|
Post by NhiHa on Feb 20, 2011 9:48:25 GMT 9
|
|
|
Post by NhiHa on May 2, 2011 7:09:54 GMT 9
Những đậm đà của Quê hương, cuộc sống và tình người qua mắt nhìn mỹ thuật của Võ Hòai Nam: những xao xuyến được phát họa thành nét và những rung cảm được tô điểm bằng mầu… Tiểu Tử Võ Hòai Nam đã từng đến với chúng ta qua tình người tình quê hương chân chất đậm đà Những thứ tình đã gây nhiều rung cảm và để lại dư âm trong lòng chúng ta khó mà phai nhạt được. Ông đã làm khơi dậy, đã làm sống lại trong ta những gì mình đã ngỡ chai lì phẳng lặng, hoặc đã làm chúng ta quên! Chúng ta không quên được vì nó là một phần đời sống của chúng ta, là cái ‘made in Vietnam’, như mầu đen của tóc, mầu nâu của mắt và mầu vàng của da. Nó chỉ ngủ yên một góc nào đó trong tâm thức trong trái tim ta, và với lời văn của Tiểu Tử, nó chuyển mình và vùng dậy đặt ta vào một góc nhìn để thấy được những gì mình đã tạm quên hay không còn nhớ. Đó là quê hương là Mẹ là tình yêu là tất cả những gì ta có được. Tiểu Tử Võ Hòai Nam đã khéo léo chọn lấy hay đã vô tình đưa ra những lời viết những câu văn, và rồi bây giờ chúng ta có dịp được cho thấy những tình cảm đó qua mầu sắc hình ảnh trên khung giấy, tuy đơn giản mà sâu sắc, tạo được chiều sâu và bề rộng của một không gian, đã gõ vào hồn ta những nhịp điệu êm ả nhưng không kém phần mãnh liệt! Khoahoc.net xin cống hiến bà con đồng hương xa gần sự phối hợp mầu sắc khéo léo tài tình điểm trang bằng tình yêu của cuộc sống, dưới góc cạnh của nghệ thuật, sẽ đem đến cho tất cả chúng ta những phút giây hài hòa thư giãn. Những nét vẽ những sắc mầu nầy chắc hẳn sẽ bắt nhịp được những âm rung trong ta ngân thành giai điệu một bài ca trong hồn để cho nắng thêm ấm và không gian càng thênh thang.  "CHỢ HOA"- Hãy hòa nhập vào hồn Việt Nam trong những chiếc áo bà ba, áo dài, cây dù màu, cái nón lá, lòng thảnh thơi khoác tay nhau đi trong nắng trong hoa... để thấy chỉ có quê hương là đẹp hơn cả (Lời tác giả VHN).  "CHĂN TRÂU" - Hai con trâu đi trên bờ ruộng, mây trời nghiêng soi gương nước phẳng lì...yên bình chi lạ! (VHN)  "SEN"- Sen mọc từ bùn mà vẫn sạch! Cho thấy Tánh Giác của chúng ta. Từ lúc mới nhú nụ, hoa đã mang sẵn trái trong lòng chớ không như các loài hoa quả khác hoa phải tàn mới sinh ra trái. Giáo lý Nhà Phật đã đề cập đến Hoa Sen là luật '' Nhân Quả Đồng Thời '' để chỉ cho thấy hậu qủa của việc làm, chúng ta sẽ gặt cái quả đúng theo cái nhân đã gieo trồng. Sen là lòai hoa tinh khiết có mùi thơm mà không quyến rũ đàn ong lũ bướm. Đó chính là tánh không vướng mắc không tham đắm, là cội nguồn của giải thóat. (VHN/UH)  '' NHÀ VEN RẠCH'' - Nhà ven rạch nào ở mấy thành phố có sông ngòi cũng là nhà sàn, cất tựa vào nhau như sợ ngã, chồng chất lên nhau, lòi ra thụt vào như để nhìn mấy ghe thuyền nằm ngổn ngang phía dưới....Vậy mà sao nó đẹp lạ kỳ? (VHN)  '' NƯỚC ĐỎ'' - Trên sông nước đỏ, ghe to xuồng nhỏ chen nhau một chỗ cắm sào. Trong cái xôn xao đó, sao vẫn thấy một cái gì thật là yên bình. Nhà cửa trên bờ chẳng bao giờ thấy cất ngay hàng thẳng lối, vậy mà nhìn hoài không chán! (VHN)  "THUYỀN" - hai nhóm thuyền lung linh trên sông trong màu chiều tím nhạt nhòa, còn gì êm ả thanh tỉnh và mát mẻ bằng! (VHN)  '' CHỢ CHỒM HỔM '' - Còn nét gì VN hơn chợ chồm hổm? Chỉ cần một khoảnh đất, một góc phố....để đặt rổ hàng rồi ngồi bên cạnh, vậy là thành chợ với đầy nón lá và...đàn bà! (VHN) Võ Hoài Nam
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Jun 12, 2011 4:49:48 GMT 9
TRƯỜNG PHÁI ẤN TƯỢNG HAY LÀ NGÔN NGỮ HỘI HỌA SÁNG TẠO NGUYỄN BẢO HƯNG  Ngày 15-4-1874 tại cơ sở của nhiếp ảnh gia Nadar số 35 đại lộ Capucines - Paris đã khánh thành cuộc triển lãm tranh của một nhóm họa sĩ ly khai khoảng 30 người trong đó có Monet, Renoir, Degas, Berthe, Morisot, Pissarot... Gọi là ly khai (dissidents) nghe cho xôm tụ, chứ thời bấy giờ họ bị liệt vào nhóm họa sĩ bị khước từ (les refusés) vì tranh của họ không được nhận trưng bày tại Phòng Triển lãm chính thức. Phòng Triển lãm chính thức, được biết dưới tên gọi Le Salon officiel và đặt trụ sở tại Viện bảo tàng Louvre, là nơi hàng năm tổ chức trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hội họa hoặc điêu khắc được đánh giá là có mỹ thuật. Đây chính là cơ hội để tác giả được quần chúng biết đến và đem lại cho họ danh vọng tiền tài. Nhưng muốn vậy họ phải có tác phẩm lọt được vào mắt xanh của một Ban Giám Khảo mà thành viên hầu hết đều là hội viên của Học Viện Mỹ Nghệ (Académie des Beaux-Arts). Tiêu chuẩn đánh giá và chọn lựa, cho tới giữa thế kỷ 19, vẫn là dựa trên mỹ học kinh viện (académique) và truyền thống Phục Hưng La Mã (La Renaissance romaine). Bởi lẽ cách sử dụng màu sắc và đường nét cách tân của nhóm không hợp nhãn Ban tuyển trạch nên tranh họ đã bi loại bỏ. Đó cũng là lý do khiến bọn họ đứng ra tổ chức riêng cuộc triển lãm từ 15-4 đến 15-5-1874 đúng hai tuần trước ngày khai mạc Phòng Triển lãm chính thức. Với kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với Phòng triển lãm kỳ cựu, một thành viên đã không ngần ngại phát biểu một câu xanh rờn : " Cuộc triển lãm lưu vong này là một thắng lợi lớn và tranh của bọn ta sẽ là một cạnh tranh chí tử với đám khứa lão đui chột ngốc nghếch ấy... ". Nhưng cuộc trưng bày của họ lại hầu như là một thất bại. Suốt một tháng trời mở cửa chỉ có khoảng 3500 khách vãng lai, chưa bằng một phần mười tổng số người kéo đến coi Phòng Triển lãm chính thức. Về phần giới phê bình chính thức cũng chỉ bình phẩm qua loa hoặc nhắc chiếu lệ về phòng tranh mà thôi. May thay, một vài nhà phê bình thuộc loại nghiệp dư, không mấy tiếng tăm lại " đánh hơi " được tính khai phá cách tân của đường lối hội họa mới này, như nhận xét của nhà phê bình nào đó trên tờ RAPPEL : " Bạn hỡi, khi tới đây bạn hãy vứt bỏ mọi thành kiến cổ lỗ sĩ đi. Hẳn một thời đã có những họa sĩ khờ khạo cứ tưởng rằng khi muốn cho ta ý niệm về một cái cây là phải vẽ đúng một cái cây đủ cả thân lẫn cành và lá. Tội nghiệp thay, họ đâu biết răng hội họa phải đem lại cho ta trước hết " ấn tượng " về các sự vật, chứ không phải cái chúng là hiện thực. " (... Vous qui entrez, laissez tout préjugé ancien. Il fut un temps sans doute où des peintres nạfs, lorsqu'ils voulaient donner l'idée d'un arbre, peignaient un arbre en effet avec un tronc, ses branches et ses feuilles. Ils ignoraient que la peinture doit donner avant tout " l'impression " des choses, non leur réalité même ." Theo J.J LÉVÊQUES - Les Années Impressionnistes _ 1870 - 1889, ACR Éditions Internationales 1990, tr. 284) " Hội họa phải đem đến cho ta cái ấn tượng về các sự vật chứ không phải cái chúng là hiện thực. " : Nhà phê bình nào đó, khi phát biểu như trên, hẳn đã nắm được ý nghĩa mang tính chất sáng tạo của từ Impression đặt trước hai chữ Soleil levant dùng làm tựa cho bức " RẠNG ĐÔNG " (Impression, soleil levant-1872) của Claude Monet. Đó cũng là cảm nhận của nhà phê bình Louis Leroy, cha đẻ ra từ Impressionnisme, trong bài tường thuật " L'exposition des impressionnistes " trên tờ " LE CHARIVARI " số ra ngày 25-4-1874 khi, đứng trước bức " RẠNG ĐÔNG ", ông đã phải thốt lên : "Bức tranh này phô bày cái gi ? Ấn tượng ! Ấn tượng, phải rồi.Tôi thầm nhủ bởi vì chính tôi cũng bị ấn tượng, quả là đã có ấn tượng trong đó. " (" Que représente cette toile ? Impression ! Impression, j'en étais sûr. Je me disais aussi, puisque je suis impressionné, il doit y avoir de l'impression là-dedans... " - Laure-Caroline SEMMER .- Les oeuvres-clés de l'Impressionnisme, p. 84 - Coll. Comprendre & Reconnaître, Edit. LAROUSSE, Paris 2007). Vậy là cũng như đồng nghiệp của mình trên tờ Rappel, nhà phê bình nghiệp dư Louis Leroy, không ngờ lại tỏ ra có cặp mắt tinh tế hơn người vì đã sớm phát hiện những đường nét cách tân trong bức họa của Monet. Trong khi ấy, hầu hết giới phê bình chính thức đươc mô tả là có thẩm quyền và uy tín, có lẽ còn say sưa với hào quang của danh hiệu trao tăng, nên vẫn miệt mài trên những lối mòn khiến chưa biết nhìn ra tính sáng tạo của bức tranh báo hiệu một bình minh rạng rỡ cho hội họa. Vậy tính cách tân sáng tạo ấy là gì ? Để có được câu trả lời thích đáng không gì bằng quan sát và tìm hiểu từng đường nét của bức tranh được coi là cái đinh của buổi ra mắt và đã trở thành đầu đề tranh luận bàn tán trong suốt thời gian phòng tranh mở cửa. Nhưng trước hết, tưởng cũng nên nhắc lại một sự kiện nay được coi thuộc loại bên lề, nhưng với chúng ta có thể lại hữu ích. Trong thư sau này gửi cho một người bạn, Monet cho biết bức tranh, thực hiện năm 1872 tại Le Havre, là cảnh tượng dã đập vào mắt ông một sớm mai khi, vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến tàu. Sau đó bức tranh đã được gửi tới Ban Triển lãm mà không có thêm tựa đề. Tới khi được Ban Tổ chức đề nghị chọn cho nó một cái tên, ông đã chỉ đáp lại bằng một chữ ngắn ngủn : " Impression ". Với từ này, hẳn Monet muốn lưu ý mọi người rằng tranh của ông không phải là một hình ảnh về cảng Le Havre (une vue du Havre) theo quan niệm hội họa cổ điển. Trái lại điều ông muốn phơi bày trên tấm bố chính là cái cái cảm nhận do ánh sáng cảnh vật bên ngoài đã ùa tới đập vào mắt ông một buổi sáng khi , vừa mở cửa sổ, ông nhìn ra bến cảng. Và điều mà ông muốn truyền đạt, qua bức tranh, chính là cái ấn tượng hay đúng ra cái cảm nhận qua thi giác của riêng ông trong khoảnh khắc đó và ở vị trí đó. Có lẽ muốn tránh cho khách viếng thăm khỏi bỡ ngỡ, Edmond Renoir, em của họa sĩ Auguste Renoir và cũng là người phụ trách lập danh mục tác các phẩm trưng bày, đã thêm vào hai chữ soleil levant thành cái tựa " Impression, soleil levant " nhằm giúp cho khách coi tranh hình dung được cụ thể nội dung bức tranh hơn. Dần dà, khi mỹ quan ấn tượng đã trở nên quen thuộc, người ta mới cắt bỏ từ " Impression " để chỉ còn lại hai chữ " Soleil levant " mà thôi. (Sdd, tr. 84). Sự kiện này, ngày nay chẳng còn được mấy ai quan tâm đến ; đôi khi nếu có đem ra nhắc lại, thì cũng chỉ như là giai thoại thêm mắm thêm muối cho vui câu chuyện tại các buổi tiệc tùng hay trong những lúc trà dư tửu hậu mà thôi . Nhưng đặt vào thời điểm bức tranh được đem ra trình làng thì sự hiện diện của từ " Impression " mới quan trọng và cần thiết làm sao. Nó chính là chìa khóa giải mã, là câu niệm chú giúp ta lọt được vào thế giới hội họa ấn tượng và nắm bắt được ý nghĩa của sự tìm tòi sáng tạo cách tân của Monet cùng các đồng môn của ông. Trước hết, khi đề nghị từ " Impression " làm tựa cho tác phẩm của mình, Monet hẳn muốn nhắc nhở rẳng tác phẩm của ông không phải là một họa lại hiện thực theo mỹ quan cổ điển. Bởi vậy ta đừng trông mong tìm thấy ở đấy một bức tranh về bến cảng Le Havre vào lúc bình minh : quang cảnh rạng đông tuyệt mỹ với các đường nét rõ rệt trong một bố cục phân đối hài hòa, những hình thể, những khối thể hiển lộ nhờ vào sự pha trộn màu sắc khéo léo tạo ra những khoảng sáng tối đậm nhạt đem lại cho ta một ảo giác về chiều sâu không gian. Trái lại ta phải luôn tự nhủ rằng điều mà nhà danh họa muốn truyền đạt tới chúng ta chính là cái ấn tượng mong manh, bất chợt hay đúng ra là cái cảm xúc trong khoảnh khắc trước cảnh tượng ánh sáng chói lọi đã ùa tới tác động vào thị giác ông một buổi sáng khi ông nhìn ra bến cảng. Le Havre, như chúng ta cũng biết, là một hải cảng trên biển Manche thuộc vùng Normandie tây bắc nước Pháp nên buổi sáng ở đây thường ướt đẫm sương mù. Khi vừa mở tung cửa sổ, nếu ông đã bị chóa mắt bởi mặt trời như một đĩa lửa xuyên thủng màn sương dày đặc và phản chiếu lấp lánh trên mặt biển, thì ánh sáng chói lọi đó vẫn chưa hội đủ nội lực để làm tan loãng bàu khí quyển còn đậm đặc hơi nước. Bởi vậy đồng thời với mặt trời đỏ chói và cũng do tác động của ánh sáng chói lọi này, trước mắt ông còn lại chỉ là một khung cảnh mơ hồ : một bàu trời ửng hồng còn nhập nhòa với biển cả, bóng dáng của một số ống khói nhà máy và một vài cây cần trục chập chờn ẩn hiện trong bàu không khí vẩn đục, dăm ba chiếc thuyền nhấp nhô mập mờ trên mặt nước... Ngần ấy thứ cùng một lúc ùa tới tác động vào thị giác khiến, trong khoảnh khắc ấy, ông chỉ có ấn tượng về các sự vật chứ không phải là một hình ảnh của cảnh vật. Làm sao để nói lên cái ấn tượng gây cho ông một cảm xúc mạnh mẽ trong khoảnh khắc bất chợt đó ? Thấy rằng không thể dựa trên các phương pháp bài bản cổ điển được, Monet cũng như các đồng môn của ông đã phải đi tìm một ngôn ngữ hội họa (language pictural) mới bằng một phương pháp tiếp cận mới với những kỹ thuật biểu thị mới. Cái ngôn ngữ hội họa mới ấy chính là thành quả của một tìm tòi học hỏi về tác động của ánh sáng trên màu sắc và cảnh vật. Trong một chừng mực nào đó, ta có thể nói hội họa ấn tượng là hội họa của ánh sáng, là hội họa về ánh sáng, là kết quả của tìm tòi về tác động của ánh sáng trên vạn vật. Ứng dụng qui luật quang học Newton về di động ánh sáng, Monet cũng như các đồng môn của ông đã bỏ công sức và thời giờ quan sát ngoại cảnh để ghi nhận rằng : Cùng một cảnh vật nhưng, do tác động của ánh sáng, nó lại cho ta nhiều cảnh tượng khác nhau, nhiều hình ảnh khác nhau, nhiều ấn tượng khác nhau về cảnh vật đó tùy theo điều kiện thời tiết khác nhau, thời điểm khác nhau trong ngày, thậm chí có khi còn cả tùy theo vị trí đứng quan sát nữa. Bởi vậy các bức họa được coi là hoàn mỹ theo quan niệm cổ điển chưa hẳn đã toàn bích vì nó chỉ cho ta hình ảnh một thực tại cứng nhắc, im lìm, bất biến. Mà đời sống lại là một giòng chảy không ngừng. Và chỉ những cái thuộc về hiện tượng, tức là những cái chợt hiện trước mắt ta rồi biến đổi, những ấn tượng của ta trong khoảnh khắc ấy mới là phản ánh đích thực của giòng chảy đời sống luân lưu. Nghệ thuật, do đó, phải biết nói lên tính sinh động của hiện thực trong từng khoảnh khắc biểu hiện của nó. Bởi vậy các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho bức tranh của họ. Chủ đề hay đúng ra là đối tượng hội họa, với họ, chính là tác động của ánh sáng trên cảnh vật chứ không phải bản thân cảnh vật. Cũng vì thế các họa sĩ ân tượng đã hướng về ngoại cảnh nhiều hơn, thay vì thu mình trong xưởng vẽ, để tìm cảm hứng sáng tạo cho các tác phẩm của mình. Và cũng trong chiều hướng nghiên cứu này Monet đã để lại cho ta hàng loạt các bức tranh về cùng một chủ dề nhưng ở các thời điểm khác nhau trong ngày hay trong các mùa thời tiết khác nhau. Thí dụ như loạt tranh về Thánh đường Rouen (série " Cathédrales de Rouen "), về các Đống rạ (série " Les Meules ") hay về các Bông súng (série "Les Nénuphars "). Không chỉ sưu tầm tác động của ánh sáng trên cảnh vật, trường phái ấn tượng còn khai thác một phát hiện khoa học mới mẻ khác, đó là qui luật về " tác động tương phản đồng thời của màu sắc " của Eugène Chevreul (De la loi du contraste simultané des couleurs, 1839). Theo qui luật này, không hề có vật nào giữ được một màu nguyên thủy (couleur primaire) bất biến. Trái lại màu của nó luôn biến đổi do tác động của màu sắc cảnh vật xung quanh. Do đó khi ta có hai màu kế cận nhau, do tác động tương phản của chúng, mắt ta lại nhìn ra thành một màu thứ ba. Thí dụ như đỏ đứng cạnh vàng, ta lại nhìn ra màu cam hoặc màu xanh lơ bên cạnh màu vàng sẽ cho ta màu xanh lá cây. Kết hợp qui luật Newton về di động ánh sáng với qui luật Chevreul về tác động hỗ tương giữa các màu sắc nhóm họa sĩ ấn tượng đã đề xuất một phương thức biểu thị mới (nouveau mode d'expression) để hình thành ngôn ngữ hội họa ấn tượng. Phương thức biểu thị ấy dựa trên nguyên lý được biết dưới tên gọi le mélange optique mà chúng tôi xin tạm dịch là nguyên lý hòa nhập hình ảnh và màu sắc do di động của ánh sáng hay, để cho ngắn gọn, nguyên lý điều hợp quang học. Theo nguyên lý này, khi ta có nhiều hình ảnh tách biệt với những màu sắc khác nhau nhưng tiếp giáp nhau, các hình ảnh và màu sắc ấy lại có khuynh hướng hòa nhập với nhau do tác động của ánh sáng di động lên cặp đồng tử của ta, và sư hòa nhập ấy gia tăng theo tỷ lệ thuận với khoảng cách và với tốc độ ánh sáng. Nguyên lý này chính là phương thức tìm kiếm để Monet thể hiện cảm quan của mình lên bức tranh, và tiến hành cuộc cuộc cách mạng ấn tượng như là một nhãn quan mới về hiện thực, một quan niệm mới về hội họa đánh dấu một đứt đoạn với mỹ quan cổ điển. Giả dụ ta là một khách tới dự buổi khai mạc cuộc triển lãm hội họa ấn tượng với một nhãn quan cổ điển. Tiến về phía bức tranh " Rạng Đông " (Impression, soleil levant) đang được mọi người xúm xít chỉ trỏ bàn tán, ta đã thấy gì ? Ngoại trừ cái vòng trỏn đỏ cam phía trên gần chính giữa là tương đối rõ nét, còn lại chỉ là những khoảng loang lổ những quẹt sơn khi thì chồng chất lên nhau, khi thì quẹt dọc, khi thì quẹt ngang nom chẳng ra hình thù gì cả. Bức tranh này vẽ cái quái gì đây nhỉ ? Ta tự hỏi. Tìm đọc cái tựa " Impression, soleil levant " : " A, thì ra đây là một bức họa phong cảnh bình minh. " Thế nhưng, ngoại trừ cái vòng tròn màu đỏ cam và phần không gian nhuộm hồng ở đỉnh bức tranh cùng vài vết quẹt loằng ngoằng màu cam ngay phía dưới là gợi cho ta ý tưởng về mặt trời mọc ; còn lại toàn thể bức tranh chỉ là một hình ảnh nhập nhòe, hình chẳng ra hình, nét chẳng ra nét khiến ta khó hình dung nổi phong cảnh đó ra sao cả. Cảm nghĩ này của ta chắc cũng là cảm nghĩ chung của đa số khách tới coi tranh bữa đó còn ôm theo nhãn quan cổ điển. Và cái cảm nghĩ này đã được nhà phê bình bảo thủ Emile Cardon nói lên dùm bằng những lời lẽ châm biếm trên tờ La Presse (29-4-74) như sau : " Cái trường phái này loại bỏ hai điều : đường nét là cái không thể thiếu được nếu ta muốn đem lại cho một sinh vật hay một sự vật một hình thể, và màu sắc là diều giúp cho hình thể đó được hiện ra như thực. Hãy lấy sơn trắng hay sơn đen bôi lên ba phần tư một tấm bố, và phần còn lại màu vàng. Sau đó chỉ việc lấy cây cọ quệt những vệt xanh vệt đỏ trên đó,thế là là anh đã có một bức tranh ấn tượng về mùa xuân để các đệ tử tha hồ trầm trồ tán tụng. " (Cette école supprime deux choses : la ligne sans laquelle il est impossible de reproduire la forme d'un être animé ou d'une chose, et la couleur qui donne à la forme l'apparence de la réalité. Salissez de blanc ou de noir les trois quarts d'une toile, frottez les restes de jaune, piquez au hazard des taches rouges et bleues, vous aurez une impression de printemps devant laquelle les adeptes tombent en extase. Theo Dominique LOBSTEIN .- Au temps de l'impressionnisme 1863-1886, p.63 _ Gallimard 1993/ Réunion des Musées nationaux ). Vậy là, mặc dù đã có sự cảnh báo của Monet với từ Impression, nhà phê bình Emile Cardon đã không chịu mở rộng tầm nhìn để đón nhận tính cách tân sáng tạo trong bức họa. Cứ khư khư ôm lấy các chuẩn mức của mỹ quan cổ điển, ông vẫn muốn đi tìm ở " Rạng Đông " một bức tranh hoàn chỉnh với chủ đề là một phong cảnh, một chân dung, một điển tích trong đó người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình bằng những hình thể, đường nét cân đối trong một bố cục pha trộn ánh sáng, màu sắc hài hòa. Do tầm nhìn còn bị giới hạn bởi lập trường bảo thủ ấy nên ông ta mới đánh giá bức họa của Monet bằng những lời lẽ mỉa mai riễu cợt. Ông đâu biết rằng điều mà ông cho là những vệt sơn quét của một thủ pháp lố lăng để lòe thiên hạ ấy, lại chính là kết quả của một khổ công tìm tòi của Monet dựa trên các phát hiện khoa học mới mẻ để thể hiện cái nhìn khai phá và thổi một luồng sinh khí mới cho hội họa. Như đã trình bày ở trên, các họa sĩ ấn tượng không lấy chủ đề (le sujet ou motif) tức là cảnh vật hay nhân vật làm đối tượng chính cho tác phẩm của họ. Cũng như chất súc tác để gây ra một phản ứng hóa học, ngoại cảnh hay chủ đề, với các họa sĩ ấn tượng, chỉ được coi như một thứ nền tạo điều kiện hay cơ hội cho họ phô bày các ấn tượng, cảm xúc chủ quan trong một khoảnh khắc và ở vào một thời điểm nào đó mà thôi. Mà muốn biểu thị các sắc thái biến đổi chập chờn thoáng hiện ấy : bàu không khí ẩm ướt sương mai, sóng nước long lanh, chân trời mặt biển nhập nhòa, cảnh vật nhóe nhoẹt ... Monet, cũng như các đồng môn của ông, đều thấy rằng không thể tiếp tục vay mượn các thủ pháp cổ điển được. Trái lại chỉ có phương pháp dựa trên nguyên lý điều hợp quang học (le principe de mélange optique) mà họ đã chịu khó bỏ công nghiên cứu và tìm hiểu mới giúp họ vững bước trên con đường sáng tạo. Cũng vi vậy các họa sĩ ấn tượng đã từ bỏ việc minh họa các hình thể với những đường nét khô khan cứng nhắc. Thay vào đó là những quẹt sơn kế cận, khi dọc, khi ngang, khi ngắn khi dài, có khi chồng xéo lên nhau để tạo ra những bóng dáng mơ hồ... Nhìn gần, những lát sơn quẹt này chỉ cho ta một hình ảnh nhòe nhoẹt chẳng rõ hình thù ra sao. Nhưng với khoảng cách, do tác động của ánh sáng, chúng lại hòa hợp với nhau và đem lại cho ta hình ảnh của một cảnh vật không ngừng chuyển động. Ngoài ra, cùng với việc bỏ rơi các hình thể đậm nét, họa sĩ ấn tượng cũng thay thế cách pha trộn màu sắc bài bản để tạo ra các khoảng không gian sáng tối, đậm nhạt bằng những quẹt sơn màu tiếp cận nhau hoặc chồng chất lên nhau. Hệ quả là, với khoảng cách và do tác dụng của truyền bá ánh sáng, những quẹt sơn màu này, thay vì là những vết loang lổ, lại truyền đạt cho ta cái ấn tượng của một bàu khí quyển với ánh sánh đang nhảy múa trên mặt biển lung linh sóng nước ; hoặc đem lại cho ta cảm giác đang đứng trước một thực tại sinh động như khi ta đưa mắt lắng nghetiếng gió reo vui trên cánh đồng rực đỏ hoa mào gà. (coi Monet, Les Coquelicots 1873). Trên đây là trình bày sơ lược về ý nghĩa nội dung và về môt vài bí quyết thủ thuật trong ngôn ngữ sáng tạo của hội họa ấn tượng. Chúng tôi xin dành cho quí độc giả phần quan sát bức " Impression, soleil levant " (1) để thưởng lãm và đánh giá công trình nghiên cứu và học hỏi của trường phái ấn tượng đã đóng góp cho sự cách tân hội họa như thế nào. NGUYỄN BẢO HƯNG (Février - Avril 2011) (1) - Có thể truy cập dễ dàng trên Google bằng cách gõ : " soleil levant monet". Ngoài ra quí vị nào có dịp viêng thăm Paris có thể tới coi tận mắt bức tranh của Monet trưng bày tại Le musée Marmottan Monet 2, rue Louis - Boilly, 75016 Paris. Mở cửa từ 10 giờ tới 18 giờ mỗi ngày, ngoại trừ thứ hai hàng tuần và hai ngày 1-5 và 25-12. ______________________________________________________ Tài liệu tham khảo : Elisabeth LIEVRE-CROSSON : Comprendre la peinture - Les Esentiels Milan , Editions Milan 1999. J.J LEVEQUES : Les Années Impressionnistes 1870-1889 - ACR Editions Internationales 1990. Nadeije LANEYRE-DAGEN : Lire la peinture dans l'intimité des oeuvres - Collect. Comprendre et Connaỵtre, Edit. Larousse 2002. Patricia FRIDER-CARASSAT & Isabelle MARCADE : Les Mouvements dans la peinture - Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2003. Nicole TUFFELLI : L'art au XIXè siècle - Collect. Comprendre et Reconnaỵtre, Edit. Larousse 1987. Dominique LOBSTEIN : Au temps de l'impressionnisme - Gallimard 1993/Réunions des Mussées Nationaux. Laure-Caroline SEMMER : Les oeuvres-clés de l'Impressionnisme - Collect. Comprendre et Reconnaître, Edit. Larousse 2007. Isabelle CAHN : Comment regarder Monet - Edit. Hazan, Paris 2010.
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Sept 22, 2011 4:48:16 GMT 9
“NGÔI NHÀ NGUYỆN TRÊN THẢO NGUYÊN” Phạm Việt Hưng — 2  Tôi không phải hoạ sĩ, nhưng tôi rất yêu Cái Đẹp Hội Hoạ, hay Cái Đẹp Mỹ Thuật. Thủa nhỏ, tôi học ở Institution St Marie[1], rồi Institution Puginier[2], cấp II vào Nguyễn Trãi[3]. Tôi vẫn còn nhớ năm Préparatoire, một lần ngồi trong lớp không chú ý nghe giảng, cứ hí hoáy vẽ. Ma Soeur đi xuống chỗ tôi ngồi, nhìn tranh tôi vẽ, hỏi: “Con thích vẽ lắm hả, lát nữa tan lớp Ta sẽ cho con xuống phòng vẽ của nhà trường, con tha hồ mà vẽ, còn bây giờ con phải chú ý nghe giảng nhé”[4]. Quả nhiên hôm ấy tôi được Soeur đưa vào phòng vẽ, mầu mè la liệt, tôi sướng hoa cả mắt. Năm 1956, lên cấp II, có 4 môn tôi luôn luôn được điểm tối đa, đó là Toán, Lý, Nhạc, Hoạ. Thầy dạy nhạc hồi đó là thầy Nhân, một nhạc sĩ, thầy dạy hoạ là thầy Bốn, một hoạ sĩ. Các thầy luôn luôn ăn mặc chỉnh tề khi lên lớp, dạy dỗ học trò rất nghiêm túc, tận tình. Nếu hôm nay tôi biết chút ít về nhạc và hoạ thì công ơn của các thầy rất lớn – các thầy đã làm tôi say mê những môn đó! Chỉ với vốn liếng kiến thức nhà trường dạy cho như thế, sau này lớn lên, có một thời gian tôi đã đi vẽ thuê để kiếm ăn. Chẳng hạn, vẽ cho Viện khảo cổ, cho Bảo tàng Việt Bắc, cho các triển lãm của Sở văn hoá thông tin Hànội, … Hồi ấy, anh chị em ở Bảo tàng Việt Bắc gọi mấy anh thợ vẽ chúng tôi là “hoạ sĩ”, tôi sướng lắm, mặc dù tự biết mình chỉ là anh thợ vẽ mà thôi. Nhưng xét cho cùng thì cái danh “thợ vẽ” hay “hoạ sĩ” cũng chẳng có gì quan trọng lắm, vấn đề là ở cái tâm có thật sự yêu tranh hay không. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tôi trở thành thợ vẽ. Số là hồi ấy, những năm 1970, có một anh bạn “hoạ sĩ vườn” hay đến nhà tôi chơi, thấy tôi vẽ chơi nhăng quậy, anh ấy bảo “này, cậu vẽ được đấy, có đi vẽ thuê với tớ không?”. Mắt tôi sáng lên, vì tôi rất thích vẽ, lại kiếm thêm được ít tiền thì tốt quá. Hồi ấy Hànội đói rách thế nào thì mọi người đều biết rồi, ai cũng nghĩ cách kiếm thêm. Thầy giáo về nhà bán thuốc lá, chạy chợ là chuyện thường. Tôi cũng là một thầy giáo, bây giờ lại kiêm “hoạ sĩ” nữa thì “oách” quá rồi còn gì. Thế là tôi theo anh ta đi kiếm ăn. Cuộc sống lê la ấy cũng vui, tuy chỉ là một thế giới “hoạ sĩ vỉa hè” nhưng qua đó tôi cũng học được rất nhiều điều bổ ích về thẩm mỹ. Chẳng hạn, chính từ anh bạn “hoạ sĩ vườn” này mà tôi bắt đầu biết đến Chủ nghĩa Ấn tượng – Impressionism. Sau này đọc sách vở, tôi mê mẩn với trường phái này, đến nỗi cứ trông thấy ở đâu có bóng dáng của Claude Monet, Auguste Renoir, Paul Cézanne, … là tôi “bâu” đến, xem bằng được, đọc bằng được. Thế rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, tôi nẩy hứng “sáng tác”. “Tác phẩm” đầu tay của tôi là bức chân dung con gái tôi, vẽ năm 1972, lúc cháu mới có 5 tuổi.  Rồi nhiều tranh khác cứ thế nối tiếp nhau ra đời. Vì hội hoạ không phải là cái nghiệp của tôi nên tôi vẽ văng mạng. Hứng thế nào vẽ thế ấy. Nhiều khi muốn vẽ thế này nhưng hình lại ra thế nọ, cái tay nó không theo cái óc, vì kỹ thuật nghề nghiệp không có. Tôi có học hành mỹ thuật gì đâu, nên cứ vẽ “liều” thế thôi, ai chê mặc ai, ai khen thì lấy làm sung sướng hạnh phúc. Chẳng hạn, hình thiếu nữ là một chủ đề tự nhiên mà ai đã thích vẽ thì ắt đều phải thích, nhất là tuổi trẻ. Đơn giản vì phụ nữ là phái đẹp, phụ nữ là cái gì đó gợi cảm nhất, thu hút nhất, bắt mắt nhất, đặc biệt với phái nam – chẳng có cái đẹp nào dễ nhận thấy bằng cái đẹp của phụ nữ. Điều đó nằm trong phản xạ bản năng của con người, trong gien di truyền rồi. Vì thế tôi hay phóng bút ký hoạ những chân dung tưởng tượng – vẽ những cô gái đẹp theo cảm nhận thẩm mỹ của bản thân mình – rồi treo lên tường nhà, tự thưởng thức. Một lần, nữ hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền[5], đến thăm một nhà văn là hàng xóm của tôi. Ông nhà văn này ở tầng trên, nên chị Hiền thường đi qua phòng tôi. Chị nghe thấy tiếng đàn guitar phát ra từ trong phòng tôi – hồi ấy tôi đang say mê guitar cổ điển, suốt ngày tập đàn – chị dừng lại nghe. Tôi lịch sự mời chị vào chơi. Nghe xong bản nhạc, chị chỉ tay lên bức tranh thiếu nữ treo trên tường, hỏi: “Tranh ai vẽ kia thế anh?”. Tôi trả lời: “Tôi vẽ đấy”. Chị nói: “Thế à, anh vẽ được đấy. Nếu anh theo học mỹ thuật thì anh sẽ thành hoạ sĩ đấy”. Cho đến hôm ấy tôi chưa hề biết chị là một hoạ sĩ tài ba, mãi sau này mới biết. Rất tiếc là bức tranh thiếu nữ ấy nay không còn.  Trong số những bức tranh không còn nữa, tôi tiếc đứt ruột bức chân dung vợ tôi vẽ bằng phấn mầu. Lý do bức tranh này không còn vì nó được vẽ trên giấy bìa các-tông, không chịu đựng nổi thời tiết quá ẩm ướt của Hànội, sau một thời gian bị mốc, tôi cố chữa nhưng bị rách từng mảng, đành phải huỷ bỏ. Rất may vẫn còn giữ được “di tích” bằng một ảnh chụp, mặc dù chất lượng ảnh không đủ tốt để phản ánh chính xác như tranh thật. Tôi tiếc vì bản thân tôi tự coi bức tranh này là đẹp, nhưng còn có một người khác cũng khen bức tranh đó nức nở, đó là nghệ-sĩ-hoạ-sĩ Tạ Tấn. Về tuổi tác, tôi là đàn em của ông. Tôi thường đến thăm ông, chuyện trò trao đổi về âm nhạc. Có lần tôi đã khoe với ông bản “Phiên chợ Ba-tư” do chính tôi phối âm, rôi độc tấu cho ông nghe ngay trong salon nhà ông. Ông gật gù nói “được, được, được đấy”. Rồi một ngày đẹp trời năm 1986, ông đến thăm tôi tại 68 Nguyễn Trường Tộ, căn nhà mặt phố bề ngang chỉ có 2m, nhưng luôn luôn ấm cúng vì bạn bè hay tới chơi, chia sẻ đủ mọi thứ trên đời, thường là những chủ đề văn hoá nghệ thuật. Ông chỉ vào bức chân dung vợ tôi, không cần hỏi, nói luôn: -Bức tranh ấy trông hay đấy, cậu vẽ bằng gì vậy, sơn dầu à? -Không, thưa anh, đó là phấn mầu đấy ạ, tôi trả lời. -Ồ, vậy mà nhìn xa cứ tưởng sơn dầu đấy. Vì bản thân Tạ Tấn cũng vẽ tranh, và theo con mắt của tôi, ông vẽ rất hay. Ông cũng thuộc “trường phái” hội hoạ tự do, chẳng học mỹ thuật gì cả, nhưng tôi thích cái hồn ông toát lên qua tranh vẽ. Ông nói chuyện tuy không hấp dẫn lắm, nhưng rất chân thật mộc mạc. Tranh của ông cũng vậy. Nhìn tranh ông, tôi cảm nhận ông vẽ theo cảm hứng, thay vì bắt chước, bịa đặt hay cố tạo dựng cho độc đáo như một số hoạ sĩ chuyên nghiệp. Cái thú vẽ chơi như thế kéo dài mãi cho tới tận những năm sau này, ngay cả khi tôi đã thật sự trưởng thành và già dặn trong nghiệp giảng dạy (các môn khoa học tự nhiên). Và chẳng hiểu làm sao, trong hai năm 1995-1996, tôi cao hứng vẽ một loạt tranh, trong đó có bức sau đây, mà tôi đặt cho nó một cái tên êm dịu: “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên”. Bản thân bức tranh đã giới thiệu vì sao nó có cái tên đó, nhưng thực ra còn có một nguyên nhân khác: Hồi ấy tôi rất thích đàm luận với bạn bè về tôn giáo. Hình ảnh Ngôi nhà nguyện ở Quảng Bá đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm. Nhà tôi lúc đó ở trên làng Tây Hồ, ngay gần Quảng Bá, vì thế tôi quan tâm nhiều đến Ngôi nhà nguyện này. Lễ khánh thành trùng tu Ngôi nhà nguyện này diễn ra vào đêm Giáng Sinh năm 1992 rất trọng thể và thiêng liêng. Đêm ấy Cha Ngân[6] giảng bài hay đến mức tôi nuốt từng lời. Giáng Sinh năm ấy là một trong những Giáng Sinh đẹp nhất trong đời tôi. Tôi dự lễ với tâm trạng cảm động muốn khóc, vì thấy buổi lễ thiêng liêng quá, Thánh thiện quá! Đó là năm tôi nhập Đạo trở lại[7], tôi sốt sắng với mọi lý thuyết và tình cảm tôn giáo. Đó là lý do bức tranh mang cái tên phảng phất âm hưởng của tôn giáo, và đến nay tôi cảm thấy dường như đó là ý Chúa, thay vì cảm hứng của bản thân tôi. Chuyện kể ra còn dài lắm, bây giờ xin giới thiệu bức tranh với độc giả đã:  Tranh được vẽ năm 1995 tại nhà riêng của tôi trên làng Tây Hồ. Đó là tranh sơn dầu, kích thước khoảng 700 x 1100, vẽ trên một tấm bảng plastic mà trước đó tôi dùng để dạy học. Trước khi lên đường sang Úc định cư, đã có một gia đình hàng xóm trên làng Tây Hồ hỏi mua bức tranh này của tôi với giá 100 USD. Một thợ vẽ vườn như tôi mà được hỏi mua tranh đã là một vinh dự lớn rồi. Lại được khách trả với một giá không hèn chút nào như thế thì phải nói là quá sung sướng hạnh phúc. Nhưng tôi không bán. Tôi yêu nó và quyết mang nó đi theo. Hiện nay nó được treo một cách trang trọng tại trung tâm phòng khách của gia đình tôi bên Sydney, Australia. Nhiều người hỏi tôi đó là cảnh ở đâu vậy. Thú thực là bao nhiêu năm trước đây tôi cũng không biết: Tôi vẽ theo một tờ lịch, trong đó không thấy ghi chú rõ ràng. Mãi đến gần đây tôi mới “khám phá” ra rằng đó là một quang cảnh tại vùng núi Dolomites bên Ý, gần thành phố Venise. Dãy núi này là một bộ phận trung tâm của dãy Alps của Châu Âu. Theo tôi, đây là một trong những quang cảnh đẹp nhất trên Trái Đất. Tôi mơ một ngày không xa sẽ đặt chân tới đó, vào “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên” này để cầu nguyện! Có nhiều lời bình phẩm về bức tranh này. Tôi xin chép lại dưới đây lời bình phẩm của bác sĩ Dư Tấn Hỷ ở London, một bạn thân của tôi từ ngày xưa, khi hai chúng tôi còn ở Việt Nam. Lời bình này được gửi qua thư email năm 2000. Nguyên văn như sau: London, Monday, 5 June 2000 Em đã nhận được tranh của anh. Xin cảm ơn anh đã gửi cho em một tác phẩm của anh năm 1995. Em không am hiểu lắm về hội hoạ, chỉ dám vụng về vài dòng về bức tranh rất thành công của anh. Theo em nghĩ, anh đã ảnh hưởng nhiều của dòng hội hoạ Impressionism giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà những người cầm đầu là những nghệ sĩ tài hoa và nổi tiếng của Pháp như Claude Monet, Auguste Renoir, Edouard Manet, Edgar Degas, … Đây là một trường phái hội hoạ thành công vĩ đại trong lịch sử và còn âm vang mãi mãi. Mệt mỏi với tác phong Cổ điển, những nghệ sĩ này đã nhìn nhận chính bối cảnh và tâm trạng dạt dào của họ khi đặt bút vẽ lên canvas. Họ dùng những mảng mầu, đôi khi mạnh hơn là theo trường phải Cổ điển, không còn những mảng grey, brown cho background, không mô tả tỉ mỉ như kiến trúc sư vẽ từng đường nét của toà nhà, cây cầu, … Những mảng mầu đó kết hợp với texture của mặt canvas, diễn tả ngay đúng lúc cảnh vật và tâm trạng của hoạ sĩ, đó là sự hài hoà của ánh sáng và mầu sắc. Bức tranh của anh nằm trong trường phái đó. Anh đã sử dụng những mảng mầu và ánh sáng rất hoà hợp. Cảm giác đập ngay vào thị giác của người xem, gây nên cảm giác mạnh mẽ. Có lẽ nó nói lên được cảm giác của chính hoạ sĩ vậy. Theo em mạo muội thì đó là một cảm giác muốn thoát khỏi những ồn ào, bức bối của cuộc sống thực tại hàng ngày, một sự đi tìm cái yên tĩnh trong tâm hồn, một sự hướng tới cái gì trong sạch, ra khỏi nơi trú ẩn của những sự mệt mỏi về mọi mặt và hướng tới cái thanh bạch cao xa hơn. Cảm ơn anh đã gửi bức tranh rất đáng quý. Em, Dư Tấn Hỷ,  The Dolomites, Italy (photo), nguồn cảm hứng để vẽ “Ngôi nhà nguyện trên thảo nguyên” [1] Bệnh viện Việt Nam CuBa bây giờ, nằm trên đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư Hai Bà Trưng-Bà Triệu, Hànội [2] Trường PTTH Lý Thường Kiệt bây giờ, nằm trên phố Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Lý Thường Kiệt – Bà Triệu, Hànội. [3] Vị trí nằm tại Trường Trưng Vương hiện nay (ngã tư Lý Thường Kiệt – Hàng Bài). [4] Soeur nói bằng tiếng Pháp. Hồi ấy chúng tôi học tất cả các môn bằng tiếng Pháp. [5] Chị ruột của hoạ sĩ nổi tiếng Thành Chương, con của cố nhà văn Kim Lân. Chị Hiền sau này lấy chồng là anh Lê Đình Hạo, cũng là bạn của tôi. [6] Hiện nay Cha làm Giám mục Lạng Sơn. [7] Vì tôi đã từng theo Đạo khi học ở St Marie và Puginier ngày xưa.
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 18, 2011 4:33:48 GMT 9
Sững sờ với tranh vẽ chì đẹp như ảnh chụp Chỉ bằng than chì và phấn, ông Paul Cadden, một họa sỹ theo trường phái vẽ siêu thực người Scotland, đã tạo ra các tác phẩm tranh vẽ chì tuyệt đẹp, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.  Các bức vẽ của ông Paul Cadden nhìn giống như những bức ảnh chụp đen trắng. Để tạo ra các tác phẩm ấn tượng này, ông chỉ sử dụng than chì và phấn. Những vật liệu tuy đơn giản nhưng nhờ bàn tay tài ba của người họa sỹ này, các bức hình chụp đã được vẽ lại chính xác tới từng chi tiết nhỏ nhất.  Dù đó là vô số các nếp nhăn trên khuôn mặt của một người già, khói từ một điều thuốc đang cháy hay nước chảy trên khuôn mặt của một người nào đó, ông Paul Cadden đều khiến chúng trở nên hiện thực một cách khó tin.  Ông Paul Cadden thường khắc họa vẻ mặt của con người hoặc những cảnh vật gần gũi với ông, các bức tranh của ông rất có chiều sâu đặc biệt là những bức tranh chân dung. “Mặc dù những bức vẽ của tôi đều dựa trên những bức ảnh và video có thật nhưng tôi biết cách để tranh của mình trở nên có hồn và chiều sâu khiến chúng như một vật thể hữu hình sống. Các vật thể và cảnh trong các tác phẩm của tôi tạo có thể minh họa cho một thế giới thực mới mà những bức hình gốc không có được”, ông Paul Cadden chia sẻ. Sau khi đăng tải lên mạng, những bức tranh của ông đã thu hút rất nhiều sự quan tâm và chú ý. Một số tác phẩm của ông Cadden: 
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Dec 15, 2011 8:05:09 GMT 9
Hương khói trong một màu xanh…(VienDongDaily.Com - 27/05/2011) ht, nguyễn  Khi mà chiến trường Thừa Thiên Huế trỗi lên năm 1948 cũng là lúc mà Nguyễn Đình Thuần được sinh ra đời. Và, phải chăng đó là lý do mà trong tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần luôn luôn có cái mệnh khúc của màu hương khói xen lẫn trong cái màu xanh thanh bình. Học Viện Mỹ Thuật Huế đón nhận và đã có công đào tạo người họa sĩ trẻ này, và ngay sau đó năm 1973 cuộc triển lãm đầu tay được diễn ra tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng. Tiếc thay, đồng cảnh ngộ với bằng hữu của thế giới nghệ thuật màu sắc: Là Nguyễn Đình Thuần sinh ra, và lớn lên trong chiến tranh, giặc giã của đất nước. Tiếp theo là bị sự thống trị bóp nghẹt, bóp méo vẻ đẹp Văn Hóa của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa thời bấy giờ đã đẩy lùi cảm xúc của người sánh tác, bịt mắt người thưởng lãm…. Vì vậy mãi cho đến năm 1980 thì họa sĩ Nguyễn Đình Thuần và bằng hữu nghệ thuật mới có thể “múa cọ”trở lại. Cũng kể từ đó, tên tuổi ông không xa lạ gì với thế giới Hội Họa Việt Nam. Nguyễn Đình Thuần liên tiếp có những triển lãm với những chủ để đủ làm “say” giới thưởng ngoạn hội họa. Suốt 10 năm đầu của sự nghiệp, Nguyễn Đình Thuần đã rong ruổi theo nét vẽ siêu thực. Cho đến thập niên 80, Nguyễn Đình Thuần rón rén đặt để bước chân của mình vào thế giới tranh trừu tượng, và ông đã tung hoành phiêu đãng bước chân mình một cách say sưa cho đến mãi ngày hôm nay. Năm 1989 với cuộc triển lãm mang tên “Hai người đàn ông triển lãm - Sài Gòn - Việt Nam”. Liên tiếp từ đó cho đến năm 1990 năm nào ông cũng có triển lãm cùng đồng nghiệp và đã để lại ấn tượng hình, và cả ấn tượng màu trong lòng người hâm mộ.  Khi mà tự do, quyền hạn sáng tác của người nghệ sĩ được trân trọng với những tác phẩm tinh thần thì đây chính là giai đoạn sung mãn nhất của họa sĩ họ Nguyễn. Ông đã có liên tiếp những ngày hội triển lãm tại California, và cũng ngay tại trên quê hương Việt Nam nữa. Bước qua tuổi lục tuần, Nguyễn Đình Thuần hình như không còn trăn trở với màu Khói Lam Chiều nữa, thì phải (!?) Mảng màu trong tranh đã thay đổi cả nội tâm tác giả và cả người thưởng ngoạn. Màu xanh thật sự là màu của thanh bình, màu xanh bình an, không còn chút ngờ vực bởi giờ đây đã không còn bị pha lẫn với những sợi màu xam xám nữa.  Gần đây nhất, tại phòng trưng bày Annam Héritage ở Paris năm vừa qua, giới thưởng ngoạn đã được xem một cuộc trưng bày sáng tác mới nhất gồm 10 tác phẩm của ông và 17 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Đinh Cường. Và, cũng tại đây Nguyễn Đình Thuần đã tâm sự: "Trong sáng tác, cái náo động là do tâm tính. Rồi thỉnh thoảng có thể lòng mình chùng xuống, thành thử ra nó theo cảm xúc của mình. Một đoạn thời gian nào đó lòng mình thấy buồn, chùng xuống, hoặc là mình thấy mang mang một cái gì đó. Thành ra couleur thường nó diễn đạt được cái tâm cảm của mình". Tôi gặp ông, người đàn ông cho cuộc đời một cái cảm giác bình an trong cái phong cách thư thái, như thể là chẳng có gì trói buộc, nợ nần với đời nữa. Ngồi bó gọn trong chiếc bàn nhỏ, có hương thơm của café mùa hè. Có cả những vòng khói thuốc bay lãng đãng trong cái không gian nhẹ. Tĩnh lặng. Thanh bình. Tôi tưởng chừng như là đôi tay người họa sĩ họ Nguyễn buông thõng với đời... như thể là khuyên ta xóa bỏ tất cả những ưu phiền, và toan tính. Nhường chỗ cho bình an và hạnh phúc trong những ngày Hè rộn ràng nắng! Điều này sẽ thật sự đến cho những ai sở hữu được một tuyệt tác của Nguyễn Đình Thuần trong không gian sống của riêng mình. – (ht, nguyễn)
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Dec 15, 2011 8:18:06 GMT 9
Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam(VienDongDaily.Com - 01/12/2009)  Cô Hồng Ngọc đứng bên tác phẩm thư họa “Thuyền Nhân” của họa sĩ Châu Thụy - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông Thanh Phong/Viễn Đông LITTLE SAIGON - Trong những ngày vừa qua, tại vùng Little Sài Gòn có ba cuộc triển lãm hội họa, thu hút hàng trăm người thưởng ngoạn. Ngày 21 và 22-11-2009, Nhóm Họa sĩ Thiện Nguyện tổ chức triển lãm với chủ đề “Thương Về Miền Trung” tại phòng Sinh hoạt Việt Báo (nhật báo Viễn Đông đã có bài tường thuật trong số báo đề ngày 28-11-2009). Sau đó, vào hai ngày Thứ Bảy, Chủ nhật cuối tháng 11-2009, một mình họa sĩ Cao Bá Minh mở triển lãm tại Việt Báo, và nhóm 37 họa sĩ khác tổ chức triển lãm tại hội trường nhật báo Việt Herald mang chủ đề “Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam”. Với 37 họa sĩ tham dự triển lãm cho thấy đây là một trong những cuộc triển lãm có nhiều họa sĩ tham gia nhất từ trước đến nay. Tuy nhiếp ảnh và hội họa đều mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống con người, nhưng họa sĩ không giống như một nhiếp ảnh gia phải lệ thuộc vào máy ảnh để tạo nên tác phẩm, người họa sĩ dùng khối óc, con tim và bàn tay để sáng tạo, vì thế cuộc triển lãm mang tên Sắc Màu Họa Sĩ Việt Nam phần nào đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của chủ đề. Cuộc triển lãm thành công ở số lượng người thưởng ngoạn khá đông, và các họa sĩ có mặt cũng mất khá nhiều thì giờ giải thích tranh của mình cho người xem. Đứng trước tác phẩm “Đố Kỵ” vẽ một cô mẫu và hình nộm của họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt, toàn bộ tác phẩm rực lên màu đỏ chói chang nhưng lôi cuốn. Phóng viên Viễn Đông hỏi Họa sĩ Vi Vi: “Tại sao Họa sĩ chỉ dùng màu đỏ cho tác phẩm này?” Họa sĩ Vi Vi trả lời: “Đây là sự đố kỵ giữa cô mẫu và người nộm, anh có nhận ra sự đố kỵ ở chỗ nào chưa?” Thấy tôi chưa trả lời được, ông cắt nghĩa: “Sở dĩ tôi dùng toàn màu đỏù trong tác phẩm là để nói lên cái nóng bỏng của chủ đề. Khi nóng nảy người ta thường hay có hành động sai. Thật ra như thế này, cô mẫu dùng mũi tên đâm người nộm, không biết người nộm có đau không, không thấy chẩy máu nên chắc người nộm không chết đâu, mà nếu làm đẹp cho đời có chết cũng cam đó nghen!” Rồi họa sĩ cười rất sảng khoái. Họa sĩ Vi Vi trước đây đã từng vẽ rất nhiều Tem Bưu Chính cho hai nền Đệ I và đệ II Việt Nam Cộng Hòa với tên Võ Hùng Kiệt.  Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt bên tác phẩm rất nóng “Đố Kỵ” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông Một bức họa khá lớn có đóng khung, có lẽ vì quá nặng không treo lên được nên họa sĩ Huy Dũng đặt ngay sát tường phía tay trái từ ngoài cửa đi vào. Bức họa có tên của một nhạc phẩm quen thuộc: “Anh Đến Thăm Em Đêm 30”. Họa sĩ Huy Dũng vẽ tranh mà như ảnh chụp, rất độc đáo. Trong cuộc triển lãm lần này, ngoài tác phẩm vừa nêu, ông còn một tác phẩm khác là “Quê Tôi”. Hai tác phẩm trưng bày hai nơi khác nhau.  Họa sĩ Huy Dũng và “Anh Đến Thăm Em Đêm 30” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông Họa sĩ Huy Dũng nói với phóng viên Viễn Đông: “Đã có lần tôi đến thăm em đêm 30, nên khi nghe nhạc phẩm của Vũ Thành An ‘Anh đến thăm em đêm 30 / Còn đêm nào vui bằng đêm 30 / Anh nói với người phu quét đường / Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…’ Tôi nghe bản nhạc với lời thơ Vũ Đình Toàn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc mà lòng bồi hồi, xúc cảm, tạo hứng cho tôi vẽ tác phẩm này”. Tác phẩm diễn tả một khu phố với những tòa nhà nhiều tầng, ánh sáng của những bóng đèn đường và bóng tối pha trộn tạo nên một đêm 30 kỳ thú. Dưới lề đường, một người phu quét rác đang cầm cây chổi đứng chờ người... xin chiếc lá vàng! Chúng tôi hỏi họa sĩ Huy Dũng: “Họa sĩ đến thăm em đêm 30 cách đây bao lâu?” Ông cười trả lời: “Cách đây cả năm rồi, còn tác phẩm này tôi vẽ trong vòng một tháng”. Sau đó, họa sĩ dẫn chúng tôi đến vị trí đặt họa phẩm “Quê Tôi”. Một bức họa cũng khá lớn vẽ một con đường làng vắng vẻ, hai bên đường, những bụi tre xanh cao vút, thẳng tắp. Ánh sáng xuyên qua khe lá làm thành những mảng tối, sáng thơ mộng. Càng về phía cuối đường, ánh sáng càng soi rõ hơn tạo cho tác phẩm rất có hồn, và chúng tôi để ý khá nhiều người xem đứng trầm trồ thích thú. Họa sĩ Huy Dũng tốt nghiệp khóa 2 trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn năm 1959, ông đã tham gia 20 lần triển lãm ở nhiều nơi và đoạt Huy chương Vàng năm 1963, Huy chương Đồng 1964, Giải 3 toàn quốc năm 1965. Nhiều nhân vật tiếng tăm trên thế giới có tranh của Huy Dũng như Tổng Thống Ford, Tài tử Bob Hope, Col. Horn Buckle, Chỉ huy trưởng Pacex, v.v..  Họa sĩ Đặng Ngọc Sinh đứng giữa ba tác phẩm của ông “Tri Kỷ”, “Vô Thường” và “Ý Thơ” - ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông Trong số 37 họa sĩ tham gia, chúng tôi biết họa sĩ Đặng Ngọc Sinh, ông là một nhà giáo lâu năm và nay đang là Phó Chủ Tịch Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California. Họa sĩ Đặng Ngọc Sinh dẫn chúng tôi đến xem ba tác phẩm của ông: “Tri Kỷ”,“Vô Thường” và “Ý Thơ”. Họa sĩ chỉ vào tác phẩm mang tên Tri Kỷ và ông giải thích: “Mảng màu này tượng trưng cho cuộc đời sau 1975, nó bầm dập. Khi mất nước vào tay Cộng sản, mọi cái đều bầm dập hết, ngay cả nhiều bà vợ cũng bỏ chồng, cho nên tôi dùng những màu sắc này nói lên cái sự bầm dập, trong đó có người, có cây cỏ và có cả máu và nước mắt nữa, nhưng tôi có một hạnh phúc là có người bạn đường luôn ở bên cạnh để chia xẻ ngọt bùi cho nên người trong tranh chính là ‘bà xã’, là người ‘tri kỷ’ của tôi”. Chúng tôi nhìn vào tác phẩm rất lâu, vẫn chưa tìm ra dung nhan của bà xã họa sĩ Sinh. Sau đó, họa sĩ Đặng Ngọc Sinh giải thích tiếp tác phẩm thứ hai trưng bày gần nhau. Họa sĩ nói: “Đây là tác phẩm ‘Vô Thường’. Cuộc đời mình nó biến chuyển khôn lường, có lúc như mình ở trên núi cao, nhưng khi 1975 ập đến, mình xa xuống đất đen, không phải đất đen mà còn tụt xuống sâu hơn nữa. Nhưng mà sau này, con cái mình ở thế hệ thứ hai chúng sẽ như từ dưới biển vươn lên, cho nên cuộc đời là vô thường, không có gì chắc chắn, vĩnh cửu hết”. Tác phẩm thứ ba của ông mang tựa đề “Ý Thơ”. Nhà giáo Đặng Ngọc Sinh đem chuyện Bạch Cư Dị để nói về tác phẩm “Ý Thơ” của ông, nghe cũng lý thú lắm. Nhưng thú thật, cả ba tác phẩm, nếu không được họa sĩ giải thích, có lẽ ít người hiểu được ý “thâm hậu” nhà giáo, họa sĩ Đăïïng Ngọc Sinh diễn tả qua những mảng màu pha trộn giữa màu nước, sơn dầu và acrylic để làm thành nét độc đáo riêng cho mình. Cùng với số đông khán giả đến xem tranh, chúng tôi đi xem tất cả các bức tranh trưng bày và cảm nhận vẻ đẹp của từng tác phẩm. Khi ra gần phía ngoài cửa, nhìn thấy một cô gái mặc áo dài, có lẽ duy nhất mình cô mặc áo dài vào lúc này, cô gái đang chăm chú nhìn tác phẩm đen trắng. Chúng tôi lại đứng phía sau cô xem tranh và thấy hai tác phẩm độc đáo mà cô gái đang thưởng thức. Cô quay lại và chúng tôi có dịp hỏi: “Tôi thấy cô có vẻ đắc ý với hai tác phẩm này, xin cô vui lòng cho một nhận xét theo sự suy nghĩ riêng của cô”. Cô gái mặc áo dài tên là Hồng Ngọc vui vẻ trả lời: “Thưa chú, khi cháu coi phim ảnh, cháu thấy những đồng bào của mình đi vượt biển hết sức nguy hiểm, họ đi trên những chiếc thuyền mong manh, nhiều người đã chết. Nên khi nhìn những bức tranh này, dù họa sĩ vẽ rất đơn sơ, cháu cũng nhận ra được đây là con thuyền vượt biên nên cháu thích quá”. Thấy chúng tôi đang phỏng vấn cô gái, một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đi tới, hóa ra đây chính là họa sĩ Châu Thụy. Anh niềm nở bắt tay chúng tôi và giải thích: “‘Thư Họa’ đối với người Việt Nam mình còn rất mới mẻ. Sau khi nghiên cứu về ‘Thư Pháp’ của chữ Hán và chữ Nôm, cháu suy nghĩ mình phải làm sao sử dụng mực Tàu và cọ lông để đạt được trình độ sâu sắc trong nghệ thuật. Vì thế, sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, cháu vẽ hai tác phẩm này chỉ bằng mực Tàu và cọ lông”. Rồi họa sĩ Châu Thụy nói tiếp: “Nhìn vào tác phẩm, chúng ta thấy dù người Việt hay người nào khác cũng nhìn thấy hình dáng của chiếc thuyền, những cái đầu người tạo thành chữ ‘boat people’ (thuyền nhân)”. Họa sĩ Châu Thụy cũng từng trải qua cảnh đau khổ của một thuyền nhân tỵ nạn, nên anh muốn làm một cái gì đó tiếp tục khơi dậy biến cố, là tại sao hôm nay người Việt mình có mặt trên toàn thế giới. Tác phẩm thứ hai của người họa sĩ trẻ này cũng rất độc đáo, tác phẩm “Nô lệ” cũng bằng mực tàu, cọ lông. Người họa sĩ muốn diễn tả tệ trạng buôn người vẫn đang xảy ra, để cảnh tỉnh nhân loại, chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 mà vẫn còn cảnh những cô bé Việt Nam, Lào, Campuchia phải bán sang ngoại quốc làm nô lệ tình dục. Đường nét rất đơn sơ nhưng diễn tả được nhiều điều muốn nói. Họa sĩ Châu Thụy cho biết, anh đã phải suy nghĩ rất lâu để thể hiện tâm tình của mình trên hai tác phẩm này để mọi người có dịp thưởng thức. Trong lúc chúng tôi rời phòng triển lãm, nhiều người còn đang tiếp tục đến xem. Một ông bạn cùng ra về với chúng tôi phát biểu một câu mà chúng tôi dùng làm câu kết luận cho bài phóng sự này, ông nói: “Chúng ta thử tưởng tượng trên cõi đời này, nếu không có mấy ông họa sĩ, không có mấy ông nhiếp ảnh gia để họ tô điểm cho cuộc sống, thì chán bỏ mẹ, phải không? Nhưng mà ông Trời thật khéo, ổng chỉ cho đời một số ít nhân tài như mấy ông họa sĩ này thôi, chứ nếu ai cũng biết vẽ giỏi như mấy ông họa sĩ này thì hóa ra mọi sự lại chẳng có gì đẹp nữa, đúng không?”
|
|
|
Post by nguyendonganh on Jul 31, 2012 5:03:45 GMT 9
Tạ Tỵ, người mở những cánh cửa lớn cho hội họa Việt Nam Du Tử Lê Theo ghi nhận riêng của tôi, thì trong sinh hoạt hội họa của 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, họa sĩ Tạ Tỵ là người có công du nhập vào Việt Nam hai trường phái hội họa lớn là Lập Thể và, Trừu Tượng.Tuy nhiên, ông lại không được nhắc tới nhiều, như những họa sĩ khác. (1)  Họa Sĩ Tạ Tỵ. (Hình: giaoduc.net.vn) Tôi không biết có phải sự nghiệp của ông được định hình quá sớm, ngay từ giữa thập niên (19)40, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn dân Việt bùng nổ? Trong một bài viết nhan đề “Tạ Tỵ - ông ‘tổ’ tranh trừu tượng Việt Nam,” tác giả Bội Trân ghi nhận: “...Vào năm 1948, trong chiến khu, Tạ Tỵ, Bùi Xuân Phái và Văn Cao đã tổ chức một cuộc triển lãm nhóm đầu tiên. Tạ Tỵ khi ấy trưng bày những bức tranh lập thể, trừu tượng, còn Bùi Xuân Phái bày những bức tranh ấn tượng với những khu phố cổ cũ và những hẻm ngõ buồn heo hắt. Sau lần triển lãm này, các họa sĩ ít nhiều đã gặp rắc rối.” (2) Giải thích cho sự kiện họa sĩ Tạ Tỵ ít được truyền thông của 20 năm VHNT miền Nam nhắc đến, có người cho rằng vì họa sĩ Tạ Tỵ thành danh quá sớm; lại ở giai đoạn “bản lề” hay “gạch nối” giữa hai giai đoạn VHNT quan trọng là tiền chiến và kháng chiến. Chưa kể ông vào Nam trước 1954, nghĩa là không thuộc thành phần văn nghệ sĩ miền Bắc di cư vào Nam, nên giới này đã đặt ông qua một bên (?). Dù vậy, vai trò, vị trí tiền phong của họa sĩ Tạ Tỵ trong những năm tháng gần đây, đã được đánh giá và, nhìn nhận một cách công bằng, khách quan hơn, bởi chính những tên tuổi lớn trong sinh hoạt hội họa của chúng ta. Như một việc làm cụ thể liều lĩnh, của họa sĩ Bùi Xuân Phái, sau biến cố 30 tháng 4, 1975, họ Bùi đã không chỉ nói lên tình bạn giữa hai tên tuổi mà, còn thể hiện tấm lòng trân trọng của ông trước tài năng và, những đóng góp to lớn, quý báu cho hội họa Việt của họa sĩ Tạ Tỵ, qua trích đoạn dưới đây, cũng của tác giả Bội Trân: “Năm 1953, Bùi Xuân Phái đã từ chối khi Tạ Tỵ rủ ông cùng vào Nam định cư, Bùi Xuân Phái có kể lại chuyện này, và có những giai đoạn quá ngặt nghèo, ông cũng đã tỏ ra than tiếc và đổ lỗi cho số phận. Tuy tình bạn của họ phải xa cách trong thời kỳ hai miền Việt Nam chia cắt, nhưng Bùi Xuân Phái vẫn thường kể lại những kỷ niệm về tình bạn với Tạ Tỵ với các bạn hữu. Năm 1979, Bùi Xuân Phái vào thăm Saigon và yêu cầu Thái Tuấn đưa đến thăm gia đình Tạ Tỵ, một họa sĩ di cư vào Nam rồi trở thành trung tá trong quân dội Saigon, hành động của Bùi Xuân Phái lúc bấy giờ được xem là can đảm và cảm động.”  “Lần cuối cùng tôi chứng kiến cảnh gặp lại của Tạ Tỵ với Bùi Xuân Phái, đó là lần Tạ Tỵ được ra khỏi trại cải tạo, trước khi trở lại Saigon đoàn tụ với gia đình, Tạ Tỵ đã tìm đến nhà Bùi Xuân Phái. Dáng người Tạ Tỵ cao lớn, ông đứng trước cửa nhà và gọi to khi vừa thấy Bùi Xuân Phái. Hai người bạn tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhau sau hơn hai mươi năm xa cách. Nhưng chỉ sau những câu hỏi han ban đầu tiếp theo là sự im lặng của cả hai người. Tôi ấn tượng mãi về sự im lặng khó hiểu ấy, cả hai ông ngồi bên nhau hàng giờ đồng hồ mà chỉ im lặng thôi, nước mắt nhòe ướt đôi mắt họ.” (3)  Nói tới tài năng ngoại khổ của họa sĩ Tạ Tỵ mà, không nhắc tới biệt tài vẽ chân dung của họ Tạ, tôi cho là một thiếu sót, khó được tha thứ. Như sự hiểu biết giới hạn của tôi thì, hầu hết các họa sĩ, dù theo đuổi trường phái nào, cũng thường tìm tới nghệ thuật vẽ chân dung. Chân dung chính họ, hay người khác. Ở lãnh vực này, họa sĩ Tạ Tỵ cũng đã được ghi nhận như một trường hợp ngoại lệ. Phong cách vẽ chân dung của họ Tạ thường chỉ là vài nét phác. Nhưng chân dung với những nét tiêu biểu của người được ông phóng bút đã hiển lộ một cách sống động. Và, ngay cả khi ông không ký tên, người xem vẫn lập tức nhận ra, đó là nét vẽ (như khắc) của Tạ Tỵ.  Tranh sơn dầu “Cất cánh” của Tạ Tỵ Về những giờ phút cuối cùng của họa sĩ Tạ Tỵ, người có công mở những cánh cửa lớn cho lịch sử hội họa Việt Nam, tôi đã xúc động khi được đọc bài của nhà văn Văn Quang. Trong bài, có một chi tiết nhỏ, nhưng với cá nhân tôi, nó thật ý nghĩa! Tôi tin, ở thế giới bên kia, người họa sĩ ngoại khổ của chúng ta, chắc sẽ hài lòng. Ðó là: “Trong số hàng trăm vòng hoa của thân hữu ở VN, tôi thấy có vòng hoa của anh Ðinh Cường từ Virginia đưa đến và một vòng hoa của Hội Nghệ Thuật thành phố Saigon.” (4) Tôi biết, vòng hoa của họa sĩ Ðinh Cường ở Virginia, được gửi về từ tâm thái riêng của ông. Nhưng tôi muốn nhìn việc làm này như một đại diện và, hơn thế, một lời xin lỗi (dẫu muộn,) của những người làm hội họa miền Nam, 20 năm. Du Tử Lê (Tháng 7, 2012) Chú thích:
(1) Họa sĩ Tạ Tỵ tên thật Tạ Văn Tỵ. Ông sinh ngày 24 tháng 9 năm 1921 tại Hà Nội. Nhưng khai sinh lại ghi sinh năm 1922. Ông tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương năm 1943. Cũng thời gian này, bức tranh “Mùa Hè” của ông được trao giải Salon Unique. Trước đó, khi còn là sinh viên Cao Ðẳng Mỹ Thuật, năm 1941, ông cũng đã được trao tặng một giải thưởng khác về hội họa. Từ giải thưởng này, ông được Quốc Trưởng Bảo Ðại mời viếng thăm Cố đô Huế. Và, ông được mời ngồi chung xe ngựa với Quốc Trưởng Bảo Ðại thưởng lãm toàn cảnh cố đô cổ kính này. Tạ Tỵ tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1946, là một trong vài giáo sư mỹ thuật đầu tiên ở Liên Khu 3. Năm 1950, họa sĩ Tạ Tỵ bỏ vùng kháng chiến về lại Hà Nội. Năm 1951, ông có cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, với 60 bức tranh gồm cả Lập Thể và Trừu Tượng. Năm 1953, ông rủ một trong 2 người bạn thân của ông là họa sĩ Bùi Xuân Phái, vào Saigon. Họ Bùi từ chối. (Bùi Xuân Phái bỏ chiến khu về lại Hà Nội năm 1952.) Tại Saigon, họa sĩ Tạ Tỵ có hai cuộc triển lãm cá nhân quan trọng vào những năm 1956, 1961. Năm 1982, sau nhiều năm tù cải tạo, ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2003, khi người bạn đời qua đời, ông quyết định trở về Saigon. Và, chỉ một năm sau, ông từ trần giữa quê nhà.
(2) Bội Trân, “Saigon xanh ký ức,” Hợp tuyển thơ, nhạc, họa Bến Tâm Hồn, trang 255, Nhà XB Thanh Niên, Saigon, 2012.
(3) Bội Trân, sđd. Trang 255, 256.
(4) Văn Quang, sđd. Trang 262.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Aug 29, 2013 10:07:25 GMT 9
Công trình ứng dụng phù điêu
Mạc Hoàng Thượng và những bức vẽ chì ám ảnh17 bức vẽ chì kích thước lớn của họa sĩ sinh năm 1976 khiến khán giả rung động vì sự giản dị. Xem tranh, bắt gặp đâu đó hình ảnh ông bà, cha mẹ, đứa con bé nhỏ… mang đến nhiều cảm xúc êm dịu lẫn trăn trở về cuộc sống. Cuối tuần trước, triển lãm chủ đề “Gần” của họa sĩ Mạc Hoàng Thượng khai mạc ở TP HCM). Gần 100 khán giả có mặt để thưởng lãm 17 bức vẽ bằng bút chì trên giấy của họa sĩ này. Như một sự vô tình, cây bút chì bé nhỏ từ lâu đã giữ một góc lặng lẽ trong đời sống hội họa TP HCM. Các nghệ sĩ mải miết với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu acrylic… Vì thế, khi triển lãm “Gần” mở cửa đón khách, có người chợt “ồ, à” khi thấy: Sao hội họa có lúc lại thật gần gũi với người xem như thế!  Tốt nghiệp khoa sơn mài Đại học Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng lại tạo dấu ấn và phong cách qua mảng tranh siêu thực (sơn dầu) và tranh trừu tượng (acrylic). Với chì, Mạc Hoàng Thượng cũng trình bày rải rác trong các triển lãm nhóm, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm triển lãm cá nhân. “Tôi yêu sự tối giản trong nghệ thuật vì nó chân thật và đầy sâu lắng”, đó là lời tự sự của Mạc Hoàng Thượng về triển lãm. Bận rộn với nhiều công việc và dạy học ở trường Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng thường vẽ vào ban đêm để có thể tĩnh tâm. Trong số 17 bức triển lãm lần này, với anh tác phẩm “Tự họa” là khó nhất. Bởi anh muốn diễn đạt một góc thật của nội tâm trong cuộc sống nhiều trăn trở, bộn bề. Những trăn trở ấy đi cả vào giấc ngủ mệt nhọc của con người. Nhân vật và chủ đề trong “Gần” của Mạc Hoàng Thượng không có gì xa lạ. Đó có thể là những khuôn mặt được phóng to, với những nếp nhăn, hằn, khóe mắt, những cảm xúc được dấu ấn thời gian lưu lại trên mỗi con người. Bàn tay tài hoa của họa sĩ khắc họa từng chi tiết nhỏ, tạo nên độ chân xác đến mức rung cảm. Ngắm tranh, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét, hầu như ai cũng từng cầm bút chì nghệch ngoặc trên giấy vài lần trong đời, giới họa sĩ thì làm việc này rất thường xuyên, gần như hằng ngày. Nhưng việc làm một triển lãm toàn những tác phẩm vẽ chì thì thật hiếm thấy. “Những tác phẩm hầu hết là chân dung, cho thấy anh muốn đẩy sâu chất liệu chì của mình đến độ chuyên biệt của hội họa đen trắng. Thật vậy, hiệu quả thị giác mà những bức chì khổ lớn này mang lại thật độc đáo và hấp dẫn. Triển lãm cũng mang đến sự thân quen, gần gũi cho đa số công chúng vì có thể làm dậy lên ở họ những trải nghiệm về niềm say mê vẽ vời từ thuở trẻ. Sau nữa, tôi tin rằng những tác phẩm này sẽ có được sự thán phục của hầu hết sinh viên mỹ thuật và giới chuyên nghiệp về kỹ năng tạo hình của một giảng viên mỹ thuật trẻ và tài năng”, họa sĩ Lương Lưu Biên viết trong bài cảm nhận của ông về triển lãm. Dẫn vợ con đi xem tranh ngày khai mạc, họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ: “Những bức tranh của anh ấy đã đánh thức con tim người xem, nhắc nhở những gì bình dị nhất cũng là những gì rung cảm nhất”. Theo họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn, về mặt chất liệu, nếu vẽ bút chì trên giấy khổ nhỏ thì bình thường nhưng với những khổ giấy lớn thì việc vẽ lại không hề đơn giản chút nào. Vì lúc đó, người họa sĩ phải thật sự tài hoa, kiểm soát được bức tranh về tổng thể, về giải phẫu học, sắc độ, kỹ thuật đánh bóng. “Tôi vẫn vẽ được tranh bút chì như thế nhưng để đến cái thần cảm xúc như Mạc Hoàng Thượng thì thật “kinh”!”, họa sĩ Thuấn nói. Với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, Hoàng Thượng là một trong số họa sĩ trẻ luôn nhiệt tình, đam mê với hội họa. Nguyễn Quân cho rằng, cách mà Mạc Hoàng Thượng vẽ con người với những chi tiết nhỏ được phóng to, đã thành công về thị giác, đánh mạnh vào cảm nhận của người xem. “Xem tranh, người ta phải hỏi ‘Tại sao lại như thế này?’. Điều đó chứng tỏ họa sĩ có sức sáng tạo. Tuy nhiên, riêng tôi vẫn mong đợi một sự bất ngờ mạnh mẽ hơn về nội tâm, về chiều sâu cảm xúc hơn là sự bất ngờ về hình thức biểu hiện”, ông nói. Triển lãm “Gần” kéo dài đến ngày 22/6 tại phòng tranh Cactus Experimental Art Space (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 16, quận Bình Thạnh, TP HCM). Mối quan hệ giữa điêu khắc và kiến trúcTrong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, điêu khắc và kiến trúc là hai ngành nghệ thuật tạo hình có mối quan hệ khăng khít với nhau: Điêu khắc xuất hiện ở mặt tiền các tòa nhà, trong các công viên, đài phun nước, nội thất v.v… nó đóng vai trò [...]  Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, điêu khắc và kiến trúc là hai ngành nghệ thuật tạo hình có mối quan hệ khăng khít với nhau: Điêu khắc xuất hiện ở mặt tiền các tòa nhà, trong các công viên, đài phun nước, nội thất v.v… nó đóng vai trò trong kiến trúc như một người “đệm đàn” làm tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo hình cho hình khối kiến trúc. Điều này được thể hiện rõ trong kiến trúc cổ Ai Cập, cổ Hy Lạp, cổ La Mã, kiến trúc Phục hưng…ở các đền đài và chùa miếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác. Các công trình kiến trúc ở đây được nghệ thuật điêu khắc tô điểm làm tăng thêm các giá trị tinh thần. Điêu khắc hướng tới những giá trị tinh thần, còn kiến trúc gắn với những giá trị thực dụng, hay nói một cách khác kiến trúc là tổ chức môi trường sống cho con người một cách thẩm mỹ, nó quan tâm đến công năng sử dụng, đến không gian bên trong và cả không gian bên ngòai. Còn điêu khắc không “sử dụng” bên trong bức tường.Vậy mà có những công trình gọi là kiến trúc hay điêu khắc hiểu theo cách nào cũng được, nghĩa là không có ranh giới rõ ràng giữa hai nghệ thuật này. Ví dụ quần thể Angkor Thom và Angkor Vat ở Campuchia. Chúng là một công trình điêu khắc đá kỳ vĩ nhưng vì đó là đền nên là kiến trúc. Hoặc bản thân bức tượng là một ngôi nhà. Nhà hàng Khủng long ở bang California (Mỹ) là một ví dụ. Còn tượng Nữ thần tự do ở New York là một công trình điêu khắc nhưng người ta sử dụng phần bên trong tượng làm một bảo tàng và du khách có thể lên tận ngọn đuốc để ngắm nhìn phong cảnh. Bức tượng cao 93,50m. Bức tượng như một ngôi nhà lớn vậy. Một trong những trào lưu của kiến trúc hiện đại những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đó là kiến trúc điêu khắc. Kiến trúc điêu khắc là một phương thức biểu hiện kiến trúc dựa trên ngôn ngữ điêu khắc và kiến trúc mà các kiến trúc sư đã vận dụng và thể hiện trong quá trình sáng tác, ví dụ như nhà thờ Sagrada Famillia, nhà Mila,… của kiến trúc sư Antonio Gandi, hay là những công trình của kiến trúc sư Le Corbusier với những ý tưởng tạo hình mạnh mẽ với vật liệu bê tông cốt thép, ông đã khai thác hiệu quả ngôn ngữ điêu khắc. Nhà thờ Wallfahort ở Ronchamp được coi là tác phẩm tiêu biểu của ông. Kiến trúc điêu khắc gắn chặt với việc sử dụng vật liệu, không phụ thuộc vào hệ thống hình học, trục định vị hay sự cân đối… Kiến trúc điêu khắc gây ấn tượng từ hình khối, từ không gian và cụ thể hóa ý tưởng trong tổ chức không gian, liên kết bên trong bên ngoài, gây cảm giác hoành tráng và tồn tạo trong không gian.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Aug 29, 2013 10:22:13 GMT 9
Điêu khắcĐiêu khắc là tác phẩm nghệ thuật ba chiều được tạo ra bằng cách tạo hình hoặc kết hợp vật liệu như kim loại, đá, thủy tinh, hoặc gỗ. Vật liệu cũng có thể được sử dụng như đất sét, dệt may, nhựa, polyme và các kim loại nhẹ nhàng hơn. Thuật ngữ này đã được mở rộng để công trình điêu khắc bao gồm cả không gian âm thanh, ánh sáng, không gian hư ảo và không gian tâm linh. Các nhà điêu khắc làm việc bằng cách loại bỏ như khắc, hoặc họ có thể được lắp ráp như hàn, làm cứng như đúc. Trang trí bề mặt bằng sơn có thể được áp dụng. Điêu khắc đã được mô tả như là nghệ thuật tạo hình công nghiệp vì nó liên quan đến việc sử dụng các vật liệu có thể được đổ khuôn hoặc điều chế. Sản phẩm thu được là tác phẩm điêu khắc. Điêu khắc là một hình thức quan trọng của nghệ thuật công cộng. Một bộ sưu tập nghệ thuật điêu khắc trong một khu vườn có thể được gọi là một khu vườn điêu khắc. Tượng  Là hình thức biểu diễn khối 3 chiều trong không gian để thể hiện ý tưởng của tác giả ngôn ngữ của điêu khắc cơ bản là mảng khối. Phù điêu Là hình thức đắp nổi hoặc khoét lõm với chiều dài, rộng là thực còn phần nổi mang tính ước lệ về khối. Các phương pháp tạo hình Tạc Tạc là một phương pháp mà trong đó người nghệ sĩ thao tác chủ yếu trên chất liệu rắn như đá, gỗ,... để tạo hình. Ở phương pháp này, người nghệ sĩ chủ yếu dùng búa đục loại bỏ những "phần thừa" trên chất liệu để tạo ra một sản phẩm mong muốn. Ngoài ra, đất cũng là một chất liệu để tạo hình bằng cách nặn. Đất nặn thành tượng hoặc phù điêu có thể nung để thành tác phẩm điêu khắc gốm, hoặc có thể đúc thành khuôn. Đúc Đúc là phương pháp sử dụng khuôn mẫu có sẵn do chế tác, sau đó dùng chất liệu lỏng hoặc nấu chảy lỏng đổ vào khuôn, sau khi đông đặc, người nghệ nhân sẽ tháo bỏ lớp khuôn bên ngoài ra và thu được tác phẩm đúc. Các chất liệu đúc: Đồng, nhôm, gang,... Thạch cao, xi măng, nhựa Đồ gốm cũng có thể đúc, người ta còn gọi là đổ rót và in đất. Gò Gò là phương pháp sử dụng dụng cụ tác động trực tiếp lên chất liệu cần thể hiện nhằm tạo ra hình thù người nghệ nhân mong muốn. Chất liệu cho gò là kim loại được cán mỏng. Các chất liệu tạo hình điêu khắc  Chiếc ghita được điêu khắc bằng chất liệu rất đặc biệt là giấy và bìa của Picasso, 1920 Đá Đồng Gỗ Gốm Thạch cao Xi măng Cát Điêu khắc hiện đại  Ban nhạc cổ tượng đất nung của Nguyễn Viết Thắng  Floating Figure 1927, đồng, Bảo tàng quốc gia Australia Phong trào điêu khắc hiện đại bao gồm xu hướng lập thể, trừu tượng hình học, De Stijl, Suprematism, chủ nghĩa Dada, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, hình thức chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, Pop-Art, Minimalism, Land art, và nghệ thuật sắp đặt. Trong những ngày đầu của thế kỷ 20, Pablo Picasso cách mạng hóa nghệ thuật điêu khắc khi ông bắt đầu tạo ra công trình xây dựng thời của mình bằng cách kết hợp các đối tượng khác nhau vào những tác phẩm điêu khắc. Picasso tái tạo nghệ thuật điêu khắc xây dựng một tác phẩm trong ba chiều với các vật liệu khác nhau. Cũng như cắt dán là một sự phát triển căn bản trong nghệ thuật hai chiều để phát triển sáng tạo cơ bản trong tác phẩm điêu khắc ba chiều. Sự ra đời của chủ nghĩa siêu thực đã dẫn đến những điều đôi khi được mô tả như là "tác phẩm điêu khắc" sẽ không có được như vậy trước đây, chẳng hạn như "tác phẩm điêu khắc không tự nguyện" trong các giác quan. Trong những năm sau đó, Pablo Picasso trở thành một ceramicist sung mãn và potter, cuộc cách mạng cách nghệ thuật Gốm được cảm nhận. George E. OHR và nhà điêu khắc đương đại như: Peter Voulkos, Kenneth Giá, Robert Arneson, và George Segal và những người khác đã có hiệu quả sử dụng gốm sứ như là một phương tiện quan trọng cho công việc của họ. Tương tự như vậy, tác phẩm của Constantin Brancuşi ở đầu thế kỷ này đã mở đường cho tác phẩm điêu khắc trừu tượng. Trong cuộc nổi dậy chống lại nghĩa tự nhiên của Rodin và đương thời cuối thế kỷ 19. Những hình thức trang nhã tinh tế đã trở thành đồng nghĩa với nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 20. Năm 1927, Brancuşi đã thắng một vụ kiện đối với cơ quan hải quan Hoa Kỳ đã cố gắng đánh giá thấp tác phẩm điêu khắc của mình như là kim loại thô. Vụ kiện đã dẫn đến những thay đổi pháp luật cho phép nhập khẩu nghệ thuật trừu tượng miễn thuế. Kể từ khi xu hướng hiện đại những năm 1950 trong tác phẩm điêu khắc trừu tượng và mang tính tượng trưng đã chiếm ưu thế trong trí tưởng tượng của công chúng và sự phổ biến của tác phẩm điêu khắc hiện đại đã ngồi ngoài phương pháp truyền thống. Picasso đã được ủy nhiệm để thực hiện một sa bàn cho một tác phẩm điêu khắc khổng lồ công cộng 50-foot (15 m) cao được xây dựng ở Chicago, thường được biết đến như Picasso Chicago. Ông đã tiếp cận dự án với rất nhiều sự nhiệt tình, thiết kế một tác phẩm điêu khắc đó là mơ hồ và có phần gây tranh cãi. Hình đại diện không được biết, nó có thể là một con chim, một con ngựa, một người phụ nữ hoặc hình dạng hoàn toàn trừu tượng. Các tác phẩm điêu khắc, một trong những địa danh dễ nhận biết nhất ở trung tâm thành phố Chicago, đã được công bố vào năm 1967. Picasso từ chối để được trả $ 100.000 cho nó, tặng nó cho người dân của thành phố. Trong cuối những năm 1950 và những năm 1960, nhà điêu khắc trừu tượng bắt đầu thử nghiệm với một mảng rộng các vật liệu mới và có những cách tiếp cận khác nhau để tạo ra tác phẩm của họ. Hình ảnh siêu thực, trừu tượng, vật liệu mới và kết hợp các nguồn năng lượng mới, các bề mặt và các đối tượng khác nhau đã trở thành đặc trưng của nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại mới. Dự án hợp tác với các nhà thiết kế cảnh quan, kiến trúc sư và kiến trúc sư cảnh quan mở rộng các không gian ngoài trời và tích hợp theo ngữ cảnh. Các nghệ sĩ như Isamu Noguchi, David Smith, Alexander Calder, Jean Tinguely, Richard Lippold, George Rickey, Louise Bourgeois, và Louise Nevelson đến để mô tả cái nhìn của tác phẩm điêu khắc hiện đại, và các công trình tối giản bởi Tony Smith, Robert Morris, Donald Judd, Larry Bell, Anne Truitt, Giacomo Benevelli, Arnaldo Pomodoro, Richard Serra, Dan Flavin, những người khác đưa tác phẩm điêu khắc trừu tượng đương đại theo những hướng mới. Vào những năm 1960 chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, trừu tượng hình học và Minimalism chiếm ưu thế. Một số công trình của thời kỳ này là: David Smith, các công trình thép hàn của Sir Anthony Caro, tác phẩm quy mô lớn của John Chamberlain, Suvero Mark. Trong những năm 1960 và 1970 tác phẩm điêu khắc tượng trưng của các nghệ sĩ hiện đại trong các hình thức cách điệu bởi các nghệ sĩ như: Leonard Baskin, Ernest trova, Marisol Escobar, Paul Thek, và Manuel Neri đã trở thành phổ biến. Trong những năm 1980 một số nghệ sĩ, trong số những người khác, khám phá tác phẩm điêu khắc tượng trưng là Robert Graham trong một phong cách cổ điển khớp nối và Fernando Botero đưa con số quá khổ của bức họa của mình vào tác phẩm điêu khắc hoành tráng. Công trình ứng dụng phù điêu
Mạc Hoàng Thượng và những bức vẽ chì ám ảnh17 bức vẽ chì kích thước lớn của họa sĩ sinh năm 1976 khiến khán giả rung động vì sự giản dị. Xem tranh, bắt gặp đâu đó hình ảnh ông bà, cha mẹ, đứa con bé nhỏ… mang đến nhiều cảm xúc êm dịu lẫn trăn trở về cuộc sống. Cuối tuần trước, triển lãm chủ đề “Gần” của họa sĩ Mạc Hoàng Thượng khai mạc ở TP HCM). Gần 100 khán giả có mặt để thưởng lãm 17 bức vẽ bằng bút chì trên giấy của họa sĩ này. Như một sự vô tình, cây bút chì bé nhỏ từ lâu đã giữ một góc lặng lẽ trong đời sống hội họa TP HCM. Các nghệ sĩ mải miết với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu acrylic… Vì thế, khi triển lãm “Gần” mở cửa đón khách, có người chợt “ồ, à” khi thấy: Sao hội họa có lúc lại thật gần gũi với người xem như thế!  Tốt nghiệp khoa sơn mài Đại học Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng lại tạo dấu ấn và phong cách qua mảng tranh siêu thực (sơn dầu) và tranh trừu tượng (acrylic). Với chì, Mạc Hoàng Thượng cũng trình bày rải rác trong các triển lãm nhóm, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm triển lãm cá nhân. “Tôi yêu sự tối giản trong nghệ thuật vì nó chân thật và đầy sâu lắng”, đó là lời tự sự của Mạc Hoàng Thượng về triển lãm. Bận rộn với nhiều công việc và dạy học ở trường Mỹ thuật TP HCM, Mạc Hoàng Thượng thường vẽ vào ban đêm để có thể tĩnh tâm. Trong số 17 bức triển lãm lần này, với anh tác phẩm “Tự họa” là khó nhất. Bởi anh muốn diễn đạt một góc thật của nội tâm trong cuộc sống nhiều trăn trở, bộn bề. Những trăn trở ấy đi cả vào giấc ngủ mệt nhọc của con người. Nhân vật và chủ đề trong “Gần” của Mạc Hoàng Thượng không có gì xa lạ. Đó có thể là những khuôn mặt được phóng to, với những nếp nhăn, hằn, khóe mắt, những cảm xúc được dấu ấn thời gian lưu lại trên mỗi con người. Bàn tay tài hoa của họa sĩ khắc họa từng chi tiết nhỏ, tạo nên độ chân xác đến mức rung cảm. Ngắm tranh, họa sĩ Lương Lưu Biên nhận xét, hầu như ai cũng từng cầm bút chì nghệch ngoặc trên giấy vài lần trong đời, giới họa sĩ thì làm việc này rất thường xuyên, gần như hằng ngày. Nhưng việc làm một triển lãm toàn những tác phẩm vẽ chì thì thật hiếm thấy. “Những tác phẩm hầu hết là chân dung, cho thấy anh muốn đẩy sâu chất liệu chì của mình đến độ chuyên biệt của hội họa đen trắng. Thật vậy, hiệu quả thị giác mà những bức chì khổ lớn này mang lại thật độc đáo và hấp dẫn. Triển lãm cũng mang đến sự thân quen, gần gũi cho đa số công chúng vì có thể làm dậy lên ở họ những trải nghiệm về niềm say mê vẽ vời từ thuở trẻ. Sau nữa, tôi tin rằng những tác phẩm này sẽ có được sự thán phục của hầu hết sinh viên mỹ thuật và giới chuyên nghiệp về kỹ năng tạo hình của một giảng viên mỹ thuật trẻ và tài năng”, họa sĩ Lương Lưu Biên viết trong bài cảm nhận của ông về triển lãm. Dẫn vợ con đi xem tranh ngày khai mạc, họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn chia sẻ: “Những bức tranh của anh ấy đã đánh thức con tim người xem, nhắc nhở những gì bình dị nhất cũng là những gì rung cảm nhất”. Theo họa sĩ Nguyễn Văn Thuấn, về mặt chất liệu, nếu vẽ bút chì trên giấy khổ nhỏ thì bình thường nhưng với những khổ giấy lớn thì việc vẽ lại không hề đơn giản chút nào. Vì lúc đó, người họa sĩ phải thật sự tài hoa, kiểm soát được bức tranh về tổng thể, về giải phẫu học, sắc độ, kỹ thuật đánh bóng. “Tôi vẫn vẽ được tranh bút chì như thế nhưng để đến cái thần cảm xúc như Mạc Hoàng Thượng thì thật “kinh”!”, họa sĩ Thuấn nói. Với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, Hoàng Thượng là một trong số họa sĩ trẻ luôn nhiệt tình, đam mê với hội họa. Nguyễn Quân cho rằng, cách mà Mạc Hoàng Thượng vẽ con người với những chi tiết nhỏ được phóng to, đã thành công về thị giác, đánh mạnh vào cảm nhận của người xem. “Xem tranh, người ta phải hỏi ‘Tại sao lại như thế này?’. Điều đó chứng tỏ họa sĩ có sức sáng tạo. Tuy nhiên, riêng tôi vẫn mong đợi một sự bất ngờ mạnh mẽ hơn về nội tâm, về chiều sâu cảm xúc hơn là sự bất ngờ về hình thức biểu hiện”, ông nói. Triển lãm “Gần” kéo dài đến ngày 22/6 tại phòng tranh Cactus Experimental Art Space (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 16, quận Bình Thạnh, TP HCM). Mối quan hệ giữa điêu khắc và kiến trúcTrong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, điêu khắc và kiến trúc là hai ngành nghệ thuật tạo hình có mối quan hệ khăng khít với nhau: Điêu khắc xuất hiện ở mặt tiền các tòa nhà, trong các công viên, đài phun nước, nội thất v.v… nó đóng vai trò [...]  Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử loài người, điêu khắc và kiến trúc là hai ngành nghệ thuật tạo hình có mối quan hệ khăng khít với nhau: Điêu khắc xuất hiện ở mặt tiền các tòa nhà, trong các công viên, đài phun nước, nội thất v.v… nó đóng vai trò trong kiến trúc như một người “đệm đàn” làm tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo hình cho hình khối kiến trúc. Điều này được thể hiện rõ trong kiến trúc cổ Ai Cập, cổ Hy Lạp, cổ La Mã, kiến trúc Phục hưng…ở các đền đài và chùa miếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và các nước châu Á khác. Các công trình kiến trúc ở đây được nghệ thuật điêu khắc tô điểm làm tăng thêm các giá trị tinh thần. Điêu khắc hướng tới những giá trị tinh thần, còn kiến trúc gắn với những giá trị thực dụng, hay nói một cách khác kiến trúc là tổ chức môi trường sống cho con người một cách thẩm mỹ, nó quan tâm đến công năng sử dụng, đến không gian bên trong và cả không gian bên ngòai. Còn điêu khắc không “sử dụng” bên trong bức tường.Vậy mà có những công trình gọi là kiến trúc hay điêu khắc hiểu theo cách nào cũng được, nghĩa là không có ranh giới rõ ràng giữa hai nghệ thuật này. Ví dụ quần thể Angkor Thom và Angkor Vat ở Campuchia. Chúng là một công trình điêu khắc đá kỳ vĩ nhưng vì đó là đền nên là kiến trúc. Hoặc bản thân bức tượng là một ngôi nhà. Nhà hàng Khủng long ở bang California (Mỹ) là một ví dụ. Còn tượng Nữ thần tự do ở New York là một công trình điêu khắc nhưng người ta sử dụng phần bên trong tượng làm một bảo tàng và du khách có thể lên tận ngọn đuốc để ngắm nhìn phong cảnh. Bức tượng cao 93,50m. Bức tượng như một ngôi nhà lớn vậy. Một trong những trào lưu của kiến trúc hiện đại những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đó là kiến trúc điêu khắc. Kiến trúc điêu khắc là một phương thức biểu hiện kiến trúc dựa trên ngôn ngữ điêu khắc và kiến trúc mà các kiến trúc sư đã vận dụng và thể hiện trong quá trình sáng tác, ví dụ như nhà thờ Sagrada Famillia, nhà Mila,… của kiến trúc sư Antonio Gandi, hay là những công trình của kiến trúc sư Le Corbusier với những ý tưởng tạo hình mạnh mẽ với vật liệu bê tông cốt thép, ông đã khai thác hiệu quả ngôn ngữ điêu khắc. Nhà thờ Wallfahort ở Ronchamp được coi là tác phẩm tiêu biểu của ông. Kiến trúc điêu khắc gắn chặt với việc sử dụng vật liệu, không phụ thuộc vào hệ thống hình học, trục định vị hay sự cân đối… Kiến trúc điêu khắc gây ấn tượng từ hình khối, từ không gian và cụ thể hóa ý tưởng trong tổ chức không gian, liên kết bên trong bên ngoài, gây cảm giác hoành tráng và tồn tạo trong không gian.
|
|
|
Post by Can Tho on Feb 9, 2014 17:41:20 GMT 9
Tranh sơn thủy và giá trị văn hóa, tư tưởng phương Đông Trung Hoa là đất nước có nền văn hoá phát triển vô cùng đồ sộ cả về bề dày lịch sử lẫn chiều sâu. Trong đó, hội hoạ đạt nhiều thành công rực rỡ. Hội hoạ trong con mắt người Trung Hoa là sự tổng hoà quan niệm về vũ trụ và con người trong đó hình vẽ là những biểu hiện cao cả về khả năng sáng tạo. Thành công rực rỡ của hội hoạ cổ Trung Hoa phải nói tới mảng tranh sơn thuỷ. Ở châu Âu thế kỷ XVII, cùng với Claude Lorrain tranh phong cảnh mới ra đời với tư cách là thể loại độc lập. Trong khi đó ở Trung Hoa, người ta quan tâm đến thể loại tranh phong cảnh sớm hơn và sáng tạo ra loại tranh sơn thuỷ từ thế kỷ VII. Tranh sơn thuỷ được thâm nhập sâu vào quan niệm thẩm mỹ của mọi tầng lớp trong xã hội Trung Hoa bất kể thời kỳ nào và lòng yêu thiên nhiên phổ cập ở mọi người dân Trung Hoa. Khác với tranh phong cảnh của người châu Âu, tranh sơn thuỷ không chỉ là những hình vẽ mang tính sao chép thiên nhiên mà là những sáng tạo. Ở đây các hiện tượng thiên nhiên trở thành những biểu tượng của tinh thần. Chính vì vậy nói đến tranh sơn thuỷ Trung Hoa là nói đến tư tưởng, lối sống, quan điểm nhân sinh, sự suy nghĩ và tinh thần của người nghệ sỹ trước tạo vật. Tranh sơn thuỷ không chỉ dừng lại ở một bức tranh phong cảnh đẹp mà người xem còn thưởng thức cả phần tư tưởng của tranh. Nó bao quát những quan niệm vũ trụ, biểu thị nguyên lý sống của tạo vật. Người Trung Hoa từ xưa không có tư tưởng cho mình với vũ trụ, thiên nhiên có gì ngăn cách xa lạ nên người nghệ sỹ thường mượn cảnh nói tình, lấy núi sông trời đất để biểu hiện tư tưởng của mình. Vì vậy tranh phong cảnh Trung Hoa mở ra cho chúng ta một thế giới khác – thế giới đầy mơ mộng nhưng được xây dựng bằng trí tuệ, không vay mượn hiện thực mà là những điều được gợi lên từ cái nhìn bên trong của người nghệ sỹ. Người phương Tây thường chú trọng và đề cao kinh nghiệm, ý chí, khả năng của mình để tiếp cận chân lý. Họ nỗ lực khám phá, thu hoạch, chiếm đoạt cái vũ trụ khách quan, cái tự nhiên và xã hội bờn ngoài. Tuy nhiên, họ lại tỏ ra đối lập lạnh nhạt và ngờ vực cái vũ trụ khách quan đó. Người phương Tây vẽ tranh phong cảnh với một cái nhìn phân tích bằng thị giác và phản ánh nó bằng các yếu tố của nghệ thuật hội hoạ như đường nét, hình khối, màu sắc. Họ tả khoảng cách và tạo không gian xa gần của cảnh vật bằng cách vẽ mọi vật ở càng xa thì càng nhỏ vút về một điểm tụ ở đường chân trời, các sự vật chịu sự chi phối của ánh sáng và vờn nổi khối theo quy luật ánh sáng. Giá trị của nó ở chỗ làm cho người xem như được nhìn thấy cảnh thực và có sự rung động theo cảnh thực. Người nghệ sỹ Trung Hoa coi tâm hồn của một người là tâm hồn của trời đất. Cái lý của một vật là cái lý chung cho cả vạn vật. Vận chuyển của một hơi thở cũng như vận chuyển của một ngày. Vì thế tranh sơn thuỷ không chỉ là cảnh sắc khách quan mà chính là tâm hồn, lối tư duy của tác giả. Xem tranh là qua hình tượng, cách biểu hiện khí chất khi biểu tả để thấu hiểu chính tác giả. Trong đó, nó chứa đựng cả sự gửi gắm tình cảm, tâm hồn, tư tưởng của người vẽ. Cũng chính vì vậy tranh sơn thuỷ không lấy lối vẽ phân tích theo cái nhìn tinh tế mô tả chi tiết cho giống với thực thu nhận qua thị giác làm trọng mà thiên về tả ý, lưu lại những hình ảnh, giữ lại cái bóng của sự vật. Họ dường như không nhìn thấy cảnh thật để sao chép nó, họ vẽ những cái tồn tại trong tình cảm của mình, do họ cảm nhận được gây cho người xem cảm giác rất xa lạ mà lại như quen thuộc tự bao giờ. Những cảm xúc đó được chuyển vào nét bút sinh động, cái nồng ấm, sống động vào khí vận của đường bút, cái cao siêu, cái lưu chuyển qua sự tương quan của thực hư, của ý tưởng trong biểu hiện. Các nghệ sỹ Trung Hoa vẽ tranh sơn thuỷ nhằm gửi gắm tâm trạng trước cuộc đời của mình vào trong đó. Cảnh chỉ là một đối tượng để tác giả mượn cớ nói về cái tâm hồn của mình một cách tế nhị. Giá trị của nó không chỉ ở cảnh sắc của tranh mà thông qua bức tranh còn thấy cả tâm hồn của tác giả. Tranh sơn thuỷ tồn tại với bề dày lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến, tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng phải nói loại tranh sơn thuỷ đã có một mạch đập xuyên suốt lịch sử tồn tại chưa hề gián đoạn kể từ Hàn – Tuỳ – Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy cao độ, cho nên tranh sơn thuỷ là một loại hình hội hoạ dân tộc nằm trong hệ thống tranh quốc hoa được hun đúc từ truyền thống văn hoá, tư tưởng phương Đông đặc sắc. Đặc điểm nghệ thuật của thể loại tranh này thường được tái tạo qua phương pháp viễn thị chủ quan và sáng tạo nghệ thuật bằng con mắt nội tâm đã trở thành bản sắc dân tộc có ảnh hưởng lớn đến nhiều dân tộc ở phương Đông. Đặc biệt ở nước ta nhất là thể loại tranh thuỷ mắc (đơn sắc) đã có nhiều hoạ sỹ sử dụng mực nho trong tranh rất điêu luyện như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Chung, Sỹ Ngọc … Các thế hệ hoạ sỹ trẻ cũng chịu ảnh hưởng và tiếp thu lối vẽ trong tranh lụa, giấy dó. Và trong sáng tác có cách nhìn thiên về ý tưởng nội tâm, khai thác những tình cảm trong tâm hồn, từ đó xuất hiện những hình ảnh cụ thể và hình ảnh trừu tượng gắn bó chặt chẽ. Người xem tranh sẽ thấy tác phẩm đã vượt qua tính chân thực của sự vật khách quan mà đạt đến một hàm nghĩa trừu tượng, đồng thời tạo một không gian cho người xem suy tư và liên tưởng. Ngay trong trường học sinh viên cũng được học tập, vẽ mực nho, thuốc nước nhất là trong việc đi thực tập chuyên môn ghi chép tài liệu. Bước ngoặt quan trọng đã đưa thể loại tranh phong cảnh tách khỏi tranh nhân vật vào đời Hàn tới đời Đường thì hoàn chỉnh cả về bút pháp lẫn ý tưởng sáng tạo. Đổng Kỳ Xương (đời Minh), hoạ sỹ – nhà phê bình nghệ thuật đã vạch ra những nét lớn lịch sử của hội hoạ Trung Hoa, phân định trường phái tranh sơn thuỷ Bắc Tông và Nam Tông. Ông kính trọng và thừa nhận Lý Tư Huấn và Vương Duy là những người khái quát ra thể loại “tranh lục sơn thuỷ” và “thuỷ mặc sơn thuỷ”. Tranh của phái Lý theo xu hướng hiện thực lý tưởng gần gũi với cuộc sống theo thể loại “thanh lục sơn thuỷ”, màu sắc nhiều tầng lớp rực rỡ (phái Bắc Tông). Còn tranh Vương Duy (phỏi Nam Tông (theo hướng thoát ly thực tế, tìm về tự nhiên, nói đến tự nhiên một cách an tịnh. Ông sáng lập ra loại tranh đen trắng (thuỷ mặc) đã trở thành bản sắc của quốc hoạ Trung Hoa. Bên cạnh đó sự ảnh hưởng và tác động qua lại của các hệ tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đến tranh sơn thuỷ đã đưa thể loại tranh này có giá trị nghệ thuật và tầm tư tưởng lớn, trở thành cái đẹp thanh cao, bí ẩn mà người đời luôn luôn nghiên cứu tìm tòi và học tập. Tranh sơn thuỷ không chỉ là một bức cảnh đẹp của thế giới vật chất mà chính là cái đẹp ở thái độ tâm lý của tác giả khi tiếp xúc với thế giới sự vật hiện tượng. Dù chỉ là sỏi đá, là những bụi cây cằn cỗi, mộc mạc nhưng với một thái độ đẹp, một tâm lý đẹp người ta đã chuyển hoá nó thành những bức tranh đậm tình người. Chỉ với một tờ giấy, một mảnh lụa mỏng, một chút mực và một cây bút lông người nghệ sỹ Trung Hoa đã khéo dựng một nền nghệ thuật hội hoạ sơn thuỷ rất độc đáo mang tính chất dân tộc riêng của Trung Hoa có những thành tựu đóng góp to lớn dùng cái đẹp tượng trưng qua bức tranh đã làm cảm hoá lòng người. Tất nhiên mọi thứ đều có những biến động nhưng tranh sơn thuỷ cũng có một thời của nó. S.T
|
|