|
Post by NhiHa on Dec 29, 2009 18:04:09 GMT 9
Lý lẽ và âm mưu bành trướng của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán Hồng Lê Thọ Tư tưởng Đại Hán* Người láng giềng khổng lồ trong một buổi phô trương cơ bắp sau nhiều năm dài đấu đá nội bộ, đã vác loa chỉ sang nhà người bên cạnh “nầy các người man di mọi rợ, bộ các người không biết là đang ở trên lãnh thổ của ta ? “Ông” đã cho sống nhờ mấy nghìn năm , thế mà bây giờ mở giọng nói mảnh đất trong “đô hộ phủ” là của mình có khác gì bọn phản bội, vô ơn ? ”. Chẳng phải “An nam đô hộ phủ” từ thời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) mà người đứng đầu là Kinh lược sứ của Trung Nguyên phái sang thống trị đó sao, nói gì đến mấy mươi đời sau, mảnh đất An Nam nầy liên tục triều cống thiên triều cho đến tận Vua quan nhà Nguyễn, hãy xem đấy Quang Trung dù chiến thắng 30 vạn quân Thanh cũng phải sang bái tấu Hoàng đế Càn Long xin thần phục…thế mà mấy hòn đảo lon con ngoài khơi...bọn mầy dám bảo là của nước tụi bây ? Nghe không lọt tai…Bao nhiêu tài liệu, đồ cổ, thư tịch (1)…cứ thế mà lôi ra để “khua” với thế giới rằng những gì trên biển Đông đều là của TQ từ hai nghìn năm trước (sic) “không tranh cãi lôi thôi” vì hàng trăm tỷ thùng dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên đang chờ được móc lên bù lại phần thiếu hụt, ngày càng lệ thuộc vào tư bản đế quốc sao chịu nổi, đang cào ruột gan Ông nóng ran. Thử hỏi nếu là của bọn bây, thì “bọn bây” có khó chịu không ? “Của đau con xót” biết chưa (2).  Abe Nakamaro(698—770) Lối lập luận nầy rất hợp lòng những người TQ vốn mang trong mình chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, và cả chính quyền Đài Loan ở đảo xa . Họ không ngừng cổ súy không những bằng lời nói, sức ép ngoại giao và còn lăm le sử dụng vũ lực vì nhu cầu về cái gọi là “an ninh năng lượng” không còn dừng lại trên giấy hay chỉ để dọa dẫm !(3) TQ còn lôi cả nhà thơ Abe Nakamaro, người Nhật sang học , làm quan cho nhà Đường, gặp nạn lưu lạc sang đất An Nam, và làm trấn thủ tại đây (4) để chứng minh rằng vùng đất nầy thuộc TQ từ lâu và lấy đó biện hộ rằng những quần đảo trên biển “Nam Trung Hoa” (South China Sea) đương nhiên là của người TQ ( há chẳng phải người Việt nam thường nói 1000 năm Bắc thuộc là gì)…Triển khai lối lập luận hồ đồ rằng nơi nào có người Hoa như đoàn tàu của Thái giám Trịnh Hòa (1405-1433 tất cả 7 lần) ghé vào đâu thì nơi đấy là lãnh thổ của TQ, biên giới của họ mở rộng tới đó theo sự phát triển địa-chính trị của TQ (5) . Như vậy không những Việt nam mà vùng Đông Nam Á lẫn Ấn độ dương, và cả vùng vịnh Ba tư…đều thuộc về họ, sá chi việc Mạc Cửu ( 1655 - 1735) đến Hà Tiên, Phú Quốc… hàng trăm ngàn người Minh tràn sang vì thất bại trong cuộc khởi nghĩa “phản Thanh phục Minh” và những cuộc nổi dậy của “Thái bình Thiên Quốc”, lập nên những làng “Minh Hương” khắp nơi, hình thành các khu phố Hoa kiều của người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến... ở Việt Nam (6) .  Tam Bảo Thái giám Trịnh Hòa (1371–1433)  Hạm đội của Trịnh Hòa Chờ thời cơ để chiếm đóng quần đảo Trường Sa Như vậy, theo họ tương lai nước Việt của con cháu chúng ta lại phải trở về “mẫu quốc”, một “phủ huyện” của TQ là hệ luận tất yếu. Cứ xem tư liệu của phía TQ đại lục sau nầy hay Đài Loan trước kia, họ vẫn thống nhất xem các quần đảo ngoài khơi biển Nam Trung Hoa (mà ta gọi là biển Đông) là của họ, sỡ dĩ hiện nay bị các nước khác, trong đó VN là chủ yếu, vì TQ bị các nước tây phương cắt cứ suốt trăm năm trong thời kỳ cuối đời nhà Thanh, lợi dụng để xâm chiếm trái phép (!)…vì vậy nay là lúc phải ra tay đòi lại là hành động phải làm để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của TQ. Con số 92% người được thăm dò trên mạng “Hoàn Cầu” Thời báo (cơ quan trực thuộc Tân Hoa Xã của TQ) tán thành biện pháp dùng vũ lực trong cuộc tranh chấp hiện nay cũng nằm trong chiến dịch chuẩn bị “đòi lại” quần đảo nói trên (7).  “đụng độ” trên biển Đông Thái độ kích động hằn học nầy không phải mới bắt đầu khi TQ triển khai chiến dịch “tuần tra” nghề cá trên biển Đông từ ngày 15/6/2009 mà họ đã chuẩn bị từ lâu, phản ánh qua cuộc tấn công đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 vào thời điểm chế độ Việt nam Cộng Hòa ở miền nam bước vào thời kỳ sụp đổ sau “Việt Nam hóa chiến tranh”, không còn sức chống đỡ trước sự tấn công của Quân đội giải phóng ngay trên đất liền. Lực lượng hải quân TQ không ngừng củng cố và xây dựng căn cứ quân sự ở Hoàng Sa đồng thời từng bước chiếm đoạt một số hòn đảo san hô ở Trường Sa vào năm 1988. Kể từ đó, TQ đã đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường lực lượng Hải quân(8) song song với phát triển kinh tế với tốc độ cao. Một mặt giao kết ứng xử trên biển đông theo những nguyên tắc hòa bình, tôn trọng lẫn nhau với các nước ASEAN vào năm 2002 nhằm ràng buộc, ngăn ngừa sự phản công của các nước, mặt khác chờ thời cơ đề tái chiếm mà hiện nay, ở thời điểm năm 2009, hàng loạt hoạt động khiêu khích đối với hải quân Mỹ cũng như ra tuyên bố cứng rắn với các nước trong khu vực về “chủ quyền lãnh hải” mà TQ đã vạch ra qua cái gọi là “lưỡi bò” phi lý (9) ngày càng lộ rõ ý đồ ấp ủ bấy lâu nay. Từ những công trình nghiên cứu sử học lẫn biện pháp tuyên truyền (trong nước và quốc tế) với hàng trăm nhà nghiên cứu trong ngoài nước tích cực tham gia chiến dịch huy động giới truyền thông, báo chí liên tục có bài, đưa tin và hình ảnh về hoạt động tuần tra, bắt bớ của tàu thuyền của các lực lượng quân sự lẫn núp bóng dân sự TQ , công khai xác định chủ quyền của TQ…cho thấy ý đồ sâu xa và chính sách tạo tiền đề cho chiến dịch vào giờ “G” chiếm đoạt Trường Sa đã được tích cực chuẩn bị rất chu đáo từ năm 1995 sau khi nhà cầm quyền TQ công bố đường lãnh hải phi lý của họ trên biển Đông vào năm 1992. Hiện nay, quan hệ Đài- Trung đã được cải thiện rõ rệt từ khi Mã Anh Cửu (Quốc Dân Đảng Đài Loan) lên nắm quyền ở Đài Loan sau khi đắc cử tổng thống (ngày 20/5/2008) điều nầy cho thấy sự vướng bận vào việc giải phóng Đài Loan thống nhất vào TQ đại lục không còn là trọng tâm trên bàn cờ chiến lược quân sự và ngoại giao của TQ. Hơn thế nữa cán cân tương quan lực lượng giữa Nhật bản-TQ-Mỹ ở khu vực TBD đã thay đổi khi chính quyền Mỹ bị sa lầy nghiêm trọng ở hai chiến trường Iraq lẫn Afghanistan từ thời tổng thống G.W. Bush. Một nước Nhật lệ thuộc năng lượng mà 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu từ các nước ở Trung Cận Đông đi ngang tuyến đường vận tải qua eo biển Malacca trong khi TQ chỉ khoảng 40-45% thì rõ ràng nước Nhật vô cùng âu lo khi TQ làm chủ hoàn toàn trên biển Đông, vì vậy bên cạnh việc tăng cường khả năng quân sự trên biển, Nhật Bản có chính sách củng cố kinh tế cho Việt nam-- mặc dù nền kinh tế của Nhật Bản đang rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng-- qua động thái tăng viện trợ ODA và thúc đẩy đầu tư mậu dịch hai chiều Nhật-Việt trong vai trò đối tác chiến lược là điều không nằm ngoài dự kiến của nhiều người. Nói cách khác, giúp Việt nam phát triển vững mạnh bên bờ biển Đông, không bị TQ lấn át là biện pháp góp phần bảo đảm an ninh năng lượng mang tính chiến lược một cách lâu dài vì Nhật bản cũng là bạn hàng nhập dầu thô và than đá từ Việt nam, nguồn cung cấp vừa gần lại vừa ổn định. Mặt khác, cuộc tranh cãi về chủ quyền hòn đảo Senkaku (Diaoyu theo tiếng Hoa) ở vùng biển phía đông Trung Hoa tạo ra một sự căng thẳng mới giữa hai nước Nhật-Trung mặc dù lãnh đạo hai bên đã nhiều lần gặp gỡ, nổ lực thương thảo về việc cùng khai thác nguồn khí đốt phong phú tại đây. “Kinh tế là sức mạnh lớn nhất và cũng là điểm yếu nhất của TQ, và do đó nó là trục giao điểm của chính sách và chiến lược của TQ. Để giữ vững phát triển kinh tế, TQ phải lệ thuộc ngày càng tăng nguồn năng lượng và nguyên liệu từ nước ngoài. SLOCs ( viết tắt của “Sea Lines Of Commerce” hay “Sea Lines Of Communication” tuyến vận tải thương mại trên biển quốc tế) (10) cực kỳ quan trọng vì hầu hết ngoại thương của TQ là qua đường biển, và TQ chỉ có chút ít thành công trong việc mở mang đáng tin cậy đường ống dẫn dầu và khí từ Nga hoặc Trung Á. Do lấy năng lượng làm nền tảng cho nền kinh tế, chính sách kinh tế của TQ tùy thuộc vào sự thành công của chính sách năng lượng”(11) càng thôi thúc TQ dành bá quyền trên biển Đông. GS Urano Tatsuo, vào thời điểm 1997, đã đưa ra nhận định rằng lãnh đạo của TQ với chính sách cải cách và mở cửa kinh tế, bắt đầu chiến lược “trong thời kì kinh tế biển của thế kỉ 21” với phương châm ưu tiên bảo vệ quyền lợi trên biển trong chính sách quốc phòng, trong đó đặt việc “thu hồi” quần đảo Trường Sa ngang với tầm quan trọng bảo vệ chủ quyền của TQ giành lại lãnh thổ Đài Loan. Các nhà lãnh đạo TQ cho rằng nếu chủ quyền trên biển Đông không được xác lập trước năm 2010 thì có nguy cơ phải giao lại vấn đề nầy cho LHQ giải quyết—điều mà TQ không hề mong muốn—vì vậy năm 1992, chính phủ TQ đã vội vã chính thức tung ra “đường lưỡi bò’ để xác định lãnh hải của mình. Chương trình cụ thể của TQ gồm ba bước : (1) chiến thuật ngoại giao hòa bình (2) lấy lại Trường Sa bằng vũ lực (3) gây sức ép bằng sức mạnh quân sự trong khi triển khai đàm phán(12). Như đề cập ở dưới, hiện nay vấn đề Đài Loan nay đã bước vào thời kỳ hợp tác giữa hai bờ biển, TQ đã rảnh tay và hòa hoãn với lực lượng canh phòng của Mỹ ở Thái Bình Dương, điều đó sẽ là điều kiện “vô cùng” thuận lợi để tiến hành bước (2) dùng vũ lực để cướp đoạt Trường Sa là khả năng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chắc chắn TQ sẽ nhắm vào một thời điểm mà nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam xảy ra vấn đề xung đột, bị phân hóa mất đoàn kết nghiêm trọng vì tranh giành quyền lực, ngôi thứ trong quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng hay một “biến cố” chính trị.  Chuỗi Ngọc Xanh của TQ Quan hệ chiến lược tam giác giữa các nước Nhật-Mỹ với TQ càng kích thích hải quân của PLA tăng cường với ngân sách quân sự ngày càng gấp bội (13) đe dọa đến phòng tuyến an ninh năng lượng của Nhật Bản-- một siêu cường về kinh tế-- mỗi khi TQ có hành động lấn tới trên biển Đông, mở ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực. Điều nầy có thể giải thích tại sao nhiều phát biểu, điều trần tại Quốc Hội Hoa kỳ trong tháng 7/2009 vừa qua đã đặt ra liên tiếp (14) vấn đề hải quân Hoa kỳ buông lơi cho TQ thao túng, ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật cũng như Mỹ-ASEAN mà chuyến đi Thái lan để tham dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 42 tại Phuket (Thái Lan) của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton là một dấu hiệu tích cực nhằm “cân bằng” và xoa dịu nổi lo sợ của các nước ASEAN trước sự uy hiếp của chiếc “lưỡi bò” từ TQ. Trong khi đó, với sách lược “tằm ăn dâu” và cô lập đối thủ, chiến thuật ngoại giao mềm mỏng TQ được triển khai tích cực, xé lẻ từng nước ASEAN để thương lượng việc hợp tác đầu tư-thương mại, kí kết các thỏa thuận song phương với “chiếc gậy và củ cà rốt” trên tay hòng tách rời việc các nước ASEAN hợp đồng tác chiến chống TQ, mặt khác không ngừng gây sức ép lên Việt nam với nhiều biện pháp thô bạo như giam giữ các tàu thuyền đánh cá trên biển Đông, gia tăng việc can thiệp bằng các đoàn cao cấp của Đảng lẫn nhà nước, lấy cớ sang “thăm hỏi” liên tục, đẩy mạnh việc xuất hàng hóa trên biên giới, hạn chế nông sản phẩm của VN dùng để đối lưu vì vậy kim ngạch nhập siêu với TQ ngày càng phình to, không kể hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà máy…bạc tỷ đô la chính phủ Việt Nam ưu tiên dành cho các tập đoàn doanh nghiệp nước bạn (15). Tìm hiểu tình hình của TQ ở biển Đông còn là điều cấm kị ? Trong khi đó, ở Việt Nam, những thông tin về TQ được xem là nhạy cảm, tránh né đến mức tối đa, các cơ quan truyền thông đều phải tuân theo gậy chỉ huy của ban Tuyên giáo, hạn chế thông tin “ngoài luồng”(lề trái)…theo một tư duy hết sức mâu thuẫn. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam thường nhắc đi nhắc lại “TS-HS là của VN” mỗi khi có động thái phủ nhận từ phía TQ nhưng thanh niên mặc áo thun ghi “HS-TS là của VN” thì lại không được, việc bày tỏ thái độ bất bình của nhân dân trước hành động ngang ngược của TQ bị xem là điều cấm kị, phá rối “trật tự trị an”(!) Những kiến thức về chủ quyền của nước ta trên biển Đông hầu như không được phổ biến, hay rất hạn chế trên lĩnh vực thông tin đại chúng là điều vô cùng khó hiểu. Người dân đói thông tin, vì thế cũng không thể trách cứ họ, nhât là lớp người trẻ thờ ơ trước tình hình sôi bỏng khi nhà cầm quyền ra sức hạn chế ngoài những gì ban Tuyên giáo đưa ra mà thôi như bài viết về “Lưỡi Bò” trên báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên của nhà báo “ Quốc Pháp” (một bút danh lạ hoắc)(16) gần đây. Nhìn vào sự thật nầy, chúng ta có thể thấy cách ứng xử đối với nhân dân giữa chính quyền TQ và VN hoàn toàn khác nhau, người dân VN hoàn toàn nằm trong thế “ngóng chờ” chỉ đạo một cách bị động. Nhiều người đã đặt câu hỏi “liệu khi nước nhà nguy biến, Trường Sa bị TQ lấn chiếm thì chính quyền sẽ phải đối phó ra sao, hay chỉ xuôi tay van lạy” khi chính sách đối ngoại cũng như nội trị nằm trong quĩ đạo của TQ, đường lối “độc lập tự chủ” bị méo mó dưới sức ép của TQ. Nhìn vào số bài báo đề cập đến vấn đề chủ quyền HS-TS ở nước ta và của người Việt trên diễn đàn quốc tế thật ít ỏi, có thể đếm trên đầu ngón tay, không nói tới bài báo nghiên cứu có tính chất học thuật lại càng hiếm hoi.  Chúng ta có Viện nghiên cứu TQ được xây dựng hơn 15 năm trước, Trung tâm Nghiên cứu TQ thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã gần 6 năm nay, Ban Biên Giới của chính phủ được thành lập từ lâu…thế nhưng khó tìm thấy được một vài tư liệu đầy đủ khả dĩ có thể trình bày cho cộng đồng quốc tế trừ luận văn tốt nghiệp TS sử học của Nguyễn Nhã (hiện đang được một tổ chức dân sự kêu gọi chuyển ngữ sang tiếng Anh để phổ biến) hay tập tư liệu do ông Lưu Văn Lợi biên soạn năm 1995(17) ! Có thể “có” nhiều nhưng vì là “bí mật quốc gia” nên không công bố chăng ? Những nguồn tư liệu nước ngoài về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, luận bàn chiến lược quân sự, an ninh năng lượng… trên biển đông của TQ, Hoa Kỳ, Nhật bản rất phong phú nhưng mấy ai tiếp cận được, kể cả các nhà nghiên cứu sử học hiện đại ở đại học, viện nghiên cứu trong nước. Ngay như tác phẩm nổi tiếng nghiên cứu về chủ quyền hai quần đảo HS-TS của GS Monique Chemillier – Gendreau (Pháp) (do Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Hà Nội ấn hành 1998 gần đây đã được tổ chức dân sự tình nguyện huy động đánh máy lại để phổ biến !)(18) với những nhận định khách quan rất có lợi cho Việt nam và mang tính thuyết phục cao nhưng tiếc thay mấy ai được biết . Rằng : ”Trong lịch sử TQ mấy ai được biết không có một căn cứ nào chứng minh một chính phủ của nước nầy cho đến giữa thế kỉ 20 đã từng tiến hành hành động vũ lực đối với quần đảo TS, những mảnh dất nằm rải rác trên 160,000 km2 trên bề mặt đại dương. Nhưng điều đó có hề gì ! TQ đã viện dẫn những quyền lịch sử nhằm chuẩn bị cơ sở cho việc tiến hành kiểm soát tại chỗ…các đảo đó đã từng nằm trong khu vực kiểm soát trên biển của các hoàng đế An Nam trước khi thực dân đến…Vào thời điểm 1988 TQ đã bắt đầu thực hiện phần thứ hai kế hoạch của họ ( sau khi đã chiếm đóng Hoàng Sa vào năm 1974--HLT chú), phần khó nhất, là kiểm soát toàn bộ vùng biển nằm ở sườn phía Nam của mình” (19) Điều đó cho thấy chính quyền Việt nam chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, tổng kết và theo dõi những động thái tranh chấp ở một vùng biển vô cùng quan trọng về chiến lược kinh tế và an ninh khu vực mà bờ biển nước ta kéo dài thềm lục địa trên hơn 3600 km bờ biển. Thiết nghĩ đã đến lúc Nhà nước nên cấp bách huy động mọi lực lượng nghiên cứu khoa học về các khía cạnh liên quan đến vấn đề biển đảo (20) , không ngừng nâng cao khả năng công bố thành quả ra nước ngoài, ưu tiên trong chính sách đối ngoại lẫn an ninh quốc phòng, tạo ra một không khí trao đổi học thuật về vấn đề biển đông sâu rộng không những trong giới nghiên cứu mà còn trong nhân dân, không xem đây là điều cấm kỵ, cho phép mọi người được trình bày suy nghĩ và mối quan tâm của mình trước những vấn đề hệ trọng của đất nước mà không bị nghi ngờ hay “trừng phạt” vô lý. Tất nhiên, những động thái “kích động”, “bài Hoa” hay lợi dụng để xuyên tạc các chính sách của nhà nước (nếu có) có thể xuất hiện nhưng chúng ta có thể tin tưởng với sự phản biện của những người có quan điểm đứng đắn, bảo vệ quyền lợi của đất nước sẽ là nền tảng để xây dựng sự đồng thuận vững chắc, không cần đến những biện pháp chế tài bạo lực hay đàn áp tai tiếng. Cần nhấn mạnh rằng, trong tình hình hiện nay, việc nghiên cứu tổng hợp các xu thế và động thái chính trị, ngoại giao và quân sự của các nước siêu cường và trong khu vực trên biển Đông là vô cùng cần thiết và bức bách, cần được ưu tiên hơn cả việc chứng minh “HS-TS là của VN” về mặt cứ liệu lịch sử một cách kinh điển, ngõ hầu tìm ra chiến thuật và chiến lược đối phó kịp thời trước mắt cũng như lâu dài. Trung tá Christopher J.Pehrson, chuyên gia nghiên cứu không quân tại Lầu Năm Góc (Hoa Kỳ) cảnh báo “Mối quan tâm và ảnh hưởng ngày càng tăng của TQ từ vùng biển Nam Trung Hoa qua Ấn Độ dương và tiến vào vịnh Ả Rập được mô tả như là một "Chuỗi Ngọc", tiếp cận tiềm năng đó sẽ mang đến cho Mỹ sự khiêu khích mang tính khu vực rất phức tạp”, rằng Mỹ “phải cấu trúc lại lực lượng sau khi chiến tranh lạnh kết thúc để đối phó với sự trối dậy của TQ”, hi vọng “ với nghệ thuật lãnh đạo táo bạo và sự khôn ngoan biết nhìn xa trông rộng, Mỹ và TQ có thể gặt hái những phần thưởng của sự hợp tác chiến lược và ngăn ngừa được tai họa một cuộc đối đầu thù địch”(21).
|
|
|
Post by NhiHa on Dec 29, 2009 18:10:44 GMT 9
Quốc Hội Việt Nam cần phải lên tiếng Việc Quốc hội nước VN nên tạo cơ hội lên tiếng chính thức một lần nữa về chủ trương và phương châm của nước Việt nam trong vấn đề chủ quyền và cách ứng xử trong hòa bình, hợp lý và hợp pháp như đã từng tuyên khi phê chuẩn Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 trước đây , như sau: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các hoạt động khác liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”(22) Bản tuyên bố nầy được nhắc lại không hề thừa, không những tại các buổi gặp gỡ trên diễn dàn quốc tế mà còn cần được phổ biến rộng rãi để cộng đồng quốc tế hiểu được lập trường trước sau như một với thái độ rõ ràng trước những khiêu khích của TQ, đồng thời là cơ sở để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thiết nghĩ hành động tích cực mà Việt Nam có thể làm là nhận lãnh vai trò điều phối trong khu vực về vấn đề tranh chấp giữa các nước trên biển Đông, kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế gồm các nước APEC(Châu á-TBD) và ASEAN để thương thảo chung quanh việc tranh chấp nầy là một trong những biện pháp cô lập khuynh hướng dùng vũ lực để giải quyết cũng như tạo sự đồng thuận trong việc giữ nguyên trạng và ổn định trên biển Đông, đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực đồng thời ngăn chận xung đột vì quyền lợi ích kỷ, mưu toan độc chiếm quyền làm bá chủ trong khu vực, đảm bảo việc đi lại bình thường của thương thuyền trên tuyến vận tải thuộc hải phận quốc tế. Cách đây hơn 10 năm, GS Monique Chemillier-Gendreau đã phân tích: “Việt Nam có thế sẵn sàng đưa vấn đề ra trước cơ quan tài phán thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp nầy giữa các quốc gia, cụ thể là là Tòa án pháp lý quốc tế. Trước đây Pháp đã hai lần, 1937 và 1947, đề nghị TQ đưa ra tòa án quốc tế hay trọng tài nhưng nhà cầm quyền TQ đã làm ngơ trước các đề nghị đó”(23) Dẫu biết rằng TQ rất khó chịu không muốn vấn đề chủ quyền lãnh hải đưa ra bàn thảo đa phương vì bản thân đòi hỏi của TQ mâu thuẫn và vô lý ngay trong lập luận của họ(24) , trước sau họ chỉ muốn ‘song phương” với lí do đã nêu ở phần trên nhưng chủ trương “đa phương hóa” vấn đề thương thảo về một giải pháp cho biển Đông là một nhu cầu và là biện pháp hữu hiệu nhất mà ta có thể vận dụng cho dù phía TQ có thái độ “tẩy chay”. Hội nghị quốc tế San Francisco 1951 Tại phiên họp của Hội Nghị San Francisco ngày 7/9/1951 Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố ”Chúng tôi phải tranh thủ mọi cơ hội để chặn đứng những mầm xung đột, xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần-đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh-thổ Việt-Nam” và điều nầy đã được ghi vào văn kiện của hội nghị với đa số phiếu tán thành và đã có 46 phiếu chống 3 phiếu thuận, bác bỏ đề nghị của Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đệ trình tu chính án để yêu cầu Hội Nghị trao trả Đài Loan, Bành Hồ, Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cho TQ ! Sau đó TQ ra công bố phủ nhận kết quả nầy với lý do đại diện chính phủ TQ đã không được mời tham gia Hội nghị (25). Văn kiện của Hội nghị San Francisco cho thấy đa số nước thành viên tham gia đã đứng về quan điểm của Quốc gia VN(thuộc Pháp), phát biểu của ông Trần Văn Hữu không phải là vô ích, xác nhận trước cộng đồng quốc tế chủ quyền của Việt nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường , phần nào làm rõ sự hiếu chiến, thái độ bất chấp của nhà cầm quyền TQ qua những phát biểu của Chu Ân Lai sau nầy(26). Xu thế quốc tế hóa việc thương thảo giải quyết vấn đề trên biển Đông là tất yếu để ngăn ngừa xung đột bằng vũ lực Việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp trên biển đông đã được Phó Thủ tướng thường trực kiêm bộ trưởng quốc phòng Singapore Teo Chee Hean hôm 04/08/2009 phát biểu “những căng thẳng gần đây trên biển Đông đã cho thấy rằng, các quốc gia trong khu vực cần phải ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết những vấn đề tranh chấp theo luật biển của quốc tế”(27) . Loay hoay tìm kiếm một giải pháp song phương là cách giải quyết tạm thời chỉ đem lại lợi ích đơn phương cho TQ, điều mà chính các nước trong khu vực rất cảnh giác và có thể tạo ra sự đố kỵ của những nước trong cùng tổ chức ASEAN. Chắc chắn đây không phải là một sự lựa chọn thông minh của một nước vốn nhỏ bé và yếu thế gấp trăm lần so với người láng giềng vĩ đại. Hành động phối hợp giữa đại diện Chính phủ hai nước VN và Malaysia trình bày Báo cáo chung VN - Malaysia về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở khu vực phía nam biển Đông tại phiên họp toàn thể lần thứ 24 của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc trong hai ngày 27 - 28.8.2009 ở New York (Mỹ) vừa qua là một minh chứng cho thấy không chỉ chúng ta mà các nước láng giềng quanh biển đông có chung một nguyện vọng (28)  Chiếc tàu ngầm đầu tiên của Malaysia lớp Scorpene mua của Pháp chuẩn bị hành trình về nước Nguyên Đại sứ Võ Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Luật biển Liên hiệp quốc lần thứ III cho biết ” với Malaysia, đã thành lập cơ chế khai thác chung vùng thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước (1992). Với Thái Lan, Việt Nam đã ký Hiệp định phân ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan (1997). Với TQ, ta đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (2000). Với Indonesia, đã ký Hiệp định phân định anh giới thềm lục địa giữa hai nước (2003)…” (xem chú thích 22). Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nhắc lại “đầu năm 2009 Việt Nam và Malaysia đã ký bản ghi nhớ xây dựng báo cáo chung về ranh giới thềm lục địa vượt quá 200 hải lý. Cả hai nước hy vọng sẽ giải quyết những vụ vi phạm về đánh bắt cá thi thoảng xảy ra giữa ngư dân hai nước trên tinh thần hữu nghị và hợp tác.Ngoài ra vùng khai thác chung giữa Thái Lan và Malaysia rộng 7.250 km2 có 800 km2 liên quan đến Việt Nam. Ba nước đã thỏa thuận sẽ cùng nhau giải quyết khu vực này trên tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau”(29) cho thấy xu thế đối thoại giữa các nước trong khu vực về các vấn đề trên biển Đông đang được cụ thể hóa để giải quyết bằng giải pháp“cùng thắng”(win-win solution) trong khi TQ luôn tìm cách tránh né việc thương thảo đa phương như đã đề cập ở trên. Nhưng thử đặt vấn đề rằng sáng kiến mở ra một hội nghị quốc tế không hạn chế những nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, mà với thành phần tham dự đông đủ của cả khu vực Châu Á-TBD(gồm các nước trong APEC) tạo điều kiện cho TQ dễ dàng tham gia và tranh luận cùng tiến tới một thỏa thuận khung (hay chí ít là xác nhận sự đồng thuận đã có từ năm 2002 về Qui tắc ứng xử trên biển Đông) lâu dài và công bằng phải chăng là một đề xuất mà chúng ta có thể trình bày trước cộng đồng quốc tế. Thời gian để hành động không còn nhiều nếu như những phân tích ở trên của GS Urano Tatsuo dự kiến là chính xác, nhiều khả năng báo hiệu TQ đang dần chuyển sang kế hoạch lấn chiếm bằng vũ lực để “thu hồi” toàn bộ quần đảo Trường Sa, giai đoạn 2 trong chiến lược làm chủ biển Đông của lãnh đạo TQ đã vạch ra từ năm 1995. Với tâm thế bảo vệ hòa bình, an ninh cho khu vực cũng như cho bản thân mình, vì quan hệ láng giềng tốt đẹp với các nước chung quanh vùng biển Đông, trong đó TQ là đối tác quan trọng hàng đầu, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Việt Nam, một dân tộc hiếu hòa, thân thiện với mọi người, có thể đóng vai trò quan trọng với tư cách thành viên của Hội Đồng Bảo An LHQ, góp phần tích cực xây dựng biển Đông thành một biển “Thái Bình” của cộng đồng quốc tế, như cái tên vốn có của nó. Việc cảnh giác “ngay cả khi giới lãnh đạo TQ thành tâm trong các ý đồ hòa bình hiện nay, chúng ta cũng không thể nào tiên đoán được chính quyền TQ sẽ theo đuổi các quyền lợi của mình như thế nào trong nhiều thập kỷ tới, hoặc họ sẽ hành động ra sao trong một môi trường quốc tế đã thay đổi”(30). như Christopher J.Pehrson viết trong bản báo cáo của mình cho thấy những âm mưu “bành trướng” của TQ là mối đe dọa lớn, trong đó trọng tâm chiến lược không còn quanh quẩn chung quanh đảo Đài Loan mà đang vươn xa theo sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của TQ trong những thập kỷ tới mà Việt Nam là một bàn đạp lý tưởng ?! Thiết nghĩ phương châm “16 chữ vàng” và tinh thần “4 tốt” trong quan hệ Việt-Trung mà lãnh đạo hai nước nhấn mạnh chỉ có ý nghĩa thiết thực nếu đây là cơ sở vững chắc để xây dựng lòng tin lẫn nhau, làm phát triển, ổn định và phồn vinh cho dân tộc Việt Nam cũng như người bạn láng giềng TQ khi nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ kể cả biển đảo của nhân dân Việt Nam được tôn trọng, vì lợi ích của hai dân tộc Việt-Trung, góp phần củng cố hòa bình lâu dài cho khu vực và thế giới. Hồng Lê Thọ 9/2009 (*)Tư tưởng Đại Hán hình thành từ Triều đại đầu tiên là nhà Thương, định cư dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà, vào khoảng thế kỷ 18 đến thế kỷ 12 TCN. Nhà Thương bị nhà Chu chiếm (thế kỷ 12 đến thế kỷ 5 TCN), đến lượt nhà Chu lại bị yếu dần do mất quyền cai quản các lãnh thổ nhỏ hơn cho các lãnh chúa… vào thời Xuân Thu, nhiều quốc gia độc lập đã trỗi dậy và liên tiếp giao chiến, và chỉ coi nước Chu là trung tâm quyền lực trên danh nghĩa. Cuối cùng Tần Thủy Hoàng đã thâu tóm tất cả các quốc gia và tự xưng là hoàng đế vào năm 221 TCN, lập ra nhà Tần, quốc gia TQ thống nhất về thể chế chính trị, chữ viết và có một ngôn ngữ chính thống đầu tiên trong lịch sử TQ( vietphattour.com/vi/node/220) và Lữ Phương trong”Ba bài viết về Việt Nam “đổi mới” (http://www.viet-studies.info/kinhte/LuPhuong_ChuNghiaDanTocVietNam.htm)  Đường màu đỏ: chủ quyền lãnh hải theo chủ trương của TQ trên Thái Bình Dương ============================== Chú thích: (1)Phạm Hoàng Quân”Chủ quyền cương giới biển và Hoàng Sa – Trường Sa” www.biendao.org/news.php?do=detail&id=6 (2)xem Dương Tác Châu “紛争南沙諸島”(Tranh chấp ở quần đảo Trường Sa) NXB Shinhyoron(Tokyo) 1994 (3) Hồng Lê Thọ”Rừng vàng biển bạc…Nanh vuốt của những đoàn “tàu” lạ …tháng 8/2009 vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/rungvangbienbac.htm (4)Con thuyền của Fujiwara no Kiyokawa và Abe no Nakamaro gặp bão trôi dạt xuống vùng đất lạ phương Nam. Sách Tục Nhật Bản kỷ (chính sử của Nhật Bản hoàn thành vào năm 797) viết: “… Lúc trở về gặp gió ngược trôi dạt đến tận Hoan châu, phía nam của nhà Đường”. Nước ta lúc bấy giờ đang bị TQ đô hộ với tên gọi An Nam. Châu Hoan đối với Nhật Bản rất xa lạ, rất khó xác định, nhưng đối với người Việt thì Châu Hoan cùng với Diễn, Ái là khá quen thuộc. Châu Hoan tức là vùng Hà Tĩnh, Việt Nam hiện nay. Tiếc là khi thuyền của Fujiwara và Abe dạt đến vùng châu Hoan (năm 754), thì chắc là do bị hiểu lầm, nên đã có cuộc một chạm trán khá gay go giữa người trên tàu với dân địa phương. Cuối cùng thì một số người trên tàu bị bắt. Sau khi hiểu ra, số này được giúp đỡ đưa về TQ. Fujiwara no Kiyokawa và Abe no Nakamaro nằm trong số đó. Abe trở lại Trường An, được vị vua mới là Đường Túc Tông tiếp tục cho làm quan với chức Tả tán kỵ thường thị - một chức quan có nhiệm vụ giúp việc bên cạnh nhà vua : cố vấn, can gián, tấu trình và ứng đối… Ông cũng được phong mấy chức quan có liên quan đến An Nam như: Trấn Nam (An Nam) đô hộ, rồi An Nam tiết độ sứ. Về việc này giới sử học Nhật Bản vẫn còn chưa thống nhất: một bên thì cho Abe làm quan ở An Nam thật (quan điểm này trước 1945 bị nhóm có tư tương cục hữu lợi dụng , cho Abe là người Nhật đã từng cai trị An Nam từ trướcthế kỷ 10), nhưng một bên khác, đưa ra nhiều lập luận có tính thuyết phục hơn, cho rằng: những chức quan liên hệ đến An Nam phong cho Abe chỉ có tính chất danh dự, còn Abe vẫn làm việc ở Kinh đô. Vậy là cho đến cuối đời, hơn 15 năm sau khi lưu lạc ở An Nam trở về, tác giả bài tanka về “vầng trăng núi Mikasa” không quay về cố hương Nhật Bản nữa. Abe no Nakamaro mất vào năm 770 (Đại Lịch thứ năm đời Đường Đức Tông) tại Trường An, thọ 73 tuổi. Sau khi mất ông được truy tặng chức Lộ Châu đại đô đốc(5). Còn vị “Thi Tiên” bạn ông - Lí Bạch, đã mất trước Abe 8 năm- năm 762. lichsuvn.info/forum/showthread.php?p=79404 và www.viethoc.org/phorum/read.php?10,32383 (5) Ông Kawamura Sumihiko, nguyên Phó Đề Đốc Hải quân Nhật bản phân tích “từ khi có chính sách mở cửa TQ từ một vị trí nước lớn dựa trên đất liền đã trở thành một nước ngoại thương hùng mạnh dựa cải cách vào hàng hải từ đó tăng cường việc phòng thủ quyền lợi kinh tế các tỉnh duyên hải, chiếm đoạt tài nguyên ở đại dương và liên tục mở rộng tầm kiểm soát vùng biển và vùng trời bằng sức mạnh hải và không quân. Lý luận nền tảng cho hành động nầy là khái niệm về một “đường biên giới chiến lược mới” cho rằng đường biên giới quốc gia của họ sẽ phải thay đổi ngang tầm với sức mạnh của TQ và môi trường(tình hình chính trị) bất chấp luật lệ quốc tế”chính vì vậy mà TQ muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán và thương lượng về đường biên giới dài 1400 km trên đất liền (đã kết thúc năm 2008) và đường biên giới trên vịnh Bắc Bộ với Việt Nam ? 中国の海洋戦略―川村研究所代表/元海将補・ 川村純彦氏に聞く (Phỏng vấn Viện trưởng viện nghiên cứu Kawamura Sumihiko—Nguyên Phó Đô Đốc Hải quân NB-- về chiến lược biển của TQ) www.asahi-net.or.jp/~VB7Y-TD/k6/160826.htm (6)”Người Hoa Tại Việt Nam Qua Các Thời Đại” vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=print&sid=6485 “Làng Minh Hương”của Huỳnh Ngọc Trảng www.vanhoahoc.com/site/index.php?option=com_content&task=view&id=1171&Itemid=118(7)Hoàn cầu Thời Báo mil.news.sina.com.cn/2009-07-04/1007557641.html (8)”Tham vọng hàng hải của TQ” Olivier Zajec Meta (Le Monde Diplomatique) hoangsa.org/forum/archive/index.php/t-7073.html (9) Tuổi Trẻ ngày 3/9/2009 www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=334923&ChannelID=3 (10)xem thêm “Sea Lane Security and U.S. Maritime Trade: Chokepoints as Scarce Resources” Donna J. Nincic www.ndu.edu/inss/books/Books_2002/Globalization_and_Maritime_Power_Dec_02/09_ch08.htm “in modern terms SLOCs might properly be conceived as sea lines of commerce. Although the traditional and military term remains sea lines of communication (SLOCs), the civilian maritime community frequently refers to such zones of transit as sea lanes of communication. To combine the commercial perspective with the imperative to defend maritime commerce using military forces, the author deliberately chooses sea lanes of communication and the acronym SLOC for use throughoutthispaper” (11)String of Pearls: Meeting the challenge of china’s rising Power across the asian littoral, 7/2006 Christopher J. Pehrson www.strategicstudiesinstitute.army.mil/pdffiles/PUB721.pdf (12)”南海諸島国際紛争史” 浦野起央著 NXB Tósui, Tokyo 1997—International Conflict Over The South China Sea, by Dr.Urano Tatsuo(Nihon University) p.1055 (13) “China’s Power and Will:The PRC’s Military Strength and Grand Strategy” by June Teufel Dreyer www.fpri.org/orbis/5104/dreyer.chinaspowerwill.pdf“Chính phủ TQ đã biện hộ cho việc gia tăng chi phí quốc phòng lấy cớ rằng đó chỉ bù lại nạn lạm phát gia tăng trong nước. Tuy nhiên, mức tăng quốc phòng này vẫn diễn tiến ngay cả khi nền kinh tế giảm phát, và thường vượt chỉ số lạm phát. Trong thập kỷ trước 2006, chi tiêu quốc phòng hàng năm tăng gấp hai con số -bình quân là 13,7%- sau khi trừ đi phần lạm phát. Hậu quả tích lũy của thập niên này là gần như gấp 4 lần chi phí quốc phòng đòi hỏi thực sự “. Ngày 4/3/2009 theo BBC,TQ cho biết ngân sách quốc phòng của họ sẽ tăng một cách ‘khiêm tốn' trong năm nay, thêm 14.9%, lên 480.6 tỷ nhân dân tệ, tương đương 70.2 tỷ USD trong năm 2009. www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090304_chinesemilitarybudget_tc2.shtml (14)”Điều trần của Phó phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher” Vụ an ninh Á châu và Thái Bình Dương Văn phòng bộ trưởng Quốc phòng và “Điều trần của Phó phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Robert Scher ”Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trên Bauvinal.info.free.fr (15) như (2) (16)Trước yêu sách 80% diện tích biển Đông của TQ : Không chấp nhận đường "lưỡi bò” www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=332309&ChannelID=3 (17)”CUỘC TRANH CHẤP VIỆT – TRUNG VỀ HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA” của ông Lưu Văn Lợi do nhà xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội ấn hành năm 1995 hiện có bản đánh máy lại trên Bauvinal.info,free.fr (18)”CHỦ QUYỀN TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA “của GS Monique Chemillier – Gendreau do Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Hà Nội ấn hành 1998 hiện có bản đánh máy lại trên Bauvinal.info.free.fr (19)Trích từ Tài liệu đã dẫn ở (18), trang 8 & 9 (20) Đoan Trang “Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: cần một nỗ lực tổng hợp” tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5518/index.aspx (21)như chú thích (12) (22) Võ Anh Tuấn, Nguyên Đại Sứ, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Luật biển Liên hiệp quốc lần thứ III honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Tu-lieu-lich-su/Luat-phap-QT-va-chu-quyen-cua-VN-doi-vo-TS-HS.aspx (23) như (18) trang 15 (24)”TQ đã tự nhận những yêu sách của mình ở biển Đông là vi phạm luật quốc tế?” - 31/08/09 “Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TQ Tần Cương lại cho rằng, Nhật Bản dùng bãi đá này làm cơ sở để chủ trương quản lý diện tích rộng lớn của vùng biển này, đồng thời hy vọng thông qua cách làm nhân tạo để hỗ trợ và thúc đẩy chủ trương của mình. Điều này không phù hợp với luật quốc tế đã công nhận, cũng đã ảnh hưởng tới lợi ích cộng đồng quốc tế. Theo ông Tần Cương, bãi đá ngầm Okinotori không phải là một hòn đảo mà một tảng đá. Theo “Công ước Luật biển LHQ” bản thân nó không có khu kinh tế độc quyền và thềm lục địa 200 hải lý”. Trên thực tế TQ đã xây các bờ kè nhân tạo trên các hòn đá san hô ở Trường Sa, từ đó vẽ ra thềm lục dịa 200 hải lý chung quanh để xác định chủ quyền lãnh hải ở biển Đông thì sao ? Không vi phạm với Luật quốc tế chăng.  Hòn đá Okinotori bauvinal.info.free.fr (25)Tại Hội-nghị San Francisco, ngày 7-9-1951, Thủ-Tướng Chính-Phủ Trần Văn Hữu (thuộc chính quyền Bảo Đại 1950-1952), Trưởng Phái- đoàn Việt-Nam, đã long trọng tuyên bố trước 51 phái-đoàn ngoại-bang như sau : “Et comme il faut franchement profiter de toutes les occasions pour étouffer les germes de discorde, nous affirmons nos droits sur les îles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”. Lời tuyên bố đó đã được Hội-nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái-đoàn phó hội, không có một phái-đoàn nào phản đối gì cả. Trước đó, ngày 5-9-1951, Ngoại Trưởng Liên Sô Andrei Gromyko đã đệ trình tu chính án để yêu cầu Hội Nghị trao trả Đài Loan, Bành Hồ, Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cho TQ. Tuy nhiên tu chính án này đã bị Hội Nghị bác bỏ với 46 phiếu chống và 3 phiếu thuận.  Ông bà đại sứ Võ Văn Sung (Pháp) tiếp cụ Trần Văn Hữu - cựu thủ tướng thời Bảo Đại, tại Đại sứ quán VN Dân chủ cộng hòa (Trích: Sử Địa 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Sài Gòn,1975) (26)PHỦ NHẬN HOÀN TOÀN QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC.... Đinh Kim Phúc 5/2009 www.baokhanhhoa.com.vn/Khanhhoa350nam/2004/01/2491/(27)http://www.straitstimes.com/ Breaking2BNews/Singapore/Story/STIStory_412380.html (28)http://www.biendao.org/news.php?do=detail&id=737 bản tin của Việt nam Thông tấn xã (29) Đinh Kim Phúc”Chủ quyền quốc gia Việt Nam trênVùng Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” 02/08/2009 forums.thuyngaonline.com/tm.aspx?m=860033 (30) như chú thích (9)
|
|
|
Post by NhiHa on Dec 29, 2009 18:35:23 GMT 9
Quan hệ Mỹ - Trung quốc Nguyễn Văn Nhã
1- Lối thoát ra khỏi bụi rậm , Fareed Zakaria 2- Ngưng đầu tư qua phương Tây, Keith Brasher 3- Tới lúc cần nhìn rõ Trung quốc. Marcus Gee 4- Sự tiêt kiệm của trung quốc thổi phồng bong bóng Mỹ
I - LỐI THOÁT RA KHỎI BỤI RẬM. ( A path out of the woods - Fareed Zakaria - Newsweek December 1-2008)
Trong nhiều tuần lễ vừa qua, thế giới đã chờ đợi tin tưc từ nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Obama, tin về những người sẽ lãnh đạo trong chính quyền: Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng tài chính và Bộ trưởng tư pháp. Nhưng có một chức rất quan trọng trong chính phủ Obama có lẽ sẽ chưa được đề cập tới trong mấy tháng tới, và có lẽ ít người để ý đến- Đó là chức vụ Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc.
Ai cũng biết Trung Quốc là một cường quốc lớn, và đại diện của Mỹ tại đó rất quan trọng. Nhưng giờ đây chúng ta cần tới TQ hơn bao giờ hết. TQ là cái chìa khóa để giúp Mỹ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ này. Người đại sứ của Mỹ cần phải làm thế nào để người TQ nhìn thấy quyển lợi của họ gắn bó với quyền lợi của Mỹ. Nếu không được như vậy thì tình hình sẽ trở nên rất , rất xấu.
Hiện nay đang có sự đồng thuận là Washington phải chi phí nhiều để tìm lối thoát ra khỏi suy thoái, để bảo đảm suy thoái sẽ không biến thành suy sụp kinh tế. Các kinh tế gia từ tả qua hữu đều đồng ý là phải có một kế hoạch kích cầu khổng lồ, và giờ đây chúng ta không nên lo lắng về thâm hụt ngân sách. Nhưng muốn tạo thêm được sự thâm hụy này – mà trị giá có lẽ lên tới 1000 tỷ- hay 1500 tỷ USD, hay là 7% GDP – 11% GDP của Mỹ- phải có người cho Mỹ vay nợ. Và chỉ có một nước có đủ tiền mặt để làm chuyện này là TQ.
Từ tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ, vượt qua hẳn Nhật Bản. Nhật Bản không còn mua những số quốc trái lớn của Mỹ nữa. Thực tế, dù là Bộ tài chính không lưu trữ danh sách những người mua quốc trái, nhưng ai cũng biết chắc chắn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay đang nắm giữ 10% số nợ công của Mỹ ( vào khoảng 10.000 tỷ USD), là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. TQ đã trở thành chủ ngân hàng của Mỹ.
Nhưng liệu TQ còn muốn tiếp tục giữ vai trò đó nữa không ? Chắc chắn họ có nhiều phương tiện để làm chuyện đó. Quỹ dự trữ ngoại hối của họ đã lên tới 2.000 tỷ USD ( trong khi Mỹ chỉ có số tiền nhỏ nhoi 73 tỷ USD). Nhưng chính phủ TQ đang lo lắng cho nền kinh tế của họ cũng đang đi xuống rất nhanh, khi mà Mỹ và châu Âu không nhập khẩu hàng của TQ nữa. Họ cũng muốn vực dậy độ tăng trưởng của họ lên. ( 6% hay 7% thay vì 12% như năm ngoái. ) bằng một kế hoạch kích cầu của riêng họ.
Sáng kiến chi phí kích cầu của Bắc Kinh đã được công bố cách đây vài tuần lễ, trị giá khoảng 600 tỷ USD ( một phần của kế hoạch này là những chi phí đã được quyết định từ trước.), một số tiền to lớn trị giá 15% GDP của TQ.Nhắm vào mục tiêu để tạo công việc cho người dân và giảm bớt sự phản đối của quần chúng, Bắc Kinh có thế chi thêm cho kế hoạch này hàng chục tỷ USD, nếu thấy cần thiết.
Đồng thời Washington cũng cố nuôi hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục mua quốc trái của Mỹ. Như thế chính phủ Mỹ mới có thể thâm hụt ngân sách được, và tiến hành kế hoạch kích cầu của Mỹ. Thực ra là, chúng ta đang đòi TQ tài trợ , cùng một lúc, hai kế hoạch tài chính lớn nhất trong lịch sử loài người—Kế hoạch của họ và kế hoạch của ta – Có lẽ họ sẽ cố gắng giúp chúng ta, vì vực dậy nền kinh tế Mỹ là có lợi cho chính họ. Nhưng đương nhiên, ưu tiên của họ là dành cho tăng trưởng của nước họ.
Giáo sư Joseph Stiglitz, giải Nobel về kinh tế năm 2001, đã nhận xét: “ Người ta thường nói là Mỹ và TQ hai bên đều phụ thuộc vào nhau một cách ngang hàng. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. TQ có hai phương cách để giữ tăng trưởng kinh tế. Một là tài trợ cho giới tiêu thụ ở Mỹ; nhưng một cách khác là tài trợ cho chính người dân của họ, những người này, ngày càng có khả năng tiêu thụ một số lượng lớn hàng hóa do họ sản xuất ra, để kích thích sự tăng trưởng kinh tế của TQ. Họ có chọn lựa, còn chúng ta không có chọn lựa. Thực ra, chẳng còn quốc gia nào khác có thể tài trợ cho sự thâm hụt công quỹ của Mỹ nữa.”
Trong cuốn sách rất hấp dẫn mới xuất bản ( The Ascend of Money – Sự lên ngôi của Đồng tiền) , Niall Ferguson đã mô tả sự hình thành của một quốc gia mới sau chiến tranh lạnh. Ông đặt tên cho nó là Chimerica ( China- America), và nó có tới 1/10 diện tích đất nổi trên địa cầu, ¼ dân số thế giới, và một nửa số tăng trưởng kinh tế của cả thế giới trong vòng 8 năm qua. “ Cho tới nay, nó có vẻ một đám cưới trên Thiên đàng. Người Chimerica ở phương Đông thì tiết kiệm, người Chimerica ở phương Tây thì tiêu pha. Người phương Đông làm kinh tế tăng trưởng, người phương Tây được hưởng lạm phát thấp, và lãi xuất thấp”.
Giống như Stiglitz, Ferguson cũng tin là TQ có thể lựa chọn. : Họ sẽ cố gắng cho sự tiêu thụ ở Mỹ được tiếp tục, nhưng nếu kế hoạch không chạy, họ sẽ quay qua phương án B”. Ông ta nói với tôi vào đầu tuần trước như vậy. Phương án B là tập trung vào việc đẩy mức tiêu thụ nội địa của TQ lên, thông qua sự chi tiêu của nhà nước. và họ sẽ nới rộng tín dụng cho người dân của họ. Ferguson nói tiếp: “ Vấn đề lớn hiện nay là, liệu Chimerica sẽ cùng nhau tồn tại, hay là sẽ rã đám vì cuộc khủng hoảng này. Nếu họ tồn tại cùng với nhau, thì bạn có thể tìm thấy lối thoát ra khỏi bụi rậm. Nếu họ rã đám, bạn sẽ nói giã từ toàn cầu hóa “…
Trong những năm gần đây, chức đại sứ quan trọng và khó khăn nhất của Mỹ là tại Baghdad. Trong các thập kỷ tới, chức vụ khó nhất và quan trọng nhất có lẽ là đại sứ tại Bắc Kinh.
Fareed Zakaria.
II - TRUNG QUỐC NGƯNG ĐẦU TƯ QUA PHƯƠNG TÂY. (China to shun west’s finance sector - Keith Brasher - New York Times 3 Dec 2008.)
Hong Kong- Chủ tịch Quỹ Tự chủ của TQ vừa tuyên bố vào ngày thứ Tư 3/12/2008 là TQ không có kế hoạch đầutư thêm vào các định chế tài chính phương Tây. Họ cũng không có kế hoạch nào để “cứu” thế giới bằng chính sách kinh tế.
Lới phát biểu trên là của ông Lou Jiwei, chủ tịch và CEO của China Investment Corporation ( Công ty Đầu tư Trung Quốc) cho thấy dấu hiệu rõ rệt là các công ty TQ không muốn mua thêm cổ phần trong lãnh vực tài chính phương tây nữa, lý do là họ đã bị lỗ nặng trong kế hoạch đầu tư vào các ngân hàng Blackstone, Morgan Stanley, và Barclays.
Trong buổi họp tại Hồng Kông do tổ chức Clinton Global Initiative triệu tập,ông Lou đã phát biểu thêm : “ Ngay bây giờ chúng tôi không có đủ can đảm để đầu tư vào các định chế tài chính phương tây, vì chúng tôi không biết rõ là họ có những khó khăn gì .”
Khi được hỏi là TQ có chính sách kinh tế nào không để “cứu nguy” thế giới, ông Lou cho biết là các nhà lãnh đạo TQ đã thu gọn lại chủ đích : “ TQ chỉ có thể tự cứu nguy lấy chính nó, vì tầm mức kinh tế của TQ còn tương đối nhỏ”. Ông cũng cho biết thêm là mặc dù dân số TQ lớn hơn các nước khác, nhưng tổng sản lượng vẫn còn thấp, cho nên nền kinh tế không đủ lớn để có thể ảnh hưởng lên toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ông nói: “ Nếu TQ giải quyết tốt nền kinh tế nội địa là nó đã đóng góp tốt cho thế giới. ”
Lời phát biểu của ông Lou cho thấy là trước tình hình suy thoái của thị trường tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo TQ đã chuyển hướng trọng điểm vào nền kinh tế nội địa.
Gần đây, nhiều người đã bàn về số tiền dự trữ khổng lồ của TQ ( 1.900 tỷ USD), có thể cứu nguy các ngân hang Tây phương. Gần đây nhất, người ta đã nghĩ là Công ty Đầu tư TQ sẽ bỏ tiền ra đầu tư vào công ty Morgan Stanley của Mỹ. Nhưng cuối cùng thì Công ty Tài chính Mitsubishi UFJ của Nhật Bản đã làm việc đó.
Các lãnh đạo tài chính ở Hong Kong, Thượng Hải, Bắc Kinh có quan hệ mật thiết với chính quyền TQ, đã nói rõ là họ bị lỗ nặng trong các lần đầu tư trước đây, nên bây giờ người TQ rất cảnh giác. Ông Lou đã xác định lại ý kiến đó.
Tương tự, các nhà kinh tế tây phương đã hy vọng là TQ sẽ cố gắng tham gia lãnh đạo việc phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bằng cách chi tiêu thiệt nhiều. Nhưng khi chính phủ TQ công bố kế hoạch cứu nguy 586 tỷ USD, hầu hết số tiền này sẽ được dùng để xây xa lộ hay đường xe lửa, những công trình này có nhu cầu nhập khẩu rất giới hạn.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cảnh báo trong một buổi họp vào tuần trước của chính phủ là các khó khăn của nền kinh tế thế giới sẽ làm giảm sút tăng trưởng tại TQ.
Laura Tyson, nguyên chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của Tổng thống Clinton, trong buổi họp tại Hong Kong, đã phát biểu là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm tăng vai trò kinh tế quan trọng của châu Á. Bà nói: “ Cuộc khủng hoảng sẽ chuyển sức mạnh kinh tế qua châu Á. Khuynh hướng này đã có từ trước, nhưng bây giờ được tăng tốc lên. ” Công ty Đầu tư TQ có một số vốn 200 tỷ USD, lúc đầu, họ dự kiến sẽ đầu tư hết ra hải ngoại; nhưng bây giờ, họ dung phần lớn số tiền đó để hỗ trợ các ngân hang của TQ.
III - TỚI LÚC CẦN NHÌN KỸ TRUNG QUỐC. (Time for a serious reality check - Marcus Gee - Globe and Mail, Toronto - Dec 10- 2008/)
Trung Quốc không có quyền lực để cứu chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế này.
Trước hết phải thây rằng, TQ dựa vào thế giới nhiều hơn là thế giới dựa vào TQ. Đồng ý là kinh tế TQ đã phát triển mạnh mẽ. So với vài thập kỷ trước, nền kinh tế TQ đã khá lớn. Nhưng sản lượng của nó chỉ chiếm có 6% sản lượng của thế giới, một tỷ lệ tương đối khiêm tốn. Đồng ý là hiện nay TQ có quỹ ngoại tệ trị giá 2000 tỷ USD. Nhưng phần lớn số tiền này nằm dưới dạng công trái của chính phủ Mỹ. Và trong tương lai có lẽ vẫn nằm tại Mỹ. Khó cho người ta hy vọng là số tiền đó sẽ được bơm thêm vào IMF để cứu các nền kinh tế khác, hoặc bơm thêm vào Mỹ để cứu hệ thống tài chính của Mỹ.
Kế hoạch kích cầu trị giá 580 tỷ USD của TQ là một kế hoạch lớn, có thể là một kế hoạch lớn nhất từ xưa đến nay của một chính phủ trong thời bình. Nhưng các chuyên gia khi nghiên cứu kỹ kế hoạch này, thì họ thấy rằng phần lớn số tiền này đã được công bố từ trước. Do đó, ảnh hưởng lên tăng trưởng kinh tế sẽ không mạnh lắm. Các chuyên gia đã phải giảm ảnh hưởng của nó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế tử 3% xuống còn 1%.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế TQ đang suy giảm ( năm 2007 tăng trưởng 12%, quí 3 vừa rồi có 9%), kế hoạch kích cầu của TQ chưa chắc đã cứu nổi TQ. , chứ chưa nói tới cứu nguy nền kinh tế thế giới. Lorent Brandt, một kinh tế gia của Đại học Toronto, vừa mới qua thăm TQ trong một tháng. Ông cho biết, khi ông mới tới nơi, các công ty cho biết có lẽ tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ là 8%. Nhưng khi sắp rời TQ, dự đoán của các công ty chỉ còn lại 5% cho 2009.
TQ không những có tình trạng xuất khẩu suy giảm, mà còn thấy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào TQ cũng giảm trong thời gian gần đây. Giáo sư Brandt nhận xét là tại Mỹ, sự sụp đổ của thị trường tài chính đã kéo theo suy thoái của nền kinh tế thực; Nhưng tại TQ, hiện tượng ngược lại có thể xảy ra. Sự suy thoái ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu ( nền kinh tế thực), sẽ làm suy sụp hệ thống ngân hàng, vì các công ty sản xuất bị phá sản, không trả nổi tiền nợ ngân hàng.
Tuy thế, các phân tích trên cũng cho thấy nền kinh tế TQ không đến nỗi đen tối. Về phương diện nào đó, kinh tế TQ còn khá hơn nhiều nước khác. Tư thế tài chính của nó rất mạnh, có thể vực dậy rất nhanh nền kinh tế. Các ngân hàng TQ có vẻ rất lành mạnh. Cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt buộc người TQ phải suy nghĩ về việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế của họ : Chuyển qua tiêu thụ, thay vì tiết kiệm và đầu tư. Và họ cũng đã có bước đi về hướng cải thiện hệ thống y tế và phụ cấp hưu trí. Đó là những việc cần làm, nếu TQ muốn thưc sự đẩy mạnh tiêu thụ nội địa trong thời buổi khó khăn này.
Nhưng những công trình sửa đổi cơ cấu đó đòi hỏi một thời gian dài, nhiều khi hàng thập kỷ. Do đó, không có khả năng làm cho người TQ tiêu thụ nhiều hơn giữa lúc đang suy thoái này. Phải chờ nhiều năm nữa mới tới giai đoạn kể trên. Trong ngắn hạn, điều tốt nhất mà thế giới có thể trông cậy vào TQ là TQ phải tự cứu lấy mình. Còn đòi hỏi TQ phải cứu thế giới thì đó là chuyện hơi quá đáng.
IV - TQ: SỰ TIẾT KIỆM CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ THỔI PHỒNG BONG BÓNG CỦA MỸ. ( Chinese saving helped inflated American bubble - Mark Landler, New York Times, December 25 – 2008).
Ngày tính sổ: Túi TQ đầy tiền, túi Mỹ rỗng tuếch.
“ Bình thường , nước giàu cho nước nghèo vay tiền; Kỳ này, chính là nước nghèo cho nước giàu vay tiền.” Niall Ferguson.
Washington- Tháng 3-2005, một kinh tế gia ít tên tuổi ở Đại học Princeton đã được chỉ định làm Thống đốc của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đã đưa ra một lý thuyết mới, để cắt nghĩa khuynh hướng của người Mỹ đi vay tiền ngày càng nhiều ở nước ngoài, nhất là ở TQ, để tài trợ cho những khoản chi phí khổng lồ của Mỹ.
Theo ý ông ta, thì vấn đề không phải là tại người Mỹ tiêu quá nhiều, mà là vì người nước ngoài tiết kiệm quá nhiều. Người TQ đã tiết kiệm hàng đống tiền và cho Mỹ vay với lãi suất rất thấp (1), để hỗ trợ sự tiêu thụ ở Mỹ.
“ Vòng tuần hoàn tín dụng khổng lồ này không thể tiếp tục mãi mãi được. Nhưng trong nền kinh tế thế giới, sự di chuyển tiền của TQ qua Mỹ là một hiện tượng thị trường, mà phải cần nhiều năm, hay hang thập kỷ mới xây dựng được” , Ông nhận xét, “ Bây giờ chỉ còn có cách kiên nhẫn chờ đợi, không có cách nào khác”.
Ngày nay, sự phụ thuộc của Mỹ vào đồng tiền TQ có vẻ là một điều không lành mạnh. Và nhà kinh tế đã đưa ra lý thuyết đó, ông Ben S. Bernanke, đang phải đối phó với hậu quả của nó. Ông đã được thăng chức Chủ tịch của FED váo năm 2006, trong lúc mà số tiền chuyển nhượng qua biên giới hai nước đã đạt tới tầm mức chóng mặt.
Trong thập kỷ vừa qua, TQ đã đầu tư 1000 tỷ USD, phần lớn là do tiền lời của hàng xuất khẩu. Họ mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, và các loại nợ bất động sản có bảo lãnh của nhà nước. Điều này đã giữ được lãi suất ở Mỹ nằm ở mức thấp. Và giúp tạo ra sự bội thực tiêu thụ và bong bong bất động sản ở Mỹ.
Một số kinh tế gia cho rằng TQ đã ru ngủ giới tiêu thụ ở Mỹ, và các nhà lãnh đạo Mỹ nhắm mắt cho dân Mỹ sống theo cách vung vãi của họ. Kenneth Rogoff, giáo sư Harvard, và cựu kinh tế trưởng của IMF đã nói : “ Đèn đỏ nhấp nháy đã bật lên. Chúng ta phải có thái độ với chuyện này.”
Nhận xét về sự kiện đã xảy ra, hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng , nước Mỹ nên nhận thức được vấn đề là đi vay tiền ở nước ngoài để tiêu thụ, và để chi phí ngân sách thâm thủng không phải là biện pháp kinh tế hiệu nghiệm. Mặc dàu điểm yếu này đã được đông đảo người nhận diện, nước Mỹ vẫn lún sâu vào cơn nghiện ngập vay mượn nước ngoài , để tài trợ chi tiêu của chính phủ, để cố cứu nền kinh tế đã gãy đổ.
Chắc chắn có rất ít phương thuốc chữa trị- Một số nhà phê bình cho rằng Mỹ có thể ép buộc Bắc Kinh phải từ bỏ chính sách kềm giữ đồng tiền của họ ở mức quá thấp. – Một chính sách làm cho hàng xuất khẩu của họ có giá rẽ, và giúp cho TQ trở thành cường quốc xuất khẩu của thế giới. Nếu trong thập kỷ vừa qua TQ đã để cho đồng tiền của họ nổi lên theo giá thị trường, thì sự tăng trưởng xuất khẩu của họ có thể khiêm tốn hơn. Và TQ đã không thu được một số ngoại tệ khổng lồ để đầu tư ở nước ngoài.
Một số người khác cho rằng FED và Bộ Tài chính phải nhìn vấn đề theo một cách khác: Đó là một gói kích cầu khổng lồ cho nền kinh tế Mỹ, tương tự như việc cắt lãi suất của FED. Các nhà phê bình này đã cho rằng FED dưới thời Alan Greenspan đã tạo ra bong bong bất động sản bằng cách cắt lãi suất quà thấp, trong một thời gian quá lâu. Và thêm vào đó là tiền đầu tư của TQ bỏ vào nuôi nền kinh tế Mỹ quá nhiều. Đáng lẽ FED phải bớt việc cắt lãi suất vào giữa thập kỷ này, và phải tăng lãi suất lên để giảm bớt đầu cơ bất động sản.
Ngày nay giữa đống gạch vụn của nền kinh tế Mỹ, ông Bernanke tiếc nuối là đã không giám sát kỹ hơn các định chế tài chính, và những người cho vay nợ bất động sản, để có thể ngăn ngừa tiền đầu tư nước ngoài, kê cả tiền của TQ, làm ngập lụt thị trường. Nhưng vai trò giám sát của FED chỉ giới hạn trong ngành ngân hàng . Ông nói đã không có đủ một sự giám sát thưc thụ chặt chẽ.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bernanke đã nói “ Nếu thưc hiện được sự cân đối dòng chảy tư bản quốc tế một cách sớm hơn, người ta có lẽ đã giảm thiểu được rất nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, chỉ có thể làm được điều này nếu có sự hợp tác quốc tế. Một mình nước Mỹ không thể làm nổi. Người ta đã nhận diện được vấn đề, nhưng sự hợp tác quốc tế thì không có”.
Sự bại liệt do nhiều yếu tố chính trị , kinh tế gây ra. Qua những thước đo quan trọng nhất – sự thịnh vượng và sự tăng trưởng – quan hệ hợp tác giữa Mỹ và TQ có vẻ có lợi cho cả hai bên. Cả hai nước đều không muốn bỏ sự nghiện ngập này. TQ thì nghiện tăng trưởng mạnh và ổn định tài chính, Mỹ thì nghiện hàng nhập khẩu rẻ và tiền vay lãi suất thấp.
Tại Washington, một số người coi Trung Quốc là một mối đe dọa, nhưng chủ yếu là vì sợ TQ lấy mất công việc trong ngành chế biến. Một số người khác cho rằng vay mượn TQ quá nhiều như vậy sẽ gây nên rủi ro., vì các nhà lãnh đạo TQ có thể quyết định lấy tiền ra bất cứ lúc nào, tạo nên sự hỗn loan trên thị trường đồng đô la.
Ông Bernanke thì nhìn dòng chảy tư bản quốc tế dưới một khía cạnh khác. Ông cho rằng TQ đầu tư tiền tiết kiệm của họ ở nước ngoài , vì giới tiêu thụ TQ không đủ tự tin để chi tiêu ở trong nước. Muốn thay đổi tình hình như vậy, phải cần nhiều năm. \và không phải là vấn đề khẩn cấp của nước Mỹ. (3)
Edwin Truman, một cựu quan chức của FED và của Bộ Tài chính Mỹ nói: Câu chuyện siêu tiết kiệm của thế giới tạo ra một điều tệ hại tập thể cho nước Mỹ. Nó tạo ra tư tưởng là thế giới đang làm điều đó cho ta, mà chúng ta không làm được gì cho vấn đề này cả.
Nhưng lý thuyết của Bernanke thích ứng với ý thức hệ không can thiệp , nghiêng về thị trường , đang thịnh hành ở Mỹ trong những năm gần đây. Ông Greenspan và chính quyền Bush coi thâm hụt thương mại và vấn đề đi vay nợ trầm trọng của Mỹ là một mối đe dọa trừu tượng, không phải là vấn đề cấp bách. Sau khi nhậm chức Chủ tịch tại FED, ông Bernanke đã cảnh báo là sự mất cân đối công nợ giữa hai nước đã trở nên quá trầm trọng. Tuy nhiên, lúc đó đã quá trễ để có thể làm được việc gì. Và Nhà Trắng vẫn coi sự mất cân đối là đề tài bí hiểm dành riêng cho các nhà kinh tế. Tự nó, tiền từ TQ không phải là điều xấu. Như là các quan chức Mỹ vẫn thường nhận định: Đó là điều chứng tỏ sự hấp dẫn của nước Mỹ như là địa điểm đầu tư rất tốt. Vào thế kỷ 19, nước Mỹ đã vay tiền của nước Anh để xây dựng đường xe lửa. Trong thập kỷ vừa qua, TQ đã giúp cho kinh tế Mỹ bùng phát. Hàng hóa giá rẻ của TQ đã giúp Mỹ ngân chặn lạm phát. Trong khi tiền đầu tư của TQ đã giúp chính phủ Mỹ tài trợ các khoản nợ bất động sản, và nợ công xấp xỉ tới 11.000 tỷ USD. Nhưng người Mỹ đã không sử dụng tiền vay của TQ để xây dựng những công trình tương đương đường xe lửa của thế kỷ thứ 21. Ngược lại, chính phủ Mỹ đã dùng tiền đó để gây ra cuộc chiến tranh Iraq đầy tốn kém; và người tiêu thụ dùng tiền đi vay để mua xe sport utility, và mua nhà cửa đồ sộ. Ngân hàng và nhà đầu tư ham muốn lợi nhuận cao trong bối cảnh tiền vay dễ dàng, đã tạo ra những loại tín phiếu đầy rủi ro giống như CDO (trái phiếu nợ có bảo lãnh). Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thuộc đảng Cộng hòa ở South Carolina, ngưởi đã thúc đẩy một đạo luật chống hàng TQ bằng cách tăng thuế nhập khẩu, đã nói: Không ai muốn cai nghiện cả. TQ nghiện những dẫy dài khách hàng nối đuôi nhau chờ mua hàng TQ . Mỹ nghiện mua hàng TQ và tiền mặt của TQ. . Ông Graham nói là ông đã hiểu cơn nghiện này rồi. Khi nói chuyện bằng điện thoại với chúng tôi, ông đang đứng xếp hàng trước cửa hàng Wall Mart tại Anderson, S.C, để mua quà Giáng sinh sản xuất tại TQ.
ĐIỆU VŨ KINH TẾ MỚI Trước kia, nước Mỹ đã gặp tình trạng này rồi. Trong những năm 1980, Mỹ đã có thâm hut thương mại nặng nề với Nhật Bản. Nước Nhật đã dùng môt phần số tiền này để mua trái phiếu Mỹ. Vào lúc đó, sự thâm hụt được coi là mối đe dọa lớn cho quyền lực kinh tế của Mỹ. Mỹ đã ép Nhật phải ký một hiệp ước gọi là Plaza Accord vào năm 1985. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để đẩy tỷ giá đồng đô la xuống, và nâng tỷ giá đồng yên lên.
Hiệp ước này đã làm cho cán cân thương mại bớt trầm trọng trong một thời gian. Nhưng các kinh tế gia cho rằng, khi ép đồng yên tăng giá, Mỹ đã làm cho kinh tế Nhật bớt tăng trưởng. (4). Bài học của Plaza Accord chưa làm tổn hại tới TQ , vì vào lúc đó, TQ mới chỉ là một nước xuất khẩu mới nổi lên.
TQ gắn kết với Mỹ chặt chẽ nhiều hơn là Nhật Bản trước kia. Năm 1995, TQ đã hạ giá đồng quan , và duy trì ở mức 8.3quan/1 đô la. Tỷ giá này nằm yên trong một thập kỷ. Trong cuộc khủng hoảng Á châu năm 1997-98, TQ ôm chặt lấy chính sách tiền tệ này, và đã được chính quyền của ông Clinton khen ngợi là đã giúp ngăn chặn vòng xoáy chôn ốc của chính sách giảm giá đồng tiền tại Á châu. Lương bổng rất thấp tại TQ đã cuốn hút hàng trăm tỷ đô la đầu tư nước ngoài.
Vào đầu thập kỷ này, Mỹ đã nhập những số lượng hàng hóa khổng lồ từ TQ - Đồ chơi, giày dép, TV màn hình phẳng và phụ tùng xe hơi – trong khi đó, Mỹ xuất rất ít hàng qua TQ.
Ông Laurant Meyer, nguyên Thống đốc của FED, đã nói: “ Đối với giới tiêu thụ, đây là chuyện có lợi, vì họ được mua hàng giá rẻ. Rõ ràng là TQ đã giúp Mỹ ngăn chặn lạm phát.”
Nhưng trong kinh tế học cổ điển, sự thâm hụt thương mại này không thể kéo dài mãi được mà không làm phá sản nền kinh tế Mỹ. Ngoại trừ là TQ tái đầu tư số tiền lời mà họ kiếm được vào Mỹ.
TQ làm vậy là để tự bảo vệ quyền lợi cuả họ. TQ kiểm soát chặt chẽ các ngân hang và đồng nội tệ của họ để duy trì ổn định tài chính. Họ đòi hỏi các công ty và tư nhân phải gửi tiết kiệm ngoại tệ trong tài khoản ngân hàng, những số tiền lời bằng ngoại tệ của họ.
Khi ngoại thương phát triển, kho đô la của họ trở thành khổng lồ. Năm 2000, Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 200 tỷ đô la. Năm 2008, Quỹ này đã có 2.000 tỷ đô la. Các nhà lãnh đạo TQ đã chọn cách gửi tiền an toàn nhất: Vào các loại tín phiếu của Mỹ có chính phủ bảo lãnh. Kể cả trái phiếu của Bộ Tài chính, và trái phiếu của các công ty Fannie Mae và Freddie Mac. ( Các công ty này cũng được chính phủ Mỹ bảo lãnh).
Cách làm này không những giúp chính phủ Mỹ tiếp tục tài trợ thâm thủng thương mại, mà khi mua công trái của Mỹ, họ đã giúp làm hạ lãi suất của Mỹ xuống. Nếu không thế thì lãi suất của Mỹ đã rất cao. Trong nhiều năm liền, TQ rất ham mua trái phiếu của Mỹ, do đó, tiền lãi của khu vực tư xuống rất thấp.
Sự đan kết tài chính và thương mại giữa TQ và Mỹ đã quá chặt chẽ, đến nỗi nhà sử học về tài chính Niall Ferguson đã gọi hai quốc gia này là Chimerica.
RÓN RÉN QUANH ĐỐI TÁC-
Bị buộc dây thừng vào lưng không là điều thoải mái chút nào cho cả 2 bên. Có nhiều lý do:
Tại Mỹ, nhiều người lo lắng vì hang TQ giá rẻ, chú không lo về tiền vay của TQ giá rẻ. Năm 2003, thặng dư thương mại của TQ đối với Mỹ tăng vọt, và các nhà làm luật ở Quốc Hội Mỹ bồn chồn. Thượng nghị sĩ Graham và TNS Charles E. Schumer, đang Dân chủ bang New York, đã đưa ra một dự án luật đề nghị tăng thuế 27% lên hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Ông Graham nhớ lại : “ Có lúc chúng tôi phải lưu ý mọi người: coi chừng Nhà Trắng và TQ”.
Tại Ngân hang Trung ương TQ, đã có sự đồng thuận vào năm 2004: “ TQ phải từ bỏ việc cột chặt đồng quan vào đô la, sẽ làm cho hàng xuất khẩu cao giá hơn. Yu Yonding, một cố vấn kinh tế cao cấp, đã thúc đẩy việc này (5).Sự thâm thủng thương mại và ngân sách của Mỹ quá trầm trọng rồi. Ông cảnh báo: TQ sẽ sai lầm nếu cứ giữ đồng tiền quá thấp một cách giả tạo., và phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu hàng giá rẻ.
Những người ủng hộ việc nâng giá đồng quan lý luận là chính sách tiền tệ của nhà nước như vậy sẽ không cho người dân được chung hưởng kết quả của sự trù phú. Bắc Kinh đã đầu tư tiền tiết kiệm của nhân dân vào những trái phiếu có lãi suất rất thấp (6) của chính phủ Mỹ. Họ nói, vối một đồng nội tệ có tỷ giá quá thấp, người dân TQ không thể mua được nhiều loại hàng nhập khẩu.
Ông Thống đốc Ngân hàng Trung ương TQ, Zhou Xiao Chan, là một trong những người ủng hộ việc nâng giá đồng quan.
Nhưng tới năm 2005, chính phủ TQ hành động để sửa đổi lại đồng tiền, dưới áp lực của Quốc hội Mỹ và của Nhà Trắng, họ lại hành xử quá cẩn thận. Đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá có 2% (6). Đảng Cộng sản TQ đã chỉ đồng ý tu chính một chút ít mô hình kinh tế đã giúp họ phát triển nhanh suốt một thập kỷ. Quá ít thay đổi. Hàng xuất khẩu của TQ tiếp tục tăng mạnh, và tiền đầu tư đổ như nước vào các lò luyện thép, và các xí nghiệp may mặc.
Nhưng chính phủ Mỹ giảm bớt áp lực. Họ quyết định là phải nhấn mạnh vào việc khuyến khích người TQ tiêu thụ. Nếu được như vậy, người Mỹ hy vọng là cán cân thương mại giữa hai nước sẽ cân bằng tốt hơn. John W. Snow, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trong một chuyến thăm TQ, đã đề nghị người TQ dung thẻ tín dụng.
Chính phủ TQ cũng có chiến dịch của riêng họ để vận động tiêu thụ trong nước, mà họ hy vọng sẽ tìm ra lối ra mới. Nhưng người TQ vẫn say mê tiết kiệm, giống như người Mỹ say mê tiêu tiền. Vì mạng lưới an sinh xã hội chưa đầy đủ, họ phải dành dum tiền cho y tế, nhà cửa, và hưu trí. Đó là những thứ tiêt kiệm mà ông Bernanke đã kể ra.
Khi gặp riêng các phái bộ của Mỹ, các quan chức TQ cho biết các nỗ lực vận động tiêu thụ ít có hiệu quả.
Robert Zoellick, thứ trưởng ngoại giao, lo các vấn đề đàm phán với TQ, đã nhận xét: “Đôi khi rất khó thay đổi một mô hình đã được chứng tỏ là thành công. Nói theo kiểu Mỹ ngày xưa: “ Mô hình này rất tốt, nhung bây giờ bạn nên thay đổi nó đi”.
Tại Washington, các nhà phê bình nói là chẳng có tiến bộ gì cả. Một cựu viên chức Bộ tài chính, Timothy D.Adam, đề nghị IMF giám sát chặt chẽ việc TQ thao túng tỷ giá đồng tiền, điều này sẽ bắt TQ phải chịu thêm áp lực của quốc tế.
Nhưng vào năm 2006, khi Hank Paulson thay thế Snow làm Bộ trưởng tài chính, IMF bị bỏ qua một bên, và Paulson trực tiếp chỉ huy chính sách đối với TQ.
Paulson không tự ty chút nào. Trước kia là một lãnh đạo của công ty Goldman Sachs, ông Paulson đã qua TQ 70 lần.Trong văn phòng của ông, có treo một bức tranh màu nước, vẽ hình làng quê của Chu Dung Cơ, nguyên Thủ tướng TQ. Trong một buổi phỏng vấn, ông Paulson đã nói: “Tôi đã đẩy mạnh đàm phán về đồng nội tệ của TQ, vì tôi tin là sẽ rất quan trọng cho TQ cần có một đồng tiền do thị trường định giá”. Nhưng ông cũng thú thực là ông đã không đạt được điều ông muốn.
Cuối năm 2006, ông Paulson mời ông Bernanke cùng đi Bắc Kinh. Ông Bernanke nhân cơ hội này, đã có bài phát biểu tại Viện Hàn lâm Xã hội học TQ, trong đó, ông khuyên TQ nên chuyển hướng lại nền kinh tế, và nâng giá đồng quan lên. Nhưng vào giờ phút chót, ông Bernanke đã gạch bỏ đoạn văn nói về “ tỷ giá là cách tài trợ xuất khẩu của TQ” vì sợ rằng câu này có thể gây ra phản ứng của Quốc hội Mỹ chống lại TQ.
Những người phê phán ( chính phủ Mỹ) đã tìm ra được một chi tiết: Họ ghi nhận là trong những báo cáo của Bộ tài chính cho Quốc hội Mỹ , hai lần một năm, không bao giờ nói là TQ thao túng tỷ giá đồng tiền của họ.
Thea M. Lee, giám đốc chính sách công của tổ chức nghiệp đoàn AFL-CIO đã nói: “Chúng ta rón rén đi nhẹ bước, sợ làm mất lòng người TQ. Nhưng nếu bạn muốn có kết quả cụ thể, bạn phải đối đầu với họ”.
MỘT CUỘC ÔM ẤP KHÔNG ĐƯA TỚI ĐÂU-
Đối với TQ, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng là dịp để tính toán lại. Hiện nay, người Mỹ mua ngày càng ít máy hát DVD và lò vi ba của TQ. Thương mại đang sụp đổ, và hàng ngày công nhân mất việc. Các nhà lãnh đạo đang lo sẽ có bất ổn xã hội.
Sau năm 2005, đồng nhân dân tệ đã lên giá một chút. Bây giờ chính phủ TQ đang bị áp lực đè nặng phải thay đổ hướng đi của nền kinh tế, và phá giá đồng tiền. Của cải của TQ bị trói chặt vào sự giàu có của Mỹ. Và điều ngược lại cũng hoàn toàn đúng.
…..
Từ năm năm nay, TQ là người mua công trái của Mỹ nhiều nhất. Họ nắm giữ tới 652 tỷ USD công trái của Bộ tài chính Mỹ, tăng từ 459 tỷ khoáng một năm trước đó. Nếu kể thêm trái phiếu của Fannie Mae và các công ty khác, các chuyên viên cho rằng TQ sở hữu 1USD cho mỗi 10USD nợ công của nước Mỹ. (7)
Hiện nay, Bộ Tài chính đang rao bán them công trái để tài trợ 700 tỷ tiền cứu nguy các ngân hang. Ngoài ra, còn cần them nhiều tiền nữa cho kế hoạch kích cầu của chính quyền Obama. Cac nhà kinh tế cho rằng nước Mỹ sẽ phải phụ thuộc vào TQ để họ tiếp tục mua them nợ, cho phép kéo dài thói quen của Mỹ ( đi vay nợ).
Ngay cả vậy, ông Paulson vẫn cho là cuộc tranh luận về sự mật cân đối (thương mại) toàn cầu chỉ là vấn đề sách vở. Ông tỏ ý nghi ngờ là ông Bernanke hay bất cứ ai khác có thể giải quyết được vấn đề đả chớm phát.
Ông Paulson, ngồi dưới bức tranh màu nước trong văn phòng của ông, nói : “ Tôi đã rõ ràng học được bài học: Bạn không thể nào thay đổi , hay cải cách, hoặc hành động mạnh bạo được, nếu khủng hoảng không xảy ra.”
Trích từ quyển Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Chú thích của người dịch: (1) Thực ra, lãi suất là do Bộ Tài chính và FED của chính phủ Mỹ qui định. Người TQ chỉ mua trái phiếu của Mỹ mà thôi.
(2) Chủ nghĩa laissez-faire của thời đại Reagan.
(3) Dân TQ không đủ tự tin để tiêu thụ hay là vì chính phủ TQ tập trung thặng dư giá trị vào tay nhà nước ?
(4) Tăng trưởng của Nhật: Những năm 1950: 10%/năm; 1960: 5%, 1980: 3%. Đầu năm 1991: suy thoai kinh tế tại Nhật, kéo dài cho tới năm 2003.
(5) Nếu nâng tỷ giá đồng quan lên, thặng dư xuất khẩu sẽ bớt. Chính phủ TQ sẽ không tích lũy nhanh. Nhưng trong tư nhân tại TQ, hang nhập khẩu giá rẻ, sẽ đẩy mạnh khả năng tiêu thụ của quần chúng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.
(6) Hiện nay, 2008, 1 USD = 6.9 tệ ( quan).
1995, 1USD= 8.3 tệ
|
|
|
Post by NhiHa on Dec 29, 2009 18:42:30 GMT 9
Trung Quốc, một cơn ác mộng ? Văn Ngọc Philippe COHEN và Luc RICHARD La Chine sera-t-elle notre cauchemar ? Ed. Mille et Une Nuits – Paris 2005 (tái bản 5-2008) (Trung Quốc, một cơn ác mộng ?) hay là : Hậu quả của chính sách kinh tế-xã hội của Trung Quốc Viết về Trung Quốc vào thời buổi này, người ta thường chỉ biết khen, chứ ít ai dám chê. Vậy mà có người đã dám chê từ đầu đến cuối toàn bộ cái mô hình kinh tế-xã hội nửa xã hội chủ nghĩa- nửa tư bản chủ nghĩa này, đó là hai tác giả Philippe COHEN và Luc RICHARD, trong khi dư luận quần chúng, cùng các kênh thông tin và truyền thông ở phương tây lại không ngớt lời ca ngợi những cái hay, cái giỏi của đất nước này về mọi mặt. Tại sao hai tác giả, Philippe COHEN và Luc RICHARD, lại đột nhiên quan tâm đến tình hình xã hội Trung Quốc, và đã viết nên được một cuốn sách đầy ắp thông tin và dày công phân tích như cuốn « La Chine sera-t-elle notre cauchemar ? ». Người ta có thể nghĩ rằng, trước hết hai tác giả này muốn nói lên một sự thật, một thực tế, mà trong nhiều năm ở phương tây, báo chí, cùng các cơ quan truyền thông và một số người có chức quyền vẫn cố tình che giấu, hoặc tô hồng, vì dẫu sao, người ta cũng cần cái thị trường khổng lồ này, trong một nền kinh tế toàn cầu hoá. Cũng có thể, do một bản năng tự nhiên, hay một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nào đó, các tác giả muốn vạch ra những yếu kém của mô hình phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, để cảnh báo các xã hội phương tây. Cũng có thể, họ còn có một tầm nhìn rộng hơn nữa, một tầm nhìn có tính chất chiến lược, ở qui mô toàn cầu. Nhưng cũng có thể, đó chỉ là do một sự thôi thúc nội tâm có tính chất đạo lý ? Vô hình trung, các tác giả đã nêu lên được sự suy sụp tất yếu của mô hình này, và họ đã làm được với một hình thức độc đáo, bằng cách quan sát và phân tích đời sống hàng ngày của nhiều tầng lớp nhân dân Trung Quốc, nạn nhân của cái mô hình đó. Đối với Việt Nam, mô hình phát triển của xã hội Trung Hoa lại càng là một kinh nghiệm quí báu hơn nữa. Người ta thường bảo : « Cái gì xảy đến ở bên Trung Quốc đều sẽ xảy ra ở Việt Nam trong vòng 10 năm ». Điều đó đã thành như một tiền lệ, và xét ra cũng chẳng lấy gì làm lạ. Láng giềng hàng xóm với nhau mà ! Bắt chước nhau, chia sẻ cho nhau từng nỗi vui, nỗi buồn, là chuyện thường, trừ phi có cậy lớn bắt nạt bé. Philippe COHEN, một trong hai tác giả, xuất thân là nhà báo và nhà văn. Luc RICHARD cũng là nhà văn, ông đã từng sống ở Trung Quốc và biết tiếng quan thoại. Cả hai đều là những nhà nghiên cứu khoa học, có hiểu biết rộng về kinh tế. Với cặp mắt quan sát sắc bén của mình, họ đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội Trung Quốc để tìm hiểu một thực tế vô cùng tế nhị và phức tạp. Tác phẩm được viết như một thiên phóng sự, một nhân chứng. Nó không chỉ nêu lên những hoàn cảnh cụ thể, có thật, nói lên những điều mà những con số thống kê không thể nói lên hết được, mà còn truyền được tới người đọc một dòng suy nghĩ, một nỗi lo âu, một lời cảnh báo.  1/ Nạn công nhân bị sa thải (« hạ cương » = hạ thấp cương vị, từ được tạo ra để làm nhẹ bớt cái ý bị đuổi việc) : Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với những bước đầu của quá trình toàn cầu hoá, hàng loạt các xí nghiệp quốc doanh TQ bị dẹp bỏ, nhường chỗ cho các xí nghiệp tư nhân. Hàng triệu công nhân bị sa thải. Năm 1998, chỉ riêng trong khâu dệt may, có 660 000 người bị rơi vào hoàn cảnh này ; trong lãnh vực dầu khí, 1 triệu người. Các nhà máy cũ nhường chỗ cho các nhà máy mới do nước ngoài đầu tư xây dựng. Công nhân quá 35 tuổi không được nhận vào xưởng làm việc nữa. Một ngày công không phải là 8, 9 giờ, mà là 11, 12 giờ. Chủ trương dẹp bỏ các xí nghiệp quốc doanh thực ra đã bắt đầu được thực hiện ngay từ những năm 80 và do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Sự kiện này diễn ra cùng một lúc với việc Đặng Tiểu Bình cho thực hiện chính sách phân quyền về các địa phương. Cũng là một công đôi việc, tránh cho Trung ương khỏi mang tiếng ! Nhưng cũng từ đó, nạn tham nhũng lan tràn về các địa phương. Theo một cuộc điều tra gần đây của nhà nước, thu nhập bình quân của những người giàu có nhất ở thành thị, lớn hơn gấp 12 lần thu nhập của những người nghèo ; 10% nhà có của ở thành thị, chiếm 45% tổng số tài sản, trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ chiếm có 1,4% số tài sản này. Ở các thành phố lớn vùng đông-bắc, nạn thất nghiệp chiếm từ 20 % tới 30% dân số. Ở Phong Đô, một thành phố mới được xây dựng lại một cách rất hoành tráng ở bờ nam sông Dương Tử, gần đập thuỷ điện Tam Hiệp, tỷ lệ này lên tới 60, 70%, vì trên thực tế, đây là một thành phố chết, hoàn toàn thiếu vắng mọi hoạt động kinh tế. 50 năm sau « Bước nhảy vọt » của Mao (1958) - một sai lầm về đường lối công nghiệp hoá, đã khiến hàng mấy chục triệu nông dân bị chết oan (nạn đói những năm 1959-1961) - các nhà lãnh đạo địa phương Trung Quốc vẫn còn nghĩ rằng, chỉ cần hô hào, động viên bằng lời nói, là có ngay những người hăng hái đầu tư. Vấn đề thất nghiệp được tóm gọn lại trong một phương trình đơn giản : năm 2004, số người thất nghiệp là 14 triệu, thêm vào đó là 10 triệu người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm sống hàng năm (Năm 2005, con số này lên đến 13 triệu người). Để đáp ứng nhu cầu, phải cung cấp 24 triệu công ăn việc làm cho những người này, điều mà cho đến nay các giới hữu trách mới chỉ bảo đảm được có một phần ba mà thôi. Điều nghịch lý, là một đất nước có nhiều người thất nghiệp nhất, lại là nơi có nhiều khách nước ngoài đầu tư nhất, và cũng là nơi mà các doanh nghiệp phương tây chịu di dời cơ sở sản xuất của họ đến nhất. Lý do đơn giản, là vì ở đây họ tìm được nhân công rẻ nhất.  2/ Nạn thất nghiệp ở nông thôn (« dân công » = từ mới, do nhà cầm quyền TQ tạo ra để chỉ những người thất nghiệp từ nông thôn đổ lên thành thị kiếm sống, và thường tụ tập ở các chợ lao động (« chợ người »), hay ngay trên hè phố - từ này khác với từ dân công dùng trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam) : Hiện nay, Trung Quốc có dân số trên 1,3 tỷ người, mà hai phần ba là nông dân, tức là số nông dân có tới 900 triệu người, trong số đó 600 triệu sống bằng nghề trồng trọt, trên những mảnh ruộng nhỏ li ti. Năm 1978, Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền, phát động phong trào hiện đại hoá nông thôn, bãi bỏ chính sách tập thể hoá. Người nông dân được phát ruộng, phát đất để trồng trọt, được đem nông phẩm ra chợ bán tự do. Ngay từ năm 1980, đời sống của người nông dân có những bước biến chuyển. Nhưng đến khoảng năm 1990, không thấy người ta bàn bạc, đả động gì đến nông thôn nữa, mà chỉ chú trọng đến sư phát triển của các đô thị, của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, và đương nhiên là đến quá trình toàn cầu hoá. Rồi đột nhiên, vào năm 2004, qua thống kê người ta được biết rằng số dân nghèo đến mức tối đa (tính theo tiêu chuẩn : dưới 75$/người/năm), lần đầu tiên đã tăng lên sau 25 năm, và đa số những người này là nông dân. Một vài thí dụ cho thấy sự nghèo khổ tột cùng của họ. Một cậu học sinh trung học ở một huyện lỵ kia, vì không có tiền để trả tiền học, đã lao mình xuống gầm xe lửa tự tử. Trước đó một hôm, ông đốc trường đã không cho phép cậu thi lên lớp, và bảo rằng : « Không có tiền, không được học ». Vào mùa xuân năm 2005, đã nổ ra những vụ tranh giành đất đai giữa nông dân và các quan chức địa phương, cũng như đã có những cuộc biểu tình của nông dân chống việc các nhà hữu trách đã để cho các chất thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường của mình. Như vậy, là sau một thời gian ngắn ngủi, làm ăn bắt đầu khấm khá trở lại vào những năm 80, tình hình nông thôn lại một lần nữa xuống cấp : thuế má ngày càng nhiều, chi phí sản xuất tăng, học phí cho con cái tăng, các dịch vụ y tế thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp tràn lan. Hố sâu giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn. Nếu kể cả những dịch vụ mà người dân đô thị còn được hưởng thêm, thì thu nhập của người dân đô thị bằng sáu lần thu nhập của người dân nông thôn. Khoảng hơn 10% nông dân sống với non 625 nhân dân tệ mỗi năm (62€/năm). Mức sống này còn kém hơn cả mức sống bần cùng nhất, theo tiêu chuẩn quốc tế. 11% dân số Trung Quốc thiếu ăn, trong số đó đa số là nông dân,. Nếu tính theo tiêu chuẩn đầu người, mỗi nông dân phải có được 0,66 ha đất nông nghiệp mới có thể làm ăn sinh sống được ở nông thôn. Con tính đơn giản này cho thấy nông thôn Trung Quốc thừa 170 triệu người. Thừa người ở nông thôn, thì người ta chỉ còn cách kéo nhau lên thành thị làm dân công. Dân công không phải là một người vừa là nông dân, vừa là công nhân. Họ không là gì cụ thể cả. Họ không phải là nông dân, mà cũng không phải là công nhân. Họ làm công nhật, không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, hôm trước hôm sau có thể bị đuổi, mà không kêu ca được với ai. Họ bị cấm không được phép làm một số nghề (danh sách các nghề bị cấm năm 1996, tại Bắc Kinh, là 15 nghề, đến năm 2000 con số này lên tới hơn 100) . Một ngày lao động của họ có khi là 10, 12 tiếng , có khi là 15 tiếng. Họ không có quyền hưởng luật lao động. Một dân công muốn có được một chỗ làm việc, phải « mua » các giấy tờ, thủ tục hành chính, với giá 640 nhân dân tệ, bằng 2 tháng lương. Chế độ « hộ khẩu » có từ thời Mao, nay lại càng được áp dụng chặt chẽ đối với họ. Mặc dầu vậy, với giá nhân công rẻ mạt, họ đã « được » khai thác có hiệu quả trong các ngành công nghệ xuất khẩu, nơi mà TQ phá kỷ lục về giá thành sản phẩm. Dân công là những người bị đánh thuế nhiều nhất và cũng là những người bị khinh rẻ nhất ở các đô thị. Một cặp vợ chồng dân công, lương tháng mỗi người khoảng 800 nhân dân tệ (80€), phải trả mỗi tam cá nguyệt 400 nhân dân tệ (40€) cho trường học của đứa con, nhiều hơn cả những người dân thành phố cư ngụ tại chỗ. Nhà nước TQ dự kiến, trong vòng 20 năm, sẽ giảm số nông dân xuống chỉ còn 30% số người lao động của cả nước. Dự kiến này xem ra không thực tế lắm, vì nếu như vậy thì phải chấp nhận hàng năm sẽ có tới 26 triệu nông dân kéo nhau lên thành thị sinh sống, trong khi lúc này chỉ có từ 10 đến 13 triệu. Dẫu sao, dòng thác dân công – mà người ta ước lượng khoảng từ 150 đến 200 triệu - vẫn sẽ đổ vào các thành thị, và giá nhân công nhờ đó sẽ giữ được ngày một rẻ. Vào đầu những năm 90, ở Trung Quốc (cũng như ở Việt Nam), đã nảy sinh ra hiện tượng nông dân phải bán máu để nuôi miệng. Sự kiện này đã dẫn đến tai hoạ mấy trăm ngàn nông dân TQ bị nhiễm trùng VIH (bệnh Sida). Không những nông thôn thiếu đất trồng trọt, mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại bởi những xí nghiệp, nhà máy, được di dời về đây. Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. 190 triệu nông dân sống trong một môi trường không lành mạnh, nước sông, nước hồ phần lớn đều bị ô nhiễm.  3/ Số phận của những người nữ dân công Lẽ ra, trong một chế độ « kinh tế tự do » (libéralisme), cuộc sống của người phụ nữ phải được cải thiện. Bằng sức lao động của mình, người phụ nữ phải được giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào các đức ông chồng. Ở Trung Quốc, mọi sự xảy ra có hơi khác. Phụ nữ là những nạn nhân đầu tiên của chính sách phủi tay của nhà nước đối với vấn đề giáo dục ở nông thôn. Ở những nơi phải sắp xếp, tổ chức lại các xí nghiệp quốc doanh bị dẹp bỏ, phụ nữ là những người đầu tiên bị sa thải hoặc di chuyển. Trong các ngành kỹ nghệ, điều kiện làm việc của những người nữ dân công còn tồi tệ hơn là của nam dân công nhiều. Không lấy gì làm lạ, là sau một thời gian, một số không nhỏ các nữ dân công đã phải bỏ đi làm gái điếm. Hiện tượng mãi dâm của các cô gái từ nông thôn lên thành thị , từ hơn 20 năm nay, đã trở nên một hiện tượng bình thường dưới mắt mọi người. Phần lớn các cô này đều đã trải qua một thời kỳ làm dân công. Quan hệ tình dục đã trở thành hàng hoá trao đổi, hoàn toàn phù hợp với tâm thức coi đồng tiền là quyền lực tối cao, coi cuộc đời là tiêu xài, hưởng thụ, con người là hoàn toàn vô trách nhiệm đối với xã hội.  Nhiều người - trong đó có những khách du lịch rất nhiệt tình và hồ hởi – khi được viếng thăm các thành phố Trung Quốc, theo các tuyến « tua », cứ ngỡ rằng những biến đổi về mặt xã hội ở những nơi này cũng là những biến đổi chung cho cả đất nước Trung Hoa. Thật ra, không phải thế. Đó chỉ là cái mặt tiền. Cuộc sống ở đô thị có thay đổi thật, người phụ nữ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn để học hành và làm việc, nhưng Trung Quốc chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Ở những vùng trung tâm, như Hồ Nam, An Huy, v.v., nông thôn vẫn không thay đổi mấy từ khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền (1949). Vẫn những cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn, cô dâu về nhà chồng rồi, liền bị cắt đứt liên hệ với gia đình nhà mình. Vẫn những vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em giữa vùng này và vùng khác. Vẫn cái truyền thống « trọng con trai, khinh con gái ». Chính sách giới hạn « một con » của nhà nước, khiến cho các cặp vợ chồng phải chọn lựa. Trên 7 triệu trường hợp phá thai mỗi năm, 70% là thai con gái. Vai trò của người mẹ, người vợ, trong nhiều gia đình nông dân đôi khi chỉ dừng lại ở vai trò của người hầu, người ở. Từ những năm 80, sau khi chế độ hợp tác xã bị dẹp bỏ, trở lại phương thức canh tác kiểu gia đình, vai trò của người phụ nữ lại càng bị chèn ép. Bắt đầu từ năm 1990, sự xuống cấp của các khâu giáo dục và y tế ở nông thôn càng làm cho họ bị thiệt thòi. Do sự phân biệt chọn lựa vì quyền lợi kinh tế giữa con trai và con gái, tỷ lệ thất học về phía nữ là 23% năm 1997 (49% năm 1982) ; về phía nam là 9% (21% năm 1982). Chính sách kinh tế của nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở đây đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng. Hiện nay, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Hoa thuộc vào hàng cao nhất thế giới. 4/ Giáo dục, một khâu bị bỏ rơi có kế hoạch Từ xưa đến nay, ngay cả người cùng dân cũng biết rằng nếu muốn mở mày mở mặt với thiên hạ, thì cha mẹ phải hy sinh cho con cái được ăn học. Đó là tâm lý của các bậc cha mẹ, nhất là những thế hệ xuất thân từ nông thôn nghèo khổ, ít được đi học. Ở một số nước Á đông, người ta đã rút ra được kết luận : nếu không có tối thiểu một trình độ giáo dục nào đó, thì năng suất lao động không thể nào cao lên được. Ở thời đại ngày nay, biết đọc, biết viết không đủ, còn phải biết đôi chút khái niệm khoa học kỹ thuật, phải biết sinh ngữ, để có thể tiếp thu được những công nghệ nhập từ nước ngoài, v.v. Trên thực tế, đảng cộng sản và nhà nước Trung Quốc đã không quan tâm đủ đến vấn đề này. Năm 2003, ngân quỹ dành cho giáo dục chỉ chiếm có 3,8% giá trị tổng sản phẩm nội địa. Ngay từ 1999, tại một Hội nghị của Bộ Giáo dục, một chủ trương đă được đề ra, là khuyến khích các gia đình tăng thêm ngân quỹ cho việc giáo dục con cái. Mục đích là đi đến việc tư lập hoá các trường học. Ở các vùng nông thôn nghèo, các khoản chi phí cho việc học của con cái đối với các bậc cha mẹ lại càng lớn hơn. Cũng bởi vì chỉ có 23% ngân sách giáo dục của nhà nước dành cho nông thôn, nơi có 2/3 dân số của cả nước, cho nên gánh nặng về mặt tài chính đổ cả lên đầu các bậc cha mẹ, mà đại bộ phận là nông dân nghèo. Trong một công trình nghiên cứu về gia đình người nông dân, Isabelle Attané, thuộc Trung tâm nghiên cứu dân số, viết : « Trong một hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế nhiều hơn là nhu cầu xã hội, thì những người dân nghèo khổ nhất, những người không được hưởng thụ những thành quả của sự phát triển, phải trả giá đắt nhất ». Sự phủi tay của nhà nước trước vấn đề giáo dục có một ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng cách về trình độ văn hoá ngày càng xa giữa thành thị và nông thôn (mức sống ở thành thị hiện nay cao gấp 6 lần mức sống ở nông thôn), cũng như giữa con trai và con gái (nạn thất học chiếm 6,6% giới trẻ ở nông thôn, trong đó có 3,6% là con trai, 10% là con gái). Điều đáng lo ngại nhất, là giáo dục vốn được coi là một công cụ có khả năng đưa tầng lớp nông dân thoát khỏi nạn nghèo đói, thì nay lại không tới được với họ nữa. Theo Philippe COHEN và Luc RICHARD, thì đây không phải là một sự chậm trễ của đảng và nhà nước TQ, mà là một sự cố tình, một chính sách, nhằm biến nông thôn TQ thành một kho dự trữ nhân công rẻ tiền, vì nhân công có rẻ thì giá thành sản phẩm mới rẻ, mà càng rẻ, thì càng dễ cạnh tranh, càng dễ kiếm lời trên thị trường toàn cầu hoá. 5/ Khó khăn trong việc áp dụng luật pháp Ở phương tây, người ta thường đối lập hai vế : vấn đề phát triển của TQ và vấn đề vi phạm nhân quyền của chính phủ nước này (các quyền tự do cơ bản của con người). Người ta tin rằng khi nào TQ hội nhập vào kinh tế thị trường rồi, thì sẽ giải quyết được dần dần vấn đề nhân quyền. Sự thật, cái điều mà các nhà lãnh đạo TQ phải lo thực hiện trước tiên, là làm sao áp dụng được luật pháp trên đất nước mình ! Trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, lao động, đến môi trường, có luật pháp là một chuyện (mặc dầu đôi khi luật pháp cũng còn mù mờ), nhưng áp dụng nó lại là một chuyện khác. Chỉ cần lấy một thí dụ : công nghệ làm hàng lậu quy mô quốc tế, chằng hạn. Người ta cho rằng hiện tượng này đã chỉ có thể xảy ra với sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của những quan chức địa phương mà thôi. Các luật lao động thông thường cũng không áp dụng được giữa chủ và thợ, vì luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền địa phương bênh vực quyền lợi của ngườI chủ, kẻ có tiền. Lương lậu của thợ thuyền, đặc biệt là của những người dân công, luôn luôn bị trả chậm. Nhìn chung, ít nhất một nửa số nhân công làm việc trong các xí nghiệp ở quy mô quốc gia, không được hưởng luật pháp. Tại sao lại có tình trạng như vậy ? Đơn giản chỉ vì, nếu tất cả các xí nghiệp áp dụng luật lao động, thì Trung Quốc sẽ mất đi con chủ bài (nhân công rẻ) để cạnh tranh trên thị trường. Trong lãnh vực môi trường cũng vậy. Sự áp dụng khe khắt các luật lệ về môi trường sẽ động chạm đến các quyền lợi kinh tế. Do đó, luật pháp trong lãnh vực này cũng được để lỏng lẻo, và tuỳ ở các cơ quan hữu trách địa phương có muốn áp dụng hay không. Trường hợp ô nhiễm ở sông Hoài, vùng Hồ Nam, An Huy, là một thí dụ điển hình. Năm 1994, chính quyền trung ương hạ lệnh làm sạch con sông này, vì cả một vùng dân cư gồm 160 triệu dân bị ô nhiễm. Trên giấy tờ, hàng nghìn xưởng máy bị đóng cửa, di chuyển, hoặc cải tạo theo đúng các tiêu chuẩn, quy phạm. 60 tỉ nhân dân tệ đã được chi ra cho công việc này, nhưng cho đến nay con sông Hoài vẫn bị ô nhiễm hơn bao giờ hết. Đối với chính quyền, thì vấn đề như vậy là đã giải quyết xong rồi, số tiền 60 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ €) đã được chi ra, và vấn đề đã được xoá sổ. Tác phẩm của Philippe COHEN và Luc RICHARD còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa, liên quan đến tác hại của mô hình kinh tế-xã hội của Trung Quốc lên nền kinh tế toàn cầu. Song vì giới hạn của bài viết, chúng tôi đã chỉ tập trung trình bày những nhân chứng và nhận xét của các tác giả trên những vấn đề mà chúng tôi cho là liên quan trực tiếp đến Việt Nam, để chúng ta cùng suy nghĩ. « Biết người, biết ta », « Trông người mà nghĩ đến ta », ngày xuân viết mấy dòng này, tôi mong rằng những trải nghiệm của ông bạn láng giềng lớn đã không làm cho bạn nghĩ ngợi mà mất vui. Đã đăng ở Diễn Đàn Forum (diendan.org)
|
|
|
Post by NhiHa on Dec 29, 2009 18:44:44 GMT 9
Trung Quốc, ảo và thực Nguyễn Mạnh Hùng Nhân ngày 9-11- 2009, 20 năm sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ Đáp những câu hỏi nợ bạn bè, lẽ ra chẳng phải đợi hôm nay, ngày bức tường Bá Linh sụp đổ 20 năm trước. Dẫu sao, đây cũng là dịp đánh dấu một cuộc đổi thay toàn cầu khá ngoạn mục, trên diện ý thức hệ, rồi chính trị và kinh tế. Thay đổi này chẳng chỉ ở Đông Âu mà còn cả Á Châu. Chủ nghĩa xã hội giáo điều coi như đã vào chung cục, kể cả ở những nước mạo nhận danh nghĩa xã hội chủ nghĩa, như Trung Quốc (TQ). Dù những con mèo lông trắng và đen cứ bắt được chuột là dùng - cách nói của Đặng Tiểu Bình - đã được phát ngôn từ nhiều năm trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nhưng giả như nếu sự cố này không xẩy ra, tôi chắc con đường của TQ vào tư bản chủ nghĩa bảo kê bằng những khẩu hiệu kiểu phát triển (kinh tế) trong ổn định (chính trị) sẽ bớt tính ‘’rừng rú’’. Ở thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang có hy vọng được vãn hồi, và theo giới chuyên gia, vãn hồi là nhờ những quốc gia mới nổi như Brazil, Ấn Độ và nhất là TQ, dư luận về một TQ siêu cường (thậm chí có xu thế thành Đế Quốc) có vẻ là một thứ phao cứu cho phép người ta giữ hy vọng tránh được những tác động tồi tệ có khả năng thay ‘’bước cáo chung của lịch sử’’ kiểu Fukuyama – nghĩa là, thể chế chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường - như giai đoạn dứt điểm của văn minh nhân loại. 1- Tại sao hệ thống XHCN sụp đổ? Liên Xô - tức Đế Quốc Xã Hội - sụp đổ vì không thể cứ giữ mãi một xã hội kinh tế yếu kém ( nông nghiệp, công nghiệp nhẹ và trung), thu nhập bình quân thấp, thông tin bịt kín một chiều, và nắm bộ máy quân sự-chính trị bằng một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Cuộc chạy đua võ trang với Mỹ khiến LX bó tay trong khả năng nâng cao mức sống của người dân, đào sâu những rạn nứt xã hội từ bên trong, và cho thấy một Đế Quốc thuần quân sự khó tồn tại mãi được. Quyết định của Gorbachev không sử dụng 3 triệu lính LX để ‘’giữ’’ bức tường Bá Linh, với tầm nhìn trung hạn, là không tránh né được. Thật ra, từ những thập niên 60-70, giới trí thức ở những nướcXHCN đã thấy khá rõ sự bất cập của thể chế chính trị độc trị cộng hưởng với một nền kinh tế chỉ huy qua những kế hoạch tập trung. Họ từng nêu lên sự cần thiết một xã hội dân sự với ít nhiều quyền tự do căn bản…Kể ra, những Sakharov, Zinoviev, Sojentnitsyn…là điển hình. Trí thức ở Ba Lan, Tiệp, Đông Đức, Hung cũng khá đông. Kornai, Havel…chẳng hạn. Bức tường Bá Linh sụp là một quá trình của chiến tranh lạnh, không đột phát, không tình cờ…Nói kiểu thời thượng (!), nó có tính cách qui luật. 2- Nếu là qui luật, tại sao vẫn còn TQ, VN, Bắc Hàn, Cuba? Tôi không nghĩ TQ và VN, trừ khía cạnh độc trị, còn cái gì có thể gọi là XHCN. Ngày xưa, XHCN đồng nghĩa chia đều cái khó, cái nghèo. Ở TQ hôm nay, nghèo khó ( thậm chí tương đối là hơn xưa) được ‘’ lùa’’ lên đầu lên cổ nông dân, chiếm khoảng 70- 80% dân số. Thu nhập thấp, lại mất đất vì Nhà Nuớc (NN) công nghiệp và đô thị hóa, nông dân nay phải bán sức lao động với giá rẻ mạt, tha phương cầu thực ở những thành phố lớn, ngày làm việc trung bình khoảng 10-12 giờ, đêm chỉ có 2-3 mét vuông để trải chiếu ngủ, và cứ cuối năm là hàng ba bốn trăm triệu người về quê ăn Tết. Dĩ nhiên, với độ tăng GDP khoảng 7-10% thập kỷ vừa qua, TQ làm chóa mắt thế giới. Nhưng GDP là - nói cường điệu- một ảo tưởng. GDP không cho thông tin gì về sự huỷ hoại môi trường, về chỉ số an sinh xã hội ( chủ yếu gồm phúc lợi đến từ y tế và giáo dục công cộng), về sự thất thoát do tham nhũng, về vấn đề phân bố lợi tức bất bình đẳng có khả năng dẫn đến khủng hoảng an ninh xã hội. Theo thống kê Liên Hiệp quốc thì chỉ số Gini đo tính bất bình đẳng phân bố lợi tức ở TQ là 46.9, tức thuộc lớp những quốc gia mấp mé mức có vấn đề ở châu Phi và dăm nước châu Mỹ Latinh. Thật ra, lợi tức trung tuyến (median income) so với lợi tức bình quân nói nhiều hơn về mức bất bình đẳng, nhưng tôi không có số liệu đáng tin cậy. Sự bất bình đẳng này, ngoài giữa chủ -thợ, không chỉ giữa nông thôn-thành thị, giữa các sắc dân (Tân Cương là một thí dụ) mà còn giữa các vùng kinh tế (ven biển - nội địa, chẳng hạn). Hàng năm, số ‘’ tranh chấp’’ của nông dân về nhà đất, của công nhân về điều kiện lao động và lương bổng, tăng lên đến cả trăm ngàn vụ. Nhưng thông tin bị bịt, thật khó xác định được mức bất ổn xã hội. Nay, xin nói về 3 nước còn lại. VN thì là một vệ tinh xoay quanh TQ, nhưng là một vệ tinh chuyên ’’gia công’’ trong công nghiệp nhẹ, nợ nần như chúa Chổm, tham nhũng là quốc nạn, và dăm năm gần đây có ý đồ (!) bán tài nguyên thô (kể cả xuất khẩu lao động) vì thật mà nói, chẳng có gì khác để mang đi bán cả. Tóm lại, cả TQ lẫn VN, dẫu rêu rao XHCN nhưng nay ai cũng biết là hai nước này tuân thủ chủ nghĩa tư bản vừa rừng rú, vừa định hướng tư bản nhà nước độc trị, rất nặng mùi vị phong kiến. TQ bóc lột lao động để sản và xuất công nghiệp gia dụng hạng nhẹ, đang tìm cách vươn lên công nghiệp cấp trung (xe hơi, viễn thông…). Độ phát triển kèm lời hẹn, cứ giầu lên, dù không đồng bộ, nhưng ai nấy đều có phần hưởng. Và muốn phát triển, phải ổn định, nghĩa là phải phục tòng theo cung cách Trung quân Khổng -Mạnh. Trung quân, vua mới là tập đoàn lãnh đạo Đảng CSTQ. Và khi cần, thì động viên cái gọi là lòng ái quốc, phà hơi làm sống dậy niềm tự hãnh Hán tộc qua những động thái biểu diễn hào nhoáng như tổ chức Thế Vận hội, phóng phi thuyền lên không gian, và rêu rao là chủ nợ số một của Đế quốc Mỹ. Nhà Nước TQ đã cho xây khoảng 70 cái văn miếu thờ Khổng Phu tử trên thế giới, định tạo thị trường ‘’ văn hóa’’ cho chính sách ổn định để phát triển, với tầm ngắm chính là Phi Châu còn nhiều tài nguyên, nhưng ta sẽ nói chuyện này sau. Còn lại, Bắc Hàn thì XHCN ở cái nghĩa xấu nhất, dùng khà năng làm vũ khí hạt nhân như kế sách mặc cả với thế giới, với một tổ chức chính trị rập khuôn thời phong kiến, và hẳn cũng bắt chước TQ trong nhiều khâu. Cuba là một hòn đảo quá nhỏ, tối tối vẫn nhẩy rumba, cha cha cha…trong tiếng nhạc xập xình mặc ai đó ban ngày bôi mỹ danh XHCN lên những mặt lộ lồi lõm ổ trâu ổ ngựa vì đã lâu không có tiền bảo quản. Nói cho cùng, tôi chẳng thấy XHCN ở Á Châu hay bất cứ đâu. Tôi nghĩ Mác-Ăng-gen có sống dậy cũng chịu, lắc đầu, và (có lẽ) thở dài. Khi hai vị cẩn thận loại ‘’ phương thức châu Á’’ ra khỏi phân tích kinh tế -chính trị của mình, chắc là hai vị có khả năng tiên liệu khá xác đáng! 3- Xin anh nói thêm về TQ và cuộc trầm thoái kinh tế năm 2008-09. Tháng 10-2008, tin công ty tài chính Lehman Brothers trên đà phá sản đã đẩy cuộc trầm thoái mấp mé bờ vực một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Rồi Goldman Sach, Merrill Lynch, AIG… cũng vậy. Bên Âu Châu, tình hình các nhà băng và công ty tài chính không khá hơn. Những nước công nghiệp cao ở mọi nơi đều đứng trước tình thế ‘’cạn nguồn’’ tín dụng (credit crunch), thứ mỡ bôi trơn cho cỗ máy sản xuất kinh tế vận hành. Thế là ông Nhà Nước khối tư bản chủ nghĩa Mỹ-Âu, xưa nay tuân thủ qui luật không (hay ít) can thiệp vào thị trường đành phải ra tay. Một là cho vay (tức phải in thêm tiền) và bảo trợ những công ty tài chính, và hai là bung những gói kích cầu ra để bù trừ cho sự giảm mức tiêu thụ gây ra bởi kinh tế đình trệ, nạn thất nghiệp, sự suy giảm tín dụng trong tiêu dụng. Đầu năm 2009, quả bong bóng trong thị trường chứng khoán xì hơi, độ tụt giá những tích sản chóng mặt, và người ta đã lo nguy cơ cuộc khủng hoảng toàn cầu 1929. G7, rồi G20, họp để cứu ứng nền kinh tế thị trường coi mòi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Kinh tế gia Roubini, và nhà tài chính Weiss…đều đã tiên liệu cách đấy 2,3 năm tình trạng ‘’bóng vỡ’’ này. Ở Mỹ, lượng cung tiền tệ tăng gấp 2 từ thế chiến II. Chỉ trong 4 tháng, Bernanke của FED đã tăng lượng cung tiền tệ gấp 2 lần, bằng lượng tăng kể từ thế chiến 2 cho đến ngày Lehman Brothers gặp khó khăn. Thâm thủng tài chính của chính phủ liên bang Mỹ lên đế 1400 tỉ dôla, 3 lần thâm thủng năm trước. Nay, nợ của Mỹ lên 11 ngàn tỉ, và có khoảng 104 ngàn tỉ công trái cần bảo chứng. Chia đổ đồng từng đầu người, mỗi công dân Mỹ nay mắc nợ thế giới cỡ hơn nửa triệu đôla! Nợ ai? Chủ nợ TQ có khoảng 870 triệu công trái. Tính thêm cả dự trữ đôla, TQ nắm trong tay khoảng 2100 triệu, thành vị chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ. Chủ nợ có vấn đề của chủ nợ. Đi xiết nợ ư? Xiết thế nào? Trong khi với lượng cung đôla, chắc chắn sẽ lạm phát: giá trị đô la giấy so với những mặt hàng thật ( dầu, vàng, sắt, nhôm….) sẽ giảm. Khi TT Nixon cho thả nổi đôla năm 72, giá một ounce vàng từ 35 đô lên 60. Hôm nay, 37 năm sau, giá vàng là 1000 đô/ounce, tức tăng 300 lần. Và tiền đô vẫn là tiền thanh khoản trong thương mại quốc tế, giá trị khống chế bởi chính sách tiền tệ ở Washington. Như vậy, chủ nợ buộc phải nhấp nhổm như ngồi phải lửa là điều dễ hiểu. Ở đây, xin nói thêm về chính sách tiền tệ TQ. Vì đặt trọng tâm lên xuất khẩu, hàng TQ rẻ nếu đồng Nhân dân Tệ thấp so với ngoại tệ. Nhiều lần, Mỹ yêu cầu TQ tăng giá đồng Nhân dân Tệ, bỏ chính sách kìm giá, để giảm áp lực cán cân nhập siêu. Bốn năm trở lại đây, TQ thả nổi rất chừng mực đồng Nhân dân Tệ, nhưng vẫn duy trì một mức sai lệch kiểm soát được. Nay, khi mức cầu kinh tế Mỹ (và Âu Châu) suy giảm, TQ lại càng không có lý do tăng giá đồng Nhân dân Tệ, vì làm thế thì không thể tiêu thụ được hết sản phẩm trên những thị trường tiêu thụ. Hơn nữa, đồng Nhân dân Tệ tăng, tức giá trị đôla giảm. Và giá trị món nợ của ông chủ nợ hẳn giảm theo. Nhưng nhìn lượng cung đôla như nói trên, sự cố giá trị nó giảm trong tương lai là tất yếu. Đề nghị mới đây về một rổ ngoại tệ (Đô Mỹ, Bảng Anh, Euro, Nhân dân Tệ, Rúp Nga, và vàng) thay thế cho bản vị đô la Mỹ thì còn lâu mới thành hiện thực. Trong khi chờ đợi ( 10 năm ?) , phải tìm cách hạ cánh an toàn, nếu có thể! 4- Hạ cánh an toàn, TQ làm thế nào? Hạ cánh, được! Nhưng hạ cánh an toàn thì không hiển nhiên. Với lượng đôla khá lớn nhưng giá trị bấp bênh ngoài tầm kiểm soát, TQ không còn ‘’ ẩn thân’’ như lời Đặng Tiểu Bình khuyên đám đồng sự hậu bối là chớ kích động nỗi lo của Nã Phá Luân khi ‘’con Rồng thức giấc’’. Sẵn đôla, phải tiêu thôi. Rồng nay quẫy đuôi phun nọc rắn. Ở Phi châu, nơi tài nguyên thiên nhiên còn nhiều, lại vẫn còn dị ứng với châu Âu, những chủ nhân ông thời thuộc địa chưa mấy xa xôi. TQ nhìn thấy những cơ hội khổng lồ tại châu Phi. Kể từ năm 2001 tới nay, tổng thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng gấp 10 lần. Riêng năm ngoái, giá trị thương mại là 107 tỉ dollar. Mười năm qua, TQ bắt đầu ve vãn bằng cách viện trợ và cho vay để xây dựng hạ tầng cơ sở, phô trương nghĩa vụ quốc tế lấy tiếng, ‘’ bôi trơn’’ tầng lớp lãnh đạo, bán khí giới và luôn ủng hộ ‘’ ổn định’, nhất là ổn định những thể chế độc tài’ như ở Darfur chẳng hạn. Gần đây, TQ đã kết cấu được với chính quyền ở Zimbabwe, Congo, Sudan. Ba năm qua, TQ ký kết thuê dài hạn đất nông nghiệp, khai thác tài nguyên địa chất, xây đập thủy điện, kiểm soát nguồn nước …Và chuyển sang châu Phi mô hình cơ xưởng và một đội ngũ công nhân TQ khá đông, có nguồn nói số này lên đến hàng vài trăm ngàn. Phải nói, thời thuộc địa châu Âu không thừa người như TQ. Người Âu đến, phần lớn đi sau ít năm, chỉ hoạ hoằn mới ở lại như trường hợp Algerie, hình thành lớp người mà người Pháp xách mé gọi là những kẻ ‘’chân đen ‘’ (les pieds noirs). Với TQ, khác. Dân số đã lên 1 tỉ 3, tức 1/4 nhân loại, và người đông đất chật, sớm muộn họ cũng phải di dân. Song song, vấn đề lương thực sẽ rồi có, đất nông nghiệp rất cần. Đã là chủ nhân ông, có quyển sử dụng lao động như ý muốn. Công nhân Phi, hẳn phải có. Nhưng cũng rất cần công nhân (sau này, cả nông dân) TQ, vì tay nghề, vì ngôn ngữ, vân vân… Rồi cứ từng bước, họ sinh con đẻ cái, gây giống mới, và sinh cơ lập nghiệp dài lâu. Sự đe dọa này sờ sờ khó giấu. Ở Alger, tranh chấp xung đột giữa công nhân TQ và người bản địa đã xảy ra hàng loạt. Người Châu Phi bắt đầu e ngại ‘’ thực dân mắt xếch’’. Trả lời một phóng viên, TT Ôn Gia Bảo nói : “Từ lâu rồi đã có các cáo buộc là Trung Quốc tới châu Phi để khai thác tài nguyên thiên nhiên của châu Phi và thực hiện chính sách thực dân mới. Cáo buộc này theo tôi là hoàn toàn không có cơ sở. Ai là người thực sự đặt ra những câu hỏi này? Có đúng là các quốc gia châu Phi, hay lại là phương Tây đang theo dõi một cách lo ngại?”. Tuy nhiên, không chỉ có phương Tây đặt ra câu hỏi, mà một số chính trị gia cao cấp của châu Phi cũng lo ngại. Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria, Bagudu Hirse, cho rằng TQ đang ném tiền vào các thể chế tham nhũng và đàn áp tại châu Phi, nói : ‘’ Chúng tôi chấp nhận những gì Trung Quốc đang làm. Chúng tôi chào đón sự đầu tư của họ. Nhưng họ cũng phải hiểu rằng chúng tôi rất nhạy cảm trước các vấn đề dân chủ và cai trị tốt. Chúng tôi không thể nào bắt đầu lo lắng chuyện bị áp đặt cấm vận đối với Guinea hay Niger vì tội cầm quyền tồi tệ trong khi họ đi sau lưng và thực hiện một số hợp đồng”. Dân biểu độc lập của Ai Cập, Mustafa al-Gindi coi đây là cuộc chiến giữa phương Đông và phương Tây để giành lấy chiến lợi phẩm từ châu Phi. Ông cho rằng các mối quan hệ cũ tại châu Phi đang bị thử thách. Vô cùng lo ngại cách thức kinh doanh của TQ, ông phát biểu : “Cho dù họ nói gì đi chăng nữa, thực tế rõ ràng là Trung Quốc không đến châu Phi chỉ với các kỹ sư hay khoa học gia. Họ tới với các nông dân. Đây là chủ nghĩa thực dân kiểu mới. .. Họ không có đạo đức, giá trị gì cả, mà chỉ có một điều thôi, là: “Tôi muốn đất và chúng tôi sẽ lấy đất bất kể bằng cách nào”. Năm nay, Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo việc cho thuê đất dài hạn khiến nông phẩm có thể trở thành một loại khí giới ‘’ bỏ đói’’ người cho thuê. Ngoài ra, và trên hết, TQ kiểm soát nước đầu nguồn những con sông lớn cũng đặt ra vấn đề an ninh ở hạ lưu và lượng nước cung cấp cho nông nghiệp : đây là những áp lực chính trị rất có trọng lượng khi TQ cần uốn nắn những quốc gia khác vào con đường mình muốn. Cũng vậy, như đối với những quốc gia vùng Đông Nam Á, những đập nước trên đất TQ ở thượng nguồn sông Mekong, sông Hồng …đều là những điểm ‘’chẹt’’ sinh tử có thể sử dụng khi TQ cần áp đặt. TQ không chỉ dùng ‘’ quyền lực mềm’’ với châu Phi hay với những nước Đông Nam Á mà còn bỏ ra hàng tỉ đôla mua lại cổ phần của những đại công ty ở Mỹ, Tây Âu, Úc...gặp khó khăn kinh tế. Phải nói, đây là một cơ hội hiếm hoi, và nắm cổ phần trong một nền kinh tế toàn cầu tuân thủ những qui định quốc tế còn hơn là giữ đôla mà giá trị thật bấp bênh. Nhưng ở khâu này, TQ gặp sự dè dặt đáng kể vì có những khâu kinh doanh ‘’ chiến lược’’ các nước tiền tiến không muốn bị kiểm soát hay để TQ ‘’xí’’ vào để tìm thông tin kỹ thuật. Và cần tài nguyên dự trù trong phát triển, TQ tìm cơ hội hợp doanh để khai khoáng . Chiến lược này cũng chẳng dễ ăn : chúng ta nhớ vụ đụng chạm giữa TQ và Úc với những cáo buộc làm gián điệp kinh tế dẫn đến việc phải xé hợp đồng đã ký kết giữa Chinalco và Rio Tinto theo đó TQ mua 9% cổ phần với giá 14 tỉ. Năm 2008, China Petroleum and Chemical Corporation (Sinopec), tập đoàn dầu khí lớn thứ hai của thế giới chỉ sau ExxonMobil, cũng đã thất bại trong việc mua 20% số vốn của Repsol YPF của Tây Ban Nha. Năm 2005, China National Ossshore Oil Corp. (CNOOC) đã phải rút lại đề nghị mua công ty Mỹ Unocal với giá 18,5 tỉ USD, vì đề nghị đó đã gây ra các phản ứng rất tiêu cực ở Mỹ. Đối phó với trầm thoái kinh tế, các nước Tây Âu và Mỹ đề nghị TQ cùng thế giới kích cầu, mở thị trường tiêu thụ nội địa, nhập khẩu nhiều, xuất khẫu ít hầu tìm một thế quân bình toàn cầu. Gói kích cầu ở TQ, vào khoảng 550 tỉ, chủ yếu nhắm xây dựng hạ tầng giao thông (đường sắt, xa lộ…), sau là hạ lãi xuất và dễ dàng cho vay trong khâu bất động sản, giảm thuế nhà đất. Số tiền cho những công ty nhỏ và trung bình vay được đổ vào nhà đất, lại tạo loại bong bóng cố hữu, khiến giá nhà Thượng Hải nay cao như bất cứ thành phố Mỹ nào. Lớp bần cùng đi làm công thất nghiệp, không được hưởng một chính sách hỗ trợ an sinh, đã nghèo càng nghèo. Sau một thời gian, TQ có chiều thành công trong việc kích thích kinh tế nội địa. Hiện tại, 200 triệu nông dân về sinh quán bắt đầu lục tục lên thành phố kiếm việc mưu sinh. Tuy nhiên, TQ vẫn chưa mở thị trường tiêu thụ nội địa, vẫn tiếp tục tăng xuất khẩu, tức vẫn gây ra những mất quân bình. Ở ngắn hạn, TQ đã hạ cánh được. Ở trung hạn, tức 10 -20 năm tới, hạ cánh an toàn hay không để tiến lên vai trò siêu cường vẫn là một dấu hỏi. Một dấu hỏi lớn… 5- TQ siêu cường, là hiển nhiên? Việt Nam, muốn hay không, cũng sẽ rơi vào quĩ đạo kinh tế TQ? Và TQ có khả năng thành Đế Quốc kỷ 21 này? Nếu tính tổng sản lượng GDP, TQ có nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới, với ¼ dân số địa cầu. Nếu tính GDP/đầu người thì hiện 130 triệu người làm được 1 đôla mỗi ngày, và 35% dân số, tức trên dưới 455 triệu người, chỉ thu nhập dưới 2 đôla mỗi ngày, tức ở mức 700-750 đô la/năm. So vơí thế giới, người TQ vẫn còn là nghèo. Hiện chế độ an sinh ( lợi tức hưu trí, y tế xã hội…) ở TQ còn phôi thai, và mức bất bình đẳng phân bố đo bằng chỉ số Gini là cao, cảnh báo tiềm ẩn xung đột lớn. Nếu xét đến mức phân bố theo vùng, rạn nứt giữa những khu kinh tế đặc biệt ở duyên hải và những thành phố lớn đối với nội địa mà nông nghiệp là chính càng ngày càng lớn. Ngoài ra, TQ phải đối mặt với hiện tượng ‘’ lão hóa’’ trong cơ cấu dân số. Kèm theo, là vấn đề môi trường bị hủy diệt ở mức trầm trọng vì kỹ thuật kém và vì tầm nhìn ngắn. Hiện thời, TQ đã khởi bước đầu vào công nghiệp nặng và trung, nhưng vẫn còn tập trung trong khâu công nghiệp nhẹ nhắm xuất khẩu. Năm 2010 , TQ sẽ là nước có mức xuất lớn nhất thế giới, nhưng vẫn kẹt ở cái thế phải dùng đôla làm tiền tệ thanh khoản. Những nước mới nổi ( Brazil, Ấn, Nga, và Araby – Saoudite) - gọi là BRIC- bàn nhau về phương sách thay đôla, nhưng có sớm cũng phải 5,7 năm tới, và với điều kiện BRIC giữ được mức đoàn kết tối thiểu. Điều này khó, khi xét quan hệ Ấn-TQ và Nga – TQ. Nhưng nếu cứ có khả năng ‘’ ổn định’’ củng cố tập quyền về mặt chính trị, chuyện vào vai siêu cường của TQ là có. Siêu cường, chẳng phải vì TQ có kỹ thuật không gian cao, đóng được tầu ngầm nguyên tử, hay phóng được tên lửa mang đầu hạt nhân xa 3000 km (hãy còn chậm 20 năm so với Mỹ). Siêu cường vì bỏ vốn đi buôn hợp đồng thời cầm giữ đôla như giữ lửa trong tay. Siêu cường vì có khả năng, như Âu Châu đầu cuộc Cách mạng Kỹ Nghệ thế kỷ 18- 19, ra sức bóc lột giai cấp lao động trong nước và ăn cướp tài nguyên từ những thuộc địa. Khả năng có, nhưng hiện thực thế nào thì còn phải chờ. Những lực cản đã xuất hiện. Tây Âu, Nhật, Nga…bắt đầu quan tâm và có phản ứng trước chính sách kinh tế đối ngoại của TQ. Còn vướng tay giải quyết vấn đề kinh tế mỗi nước, hiện họ chỉ đánh động nguy cơ trước’’ quyền lực mềm’’ và khẫu hiệu win-win ‘’ hài hòa’’ của Bắc Kinh. Phần Việt Nam, có rơi vào quĩ đạo kinh tế TQ hay không thì là một quyết định chiến lược, không cứ tất yếu kiểu một số người nghĩ, vì thế giới ở thế kỷ 21 này sẽ là, như lập luận trong phần sau, một thế giới đa cực. Và nói ngay, hiện nợ ngập đầu ông chủ nợ hàng xóm, vào quĩ đạo TQ thì con cháu chúng ta sẽ phải đi làm công ít là vài đời, thành nô dịch ô-sin chỉ vì chúng ta thiếu tự tin, thiếu tự trọng, và khiếp nhược trước một TQ ảo được hóa trang khéo léo và đánh bóng bằng lừa mị. Trên thực tế, TQ không đáng sợ đến độ chúng ta phải qui hàng vô điều kiện. Hiện nay, TQ có thể ví như một con voi. Voi bằng giấy ( phủ đôla móc từ thặng dư lao động của nông dân phải đi làm công nghiệp trên thành phố), với ba chân đất sét ( với môi trường hủy diệt, lao động lão hóa, và bất bình đẳng trong phân bố lợi tức), một chân bằng gỗ (quân đội trung kiên với quyền lực chính trị). Nhưng TQ đã cấm không cho phép quân đội ‘’ làm ăn’’. Chân gỗ hẳn chẳng còn được đóng đế sắt, và lung lay thế nào thì xin đợi vòng quay sau của bánh xe lịch sử. Đế quốc kỷ 21? Chỉ vào vai siêu cường còn khó khăn thì TQ trở thành Đế quốc chưa thể là chuyện hình dung ra được. Ngược đường lịch sử, Đế quốc La Mã khai sinh từ một tổ chức quân đội kỷ luật và có khả năng kỹ thuật cao, sau rao giảng Kitô giáo, một hệ thống giá trị hoàn thiện hơn những nền văn hoá phôi thai ở Âu châu thời đó. Đế quốc Hồi đến sau, quân lực hùng hậu, phát triển thêm một nền khoa học. Với kỹ thuật dẫn thủy độc đáo, và kèm vào kinh Coran, cũng từ truyền thống tôn giáo vùng Trung-Cận Đông, họ mang tới châu Phi những giá trị mới. Đế quốc Anh, thống trị mặt biển, khai mào cùng một số nước Âu châu chính sách thuộc địa, mang theo hành trang những tư tưởng thởi Phục Hưng và Khai Sáng. Đế quốc Mỹ, thắng Thế Chiến II, chia thế giới thành hai, rồi đi rao giảng những giá trị Dân chủ, Tự do…Đế quốc Xã Hội cũng vậy, bài rao giảng Mác-Lênin là rao giảng về những giá trị, nhưng tiếc là khả năng trở thành hiện thực của những giá trị ấy không thật có. Kể sơ như vậy, dẫu biết là không đầy đủ, nhưng tôi vẫn nói nhằm nhấn mạnh hai điểm sau : Điều kiện cần để thành Đế quốc là lực lượng quân sự và kỹ thuật (kể cả kỹ thuật chiến tranh) cao, và sau, điều kiện đủ là kèm theo đó một hệ thống giá trị mới có khả năng thay thế những giá trị cũ kỹ lỗi thời. Về điểm đầu, TQ còn khá lạc hậu so với những khả năng quân sự những nước tiên tiến. Về điểm thứ hai, thật khó tưởng tuợng nổi một hệ thống giá trị thời Xuân Thu-Chiến Quốc xưa hàng mấy ngàn năm lại có thể ảnh hưởng lên những con người thời đại hôm nay, với những phương tiện truyền thông hiện đại. Dù có lập 70 Văn Miếu thờ Đức Khổng ở nhiều nơi trên trái đất, và mặc dầu không có ác cảm gì với nhà tư tưởng này, tôi vẫn tự thấy mình quả rất lố bịch khi tưởng tượng ra một thanh niên da đen sì sụp lạy Ngài, miệng lập đi lập lại Quân, Sư, Phụ…như thứ bùa chú để giữ ổn định cho những vị lãnh đạo Phi châu. Việc đi xây Văn Miếu này chứng tỏ những nhà lãnh đạo TQ đang bế tắc trong sự tìm kiếm một mô hình văn hóa có giá trị phổ quát toàn cầu ở ngưỡng cửa thế kỷ 21 này. Kinh Tế thế giới có phục hồi được không? Bàn cờ thế giới sẽ thay đổi thế nào? Năm 2010 tới đây là một năm bản lề. Lạc quan, chuyên gia nói kinh tế Tây Âu và Mỹ sẽ tăng trưởng, nhưng chừng mực. Bi quan, sẽ lên rồi xuống kiểu chữ W, vì vẫn còn bong bóng, và những cứ liệu căn bản (fundamentals) không có gì mới mặc dù giá chứng khoán có tăng từ tháng 3 – 2009. Quay lại thời kỳ Cục dự trữ Liên Bang Mỹ bơm hơn một ngàn tỉ vào nền kinh tế hầu cứu ứng nan đề ‘’ cạn nguồn’’ tín dụng, lý do khiến những Đại công ty Tài Chánh và ngân hàng không cho vay, cơ xưởng đình trệ, tức nền kinh tế ‘’thật’’ suy thoái. Tín dụng (tiền tệ) là giấy, ảo, và là đơn vị trung gian giữa mua và bán những mặt hàng thật ( như trả lương lao động, mua nhiên vật liệu… chẳng hạn). Trên lý thuyết, bản vị trung gian tín dụng không tác động lên nền kinh tế ‘’ thật’’, nhưng trong thực tế cuộc trầm thoái vừa qua, thì không thế. Tại sao? Giới tài phiệt đã đi qua chức năng truyền thống của Ngân Hàng, lao vào hoạt động đầu cơ may rủi qua những quĩ đầu tư ( hedge funds), và ngay khi được hỗ trợ, họ giữ tiền chứ không cho vay để bôi trơn hoạt động kinh tế ‘’ thật’’. Bằng cớ : vài tháng sau khi nhận tiền, khi chính phủ Mỹ định kiểm soát ‘’ tiền thưởng ‘’ (bonus) của lãnh đạo những tập đoàn kinh tài vẫn lên đến 900 triệu (trong 1 năm 2008 thua lỗ), họ đòi trả lại tiền ‘’ bail-out ‘’ đã nhận và từ chối không cho chính phủ Mỹ ‘’điều tiết ‘’ tiền thưởng của họ! Mặc dầu tân TT Obama được dư luận quần chúng ủng hộ, ông ta cũng đành ‘’chịu thua’’. Wall Street thắng Main Street, tài phiệt đã sử dụng nền kinh tế ‘’ thật’’ như con tin để ép nhà nước Mỹ lấy tiền dân cung ứng hỗ trợ họ. Mới đây, trong hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Pittsburg, những điều kiện chế tài vẫn lỏng lẻo, thậm chí đề nghị đánh thuế mua bán chứng khoán để giới hạn hoạt động đầu cơ (speculation) thôi mà cũng không được thông qua. Với lãi xuất hiện ở mức zero, người ta cứ vay đôla không phải trả tiền lời, mang đi mua chứng khoán ở những nơi giá trị tiền tệ tăng lên so với đồng đôla, tạo ra khả năng thổi những quả bong bóng mới trên thị trường. TT Sarkozy nước Pháp mạnh miệng lên tiếng nhiều lần, cho rằng tương lai của kinh tế tư bản thị trường mấp mé bờ vực phá sản với sự lũng đoạn của khu vực tài chánh-ngân hàng, nhưng tiếng ông nói vẫn vô tăm. Đây có lẽ là vấn đề cam go nhất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa : ảo thắng thực, và tài phiệt chỗm trệ trên đầu mọi người, kể luôn cả tổng thống, thủ tướng, quốc hội …những quốc gia dân chủ tiên tiến. Sau trầm thoái, phân bố quyền lực kinh tế (và chính trị, như hệ luận) sẽ khác. Mất đi, hay suy giảm, có Mỹ, Nhật, Tây Âu và những nước Đông Âu mới gia nhập Cộng Đồng Âu Châu. Được, những nước nhiều tài nguyên, như Brazil, Nga, Úc, Canada. TQ vẫn tiếp tục tăng trưởng, và nhân cơ hội sử dụng đôla đi buôn tài nguyên và đi ‘’buôn vua’’ kiểu Lã Bất Vi thời Chiến quốc, chắc sẽ phát huy trong một chừng mực nhất định vị trí của mình. Ở châu Phi, TQ giữ vai bảo kê cho những chính quyền độc đoán, hủ hóa quyền lực chính trị địa phương, khai thác tài nguyên nhưng đồng thời gây ô nhiễm môi trường môi sinh ở mức trầm trọng, mượn tiếng sử dụng lao động để di dân hòng đối phó vấn đề nhân mãn (ở mẫu quốc), tìm cách kiểm soát và điều hành yếu tố sinh tử là nguồn nước : TQ nay lộ hình bành trướng bá quyền, đi ngược lại hầu hết những giá trị nhân loại đã, và đang tiến tới, một đồng thuận. Thực lực, về khoa học-kỹ thuật, TQ còn tụt hậu so với thế giới. Và mang những giá trị phong kiến ra rao giảng như hệ lý luận trụ cột cho phương thức ‘’ổn định để phát triển’’ đúng là đi giật lùi ít ra hai ngàn năm. Trong tình huống trầm thoái kinh tế toàn cầu, với túi đôla khổng lồ, TQ bành trướng được. Nhưng chỉ trong một chừng mực, vì khi tương đối ổn định, những cường quốc kinh tế sẽ không thể ngồi yên xem TQ, con Rồng đang cong đuôi lên quẫy, tự biên tự diễn trò bá quyền mãi. Phi châu là chiến trường của cuộc xâm lăng kinh tế kỷ 21, và sự cố TQ đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương hẳn sẽ tác động tiêu cực lên cách người Phi châu mà đa số theo đạo Hồi nghĩ về khả năng hợp tác ‘’hài hoà’’ với Bắc Kinh. Tóm lại, thế giới thế kỷ này là thế giới đa cực : điều này rất tích cực, cho phép những nước chưa phát triển trong đó có Việt Nam thời cơ hợp tác đa phương với mọi đối tác. Khép mình bó chặt vào quan hệ đơn phương và đặc thù với TQ chẳng khác tự nhốt mình trong cũi rồi hai tay dâng chìa khóa lên chỉ để nghe cho đủ 16 chữ ‘’kềm mạ vàng’’. Còn quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất phức tạp, với nào tranh chấp biển Đông, nào Bôxít Tây Nguyên…Ta phải nghĩ gì? Với đối sách nào? Biết sớm muộn rồi cũng phải trả lời câu hỏi này, tôi xin ngắn gọn, không đề cập đến Biển Đông, Bôxít, than lòng sông Hồng, đập TQ đầu nguồn sông Mekong, vv... Tìm trên bauxitevn.net/, chúng ta có rất nhiều thông tin trên những vấn đề này. Dân dã có câu ‘’ anh em xa không bằng láng giềng gần’’. Đó là trong việc cưu mang nhau. Nhưng nếu không cưu mang mà còn ngược lại, thì Việt Nam rất cần anh em xa để tránh láng giềng gần thò tay bóp cổ bịt miệng. Hai lần Bắc thuộc mà Việt Nam chưa biến thành quận huyện TQ là điều thần kỳ. Có người hô, nay thêm một lần Bắc thuộc. Xin chớ vội! Và coi chuyện Việt Nam phải vào quĩ đạo TQ như điều tất yếu hiển nhiên là một sai lầm chiến lược mà hậu quả là hậu quả truyền đời. Người Việt đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu và nước mắt để giữ nước. So với thời Nguyên Mông lùa quân sang xâm chiếm nước ta vào đời nhà Trần thì có hai điều phải xác minh ngay. Tương đối mà nói, Nguyên Mông xưa hùng cường hơn TQ ngày nay nhiều. Và họ dùng quân sự, vì cách đây 500 năm, chưa có những hình thái khác. Ở thế kỷ này, dùng giải pháp quân sự đi xâm lăng là bất cập. Thay vào, là xâm lăng kinh tế, với sự đồng lõa của quyền lực chính trị địa phương. Thâm hiểm hơn nữa, song song với kinh tế là xâm lăng văn hóa qua phim ảnh, sách báo, truyền hình, xây Văn Miếu, tượng đài… nhằm đồng hóa : một khi mọi ngườiViệt Nam thấy mình chẳng khác gì người TQ, xâm lăng nào còn là vấn đề nữa đâu. Đời nhà Trần, Vua gọi họp Hội Nghị Diên Hồng tìm đồng thuận toàn dân. Trần Hưng Đạo bỏ thù nhà để lo đền nợ nước, quan tướng một lòng, không chia rẽ vì cái tư riêng, góp sức với nhau cứu lấy sơn hà. Đời nay, cũng phải vậy. Sau hai cuộc chiến giành độc lập khiến hàng triệu người phải hy sinh, những ai hiện thời có trách nhiệm dám bỏ chuyện tư túi để đoàn kết cùng nhau giữ nước? Xin hãy chấn dân khí, chứ đừng đi bỏ tù những kẻ mặc áo phông có ghi Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam. Chấn dân khí, vì dân là nguồn lực chính chống xâm lăng. Làm nhụt dân khí lúc này chẳng khác gì đi bán nước. Nước nhỏ, chúng ta hòa hiếu. Hoà hiếu khác bạc nhược. Nằm sát nách một thế lực lớn, chúng ta tránh đụng độ, nhu hơn là cương. Nhưng nhu không có nghĩa là nằm chết nhẹp, mặc cho người ta giẵm lên đầu lên cổ. Đừng thân Tầu vì chút quyền lực và tiền tài phù du. Và cũng đừng nhắm mắt bài Hoa, như một phản ứng vô điều kiện. Chúng ta đã từng chung sống hòa bình với nhân dân TQ. Chúng ta có thể tiếp tục sống với họ, bên cạnh họ, trong tương kính tương thân, nhưng không buộc cứ cong lưng cúi đầu trước đám quân phiệt –tài phiệt mà được. Anh em xa là những ai? Nhật, Úc, Ấn và những nước khối Asean. Xa hơn, có Nga, Mỹ, Tây và Bắc Âu. Anh em xa, là cả cộng đồng quốc tế còn muốn xây dựng một thế giới công chính. Phần tôi, tôi tin là có một nhân loại tiến bộ, công bằng, hành xử có chuẩn mực đạo lý (ethics), không dễ mà thành đồng lõa của những mưu đồ bành trướng bá quyền. Người Việt Nam chúng ta, chẳng chỉ chính quyền và lớp lãnh đạo, làm thế nào để được sự hỗ trợ anh em vừa nói là điều đáng suy ngẫm. Và đó là yếu tố cho phép chúng ta tiếp tục tồn tại như một dân tộc. GSTS Nguyễn Mạnh Hùng Đại Học Laval Québec, Canada
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:38:50 GMT 9
VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐCNhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội-1979 (Trich tu website khoahoc.proboards.com/ ) Phụ trách bản đưa in: Phạm Xuyên, Nguyễn Hanh Trình bày bìa: Nghiêm Xuân Thành In 5.100 cuốn, khổ 12,5x19 tại Nhà máy in Tiến bộ-Hà Nội. Số in 528, Số XB 15/79 Xong ngày 15 tháng 4 năm 1979. Nộp lưu chiểu tháng 4-1979 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Việt Nam là một nước độc lập có chủ quyền. Đường biên giới Việt Nam và Trung Quốc đã hình thành rõ rệt trong nhiều thế kỷ trước. Đã nhiều lần trong lịch sử, nước ta đã cử các sứ bộ sang Trung Quốc họp hoặc hội nghị với Trung Quốc (như hai cuộc Hội nghị Vĩnh Bình giữa nhà Lý và nhà Tống năm 1033 và năm 1084 ) để ấn định biên cương. Đến thế kỷ thứ XIX đế quốc Pháp thiết lập chế độ thực dân ở nước ta, Chính phủ Pháp nhân danh Việt Nam và triều đình nhà Thanh ký các Công ước 1887, 1895 giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam và Trung Quốc, chính thức công nhận đường biên giới đó. Đồng thời đường biên giới đó được cụ thể hoá bằng 310 cột mốc quốc giới, trên thực địa đã có phần lợi cho phía Trung Quốc. Mặc dù vậy, để xây dựng biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc vì lợi ích của cả hai dân tộc, tháng 12 năm 1957, Ban Chấp hành trung ương Đảng ta đã đề nghị nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, mọi vấn đề biên giới và lãnh thổ phải do hai Chính phủ quyết định, mọi vấn đề tranh chấp có thể xảy ra về biên giới và lãnh thổ cần được giải quyết bằng thương lượng hoà bình. Tháng 4 năm 1958 phía Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của Đảng ta. Nhưng trong thực tế, thái độ của phía Trung Quốc trái ngược hẳn. Thi hành chính sách bành trướng đại dân tộc và học đòi thái độ hống hách đè nén các dân tộc, các nước láng giềng của các triều đại phong kiến trước đây, nhà cầm quyền Bắc Kinh trong nhiều năm nay đã gây ra bao nhiêu vụ khiêu khích biên giới, lấn chiếm đất đai của Việt Nam, phá hoại hai cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974 và năm 1977-1978 để giải quyết vấn đề biên giới. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 họ lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ồ ạt tiến đánh 6 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc với 60 vạn quân. Để giúp bạn đọc hiểu được thực chất của vấn đề biên giới Việt –Trung, thấy rõ thiện chí của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, thái độ phản trắc của những người cầm quyền Trung Quốc, Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản cuốn sách này. Cuốn sách gồm toàn bộ bản “ Bị vong lục của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc nhà cầm quyền Trung Quốc gây khiêu khích, xâm lấn lãnh thổ Việt nam ở vùng biên giới” công bố ngày 15 tháng 3 năm 1979 tại Hà Nội. Chúng tôi chú thích thêm một số điểm ở cuối sách để bạn đọc tham khảo. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 3 năm 1979 NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC I- Sự hình thành biên giới lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự thoả thuận năm 1957-1958 về biên giới giữa hai nước. 1-- Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng giáp giới nhau trên đất liền và trên biển (vịnh Bắc Bộ). Đường biên giới giữa hai nước đã được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài. Trước khi bị Pháp áp đặt chế độ thực dân, Việt Nam đã là một nước độc lập có chủ quyền, có đường biên giới rõ rệt, ổn định với Trung Quốc. Cách đây gần 100 năm, Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh Trung Quốc đã ký kết các Công ước 1887-1895 giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, chính thức công nhận về cơ bản đường biên giới vốn có đó. Việc hoạch định biên giới đã được hai bên cùng tiến hành theo từng đoạn từ tháng 1 năm 1886 đến tháng 3 năm 1887; ngày 26 tháng 6 năm 1887 hai Chính phủ nói trên đã ký Công ước hoạch định biên giới tại Bắc Kinh. Điều 1 của Công ước này đã hoạch định đoạn biên giới giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và một phần tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Điều 2 của Công ước đã hoạch định biên giới trong vịnh Bắc Bộ và đoạn biên giới giữa Việt Nam và phần còn lại của tỉnh Vân Nam cho đến Sông Đà. Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh lại ký tại Bắc Kinh Công ước ngày 20 tháng 6 năm 1895 bổ sung cho Công ước năm 1887 nói rõ thêm về đoạn biên giới giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) 1. Việc cắm mốc đã được tiến hành từ đầu năm 1890 đến tháng 6 năm 1897. Hệ thống mốc giới gồm trên 310 mốc đã cụ thể hoá đường biên giới trên thực địa; nói chung các mốc giới đó còn tồn tại cho đến ngày nay. Thực tế, từ ngày ký các Công ước, các chính quyền kế tiếp nhau ở hai bên đều thực hiện chủ quyền trong vùng đất và phần vịnh Bắc Bộ do đường biên giới phân định. Tuy nhiên các chính quyền phản động của Trung Quốc từ 1949 về trước cũng đã lấn chiếm trên 60 điểm của Việt Nam. Như vậy, đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc chạy suốt trên đất liền và trong vịnh Bắc Bộ đã được hoạch định rõ ràng trong các Công ước ký kết giữa Chính phủ Pháp và triều đình nhà Thanh trong những năm 1887-1895 và đã được chính thức cắm mốc ( trên đất liền). Đó là một đường biên giới hoàn chỉnh cả trên trên đất và trong vịnh Bắc Bộ, có cơ sở lịch sử trong đời sống chính trị lâu đời của hai dân tộc, có giá trị pháp lý quốc tế vững chắc, có đầy đủ yếu tố thực tế để nhìn nhận tại thực địa. Qua các văn kiện trao đổi, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần xác nhận đường biên giới lịch sử đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc đàm phán và ký kết Công ước hoạch định biên giới đã được tiến hành song song với việc đàm phán ký kết Công ước về thương mại giữa Pháp và nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh ra sức liên kết hai vấn đề này để gây sức ép với Pháp. Trong quá trình thương lượng, vì mục đích sớm mở rộng buôn bán với Trung Quốc, thành lập các lãnh sự quán Pháp trên đất Trung Quốc và nhanh chóng thực hiện kế hoạch bình định Việt Nam, Pháp đã cắt nhượng cho nhà Thanh mũi Bắc Luân, vùng Giang Bình, tổng Tu Long và một số nơi khác, làm thiệt hại cho nhân dân Việt Nam. 2--Mặc dù vậy, tháng 11 năm 1957, Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam ( tức Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay) đã nêu với phía Trung Quốc: hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại, vấn đề quốc giới là vấn đề quan trọng nên cần được giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý đang có hoặc được xác định lại và phải do Chính phủ hai nước quyết định, mọi tranh chấp có thể xảy ra về biên giới, lãnh thổ cần được giải quyết bằng thương lượng. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế. Tháng 4 năm 1958, Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý với đề nghị của phía Việt Nam. Sự thoả thuận nói trên của hai Đảng có ý nghĩa nguyên tắc và thực tiễn to lớn vì không những để giải quyết các vấn đề bất đồng về biên giới và lãnh thổ mà còn để xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Đó là những ý nghĩ chân thành và lòng mong muốn thật sự của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cho nên phía Việt Nam luôn luôn triệt để tôn trọng sự thoả thuận giữa hai Trung ương Đảng. Nhưng thái độ của phía Trung Quốc lại trái ngược hẳn, họ vi phạm ngày càng nghiêm trọng sự thoả thuận đó và không tôn trọng nguyên tắc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại và đã lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở 90 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt Trung từ 1949 đến nay. II- Tình hình Trung quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay. Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lần lượt lấn chiếm hết khu vực này đến khu vực khác của Việt nam, từ khu vực nhỏ hẹp đến khu vực to lớn, từ khu vực quan trọng về quân sự đến khu vực quan trọng về kinh tế. Họ đã dùng đủ mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn xấu xa mà các chế độ phản động của Trung Quốc trước kia không dùng. 1--Từ xâm canh, xâm cư đến xâm chiếm đất. Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc. + Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ điển hình cho kiểu lấn chiếm đó. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc xác định rõ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãy núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng chung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung Quốc sang quá canh ở Trình Tường đều đóng thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956 phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang-Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam dài 6 km, sâu hơn 1,3 km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực này, đơn phương sửa lại đường biên giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành hung, bắt cóc công an vũ trang Việt Nam đi tuần tra theo đường biên giới lịch sử và họ phá hoại hoa màu của nhân dân địa phương. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Loa, huyện Cao Lộc (mốc 25, 26, 27) ở Lạng Sơn, Khăm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tà Lùng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên, khu vực xã Nặm Chay (mốc 2-3) ở Hoàng Liên nSơn với chiều dài hơn 4 km, sâu hơn 1 km, diện tích hơn 300 ha. Có thể nói đây là một kiểu chiếm đất một cách êm lặng. 2--Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt nam trên 300 m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay họ vẫn trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300 m đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng “ không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác”. Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này. Như vậy họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt nam dài 3,1 km và vào sâu đất Việt Nam 0,5 km. Năm 1975 tại khu vực mốc 23 (xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) họ định diễn lại thủ đoạn tương tự khi hai bên phối hợp đặt đường ống dẫn dầu chạy qua biên giớ, phía Việt Nam đề nghị đặt điểm nối ống dẫn dầu đúng đường biên giới, họ đã từ chối, do đó bỏ dở công trình này. Khi xây dựng các công trình cầu cống trên sông suối biên giới, phía Trung Quốc cũng lợi dụng việc thiết kế kỹ thuật là thay đổi dòng chảy của sông suối về phía Việt nam để nhận đường biên giới có lợi cho phía Trung Quốc. Cầu ngầm Hoành Mô thuộc tỉnh Quảng Ninh được Trung Quốc giúp xây dựng vào năm 1968. Một thời gian dài sau khi cầu được xây dựng xong, hai bên vẫn tôn trọng đường biên giới ở giữa cầu, vật liệu dự trữ để sửa chữa cầu sau này cũng được đặt ở mỗi bên với số lượng bằng nhau tính theo đường biên giới giữa cầu. Nhưng do Trung Quốc có sẵn ý đồ chỉ xây một cống nước chảy nằm sát bờ Việt nam nên lưu lượng dòng chảy đã chuyển hẳn sang phía Việt Nam, từ đó phía Trung Quốc dịch đường biên giới trên cầu quá sang đất Việt Nam. Thủ đoạn như vậy cũng được thực hiện đối với cầu Pò Hèn (Quảng Ninh), đập Ái Cảnh (Cao Bằng), cầu Ba Nậm Cúm ( Lai Châu)… 3--Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam. Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất. Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc. Các thị trấn Ái Điểm (đối diện với Chi Ma, Lạng Sơn), Bình Mãng (đối diện Sóc Giang, Cao Bằng) vốn đã nằm sát các mốc giới 43 và 114 lại ngày càng được phía Trung Quốc mở rộng ra lấn sang đất Việt Nam từ hàng chục đến hàng trăm mét với công trình, nhà cửa, trường học, khu phố… Bằng cách tổ chức lâm trường, trồng cây gây rừng, làm đường chắn lửa, đặt hệ thống điện cao thế, điện thoại lấn vào lãnh thổ Việt Nam, Trung Quốc đã biến nhiều vùng đất khác của Việt Nam thành đất của Trung Quốc. 4-- Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc. Ở một số địa phương do địa hình phức tạp, điều kiện sinh hoạt của dân cư Trung Quốc gặp khó khăn, theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Việt Nam đã cho phía Trung Quốc mượn đường đi lại, cho dùng mỏ nước, cho chăn trâu, lấy củi, đặt mồ mả…trên đất Việt Nam. Nhưng lợi dụng thiện chí đó của Việt Nam, họ đã dần dần mặc nhiên coi những vùng đất mượn này là đất Trung Quốc. Khu vực Phia Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là điển hình cho kiểu lấn chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập làng bản mới. Dựa vào “ thực tế” đó, từ 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh núi Phia Un mà đòi biên giới chạy xa về phía nam con đường, sâu vào đất Việt Nam trên 500 mét. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ lại có thể làm đường ô tô, đặt đường điện thoại được…Nguyên nhân chủ yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu vực Phia Un có mỏ măng gan. 5--Xê dịch và xuyên tạc pháp lý các mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới. Ngoài việc lợi dụng một số mốc giới đã bị Trung Quốc xê dịch từ trước sai với nguyên trạng đường biên giới lịch sử để chiếm giữ trái phép đất Việt Nam, nay phía Trung Quốc cũng tự ý di chuyển mốc ở một số nơi hoặc lén lút đập phá, thủ tiêu các mốc không có lợi cho họ như ở khu vực Chi Ma (Lạng Sơn), khu vực mốc 136 ở Cao Bằng…Đối với những trường hợp như vậy, họ đều khước từ đề nghị của phía Việt Nam về việc hai bên cùng điều tra và lập biên bản xác nhận. Ngay tại một số nơi mà vị trí mốc giới đặt đúng với đường biên giới lịch sử, họ cũng tìm cách xuyên tạc đường biên giới đã rõ ràng chạy giữa hai mốc như khu vực Kùm Mu-Kim Ngân-Mẫu Sơn (mốc 41, 42, 43) ở Lạng Sơn dài trên 9 km, sâu vào đất Việt Nam 2,5 km, diện tích gần 1000 ha, khu vực Nà Pảng-Kéo Trình (mốc 29, 30, 31) ở Cao Bằng dài 6,45 km sâu vào đất Việt Nam 1,3 km, diện tích gần 200 ha. 6-- Làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam Để chuẩn bị cho các cuộc tấn công xâm lược Việt Nam, liên tiếp trong nhiều năm trước, phía Trung Quốc đã thực hiện kế hoạch làm đường biên giới quy mô lớn nấp dưới danh nghĩa là để “ cơ giớ hoá nông nghiệp”. Đặc biệt là từ năm 1974 tại đây, họ đã mở ồ ạt những chiến dịch làm đường, có nơi huy động một lúc 8.000 người vào công việc này. Trong khi làm các đường đó, họ đã phá di tích về đường biên giới lịch sử, nhiều nơi họ đã lấn vào lãnh thổ Việt Nam, chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới họ đã lấn vào đất Việt Nam hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng trên 32 ha, sâu vào đất Việt Nam trên 1 km như khu vực giữa mốc 63-65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Ma Pờ thuộc tỉnh Hà Tuyên dài 4 km, sâu vào đất Việt Nam 2 km. 7-- Lợi dụng việc vẽ bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới. Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt Nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất Trung Quốc. Thí dụ họ đã sửa ký hiệu ở khu vực thác Bản Giốc (mốc 53) thuộc tỉnh Cao Bằng, nơi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong. 8-- Dùng lực lượng vũ trang uy hiếp và đóng chốt để chiếm đất. Trên một số địa bàn quan trọng, phía Trung Quốc trắng trợn dùng lực lượng vũ trang để cố đạt tới mục đích xâm lấn lãnh thổ. Tại khu vực Trà Mần-Suối Lũng (mốc 136-137) thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, năm 1953 Trung Quốc đã cho một số hộ dân Trung Quốc sang xâm cư ở cùng với dân của Việt Nam; sau đó họ tiếp tục đưa dân sang thêm hình thành ba xóm với 16 hộ, 100 khẩu mà họ đặt tên là Si Lũng theo tên một làng của Trung Quốc gần đó. Tuy thế cho đến năm 1957 phía Trung Quốc vẫn thừa nhận khu vực này là đất của Việt Nam. Từ năm 1967 trở đi, họ tiến hành việc dựng trường học, bắc dây truyền thanh, đào hố khai thác than chì rồi ngang nhiên cắm cờ biểu thị chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tháng 6 năm 1976 họ đã trắng trợn đưa lực lượng vũ trang đến đóng chốt để đàn áp quần chúng đấu tranh và ngăn cản việc tuần tra của Việt nam vào khu vực này, chiếm hẳn một vùng đất Việt Nam trên 3,2 km có mỏ than chì. Ở khu vực giữa mốc 2-3 thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn cũng xảy ra tình hình như vậy. Năm 1967-1968, nhiều hộ người Mèo thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chạy sang định cư ở đây. Phía Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc đưa số dân đó trở về Trung Quốc, nhưng họ đã làm ngơ, lại tiếp tục tăng số dân lên đến 36 hộ gồm 152 người, vào vùng này thu thuế, phát phiếu vải cho dân, đặt tên cho xóm dân Mèo này là “ Sìn Sài Thàng”, tên của một bản Trung Quốc ở bên kia biên giới cách khu vực này 3 km. Mặc dù phía Việt Nam đã nhiều lần kháng nghị, họ vẫn không rút số dân đó đi, trái lại, đầu năm 1976 còn đưa lực lượng vũ trang vào đóng chốt chiếm giữ. Nay họ đã lập thêm đường dây điện thoại, loa phóng thanh, dựng trường học, tổ chức đội sản xuất , coi là lãnh thổ Trung Quốc. 9-- Đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa ( mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý về phía đông. Phía Việt Nam có đầy đủ tài liệu để chứng minh rằng quần đảo này cũng như quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở phía nam là lãnh thổ Việt nam. Từ lâu, nhân dân Việt nam đã phát hiện và khai thác quần đảo Hoàng Sa, nhà Nguyễn đã chính thức thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo đó. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ nước Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX, Pháp nhân danh nước Việt Nam đã lập tại quần đảo đó hai đơn vị hành chính, một trạm khí tượng mà các số liệu được cung cấp liên tục trong mấy chục năm cho Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) dưới ký hiệu Hoàng Sa (Pattle). Việt Nam đã lên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo này. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là rõ ràng và không thể chối cãi. Nhưng sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam theo các quy định của Hiệp định Pa-ri ngày 27 tháng 1 năm 1973, và nhân lúc nhân dân Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh để giải phóng miền nam Việt Nam và nguỵ quyền miền nam sắp sụp đổ, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã trắng trợn dùng lực lượng vũ trang chiếm quần đảo Hoàng Sa. Cách họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vẫn là cách họ đã dùng để lấn chiếm đất đai của các nước láng giềng, nhưng với một sự phản bội hèn hạ vì họ luôn khoe khoang là “hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam anh em”. Đại để sự kiện diễn biến như sau: - Ngày 26 tháng 12 năm 1973, Bộ Ngoại giao Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông báo cho Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa biết ý định của mình sẽ tiến hành thăm dò dầu lửa trong vịnh Bắc Bộ và đề nghị hai nước tiến hành đàm phán để xác định chính thức biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. - Ngày 11 tháng 1 năm 1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (tức là Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Nam Sa ( tức là Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc và không cho ai xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc. - Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc trả lời phía Việt Nam, đại ý nói: đồng ý đề nghị đàm phán về vịnh Bắc Bộ, nhưng không đồng ý cho nước thứ ba vào thăm dò, khai thác vịnh Bắc Bộ, thực tế là họ ngăn cản Việt Nam hợp tác với Nhật Bản, Pháp, Ý trong việc thăm dò, khai thác thềm lục địa Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ. - Ngày 19 tháng 1 năm 1974, với một lực lượng lớn hải quân và không quân, Trung Quốc tiến đánh quân đội của chính quyền Sài Gòn đóng ở quần đảo Hoàng Sa và họ gọi cuộc hành quân xâm lược quần đảo này là “cuộc phản công tự vệ” Từ năm 1973 về trước, phía Trung Quốc đã lấn chiếm, gây khiêu khích ở nhiều nơi trên biên giới Việt-Trung. Từ khi họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, các sự kiện biên giới do họ gây ra, các vụ lấn chiếm đất đai Việt Nam ngày càng tăng: Năm 1974: 179 vụ Năm 1975: 294 vụ Năm 1976: 812 vụ Năm 1977: 873 vụ Năm 1978: 2175 vụ.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:39:50 GMT 9
III
Hai cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề biên giới giữa hai nước.
Năm 1957-1958 hai bên thoả thuận cùng với việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại sẽ tiến hành các cuộc hội đàm cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề cụ thể thuộc về dân sinh và trật tự trị an ở vùng biên giới hai nước. Từ đó đã có nhiều cuộc họp giữa các địa phương và đã đi đến một số quy định về việc đi lại, buôn bán, thăm hỏi…giữa nhân dân các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề lãnh thổ phải do Chính phủ hai nước tiến hành đàm phán. Vì vậy đã có hai cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1974 và năm 1977-1978.
Cuộc đàm phán lần thứ nhất:
Nhằm phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, ngày 26 tháng 12 năm 1973, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Trung Quốc mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ.
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Trung Quốc nhận lời đàm phán nhưng đòi không được tiến hành công tác thăm dò trong một khu vực hình chữ nhật giữa vĩ tuyến 18 độ-20 độ, kinh tuyến 107 độ-108 độ và “không để nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ” với mục đích ngăn cản Việt Nam khai thác những tài nguyên của mình trong thềm lục địa Việt Nam.
Ngày 15 tháng 8 năm 1974 cuộc đàm phán được tiến hành ở Bắc Kinh.
Công ước Pháp-Thanh 1887, Điều 2 đã nói rõ: Kinh tuyến Pa-ri 105 độ 43’ kinh độ đông ( nghĩa là kinh tuyến Grin-uých 108 độ 03’13’’) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ. Phía Việt nam sẵn sàng bàn với phía Trung Quốc để xác định về cửa vịnh Bắc Bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh.
Phía Trung Quốc hoàn toàn phủ nhận Điều 2 của Công ước 1887, không coi đường kinh tuyến nói trên là đường biên giới, một mực nói rằng trong vịnh Bắc Bộ xưa nay chưa hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc để phân chia. Mặc dù phía Việt Nam tuyên bố sẵn sàng nghe ý kiến của phía Trung Quốc, nhưng họ chỉ nói một cách chung chung là nếu theo đường kinh tuyến đó thì họ “được phần nhỏ quá, còn phía Việt Nam được phần lớn quá”, cho nên phải “phân chia công bằng, hợp lý”, nhưng họ cũng không chịu đưa ra một phương án nào cụ thể, cố tình kéo dài cuộc đàm phán. Cuối tháng 11 năm 1974 cuộc đàm phán phải tạm ngừng.
Cuộc đàm phán lần thứ hai.
Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Chính phủ Trung Quốc đề nghị với Chính phủ Việt Nam mở cuộc đàm phán giữa hai Chính phủ về vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước vào năm 1975.
Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Chính phủ Việt Nam trả lời đồng ý về nguyên tắc, nhưng vì trước mắt đang bận nhiều việc do sự phát triển của tình hình giải phóng miền nam Việt Nam nên Chính phủ Việt Nam đề nghị lùi cuộc đàm phán vào một thời gian thích hợp. Trong lúc chờ đợi, phía Việt Nam đề nghị hai bên mở lại các cuộc hội đàm giữa các tỉnh biên giới, nhưng những cuộc đàm phán này cũng không đưa lại kết quả gì, trong khi đó phía Trung Quốc ngày càng tăng cường vi phạm và khiêu khích ở biên giới Việt Nam-Trung Quốc.
Ngày 7 tháng 10 năm 1977, cuộc đàm phán bắt đầu tại Bắc Kinh giữa đại biểu Chính phủ Việt Nam và đại biểu Chính phủ Trung Quốc để giải quyết những vấn đề về biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ. Phía Việt Nam một lần nữa khẳng định hai bên cần triệt để tôn trọng Công ước 1887 và 1895 về đường biên giới trên bộ và trên biển, vì vậy cần bàn về về toàn bộ đường biên giới. Phía Trung Quốc một mực chỉ muốn bàn vấn đề biên giới trên bộ.
Cuộc đàm phán gặp khó khăn. Để đưa cuộc đàm phán tiến lên, phía Việt Nam đồng ý bàn vấn đề biên giới trên bộ trước, vấn đề biên giới trong vịnh Bắc Bộ sau. Nhưng phía Trung Quốc vẫn không chịu bàn. Họ đòi phía Việt Nam phải từ bỏ quan điểm cho rằng trong vịnh Bắc Bộ đã có đường biên giới thì họ mới bàn vấn đề biên giới trên bộ.
Để tìm lối thoát, phía Việt Nam lại đề nghị hai bên đi ngay vào bàn vấn đề biên giới trên bộ, còn bất đồng về vịnh Bắc Bộ mỗi bên giữ ý kiến của mình và sẽ bàn sau. Trên cơ sở những đề nghị của Việt Nam và những đề nghị của Trung Quốc, phía Việt Nam đã đưa ra một bản dự thảo Hiệp định về đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước để hai bên cùng bàn bạc. Toàn văn bản dự thảo Hiệp định như sau:
DỰ THẢO HIỆP ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BỘ GIỮA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Xuất phát từ lòng mong muốn không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị vĩ đại truyền thống trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc;
Nhằm mục đích xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc, phù hợp với nguyện vọng tha thiết và lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước;
Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hoàn toàn bình đẳng với nhau và trên nguyên tắc tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại;
Đã thoả thuận những điều sau đây:
Điều 1
Hai bên chính thức xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hoạch định và cắm mốc theo các văn kiện về biên giới ký kết giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ nhà Thanh Trung Quốc là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Các văn kiện biên giới đó gồm có:
Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ký ngày 26 tháng 6 năm 1887, với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo.
Công ước bổ sung Công ước về hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc ngày 26 tháng 6 năm 1887, ký ngày 20 tháng 6 năm 1895 với các biên bản và bản đồ hoạch định kèm theo
Các biên bản và bản đồ cắm mốc thực hiện hai Công ước nói trên ký kết từ ngày 15 tháng 4 năm 1890 đến ngày 13 tháng 6 năm 1897, ngày hoàn thành việc cắm mốc đoạn đường biên giới giữa Bắc Kỳ (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Trong các điều khoản sau đây, các văn kiện về biên giới nói trên được gọi tắt là “ Công ước 1887 và Công ước 1895”
Điều 2
Hai bên cam kết tôn trọng đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở điều 1.
Những vùng đất nào do bên này quản lý vượt quá đường biên giới nói ở Điều 1 thì nay trả lại cho bên kia.
Điều 3
Đường biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 1 nói chung là rõ. Trường hợp có một số ít nơi trên đường biên giới sau khi hai bên đã cùng nhau đối chiếu, nghiên cứu nhiều lần theo đúng các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 mà vẫn không xác định được là thuộc về bên nào, thì hai bên sẽ qua khảo sát thực địa, hiệp thương hữu nghị giải quyết theo nguyên tắc công bằng hợp lý .
Điều 4
1-- Đối với những nơi đường biên giới đi trên sông, suối, cũng như đối với các cù lao, bãi nổi trên các sông, suối biên giới đó và trường hợp các sông suối biên giới đổi dòng vì nguyên nhân thiên nhiên, hai bên triệt để tuân theo các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 liên quan đến đường biên giới trên các sông, suối đó.
2-- Không kể đường biên giới trên sông, suối biên giới theo các quy định của Công ước 1887 và Công ước 1895 như thế nào, đường biên giới trên các cầu bắc qua các sông, suối đó đều đi qua chính giữa cầu.
Điều 5
Trong thời hạn một năm, sau khi quyết định của Uỷ ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y, dân ở vùng đất mà bên này trả lại cho bên kia sẽ trở về sinh sống ở nước mà mình mang quốc tịch.
Trường hợp có người muốn ở lại thì trong thời hạn đó họ phải đăng ký với chính quyền địa phương để trở thành công dân của bên được trả vùng đất.
Điều 6
Mỗi bên không để dân của mình vượt đường biên giới sang quá canh và làm ăn trái phép tại những vùng đất thuộc lãnh thổ bên kia.
Ở những vùng đất trả lại cho nhau, sẽ chấm dứt quá canh ngay sau khi quyết định của Uỷ ban liên hợp nói ở Điều 7 dưới đây về từng đoạn đường biên giới được hai Chính phủ chuẩn y.
Người có hoa màu làm trên đất quá canh chưa thu hoạch sẽ được phép sang chăm nom cho đến lúc thu hoạch xong, và phải tuân theo mọi luật lệ của nước sở tại.
Điều 7
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực, hai bên thành lập Uỷ ban liên hợp biên giới Việt nam-Trung Quốc (goị tắt là Uỷ ban liên hợp) gồm số đại biểu hai bên bằng nhau. Uỷ ban liên hợp căn cứ vào các điều khoản của Hiệp định này thực hiện nhiệm vụ sau đây:
1-- Xác định cụ thể trên thực địa toàn bộ đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước theo Điều 1 của Hiệp định này;
2-- Giải quyết trên thực địa những nơi trên đường biên giới nói trong Điều 2 và Điều 3 của Hiệp định này. Các quyết định của Uỷ ban liên hợp về từng đoạn đường biên giới phải được hai bên chuẩn y;
3-- Giải quyết những vấn đề liên quan đến việc bên này trả lại những vùng đất cho bên kia;
4-- Kiểm tra và xác nhận vị trí của các mốc quốc giới theo Công ước 1887 và Công ước 1895, đặt lại những mốc quốc giới không ở đúng vị trí theo các Công ước nói trên và đặt thêm các mốc quốc giới bổ sung ở những nơi hai bên thấy cần thiết, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tu bổ các mốc quốc giới;
5-- Soạn thảo Nghị định thư xác định trên thực địa đường biên giới quốc gia trên bộ giữa hai nước, vẽ bản đồ đường biên giới đó có ghi tỉ mỉ vị trí đường biên giới và vị trí các mốc quốc giới;
Uỷ ban liên hợp bắt đầu hoạt động ngay sau khi được thành lập và kết thúc nhiệm vụ sau khi Nghị định thư nói trên được ký kết.
Điều 8
Nghị định thư với bản đồ kèm theo nói ở Điều 7, đoạn 5 sẽ do hai Chính phủ ký kết và sẽ là một bộ phận cấu thành của Hiệp định này.
Điều 9
Hiệp định này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Sau khi Hiệp định này có hiệu lực và Nghị định thư nói ở Điều 7, đoạn 5 của Hiệp định được ký kết, mọi Công ước, văn kiện có liên quan đến đường biên giới trên bộ giữa hai nước lập tức mất giá trị.
Làm tại……….ngày………tháng………năm……….thành hai bản bằng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc, cả hai văn bản Việt Nam và Trung Quốc đều có giá trị như nhau.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
Phía Trung Quốc đã từ chối xem xét bản dự thảo Hiệp định đó. Họ đưa ra một đề nghị khác, thực chất là đề nghị cũ của họ được sửa đổi. Ý đồ của họ là nhằm duy trì hiện trạng biên giới (không phải nguyên trạng đường biên giới lịch sử) nhằm giữ những chỗ họ lấn chiếm và sửa lại nhiều chỗ có lợi cho họ.
Cuộc đàm phán kéo dài, dây dưa đến mười tháng không đi đến kết quả. Ngay trong khi phía Trung Quốc tăng cường khiêu khích ở biên giới , gây ra vụ người Hoa, cắt viện trợ cho Việt Nam, phía Việt Nam vẫn kiên trì tiếp tục nói chuyện. Nhưng cuối cùng không đi đến kết quả gì, vì tình hình chứng tỏ là phía Việt Nam càng thiện chí thì phía Trung Quốc càng lấn tới. Họ ngoan cố thực hiện dã tâm bành trướng nước lớn của họ, cho nên họ không chịu đáp ứng một điều kiện nào do phía Việt Nam đưa ra. Cuộc đàm phán về biên giới bị thất bại, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc.
IV-
Tình hình Trung Quốc gây khiêu khích, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam từ năm 1978 đến nay
Từ đầu năm 1978 đến ngày 17 tháng 2 năm 1979, ngày mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam, một mặt họ làm bế tắc cuộc đàm phán về biên giới, mặt khác họ công khai thực hiện chính sách điên cuồng chống Việt Nam.
Nói riêng về khu vực biên giới, nhà cầm quyền Bắc Kinh leo thang dùng vũ lực, tăng cường khiêu khích xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam.
Từ đầu năm 1978 đến khoảng tháng 8 năm 1978, nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng dụ dỗ, cưỡng ép người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam, chủ yếu là tại các tỉnh biên giới, chạy về Trung Quốc hòng gây rối loạn về chính trị, xã hội và kinh tế cho Việt Nam khi đó đang phải giải quyết hậu quả nặng nề của những thiên tai chưa từng thấy ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua, đồng thời họ chuẩn bị một số tay chân cần thiết cho các cuộc hành quân xâm lược sau này. Với những thủ đoạn thâm độc đó, họ đã lôi kéo khoảng 170.000 người Hoa về Trung Quốc. Thâm độc hơn cả là họ thình lình đóng cửa biên giới trong lúc dòng người Hoa đang ùn ùn đổ về Trung Quốc, để kiếm cớ xúi giục những người đó chống lại nhà đương cục Việt Nam. Đó là tình hình họ đã gây ra ở cầu biên giới Bắc Luân (thuộc tỉnh Quảng Ninh), ở cửa khẩu Hữu nghị quan (thuộc tỉnh Lạng Sơn), trong lúc người Hoa ùn tắc lại, họ cho bọn tay sai kết hợp với một bọn côn đồ hành hung, gây hỗn loạn ngày 8 tháng 8 năm 1978 ở cầu Bắc Luân, ngày 25 tháng 8 năm 1978 ở Hữu nghị quan, làm chết hai cán bộ và công an biên phòng của Việt Nam và 25 người khác bị thương.
- Nhà cầm quyền Bắc Kinh ồ ạt đưa quân đội (bộ binh, thiết giáp, không quân, pháo binh) áp sát biên giới, xây dựng công sự, bố trí trận địa trên các điểm cao suốt dọc biên giới, đưa thường dân Trung Quốc ở vùng biên giới vào sâu nội địa. Trong lúc đó, bộ máy tuyên truyền đồ sộ của Bắc Kinh vu cáo Việt Nam “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc” và Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, bất chấp các nguyên tắc của Liên hợp quốc, lên tiếng đe doạ “dạy cho Việt Nam một bài học”, “trừng phạt Việt Nam”.
- Các lực lượng vũ trang của Trung Quốc liên tiếp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, phá các hàng rào dây thép gai, các bãi mìn và các công trình phòng thủ khác của phía Việt Nam.
- Đột nhập lãnh thổ Việt Nam để tập kích các trạm gác của dân quân và của công an biên phòng Việt Nam, bắn lén, bắt cóc người của Việt Nam đưa về Trung Quốc. Một vài thí dụ:
+ Ngày 13 tháng 10 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vào sâu đất Việt Nam tại xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn, phục kích một tổ công tác đang làm nhiệm vụ, bắn chết hai chiến sĩ công an biên phòng, bắt anh Nguyễn Đình Ấm đưa về Trung Quốc,
+ Ngày 1 tháng 11 năm 1978, ở đồi Chông Mu thuộc tỉnh Cao Bằng, hàng trăm lính với hơn 1.000 dân binh Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam, nổ súng tiến công một tổ dân quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam,
+ Ngày 23 tháng 12 năm 1978, lực lượng vũ trang Trung Quốc vượt biên giới sang tập kích một tổ dân quân Việt nam đang làm nhiệm vụ trên đất Việt Nam tại khu vực mốc 2 (thuộc Bình Nhi, tỉnh Lạng Sơn), bắt đưa về Trung Quốc 4 người.
Những vụ khiêu khích tương tự phải tính hàng trăm trên toàn tuyến biên giới.
Kể từ đầu năm 1979, các cuộc khiêu khích của phía Trung Quốc được tiến hành với một qui mô ngày càng lớn, với những lực lượng vũ trang ngày càng đông hơn:
Dùng súng lớn (từ đại liên, súng cối 82 đến DKZ75 và 85) từ đất Trung Quốc trắng trợn bắn sang đất Việt Nam, có khi bắn từng đợt, có khi bắn liên tiếp nhiều ngày, mục tiêu của họ là người dân thường đang đi trên đường, các làng bản, các khu phố của các thị trấn, các công trường, lâm trường, nông trường v..v..Dưới đây là một vài thí dụ:
+ Ngày 14 tháng 1 năm 1979 bắn vào thôn Phai Lầu, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh,
+ Cùng ngày, bắn vào các phố chính của thị xã Lao Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn đang lúc đông người qua lại.
+Ngày 2 tháng 2 năm 1979 bắn vào nhà máy đường Phục Hoà và xóm Hưng Long, xã Quy Thuận, huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng,
+ Từ ngày 10 tháng 1 năm 1979 đến ngày 25 tháng 1 năm 1979, liên tục dùng súng bộ binh các loại và súng cối 82 bắn vào đồn biên phòng Việt Nam ở Trà Lĩnh thuộc tỉnh Cao Bằng,
- Dùng lực lượng bộ binh lớn có hoả lực mạnh yểm trợ tiến công và lấn chiếm một số vùng đất của Việt Nam. Một vài thí dụ:
+ Ngày 10 tháng 2 năm 1979, hơn một tiểu đoàn quân chính quy Trung Quốc tiến vào đất Việt Nam hơn 2 km đánh chiếm các trạm gác của dân quân xã Thanh Loà, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn,
+ Ngày 11 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vào đánh chiếm khu vực Hang Nà-Cốc Pheo thuộc xã Cấn Yên, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng,
+ Ngày 15 tháng 2 năm 1979, một đại đội quân chính quy Trung Quốc vượt biên giới sang đánh chiếm bản Nà Ke, xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn,
Tất cả những hành động khiêu khích ngang ngược ngày càng nghiêm trọng của phía Trung Quốc từ trước đến nay, nhất là từ năm 1978, không nhằm mục đích nào khác là ráo riết chuẩn bị cuộc chiến tranh xâm lược chống nhân dân Việt Nam. Thực tế đã xác minh điều đó:
Từ rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, nhà cầm quyền Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam với 60 vạn quân gồm 11 quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập (trong đó có một số sư đoàn sơn cước chủ yếu gồm những người trước đây đã sang vùng biên giới làm đường giúp Việt Nam và những người Hoa trước đây đã ở Việt Nam), hơn 500 xe tăng và thiết giáp, hơn 700 máy bay các loại. Ngay ngày đầu, gần 20 sư đoàn bộ binh Trung Quốc đồng thời tiến đánh sáu tỉnh của Việt Nam giáp với Trung Quốc: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Do bị thất bại trước những đòn giáng trả nặng nề của nhân dân Việt Nam, bị dư luận toàn thế giới lên án mạnh mẽ và nhân dân Trung Quốc phản đối, nhà cầm quyền Bắc Kinh mấy ngày gần đây đang phải rút quân đội của họ về nước.
Từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam, đi đến đâu, quân xâm lược Trung Quốc cũng bắn bừa bãi, đốt phá, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và giết người không ghê tay bằng những cách cực kỳ dã man. Chúng dùng báng súng đập vỡ sọ, đâm người bằng lưỡi lê, chém đầu chặt người ra thành từng khúc, ném lựu đận vào hầm trú ẩn, tập trung người rồi xả súng bắn. Số đông người bị giết hại là người già, phụ nữ và trẻ em. Ở Cao Lâu, Văn Lãng (Lạng Sơn) chúng xé xác em Vi Việt Lương, học sinh lớp 4 ra làm nhiều mảnh, lôi 7 em bé đang ngủ ra bắn rồi chặt từng khúc vứt ra sân. Ở xã Thanh Loà (Lạng Sơn), bốn tên lính Trung Quốc bắt cô giáo cấp 1 người dân tộc Tày mang lên đồi hãm hiếp rồi xả súng bắn chết. Ở xí nghiệp gạch ngói xã Quang Kíu, huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng xả súng B40 giết hết nam công nhân, còn nữ công nhân thì hãm hiếp rồi đưa về Trung Quốc.
Đặc biệt nghiêm trọng là ở chợ huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), chúng chặt đầu, mổ bụng gần 100 em nhỏ, vứt xác nằm ngổn ngang.
Trong quá trình rút về nước một cách chậm chạp, quân Trung Quốc xâm lược vẫn tiếp tục gây nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Chúng bắn pháo, dùng thuốc nổ phá huỷ tất cả những gì còn lại, các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng và thị xã Lao Cai đã bị triệt phá; chúng còn gài lại nhiều mìn ở khắp nơi, thậm chí bỏ thuốc độc xuống giếng nước làm cho một số dân thường bị thương vong hoặc ngộ độc.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:40:22 GMT 9
V -
Con đường đúng đắn để giải quyết các vấn đề về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
1-- Thực tế trình bày ở các phần trên đã chỉ rõ ràng:
- Giữa Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã hình thành một biên giới lịch sử và biên giới đó đã được các Công ước năm 1887 và 1895 hoạch định, tiếp đó được cắm mốc rõ ràng trên suốt hơn 1.400 km trên đất liền.
- Phía Trung Quốc vi phạm sự thoả thuận giữa hai nước về việc giữ nguyên trạng đường biên giới do lịch sử để lại, đã hàng nghìn lần xâm phạm biên giới, chủ quyền, lãnh thổ của nước Việt Nam trong suốt 21 năm qua.
- Phía Trung Quốc đã cố tình làm bế tắc các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới giữa hai nước, ngày càng tăng cường khiêu khích vũ trang nước Việt Nam và ngày 17 tháng 2 năm 1979 đã đưa quân ồ ạt xâm lược Việt Nam.
Để che giấu quy mô của cuộc chiến tranh, lừa gạt nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nói láo một cách hèn hạ rằng phía Việt Nam đã “khiêu khích”, “xâm lược”, khiến Trung Quốc phải “phản công tự vệ”. Cũng như khi họ xâm lược Ấn Độ năm 1962, lúc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, phía Trung Quốc từng đã nói là “phản công tự vệ”. Khi những nhà cầm quyền Bắc Kinh nói “phản công tự vệ” chính là họ đang hành động như bọn xâm lược.
Nhà cầm quyền Bắc Kinh còn nói đây chỉ là một cuộc “chiến tranh hạn chế” tiến hành với “những lực lượng biên phòng”. Sự thật rõ ràng là họ tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhằm thôn tính Việt Nam, mở đầu với sự tham gia của hàng chục sư đoàn quân chính quy, bằng số quân Mỹ cao nhất lúc Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Nhân dân khắp năm châu, chính phủ nhiều nước kể cả những bạn bè của Đặng Tiểu Bình ở phương Tây đều gọi đây là cuộc xâm lược của Trung Quốc chống Việt Nam. Người dân thường Trung Quốc cũng bắt đầu thức tỉnh về cuộc phiêu lưu mà các nhà cầm quyền Trung Quốc đang đẩy đất nước họ đi tới với những những hậu quả không thể lường hết được.
Vì sao những người cầm quyền Trung Quốc lại tiến hành xâm lược Việt Nam mặc dù điều đó lột trần bộ mặt thật bành trướng đại dân tộc, bộ mặt xâm lược của họ?
Nguồn gốc của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam hiện nay hiện nay là chính sách của những người cầm quyền Trung Quốc nhằm làm cho Việt nam suy yếu hơn, hòng buộc Việt Nam phải khuất phục và phụ thuộc Trung Quốc, đồng thời nhằm thôn tính Lào và Campuchia để biến bán đảo Đông Dương thành bàn đạp của họ để thực hiện chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc của họ ở Đông Nam Á. Họ đã thất bại liên tiếp trong việc dùng bè lũ PônPốt-Iêng Xary đánh Việt Nam từ phía Tây Nam, gây khiêu khích vũ trang và tăng cường sức ép quân sự từ phía bắc, dùng người Hoa để phá rối và gây bạo loạn bên trong, lợi dụng lúc Việt Nam bị khó khăn về kinh tế và lôi kéo các nước cắt cắt viện trợ hòng bóp nghẹt Việt Nam. Họ còn đóng cửa ba lãnh sự quán của Việt Nam ở Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu, cắt đường tàu liên vận quốc tế, huỷ bỏ Hiệp định về miễn thị thực cho cán bộ hai nước hòng che dấu việc tiến công quân sự chống nước Việt Nam. Cuối cùng, những người cầm quyền Trung Quốc liều lĩnh tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Tiến đánh tất cả sáu tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam, họ còn mưu toan sửa đổi đường biên giới, tức là giữ chặt những chỗ họ đã lấn chiếm trước đây, đồng thời lấn chiếm thêm những chỗ khác. Chính họ đã trắng trợn nói lên điều đó khi họ nói quân Trung Quốc sẽ rút về bên kia “đường biên giới mà Trung Quốc công nhận”. Theo tin đầu tiên, họ đã cho chuyển sâu về phía Việt Nam mốc số 41 và mốc số 45 ở khu vực Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn). Mặc dù vậy, họ thường xuyên tuyên bố: “ Trung Quốc không lấy một tấc đất của ai!”.
Lập trường của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được nêu rõ trong Công hàm ngày 2 tháng 3 nămm 1979 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc: những người cầm quyền Trung Quốc đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam thì họ phải vĩnh viễn chấm dứt xâm lược; phải rút ngay, rút hết, rút không điều kiện quân đội của họ về phía bên kia đường biên giới do lịch sử để alị như hai bên đã thoả thuận; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày 6 tháng 3 năm 1979, phía Việt Nam đã tuyên bố:
“ Nếu Trung Quốc thật sự rút toàn bộ quân của họ khỏi lãnh thổ Việt Nam như họ đã tuyên bố, thì sau khi quân Trung Quốc rút hết về bên kia đường biên giới lịch sử đã được hai bên thoả thuận tôn trọng, phía Việt nam sẵn sàng đàm phán ngay với phía Trung Quốc ở cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về việc khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước. Địa điểm và thời gian sẽ do hai bên thoả thuận”
Nếu những người cầm quyền Trung Quốc tiếp tục chính sách xâm lược chống Việt Nam thì quân và dân Việt Nam sẽ dùng quyền tự vệ thiêng liêng, kiên quyết chiến đấu chống xâm lược để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhân dân Việt Nam quyết tiếp tục làm hết sức mình gìn giữ tình hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết đòi nhà cầm quyền Trung Quốc:
1-- Vĩnh viễn chấm dứt xâm lược, phải rút ngay, rút không điều kiện quân đội của họ về nước; chấm dứt mọi hành động tội ác đối với nhân dân Việt nam; triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; tôn trọng đường biên giới do lịch sử để lại như hai bên đã thoả thuận; phải chấm dứt ngay việc dời cột mốc biên giới và những hành động khác nhằm thay đổi đường biên giới đó.
2-- Cùng phía Việt Nam sớm mở cuộc thương lượng nêu trong Công hàm ngày 15 tháng 3 năm 1979 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm đem lại hoà bình và ổn định ở vùng biên giới giữa hai nước, khôi phục quan hệ bình thường giữa hai nước.
Nhân dân và Chính phủ Việt Nam tin chắc rằng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước trong Phong trào không liên kết, các nước độc lập dân tộc, các nước bè bạn và nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới sẽ tăng cường đoàn kết, ủng hộ Việt Nam vì độc lập, hoà bình, ổn định ở Đông Nam Á và thế giới.
HẾT
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:43:05 GMT 9
SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM -TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA Nhà xuất bản Sự Thật  24 Quang Trung Hà Nội, Dây nói 52008 Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh: 103 Hàm Nghi, Dây nói: 98800 và 20476 Phụ trách bản thảo đưa in: PHẠM XUYÊN, ĐÌNH LAI Trình bày bìa: NGHIÊM THÀNH Giá 0 đ 50 CHÚ DẪN CỦA NHÀ XUẤT BẢN Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài. Cuốn sách này gồm toàn văn bản văn kiện nói trên. Tháng 10 năm 1979 NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT PHẦN THỨ NHẤT VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC Những hành động thù địch công khai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh xâm lược của họ ngày 17 tháng 2 năm 1979, đã làm cho dư luận thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi đột ngột về chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam. Sự thay đổi đó không phải là điều bất ngờ, mà là sự phát triển lô-gích của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm qua. Trên thế giới chưa có những người lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược đã lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như những người lãnh đạo Trung Quốc. Từ chỗ coi Liên Xô là đồng minh lớn nhất, họ đi đến chỗ coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất. Từ chỗ coi đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất mà bản chất không bao giờ thay đổi, họ đi đến chỗ coi đế quốc Mỹ là đồng minh tin cậy, câu kết với đế quốc Mỹ và trắng trợn tuyên bố Trung Quốc là NATO 1 ở phương đông. Từ chỗ coi phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh là “bão táp cách mạng” trực tiếp đánh vào chủ nghĩa đế quốc và cho rằng rốt cuộc sự nghiệp cách mạng của toàn bộ giai cấp vô sản quốc tế sẽ tuỳ thuộc vào cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ở khu vực này 2 , họ đi đến chỗ cùng với đế quốc chống lại và phá hoại phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ những lực lượng phản động, như tên độc tài Pinôchê ở Chilê, các tổ chức FNLA và UNITA do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) giật dây ở Angôla, vua Palêvi ở Iran, nuôi dưỡng bè lũ diệt chủng PônPốt-Iêngxary v..v…Họ ngang nhiên xuyên tạc nguyên nhân và tính chất của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới hiện nay, coi các cuộc đấu tranh này là sản phẩm của sự tranh giành bá quyền giữa các nước lớn, chứ không phải là sự nghiệp cách mạng của nhân dân các nước. Cùng với sự lật ngược chính sách liên minh của họ trên thế giới là những cuộc thanh trừng tàn bạo và đẫm máu ở trong nước, đàn áp những người chống đối, làm đảo lộn nhiều lần vai trò của những người trong giới cầm quyền. Có người hôm nay được coi là nhà lãnh đạo cách mạng chân chính, ngày mai trở thành kẻ thù, kẻ phản bội của cách mạng Trung Quốc; có người trong vòng mấy năm lần lượt bị đổ và được phục hồi đến hai ba lần. Chiến lược của những người lãnh đạo Trung Quốc có những thay đổi rất lớn. Nhưng có một điều không thay đổi: đó là mục tiêu chiến lược muốn nhanh chóng đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc bậc nhất thế giới và thực hiện mưu đồ bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ đối với các nước khác. Tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1956, Chủ tich Mao Trạch Đông đã nói: “Chúng ta phải trở thành quốc gia hàng đầu về phát triển văn hoá, khoa học kỹ thuật và công nghiệp…Không thể chấp nhận rằng sau một vài chục năm, chúng ta vẫn chưa trở thành cường quốc số một trên thế giới” Sau đó, tháng 9 năm 1959, tại Hội nghị của Quân uỷ trung ương, chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói: “Chúng ta phải chinh phục trái đất. Đó là mục tiêu của chúng ta” [image] Ngay từ khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tháng 10 năm 1949, những người cầm quyền ở Bắc Kinh đã bắt tay đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu chiến lược của họ. Mặc dầu nền kinh tế của Trung Quốc còn lạc hậu, từ cuối những năm 1950 họ đã ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược và hiện nay đang đẩy mạnh việc thực hiện “hiện đại hoá” về quân sự, về sản xuất và tích trữ vũ khí hạt nhân. Trong lĩnh vực kinh tế, điều giống nhau giữa “đại nhảy vọt” năm 1958 và “bốn hiện đại hoá” mới nêu ra vài ba năm nay là cả hai kế hoạch đó đều nhằm mục tiêu chiến lược bành trướng và bá quyền của những người lãnh đạo Trung Quốc. 1- VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU CỦA TRUNG QUỐC Trong chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, nếu họ coi Liên Xô và Mỹ là những đối tượng chủ yếu cần phải chiến thắng, thì họ coi Việt Nam là một đối tượng quan trọng cần khuất phục và thôn tính để dễ bề đạt được lợi ích chiến lược của họ. Bước vào những năm 1950, khi bắt đầu công cuộc xây dựng lại hòng đưa nước Trung Hoa nhanh chóng trở thành cường quốc trên thế giới, những người lãnh đạo Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Triều Tiên ở phía bắc và mối nguy cơ đe doạ an ninh của Trung Quốc ở phía nam do cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam gây ra. Đồng thời đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ và tên sen đầm quốc tế, thi hành một chính sách thù địch đối với Trung Quốc và đang ra sức tiến hành kế hoạch bao vây, cô lập Trung Quốc. Cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia chống thực dân Pháp đã đưa đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Pháp lo sợ thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Trung Quốc là nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam vào cuối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt nam chống thực dân Pháp. Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đó để đứng ra làm người thương lượng chủ yếu đối với đế quốc Pháp, câu kết với chúng và cùng nhau thoả hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước ở Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời để có vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Trong Hội nghị Giơnevơ năm 1954 mà phần đầu dành cho vấn đề Triều Tiên, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên xuất hiện ngang hàng với bốn cường quốc uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đó là một cơ hội tốt cho những người lãnh đạo Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á và châu Phi. Đồng thời, họ tìm cách bắt tay với đế quốc Mỹ qua các cuộc thương lượng trực tiếp bắt đầu Giơnevơ, về sau chuyển sang Vacsava. Từ sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Việt Nam, nhằm biến miền nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông nam châu Á. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh muốn duy trì lâu dài tình trạng Việt Nam bị chia cắt. Nhưng nhân dân Việt Nam đã anh dũng đứng lên chống Mỹ cứu nước và ngày càng giành được nhiều thắng lợi. Cuối những năm 1960, đế quốc Mỹ bị sa lầy trong chiến tranh xâm lược chống Việt Nam, một cuộc chiến tranh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị và xã hội của nước Mỹ, đồng thời làm suy yếu thêm vị trí của đế quốc Mỹ trên thế giới. Tình hình đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ và tạo cho các nước Tây Âu, Nhật Bản có cơ hội ngoi lên thành những lực lượng cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ. Trước tình thế ngày càng tuyệt vọng, tổng thống Nichxơn đã đề ra kế hoạch “Việt Nam hoá” chiến tranh và theo kinh nghiệm của đế quốc Pháp năm 1954, dùng Trung Quốc hòng giải quyết vấn đề Việt Nam với những điều kiện có lợi cho đế quốc Mỹ: rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam mà vẫn giữ được chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu ở miền nam Việt Nam. Đồng thời, chính quyền Nichxơn chơi con bài Trung Quốc để gây sức ép đối với Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới. Lợi dụng sự suy yếu của đế quốc Mỹ và chiều hướng chính sách của chính quyền Nichxơn, những người lãnh đạo Trung Quốc tăng cường chống Liên Xô và thoả hiệp với Mỹ, giúp Mỹ giải quyết vấn đề Việt Nam để cố tạo nên thế ba nước lớn trên thế giới theo công thức của Kitxinhgơ về “thế giới nhiều cực”, trong đó một trong ba cực lớn là Trung Quốc, xoá bỏ “thế hai cực” Mỹ và Liên Xô đã hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời dùng vấn đề Việt Nam để đổi lấy việc Mỹ rút khỏi Đài Loan. Do đó, họ lật ngược chính sách liên minh, bắt đầu từ việc coi Liên Xô là kẻ thù chủ yếu, gây ra xung đột biên giới với Liên Xô tháng 3 năm 1969, đến việc phản bội Việt Nam lần thứ hai, buôn bán với Mỹ để ngăn cản thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Việt Nam. Trong năm 1971, họ lần lượt tiến hành chính sách “ngoại giao bóng bàn”, đón tiếp Kitxinhgơ ở Bắc Kinh. Tiếp đó là việc khôi phục địa vị của Trung Quốc ở Liên hợp quốc và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trở thành một trong năm uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an. Đỉnh cao là việc Trung Quốc tiếp tổng thống Mỹ Nichxơn và hai bên ra Thông cáo Thượng Hải tháng 2 năm 1972. Đối với những người cầm quyền Bắc Kinh, sự câu kết với đế quốc Mỹ là một bước có ý nghĩa quyết định đối với việc triển khai chiến lược toàn cầu của họ. [image] Bản đồ này đã được in trong cuốn “Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại” xuất bản tại Bắc Kinh năm 1954. Cũng như sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc sau Hiệp định Pari tháng 1 năm 1973 về Việt Nam, muốn duy trì nguyên trạng ở miền nam Việt Nam. h “Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc” của chủ tịch Mao Trạch Đông viết năm 1939 do hiệu sách Tân Hoa thư điếm (Dực Nam) tái bản tháng 6 năm 1949. Trong đó có đoạn viết: “Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam…” Đường vẽ chấm là “biên giới” của Trung Quốc theo quan điểm bành trướng, những vùng đánh số là những lãnh thổ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho là đã bị nước ngoài “chiếm mất” bao gồm: một phần lớn đất vùng Viễn Đông và Trung Á của Liên Xô (số 1, 17, 18), Át Xam (số 6), Xích Kim (số 4), Butan (số 5), Miến Điện (số 7), Nêpan (số 3), Thái Lan (số 10), Việt Nam (số 11), Lào, Campuchia… Vì vậy thắng lợi của nhân dân Việt Nam năm 1975 đánh sụp hoàn toàn chính quyền tay sai của Mỹ, giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà không chỉ là một thất bại lớn của đế quốc Mỹ mà còn là một thất bại lớn của những người cầm quyền Bắc Kinh trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu và mưu đố bành trướng, bá quyền của họ. Từ đó, họ công khai thi hành chính sách thù địch chống Việt Nam, kể cả bằng biện pháp quân sự. Như vậy, trong 30 năm qua, Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Vì Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược của Pháp giữa những năm 1950 cũng như trong chiến lược của Mỹ đầu những năm 1970, những người lãnh đạo Trung Quốc đã dùng “con bài” Việt Nam để câu kết với bọn đế quốc, phục vụ cho ý đồ chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ. Đồng thời họ mưu toan một mình nắm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, một vấn đề trung tâm của đời sống chính trị quốc tế lúc bấy giờ để giương cao chiêu bài “chống chủ nghĩa đế quốc” hòng nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, dìm ảnh hưởng của Liên Xô.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:46:29 GMT 9
II- VIỆT NAM TRONG CHÍNH SÁCH ĐÔNG NAM Á CỦA TRUNG QUỐC.
Đông nam châu Á là hướng bành trướng cổ truyền trong lịch sử Trung Quốc, là khu vực mà từ lâu những người lãnh đạo nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ước mơ thôn tính.
Trong năm 1936, chủ tịch Mao Trạch Đông kể chuyện với nhà báo Mỹ Etga Xnâu ở Diên An về thời trẻ của mình, đã bộc lộ ý nghĩ sau khi đọc một cuốn sách nhỏ nói đến việc Nhật chiếm Triều Tiên và Đài Loan, việc mất “chủ quyền” Trung Hoa ở Đông Dương, Miến Điện và nhiều nơi khác:
“Đọc xong, tôi lấy làm thất vọng đối với tương lai đất nước tôi và tôi bắt đầu nhận thức rằng bổn phận của mọi người là phải đóng góp cứu nước”.
Tài liệu của Đảng cộng sản Trung Quốc do chủ tịch Mao Trạch Đông viết mang tên Cách mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc, xuất bản năm 1939 có viết:
“Các nước đế quốc sau khi đánh bại Trung Quốc, đã chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng, Pháp chiếm An Nam…”
Cuốn sách Sơ lược lịch sử Trung Quốc hiện đại xuất bản năm 1954 ở Bắc Kinh có bản đồ vẻ lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả nhiều nước chung quanh, kể cả ở Đông nam châu Á và vùng biển Đông.
Ý đồ bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963:
“Tôi sẽ làm chủ tịch của 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông nam châu Á”
Cũng trong dịp này, chủ tịch Mao Trạch Đông so sánh nước Thái Lan với tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, về diện tích thì tương đương nhưng về số dân thì tỉnh Tứ Xuyên đông gấp đôi, và nói rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Thái Lan để ở; đối với nước Lào đất rộng người thưa, chủ tịch Mao Trạch Đông cũng cho rằng Trung Quốc cần đưa người xuống Lào để ở.
Chủ tịch Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965:
“Chúng ta phải giành cho được Đông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapo…Một vùng như Đông nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản…xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy…Sau khi giành được Đông nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…”.
So với các khu vực khác trên thế giới, Đông nam châu Á là khu vực mà Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi nhất, có nhiều phương tiện và khả năng nhất (hơn 20 triệu Hoa kiều, các chính đảng lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc, Đông nam châu Á có đường đất liền với Trung Quốc…) để thực hiện chính sách bành trướng và bá quyền nước lớn của mình. Cho nên trong 30 năm qua, những người lãnh đạo nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện chính sách bành trướng ở khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng của họ.
Họ xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược, phát triển lực lượng kinh tế, ỷ thế nước lớn, đe doạ bằng quân sự và hứa hẹn viện trợ về kinh tế để mua chuộc, lôi kéo hoặc gây sức ép với các nước ở khu vực này, hòng làm cho các nước đó phải đi vào quỹ đạo của họ. Họ xâm phạm lãnh thổ các nước và gây ra xung đột biên giới, dùng lực lượng tay sai hoặc trực tiếp đem quân xâm lược, hòng làm suy yếu để dễ bề khuất phục, thôn tính nước này, nước khác trong khu vực. Họ không từ bất kỳ một hành động tàn bạo nào, như họ đã dùng tập đoàn Pônpốt- Iêngxary thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia. Họ dùng nhiều công cụ ở các nước Đông nam châu Á: lực lượng Hoa kiều làm “đạo quân thứ năm”, các tổ chức gọi là “cộng sản” theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, các dân tộc thiểu số ở cấc nước thuộc khu vực này có ít nhiều nguồn gốc dân tộc ở Trung Quốc để phục vụ cho chính sách bành trướng và bá quyền của họ.
Về việc sử dụng lực lượng Hoa kiều, ý đồ của Bắc Kinh đã được thể hiện rõ nhất trong ý kiến của bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Nghị:
“Singapore có trên 90% là người Trung Quốc, trong số dân hơn 1 triệu người thì hơn 90 vạn là người Trung Quốc. Cho nên Singapore hoàn toàn trở thành một quốc gia do người Trung Quốc ở đó tổ chức”.
Những người lãnh đạo Trung Quốc lợi dụng mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông nam châu Á, chia rẽ các nước thuộc tổ chức ASEAN với ba nước trên bán đảo Đông Dương, chia rẽ các nước với nhau như đã chia rẽ Malayxia với Inđônêxia, Miến Điện với Thái Lan…Đặc biệt họ lợi dụng tình hình ở Đông nam châu Á là một trong những khu vực sục sôi cách mạng trên thế giới, phong trào độc lập dân tộc ngày càng phát triển và chủ nghĩa thực dân đế quốc ngày càng suy yếu để thực hiện ý đồ bành trướng của họ. Khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam năm 1954, họ muốn duy trì ở miền nam Việt Nam, Lào và Campuchia sự có mặt của Pháp là một tên đế quốc đã suy yếu để ngăn cản Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ thâm nhập vào Đông Dương và hạn chế thắng lợi hoàn toàn của cách mạng ba nước ở Đông Dương. Khi Mỹ suy yếu và thất bại ở vùng này, họ muốn duy trì sự có mặt của Mỹ để cùng với Mỹ thống trị các nước trong khu vực. Làm như vậy, họ hy vọng dựa vào chủ nghĩa đế quốc ngăn chặn sự phát triển của cách mạng để từng bước lấp cái gọi là lỗ hổng ở Đông nam châu Á, tiến đến gạt dần các đồng minh đế quốc để độc chiếm khu vực này. Họ tung ra luận điệu lừa bịp là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô để che dấu âm mưu đen tối của họ.
Việt Nam có một vị trí chiến lược ở Đông nam châu Á. Trong lịch sử, bọn bành trướng phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần xâm lược hòng thôn tính Việt Nam, dùng Việt Nam làm bàn đạp để xâm lược các nước khác ở Đông nam châu Á. Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, trong các đảng cộng sản ở khu vực này chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền và thành lập Nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực. Cách mạng Việt Nam có ảnh hưởng to lớn do đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những người lãnh đạo Trung Quốc âm mưu nắm Việt Nam để nắm toàn bộ bán đảo Đông Dương, mở đường đi xuống Đông nam châu Á. Trong cuộc gặp giữa đại biểu bốn đảng cộng sản Việt nam, Trung Quốc, Inđônêxia và Lào tại Quảng Đông tháng 9 năm 1963, thủ tướng Chu Ân Lai nói:
“Nước chúng tôi thì lớn nhưng không có đường ra, cho nên rất mong Đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông nam châu Á”.
Để làm suy yếu và nắm lấy Việt Nam, họ ra sức phá sự đoàn kết giữa ba nước ở bán đảo Đông Dương, chia rẽ ba nước với nhau, đặc biệt là chia rẽ Lào và Campuchia với Việt Nam. Đồng thời họ cố lôi kéo các nước khác ở Đông nam châu Á đối lập với Việt Nam, vu khống, bôi xấu, hòng cô lập Việt Nam với các nước trên thế giới.
Những người cầm quyền Bắc Kinh rêu rao cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đầu năm 1974, với sự đồng tình của Mỹ, họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, bộ phận lãnh thổ của Việt Nam để từng bước kiểm soát biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông nam châu Á, đồng thời khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông.
Những người lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tập hợp lực lượng ở Đông nam Châu Á để tiến đến tập hợp lực lượng trên thế giới hòng thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Những năm 1960 họ ra sức tập hợp lực lượng ở các khu vực Á, Phi, Mỹ latinh để nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới” và chống Liên Xô. Để đạt mục tiêu đó, từ năm 1963 họ ráo riết vận động họp 11 đảng cộng sản, trong đó có 8 đảng ở Đông nam châu Á hòng lập ra một thứ “Quốc tế cộng sản” mới do họ khống chế, xây dựng cái gọi là “trục Bắc Kinh- Giacacta-Phnông Pênh-Bình Nhưỡng-Hà Nội”, thông qua Inđônêxia vận động triệu tập “Hội nghị các lực lượng mới trỗi dậy” (CONEFO) để thành lập một tổ chức quốc tế đối lập với Liên hợp quốc; đồng thời vận động tổ chức Hội nghị Á-Phi lần thứ hai (dự định họp ở Angiê năm 1965). Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc đã không thành công trong các kế hoạch đen tối này. Đó là vì họ đi ngược lại lợi ích của cách mạng thế giới là tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào độc lập dân tộc, dân chủ, vì họ vấp phải đường lối độc lập tự chủ trước sau như một của Việt Nam.
*
**
Trong 30 năm qua, những người lãnh đạo Trung Quốc coi Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu đối với chiến lược của họ, luôn luôn tìm cách nắm Việt Nam. Muốn như vậy, nước Việt Nam phải là một nước không mạnh, bị chia cắt, không độc lập và lệ thuộc Trung Quốc. Trái lại, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và giàu mạnh, có đường lối độc lập tự chủ và đường lối quốc tế đúng đắn là một cản trở lớn cho chiến lược toàn cầu của những người lãnh đạo Trung Quốc, trước hết là cho chính sách bành trướng của họ ở Đông nam châu Á. Đó là nguyên nhân vì sao trước đây họ vừa giúp, vừa kiềm chế cách mạng Việt nam, mỗi khi Việt Nam đánh thắng đế quốc thì họ lại buôn bán, thoả hiệp với đế quốc trên lưng nhân dân Việt Nam; vì sao từ chỗ giấu mặt chống Việt Nam họ đã chuyển sang công khai thù địch với Việt Nam và đi tới trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Chính sách của những người lãnh đạo Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam nằm trong chính sách chung của họ đối với các nước Đông nam châu Á cũng như đối với các nước láng giềng khác. Họ đã muốn chiếm đất đai của Ấn Độ và thực tế đã chiếm một bộ phận đất đai của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962; họ không muốn có một nước Ấn Độ mạnh mà họ cho rằng có thể tranh giành với họ “vai trò lãnh đạo” các nước Á-Phi. Họ vẫn mưu toan chiếm Mông Cổ, mặc dù họ đã công nhận nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ là một quốc gia độc lập. Họ muốn chiếm một phần đất đai của Liên Xô, rất không muốn có bên cạnh Trung Quốc một nước Liên Xô hùng mạnh, nên họ tìm mọi cách hạ uy thế của Liên Xô, đẩy các nước đế quốc gây chiến tranh với Liên Xô, đẩy các nước Á-Phi Mỹ la tinh chống Liên Xô. Họ tập trung mọi cố gắng để dấy lên một cuộc “thập tự chinh quốc tế” của các lực lượng đế quốc và phản động chống Liên Xô dưới chiêu bài “chống bá quyền” theo công thức của chủ tịch Mao Trạch Đông “Ngồi trên núi xem hổ đánh nhau”. Như nhiều nhà chính trị và báo chí Tây Âu nhận định, Trung Quốc quyết tâm “đánh Liên Xô đến người Tây Âu cuối cùng” cũng như Trung Quốc trước đây đã quyết tâm “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”.
Chiến lược quốc tế ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc, mặc dù núp dưới chiêu bài nào, đã phơi trần tính chất cực kỳ phản cách mạng của nó và những người lãnh đạo Trung Quốc đã hiện nguyên hình là những người theo chủ nghĩa sô vanh nước lớn, những người dân tộc chủ nghĩa tư sản.
Chính sách ngày nay của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam, mặc dù được nguỵ trang khéo léo như thế nào, vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế “thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc.
PHẦN THỨ HAI
TRUNG QUỐC VỚI VIỆC KẾT THÚC CUỘC CHẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG NĂM 1954.
1- SAU ĐIỆN BIÊN PHỦ, NHÂN DÂN VIỆT NAM CÓ KHẢ NĂNG HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG ĐẤT NƯỚC
Năm 1945, nhân dân Việt Nam với tinh thần quật khởi, tự lực tự cường đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Mấy tháng sau, thực dân Pháp đã chiếm lại các tỉnh ở Nam Bộ, và từ tháng 12 năm 1946 nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước để bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vô cùng gian khổ và hết sức anh dũng ngày càng giành được nhiều thắng lợi to lớn. các chiến thắng của nhân dân Việt Nam củng như các chiến thắng của nhân dân Lào (dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Lào) và của nhân dân Campuchia (dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Campuchia), đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường rất có lợi cho các lực lượng kháng chiến Việt Nam, Lào và Campuchia, và đặt đế quốc Pháp trước một tình thế vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp R. Plêven cùng với chủ tịc Hội đồng tham mưu trưởng tướng P. Êli, tham mưu trưởng lục quân tướng Blăng, tham mưu trưởng không quân tướng Phay, sau khi đi khảo sát chiến trường Đông Dương tháng 2 năm 1954 đã đi tới một nhận xét bi quan về tình hình chiến trường như sau:
“Một sự tăng cường dù lớn đến đâu cho quân đội viễn chinh cũng không thể làm thay đổi được tình hình. Vả lại, sự cố gắng về quân sự của chính quốc đã đến giới hạn cuối cùng. Tất cả những điều mà chúng ta có thể hy vọng là tạo điều kiện quân sự thuận lợi nhất cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột”.
Ngày 18 thánh 5 năm 1954, lo ngại Quân đội nhân dân Việt Nam có thể tiến công đồng bằng Bắc Bộ, thủ tướng Pháp Lanien đã cử tướng Êli sang Đông Dương để truyền đạt chỉ thị cho tướng Nava, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp: lúc này phải lấy mục tiêu chính, trên tất cả các cái khác, là cứu quân đội viễn chinh.
Đại sứ Sôven, Phó trưởng đoàn đại biểu của Pháp tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, trong một báo cáo gửi Bộ Ngoại giao Pháp đã viết:
“Chúng ta khó giữ được Hà Nội, Bộ chỉ huy cho biết gửi thêm hai sư đoàn nữa cũng không giữ được thủ phủ Bắc Kỳ…”.
Trước đây Chính phủ Lanien muốn thương lượng trên thế mạnh quân sự để giữ nguyên được Lào, Campuchia và cố giữ được những quyền lợi gì có thể giữ được ở Việt Nam, coi đó là giải pháp “danh dự” đối với Pháp. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, chính phủ đó còn muốn thương lượng, nhằm trước hết cứu vãn đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.
Phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, mà nòng cốt là Đảng cộng sản Pháp, chống cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương phát triển mạnh. Chính quyền ở Pháp vốn đã chia rẽ về nhiều vấn đề càng thêm chia rẽ trước những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Thất bại của Pháp ở Đông Dương sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp, nhất là ở Bắc Phi. Trong bối cảnh đó, Pháp bước vào Hội nghị Giơnevơ năm 1954 với sự tham gia của Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và các bên tham chiến ở Đông Dương.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:47:10 GMT 9
II- LẬP TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC Ở GIƠNEVƠ KHÁC HẲN LẬP TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM, NHƯNG PHÙ HỢP VỚI LẬP TRƯỜNG CỦA PHÁP.
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 trong tình hình thế giới đã hình thành hai hệ thống đối lập về chính trị, kinh tế và quân sự. Ở châu Âu cuộc chiến tranh lạnh ngày càng phát triển và ở châu Á có hai cuộc chiến tranh nóng ở Triều Tiên và Đông Dương. Những người lãnh đạo nước Trung Hoa mới muốn tranh thủ điều kiện hoà bình để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quân sự, làm cho Trung Quốc sớm trở thành một cường quốc lớn trên thế giới, thực hiện tham vọng bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn, chủ yếu hướng về Đông nam châu Á.
Mặc dù khoảng một triệu quân Trung Quốc đã bị thương vong trong chiến tranh Triều Tiên, những người lãnh đạo Trung Quốc, để có một khu đệm phía đông bắc, năm 1953 đã chịu nhận một cuộc ngừng bắn ở Triều Tiên: duy trì nguyên trạng, chia cắt lâu dài Triều Tiên.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng trực tiếp, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc luôn luôn ủng hộ, cổ vũ, giúp đở lẫn nhau, vì nước Việt Nam độc lập có nghĩa là Trung Quốc không bị sự uy hiếp của chủ nghĩa đế quốc ở phía nam. Năm 1950, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trung Quốc là nước viện trợ vũ khí, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.
Đối với những người lãnh đạo Trung Quốc, Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Triều Tiên và Đông Dương là một cơ hội để họ cùng với các nước lớn bàn bạc và giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, mặc dù Mỹ đang thù địch với Trung Quốc, Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch còn giữ vị trí của Trung Quốc là một trong năm uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Những người lãnh đạo Trung Quốc muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Ngày 24 tháng 8 năm 1953, chính thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố: đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác. Với một giải pháp như thế, những người cầm quyền Trung Quốc hy vọng tạo được một khu đệm ở Đông nam châu Á, ngăn chặn Mỹ vào thay thế Pháp ở Đông Dương, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mỹ, bảo đảm an ninh cho biên giới phía nam của Trung Quốc, đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương, hòng làm suy yếu và thôn tính ba nước đó, dùng làm bàn đạp bành trướng xuống Đông nam châu Á.
Pháp đến Hội nghị Giơnevơ cũng nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh Pháp, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương.
Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp.
III- HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ NĂM 1954 VỀ ĐÔNG DƯƠNG VÀ SỰ PHẢN BỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC.
Tháng 4 năm 1954, trong một cuộc họp giữa các đoàn đại biểu Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương, đại biểu Trung Quốc đã nói : ” Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không thể công khai giúp Việt Nam được trong trường hợp cuộc xung đột ở đây mở rộng”.
Lợi dụng vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, đồng thời lợi dụng việc Pháp không muốn nói chuyện trên thế yếu với Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc đã tự cho phép mình đàm phán trực tiếp với Pháp để thoả thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương.
Quá trình đàm phán về thực chất tại Hội nghị Giơnevơ đã diễn ra qua hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 23 tháng 6 năm 1954, trưởng đoàn đại biểu Pháp, trong khi tránh tiếp xúc với Việt Nam, đã đàm phán trực tiếp với trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc bốn lần, đi tới thoả thuận về những nét cơ bản của một Hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương.
Đáng chú ý là cuộc tiếp xúc lần thứ ba ngày 17 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn đại biểu Pháp G.Biđô, đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản, có hại cho nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia: Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền (Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ bù nhìn Bảo Đại), công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Campuchía, từ bỏ yêu cầu có đại biểu của Cính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia Hội nghị Giơnevơ, và đưa ra vấn đề quân đội nước ngoài, kể cả quân tình nguyện Việt Nam phải rút khỏi Lào và Campuchia.
Lần thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 1954, thủ tướng Chu Ân Lai gặp Măngđét Phranxơ, thủ tướng mới của Pháp, đưa ra những nhượng bộ mới: chia cắt Việt Nam, hai miền Việt Nam cùng tồn tại hoà bình, giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời việc giải quyết ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia; Trung Quốc sẵn sàng nhìn nhận ba nước này trong khối Liên hiệp Pháp và muốn Lào, Campuchia sẽ có bộ mặt mới ở Đông nam châu Á như Ấn Độ, Inđônêxia, ngược lại chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Do đó, Trung Quốc và Pháp đạt được một giải pháp khung cho vấn đề Đông Dương.
Những điểm mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã thoả thuận với Pháp rất phù hợp với giải pháp 7 điểm của Anh-Mỹ đưa ra ngày 29 tháng 6 năm 1954, tức là 6 ngày sau cuộc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai và Măngđét Phranxơ.
Thời kỳ thứ hai từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, Đoàn đại biểu Pháp tiến hành đàm phán trực tiếp với Đoàn đại biểu Việt Nam để giải quyết các vấn đề cụ thể. Trung Quốc giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng. Đến ngày 10 tháng 7 năm 1954, phía Việt Nam vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, vẫn chủ trương đòi có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia như các bên đàm phán, định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất nước nhà. Đối với việc giải quyết vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là ở Lào có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến: một vùng ở phía bắc giáp Trung Quốc và Việt Nam và một vùng ở Trung và Hạ Lào; ở Campuchia có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Campuchia ở phía đông và đông bắc sông Mêcông và phía tây nam sông Mêcông; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng ở Lào và Campuchia.
Từ tháng 5 năm 1954, đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến giữa hai miền Việt Nam, và còn muốn Việt nam nhân nhượng nhiều hơn nữa, thậm chí muốn Việt Nam bỏ cả thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và đường số 5 (đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng):
“Đánh giá (phương án vĩ tuyến 16) khó có thể thoả thuận, nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do, ở gần đấy cho Pháp đóng một số quân nhất định, nếu không được nữa thì đem đường số 5 và Hà Nội, Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự…”.
Nhưng về sau, đặc biệt từ ngày 10 tháng 7 năm 1954, 10 ngày trước khi Hội nghị Giơnevơ kết thúc, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam nhân nhượng, “có những điều kiện công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể nhận được để đi đến Hiệp định trong vòng 10 ngày, điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.
[image] Khi đó Trung Quốc còn lo sợ Mỹ có thể can thiệp bằng vũ trang vào Đông Dương, uy hiếp an ninh của Trung Quốc, nhưng cần nói rằng Trung Quốc cũng dùng những lời của Mỹ đe doạ chiến tranh để ép Việt Nam.
Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Thái độ cứng rắn của Mỹ ở Hội nghị Giơnevơ chẳng qua là do Mỹ sợ Pháp vì bị thua ở chiến trường, có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, có thể chấp nhận một giải pháp không có lợi cho việc Mỹ nhảy vào Đông Dương sau này. Khi Pháp đã cùng với Trung Quốc thoả thuận được một giải pháp khung về Đông Dương và Mỹ đã đưa được tên tay sai Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng chính phủ bù nhìn Sài Gòn ( ngày 13 tháng 6 năm 1954), thì Mỹ thấy có thể chấp nhận một hiệp định theo hướng Trung Quốc và Pháp đã thoả thuận giải quyết cả ba vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia. Tuy vậy, Mỹ không tham gia vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị là vì Mỹ muốn được rảnh tay sau này để vi phạm Hiệp định Giơnevơ thông qua chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc Pháp phải rút lui để thay thế Pháp ở Đông Dương.
Sau Điện Biên Phủ, rõ ràng là với sự giúp đở của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là của Trung Quốc, quân và dân Việt Nam có khả năng giải phóng cả nước, nhưng giải pháp mà Đoàn đại biểu Trung Quốc đã thoả thuận với Đoàn đại biểu Pháp ở Giơnevơ không phản ảnh so sánh lực lượng trên chién trường, cũng không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị của giải pháp do Đoàn đại biểu Việt Nam đề ra.
Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hoà bình, theo xu thế chung giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và trong tình thế bị Trung Quốc ép buộc, Việt Nam đã chấp nhận giải pháp: các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia, ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền, tiến tới có tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước nhà.
Ở Lào có một khu tập kết cho các lực lượng kháng chiến lào gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phongsalỳ. Ở Campuchia lực lượng kháng chiến không có khu tập kết nào và phục viên tại chỗ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đánh dấu một bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng ở Đông Dương, đồng thời là một đóng góp quan trọng mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và báo hiệu quá trình sụp đổ không thể đảo ngược được của chủ nghĩa thực dân cũ, của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Nhưng giải pháp Giơnevơ đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một khả năng rõ ràng là hiện thực như so sánh lực lượng trên chiến trường lúc bấy giờ đã chỉ rõ.
Đó là điều mà những người lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết.
Đây là sự phản bội thứ nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:47:59 GMT 9
PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC VỚI CUỘC ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐỂ GIẢI PHÒNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ (1954-1975)
Bất chấp Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, đế quốc Mỹ nhảy vào miền nam Việt Nam, nhằm tiêu diệt phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam, thôn tính miền nam, chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền nam Việt Nam thành thộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông nam châu Á, đồng thời lấy miền nam làm căn cứ để tiến công miền bắc, tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông nam châu Á, đè bẹp và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội ở khu vực này, hòng bao vây uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa khác. Thất bại trong việc dùng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và tiến hành “chiến tranh đặc biệt” ở miền nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã lao vào cuộc phiêu liêu quân sự chống nhân dân Việt Nam, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Hưởng ứng lời kêu gọi bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên chống Mỹ, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế tạo thành một sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng bọn xâm lược Mỹ. Trong chiến tranh, nhân dân Việt Nanm luôn luôn thực hành chiến lược tiến công, đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đồng thời biết kéo địch xuống thang, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Quá trình hơn 20 năm nhân dân Việt Nam chống chính sách can thiệp và xâm lược của đế quốc Mỹ cũng là quá trình đấu tranh bền bỉ, hết sức phức tạp chống những âm mưu và hành động khi kín đáo, lúc trắng trợn của những người cầm quyền Trung Quốc thoả hiệp và câu kết với đế quốc Mỹ nhằm kiềm chế và làm suy yếu cách mạng Việt Nam, hòng khuất phục Việt Nam, từng bước bành trướng ở Đông Dương và Đông nam Châu Á.
I- THỜI KỲ 1954-1964
NHỮNG NGƯỜI CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC NGĂN CẢN NHÂN DÂN VIỆT NAM ĐẤU TRANH ĐỂ THỰC HIỆN THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ.
Sau khi cùng với đế quốc thoả hiệp trong giải pháp Giơnevơ năm 1954, tạo được khu đệm an toàn ở phía nam, những người lãnh đạo Trung Quốc yên tâm thúc đẩy việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957), và từ năm 1958 đề ra kế hoạch “đại nhảy vọt” với tham vọng đuổi kịp và vượt một số cường quốc về kinh tế trong một thời gian ngắn và ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân.
Về đối ngoại họ đi vào con đường hoà hoãn với đế quốc Mỹ, tiến hành những cuộc nói chuyện với Mỹ ở Giơnevơ từ tháng 8 năm 1955; đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, nhất là ở Đông nam châu Á và Nam Á.
Xuất phát từ đường lối đối nội, đối ngoại đó, những người cầm quyền Bắc Kinh đã hành động ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, phù hợp với lợi ích của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.
1- Gây sức ép để Việt Nam chấp nhận chủ trương “trường kỳ mai phục”
Đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn phá hoại việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam trong thời hạn hai năm như Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam đã quy định, đồng thời đàn áp cực kỳ tàn bạo phong trào yêu nước ở miền nam Việt Nam.
Những người cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn “thuyết phục” Việt Nam rằng công cuộc thống nhất là “một cuộc đấu tranh trường kỳ” và không thể thực hiện được bằng lực lượng vũ trang.
Tháng 11 năm 1956, chủ tịch Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam:
“Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”
Diễn biến thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã chứng tỏ cuộc kháng chiến đó có lâu dài, nhưng không phải lâu dài vô hạn độ như chủ tịch Mao Trạch Đông nói.
Tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình doạ:
“Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền bắc”.
Tháng 7 năm 1957, chủ tịch Mao Trạch Đông lại nói:
“Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.”
Đó là một điều trái hẳn với Hiệp nghị Giơnevơ, vì theo Hiệp nghị này, vĩ tuyến 17 không phải là biên giới giữa hai quốc gia mà chỉ là giưói tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Việt Nam. Những người lãnh đạo Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh rằng ở miền nam Việt nam “chỉ có thể dùng phương châm thích hợp là trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hệ quần chúng, chờ đợi thời cơ”. Thực chất phương châm đó là gì?
Trong một cuộc trao đổi ý kiến với những người lãnh đạo Việt Nam, uỷ viên trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, thứ trưởng Bộ ngoại giao Trương Văn Thiên cho rằng ở miền nam Việt Nam có thể tiến hành đánh du kích. Nhưng sau đó, đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội, theo chỉ thị của Bắc Kinh, đã thông báo với phía Việt Nam rằng đó không phải là ý kiến của Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc mà chỉ là ý kiến cá nhân.
Như vậy, “trường kỳ mai phục” có nghĩa là nhân dân Việt Nam thủ tiêu đấu tranh cách mạng, để mặc cho Mỹ Diệm thả sức đàn áp nhân dân Việt Nam.
“Giữ vĩ tuyến 17”, “trường kỳ mai phục”, “tích trữ lực lượng”, “chờ đợi thời cơ”… đó chẳng qua là luận điệu quanh co nhằm che dấu ý đồ của Bắc Kinh muốn duy trì nguyên trạng chính trị ở Việt Nam, công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và nguỵ quyền Sài Gòn song song tồn tại. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, khi ăn cơm với Ngô Đình Luyện, em ruột của Ngô Đình Diệm tại Giơnevơ, thủ tướng Chu Ân Lai đã gợi ý đặt một công sứ quán của Sài Gòn tại Bắc Kinh. Dù Ngô Đình Diệm đã bác bỏ gợi ý đó, nhưng đây là một bằng chứng rõ ràng là chỉ 24 giờ sau khi Hiệp đinghj Giơnevơ được ký kết, những người lãnh đạo Bắc Kinh đã lộ rõ ý họ muốn chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1959, với chính sách đàn áp phát xít, Mỹ Diệm đã giết hại hàng vạn người Việt Nam yêu nước, lùa hàng vạn nhân dân vào các trại tập trung trá hình, gây cho nhân dân Việt Nam những tổn thất to lớn so với bất kỳ thời gian nào khác trong cuộc chiến tranh cứu nước của mình. Nếu cứ để chúng tiếp tục giết hại những người Việt Nam yêu nước thì làm sao “tích trữ” được lực lượng, còn nhân dân đâu để : ” liên hệ quần chúng” và chờ đợi đến thời cơ nào? Theo cái đà đó thì nước Việt Nam sẽ mất độc lập và vĩnh viễn bị chia cắt.
Vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng miền nam là tiếp tục đấu tranh chính trị hay kết hợp cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang?
Nhân dân Việt Nam kiên quyết đi theo đường lối độc lập, tự chủ của mình. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, nhân dân trong những vùng rộng lớn thuộc đồng bằng Nam Bộ và miền nam Trung Bộ đã nhất tề “đồng khởi” kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, làm rung chuyển tận gốc chế độ tay sai Ngô Đình Diệm.
2- Ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền nam.
Các cuộc đồng khởi, thực chất là những cuộc khởi nghĩa thừng phần đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh cách mạng, vừa đấu tranh quân sự vừa đấu tranh chính trị chống lại “ chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc đã không đồng tình với chủ trương đó của Việt Nam.
Tháng 5 năm 1960, hội đàm với phía Việt Nam, họ nói về miền nam Việt Nam như sau:
“ Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự là chính…Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay, mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ. ..Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được, vì đế quốc mỹ không chịu để như vậy đâu…
Miền bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền nam, giúp miền nam đề ra các chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền nam…Khi ăn chắc, miền bắc có thể giúp quân sự cho miền nam, nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp.”
Như vậy, khi không cản được nhân dân miền Nam Việt Nam “đồng khởi” thì họ cho rằng hình thức chiến đấu ở miền nam là đánh du kích, đánh nhỏ từng đơn vị trung đội, đại đội.
Làm chủ vận mệnh của mình, nhân dân Việt Nam đã đưa cuộc chiến tranh cách mạng ở miền nam tiến lên vững mạnh. Cuối năm 1963, chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm sụp đổ, “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phá sản hoàn toàn.
3- Lôi kéo Việt Nam chống Liên Xô
Đầu những năm 1960, trong khi ngăn cản nhân dân Việt Nam đẩy mạnh chiến đấu chống Mỹ, những người lãnh đạo Bắc Kinh giơ cao cùng một lúc hai chiêu bài chống đế quốc Mỹ và chống Liên Xô, nhưng trên thực tế họ tiếp tục hoà hoãn với đế quốc Mỹ ở châu Á, đánh lạc hướng cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân thế giới để thực hiện mưu đồ chống Liên Xô, xoá bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa, nắm quyền “lãnh đạo cách mạng thế giới”, chuẩn bị tích cực cho việc hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ.
Trong những cuộc hội đàm với phía Việt Nam năm 1963, họ tìm cách thuyết phục Việt Nam chấp nhận quan điểm của họ là phủ nhận hệ thống xã hội chủ nghĩa và mở cho họ “một con đường” xuống Đông nam châu Á. Cũng trong năm 1963, những người lãnh đạo Trung Quốc đưa ra cái gọi là Cương lĩnh 25 điểm về đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế và đề nghị triệu tập cái gọi là hội nghị 11 đảng cộng sản, thực tế là để nắm vai trò “lãnh đạo cách mạng thế giới” và lập một “Quốc tế cộng sản” mới do Bắc Kinh khống chế. Họ thiết tha yêu cầu Việt Nam đồng tình là cốt lợi dụng uy tín và vai trò của Việt Nam trong phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhằm mục đích này, họ còn hứa hẹn viện trợ ồ ạt để lôi kéo Việt Nam. Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thông báo với lãnh đạo Viẹt Nam ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc sẽ viên trợ 1 ti nhân dân tệ nếu Việt Nam khước từ mọi viện trợ của Liên Xô.
Phía Việt Nam đã khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa, không tán thành việc họp hội nghị 11 đảng và không để những người lãnh đạo Bắc Kinh dùng đất nước Việt Nam làm bàn đạp cho mưu đồ bành trướng của họ. Do tahí độ kiên quyết của phía Việt Nam, Cương lĩnh 25 điểm không gây được tiếng vang, âm mưu lập “Quốc tế cộng sản” mới cũng không thành.
*
**
Trong thời kỳ này, đối với cách mạng Lào, những người cầm quyền Trung Quốc cũng thi hành một chính sách giống như đối với Việt Nam. Họ cũng gây sức ép để lực lượng cách mạng Lào “ trường kỳ mai phục”. Khi Mỹ và tay sai lật đổ Chính phủ Lào liên hiệp, tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, họ ngăn cản cách mạng Lào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và mưu toan ép Đảng Nhân dân cách mạng Lào “sớm lập lại Chính phủ liên hiệp”, sợ rằng đốm lửa Sầm Nưa, Phongsalỳ có thể lan ra cả Việt Nam và miền nam Trung Quốc.
Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1961, khi đề cập đến vấn đề Lào, phía Trung Quốc nói:
“Cần hết sức tránh việc trực tiếp tham gia chiến tranh. Nếu Mỹ trực tiếp vào Lào thì miền bắc Việt Nam, Vân Nam, Quảng Tây sẽ xảy ra vấn đề gì? Cần tính đến việc phiêu ău của Mỹ”.
Đối với việc giải quyết vấn đề Lào tại Giơnevơ năm 1961-1962, họ còn chủ trương chia nước Lào theo chiều ngang thành hai vùng: vùng giải phóng ở phía bắc, vùng do nguỵ quyền Viêng Chăn kiểm soát ở phía nam. Đó là một âm mưu thâm độc nhằm buộc lực lượng cách mạng Lào phải lệ thuộc vào Trung Quốc và cô lập cách mạng miền nam Việt Nam.
Nhưng những nhà lãnh đạo cách mạng Lào kiên quyết giữ vững đường lối riêng của mình, lực lượng kháng chiến Lào ngày càng giành nhiều thắng lợi buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 công nhận nền trung lập của Lào và nhận có đại biểu của Mặt trận Lào yêu nước trong Chính phủ liên hiệp thứ hai ở Lào.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:48:06 GMT 9
II -THỜI KỲ 1965-1969: LÀM YẾU VÀ KÉO DÀI CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
Trong thời kỳ này ở Trung Quốc diễn ra cái gọi là cuộc “đại cách mạng văn hoá ”, thực chất là một cuộc đấu tranh nội bộ điên cuồng và đẫm máu làm đảo lộn toàn bộ xã hội Trung Quốc, nhằm xoá bỏ chủ nghĩa Mác Lênin, phá vỡ Đảng cộng sản Trung Quốc và cơ cấu nhà nước, khôi phục vị trí độc quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông và đường lối Mao Trạch Đông ở trong nước, chống Liên Xô, phá hoại cách mạng thế giới, câu kết với đế quốc Mỹ ở ngoài nước, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn.
Những người lãnh đạo Trung Quốc, vì lợi ích chiến lược của họ trong thời kỳ này, đã dấn sâu vào con đường phản bội nhân dân Việt Nam .
1- Bật đèn xanh cho Mỹ trực tiếp xâm lược Việt Nam
Sau cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã rút ra bài học là không nên tiến hành một cuộc chiến tranh trên lục địa châu Á, nhất là ở những nước láng giềng của Trung Quốc để tránh đụng độ quân sự trực tiếp với Trung Quốc. Nhưng hơn 10 năm sau, đế quốc Mỹ lại liều lĩnh tiến hành một cuộc phiêu kưu quân sự ở Việt Nam sau khi gây ra cái gọi là “ sự kiện vịnh Bắc Bộ” tháng 8 năm 1964. Một trong những nguyên nhân chính là đế quốc Mỹ đã được yên tâm về phía những người cầm quyền Trung Quốc.
Tháng 1 năm 1965, qua nhà báo Mỹ Étga Xnâu , chủ tịch Mao Trạch Đông nhắn Oasinhtơn:
“Quân đội Trung Quốc sẽ không vượt biên giới của mình để đánh nhau. Đó là điều hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi nào Mỹ tấn công, người Trung Quốc mới chiến đấu. Phải chăng như vậy là không rõ ràng? Người Trung Quốc rất bận về công việc nội bộ của mình. Đánh nhau ngoài biên giới nước mình là phạm tội ác. Tại sao người Trung Quốc phải làm như vậy? Người Nam Việt Nam có thể đương đầu với tình hình.”
Sau đó bằng nhiều cách, kể cả bằng cách trực tiếp nói trong cuộc đàm phán Trung Mỹ cấp đại sứ tại Vacsava, phía Trung Quốc làm cho Mỹ hiểu rõ câu nói của chủ tịch Mao Trạch Đông và yên tâm rằng: “người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người”.
Do đó từ tháng 2 năm 1965 chính quyền Giônxơn đã sử dụng bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ vào chiến trường Việt Nam, đưa quân Mỹ vào miền nam tiến hành chiến tranh cục bộ, đồng thời làm chiến tranh phá hoại bằng không quân chống nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, gây nên biết bao tang tóc và tàn phá đối với nhân dân cả nướ Việt Nam.
Như vậy, những người cầm quyền Trung Quốc đã bộc lộ những tính toán lắt léo, những ý đồ thâm độc của họ. Họ đẩy Mỹ sa lầy trong chiến tranh xâm lược Việt Nam để họ yên tâm làm cuộc “cách mạng văn hoá”. Khi Mỹ lao vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Việt Nam, họ muốn làm yếu cả Mỹ lẫn Việt Nam.
Câu nói của thủ tướng Chu Ân Lai với tổng thống Ai Cập A. Nátxe ngày 23 tháng 6 năm 1965, do ông Môhamét Hátxenen Hâycan, người bạn thân thiết và cố vấn riêng của tổng thống A. Nátxe kể lại là một bằng chứng hùng hồn:
“Mỹ càng đưa nhiều quân vào Việt Nam thì chúng tôi càng vui lòng vì chúng tôi biết rằng chúng tôi nắm chúng trong tay, chúng tôi có thể lấy máu chúng. Nếu Ngài muốn giúp đỡ người Việt Nam thì cần khuyến khích Mỹ ném càng nhiều lính Mỹ vào Việt Nam càng tốt”
Đối với nhân dân Việt Nam, những người cầm quyền Trung Quốc chỉ một mực nhấn mạnh là phải đánh lâu dài, đánh du kích, không đánh lớn. Họ giúp nhân dân Việt Nam chủ yếu là gúp vũ khí nhẹ, đạn dược, trang bị hậu cần. Họ không muốn cuộc chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc vì không những họ muốn lực lượng cách mạngViệt nam suy yếu mà còn muốn lợi dụng càng lâu càng tốt cái tiếng “viện trợ Việt Nam” để giương cao ngọn cờ “cách mạng trệt để”, tập họp lực lượng ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh, đẩy mạnh chiến dịch chống Liên Xô.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ khước từ thi hành một hiệp định quân sự bí mật giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này, về nguyên tắc, đến tháng 6 năm 1965 phía Trung Quốc phải gửi phi công sang giúp Việt Nam. Nhưng ngày 16 tháng 7 năm 1965 Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc đã báo cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là phía Trung Quốc không thể gửi phi công sang Việt Nam được vì “thời cơ chưa thích hợp” và “làm như vậy không ngăn cản được địch đẩy mạnh oanh tạc “. Trong một cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 8 năm 1966 họ cũng nói: “ Trung Quốc không đủ khả năng về không quân giúp bảo vệ Hà Nội”.
2 -Phá hoại mọi hành động thống nhất ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược.
Để Việt Nam buộc phải lệ thuộc vào Trung Quốc, những người cầm quyền Bắc Kinh ra sức ngăn cản mọi hành động thống nhất của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt nam chống Mỹ.
Ngày 28 tháng 2 năm 1965, họ bác bỏ dự thảo do phía Việt Nam đề nghị ngày 22 tháng 5 năm 1965 là các nước xã hội chủ nghĩa ra tuyên bố chung lên án Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược chống nước Việt nam dân chủ cộng hoà.
Tháng 3 năm 1965, họ lại hai lần bác bỏ đề nghị của Liên Xô về vấn đề thống nhất hành động để bảo đảm an ninh của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính vì thế họ đã bác bỏ đề nghị của Liên Xô lập cầu hàng không qua Trung Quốc, lập các sân bay trên đất Trung Quốc để bảo vệ Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Tháng 2 năm 1966, chủ tịch Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam đã được nêu trong cuộc hội đàm cấp cao Việt Trung.
Tháng 3 năm 1966, cũng chủ tịch Mao Trạch Đông bác bỏ việc thành lập Mặt trận quốc tế thống nhất ủng hộ Việt Nam do Đảng cộng sản Nhật Bản nêu trong cuộc hội đàm cấp cao với Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau đó bọn tay sai của Bắc Kinh đã trắng trợn hành hung đại diện Đảng cộng sản Nhật Bản tại Trung Quốc.
Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc lại muốn thành lập một cái gọi là Mặt trận nhân dân thế giới do họ khống chế:
“Cần phải thành lập Mặt trận thống nhất thế giới rộng rãi nhất chống đế quốc Mỹ và tay sai…Tất nhiên Mặt trận đó không thể bao gồm họ (Liên Xô) được…”
Đi đôi với việc phá hoại mọi hành động thống nhất ủng hộ Việt Nam, họ gây khó khăn rất lớn cho việc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác quá cảnh đất Trung Quốc và tìm cách điều chỉnh sự viện trợ đó để hạn chế khả năng đánh lớn của nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong các mùa khô.
Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đã đoàn kết chặt chẽ với nhau và đó là truyền thống, là một nhân tố thắng lợi của nhân dân ba nước. Sau khi Mỹ tăng cường chiến tranh chống nhân dân Việt Nam và uy hiếp độc lập, hoà bình và trung lập của Lào và Campuchia, tháng 3 năm 1965 Hội nghị nhân dân các nước Đông Dương đã họp ở Phnôm Pênh, Mặt trận đoàn kết chống Mỹ của nhân dân các nước Đông Dương được hình thành. Những người cầm quyền Trung Quốc bên ngoài buộc phải hoan nghên kết quả của hội nghị, nhưng bên trong mưu tính phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương. Theo chính sách cổ truyền “chia để trị” của tất cả bọn đế quốc và phản động, họ chia rẽ ba nước Đông Dương, làm suy yếu và cô lập Việt Nam hòng đánh tỉa từng nước.
Năm 1966 ở Lào, trong các vùng giải phóng do Mặt trận Lào yêu nước quản lý, theo kế hoạch của Bắc Kinh, người Hoa tìm cách chia rẽ người Lào với người Việt Nam, tuyên truyền xuyên tạc và xúi giục một số phần tử chống lại Đảng nhân dân cách mạng Lào. mặt khác, Bắc Kinh tranh thủ chính quyền Vương quốc Lào, đẩy mạnh việc giúp Lào làm hệ thống đường ở 5 tỉnh Bắc Lào nối liền với cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc và có những nhánh đi về hướng Việt Nam, Thái Lan nhằm tạo điều kiện can thiệp vào công việc nội bộ của Lào và chuẩn bị cho những kế hoạch bành trướng sau này.
Ở Campuchia, từ trước năm 1965, những người cầm quyền Trung Quốc đã trắng trợn vu cáo Việt Nam hy sinh lợi ích của cách mạng Campuchia tại Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương, mặc dù sự thật rõ ràng là chính họ đã bán rẻ những lợi ích đó. Từ năm 1965, họ nắm Pôn Pốt, thúc đẩy y cùng đồng bọn tiến hành đấu tranh vũ trang chống chính quyền Xihanúc đang liên minh với các lực lượng kháng chiến Việt Nam và Lào. Nửa cuối năm 1969, sau khi Lon Non lên làm thủ tướng, những người cầm quyền Trung Quốc ủng hộ quan điểm của Lon Non là Quân giải phóng miền nam Việt Nam phải rút khỏi các căn cứ ở Campuchia và không được dùng cảng Xihanucvin vào việc vận chuyển hậu cần. Chính trong thời gian này, bè lũ Pôn Pốt Iêngxary cũng đòi Quân giải phóng miền nam Việt Nam rút khỏi các căn cứ ở Campuchia.
Trái với sự mong ước của Bắc Kinh, Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt nam vẫn hình thành, trên thực tế, tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Dương ngày càng củng cố và nhân dân Việt Nam càng đánh càng mạnh, càng giành thêm nhiều thắng lợi.
3 -Ngăn cản cuộc thương lượng của Việt nam với Mỹ để kéo Mỹ xuống thang.
Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, chủ trương của Việt Nam là tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Đầu năm 1968, khi cuộc chiến tranh của Mỹ đến đỉnh cao nhất, nhân dân Việt nam đã tiến hành thắng lợi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, giáng cho địch một đòn quyết liệt, làm đảo lộn thế chiến lược của chúng, buộc chính quyền Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với Việt Nam dân chủ cộng hoà tại Pari.
Trong cuộc đàm phán với phía Việt Nam tháng 4 năm 1968, phía Trung Quốc thừ nhận rằng Tuyên bố ngày 28 tháng 1 năm 1967 của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về việc đàm phán với Mỹ đã gây ảnh hưởng tốt: “Ngay đồng minh của Mỹ, cả Đờ Gôn cũng đòi chấm dứt ném bom không điều kiện”. Nhưng họ vẫn cho rằng:
“Lúc này Việt Nam chấp nhận đàm phán chưa phải là thời cơ và trên tư thế cao, ta đã nhân nhượng một cách vội vã”.
Từ ngày 13 tháng 5 năm 1968, ngày khai mạc Hội nghị Pari đến trung tuần tháng 10 năm 1968, bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh không đưa một tin nào về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng lại nhấn mạnh rằng nhân dân Việt Nam cần giải quyết số phận cuộc đấu tranh của mình “không phải trên bàn hội nghị mà trên chiến trường”, thậm chí còn đe doạ rằng: “nếu miền nam Việt Nam không được bảo đảm thì cuối cùng sẽ đưa đến chỗ mất toàn bộ Việt Nam”.
Xu hướng Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam càng lộ rõ thì phản ứng của Bắc Kinh càng mạnh.
Ngày 9 tháng 10 năm 1968, một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam tại Bắc Kinh và yêu cầu báo cáo với lãnh đạo Việt Nam rằng họ coi việc Mỹ chấm dứt ném bom miền bắc Việt Nam là “sự thoả hiệp của Việt Nam và Mỹ”, “là một thất bại lớn, tổn thất lớn đối với nhân dân Việt Nam giống như cuộc đàm phán ký Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 là một sai lầm”; họ đề nghị phía Việt nam “nên để cho Mỹ bắn phá trở lại khắp miền bắc, làm như vậy là để Mỹ phân tán mục tiêu oanh tạc, đồng thời cũng chia sẻ bớt khó khăn cho miền nam”.
Ngăn cản nhân dân Việt Nam thương lượng với Mỹ, khuyến khích Mỹ tăng cường ném bom miền bắc Việt Nam, đây chính là cái mà tướng Mỹ M. Taylơ gọi là quyết tâm của những người lãnh đạo Trung Quốc “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng”, nhằm làm suy yếu Việt Nam, có lợi cho chính sách bành trướng của họ.
Trong cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam nói trên, phía Trung Quốc còn trắng trợn vu khống Việt Nam đàm phán với Mỹ là do “nghe lời của Liên Xô” và yêu cầu phía Việt Nam lựa chọn:
“Hoặc là muốn đánh thắng Mỹ thì phải cắt quan hệ với Liên Xô, hoặc là muốn thoả hiệp với Mỹ, dùng viện trợ của Trung Quốc đánh Mỹ để đạt mong muốn đàm phán với Mỹ thì sự viện trợ của Trung Quốc sẽ mất hết ý nghĩa của nó”.
Ngày 17 tháng 10 năm 1968, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Nghị gặp đại diện Việt Nam thông báo tuyên bố của những người lãnh đạo Trung Quốc về cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ:
“Lần này nếu các đồng chí chấp nhận bốn bên đàm phán tức là giúp cho Giônxơn và Hămphơrây đoạt được thắng lợi trong bầu cử, để cho nhân dân miền nam Việt Nam vẫn ở dưới sự đô hộ của đế quốc Mỹ và bù nhìn, không được giải phóng, làm cho nhân dân miền nam Việt Nam còn có khả năng bị tổn thất lớn hơn…Như vậy giữa hai Đảng và hai nước chúng ta còn cần nói chuyện gì nữa?”.
Đe doạ cắt quan hệ giữa hai Đảng là một thủ đoạn trắng trợn, một sức ép lớn nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam.
Đi đôi với việc đe doạ bằng lời lẽ thô bạo là việc đe doạ bằng hành động thực sự. Năm 1968, khi bàn vấn đề viện trợ cho Việt Nam trong năm 1969, những người cầm quyền Bắc Kinh đã giảm kim ngạch viện trợ hơn 20% so với kim ngạch viện trợ năm 1968. Hơn thế nữa, tháng 8 năm 1969 họ trắng trợn nói:
“Thế Việt Nam đánh hay hoà để Trung Quốc tính việc viện trợ?”
Thực tế họ đã giảm kim ngạch viện trợ năm 1970 hơn 50% so với năm 1968.
Sự thật là không phải đến năm 1968 những người lãnh đạo Bắc Kinh mới dùng vấn đề viẹn trợ để ép Việt Nam. Tháng 4 năm 1966, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã nói với một nhà lãnh đạo Việt Nam rằng năm 1964 “đồng chí Mao Trạch Đông có phê bình chúng tôi là quá nhiệt tâm đối với vấn đề Việt Nam. Bây giờ chúng tôi mới thấy rõ đồng chí Mao nhìn xa”.
Phía Việt nam đã trả lời:
“Sự nhiệt tình của một nước xã hội chủ nghĩa đói với một nước xã hội chủ nghĩa khác là xuất phát từ tinh thần quốc tế vô sản. Chúng tôi không bao giờ nghĩ nhiệt tâm là có hại. Nếu các đồng chí nhiệt tâm giúp đỡ thì chúng tôi có thể đỡ hy sinh 2 hay 3 triệu người…Miền nam chúng tôi sẽ chống Mỹ đến cùng và chúng tôi vẫn giữ vững tinh thần quốc tế vô sản”
Để tăng sức ép đối với Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc còn chỉ thị cho sứ quán của họ ở Hà Nội xúi giục, tổ chức người Hoa ở Việt Nam gây rối, chống lại Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cùng với hàng vạn người thuộc “bộ đội hậu cần” Trung Quốc sang làm đường giúp Việt Nam ở những tỉnh phía bắc từ năm 1965 đến 1968, bọn phản động người Hoa tuyên truyền cho “tư tưởng Mao Trạch Đông” và “cách mạng văn hoá”, xuyên tạc đường lối của Việt Nam, tổ chức các màng lưới gián điệp. Những người cầm quyền Bắc Kinh còn cho những người gọi là “tị nạn cách mạng văn hoá” thâm nhập các tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam để làm tình báo và tổ chức các “đội quân ngầm”
Nhưng nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững đường lối độc lập tự chủ không gì lay chuyển được của mình. Tất cả những thủ đoạn thô bạo gây sức ép, tất cả những thủ đoạn chính trị của Bắc Kinh đều đã thất bại: Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền bắc Việt Nam từ đầu tháng 11 năm 1968 và ngồi vào cuộc Hội nghị bốn bên ở Pari có Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam tham gia từ đầu năm 1969.
III -THỜI KỲ 1969-1973 : ĐÀM PHÁN VỚI MỸ TRÊN LƯNG NHÂN DÂN VIỆT NAM
Năm 1969, cuộc “đại cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc về cơ bản hoàn thành. Những người cầm quyền Bắc Kinh bên trong thì ra sức củng cố quyền lãnh đạo của chủ tịch Mao Trạch Đông, ổn định tình hình, đẩy mạnh sản xuất, bên ngoài thì thi hành mọi biện pháp để đẩy nhanh quá trình nhích lại gần đế quốc Mỹ nhằm ngoi lên địa vị một cường quốc lớn, bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ và giải quyết vấn đề Đài Loan. Họ mưu toan dùng con bài Việt Nam để đạt mục tiêu đối ngoại đó.
Năm 1969 là năm đầu của Níchxơn vào Nhà Trắng. Ông ta đưa ra cái gọi là “học thuyết Nichxơn” nhằm cứu vãn và khôi phục địa vị của đế quốc Mỹ trên thế giới đã bị suy yếu nghiêm trọng do hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam và bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá” chiến tranh nhằm rút được quân Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam mà vẫn giữ được chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu.
Thời kỳ 1969-1973 là thời kỳ nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tiến công trên chiến trường cũng như tại Hội nghị bốn bên ở Pari, ngày càng giành thêm nhiều thắng lợi. Đây cũng là thời kỳ Bắc Kinh và Oasinhtơn tăng cường tiếp xúc, bắt tay công khai với nhau, bàn bạc không những các vấn đề tay đôi mà cả các vấn đề thuộc về chủ quyền của nhân dân Việt Nam và của nhân dân các nước ở Đông Dương.
1- Công khai phản bội nhân dân Việt nam
Từ tháng 11 năm 1968, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố tỏ ý muốn nối lại các cuộc đàm phán Trung Mỹ ở Vácsava và cùng với Mỹ ký một thoả thuận cùng tồn tại hoà bình. Tiếp đó phía Trung Quốc đã tích cực đáp ứng những tín hiệu của phía Mỹ. Sau khi lên làm tổng thống, Níchxơn báo cho phía Trung Quốc là các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tiến hành ở Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã trả lời là “ bản thân Níchxơn có thể đến Bắc Kinh hoặc cử một phái viên đến để thảo luận về vấn đề Đài Loan”
Tháng 6 năm 1970, Trung Quốc và Mỹ thoả thuận là đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn và Kitxinhgiơ sẽ tiến hành những cuộc đàm phán bí mật mỗi lần Kítxinhgiơ đến Pari đàm phán với phía Việt Nam”
Ngày 10 tháng 12 năm 1970, qua người bạn thân tín Étga Xnâu, chủ tịch Mao Trạch Đông đưa ra lời mời Tổng thống Níchxơn sang thăm Trung Quốc. :
“Ông ta chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì hiện nay những vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ phải được giải quyết với Níchxơn”
Đây là bước ngoặt của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định trong quan hệ Trung Mỹ, đồng thời là bước ngoặt công khai phản bội cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương, phản bội cách mạng thế giới. Bắc Kinh tăng cường các cuộc tiếp xúc công khai với Mỹ:
Tháng 3 năm 1971, Trung Quốc mời một đoàn bóng bàn Mỹ sang thăm Trung Quốc, mở đầu cái mà dư luận thế giới gọi là “ngoại giao bóng bàn”.
Tháng 7 năm 1971 và tháng 10 năm 1971 Kitxinhgiơ, đặc phái viên của Níchxơn sang Bắc Kinh.
Tháng 2 năm 1972, Níchxơn sang thăm Trung Quốc.
Thông báo cho phía Việt Nam biết cuộc đi thăm Bắc Kinh lần thứ nhất của Kítxinhgiơ, ngày 13 tháng 7 năm 1971 Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã nói:
“ Vấn đề Đông Dương là quan trọng nhất trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và Kítxinhgiơ. Kítxinhgiơ nói rằng Mỹ gắn việc giải quyết vấn đề Đông Dương với việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Mỹ nói có rút được quân Mỹ ở Đông Dương thì mới rút quân Mỹ ở Đài Loan. Đối với Trung Quốc, vấn đề rút quân Mỹ khỏi miền nam Việt Nam là vấn đề số 1. Còn vấn đề Trung Quốc vào Liên hợp quốc là vấn đề số 2”
Khi Níchxơn kết thúc cuộc đi thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Thông cáo Thượng Hải ghi nhận kết quả hội đàm giữa hai bên, trong đó có một đoạn như sau:
“Mỹ khẳng định mục tiêu cuối cùng là rút hết các lực lượng và cơ sở quân sự ra khỏi Đài Loan. Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi, Mỹ sẽ dần dần giảm lực lượng và cơ sở quân sự của Mỹ ở Đài Loan”
Đầu tháng 3 năm 1972, khi thông báo cho phía Việt Nam về cuộc hội đàm vơi Níchxơn, đại diện những người lãnh đạo Trung Quốc đã giải thích về đoạn thông cáo trên như sau:
“Muốn bình thường hoá quan hệ Trung Mỹ, muốn làm dịu tình hình ở Viễn Đông thì trước hết phải giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Chúng tôi không đòi giải quyết vấn đề Đài Loan trước. Vấn đề Đài Loan là bước sau”
Thâm tâm của Bắc Kinh là lợi dụng vấn đề Việt Nam để giải quyết trước vấn đề Đài Loan. Nhưng Việt Nam kiên quyết giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình. Do đó những người lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Nichxơn mới thoả thuận: “Trong khi chờ đợi, tuỳ theo tình hình căng thẳng trong khu vực này giảm đi…”
Điều đó có nghĩa là nếu Bắc Kinh muốn thúc đẩy việc rút lực lượng và các cơ sở quân sự của Mỹ ra khỏi Đài Loan thì họ cần ép Hà Nội đi vào một giải pháp thoả hiệp với Mỹ.
Phía Trung Quốc dùng “củ cà rốt” viện trợ: nếu năm 1968 vì phản đối Việt Nam đàm phán với Mỹ họ đã giảm kim ngạch viện trợ cho Việt Nam thì năm 1971 và năm 1972, để lôi kéo Việt Nam đi vào chiều hướng của Bắc Kinh thoả hiệp với Mỹ, họ đã dành cho Việt Nam viện trợ cao nhất của họ so với những năm trước đó. Đây cũng là thủ đoạn nhằm che đậy sự phản bội của họ nhằm xoa dịu sự công phẩn của nhân dân Việt Nam.
Đi đôi với tăng thêm viện trợ là sự thúc ép liên tục để Việt Nam chấp nhận giải pháp của Mỹ. Ngày 18 tháng 7 năm 1971, phía Trung Quốc thông báo cho phía Việt Nam phương án bốn điểm của Mỹ: rút quân và thả tù binh Mỹ trong 12 tháng kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1971, ngừng bắn toàn Đông Dương và giải pháp theo kiểu Giơnevơ năm 1954. Về rút quân, “vì thể diện” Mỹ muốn để lại một số cố vấn kỹ thuật; về chính trị “Mỹ không muốn bỏ Nguyễn Văn Thiệu cũng như không muốn bỏ Xirích Matắc”
Trong cuộc hội đàm với phía Việt Nam tháng 11 năm 1971 họ nói:
“Việt Nam nên tranh thủ thời cơ giải quyết trước vấn đề rút quân Mỹ và quan tâm giải quyết vấn đề tù binh Mỹ, việc đánh đổ nguỵ quyền Sài Gòn là lâu dài”
Cũng trong dịp này, sau khi nhắc lại ý của phía Mỹ là “Mỹ có nhiều bạn cũ, Mỹ phải giữ” chủ tiach Mao Trạch Đông nói:
“Vấn đề Đài Loan là vấn đề trường kỳ. Có lẽ mấy năm không giải quyết xong. Nếu xét nhanh hay chậm thì tôi thiên về chậm hơn. Hiện nay Tưởng có 65 vạn quân, ở giữa lại có eo biển. Chúng tôi không sang được, nó vẫn cứ đóng ở đó, chổi không đến nơi thì bụi không đi”
Sau khi Níchxơn kết thúc chuyến đi thăm Trung Quốc, Kítxinhgiơ nói với các nhà báo ngày 1 tháng 3 năm 1972 rằng từ nay Níchxơn và bản thân y “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva và nghiền nát Việt Nam”
Từ tháng 4 năm 1972, Mỹ ném bom lại và thả mìn phong toả các cảng miền bắc Việt Nam và đánh phá ác liệt miền nam Việt Nam nhằm đối phó với cuộc tiến công chiến lược mùa xuân năm 1972 của nhân dân Việt Nam, cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.
Bước phiêu lưu quân sự này chính là hậu quả rõ ràng của sự đồng loã giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Níchxơn.
Việc Hiệp định Pari không được ký tắt vào cuối tháng 10 năm 1972, ai cũng rõ đó là do sự lật lọng của Níchxơn- Kítxinhgiơ. Nhưng những người cầm quyền Trung Quốc lại đứng trên quan điểm của Mỹ để gây sức ép với Việt Nam. Ngày 1 tháng 11 năm 1972, họ yêu cầu Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam dân chủ cộng hoà báo cáo với lãnh đạo Việt Nam: Việt Nam nên nhân nhượng về hai vấn đề rút quân miền bắc và miền bắc Việt Nam không nhận viện trợ quân sự để có thể ký kết được hiệp định.
Và ngày 5 tháng 12 năm 1972, đại sứ Trung Quốc Hoàng Chấn chuyển tới phía Việt Nam lời đe doạ của Kitxinhgiơ:
“Đàm phán đã đến lúc có hậu quả nghiêm trọng: Bắc Việt Nam đòi Mỹ hoặc trở lại hiệp định cũ, hoặc nhận một hiệp định xấu hơn: Mỹ không thể chấp nhận cả hai điều kiện đó. Nếu Việt Nam cứ giữ lập trường đó thì đàm phán đứt quãng và Mỹ sẽ có mọi hành động bảo vệ nguyên tắc của mình”
Đó chính là giọng lưỡi chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 những ngày cuối năm 1972 nhằm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, buộc nhân dân Việt Nam chấp nhận giải pháp do đế quốc Mỹ áp đặt.
Trước sự câu kết của Bắc Kinh với Oasinhtơn phản bội nhân dân Việt Nam , nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ và tin tưởng vào thắng lợi của mình.
Khi phía Trung Quốc thông báo với phía Việt Nam rằng trong chuyến thăm Trung Quốc, Níchxơn cũng sẽ cùng những người lãnh đạo Trung Quốc bàn về vấn đề Việt Nam, những người lãnh đạo Việt Nam đã thẳng thắn nói:
“Việt Nam là của chúng tôi; các đồng chí không được bàn với Mỹ về vấn đề Việt Nam . Các đồng chí đã nhận sai lầm năm 1954 rồi, bây giờ không nên sai lầm một lần nữa”
Khi phía Trung Quốc thông báo chuyến đi thăm Trung Quốc của Níchxơn, những người lãnh đạo Việt Nam nói:
“Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, nhân dân Việt Nam phải thắng. Tới đây, đế quốc Mỹ có thể đánh phá trở lại miền bắc ác liệt hơn nữa, nhưng nhân dân Việt Nam không sợ, nhân dân Việt Nam nhất định thắng”
Bất chấp mọi sức ép của Bắc Kinh và Oasinhtơn, nhân dân Việt Nam không những không nhân nhượng về những vấn đề có tính nguyên tắc, mà còn trừng trị đích đáng đế quốc Mỹ về những tội ác của chúng và cuối cùng buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973.
2 -Nắm trọn vấn đề Campuchia
Trong khuôn khổ đường lối hoà hoãn và câu kết với đế quốc Mỹ , dọn con đường bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này, đồng thời phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, gây thêm sức ép đối với Việt Nam, từ năm 1970 Bắc Kinh tìm cách nắm các lực lượng Campuchia, thi hành một chính sách rất phức tạp đối với Campuchia, nhưng trước sau chỉ nhằm một mục tiêu: lợi ích ích kỷ của họ.
Dư luận còn nhớ bọn đế quốc và phản động đã gây ra cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 năm 1970, lật đổ chính phủ của ông hoàng Nôrôđôm Xihanúc, đưa lon Non lên cầm quyền. Lon Non vốn là người Campuchia gốc Hoa, lại là người của Mỹ, cho nên những người lãnh đạo Trung Quốc muốn dùng y và bỏ rơi ông Xihanúc. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung quốc nói với đại sứ Việt Nam:
“ Xihanúc không có lực lượng. Việt Nam cần ủng hộ Lon Non; Trung Quốc đón Xihanúc nhưng vẫn quan hệ tốt với đại sứ quán của PhnômPênh “
Tại PhnômPênh, đại sứ Trung Quốc cũng nói những điều tương tự với đại sứ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói với đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh là Trung Quốc không đồng ý để sinh viên Việt Nam ở Trung Quốc biểu tình chống Lon Non.
Ngay sau khi nổ ra cuộc đảo chính ở PhnômPênh và ông Xihanúc tới Bắc Kinh, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã sang Trung Quốc thuyết phục những người lãnh đạo Trung Quốc nên ủng hộ ông Xihanúc, đồng thời trực tiếp biểu thị với ông Xihanúc sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với ông ta và lực lượng kháng chiến Khơme.
Ngày 23 tháng 3 năm 1970, ông Xihanúc công bố bản tuyên cáo 5 điểm lên án cuộc đảo chính của Lon Non và kêu gọi nhân dân Campuchia đoàn kết chống đế quốc Mỹ và bè lũ Lon Non.
Ngày 25 tháng 3 năm 1970, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên cáo đó.
Ngày 7 tháng 4 năm 1970, Chính phủ Trung Quốc mới ra tuyên bố ủng hộ Tuyên cáo của ông Xihanúc. Tuy vậy, họ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc bí mật với chính quyền Lon Non. Trong khi đó, với sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang Việt Nam, lực lượng kháng chiến Khơme giành thêm nhiều chiến thắng mới, giải phóng một phần tư đất nước. Chỉ sau khi Níchxơn đưa quân Mỹ xâm lược Campuchia, gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, Chính phủ Trung Quốc mới cắt đứt quan hệ với chính quyền Lon Non ngày 5 tháng 5 năm 1970.
Rõ ràng là do Việt Nam kiên quyết ủng hộ Chính phủ kháng chiến Campuchia và do tình hình thực tế trên chiến trường phát triển có lợi cho các lực lượng kháng chiến, những người cầm quyền Bắc Kinh mới chuyển sang ủng hộ ông Xihanúc, Chủ tịch Mặt trận thống nhất dân tộc Campuchia chống Mỹ xâm lược. Từ đó họ tìm cách nắm chặt ông Xihanúc làm con bài độc quyền của họ để chuẩn bị cho những cuộc mặc cả với Mỹ. Tuy ủng hộ ông Xihanúc và Chính phủ kháng chiến Campuchia, họ vẫn ngấm ngầm duy trì những quan hệ bí mật với bè lũ Lon Non-Xirích Matắc, mặt khác tích cực dùng bọn Pôn Pốt-IêngXary, dần dần biến Đảng Khơme thành một đảng phụ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc như kiểu các đảng, các nhóm theo Mao ở Đông nam châu Á và ở một số nước khác trên thế giới.
Những người lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương lần thứ nhất tháng 4 năm 1970 và cố tình làm cho dư luận thấy rằng họ đã “đóng góp” nhiều vào hội nghị đó. Họ muốn chứng tỏ cho Mỹ hiểu rằng họ có thể giúp Mỹ tìm một giải pháp cho cả vấn đề Đông Dương và chính họ là người “thay mặt” cho Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương để đàm phán với Mỹ.
Trong bối cảnh nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Campuchia liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào các kế hoạch phiêu lưu quân sự của Níchxơn, ông Xihanúc đề nghị triệu tập Hội nghị cấp cao lần thứ hai của nhân dân các nước Đông Dương vào cuối năm 1971, nhằm phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân các nước ở Đông Dương. Bề ngoài những người lãnh đạo Trung Quốc tán thành đề nghị đó, nhưng bên trong họ giật dây bọn Pôn Pốt-Iêng Xary phản đối. Mặt khác, nhân chuyến đi thăm Việt Nam tháng 3 năm 1971, họ gợi ý triệu tập hội nghị 5 nước 6 bên (hai miền Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên) trên đất Trung Quốc nhằm mục tiêu chống Nhật. Ý đồ của họ là phá hoại khối đoàn kết, lái chệch mục tiêu đấu tranh của nhân dân các nước ở Đông Dương, đồng thời tập hợp lực lượng dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh để họ có thêm thế đi vào đàm phán với Mỹ. Phía Việt Nam ủng hộ đề nghị của ông Xihanúc, không tán thành họp hội nghị 5 nước 6 bên như Trung Quốc gợi ý, cũng không tán thành quan điểm cho rằng nguy cơ bấy giờ là Nhật vì kẻ thù chính của nhân dân ba nước Đông Dương vẫn là đế quốc Mỹ xâm lược. Do đó, kế hoạch hội nghị 5 nước 6 bên của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại.
Trong lúc tìm cách nắm trọn vấn đề Campuchia, những người lãnh đạo Trung Quốc còn mưu toan nắm con đường vận chuyển quân sự qua ba nước Đông Dương. Trong mấy năm liền cho đến năm 1972, họ đề nghị giúp làm đường và vận chuyển hàng phục vụ chiến trường từ miền bắc đến miền nam Việt Nam, Lào và Campuchia trên con đường mòn Hồ Chí Minh và hứa cung cấp cho Việt Nam đủ xe, người lái và khoảng 20 vạn quân nhân Trung Quốc để bảo đảm công việc này. Ý đồ của họ là qua đó nắm toàn bộ vấn đề Đông Dương để buôn bán với Mỹ và chuẩn bị bàn đạp đi xuống Đông nam châu Á. Tất nhiên phía Việt Nam không chấp nhận đề nghị đó.
*
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:49:33 GMT 9
**
Nếu trước đây những người lãnh đạo Trung Quốc ngấm ngầm làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thì trong thời kỳ 1969-1973, nhất là từ năm 1971, họ công khai câu kết với đế quốc Mỹ xâm lược, cứu nguy cho chúng trước cuộc tiến công chiến lược mới của nhân dân Việt Nam, lấy con bài Việt Nam để buôn bán với Mỹ. Nếu trước đây họ ngấm ngầm chia rẽ nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia nhằm cô lập Việt Nam thì trong thời kỳ này họ bắt đầu dùng bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary để phá hoại cách mạng ba nước Đông Dương, tích cực chuẩn bị biến Campuchia thành bàn đạp để tiến công Việt Nam, khống chế bán đảo Đông Dương, từ đó bành trướng xuống Đông nam châu Á sau này.
Họ đã phơi trần bộ mặt ghê tởm của kẻ phản bội: phản bội nhân dân Việt Nam cũng như phản bội nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.
IV- THỜI KỲ 1973-1975: CẢN TRỞ NHÂN DÂN VIỆT NAM GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM
Theo hiệp định Pari về Việt Nam, Mỹ phải rút hết đội quân viễn chinh của Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, thừa nhận ở miền nam Việt Nam có hai vùng, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị, và các bên Việt Nam cùng thành lập một Chính phủ liên hiệp ba thành phần ở miền nam Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ và cuộc chiến đấu ngoan cường của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam. Đó là thất bại của sự mua bán bẩn thỉu trên lưng nhân dân Việt Nam giữa chính quyền Níchxơn và những người lãnh đạo Trung Quốc thể hiện trong Thông cáo Thượng Hải.
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam luôn luôn chủ trương thi hành nghiêmm chỉnh Hiệp định Pari và đòi Mỹ Thiệu cũng phải có thái độ như vậy.
Nhưng Mỹ Thiệu mưu toan phá hoại việc thi hành Hiệp định đó, chỉ muốn thi hành những điều khoản có lợi cho Mỹ. Đối với các điều khoản khác họ vi phạm ngay từ phút đầu. Lúc Hiệp định Pari bắt đầu có hiệu lực cũng là lúc Mỹ Thiệu đưa hàng vạn quân có máy bay, trọng pháo và xe tăng yểm trợ đổ bộ lên Cửa Việt hòng chiếm lấy vùng giải phóng phía bắc tỉnh Quảng Trị. Sau đó quân nguỵ liên tiếp tấn công trên khắp miền nam Việt Nam, lấn chiếm nhiều vùng giải phóng do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền nam Việt Nam quản lý. Âm mưu của Mỹ nguỵ là xoá bỏ tình hình thực tế có hai vùng, hai chính quyền, đặt lại toàn bộ miền nam Việt Nam dưới ách thống trị thực dân kiểu mới, kéo dài chia cắt nước Việt Nam.
Những người lãnh đạo Trung Quốc tỏ vẻ hoan nghênh Hiệp định Pari về Việt Nam. Trên thực tế để thực hiện sự thoả thuận với Mỹ và tăng cường câu kết với Mỹ, đồng thời tiếp tục làm suy yếu hòng khuất phục Việt Nam, họ tìm mọi cách cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm đánh bại âm mưu của Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà.
1- Kiềm chế cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari.
Trong cuộc hội đàm ở Bắc Kinh tháng 6 năm 1973, chủ tịch Mao Trạch Đông nói với Tổng bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng:
“Ở miền nam Việt Nam cần ngừng (chiến đấu) nửa năm, một năm, một năm rưỡi, hai năm càng tốt”. Cách mạng miền nam nên “chia làm hai bước . Gộp lại làm một, người Mỹ không chịu đâu. Vấn đề là trong tay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu còn có mấy chục vạn quân”.
Và ông ta nhắc lại đến luận điểm “cái chổi” đã nói với phía Việt Nam trước đây.
Thủ tướng Chu Ân Lai thì nói:
“Trong một thời gian chưa có thể nói dứt khoát là 5 năm hay 10 năm, Việt Nam và Đông Dương nghỉ ngơi được thì càng tốt; tranh thủ thời gian đó mà nhân dân miền nam Việt Nam, Lào, Campuchia thực hiện hoà bình, trung lập một thời gian”.
Để tỏ thiện chí với nhân dân Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục viện trợ trong 5 năm với mức kim ngạch như năm 1973. Sự thật là khi đó họ đã ngừng hoàn toàn viện trợ về quân sự, còn về viện trợ kinh tế họ nhận chủ yếu phục hồi các cơ sở do Trung Quốc giúp trước đây và đã bị Mỹ đánh phá nhưng họ kéo dài việc thực hiện, có nơi không thực hiện.
Những người cầm quyền Trung Quốc thực chất muốn Việt Nam không làm gì cả, kể cả khi chính quyền Sài Gòn đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng.
Đứng trước những hành động của quân nguỵ Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng ngày càng tăng cường, tháng 10 năm 1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam buộc phải ra lệnh kiên quyết đánh trả. Gần một tháng sau đó, trong chuyến Kítxinhgiơ đi thăm Bắc Kinh, hai bên ra thông cáo thoả thuận là trong tình hình “đặc biệt nghiêm trọng hiện nay”, hai bên cần tiến hành liên hệ thường xuyên ở các cấp có thẩm quyền để trao đổi ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Thực tế đó là sự phối hợp giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Mỹ nhằm ngăn cản cuộc đấu tranh của các lực lượng vũ trang miền nam Việt Nam.
Những người cầm quyền Bắc Kinh còn khuyên Mỹ “đừng thua ở Việt Nam, đừng rút lui khỏi Đông nam châu Á”.
Thâm độc hơn nữa, họ tìm cách lôi kéo nhiều tướng tá và quan chức nguỵ quyền Sài Gòn hợp tác với họ, thậm chí cho người thuyết phục tướng Dương Văn Minh, “tổng thống” vào những ngày cuối của chế độ Sài Gòn để tiếp tục chống lại cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và đan miền nam Việt Nam.
2 -Xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam, gây căng thẳng ở biên giới
Từ năm 1973, những người cầm quyền Trung Quốc tăng cường những hành động khiêu khích và lấn chiếm đất đai ở những tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, nhằm làm yếu những cố gắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu trang giải phóng hoàn toàn miền nam.
Đồng thời họ ngăn cản Việt Nam thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày 26 tháng 12 năm 1973, phía Việt Nam đề nghị mở cuộc đàm phán để xác định chính thức đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ, nhằm sử dụng phần biển thuộc Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Ngày 18 tháng 1 năm 1974 phía Trung Quốc trả lời chấp thuận đề nghị trên, nhưng họ đòi không được tiến hành việc thăm dò trong một khu vực rộng 20.000 km2 trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định ra. Họ còn đòi “không để một nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ”, vì việc đưa nước thứ ba vào thăm dò “không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước”. Đó chỉ là một lý do để che đậy ý đồ đen tối của họ. Cũng vì vậy cuộc đàm phán về đường biên giói giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11 năm 1974 đã không đi đến kết quả tích cực nào. Cũng với thái độ trịch thượng nước lớn như vậy, họ làm bế tắc cuộc đàm phán về vấn đề biên giới trên bộ và trong vịnh Bắc Bộ bắt đầu từ tháng 10 năm 1977 nhằm mục đích tiếp tục xâm phạm biên giới, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam để duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Trung.
Hơn nữa, ngày 19 tháng 1 năm 1974, tức là một ngày sau khi phía Trung Quốc nhận đàm phán với phía Việt Nam về vấn đề vịnh Bắc Bộ, họ sử dụng lực lượng hải quân và không quân tiến đánh quân nguỵ Sài Gòn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ lâu vốn là bộ phận lãnh thổ Việt Nam. Họ nói là để tự vệ, nhưng thực chất đó là một hành động xâm lược, một sự xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam để khống chế Việt Nam từ mặt biển và từng bước thực hiện mưu đồ độc chiếm biển Đông. Hành động xâm lược của họ có tính toán từ trước và được sự đồng tình của Mỹ. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ G. Matin ở Sài Gòn đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương đã được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa.
Trong cuộc hội đàm với những người lãnh đạo Việt Nam năm 1975, phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận rằng hai bên đều nói các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của mình, cho nên cần gặp gỡ để bàn bạc giải quyết. Điều đó càng chứng tỏ hành động của phía Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa là ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, gây ra một tình trạng việc đã rồi.
3- Biến Campuchia thành bàn đạp chuẩn bị tiến công Việt Nam
Sau Hiệp định Pari về Việt Nam, theo lệnh của Bắc Kinh, bè lũ Pôn Pốt-Iêng Xary thi hành một chính sách hai mặt đối với Việt Nam: vừa dựa vào Việt Nam vừa chống Việt Nam.
Chúng tỏ ra “hữu nghị” và “đoàn kết” với Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ của Việt Nam, đặc biệt là khi chuẩn bị tấn công vào thủ đô Phnôm Pênh. Trong khuôn khổ sự thoả hiệp Trung Mỹ, những người cầm quyền Trung Quốc thực hiện sự thoả thuận không viện trợ quân sự cho cách mạng ba nước Đông Dương. Họ đã từ chối đề nghị của bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary về tăng viện vũ khí tiến công bằng cách nhờ Việt Nam cho Pôn Pốt Iêng Xary vay rồi Trung Quốc sẽ thanh toán sau. Đây là một thủ đoạn của Bắc Kinh vừa lấy lòng bọn tay sai ở Campuchia, tránh va chạm với Mỹ, vừa gây thêm khó khăn cho Việt Nam trong lúc Việt Nam đang tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.
Mặt khác, bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary tìm mọi cách chống Việt Nam. Chúng vu cáo Việt Nam ký kết Hiệp định Pari là “phản bội Campuchia một lần nữa” để kích động hận thù dân tộc, gây tâm lý chống Việt Nam và kiếm cớ thanh trừng những người Campuchia không tán thành đường lối của chúng. Nhiều lần chúng tổ chức những vụ đánh phá, cướp bóc kho tàng, vũ khí, tiến công bệnh viện và nơi trú quân của Quân giải phóng miền nam Việt Nam đặt trên đất Campuchia.
Bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary, bằng những thủ đoạn rất thâm độc, kể cả việc thủ tiêu bí mật những cán bộ cách mạng chân chính, ra sức củng cố vị trí trong Đảng, nắm toàn bộ quyền lực để biến Đảng cộng sản Campuchia thành một đảng phụ thuộc Bắc Kinh.
Rõ ràng những người lãnh đạo Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong âm mưu nắm trọn Campuchia dưới chế độ của bọn Pôn Pốt Iêng Xary, chuẩn bị bàn đạp tiến công Việt Nam từ phía tây nam sau khi miền nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.
Mặc dù những người lãnh đạo Trung Quốc ra sức cản trở nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao chống Mỹ Thiệu phá hoại Hiệp định Pari, tiến lên giành toàn thắng. Với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã đánh sụp hoàn toàn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, thống nhất nước nhà.
*
**
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, những người cầm quyền Bắc Kinh chỉ can thiệp vào giai đoạn chót nhằm áp đặt giải pháp của họ đối với nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và nhân dân Campuchia.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lần này của nhân dân Việt Nam, họ can thiệp ngay từ đầu, tạo điều kiện cho đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh trên cả nước Việt Nam, ném bom cực kỳ man rợ miền bắc, lấy vấn đề Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng luôn luôn làm ra vẻ “triệt để cách mạng”, “tích cực” ủng hộ Việt Nam.
Đây là sự phản bội thứ hai của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.
PHẦN THỨ TƯ
TRUNG QUỐC VỚI NƯỚC VIỆT NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG VÀ THỐNG NHẤT
(từ tháng 5 năm 1975 đến nay)
1- TRUNG QUỐC SAU THẤT BẠI CỦA MỸ Ở VIỆT NAM
Dư luận chung trên thế giới đều thấy rằng thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã có tác động rõ rệt đến tình hình quốc tế.
Nếu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, thì thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam chứng minh trước toàn thế giới sự phá sản hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới là không tránh khỏi. Ngày nay các lực lượng cách mạng đã lớn mạnh và có lợi thế hơn bao giờ hết. Đế quốc Mỹ không thể đóng vai sen đầm quốc tế bất cứ đâu mà không bị trừng phạt, không thể xâm chiếm bất cứ một tấc đất nào của bất kỳ nước xã hội chủ nghĩa nào, không thể đẩy lùi phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn con đường phát triển của các nước lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa đế quốc ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng toàn diện không phương cứu chữa. Chúng đang đứng trước những khó khăn chồng chất về nhiều mặt, đang phải đương đầu với cuộc tiến công rộng lớn và mạnh mẽ của ba dòng thác cách mạng trên thế giới, ở ngay cả những dinh luỹ tưởng chừng như rất kiên cố của chúng ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh.
Mặc dù đã tung vào Việt Nam một đội quân viễn chinh gồm 60 vạn tên làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân nguỵ, đã ném xuống Việt Nam 7 triệu 85 vạn tấn bom và chi tiêu 352 tỉ đô la, đế quốc Mỹ xâm lược vẫn không khuất phục được nhân dân Việt Nam. Đây là thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, ảnh hưởng sâu sắc về nhiều mặt đến tình hình nước Mỹ. Vì thế sau thất bại ở Việt Nam, đế quốc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược trên thế giới, ở châu Á, nhất là ở Đông nam châu Á cho phù hợp với tình hình mới. Chúng đẩy mạnh câu kết với các thế lực phản động, đặc biệt là với các thế lực phản bội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chủ yếu là với tập đoàn phản động Bắc Kinh, hòng chia rẽ, phá hoại hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới.
Về phần những người cầm quyền Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc.
Họ muốn Việt Nam bị chia cắt lâu dài, nhưng nhân dân Việt Nam đã đánh cho “Mỹ cút, nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền nam và thống nhất nước nhà.
Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ, nhưng sự câu kết của họ với Mỹ không ngăn cản được nhân dân Việt Nam giành thắng lợi hoàn toàn và dựng lên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Họ muốn chia rẽ Việt Nam với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhưng nhân dân Việt Nam đã giữ vững đường lối độc lập tự chủ của mình, tăng cường đoàn kết với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác.
Không những các thoả thuận giữa họ với chính quyền Níchxơn, những mưu đồ chiến lược của họ đã bị thất bại, mà một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, có đường lối cách mạng Mác Lênin chân chính, độc lập tự chủ và có uy tín chính trị trên thế giới sẽ là cản trở nghiêm trọng cho mưu đồ bành trướng và bá quyền của họ ở Đông Dương và Đông nam châu Á. Thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam không chỉ là thất bại lớn của đế quốc Mỹ xâm lược, mà cũng là thất bại lớn của bọn bành trướng Bắc Kinh.
Vào những năm cuối đời và sau cái chết của chủ tịch Mao Trạch Đông, cuộc khủng hoảng nội bộ của Trung Quốc tiếp tục diễn ra gay gắt với những cuộc thanh trừng tàn bạo để tảnh giành quyền bính. Trong 20 năm liền, nền kinh tế và tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc đã bị thụt lùi và hỗn loạn vì cuộc “đại nhảy vọt” và cuộc “đại cách mạng văn hoá” đòi hỏi phải được cấp bách ổn định và cải thiện. Mặt khác, sự yếu kém về kinh tế và quân sự của Trung Quốc không cho phép những người cầm quyền Bắc Kinh thực hiện mưu đồ như họ mong muốn. Cho nên về đối nội họ lấy tư tưởng đại dân tộc để tập hợp các phe phái và động viên nhân dân Trung Quốc nằhm thực hiện kế hoạch “bốn hiện đại hoá”. Về đối ngoại họ dấn sâu vào con đường phản động, lợi dụng lúc chủ nghĩa đế quốc bị khủng hoảng về kinh tế và chính trị nghiêm trọng và lúc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, để câu kết với chủ nghĩa đế quốc, chống Liên Xô, chống phong trào cách mạng thế giới, kiếm nhiều vốn và kỹ thuật của các nước phương Tây cho kế hoạch “bốn hiện đại hoá”. Khẩu hiệu “chống bá quyền” của họ chỉ là chiêu bài để che đậy chiến lược phản cách mạng và chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của họ.
Họ hằn học nhìn thắng lợi của nhân dân Việt Nam, cho nên từ khi nhân dân Việt Nam giành được toàn thắng, họ ngày càng công khai và điên cuồng thực hành một chính sách thù địch toàn diện và có hệ thống chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. [image]
Đây là một văn kiện tuyệt mật của Quân uỷ trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc do tên Lê Xuân Thành, sinh ngày 20-3-1949 tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cung khai. Tên Thành là công an của Trung Quốc, trú quán tại 165 đường Hồng Kỳ, khu Tuyên Vũ, thành phố Bắc Kinh. Tháng 3 năm 1973 chạy sang Việt Nam làm gián điệp. Ngày 30-3-1973 bị bắt ở xã Ngư Thuỷ, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong văn kiện đó có một đoạn như sau:
“…Nước ta và nhân dân Việt Nam có mối hằn thù dân tộc hàng nghìn năm nay.
…Chúng ta không được coi họ là đồng chí chân chính của mình, đem tất cả vốn liếng của ta trao cho họ. Ngược lại, chúng ta phải tìm mọi cách làm cho nước họ ở trong tình trạng không mạnh, không yếu mới có thể buộc họ ở trong tình trạng hiện nay.
…Về bề ngoài chúng ta đối xử với họ như đồng chí của mình, nhưng trên tinh thần ta phải chuẩn bị họ trở thành kẻ thù của chúng ta…”
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:50:12 GMT 9
II -ĐIÊN CUỒNG CHỐNG VIỆT NAM NHƯNG CÒN CỐ GIẤU MẶT
1 -Thông qua bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary tiến hành cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam ở phía tây nam Việt Nam.
Ngay từ giữa những năm 1960, những người lãnh đạo Trung Quốc đã mưu tính nắm trọn vấn đề Campuchia, trước mắt nhằm phá hoại Mặt trận đoàn kết nhân dân các nước ở Đông Dương, làm yếu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, có thế đàm phán với Mỹ và lâu dài nhằm bắt Campuchia lệ thuộc và trở thành một bàn đạp của Trung Quốc để bành trướng xuống Đông Dương và Đông Nam châu Á. Sau ngày 17 tháng 4 năm 1975, nước Campuchia hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của bè lũ Lon Non tay sai của Mỹ, họ dùng bọn tay sai Pôn Pốt Iêng Xary chiếm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Campuchia, gạt quốc trưởng Xihanúc và những người thân cận của ông ta để xây dựng lên một chế độ phát xít diệt chủng có một không hai trong lịch sử loài người và thông qua chế độ đó hoàn toàn kiểm soát nước Campuchia, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới và căn cứ quân sự của họ để tiến đánh Việt Nam từ phía tây nam.
Họ đã đổ tiền, vũ khí và dụng cụ chiến tranh các loại và đưa hàng vạn cố vấn Trung Quốc vào Campuchia để thành lập hàng chục sư đoàn mới gồm đủ bộ binh, thiết giáp, pháo binh, xây dựng thêm hoặc mở rộng nhiều căn cứ hải quân, không quân, hệ thống kho hậu cần.
Dưới sự đạo diễn của Bắc Kinh, tập đoàn cầm quyền phản động Phnôm Pênh tiến hành liên tục một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp vu khống Việt Nam “xâm lược Campuchia”, “âm mưu ép Campuchia vào Liên bang Đông Dương do Việt Nam khống chế”, ráo riết hô hào chiến tranh chống Việt Nam. Chúng đã phá hoại cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới để có cớ duy trì một tình hình ngày càng căng thẳng ở vùng biên giới Việt Nam-Campuchia. Ngay từ tháng 4 năm 1975, chúng đã đưa quân lấn chiếm, bắn phá nhiều điểm trên lãnh thổ Việt Nam và từ đó ngày càng gây thêm nhiều vụ xung đột ở biên giới, đột kích nhiều đồn biên phòng, làng xóm Việt Nam, làm cho tình hình ở vùng biên giới không ổn định, ngăn cản nhân dân Việt Nam khôi phục và xây dựng kinh tế. Từ những cuộc khiêu khích vũ trang, chúng tiến đến gây ra một cuộc chiến tranh biên giới chống nước Việt Nam từ tháng 4 năm 1977 suốt dọc hơn 1.000 km với những cuộc tiến công quy mô, huy động hàng vạn bộ binh có xe tăng, trọng pháo yểm trợ, có khi vào sâu lãnh thổ Việt Nam hơn 30 km, giết hại dã man dân thường, tàn phá nhà cửa, hoa màu, gây nên biết bao tội ác không thể dung thứ được.
2- Dùng vấn đề người Hoa để chống Việt Nam từ bên trong
Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu 20 vạn người Hoa sinh sống; gần 1 triệu người ở miền nam, trên 20 vạn người ở miền bắc. Năm 1955, Đảng Lao động Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc đã thoả thuận là người Hoa ở miền bắc Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo và dần dần chuyển thành công dân Việt Nam. Trong hơn 20 năm qua, người Hoa ở miền bắc được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ như công dân Việt Nam. Còn người Hoa ở miền nam, từ năm 1956 dưới chính quyền Ngô Đình Diệm đã vào quốc tịch Việt Nam để được hưởng nhiều điều kiện dễ dàng trong việc làm ăn sinh sống.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện sự thoả thuận năm 1955 giữa hai đảng về người Hoa ở miền bắc, đồng thời tôn trọng thực tế lịch sử về người Việt gốc Hoa ở miền nam Việt Nam, coi người Hoa ở cả hai miền là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Số ít người mang căn cước Đài Loan, Hồng Kông hoặc quốc tịch nước khác và số Hoa kiều bị bọn Pôn Pốt Iêng Xary xua đuổi và tỵ nạn sang miền nam Việt Nam thì được coi là ngoại kiều.
Ngược lại, những người cầm quyền Trung Quốc xuyên tạc sự thoả thuận năm 1955 giữa hai đảng, phủ nhận thực tế lịch sử về những người Việt gốc Hoa ở miền nam Việt Nam, coi tất cả người Hoa ở hai miền là kiều dân Trung Quốc để đòi quyền lãnh đạo những người ấy. Trên thực tế, họ lập các tổ chức phản động và màng lưới gián điệp người Hoa trên đất Việt Nam. Các tổ chức gọi là “Hoa kiều hoà bình liên hiệp hội”, “Hoa kiều tiến bộ”, “Hoa kiều cứu vong hội”, “Đoàn thanh niên chủ nghĩa Mác Lênin”, “Hội học sinh Hoa kiều yêu nước”, “Mặt trận thống nhất Hoa kiều”…do Bắc Kinh thành lập và chỉ huy, đã hoạt động chống lại các chính sách của chính quyền, chống lệnh đăng ký nghĩa vụ quân sự, chống việc đi xây dựng vùng kinh tế mới, kích động tâm lý huyết thống trong người Việt gốc Hoa, khơi lên phong trào đòi trở lại quốc tịch Trung Quốc. Họ in tiền giả, đầu cơ tích trữ, nâng giá hàng nhằm phá kế hoạch ổn định và phát triển kinh tế của các cơ quan Nhà nước ở miền nam Việt Nam. Với những thủ đoạn đó, những người cầm quyền Bắc Kinh đã gây thêm khó khăn cho nhân dân miền nam Việt Nam vốn đã gặp biết bao khó khăn do 30 năm chiến tranh của đế quốc để lại, khiến cho nhiều người về sau bỏ nước ra đi tìm một nơi mà họ cho là dễ làm ăn hơn. Bắc Kinh đã dùng người Hoa làm công cụ gây rối loạn về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam như họ đã làm ở một số nước Đông nam châu Á và Nam Á.
Chỉ thị của Kiều uỷ trung ương Trung Quốc về công tác đối với người Hoa ở Việt Nam năm 1966 có đoạn viết:
“ …Phải lấy tư tưởng Mao Trạch Đông giáo dục Hoa kiều ở Việt Nam.
Báo Tân Việt Hoa phải trở thành trận địa tuyên truyền tư tưởng Mao Trạch Đông.
Hoa kiều nhất định phải có “chủ nghĩa nước lớn”. Các đồng chí phải chủ động quan hệ chặt chẽ với đại sứ quán để đại sứ quán giúp đỡ được tốt hơn…”
[image]
3- Dùng vấn đề viện trợ để tăng thêm sức ép.
Năm 1973, những người lãnh đạo Trung Quốc đã long trọng hứa sẽ viện trợ cho Việt Nam ít nhất trong 5 năm liền ở mức kim ngạch năm 1973.
Năm 1975, khi chào mừng nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc cũng nói: “ sẽ tiếp tục làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình, kiên quyết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa nhằm củng cố thành quả thắng lợi, thống nhất và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam”.
Thật ra, đây chỉ là một lời tuyên bố giả dối để che dấu sự hằn học của họ đối với thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam đang làm nức lòng tất cả những lực lượng cách mạng và tiến bộ trên toàn thế giới , che giấu những kế hoạch đen tối của họ nhằm chống lại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên thực tế họ không ủng hộ nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước trong giai đoạn mới.
Nếu những năm 1969-1970, những người lãnh đạo Trung Quốc giảm viện trợ đối với Việt Nam vì họ không tán thành Việt Nam thương lượng với Mỹ để kéo Mỹ xuống thang chiến tranh, và nếu những năm 1971-1972 họ tăng viện trợ đối với Việt Nam cao nhất so với các năm trước vì họ muốn lợi dụng vấn đề Việt Nam để thương lượng với Mỹ, thì đến năm 1975 họ lại dùng viện trợ để gây sức ép với Việt Nam. Họ khước từ những yêu cầu viện trợ mới của Việt Nam. Về phần viện trợ cũ đã thoả thuận từ trong chiến tranh và chưa giao hết, họ vin cớ này cớ khác để dây dưa, trong đó có những công trình đang làm dở, có những công trình rất quan trọng đối với công cuộc hoà bình xây dựng đất nước Việt Nam. Rõ ràng viện trợ của những người lãnh đạo Trung Quốc không phải là “vô tư” như họ thường khoe khoang, mà chỉ là công cụ của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn. Viện trợ của Bắc Kinh vẫn chỉ là “cây gậy và củ cà rốt”.
Những thủ đoạn nói trên của Bắc Kinh nhằm chống Việt Nam là những đòn thâm độc, quyết liệt nhưng đều đã thất bại: bộ mặt phát xít diệt chủng của bọn Pôn Pốt Iêng Xary bị nhân dân Campuchia và cả loài người tiến bộ lên án; kế hoạch dùng người Hoa phá Việt Nam từ bên trong bị phá sản; mưu đồ gây sức ép bằng viện trợ và các thủ đoạn khác không lay chuyển được đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, không khuất phục được nhân dân Việt Nam.
III -ĐIÊN CUỒNG CHỐNG VIỆT NAM MỘT CÁCH CÔNG KHAI
Giấu mặt chống Việt Nam không đạt kết quả mong muốn, những người cầm quyền Trung Quốc quay ra công khai chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn, kể cả bằng đe doạ vũ lực và dùng vũ lực.
1- Cái gọi là vấn đề “nạn kiều”
Đầu năm 1978, những người cầm quyền Trung Quốc dựng lên cái gọi là vấn đề nạn kiều để mở đầu một chiến dịch quy mô công khai chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sự thật là chính các tổ chức bí mật người Hoa, màng lưới gián điệp của Trung Quốc ở Hà Nội được sự chỉ đạo hàng ngày, hàng giờ của bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh, bằng những sự bịa đặt trắng trợn, những luận điệu vu cáo Việt Nam “xua đuổi, bài xích, khủng bố người Hoa”, bằng những thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc, dụ dỗ, doạ nạt đã gây nên trong quần chúng người Hoa đang làm ăn yên ổn ở Việt Nam một tâm trạng hoang mang, lo sợ chiến tranh sắp nổ ra, một tâm lý nghi ngờ, thậm chí thù ghét người Việt Nam, khiến họ ồ ạt kéo đi Trung Quốc. Bọn tay chân của Trung Quốc tổ chức cho những người đó vượt biên trái phép rồi lại chặn họ lại, gây ra ùn tắc ở biên giới Việt Trung để dễ bề kích động họ chống lại và hành hung những nhà chức trách Việt Nam ở địa phương. Lúc dòng người Hoa ùn ùn kéo đi Trung Quốc, Bắc Kinh lại trắng trợn đưa hai tàu sang Việt Nam đón “nạn kiều”, mặc dù họ không hề nêu trước vấn đề đó với Chính phủ Việt Nam. Chỉ trong mấy tháng đầu, 17 vạn người Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc. Cái gọi là vấn đề “nạn kiều” chỉ là một sự cưỡng bức người Hoa ờ Việt Nam ồ ạt di cư đi Trung Quốc mà thủ phạm chính là tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh, một sự lừa gạt và một sự phản bội của họ nhằm gây xáo trộn về chính trị, xã hội, kinh tế ở Việt Nam, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, đồng thời kích động dư luận Trung Quốc, chuẩn bị sẵn sàng “đạo quân thứ năm” cho việc tiến hành xâm lược Việt Nam trong bước sau.
Vốn là những người làm ăn sinh sống lâu đời ở Việt Nam, thông thạo địa hình, phong tục, tập quán, có nhiều cơ sở quen thuộc cũ, có kkả năng nắm được nhiều tin tức tình hình, những người Hoa ở Việt Nam đi Trung Quốc đã được bọn bành trướng Bắc Kinh chọn lựa để đưa vào những “sư đoàn sơn cước” chuyên đánh rừng núi, thọc sâu vào hậu phương, hoặc những đơn vị đi mở đường, hoặc những đơn vị thám báo, dẫn đường, bắt cóc, ám sát, phá hoại cầu cống kho tàng của Việt Nam. Nhiều tên trong bọn chúng đã bị bắt trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam từ ngày 17 tháng 2 năm 1979.
Trước quyết tâm của nhân dân Việt Nam giữ vững chủ quyền của mình, những người cầm quyền Bắc Kinh buộc phải rút hai chiếc tàu đi đón “nạn kiều” về nước, ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam về việc giải quyết vấn đề người Hoa. Nhưng trong đàm phán họ vẫn giữ thái độ nước lớn, ngang ngược áp đặt quan điểm vô lý của họ, bất chấp chủ quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luật pháp quốc tế. Chính họ đã cố tình phá hoại cuộc đàm phán đó để tiếp tục dùng vấn đề người Hoa chống Việt Nam.
[image]
Một thư của sứ quàn Trung Quốc ở Hà Nội xúi giục người Hoa ở Đà Nẵng chống Việt Nam, tịch thu được của can phạm Hàng Phú Quang bị bắt tháng 7 năm 1978.
Dòng chữ đầu ở góc bên phải là “ Thư của sứ quán”. Trích một số đoạn:
1.Toàn thể Hoa kiều tại miền Trung, Nam, Bắc Việt Nam phải đoàn kết, nhất trí để đối phó với hoàn cảnh ác liệt
2. Phải chú ý theo dõi chỉ thị qua đài phát thanh của Tổ quốc
3. Hoa kiều về nước thì phải đợi chỉ thị, chờ nhân viên ngoại giao đến có chỉ thị rõ ràng để lo liệu. Sau đó tuần tự lên tàu về nước.
4. Không nghe chính quyền địa phương lừa gạt ghi là người Việt gốc Hoa làm thủ tục xin xuất cảnh về Trung Quốc. Vì như vậy thì sẽ bị tổn thất nặng nề về động sản và bất động sản của tư nhân. Phải chờ nhân viên ngoại giao của ta chỉ dẫn cách điền vào đơn (hai chính phủ đã bàn) để tài sản công tư khỏi bị tổn thất.
5. Đề phòng số phần tử xấu tung tin đồn ly gián làm dao động ý chí của Hoa kiều.
2- Cắt viện trợ, rút chuyên gia
Trong lúc bọn bành trướng Bắc Kinh ráo riết dụ dỗ, cưởng ép người Hoa ở Việt Nam đi Trung Quốc. họ dùng “cái gậy” viện trợ để đồng thời đánh Việt Nam về kinh tế. Chỉ trong hơn một tháng, bất chấp luật pháp và tập quán quốc tế, họ đơn phương tuyên bố chấm dứt toàn bộ viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam, gọi về nước tất cả chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang công tác ở Việt Nam. Đây là một đòn cực kỳ thâm độc, đưa ra đúng lúc nhân dân Việt Nam đang phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời vừa phải đối phó với cuộc chiến tranh biên giới ở phía tây nam, khắc phục những khó khăn kinh tế do việc gần 20 vạn người Hoa đột nhiên bỏ ruộng đồng, nhà máy đi Trung Quốc, vừa phải đối phó với những thiệt hại nghiêm trọng do những trận bão lụt nặng nề nhất ở Việt Nam trong hàng trăm năm qua gây ra.
Đi đôi với việc cắt viện trợ, rút chuyên gia, tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc còn ngang nhiên vận động các nước, các tổ chức quốc tế ngưng viện trợ cho công cuộc xây dựng lại Việt Nam. Lòng dạ họ xấu xa, thâm độc đến thế là cùng!
Họ đẩy mạnh việc vu cáo Việt Nam để vừa che đậy ý đồ bành trướng của họ ở Đông nam châu Á, vừa cản trở quan hệ bình thường giữa Việt Nam và các nước thuộc tổ chức ASEAN, kêu gọi các nước đó lập “mặt trận chung với Trung Quốc” chống Việt Nam. Với cuộc vận động đó, họ hy vọng trên thực tế sẽ thực hiện được chính sách bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, tiến công về quân sự như bọn đế quốc và thực dân vẫn làm bấy lâu nay đối với một số nước. Đây là một hành động thô bạo không những xâm phạm độc lập chủ quyền của Việt Nam, mà còn can thiệp vào công việc của nước khác và các tổ chức quốc tế.
3 -Duy trì tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam
Song song với các hoạt động phá hoại về kinh tế, chính trị, những người cầm quyền Trung Quốc ráo riết tăng cường sức ép quân sự đối với nước Cộng hoà chủ nghĩa Việt Nam từ mọi phía.
Ở phía bắc, họ đưa thêm quân ra vùng biên giới Việt Trung, tăng cường những vụ khiêu khích vũ trang lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tạo nên tình hình thường xuyên căng thẳng ở vùng biên giới. Nếu số vụ khiêu khích lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam của họ năm 1975 là 234 vụ, gấp rưỡi năm 1974, thì năm 1978 tăng vọt lên 2.175 vụ gấp gần 10 lần.
Ở phía tây nam, theo mệnh lệnh của Bắc Kinh, bè lũ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary khước từ các đề nghị của Việt Nam về việc hai bên thành lập một khu phi quân sự ở gần biên giới, cách ly quân đội của mình và ký một hiệp ước hữu nghị không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, để kiếm cớ duy trì cuộc chiến tranh biên giới chống Việt Nam đồng thời chuẩn bị những cuộc phiêu lưu quân sự qui mô lớn sau này.
Ở phía tây, những người cầm quyền Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngày càng tăng cường gây sức ép đối với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, một nước nhỏ hơn Trung Quốc, luôn luôn theo đuổi chính sách hoà bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Họ nuôi dưỡng bọn tàn quân của lực lượng đặc biệt người Mẹo do CIA tổ chức và chỉ huy trước đây, thông qua đạo quân làm đường của họ để tìm cách can thiệp sâu vào các tỉnh Bắc Lào, vu cáo Việt Nam “thôn tính” Lào, chia rẽ Lào với Việt Nam, đưa nhiều sư đoàn quân áp sát biên giới Lào Trung. Mục tiêu của họ là để tăng thêm sự uy hiếp Việt Nam về quân sự từ phía tây, đồng thời làm suy yếu và khống chế từng bước Lào.
4- Tấn công Việt Nam từ hai hướng
Những mưu đồ trên đây rất thâm độc và có gây khó khăn cho nhân dân Việt Nam nhưng đều đã thất bại, cho nên cuối năm 1978 và đầu năm 1979, những người cầm quyền Trung Quốc đã phải tính đến việc tấn công quân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ hai hướng.
Ở phía tây nam, theo kế hoạch của Bắc Kinh, sau khi tập trung 19 sư đoàn bộ binh (trong tổng số 23 sư đoàn bộ binh) đến sát biên giới Việt Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1978 bè lũ Pôn Pốt Iêng Xary đã sử dụng những sư đoàn tinh nhuệ nhất của chúng, có xe tăng và pháo binh yểm trợ đánh vào khu vực Bến Sỏi thuộc tỉnh Tây Ninh (cách Sài Gòn hơn 100 km), với ý đồ đánh chiếm chớp nhoáng thị xã Tây Ninh, mở đường tiến sâu vào miền nam Việt Nam, đồng thời làm yếu Việt Nam để quân Trung Quốc dễ đánh vào Việt Nam từ phía bắc.
Thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, nhân dân Việt Nam đã làm thất bại hoàn toàn kế hoach quân sự đó. Đồng thời quân và dân Campuchia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, được sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam, đã vươn lên đập tan chế độ diệt chủng tàn bạo Pôn Pốt Iêng Xary và cái gọi là “Chính phủ Campuchia dân chủ”, và ngày 10 tháng 1 năm 1979 lập nên chế độ Cộng hoà nhân dân Campuchia thật sự đại diện cho nhân dân Campuchia.
Ở phía bắc, những người cầm quyền Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân gồm nhiều quân đoàn và nhiều sư đoàn độc lập, nhiều đơn vị binh chủng kỹ thuật với gần 800 xe tăng và xe bọc thép, hàng ngàn khẩu pháo, hàng trăm máy bay các loại của hầu khắp các quân khu của Trung Quốc, điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979 trên toàn tuyến biên giới dài hơn 1.000 km. Quân của bọn phản động Trung Quốc đi đến đâu là tàn sát dân thường, kể cả phụ nữ và trẻ sơ sinh, người già, phá huỷ triệt để các bản làng, chùa chiền, nhà thờ, trường học, vườn trẻ, bệnh viện, nông trường, lâm trường…Chúng đã hành động với sự man rợ của một đạo quân ăn cướp thời trung cổ kết hợp với những thủ đoạn tinh vi của các đạo quân xâm lược của đế quốc ngày nay.
Để lừa gạt dư luận Trung Quốc và dư luận thế giới, những người cầm quyền Bắc Kinh đã tuyên bố rằng đây chỉ là một cuộc “phản kích để tự vệ “ bằng những đơn vị biên phòng. Sự thật đây là một cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện bằng lực lượng chính quy của hầu hết các quân khu của Trung Quốc, có chuẩn bị kỹ càng về các mặt, từ việc xây dựng những công trình quân sự, đường sá, hầm hào, sân bay dọc biên giới Việt Trung đến việc vu cáo Việt Nam, phá hoại tình hữu nghị Việt Trung, kích động tư tưởng đại dân tộc trong nhân dân Trung Quốc hòng biện bạch và che dấu hành động xâm lược của họ. Về mặt đối ngoại, họ cũng chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là họ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược sau khi phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình đi thăm Mỹ và Nhật bản về, thực tế là sau khi tranh thủ được sự đồng tình của Mỹ và Nhật. Mục tiêu đầy tham vọng của họ là: tiêu diệt một bộ phận lực lượng vũ trang của Việt Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng và kinh tế, chiếm đất đai của Việt Nam, kích động bạo loạn.
Hai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà những người cầm quyền Trung Quốc gây ra từ hai hướng là bước leo thang cao nhất trong cả một quá trình hành động tội ác chống độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam từ trước đến nay nhằm làm suy yếu, thôn tính và khuất phục Việt Nam. Trái với mọi tính toán của Bắc Kinh, cuộc chiến tranh xâm lược của họ đã thất bại thảm hại, đã bị toàn thế giới lên án và một bộ phận nhân dân Trung Quốc phản đối. Ngày 5 tháng 3 năm 1979 họ đã buộc phải tuyên bố rút quân và sau đó đã phải nhận ngồi đàm phán với phía Việt Nam.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:50:07 GMT 9
5- Tiếp tục chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn
Những người cầm quyền Trung Quốc đã tuyên bố rút quân về bên kia đường biên giới, nhưng thực tế cho đến nay quân của họ tiếp tục chiếm đóng hơn mười điểm trên lãnh thổ Việt Nam, xây dựng thêm công sự ở các nơi đó, vi phạm trắng trợn đường biên giới do lịch sử để lại mà cả hai bên đã thoả thuận tôn trọng.
Suốt dọc biên giới Việt Trung, họ tiếp tục bố trí nhiều quân đoàn có pháo binh và thiết giáp yểm trợ, tăng cường các phương tiện chiến tranh, ra sức xây dựng các công trình quân sự, thường xuyên diễn tập quân sự, tung các đội thám báo biệt kích xâm nhập nhiều khu vực của Việt Nam. Không ngày nào họ không gây những vụ khiêu khích vũ trang, nổ súng, gài mìn, bắn giết nhân dân địa phương. Có nơi, họ cho bắn súng cối hạng nặng suốt ngày, có nơi họ cho một tiểu đoàn quân chính quy tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam hơn 4 km, bắn giết dân thường, đốt phá nhà cửa và phá hoại hoa màu. Có nơi từng tốp máy bay Trung Quốc bay sâu vào vùng trời Việt Nam từ 8 đến 10 km. Họ bí mật đẩy trở lại Việt Nam những người Hoa đã bị họ cưỡng bức di cư đi Trung Quốc. Những hành động có tính toán đó cùng với các thủ đoạn khác của họ nhằm duy trì tình hình căng thẳng ở vùng biên giới, xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tiếp tục uy hiếp an ninh của nước Việt Nam. Những người cầm quyền Trung Quốc còn nhiều lần đe doạ “cho Việt Nam một bài học thứ hai”, thậm chí “nhiều bài học nữa”. Trên danh nghĩa nào và dựa vào luật pháp nào mà những người cầm quyền Bắc Kinh có quyền cho Việt Nam và dạy cho Việt Nam bài học? Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước độc lập có chủ quyền. Hiến chương Liên hợp quốc, công pháp quốc tế cũng như tập quán quốc tế tuyệt đối không cho phép Trung Quốc làm bất cứ điều gì phương hại đến độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của bất kỳ nước nào khác. Phải chăng vì Trung Quốc nước rộng người đông mà bọn bành trướng Bắc Kinh tự cho phép làm ra luật, đe doạ, khuất phục các nước nhỏ hơn, ít người hơn?
Những người cầm quyền Trung Quốc đã nhận ngồi vào đàm phán với phía Việt Nam để bàn những biện pháp cấp bách bảo đảm hoà bình và an ninh ở vùng biên giới và các vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước. Nhưng ở vòng một tiến hành tại Hà Nội, cũng như ở vòng hai tiến hành tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc vẫn lẫn tránh những đề nghị hợp lý, hợp tình của phía Việt Nam, từ chối bàn đề nghị của phía Việt Nam về những biện pháp cấp bách nhằm chấm dứt các hoạt động khiêu khích vũ trang và bảo đảm hoà bình, ổn định ở vùng biên giới hai nước, tiền đề cấp thiết cho việc tiếp tục giải quyết các vấn đề khác thuộc quan hệ giữa hai nước. Mặt khác, họ đặt điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải từ bỏ đường lối độc lập tự chủ của mình, từ bỏ chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ mới đi vào bàn bạc các vấn đề khác. Đây là thái độ bá quyền nước lớn: họ đến đàm phán không phải để bàn bạc một cách bình đẳng và xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề tranh chấp, mà chỉ để buộc đối phương phải chấp nhận lập trường của mình. Việc những người cầm quyền Trung Quốc đòi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Lào, thậm chí nêu ra “nguyên tắc chống bá quyền” chẳng qua là để che dấu việc họ đưa quân xâm lược Việt Nam, uy hiếp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia, che dấu bộ mặt bá quyền bỉ ổi của họ nhằm thôn tính ba nước ở Đông Dương, dùng Đông Dương làm bàn đạp bành trướng xuống Đông nam châu Á.
Gần đây, những người cầm quyền Trung Quốc giương cao chiêu bài “nhân quyền” của tổng thống Mỹ Catơ, lợi dụng vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài làm một vũ khí mới để chống Việt Nam. Những người Việt Nam đi ra nước ngoài phần lớn là những nhà buôn giàu có và những sĩ quan trước đây sống nhờ Mỹ và chế độ bù nhìn Sài Gòn, những người Hoa do Bắc Kinh dụ dỗ, cưỡng ép ra đi; một số là những người trước đây sống trong xã hội tiêu thụ kiểu Mỹ và nay không chịu nổi những khó khăn do cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và sự phá hoại của bọn bành trướng Bắc Kinh gây ra.
Chính phủ Việt Nam vốn có chính sách nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, không những đối xử nhân đạo với những người Việt Nam đã hợp tác với kẻ thù trong thời gian chiến tranh, mà còn khoan hồng cả đối với những binh sĩ của các đội quân xâm lược bị bắt trong hơn 30 năm qua. Chính phủ Việt Nam hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của vấn đề những người Việt Nam đi ra nước ngoài, đồng thời rất thông cảm các khó khăn của các nước láng giềng trước dòng người di cư đó. Chính vì thế, từ tháng 1 năm 1979, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố cho phép những người có nguyện vọng ra nước ngoài để sum họp gia đình hoặc làm ăn sinh sống được xuất cảnh một cách hợp pháp sau khi đã làm đã làm đầy đủ các thủ tục cần thiết. Mặt khác, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đã cùng cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về vấn đề người tỵ nạn thoả thuận một chương trình 7 điểm được công bố ngày 30 tháng 5 năm 1979, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho những người nói trên ra đi một cách có trật tự và an toàn, đồng thời làm giảm bớt các khó khăn cho các nước ở Đông nam châu Á.
Song cả Bắc Kinh và Oasinhtơn đều huy động bộ máy tuyên truyền khổng lồ và mọi phương tiện chính trị, kinh tế, tài chính của họ, lợi dụng khía cạnh nhân đạo của vấn đề, sử dụng mọi thủ đoạn gian dối, xuyên tạc, kích động để bóp méo sự thật về vấn đề những người Việt Nam đi ra nước ngoài, phát động một chiến dịch quy mô và cực kỳ ghê tởm chống Việt Nam.
Nhưng thủ phạm đích thực của dòng người “di tản” là ai?
Người ta chưa quên rằng Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược có tính chất huỷ diệt chống Việt Nam và khi phải rút đạo quân viễn chinh của họ, họ để lại ở miền nam Việt Nam một đất nước bị tàn phá, một nền kinh tế tê liệt với trên 3 triệu người thất nghiệp, trên 1 triệu người bị tàn phế, 80 vạn trẻ em mồ côi, trên 60 vạn gái điếm, trên 1 triệu thanh niên nghiện ma tuý…
Còn những người cầm quyền Bắc Kinh thì sao ? Chính họ đã trắng trợn gây ra cái gọi là “nạn kiều”, cưởng ép, dụ dỗ người Hoa bỏ nhà bỏ cửa, ruộng đồng, nhà máy để đi Trung Quốc, dùng những tổ chức của Cục Tình báo Hoa Nam để quấy rối về chính trị, đầu cơ tích trữ, nâng giá hàng, in bạc giả nhằm phá hoại nền kinh tế của Việt Nam, chồng chất thêm khó khăn cho người dân miền nam Việt Nam. Trong lúc các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam đang cùng cơ quan Cao uỷ Liên hợp quốc về vấn đề người tỵ nạn tổ chức việc ra đi có trật tự và an toàn, những người cầm quyền Bắc Kinh cho tay sai tổ chức việc ra đi bất hợp pháp, để kêu la rằng Việt Nam “xuất cảng nạn dân” , mặc dù chính họ cho hàng nghìn người Trung Quốc hàng ngày sang Hồng Kông để từ đó đi các nước Đông nam châu Á, và hoàn toàn không đếm xỉa đến số phận 26.000 Hoa kiều bị bọn Pôn Pốt Iêng Xary trục xuất khổi Campuchia. Rất tiếc rằng có những chính phủ, những tổ chức vì không hiểu sự thật ở Việt Nam hoặc vì muốn lấy lòng những người cầm quyền Trung Quốc để buôn bán làm ăn, đã phụ hoạ với chiến dịch kích động và vu cáo của Bắc Kinh!
Chính những kẻ cướp lại đang la làng, những kẻ chà đạp lên nhân quyền và luật pháp quốc tế lại đang giương cao chiêu bài “nhân đạo” để thực hiện mục đích chính trị đen tối của họ. Mục đích của Bắc Kinh là xoá nhoà những tội ác tày trời của họ ở Campuchia và trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, che đậy việc họ kích động người Hoa ở Việt Nam ra đi và “xuất cảng” hàng chục vạn người Trung Quốc ra nước ngoài, gây khó khăn cho các nước ASEAN, chia rẽ các nước ASEAN với Việt Nam, đánh lạc hướng về nguy cơ của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và vai trò của “đạo quân thứ năm” người Hoa ở Đông nam châu Á.
Nhưng đối với những người có lương tri, sự thật vẫn là sự thật. Hiện nay ngày càng có nhiều người thấy được thủ đoạn bẩn thỉu của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh, tỏ ra thông cảm với những khó khăn và hoan nghênh lập trường đúng đắn của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các thế lực đế quốc và phản động, chủ yếu là Oasinhtơn và Bắc Kinh đã thất bại trong âm mưu biến Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ tháng 7 vừa qua về vấn đề người Đông Dương đi ra nước ngoài thành một diễn đàn để vu cáo chống Việt Nam. Những đề nghị của Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tỏ rõ thái độ xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết vấn đề những người di cư, đã được sự đồng tình rộng rãi của đại biểu nhiều nước tôn trọng sự thật và công lý, và đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị là đặt được nền tảng của một giải pháp cho vấn đề như ông Tổng thư ký Liên hợp quốc K. Van hem đã kết luận. Nhưng thực tế còn nhiều khó khăn và phức tạp do những hoạt động phá hoại của các thế lực đế quốc và phản động, trước hết là của Oasinhtơn và Bắc Kinh. Hiện nay trong lúc Bắc Kinh lớn tiếng đe doạ chiến tranh, trắng trợn đòi “chủ quyền” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đế quốc Mỹ đưa hạm đội vào hoạt động ngoài khơi Việt Nam không những để khuyến khích những người ra đi bất hợp pháp, mà còn để phối hợp với Bắc Kinh tronh những âm mưu đen tối của họ ở khu vực biển Đông và Đông nam châu Á.
*
**
Trong 5 năm qua, bằng mọi thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao trực tiếp và gián tiếp, tinh vi và trắng trợn, giấu mặt và công khai, những người cầm quyền Trung Quốc đã không ngừng phá hoại công cuộc xây dựng của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Họ càng thất bại thì càng điên cuồng chống Việt Nam hòng khuất phục nhân dân Việt Nam.
Đây là sự phản bội thứ ba của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam.
PHẦN THỨ NĂM
CHÍNH SÁCH BÀNH TRƯỚNG CỦA BẮC KINH MỐI ĐE DOẠ ĐỐI VỚI ĐỘC LẬP DÂN TỘC, HOÀ BÌNH VÀ ỔN ĐỊNH Ở ĐÔNG NAM CHÂU Á.
I
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, nhân dân hai nước luôn luôn gắn bó, giúp đỡ, cổ vũ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì lợi ích cách mạng của nhân dân mỗi nước. Nhân dân Việt Nam đã ủng hộ nhân dân Trung Quốc về chính trị và tinh thần, có lúc đã phối hợp chiến đấu cùng với nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhân dân Trung Quốc, mặc dầu còn có nhiều khó khăn, nhất là trong những năm đầu của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đã dành sự giúp đỡ to lớn cho nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược.
Nhân dân Việt Nam rất quý trọng và luôn luôn giữ gìn, vun đắp cho mối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đời đời bền vững. Nhân dân Việt Nam không hề xâm phạm độc lập, chủ quyền, lãnh thổ của nhân dân Trung Quốc, không hề can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Đối với những vấn đề bất đồng về quan điểm hoặc những hành động sai trái do những người lãnh đạo Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam, phía Việt Nam đã cố gắng và bền bỉ tìm cách giải quyết bằng con đường thảo luận nội bộ giữa hai bên.
Mặc dầu những người lãnh đạo Trung Quốc đang tâm phá hoại tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ to lớn mà nhân dân Trung Quốc đã dành cho nhân dân Việt Nam và rất mong muốn tình hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước sớm được khôi phục. Trong các cuộc đàm phán để giải quyết những vấn đề trong quan hệ giữa hai nước, phía Việt Nam luôn luôn xuất phát từ lòng mong muốn tha thiết đó của nhân dân Việt Nam. Lập trường trước sau như một của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là sớm khôi phục quan hệ bình thường giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mỗi nước và vì lợi ích của hoà bình ổn định ở Đông nam châu Á và trên thế giới.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:51:03 GMT 9
II
Tóm lại, trong 30 năm qua, những người cầm quyền Trung Quốc đã ba lần phản bội nhân dân Việt Nam :
1- Tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, họ đã bán rẻ lợi ích dân tộc của nhân dân Việt Nam, không những để bảo đảm cho nước họ một vành đai an ninh ở phía nam, mà còn để chuẩn bị địa bàn cho việc thực hiện mưu đồ bành trướng ở Đông Dương và Đông nam châu Á. Họ muốn duy trì tình trạng Việt Nam bị chia cắt lâu dài, hòng làm cho Việt Nam suy yếu và phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
2- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ thì họ bật đèn xanh cho Mỹ ném bom miền bắc Việt Nam, đồng thời đưa quân Mỹ trực tiếp xâm lược miền nam Việt Nam. Khi Việt Nam muốn ngồi vào thương lượng với Mỹ để phối hợp ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao thì họ ngăn cản. Khi nhân dân Việt Nam đang trên đà đi tới thắng lợi hoàn toàn thì họ bắt tay với chính quyền Níchxơn, dùng xương máu của nhân dân Việt Nam để đưa nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa lên địa vị “siêu cường thứ ba” và đổi chác lấy việc giải quyết vấn đê Đài Loan.
3 Sau khi nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền nam khỏi ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ và thống nhất nước nhà, họ đã dùng mọi thủ đoạn chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao để làm suy yếu nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, tiến đến dùng lực lượng quân sự của bè lũ tay sai Pôn Pốt Iêng xary xâm lược Việt Nam ở phía tây nam và lực lượng quân sự của Trung Quốc trực tiếp xâm lược Việt Nam ở phía bắc, giết hại nhân dân Việt Nam, phá hoại nghiêm trọng các cơ sở kinh tế, văn hoá của Việt Nam ở các vùng có chiến sự.
Ba lần họ phản bội Việt Nam, lần sau độc ác, bẩn thỉu hơn lần trước!
Đối với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, những người cầm quyền Trung Quốc cũng đã phản bội độc ác và bẩn thỉu. Họ đã hy sinh lợi ích dân tộc của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia tại Hội nghị Giưonevơ năm 1954. Trong thời kỳ sau Giơnevơ, họ ngăn cản nhân dân Lào và nhân dân Campuchia đấu tranh cho độc lập dân tộc, hoà bình, trung lập . Khi nhân dân Campuchia hoàn toàn giải phóng đất nước ngày 17 tháng 4 năm 1975, họ đã dùng bọn tay sai Pôn Pốt Iêng Xary để thực hiện chính sách diệt chủng, biến Campuchia thành một nước chư hầu kiểu mới, một căn cứ quân sự để từ đó tiến công nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở phía tây nam. Đối với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, họ phá hoại công cuộc xây dựng hoà bình của nhân dân Lào, trang bị và giúp đỡ các lực lượng phản động ở Lào gây rối loạn, đưa nhiều sư đoàn áp sát biên giới Lào Trung, hòng ép nhân dân Lào đi vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Họ chia rẽ nhân dân ba nước Việt nam, Lào, Campuchia hòng làm suy yếu và thôn tính từng nước.
Để che giấu bộ mặt phản động của họ, những người cầm quyền Bắc Kinh thường hay nhắc đến việc Trung Quốc viện trợ cho nước Việt Nam, thậm chí khoe rằng quân đội của họ đã “chiến đấu ở Điện Biên Phủ”…Nhân dân Trung Quốc đã dành môt phần thành quả lao động của mình để giúp đỡ nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng đất nước, đó là điều mà nhân dân Việt Nam trong bất cứ tình huống nào, mãi mãi không bao giờ quên. Đối với nhân dân Việt Nam, đó là biểu hiện cao đẹp của mối tình đoàn kết chiến đấu của những người chung cảnh ngộ, nhưng đối với tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh đó là một công cụ chính trị để thực hiện chính sách bành trướng của họ ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương. Thực tế đã chỉ rõ họ đã sử dụng viện trợ đó khi thì như một “củ cà rốt”, khi thì như một “cái gậy”, tuỳ theo yêu cầu chính trị từng lúc của họ.
Vả lại không chỉ có vấn đề Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam.
Những người lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng, nói đến cám ơn thì nhân dân Trung Quốc phải cám ơn nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều, cống hiến nhiều đối với nhân dân Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc phải cám ơn và có nghĩa vụ giúp đỡ, ủng hộ nhân dân Việt Nam. Nhân dân hai nước giúp đỡ lẫn nhau.
Về việc tổng thống Ních xơn đi thăn Trung Quốc năm 1972, chủ tịch Mao Trạch Đông đã nói với những người lãnh đạo Việt Nam tháng 6 năm 1973 như sau:
“ Thành thực mà nói, nhân dân Trung Quốc, Đảng cộng sản Trung Quốc và nhân dân thế giới phải cám ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Mỹ. Các đồng chí chiến thắng mới buộc Níchxơn phải đi Bắc Kinh”
Về việc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa vào Liên hợp quốc năm 1971, thủ tướng Chu Ân Lai đã nói trong cuộ hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam tháng 11 năm 1971:
“ Cống hiến của Việt Nam là rất lớn. Chúng ta gắn bó với nhau”
Lịch sử-và trước hết là đội quân viễn chinh Pháp-đã trả lời rõ ràng câu hỏi: ai đã chiến đấu và chiến thắng ở Điện Biên Phủ năm 1954? Điều cần nói thêm là trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chính phủ Trung Quốc có phái một số cố vấn sang Việt Nam, và trong những năm 1960 Bắc Kinh có đưa sang Việt Nam một lực lượng gọi là “bộ đội hậu cần” để giúp Việt Nam sửa những đoạn đường sắt và đường bộ giáp Trung Quốc bị bom Mỹ phá hỏng và làm một số đường mới ở vùng biên giới hai nước. Nhưng mặt chủ yếu họ làm là điều tra tình hình các mặt, thâm nhập những vùng có các dân tộc thiểu số và tuyên truyền “cách mạng văn hoá”. Phần lớn những gián điệp và “bộ đội sơn cước” mà phía Việt Nam đã bắt được trong tháng 2, tháng 3 vừa qua chính là những tên “bộ đội làm đường” Trung Quốc trước đây.
Từ sự phản bội ở Hội nghị Giơnevơ 1954, việc lợi dụng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam đến việc dựng lên chế độ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary, vũ trang xâm lược Việt Nam và uy hiếp xâm lược Lào, tất cả đều do:
một tư tưởng chỉ đạo : chủ nghĩa đại dân tộc
một chính sách : ích kỷ dân tộc
một mục tiêu chiến lược: chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và chủ nghĩa bá quyền nước lớn.
Cụ thể là họ mưu toan thôn tính Việt Nam và toàn bộ Đông Dương, lấy đó làm bàn đạp tiến xuống Đông nam châu Á và từng bước triển khai chiến lược toàn cầu của họ.
Để đạt mục tiêu bành trướng và bá quyền của họ, những người cầm quyền Bắc Kinh đã nâng lừa dối và bịp bợm thành một quốc sách, một thủ đoạn chiến lược. Về phương diện này, từ chỗ là những người học trò của Gơben (bộ trưởng tuyên truyền của Hítle), họ đã trở thành người thầy của Gơben. Họ gán cho người khác những điều mà họ muốn làm. Họ đổ vấy cho người khác những điều mà chính họ làm. Họ dựng đứng sự việc, xuyên tạc tài liệu, bóp méo lịch sử. Họ đổi trắng thay đen, đảo ngược phải trái và cứ thế mà tuyên truyền bằng bộ máy thông tin khổng lồ và mọi phương tiện khác. Họ giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa xã hội nhưng lại chống chủ nghĩa xã hội. Họ hò hét chống chủ nghĩa đế quốc nhưng chính họ bắt tay với đế quốc Mỹ. Họ kêu la phải chống hai siêu cường nhưng lại câu kết với đế quốc Mỹ để chống Liên Xô. Họ nói chống chủ nghĩa bá quyền, nhưng chính họ mưu toan thực hiện chủ nghĩa bá quyền ở Đông Dương và Đông nam châu Á. Họ đưa quân xâm lược nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng lại vu cáo Việt Nam “xâm lược” Trung Quốc. Họ tỏ vẻ “bảo vệ nhân quyền”, quan tâm đến “những người Đông Dương di tản”, nhưng chính họ đã giết hại hàng triệu người Trung Quốc trong cuộc “đại cách mạng văn hoá", đã xúi giục hơn 20 vạn người Hoa bỏ Việt Nam đi Trung Quốc. Đối với những người cầm quyền Bắc Kinh, luận điệu của họ là chân lý, lợi ích của họ là đạo lý. “Quan châu được đốt đèn, dân đen không được nổi lửa”, câu nói đó của những người nông dân Trung Quốc dùng trước đây để chỉ trích sự áp bức của bọn bạo chúa phong kiến đã trở thành phương châm của những người cầm quyền Bắc Kinh hiện nay nhằm thực hiện tham vọng bành trướng và bá quyền của họ.
Hiện nay, những người lãnh đạo Trung Quốc đang ra sức nêu cao ngọn cờ đại dân tộc để tập hợp các phe phái, thực hiện kế hoạch “bốn hiện đại hoá”. Về đối ngoại, họ ra sức thực hiện chính sách bành trướng ở Đông Dương và Đông nam châu Á, câu kết với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động khác, trước hết là Mỹ, chống Liên Xô và cách mạng thế giới, với hy vọng tranh thủ được nhièu vốn và kỹ thuật hiện đại của phương tây, phục vụ cho “bốn hiện đại hoá” và mưu đồ bành trướng và bá quyền của họ.
Một Trung Quốc bị đầu độc bởi tư tưởng đại dân tộc, chủ nghĩa bành trướng và bá quyền của những người cầm quyền, bất kể phát triển theo con đường nào, không phải chỉ đe doạ độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước ở Đông Dương, Đông nam châu Á và Nam Á, đe doạ hoà bình, ổn định ở khu vực này, mà còn đe doạ lợi ích nhiều mặt của các nước khác, kể cả các nước, vì lợi ích trước mắt, đang phụ hoạ với những người cầm quyền Trung Quốc chống Việt Nam, Lào và Campuchia. Một số người thức thời trong các nhà chính trị và kinh doanh phương tây mới cảnh cáo chính phủ họ về hậu quả nặng nề có thể xảy ra khi đất nước Trung Quốc lại lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ mới, nhưng họ chưa nói tới những hậu quả còn nặng nề gấp bội đối với lợi ích của các nước trên thế giới do chính sách bành trướng của những người lãnh đạo Trung Quốc gây ra.
Trong hàng nghìn năm qua, nước Việt Nam đã bị các hoàng đế Trung Quốc xâm lược hàng chục lần, nhân dân Việt Nam hiểu rõ những ý đồ đen tối của những người lãnh đạo Trung Quốc, cho nên không một phút nào là không cảnh giác đối với họ. Thậm chí trong lúc đế quốc Mỹ đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên đến đỉnh cao nhất, nhân dân Việt Nam đứng trước những khó khăn chồng chất, nhưng đã thẳng thắn khước từ những đề nghị của những người lãnh đạo Trung Quốc đưa sang Việt Nam 20 vạn quân và số ô tô cần thiết để đảm nhiệm việc vận chuyển quân sự từ miền bắc vào miền nam Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn luôn giữ vững đường lối độc lập, tự chủ của mình không gì lay chuyển được, bất chấp sức ép dù là che dấu hay công khai, gián tiếp hay là trực tiếp của những người cầm quyền Trung Quốc.
III
Mặc dù cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979 đã thất bại thảm hại cả về quân sự và chính trị, những người lãnh đạo Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách điên cuồng chống Việt Nam bằng mọi thủ đoạn. Phía Trung Quốc vẫn giữ thái độ nước lớn trong cuộc đàm phán về những vấn đề thuộc quan hệ giữa hai nước, vẫn ngang ngược đe doạ “cho Việt Nam một bài học nữa” . Đồng thời họ tích cực tìm cách khôi phục chế độ diệt chủng Pôn Pốt Iêng Xary đã bị nhân dân Campuchia lật đổ hoàn toàn, đe doạ xâm lược nước Cộng hò dân chủ nhân dân Lào nhằm duy trì sự uy hiếp từ mọi phía đối với Việt Nam.
“ Không có gì quý hơn độc lập tự do” Nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế đúng đắn của mình, quyết đập tan mọi hành động xâm lược của bất kỳ thế lực phản động nào, quyết làm thất bại mọi mưu đồ bành trướng nhằm khuất phục nhân dân Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam có chính nghĩa, lại có sức mạnh vô địch của khối đoàn kết toàn dân, kết hợp với sức mạnh của ba dòng thác cách mạng vĩ đại đã và đang đẩy lùi từng bước các âm mưu can thiệp, nô dịch và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền, ngày càng làm thay đổi bản đồ châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh. Bọn bành trướng Bắc Kinh nếu không sớm rút ra những kết luận cần thiết từ sự thất bại của chính sách chống Việt Nam vừa qua, thì nhất định sẽ chuốc lấy những thất bại mới nặng nề hơn. Trong thời đại ngày nay, các nước lớn nhỏ đều là bộ phận của một tổng thể duy nhất của xã hội loài người. Bọn bành trướng Bắc Kinh không thể đụng đến Việt Nam mà không khiêu khích cả loài người, không thách thức cả hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc và mặt trận nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc và nhân dân yêu chuộng hoà bình và chính nghĩa trên thế giới đã và sẽ đứng về phía nhân dân Việt Nam.
Bằng chính sách bịp bợm “ thân xa đánh gần” của các hoàng đế Trung Quốc và nhiều thủ đoạn xảo quyệt khác, những người cầm quyền Trung Quốc có thể còn che dấu được bộ mặt bành trướng của họ trong một thời gian. Nhưng sớm muộn nhân dân các nước ở Đông nam châu Á sẽ hiểu rằng chính sách thù địch của Bắc Kinh chống Việt Nam đe doạ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không phải chỉ của riêng Việt Nam, mà của cả các nước trong khu vực. Mọi người chắc chưa quên rằng Bắc Kinh đã dùng “đạo quân thứ năm” người Hoa để gây rối loạn về chính trị, kinh tế ở nhiều nước thuộc Đông nam châu Á trước khi áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay trong lúc họ tập trung cố gắng để chống Việt Nam, họ chẳng đang can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của nhiều nước khác ở châu Á đó sao?
Những người cộng sản chân chính ở Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc trong 30 năm tồn tại của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã luôn luôn bị các tập đoàn thống trị lừa dối, sớm muộn sẽ nhận ra chân lý và sẽ đứng về phía nhân dân Việt Nam, sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, góp phần bảo vệ hoà bình và ổn định ở Đông nam châu Á và trên thế giới tuy lâu dài, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang.
Nước Việt Nam ngày nay sẽ đứng vững và tiếp tục phát triển trước mọi mưu ma chước quỷ của những người cầm quyền Bắc Kinh, cũng như nước Việt Nam bốn nghìn năm qua đã đứng vững và phát triển trước những cuộc xâm lược liên tiếp của các hoàng đế Trung Quốc.
Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ sống trong hoà bình, hữu nghị và hợp tác, hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước và hợp với lợi ích của hoà bình ở Đông nam châu Á và trên thế giới.
Tháng 10 năm 1979
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:54:18 GMT 9
Quan hệ Xô Trung và cuộc xung đột Trung-Việt tháng 2/1979 Bruce Elleman
20/4/1996
Ngưòi dịch: Đỗ Thúy
Trong cuốn Defending China (Bảo vệ Trung Quốc) phát hành năm 1985, Gerald Segal kết luận rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của Trung Quốc năm 1979 là một thất bại hoàn toàn: “Trung Quốc đã không thể buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia, không chấm dứt được các cuộc đụng độ ở biên giới, không tạo được sự nghi ngờ về sức mạnh của Liên Xô, không xua đi được hình ảnh về Trung Quốc là một con hổ giấy, và không kéo được Mỹ vào một liên minh chống Liên Xô.
Với mục đích phản bác quan điểm nêu trên rằng chính sách của Bắc Kinh là một sai lầm, bài viết này sẽ đánh giá lại vai trò trung tâm của mối quan hệ Trung-Nga đối với quyết định tấn công Việt Nam của Trung Quốc. Quan trọng nhất, bài viết sẽ chỉ ra việc chọn thời điểm 17/2 của Trung Quốc để tấn công Việt Nam là có liên hệ với dấu mốc 29 năm ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950.
Cần nhớ lại rằng ngày 14/2/1950, Bắc Kinh và Mátxcơva ký một hiệp ước 30 năm trong đó có những điều khoản bí mật ủng hộ Liên Xô đóng vai trò lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới. Khi Mátxcơva sau đó từ chối đàm phán trở lại các tranh chấp lãnh thổ Xô-Trung, việc này đã dẫn tới các vụ đụng độ ở biên giới hai nước, mà quan trọng nhất là thời kỳ cuối thập kỷ 1960.
Các học giả phương Tây thường không thấy được rằng kể cả trong thời kỳ diễn ra những căng thẳng này trong quan hệ Xô-Trung, Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ năm 1950 vẫn có đầy đủ hiệu lực trong suốt toàn bộ thời kỳ bất ổn này. Ít nhất từ quan điểm của Bắc Kinh, Hiệp ước Xô-Trung 1950 vẫn là một công cụ chính để cho Mátxcơva tìm cách áp đặt bá quyền đối với Trung Quốc.
Mátxcơva rõ ràng quan ngại điều gì sẽ xảy ra khi hiệp ước Xô-Trung không còn hiệu lực sau 30 năm. Bắt đầu từ năm 1969, Liên Xô thường xuyên hối thúc Trung Quốc thay thế hiệp ước năm 1950 bằng một hiệp ước mới. Năm 1978, các lực lượng Liên Xô được tăng cường dọc theo biên giới Xô-Trung và Trung Quốc-Mông Cổ. Mátxcơva cũng tìm cách buộc Bắc Kinh phải chấp nhận các điều kiện do mình đặt ra bằng cách tăng cường quan hệ ngoại giao với Hà Nội, ký hiệp ước phòng thủ có giá trị 25 năm với Việt Nam vào ngày 3/11/1978.
Tuy nhiên, thay vì xuống nước, Trung Quốc tuyên bố ý định tấn công Việt Nam vào ngày 15/2/1979, ngày đầu tiên mà Trung Quốc có thể kết thúc một cách hợp pháp Hiệp ước Xô-Trung 1950 và tấn công Việt Nam ba ngày sau đó. Khi Mátxcơva không can thiệp, Bắc Kinh tuyên bố công khai rằng Liên Xô đã không thực hiện nhiều lời hứa trợ giúp Việt Nam. Việc Liên Xô không trợ giúp Việt Nam đã khiến Trung Quốc mạnh dạn tuyên bố vào ngày 3/4/1979 ý định chấm dứt Hiệp định Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950.
Thay vì chấp nhận ý kiến rằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc là một thất bại hoàn toàn, bài viết này sẽ chỉ ra rằng một trong các mục tiêu ngoại giao chính đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là để người ta thấy rằng việc đảm bảo trợ giúp quân sự của Liên Xô đối với Việt Nam chỉ là dối trá. Dưới góc độ này thì chính sách của Bắc Kinh là một thành công thực sự, do Mátxcơva đã không tích cực can thiệp, và do đó thể hiện những hạn chế trên thực tế của hiệp ước quân sự Xô-Việt. Kết quả là, bài viết này sẽ chỉ ra rằng Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng chiến lược bằng việc giảm thiểu khả năng trong tương lai của một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận chống Liên Xô và Việt Nam, và cũng là một thằng lợi ngoại giao bằng việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950.
Bài viết này cũng sẽ đánh giá lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng việc Liên Xô đã không can thiệp chống Trung Quốc đã cho thấy Liên Xô thực chất chỉ là “một con gấu giấy.” Các tư liệu được giải mật gần đây của Liên Xô có xu hướng phù hợp với tuyên bố của Trung Quốc, nó đưa đến một câu hỏi quan trọng là liệu BắcKinh đã xác định được chính xác những dấu hiệu ở Viễn Đông về sự suy yếu trong nội bộ của Mátxcơva – chính sự suy yếu cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 – hay chưa vào năm 1979 – nhiều năm trước khi bằng chứng về sự suy yếu này trở nên rõ ràng trên vũ đài châu Âu. Nếu như vậy thì tồn tại khả năng rằng “sự bắt đầu kết thúc” của Chiến tranh Lạnh thực sự diễn ra ở châu Á.
Sơ lược lịch sử quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1960
Quan hệ Xô-Trung cuối những năm 1960 xấu đi không chỉ bởi sự bất đồng sâu sắc về quy chế của vùng Ngoại Mông (Outer Mongolia), mà còn bởi rất nhiều tranh chấp chủ quyền dọc theo biên giới Xô-Trung. Thực tế, những xung đột này đã mang mầm mống ung nhọt bên dưới bề mặt của mối quan hệ Xô-Trung trong hơn một thế kỷ, kể từ khi Đế chế Nga buộc Trung Quốc phải ký một loạt các hiệp ước nhượng lại nhiều phần lãnh thổ rộng lớn của mình. Theo tác giả S. C. M Paine trong cuốn Imperial Rivals (Các đế quốc đối thủ) sắp phát hành: “Đối với Trung Quốc, những phần lãnh thổ bị mất là rất lớn: một vùng rộng hơn cả phần phía đông sông Mississipi của nước Mỹ đã trở thành lãnh thổ của Nga, hoặc, như trong trường hợp Ngoại Mông, đặt dưới sự bảo hộ của Nga.”
Trên thực tế, các bản được công bố của hiệp ước Xô-Trung đã không đưa vào các nghị định thư bí mật. Ấn bản Mùa đông 1995 của Bản tin Dự án Nghiên cứu Lịch sử Quốc tế thời Chiến tranh Lạnh (Cold War International History Project Bulletin) có trích một đoạn lời của Mao Trạch Đông nói về các cuộc đàm phán bí mật Xô-Trung:
Trong các cuộc đàm phán, theo sáng kiến của Stalin, Liên Xô đã tìm cách chiếm quyền sở hữu chính đối với Railway Changchun (tức Harbin). Tuy nhiên, sau đó một quyết định được đưa ra về việc khai thác chung … Railway, bên cạnh đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trao cho Liên Xô căn cứ hải quân ở Cảng Arthur, và bốn công ty cổ phần được mở ở Trung Quốc. Theo sáng kiến của Stalin, … Manchuria và Xinjiang trên thực tế được đưa vào phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.
Do đó, mặc dù phần công khai của Hiệp ước Xô-Trung 1950 đã được biết đến từ lâu, nhưng cũng không rõ có bao nhiêu nghị định thư bí mật đã được ký kết. Cho đến nay, các nghị định thư này chưa bao giờ được công bố. (Bruce Elleman, “Sự kết thúc của Đặc quyền Ngoại giao ở Trung Quốc: Trường hợp của Liên Xô, 1917-1960,” Nước Trung Hoa Cộng hòa (sắp phát hành, Spring 1996).
Ngày15/2/1950, Mao miễn cưỡng đồng ý công nhận “quy chế độc lập” của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ. Tuy nhiên, việc này không hề có nghĩa là công nhận sự độc lập hoàn toàn của Mông Cổ đối với Trung Quốc, vì Mao tin chắc rằng chính phủ Liên Xô trước đó đã hứa trả Mông Cổ về cho Trung Quốc. Dựa trên những phàn nàn sau này của Mao, có thể thấy hẳn Mao đã nhận được sự đảm bảo từ Stalin rằng tình trạng của Mông Cổ, cũng như vị trí đích xác của các đường biên giới Trung Quốc-Mông Cổ và Trung Quốc-Liên Xô, sẽ được bàn thảo trong các cuộc gặp trong tương lai. Do đó, chính việc Mátxcơva từ chối mở các cuộc đàm phán với Bắc Kinh cuối cùng đã dẫn đến những cuộc đụng độ trong các thập kỷ 1950 và 1960. Dù vấn đề biên giới Trung Quốc-Mông Cổ đã được giải quyết năm 1962, Mao vẫn công khai lên án những hành động xâm lấn của Liên Xô vào lãnh thổ Trung Quốc và phản đối việc Liên Xô kiểm soát Mông Cổ rằng: “Liên Xô, với lý do đảm bảo sự độc lập của Mông Cổ, trên thực tế đã đặt đất nước này dưới sự thống trị của mình.”
Cuối những năm 1960, trong một loạt các sự cố ở biên giới dọc theo các con sông Ussuri và Amur, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thể hiện sự kiên cường đáng ngạc nhiên trước Hồng Quân Liên Xô. Các cuộc xung đột này tuy nhỏ về phạm vi và không có kết cục rõ ràng, nhưng đã dẫn đến các cuộc xung đột lãnh thổ sau này ở Xinjiang dọc biên giới Trung Quốc với Liên Xô.
Mặc dù căng thẳng trong quan hệ Xô-Trung lớn đến mức nhiều học giả phương Tây gọi đó là “chia rẽ”, nhưng Hiệp ước Xô-Trung 1950 vẫn tiếp tục có hiệu lực. Trên thực tế, hiệp ước này, gồm cả các nội dung được công bố công khai lẫn các phần bí mật, vẫn là nền móng làm cơ sở cho quan hệ Xô-Trung. Tuy nhiên, nền móng này không vững chắc ngay từ ban đầu, do Liên Xô đã từ chối trả lại các phần lãnh thổ mà Sa Hoàng đoạt được trước đây về cho Trung Quốc. Có thể cho rằng chính vấn đề này chứ không phải điều gì khác đã kiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên án “bá quyền” của Liên Xô ở vùng Viễn Đông. Và cũng chính vấn đề này đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1970.
Quan hệ Xô-Trung trong những năm 1970
Những tranh chấp biên giới Xô-Trung cuối những năm 1960 làm Mátxcơva và Bắc Kinh lo lắng, vì cả Liên Xô và Trung Quốc đều là các cường quốc hạt nhân; dường như có một sự đồng thuận không chính thức là không bên nào dùng đến sức mạnh không quân. (Christian F. Ostermann, "New Evidence on The Sino-Soviet Border Dispute," Cold War International History Project Bulletin, Issue 5 (Spring 1995), 186-193.)
Tuy nhiên, các xung đột biên giới Xô-Trung này đã để lại những hậu quả rất lớn về xã hội, khiến cả hai quốc gia phải sử dụng những nguồn lực hiếm hoi để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra hoặc cho sự leo thang quân sự trong tương lai dọc theo các đường biên giới chung. Sự vững tin mới có được của PLA về khả năng có thể chống chọi được Hồng Quân Liên Xô cũng cho phép Bắc Kinh có cơ hội trong năm 1971 thực hiện chính sách đối ngoại mới thúc đẩy quan hệ thân thiện với Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng nỗ lực để cải thiện quan hệ với Nhật Bản, ký kết một hiệp ước vào tháng 8/1978 với nội dung dường như có tính chất chỉ trích chính sách đối ngoại của Liên Xô ở châu Á bằng việc lên án đích danh “chủ nghĩa bá quyền”. Cuối cùng, những căng thẳng Xô-Trung cũng đưa đến một số cuộc chiến tranh qua tay người khác ở Đông Nam Á, chẳng hạn như cuộc xung đột cuối những năm 1970 giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như khiến Trung Quốc phải chấp nhận vai trò cường quốc khu vực của mình, trong đó thể hiện rõ nhất bằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 nhằm cản trở ảnh hưởng đang tăng lên của Liên Xô.
Trong suốt những năm 1970, những căng thẳng Xô-Trung vẫn ở mức cao. Trong thời kỳ này, Mátxcơva cố gắng thuyết phục Bắc kinh đàm phán một hiệp ước mới hỗ trợ, hoặc thay thế, Hiệp ước Xô-Trung năm 1950. Bắt đầu từ năm 1969 và 1970, Mátxcơva đề xuất rằng hai bên cam kết không tấn công lẫn nhau, và đặc biệt là không dùng đến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh không thể hiện bất cứ sự quan tâm nào đến thỏa thuận này, năm 1971 Mátxcơva đề xuất việc hai nước kí một hiệp ước mới cùng nhau từ bỏ việc sử dụng vũ lực. Sau đó, năm 1973 Mátxcơva thể hiện sự quan tâm bằng đề xuất cụ thể rằng hai nước ký một hiệp ước không tấn công lẫn nhau; Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ các bước đi của Mátxcơva.
Khi thời hạn 30 năm của Hiệp ước Xô-Trung sắp kết thúc, các nỗ lực của Liên Xô nhằm thay thế hiệp ước này tăng lên đáng kể. Thí dụ, ngày 24/2/1978, Mátxcơva công khai đè xuất hai chính phủ ra một tuyên bố về các nguyên tắc cho quan hệ Xô-Trung. Các nguyên tắc này bao gồm: 1) bình đẳng; 2) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; 3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; 4) không sử dụng vũ lực. Mátxcơva rõ ràng hy vọng rằng một tuyên bố như vậy có thể được sử dụng để thay thế cho Hiệp ước Xô-Trung 1950 nhằm điều chỉnh các quan hệ Xô-Trung. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất trong các đề xuất của Liên Xô rõ ràng là nhằm hạn chế, hoặc thậm chí là làm giàm, ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở châu Á. (Theo Chang Pao-min, khía cạnh này trong chính sách của Liên Xô đối với Trung Quốc là điều hấp dẫn nhất đối với Việt Nam, thậm chí còn trích lời một quan chức Việt Nam nói rằng: “Rõ ràng lợi ích của Liên Xô có sự song trùng rất lợi với lợi ích của Việt Nam – giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong phần này của thế giới.” Chang Pao-min, Kampuchea Between China and Vietnam (Singapore, Singapore University Press, 1985), 46-47.)
Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối mọi lời đề nghị của Mátxcơva và trong suốt những năm 1970 Trung Quốc lên án Liên Xô bằng những lời lẽ mạnh bạo hơn. Thí dụ, tháng 2/1974, Mao Trạch Đông công khai kêu gọi thành lập một liên minh “thế giới thứ ba” chống lại cái gọi là “thế giới thứ nhất”, trong trường hợp này bao giồm cả Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mao chết, tờ Nhân dân Nhật báo ra ngày 1/11/1977 có bài viết coi Liên Xô là kẻ thù nguy hiểm nhất của Trung Quốc trong khi Mỹ được coi là một đồng minh. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa – trong đó đặc biệt là Việt Nam (“Sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau năm 1975 và liên minh hiện tại của Việt Nam với Liên Xô có thể xuất phát từ sự phản kháng của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc đòi Việt Nam phải chọn một trong hai bên.” Ramesh Thaku and Carlyle Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam (New York, St. Martin's Press, 1992), 287) – cũng được coi là các đồng minh tiềm năng trong một “mặt trận thống nhất” chống Liên Xô. Cuối cùng, ngày 26/3/1978, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mátxcơva, ben cạnh việc thừa nhận sự tồn tại của “các khu vực tranh chấp” dọc đường biên giới Xô-Trung, phải rút hoàn toàn quân đội của mình khỏi Cộng hòa Nhan dân Mông Cổ, cũng như rút khỏi đường biên giới Xô-Trung.
Đáp lại trước những đòi hỏi của Trung Quốc, đầu tháng 4/1978 Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev đi thăm Siberia và thông báo rằng các thiết bị mới, tân tiến hơn đã được cung cấp cho các đơn bị tên lửa đóng dọc theo biên giới Xô-Trung. Theo Brezhnev, các vũ khí mới sẽ là phương tiện để “tự bảo vệ chúng tôi và những người bạn xã hội chủ nghĩa chống lại sự xâm lược có thể xảy ra từ bất cứ quốc gia nào.” Ngay sau đó, ngày 12/4/1978, Ulan Bator cũng công khai phản đối những đòi hỏi của Bắc Kinh, tuyên bố rằng Liên Xô đã bổ sung quân đội tới các bị trí dọc theo đường biên giới Mông Cổ-Ấn Độ theo đề nghị của Mông Cổ nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng quân ở vùng phía nam biên giới.
Đúng như những gì mà các sự kiện này cho thấy một cách khá rõ ràng, đến năm 1978 những căng thẳng biên giới Xô-Trung đã tăng lên đáng kể, chủ yếu là do việc Liên Xô tăng cường điều quân đóng dọc theo biên giới Xô-Trung và tại Mông Cổ. Ở phạm vi lớn hơn, tình trạng này có thể được giải thích bằng những nỗ lực không ngừng của Mátxcơva nhằm ép Bắc Kinh không chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung 1950, điều đã diễn ra trong năm 1979, hoặc tốt hơn là đàm phán một hiệp ước mới với những nguyên tắc làm cơ sở cho quan hệ Xô-Trung trong tương lai. Tuyên bố của Brezhnev rằng ông có ý định sử dụng các lực lượng Xô Viết chống lại Trung Quốc vì “những người bạn xã hội chủ nghĩa” của Mátxcơva cũng là một lời cảnh báo tới Bắc Kinh để họ phải buông Mông Cổ cũng như các đồng minh của Mátxcơva ở Đông Nam Á.
Trung Quốc không những không khuất phục dưới sức ép ngoại giao và quân sự của Liên Xô mà còn tìm cách gây áp lực ngoại giao lại với Mátxcơva bằng việc củng cố quan hệ với cả Mỹ và Nhật Bản. Có thể nói rằng chính sách của Bắc Kinh đã thành công hơn và kết quả là việc Bắc Kinh ký các thỏa thuận quan trọng với cả Oasinhtơn và Tôkiô. Đối với Mátxcơva, rõ ràng các thỏa thuận mới này của Trung Quốc là nhằm chống Liên Xô, do – ít nhất trong trường hợp hiệp ước Trung-Nhật - cả hai bên trực tiếp lên án “chủ nghĩa bá quyền”, thuật ngữ mà Trung Quốc thường dùng để chỉ sự bành trướng của Liên Xô. Đối sách của Liên Xô là tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Đông Nam Á có biên giới chung với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Việt Nam.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:55:10 GMT 9
Quan hệ Xô-Trung và Việt Nam tháng 2/1979
Mặc dù Trung Quốc có thể không phải là một bên tham gia trong cuộc xung đột Việt Nam những năm 1960 và 1970, nhưng sự giúp đỡ về kinh tế và vật chất của Trung Quốc cho Việt Nam đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trung Quốc không chỉ cử binh lính sang giúp Việt Nam duy trì các đường tiếp tế, mà ước tính sự giúp đỡ về vật chất của Bắc Kinh cho Hà Nội từ năm 1950 đến 1978 đã vượt quá 20 tỉ USD (King C. Chen, China's War with Vietnam, 1979 (Stanford, CA, Hoover Institution Press, 1987), 27). Do vậy, không mấy khó hiểu tại sao Bắc Kinh cảm thấy phật ý trước quan hệ ngày càng gần gũi giữa Mátxcơva và Hà Nội cuối những năm 1970.
Điều này đặc biệt đúng sau khi hai nước ký một hiệp ước phòng thủ chung vào ngày 3/11/1978 mà rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Theo một học giả, liên minh Xô-Việt đã khiến Việt Nam trở thành chiếc “trục” trong “cỗ xe kiềm chế Trung Quốc” của Liên Xô. (Robert A. Scalapino, "The Political Influence of the USSR in Asia," in Donald S. Zagoria, ed., Soviet Policy in East Asia (New Haven, Yale University Press, 1982), 71) Do đó, dưới cách nhìn của Trung Quốc, nỗ lực của Mátxcơva nhằm bao vây Trung Quốc về mặt ngoại giao dường như đã sắp thành công. Nhận thức này đã dẫn đến việc Trung Quốc tấn công Việt Nam tháng 2/1979.
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong những năm 1960 và đầu 1970 nhìn chung là tốt, nhưng những khác biệt về chính sách giữa Trung Quốc và Việt Nam trở nên lớn hơn sau khi chế độ Sài Gòn sụp đổ tháng 4/1975. Tháng 9 năm đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đi Bắc Kinh và trong một loại các cuộc gặp trong chuyến đi đó, rõ ràng rằng Trung Quốc rất lo ngại về quan hệ gần gũi giữa Việt Nam với Liên Xô. Mặc dù quan hệ tiếp tục xấu đi trong những năm tiếp theo, nhưng bất đồng giữa Trung Quốc với Việt Nam chỉ trở nên rõ ràng khi hàng nghìn người Hoa bắt đầu rời Việt Nam vào mùa xuân và mùa hè năm 1978. Ngoài ra, những tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa, cũng như việc Việt Nam đánh Campuchia, cũng làm gia tăng căng thẳng Việt-Trung.
Trong khi đó, những dấu hiệu gia tăng về quan hệ hợp tác Xô-Việt cũng xuất hiện vào mùa hè năm 1978, khi Việt Nam tỏ ý muốn trở thành thành viên của khối COMECON. Bên cạnh đó, các nguồn tin của chính phủ Mỹ nói rằng đến tháng 8/1978 đã có tới 4,000 chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam. Tháng 9/1978, Liên Xô bắt đầu tăng cường các chuyến hàng chở vũ khí tới Việt Nam, cả bằng đường biển và đường không, bao gồm “máy bay, tên lửa, xe tăng và đạn dược.” Cuối cùng, tất cả các dấu hiệu của việc tăng cường quan hệ Việt-Xô lên đến đỉnh điểm ngày 3/11/1978 với việc Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Rõ ràng hiệp ước này là nhằm vào Trung Quốc, bởi tại điều 6 nên rằng Việt Nam và Liên Xô sẽ “tham vấn nhau ngay lập tức” nếu một trong hai nước “bị tấn công hoặc đe dọa tấn công … nhằm loại bỏ mối đe dọa đó.” Có tin rằng hiệp ước này còn bao gồm một thỏa thuận bí mật cho phép lực lượng quân đội Liên Xô tiếp cận với các “sân bay và bến cảng” của Việt Nam (Ramesh Thaku and Carlyle Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam (New York, St. Martin's Press, 1992), 61).
Mặc dù Việt Nam tuyên bố rằng việc ký hiệp ước này với Nga là nhằm ngăn chặn những hành động “phiêu lưu” của Trung Quốc, nhưng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rõ ràng coi đây là một phần trong các nỗ lực của Mátxcơva nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc xuống nước và gia hạn các điều khoản bất bình đẳng của Hiệp ước Xô-Trung 1950. Nếu Liên Xô tạo được một chỗ đứng vững chắc ở Đông Nam Á thì có thể đe dọa Trung Quốc từ cả hai bên sườn phía bắc và phía nam. Nếu thành công, chính sách này sẽ tạo cho Mátxcơva sức mạnh đủ để buộc Bắc Kinh gia hạn, hoặc ít nhất là đàm phán lại, Hiệp ước Xô-Trung 1950 theo cách có lợi cho Mátxcơva. Một biểu hiện sớm của mối quan ngại từ Bắc Kinh về Hiệp ước Việt-Xô đã được Nhân dân Nhật báo lên tiếng, trong đó cảnh báo rằng Mátxcơva đang sử dụng Việt Nam để chống Trung Quốc như đã từng làm trước đây, và thất bại, là sử dụng Trung Quốc để gây áp lực với Mỹ. Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng mục tiêu cuối cùng của Mátxcơva là “kiểm soát toàn bộ Đông Dương.”
Với việc ký hiệp ước phòng thù Việt-Xô ngày 3/11/1978, Liên Xô hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ với Việt Nam để giành ưu thế chiến thuật và thọc sườn Trung Quốc. Mối lo ngại chính của Trung Quốc là nếu các chính sách của Liên Xô ở Việt Nam thành công thì chính quyền Xô Viết có thể đạt được sự kiểm soát chặt chẽ về chiến lược và quân sự đối với Trung Quốc. Từ khi diễn ra sự bất hòa giữa Trung Quốc và Liên Xô, đặc biệt là khi xảy ra những xung đột biên giới Xô-Trung cuối những năm 1960, mục tiêu chính của Bắc Kinh là xây dựng tiềm lực quân sự nhằm đối phó với Hồng Quân Liên Xô, điều mà Bắc Kinh đã hầu như đạt được trong khoảng giữa đến cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi Trung Quốc có trong tay 3,6 triệu quân theo như báo cáo. Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh tiếp tục tìm cách gây sức ép với Mátxcơva bằng việc chính thức bình thường hóa quan hệ với Oasinhtơn ngày 1/1/1979. Ramser Amer kết luận rằng các liên minh mới của Liên Xô và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau: “Vậy là hai liên minh chiến lược đã được thành lập vào những tháng cuối của năm 1978, một liên minh Việt-Xô và một liên minh Trung-Mỹ, và các liên minh này duy trì trong khoảng một thập kỷ.”
Do việc nối lại quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đầu năm 1979, Liên Xô ngày càng lo ngại về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu ở phía tây và các lực lượng Trung Quốc ở phía đông. Điều này có thể đã thuyết phục Mátxcơva tăng cường sự ủng hộ đối với cuộc tấn công Campuchia của Việt nam đang diễn ra, một sự kiện mà Robert Ross đã liên hệ chặt chẽ với cuộc tấn công Việt Nam sau đó của Trung Quốc khi ông lập luận rằng việc lật đổ đồng minh thân cận của Trung Quốc ở Campuchia làm Bắc Kinh đặc biệt lo ngại. Trong khi Bắc Kinh không muốn can thiệp trực tiếp vào Campuchia để chặn đứng cuộc tấn công của Việt Nam, cuộc tấn công bằng quân sự của Trung Quốc vào vùng lãnh thổ tranh chấp Việt-Trung có một “mối liên hệ hữu cơ”, khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh bảo Việt Nam không nên nghĩ sai lầm rằng Trung Quốc đang “yếu và dễ bị bắt nạt.”
Tuy nhiên, trong phân tích cuối cùng, Việt Nam là một quốc gia khá nhỏ kể cả về dân số và sức mạnh quân sự, và có lẽ sự gia tăng đột ngột số lượng chuyên gia Liên Xô đến Việt Nam - khoảng 5,000 đến 8,000 vào giữa năm 1979 - và việc cung cấp số lượng lớn các phương tiện quân sự là một cảnh báo nguy hiểm đối với an ninh chiến lược trực tiếp của Trung Quốc. Vì vậy, theo King C. Chen: “Nếu không có liên minh Việt-Xô, cuộc chiến tranh mười sáu ngày giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể đã không xảy ra.” Trong một lần thừa nhận rõ ràng rằng hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Việt Nam đã làm Trung Quốc lo ngại sâu sắc, Đặng Tiểu Bình công khai thừa nhận rằng “liên minh quân sự” mới giữa Liên Xô và Việt Nam thực chất là một phần trong mục tiêu lâu dài của Liên Xô muốn “bao vây Trung Quốc”.
Sau khi ký Hiệp ước Việt-Xô ngày 3/11/1978, Bắc Kinh phải tìm ra phương sách để phá vỡ âm mưu bao vây Trung Quốc này của Liên Xô. Do vậy, chính nỗi lo bị Mátxcơva đánh thọc sườn đã đẩy Trung Quốc vào thế phải hành động. Rõ ràng, bước đi đầu tiên của Trung Quốc là thử thách mức độ quyết tâm của Liên Xô xem nước này sẽ đứng bên Việt Nam theo đúng tinh thần hiệp ước hay sẽ xuống nước và chấp nhận thất bại. Thậm chí còn có tin nói rằng Đặng Tiểu Bình nói với Tổng thống Mỹ Carter vào tháng 1/1979 rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ “phá vỡ những tính toán chiến lược của Liên Xô…” Do đó, thậm chí Ross còn kết luận rằng trong bối cảnh Việt Nam đã đánh chiếm thành công Campuchia, chính “việc Liên Xô bao vây Trung Quốc như một hệ quả” dẫn tới sự cần thiết phải có một cuộc tấn công hạn chế nhằm vào Việt Nam.”
Chiến tranh Trung-Việt 1979
Các lực lượng Trung Quốc tấn công Việt Nam ngày 17/2/1979. Mặc dù các động cơ chính xác phía sau cuộc tấn công của Trung Quốc vẫn còn bỏ ngỏ cho mọi sự diễn giải, nhưng mối lo ngại của Bắc Kinh rằng hiệp ước phòng thủ có giá trị 25 năm của Mátxcơva với Hà Nội có thể dẫn đến việc quân sự hóa của Liên Xô đối với đường biên giới Việt-Trung hiển nhiên là một nhân tố chính. Mátxcơva cũng có thể đã hy vọng rằng hiệp ước ký với Hà Nội sẽ khiến Trung Quốc phải điều bớt quân khỏi phía bắc, do đó làm yếu sự phòng thủ quân sự của Trung Quốc dọc theo biên giới Xô-Trung.
Tuy nhiên, những hy vọng của Mátxcơva đã đổ vỡ khi Trung Quốc quyết định tấn công Việt Nam. Chỉ sau ba tuần đánh nhau, Trung Quốc rút quân và những tranh chấp biên giới Việt-Trung vẫn chưa được giải quyết. Đối với hầu hết những người quan sát từ bên ngoài, hành động quân sự của Bắc Kinh có vẻ như là một thất bại. Nhưng nếu mục tiêu thực sự đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc là nhằm để cho mọi người thấy việc đảm bảo giúp đỡ về quân sự của Liên Xô đối với Việt Nam chỉ là dối trá, thì việc Liên Xô từ chối can thiệp đã chấm dứt trên thực tế hiệp ước phòng thủ Việt-Xô. Do vậy, Bắc Kinh đã đạt được một chiến thắng chiến lược rõ ràng với việc phá vỡ vòng vây của Liên Xô và loại bỏ mối đe dọa của Liên Xô về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận.
Vào ngày 15/2/1979, không chỉ là ngày đánh dấu 29 năm thỏa thuận giữa Mao và Stalin về Mông Cổ mà còn là ngày đầu tiên Trung Quốc có thể chính thức tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương Trợ Xô-Trung, Đặng Tiểu Bình tuyên bố rằng Trung Quốc có kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công hạn chế vào Việt Nam. Nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Liên Xô hòng giúp Việt Nam, Đặng cảnh báo Mátxcơva ngày hôm sau rằng Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên Xô. Để chuẩn bị cho cuộc xung đột này, Trung Quốc đã đặt tất cả quân đội dọc theo biên giới Xô-Trung trong tình trạng báo động khẩn cấp, thiết lập một bộ chỉ huy quân sự mới ở Tân Cương, và thậm chí còn sơ tán khoảng 300,000 dân thường khỏi vùng biên giới Xô-Trung. (Chang Pao-min, Kampuchea Between China and Vietnam (Singapore, Singapore University Press, 1985), 88-89.)
Ngoài ra, phần lớn các lực lượng chiến đấu của Trung Quốc (lên tới khoảng một triệu rưỡi quân) được triển khai dọc theo các đường biên giới với Nga. (Robert A. Scalapino "Asia in a Global Context: Strategic Issue for the Soviet Union," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA. , Auburn House Publishing Company, 1986), 28)
Như đã báo trước, cuộc tấn công quân sự của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam bắt đầu ngày 17/2/1979, chỉ trong vòng ba ngày sau dấu mốc 29 năm Hiệp ước Xô-Trung 1950. Đúng như Đặng tuyên bố ngay từ đầu, Trung Quốc thực hiện một hành động hạn chế đối với Việt Nam. Không chỉ các lực lượng tinh nhuệ nhất của Trung Quốc được triển khai dọc theo biên giới Trung-Việt, Bắc kinh còn quyết định không sử dụng khoảng 500 máy bay tiêm kích và ném bom đã đóng tại khu vực này trước đó. Phản ứng trước cuộc tấn công của Trung Quốc, Liên Xô đưa nhiều tàu hải quân và thiết lập một cầu không vận chuyển vũ khí cho Việt Nam. Ngày 22/2/1979, đại tá N. A. Trarkov, tùy viên quân sự Liên Xô tại Hà Nội, thậm chí còn đe dọa Liên Xô sẽ “thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước Việt-Xô”; tuy nhiên các nhà ngoại giao Xô Viết ở những nơi khác lại thể hiện rõ rằng Liên Xô sẽ không can thiệp chừng nào cuộc xung đột vẫn còn hạn chế. (John Blodgett, "Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?" in Rodney W. Jones and Steven A. Hildreth, eds., Emerging Powers Defense and Security in the Third World (New York, Praeger Publishers, 1986), 98). Liên Xô rõ ràng không có ý định mạo hiểm với một cuộc chiến tổng lực với Trung Quốc vì Việt Nam.
Sau ba tuần giao tranh căng thẳng, Trung Quốc có thể tuyên bố đã chiếm được ba trong số sáu thủ phủ cấp tỉnh của Việt Nam – Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai – có biên giới chung với Trung Quốc. Mặc dù các lực lượng Trung Quốc có hơn 250 nghìn quân, phía Việt Nam vẫn sử dụng chiến thuật đánh du kích để Trung Quốc không có được một chiến thắng nhanh chóng. Do vậy, khi Bắc Kinh thông báo ý định rút quân vào ngày 5/3/1979, có vẻ như các mục tiêu cơ bản của cuộc tấn công này vẫn chưa đạt được; cụ thể là tiềm lực quân sự của Việt Nam vẫn chưa bị tổn hại nghiêm trọng bởi Trung Quốc. Sau đó, biên giới Việt-Trung tiếp tục căng thẳng khi Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam sau ba tuần giao tranh.
Đối với nhiều nhà quan sát bên ngoài, cuộc tấn công của Trung Quốc vào Việt Nam là một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, như Banning Garrett nhận xét chính xác, “người Trung Quốc chứng tỏ rằng họ có thể tấn công một đồng minh của Liên Xô mà không bị trả đũa từ ‘con gấu giấy’. (Banning Garrett, "The Strategic Triangle and the Indochina Crisis," in David W. P. Elliott, ed., The Third Indochina Conflict, (Boulder, CO, Westview Press, 1981), 212.)
Trên thực tế, với việc chứng tỏ rằng Liên Xô sẽ không can thiệp tích cực vì Việt Nam, Trung Quốc tin rằng việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung 1950 cũng sẽ không dẫn đến chiến tranh. Kết quả là ngày 3/4/1979, Bắc Kinh thông báo ý định chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung năm 1950. Sau đó, mặc dù các cuộc đàm phán Xô-Trung được mở chính thức vào tháng 10/1979, việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan đã tạo cho Trung Quốc lý do để dừng lại các cuộc gặp trong tương lai, và do đó xóa đi bất cứ sự cần thiết nào cho việc đàm phán một hiệp ước ngoại giao mới giữa Liên Xô và Trung Quốc.
Do các động cơ thực sự phía sau cuộc tấn công năm 1979 của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng, các học giả nghiên cứu về cuộc xung đột này đã đưa ra nhiều giả thuyết ấn tượng. Có lẽ giả thuyết thường thấy nhất là Trung Quốc muốn “trừng phạt” Việt Nam vì đưa quân vào Campuchia, nơi trước đó được coi là một quốc gia chư hầu của đế chế Trung Hoa. Các vấn đề khác trong quan hệ Việt-Trung, như tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa hay việc di tản ồ ạt người Hoa khỏi Việt Nam, cũng được coi là đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thuyết phục nhất là một số nhỏ học giả cho rằng quyết định của Việt Nam đi gần hơn với Liên Xô mới là lý do chính đằng sau cuộc tấn công của Trung Quốc.
Trong số các học giả có quan điểm cho rằng những hành động của Trung Quốc là để đối phó với hiệp ước phòng thủ Xô-Việt ngày 3/11/1979, có nhiều cách diễn giải xung quanh việc chính sách của Trung Quốc là thành công hay thất bại. Thí dụ, theo Gerald Segal, chính sách của Trung Quốc đã thất bại vì không đặt được hiệp ước phòng thủ Xô-Việt tới “thử thách cao nhất.” Robert Ross cũng kết luận rằng chính sách của Trung Quốc là một thất bại, mặc dù ông tích cực hơn Segal ở chỗ cho rằng cuộc chiến tranh Trung-Việt là lần đầu tiên kể từ năm 1949 Trung Quốc sử dụng vũ lực khi lãnh thổ không trực tiếp bị đe dọa, và do đó chứng tỏ Trung Quốc nay có khả năng “hành động như một cường quốc khu vực với những quyền lợi khu vực.” Cuối cùng, Banning Garrett và Nayan Chanda tích cực hơn, ít nhất cũng thừa nhận tuyên bố của Trung Quốc rằng cuộc chiến tranh hạn chế Trung-Việt là một thành công vì đã chứng tỏ rằng Liên Xô là một “con gấu giấy” bởi Mátxcơva đã từ chối thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước phải can thiệp vì Hà Nội.
Có lẽ quan điểm tích cực nhất về cuộc xung đột Trung-Việt là của Chang Pao-min. Theo Chang, nếu nhìn nhận cuộc xung đột từ quan điểm của Bắc Kinh thì hiệp ước phòng thủ Việt-Xô năm 1978 là một mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh của Trung Quốc. Không chỉ Liên Xô hy vọng sử dụng hiệp ước này để thiết lập một “Hệ thống An ninh Tập thể Châu Á” nhằm vào Trung Quốc, mà quan hệ quân sự của Liên Xô với Việt Nam còn được coi là một nỗ lực nhằm “đe dọa và âm mưu bóp nghẹt Trung Quốc từ phía nam.” Dưới góc độ này, Việt Nam sau này được tả trong các tuyên bố của Trung Quốc là “con dao của Liên bang Xô Viết đặt sau lưng Trung Quốc.” Do đó, đúng như Chang nhận xét, cuộc xung đột Trung-Việt phải được coi là một phản ứng trước nỗ lực của Liên Xô nhằm sử dụng Việt Nam để “kiềm chế và bao vây Trung Quốc ở Đông Nam Á … [do đó tạo ra] một mối đe dọa nghiêm trọng ở sườn phía nam của Trung Quốc.”
Các lập luận đưa ra trong bài viết này có xu hướng ủng hộ quan điểm rằng cuộc chiến tranh Trung-Việt tháng 2/1979 là một thành công. Một khi Bắc Kinh tin rằng Mátxcơva sẽ không can thiệp vì Hà Nội, việc này sẽ khuyến khích Bắc Kinh dứt hẳn với Mátxcơva. Việc này thể hiện rõ nhất trong tuyên bố ngày 3/4/1979 của Bắc Kinh rằng họ muốn chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950. Nêu ra bằng chứng cuối cùng rằng các chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với Liên Xô, Amers đã nhận xét chính xác rằng quyết định năm 1988 của Trung Quốc không gắn quan hệ biên giới với Việt Nam với vấn đề Campuchia đã tương hợp gần như chính xác với các nỗ lực của Gorbachev nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và cải thiện quan hệ của Liên Xô với các quốc gia ASEAN. Do vậy, bằng việc phá vỡ vòng vây của Liên Xô và loại bỏ mối đe dọa của Mátxcơva về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận, Trung Quốc đã đạt được một chiến thắng chiến lược quan trọng trước Liên Xô.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:55:55 GMT 9
Liên Xô phải chăng là “gấu giấy”?
Hầu hết các học giả phương Tây đều có một kết luận chung rằng cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc là một thất bại. Thí dụ, theo Gerald Segal, “cuộc chiến Trung-Việt năm 1979 là thất bại quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Trung Quốc kể từ năm 1949.” Ở một phạm vi rộng, Robert Ross đồng tình và cho rằng: “Thất bại trong chính sách của Trung Quốc cho thấy rõ vai trò không rõ ràng của cường quốc khu vực này trong chính trị quốc tế đương đại.” Gần đây nhất, Ellis Joffe, một chuyên gia về PLA tại đại học Hebrew University of Jerusalem, kết luận rằng: “Trung Quốc đã chuốc vạ bởi các biện pháp hạn chế chống Việt Nam năm 1979. Trung Quốc định dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng Việt Nam đã dạy cho Trung Quốc một bài học." ("Strait of Uncertainty Taiwan braves increased pressure from China," Far Eastern Economic Review, 8 February 1996, 20-21.)
Các đánh giá tiêu cực này của phương Tây ngược lại hoàn toàn với tuyên bố của Bắc Kinh rằng cuộc chiến chống Việt Nam năm 1979 là một thành công, do quyết định không can thiệp của Mátxcơva đã chứng tỏ rằng Liên Xô chỉ là một “con gấu giấy”. Bắc Kinh có lẽ sẵn sàng chứng tỏ tuyên bố này bằng hành động, khi họ không chỉ công bố việc chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950 mà sau đó còn đặt ra cho Mátxcơva ba điều kiện để cải thiện quan hệ Xô-Trung. Ba điều kiện này bao gồm: 1) rút quân đội Liên Xô khỏi biên giới Xô-Trung và Mông Cổ; 2) rút quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan; 3) chấm dứt sự ủng hộ của Liên Xô đối với việc Việt Nam chiếm đóng Campuchia. (Yao Wengin, "Soviet Military Deployments in the Asia-Pacific Region: Implications for China's Security," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA., Auburn House Publishing Company, 1986), 103.)
Do đó, bên cạnh việc thể hiện một tư thế cứng rắn hơn trong quan hệ với Liên Xô, các nước láng giềng ở phía nam cũng phải cư xử với Trung Quốc một cách tôn trọng hơn. Theo một báo cáo năm 1986, do Hà Nội đã thua trong ván bạc năm 1979 khi cho rằng Bắc Kinh sẽ không bao giờ tấn công, Việt Nam, “với kinh nghiệm của năm 1979, đã triển khai 700,000 quân ở phía bắc.” (Karl D. Jackson, "Indochina, 1982-1985: Peace Yields to War," in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East Military Buildup (Dover, MA., Auburn House Publishing Company, 1986), 206.)
Vai trò có tính chất khẳng định hơn của Trung Quốc ở châu Á trong những năm 1980 cho thây Bắc Kinh thực sự tin rằng họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến Trung-Việt năm 1979. Vì thế, mặc dù Nayan Chanda và những người khác đã cnảh báo rằng những tuyên bố của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “con gấu giấy” có thể chỉ là luận điệu tuyên truyền, nhưng những hành động của chính Bắc Kinh cho thấy rằng họ tin chắc vào quan điểm này. Chính vì lý do này mà các cuộc tranh luận gần đây xung quanh thời điểm Chiến tranh Lạnh thực sự kết thúc có vẻ như liên quan trực tiếp tới tuyên bố của Trung Quốc năm 1979 rằng Liên Xô đã quá yếu và không thể tham chiến. Thực tế, theo quan điểm của Trung Quốc, việc Liên Xô không can thiệp để giúp Việt Nam năm 1979 là bằng chứng chứng tỏ Mátxcơva không còn ý định tham gia một cuộc chiến tranh lớn. Nói cách khác, thời kỳ nguy hiểm nhất của Chiến tranh Lạnh đã qua đi.
Cho tới nay, cuộc tranh luận thường thấy về việc liệu Chiến tranh Lạnh có kết thúc trên thực tế trước khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 hay không đã diễn ra xung quanh những tuyên bố của tướng bốn sao về hưu của Liên Xô là Anatoly Gribkov, nguyên tham mưu trưởng của khối Hiệp ước Warsaw trong đầu những năm 1980. Gribkov lập luận dựa trên việc đến tháng 12/1981, Bộ Chính trị Liên Xô rõ ràng đã mất ý chí chính trị sử dụng vũ lực để duy trì đế chế mở rộng của họ trong vòng kiểm soát. Đánh giá này dựa trên việc Bộ Chính trị từ chối gửi quân tới Ba Lan để ngăn chặn một cuộc thay đổi dân chủ, một dấu hiệu của sự suy yếu mà Gribkov coi là bằng chứng cho thấy Liên Xô thực sự đã “thua” trong cuộc Chiến tranh Lạnh ngay từ năm 1981.("The Two Trillion Dollar Mistake," Worth, (February 1996), 78-83/128-129. )
Các biên bản được giải mật gần đây của một cuộc họp Bộ Chính trị Xô Viết ngày 10/12/1981 có xu hướng chứng tỏ cho các luận điểm của Gribkov, vì chúng cho thấy rằng lựa chọn gửi quân chống lại đảng “Đoàn kết” của Ba Lan đã bị Mátxcơva bác bỏ với sự đồng thuận rằng rủi ro là quá lớn. (Cold War International History Project Bulletin, Issue 5 (Spring 1995), 135-137) Ngoài ra, các biên bản này còn cho thấy Bộ Chính trị Liên Xô đã cân nhắc một cách nghiêm túc việc nhượng bộ ở Viễn Đông bằng việc ra lệnh rút quân khỏi Mông Cổ; nếu Mátxcơva thực hiện kế hoạch này trên thực tế thì coi như đã chấp nhận một trong ba điều kiện tiên quyết của Bắc Kinh cho việc cải thiện quan hệ Xô-Trung.
Các tài liệu này của Liên Xô, cũng như các tài liệu khác giống như thế, dường như chứng tỏ cho luận điểm của Gribkov rằng đến năm 1981, giới lãnh đạo Liên Xô đã mất khả năng sử dụng vũ lực nhằm củng cố lại đế chế Liên Xô đang lung lay. Cách suy luận này cũng có thể áp dụng cho cuộc xung đột Trung-Việt năm 1979, do việc Trung Quốc tấn công Việt Nam rõ ràng tạo ra một mối đe dọa thực tế đối với an ninh và ổn định cho không gian ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Chính việc Bộ Chính trị Liên Xô từ chối thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước đối với Việt Nam và không can thiệp chống Trung Quốc cho thấy lập luận của Gribkov rằng Bộ Chính trị Liên Xô đã mất ý chí chính trị để củng cố đế chế của mình bằng vũ lực có thể được áp dụng tương đương - nếu không tốt hơn – cho kết quả của cuộc chiến Trung-Việt năm 1979.
Sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự sụp đổ bất ngờ của Liên Xô năm 1991 đòi hỏi phải có một đánh giá khác về tác động của mối quan hệ Xô-Trung đối với cuộc xung đột Trung-Việt tháng 2/1979. Một khía cạnh cần có trong đánh giá này là xem xét liệu tuyên bố năm 1979 của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “gấu giấy” là có căn cứ hơn hay không nếu xét việc Liên Xô tan rã sau đó. Mặc dù khẳng định của Gribkov rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ năm 1981 có thể sớm hơn rất nhiều so với thời điểm mà hầu hết các học giả phương Tây có thể chấp nhận, nhưng vẫn còn muộn hơn mấy năm so với quan điểm của Trung Quốc. Do đó, khẳng định về thời điểm của Trung Quốc không những có vẻ hợp lý, mà đối với các học giả sau này thì năm 1979 một ngày nào đó sẽ chứng tỏ còn chính xác hơn năm 1981. Nếu như vậy, Bắc Kinh phải được đánh giá đúng vì đã xác định chính xác những dấu hiệu ở Viễn Đông về sự yếu kém trong nội bộ Mátxcơva từ hơn hai năm trước khi những dấu hiệu tương tự trở nên rõ ràng ở phương Tây. Điều này sẽ lại làm xuất hiện câu hỏi liệu “sự bắt đầu kết thúc” của Chiến tranh Lạnh có phải đã thực sự diễn ra vào năm 1979 hay không, do việc Mátxcơva đã không đương đầu với thách thức rắn mặt của Bắc Kinh đối với sự thống trị quân sự của Liên Xô ở Viễn Đông.
Kết luận
Các nghiên cứu trước đây về cuộc xung đột Trung-Việt ngày 17/2/1979 nhìn chung đều coi những hành động của Trung Quốc là một thất bại hoàn toàn. Ngược lại, bài viết này đã cố gắng đánh giá lại cuộc chiến Trung-Việt từ góc độ quan hệ Xô-Trung bằng việc liên hệ cuộc xung đột này với dấu mốc 29 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ 14/2/1950. Như một kết quả trực tiếp từ quyết định của Liên Xô không can thiệp giúp Việt Nam, Trung Quốc tin rằng Liên Xô không có đủ ý chí chính trị để dùng chiến tranh nhằm duy trì không gian ảnh hưởng của mình ở châu Á. Kết luận này đã khiến Bắc Kinh thông báo cho Mátxcơva ngày 3/4/1979 rằng Trung Quốc muốn chấm dứt Hiệp ước Xô-Trung năm 1950 khi hết thời hạn 30 năm vào năm 1980.
Từ 1950 đến 1979, Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ là nền móng cho quan hệ Xô-Trung. Mặc dù phần được phổ biến của hiệp ước này đã được công khai từ lâu, nhưng nội dung chính xác của các thỏa thuận bí mật đi cùng với hiệp ước này vẫn hầu như chưa được biết đến. Tuy nhiên, một điều khá rõ là các thỏa thuận bí mật này có liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ Xô-Trung và trong những năm 1950, 1960, các cuộc tranh chấp biên giới thường xuyên giữa Liên Xô và Trung Quốc phản ánh mức độ căng thẳng mà các thỏa thuận bí mật này đưa đến. Mặc dù các xung đột biên giới Xô-Trung đều không được phép leo thang thành chiến tranh tổng lực, nhưng Bắc Kinh đã liên tục thử thách quyết tâm của Liên Xô xem có sẵn sàng sử dụng vũ lực để duy trì Hiệp ước Xô-Trung 1950 hay không. Do vậy, từ quan điểm của Bắc Kinh, Hiệp ước Xô-Trung 1950 là một công cụ chính cho Mátxcơva áp đặt “bá quyền” đối với Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.
Ngược lại, Mátxcơva rõ ràng lo ngại điều gì có thể xảy ra khi Hiệp ước Xô-Trung kết thúc thời hạn 30 năm. Bắt đầu từ năm 1969, Liên Xô thường xuyên thúc giục Trung Quốc thay thế hiệp ước này bằng một thỏa ước mới. Để buộc Bắc Kinh phải xuống nước, Mátxcơva không những củng cố các đường biên giới Liên Xô-Trung Quốc và Mông Cổ-Trung Quốc, mà còn gây áp lực đối với Trung Quốc từ phía nam, bằng việc ký một hiệp ước liên minh với Việt Nam. Do vậy, việc cải thiện mối quan hệ Việt-Xô, đỉnh điểm là việc ký hiệp ước phòng thủ Việt-Xô ngày 3/11/1978, có thể được liên hệ trực tiếp tới mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc với Liên Xô vào cuối những năm 1970. Tuy nhiên, thay vì xuống nước, Trung Quốc đã tấn công Việt Nam ngày 17/2/1979, chỉ ba ngày sau dấu mốc 29 năm ngày ký Hiệp ước Xô-Trung 1950. Khi Mátxcơva từ chối can thiệp giúp Hà Nội, Bắc Kinh quyết định rằng Bộ Chính trị Liên Xô sẽ không sử dụng chiến tranh để buộc Trung Quốc tiếp tục Hiệp ước Xô-Trung 1950 và củng cố quyết tâm để thông báo ngày 3/4/1979 ý định chấm dứt hiệp định này.
Một trong những mục tiêu chính của Bắc Kinh khi tấn công Việt Nam là để đảm bảo rằng Trung Quốc không bị bao vây cả ở phía bắc và phía nam bởi các lực lượng Liên Xô. Cuộc tấn công Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc, với tất cả những khiếm khuyết rõ ràng của nó, đã thực sự đạt được mục tiêu chiến lược này do việc Liên Xô từ chối can thiệp giúp Việt Nam đã làm mất đi mối đe dọa về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận với Liên Xô và Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc cũng giành được một chiến thắng rõ ràng trước các nỗ lực của Liên Xô muốn gây sức ép buộc Trung Quốc ký một hiệp ước mới thay thế hoặc củng cố Hiệp ước Hữu nghị, Liên minh và Tương trợ Xô-Trung ngày 14/2/1950. Cuối cùng, nhìn lại, khẳng định của Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ là “gấu giấy” có vẻ như khác chính xác, và do đó cho thấy có lẽ là dấu hiệu đầu tiên từ bên ngoài rằng đế chế Liên Xô đang bị đe dọa bởi sự sụp đổ từ bên trong, một sự sụp đổ phải mười năm sau mới diễn ra với sự kiện bức tường Berlin năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô năm 1991.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 5:56:38 GMT 9
Những suy niệm chính trị của Triệu Tử Dương:
Trích dịch từ Người tù của nhà nuớc Trần Thiện Huy Chia sẻ với bạn bè♦ 0 bình luận ♦ 25.05.2009 LTS: Trong 16 năm bị quản thúc tại gia cho đến ngày ông mất vào tháng Giêng năm 2005 vì bệnh viêm phổi, Triệu Tử Dương đã dùng nhiều thì giờ suy nghiệm về khuynh huớng chính trị của ông cũng như những cải tổ mà ông đã thi hành hoặc dự định cho Trung Quốc trước biến cố Thiên An Môn. Những tư tưởng này đuợc ông bí mật thu âm vào 30 cuộn băng cassettes trong hai năm 1999-2000, đã được xuất bản với tên Người Tù của Nhà Nước (Prisoner of the State) (chủ biên Adi Ignatius cùng dịch giả Bao Pu và Renée Chiang).
Người Tù của Nhà Nước được nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành tại Hoa Kỳ ngày 19 tháng 5 vừa qua để đánh dấu ngày này 20 năm về trước ông Triệu đã xuất hiện ở Thiên An Môn với loa kêu gọi các sinh viên nên chấm dứt tuyệt thực và giải tán cuộc biểu tình vì ông đã phản đối nhưng biết rằng chính quyền đã quyết tâm dùng sức mạnh quân đội để đàn áp nếu sinh viên không tự giải tán. Ngày 19 tháng 5 năm 1989 vì thế là thời điểm chuyển hướng đời Triệu Tử Dương và cũng là lần cuối ông được quần chúng biết tới với cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Để biết thêm về ký ức Thiên An Môn từ quan điểm của những sinh viên đã tham dự, cùng dư luận quần chúng và phản ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay sau khi Triệu Tử Dương qua đời vào mùa Đông năm 2005, xin bạn đọc vui lòng bấm vào tựa Out of Mao’s Shadow (Thoát Khỏi Hình Bóng Mao) (tác giả Philip Pan, dịch giả Phương Quỳnh và Đinh Từ Bích Thúy, xuất hiện ở mục Trên Kệ Sách Da Màu tháng 8 năm 2008).
Nếu muốn nghe những đoạn thu âm giọng nói tiếng Trung Hoa của Triệụ Tử Dương, hay đọc bản sao bằng tiếng Hoa hoặc đã chuyển ngữ sang tiếng Anh của những đoạn trích dịch dưới đây, xin vui lòng bấm vào bài, Excerpts from Zhao Ziyang’s ‘Prisoner of State’ (Những Đoạn Trích Từ Quyển ‘Người Tù của Nhà Nước) đăng trên tờ New York Times ngày 15 tháng 5 năm 2009.
[image]
Hình bìa quyển Người Tù của Nhà Nước, với Dương Thượng Côn (trái), Triệu Tử Dương (giữa), và Đặng Tiểu Bình (phải)
Phần 4, Chương 4: ‘Sửa Soạn cho một Diễn Biến Quan Trọng (tr. 205-206):
Dù sao đi nữa, chúng ta cũng đã thực hiện nền chủ nghĩa xã hội hơn ba mươi năm nay. Với những người chủ trương tuân thủ những nguyên tắc xã hội chính thống, chúng ta giải thích việc này cho họ thế nào? Có thể giải nghĩa rằng chủ nghĩa xã hội đã được thiết lập quá sớm, và chúng ta cần phải thu hẹp và tái khởi sự nền dân chủ. Một cách khác là Trung Quốc đã thiết lập chủ nghĩa xã hội mà không trải qua chủ nghĩa tư bản trước, nên cần phải tái du nhập một liều lượng chủ nghĩa tư bản.
Cả hai cách lập luận ấy đều không phải là hoàn toàn vô lý, nhưng chúng có khả năng làm dấy lên những tranh cãi nghiêm trọng về lý luận, và dẫn đến hỗn loạn. Ngoài ra, những lập luận như thế này sẽ không bao giờ được chấp thuận về mặt chính trị. Trong trường hợp xấu nhất, chúng còn có thể làm cho cuộc cải cách bị bóp chết từ trứng nước.
Trong thời gian chuẩn bị cho báo cáo trước Đại hội Đảng thứ 13, tôi đã bỏ rất nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này. Cuối cùng tôi cho rằng khái niệm “giai đoạn sơ khởi của chủ nghĩa xã hội” là ý hướng tốt nhất, và không phải chỉ vì nó chấp nhận và diễn tả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội suốt mấy thập kỷ qua của chúng ta dưới ánh sáng tích cực nhất; cùng lúc, nhờ cách định nghĩa hoàn cảnh của chúng ta là “giai đoạn sơ khởi”, chúng ta vượt ra khỏi những ràng buộc của các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa chính thống. Nhờ đó, chúng ta có thể đi ngược lại vị thế trước đây và tiến hành những chính sách cải tổ thích hợp hơn với Trung Quốc.
Phần 3, Chuơng 4: “Tìm Kiếm Một Đường Lối Mới (tr. 112-113):
Lý do tôi để tâm sâu xa đến chuyện cải tổ kinh tế và dành hết nỗ lực vào việc tìm cách thực hiện công cuộc cải tổ này là vì tôi đã quyết tâm phải xóa bỏ căn bệnh trầm kha của kinh tế Trung Quốc từ gốc rễ. Nếu không hiểu biết rõ về những khuyết điểm của hệ thống kinh tế này, tôi đã không tha thiết mạnh mẽ như vậy với chuyện cải tổ.
Dĩ nhiên, cái nhìn ban đầu của tôi về phương cách xúc tiến cải tổ vẫn còn nông cạn và mơ hồ. Rất nhiều những đường hướng mà tôi đề đạt chỉ có tác dụng giảm nhẹ các triệu chứng; chúng không đả động gì được đến những vấn đề căn bản.
Nhận định quan trọng nhất tôi có được về việc trừ bỏ những khuyết điểm của kinh tế Trung Quốc chính là toàn hệ thống phải chuyển hướng sang thành kinh tế thị trường, và vấn đề với tư hữu phải được giải quyết. Nhận định đó được đi đến qua kinh nghiệm thực tiễn, sau khi đã phải trải qua một chuỗi dài những bước tiến rồi lùi.
Nhưng vấn đề căn bản thật ra là gì? Đầu tiên, tôi không nhìn thấy rõ lắm, chỉ cảm nhận đại khái là cần phải làm sao chấn chỉnh hiệu suất. Sau khi tới Bắc Kinh, nguyên tắc chủ đạo của tôi không phải là chuyên chú theo đuổi những số liệu sản xuất, hay tốc độ phát triển kinh tế, mà là tìm cách nào cho người dân Trung Quốc nhận được những thu hoạch cụ thể, rõ rệt từ lao động của họ. Đó chính là điểm khởi đầu của tôi. Chỉ số phát triển 2-3 phần trăm ở các nước tư bản phát triển thì đã được coi là tuyệt vời, nhưng trong khi kinh tế nước ta phát triển với chỉ số 10%, mức sống của người dân vẫn chưa tiến triển gì hơn. Còn về việc làm thế nào định nghĩa đường hướng mới này, tôi cũng không có một mô hình hay tư tưởng hệ thống nào định sẵn trong đầu. Tôi bắt đầu chỉ với ước nguyện muốn cải tiến hiệu suất kinh tế. Điều xác tín này vô cùng quan trọng. Điểm khởi đầu là từ hiệu suất cao hơn, và cho người dân được thấy những lợi ích thiết thực. Lấy đó làm mục tiêu, cuối cùng rồi một con đường thích hợp cũng phải tìm ra được, sau khi phải lần dò nhiều. Lần lần, chúng ta đã vạch ra con đường đúng.
Phần 3, Chương 7: “Đi Mỗi Lần Mỗi Bước” (trang 236)
Để tóm lược, có hai yếu tố: một là khu vực thị trường nằm ngoài hệ thống kế hoạch trung ương, và cái kia là khu vực kinh tế theo chỉ đạo kế hoạch. Khi chúng ta mở rộng khu vực kinh tế thị trường, chúng ta cắt giảm đi từ khu vực theo chỉ đạo. Khi cả hai khu vực cùng tồn tại, không thể tránh khỏi chuyện bên này lớn lên thì bên kia rút lại. Cùng với việc khu vực chỉ đạo thu nhỏ lại và yếu đi, khu vực thị trường khuếch trương và mạnh hơn lên.
Vào thời điểm đó, những thành phần chính của khu vực thị trường gồm có nông nghiệp, sản phẩm thôn quê, công nghệ nhẹ, vải vóc, và các sản phẩm tiêu thụ. Những sản phẩm liên quan đến phương tiện sản xuất đa phần đều bị kiểm soát trong tay những cơ sở quốc doanh.
Nếu những cơ sở kiểm soát phương tiện sản xuất không bị suy yếu đi hay thu giảm lại, nếu một phần không bị cắt ra để nuôi khu vực thị trường, phát triển kinh tế sẽ không thể cứ tiếp tục cho khu vực này. Nếu không có gì trong số phương tiện sản xuất được phép bán trực tiếp trên thị trường tự do; ví dụ, nếu những cơ sở nhỏ sản xuất than hay bêtông đều nằm dưới sự kiểm soát từ trung ương, khu vực thị trường đang phát triển sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn vì thiếu vật tư và nguyên liệu. Do đó, trong hơn mười năm trời, mặc dù không có thay đổi gì căn bản đến hệ thống kinh tế tập trung chỉ đạo và hệ thống cơ sở quốc doanh, những thay đổi ngày càng lớn trong quá trình chuyển biến từ kinh tế tập trung sang thị trường đã đem lại những tác động tích cực.
Phần 6, chương 5 “Con Đường Đi Tới’ (trang 270)
Dĩ nhiên, trong tương lai, một hệ thống chính trị cấp tiến hơn nền dân chủ đại nghị sẽ có thể xuất hiện. Nhưng đó là chuyện tương lai. Hiện tại bây giờ, không có hệ thống nào được như vậy cả.
Dựa trên điều đó, ta có thể nói rằng nếu một quốc gia muốn hiện đại hóa, không những nó phải thiết lập một nền kinh tế thị trường, nó còn phải áp dụng nền dân chủ hiến pháp vào thành hệ thống chính trị của mình. Nếu không, quốc gia đó sẽ không thể có một nền kinh tế thị trường lành mạnh và hiện đại, mà cũng không thành được một xã hội hiện đại pháp trị. Thay vào đó, nó sẽ sa vào những tình cảnh đã xảy ra ở vô số những quốc gia đang phát triển, bao gồm Trung Quốc: nạn thương mại hoá quyền hành, tham nhũng lan tràn, một xã hội bị phân cực giữa giàu và nghèo.
Phần 3, chương 3: Đau Lòng Mở Cửa Ra Thế Giới (trang 107)
Nhìn lại, không phải là dễ dàng mà Trung Quốc thực hiện được công cuộc cải cách và mở cửa. Bất cứ khi nào có vấn đề về những liên hệ với người ngoại quốc, dân chúng đều e sợ, và có nhiều lời cáo buộc nhắm vào những người cải cách: dân chúng sợ bị bóc lột, chủ quyền bị chèn ép, hay quốc gia bị sỉ nhục.
Tôi đã nêu ra điều khi nước ngoài đầu tư tiền vào Trung Quốc, thì họ mới sợ chính sách của Trung Quốc sẽ thay đổi. Nhưng chúng ta thì có gì để sợ?
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 6:00:33 GMT 9
Triệu Tử Dương: con tằm hóa bướmĐinh Từ Bích Thúy Chia sẻ với bạn bè♦ 3 bình luận ♦ 25.05.2009  Triệu Tử Dương tham khảo với Đặng Tiểu Bình trong một buổi họp ngày 21 tháng 10 năm 1987, vào dịp Đại Hội Đảng thứ 13 (ảnh Getty). Vào mùa thu năm 2006, trước khi quyển Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại (Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng) của Tôn Phượng Minh được xuất bản, các bạn của ông, như Lý Nhuệ và Bào Đồng, quan tâm về chuyện chính quyền Bắc Kinh đang ra lệnh cấm và kiểm duyệt các sách báo chống nhà nước, đồng thời vì ông Tôn lúc đó bị bệnh tim sắp phải đi mổ, khuyên ông nên hoãn lại chuyện xuất bản quyển sách này trong một thời gian. Ông Tôn không chịu. Sinh sau Triệu Tử Dương 3 tháng và là bạn thân của ông Triệu cùng xuất thân ở Hà Nam và cùng tham gia trong cuộc kháng chiến Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến, lúc đó ông Tôn đã 86 tuổi. Ông không sợ ai làm gì ông nữa. Quyển sách—thành quả của những cuộc mật thoại giữa ông với Triệu Tử Dương trong những lúc hai người tập khí công trước sân nhà ông Triệu (để tránh chuyện điệp viên nhà nước nghe lén), đuợc ông Tôn nhớ thuộc lòng và viết xuống giấy sau khi ông về nhà. Quyển sách trở thành một bản tuyên ngôn độc lập của Tôn Phượng Minh, và cũng là cách ông muốn ghi khắc vai trò lịch sử của người bạn cùng quê quán vì lúc đó ông không hề biết rằng ông Triệu cũng đã bí mật thu băng hồi ký của mình trước khi qua đời vào tháng Giêng năm 2005. Lúc đó, để đáp lại sự quan tâm của các bạn ông về an ninh và sức khỏe cá nhân ông, Tôn Phượng Minh gửi cho mọi nguời một bài thơ: Nhả Phắt Nó Ra (về sự quan tâm của các bạn đã dành cho tôi) Tôi là con tằm nhả tơ. Tôi chỉ phun, nhả, đón mừng sự thật, thúc đẩy quá trình của công lý và hy vọng mình nhả những sợi tơ tinh khiết. Tôi cũng là một con bướm đêm vừa được giải thoát ra khỏi cái kén, hồn gần với Phật, thư thái, trinh nguyên, vững vàng.[1] (Ông Tôn đi mổ tim vào tháng 3 năm 2007 và hiện đã bình phục. Năm nay ông 89 tuổi và vẫn tập luyện khí công hàng ngày.) Điều thú vị là bài thơ “Nhả Phắt Nó Ra” của Tôn Phượng Minh cũng có thể áp dụng cho Triệu Tử Dương, người đã công khai tuyên bố vào năm 1989, “Tôi từ chối [vai trò] Tổng Bí Thư huy động quân đội đàn áp các sinh viên.” Vào ngày 19 tháng 5, 2009, hai năm sau khi Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng của ông Tôn xuất hiện ở Hồng Kông (nxb Kai Fang (Khai Phóng), quyển hồi ký Người Tù của Nhà Nước (Prisoner of the State) của Triệu Tử Dương được nhà xuất bản Hoa Kỳ Simon & Schuster phổ biến để tưởng niệm 20 năm biến cố Thiên An Môn. Người Tù của Nhà Nước được dựa trên 30 băng cassettes mà ông Triệu đã thu tại gia vào năm 1999-2000. Những người trong gia đình của ông nói họ hoàn toàn không được biết về chuyện này. Mỗi cuốn băng dài độ 60 phút, là những cuộn băng cassettes rẻ tiền, lúc trước đã thu những tuồng hát bội Bắc Kinh hoặc những bài hát nhi đồng của các cháu ông. Triệu Tử Dương sắp xết thứ tự thời gian những cuộn tape này bằng cách dùng bút chì đánh dấu. Ông không viết xuống tựa đề hay bất cứ một ghi chú nào khác. Một vài băng cassettes ở đoạn đầu, lúc ông thảo luận việc ông bị Đảng kết tội là đâm sau lưng Hồ Diệu Bang (khi họ Hồ bị truất phế vào năm 1987), có vẻ như được thu với dự hiện diện của một vài người bạn trong phòng vì người ta có thể nghe đuợc dư âm của những giọng nói khác ngoài giọng của ông Triệu, nhưng đã được ông Triệu cắt xóa để bảo vệ lý lịch và chuyện an ninh cho những người này và gia đình của họ.[2] Vào khoảng năm 2002, hai năm sau khi Triệu Tử Dương đã hoàn thành công trình thu âm 30 cuộn băng, ông kiếm cách truyền cho các thân hữu của ông. Mỗi người chỉ giữ một vài cuộn băng, để tránh trường hợp băng bị mất hay thất lạc. Sau đó, người ta cũng đã kiếm thấy toàn bộ những cuộn băng—có lẽ đây là bộ chính–để lẫn lộn trong đám đồ chơi của các cháu ông trong nhà.[3] Người Tù của Nhà Nước phản ảnh gần hết những điều ông Triệu đã thu lại trên băng. Nội dung của quyển sách cũng không khác những gì ông Triệu đã thổ lộ và được ông Tôn Phượng Minh ghi lại trước đây trong quyển Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng, hay đã được đề cập trong quyển Tài Liệu Thiên An Môn (Tiananmen Papers—bộ sưu tập những tài liệu mật của chính quyền Công sản về Thiên An Môn—lấy từ computer disks của một nguồn nặc danh và xuất bản ngoài luồng kiểm duyệt năm 2001.) [4] Nhưng điểm đặc biệt nhất về Người Tù của Nhà Nước là giọng tường thuật thân mật, thẳng thắn—đã được chứng minh—là của ông Triệu Tử Dương.  Triệu Tử Dương và Bào Đồng vào thập niên 1980. Bào Đồng giữ chức Giám Đốc Văn Phòng Cải Cách Chính Trị của Ủy Ban Trung Ương Đảng và cũng là Bí thư Kế hoạch dưới quyền ông Triệu. Ông giúp Triệu Tử Dương trong việc dùng băng cassettes thu âm hồi ký trong thời điểm 1999-2000. Nhờ Bào Đồng, những cuộn băng này được mang ra khỏi Trung Hoa và xuất bản ở Hoa Kỳ. Hiện ông Bào Đồng cũng bị quản thúc tại gia. Tuy ông Triệu không để lại những chi tiết hướng dẫn về cách các tài liệu thu âm của ông nên được xuất bản hay xử dụng ra sao, hoặc lúc nào chúng nên được xuất bản, ông rõ ràng mong muốn câu chuyện của ông được người đời biết đến. Đây là lời của ông ở đoạn mở đầu Phần I, bao gồm những dữ kiện đưa đến vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6 năm 1989: Tôi viết xuống những chi tiết về các biến chuyển chung quanh vụ 4 tháng 6 vì tôi lo rằng tôi sẽ quên đi nhiều sự kiện tỉ mỉ. Tôi hy vọng [những điều tôi ghi xuống] sẽ được dùng như một tài liệu lịch sử về sau. Trong bản in tiếng Anh được chuyển dịch từ những băng thu âm, Người Tù của Nhà Nước không theo sát thứ tự kể chuyện trong băng của ông Triệu, vì có nhiều đoạn đã được sắp xếp lại, hay biên tập để làm cho rõ nghĩa hơn. Ban biên tập và dịch thuật của quyển sách (bao gồm Bao Pu, con trai ông Bào Đồng (người trước đây làm phụ tá dưới quyền Triệu Tử Dương), vợ ông Bao Pu–dịch giả Renée Chiang– cùng với chủ biên Adi Ignatius), đã mở đầu quyển sách với những cuộc biểu tình của sinh viên và sự đàn áp của chính quyền ở Thiên An Môn, đến những năm ông Triệu bị quản thúc tại gia, rồi mới đi ngược thời gian dàn lại bối cảnh kinh tế và chính trị ở Trung Hoa vào những năm 1987, 1988 và 1989, cùng những quan niệm về vấn đề cải cách của Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Trong quá trình biên tập cũng có những đoạn đã được ban biên tập quyển sách cắt xén vì đã được ông Triệu lập lại nhiều lần. Ngoài ra, ban biên tập sách cũng mở đầu từng chương với lời giới thiệu và tóm tắt (in chữ nghiêng); cùng thêm vào những chú thích và những đoạn trong ngoặc đứng để giúp các độc giả không biết rõ về những sự kiện chung quanh biến cố Thiên An Môn được hiểu thêm về bối cảnh lịch sử lúc đó.[5] Cấu trúc chính trị của Đảng Công sản Trung Hoa, qua lời tường thuật của Triệu Tử Dương, là một cấu trúc nhiều mâu thuẫn và hỗn loạn. Đặng Tiểu Bình được phác họa vừa như một “bố già” nham hiểm, vừa như một con người thiếu tự tin và dễ bị lung lạc bởi các phe tranh thủ quyền lợi. Ông Triệu đề cập chuyện Đặng Tiểu Bình bị phật lòng vì lời tuyên bố của ông Triệu với Mikhail Gorbachev (trong cuộc viếng thăm Trung Quốc tháng 5 năm 1989). Theo ông Triệu, ý của ông, khi nói với Gorbachev rằng, “Về tất cả mọi vấn đề quan trọng, [người trong Đảng] chúng tôi vẫn cần đến sự quyết định của Đặng Tiểu Bình,” là muốn nhấn mạnh với thế giới bên ngoài là vẫn có sự đoàn kết trong nội bộ, và Đặng Tiểu Bình—người đế xướng nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa—vẫn là một vị lãnh tụ, tuy không giữ chức vị chính thức, luôn luôn được người trong Đảng nể trọng. Nhưng lời nói của Triệu Tử Dương với Gorbachev đã bị hiểu lầm, và được dùng như bằng chứng kết tội ông về việc “trốn tránh trách nhiệm” là Tổng Bí Thư Đảng qua cách “đổ tội” cho Đặng Tiểu Bình. Ông Triệu, quá quen thuộc với những mánh lới giật dây trong bóng tối, đã chua chát nhận xét, “Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết ai là người đã bôi xấu, hoặc đã dùng những thủ đoạn nào, để ông Đặng hiểu sai ý tôi.”[6] Quảng trường Thiên An Môn (qua lăng chụp 180 độ) nhìn từ cửa Thiên An Môn hướng về phía Nam. Trong lúc nội bộ Đảng có những rạn nứt, thì những lãnh tụ Đảng cũng có vẻ xa cách với đời sống của thường dân. Nếu người trong Đảng càng tinh tế trong cách dự đoán ý đồ của kẻ thù, thì họ lại càng có vẻ lơ mơ về những tin tức liên hệ đến dư luận thông tin bên ngoài. Ông Triệu, tuy tinh tường về mặt thông tin hơn các lãnh tụ khác trong Đảng, đã tưởng rằng “những bà già và trẻ con ngủ la liệt trên những đường phố” Bắc Kinh để ngăn chặn sự tiến hành của đám lính theo lệnh thiết quân luật. Người dân Bắc Kinh quả thực đã dùng nhiều sáng kiến chắn đường, nhưng không có bà già nào đã phải ngủ trên các đường phố. Tương tự, Triệu Tử Dương than vãn chuyện nhà vật lý thiên văn học Phuơng Lệ Chi đã gia tăng sự căng thẳng của bầu không khí chính trị vì ông Phương, “lúc đó tuy ở ngoại quốc, đã đích danh miệt thị cá nhân Đặng Tiểu Bình.” Nhưng thật ra lúc đó ông Phương Lệ Chi không ở ngoài nuớc; ông đang cư ngụ ờ vùng ngoại ô Bắc Kinh và đã quyết tâm duy trì sự im lặng. Bức hình nổi tiếng Tank Man (Người chống xe tăng) được phóng viên nhiếp ảnh Jeff Widener của Associated Press chụp ngày 5 tháng 6 năm 1989 từ tầng thứ 6 của khách sạn Bắc Kinh. Hình chụp người đàn ông đứng chắn một đoàn xe tăng của quân đội đang hướng về phía Đông gần quảng trường Thiên An Môn trên đại lộ Trường An. Độc giả của quyển Người Tù của Nhà Nước không rõ nếu ông Triệu thực sự nghĩ rằng những cuộc biểu tình chính ra bắt nguồn từ những ảnh hưởng Tây Phương và nạn lạm phát của năm 1988 chứ không phải do chuyện người dân đã nhờm tởm nạn tham nhũng, những đặc quyền và sự mất tác dụng của các quy chế xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa đã áp đặt lên đất nước.[7] Ở Phần I, Chuơng 4 trong Người Tù của Nhà Nước, Triệu Tử Dương nhận xét về động cơ thúc đẩy nhóm sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn trước vụ thảm sát ngày 6 tháng 4 năm 1989 như sau: Người ta bảo rằng diễn biến [Thiên An Môn] mang mục đích lật đổ chính quyền Trung Quốc và Đảng Công sản. Nhưng bằng chứng là ở đâu? Tôi đã nói lúc đó rằng phần đông nhân dân chỉ [biểu tình] yêu cầu chúng ta sửa đổi những lỗi lầm, chứ không phải họ chủ ý muốn lật đổ cơ cấu chính trị của chúng ta. Sau bao nhiêu năm, bằng chứng nào đã được thu thập qua những lần tra hỏi? ….Nhiều những nhà tranh đấu cho dân chủ hiện sống ở nước ngoài nói rằng trước thảm kịch mùng 4 tháng 6, người ta vẫn tin tuởng rằng Đảng Cộng Sản vẫn có cơ hội sửa đổi để trở nên tốt đẹp hơn, nhưng sau ngày mùng 4 tháng 6 thì họ thấy rằng Đảng Cộng Sản đã trở thành vô phương cứu chữa, và chỉ sau thời điểm [mùng 4 tháng 6] họ mới thực sự chống lại Đảng. Trong thời gian biểu tình [trước ngày mùng 4 tháng 6], nhóm sinh viên đề xướng nhiều khẩu hiệu và yêu sách, nhưng họ cố tình không nêu lên tệ trạng lạm phát, mặc dù tệ trạng này là chuyện có thể khai thác hữu hiệu và làm bùng nổ toàn diện cơ cấu xã hội hồi đó. Nếu đám sinh viên đã thật sự muốn chống lại Đảng Cộng sản lúc đó, tại sao họ đã không khai thác đề tài nhạy cảm này? Nếu họ đã có mục đích muốn huy động đám đông làm loạn, thì có lẽ họ đã đề cập chuyện lạm phát? Nhìn lại, tôi thấy rõ ràng là nhóm sinh viên không muốn nêu lên vấn đề lạm phát vì họ biết chuyện này liên quan đến chính sách cải cách, và nếu dùng đề tài lạm phát để cố tình khuyến khích chuyện nổi loạn, thì họ đã biết rằng điều này không nên, vì nó sẽ làm thiệt hại quá trình cải cách.[8] Vào mùa Xuân năm 1989, như chính ông Triệu thuật lại ở phần trên, ông đã cố thuyết phục các lãnh tụ trong đảng tham dự vào những cuộc đối thoại cởi mở với nhóm sinh viên. Ông luôn luôn tuyên bố rằng, “nhóm sinh viên không bao giờ chống lại những cơ cấu căn bản của chủ nghĩa Cộng Sản,” mà chỉ “mong muốn rằng chúng ta sửa đổi những khiếm khuyết.” Theo lời giáo sư Perrry Link, hiệu trưởng ngành Giáo Huấn Liên Khoa ở đại học California (Riverside), sự nhận xét của ông Triệu–nhằm bênh vực nhóm sinh viên–có lẽ đã đơn giản hóa vấn đề. Tuy nhóm sinh viên không tuyên bố thẳng thừng chuyện chống chính quyền –vì như vậy là một hành động hết sức nguy hiểm—nhưng nếu nói họ chỉ chú trọng “vào những khiếm khuyết” của Đảng thì e rằng đó là một cách nói cho nhẹ đi.[9] Khi có những điều mà nhóm sinh viên không thể nói thẳng, họ đã “lách” ý qua cách hát vang bài quốc ca Trung Cộng (sáng tác năm 1935, trước đây được biết đến với tên gọi “Cuộc hành quân của những người tình nguyện,” bài quốc ca gợi lại thời kỳ nhân dân Trung Quốc đoàn kết để kháng chiến quân Nhật): “Hãy đứng lên, hỡi đám người không muốn thành nô lệ …. Nỗi nguy cơ của nước non đang cận kề.” Táo bạo hơn là cách hát châm biếm những lời từ bài ca của thập niên 1950, “Không có Đảng thì không có một Trung Quốc Mới”—khi người hát cố tình lấp lửng ý sau câu “Trung Quốc Mới.”  Dương Thiệu Minh, con trai của Dương Thượng Côn và là một người bạn của gia đình ông Triệu, đã chụp tấm hình này trong một buổi họp ở nhà Đặng Tiểu Bình vào mùa hè năm 1989, sau khi quân đội đã dùng sức mạnh trấn áp nhóm sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Đây là hình ảnh duy nhất ghi lại bối cảnh nơi Đặng Tiểu Bình đã ra quyết định đàn áp sinh viên. Cho dù Triệu Tử Dương đã cố ý hay vô tình làm nhẹ đi “ý đồ lật đổ chính quyền” của nhóm sinh viên trước thảm kịch Thiên An Môn, rõ ràng nước Trung Hoa mà ông phác họa trong Người Tù của Nhà Nước không phải là một triều đại xa xôi, mà là một Trung Hoa của ngày hôm nay—một quốc gia đã chấp nhận nền kinh tế thị trường nhưng vẫn tiếp tục đàn áp và bắt bớ bất cứ mọi ai lên tiếng cổ võ chuyện cải cách đường lối chính trị. Trái với điều mọi người vẫn nghĩ là chuyện ra lệnh cho quân đội đàn áp nhóm sinh viên trong mùa Xuân 1989 đã có phiếu bầu của Ủy Ban Thường vụ trong Bộ Chính trị, ông Triệu khẳng định rằng không có một phiếu bầu nào hết.[10] Đối với ông Triệu, đó là một điều hết sức quan trọng. Phiếu bầu, nếu đã có, mới có thể chứng minh chuyện Đảng—như một tập thể– chịu trách nhiệm cho quyết định đàn áp sinh viên. Không có phiếu bầu thì vẫn phải có người làm “vật tế thần” chịu tội. Triệu Tử Dương đã chống lại chính sách mà ông cho là vô trách nhiệm này khi tuyên bố, “Tôi từ chối [vai trò] Tổng Bí Thư huy động quân đội đàn áp các sinh viên.” Tương tự, trong lúc bị quản thúc tại gia, ông vẫn chống đối lại những cách Đảng Cộng sản đã hạn chế tự do của ông qua những lệnh “vô căn cứ” không bao giờ được viết xuống giấy tờ, như cấm ông không được ra khỏi nhà để đi chơi golf bằng cách ra lệnh cho tài xế, dù đã đến đợi ngoài cổng, không được mở máy xe đưa ông đi (ông dọa sẽ đi xe buýt công cộng), hoặc chỉ cho phép ông xuất hiện ở nơi nào “không đông người” nhưng cũng không được “quá ít người.” Nếu sự phản kháng của ông trong thời gian bị quản thúc mang tính chất bi hài kịch, dù sao đối với ông nó biểu tượng cho một niềm tin vào những nguyên tắc và luật lệ vượt lên trên những sự nhỏ mọn của nhóm người đã áp chế ông.[11] Mặc dù phần lớn những diễn viên chính trong câu chuyện của ông Triệu đã rời bỏ sân khấu, cơ cấu chính trị của Đảng Công sản Trung Quốc và những lề thói của nó vẫn không thay đổi. Cuối năm 2008, những nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Trung Hoa, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân Quyền, đã cùng ký vào Hiến chương 08, kêu gọi Đảng cải cách đường lối chính trị, khuyến khích quyền tự do phát biểu và sự thành lập một Bộ Tư Pháp độc lập. Bắc kinh phản ứng về chuyện này như bao nhiêu lần trong quá khứ: tra hỏi những người có chữ ký trong bản Hiến chương và bắt bớ những người khác, trong số đó có nhà văn đối lập Lưu Hiểu Ba.[12]
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 6:04:19 GMT 9
Người Tù của Nhà Nước không phải là một hồi ký ghi lại toàn diện cuộc đời của Triệu Tử Dương. Nó không chú trọng vào sự nghiệp lâu dài và nhiều thành quả của ông, mà chỉ nói về ba năm (1987, 1988, 1989) nhiều xáo trộn trước khi ông Triệu bị trục xuất ra khỏi guồng máy cầm quyền của Đảng Cộng sản. Thiết tưởng khi nhớ đến ông, chúng ta cũng nên nói sơ qua về sự nghiệp đặc sắc và nhiều thăng trầm của ông.  Triệu Tử Dương vào năm 1948, trước thời kỳ Đảng Cộng sản Trung Hoa thắng cuộc nội chiến. Lúc đó ông đã là một viên chức huyện với nhiều thành tích trong việc cải cách ruộng đất. Ít lâu sau ông được cử đến Quảng Đông và trở thành Tổng bí thư ở vùng tỉnh lỵ miền duyên hải. Triệu Tử Dương, tên khai sinh là Triệu Tu Nghiệp, đổi thành Tử Dương khi ông còn học trung học Đệ Nhất cấp. Sinh ngày 17 tháng 10 năm 1919, ông là con trai một địa chủ giàu có tại Hoạt huyện, tỉnh Hà Nam, Trung phần Trung Hoa, ông gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1932 và hoạt động ngầm với tư cách một thành viên Đảng Cộng sản trong Chiến Tranh Trung-Nhật (1937-1945) và cuộc Nội chiến Trung Quốc sau đó. Cha ông đã bị các thành viên của đảng giết hại vào cuối thập niên 1940. Ông trở thành một nhân vật nổi bật của Đảng ở Quảng Đông từ năm 1951 với nhiều biện pháp cải cách nông nghiệp thành công. Năm 1962, Triệu Tử Dương bắt đầu giải tán hệ thống hợp tác xã nhằm khuyến khích sự tư hữu ruộng đất trong khi vẫn quy định các hợp đồng sản xuất cho từng hộ gia đình. Ông cũng chỉ đạo một cuộc thanh trừng cứng rắn các cán bộ bị buộc tội tham nhũng hay có quan hệ với Quốc Dân Đảng. Vào năm 1965, trong lúc mới 46 tuổi, Triệu Tử Dương đã là bí thư Đảng tỉnh Quảng Đông, dù chưa là thành viên của Ủy ban Trung Ương Đảng. Hai năm sau, vì là người ủng hộ những biện pháp cải cách của Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, ông bị cách chức bí thư đảng Quảng Đông trong cuộc Cách mạng Văn hoá, bị giải đi trên các đường phố Quảng Châu với chiếc mũ giấy trên đầu và bị gọi là “một tàn tích thối tha của tầng lớp địa chủ.”[13] Ông phải sống bốn năm làm thợ ráp máy tại một xưởng máy ở Hà Nam. Trong thời gian này, gia đình ông (với vợ ông, bốn người con trai và một người con gái) sống chen chúc trong một căn hộ nhỏ gần xưởng máy, với vỏn vẹn một chiếc va-li để ở giữa phòng khách làm bàn ăn.[14] Việc Triệu Tử Dương được trở lại với sinh hoạt chính trị sau bốn năm bị đày ải chứng tỏ rằng các lãnh tụ Bắc Kinh vẫn nhớ đến những thành quả nông nghiệp của ông trước thời điểm cuộc Cách Mạng Văn hóa. Theo lời kể lại của ông Triệu với các bạn bè, vào tháng 4 năm 1971, gia đình ông bị đánh thức dậy nửa đêm bởi một tiếng đập cửa thật lớn. Ông được lệnh phải đi ngay đến phi trường Trường Sa rồi từ đó đáp máy bay đến Bắc Kinh gặp các lãnh tụ Đảng. Đến nơi, trước khi gặp Chu Ân Lai để nhậm chức Phó Thủ Trưởng Đảng vùng Nội Mông, ông được ngủ qua đêm ở khách sạn Bắc Kinh. Ông nói rằng ông đã thức suốt đêm vì sau hơn bốn năm sống cực khổ, ông không còn quen với nệm giường quá dầy và êm.[15] Ít lâu sau ông Triệu mới biết rằng người có trách nhiệm khôi phục sự nghiệp của ông chính là Mao Trạch Đông. Một ngày bỗng chợt Mao Trạch Đông hỏi người cận vệ, “Chuyện gì đã xảy ra cho Triệu Tử Dương?” Khi được cho biết rằng ông Triệu đã bị thanh trừng và đầy ải đến một vùng quê làm dân lao động, Mao tỏ vẻ buồn bực vì những hậu quả cực đoan chính cuộc Cách mạng Văn hóa của ông đã gây ra, “Thanh trừng hết mọi người sao? Tôi đâu có muốn điều đó ….” Cũng nhờ lời nói của Mao, Triệu Tự Dương được trở lại diễn đàn chính trị.[16] Vào những năm sau đó, Triệu Tử Dương giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Quảng Đông và Tứ Xuyên rồi được cử vào Ủy Ban Trung Ương Đảng. Ông cũng được phong làm đệ nhất bí thư Đảng vùng Tứ Xuyên—một tỉnh lớn nhất Trung Quốc–vào năm 1975. Về mặt kinh tế, Tứ Xuyên đã bị tàn phá sau chiến dịch Đại Nhẩy Vọt và Cách mạng Văn hóa nối tiếp. Triệu Tử Dương đề xướng những cải cách nông nghiệp cho Tứ Xuyên với nhiều thành công, dẫn tới tăng trưởng sản xuất công nghiệp tới 81% và sản lượng nông nghiệp 25% trong vòng ba năm. Đặng Tiểu Bình coi “Kinh nghiệm Tứ Xuyên” là mô hình cho công trình cải cách kinh tế Trung Quốc. Người địa phương vì thế thường tán tụng Triệu Tử Dương với câu yếu ngật lương, trảo Tử Dương (yao chi liang, zhao Ziyang). Cách chơi chữ theo tên ông, dịch thoát có nghĩa là “nếu bạn muốn kiếm sống, hãy theo Tử Dương.” Triệu Tử Dương được Đảng Cộng sản cử đi thăm viếng Âu Châu vào năm 1979. Trong chuyến đi này (mà ông Triệu thuật lại trong Người Tù của Nhà Nước), ông có dịp quan sát các nông trại ở Anh và Pháp được trồng trọt và sản xuất theo những yếu tố thích hợp với thiên nhiên và địa lý. Những vùng đất khô của Pháp trồng nho và những loại cây thích hợp với khí hậu khô. Vùng đất duyên hải nhiều mưa ở phía Tây nuớc Anh chỉ có thể nuôi bò sữa vì có nhiều cỏ tốt, nhưng không thể trồng lúa vì quá ít nắng so với miền duyên hải ở phía Đông nước Anh, nơi trồng nhiều lúa mì. Ông Triệu nhận xét rằng người nông dân của các nước Tây Phương không theo đường lối “cổ” của Trung Hoa là “thay đổi chiều hướng của đất trời” bằng cách ép môi trường thiên nhiên phải theo kế hoạch nông nghiệp của nhà nuớc mà trái lại, đã đi theo luật thiên nhiên để phát triển kinh tế.[17] Sự nhận xét thực tiễn của Triệu Tử Dương về “luật thiên nhiên” của người nông dân Âu Châu sau này cũng được ông áp dụng vào những suy nghĩ chính trị.  Triệu Tử Dương vào đầu tháng 9 năm 1980, sau khi được chính thức phong chức Thủ Tướng. (Ảnh Keystone/Getty) Triệu Tử Dương được bầu làm thành viên chính thức của Bộ Chính Trị năm 1979 và Phó Thủ tướng Trung Hoa đầu năm 1980. Nhờ thế lực của Đặng Tiểu Bình, ông được thăng chức Thủ Tướng vào tháng 9 năm 1980 thay thế Hoa Quốc Phong, người đã bị họ Đặng loại trừ vì không chịu từ bỏ chính sách cũ của Mao. Trong thập niên 1980, Triệu Tử Dương đắc lực áp dụng “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” của Đặng Tiểu Bình—đây là khuynh hướng cổ võ chuyện thử nghiệm những mô hình xã hội và kinh tế đương đại tuy vẫn duy trì khuôn khổ Mác-xít, cũng được gọi là “chủ nghĩa [Mác-xít] xét lại.”  Triệu Tử Dương song bước với Tổng Thống Reagan vào ngày 10 tháng Giêng năm 1984, vào dịp ông thăm viếng tòa Bạch Ốc. Vào tháng Giêng năm 1987, Đặng Tiểu Bình buộc nhà lãnh đạo phe cải cách Hồ Diệu Bang từ chức Tổng Bí thư Đảng. Triệu Tử Dương được lên thay thế họ Hồ, và ghế Thủ tướng về tay Lý Bằng. Trong khi Tổng bí thư Triệu Tử Dương nới lỏng sự kiểm soát của chính quyền trong lĩnh vực công nghiệp và tạo lập các vùng tự do kinh doanh ở các tỉnh ven biển, Thủ tướng Lý Bằng, một lãnh tụ bảo thủ, muốn áp dụng kế hoạch hóa trung ương và quản lý từ bên trên. Trong Đại hội Đảng năm 1987, Triệu Tử Dương tuyên bố Trung Quốc đang ở trong “một giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội” có thể kéo dài đến 100 năm. Theo khuynh hướng này, ông tuyên bố rằng Trung Quốc cần thử nghiệm nhiều hệ thống kinh tế nhằm kích thích nỗ lực sản xuất. Triệu Tử Dương cũng đề nghị nên tách biệt vai trò của đảng và nhà nước, một đề nghị mà về sau trở nên chuyện cấm kỵ. Có thể nói, hai năm làm Tổng bí thư của Triệu Tử Dương là thời gian mở cửa nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại—nhiều hạn chế về tự do ngôn luận và tự do báo chí đã được nới lỏng, cho phép giới trí thức đề xướng các giải pháp cải thiện cho đất nước. Vào tháng 5 năm 1988, kế hoạch của Triệu Tử Dương chuyển thị trường với giá cố định thành thị trường với những giá di chuyển trở nên một đề tài sôi nổi. Nhóm bảo thủ phàn nàn rằng thử nghiệm kinh tế của ông Triệu đã gây ra nạn lạm phát siêu tốc trên toàn quốc và họ đòi hỏi chuyện trung ương hóa các biện pháp quản lý kinh tế và thông tin để ngăn chặn những ảnh hưởng tư bản từ phương Tây. Cuộc tranh luận chính trị kéo dài từ mùa đông năm 1988 tới mùa xuân 1989. Vắng bóng Hồ Diệu Bang—“người đã đứng mũi chịu sào” về những cải cách chính trị trong khi Triệu Tử Dương lo chuyện kinh tế–thế lực của Triệu Tử Dương bị thử thách trầm trọng trong thời điểm này. xxx Để hiểu rõ những biến loạn trong lịch sử hiện đại, nhóm trí thức Trung Hoa thường chơi trò suy đoán những phản dữ kiện. Hậu quả sẽ như thế nào nếu một biến cố lịch sử đã xảy ra cách khác? Bao thập niên qua người Trung Hoa đã chơi trò chơi “nếu Lỗ Tấn đã sống.” Nếu nhà văn Lỗ Tấn—người mà Mao Trạch Đông đã tôn dương là “nhà văn can đảm và chính trực nhất của Trung Hoa” không bị chết vì bệnh ho lao năm 1936 mà hưởng thọ qua năm 1949, thì chuyện gì sẽ xảy ra, liệu ông có thể sống còn dưới chế độ Mao? Người ta kết luận Lỗ Tấn chỉ có thể sống sót thêm 8 năm sau năm 1949, vì cuộc “Vận động chống cánh hữu” năm 1957 sẽ làm ông khốn đốn. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng đã tham dự vào trò chơi phản dữ kiện. Vào tháng 7 năm 1957, trong một buổi nói chuyện với nhóm văn bút Thượng Hải, Mao đã nói như phớt tỉnh, “Lỗ Tấn ấy à? Hắn mà còn sống lúc này thì chỉ có viết văn trong tù hay câm như hến thôi.” Dĩ nhiên, sau lưng Mao, nguời ta cũng chơi trò “nếu Mao đã không sinh ra.” Tuy nhiên, không ai biết vận mệnh của Trung Hoa sẽ như thế nào trong hậu bán thế kỷ 20 nếu bố Mao Trạch Đông, ông Mao Di Xương, và mẹ, bà Văn Thất Muội—một người đàn bà mù chữ và thích tu Phật—đã không chung sống với nhau vào mùa xuân năm 1893—lúc Mao được thụ thai.[18] Vào tháng 8 năm 1991, khi Boris Yeltsin leo lên xe tăng ở Moscow chống lại nhóm Cộng sản cứng rắn muốn lật đổ Gorbachev và kéo được sự ủng hộ của toàn dân về phía ông để chống phe đảo chánh, có nhiều nhóm trí thức Trung Hoa cũng chất vấn tại sao Triệu Tử Dương đã không làm được như Yeltsin vào mùa xuân 1989. Hơn một triệu người đã ở trong quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17 tháng 5 của 20 năm trước, và hầu hết mọi nguời đều cùng quan điểm như ông Triệu. Một phóng viên tờ New York Times đã nghe một viên quân cảnh reo hò, “Cao trào sinh viên thật tuyệt vời. Nếu chính quyền đàn áp sinh viên, tôi có theo lệnh trên không? Không, tôi sẽ chống cật lực.” Hàng ngàn đám đông biểu tình, ở cùng khắp các thành đô của những tỉnh lớn Trung Hoa đều biểu lộ tinh thần phản kháng này.[19] Nhưng có lẽ sự thực cũng không thể nào khác. Triệu Tử Dương có tính khí ôn hòa, cẩn trọng, khó có thể so sánh ông với Yeltsin. Cũng không thể nào tin rằng quân đội Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Dương Thượng Côn –người chịu nhiều ân huệ chính trị của Đặng Tiểu Bình—lại có thể theo Triệu Tử Dương chống lại lệnh Đảng. Tuy vậy, không hiểu chúng ta có cứu vớt được điều gì giả thử nhóm sinh viên biểu tình đã nghe lời nhà báo Đái Tình và nhóm đại biểu ủng hộ cao trào dân chủ của bà vào ngày 14 tháng 5 kêu gọi họ tuyên bố chiến thắng (dù chỉ được một phần) và giải tán ngay sau đó? Nếu nhóm sinh viên đã giải tán cuộc biểu tình và quay về nhà, liệu cuộc khủng hoảng chính trị có êm dịu xuống, và Triệu Tử Dương sẽ không bị truất phế? Hay là, cho dù đám sinh viên vẫn khăng khăng hiện diện ở quảng trường Thiên An Môn, liệu ông Triệu có thể thương lượng với Đặng Tiểu Bình để duy trì thế lực chính trị của mình? Liệu ông có chuyển được chiều lăn của bánh xe lịch sử? Câu hỏi trên phải được “bóc ra” từng lớp, như cách ta bóc một củ hành. Để phỏng đoán những thành quả sau này của ông Triệu nếu ông đã không bị loại ra khỏi guồng máy chính quyền, người ta cần theo dõi những tiến triển trong khuynh hướng chính trị của ông trong 16 năm bị quản thúc tại gia. Trước năm 1987, khuynh hướng chính trị của ông Triệu không gây nhiều quan tâm. Tuy ông đề xướng những nỗ lực “tư bản” như chuyện khôi phục tư hữu nông nghiệp, thị trường tự do cho một vài sản phẩm nông nghiệp, và một phần tự quản cho các cơ sở kinh doanh kỹ nghệ, ông coi những cải tiến này được nằm trong khuôn khổ Mác-xít, và tuyên bố rằng “những giai đoạn đầu của Mác-xít” cần bao gồm yếu tố tư bản. Theo ông Triệu, lập luận của Marx khi đòi hỏi sự chấm dứt của mọi tầng lớp tư bản để bắt đầu xã hội chủ nghĩa đã không nhận ra điều thiết yếu của kinh doanh tư bản như một cách mở đường cho xã hội chủ nghĩa. Ông Triệu nghĩ rằng Stalin và Mao đã gây ra những lỗi lầm lớn khi tưởng rằng một thiên đường xã hội chủ nghĩa có thể nẩy nở trực tiếp từ một xã hội nông dân. Giai đoạn tư bản vì thế không thể bị bỏ qua. Do đó, ông Triệu suy luận, Trung Quốc cần phải đi ngược thời gian để “tạo nên tầng lớp [tư bản] này.” Nhưng nó sẽ là “chế độ tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” và chỉ là một giai đoạn nhất thời. Trong đầu thập niên 1980, Triệu Tử Dương không có vấn đề gì với công thức, “tư bản và chính quyền Độc Đảng.” Tuy nhiên, trong khoảng từ 1987 cho đến năm 1989, ông Triệu bắt đầu thấy rằng công thức này đã nẩy sinh ra tệ trạng tham nhũng. Những cải cách kinh tế vẫn chưa đủ để chuyển hướng xã hội đến nền kinh tế thị trường tự do. Tuy những công ty và kỹ nghệ được dịp tranh đua trên thị trường, quyền lực vẫn được tập trung ở các cơ cấu chính quyền. Nhiều đặc tính từ thời kinh tế trung ương hóa vẫn chưa bị xóa bỏ trong thời kỳ cải cách. Nếu một vài công ty tham gia vào thị trường biết hối lộ hay nhận được những đặc ân từ các cục bộ nhà nước, những công ty này sẽ thu hoạch lợi lộc vượt xa các công ty cạnh tranh khác. Dần dà, Triệu Tử Dương hiểu rằng kế hoạch dân chủ hóa sẽ là giải pháp tốt nhất để chống tham nhũng vì đà tiến bộ của xã hội hiện đại không cho phép người dân trở về thời đại tranh đấu giai cấp “để hành quyết các phần tử xấu xa.” Trở về kế hoạch trung ương hóa cũng không còn hợp thời hay hợp lý trong lúc này, vì theo ông như vậy “cũng chẳng khác gì chuyện nhịn đói để khỏi bị nghẹn.”[20] Thay vào đó, một vấn nạn xã hội như chuyện tham nhũng có thể được dùng như xúc tác để huy động người dân trong việc thiết lập những cơ sở dân chủ. Đây là một nhận xét khá sâu sắc của ông Triệu. Nhân dân Trung Hoa trong thời điểm này đã phẫn nộ trước những hành động tham nhũng của viên chức cầm quyền, và nếu những cơ sở dựa trên quy luật và trách nhiệm như một tờ báo tự do, một guồng máy chấp hành sáng suốt, và thủ tục luật pháp được giới thiệu như những dụng cụ để bài trừ tham nhũng, thì sẽ nhận được ngay sự ủng hộ của quần chúng. Triệu Tử Dương sẽ tiến hóa như thế nào trong quan điểm của ông, nếu ông còn nắm quyền hành sau 1989? Nên nhớ rằng ông là một nhà lãnh đạo, tuy nhìn xa trông rộng, nhưng thực tiễn và thận trọng trong cách thi hành đường lối chính trị. Ông luôn luôn tin rằng, đối với Trung Quốc, những thay đổi phải đến từ từ, và đi từng giai đoạn. Ông dùng mô hình Hồng Kông để chứng minh rằng đó là một xã hội có nhân quyền mà không cần áp dụng nền dân chủ bỏ phiếu. Trung Hoa có thể bắt đầu tương tự: nới lỏng việc kiểm duyệt ngôn luận và báo chí, đồng thời khuyến khích những cơ cấu độc lập. Gia tăng quyền hành ở địa phương, giảm quyền ở trung ương. Đưa ra những giải pháp để độc lập hóa ngành tư pháp. Sau đó thúc đẩy đường lối dân chủ, với những quy luật rõ ràng, trong những sinh hoạt nội bộ của Đảng Cộng sản. Sau cùng mới là bước tiến đến dân chủ với những cuộc bầu cử toàn quốc. Triệu Tử Dương tin rằng quá trình chuyển qua thể chế dân chủ vẫn có thể xảy ra dưới một lãnh tụ độc tài vì ông đã nhìn thấy nó xảy ra tại Đài Loan. Ông Triệu rất ái mộ Tưởng Kinh Quốc (con trai của Tưởng Giới Thạch): Tưởng Kinh Quốc là một người kỳ diệu: nguời ta cần học hỏi nhiều điều từ ông. Ông theo đà tiến triển của thế giới và tự mình thúc đẩy những cải cách dân chủ. Ông được huấn luyện theo chính sách độc đảng của Quốc Dân Đảng, và trong nhiều năm sống ở Nga theo truyền thống Cộng Sản của Liên-Xô. Chuyện ông biết từ bỏ những cách suy nghĩ cổ lỗ quả là điều đáng khâm phục.  Bị quản thúc tại gia vào mùa hè năm 1993, Triệu Tử Dương nghĩ ra cách chơi golf–môn thể thao mà ông rất thích–bằng cách đánh trái banh golf vào lưới căng ở góc sân trước nhà. Triệu Tử Dương bị các viên chức Cộng sản làm khó dễ khi ông tỏ ý muốn đến chơi golf ở những sân golf công cộng. Trong thời gian bị quản thúc tại gia trong thập niên 1990, Triệu Tử Dương đã có nhiều thì giờ để suy ngẫm. Không còn định nghĩa mọi sự việc qua lăng kính “giai đoạn lịch sử” Mác-xít, ông bắt đầu khai phá những yếu tố khác để đo lường đà tiến hóa của một xã hội, như tiêu chuẩn sinh sống, tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục, sự cách biệt giữa tầng lớp lao động chuyên môn và không chuyên môn, giữa nếp sống nông thôn và thành thị. Từ năm 1992, ông đã lo lắng nhiều về môi trường thiên nhiên của Trung Hoa—nếu sự phát triển kinh tế không được thi hành đúng nguyên tắc, môi truờng thiên nhiên sẽ bị tàn phá.[21] Triệu Tử Dương tại gia ngày 7 tháng 2 năm 1992. Mọi người trong nhà phải đợi cơm trong lúc ông Triệu đánh cờ tướng với vợ. Dù sao, Người Tù của Nhà Nước (và Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng) cũng chỉ là những sơ đồ. Chúng ta vẫn chơi trò suy đoán qua phản dữ kiện. Khó có thể quả quyết rằng Triệu Tử Dương có thể chuyển Đảng Cộng sản sang nền dân chủ có bầu cử nếu ông còn giữ chức Tổng Bí thư sau mùa Xuân 1989. Người ta đã thấy rằng các lãnh tụ Cộng sản, qua những hồi ký viết sau khi về hưu, thường tỏ ra dung hòa hay phóng khoáng trong khuynh hướng chính trị hơn là trong lúc họ còn làm việc tại nội bộ chính quyền. Thời gian bị quản thúc có lẽ cũng tạo cơ hội để ông Triệu không còn bị chi phối bởi những vấn đề thực tiễn, cho nên ta không nên suy rằng điều ông suy nghĩ tại gia cũng sẽ là điều ông sẽ thi hành như một vị lãnh đạo Cộng sản. Hơn nữa, cũng khó có thể nói ông sẽ vẫn giữ vững quyền thế sau mùa Xuân 1989. Theo giáo sư Perry Link, những đối thoại của Triệu Tử Dương với Tôn Phượng Minh trong Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng cho ta thấy trong suốt thập niên 1980 ông và Hồ Diệu Bang là hai nhân vật “ngoài sân khấu” của Đặng Tiểu Bình. Quyền lực thật ra nằm trong tay “hai ông già” là Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, mỗi người giữ một phe phái chính trị, nhưng với phần đông thiên về ông Đặng. Ủy ban Thường vụ của Đảng Chính trị không được họ Đặng coi ra gì. Đặng Tiểu Bình ví nó như “cái xe thổ mộ kéo bởi nhiều đầu ngựa” và nghĩ những buổi họp nội các chỉ là chuyện phí thì giờ. Đặng Tiểu Bình cũng có lần gửi một lá thư cho Trần Vân, cảnh cáo họ Trần rằng “Đảng chỉ có một bà nội.” Triệu Tử Dương chỉ có thể tồn tại trong môi trường này nếu ông chịu hèn hay phải hết sức cẩn thận. Ông đã tâm sự với Tôn Phượng Minh: “Là Tổng bí thư, tôi có thay thế giám đốc Bộ Tổ Chức hay Bộ Thông Tin được không? Tôi khó làm chuyện này nếu có ai ủng hộ những người này trong bóng tối.” Để hiểu rõ tình cảnh của Triệu Tử Dương, ta phải hỏi tại sao Đặng Tiểu Bình phải cần đến “những nhân vật ngoài sân khấu”? Tại sao họ Đặng không hiển nhiên độc diễn vì như vậy có lẽ dễ thở hơn cho các thành viên khác trong Đảng? Theo giáo sư Perry Link, quyền lực chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Hoa tùy thuộc vào những ân huệ phân phát từ xếp trên, thay vì những ý kiến đưa lên từ người dưới, nhưng có một ngoại lệ đặc biệt ở thượng tầng khi một lãnh đạo không còn có ai ở trên họ. Vì vậy, ý kiến của đám người ở chức vị duới thượng tầng một bực sẽ gây ảnh hưởng mạnh. Nếu lãnh tụ tượng tầng làm lỗi, sẽ có cớ để những đối thủ đứng ngay phía dưới trục xuất họ. Ngay cả Mao Trạch Đông cũng bị ảnh hưởng bởi động lực này. Khi chiến dịch Đại Nhẩy Vọt vào thập niên 1950 của Mao gây ra nạn đói giết hại hàng triệu người, những “lỗi lầm” của Mao làm thế lực chính trị của ông bị bấp bênh. Chuyện Mao đề xướng Cách Mạng Văn Hóa những năm sau đó được coi là cách ông trả thù những kẻ đã lên tiếng buộc tội ông về thảm họa Đại Nhẩy Vọt. Đặng Tiểu Bình nắm quyền hành vào cuối thập niên 1970 với một nhận thức sâu xa về vai trò của những lỗi lầm chính trị. Họ Đặng lúc đó đang mở một con đường hoàn toàn mới cho nền kinh tế Trung Hoa và ông biết rằng chuyện ông làm có thể mang đến nhiều hiểm họa chính trị. Nếu không thành công ông sẽ bị mất hết quyền hành. Qua cách phô diễn “những nhân vật ngoài sân khấu” như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, họ Đặng vừa có hai ủy viên đắc lực cho kế hoạch cải cách của ông vừa được hai mạng người giơ đầu chịu báng trong trường hợp kế hoạch của ông bị thất bại. Dĩ nhiên, kẻ được ông thăng lên chức vị “ngoài sân khấu” lúc nào cũng phải nhớ rằng họ Đặng là người giật dây, và trong năm 1986 Hồ Diệu Bang có lẽ đã quên điều này. Vào năm đó khi họ Đặng đề nghị với Hồ Diệu Bang ông sẽ từ chức Quân Ủy Hội, có lẽ ông nghĩ rằng Hồ Diệu Bang sẽ khuyên ông đừng từ chức, nhưng họ Hồ đã “sơ ý” chấp thuận lời đề nghị này. Đặng Tiểu Bình từ lúc đó coi Hồ Diệu Bang như kẻ lấn quyền và 9 tháng sau, vào năm 1987, họ Hồ đã bị truất phế vì mắc tội “tự do hóa theo kiểu tư sản.”[22] Hai năm sau, Triệu Tử Dương bắt đầu cảm thấy bó buộc bởi vai trò “ngoài sân khấu” của ông. Cũng theo giáo sư Perry Link, vào tháng 5 năm 1988, Đặng Tiểu Bình, không phải Triệu Tử Dương, là người đã quyết định rằng nền kinh tế giá cả cố định của Trung Hoa cần được hủy bỏ trong một thời gian thử nghiệm. Thay vì tham khảo trước với Triệu Tử Dương, họ Đặng bắt đầu tuyên bố cho các viên chức ngoại giao rằng Trung Hoa đang trong thời kỳ cải tiến giá cả, và ông Triệu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thi hành lời tuyên bố của Đặng Tiểu Bình. Vào mùa hè 1988, khi chuyện lạm phát siêu tốc gây khủng hoảng kinh tế và xã hội, và ai ai cũng thấy rằng chuyện thay đổi giá cả thị trường là chuyện “sai lầm,” Triệu Tử Dương, trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng, phải hứng chịu trách nhiệm. Vào tháng 9 năm 1988, đại diện Trung Ương Đảng, ông Triệu xuất bản một lá thơ xin lỗi. Người ngoài tưởng rằng ông Triệu là tác giả của kế hoạch “chết yểu” này, và họ bắt đầu mất niềm tin ở ông. Những người thân cận với ông nghĩ rằng thế lực của ông Triệu đã suy yếu trầm trọng vào đầu năm 1989, và có lẽ ông cũng không thể tồn tại cho dù không có một cuộc biểu tình nào ở Thiên An Môn. Hơn nữa, nếu Triệu Tử Dương muốn giữ chức sau năm 1989, những thương lượng “nhỏ” với Đặng Tiểu Bình và nhóm bảo thủ chưa chắc đã đủ. Ông sẽ phải hoàn toàn theo đường lối của họ Đặng, bao gồm quyết định dùng sức mạnh quân đội để đàn áp nhóm sinh viên biểu tình. Như ta đã thấy, đến lúc này ông Triệu đã cực lực từ chối chuyện “giơ đầu giữ báng.” Ông nhất định không muốn đi vào lịch sử trong vai “Tổng Bí thư huy động quân đội đàn áp nhóm sinh viên.” Theo giáo sư Perry Link, những nghi vấn về quyền tối cao của Đặng Tiểu Bình đã bị xua tan vào năm 1992, khi họ Đặng truất phế Dương Thuợng Côn về tội “muốn lấn quyền Giang Trạch Dân làm lãnh tụ Đảng.” Khi đã loại trừ Dương Thượng Côn, quyền lực Đảng trong lúc này được chia ra thành ban phần, giữa Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng, và Chủ tịch Quốc Hội Nhân Dân Kiều Thạch. Vì ba người này không tin hay ưa gì nhau, Đặng Tiểu Bình, ở vị trí thượng đỉnh, vẫn có thể lèo lái họ.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 6:06:17 GMT 9
Triệu Tử Dương, qua những tài liệu, không phải là người nham hiểm về mặt chính trị. Nếu ông không bị loại trừ, ông cũng khó có thể thi hành những cải cách chính trị để đi song song với sự nới lỏng về mặt kinh tế khi các phe nhóm trong Đảng vẫn chưa muốn từ bỏ chế độ toàn quyền. Tuy vậy, thành tích của ông trong ba năm làm Tổng bí thư Đảng vẫn được công nhận là xuất sắc. Điểm đáng khâm phục nhất là ông đã làm được nhiều việc trong vị trí tương đối độc lập và được sự ủng hộ/dấn thân toàn diện của những viên chức cùng ý chí cải cách như ông (như Bào Đồng là người cho đến hôm nay vẫn bị quản thúc tại gia.) Ông Triệu không hề nao núng trong chuyện đi thuyết phục, hay nếu cần, giao chiến với Lý Bằng và chính khách cao niên Diệu Y Lâm khi chính sách kinh tế của ông bị họ thách thức. Ông cũng đi tham quan nhiều nơi để tiếp xúc và tranh cãi với các viên chức Cộng sản ở giai tầng tỉnh, quận–nhóm người mà ngay từ trước cuộc Cách Mạng Văn Hóa chưa bao giờ dám dấn thân với những tư tưởng mới. Trong suốt sự nghiệp chính trị của ông, ông vừa là một nhà lãnh đạo thực tiễn, vừa là một nhà trí thức theo đúng nghĩa “trí thức”: ông không ngừng suy xét, chất vấn, thảo luận và tranh cãi về những bước tiến sắp đến của quốc gia. Đặng Tiểu Bình đã biết chọn đúng người. Triệu Tử Dương chính là kiến trúc sư của kế hoạch cải cách.[23] Nói cho cùng, trò chơi suy đoán về một quá khứ phản dữ kiện cũng bấp bênh như chuyện tiên đoán tương lai. Tuy ta khó hình dung chuyện Triệu Tử Dương leo lên xe tăng tuyên dương nền Cộng Hòa Dân Chủ cho Trung Hoa trong mùa Xuân gần như xa xưa ấy, không có gì huyễn hoặc hay siêu thực về tính chất phổ quát của cuộc nổi dậy ở Thiên An Môn, sự sợ hãi của chính quyền Cộng sản về tiềm năng của nó, hay hình ảnh Triệu Tử Dương đã vĩnh viễn đi liền với cao trào tranh đấu đó. Chính Đặng Tiểu Bình, vào năm 1992, đã công nhận, Các đế quốc đang thúc đẩy ‘diễn biến hòa bình’ hướng về chủ nghĩa tư bản ớ Trung quốc, hiện đặt nhiều hy vọng vào những thế hệ sẽ tiếp sau chúng ta. Đồng chí Giang Trạch Dân và đồng sự có thể coi là thế hệ thứ ba và sau đó là thế hệ thứ bốn, năm. Các thế lực đối lập nhận thức rằng chừng nào thế hệ cao niên của chúng ta còn sinh tồn và vẫn có ảnh hưởng mạnh thì không có gì thay đổi. Nhưng một khi chúng ta chết đi, ai có thể bảo đảm rằng sẽ không có một ‘diễn biến hòa bình’ [đến chủ nghĩa tư bản]? [24] Gần đây hơn, sự ra đời của Hiến Chương 08 được coi là một thành tích đáng kể của nhân dân Trung Quốc. Theo giáo sư Perry Link, người đã dịch Hiến chương 08 sang tiếng Anh, hơn 2000 công dân ký tên vào bản Hiến chương 08 bao gồm những viên chức trong chính quyền lẫn người dân, không chỉ các nhà đối lập nổi tiếng và giới trí thức mà còn cả các cán bộ trung cấp và nhóm lãnh đạo ở nông thôn. Họ chọn ngày 10 tháng 12–dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố bản Tuyên Ngôn Hoàn Vũ Nhân quyền–là ngày để họ bày tỏ các ý kiến chính trị và phác thảo viễn kiến của họ về một nước Trung Hoa dân chủ và hợp hiến. Những người ký tên mong muốn rằng Hiến chương 08 sẽ được dùng như một bản thiết kế cho những thay đổi chính trị cơ bản ở Trung Quốc trong nhiều năm sắp đến.[25] Giáo sư Vương Di của Đại học Thành Đô ở Tứ Xuyên cho biết sự phổ biến của Hiến Chương 08 đã tạo ra một áp lực lớn mà chính phủ Trung Quốc không thể né tránh. Ông Vương phát biểu: Chúng tôi công bố hiến chương này vì đảng Cộng Sản Trung Quốc không nói rõ là kế hoạch cải cách của họ sẽ đưa đất nước đi tới đâu. Lâu nay trong dân chúng đã có nhiều người nói tới vấn đề cải cách dân chủ, nhưng chưa có một sự trình bày hoàn chỉnh. Giờ đây, sau khi Hiến chương 08 ra đời, mọi người đã có được một khái niệm rất rõ ràng về con đường cho tương lai của Trung Quốc. Đây là một cuộc vận động trong dân chúng và hiến chương này mang lại sự đồng thuận và là chất keo nối kết mọi người với nhau.[26] xxx  Ông Triệu trong phòng làm việc tại gia, nơi ông đã thu âm hồi ký của mình mà không ai trong nhà biết. Một bộ tape đã được khám phá sau khi ông mất, “dấu” hiển nhiên trong đám đồ chơi của các cháu ông. Trong lúc bị quản thúc tại gia, dưới sự rình rập không ngơi nghỉ của đám canh tù, Triệu Tử Dương, với sự trợ giúp và sáng kiến của Bào Đồng, đã thành công trong nỗ lực bảo tồn di sản chính trị của ông bằng chuyện thu âm 30 cuộn băng để đời. Tuy Đảng Cộng sản cố bôi xóa những thành tích của ông ra khỏi ký ức quần chúng, Triệu Tử Dương có lẽ đã hiểu rằng–qua quá trình cải cách mà ông đề xuất từ hơn 20 năm trước như những chặng mở đường cho các thế hệ sau–tương lai, không phải là quá khứ hay hiện tại, sẽ xét xử sự nghiệp của ông. Nhờ quyển Người Tù của Nhà Nước, bao gồm những đoạn trích từ sách cũng như những đoạn thu âm chuyển qua mạng thông tin internet, cùng với những tài liệu đã được xuất bản về bi kịch Thiên An Môn từ trước, tiếng nói của Triệu Tử Dương đã, đang và sẽ vượt biên giới địa lý, ngôn ngữ, vận mệnh. Từ cõi chết, ông Triệu chứng minh rằng nguyện ước hướng đến dân chủ và tự do là một nguyện ước nhân bản, hoàn cầu và vĩnh cửu. -------------------------------------------------------------------------------- [1] Theo Perry Link, He Would Have Changed China (Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc) (điểm sách Triệu Tử Dương nhuyễn cấm trung đích đàm thoại), New York Review of Books, Vol. 55 (April 3, 2008). Nguyên văn tiếng Anh: I’m a silkworm , I just expectorate Cheer for the truth, nudge justice along, And hope to leave some pure strands behind. But I’m a free moth, too. Broken out of the cocoon, like a Buddha-spirit Floating aloft, untouched, untouchable. [2] Adi Ignatius, Preface (Lời Tựa) cho quyển Prisoner of the State (Người Tù của Nhà Nước. (nxb Simon & Schuster: 2009), tr. x. [3] Như trên, tr. xi. [4] Perry Link, From the Inside, Out: Zhao Ziyang Continues his Fight Post-Mortem (Từ Trong ra Ngoài: Triệu Tử Dương Tiếp Tục Cuộc Tranh Đấu Sau Cái Chết), www.washingtonpost.com/wp-dyn/con....9051302392.html (Sunday, May 17, 2009). [5] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xi. [6] Như trên, tr. xii. [7] Perry Link, From the Inside, Out. (xem chú thích 7). [8] Triệu Tử Dương, Prisoner of the State (Người Tù của Nhà Nước), Phần I, Chương 4 (The Tiananmen Massacre: The Crackdown), tr. 34. (Đinh Từ Bích Thúy trích dịch). [9] Perry Link, From the Inside: Out. [10] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xii [11] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần II, chương 1 (House Arrest: Zhao Becomes a Prisoner), tr. 60-62. [12] Adi Ignatius, Lời Tựa, tr. xii. [13] Tóm lược Tiểu sử Triệu Tử Dương, vi.wikipedia.org/wiki/Tri%E1%BB%87u_T%E1%BB%AD_D%C6%B0%C6%A1ng[14] Adi Ignatius, Lời Tựa, xii. [15] Như trên. [16] Như trên. [17] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần III, chương 9 (The Roots of China’s Economic Boom: The Magic of Free Trade), tr. 133-137. [18] Perry Link, Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc. [19] Như trên. [20] Triệu Tử Dương, Người Tù của Nhà Nuớc, Phần III, chương 12 (The Roots of China’s Economic Boom: Coping with Corruption), tr. 156-157. [21] Perry Link, Giá Như Ông Đã Thay Đổi Trung Quốc. [22] Như trên. [23] Roderick MacFarquhar, Foreword (Lời Nói Đầu) cho quyển Người Tù của Nhà Nước, tr. xx-xxi. [24] (Đặng Tiểu Bình ám chỉ chính sách ‘diễn biến hòa bình’ (peaceful evolution) của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ John Foster Dulles, người đã tuyên bố vào năm 1953 rằng Hoa Kỳ có trách nhiệm lật đổ những chế độ Cộng sản, trong đó có Trung Quốc, nhưng kế hoạch lật đổ không cần phải đưa đến chiến tranh, mà có thể qua chính sách “diễn biến hòa bình” bằng những chiến dịch tự do hóa và bất bạo động bắt nguồn từ trong nước. Ông Dulles cũng tiên đoán rằng đến thế hệ thứ tư hay thứ năm của xã hội chủ nghĩa, những lãnh tụ Cộng sản sẽ thay đổi khuynh hướng và trở nên ôn hòa, cởi mở hơn). Xem Frank Ching, China Will Achieve ‘Peaceful Evolution’ on its own Terms, archives.starbulletin.com/2002/01/06/editorial/gathering.html. [25] Perry Link (dịch giả), Lời Giới Thiệu cho bản Hiến Chuơng 08 (Linh Bát Hiến Chương), www.nybooks.com/articles/22210 . (Bản tiếng Việt của lời giới thiệu, và Lời Tựa của Adi Ignatius cho quyển Người Tù của Nhà Nước đều cho biết chỉ có hơn 300 người ký vào Hiến Chương 08, nhưng bản tiếng Anh của Lời Giới Thiệu, www.nybooks.com/articles/22210, nói rằng có hơn 2000 người đã ký tên. Bài viết dựa vào bản tiếng Anh). [26] ‘Hiến chương 08′: Tín hiệu hy vọng cho dân chủ Trung Quốc, Đài Tiếng Nói Tự Do (VOA) (29/12/2008), www.voanews.com/vietnamese/archive/2008-12/2008-12-29-voa35.cfm.
|
|
|
Post by Huu Le on Jun 23, 2010 9:15:18 GMT 9
ÂM MƯU ĐỒNG HOÁ NGƯỜI TÂY TẠNG CỦA TRUNG CỘNG
"Không ai muốn trở lại cuộc sống cũ nhưng cũng không một ai muốn sống dưới sự điều khiển của Chính quyền Trung Cộng”
Phong Thu lược dịch theo bài viết của ký giả Lewis M.Simons của tạp chí National Geographic.
LỜI NGƯỜI DỊCH: Bắc Kinh luôn nuôi mộng bá quyền trên toàn thể Đông Dương. Tây Tạng là một đất nước láng giềng sát ranh giới với Trung Cộng không khác gì Việt Nam. Trung Quốc đã nhiều lần thất bại trước ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và sự đấu tranh chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam. Trung Quốc đã phải lùi bước trước Việt Nam nhưng đã thật sự thành công khi tấn công chiếm đất nước Tây Tạng dưới chiêu bài "Giải Phóng" vào năm 1959, và dùng hình thức "Cách Mạng Văn Hoá” để âm mưu đào bới tận gốc rễ nền văn hoá và tôn giáo của đất nước Tây Tạng. Ký giả kỳ cựu Lewis M. Simons của tạp chí National Geographic đã đến đất nước Tây Tạng nhiều lần. Và sau hơn một thập niên, ông đã trở lại Tây Tạng tìm hiểu về sự thay đổi của đất nước Phật Giáo dưới bàn tay điều khiển của Trung Cộng. Người dân Tây Tạng đang sống ra sao? Họ nghĩ gì về chính quyền Trung Cộng? Họ có chấp nhận cuộc sống hiện tại hay không và họ mơ ước gì về người lãnh tụ kính yêu- Đức Dalai Lama? Bài viết khá dài, nên Phong Thu chỉ dịch lại những phần chính cần làm sáng tỏ nội dung bài viết của ký giả Lewis M.Simons và phần tựa đề là do người dịch đặt tên.
Từ năm 1959, sau khi vệ quân đỏ của Trung Cộng “giải phóng” nước Tây Tạng, Trung Cộng đã bắt đầu đặt nền móng cai trị đất nước nầy hơn nửa thế kỷ. Hiện nay, tại Nepal và Aán Độ có trên 100,000 người Tây Tạng đã trốn ra khỏi nước và đến tị nạn tại đó và có hơn 130,000 người khác cũng đang sống lưu vong khắp nơi trên thế giới. Họ vẫn còn mơ ước Đức Dalai Lama trở lại cai trị đất nước Tây Tạng trong nền độc lập, tự chủ.
Đến đất nước Tây Tạng hôm nay, chúng ta có thể thấy người dân Tây Tạng đã phải sống trong tình trạng nặng nề dưới sự điều khiển của Trung Cộng. Những người bị tù tội hầu như không còn có tương lai trên chính quê hương của họ. Chúng ta có thể nhìn thấy được sự thay đổi tận gốc rễ về nền văn hoá và con người Tây Tạng.
Ông Lewis M. Simons một ký giả nổi tiếng của tạp chí National Geographic đã trở lại viếng thăm đất nước Phật Giáo. Ông đã du lịch hơn 4,000 dặm xuyên qua những cao nguyên rộng lớn của Tây Tạng. Và ông đã tiếp xúc với nhiều người dân Tây Tạng và ông rất ngạc nhiên khi tìm thấy những dấu hiệu modern của thế giới đã làm thay đổi toàn bộ đất nước Tây Tạng sau hơn một thập niên trở lại đây (1989, sau biến cố Quảng Trường Thiên An Môn): Những nhà sư mặc áo cà sa, đeo kính mát và lái xe mô tô; những căn lều của người du mục được bảo vệ vững chắc bằng những vách ngăn chia bằng ván gổ; xiên qua tường nhà là những cây ăng-ten ti-vi giăng mắc khắp nơi. Ở tu viện Gonsar thuộc về hướng Đông của cao nguyên, khoảng 20, 000 người tập trung lại trong những dãy liều trắng để tỏ lòng thành kính đối với một pho tượng Phật mới đúc bằng vàng cao 5 lớn đứng trên một ngọn đồi tràn ngập nắng. Ngay khi có những người cỡi ngựa đến đó, nhưng phần lớn người ta lái xe truck, vans, SUVs, hoặc xe cam nhông chở đầy người.
Một vấn đề quan trọng được nhìn thấy là những nơi nào Trung Cộng mở rộng tự do kinh tế thực sự thì nơi đó người ta mới bắt đầu có những suy nghĩ độc lập trong việc làm ăn, buôn bán. Người dân Tây Tạng cũng đã theo phương thức mở rộng nền kinh tế tự do nhưng còn chậm chạp và lo sợ. Sự khởi đầu không phải đến một cách dễ dàng đối với người Tây Tạng, đất nước Tây Tạng còn ảnh hưởng Phật Giáo nặng nề, họ làm việc trên chính mảnh đất quê hương nhưng không phải là đất mà họ làm chủ, họ phải sống rày đây mai đó và chờ đợi cho đến khi chết thì cuộc sống họ mới có niềm vui trọn vẹn.
Trong suốt cuộc Cách Mạng Văn Hoá, Trung Cộng đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặng nền văn hoá và sự phát triển của Phật Giáo bằng cách phá huỷ hầu hết các thánh thất nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng thông qua những đạo luật khắc nghiệt. Kết quả từ 2,500 đền thờ, thánh thất thì chỉ còn lại 1,800 và con số của nhà sư từ 120,000 chỉ còn lại là 46,000. Hiện nay, Trung Cộng đang đánh cuộc rằng người Tây Tạng nhận được tiền bạc, họ sẽ trở nên phấn khởi hơn và không còn quan tâm đến Đức Dalai Lama và những mưu tính của Bắc Kinh đối với Tây Tạng sẽ dễ dàng hơn.
Tôn giáo là nền tảng của người dân Tây Tạng và ngôn ngữ người Tây Tạng không thể tiếp cận được với người Trung Quốc. Người Trung Quốc không biết ngôn ngữ Tây Tạng và họ cũng không cần muốn biết đến. Những thế hệ trẻ người Tây Tạng
đã bỏ tiền ra xây trường học, cấp học bỗng, tiền bạc cho các trường college để dạy cho những thế hệ trẻ người Tây Tạng, những người có nguy cơ quên ngôn ngữ của mẹ đẻ khi họ đã trở nên thành thạo và có năng lực và thành công hơn khi tiếp cận với người Trung Quốc.
Tây Tạng ngày nay đã xây những đại lộ rộng lớn gồm có bốn lines cho xe cộ qua lại dễ dàng, một số con đường được lót gạch đá mới, một số thì vẫn còn đầy ổ gà, có những con đường sâu như một cái hố mà xe cộ có thể lọt tỏm xuống đó. Dọc hai bên đường, chúng ta có thể nhìn thấy mọi nơi trên đất nước Tây Tạng đều có hàng ngàn đàn ông, đàn bà Trung Quốc, Mông Cổ (Mongols), Tây Tạng đang đào đất, nện búa, trộn nấu dầu hắc, trộn hồ, chuyền nhau những tảng đá nặng nề để xây dựng những bức tường mở rộng cho những con đường dài hàng mấy nghìn dặm. Những con đường nầy chạy về hướng Đông, xuyên qua những ngọn núi và cắt ra từng mảnh những cao nguyên bát ngát của Tây Tạng. Giống như một lưỡi dao dài đeo nơi thắt lưng của những người du mục, những con đường mới xây sẽ cắt những vết dao sâu hoắm tách rời từng mãnh đất cao nguyên. Những con đường cũng có thể cắt đứt sự phong phú và sự mõng manh của nền văn hoá Tây Tạng. Những công trình xây dựng nầy là do mục đích hay đúng hơn là chiếc chìa khoá của Bắc Kinh là muốn mở rộng phương án đất đai về Phương Đông, trong đó bao gồm cả vùng cao nguyên phì nhiêu của đất nước Tây Tạng. Cũng như ông Horace Greeley đã từng khuyên thế hệ trẻ người Mỹ ở những thế kỷ trước là hãy đi về Hướng Đông, và người Trung Quốc ngày nay cũng đã và đang thực hiện theo lời hướng dẫn nầy và họ đã thành công. Bắc Kinh đã mở rộng những cuộc di dân để thực hiện mục đích đồng hoá người Tây Tạng. Hiện nay, có hơn 122,000 người Trung Quốc đã đến Tây Tạng để làm ăn sinh sống. Một số khác đến đây vài năm, làm ăn có tiền thì trở về lại Trung Quốc.
Tình trạng mâu thuẩn giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng rất gay gắt. Người Trung Quốc cho rằng, người Tây Tạng là loại người thiếu hiểu biết, lười biếng, tư tưởng cổ hữu và bẩn thỉu. Người Tây Tạng khinh ghét và có cảm giác sợ hải người Trung Quốc, họ xem người Trung Quốc là loại người quỷ quyệt và chỉ biết kiếm những đồng tiền dơ bẩn. Một cặp vợ chồng người Trung Quốc có nhà hàng ở Wild West thuộc thành phố Dari, gần với thành phố Sichuan của Trung Quốc đã nói: "Chúng tôi đã mang lại cho họ một nền văn hoá tốt đẹp. Nhưng chúng tôi không hiểu tại sao họ đã không mở rộng vòng tay để đón nhận”. Người Trung Quốc làm sao hiểu được sự đóng băng trong suy nghĩ của những con người có một nền văn hoá lâu đời như người Tây Tạng và đất nước họ thường xuyên bị chiếm đóng bởi một chính quyền xa lạ. Và vì sao đất nước họ còn có sự bình yên khi những chiếc xe quân sự màu xám ầm ầm lướt qua với những khuôn mặt đằng đằng sát khí của lính Trung Quốc hành quân lùng sụt, bắt bớ trong làng vào những năm xa xưa. Người Tây Tạng thường nhìn những người lính Trung Quốc bằng đôi mắt xa lạ và nhanh chóng quay đi nhìn nơi khác.
Một dấu hiệu rõ nhất là tại sao người dân Tây Tạng không thể nào thích người Trung Quốc đó là khoảng cách của bức tường bằng gạch lạnh lẻo được xây dựng xuyên qua cao nguyên Tây Tạng- nhà tù Laogai, "trại tù cải tạo lao động”. Trong năm 1995, ở đó có 685 trại tù cải tạo giam giữ 1 triệu 200 ngàn người bị ném ra khỏi nước Trung Quốc. Ông Harry Wu, một nhà đấu tranh hiện đang sống ở Hoa Kỳ và đi công du khắp thế giới để tranh đấu chống lại nhà cầm quyền Trung Cộng đã nói rằng nhà tù ở Trung Quốc tăng gấp đôi dọc theo chiều dài của Trung Quốc. Trong đó giam giữ hơn 10% những nhà đấu tranh chính trị. Theo lời ông Harry Wu thì những trại tù cải tạo đó giam giữ độ 4,000 người Tây Tạng và hơn hàng ngàn người khác đang bị quản thúc tại những thành phố lân cận. Ông còn cho biết thêm là người Tây Tạng cũng như những người tù khác phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, phải làm việc hết sức cực nhọc và sản xuất những loại thức ăn rẻ mạt để bán xuất khẩu ra nước ngoài. Mặc khác, chính quyền Trung Cộng cũng đã sử dụng những bộ phận của người tù để bán ra nước ngoài lấy tiền (nguyên văn: the government’s harvesting of bodily organs for sale)
Những người Tây Tạng mà ký giả Lewis M. Simons tiếp xúc đều có kiến thức, họ tiếp cận với nền văn hoá thế giới, của cả Trung Cộng và họ có cuộc sống cao hơn hẳn cha mẹ họ dưới thời của Đức Dalai Lama.
Trung Cộng đã xây dựng trên đất nước Tây Tạng nhiều trường học vào thập niên 1950 và tôn giáo đã tách ra khỏi trường học. Họ đã xây dựng bệnh viện và ở những nơi họ phá rừng, phát hoang nay họ trồng lại cây xanh. Họ đã học được một bài học cay đắng là mùa hè năm 1998 do sự tàn phá cây rừng ở Tây Tạng đã gây trận lũ lụt lớn, cuốn đi 4,000 người. Họ cũng xây dựng sân bay, và xây dựng một ga xe lửa đầu tiên. Trung Cộng cũng xây dựng hệ thống điện thoại công cộng, một đường dây quốc tế có thể gọi thẳng đến Hoa Kỳ.
Người Tây Tạng vẫn chưa thay đổi thái độ, họ vẫn cho rằng người Trung Quốc đang phát triển ngành công nghiệp của họ bằng cách lợi dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên của Tây Tạng. "Mục đích cuả họ là khai thác tất cả nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước chúng tôi như: Gỗ quý, thú rừng, vàng, quặng uranium...và để cho Trung Quốc trở nên giàu mạnh", một người đàn ông sinh ra trong thập niên 20 ở thành phố Champo, nằm dọc theo dòng sông Mekong River đã nói như vậy.
Ở Rough-Hewn Towns như Champo, những người Trung Quốc xâm chiếm thuộc địa điều quan tâm đến những thành phố nầy. Dọc theo những con đường, cho dù bùn ngập ngụa đến tận mắt cá chân người bộ hành hoặc những đám bụi đỏ cuốn lên trong gió làm nghẹt thở, không khí nồng nặc mùi hôi, mắt có thể bị cay lên do những đám khói từ những lò nướng thịt bò, những người Trung Quốc mới đến đã liên kết nhau mở ra những cửa hàng, tiệm ăn, nhà chứa gái điếm để phục vụ cho những người lở đường hoặc những người lao động tạm thời. Một số cao ốc mới xây d?ng có bản hiệu bằng hai ngôn ngữ: phía trên một hàng chữ nhỏ tiếng Tây Tạng và phía dưới hàng chữ lớn tiếng Tàu.
Hầu như, không có sự biết ơn nào của người dân Tây Tạng trong những thành phố nầy. Những người Tây Tạng vô gia cư, bẩn thỉu thì bị quáng mắt cũng như những người khách du lịch lần đầu tiên đến Quảng Trường Thiên An Môn. Nhiều người chăn bò lang thang trên những con đường đầy bụi, có những nhóm người ngớ ngẩn đang đứng trước những cửa hiệu của những người đàn bà Trung Quốc mặc váy ngắn đang cắt tóc cho khách hoặc họ tụm năm tụm ba lại trò chuỵên và uống coca. Một ngọn đèn
né-on màu hồng hoặc tím treo trên cửa sổ của nhà chứa có thể thu hút được tất cả ánh sáng của con đường rộng lớn. “Tôi muốn vào trong đó, nhưng tôi không có tiền”, một người đàn ông sinh ra trong những thập niên 20 có vóc dáng gầy gò, mái tóc dài chấm vai, đang sống trong một thành phố nhỏ ở Hướng Nam cách vài dặm về phía Đông dòng sông Mêkong đã nói. Một số người Tây Tạng muốn đến đó, nhưng cũng không thể bắt họ phải dừng lại nh?ng khao khát mang lại niềm vui thú trong thành phố. Và như vậy, Bắc Kinh có vẻ hy vọng rằng người Trung Quốc đã chiếm được trái tim và khối óc người Tây Tạng.
Trong một buổi chiều tối êm ả trong một góc Hướng Đông Bắc của TAR (Tibetan Autonomous Region), ông Lewis M. Simons đã đến ăn tối với Huadon và vợ Huadon, người đã cam chịu mọi sự đau khổ và mất mát đã thố lộ: "Lý tưởng tự do và cuộc Cách Mạng Văn Hoá có vẻ đã không mang lại niềm hy vọng nào".
Cả hai vợ chồng đã 54 tuổi, gia đình họ là nạn nhân của hơn 1 triệu người Tây Tạng bị thảm sát vào năm 1950; họ không bao giờ được đến trường, Huadon đã thất bại trong giấc mơ trở thành một chú tiểu. Sau đó, ngành nông nghiệp trong tỉnh anh sinh sống dưới thời Maoist (Mao Trạch Đông) cai trị vào những thập niên 50, 60 đã bị giải thể. Vợ chồng bắt đầu trồng lúa mì, một loại thực phẩm diet của người Tây Tạng. Họ dành dụm tiền bạc và có cơ hội bước vào ngành thương mại. Bây giờ, Huadon làm chủ một cửa hàng bán ximăng và một cửa hàng lớn mà vợ anh đang trông nom và có một chiếc xe truck màu xanh dùng để chở hàng. Mặc dù, sự uất hận đã dịu xuống theo thời gian, Huadon đã không do dự khi thố lộ rằng những gì họ đang có không thể so sánh được với đời sống của cha mẹ họ. Huadon và gia đình có vẻ không cảm thấy thảnh thơi, an tâm với cuộc sống sung túc của họ. Ngay khi tập quán ở nông thôn Tây Tạng vào mỗi mùa hè đã bị lãng quên, Huadon và trên 20 gia đình khác đã dành cả thời gian 3 tuần lễ để nghĩ ngơi, cắm trại trên những cánh đồng cỏ tràn ngập những cánh hoa màu vàng và những cây hoa oải hương (một loại cây dùng làm dầu thơm) màu xanh nhạt hoang dại mọc lên mỗi khi những giọt nước từ băng tuyết trên những ngọn núi cao tan ra và rơi xuống. Một lò ga nhỏ, một tấm bản đồ chỉ phương hướng, một máy bơm điện và âm thanh của tiếng nhạc Tây Tạng và nhạc Tàu vang lên dìu dặt trong những chiếc lều vải màu trắng rộng lớn được thêu đủ màu sắc và hình ảnh.
Ở phía trước cửa lềucủa Huadon, vợ Huadon đang nấu nướng trên một lò ga. Bà Huadon đặt trên bàn một miếng bò khô, một miếng sường thịt trừu rất lớn và họ đã ăn bằng một con dao săn bắn được chuyền tay nhau từ người nầy sang người khác. Họ cũng dọn ra nhưng tô cơm trộn với cà-ri, muối mè, bánh, đèn cầy, dưa hấu, những chai nước uống Trung Quốc sản xuất như beer, soda, nước trái cây, và nước uống. Huadon nói: "Đây là thời gian chúng tôi quên đi mọi việc và chỉ có ăn uống, nghĩ ngơi, vui chơi".
Ông Lewis M. Simons cũng hỏi về ba người con của Huadon. Hai vợ chồng đã cho đứa con đầu lòng vào college và bây giờ anh ấy đã là một thầy giáo. Đứa con gái thì đã xuất gia theo Phật, và đứa con thứ ba mới vừa 16 tuổi đang mong ước trở thành một nhà sư nhưng Huadon chưa chấp thuận. Chính quyền Trung Cộng không cho phép được vào tu viện học trước khi 18 tuổi, nhưng những người sùng đạo như Huaton thì làm bộ như không hề biết về những đạo luật nầy. Huadon nói: "Tôi tin rằng con trai tôi và thế hệ của nó sẽ bảo vệ đạo Phật và nền văn hoá Tây Tạng".
Những người như Huasen đã dùng phương tiện kinh tế sẳn có của mình để bảo vệ, giữ gìn nếp sống của người Tây Tạng. Lewis M. Simons cũng đã dành hết những thời gian du lịch thoải mái của mình để lái xe hàng mấy tiếng đồng hồ từ nơi cắm trại của Huadon đến những khách sạn du lịch ở thành phố Jyekundo. Ở đây ông đã gặp người chủ khách sạn là Gamma Sera, ông là một trong những người thành công trong ngành ngân hàng và là chủ nhân của một hệ thống khách sạn đang hoạt động tốt tại đây. Ông cho biết nhà nước Trung Cộng đã cho ông ký giao kèo hợp đồng trong vòng 20 năm. Kết quả là kiến trúc của khách sạn được xây dựng với những hình con rồng mạ vàng khắc trong những chiếc cột nhà sơn đỏ chói, vòm khách sạn được bao quanh bằng kiếng, sàn lót đá hoa cương, cửa ra vào bằng điện. Những căn phòng khách sạn sạch sẽ, phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm sạch sẽ, những chiếc khăn tắm thơm tho, xà phòng, giấy đi cầu, ti - vi đều sản xuất từ Trung Quốc và ngay cả những hình ảnh quảng cáo công cộng của Bắc Kinh. Sau những ngày hít thở không khí đầy bụi đỏ và không được tắm rửa, những quảng cáo nổi bật nhất là "có nước nóng 24 trên 24".
Gama seraa cũng còn nặng lòng với Phật Giáo, ông đã nói: "Tôi đang giúp đỡ một lama, người đã dạy tôi đi theo con đường của người”. Hoạt động tôn giáo đã ăn sâu vào đời sống người Tây Tạng, nhưng người Trung Quốc có phương pháp để làm hao mòn niềm tin tôn giáo của người Tây Tạng. Cho dù đời sống cá nhân đã được tôn trọng nhưng treo hình Đức Dalai Lama, những hình dạng trang trí của chùa chiền và ngay cả những lăng mộ cá nhân có thể vào tù 6 năm. Những người tu hành có cảm giác chính quyền Trung Cộng đang điều khiển hầu hết đời sống của nhân dân Tây Tạng. Trong những ngày của Dalai Lama, sức mạnh của tôn giáo được cũng cố vững vàng. Gần ¼ tất cả những người đàn ông Tây Tạng đều làm lễ thí phát, qui y và mặc những chiếc áo nhà sư có màu đỏ sậm của nhà chùa. Những tu viện lớn có hàng ngàn tín đồ và họ làm chủ những trang trại và những vùng đất rộng lớn. Dù Phật Giáo do người Tây Tạng nắm giữ, nhưng Trung Cộng vẫn bắt bỏ tù hàng ngàn nhà sư trong suốt quá trình họ chiếm đóng trên đất nước nầy.
Lhasa được xem là linh hồn, trung tâm Phật Giáo của người Tây Tạng và trái tim của thành phố là Potala chìm trong màu đỏ với 13 tầng chánh điện nơi dành cho tất cả những Dalai Lama ngự từ thế kỷ thứ 17. Chánh điện Potala bây giờ đã trở thành là viện bảo tàng, và có hơn 1,000 căn phòng được mở cửa để du khách đến viếng thăm. Người Trung Quốc nắm giữ và hướng dẫn du lịch cũng như sơn phết, sửa chửa lại tất cả những hình tượng trong chánh điện dù cho họ biết ngôn ngữ Tây Tạng rất ít. Cũng như người Tây Tạng, người ngoại quốc cũng gặp trở ngại, và cũng bị bắt giữ nếu biết quá nhiều về sự thực của chính quyền Trung Cộng. Một người cầu nguyện cứ đi tới đi lui một cách rụt rè và thì thầmn bên tai Lewis M. Simons: "Tôi yêu mến Đức Dalai Lama. Tôi nghĩ về Ngài mỗi ngày".
Những chủng viện ở Lhasa mà ngày xưa Đức Dalai lama xây dựng vững vàng hôm nay bóng tối đã bao phủ. Lewis M. Simons đến thăm 6 chủng viện đều nghe những lời thì thầm, rụt rè đầy lo âu như nhau: "Do sự giảm dần số lượng của những nhà tu hành, Trung Cộng đang âm mưu tàn phá tôn giáo của chúng tôi".
Lewis M. Simons cũng đến Derge, một thành phố được xây dựng từ thế kỷ thứ 18, nằm dọc theo hướng Đông của Zi Qu phụ thuộc tỉnh Yangtze, Lewis W. Simons đã gặp hai người đàn ông. Do muốn được an toàn, ông đã không đến nhà của họ, nhưng Lewis M. Simons đã đi du lịch với họ trên một chiếc xe truck gần một tháng, và họ đã vào Derge Parkhang. Đây là một nhà in sơn màu đỏ chói rất đẹp gồm có ba tầng lầu, mái được mạ vàng nhìn vào trông giống như một tu viện hơn là một nhà in. Nó được xây dựng từ năm 1774 dùng để in sách của các tôn giáo và sách nghiên cứu về y khoa. Suốt những năm của thập niên 60, những đoàn quân "giải phóng" của Trung Cộng đã xâm chiếm dinh thự nầy và nó đã bị hư hại nặng nề. Vào những năm 1990, Bắc Kinh bắt đầu mở những cuộc kinh doanh bằng cách trùng tu lại dinh thự nầy và mở cửa cho du khách đến thăm viếng.
Được sự chỉ đạo và hướng dẫn của người Trung Cộng, sau khi trao cho họ 20 cent (người Tây Tạng không phải trả tiền), ông Lewis M. Simons và hai người Tây Tạng mới được vào trong. Họ đi dọc theo những bức tường nước sơn còn mới có treo những hình ảnh tôn giáo rất kỳ quái. Suốt dọc theo các bức tường cho đến sàn nhà là những cái máng chất đầy những chiếc dĩa cổ bằng gỗ khắc hình của những người lính Trung Quốc.
Sau cuộc viếng thăm, cũng như nói chuyện cùng hai người đàn ông, tôi đã biết rõ những vấn đề khổ tâm mà những nhà sư Tây Tạng phải đối mặt. “Mười lăm lần trong một năm, chính quyền Trung Cộng đến viếng thăm các tu viện và giới thiệu "những lớp học ái quốc”, một người đàn ông trẻ tuổi đã nói. “Mỗi lớp học có hai hoặc ba tiếng đồng hồ. Mục đích chính của họ là nói rằng Đức Dalai Lama là quỷ và Ngài muốn chia cắt đất nước. Những nhà tu hành phải làm bộ lắng nghe, nhưng hầu hết những mọi người đều tập trung vào những suy tư riêng và bỏ ngoài tai bằng thái độ im lặng”. Sau đó, những nhà sư Tây Tạng phải cố gắng quên đi bằng cách lắng nghe Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ phát thanh bằng tiếng Tây Tạng trên làn sóng ngắn.
Vào một buổi chiều trên đường đi ở hướng Đông Tây Tạng, Lewis M. Simons đã nói chuyện với một nhàsư mà ông đã kêu lại để hỏi đường đi. Nhà sư đã nói tu viện của ông có khoảng 500 nhà sư và 300 học trò và con số đó đã cao hơn sự cho phép của chính quyền. Cũng như những nhà sư khác nói với Lewis M. Simons, nhà sư đã đo lường sức mạnh của Phật Giáo bằng chính sự phát triển những tu viện. "Chỉ có khi nào chúng tôi đông đảo”, nhà sư đã nói, “Có thể chúng tôi đã dạy mọi người rằng nghèo thì tốt hơn, cũng như anh có tín ngưỡng lâu dài và anh biết rằng sự bình an trong tâm linh sẽ đến, như vậy tốt hơn là sống trong những căn nhà gạch, mặc quần áo Tàu, có nhiều thức ăn nhưng anh không có bình an".
Không phải tất cả mọi người Tây Tạng đều có cùng suy nghĩ như nhau. Có người cho rằng sở dĩ đất nước Tây Tạng nghèo nàn, lạc hậu là do có quá nhiều người đàn ông sống trong tu viện và không lo phát triển đất nước. Ông Arzong, một thầy giáo dạy tiếng Tây Tạng trong trường học ở hướng Đông Tây Tạng đã nói: “Tôi luôn động viên cha mẹ gởi con đi học mà không nên vào các tu viện. Mặc khác, xã hội của chúng ta sẽ trì trệ, lạc hậu và chúng ta cũng sẽ không bao giờ có thể hoàn thành được việc phát triển kinh tế cho đất nước”.
Trong căn phòng làm việc rộng lớn, ngăn ra không đều, Arzong đã cho biết là ông đã liên kết cộng đồng người Tây Tạng bằng hệ thống Internet. Ông Arzong nói: “Sự thật ở đó có rất nhiều những quyển sách của người Tây Tạng, có một thư viện phục vụ và có hai máy in bằng điện”. Mỗi mùa hè, ông Arzong đã viết cách phát âm, văn phạm của người Tây Tạng để cho thầy cô sử dụng. Ông quan tâm đến việc là những người trẻ tuổi Tây Tạng học ngôn ngữ của họ là để phát triển ngôn ngữ Tây Tạng đến với thế giới bên ngoài.
Trong những con đường họ đang đi giữa cái cũ và cái mới, truyền thống lâu đời và sự thay đổi, con đường đó không thật sự dễ dàng tiến tới. Hầu hết những người Tây Tạng, ngay cả những người như Hundon, Norbu, Gama Sera cũng đang bối rối khi thay đổi, Lewis M. Simons đã thấy nhiều người đã chống lại sự thay đổi. Một số có kiến thức mong muốn được sống dưới sự điều khiển của Đức Dalai Lama. Một số khác đang muốn sống với một nền kinh tế phát triển của Trung Cộng. Không ai muốn trở lại lối sống cũ, nhưng cũng không một ai muốn Trung Cộng điều khiển đất nước Tây Tạng. Họ đã không nhớ những quá khứ đã qua cũng như nếp sống cũ. Họ chỉ có mơ ước đơn giản là chính quyền Trung Cộng trả lại đất nước cho họ.
|
|