thánh của người Chăm theo đạo Hồi tại Châu Đốc phải phiên âm ra tiếng Nôm thành một họ như Hosen thành Châu Sanh, Mahli thành Mạch Ly v.v...
Trong hai năm 1854 và 1858, nhiều người Chăm Islam sống sót sau những cuộc tàn sát của quân Khmer chạy qua Châu Đốc tị nạn, được Trương Minh Giảng cho định cư cùng với những người Chăm có mặt từ trước ở vùng biên giới dọc theo sông Hậu gần Châu Đốc (rạch Bình Gỉ) và Tây Ninh ; tất cả sinh sống bằng nghề trồng rau quả, lúa nước và thương mại. Người Chăm miền Tây thành lập được 7 làng (Châu Giang, Katambong, Phum Soài, Lama, Kakôi, Ka Côki và Sàbâu), dân số khoảng 5.000 người chia làm 9 đội đặt dưới sự cai quản của quan hiệp quản người Kinh tại Châu Giang.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Sept 20, 2013 14:13:37 GMT 9
Những báo vật vô giá của Hoàng Tộc ChampaÍt ai biết rằng, những cổ vật quý giá của hoàng tộc Chăm như vương miện, hoàng bào, thư tịch cổ, sắc phong, bút tích... của các triều vua Nguyễn ban tặng cho Vua Pô Klông Mơ H'Nai có niên đại từ thế kỷ 17, vẫn được các gia tộc của dòng họ này lưu giữ cho đến tận ngày nay... Khám phá bảo vật cung đình Chúng tôi đã nghe danh các báu vật được ví quý hơn vàng ròng của vua Chăm từ lâu, song mãi đến gần đây chúng tôi mới có dịp tận mắt chứng kiến hàng trăm bảo vật của các triều đại vua Chăm. Các bảo vật này vẫn còn gần như vẹn nguyên và đang được vợ chồng ông Lư Thái Thuổi (ngụ tại thôn Tịnh Mỹ, thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình, Bình Thuận), hậu duệ của vua Chăm, Pô Klông Mơ H'Nai, gìn giữ. Có thể nói, đây là kho báu vô cùng quý hiếm của một dòng dõi quyền uy ngày nào và đến nay, nó được coi là vô giá... Tìm đến thôn Tịnh Mỹ hỏi gia tộc của vua Chăm Pô K’lông Mơ H'Nai thì hầu như ai cũng biết gia đình ông Lư Thái Thuổi (73 tuổi), có bốn thế hệ đang sinh sống cùng nhau. Những di vật hoàng tộc Chăm đang được gia đình ông Lư Thái Thuổi cất giữ và người dân địa phương quen gọi là "kho báu mở". Ông Lư Thái Thuổi bên kho báu mở của gia tộc. Ngày chúng tôi đến không phải ngày "kiêng" của hoàng tộc Chăm nên ông Lư Thái Thuổi cùng vợ là Nguyễn Thị Đào đã đồng ý cho chúng tôi lên chiêm ngưỡng những di vật của hoàng tộc Chăm đang được lưu giữ ở lầu 2 của căn nhà. Trước lúc "mục sở thị" các di vật của hoàng tộc Chăm, ông Thuổi giải thích: "Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, nên tài sản của cha mẹ phải để lại cho con gái út thừa kế. Người thừa kế lúc đó là cụ Nguyễn Thị Thềm, vào năm 1995 trong cơn bạo bệnh cụ đã mất, do không có con cái nối dõi nên vợ tôi là cháu gái đã được kế tục kho báu. Còn tôi là rể cũng phải có nhiệm vụ bảo ban con cháu cùng nhau chung sức bảo vệ, giữ gìn những di vật của hoàng tộc để lại". Hiện nay, chủ nhân đích thực của kho báu là vua Pô Klông Mơ H'Nai đang được thờ phụng tại ngôi đền mang tên vị vua này, nằm cách thôn Tịnh Mỹ khoảng 10km, thuộc thị trấn Lương Sơn, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Theo sử sách của người Chăm ghi lại, vua Pô Klông Mơ H'Nai tên thật là Pômưhata, lên ngôi vào năm 1622. Ông có hai người vợ là hoàng hậu Po Bia Sơm và thứ phi Nguyễn Thị Thương là con gái của chúa Nguyễn. Vua Pô Klông Mơ H'Nai là một vị vua được người Chăm tôn kính, yêu mến vì ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng kênh mương thủy lợi thúc đẩy canh tác, chăn nuôi, trồng trọt góp phần mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc. Đến năm 1627, ông nhường ngôi cho con rể là Pô KLong Gahul. Từ ngày vua Pô Klông Mơ H'Nai mất đi, các con cháu trong dòng tộc không chỉ cùng nhau gìn giữ các di vật do ông để lại, mà cộng đồng người Chăm còn chung sức xây đền thờ phụng vua trên một ngọn đồi cao có bốn gian, trên đỉnh gắn bốn con rắn thần makara để bảo vệ. Điểm ấn tượng nhất ở ngôi đền là nó được tạo tác từ một khối đá xanh lớn với nhiều hoa văn đặc sắc, cầu kỳ mang tư thế thiết triều. Ông Lư Thái Thuổi cho biết thêm: "Tượng vua Pô Klông Mơ H'Nai được tạc dựa theo trí nhớ truyền đời của những hậu duệ dưới thời vua Chăm". Tận mắt chứng kiến kho báu, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng. Với vô số món cổ vật có niên đại hàng trăm năm tuổi, trải qua những thăng trầm lịch sử, biến cố thời gian các bảo vật vẫn còn gần như nguyên vẹn. Chiếm số lượng lớn, khá phong phú là hàng chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa, các phi tần, cung nữ dưới các triều đại vua Chăm. Hoàng bào của vua mang phong thái uy nghiêm, dũng mãnh; đài các sang trọng là xiêm y của hoàng hậu, công chúa. Hầu hết trong các bộ trang phục đều được thêu chỉ vàng, có hoa văn tinh xảo, tương xứng với vị thế của con nhà quyền quý. Hình mẫu tượng vua Pô Klong Mo H'Nai và vương miện lúc vua thiết triều. Chưa có lời giải về chất liệu bí ẩn Ông Lư Thái Thuổi chỉ vào những hoa văn trên hoàng bào nói: "Cái quý ở hoàng bào là những đường nét hoa văn tinh xảo và chất liệu vải. Nhiều năm nay, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đến kho báu mở với ý muốn phục hồi lại các trang phục của hoàng tộc Chăm, nhưng đến thời điểm này, họ vẫn chưa phát hiện những chất liệu gì đã cấu thành những bộ trang phục trên". Chếch sang phía đối diện là những cổ vật quý khác, như đồ trang sức của các thành viên hoàng gia bằng bạc và nhiều thư tịch cổ, sắc phong, bút tích của các triều vua Nguyễn ban tặng cho vua Pô Klông Mơ H'Nai, nhìn vào bút tích vẫn còn nguyên như mới. Trong quá trình chạy loạn, hậu duệ của vua Pô Klông Mơ H'Nai cất giữ nó rất cẩn thận. Để tránh chữ không bị nhòe, dấu không bị phai, họ đã chặt những ống lồ ô dài rồi cẩn thận quấn chúng để vào trong rồi đeo theo người. Một số khác được người Raglay có dòng họ với người Chăm ở Lâm Đồng trông coi giúp. Do vậy, dù có tuổi hàng trăm năm nhưng bút tích vẫn không mất đi. Sau này, đất nước thống nhất, người Raglay cũng di cư đi nhiều nơi khác nhau nên một số di vật của người Chăm cũng mất tích theo. Trong không gian trưng bày của gia đình còn sự hiện diện của nhiều chiếc lư đồng cũng được chạm khắc tỉ mỉ. Bà Nguyễn Thị Đào tâm sự: "Ngày xưa, trong bất kỳ lễ lớn nào, người Chăm đều ăn trầu, có tục cúng trầu cau, xem như đó là cách gợi nhớ tổ tiên, cội nguồn của mình. Trong các lễ hội, người Chăm không đốt nhang mà thắp nến làm từ sáp ong và đốt trầm hương. Bây giờ làm gì có trầm hương nữa, nếu có thì cũng đắt lắm dân không đủ tiền mua đâu". Qua quan sát, chúng tôi cũng rất ấn tượng với chiếc tủ kính bên trong có nhiều cổ vật độc đáo như chiếc nón của vệ binh được làm bằng gỗ thông nhẹ, bền, qua hàng trăm năm vẫn không bị hư hại. Cạnh đó là bộ phèng la có hình dáng giống bộ cồng chiêng của một số dân tộc Tây Nguyên được đúc bằng đồng thau bóng loáng. Thư tịch, bút tích của các triều vua Nguyễn ban tặng cho vua Pô Klông Mơ H'Nai có niên đại từ thế kỷ 17. Sang gian bên cạnh là những phụ kiện, đồ trang sức của vua và hoàng hậu. Điều làm người lạ choáng ngợp nhất là chiếc vương miện chạm rắn thần makara của của vua Pô Klông Mơ H'Nai có đính kim cương, đá quý nhưng trong quá trình loạn lạc và qua tay nhiều người nên chúng bị rơi rớt, và thất lạc gần hết. Ông Thuổi cho biết: "Vương miện là biểu trưng cho đỉnh cao quyền lực của các triều vua Chăm nên được gia đình và cộng đồng gìn giữ như tính mạng của chính mình". Đặt bên cạnh vương miện của vua là búi tóc của hoàng hậu PoBiaSơm. Búi chụp có dạng nhũ được chạm trổ công phu với nhiều hoa văn truyền thống của người Chăm xưa, vốn chỉ dành riêng cho hoàng gia. Ông Lư Thái Thuổi tiết lộ, đáng lẽ có cả vương miện của hoàng hậu, nhưng vào năm 1945 để hưởng ứng Tuần lễ vàng do Bác Hồ phát động, cụ Nguyễn Thị Thềm đã đem hiến tặng cho chính quyền mới chiếc vương miện với mục đích góp tài lực xây dựng đất nước. Những năm sau đó, tình hình đất nước khó khăn nên cụ Thềm còn hiến nhiều cổ vật bằng bạc, đồng của hoàng tộc. Số lượng vật báu của kho mở triều vua Pô Klông Mơ H’Nai vẫn không dừng lại ở đó. Trên bức tường, nơi đặt chiếc tủ kính trưng bày vương miện của vua Chăm là bộ dao kiếm thuở sinh thời, vua Chăm thường đeo bên mình. Thanh kiếm của vua dài, giống vũ khí của kiếm sĩ Nhật. Kiếm được làm bằng thép đã gỉ màu, không có vỏ bọc. Theo ông Thuổi, nếu đem mài, kiếm sẽ sáng lóng lánh. Năm 1993 cùng với đền thờ vua Chăm Pô Klông Mơ H’Nai, kho báu mở được công nhận Di tích lịch sử quốc gia bởi giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử. Tượng vua được tắm bằng nước thiêng Ông Lư Thái Thiêm công tác tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm (Bình Thuận) chia sẻ: "Vào ngày mùng 1 tháng 7 theo lịch Chăm, người Chăm tổ chức lễ hội Katê, trong dịp này, tượng vua Pô Klông Mơ H'Nai được tắm bằng nhiều loại nước thiêng gồm nước chanh, nước trầm hương và một thứ nước thiêng khác theo tín ngưỡng văn hóa của hoàng tộc Chăm. Sau đó tượng vua mới được mặc hoàng bào, đội vương miện trong sự tôn kính của những người tham gia lễ hội". Yêu lắm áo dài ChămRong rủi trên con đường đến trường, 3 năm là nữ sinh trung học, áo dài Chăm mang lại cho tôi những kỷ niệm không quên. Trong lớp học, chắc rằng chỉ mỗi mình tôi mặc chiếc áo dài khác “người ấy”. Khoác lên mình bộ áo dài, dáng người thiếu nữ trở nên thẳng, cao và trưởng thành hơn, tôi cũng vậy. Các bạn trong lớp đều gọi tôi với nickname rất dễ thương “ Cô gái dịu dàng”. Nét khác là áo dài của người Chăm không có tà, mặc kết hợp với váy, tạo cho người phụ nữ dáng đi nhẹ nhàng, trang phục sẽ đẹp hơn nếu kết hợp với những chiếc khăn cùng màu. Chiếc váy bên trong được may bằng chất liệu bóng và mềm mại tạo thành những đợt sóng vừa thướt tha vừa uyển chuyển mỗi bước đi. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, trang phục truyền thống riêng, mang đậm nét đẹp văn hóa của họ; dân tộc Chăm cũng vậy. Là thiếu nữ Chăm, ai cũng đã từng khoác lên mình áo dài của đồng bào Chăm. Áo dài, tiếng Chăm thường gọi là Aw kamei Cam, đã có từ xa xưa. Chất liệu để may áo dài cũng rất phong phú và đa dạng như chất liệu voan, ren, nhung, . Áo dài thường “lên ngôi” vào những dịp lễ hội Katê, Ramưwan, lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm và các nghi lễ quan trọng của đồng bào Chăm. Tùy vào hoàn cảnh mà màu áo cũng phải phù hợp, như vào những dịp ra mắt, đám cưới. . . các thiếu nữ tha hồ, thoải mái diện những bộ cánh đẹp nhất. Tham dự những lễ hội lớn, những đám cưới linh đình, những bộ áo sặc sỡ, chất liệu voan, ren, nhung, gấm nhẹ nhàng, mềm mại là sự lựa chọn hàng đầu của chị em. Với những khung cảnh thánh đường, cần sự trang nghiêm, màu trắng là sự lựa chọn duy nhất. Riêng đối với các cụ lớn tuổi, áo dài là trang phục thường ngày của họ. Ngày nay, người Chăm biết cách tân cho áo dài thành những phong cách khác nhau, điệu đà, hiện đại hơn nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc. Cách mặc áo dài cũng nói lên đức tính của người phụ nữ Chăm trong đời sống, về vai trò và vị trí của họ. Khi mặc áo dài, người mặc sẽ đưa hai tay lên cao rồi từ từ chui đầu vào, chứ không mặc gài nút. Áo dài sẽ đẹp hơn nếu như có 2 “dây thắt lưng” có thêu hoa văn, gọi là “Taley kabak” đan chéo vào nhau, làm tôn lên những đường cong gợi cảm của người phụ nữ. Khoác lên chiếc áo dài truyền thống dân tộc như vừa kín đáo nhưng đủ để làm cho thiếu nữ Chăm toát lên một nét đẹp huyền bí, thùy mị. Có lẽ độc giả đã làm quen với hình ảnh những thiếu nữ Chăm mặc áo dài e ấp sau vành khăn xuất hiện nhiều lần trong những nhạc phẩm của Nhạc sĩ Amưnhân. Là một đứa con của đồng bào Chăm, tôi thật sự tự hào về tiếng trống Ghi năng, kèn Saranai, trống Paranưng, cùng với áo dài, hình ảnh không nhầm lẫn vào đâu khi nhắc đến dân tộc Chăm. Tất cả trở thành một “tổ hợp” không bao giờ thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, các dịp lễ hội của người Chăm.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Sept 20, 2013 14:23:36 GMT 9
TÌM HIỂU VỀ TIẾNG TRỐNG CỔ PARANUNG CHĂMKhám phá giai điệu trống cổ Chăm-pa Dẫu nhiều lần được thưởng thức giai điệu tiếng trống Paranưng, thế nhưng những ngày tìm về các xóm Chăm An Giang để sưu tầm tư liệu cho bài viết lần này tôi có cảm nhận rất khác lạ. Âm trống vang vọng xóm làng, đội trống cổ cất vang tiếng hát du dương những cung trầm cung bổng như đưa hồn người nghe vào một thuở hồng hoang lập ấp... Đội trống cổ Panà Về làng Chăm xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), tôi tìm gặp Giáo Cả Musa Haji - Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo dân tộc Chăm An Giang - những mong tìm được nguồn tư liệu quý cho bài viết thêm sinh động. Không hoài công, tôi được Giáo Cả kể tường tận: Trống Paranưng là cội nguồn trong văn hóa văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm. Từ tiếng trống ấy, người Chăm đã chia thành 2 trống: Trống Paranưng và trống Panà. Trống Panà có hình dáng tựa trống Paranưng, nhưng mục đích biểu diễn và cách biểu diễn có phần khác biệt. Trống Panà một đội gồm 12 chiếc trống, trong đó 2 trống đực và 10 trống cái. Trống Panà chỉ dùng cho ngày hôn lễ. Khi chơi trống Panà, người chơi ngồi quanh nhau thành vòng bán nguyệt. Trống vỗ lên với những thang âm trầm bổng, đội đồng ca cũng là những người chơi trống cất vang tiếng hát những bài hát ca ngợi nghĩa tình mẹ cha đối với người con đang cưới gả, ca ngợi tình yêu đất nước, lời răng dạy... Trống Panà chỉ dành cho nam giới chơi. Còn trống Paranưng được chơi cả những ngày lễ tết, người chơi vừa đánh trống vừa hát múa. Khi chơi trống Paranưng cả nam lẫn nữ đều hát, múa chung vui. Người Chăm An Giang chỉ còn lưu truyền trống Panà. Nhưng ngày nay, do nhu cầu giao lưu văn hóa, trống Panà cũng được biểu diễn như tiếng trống Paranưng - tức cả ngày lễ hội. Ông Cả nói rằng, 9 xóm Chăm An Giang ngày trước đều có đội trống cổ, thế nhưng theo thăng trầm và biến động lịch sử, đến nay, cộng đồng Chăm An Giang chỉ còn 2 dàn trống cổ ở xóm Chăm Châu Giang (Phú Hiệp, Phú Tân) và đội trống Lama (Vĩnh Trường, An Phú). Tuy vậy, cũng chỉ còn chưa đến chục người biết chơi, biết hát các giai điệu cổ nhạc Chăm-pa bằng trống Panà, tập trung chủ yếu ở làng Chăm Vĩnh Trường. Theo chỉ dẫn của ông Cả, tôi về làng Chăm Lama - nơi duy nhất trong cộng đồng dân tộc Chăm An Giang còn hình thành đội trống cổ. May mắn cho tôi khi toàn đội trống mới tập trung cho một đám cưới của xóm vừa diễn ra. Lòng tôi bỗng nôn nao muốn được một lần tận mắt, tận tai được nhìn, được nghe những giai điệu lúc dồn dập, lúc trầm lắng rung động lòng người của tiếng trống Panà. Đến nhà Trưởng ban Trống cổ Lama Mách Ta Rế, ông chia sẻ: “Trống cổ Panà này trước đây có đủ 12 cái. Nó có tuổi thọ trên dưới 300 năm rồi. Nhưng thời chiến tranh, mỗi người đem về cất riêng, rồi thất lạc, bây giờ tập trung lại chỉ còn 6 chiếc (nửa đội, gồm 1 trống đực hay trống dẫn và 5 trống cái). Còn anh em chơi trống thì lâu lâu mới tập trung vì bận làm ăn xa. Nhưng anh em tụi tui giờ cũng ngưỡng năm sáu chục tuổi hết rồi, giọng cũng không còn trong trẻo, sức cũng yếu dần ấy thế mà đám con cháu muốn dạy cho nó cũng không chịu học theo. Buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao!”. Trống Panà được làm bằng cách khoét lỗ thân các loại danh mộc như giáng hương, mun... và đắp mặt bằng da dê già, Niền thân trống bằng cây mây rừng to hơn chiếc đũa, thân trống viền quanh bằng dây gân dày (trước đây đều dùng cây mây). Âm trống hay - dở do việc viền trống, căn trống và quan trọng nhất là trống phải được làm từ gỗ quý có tuổi từ 100 năm trở lên. Âm vang trống cổ Sau giờ làm lễ ngày thứ 6, đội trống tập hợp đầy đủ 6 thành viên. Sáu chiếc trống được phơi nắng căng mặt da dê, nén, căng âm. Những bàn tay của các nghệ sĩ già vỗ vào mặt trống phát lên những cung trầm, cung bổng và vang vang âm vang lời hát Chăm cổ. Theo tiếng dẫn của trống đực, từng cung bậc âm thanh vang vọng, ru hồn người nghe vào một thời hồng hoang mở cõi. Lời hát là những lời răn dạy đôi trẻ nhân ngày thành hôn, ngày trở thành trụ cột của một thành viên trong cộng đồng dân tộc: “... Con đi mẹ chúc con an bình. Những giọt sữa ngọt ngào mẹ nuôi con bao tháng ngày mẹ tha thứ. Từ thuở bé con bú đến ngày ngay trưởng thành...” (bài “Người mẹ cao cả”). Giọng ca lúc trong vắt vút cao bay bổng giữa tầng mây, lúc trầm lắng, ngọt ngào như dòng sữa phù sa sông Hậu hiền hòa. Nghệ nhân trống đực Solés dẫn đội trống hòa dòng đồng ca thật nồng nàn sâu lắng. Miên man theo giai điệu những bài hát cổ, tôi loáng thoáng đâu đấy hình ảnh của những ngày Roja yêu thương, của những cô gái Chăm e thẹn bên chiếc khăn Mat’ra say đắm bao khách xa gần... Không có những nốt đồ-rê-mi-pha-sol hay cống-xàng-xê-cống, âm điệu trống cổ Chăm-pa chỉ xoay quanh 3 cung bậc: Trầm-trung-bổng. Mỗi cung bậc âm thanh ấy chia thành những khoảng khác nhau và hình thành do độ mạnh, yếu, vị trí của bàn tay người chơi vỗ vào mặt trống. Trống đực nhỏ hơn các trống còn lại nhưng là trống dẫn, người đánh trống dẫn chính là nhạc trưởng và người dẫn đội trống về thanh âm lẫn lời bài hát. Tùy theo lời hát và độ cao trầm mà tiếng trống cứ thế đánh theo. Ngày nay, với sự du nhập của văn hóa phương Tây, người Chăm An Giang còn phát triển thêm một tiếng trống mới: Trống Khnag. Trống Khnag tựa trống nhạc nhẹ, nhưng chỉ một trống cái và ba trống con. Cũng từ trống Khnag mà đồng bào Chăm An Giang đã phát triển loại hình nhạc nhẹ xuất phát từ việc vay mượn âm giai từ làn điệu truyền thống để sáng tác những bài nhạc nhẹ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước... NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN CẦN BIẾT KHI BẠN YÊU MỘT CÔ GÁI CHĂMNgười Chăm là một dân tộc đã từng có một quốc gia độc lập, hùng mạnh trong lịch sử; có nền văn hóa phát triển, và là hậu duệ của các cư dân nền văn hóa Sa Huỳnh thời kì đồ sắt. Các cộng đồng người Chăm ở Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Hoa Kì... có quan hệ đồng tộc, đồng tôn. Ở Việt Nam người Chăm có mối liên hệ gần gũi với các dân tộc nói các tiếng cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Mã lai-Đa đảo như Gia Rai, Ê Đê, RaGlai và Chu Ru. Trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 145.235 người sinh sống, rải rác ở các tỉnh phía Nam như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh…Do đặc điểm cư trú, tính chất tôn giáo và sắc thái văn hóa mang tính vùng miền, người Chăm ở Việt Nam chia thành 3 nhóm cộng đồng chính là: Chăm Hroi; Chăm Ninh Thuận – Bình Thuận và Chăm Nam Bộ. Trong đó người Chăm ở Ninh Thuận có số dân đông nhất (57.137), chiếm gần 50% người Chăm ở Việt Nam. Họ sống tập trung thành từng làng palei ( làng Chăm) riêng biệt và bảo lưu đậm nét nhiều tập tục truyền thống như nghi lễ, hội hè, tục cúng tế đền tháp, tục cưới gả, tang ma, tín ngưỡng, tôn giáo, luật tục, văn chương, làng nghề…mang bản sắc văn hoá riêng. Tập quán sinh sống Hiện nay người Chăm ở Ninh Thuận có tất cả 22 làng palei thuộc 13 xã và 4 huyện (Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm). Trong đó được phân chia ra thành hai cộng đồng: Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn giáo) và Chăm Awal (Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Mỗi cộng đồng tôn giáo lại sinh sống thành từng palei riêng biệt. Trong tổng số 22 làng palei thì có 15 làng Chăm Ahiêr và 7 làng Chăm Awal. Palei Chăm (làng Chăm) thường định cư trên những vùng gò đất cao, xung quanh là ruộng lúa và nương rẫy. Mỗi palei có khoảng từ 300-400 hộ gia đình, tập hợp bởi nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Các khuôn viên nhà ở được bố trí theo hướng Bắc – Nam. Trong mỗi palei Chăm đều có một đền thờ thần (sang Pô yeang) và ở đầu làng có nhà làng (sang palei). Cách palei không xa thường có một nghĩa địa (kút, ghôr). Mỗi palei Chăm đều có đơn vị quản lí hành chính thôn, đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… Bên cạnh đó còn có Hội đồng phong tục (Hội đồng già làng) chăm lo cúng tế và cùng với chính quyền tham gia giải quyết những vụ bất đồng của các thành viên trong làng liên quan đến phong tục, tập quán. Palei Chăm có luật tục riêng gọi là adat. Đơn vị cơ cấu căn bản của hệ thống thân tộc của người Chăm là mẫu hệ gia tộc. Những mối quan hệ bên mẹ là quan hệ thân thuộc và quan trọng nhất. Tổ tiên được thờ phụng là tổ tiên bên mẹ. Quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái út. Phụ nữ Chăm nắm quyền quyết định trong gia đình. Vai trò Cậu (cey) được đề cao và vẫn còn chi phối mạnh mẽ trong gia đình người Chăm hiện nay. Nói chung sinh hoạt làng (palei), gia đình (mưngawôm), tộc họ (gơp tian) của người Chăm phản ánh đậm nét chế độ mẫu hệ thể hiện trên các mặt: sự phân hoá xã hội, quan hệ về gia đình và hình thức hôn nhân; hình thái tín ngưỡng; phương thức sản xuất và quyền sở hữu tài sản… Vì vậy cơ chế xã hội truyền thống người Chăm gắn bó chặt chẽ với nhau và được vận hành bằng luật tục (adat). Người Chăm sống trên cơ sở bình đẳng, đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Cùng nhau bảo vệ, lưu giữ thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hoá của tổ tiên. Có thể nói làng palei, gia đình người Chăm là mắc xích quan trọng, gắn liền chặt chẽ với nhau, tạo nên một cơ cấu xã hội cổ truyền bền vững, trở thành cái nôi bảo tồn và lưu giữ văn hoá Chăm, lễ hội Chăm trong suốt những tháng năm thăng trầm của lịch sử dân tộc. Đời sống kinh tế Người Chăm định cư trên dải đất miền Trung với đặc điểm địa hình là miền đất hẹp, kéo dài và được cấu tạo bởi ba vùng: Núi - Đồng bằng - Biển cả. Khí hậu nơi đây khắc nghiệt, khô ẩm, nhiều nắng, ít mưa. Điều kiện tự nhiên, địa lí môi sinh đó đã hình thành nên nền kinh tế của người Chăm. Trong nền kinh tế truyền thống của mình, người Chăm có một nền nông nghiệp phát triển khá sớm, họ còn có kĩ thuật canh tác ruộng nước khá cao. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc và người Kinh đều du nhập giống lúa của người Chăm mà họ thường gọi là “lúa Chiêm”. Bên cạnh làm ruộng người Chăm còn là những người làm vườn giỏi. Họ trồng nhiều hoa màu và cây ăn trái như ngô, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, chuối, dừa, hồ tiêu… Nhờ đó mà dân cư có hoa quả và ăn rau xanh 4 mùa. Bên cạnh nghề nông, người Chăm còn biết khai thác những khu rừng lớn có các loại gồ mun, trầm hương, vỏ cây làm thuốc nhuộm… rất được ưa thích trên thị trường. Họ cũng biết khai thác tài nguyên khoáng sản ở xứ họ để đem bán ở xa. Nói chung kinh tế truyền thống của người Chăm bao gồm cả nghề nông, nghề đi biển và khai thác rừng. Ba hình thái kinh tế đó đã góp phần làm cho đời sống kinh tế Chăm phát triển phồn thịnh và hiện nay còn in dấu ấn đậm nét trong lễ hội Chăm. Tuy nhiên ngày nay, một số ngành kinh tế truyền thống đã bị mất đi. Hiện nay người Chăm không còn làm nghề biển. Tuy một số làng Chăm ở Ninh Thuận như Bỉnh Nghĩa vẫn còn sống gần biển nhưng họ không làm nghề biển mà lại quay lưng với biển. Đa số (khoảng 95%) người Chăm Ninh Thuận ngày này sống bằng nghề nông, và một số ít làm nghề chăn nuôi và khai thác rừng. Đến nay họ vẫn còn phát huy truyền thống làm lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hoạt động nông nghiệp vẫn là nền kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Chăm hiện nay. Đời sống tôn giáo Tôn giáo đầu tiên của người Chăm có ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo. Khi các thương gia Ả Rập dừng chân ở miền duyên hải Trung bộ Việt Nam trên đường tới Trung Hóa, Hồi giáo (Islam) bắt đầu ảnh hưởng tới văn hóa của người Chăm. Trên các di chỉ có niên đại vào thế kỷ thứ 11, các nhà khoa học phát hiện ra dấu vết của Hồi giáo tuy nhiên Hồi giáo xâm nhập cộng đồng người Chăm chính xác từ khi nào thì vẫn chưa được khẳng định. Cộng đồng người Chăm ở Việt Nam có 3 nhóm tín ngưỡng: người Chăm Balamôn theo Ấn độ giáo ( đạo Balamôn); tín ngưỡng Chăm Bani là tín ngưỡng kết hợp Hồi giáo với tín ngưỡng bản địa, Chăm Islam là tín ngưỡng thuần Hồi giáo. Văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Chăm Nền văn hóa Chăm có rất nhiều nét đặc sắc, độc đáo được thể hiện từ tiếng nói, chữ viết, từ nghệ thuật và kỹ thuật tạo dáng của các ngôi tháp bằng đất, các pho tượng bằng đá, đến các sản phẩm vải thêu, dệt hoa văn, dệt thổ cẩm hoặc đồ gốm và các vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Người Chăm có tiếng nói và chữ viết riêng của mình. Chăm Tây ( những người Chăm Islam) cùng với sự duy trì phát triển Hồi giáo trong việc học tập giới luật và tìm hiểu kinh thánh Koran nên đã dùng chữ Ả Rập và chữ Mã Lai. Cho đến bây giờ Chăm Tây sử dụng loại chữ Mã Lai khá thành thạo trong việc ghi chép và thư từ… Chăm Ðông thì sử dụng chữ Thrah và xem đó là loại chữ truyền thống. Người Chăm luôn tự hào về những ngôi tháp Chăm-pa cổ kính xây dựng bằng đất nung độc đáo. Hình ảnh vũ nữ Chăm-pa cổ xưa đã được chạm khắc vào các đền tháp, trong đó bức phù điêu Vũ nữ Trà Kiệu là một trong những tuyệt tác. Là một bộ phận của nền văn hoá dân tộc, kiến trúc dân gian của người Chăm cũng có một lịch sử và truyền thống lâu đời. Bàn tay và khối óc sáng tạo của dân tộc Chăm làm sáng tỏ tính phong phú, đa dạng, giúp chúng ta thấy được sự giao lưu văn hoá, quá trình phát triển của tộc người. Người ta còn thấy nhiều nét trạm trổ và các bức tượng bằng đá thể hiện nếp sinh hoạt ca múa và chơi nhạc dân gian rất sinh động. Người Chăm luôn mang trong máu của mình một tâm hồn văn nghệ dân tộc đặc biệt. Nghệ thuật truyền thống luôn được người Chăm nuôi dưỡng, trân trọng và liên tục truyền cho nhau từ bao đời nay. Múa Chăm phong phú và độc đáo. Hầu như mỗi làng Chăm đều có một đội múa riêng. Những điệu múa cổ xưa nhất thường được trình diễn trong các lễ hội. Các nghệ nhân Chăm đã sáng tác thêm những điệu múa đặc sắc như múa chàm rông, múa đoa pụ (đội bình nước trên đầu). Múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm. Khi múa, các vũ nữ dùng quạt làm đạo cụ để biểu diễn những loại múa khác nhau. Múa bóng mang tính tôn giáo và cũng rất phổ biến của người Chăm. Trong những nét đặc trưng của múa Chăm là múa ổn định theo nhạc. Dàn nhạc đệm cho múa thương gồm hai trống ba-ra-nưng và một kèn sa-ra-nai. Nhìn chung, vũ điệu Chăm-pa nhằm phô diễn vẻ đẹp của con người. Người Chăm có nhiều lễ hội trong năm, như hội Rija, Roya, Ramadan, lễ Pơk Băng Yang, lễ Katê… Trong đó, lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm được tổ chức thường xuyên vào đầu tháng 7 (lịch âm – lịch của người Chăm) tức là vào trung tuần tháng 9 (âm lịch) và tháng 10 (dương lịch) để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Chăm. Thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, ai cũng biết dệt vải. Những tấm khăn, cái áo làm ra được coi là thước đo của sự đảm đang tháo vát của các cô gái Chăm. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Ðể có một tấm chăn, các cô gái phải cần mẫn ngồi bên khung cửi từ sáng đến chiều tối với sự nhịp nhàng, chuẩn xác trong từng thao tác. Chỉ cần một mối chỉ bị rối, mặt vải sẽ không còn mịn nữa. Các sản phẩm dệt của người Chăm khá phong phú, đáp ứng rộng rãi cho nhu cầu trang phục, trang sức của người Chăm. Vào dịp hội hè, lễ lạc, trai gái Chăm còn trang sức bằng các thắt lưng do người Chăm tự dệt. Hầu như phần lớn các sản phẩm vải của người Chăm không thể thiếu các loại hoa văn trang trí, nhất là trên các y phục cổ truyền của các thiếu nữ. Nghề truyền thống khác của người Chăm là nghề làm đồ gốm. Làng Chăm Bầu Trúc duy nhất có nghề làm đồ gốm từ lâu đời. Hầu như gia đình nào cũng làm, phần lớn do phụ nữ đảm đang. Từ chiếc lu đựng nước, chiếc nồi đất, bộ khuôn đổ bánh xèo đến siêu sắc thuốc, chiếc cà om đều rất dụng công với những hoa văn độc đáo của dân tộc. Sản phẩm gốm Chăm còn được trao đổi rộng rãi với nhiều vùng và nhiều tộc người khác nữa. Trong quá trình nghiên cứu, chúng ta thấy rằng người Chăm đã có một nền văn hoá thật phong phú về nội dung, đa dạng về diện mạo. Nền văn hoá ấy đã được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kiến trúc; đó là kết quả của quá trình hoạt động có định hướng trong một thời gian lịch sử lâu dài. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012 Chính bởi nền văn hóa phong phú, đặc sắc thể hiện qua mọi lĩnh vực văn hóa, đời sống…Tỉnh Ninh Thuận tổ chức Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 nhằm giới thiệu nền văn hóa Chăm đến với đông đảo người dân cả nước. Ngày hội sẽ diễn ra trong 03 ngày (từ 14 - 16/10/2012). Lễ khai mạc và bế mạc sẽ được tiến hành vào lúc 20h00 ngày 14/10 và 16/10. Ngày hội được tổ chức tại 04 địa điểm gồm: khu du lịch tháp Pô Klongirai; sân vận động thôn Hữu Đức, xã Hữu Phước, tỉnh Ninh Thuận; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Tham gia vào Ngày hội năm nay có sự tham gia của các tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức cũng mời các tỉnh Khánh Hoà, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tham gia trưng bày và giới thiệu di sản văn hoá Chăm. Với chủ đề “Văn hoá Chăm - bảo tồn, phát huy và hội nhập”, nội dung hoạt động của ngày hội gồm 5 nội dung chính gồm: biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục dân tộc Chăm; giới thiệu văn hoá ẩm thực, hội chợ - triển lãm và giới thiệu sách; hội thảo về bảo tồn và phát triển văn hoá Chăm và các giải thi đấu thể thao dân tộc. Trong đó, các giải thi đấu thể thao dân tộc sẽ tổ chức 8 môn, gồm: bóng đá, bóng chuyền, chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, thi đội bình nước Chăm về đích, thi dệt thổ cẩm Chăm, thi nặn sản phẩm gốm... Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm được tổ chức nhằm góp phần tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm. Ông Phan Quốc Anh – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng cộng 3 Lễ hội gồm Lễ hội người Khmer, Lễ hội người Hoa và Lễ hội người Chăm. Hai lễ hội người Khmer và người Hoa đã được tổ chức định kỳ hàng năm còn lễ hội Chăm thì năm nay mới là lần thứ 2 được tổ chức. Vì thế tỉnh Ninh Thuận muốn qua Lễ hội này có thể quảng bá được nét văn hóa đặc trưng của người Chăm, để từ những năm sau có thể tổ chức định kỳ Lễ hội này. Tận dụng thế mạnh văn hóa để phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì thế, văn hóa Chăm ở đây khá đậm chất được thể hiện qua chữ viết, trang phục, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm. Với nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng, các làng nghề truyền thống, Ninh Thuận có đầy đủ điều kiện để khai thác các tiềm năng này, phát triển du lịch. Ý thức được việc bảo tồn và phát triển văn hóa, từ nhiều năm qua Ninh Thuận đặc biệt chú trọng bảo tồn văn hóa Chăm ở 2 hình thái là vật thể và phi vật thể. Tỉnh Ninh Thuận hiện có quần thể kiến trúc mang nét riêng độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV, trong đó có 3 cụm tháp nổi tiếng là Po Klong Giarai, Po Rome và Hòa Lai, hầu như còn nguyên vẹn. Các cụm tháp này đều đã được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia và được trùng tu, tôn tạo từ những năm 1990 - 1991. Sau khi trùng tu, những nơi này trở thành điểm đến của nhiều du khách. Hiện nay tỉnh Ninh Thuân vẫn đang tiếp tục trùng tu nhiều tượng đài, tháp cổ, nhà truyền thống bốn mái hoàn toàn bằng đất; xây dựng thêm các địa điểm hành lễ dưới chân tháp nhằm phát triển thêm ngành du lịch tỉnh. Bên cạnh đó tỉnh còn phối hợp với các tỉnh, thành phố ở miền Trung có di sản văn hóa Chăm như Bình Định, Nha Trang..., xây dựng các chương trình du lịch về thăm làng Chăm, tham gia các lễ hội theo mùa...; kết hợp du lịch văn hóa Chăm với các loại hình du lịch khác nhằm đưa du lịch văn hóa Chăm trở thành một mắt xích quan trọng trong các sản phẩm du lịch ở Ninh Thuận. Văn hóa Chăm còn thể hiện sự độc đáo và đặc sắc ở chỗ cho đến nay người Chăm vẫn giữ các nghi lễ như: lễ Katê, lễ Rija Nưgar, lễ Rija Praung, lễ khai mương, lễ xuống gặt, lễ mừng cơm mới... Không gian văn hóa Chăm có sức lôi cuốn đặc biệt, từ phong tục tập quán theo chế độ mẫu hệ, đến những nghi lễ, tín ngưỡng cùng nhiều nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Không chỉ có vậy đến Ninh Thuận, khách du lịch còn có thể được thưởng thức nghệ thuật dân ca và múa Chăm, loại hình nghệ thuật độc đáo của người Chăm mà nay đã trở thành di sản văn hóa của Việt Nam. Văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng vô cùng phong phú, có hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm và vẫn đang được bảo tồn nhờ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cư dân bản địa. Bên cạnh đó, theo thống kê có khoảng 17.000 bài viết, đầu sách nghiên cứu về văn hóa Chăm ở các lĩnh vực như nhân học, sử học, diễn xướng dân gian, các lễ hội... đã được sưu tầm, nghiên cứu. Không chỉ những năm gần đây mà đã từ nhiều năm qua tỉnh Ninh Thuận luôn ý thức việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Tỉnh luôn chú trọng đầu tư bảo tồn và phát triển văn hóa Chăm; đồng thời đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống của bà con dân tộc Chăm, trong đó có khai thác du lịch từ chính những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc Chăm. Trong kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh đã có chủ trương bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch làng nghề bên cạnh việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đề án đã được phê duyệt này, Tỉnh Ninh Thuận đã đưa làng gốm mỹ nghệ Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp vào điểm du lịch làng nghề của Tỉnh. Hiện làng nghề Bàu Trúc cùng nghệ thuật làm gốm của người Chăm đang được làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Nhận biết được các thế mạnh từ tiềm năng sẵn có, Ninh Thuận đã xây dựng nhiều chương trình du lịch gắn liền với không gian văn hóa Chăm, trong đó có loại hình du lịch homestay. Khách cùng ăn, ở, sinh hoạt với người địa phương, đắm mình trong các chương trình ca múa dân gian, nhạc kịch truyền thống lâu đời của người Chăm, trải nghiệm cách dệt thổ cẩm (Mỹ Nghiệp) và làm gốm (Bàu Trúc) bằng phương pháp thủ công...Điều đáng khen nhất của tỉnh Ninh Thuận trong việc phát triển du lịch là tỉnh đã xác định sự đón tiếp niềm nở, thái độ hiếu khách, phục vụ tận tình của người địa phương sẽ tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan, chính vì thế Ninh Thuận đang xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, bảo tồn, hướng dẫn viên có chuyên môn sâu và đam mê văn hóa Chăm, thông thạo ngoại ngữ. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu cung và cầu du lịch đối với văn hóa Chăm, nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, đa dạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Với thế mạnh sẵn có cùng một kế hoạch dài hạn mang tính bền vững, tỉnh Ninh Thuận muốn phát triển ngành du lịch tỉnh ngày một vững mạnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân tại Ninh Thuận.
|
|