|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:22:58 GMT 9
Suu tam , doc bao gium cac ban ve cac meo vat rat huu ich trong nha , ngoai pho .
Nghẹt sink và nghẹt bồn tắm 30/10/2012 Vũ Hằng/Viễn Đông
Trước khi nói đến nghẹt sink, chúng ta hãy dành ít phút để làm đẹp, làm cho sáng bóng cái sink chưa bị nghẹt, bạn đồng ý không? Bởi vì sink là nơi chứa chén đĩa dơ, nên lâu lâu mình phải tổng vệ sinh cho nó một lần. Trong công việc này, mình có thể chế được những thứ nước rửa lành mạnh, rất hiệu quả mà không để lại di chứng độc hại như các hóa chất thị trường. Trước tiên, bạn nên để dành mấy cái bình xịt kiểu Squirt Bottles, giống như những bình xịt sốt cà chua Ketchup, hoặc bình xịt tương ớt trên bàn ăn phở. Để dành một hai bình như vậy, rửa sạch, rồi ngâm nước bóc cái nhãn bình cũ đi và đặt nhãn bình mới vào như sau: Nước rửa tự chế. Rồi đổ vào đó một hỗn hợp nước rửa theo công thức sau đây: - Một tách giấm trắng - ½ tách baking soda - 3 giọt dầu khuynh diệp (eucalyptus essential oil) - 3 giọt tinh dầu chanh (lemon essential oil) Hòa 4 thứ này vào trong bình xịt, rót từ từ để chúng đừng phùn bọt lên. Rồi lắc mạnh để các nguyên liệu hòa chung với nhau là xong. Khi mang ra dùng thì mình xịt “thuốc” vào lòng sink, và dùng một miếng xốp bọt biển để chà. Sau đó xả bồn bằng nước nóng. Dùng sản phẩm tự chế này, bạn có thể thay thế được những thứ nước rửa vẫn mua trước kia, và tiết kiệm được khá nhiều. Trong khi nước rửa sink trên thị trường trung bình 15 xu một ounce, nước rửa tự chế chỉ có 3 xu một ounce, bạn tiết kiệm được 12 xu/một ounce, tương đương 400%.
Giải quyết sink nghẹt Có một cái sink luôn luôn sáng bóng và đẹp đẽ rồi, nhưng nếu để nó bị nghẹt thì cái sáng bóng đó chẳng có gì để hãnh diện. Vì thế, chúng ta nên dự phòng sẵn trường hợp một lúc nào đó phải ra tay thông cống. Cống đây tức là đường thoát nước ở đáy sink. Cũng với những nguyên vật liệu trên đây, chúng ta pha thêm một thứ “thuốc” tẩy để khai thông lòng cống để sẵn đấy phòng khi sink bị nghẹt. “Thuốc” này bảo đảm hiệu quả mà không độc như những thứ hóa chất ngoài chợ, có để ngay dưới gầm sink cũng không sợ làm ô nhiễm những thứ khác chung quanh. - Lấy 1 tách baking soda - 2 đến 4 giọt tinh dầu chanh (lemon essential oil) - 1 tách giấm trắng - Một ấm nước nóng. Và tiến hành như sau: Đổ tinh dầu vào với baking soda, rồi trút hỗn hợp baking soda + tinh dầu vào trong lòng cống. Tiếp theo đổ giấm trắng lên. Để tất cả nằm yên trong lòng cống chừng 30 phút. Đây là thời gian để các “hóa chất” của chúng ta làm việc với các tầng rác rến gây nghẹt và làm cho chúng bở ra. Cuối cùng, đổ nước nóng vào lòng cống để cuốn trôi đám rác rến đó đi. Làm như vậy một lần mà chưa thông được thì làm lại một lần nữa. Xét ra chẳng mất bao nhiêu công, nhưng chắc chắn rác rến không thể ở lì, gây nghẹt mãi được. Nhưng Hằng nghĩ đừng nên chờ đến lúc nghẹt, chừng 3 tháng một lần, mình lại “xông thuốc” cho lòng cống một lần, thì dòng nước bao giờ cũng thông chảy, không dềnh ứ đồ dơ, làm mất mặt cái sink sáng bóng. Tuy nhiên, có một điều cần phải cảnh giác: Nếu đã lỡ mua một thứ hóa chất nào đó trên thị trường về đổ vào mà chưa thấy kết quả, thì đừng vội dùng ngay công thức tự chế này. Là vì, khi đó lòng cống vẫn còn đọng nhiều hóa chất của thị trường, chất giấm trong “thuốc” tự chế có thể tác dụng với hóa chất, làm bốc lên những cụm khói độc hại không tốt cho người trong nhà.
Rồi bồn tắm nghẹt Nói tới lỗ thoát nước trong sink, chắc thế nào bạn cũng nghĩ tới cái lỗ thoát nước trong phòng tắm, phải không? Hằng biết, mấy cái lỗ quan trọng lắm, chúng mà không thông là phát sinh nhiều chuyện phiền toái. Ông xã Hằng bảo, “Phiền toái mà thôi sao? Mấy cái lỗ còn hành bọn anh thiếu điều sống dở chết dở ấy chứ!”. Nói quá lời, thực ra thì phiền hà là với người không biết thôi, chứ mấy cái lỗ thoát nước thì nhằm nhò gì, ở trong sink hay phòng tắm, chúng cũng không thể gây khó cho chúng ta được. Để làm thông lỗ thoát nước phòng tắm (unclog bathtub drain), bạn kiếm giúp em những vật liệu sau đây: - 1 tách baking soda - 1 tách muối - 1 tách rưỡi giấm chua - 1 ấm nước sôi Rồi làm từng bước như thế này: - Từ từ trút baking soda xuống lỗ cống đang bị nghẹt. Nếu bột baking soda bị nghẹn ngay ở trên miệng, bạn có thể đổ xuống một chút giấm để khai thông. - Sau đó đổ muối. Nếu muối và baking soda không chịu xuống, chúng ta có thể dùng cán thìa gỗ để ép chúng xuống. - Và sau cùng từ từ rót giấm vào lòng cống. - Đợi chừng nửa tiếng, rồi đổ nước sôi xuống để dội cho sạch. Lòng cống thông, nước rút mau chóng, không gây trở ngại cho bạn nữa. Tuy nhiên, đề phòng trước tình trạng này, mỗi tháng bạn nên nấu một ấm nước sôi đổ xuống cống, thì chắc chẳng mấy khi phải ra tay chữa nghẹt. Các nguyên liệu trên cứ để dành, mình có thể dùng chúng vào nhiều việc khác.
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:24:18 GMT 9
Nhà bếp còn bẩn hơn… cầu tiêu?
Vũ Hằng/Viễn Đông
Kẻ nào dám tuyên bố một câu ngược ngạo, và dã man đến thế? Nhà bếp là “thủ đô” của nội tướng, là nơi để chúng ta thi thố tài năng, nơi thưởng thức “đệ nhất khoái”, nơi gieo vãi, ươm mầm và nuôi lớn biết bao nhiêu kỷ niệm thân ái của gia đình. Vậy mà có kẻ ví nó không bằng cái… nhà cầu thì đến bụt cũng phải nổi tam bành lục tặc. Hằng đã tính ra đường chửi toáng lên một trận, rồi có ai nói mình là “chí phèo thị nở” gì cũng mặc. Nhưng có cô giáo đứng cạnh, cô bảo “để xem lại thế nào”. Thì ra, đó là bài viết đăng trong mục Today Health trên mạng MSNBC của một tác giả có danh phận rất cao, Tiến Sĩ Charles Gerba, giáo sư vi trùng học tại University of Arizona, Hoa Kỳ. Cô giáo vỗ vai em rồi nói, “Chắc ổng muốn nói mạnh một chút để lôi kéo sự chú ý của người đọc thôi. Muốn biết thực hư thế nào, chúng ta cần kiên nhẫn dành cho ổng vài ba phút!”. Thôi thì mình cùng nén giận để xem ông lý giải ra sao nhé.
Cái thớt 200 Đó là nhận xét của ông giáo sư về cái thớt, ông nói: “Trong hầu hết các trường hợp, làm xà lách trên nắp bồn cầu còn an toàn hơn khi dùng thớt”. Theo ông, thớt là nơi có nhiều vi khuẩn gấp… 200 lần so với trong bồn cầu. Bởi vì, trong khi lúc nào người ta cũng lo tẩy trùng cho bồn cầu, thì cái thớt thường chỉ được rửa bằng cách xịt nước qua loa, không đủ để tống khứ những dư vị còn lại sau khi chúng ta đã dùng thớt để thái thịt gà thịt vịt. Những lát thịt trông ngon lành như vậy, nhưng mẩu vụn chúng để lại trên thớt chính là nguồn sản sinh các loại salmonella và campylobacter mang đến các bệnh liên quan đến thực phẩm. Ông tiến sĩ khuyên nên dùng hai loại thớt khác nhau, một để thái rau và một để cắt thịt. Thớt nên tẩy sạch bằng chất tẩy trùng dành cho nhà bếp hoặc cho vào máy rửa chén. Được hỏi ý kiến về thớt gỗ và thớt plastic, ông giáo sư khuyên dùng thớt plastic. Đó là ý kiến ông giáo sư, còn ý kiến bạn ra sao? Hằng đồng ý với ông tiến sĩ về việc dùng 2 loại thớt khác nhau, một cho rau và một cho thịt. Nhưng về việc dùng các chất tẩy trùng để rửa thớt thì em xin bổ túc: Cái bồn cầu không ngại hóa chất, nhưng cái thớt thì khác: Hóa chất giết được vi trùng thì cũng có thể làm cho con người xí lắc léo nếu hóa chất nhiễm vào thực phẩm đang lúc dùng thớt. Vậy con bé này xin vô phép nhắc lại một vài điều trước đây đã nói, “Để thay cho hóa chất, chúng ta có thể dùng nước lạnh – không có xà bông – để rửa thớt sau khi thái thịt, làm cá, đập hành, giã tỏi… Sau đó lấy một múi chanh chà trên mặt thớt, hoặc dùng giấm để lau. Giấm là một chất khử trùng rất hiệu quả, có thể chống lại các thứ vi khuẩn như E. coli, Salmonella, và Staphylococcus, là các thứ khuẩn trùng phát sinh từ trong thực phẩm thối như thịt, cá, rau, quả… Lâu lâu bạn nên dùng Microwave để tẩy trùng: Trước hết, rửa sạch một lần bằng baking soda, pha với muối và nước (mỗi thứ 1 muỗng) để chà cho sạch. Có thể đổ baking soda rồi sau đó đổ giấm, và để chúng quấn lấy nhau mà sôi lên trong 5 tới 10 phút. Rồi xả nước nóng cho sạch. Sau đó bỏ thớt vào microwave, nướng ở độ cao trong 1 phút”.
Bùi nhùi và khăn lau chén Trong một cuộc thăm dò khoa học, ông giáo sư cho thu gom 1.000 miếng bùi nhùi và khăn lau dùng trong bếp đem về phòng thí nghiệm phân chất. Kết quả: Có tới 10% trong số đó đều nhiễm vi khuẩn Salmonella, E. coli, và một số vi khuẩn có mặt trong thịt thối và phân. Là vì, những miếng bùi nhùi và khăn lau luôn luôn ẩm ướt, cung cấp một môi trường cực kỳ thuận lợi để các loại vi khuẩn trên phát triển. Ông tiến sĩ khuyên nên thay khăn lau chén mỗi tuần một lần, còn miếng bùi nhùi thì bỏ vào máy rửa chén hoặc để trong microwave chừng 30 giây.
Bồn rửa chén Ông giáo sư nhận xét, “Vi khuẩn E. coli xuất hiện trong bồn rửa chén còn nhiều hơn trong bồn cầu (sau khi đã xả nước, dĩ nhiên). Đây là một một môi trường lý tưởng để vi khuẩn E. coli sinh trưởng và phát triển nhờ luôn luôn có nước và ẩm độ cao. Vi khuẩn sống nhờ thức ăn chúng ta xả xuống cống và đồ ăn thừa còn dính trên chén đĩa trong bồn rửa. Lý do khiến chó thích uống nước bồn cầu hơn uống nước thải ra từ bồn rửa chén là vì nước bồn cầu còn ít vi trùng hơn nước trong bồn rửa chén. Ông tiến sĩ khuyên sau mỗi lần sử dụng, chúng ta nên rửa bồn cho sạch sẽ bằng một chất tẩy trùng thích hợp dành riêng cho nhà bếp. Giấm và nước chanh không thể trừ khử được tất cả mọi loại vi trùng gây bệnh xuất hiện trong bồn.
Ngăn tủ lạnh dưới cùng Một khám phá bất ngờ, đó là ngăn tủ lạnh dưới cùng được ông giáo sư coi là dơ bẩn và có nhiều vi khuẩn nhất là vì nó ẩm ướt và đọng nước từ các ngăn trên nhỏ xuống luôn luôn. Ông giáo sư khuyên nên dùng chất tẩy trùng thích hợp để lau sạch ngăn dưới chừng 2 tuần một lần, rồi dùng khăn sạch lau khô. Nên để thịt sống ở ngăn cuối cùng, cách biệt với các thực phẩm khác.
Mặt bàn làm bếp (counter) Sau cùng, không thể quên Countertop, cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn do thường được lau bằng những miếng bùi nhùi và khăn lau chén lúc nào cũng ẩm ướt. Ông tiến sĩ khuyên nên dùng khăn giấy để lau countertop, rồi quăng đi để bảo đảm vệ sinh cho nhà bếp.
Kết luận Đọc hết bài viết của Giáo Sư Charles Gerba, người được mệnh danh là Dr. Germ (Tiến Sĩ Vi Trùng) do sự nghiệp nghiên cứu về vi trùng của ông, Hằng không còn thấy giận khi ông nói cái nhà bếp của mình chưa bằng được cái cầu tiêu nữa. Lối so sánh đầy hình ảnh của ông chắc chắn sẽ là một lời nhắc nhở hùng hồn, giúp chúng ta nâng phẩm chất nhà bếp của mình lên cao hơn. Và rõ ràng, ông không hề coi thường các mẹo vặt của chúng ta. Vũ Hằng
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:25:17 GMT 9
Vật bất ly thân: Vẫn bẩn hơn bồn cầu!
Vũ Hằng/Viễn Đông
“Những cái phone tay trông tiện lợi và thanh lịch, thực ra còn bẩn hơn cả… bàn cầu toilet”. Cái kiểu nói nghe quen quen, có phải khẩu khí của ông Tiến Sĩ Vi Trùng Học, Dr. Charles Gerba đấy không? Thì chính ổng, chứ còn ai trồng khoai đất này: Ông Gerba nói rằng những cái phone tay, vốn là vật bất ly thân của người thời đại, dù kiểu dáng nào, dù tân kỳ đến đâu, thì chúng cũng chỉ đẹp chỉ thơm khi mới lấy từ trong hộp ra; Sau vài ngày sử dụng là đã đầy vi khuẩn. Khổ một nỗi là chẳng ai nghĩ tới việc lau nó cho sạch, như người ta vẫn thường clean cái bồn cầu sau khi… phóng uế! Mà không phải chỉ có Tiến Sĩ Gerba, còn nhiều nhà khoa học khác mê cái kiểu so sánh “vỗ mặt” ấy. Họ dùng những thí nghiệm khoa học để kết luận rằng nhiều vật dụng khác rất được chúng ta trân quí mà thực ra lại còn bẩn hơn cả bồn cầu.
Nhiều vi trùng gấp 10 lần Gần gũi nhất là cái phone tay. Thời buổi này ít ai không dùng Phone tay, thậm chí nhiều người còn cancel luôn đường phone nhà để chỉ sử dụng độc nhất phone tay. Không phải vì nó rẻ hơn, mà vì nó tiện hơn rất nhiều, chuyện ấy thì khỏi nói. Đáng nói là càng tiện lợi thì nó càng trở nên sào huyệt của vi trùng. Nhiều cuộc xét nghiệm cho thấy vi trùng và yếu tố gây bệnh ói mửa và rối loạn tiêu hóa có mặt ở cái phone tay nhiều gấp 10 lần số vi trùng có mặt trên cái bàn cầu. Bình thường chúng ta đâu có tin như vậy, nhưng họ nói có bằng chứng đàng hoàng thì làm sao cãi lại. Tiến Sĩ Charles Gerba, giáo sư vi trùng học tại Đại Học Arizona, giải thích vi trùng xâm lấn vào điện thoại từ nơi tay cầm, rồi lại áp sát miệng. Ấy là chưa kể những khi chúng ta cho bạn bè hoặc người lạ mượn phone, thì vi khuẩn từ tay từ miệng họ cũng nhân cơ hội đó đến làm bạn với đám vi trùng đã ẩn cư trong đó từ lâu. Thế nhưng ít người nghĩ đến việc phải lau rửa điện thoại, vì sợ rằng xả nước vào cell phone thì chỉ có nước mang nó đi chôn. Thậm chí các hãng sản xuất còn đe “phát giác có nước ngấm vào máy là hư hại khỏi có đền!”. Thật là khó cho chúng ta hết sức: Sau khi dùng nhà vệ sinh phải rửa tay (mặc dầu có những người không rửa), nhưng dùng cell phone thì lại không rửa được. Và ông giáo Gerba cũng chỉ nêu vấn đề chung chung như vậy, chứ không chỉ ra cho mọi người biết phải đối phó thế nào. Vậy Hằng xin xung phong giúp ổng bằng một chút mẹo vặt sau đây: - Lấy một miếng vải sạch, hoặc một cái khăn giấy, nhúng cồn (rubbing alcohol) cho hơi ướt. Nếu dùng khăn giấy (paper towel), nhớ tìm loại giấy không để vãi sợi, hoặc càng ít vãi sợi càng tốt. - Mở phone ra, dùng miếng vải đã nhúng cồn trên đây để lau bàn phím, là nơi mà mồ hôi cũng như phấn son từ môi má người sử dụng chuyền vào nhiều nhất trước khi lau sang các phần khác. - Nếu thấy khăn dơ rồi thì đổi, nhúng lại vào cồn rồi lau rửa cho sạch. - Cồn là chất sát trùng, giúp chúng ta tẩy sạch vi khuẩn, nhưng lại bay hơi nhanh, không thấm vào các bộ phận bên trong máy phone. Lau xong, chờ một chút là cồn bay hơi hết. Bây giờ chúng ta đã có một cái Cell Phone sạch, có thể gấp lại và cất vào túi áo. Phone reo lần tới, bạn có thể thân ái áp phone vào má mà không còn cảm giác như đang áp vào… bồn cầu nữa. Theo chân ông tiến sĩ vi trùng ở nước Mỹ, nhiều nhà khoa học Âu Châu cũng tiến hành nghiên cứu một số vật dụng phổ thông khác và dùng cái bồn cầu làm tiêu chuẩn so sánh. Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây được đăng trên Daily Mail, tờ nhật báo rất có uy tín, đã sống hơn 100 năm nay tại Anh Quốc, cho thấy những sự thật hãi hùng, chẳng hạn…
Bàn phím máy vi tính Cái keyboard cũng là một trong những vật bất ly thân của nhiều người, nhiều giới. Nó được vuốt ve cả ngày, bắt đầu từ những em bé mới có 5,6 tuổi ngồi chơi games, tới những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… Rất nhiều khi nó được ăn, được uống chung những thứ mà chúng ta mang vào bàn máy, vừa thưởng thức đệ nhất khoái vừa gõ phím… Ông James Francis, một nhà vi trùng học có tiếng ở nước Anh, không thua gì Dr Gerba tại nước Mỹ, đã làm một cuộc nghiên cứu như sau: Ông lấy mấy nùi bông gòn, đưa đến xoa vào 33 cái bàn phím máy vi tính, một cái bàn cầu, một cái cánh cửa nhà cầu tại một văn phòng tòa soạn báo Daily Mail ở Luân Đôn. Và sau đây là kết quả ông tìm thấy: - 4 cái bàn phím có mang những rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng; - 1 trong số đó có số vi khuẩn cư ngụ nhiều gấp 5 lần so với số vi khuẩn được tìm thấy trên bồn cầu. Dĩ nhiên, không phải cái Keyboard nào cũng bẩn như vậy, nhưng nếu bạn không để ý săn sóc mấy cái keyboard mà các cháu – cả cháu bé và… cháu lớn – vẫn dùng ở nhà thì Hằng sợ rằng độ dơ bẩn của chúng còn nhiều hơn. Trở lại chuyện nước Mỹ, cách đây khoảng 4 năm, có hơn 100 em học sinh tại một trường tiểu học ở Washington DC đã ngã bệnh với những triệu chứng rất giống nhau. Điều tra tìm hiểu mãi mới tìm ra: Nguyên nhân nhiễm trùng là từ những bàn phím máy vi tính! À, đụng tới trẻ con thì dài chuyện rồi đây, xin hẹn lại các bạn lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:26:32 GMT 9
Xà bông: Sự khác biệt giữa Soap và DetergentVũ Hằng  … Và những loại xà bông nước, chúng có gì khác biệt? Nói nghe tội nghiệp thật, nhưng nếu có ai bảo rằng chúng ta là người phụ trách đồ dơ thì quả là không sai. Bởi vì, thiên hạ chỉ có việc quăng ném quần áo dơ ra, rồi mình phải thu tóm lấy mang đi giặt. Phụ trách đồ dơ năm này qua tháng khác, những người làm … tướng (nội tướng) như chúng ta thường rất am tường về việc các loại xà bông giặt, rồi từ đó lo kiếm luôn xà bông rửa chén, xà bông rửa tay, xà bông tắm…. Một trăm thứ khác nhau được gọi chung bằng một tên xà bông cho đỡ rắc rối. Chúng ta có thể tiếp tục gọi tên chung như vậy, nhưng ít ra mình phải phân biệt được một điều khác biệt căn bản: Thứ nào là “soap” và thứ nào là “detergent.” Tại sao cần phân biệt? Nói chung, soap hay detergent cũng đều là những hóa chất dùng để tẩy dơ. Trước hết, hãy lại gần bên quầy bán xà bông: Có thứ cục, có thứ nước, có thứ “cream” sền sệt, với đủ mọi màu sắc, tên hiệu và mùi vị. Đọc trên nhãn hiệu ghi bên ngoài thì quả thực, có thứ ghi là soap, thứ khác ghi là detergent…. Và nếu tò mò tìm hiểu kỹ hơn nữa chúng ta mới biết, luôn luôn có một cuộc chiến giữa hai thứ sản phẩm: Detergent thì nói “chúng tôi không làm khô da của quí khách giống như soap;” trong khi soap lại bảo “chúng tôi không làm da quí vị sẩn ngứa giống như detergent.” Chả biết bên nào đúng, bên nào sai. Nhưng qua những câu đối đáp trên, chúng ta mới biết rằng: Nếu những thứ mà chúng ta vẫn gọi chung là xà bông có thể gây ngứa, làm sẩn da…. thì đúng là những điều mình quan trọng cần tìm hiểu. Soap có gì đặc biệt? Soap đã có mặt với con người từ hằng trăm năm nay, nguyên thủy nó xuất hiện dưới dạng rắn, mà chúng ta thường gọi là “xà bông cục.” Trài quả thời gian, soap biến thể dần dần để đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống, nó có thể ở dạng bột, dạng lỏng…. Nhưng ở dạng nào chăng nữa, soap vẫn là một thành phẩm được chế từ mỡ động vật (animal fat) hoặc dầu thực vật (vegetable oil), phối hợp với một chất kềm thật mạnh (alkali). Nói chung, soap có thể “tự hào” là thành phẩm được chế từ các yếu tố thiên nhiên. Đây chính là ưu điểm của soap. Nhưng soap cũng có những khuyết điểm. Trước hết, soap có thể để lại những vết cặn trên quần áo khi giặt xong, NẾU nước dùng trong nhà là nước cứng (Hard water). Chuyện nước cứng nước mềm chúng ta đã đề cập vài lần. Hôm nay, Hằng chỉ xin nói vắn tắt là nước cứng có nhiều chất vôi (và chất magnesium) mà tì vết rõ nhất là những cặn vôi đóng trên các vòi nước ở nhà bếp, hoặc phòng tắm. Chất vôi này quyện với các thành phần của soap sẽ tạo ra một thứ muối không hòa tan, và để lại vẩy cặn trên quần áo, hoặc vệt “nước” trên ly cốc thủy tinh…. Và ngay cả trên thành vách bên trong máy giặt, trông không vừa mắt chút nào, mà rất khó tẩy sạch. Lại nữa, soap không tác dụng trên đồ vật khi nó chứa acid. Khi đó, acid sẽ phối hợp với soap để tạo thành một chất cặn khác. Mà các bạn biết, quần áo của chúng ta mang đi giặt đều ít nhiều nhiễm mồ hôi, vốn là một chất thải chứa nhiều acid xuất phát từ cơ thể của chúng ta. Vì thế quần áo giặt xong rồi có thể vẫn chưa sạch, nếu dùng soap làm xà bông giặt. Trên đây là những khuyết điểm “cổ truyền” mà người ta tìm thấy nơi soap. Nhưng soap cũng biến chuyển theo thời gian nhằm hạn chế các khuyết điểm đó, và tăng cường các ưu điểm của mình. Bên cạnh đó, thị trường lại chế ra những sản phẩm thay thế, giúp chúng ta tẩy rửa sạch hơn. Đó là Detergent, tổng hợp từ nhiều loại hóa chất. Và người ta nghĩ rằng với detergent, mọi người sẽ có những sản phẩm hoàn hảo để thay thế vi trí của soap trong phòng giặt. Nhưng không phải thế, detergent cũng có nhiều khuyết điểm. Lần sau chúng ta sẽ nói thêm về Detergent, và những mẹo vặt cần có để có thể tận dụng được các ưu điểm của soap và detergent. Xà bông - tức là Soap và Detergent – là một nhu cầu phổ thông, là một trợ thủ đắc lực của nội tướng chúng ta. Gọi chung là xà bông, nhưng soap và detergent không giống nhau. Lần trước chúng ta đã nói ít lời về Soap: Soap là chất liệu đã được dùng từ nhiều trăm năm nay, xuất phát từ dầu thực vật, vốn là một nguyên liệu thiên nhiên có thể tái tạo lại được. Soap không dùng hóa chất, nên không gây dị ứng trên da. Nhưng khuyết điểm của soap là khi giặt với nước cứng (hard water) thì soap hay để lại những vết cặn, làm vàng ố quần áo. Vì thế, trong mấy chục năm gần đây, người ta chế ra detergent, có thể gọi là xà bông nhân tạo để bổ túc cái khuyết điểm trên đây của xà bông thiên nhiên. Detergent được chế từ dầu thô (petroleum), tổng hợp với các hóa chất thích hợp để có thể tẩy sạch đồ dơ. Dùng detergent để giặt, quần áo sẽ sạch hơn, không sợ bị vàng ố dù có giặt trong nước cứng. Detergent tốt hơn soap ở điểm này. Nhưng nó cũng có những khuyết điểm, do các hóa chất tạo thành detergent có thể gây dị ứng với những người có làn da mẫn cảm. Thêm nữa, nguyên liệu để chế detergent là dầu thô, là một thứ tài sản càng ngày càng khan hiếm, nên nhiều người cho là một sự phí phạm. Cô giáo của Hằng bảo rằng, các nhà khoa học đã tính toán, nếu không dùng detergent mà chỉ dùng soap, thì chỉ riêng trên thị trường nước Mỹ người ta sẽ tiết kiệm được tới 81,000 thùng dầu thô một năm. Nên dùng Soap hay Detergent? Vậy chúng ta đi đến kết luận gì? Câu trả lời là tùy hoàn cảnh và ý thích của mỗi người. Nếu có làn da mẫn cảm, dễ bị ngứa do các tác động bên ngoài, bạn nên sử dụng soap vì soap lành hơn. Những người cổ động bảo vệ môi sinh cũng cổ động dùng soap, bởi vì theo họ, đối thủ của soap là detergent chứa những hóa chất độc hại, nước detergent thải ra có thể làm hại môi trường, cá mú và động vật hoang dã. Tuy nhiên, bạn nên đổi sang detergent nếu nước dùng trong nhà là nước cứng (hard water), và thấy quần áo chén đĩa có những hiện tượng sau: - Quần áo trắng giặt rồi, mà khi phơi thì thấy ố vàng, chuyển sang màu xám, hoặc không được trắng lắm, - Quần áo màu có những vệt trắng sau khi giặt - Mặt trong của máy giặt có đọng nhiều vệt dơ khó chà rửa; Đổi sang detergent rồi không có nghĩa là sẽ tuyệt đối tránh được các vấn đề nêu trên, nhưng có thể sẽ nhẹ đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn có thời giờ và lại thích mày mò tìm hiểu thì Hằng xin hiến với bạn một kế khác: Tự làm lấy xà bông giặt ở nhà. Xà bông tự chế của bạn sẽ có đủ tác dụng như 2 loại trên mà lại không vướng phải những khuyết điểm của chúng. Ích lợi của xà bông tự chế Không thứ gì vừa có nhiều ích lợi mà lại vừa dễ làm như cái món xà bông tự chế này. Em xin nói về phần ích lợi trước: - Thứ nhất, xà bông tự chế có khả năng tẩy sạch chất dơ trong áo quần không thua gì soap và detergent. - Thứ hai, nguyên liệu để làm xà bông tự chế không phải là hóa chất, nhưng là những nguyên liệu “thân thiện” với các làn da nhạy cảm, và không độc hại đối với môi sinh; - Xà bông tự chế có thể dùng với nước cứng mà không để lại cặn trắng hoặc làm ố vàng áo quần. - Xà bông tự chế rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm thị trường. Bạn có thể tiết kiệm được tới 2/3 phí tổn so với số tiền vẫn bỏ ra mua xà bông trước nay. - Ngoài ra, xà bông tự chế lại có thể xài với … nước lạnh. Tức là khi bỏ vào máy giặt, mình cứ để “cold” không cần vặn “hot”, nhờ đó có thể tiết kiệm gas vì khỏi hâm nước nóng. - Chưa hết, xà bông tự chế lại có mùi thơm hấp dẫn… y như một múi mít, hoặc ít nhất cũng hấp dẫn hơn cái mùi hăng hăng của những loại bột giặt chúng ta thường mua ngoài chợ. Cái mùi thơm “múi mít” dường như gợi lại rất nhiều kỷ niệm, làm lang quân của em sáng mắt lên ngay. Ổng vội hỏi, “Sao? Mẹ có mẹo vặt thơm thế mà giấu bố?” Nào em có giấu ổng! Chuyện này có được đề cập trước đây rồi đó chứ, nhưng nếu cần thì chúng ta nói lại cũng chẳng sao. Tự chế xà bông rửa chénVũ Hằng/Viễn Đông Sẵn đang có nguyên liệu để chế tạo những “thuốc rửa” thiên nhiên, hôm nay chúng ta sẽ bắt tay vào việc chế xà bông rửa chén đĩa (dishwashing soap). Thành thực thưa với bạn, con bé này không giỏi đến nỗi cái gì cũng biết đâu. Mà đây là sáng kiến của 2 vợ chồng người Mỹ, ông Matt Jabs và bà Betsy Jabs, còn em chỉ là người áp dụng theo đuôi bà Mỹ hàng xóm và nhiều người khác, thấy rất hiệu quả nên hôm nay mang ra khoe với bạn thôi (để lâu hơn nhỡ có đứa khác “nổ” trước thì mình lỡ mất cơ hội!) Công thức nhanh gọn Trước tiên, xin giới thiệu công thức chế biến nhanh gọn khi mình đã có một bồn đầy những chén đĩa dơ mà cái chai xà bông cũ vẫn dùng trước nay đã cạn láng. Nên nhớ hỗn hợp “xà bông” này không làm sủi nhiều bọt như các sản phẩm thị trường. Nên bạn phải cẩn thận, đừng dùng quá nhiều, và nên nhớ “bọt” không phải là dấu hiệu cho thấy xà bông có hiệu quả hay không đâu! Nguyên liệu: - 1 tách xà bông castille nước. Xà bông Castille trong cả 2 dạng, cục và nước, là một sản phẩm chính yếu làm bằng dầu Olive, sau này được chế biến thêm với nhiều tinh dầu thảo mộc khác… Một trong những thương hiệu phổ thông là Dr. Bronner Castille Soap. Bạn có thể dùng thứ không có mùi (unscented) để về nhà pha chế theo ý thích, hoặc thứ đã có sẵn mùi cũng được. - 3 thìa canh (tablesthingy) nước. - 2 thìa canh giấm trắng (white vinegar). - 10 giọt dầu tinh thể cam vắt (sweet orange essential oil) - 6 giọt dầu tinh thể bưởi (grapefruit essential oil) Kiếm một cái bình xịt, đổ tất cả các nguyên liệu vào đây, lắc đều cho hỗn hợp hòa chung với nhau là xong việc bào chế xà bông, nhưng xin lưu ý bạn thêm vài điểm sau: - Nếu đã mua xà bông có mùi vị thì không cần dùng dầu tinh thể cam và bưởi nữa. - Nếu xà bông để lại vệt mờ trên chén đĩa, thì bạn có thể thêm ¼ tách giấm trắng vào nước trước khi xả lại lần cuối. Công thức Heavy Duty Tận dụng một buổi chiều rỗi rãi, chúng ta có thể chế sẵn 1 gallon xà bông rửa chén “thứ dữ”, tức là loại heavy duty, giữ trong một bình Plastic lớn, rồi chuyên sang những bình xịt nhỏ hơn để dưới gầm sink, để khi cần thì có sẵn. Sau đây là các thứ nguyên liệu: - 1 cục xà bông 4 ounce hiệu Castille hoặc Fels Naptha (hoặc bất cứ loại xà bông nào bạn thích, không cần loại cầu kỳ, đắt tiền) - 1 thìa canh Washing Soda - 20 giọt dầu tinh thể chanh (lemon essential oil – Nếu chai dầu tinh thể không ghi chữ Lemon mà ghi chữ Lime thì cũng là một thứ) - 1 gallon nước - 1 tách giấm trắng Có được bằng ấy thứ là có thể bắt tay vào việc: - Nạo hoặc nghiền nhỏ cục xà bông. - Bỏ xà bông vừa nghiền vào một cái nồi lớn, đổ thêm ½ gallon nước. - Mở bếp, để lửa trung bình cho đến khi xà bông tan hết. Nhưng nhớ đừng để cho chất lỏng xà bông sôi lên. - Đổ Washing Soda vào, và quậy cho đến khi tan hết (trong khoảng 1 phút). Bây giờ bạn đã có một dung dịch xà bông sền sệt… - Dùng phễu để chuyển dung dịch xà bông sền sệt này vào một bình chứa lớn. - Đổ thêm các thứ còn lại, bao gồm: ½ gallon nước, 1 tách giấm trắng, và 20 giọt dầu tinh thể, vào trong bình. - Đóng nắp bình lại và lắc mạnh để tất cả hòa chung với nhau. - Để các nguyên liệu tương tác với nhau trong vòng 1 ngày trước khi mang ra sử dụng. Nếu xà bông vón lại như thạch, bạn có thể dùng một cây que gỗ đưa vào quậy cho đều lên cho đến khi tan đều, sền sệt như cream là tốt. Nhớ lắc đều mỗi khi mang ra dùng. Nhắc với bạn là xà bông này không sủi nhiều bọt như các sản phẩm trên thị trường. Vì thế, đừng thấy không có bọt mà dùng quá tay. Nếu xà bông để vết hoặc cặn trên đĩa, chúng ta có thể thêm giấm vào trong hỗn hợp xà bông, hoặc dùng ít xà bông hơn. Làm như vậy có mất công lắm không? Tùy cá tính, có người thích mọi thứ sẵn sàng, người khác lại thích chế biến để khám phá và sử dụng theo ý thích. Nhưng bản tính thế nào chăng nữa, chắc bạn cũng không chê cái khoản tiền tiết kiệm này chứ: Mình thử làm vài con tính xem sao nhé: - Xà bông rửa chén trên thị trường hiện nay giá khoảng 16 Mỹ kim một gallon, tức là 13 xu/một ounce. - Tự chế xà bông theo công thức trên đây, bạn tốn chừng… 1 xu/một ounce, giảm 12 xu, tức là tiết kiệm được 1.200%. Wow! Với thứ xà bông này, bạn có thể dùng để lau rửa mọi vật dụng trong nhà. Ngay cả với quần áo quá lấm lem, bạn có thể dùng xà bông tự chế để tẩy rửa cho sạch bớt, trước khi đưa vào giặt cùng với các thứ quần áo khác trong máy. Chà, như vậy chẳng mấy chốc mà chúng ta… làm giầu. Phải rồi, tại sao mình lại không chế một vài bình, làm label thật đẹp để tặng bạn bè dùng thử? Miết rồi họ sẽ nghiện, tìm tới bạn để… order, khi đó sợ rằng lại sản xuất không kịp. Nhưng làm giầu rồi thì đừng quên con bé này nhé. Vuhang231@yahoo.com Tự chế xà bông để xàiVũ Hằng Chế lấy xà bông giặt ở nhà là một việc làm rất vui và rất dễ dàng. Hơn thế nữa, tự chế xà bông lấy mà xài còn giúp chúng ta tiết kiệm được nhiều tiền. Những người dị ứng với hóa chất chắc chắn sẽ hài lòng vì xà bông tự chế hoàn toàn bao gồm những sản phẩm thiên nhiên, không gây ngứa như các hóa chất vốn được dùng để sản xuất xà bông công nghiệp. Nhiều chuyên viên về môi trường học còn cho rằng những hóa chất trong xà bông công nghiệp như sulfates, các chất tạo mùi thơm, petroleum distillates có thể dẫn tới ung thư hoặc bệnh phổi. Rất may, sản phẩm tự chế của chúng ta không hề có những chất độc hại đó. Nào, bây giờ các bạn cùng với Hằng, mình bắt tay vào việc nhé. Chúng ta chỉ cần 3 nguyên liệu căn bản này Washing Soda: Loại phổ thông nhất là Arm and Hammer, rất dễ nhận diện qua hình cánh tay gân guốc và cái búa bên ngoài bao bì. Borax: Loại phổ thông nhất là 20 Mule Team Borax Một cục xà bông: Loại Dr. Bronner’s, Ivory, Fel’s Napta, hoặc bất cứ một loại xà bông cục nào cũng được. Trên đây là 3 sản phẩm chính. Ngoài ra, chúng ta có thể bỏ thêm Baking Soda để tăng cường hiệu quả, hoặc một chút essential oils (hương liệu) để tạo mùi thơm thiên nhiên cho xà bông. Tất cả những nguyên liệu này có thể mua được dễ dàng ở khu Laundry (bán xà bông giặt) trong các cửa hàng bách hóa như Target, Costco, Walmart…. Xà bông cục thì bạn có thể mua ở khu Health (bán sản phẩm giữ gìn sức khỏe), Beauty (bán đồ làm đẹp). Đó là nói chuyện ở địa phương của Hằng. Nhiều độc giả từ Saigon, Hà Nội hoặc các nước khác có hỏi là mua ở đâu, nhưng thú thực là em mù tịt, đành phụ lòng các bạn thôi. Có bạn e ngại, hỏi lại rằng, “Vậy chứ, Washing Soda và Borax không phải là hóa chất sao?” Thực ra, trên đời này cái gì chẳng là hóa chất, nhưng có lẽ điều chúng ta lo lắng chính là “chúng có phải là hóa chất độc hại hay không?” Lúc đầu, bản thân Hằng cũng thắc mắc như vậy, nên đã hỏi lại rất kỹ càng nơi các thầy cô giáo, và được xác định như thế này: - Washing Soda, cũng được gọi là Sodium Carbonate hoặc Soda Ash, là tổng hợp của muối với vôi, có thể tìm thấy trong thiên nhiên, và không độc hại. Tuy nhiên, các chuyên viên về hóa chất có cảnh giác rằng, Washing Soda có độ pH là 11, rất cao so với độ pH trung bình là 7, và có thể gây ngứa trên da bàn tay, nếu mình cố tình ngâm tay lâu giờ trong đó (ngâm vào làm gì không biết?) - Còn Borax? Trước tiên, xin đừng lầm Borax với Boric Acid (mặc dầu 2 cái tên gần giống nhau). Borax được dùng để chế xà bông không phải là độc chất, mà lành tính như hạt muối và Baking Soda vậy thôi. Chỉ với những nguyên vật liệu đơn giản như trên, chúng ta có thể chế tạo thành những sản phẩm không thua gì các nhà máy xà bông: Bảo đảm phẩm chất tốt, giá rẻ, không gây dị ứng cho cơ thể và không tổn hại môi trường. Xà bông bột Làm xà bông bột bao gồm 3 giai đoạn như sau: 1. “Nạo dừa” cục xà bông: Dùng một cái bàn nạo dừa, để nạo cục xà bông thành vụn nhỏ. Nếu muốn làm đẹp hơn, bạn có thể cắt cục xà bông thành mấy phần, rồi bỏ vào cái may xay thịt (food processor) để nghiền nát thành bột nguyễn. Nhớ rửa sạch cho hết mùi xà bông trước khi dùng cho các thực phẩm khác nhé. 2. Lấy một cái tô lớn, hòa 2 phần Washing Soda, 2 phần Borax, và 1 phần xà bông vừa nạo vụn. Dùng một cái thìa gỗ lớn để trộn đều. Có thể thêm vài thìa Baking Soda hoặc essential oil để lấy mùi thơm. 3. Như vậy là xong, lô xà bông bột của chúng ta đã thành hình. Đổ vào một bình chứa thích hợp, đậy nắp thật chặt, và mỗi lần lấy ra chừng 1/8 tới 1/4 tách cho một lần giặt. Xà bông HE Gần đây, thị trường có loại máy giặt chất đồ ngang hông (front-load washers) đòi hỏi phải dùng loại xà bông đặc biệt gọi là HE. Đây là loại xà bông cực tốt (high-efficiency), không sủi bọt nhiều, mà khả năng tẩy dơ rất cao. Vì được giải thích như vậy mà những hộp xà bông có “mác” HE bao giờ cũng đắt hơn các loại xà bông khác. Thành phẩm tự chế của chúng ta chính là thứ xà bông HE đó, sử dụng an toàn và hiệu quả với máy giặt front load washers. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất là sản phẩm cây nhà lá vườn của chúng ta lành tính, và rẻ hơn nhiều. Giặt đồ trắngVũ Hằng .jpg) Đồ trắng giữ gìn cách mấy cũng vẫn ố vàng nơi cổ và cườm tay  Để ý tên sản phẩm là Clorox 2, khác với Clorox, một thứ thuốc tẩy phổ thông hơn.  Nước “bluing”, bản chất là xanh, mà lại có thể làm đồ giặt được trắng hơn Đề tài hôm nay là do một độc giả gợi ý qua thư, xin mời các bạn xem qua: “Nhờ cô chỉ dùm tôi một ‘mẹo lớn’ mà tôi nghĩ là cô giúp tôi giải quyết nó tới nơi tới chốn. Số là các áo trắng của tôi rất dơ ở cổ và cửa tay, mỗi khi giặt tôi thường dùng thuốc tẩy Clorox pha với nước chế lên chỗ dơ, chờ khoảng 20 phút rồi giặt với xà bông thì áo trắng tinh, sau khi áo khô, tôi mang đi ủi thì áo lại ngã màu ngà ngà vàng, tôi thật sự bó tay, nghĩ tới Vũ Hằng biết nhiều mẹo vặt nên tôi mạnh dạn nhờ cô ‘vấn kế,’ mong cô giúp tôi càng sớm càng tốt. Thành thật biết ơn và cám ơn cô rất rất nhiều.” Cám ơn bạn đã quá khen mà nâng mẹo vặt lên hàng “Mẹo Lớn.” Mong rằng những cố gắng nhỏ nhoi này sẽ không phụ lòng tín nhiệm của bạn. Như bạn nói, màu vàng xuất hiện nơi cổ áo và cửa tay, đó là sự biến dạng tự nhiên do bắt bụi và mồ hôi, chứ không hẳn do đồ dơ quệt vào. Phản ứng chung là dùng thuốc tẩy, Clorox chẳng hạn, như bạn nói. Nhưng đồ trắng sau khi ủi lại vàng ra, mặc dầu lúc giặt mình thấy dường như đã trắng muốt trắng tinh rồi. Hiện tượng đó khiến bạn nghĩ rằng có thể mình “tẩy” chưa đủ. Nhưng lý do không phải thế, mà có thể do nguyên nhân khác. Hằng đề nghị bạn thử thay đổi một chút xem thế nào: - Thay Clorox thường bằng Clorox 2. Bởi vì Clorox có chất Chlorine, với tác dụng tẩy dơ nhưng dùng nhiều có thể làm cho vải đổi thành màu vàng, nhất là với hàng Polyester thì sự đổi màu diễn ra lại càng bạo hơn. Hằng sợ rằng cách dùng như bạn mô tả - 20 phút ngâm riêng với Clorox, trước khi cho vào giặt – là quá nhiều. - Nếu thay bằng Clorox 2, một hợp chất tẩy không có Chlorine mà chủ yếu là hydrogen peroxide, bạn có thể ngâm đồ trắng trong dung dịch nước âm ấm hòa với Clorox 2 (xem lại chi tiết về hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất), để qua đêm, sáng hôm sau cho vào máy giặt như bình thường. Nếu không có Clorox 2, bạn có thể dùng Oxiclean, Country Save Bleach, Purex 2 Color Safe Bleach… gọi chung là Oxygen-based bleach - Nhớ đổ thêm chừng nửa tách DẤM TRẮNG để tăng cường hiệu quả tẩy trắng. Hằng tin rằng, dùng Clorox 2 có thể làm trang phục trắng hơn. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý thêm những điểm này: - Giặt với nước cứng (hard water) dễ làm cho quần áo ố vàng vì tác dụng của khoáng chất và nhất là chất sắt (iron) có nhiều trong nước cứng. Thường thì nước từ vòi lớn của công ty thủy cục đều là “cứng” cả. Tiếp nhận dòng nước chảy vào nhà, nhiều người phải bắt thêm một cái máy làm mềm nước (water softener) có nhiệm vụ lọc bớt khoáng chất đi. Nếu có thể chúng ta rất nên bắt cái máy này. Đấy là nói vậy thôi, chứ ngay ở nhà Hằng bây giờ vẫn là nước cứng, bao nhiêu lần em muốn lắp cái máy làm mềm mà có được đâu. Cứ mở miệng ra ông xã đã kê ngay cái tủ đứng, “Mềm! mềm! Rồi lại đến lúc mong cứng chẳng ai có mà cho!” Em muốn cái máy làm mềm nước… nhưng có bao giờ ổng để cho mình nói hết câu đâu chứ! - Bằng không, bạn có thể mua một bình “Iron-Out” để sẵn, khi nào giặt đồ trắng thì đổ vào máy để khử bớt chất sắt làm ố vàng. - Còn nữa, thay vì dùng máy sấy, bạn có thể dùng dây phơi để cho quần áo tự khô trong ánh nắng ngoài trời. Tia cực tím sẵn có trong ánh nắng thiên nhiên sẽ giúp quần áo được trắng hơn. - Chưa hết, mình cũng có thể thêm “bluing” vào nước giặt để làm cho đồ trắng và sáng hơn. Thực ra, “bluing” bản chất là màu xanh (blue) nhưng được chế biến với một dung lượng xanh rất thấp, vừa đủ để làm cho màu trắng lại càng trắng hơn. Dùng “bluing,” nhớ hòa lỏng trước khi châm vào khối nước trong máy giặt, theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Coi nào, hãy thử vận dụng mấy mẹo vặt trên đây xem, có thể xong được chuyện lớn cho bạn đấy. Nhưng nếu không được việc thì liên lạc lại nhé. Hằng vẫn có thể tham khảo thêm với các thầy cô mà. Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:27:48 GMT 9
Công dụng đa năng của Baking Powder
Vũ Hằng/Viễn Đông
Baking Powder ngoài công dụng chính là để làm phồng, làm nổi các loại bột làm bánh, nó còn được trọng dụng trong nhiều việc khác, mà việc nào cũng đáng đồng tiền bát gạo cả.
Mồ hôi chân và những đôi vớ Chúng ta ra mồ hôi ở đâu? Thường là ở lưng, phải không? Nhưng Hằng biết có nhiều người ra mồ hôi ở bàn tay và bàn chân. Bàn tay thì có khăn lau sạch, còn mồ hôi ở bàn chân thì thấm hết vào đôi vớ, mỗi khi cởi vớ ra là cả nhà được “thưởng thức” mùi mồ hôi đã… lên men! Khiến cho con chó cũng phải tránh xa, còn người sở hữu đôi chân đó thì rất khổ sở và khó chịu. Nếu bạn thấy có ai bị như thế, xin chỉ cho họ cái mẹo nhỏ sau đây để làm phúc: Đổ một chút baking powder lên bàn tay và xoa vào chân, bạn có thể giữ cho đôi chân khô ráo trong lúc ẩn thân trong vớ, và vớ sẽ không còn hôi nữa.
Sào huyệt tích lũy và lò ươm mùi Vào những ngày trời nóng, cơ thể ra mồ hôi thì cái nách là sào huyệt tích lũy mùi hôi, và nếu không được tẩy trừ đúng mức, nó sẽ trở thành một lò “ươm” cho ra một thứ mùi rất đặc biệt gọi là mùi… hôi nách. Nếu đã từng là thủ phạm, bạn cũng hiểu cái mùi đó gây tai ương như thế nào cho các nạn nhân ở chung quanh. Nếu vô tình là nạn nhân, ngồi cạnh một người có cái mùi như thế ở trong nhà thờ, trong rạp hát, trong một buổi sinh hoạt cộng đồng, bạn sẽ thấy đầu nhức mắt hoa, không còn tập trung thần trí để theo dõi bất cứ một chương trình nào nữa. Xét cho cùng, chúng ta đều là nạn nhân, chứ chẳng có ai là thủ phạm cả. Chính vì vậy mà thị trường có nhiều sản phẩm, gọi là “deodorant” để giải thoát chúng ta khỏi cái tình trạng tai ương đó. Nếu chịu khó dùng thường xuyên, nhất là sau khi tắm, bạn có thể yên tâm cả ngày. Nhưng nếu lỡ hết “thuốc” thì sao? Tạm thời bạn có thể lấy baking powder thoa vào nách. Không tiện lợi bằng, nhưng bảo đảm không để cho vi khuẩn “hôi” có cơ hội phát sinh gây phiền nhiễu, trong lúc bạn tìm mua “deodorant”.
Khi thiếu phấn trắng Nếu hết phấn dồi mặt, bạn cũng có thể tạm dùng baking powder, mà không ai biết cả. Nhưng đừng phết nhiều quá, kẻo lại như anh hề Clarabell mất thôi. Clarabell là ai? Hằng cũng không biết, chỉ nghe bà Mỹ hàng xóm, gặp cái gì ngồ ngộ, tức cười là nói y như hề Clarabell. Bà hàng xóm biết Hằng đang viết bài này nên gửi theo tấm hình anh hề Clarabell để bạn xem cho biết mặt. Những người thích “chơi” giấy dán tường vì sự phong phú hình ảnh và màu sắc của nó đều hiểu rằng, mình vẫn phải lau chùi luôn mới duy trì được vẻ đẹp linh động của giấy. Tuy nhiên, có nhiều loại giấy không chịu nổi các thứ nước rửa thương mại nặng hóa chất. Trong trường hợp đó, bạn lấy một chút baking powder, hòa với nước để tạo thành một chất hồ sền sệt. Dùng miếng xốp bọt biển thấm vào chất hồ đó, rồi từ từ thấm tẩy những vết loang bẩn trên giấy dán tường là giấy sẽ sáng trở lại mà không bị hóa chất làm ố màu.
Cởi bao cao su Tên đầy đủ của nó là bao tay cao su, bạn làm ơn nhớ hộ Hằng là có “tay” đi trước chữ “cao su” nhé, không thì lại hiểu lầm sang thứ khác đấy. Đó là những bao tay cao su mỏng dùng khi quét sơn hoặc làm vườn. Loại bao tay này thường được ướp một lớp phấn, giúp bạn mang vào, cởi ra dễ dàng… để liệng bỏ. Rất tiếc là những bao tay chúng ta dùng khi làm thịt, làm cá, hoặc khi clean up đồ dơ trong nhà bếp, mặc dầu được cất đi để dùng nhiều lần, thì lại không tiện lợi như thế. Có gì đâu, rút kinh nghiệm của thị trường, bạn xoa bàn tay của mình vào một chén Baking Powder trước khi xỏ găng. Làm như vậy, trong khi làm việc bàn tay không ẩm mồ hôi, và khi xong việc, bạn sẽ dễ dàng cởi găng ra dễ dàng để cất đi, thay vì liệng bỏ.
Những cái va-li ẩm mốc Những cái va-li lớn nhỏ, cần thiết cho những chuyến du lịch thường được mang vào nhà kho để làm bạn với bụi bặm và mốc meo trong nhiều tháng năm sau đó. Khi cần đến mở ra, va-li thường có mùi bụi mốc. Nhiều khi mùi ẩm mốc bốc lên rất mạnh khiến bạn không thể xếp hành lý cho chuyến du hành sắp tới được. Nhưng cái tội “mốc” cũng không quá lớn đến độ bạn phải bỏ luôn va-li đó đi để mua một cái mới đâu. Bạn có thể làm như sau để cứu cái va li bị ghét oan: - Mang ra ngoài trời cho nắng gió chiếu vào một lúc. - Đổ một lớp baking powder vào, dàn mỏng ra trên đáy va li, rồi đậy lại. - Vài hôm sau mở va-li, đổ lớp bột cũ đi, và thay vào lớp Baking Powder mới. - Làm như vậy vài lần là mùi hôi sẽ trốn sạch, và cái va-li sẽ sẵn sàng đón nhận hành trang. Cũng vậy, ẩm mốc có thể làm hư những cuốn sách cũ, nhưng cực kỳ quí hiếm của bạn. Bạn có thể giữ lại cuốn sách và trừ khử mùi hôi, bằng cách bỏ nó vào trong một cái túi có chứa ít baking powder. Vài ngày sau lấy túi ra, đổ bột cũ đi thay bằng bột mới, cho đến khi cái mùi hôi hết hẳn. … Những công dụng “thần kỳ” kể trên chẳng có liên quan gì đến “baking” cả, ấy vậy mà baking powder cũng làm được. Vậy bạn nghĩ có nên tìm một cái tên gì xứng đáng hơn để đặt cho nó không?
Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:29:43 GMT 9
Quản trị nhà cửa với “hóa chất” thiên nhiên (kỳ 1)(VienDongDaily.Com - 16/10/2012) Vũ Hằng/Viễn Đông Một trong những công việc chính của nội tướng là quản trị nhà cửa, lo sao cho trong nhà ngoài ngõ đều sạch sẽ và tươm tất. Phụ giúp trong công việc này, thị trường có nhiều sản phẩm được quảng cáo là rất hiệu quả. Nhưng nếu chịu khó đọc những lời cảnh cáo ghi trên nhãn hiệu dán ngoài sản phẩm, nhiều người sẽ ngần ngại không muốn dùng, thậm chí không muốn đưa chúng về giữ trong nhà mình nữa. Thật may cho thị trường: Khách hàng thường chỉ nghe những lời quảng cáo bùi tai, mà ít ai để tâm đọc những lời cảnh cáo mà nhà sản xuất buộc phải ghi ra qua những dòng chữ nhỏ li ti trên nhãn hiệu. Không nói đâu xa, hãy lấy ra một vài chai nước rửa bạn vẫn quen dùng trong nhà bếp hoặc nhà tắm để xem chúng được điều chế ra sao. Hóa chất độc hại Trước tiên, cái chất nước màu xanh có tên “toilet bowl cleaners” bọn mình vẫn hay dùng để chùi bồn cầu, được cấu tạo như thế nào? Đó chính là dung dịch Acid Hydrochloric, một hóa chất tẩy trắng rất hiệu quả do khả năng ăn mòn những bề mặt mà nó tiếp cận. Nhìn cái bồn cầu cáu bẩn bỗng chốc trở nên trắng sạch như mới, ai lại không mừng. Nhưng ít người hiểu rằng, Acid Chlohydric là chất cực độc, rất nguy hiểm với trẻ em, chó mèo trong nhà và đặc biệt những người tiếp cận với nó khi làm công tác vệ sinh. Người ấy là ai, nếu không phải là chúng ta, hoặc “binh lính” được chúng ta sai làm công tác? Nhưng nếu tướng ra trận mà lại là người bị thương tích đầu tiên thì bản lãnh chỉ huy ở đâu? Hay, làm tướng mà dồn lính vào chỗ chết thì tình thương của tướng để đâu? Thực vậy, chiến trường của chúng ta không phải là ít hiểm nguy: Chỉ cần hít phải hơi Acid Hydrochloric thôi cũng đã đủ để gây nhiều phiền toái cho mũi, họng và đường hô hấp của chúng ta rồi. Dính trên da, nó sẽ làm ngứa, rồi xót, và làm cho da tấy đỏ do tiến trình bào mòn của acid. Hóa chất thứ hai thường được công nghiệp sản xuất nước rửa sử dụng là Chlorine Bleach, cũng là một chất rất độc hại cho môi sinh và cho con người. Chlorine Bleach có độ “caustic” cao, có khả năng đốt cháy, bào mòn, và tiêu diệt mô sống. Dính vào người, nó gây ra các triệu chứng như mắt đỏ, mũi ngứa, da đau xót, và làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh suyễn. Mặc dầu không phủ nhận sự công hiệu của 2 hóa chất trên đây khi được dùng làm thuốc rửa bồn cầu, nhưng cũng không thể vì thế mà chúng ta hy sinh bầu không khí trong nhà và để lại hậu họa cho sức khỏe của chính mình và những người thân yêu. Hóa chất thiên nhiên Thay vì dùng sản phẩm công nghiệp với những hóa chất độc hại nêu trên, chúng ta có thể tự mình tìm ra những biện pháp lành mạnh hơn, mà không kém phần hiệu quả. Nguyên liệu để “bào chế” những thứ nước rửa lành mạnh không cần kiếm ở đâu xa, chúng ở ngay trước mắt, là những thứ chúng ta vẫn dùng thường ngày mà thôi. Xin bạn ngó thử một vài thứ xem sao: - Giấm trắng: Dân Mỹ càng lúc càng lưu tâm hơn về công dụng của thứ “nước mầu nhiệm” này. Giấm trắng, một thứ “acid” thiên nhiên, có thể tẩy trùng, diệt mùi, và cực kỳ an toàn đối với môi trường. Vì những đặc tính này, giấm trắng sẽ là một nguyên liệu chính trong nhà máy “hóa chất thiên nhiên” sắp trình làng của chúng ta. Nếu chưa sẵn giấm trắng tại nhà, Hằng đề nghị bạn nên mua lấy một vài chai để sẵn nhé. - Borax: Xin đừng lầm với Boric Acid. Hai cái tên đọc lên nghe tương tự, nhưng Borax thì lành, còn Boric Acid thì độc. Borax có thể làm được những công việc sau đây: Tẩy trắng, khử mùi hôi, và nạo sạch vết nám… Chỉ có điều là Borax ít được nhắc tới, và không như giấm, Borax hơi khó kiếm. Nhưng thân làm tướng đâu quản ngại gian lao đi tìm hiền tài giúp nhà giúp nước, thế nào bạn cũng phải kiếm ra một vài hộp Borax để sẵn thì mới nói chuyện bào chế “hóa chất” thiên nhiên được. - Acid Citric: Cái chất này tiếng gọi là Acid, nhưng lại là một chất thuần thiên nhiên, bởi vì nó chính là nước cốt vắt từ trái chanh (Lemon Juice). Chất Acid Citric này kết hợp với những khoáng chất trong bồn cầu làm cho tiến trình nạo rửa trở nên dễ dàng hơn, giúp chúng ta tẩy sạch được cả những vết nám bướng bỉnh nhất do “nước cứng” để lại trên bồn cầu. Nếu không muốn mỏi tay vắt chanh lấy nước cốt, bạn có thể mua Acid Citric dưới dạng tinh ròng trên thị trường làm nguyên liệu cho nhà máy “hóa chất thiên nhiên”. - Baking Soda: Cái chất bột kỳ diệu này rất đắc dụng trong công tác cạo vét và khử mùi. Baking Soda rất dễ kiếm, và rẻ tiền, một nguyên liệu không nên bao giờ thiếu trong nhà bếp của chúng ta. - Dầu tinh thể (Essential Oils): Dầu tinh thể là bí quyết của những thứ thuốc tẩy thiên nhiên tự chế. Chiết xuất từ các cây thân thảo, nhiều loại dầu có tính năng diệt vi trùng, vi khuẩn, và diệt nấm. Dầu tinh thể chiết xuất từ cây trà (tea tree oil) là bí quyết tuyệt mật, bí quyết trên mọi bí quyết: Chỉ cần một nồng độ chừng 0,5% tới 1%, nó có thể biến các dung dịch nước rửa thiên nhiên thành “biển chết” của hầu hết các thứ vi trùng (bacteria)… Chỉ cần có những thứ nguyên liệu đó là chúng ta sẽ có thể cho nhà máy “hóa chất thiên nhiên” hoạt động ngay… trong bài lần tới. Quản trị gia đình với “hóa chất” thiên nhiên (kỳ 2) (VienDongDaily.Com - 19/10/2012) Vũ Hằng/Viễn Đông Có nhiều nguyên liệu thiên nhiên bạn có thể dùng để bào chế các thứ “thuốc” tẩy, thuốc rửa cho sink, cho bồn cầu… Làm như vậy mình được nhiều điểm lợi: Tự do sử dụng các nguyên liệu nào mình ưa thích và biết là an toàn nhất cho gia đình, mà các nguyên liệu này lại dễ kiếm, rẻ tiền và rất công hiệu. Lần trước, chúng ta có đề nghị mở một “nhà máy” hóa chất thiên nhiên với các nguyên liệu như giấm trắng, borax, acid nitric (nước cốt chanh), baking soda, và dầu tinh thể. Các bạn đã sẵn những thứ đó chưa? Bắt tay vào việc, trước hết chúng ta sẽ bào chế nước rửa bồn cầu. Sau đây là một số công thức từ dễ đến khó. Phương pháp đơn giản nhất Tốt nhất là lúc nào cũng có sẵn một bình xịt giấm và một hộp baking soda trong nhà tắm. Mỗi khi thấy cần phải ra tay, bạn có thể làm nhanh gọn như sau: - Giật nước cho ướt lòng bồn cầu. - Rắc baking soda vào trong lòng bồn. - Xịt thêm vài đường giấm. Giấm và baking soda hòa với nhau, tạo thành một hỗn hợp sủi bọt. Khi đó bạn lấy bàn chà đưa vào chà bên trong lòng bồn, rồi sau đó giật nước cho sạch. Kết quả là bồn cầu sẽ sạch bóng, mà không khí trong phòng tắm không hề bị ô nhiễm bởi bất cứ thứ hóa chất nào của thị trường. Phương pháp dầu tinh thể trà Có bạn thắc mắc là có phải dầu này ép từ những lá trà mình vẫn uống không? Thưa rằng, có và không! Đây là dầu ép từ lá cây Melaleuca alternifolia, nguyên thủy xuất phát từ Châu Úc. Dĩ nhiên lúc đầu người ta dùng lá cây này làm trà để uống nước, từ đó phát sinh tên gọi “dầu trà”. Nhưng nó được trọng dụng không phải chỉ như một thứ nước uống mà vì khả năng chữa bệnh: Từ lâu đời, người thổ dân Úc Châu mỗi khi bị thương tích, bị phỏng lửa hoặc bị nhiễm trùng, họ lấy lá “trà” vò nát, rồi đắp vào chỗ bị thương. Đời nay chúng ta có nhiều loại trà, nhưng không phải thứ nào cũng có thể lấy ra ép dầu rồi gọi là “tea tree oil” được đâu. Phải là cây trà có dược tính như nói trên mới công hiệu. Nhưng bạn đừng lo, mình không cần phải sang Úc mới mua được, “dầu trà tinh thể” hiện bán rất phổ thông trong các tiệm “health food”, và nếu dùng Internet, bạn có thể mua được dễ dàng từ mạng www.amazon.com Có thêm “dầu trà tinh thể”, sản phẩm của chúng ta sẽ khử mùi hôi, và có thêm khả năng sát trùng. Sau đây là cách biến chế: - Lấy một nửa (1/2) tách baking soda - 1 tách giấm trắng - Nửa (1/2) thìa canh dầu tinh thể cây trà (tea tree essential oil) - Hòa chung giấm với dầu tinh thể cây trà vào trong một bình xịt. Giật nước cho ướt lòng bồn cầu, rồi làm như sau: - Rắc baking soda vào lòng bồn cầu. - Xịt hỗn hợp giấm+dầu tinh thể vào trong bồn. - Xịt hỗn hộp giấm+dầu nói trên vào vành ghế ngồi, vào nắp bồn, và vào cần giật nước. - Để cho “thuốc” ngấm ngáp khoảng 10 phút. - Sau đó lấy bàn chà đưa vào trong bồn chà cho sạch - Ở bên ngoài, như vành ghế ngồi, nắp bồn, cần giật cầu thì lấy vải khô lau sạch. Bây giờ bạn sẽ có một cái bồn cầu sạch từ trong ra ngoài, sạch ngay cả ở tay vặn nước, ngồi êm mông mà không sợ bị lây… ghẻ từ những cái mông khác. Phương pháp “heavy-duty” Phương pháp này gọi là “heavy duty”, tức là biện pháp đối phó với những vòng nám quá bướng bỉnh bên trong bồn hoặc ở bất cứ đâu. Với biện pháp này, bảo đảm không có một thứ gì ương ngạnh ở lại được nữa. Và mùi hôi cũng phải tìm chỗ chuồn cho xa. - Lấy 3/4 tách borax - 1 tách dấm trắng - 10 giọt dầu tinh thể oải hương (Lavender essential oil) - 5 giọt dầu tinh thể chanh (Lemon essential oil) - Đổ tất cả nguyên liệu nói trên vào trong một cái chén hoặc cái bình xịt. Rồi tuần tự thực hiện các bước sau đây: - Giật nước cho ướt lòng bồn cầu - Đổ hỗn hợp nói trên vào lòng bồn cầu - Để yên ắng trong vài giờ hoặc qua đêm – Trong thời gian đó thì cấm vận phòng tắm, không ai được dùng cả. Tốt nhất là khóa lại trong thời gian cấm vận. Vì thế, phải có một phòng tắm thứ hai để giải quyết… bầu tâm sự. - Sáng hôm sau lấy bàn chà ra, đưa vào chà trong lòng bồn cầu, sau đó dội lại nước cho sạch. Bảo đảm bồn cầu sẽ sáng bóng, lại còn thoảng mùi hương dễ chịu của oải hương và chanh… Ôi những hương vị gợi biết bao niềm nhớ. Cứ từng bước như vậy, bắt đầu với cái bồn cầu, rồi dần dần với bồn tắm, nhà bếp… ở đâu mình cũng dùng sản phẩm của “nhà máy hóa chất thiên nhiên” được cả. Mấy thương hiệu thị trường chắc phải đứng nhìn mà khóc thôi. Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 2, 2012 7:31:47 GMT 9
Nước rửa thơm mùi trái chanh (VienDongDaily.Com - 25/10/2012) Vũ Hằng/Viễn Đông
Mùi chanh thơm dịu rất được ưa chuộng trên những mái tóc huyền, gợi lên cả một trời thơ man mác trong lòng các anh các ông. Vậy, nếu mình có thể làm cho nó đi xa hơn, xuống cả mấy cái sink rửa chén nữa thì nó có thể khiến mấy ông xăn tay áo xông vào rửa chén giúp vợ không? Câu trả lời là chưa chắc. Nhưng có một điều Hằng biết chắc, ấy là một sink nước như vậy sẽ giúp mình rửa chén bát sạch sẽ hơn rất nhiều. Bạn bè của em, có nhiều đứa lúc đầu không tin, bởi vì chúng không thấy bọt sủi lên, rốt cuộc cũng phải tin. Thực ra, như chúng ta nói với nhau nhiều lần rằng, cái đám bọt đó chỉ để vui mắt thôi, chứ chẳng phải là dấu hiệu sạch sẽ đâu. Điều quan trọng là làm sao diệt được vi trùng và khử được dầu mỡ. Công tác ấy thì giấm và dầu tinh thể chanh thi hành rất mẫn cán, hiệu quả gấp đôi những thứ xà bông rửa mình vẫn mua ở chợ về. Để Hằng nói chi tiết các bạn nghe: - Lấy chai giấm trắng, rót ra 1/2 tách cho tới ¾ tách. - Lấy hộp baking soda, đổ ra ¼ tới ½ tách. - Lấy một cái tách khác, nhỏ vào đó 10 tới 12 giọt dầu tinh thể chanh (lemon essential oil). Để những thứ này sẵn đấy. Bây giờ, chặn đường thoát nước ở đáy sink, rồi mở nước cho đầy sink. Đổ tất cả các thứ trên đây vào, tạo thành một dung dịch nước rửa không xà bông. Nói trước để các bạn yên tâm, nước rửa không có xà bông, nhưng đố có “đứa” nào vượt qua mặt nó được đâu, ấy là chưa kể cái mùi chanh thơm ngan ngát, gợi nhớ cả một trời mơ. Có sẵn sink nước đó rồi, bạn bắt đầu rửa chén đĩa như bình thường. Nhưng nhớ để dành những thứ nào nhiều dầu mỡ nhất rửa sau cùng. Nếu cần, bạn có thể thêm một vài giọt xà bông castile vào dung dịch nước rửa trên đây thì càng tốt. Sau đó rửa lại bằng nước lạnh.
Xà bông cho máy rửa chén Tận dụng Citric Acid, một chất kỳ diệu trong công thức này, sẽ làm cho chén đĩa vừa sạch vừa sáng bóng. Nhất là khi nhà bạn vẫn dùng nước cứng (hard water), là thứ nước để lại cặn vôi trên các đồ dùng. Rửa ly tách chén đĩa bằng nước cứng sẽ làm cho thủy tinh lu mờ, đồ dùng có thể sạch nhưng không còn sáng bóng. Chính vì thế nhiều gia đình phải lắp thêm hệ thống water softener tốn kém đến vài ngàn để làm mềm nước. Công thức sau đây giúp bạn tránh được khuyết điểm đó, cho dù hiện tại mình chưa có khả năng lắp đặt một hệ thống water softener như thế: - 1 tách borax - 1 tách washing soda - ½ tách citric acid Xin nói về công dụng của từng nguyên liệu: Borax: Là một chất khoáng có trong thiên nhiên, nằm sâu dưới lòng đất. Nhưng mình không cần phải trở thành thợ mỏ, chỉ việc chạy ra Walmart là có ngay. Borax có công dụng khử trùng, làm mềm nước, xả sạch cặn vụn thức ăn ra khỏi đĩa chén. Washing Soda: Gần giống như Baking Soda, nhưng khả năng chùi rửa mạnh tay hơn. Làm mềm nước và khử dầu mỡ rất hiệu nghiệm. Washing Soda khá phổ thông trên thị trường với thương hiệu Arms&Hammer, có bán nhiều ở Walmart. Kosher Salt: Muối Kosher là muối cục, khác với muối hột mịn để trên bàn ăn. Nhưng dùng muối Kosher trong dung dịch nước rửa có thể giúp làm mềm nước, tẩy trùng hiệu quả. Có thể tìm thấy trong chợ. Citric Acid: Đây là một thứ Acid thiên nhiên có mặt trong nhiều thứ trái cây. Là một yếu tố quan trọng để khử các màng vôi để lại từ nước cứng. Citric Acid có thể mua tại các tiệm bán Health Food, hoặc qua mạng. Công thứ 1: Để riêng Citric Acid ra một bình chứa. Dùng một bình khác để hòa trộn Borax, Washing Soda và Muối Kosher chung với nhau. Khi mang ra sử dụng, bạn có thể dùng một thìa “xà bông” và một thìa Citric Acid cho một lố chén đĩa. Công thức 2: Hòa borax, washing soda và citric acid vào với nhau. Tuy ở dưới dạng bột nhưng Citric Acid chứa nhiều phân tử nước, kết dính các thứ bột lại với nhau, rồi khô lại thành một cục đá tảng rất cứng. Lúc đầu chưa quen, Hằng phải kiếm con dao để bửa ra được từng miếng nhỏ, hoặc bỏ tảng xà bông vào máy xay thức ăn nghiền nhỏ ra rồi mới xài được. Thực đúng là “giết gà mà phải dùng tới dao mổ trâu”! Để tránh tình trạng “mất mặt” phiền phức đó, sau này, em đổ tất cả cái hỗn hợp ấy vào những khay làm đá, đặt trong Freezer. Ở đây, các “cô cậu” sẽ tự do thoải mái kết dính với nhau, chẳng ai buồn ngăn cấm. Rốt cuộc, chúng ta sẽ có những cục “xà bông” đá trong từng ngăn. Khi dùng thì lấy những cục đá đó ra bỏ vào khoang xà bông trong máy để chúng chảy dần ra. Lúc mình làm thì ai cũng cho là… con khùng. Vỡ lẽ ra mới biết con nhỏ này vẫn còn khôn lắm, chưa có khùng đâu. Tiết kiệm: Công thức trên cho ta một sản phẩm xà bông hiệu quả cao hơn thị trường nhiều. Thế nên, khi sử dụng bạn chỉ cần dùng một nửa lượng xà bông là đủ. Cụ thể, xà bông thị trường giá chừng 7 xu/ounce, một lố chén đĩa cần khoảng 2 ounce, tức là tốn mất 14 xu xà bông. Với sản phẩm tự chế này, bạn mất 10 xu cho một ounce, nhưng khi dùng thì chỉ cần nửa ounce xà bông là được việc. Xét về phí tổn, bạn mất 5 xu so với 14 xu khi dùng sản phẩm thị trường. Như vậy mình tiết kiệm được 9 xu, tương đương 280% đấy. Bạn thử như vậy đi, để xem thiên hạ còn ai dám gọi mình là con khùng hay không? Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Jun 2, 2013 0:34:46 GMT 9
Cửa Garage: Loại nào an toàn hơn? (VienDongDaily.Com - 16/05/2013) Vũ Hằng
Về vấn đề này, Hằng đồng ý với ông xã nhà mình là cửa nào cũng phải đóng chặt và khép kín, nhưng nếu xét về chi tiết thì có nhiều điều khiến chúng ta phải so đo khi suy nghĩ “Nên lắp loại cửa Garage nào: Tự động hay mở bằng tay?”
1. Sự tiện lợi của cửa tự động Về phương diện này, ai cũng thấy rõ là cửa garage tự động tiện lợi hơn nhiều: Bạn chỉ cần ngồi yên một chỗ ở trong xe, bấm một cái nút nhỏ trên máy Remote Control là cánh cửa nặng nề mở ra để bạn khoan thai lái xe vào bên trong. So sánh với ngày xưa, bất chấp nắng mưa, bão gió, bạn đều phải xuống xe, mở cửa, kéo cửa, rồi chống cửa lên... mới đưa xe vào nhà được, thì quả thật cửa tự động bây giờ phải gọi là... cửa thiên đàng. Thêm một tiện nghi nữa chỉ được khám phá khi bạn đi làm về trong một chiều mùa đông: Mới có 5, 6 giờ chiều mà trời đất đã tối mịt, bạn bấm remote cho cửa mở, thì ngay lập tức nhà xe cũng bừng sáng nhờ một ngọn đèn tự bật lên theo với cánh cửa. Không có nó, chắc bạn lại phải mò mẫm chán mới tìm được công tắc đèn ở đâu đó trong nhà xe giống như mỗi khi mở cánh cửa thủ công trước đây.
2. Sự tiện lợi của cửa thủ công Nhưng nói như vậy không có nghĩa là cửa thủ công, hay cửa mở bằng tay, phải hoàn toàn tuyệt tích giống như số phận những con khủng long trên mặt đất này. Thực tế nhiều người vẫn không muốn thay bằng cửa tự động khi tân trang, thậm chí có người xây nhà mới mà vẫn lắp cửa thủ công kiểu cũ. Những lý do khiến chúng được ưa chuộng cũng chính là những khuyết điểm của cửa tự động: - Động cơ tự động có thể bị giải mã dễ dàng: Giải mã tức là bị ăn cắp mật mã. Còn động cơ là bộ máy gắn bên trong cửa, tiếp nhận làn sóng chỉ huy do bạn bấm trên máy Remote Control, rồi từ đó phát lệnh cho các bộ phận khác đáp ứng bằng cách mở cửa hoặc đóng cửa. Làn sóng chỉ huy, tuy vô hình, nhưng vẫn có thể ăn cắp được, nếu người ta biết tần số của nó. Theo chú của Hằng, cũng chính là “ông giáo già” dạy Vật Lý trung học ngày xưa, thì đó là chuyện nhỏ, bởi vì trên thị trường hiện nay có nhiều thứ máy - giá chỉ khoảng $50 - giúp kẻ gian “đánh hơi” được tần số của những làn sóng ấy. Với một cái máy như vậy, kẻ gian có thể tự mình đóng mở cửa những lúc chủ nhân vắng mặt để tha hồ tự tung tự tác trong garage, rồi tìm đường vào nhà... Nghe thật đáng sợ, phải không? Hằng có đề nghị với chú là gài thêm một ổ khóa tay nữa cho an toàn. Ông giáo già cười cười, “Dĩ nhiên, nhưng làm như vậy là biến cửa tự động thành cửa thủ công rồi đấy!” - Cửa tự động có thể bị … gạt: Cửa mở lên rồi và bạn đang de xe từ trong nhà ra, thì thằng con trai 4 tuổi cầm lấy cái Remote, nghịch ngợm bấm vào cái nút... đóng cửa: Cánh cửa từ từ bập xuống ngay trên mui xe của bạn, tưởng đâu sắp nghiền nát cái xe. Nhưng vừa chạm vào mui xe thì cửa lại từ từ nâng lên, do cảm ứng chướng ngại trên đường di chuyển. Thật là một phản ứng hết sức khôn ngoan của cái cửa tự động. Bằng không, ngoài cái xe bị hư hại nặng, không biết số phận những người ngồi trong đó sẽ ra sao? Nhưng ông giáo già bảo rằng chính cái điểm khôn ngoan này lại trở thành điểm yếu của cửa tự động. Bạn có thể đánh lừa nó bằng cách lấy một đồ vật ngáng trên đường ngang nơi cánh cửa đóng xuống, thì khi chạm vào đồ vật ấy, cánh cửa cũng tự động mở lên, không khép lại nữa. Nếu chơi cái trò đánh lừa ấy không phải bạn mà là bọn gian phi đã rình mò lâu ngày, thì thật đúng là cơ hội làm ăn ngon lành. Mặc dầu trên thực tế, kẻ gian không thể dàn xếp được cái trò lừa đó mà không bị người trong nhà phát giác, nhưng phải nhận rằng đó là điểm yếu. Với cửa thủ công, nếu bạn đã đóng và khóa lại thì kẻ trộm muốn vào nhà phải tìm cách khác, chứ không thể gạt gẫm như vậy được. - Tốn kém bảo trì và sửa chữa: Dùng cửa tự động, ngoài chi phí lắp đặt ban đầu, chúng ta còn phải dự trù tốn kém khi sửa chữa. Nếu bấm Remote mà cửa vẫn cứ trơ ra, không nhúc nhích, thì đó là dấu hiệu cho thấy trục trặc mà có lẽ phải tìm đến thợ chuyên môn với một chi phí không nhỏ. Trong khi đó, cửa thủ công có thế nào chăng nữa bạn vẫn tự lo được. Mà xét cho cùng, cửa thủ công có bao giờ trục trặc đến mức làm khó bạn được đâu. Ấy là chưa kể ngay cả khi cửa tự động không hư hại gì mà vẫn không chịu nhúc nhích. Là vì toàn thể hệ thống điện trong nhà đã bị cúp. Máy móc đình công kiểu này thì bạn không phải đôn đáo đi tìm thợ chuyên môn, cũng không phải bỏ tiền ra sửa chữa. Nhưng chẳng lẽ bạn lại chỉ đứng im, bó tay nhìn cái cửa đóng không cho xe vào, hoặc khổ sở nhìn cái cửa mở toang hoác không khép lại được? Tình cảnh này thật rõ là bất tiện, phải chi cứ dùng cửa thủ công để muốn mở đóng lúc nào cũng được có phải tốt hơn không? Hay là, liệu có cách biến cái cửa garage tự động trở thành cửa điều khiển bằng tay trong lúc cúp điện không? À chuyện này ông Cả Đẫn nhà em có thể giúp vài ý kiến. Hẹn gặp lại lần sau để xem ổng nói gì nhé!
Vuhang231@yahoo.com
Cửa garage kẹt, không chịu mở (VienDongDaily.Com - 21/05/2013) Vũ Hằng
Nhà bạn đã lắp cửa garage tự động, nhưng có lúc tìm mãi không thấy cái Remote để đâu, hoặc có remote trong tay mà bấm hoài cửa vẫn không mở lên. Đó là điềm sắp mất tiền cho thợ? Chưa hẳn vậy đâu, có thể chỉ là vì cả vùng bị cúp điện. Dù thế nào chăng nữa vẫn là chuyện nhỏ, chuyện lớn hơn là đã sát giờ đi làm. Chắc đành phải ra ngoài đường vẫy tắc xi, rồi chiều về hậu xét. Nhưng khoan, bạn có thư thư được một chút nữa không? Như đã nói trước, ông Cả Đẫn nhà em hứa có cách “đổi hệ,” bảo đảm giúp bạn đưa xe ra khỏi nhà trong vòng 30 giây…
Cậy nhờ… thần chú Có thể như vậy, bởi vì mọi người đều thấy ông Cả Đẫn làm phù phép: Ổng thọc 2 tay vào túi quần, không hiểu tìm cái gì mà người ngoài nhìn vào chỉ thấy nổi lên những cục ngồn ngộn bên trong… Với đôi mắt hơi nhắm và miệng lầm rầm như đang đọc thần chú, bất ngờ ông vung tay lên, giật mạnh một cái… Mở mắt ra, ổng nói, “Được rồi đấy!” rồi dùng 2 tay kéo cánh cửa lên. Quả là phép thần, cánh cửa từ từ nhấc lên, để bạn phóng xe ra trót lọt, rồi ổng mới từ từ hạ nó xuống. Nhìn lại đồng hồ, kể từ khi ổng bắt đầu niệm chú cho đến bây giờ mới chỉ có… 28 giây! Có thể bạn ngạc nhiên lắm, cũng như Hằng lần đầu tiên xem ổng trổ tài. Thật ra thì sự việc rất đơn giản, và chính vì nó đơn giản quá nên ổng muốn làm thêm trò “ma thuật” để trộ mình thôi. Nhưng ở với em lâu ngày, ổng có còn giữ được cái gì bí mật nữa đâu. Sau đây, Hằng xin bật mí cái mánh đó để các bạn sử dụng trong lúc emergency.
Bí quyết đổi hệ Hóa ra chẳng có gì mà phải kêu thần gọi thánh. Bí quyết là sợi dây màu đỏ treo toòng teng giữa nhà, móc vào cái trục kéo cửa. Ở một đầu trục là cái hộp vuông chứa phần máy chính, gọi là Door Opener; ở đầu kia là cánh cửa. Cái dây thường được đánh dấu màu đỏ, nhưng có thể cái dây ở nhà bạn mang màu khác thì cũng là nó thôi. Bạn nắm lấy đầu dây, nếu cần kê thêm một cái thang nhỏ để leo lên nắm cho dễ dàng. Nhìn lên trên, bạn thấy sợi dây móc vào một cái cần nhỏ. Nhá nhá sợi dây, bạn nghe được cảm giác cái cần có nối với một lò so ở bên trong. Kéo mạnh sợi dây về phía cánh cửa để hạ cần xuống, bạn sẽ thấy khớp đầu dây mở rộng hơn một chút: Cơ chế chuyển động cửa đã được tách rời khỏi sự chi phối của đầu máy (door opener) Bây giờ, bạn có thể dùng tay nâng cánh cửa. Một cách rất nhẹ nhàng, cửa sẽ chạy theo các bánh xe lăn trong rãnh và từ từ nâng lên. Nhớ phải chờ cho đến khi cánh cửa rút hết lên trên mới yên trí. Nếu chỉ do cúp điện hoặc trục trặc Remote Control, chắc chắn cánh cửa sẽ di chuyển nhẹ nhàng. Nếu nâng cửa lên không được, nguyên nhân có thể do khớp chưa mở hẳn và cửa vẫn còn dính vào đầu máy, bạn nên giật dây đỏ một lần nữa cho chắc ăn. Nếu cửa vẫn không di chuyển, thì nguyên nhân là do hệ thống lò so mất cân đối hoặc bánh xe trật khớp. Cũng may trường hợp này ít xảy ra, bằng không thì thần chú của ông Cả Đẫn, có tụng cả ngày cũng không thể linh nghiệm. Sau khi cho xe ra hoặc làm xong công việc, bạn nên hạ cánh cửa xuống. Chờ đến khi nó chạm đất rồi dùng một thanh sắt chặn ngang cho chắc chắn. Bởi vì, cánh cửa lúc này chỉ là khép tạm, bất cứ ai ở ngoài hay ở trong nhà cũng có thể đẩy lên được.
Lại đổi hệ: Thủ công thành tự động Có thể bây giờ điện đã lên rồi, bạn muốn đưa cửa về tình trạng tự động như cũ: Lại nắm cái dây đỏ, giật mạnh, nhưng lần này thì kéo ngược về phía đầu máy (door opener). Bạn sẽ thấy cái khớp ở cần gạt khép lại nhỏ hơn, và hệ thống chuyển động cửa được nối vào với máy như trước. Bây giờ thử bấm Remote xem thế nào. Nếu dây xích chuyển động nhưng cửa không mở, bạn có thể kéo dây một lần nữa cho đến khi hệ thống khớp vào nhau. Như vậy, chỉ với những động tác rất đơn giản qua sợi dây đỏ, chúng ta có thể “đổi hệ” cho cửa garage - tự động thành thủ công hay thủ công thành tự động, tùy thích và tùy nhu cầu -một cách rất dễ dàng. Tuy nhiên, có vài điều cần lưu ý trong khi biến đổi: Chỉ đổi thành thủ công nếu cửa đang bị đóng. Nhưng khi cửa kẹt mở, không đóng vào được thì chớ dại dột: Đổi dạng lúc này có thể làm cánh cửa đổ xuống bất ngờ, nghiến nát đồ vật trên nền nhà, hoặc gây tai nạn đáng tiếc. Khi đổi trở lại dạng tự động, nhớ tháo gỡ khóa cửa hoặc thanh chặn bạn mới lắp vào trước khi sử dụng Remote. Mở cửa tự động trong lúc vẫn có thanh ngang chặn cửa sẽ gây ra nhiều tổn hại nặng nề. Vậy là Hằng đã tiết lộ hết cả bí mật rồi. Ông Cả Đẫn không còn đường phù phép, thế nào ổng cũng giận, có thể cả vài tuần chẳng ngó ngàng gì tới em! Ngẫm ra lại thấy tội nghiệp…. ổng! Vuhang231@yahoo.com
Cách trị cửa garage ồn ào (VienDongDaily.Com - 28/05/2013) Vũ Hằng
Cửa garage ồn ào kêu than ầm ĩ thì sẽ có cách trị, và ngay cả khi cửa không lên tiếng gì cả, mình vẫn phải săn sóc nó ít nhất một năm một lần, ông chú em bảo thế. Công việc không có gì phức tạp, chủ yếu là tra dầu nhớt để bôi trơn lò xo và ròng rọc mà thôi. Trước hết, mình phải kiếm một bình White Lithium Grease. Đây là một chất mỡ màu trắng, được nén trong những bình thiếc nhỏ, xịt ra giống như hơi sơn, khô rồi đọng lại thành một màng mỡ mỏng dùng để bôi trơn các bề mặt kim loại khi chúng cạ vào nhau, chẳng hạn như bản lề, khóa cửa, lò xo, ròng rọc... Sản phẩm này được bán ra dưới nhiều thương hiệu khác nhau tại các cửa hàng bách hóa như Lowes, Walmart, Target... Thương hiệu nào cũng được, miễn có chữ White Lithium Grease, chứa trong bình xịt, xài rất tiện. Kiếm được “đồ nghề” mang về nhà là mình có thể ra tay ngay. Chú của Hằng dặn rằng có làm gì cũng phải bảo đảm an toàn, nhất là đối với những vật dụng to lớn nặng nề như cái cửa garage. Sau đây là một vài hướng dẫn của chú: 1. An toàn: Luôn luôn làm việc trong vị trí cửa đóng. Bởi vì nếu cửa để mở, nguyên tấm gỗ nặng nề lơ lửng trên cao mà giáng xuống bất ngờ có thể gây tai nạn lớn, hoặc làm thiệt hại nặng nề. 2. Giải tỏa bộ phận tự động, tức là biến cửa tự động thành cửa kéo tay, bằng cách giật sợi dây đỏ về phía cửa. Thử lại bằng cách bấm remote control, thấy cửa không nhúc nhích, hoặc dùng tay nâng cửa lên được, đó mới là dấu hiệu chắc ăn cho biết cửa không còn dính điện nữa. Chú dặn thêm là nếu chỉ dùng một tay mà bật cửa lên được, thì coi chừng cửa có thể bật lên cao quá, rồi nửa chừng rơi sầm xuống là phiền lắm đó. 3. Lau sạch các rãnh cửa: Tra dầu mỡ sẽ trở thành vô ích nếu các khe kẽ ở rãnh cửa còn quá nhiều bụi bậm. Vì thế, cần phải dùng giẻ mềm lau sạch rác rến, và tẩy bỏ dầu mỡ cũ đã biến thành mầu đen xỉn ra trước, càng nhiều càng tốt. 4. Bôi trơn lò xo (springs): Giai đoạn chính là tra dầu mỡ, trước hết với những ống lò xo chạy ngang trên đầu cửa. Bạn quay về phía cửa, nhìn lên là thấy ngay. Đây là những ống lò xo lớn có sức đàn hồi rất cao. Đừng bao giờ và cũng không cần thiết lấy tay sờ chạm vào chúng. Mình chỉ cần kê một cái ghế cao, rồi chĩa bình, xịt dọc theo ống lò xo, cho các tia “mỡ” chạm vào mặt ngoài của ống là được rồi. Mỡ sẽ từ từ chảy len vào bên trong ống khi cửa garage hoạt động. 5. Bôi trơn rãnh cửa và bánh xe Rãnh cửa là đường “ray” để bánh xe di chuyển trong lúc kéo cửa lên, và hạ cửa xuống. Bạn có thể xịt một đường mỏng dọc theo rãnh ngang, nhưng không cần quá dầy. Với rãnh dọc thì xịt trên đầu rãnh rồi để mỡ từ từ lan xuống. Nếu bánh xe làm bằng sắt thì nên tặng vài tia, nhưng bánh xe bằng Plastic thì không cần. 6. Bôi trơn trục kéo (shaft): Trục kéo là thanh sắt lớn chạy dọc từ hộp máy ra tới cửa. Đây là cơ chế chính điều khiển hoạt động của cửa, nên sớm bị hao mòn. Dùng bình xịt để đưa White Lithium Grease dọc theo trục kéo, bôi trơn chuyển động của cửa để hạn chế tác hại của ma sát. 7. Bôi trơn bản lề: Bản lề cửa Garage chịu nhiều ma sát, nên mỗi bản lề cũng xứng đáng được vài tia. Công việc chỉ có thế. Khi mới xịt, nhờ màu trắng nổi bật, chúng ta có thể thấy tia mỡ len vào trong các khe kẽ. Khi khô rồi, mỡ sẽ trở thành chất bôi trơn và bảo vệ rất hiệu quả cho các bộ phận của cửa garage. Vài tiếng đồng sau, bạn có thể “lắp” máy trở lại, và dùng remote control để điều khiển: Cửa sẽ di chuyển một cách nhẹ nhàng và êm ái, không còn nghe một tiếng rên rỉ than van nào nữa. Về phần bạn, nhớ rửa tay kỹ càng sau khi dùng bình xịt White Lithium Grease nhé. Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Jun 2, 2013 0:41:19 GMT 9
Bôi trơn bằng cách nào? (VienDongDaily.Com - 23/05/2013) Vũ Hằng
Những đồ vật chúng ta phải nhắc lên, hạ xuống hằng ngày bao gồm nhiều thứ, như tờ giấy bạc, cái đồng hồ, tờ báo, con dao, thùng sách vở… Thường thì đồ vật càng nhẹ càng đỡ mệt, chỉ trừ khi đó là cái túi tiền hoặc túi vàng! Trong số những thứ phải di chuyển mà nặng nhất trong nhà, bạn biết cái gì không? Đó là thứ chúng ta đang nói đến trước nay: Cái cửa garage! Cái món nặng nề này mà “trở bệnh” thì thực sự khó cho chúng ta lắm. Chính vì thế mà nhiều người phải gắn mô-tơ để đóng vào mở ra cho đỡ mệt. Nhưng có nhiều khi cửa tự động cũng làm khó và không chịu “mu.” Nên lần trước chúng ta mới phải bàn về cách biến nó thành cửa thủ công để có thể dùng tay làm cho nó nhúc nhích. Tuy nhiên, bệnh của cửa Garage không phải chỉ có vậy. Vẫn mở ra, đóng vào được, nhưng mỗi lần “mu” là nó nghiến răng thấy thảm, hoặc cót két kêu rầm trời. Trị những tiếng rên rỉ than van này là phải bôi trơn. Nhưng bằng cách nào?
Dùng WD40? Lý do gây ra những tiếng rên rỉ hoặc nghiến răng đó là do bánh xe khô dầu, rỉ sét, hoặc bám bụi. Vậy, nếu bạn có nghĩ ngay đến bình xịt WD 40 đa dụng có sẵn trong tủ bếp cũng là phải. Bình thường Hằng cũng làm như vậy thôi. Nhưng gần đây, một bạn đọc gửi thư đến cảnh cáo là “đừng dùng WD 40 trên cửa garage nhé” làm cho con bé khựng tay, phải đi thỉnh ý “ông giáo già” cho chắc ăn, và được thầy giải thích như sau: WD40 đa năng đa dụng thật. Được sử dụng trong trường hợp này, WD 40 cũng giúp ích được ít nhiều, bạn sẽ nghe thấy cái cửa bớt ca cẩm rền rĩ ngay. Vì thế, nhiều khi chúng ta coi nó là một chất lỏng bôi trơn (lubrication). Nhưng nghĩ như vậy là hiểu lầm, WD40 không bao giờ là chất bôi trơn. Đúng ra, nó là một thứ nước rửa, hiệu nghiệm nhất là khi dùng để rửa sạch rỉ sét. Thì còn chỗ nào để bụi bậm cũng như rỉ sét tụ tập nhiều hơn là ở các đường rãnh hai bên cửa garage, hệ thống bánh xe, và ròng rọc giúp cửa di chuyển nữa chứ? Chính vì vậy mà xịt WD40 chắc chắn làm cánh cửa lên xuống nhẹ nhàng hơn. Đó là nhờ công dụng tẩy sạch và khử rỉ sét của WD40, chứ không phải nhờ bôi trơn. Nhưng tác dụng của WD40 không được lâu, bởi vì nó chóng khô, và cửa sẽ di chuyển nặng nề trở lại, ấy là chưa kể WD40 có thể chảy rớt xuống trên mui xe, trên đầu người qua lại, gây bực mình không ít. Vì thế, nếu bạn có dùng WD40 thì đừng mong nó giúp mình lâu, và sau đó phải nhớ lau khô sạch sẽ, để tránh dây bẩn vào các thứ khác. *Dùng mỡ bò (grease)? Nếu không dùng WD40 để bôi trơn, nhiều người chắc sẽ nghĩ ngay đến “mỡ bò.” Cái thứ “mỡ” này thì ông Cả Đẫn ở nhà Hằng có cả hộp lớn trong thùng đồ nghề sửa xe. Công dụng của mỡ đúng là để bôi trơn, dùng nó cho lò so, ròng rọc, bánh xe và các rãnh di chuyển của cửa garage thì cứ gọi là trơn như… bôi mỡ. Nhưng như Hằng thấy, mỡ rất “bắt” bụi, thoa vào những chỗ hở ra ngoài không khí chỉ tổ làm mồi cho bụi đất rác rến bám vào. Chắc mỡ này chỉ được dùng để thoa …. chỗ kín? Ông Cả Đẫn xài thường lắm mà chẳng kêu ca gì, để em hỏi lại xem có đúng vậy không. Chứ hở như cái cửa garage mà bôi vào, chắc chỉ có mấy ngày là bụi đất quyện với mỡ, làm thành những tầng “bựa đen” dính vào rãnh cửa và các khe ròng rọc, làm cái cửa liệt luôn, chứ đừng mong nó trơn tru hơn.
Nhớt thì sao? Có phải cái thứ nhớt mình vẫn châm cho máy xe không? Ông Cả Đẫn bảo đúng, nhớt có tác dụng bôi trơn rất tốt, nhờ nó mà máy móc trong xe hơi không cạ vào nhau, nên mới hoạt động được. Nhớt là chất lỏng đặc biệt thích hợp để bôi trơn các khe ròng rọc nhỏ bé. Dầu vậy, dùng nhớt để bôi trơn cửa garage là không được rồi, bởi vì nó sẽ rỏ xuống nhễ nhãi, còn tệ hơn là WD40 nữa.
Những chất bôi trơn thích hợp Thực ra, muốn làm im những tiếng nghiến răng, kêu than rầm rĩ đó, chú của em bảo có một thứ sản phẩm khác, vừa vặn thích hợp cứ y như là hàng “cắt may theo ni tấc” cho cửa garage vậy. Trước hết, nó bôi trơn theo đúng nhu cầu, mà lại không dễ khô, không nhỏ xuống nhễ nhãi, không để bụi bậm đóng tầng trên các bề mặt được thoa vào. Nó đặc biệt thích hợp với cửa garage, bánh xe lăn, bản lề, ròng rọc, ổ khóa, v.v…. Tên của nó là White Lithium Grease, và Silicone-based Lubricant. Chú của Hằng mới bật mí đến đó, mà lại chỉ nói tên Mỹ. Chú bảo, kiếm cho chú … ly xây chừng đã rồi chú nói tiếp cho nghe. Được chứ, các bạn chờ Hằng vào pha xây chừng cho chú, rồi mình nói chuyện tiếp nhé. Vuhang231@yahoo.com
WD-40 có thể trị đau khớp được không? (VienDongDaily.Com - 19/04/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Mặc dầu rất khâm phục WD-40 về khả năng nhiều mặt của nó, nhưng Hằng thực sự ngạc nhiên khi nhận được thư của một độc giả hỏi rằng “WD-40 có trị bệnh thấp khớp được không? Tôi nghe nói có nhiều người đã dùng nó để thoa mà cơn đau giảm bớt? Thực hư thế nào?” Có phải thấp khớp là bệnh thể hiện qua các triệu chứng như đau đầu gối, khuỷu tay, đau ngón, đau vai... không? Từ gợi ý của bạn, Hằng tham khảo thêm, và hay biết vài câu chuyện rất lý thú, trước tiên là về ông Eric McKaig, nguyên là tay chơi Golf nhà nghề nhưng nay đã bước vào tuổi thất thập, tuyên bố rất phấn khởi, “Thật đúng là thần dược trời gửi đến cho. WD40 giúp tôi đỡ đau nhiều lắm. Mấy tuần trước đây, tôi còn chạy quanh vườn với thằng cháu nội được nữa kìa. Chuyện đó trước đây thì đừng hòng, 3 năm nay rồi, đi nhanh còn không dám, nói gì chạy.” Còn Ron Andrew, một bạn già của McKaig, đã gần 80 tuổi cũng vốn là tay chơi Golf, tâm sự, “Sân Golf có một đồi dốc khá cao, khiến đầu gối tôi đau như dần mỗi khi phải leo lên. Nhưng xịt ít giọt WD-40 thì từ từ thấy giảm đau. Rồi từ đó mỗi ngày tôi xịt vài ba lần, bệnh đau đầu gối bây giờ coi như đã hết hẳn. Nói ra không ai tin được!” Không ai tin được thật, và nó cũng vượt ngoài khả năng giải thích của con bé nhà quê này, nhưng không thể phụ lòng tin cậy của các bạn, nên em có đem thắc mắc đó ra hỏi lại nhỏ bạn bác sĩ. Thì nó cười ngất và bảo, “WD-40 là cái gì mà lại ích lợi… bách khoa như vậy? Hóa ra mấy cái khớp xương khô dầu cũng giống mấy cái bản lề han rỉ hay sao?” Rồi con nhỏ nói thao thao như được gãi đúng chỗ ngứa, “Bản cô nương đây cũng nghe thiên hạ hỏi câu đó nhiều lần, ai ngờ bây giờ lại tới lượt nhà báo? Thế nhà báo có biết do đâu lại có cái tên WD-40 không? Đó là ký hiệu tắt của cái tên đầy đủ “Water Displacement – 40th attempt.” Là vì, cha đẻ của nó, kỹ sư hóa chất Norm Larsen, sáng lập viên công ty Rocket Chemical Company, phải thử đến lần thứ 40 mới tìm ra công thức hoàn hảo nhất để chế ra một sản phẩm ứng dụng nguyên tắc “thay thế nước” nhằm ngăn ngừa rỉ sét trong các đầu đạn nguyên tử. Đó là mục tiêu ban đầu vào năm 1953, nhưng càng về sau, người ta lại càng khám phá ra những công dụng bất ngờ của sản phẩm, và tạo ra những nhóm ái mộ WD40 ở khắp nơi, y như những nhóm “fans” của ca sĩ hoặc tài từ màn bạc vậy. Mặc dầu nhà sản xuất đã cho phổ biến một cuốn sách với hơn 2,000 công dụng của WD-40, nhưng giới ái mộ còn đi xa hơn, thậm chí có người còn cho rằng họ chỉ xịt WD40 ở ngoài da thôi, mà cũng hết hẳn cơn đau đang hành hạ các khớp xương đầu gối, cổ tay, háng…” Vậy là bác sĩ cũng công nhận? Câu chuyện càng lúc càng hứng thú, khiến con bé nhà quê cứ ngẩn mặt ra nghe. Được thể bác sĩ nhà ta hứng chí kể tiếp, “Nhưng về phương diện y khoa, không có một căn cứ khoa học nào để giải thích chuyện đó cả. Cái tác dụng mà người đau khớp thấy được có thể chỉ là một hiệu quả… tưởng tượng hoặc một hiệu quả về tâm lý mà khoa học gọi là “placebo effect”, tức là hiệu quả xảy đến do ý chí và ước muốn quá mạnh mẽ của đương sự mà thôi. Thêm vào đó, trong lúc thoa WD-40, cơn đau có thể giảm bớt do người bệnh chà sát làn da, làm máu huyết lưu thông điều hòa hơn, chứ không hẳn do WD-40 tạo ra đâu.” Nhỏ bạn còn cho biết, dùng nước để chữa bệnh thấp khớp thì y khoa cũng có một cách điều trị tương tự: “Bác sĩ có thể bơm một loại chất lỏng vào cơ thể, nhưng phải “bơm” vào bên trong da, chứ không chỉ thoa khơi khơi bên ngoài như WD-40 mà khỏi được đâu nhé.” Và sau cùng, để tẩy rửa cái bộ não của con bé nhà quê một lần cho sạch sẽ, bác sĩ dẫn lời của chính nhà sản xuất WD-40, “No way! Không, công ty chúng tôi không sản xuất WD-40 với một mục đích y khoa nào, bản thân chúng tôi cũng không hiểu tại sao có người bảo WD-40 chữa được bệnh đau khớp.” Câu trả lời như vậy là rõ ràng: Đường tiến thân của WD-40 xuất phát từ nhà kho đến nhà bếp và buộc phải ngưng lại ... trước cửa tủ thuốc gia đình. Sự thực sẽ đúng như vậy, nếu không có ông Cả Đẫn. Buổi tối hôm đó, mặc dầu theo lịch là chưa tới ngày nhưng ổng cũng “lên” tinh thần và làm việc một cách say sưa lạ thường. Xong rồi ông mới tiết lộ, “Hôm nay anh vừa biết được một tin vui. Chính bác sĩ nói là WD-40 có thể ngăn ngừa rỉ sét trong các đầu đạn…. Đám bạn già của anh hay tin này còn mừng dữ nữa!” Không biết ổng còn quen ai, chứ đám bạn của ổng thì Hằng biết: Già khấc cả rồi, có ai đi làm nữa đâu mà phải lo rửa… đầu đạn? Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Jun 2, 2013 0:41:49 GMT 9
WD 40 hiệu quả như thần (VienDongDaily.Com - 10/04/2013) Vũ Hằng
Cái bình xịt WD 40 không ngờ hiệu quả như thần. Sau khi dùng nó xịt vào các rãnh ròng rọc để làm trơn dây kéo, các khe cửa lùa, cửa kéo, cửa patio…. trong nhà, khiến cho việc đóng mở bây giờ trở nên trơn tru dễ dàng, Hằng cảm thấy phục ông xã ghê lắm, bèn thưởng cho ổng một nụ hôn… gió. Biết là chưa vừa ý người ta đâu, nhưng kẹt có nhỏ bạn chuyên nghề “bóp bi tai” còn ngồi đó, nên đành khất với ổng dịp khác vậy. Nhưng kể từ lúc đó thì cái bình WD-40 được mang ra khỏi nhà kho, và có một chỗ danh dự trong “xưởng bếp,” bên cạnh hộp baking soda, hộp muối, chai dấm…. với những công dụng càng ngày càng phong phú đa diện. Thực vậy, WD 40 có đến hằng trăm cách sử dụng, giúp nội tướng chúng ta rất nhiều trong việc quản lý, săn sóc, và bảo trì nhà cửa… Sau đây là bảng kê một ít công dụng: 1. Thỏi son quên ở đâu đó…. Mãi tới khi mở cửa máy giặt mới thấy nó nằm ở trong túi của cái áo vừa giặt, nhưng bây giờ thì son đỏ đã ướt nhèm, loang ra khắp mọi nơi. Đừng lo, xịt một ít WD 40 vào những chỗ loang son rồi vò lại là xong. Đối với những dấu son lỡ vương trên cổ áo còn dễ hơn: Chỉ một chút WD 40 là hoàn toàn phi tang dấu tích. Xin thanh minh trước với các bạn: Em không muốn làm người “chỉ đường cho hươu chạy”, nhưng sự thật là như vậy. Nhân tiện nói về dấu son, đôi khi quần áo chúng ta cũng bị lem dấu cà chua hoặc Ketch-up: WD40 giải quyết những dấu lem này còn dễ nữa. 2. Zíp-pờ bị kẹt… Zip-pờ, hay Zip là một thứ cửa, cánh cửa thì đúng hơn. Hằng nhớ ở Việt Nam ngày xưa, các anh chị lớn gọi nó là “phẹc mơ tuya,” tức là những dải vải dầy có “răng” ăn khớp với nhau, dùng thay khuy cài đính trên quần, áo, hoặc túi xách. Những dải zipper này rất tiện lợi, chỉ xoẹt xoẹt một cái là xong, nhưng bất tiện ở chỗ là nó rất dễ bị kẹt, kéo lên không được mà rút xuống cũng không xong. Những lúc vội vàng mà không điều khiển được nó, nhất là khi hàng Zip lại đằng sau lưng cái áo dài, người mặc chỉ muốn vất ngay cả cái áo đi. Lúc bấy giờ, xin bạn đừng vội nóng, nói ông xã kiếm bình xịt WD 40, xịt vài đường vào đường Zip là xong: Răng Zip bây giờ di chuyển dễ dàng, giúp bạn kéo lên kéo xuống một cách rất thoải mái. 3. Dây chuyền rối Những sợi dây chuyền, đeo cổ, đeo cườm tay… chúng mà rối lên thì dù có bình tĩnh cách mấy cũng phải mất 5,7 phút mới gỡ được. Nhưng với vài giọt WD 40 bạn có thể gỡ rối trong nháy mắt. 5. Quạt máy: Trời đã sang xuân, sắp vào hè, quạt máy lại được dịp kẽo kẹt cả ngày và … cả đêm. Nếu bạn thấy sốt ruột với những tiếng rền rỉ đó, xin chế cho nó chút WD 40. 6. Cán ô dù: Cây dù là một vật dụng đơn giản, nhưng có nhiều khe kẹt, khiến việc “trương dù” hoặc “cụp ô” trở nên khó khăn. Đừng ngại, lâu lâu nhỏ một vài giọt WD 40 vào các khe nan dù, các nút điều khiển là dù trơn ngay. 7. Di tích của băng keo: Băng keo thường để lại di tích trên đồ vật sau khi được tháo gỡ đi. Nếu đó là cái mặt tủ kính bình thường vẫn sáng ngời, thì vết lem đó hẳn là làm đồ vật mất nhiều giá trị. Không lo, hãy dùng WD 40 trên đó để rửa và lau lại, mặt kính sẽ sáng ngời như mới. Áp dụng mẹo này với dấu vết còn để lại sau khi chúng ta đã gỡ cái “mác” ghi giá tiền trên quần áo hoặc một món đồ vừa mua cũng rất là “ép phê.” Chứ tặng quà cho người ta mà để nguyên cái “mác” giá tiền trên đó, thì “show off” lộ liễu quá! 8. Vạch bút chì sáp (Crayon): Cũng vậy WD 40 rất hiệu quả trong việc lau rửa các vệt bút chì sáp do trẻ em vẽ nguệch ngoạc trên tường, trên bàn, trên quầy bếp…. Xịt WD40 lên các vệt lem đó, rồi lấy vải mềm khô lau lại. 9. “Bựa” dầu mỡ quanh khu vực nấu ăn: Dầu mỡ bắn ra từ nồi niều xoong chảo, kết dính lại thành những lớp “bựa” đen rất khó tẩy trừ. WD-40 sẵn sàng can thiệp làm chúng bở và mềm ra như đất để chủ bếp lau đi. 10. Gỡ tàn tích kẹo “cao su” trên mặt thảm, hoặc dính vào tóc: Có lúc những miếng kẹo cao su dính kết thảm vào mặt thảm, làm bạn phải cắt trụi nhiều sợi thảm mới gỡ miếng kẹo đó ra được. Bây giờ nếu lại gặp trường hợp ấy, xin bạn bình tĩnh, lấy WD 40 ra xịt vài giọt…. cao su sẽ rời ra, để cho mình “nhón” đi dễ dàng…. Bình xịt WD 40 còn cả ngàn công dụng khác nữa, cứ thử dùng nó đi rồi “nghề dạy nghề” bạn sẽ khám phá ra các ích lợi còn lại. Nhưng có một số tác dụng lạ đời, khiến cho WD 40 xuất hiện như một thứ thần dược, nhỏ bạn bác sĩ của Hằng cũng phải công nhận, để lần sau chúng mình sẽ nói thêm. Vuhang231@yahoo.com
WD40: Nước rửa thần kỳ - Bài II (VienDongDaily.Com - 11/04/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Tiếp tục về WD 40, thứ nước để rửa rỉ sét trên các dụng cụ kim loại, hôm nay chúng ta nói đến các công dụng mà “bà lang vườn” này vốn rất thích, nhiều khi chữa được cả những chứng à nan y. Thực vậy, trời đất đã dành cho chúng ta những phương “thuốc” rất hiệu quả sẵn ngay trước mặt trong khi mình lại mỏi mắt kiếm tìm những món đắt tiền ở đâu xa. WD 40 không phải là một thứ thuốc có công dụng chữa bệnh, nhưng nó có thể giúp mình giải quyết rất nhiều bế tắc, thậm chí còn giúp chữa đau tạm thời nữa. Ngoài cả ngàn công dụng do nhà sản xuất quảng cáo, những người yêu thích thứ nước rửa này còn khám phá được nhiều ích lợi khác, mà ngay cả “cha đẻ” của nó cũng không hề hay biết, thậm chí... phủ nhận. Những chuyện “từ con” như vậy để nói sau, bây giờ mình hãy cứ kể ra đây những công dụng có thật trước đã.
1. Khi bị ong chích Ai không biết chứ cái tai nạn này thì trước đây em gặp hoài. Chỉ do cái tội thơ thẩn ngoài vườn thôi. Nhất là khi trời vào xuân, thời tiết mát mẻ, theo với chim trời, loài ong cũng đi tìm những vườn cây để làm tổ. Có những loài ong truyền nọc rất độc, có thể gây tử vong. Không đến nỗi đó thì cũng làm nạn nhân khổ sở vì ngứa, đau, và nhức nhối dai dẳng cả mấy ngày. Về phần thủ phạm, sau khi chích xong rồi, thì để lại cái vòi của mình trong da thịt người ta rồi bay đi tìm đường … chết. Đúng vậy, và bởi vì chỉ có một cái vòi mà đã bị mất, con ong chỉ chích được một lần trong đời. Sao dại thế không biết? Ông xã em nghe được chuyện này thường hay thở dài, xót xa: “Của quí không biết giữ lấy mà xài! Sao không học chúng ông đây? Có chích cả ngàn lần cũng không bao giờ để mất vòi!” Chuyện, học được mấy ông thì chúng đã chẳng là ong. Nhưng chính vì cái vòi để lại mà nọc độc tiếp tục được tiêm vô da thịt, khiến nạn nhân càng lúc càng cảm thấy khổ sở. Vì thế, điều đầu tiên là mình phải tìm cách lấy cái ngòi chích ra, càng sớm càng tốt. Mà phải cẩn thận trong khi lấy ngòi, đừng nhấn ép vào 2 bên chỗ bị chích, như vậy càng giúp cho nọc độc phun ra nhiều hơn. Thay vào đó, mình phải “gãi” cho nó ra, bằng cách dùng móng tay, nếu có móng dài. Tốt nhất là dùng cái thẻ nhựa (thẻ tín dụng, bằng lái xe...) kê vào bên dưới nốt chích, rồi từ từ nẫy cái kim ra. Sau đó, để chữa đau tức thời, bạn có thể xịt lên đó ít giọt WD40. Nốt chích sẽ từ từ dịu lại, bớt đau ngay. Không kiếm được WD 40, bạn có thể dùng kem đánh răng để thoa, cũng sẽ thấy hiệu quả tức thời. Lục tìm được bình WD 40 để cấp cứu chắc hơi khó, nhưng kem đánh răng thì cứ vào phòng rửa mặt là có ngay, phải không? Tuy nhiên, nếu muốn ngăn chặn từ gốc, tức là không muốn ong đến làm tổ quanh nhà mình thì bạn phải kiếm WD40. Ong thích làm tổ bên dưới mái nhà, ở chỗ mà giới xây dựng gọi là Eaves (xem hình). Có người bảo rằng ong đến làm tổ là mang lại sự may mắn. Không biết có đúng như vậy không, nhưng bị ong chích chắc chắn là chẳng may mắn chút nào. Nhất là khi cái tổ lại nằm ù ù một cách rất phản mỹ thuật ở ngay trên lối đi vào nhà. Mấy nhỏ bạn kỳ kèo với Hằng hoài, chúng bảo lừa mãi mới phá được, lũ ong lại kiếm đất về xây tổ ngay mấy ngày sau đó. Nhưng nếu bạn áp dụng cái mẹo này thì …. ong sẽ tuyệt tích, không dám về nữa, đó là: Lấy WD40 xịt vào. Trước tiên, ong sẽ bay đi hết, để lại cái tổ đất... bở dần ra như bùn, mình phá đi dễ dàng và không sợ ong bay ra tấn công. Nhưng khoan! Sau khi bạn phá tổ ong đi rồi mà thấy số mình không còn được hên như trước, thì đừng đổ tội con bé này xúi dại nhé.
2. Tháo gỡ chân tay … Xin nói ngay đây là chân tay giả, mà Hằng đã từng thấy mấy chú bác thương phế binh phải mang. Có nhiều lúc tháo những đồ giả này ra rất khó khăn, nhất là khi không có ai bên cạnh để nhờ giúp. Nếu bạn thấy ai gặp tình cảnh này, xin mách với họ một cái mẹo nhỏ: Xịt mấy giọt WD-40 vào các khớp nối, đoạn chân hoặc tay giả sẽ được tháo ra một cách dễ dàng.
3. Tháo nhẫn Bạn có công nhận là nhẫn đeo vào tay nhiều khi dính chặt, tháo ra rất khó không? Dù là nhẫn cưới, hay là nhẫn đeo chỉ để làm đẹp, vẫn có nhiều lúc chúng không chịu để cho mình tháo ra. Nếu đã xoay xoay, kéo kéo hoài đến đỏ cả tay cũng không rút ra được, bạn hãy đi kiếm bình WD-40, và xịt vài tia vào khe nhẫn. Chắc chả cần vài tia, chỉ cần một tia đã được việc, có thể tháo nhẫn ra ngay. Nhưng nhớ phải rửa tay cho sạch sẽ sau đó nhé.
4. Chân đạp trúng... mìn Uh-oh! Trúng rồi! Đường phố nước Mỹ đẹp thật, nhưng người Mỹ lại thích dẫn chó đi rông ngoài đường, vô ý để lại những “bãi mìn thời bình.” Đạp trúng mìn, ít khi mình biết ngay là vì đôi chân có đi giầy. Phải chờ đến khi ngồi vào trong xe, hay về tới nhà, nghe mùi thối mới biết là mình đã bị gài. Bây giờ lật đế giầy lên, bạn mới thấy xác mìn len đầy trong các khe kẽ đế giầy, rửa thật là khó. Nhưng xin bạn bình tĩnh, lấy một bình WD 40 xịt nhiều nhiều lên đó. Để một lúc cho thấm, rồi lấy nước xịt là xong, không mất công mấy đâu. Nhưng nhớ là lần sau đi bộ ngoài đường chịu khó nhìn xuống đất một chút, không phải lúc nào cũng “ngước mắt nhìn trời” là tốt đâu. Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Jun 2, 2013 0:42:57 GMT 9
Bài học về dầu Olive (VienDongDaily.Com - 30/05/2013) Vũ Hằng
Nghĩ lại mà mắc cỡ, mình lúc nào cũng nghĩ là chủ bếp thì chai nước mắm, hũ dầu, lọ tương, gói ớt, con dao, cái thớt... ở đâu, dùng thế nào mình đều biết cả, ai ngờ mới đây lại phải để cho ông Cả Đẫn dạy cho một bài...
Về cách bổ mít Số là thế này: Hằng có mua được một trái mít, tỏa hương thơm lừng từ mấy ngày qua, làm người trong nhà ai cũng sốt ruột. Nhưng mãi tới hôm nay em mới quyết định bổ. Ngả trái mít ra, đang loay hoay với con dao thì thấy ổng lại gần.... Cứ tưởng ổng nghe mùi thơm chạy lại xin trước một múi để thưởng thức như trước kia. Nhưng không, ông giành lấy con dao làm một mạch, bổ xong trái mít rồi gác dao lên... nhanh, khéo, gọn gàng và sạch sẽ trước sự ngạc nhiên của mình. Thành thực mà nói, ông làm khá hơn em nhiều. Bình thường khi bổ mít, con dao dính mủ rít lại rất khó đẩy đi. Ấy là chưa kể mủ dính vào tay, cạo rửa ra được không phải là chuyện dễ dàng. Trước kia Hằng thường theo cách mẹ dạy là xát tay vào gạo. Nhưng làm theo cách của ông Cả Đẫn thì tiện lợi hơn rất nhiều: Dùng dầu Olive, là thứ dầu ăn mà ai trong chúng ta cũng có sẵn ở ngăn bếp với phương cách như sau: - Xé một miếng khăn giấy gấp đôi hoặc gấp tư lại - Thấm khăn giấy vào dầu olive - Dùng khăn giấy thấm dầu chà trên 2 mặt lưỡi dao trước khi đưa dao vào cứa mít - Có dầu Olive bôi trơn, lưỡi dao đi ngọt xớt, không hề bị nhựa cản lại. - Nhựa chảy ra nhễ nhãi giữa trái mít bổ đôi, bạn lại lấy giấy thấm dầu để lau cho sạch trước khi bổ tiếp, làm 2 rồi làm 4.... Cứ như vậy, cho đến khi chúng ta lột múi hết cả trái mít, mà con dao vẫn sạch sẽ, chỉ cần rửa lại một chút bằng nước lã là xong. À, nãy giờ nói về chuyện con dao mà quên mất đôi tay đeo găng nhựa. Đúng, phải có đôi găng tay nhựa mỏng nữa mới đủ bộ. Tháo đôi găng liệng bỏ rồi, là mình có thể ngồi ngay vào bàn thưởng thức những múi mít thơm tho và ngon ngọt cùng với mọi người. Hằng nhớ ngày xưa cô Xuân Hương có dặn: “Quân tử có thương thì đóng cọc, Xin đừng mân mó nhựa ra tay!” Cô không dặn đóng cọc vào đâu, mà cũng không nghe các bậc quân tử tả lại nó như thế nào, cứ như bây giờ chắc hẳn cô đã dặn khác: Chỉ cần chút dầu olive với đôi găng tay là tha hồ mấn mó chẳng sợ ai. Sau cái kinh nghiệm với trái mít, Hằng mới khám phá ra là chai dầu olive còn có nhiều công dụng hữu ích khác, vượt ra khỏi khung nhà bếp rất xa.
Từ mái tóc trên đầu Làm mềm tóc trước khi chải uốn: Đó là công việc của chai dầu gội đầu có tên Hair Conditioner. Bao giờ tắm xong, chúng ta cũng phải vò Hair Conditioner lên đầu thì sau đó mới dễ dàng chải gỡ tóc, nhất là đối với các bạn còn có mái tóc thả dài sau lưng. Nhưng Hằng có thể bảo đảm với bạn rằng, dầu Olive cũng làm được như vậy, không thua gì những loại Hair Conditioner tốt nhất trên thị trường. Nếu tóc bạn quá khô giòn, trông xơ xác như bụi sậy trong sa mạc, bạn có thể cải thiện tình hình bằng dầu Olive như sau: - Hâm nóng chừng nửa tách dầu Olive: Hâm nóng là đủ, không cần để sôi. - Dùng dầu vò vào đầu, xuống tới tận chân tóc - Bao tóc lại bằng một cái túi nhựa, loại túi nhựa đựng hàng có sẵn ở các siêu thị (lần sau đi chợ bạn nhớ xin thêm vài túi nhé!) - Rồi lấy khăn tắm cuốn lại, phủ lên trên. - Để như vậy trong vòng 45 phút - Sau đó ra gội đầu và xả lại bằng nước mát cho sạch sẽ. Mái tóc của bạn bây giờ sẽ mượt mà và óng ả hơn thấy rõ. Bạn có nói là đã dùng một loại Hair Conditioner đắt nhất trên thị trường hiện nay, mọi người vẫn tin. Nhưng nói là nhờ dầu Olive chưa tốn tới đồng bạc thì ai cũng bảo rằng mình... diễu dở! Chuyện khó tin nhưng có thật là như vậy.
Xuống tới những mụn trứng cá trên mặt Những cái mụn trứng cá quái ác thường làm cho nạn nhân khốn khổ không ít với bạn bè. Khi còn đang “nở hoa” trên mặt đã vậy mà khi đã tàn rồi, chúng vẫn để lại những tàn tích thật khó thương. Nó là nỗi khổ sở dai dẳng và nhiễu nhương, nếu có thể trị được thì có phải bỏ ra bạc ngàn, chắc chúng ta cũng không tiếc. Như vậy thì dầu Olive là cái thá gì? Bạn nói đúng, nó không là cái thá gì so với những cách chữa tốn kém kia, nhưng nếu không tốt hơn những thứ thuốc bạn đã dùng thì ít nhất nó không làm bạn tốn thêm một đồng nào, mà cũng không thể làm cho bạn xấu hơn! Vả lại, biết đâu...? Mình cũng nên hy vọng chứ! Vậy chúng ta thử xem nhé: - Lấy 4 muống muối - Trộn với 3 muỗng dầu Olive - Quấy đều, làm thành một chất hồ sền sệt, và thoa đều lên mặt. - Giữ yên như vậy chừng 2 phút - Sau đó đi rửa mặt cho sạch bằng nước mát và xà bông Làm như vậy mỗi ngày trong tuần lễ đầu. Sang tuần thứ 2, rút xuống còn 3 lần một tuần, bạn sẽ thấy” hoa” tàn dần đi và nước da sáng hồng lên. Thực ra, chuyển biến ấy không phải là một mầu nhiệm khó hiểu, mà có nền tảng khoa học cả. Cô giáo em giải thích rằng muối làm sạch lỗ chân lông khiến cho “hoa” không có điều kiện phát triển, trong khi dầu Olive phục hồi độ tươi mát tự nhiên của làn da.
Xuống sâu hơn chút nữa... Đó là cái cửa quần cài Zip: Cái Zip, ai cũng biết là rất thuận tiện để mở ra, kéo vào, nhưng khi nó kẹt - kéo lên không được mà thả xuống không xong thì đúng là... chết dở! Nếu có bình WD40, xịt cho nó vài tia để cứu nguy. Bằng không, nhỏ chút dầu Olive vào khe zip cũng hiệu quả không kém: Rồi! bây giờ bạn muốn kéo lên hay tụt xuống? Đằng nào Zip cũng đi trơn tuồn tuột được! Từ mái tóc trên đầu xuống tới đây là cùng đường, hết chỗ. Nhưng công dụng của dầu Olive thì chưa hết, nó còn có thể đi xa hơn với những ích lợi khác bên ngoài nhà bếp. Xin hẹn bạn lần sau. Vuhang231@yahoo.com
|
|
|
Post by nguyendonganh on Jul 11, 2013 8:43:54 GMT 9
Cách bảo quản hydrogen peroxide để sử dụng lâu dài10/07/2013Vũ Hằng Chẳng mấy ai thích già trừ một thứ đó là “ốc xi già” (hydrogen peroxide), tụi bạn của Hằng thường kháo với nhau như vậy. Nó được ưa chuộng vì những công dụng rất thiết thực với cánh nội tướng chúng ta, như em có trình bày trong mấy bài trước. Nhưng đó mới chỉ là một vài ích lợi tiêu biểu, nếu có giờ tìm hiểu, chắc chắn chúng ta sẽ còn khám phá thêm nhiều điều hay. Cô giáo em nói chắc như vậy đó. Tuy nhiên, hôm nay có một điều quan trọng cô giáo muốn em phải thưa với các bạn ngay, đó là: Cũng như con gái đẹp, hydrogen peroxide là một thứ... hồng nhan bạc phận, nó sẽ sớm chết yểu nếu mình không biết giữ gìn và tưng tiu nó. Nói “hồng nhan” là một cách ví von thôi, chứ nếu ra tiệm thuốc tây để hỏi về hydrogen peroxide, chúng ta sẽ được chỉ cho xem những chai lọ đen sì không mấy hấp dẫn. Chả là vì, hydrogen peroxide kỵ ánh sáng và sức nóng, nên chai lọ phải là màu đen để ngăn ánh sáng bên ngoài chiếu vào.... Cứ như con gái trong phòng the vậy! Kéo dài sự hữu dụng của hydrogien peroxide Nếu nắp còn đóng kín, với miếng giấy bạc niêm phong ở miệng chai chưa rách, hydrogen peroxide có thể “sống” được vài năm. Nhưng nếu giấy niêm phong đã rách rồi, hydrogen peroxide chỉ còn giá trị khoảng 6 tháng. Mà nếu mình đã nhúng cái gì vào đó, như thọc ngón tay tăm bông gòn (Q-tips), hoặc bất cứ thứ gì, thì phẩm chất của hydrogen peroxide coi như đã bão hòa, có nghĩa là phải dùng ngay, dùng vội, chứ mang cất đi để lần sau mang ra xài thì chỉ còn nước lã thôi. Là vì, hydrogen peroxide chỉ hơn nước lã có một phần ốc xi: Cứ nhìn ký hiệu hóa học của chúng sẽ thấy: hydrogen peroxide là H2O2 và nước là H2O; Khi bị ô nhiễm hydrogen peroxide sẽ xả ngay cái phần O (ốc xi) dư thừa và trở thành H2O ngay. Như vậy phải làm thế nào? Mua hydrogen peroxide về, không dám bóc giấy niêm phong ra xài, thì cứ giữ mà thờ hay sao? Dĩ nhiên phải xài, nhưng mình nên áp dụng những phương thức bảo quản hầu làm chậm tiến trình thoái hóa của hydrogen peroxide: Điều đầu tiên phải nhớ là giữ hydrogen peroxide xa ánh sáng và nhiệt độ. Càng cách xa ánh sáng và nhiệt độ, tiến trình thoái hóa càng chậm lại. Chính vì thế, khi lấy ra dùng là phải dùng ngay. Tránh xa ô nhiễm: Cụ thể, không nhúng bất cứ ngoại vật gì vào trong chai hydrogen peroxide, thí dụ: ngón tay, que tăm, đầu đũa, cái muỗng.... Nếu muốn dùng, thay vì nhúng muỗng vào trong chai, thì mình rót hydrogen peroxide ra muỗng. Dùng xong, xoáy nắp chặt, cất giữ ở nơi khô ráo, mát mẻ. Bảo quản như vậy, bạn có thể giữ thêm được khoảng 1 năm nữa. Nhưng nếu sau này mang ra dùng, mà không thấy sủi bọt lên thì chúng ta biết rằng, hydrogen peroxide đã quá đát, tốt nhất là nên kiếm một chai khác. Hydrogen peroxide dùng rửa vết thương? Rửa vết thương, đây chính là công dụng nguyên thủy của hydrogen peroxide, còn những cách dùng khác chỉ mới được khám phá ra sau này. Mặc dầu cho đến nay vẫn còn một số người sử dụng, nhưng giới y học bây giờ không khuyến khích dùng hydrogen peroxide để rửa vết thương nữa. Buồn cười quá, phải không? “Người” chính bị gạt ra, để những thằng cha căng chú kiết ở đâu ngồi vào thế chỗ. Đúng vậy, “cô công chúa” hydrogen peroxide ngày nay được yêu chuộng vì những ích lợi khác, chứ dùng để rửa vết thương - như trầy trụa khi bị té, bị dao cắt đứt tay... - thì lại không nên. Nhỏ bạn bác sĩ bạn Hằng giải thích như thế này: Khi thoa trên vết thương, hydrogen peroxide diệt vi trùng, nhưng đồng thời nó cũng tiêu diệt cả những tế bào lành mạnh cần thiết để hàn gắn vết thương và giúp chúng ta bình phục sớm. Cẩm Nang Cấp Cứu của Hội Đồng An Toàn Quốc Gia Hoa Kỳ (National Safety Council) cảnh giác, hydrogen peroxide có thể làm vết thương lâu lành, và sẽ để lại sẹo lớn hơn trên da. Cô thầy thuốc khuyên không nên dùng hydrogen peroxide cũng như không nên dùng rubbing alcohol để rửa vết thương. Trái lại, tốt nhất là rửa bằng nước sạch và xà bông trong 5 phút cho sạch bụi bẩn và tẩy trừ vi trùng, nếu sẵn kem sát trùng (antibiotic cream) thì thoa lên trước khi dùng băng cá nhân để băng lại. Nhà chuyên môn đã lên tiếng, con bé lọ lem này không dám có ý kiến gì khác hơn. Nhưng chỉ riêng cái vụ này chắc chắn không thể làm giảm hào quang của hydrogen peroxide trong muôn vàn công dụng khác, các bạn đồng ý vậy không? Vuhang231@yahoo.com Tác dụng tẩy trắng của hydrogen peroxide(VienDongDaily.Com - 11/09/2013) Vũ Hằng Sẵn có hydrogen peroxide mua về cho vườn cây, các bạn có thể tận dụng chúng vào nhiều công việc khác ở nhà bếp, phòng giặt, phòng tắm…. Hôm nay, Hằng xin nói về tác dụng tẩy trắng để làm đẹp của hydrogen peroxide Tẩy quần áo trắng Quần áo trắng mặc sau một thời gian thường ngả sang màu ngà. Chúng ta thường dùng thuốc tẩy (bleach) với mong ước phục hồi màu trắng tinh khôi như ban đầu. Nhưng nếu thuốc tẩy không giúp được việc đó, bạn có thể dùng hydrogen peroxide: Với một tách hydrogen peroxide 3% đổ vào trong cối giặt, bạn cứ việc mở máy cho hoạt động bình thường. Quần áo khô rồi sẽ khoe ra một màu trắng tinh khiết không khác gì như mới mua. Nhưng nhớ chỉ dùng hydrogen peroxide cho quần áo trắng thôi nhé. Dùng với vải màu, hydrogen peroxide sẽ làm “bạc màu áo trận” đó. Nếu y phục có vết máu, dù mới dính vào hay khô đã lâu, chúng ta có thể đổ một chút hydrogen peroxide lên đó, để ngấm chừng 3 phút, sau đó vò, xả nước. Làm đi làm lại cho đến khi vết máu phai màu, rồi cho vào máy giặt bình thường. Tẩy trắng răng Hàm răng đẹp phải... đen huyền như hạt na! Hằng không có nói sai, không tin xin bạn xem lại 10 điểm dễ thương của người con gái: Một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên, ba thương má lúm đồng tiền, bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua….” Đó, răng đen hạt huyền đúng là được xếp hạng rất cao, phải không? Nhưng đó là tiêu chuẩn “thương” của bố em thời còn thanh niên ngơ ngẩn nhớ mẹ em thôi. Bây giờ thì khác rồi: Người đẹp phải có hàm răng trắng, bóng ngời. Tuy không nhuộm răng như mẹ chúng ta ngày xưa, nhưng không phải ai cũng có được một hàm trắng đâu. Muốn biết răng mình có trắng không, bạn chỉ cần soi gương nhoẻn miệng cười sau khi vừa “make up”. Có phải là nó nổi bật với… một màu vàng lạc lõng trên nền phấn và màu son môi không? Trông chẳng đẹp mắt chút nào! Chính vì thế mà dịch vụ “tẩy trắng răng” của các văn phòng nhà khoa mới luôn luôn đắt hàng đấy! Nếu không muốn mất tiền cho nha sĩ, bạn có thể ra chợ mua bộ “ kit” để tẩy trắng răng. Bên cạnh một số rất hiệu quả, có nhiều sản phẩm khác chỉ làm mình mất giờ mà không đưa lại kết quả nào. Nếu bạn đã từng sử dụng một vài thứ mà chưa được như ý, Hằng xin cống hiến bạn mẹo vặt này: 1. Súc miệng mỗi sáng: Sau khi đã đánh răng, rửa mặt, súc miệng với 2 thìa canh hydrogen peroxide 3%. Ngậm và súc chừng 1 phút, bạn sẽ cảm thấy hydrogen peroxide sôi bọt bên trong. Đó là dấu hiệu “thuốc” đang tác dụng với các thứ vi khuẩn trong miệng. Hoặc bạn sẽ cảm thấy hơi xót nếu miệng có vết lở. Những cảm giác này là diễn tiến bình thường. Sau đó nhổ hydrogen peroxide ra, đừng nuốt. Và dùng nước thường súc miệng lại. Đừng vội ăn hoặc uống gì trong khoảng 30 phút sau đó. 2. Chà răng bằng hydrogen peroxide mỗi tuần một lần Mỗi tuần một lần, bạn có thể pha chế kem đánh răng theo công thức: 2 thìa cà phê (teasthingy) hydrogen peroxide 3% hòa với 3 thìa canh (tablesthingy) baking soda, tạo thành một thứ bột sền sệt. Hoặc bạn có thể gia giảm thế nào để sản phẩm sau cùng là một thứ bột sền sệt, gần giống như kem đánh răng. Dùng bàn chải quệt “thuốc” vào hai hàm răng, và chà nhè nhẹ, cho đến khi tất cả mọi cái răng đều kín thuốc. Để cho thuốc ngấm chừng 2 phút đến 5 phút trong miệng. Sau đó súc lại cho sạch bằng nước thường. Đừng ăn uống gì trong 30 phút sau đó. Nếu muốn có thể chà răng lại bằng kem đánh răng bình thường. Có thể bạn sẽ nghe cảm giác hơi buôn buốt ở hàm răng. Chuyện đó cũng là bình thường, hệt như khi bạn dùng các dịch vụ nha khoa thôi. Khi đã đạt được kết quả tương đối như ý rồi thì nên ngưng, bởi vì dùng hydrogen peroxide nhiều hơn mức cần thiết có thể làm mòn lớp “ngà” bảo vệ răng. Cách pha chế hydrogen peroxide để dùng cho vườn cây(VienDongDaily.Com - 06/09/2013) Vũ Hằng Bước vào tháng Chín, tháng cuối cùng của mùa hè. Dường như ông Trời đang cố vớt vát thời gian được thả dàn rong chơi trên trần thế, nên ông lại càng… nắng bạo, chưa tỏ dấu hiệu nhường bước cho Nàng Thu. Đối với người làm vườn lúc này chúng ta thường phải tưới nhiều hơn. Đã vậy, lắm khi không biết thế nào cho đủ, rốt cuộc chúng ta lại tưới hơi nhiều, dẫn đến tình trạng cây bị úng nước, lá héo vàng, rễ úa mục…. Khổ một nỗi cây úng nước có triệu chứng không khác gì cây thiếu nước, thấy lá úa vàng mà càng tưới thì càng làm cho cây chết sớm hơn. Quả thật là nan giải và ngược đời: Cỏ dại không ai săn sóc thì xum xuê um tùm mà mấy cây hoa đẹp được chiếu cố kỹ càng lại vắn số. Đáp ứng ý kiến của nhiều bạn, hôm nay Hằng xin tổng hợp một vài qui tắc đã trình bày về cách dùng hydrogen peroxide cho vườn cây. Nguy cơ úng nước Cũng như con người chúng ta, cây cỏ cần dưỡng khí (oxygen). Con người có thể nhịn đói cả tháng, nhịn khát cả ngày, nhưng không thể nhịn dưỡng khí được tới 10 phút. Cây cối cũng vậy, không có dưỡng khí là chết, không hút đủ dưỡng khí là nguyên nhân gây ra hầu hết mọi bệnh tật của cây. Trong khi cây cần có nước để có thể hấp thụ các loại dưỡng chất trong đất, thì rễ cũng hút dưỡng khí từ trong đất. Khi tưới nước quá nhiều, chúng ta làm đất không kịp khô, các túi này bị sũng nước và không còn đủ không khí cho rễ cây thở. Khi rễ chết, nó không còn khả năng hút nước và dưỡng chất cho cây, từ từ cây sẽ chết vì thiếu … nước và dưỡng chất. Chính vì thế, dù do thiếu nước hay thừa nước, cây cũng có hiện tượng suy dinh dưỡng như nhau. Vậy chúng ta làm cách nào để tiếp dưỡng khí vào đất cho cây? Dùng Hydrogen Peroxide (H2O2)! Đó là thứ nước ốc xi già chúng ta nói tới trước nay. Nó không phải là sản phẩm xa xỉ đắt tiền, nhưng nó chính là phép lạ của vườn cây. Chẳng những trừ được bệnh nấm và “mồ hóng trắng” (fungus) cho cây như có lần mình đã bàn tới, mà Hydrogen Peroxide còn giúp chúng ta loại trừ được mối lo úng nước. Nhưng quan trọng là sử dụng thế nào, liều lượng ra sao? Cách pha chế hydrogen peroxide Sau đây là công thức pha chế hydrogen peroxide 3% Hằng học được của cô giáo: 1 ounce hydrogen peroxide nồng độ 3% hòa 1 quart nước, hoặc 4 ounces hydrogen peroxide 3% cho 1 gallon nước. Để dễ dàng, chúng ta có thể lấy cái thìa canh (tablesthingy) và bình sữa 1 ga lông. Với tỷ lệ một thìa canh bằng nửa ounce, chúng ta hòa 8 thìa canh hydrogen peroxide vào 1 gallon nước. Như vậy là được một gallon thuốc bổ để xịt lên lá trị nấm, “mồ hóng” trắng, và cách bệnh tật khác của cây. Cũng với tỷ lệ trên, chúng ta có thể dùng để tưới vào rễ như một thứ “thuốc bổ.” Dĩ nhiên cái lối pha chế bằng thìa canh và bình 1 gallon chỉ áp dụng được cho những lần tưới nhỏ. Nếu phải dùng tới cả trăm gallon nước thì sao? Tìm đâu ra cái thùng bây lớn? Chẳng lẽ phải điều chế tới 100 lần với cái thùng 1 gallon? Quả thực là một thắc mắc hợp lý. Hằng xin trình bầy một mẹo nhỏ để giải quyết chuyện lớn đó như sau: Kiếm một bình xịt có đầu nối với vòi tưới, gọi là hose-end sprayer. Ngoài thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm tiện lợi. Chẳng hạn với cái bình xịt hiệu Gilmour hiện có, em làm như thế này: Lấy hydrogen peroxide bỏ vào bình xịt. Với cái bình có khả năng pha chế 20 gallon nước, mình phải bỏ vào bao nhiêu hydrogen peroxide các bạn biết không? Đây, cứ 1 gallon nước cần 8 thìa hydrogen peroxide, vậy 20 gallon cần mấy thìa? Tính nhẩm một giây là biết phải cần tới 160 thìa hydrogen peroxide! Để cho đỡ mỏi miệng đếm thìa, bạn nên dùng một cái ly, và lường trước xem 1 ly chứa được bao nhiêu thìa. Nếu ly chứa được 10 thìa, thì mình chỉ việc đong vào 16 ly là được rồi, đỡ mất công hơn nhiều. Sau đó, lắp bình vào vòi tưới, mở vòi cho nước chảy. “Thuốc” trong bình cạn là dấu chỉ bạn đã tưới hết 20 gallon nước. Nếu chưa tưới hết vườn, mình lại pha thêm một bình cho 20 gallon nước khác. Như vậy, với khu vườn cần 100 gallon nước, chúng ta sẽ phải pha thuốc 5 lần, cũng không mất công lắm. Nếu vườn rộng, mình có thể mua những bình xịt Hose-End có khả năng pha chế một lượng nước lớn hơn. Xin nói ngay để bạn yên tâm, một bình hose-end sprayer thực ra bé xíu và nhẹ hều, bởi vì nó chỉ phải mang trong bụng chừng độ 3 hoặc 4 tách chất lỏng. Bình được bắt vào một đầu ống tưới vườn. Đầu kia của ống tưới vườn thì gắn vào vòi nước. Bàn tay của chúng ta chỉ phải đỡ một cái bình nặng tối đa 2 pounds mà thôi. Khi sử dụng thì mở vòi, nước chảy qua ống tưới, cùng lúc hút “thuốc bổ” trong bình lên để hòa với nước. Dùng hết “thuốc” trong bình là đúng số gallon nước như ghi sẵn ở label của bình. Bình Hose-End tiện lợi mà lại rẻ. Bạn có thể mua được dễ dàng tại Walmart, Home Depot, Lowes, hoặc nhiều nơi khác…. Dùng như thuốc chữa bệnh, bạn có thể xịt 1 tuần 2 lần, cho đến khi khỏi cây lá khỏi bệnh. Dùng như thuốc bổ tưới vào rễ thì 2 tuần, hoặc một tháng một lần là đủ. Với một chút công pha chế hydrogen peroxide đổ vào bình, chúng ta sẽ có kết quả là một vườn cây xanh tốt, với hoa thơm quả ngọt và tuyệt tích không còn bóng dáng mồ hóng trắng nữa. Dùng Hydrogen Peroxide trong nông nghiệp(VienDongDaily.Com - 03/09/2013) Vũ Hằng Hôm nay, chúng ta lại trở về với hydrogen peroxide, vì thời gian qua Hằng có nhận được khá nhiều thắc mắc liên quan, nhất là về công dụng của nó trong vườn cây. Thì… lúc đầu em cũng thắc mắc hệt như vậy, là vì xưa nay mình chỉ nghe nói về hydrogen peroxide như một thứ nước sát trùng được dùng trong bệnh viện, chứ có thấy ai nhắc tới hydrogen peroxide trong vườn cây bao giờ. Cô giáo em bảo sở dĩ như vậy là vì để mua hydrogen peroxide, mình chỉ đến tiệm thuốc tây gặp ông dược sĩ; Nếu phải đến nông trại để mua hydrogen peroxide, chắc chắn chúng ta sẽ được người chủ trại kể cho nghe những câu chuyện khác rồi. Thật vậy, ích lợi của hydrogen peroxide đối với vườn cây thật đa dạng, áp dụng với bất cứ một thứ cây nào, dù là thân thảo, thân mộc, cây mọc ngoài đất, cây cấy trong bình, cây trong nước, cây trong vườn ươm,… dù đó vườn hoa, vườn dược thảo, vườn rau, vườn cây trái hoặc vườn cỏ… Đúng là thuốc bổ “tạp bí lù”! Bỗng dưng ông Cả Đẫn nhà em buột ra một câu … phạm thượng. Nhưng cô giáo chỉ cười, rồi hỏi lại: So sánh giữa nước mưa và nước phông-tên, em thấy nước nào tốt hơn? Dĩ nhiên là nước mưa! Điều này thì nhãn tiền: Chỉ sau một cơn mưa là cây lá xanh tốt ngay, một cơn mưa còn có ích hơn cả một tháng trời tưới tắm. Có lẽ vì nước mưa là của trời, còn nước phông tên là của người chăng? Nhưng cô giáo bảo, của trời cả, chẳng có thứ nào là của người hết, mà sở dĩ nước mưa tốt hơn là vì nó có chứa hydrogen peroxide, các nhà khoa học đã phân tích ra như vậy. Theo bác sĩ David G. Williams, nhà nghiên cứu y khoa, nhà hóa sinh, tác giả của một bản tin y tế có vài trăm ngàn độc giả ghi tên nhận báo (subscribers) trên thế giới, đã phát biểu như sau: “Chính nhờ nước mưa có hydrogen peroxide mà tác dụng của nó với cây cỏ lớn hơn rất nhiều so với nước phông tên. Thế nhưng, gần đây do tình trạng ô nhiễm môi trường, một tỷ lệ rất lớn hydrogen peroxide đã bị trung hòa sau khi tác dụng với các độc chất trong không gian, trước khi xuống được tới mặt đất. Do tình trạng thiếu hụt đó, giới nông gia ở các nước kỹ nghệ tiên tiến đã ứng phó bằng cách tìm mua hydrogen peroxide và pha vào nước tưới để nâng cao sản lượng hoa mầu.” Nhìn 2 gương mặt đang nghệt ra để theo dõi, cô giáo nói tiếp: Có thể nói, dùng hydrogen peroxide cho vườn cây chỉ là tận dụng sự ích lợi của nước mưa khi không có mưa. Đó là điều mà giới nông gia Hoa Kỳ Tác dụng chính của hydrogen peroxide Sự ích lợi của hydrogen peroxide có được chủ yếu nhờ 2 tác dụng: - Tác dụng thứ nhất là tăng cường dưỡng khí cho môi trường: Do cấu tạo tự nhiên (H2O2), bản chất của hydrogen peroxide chính là nước (H2O) cộng thêm một nguyên tử Oxy, là thứ dưỡng khí rất cần cho sự sống. Con người cần ốc-xi, súc vật và cây cỏ cũng cần phải ốc-xi mới sống được. Ốc-xi có sẵn trong khí trời để nuôi sống con người và súc vật, có trong nước để nuôi sống cá mú và các loài thủy sinh, có trong đất để nuôi rễ cây và các loài côn trùng trong đất. Phải đủ dưỡng khí thì sinh linh và vạn vật mới phát triển lành mạnh. Thiếu dưỡng khí, con người không sống được mà vạn vật cũng èo uột, héo tàn rồi chết. Dưỡng khí không ai nhìn thấy được, nhưng thiếu nó thì biết ngay. Đó là cảm giác ngạt thở khi bước vào một gian phòng đông người mà cửa nẻo lại đóng kín. Ốc xi quí như thế mà hydrogen peroxide lại có thừa. Cũng như những nhà tỷ phú có thừa tiền vậy. Nhưng không giống như chàng công tử Bạc Liêu đốt tiền để tìm nhẫn cho người đẹp, hydrogen peroxide có thể so sánh với những đại tỷ phú của nước Mỹ như Bill Gates, Warren Buffet… những người sẵn sàng cống hiến tới một nửa, hoặc thậm chí 80% số tài sản kếch xù của mình để làm việc nghĩa. Mấy người này cao cả quá, chắc họ là Bồ tát tái sinh đó. Công bằng mà nói, Hydrogen peroxide chưa được như vậy, nó mới chỉ sẵn sàng cho đi một nguyên tử ốc-xi có dư để trở về thân phận của thứ nước bình thường mà thôi. Nhưng như vậy đã là quá tốt đối với sinh linh vạn vật rồi. - Tác dụng thứ hai là hydrogen peroxide có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi trùng bệnh vốn là những thứ phát triển trong các môi trường thiểu khí (oxygen-poor), như nấm, virus, và bacteria: Hydrogen peroxide có được khả năng này là nhờ sự phóng thích nguyên tố ốc-xy dư thừa. “Chàng” ốc-xi này giống như một anh chàng ế vợ, thấy các cô ở đâu là bám theo, đặc biệt là các cô thuộc dòng họ “bacteria, virus, và fungus” (vi trùng, vi khuẩn và nấm) rồi mau chóng đòi “quản lý đời em” trong một tiến trình ốc xít hóa. Trong lúc ốc xít hóa, cơ thể của vi trùng (virus, bacteria, nấm…) bị phân hủy và trở thành vô hại. Với tác dụng này, hydrogen peroxide đã được dùng làm thuốc sát trùng, và có mặt trên kệ tủ của các Pharmacy. Nhưng giới nông gia cũng không bỏ lỡ cơ hội tận dụng hydrogen peroxide để trị bệnh cho cây cỏ mùa màng của mình với kết quả luôn luôn rất khích lệ…. *** *** *** Cô giáo ngưng từ hồi nào … mà chất giọng ma túy của cô vẫn làm 2 đứa học trò ngơ ngẩn. Rồi chợt nhớ ra điều gì, ông Cả Đẫn chạy vội đi …. Chắc để chứng minh với cô giáo rằng, ngoài nước mưa và nước phông tên, ổng còn một thứ nước khác chứ gì? À, Hằng hiểu rồi, nhưng nước của ổng thì hoàn toàn “nhân tạo” và không thể tưới tiêu gì được đâu! ********************* The Many Uses of Hydrogen Peroxide-Truth! Fiction! & Unproven! Nhiều Ứng Dụng Hydrogen Peroxide ( HP) : Sự thật ! Viễn tưởng! Và những điều chưa được chứng minh! Tóm tắt các lời đồn đoán eRumor: ERumor này liệt kê một số ứng dụng khác nhau cho hydrogen peroxide từ việc sử dụng nó như là nước súc miệng cho đến việc dùng nó để làm sạch chậu rửa. (Các văn bản đầy đủ của eRumor là ở dưới cùng của trang này.) Dữ kiện thật sự về HP:Công thức hoá học chính của hydrogen peroxide là H2O2. Nó có sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp ở dạng tinh khiết nhất 100% của nó, nhưng các sản phẩm HP có bán sẵn cho người tiêu thụ chúng ta trên các quầy bán thuốc tự do thường độ đậm đặt chỉ có 3% nước oxy già và 97% là nước. Nó là hóa chất bị trung hòa khi tiếp xúc với ánh sáng nên nó thường được đựng trong chai màu nâu đậm để ngăn các tia sáng của mặt trời. Nó được biết đến như là một chất kháng khuẩn và khi dùng nó dưới dạng thuần túy và đậm đặt và không đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe con người . Trên thị trường có 30% -35% được bán dưới dạng dung dịch mà ta thường tìm thấy trong các cửa hàng bán sản phẩm về sức khỏe được coi như một loại chất khử trùng. Đã có nhiều sự tranh cãi tiếp diễn về việc sử dụng hydrogen peroxide , bằng đường miệng hoặc thông qua tiêm chích để điều trị một số bệnh về cơ thể như viêm khớp và ung thư. Những người ủng hộ HP nói rằng đơn chất oxy được giải phóng từ sự phân hủy của hydrogen peroxide là một chất thuốc công dụng. Những người phản đối nói rằng không có bằng chứng hiển nhiên tốt đẹp nào chứng tỏ Oxy trong HP này giúp ích cho sức khỏe con người mà trái lại có những trường hợp trong đó hydrogen peroxide có thể là tác nhân chính gây nguy hiểm cho sức khỏe . Phân bộ về an toàn Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã không chấp thuận những sản phẩm hydrogen peroxide nồng độ cao cho việc sử dụng trong cơ thể con người và thậm chí còn xem chúng là nguy hiểm nữa . Trong tháng Bảy, năm 2006, FDA đã đưa ra một cảnh báo về những sản phẩm Peroxit Hydro có nồng độ cao, nói rằng chúng có thể dẫn đến nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng và thậm chí tử vong. Một cảnh báo từ Cơ quan Ung thư BC của Canada, nói rằng theo thống kê trong khoảng thời gian ba năm theo dõi có 6 trẻ em đã bị nhiễm độc nghiêm trọng và một chết vì uống nhầm Hydrogen Peroxide có nồng độ cao. Họ củng báo cáo rằng , có một trường hợp gần bị tử vong cho người lớn khi người đó đưa vào cơ thể HP (hydrogen peroxide) có nồng độ cao. Hãy xét qua những lời đồn đoán về HP : 1. Rót và Ngậm một chung nước HP (thường tôi dùng nắp chai HP ,màu trắng nhỏ mà đi kèm với chai) và giữ trong miệng của bạn trong 10 phút mỗi ngày, sau đó nhổ nó ra. (Tôi làm điều đó trong khi tôi tắm bồn hoặc vòi sen.) bệnh loét miệng không xảy ra cho tôi nửa ( canker sore ) và răng của tôi được trắng hơn mà không dùng chất tẩy trắng răng tốn kém. Sử dụng nó thay cho nước súc miệng : Đúng ! nhưng không nên lạm dụng ,chỉ nên sử dụng có tính giới hạn . Theo bảng hướng dẫn sử dụng của hãng Merck, ta nên pha loãng 3% hydrogen peroxide với 50 phần trăm nước ( 1/2 chung HP và 1/2 chung nước lã ), nhưng chỉ dùng dung dịch này như là một nước súc rửa và trong một phần của việc điều trị cho miệng . FDA đã phê duyệt 3% dung dịch hydrogen peroxide để làm nước súc miệng. Hầu hết các nguồn thông tin đều cho biết chỉ nên sử dụng nó trong một thời gian ngắn như là một phần của việc điều trị bệnh nhiễm trùng miệng. Một báo cáo từ Well-Connected (bằng văn bản hoặc thông qua bởi các bác sĩ tại trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts) khuyến cáo chống lại việc sử dụng HP một cách rộng lớn, họ nói rằng sử dụng bừa bãi HP mà thực tế nó có thể gây tổn hại đến các tế bào lành mạnh và làm mềm đi bề mặt của răng. Chúng tôi WC chưa thể tìm thấy bất kỳ thông tin chính thức nào về sự liên hệ của hydrogen peroxide và bệnh loét miệng. 2. Hãy để bàn chải đánh răng của bạn ngâm [trong] một tách peroxide để giữ chúng không có vi trùng : Không rõ ràng và chưa được chứng minh cụ thể ! Chúng tôi không tìm thấy bất cứ điều gì có thẩm quyền về công dụng hữu ích của việc ngâm bàn chải đánh răng trong hydrogen peroxide. Vì hydrogen peroxide bị giảm hoạt tính một cách nhanh chóng khi nó bị tiếp xúc với ánh sáng, nếu bạn muốn ngâm nó cho bàn chải đánh răng thì tốt hơn nên rửa sạch bàn chải với hydrogen peroxide mới rót ra từ chai . Trái lại chỉ cần giữ một tách HP mở ra không khí và ánh sáng nó sẽ mất tính sát khuẩn nhanh chóng . 3. Làm sạch quầy tủ trong nhà , hay mặt bàn với peroxide để diệt vi trùng và để lại một mùi sạch sẽ . Đơn giản chỉ cần đặt một ít HP trên miếng chùi của bạn khi bạn lau, hoặc phun nó trên các quầy,bàn . Đúng! 4. Sau khi rửa ra thớt gỗ của bạn, đổ peroxide vào nó để diệt khuẩn salmonella và các vi khuẩn . Đúng! Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã thông qua việc sử dụng hydrogen peroxide như một chất khử trùng an toàn. 5. Tôi đã bị bệnh nấm trên đôi chân của tôi trong nhiều năm qua - cho đến khi tôi phun một hỗn hợp 1/2 peroxide và 1/2 nước trên đôi chân (đặc biệt là các ngón chân) mỗi đêm và để cho khô : Điều này chưa được chứng minh rõ ràng! Chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ nguồn tin chính thức có thẩm quyền nào về liên hệ của bẹnh nấm chân và điều trị bằng hydrogen peroxide. Một lần nữa,nếu chúng ta giả định rằng khi người đó dùng hổn hợp hỗn hợp 1/2 nước và 3% hydrogen peroxide. Nếu thực tế hỗn hợp của 1/2 hydrogen peroxide nguyên chất và 1/2 nước tinh khiết đó sẽ là một hàm lượng HP nồng độ quá cao để được an toàn cho cơ thể con người. Đối với nhiều người trong chúng ta,một chách tự nhiên theo truyền thống, hydrogen peroxide được xem như là một trong những hóa chất dung dịch đầu tiên chúng ta đặt trên một vết cắt hoặc vết thương, nhưng từ nay trở đi việc làm này không nên tự động làm một cách máy móc và không cẩn trọng cân nhắc lợi hại. Lý do là theo nhiều các trang web y tế, là có một tác dụng tiêu cực của hydrogen peroxide . Nó làm huỷ hoại tế bào khỏe mạnh cần thiết cho những vết thương để tự chữa lành và làm mở ra khu vực chung quanh nơi vết thương chữa bệnh . Theo sự công bố của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ cho biết , ta không nên sử dụng hydrogen peroxide trên một vết thương mở rộng vì nó làm ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương . Đội Thể dục dụng cụ Mỹ đã theo các khuyến nghị của các nhà nghiên cứu và đã sử dụng xà phòng và nước để làm sạch vết thương mà không cần dùng đến hydrogen peroxide. Theo bảng hướng dẫn bỏ túi của Hội đồng An toàn sưac khỏe Hoa Kỳ (1996) nói "KHÔNG NÊN sử dụng hydrogen peroxide .Nó không tiêu diệt được vi khuẩn, và nó có tác động xấu đến lưu lượng máu luân chuyển và việc chữa lành vết thương." Bệnh viện Mayo cho cùng một lời khuyên. 7. Dùng hai chung nước HP thành một loại nước rửa bộ phận sinh dục để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men. Tôi đã có bệnh nhiễm nấm mãn tính ở bộ phận sinh dục , cho đến khi tôi đã cố gắng dùng cách rửa này một lần hoặc hai lần một tuần để tránh được bệnh . KHÔNG CHẮC ! Điều thú vị ở đây là trong thiên nhiên chất hydrogen peroxide được tự tạo trong âm đạo để nó đối phó với vi khuẩn sinh ra một cách quân bình và cân bằng . Có nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa các chuyên gia, tuy nhiên, về việc rửa sạch với hydrogen peroxide là có tác dụng hữu ích hoặc có tác hại hay không . Thậm chí một số ý kiến còn tỏ ra nghi ngờ là liệu việc thụt rửa âm đạo là có cần thiết không khi có thể vi khuẩn trong cá nhân đó đang ở điều kiện bình thường và quân bình. 8. Điền vào một bình xịt với 50/50 hỗn hợp của peroxide và nước , xịt và giữ nó trong mỗi phòng tắm để khử trùng mà không làm tổn hại đến hệ thống thoát nước tự hoại của nhà bạn như thuốc tẩy hoặc hầu hết chất khử trùng khác đã làm - Nhưng ta hãy chắc chắn là nên đặt hỗn hợp này vào một chai cách ly ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, có vẻ như hydrogen peroxide không gây hại cho các hệ thống thoát nước tự hoại. Một lần nữa, điều này có thể là một hỗn hợp của 50% nước với 50% HP có độ đậm đặt 3% hoặc 30% . 9. Nghiêng đầu trở lại và phun vào lỗ mũi bằng hỗn hợp 50/50 của bạn bất cứ khi nào bạn bị cảm lạnh, cắm xoang. Nó sẽ xủi bọt và giúp đỡ để sát khuẩn. Giữ một vài phút sau đó hỉ mũi ra : Không xác định rõ lắm! Chúng tôi không thể tìm thấy nhiều về việc này về nghiên cứu. Một lần nữa, nếu bạn chọn để làm điều đó, điều này có lẽ đề cập đến một hỗn hợp của 3% hydrogen peroxide với nước. 10. Nếu bạn bị đau răng khủng khiếp và không thể có được một nha sĩ kế bên,nên ngậm một chung 3% peroxide vào miệng của bạn và giữ nó trong vòng mười phút , lập lại nhiều lần trong ngày. Cơn đau sẽ giảm bớt rất nhiều- 11. Và tất nhiên, nếu bạn muốn một cái nhìn tự nhiên cho mái tóc của bạn, phun 50/50 dung dịch HP trên tóc ướt sau khi tắm và chải qua. Anh sẽ không có được việc peroxide nhuộm cháy mái tóc vàng như các gói thuốc nhuộm tóc vẫn làm , nhưng nó làm tóc nổi màu high light tự nhiên hơn, nhất là nếu tóc của bạn đang bị một màu nâu sáng, không đẹp, hoặc tóc vàng bẩn.Nó cũng giúp làm màu đổi tự nhiên ,sáng dần ,vì vậy nó không làm đổi màu một cách đối nghịch đột ngột .ĐÚNG! Một trong những ứng dụng cổ điển của hydrogen peroxide là nhuộm tóc.Đề nghị dùng các HP với nồng độ từ 3% và 6%.và pha loãng với nước . 12. Đặt một nửa chai peroxide trong phòng tắm của bạn để giúp tranh khỏi bệnh nổi bóng nước, nấm, hoặc bệnh ngoài da hay nhiễm trùng da : -Không rõ ràng lắm! Có lẽ dung lượng Nửa chai có lẽ là cho loại HP với nồng độ 3%. 13. Bạn cũng có thể đổ thêm một tách peroxide thay vì thuốc tẩy trắng vào một load quần áo trong máy giặt của bạn để làm trắng thêm quần áo giặt . Nếu có máu dính trên quần áo, đổ trực tiếp dung dịch HP tại chỗ bẩn. Để cho nó yên trong một phút, sau đó chà xát và sau đó rửa lại bằng nước lạnh. Lặp lại nếu cần thiết, ĐÚNG, nhưng cẩn thận . Hiệu quả của phương pháp này vẫn còn trong vòng thử nghiệm , nhưng trên nguyên tắc thì đúng vì một số cái gọi là chất tẩy "oxy" lại có chứa hydrogen peroxide. Xem xét cẩn thận về đề nghị sử dụng nó trên các chấm dơ trên quần áo và thực chất Hydrogen peroxide chính là một chất thuốc tẩy trắng! 14 Trong danh sách này không có ứng dụng của nó, nhưng tôi đã sử dụng oxy già để làm sạch gương của tôi;không để lại vết ố, đó là lý do tại sao tôi yêu nó rất nhiều cho điều này dù chưa được sách vở chứng minh! - Hydro peroxide eRumor ban đầu không bao gồm điều ứng dụng này. Một số đã được thêm vào bởi kinh nghiệm những người sử dụng sau này . 15. Súc miệng với nước oxy già, nhỏ thuốc vào tai và mũi để chận đứng bệnh cảm lạnh, cảm cúm, sinustis mãn tính (bao gồm cả khối u], và nhiễm trùng. - Một sự lặp lại của một số thông tin đã được bàn cãi trước đó. 16. Sử dụng như một loại dung dịch rửa hoặc ngâm rau để diệt vi khuẩn và trung hòa hóa chất . - ĐÚNG! Chúng tôi không biết có hóa chất, nhưng có một số tài liệu tham khảo đáng tin cậy về việc sử dụng hydrogen peroxide trên trái cây hoặc rau. Nghiên cứu được công bố bởi Tạp chí Thực phẩm và Khoa học năm 2003 cho thấy kết quả tốt và hiệu quả cao của việc sử dụng hydrogen peroxide để khử trùng táo và dưa mà bị nhiễm chủng vi khuẩn E.coli. 17. Khử trùng máy rửa chén của bạn hoặc tủ lạnh - Không xác định! 18. Sử dụng nó trên các loại cây trồng như một loại thuốc diệt nấm tự nhiên, thuốc trừ sâu, và như một thuốc diệt cỏ dại -Không rõ lắm! Chúng tôi không thấy có nghiên cứu về việc sử dụng hydrogen peroxide như một loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ hay. 19. Dùng HP làm chất tẩy sạch mốc khi ngôi nhà của bạn trở thành một môi trường mốc sinh học nguy hiểm sau khi nhà bị tấn công bởi nấm mốc độc hại, chẳng hạn như những ngôi nhà sau khi bị thấm nước ẩm mốc lâu! Trong một ấn phẩm về "ngôi nhà lành mạnh," của Bộ Gia Cư và Phát triển Đô thị (HUD) đã liệt kê hydrogen peroxide là một trong những chất có thể được sử dụng chống lại nấm mốc, nhưng nó cũng nói thêm rằng đã không có được nghiên cứu thâm sâu đủ để khuyến cáo việc sử dụng của nó. Người ta không biết những loại mốc gì mà hydrogen peroxide có thể chống lại với hiệu quả cao nhất hoặc những hệ lụy gì có tác dụng đến sức khỏe con người khi ta sử dụng nó một cách rộng rãi nhất. Ngoài ra, kể từ khi xem hydrogen peroxide là một chất tẩy trắng, nên phải cẩn thận đối với nơi mà bạn muốn bảo quản các màu sắc trong nhà của bạn. Cập nhật trên Internet: Hydrogen peroxide H2O2 ..... Chúng ta biết .......... giấm / baking soda và bây giờ HP - bà mẹ của chúng ta đã đúng! Tôi muốn chia sẻ với bạn, được viết bởi Becky Ransey /Indiana: "Tôi muốn nói với bạn về những lợi ích của việc dùng 3% peroxide ,bạn có thể mua được dưới 1,00 $ tại bất kỳ cửa hàng thuốc nào. Chồng tôi đã được làm việc trong lĩnh vực y tế trong hơn 36 năm, và hầu hết các bác sĩ không nói cho bạn về lợi ích của việc dùng HP vì sẽ mất đi hàng ngàn đô la hàng năm. 1. Đi một chung (tức dung tích của cái nắp chai màu trắng nhỏ mà đi kèm với chai HP) và ngậm giữ trong miệng của bạn trong 10 phút mỗi ngày, sau đó nhổ nó ra. (Tôi làm điều đó khi tôi tắm bồn hoặc vòi sen.)bệnh loét miệng Không còn và răng của bạn sẽ trắng hơn mà không cần thuốc tẩy trắng răng tốn kém. Sử dụng HP thay vì nước súc miệng. 2. Hãy để bàn chải đánh răng của bạn ngâm trong một cốc peroxide để giữ cho chúng có vô trùng. 3. Làm sạch quầy của bạn, mặt bàn với peroxide để diệt vi trùng và để lại một mùi trong sạch . Đơn giản chỉ cần thấm một ít trên miếng chùi bàn của bạn khi bạn lau, hoặc phun HP trực tiếp trên các quầy, bàn. 4. Sau khi rửa ra thớt gỗ của bạn, đổ peroxide vào nó để diệt khuẩn salmonella và các vi khuẩn khác. 5. Tôi đã có nấm trên đôi chân của tôi trong nhiều năm qua - cho đến khi tôi phun một hỗn hợp 50/50 peroxide và nước trên họ (đặc biệt là các ngón chân) mỗi đêm và để cho khô. 6. Ngâm bất kỳ chỗ nhiễm trùng hoặc vết cắt với dung dịch 3% peroxide cho 5-10 phút nhiều lần trong ngày. Chồng tôi đã bị những vết thương hoại tử mà không chữa lành với bất cứ thuốc nào, nhưng đã được chữa lành bằng cách ngâm trong peroxide. 7. Đặt hai chung HP pha thành một dung dịch rửa nơi chỗ kín để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men. Tôi đã có bị nhiễm nấm mãn tính cho đến khi tôi đã cố gắng dùng cách này một lần hoặc hai lần một tuần. 8. pha vào một bình xịt với 50/50 hỗn hợp của peroxide và nước , giữ nó trong mỗi phòng tắm dùng để khử trùng mà không làm tổn hại đến hệ thống thoát nước tự hoại của nhà bạn như hầu hết các loại thuốc tẩy hoặc các hóa chất khử trùng khác sẽ làm hư hại . 9. Nghiêng đầu trở lại và phun vào lỗ mũi bằng hỗn hợp 50/50 dung dịch HP bất cứ khi nào bạn bị cảm lạnh, cắm xoang. Nó sẽ nổi bọt bong bóng và giúp để giết vi khuẩn. Giữ một vài phút sau đó xì mũi vào khăn giấy. 10. Nếu bạn bị đau răng khủng khiếp và không thể có được một nha sĩ ngay bên cạnh , Ngậm một chung 3% peroxide vào miệng của bạn và giữ nó trong vòng mười phút nhiều lần trong ngày. Cơn đau sẽ giảm bớt rất nhiều. 11. nếu bạn muốn một cái nhìn tự nhiên cho mái tóc của bạn, phun 50/50 giải pháp trên tóc ướt sau khi tắm và chải qua. Anh sẽ không bị peroxide làm mái tóc vàng cháy như các gói thuốc nhuộm tóc, nhưng nó sẽ làm nổi bật màu tự nhiên hơn nếu tóc của bạn trước đây là một màu nâu sáng, kì cục, hoặc tóc màu vàng bẩn. Nó cũng làm màu tóc chuyển đổi sáng dần tự nhiên vì vậy nó không làm đổi màu đối nghịch mạnh mẽ. 12. Đặt một nửa chai peroxide trong phòng tắm của bạn để giúp thoát khỏi bệnh nổi bóng nước trên mặt da , nấm hoặc nhiễm trùng da khác. 13. Bạn cũng có thể thêm một tách peroxide thay vì thuốc tẩy vào một thồ quần áo giặt ( load ) trắng trong máy giặt của bạn để làm trắng chúng. Nếu có máu trên quần áo, đổ trực tiếp tại chỗ đốm bẩn. Để cho nó thấm trong một phút, sau đó chà xát và rửa lại bằng nước lạnh. Lặp lại nếu cần thiết. 14 tôi sử dụng oxy già để làm sạch gương của tôi; không còn lưu lại vết ố , mờ . 15. Súc miệng với nước oxy già, nhỏ thuốc vào tai và mũi để trị bệnh cảm lạnh, cảm cúm, sinustis mãn tính (bao gồm cả khối u], và nhiễm trùng. 16. Sử dụng như một loại rau rửa hoặc ngâm để diệt vi khuẩn và trung hòa hóa chất trên rau cỏ. 17. Khử trùng máy rửa chén hoặc tủ lạnh của bạn. 18. Sử dụng nó trên các loại cây trồng như một loại thuốc diệt nấm tự nhiên, thuốc trừ sâu, và như một loại thuốc diệt cỏ 19. Dùng Làm chất tẩy sạch mốc khi ngôi nhà của bạn trở thành nhiễm mốc sinh học nguy hiểm , sau khi nó bị tấn công bởi nấm mốc độc hại, chẳng hạn như những nhà bị thiệt hại do nước lũ lụt, ngấm nước. Trong quá khứ, hydrogen peroxide được thế giới sử dụng thay vì dùng chất tẩy Clor, HP như một chất tẩy an toàn và thân thiện môi trường hệ thống nước lọc thành phố. Một số nơi đã sử dụng H2O2 trong hồ bơi và spa.
|
|
|
Post by nguyendonganh on Sept 14, 2013 1:25:15 GMT 9
Ngăn kiến hay diệt kiến? (VienDongDaily.Com - 09/08/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Theo ông Cả Đẫn nhà em thì mình không nên giết kiến mà chỉ nên tìm cách ngăn ngừa hoặc xua đuổi chúng thôi. Không phải vì ổng giữ sát giới, nhưng chỉ vì ông thấy ái ngại cho hàng ngàn con kiến thợ mà ổng nghĩ là kiến đực cả. Biết đâu đã sắp tới phiên nó được “diện kiến” cùng kiến chúa, con kiến duy nhất trong tổ có khả năng sinh sản? Mặc dầu chẳng ai thích kiến, nhưng cái lý do ổng nêu ra như vậy cũng khiến chúng ta phân vân chùn tay, phải không bạn? Tuy nhiên, khi thấy tụi em lúng túng thì cô giáo ôm bụng cười ngất, cô bảo: “Trật lấc! Không phải như vậy đâu!”
Kiến chúa và kiến thợ Đúng là trong cả trăm ngàn con kiến thuộc về cùng một tổ, chỉ có MỘT kiến chúa (queen ant) là có thể sinh “em bé”. Số kiến còn lại được giao phó nhiều nhiệm vụ khác, cũng rất quan trọng cho sự sinh tồn của nòi giống, nhưng không con nào có thể làm chuyện đó như kiến chúa được. Vì thế người ta cho rằng cả trăm ngàn con kiến kia đều là giống đực cả, và từ đó mới phát sinh sự cảm thán của ông Cả Đẫn dành cho hàng ngũ kiến thợ. Nhưng sự thực ngược lại: Tất cả kiến thợ (worker ant) đều là giống cái, cô giáo của em, vốn là giáo sư Sinh Vật ngày trước, cho biết như vậy. Và cô nói tiếp, “Nhưng những con kiến thợ, mặc dầu là giống cái, lại không thể sinh sản (sterile females).” Hóa ra, những con kiến làm phiền chúng ta là giống cái cả ư? Thật bất ngờ! Vậy kiến đực chết cả rồi hay sao mà để những việc nặng nhọc cho kiến cái làm? Nào là liều mình đi kiếm ăn, xây thành đắp lũy chung quanh tổ, rồi nghe nói có cả những toán kiến lính (soldier ants) lo việc bảo vệ giống nòi…. tất cả đều là “phụ nữ” sao? Cô giáo xác nhận, “Đúng, phụ nữ cả. Bởi vì kiến đực đều chết hết cả rồi.” Xem ra cô không có ý nói đùa, nhưng tại sao kiến đực lại chết hết? Câu chuyện về loài kiến xem ra càng lúc càng ly kỳ hấp dẫn. Cái giống vật nhỏ bé mang thân phận bọt bèo như “con sâu cái kiến” không ngờ lại có một tiểu sử đáng chú ý đến vậy. Nghĩ tới đây, Hằng mới chợt hiểu vì sao ông bà mình nói “con sâu cái kiến” mà không nói “thằng kiến.” (Cứ tưởng mình học đã được nhiều, đi đã được xa, ai ngờ nhìn lại vẫn thấy lời nói của ông bà là một kho tàng chưa khám phá hết….) Trong khi mình thương đám kiến “phụ nữ” phải làm việc vất vả, thì ông Cả Đẫn nhà em lại bất mãn theo một hướng khác. Xem ra ông không còn nén được tự ái giống đực khi hỏi lại thế này: “Kiến đực chết cả thì làm sao tổ kiến lại có thể đông đúc như vậy?”
Không có giống đực thì làm sao? Cảm nhận sự sôi nổi trong giọng nói của ông, cô giáo chỉ cười, và nói lấp lửng như trêu chọc, “Không có giống đực thì đã sao? Kiến chúa vẫn đẻ được như thường.” Số là như thế này, cô giáo nói tiếp: Con kiến cái, mang thân phận kiến chúa, chỉ ăn ở có một mùa với kiến đực (male ant) mà thôi. Đó là lúc chúng ta thấy những đàn kiến có cánh bay vù vù từ trong tổ ra. Thường là vào đầu mùa xuân, hoặc cuối mùa hạ, tùy theo giống loài. Những con kiến có cánh thuộc một đẳng cấp đặc biệt, có cả giống cái giống đực, và là những thành viên duy nhất có thể phối giống với nhau để sinh sản. Chúng bay ra từng đàn và “yêu nhau” ở giữa không trung (Lãng mạn thế đấy, chứ “cao cao trên cửa sổ có 2 người hôn nhau” thì đã ăn thua gì?) Sau khi phối giống thì kiến đực chết đi, là vì nói của đáng tội, các “ông” này yêu bạo lắm, đến nỗi dụng cụ của họ, nói theo ngôn ngữ các nhà khoa học, nổ tan tành bên trong “garage” của kiến cái, và gục chết ngay trong tình trường. Vậy nếu vô tình phát giác ra xác kiến có cánh nằm chết ở đâu đó trong vườn, chúng ta có thể biết chắc rằng đó là một “ông” kiến đực vừa tử nạn … thượng mã phong! Kiến cái còn sống, hấp thụ thêm tinh hoa của vài ông kiến đực nữa. Sau mùa giao phối đầu tiên và cuối cùng của cuộc đời, kiến cái “ôm bụng” tấp tểnh đi tìm một chỗ để nằm nghỉ và xây dựng một vương quốc mới, nơi mà nó sẽ trở thành kiến chúa với tất cả các thành viên của vương quốc đều là con một mẹ hết. Là vì, trong suốt mấy chục năm sau đó, kiến chúa liên tục đẻ trứng, có trứng được thụ tinh với tinh trùng để dành từ mùa giao phối trước kia, mà ngay cả trứng không thụ tinh cũng có thể chào đời và nở thành kiến con, với tổng số lên tới cả ngàn, cả vạn …. Đặc biệt, kiến chúa có thể tự chọn lọc để đẻ theo nhu cầu của dòng giống: Khi nào cần đẻ trứng có thụ tinh, khi nào đẻ trứng không thụ tinh, khi nào đẻ thêm kiến thợ, khi nào để thêm kiến cánh…. Xét như vậy thì kiến hơn loài người chúng ta nhiều điểm quá, phải không bạn? Quả là một bài học thú vị. Hiểu như vậy rồi thì không biết chúng ta có nên giết kiến nữa không? Hay mình chỉ nên ngăn chặn và xua đuổi chúng thôi? Nhưng nếu bạn không ke chuyện kiến đực kiến cái, hoặc nếu bị kiến quấy nhiễu quá, mà muốn ăn thua đủ một lần, bạn phải làm sao? Cứ theo cách người ta vẫn nói “nhổ cỏ phải nhổ tận rễ” thì trong trường hợp này mình có cách nào để diệt được kiến chúa không? Chúng ta sẽ bàn luận thêm trong lần tới nhé!
Trừ khử kiến (VienDongDaily.Com - 13/08/2013) Vũ Hằng
Các bạn biết “dân” số kiến trên thế giới hiện nay là bao nhiêu không? Tính bằng con số chắc không ai tưởng tượng được, nên các nhà khoa học mới đưa ra một hình ảnh cụ thể: Nếu có chiến tranh với kiến, thì mỗi một người, bất kể nam phụ lão ấu hoặc trẻ sơ sinh, sẽ phải đấu với 1.5 triệu con kiến! Nghĩa là, nếu cứ một giây bạn loại trừ được 1 “nàng” (bởi vì kiến đa số là giống cái), và một ngày 8 tiếng chỉ lo đối phó kiến – không giặt giũ, không nấu nướng, không dỗ con…. thì bạn sẽ mất 52 ngày. Để dành 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi, không giết kiến, bạn sẽ mất đúng 2 tháng. Đấy là mới xong riêng phần bạn, còn phần em bé chưa biết lẫy, 3 đứa lớn hiện đi học, ông xã còn đi làm... thì chưa tính. Bởi vì mỗi người đều được chia phần 1 triệu rưỡi con kiến, nên nếu phải lo giúp mấy người đó luôn, bạn sẽ mất trọn một năm trời. Nhưng trong khi bạn làm công việc đó thì kiến chúa không nằm im, nó sinh sôi theo tỷ lệ: Bạn giết được 1 con, thì kiến chúa cho ra đời…10 con khác. Công lao của bạn kể như công cốc! Như thế diệt hay không cũng chẳng quan trọng, mà vấn đề là làm sao cho kiến khỏi quấy nhiễu mình nữa, như ý kiến một bạn đọc viết thư cho Hằng hôm trước: “Hằng ơi, cám ơn bồ đã viết một bài nghiên cứu rất vui về loài kiến. Nhưng kiến chúa hay kiến thợ, kiến đực hay kiến cái thì mặc chúng, mình đâu cần biết chúng là gì, điều cần thiết là làm sao để chúng đừng vào nhà mình mà phá kìa….”
Không mời không đến Cám ơn bạn đã đặt vấn đề một cách rất thẳng thắn. Thì Hằng xin góp ý ngay: Cách tốt nhất là đừng tạo điều kiện cho kiến tìm đến nhà mình. Nhưng tại sao kiến đến nhà mình? Trong nhà mình có cái gì hấp dẫn kiến? Trong nhà mình có nhiều thứ hấp dẫn kiến. Trên hết là đường (sugar), mật (honey) và các đồ ăn ngọt. Sau đó là đến xác côn trùng chết (như dán, ruồi, muỗi, bướm...). Ngoài vườn thì kiến có thể ăn lá, hút nhựa tiết ra từ thân cây, có giống kiến còn biết nuôi bọ cây (aphid) để hút lấy chất ngọt từ trong mình con bọ. Trong mùa hè, kiến thường bò vào nhà nhiều hơn, bởi ngoài trời quá khô và nóng, kiến khát nước, nên bò vào nhà để tìm nước. Trong đa số trường hợp, kiến thường không đến nếu không được … mời. Như vậy, một phản ứng rất đơn giản là mình đừng có mời chúng bằng những món hấp dẫn kể trên. Cụ thể, em thường làm các việc sau đây: 1. Lau sạch: Các mặt bàn trong nhà, mặt quầy trong bếp, và nền nhà cần được lau chùi sạch sẽ bằng cách quét, hút bụi, lau rửa... thường xuyên. Đừng để các mảnh vụn thực phẩm vương vãi, nhất là sau khi ăn bánh, kẹo, và các thực phẩm có mật đường. Các quầy bếp, chỗ làm đồ ăn, cần được lau sạch, và khử trùng thường xuyên bằng DẤM hòa loãng với nước. 2. Đồ ăn, nếu để ngoài tủ lạnh, như các hộp bánh, kẹo, trái cây… cần phải được giữ trong những hộp đậy kín, khí trời không lọt vào được. 3. Bồn rửa: Xong bữa là rửa chén đĩa ngay, để trong bồn không có chén đĩa dơ, không có nước đọng, không có thực phẩm vương vãi… 4. Đồ ăn chó mèo: Để chén đồ ăn của chó mèo trong một cái tô lớn hơn, rồi đổ nước vào tô lớn, làm thành một cái hào nước quanh chén đồ ăn kiến không thể bơi qua được. 5. Xác côn trùng như gián, ruồi, muỗi... chết (kể cả xương cá, vảy cá…) thường được họ hàng nhà kiến chiếu cố tận tình, cứ như đến để đưa ma bạn thân vậy. Vì thế, nhà cửa cần phải được quét sạch và đi đổ rác thường xuyên. Đây là những việc chúng ta thường làm, nên có lẽ không đòi hỏi gì nhiều nơi nội tướng. Có điều trong nhà không phải chỉ có chúng ta, việc quan trọng là phải nhắc nhở những người khác cũng giữ gìn như vậy. Chắc chắn kiến sẽ không còn lý do gì vào nhà mình nữa, bạn sẽ gạt hẳn ra ngoài được một mối bận tâm lớn.
Không mời mà tới Tuy nhiên, dù có sạch sẽ kỹ càng cách mấy, vẫn có lúc bạn nhìn thấy một hai con kiến lảng vảng trong nhà, hoặc nhìn thấy một đàn kiến “dòng giây” đi tới…. Nếu cần phải đối phó tại chỗ, có vài điều chúng ta cần lưu ý: 1. Xử ngay tên thám báo (scout): Kiến là một loài côn trùng có bản năng tổ chức rất cao, với sự phân công rất khoa học và chặt chẽ. Chẳng hạn, trước khi đổ quân đến một điểm nào đó để lấy thực phẩm mang về, tổ kiến luôn luôn phái một vài con đi trước để dò đường. Có thể là một vài chị kiến mà bạn thấy lang thang cô đơn trên mặt bàn. Nhưng không phải “bò lạc” đâu, đây chính là những tên nữ thám báo. Chúng sẽ tìm dấu nước ngọt tràn ra ở đâu, mẩu kẹo bánh rơi xuống chỗ nào…. Rồi về tổ kéo thêm kiến thợ đến để cùng làm thịt chiến lợi phẩm. Vì thế, nếu không có ý định gài bẫy để tìm ra hang ổ của kiến, bạn phải mau mắn loại trừ ngay những tên thám báo này, đừng để cho chúng có cơ hội về tổ. 2. Kiến đã dòng dây đi tới: Khi bạn thấy đoàn kiến đang “dòng dây” đi tới, điều đó có nghĩa là bạn đã hơi chậm tay và kiến thám báo đã hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó bạn có thể dùng thuốc kiến, hoặc pha chút nước Javel (bleach) để xịt, rồi dùng một miếng khăn vải ướt để tóm lấy chúng. Nếu kiến dòng dây trên mặt đất, thì lấy máy Vacuum (hút bụi) ra thâu tóm là tiện lợi hơn cả. Nhưng nhớ rằng khi kiến bị hút vào, chúng vẫn sống bên trong lòng máy! Và chúng ta không thể để như vậy được. Lấy bột Talcum Powder (bột rôm) hoặc bột DE (diatomaceous earth) rải trên lối đi của chúng rồi dùng cùng một máy Vacuum ấy hút bột lên. Đây là những bột giết kiến mà không gây hại cho môi trường. (Riêng việc dùng Talcum Powder để làm phấn rôm cho trẻ em thì có phần không ổn, cô giáo của Hằng nói như vậy. Để em hỏi thêm cô về chuyện này rồi trình lại các bạn trong một dịp khác.) Tuy nhiên, nếu khám phá thấy tổ kiến ngoài vườn, hoặc nghi ngờ kiến đã làm tổ trong nhà, thì cách đối phó trên đây chỉ là tạm thời… gãi ngứa! Mình phải có biện pháp để đối phó với cả tổ kiến, hoặc làm cho chúng sợ mà bồng bế nhau đi nơi khác thì mới trừ được hậu họa.
|
|
|
Post by nguyendonganh on Sept 14, 2013 1:28:01 GMT 9
Dùng gỗ Laminate như thế nào? (VienDongDaily.Com - 21/08/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Tiếp tục góp ý về câu hỏi lắp gỗ nền nhà mà một bạn đưa ra lần trước, hôm nay Hằng mời được ông chú vốn là thầy dậy môn Vật Lý trung học ngày xưa. Bản thân là nhà giáo, chú có cách gom góp những vấn đề rất phức tạp thành những chuyện thật đơn giản, chẳng hạn như những gì chú hướng dẫn dưới đây. Tiện lợi của gỗ lát nền Laminate Gỗ Laminate có ít nhất 6 lợi điểm này: 1. Rất bền, bền hơn thảm - Gỗ Laminate không phai mầu, không trầy sượt và không cháy. 2. Không mất công săn sóc như thảm, mà vẫn đẹp. Có thể dùng máy hút bụi bình thường và thỉnh thoảng lau bằng “mop” hơi ẩm là đủ. Nếu chất lỏng có đổ ra, thì chỉ cần một miếng giẻ ẩm lau đi là xong. 3. Thích hợp với mọi khu vực - Nhờ tính bền, dễ lắp đặt, không trầy trợt, đỡ công săn sóc... mà Laminate có thể được lắp đặt ở tất cả các phòng, như: Phòng ngủ, nhất là khi phòng ngủ có người dị ứng với thảm. Phòng khách Phòng làm việc Phòng sinh hoạt gia đình, phòng chơi đùa của trẻ em Lối đi.... Chỉ trừ phòng tắm là nơi dễ bị nước vương bắn vào là không được đề nghị lắp gỗ. Có người còn dè dặt, không dùng Laminate trong nhà bếp vì đây cũng là nơi có bồn rửa chén đĩa. 4. Tự nhiên không thua gì gỗ thật: Tái hiện nét tự nhiên, với đủ các dáng vẻ đặc biệt của từng loại gỗ, như gỗ sồi, gỗ trắc, gỗ phong, gỗ dâu, gỗ walnut... 5. Đẹp không thua đá hoa (tile) mà lại rẻ hơn đá hoa, có thể “nhái” lại những chi tiết rất nhỏ, như đường kẻ chỉ giữa những viên đá hoa một cách rất nghệ thuật và chính xác mắt thường nhận không ra. Tiền công lắp đặt laminate lại còn rẻ hơn đá hoa nhiều. 6. Lắp đặt nhanh, dễ dàng: Trừ khi nền cũ là thảm thì phải gỡ đi, còn ngoài ra Laminate có thể đặt trên mọi thứ nền sẵn có, như nền gỗ (nhà sàn, nhà Mobile Home), nền Vinyl, nền gạch cũ, nền xi măng.... Các thanh gỗ Laminate đều có khe và khớp (tongue-and-groove joints), khép với nhau một cách dễ dàng để tạo thành một mặt nền phẳng rộng bao la, mà không cần phải dùng tới keo dán. Đặc biệt, sau khi lắp đặt xong là có thể đi lại trên đó ngay, chứ không cần phải chờ khô như nền xi măng hoặc gạch hoa...
Khắc chế những bất tiện của laminate Dĩ nhiên, Laminate cũng có khuyết điểm, nhưng người ta đã tìm cách khắc chế những khuyết điểm ấy như sau: 1. Khắc chế tiếng ồn: Một bất tiện lớn và hiển nhiên nhất là nền Laminate gây ra tiếng lụp bụp khi có người giẫm lên. Nhưng khuyết điểm đó có thể nói là chỉ còn trên lý thuyết thôi. Bởi vì, thực tế người ta đã có cách khắc chế bằng 2 cách: Đặt một lớp đệm bên dưới, gọi là Underlayment giữa gỗ và nền nhà. Hoặc dán thêm vào mặt dưới thanh gỗ một lớp đệm để thẩm thấu âm thanh (acoustic absorbing pad). 2. Khắc chế sự giãn nở của gỗ: Một khuyết điểm khác của gỗ là giãn nỡ khi gặp ẩm độ từ dưới mặt đất bốc lên nếu gỗ được đặt ngay trên nền xi măng. Vì thế lớp đệm Underlayment, ngoài việc hút tiếng ồn, còn có nhiệm vụ ngăn hơi ẩm xông lên. Để tăng cường hiệu quả trong công tác này, bạn có thể lắp thêm một lớp màng ngăn hơi ẩm, gọi là Vapor Barrier. Tuy nhiên, nếu sàn nhà không giáp mặt đất, chẳng hạn nhà sàn, nhà mobile home (sàn nhà luôn luôn cách mặt đất ít nhất 3 feet) thì không phải lo hơi ẩm xông lên, chỉ trừ khi mình làm đổ nước trên mặt gỗ, hoặc “cu Tí” đái ra mà lau không kịp thôi.
Hướng dẫn về việc mua Laminate Việc lắp đặt mình có thể thuê thợ chuyên môn. Nhưng quyết định mua loại gỗ nào là ở nơi chúng ta. Gỗ Laminate có nhiều giá, tùy theo phẩm chất. Hiện nay có thứ rẻ nhất chỉ 49 xu/sq, thứ đắt nhất khoảng $2.00/sq. Để có được một chọn lựa chính xác, hoặc để có thể so sánh giá cả giữa tiệm này tiệm kia, chúng ta cần để ý đến 5 yếu tố sau: 1. Độ dầy (thickness): Gỗ Laminate có độ dầy từ 7 ly, 8 ly, 10 ly, và 12 ly. Độ dầy càng cao, gỗ càng tốt, nó sẽ đỡ bị cong vòng khi tiếp giáp những điểm lồi lõm của tầng nền bên dưới. Sau nữa, độ dầy càng lớn thì khả năng thẩm âm, chống ồn càng cao. Vậy, nếu giá gỗ thấp, nhưng thanh gỗ lại mỏng thì nó có thực sự rẻ không? Đó là yếu tố thứ nhất cần suy xét. 2. Độ chống mòn (AC Rating) Gọi vắn tắt là chống mòn, nhưng chữ AC Rating có nghĩa nhiều hơn như vậy. Nó chống tùm lum, như trầy xát (abrasion), va chạm (impact), tì vết (stains) và tàn thuốc lá (cigarette burns). Trong thực tế, đó là khả năng chịu đựng sức ép của chân bàn ghế, sức kéo lê của các bánh xe ròng rọc, khả năng chống dơ do cà phê, mực, đất cát... vương lên, chống cháy xém do thuốc lá bắn vào.... Ở cấp độ nào, gỗ lát nền cũng phải có đủ các đặc tính trên, bằng không thì ... vứt đi, không xứng đáng với cái tên Laminate. Độ AC được xếp thành 5 hạng, với ý nghĩa như sau: - AC 1: Gỗ dành cho những nơi ít bước chân qua lại, chẳng hạn như phòng ngủ tư gia. - AC 2: Dành cho tư gia, ở những nơi bước chân qua lại không ít, nhưng cũng không nhiều lắm. - AC 3: Vẫn dành cho tư gia, ở những nơi bước chân lui tới khá nhiều, như phòng làm việc, nhà bếp. - AC 4: Dành cho văn phòng của các công tư sở, nơi có nhiều nhân viên qua lại. - AC 5: Dành cho các cửa hàng bách hóa, nơi khách thập phương lui tới. Đương nhiên, độ AC càng lớn càng tốt và gỗ càng đắt. Nhưng nếu chỉ để sửa nền nhà ở thì bạn có cần bỏ tiền ra để tìm cho được độ AC 4 hoặc AC 5 hay không? 3. Miếng lót (Attached Pad) Miếng lót là chất liệu được dán thêm vào để giúp cản tiếng ồn hoặc tiếng lụp bụp gây ra do bước chân đạp trên mặt gỗ. Miếng lót chỉ có công dụng thẩm âm, chứ không cản được hơi ẩm. Miếng lót làm tăng giá trị thanh gỗ lắp nền, tuy nhiên nó không thực sự cần thiết, nên nhiều loại laminate không có miếng lót để có thể bán với giá hạ hơn. Nhiều người bán hàng vận dụng xảo thuật, cộng chung cả độ dầy miếng lót vào độ dầy của thanh gỗ, rồi quảng cáo rằng sản phẩm của mình vừa dầy, vừa có thêm miếng lót. Khi đi khảo giá, chúng ta cần phải tinh tế nhận định điều đó. 4. Hoa Văn (texture) Hoa văn là những đường nét được trình bày ở tầng trên cùng của thanh laminate, làm cho nó giống y như gỗ thực, hoặc y như viên đá hoa thực. Có thể thanh gỗ sẽ đắt hơn nếu trình bày được một “texture” đẹp mắt và hút khách. 5. Thời hạn bảo hành (Warranty): Lẽ ra chúng ta phải đề cập tới tầng gỗ chính nằm ở giữa, gọi là “core layer” (lõi). Lõi có thể là gỗ sồi (oak), gỗ phong (maple), gỗ dâu (cherry), gỗ Merbau, gỗ Mahogany.... Sản phẩm trở nên đắt hơn hay rẻ hơn, một phần tùy thuộc loại gỗ được dùng làm lõi. Trong thực tế, chất liệu gỗ trong lõi không quan trọng đối với chúng ta bằng thời hạn bảo hành. Gỗ Laminate có thể được bảo hành từ 10 năm tới 50 năm, thời gian bảo hành càng lâu chứng tỏ gỗ càng tốt, và chúng ta càng phải trả giá đắt hơn. Thiết nghĩ, gỗ lắp nền nhà ở thì 25 năm bảo hành là được rồi. Lời kết của Hằng: “Ông giáo già” nói năng có trước sau, nên bài viết hôm nay hơi dài, hy vọng giúp bạn được một vài ý mỗi khi ông xã …. đòi. Nhỡ ra có bạn khác hiểu lầm, Hằng xin nói lại: Đây là trường hợp một bạn viết thư cho em nói về chuyện ông xã cứ đòi lột … nền thảm để thay bằng nền gỗ. Lắp đặt nền ván Laminate - Bài I: Hoạch định (VienDongDaily.Com - 23/08/2013) Vũ Hằng
Lần trước, “ông giáo già” đã giúp Hằng trình bày đôi điều về cách mua gỗ Laminate. Mua loại nào, tốt xấu, rẻ đắt… ra sao đương nhiên là công việc của chủ nhà. Bước kế tiếp - là lắp gỗ đặt nền – bạn có thể thuê thợ chuyên môn và trả công cho họ. Nhưng nếu muốn tiết kiệm đôi chút và kiếm công việc để vợ chồng cùng làm vào một cuối tuần nào đó, thì cũng không phải là việc ngoài tầm tay, ông chú em bảo vậy. Thế nên, khi em xin chú giúp thêm một bước nữa là hướng dẫn cách lắp đặt thì chú hoan nghênh và sẵn lòng ngay với câu nói rất nhiệt tình thường xuyên: “Chuyện nhỏ!”. Các bạn xem có phải thực là chuyện nhỏ không nhé. Trước hết, các thanh laminate đều được thiết kế một cạnh là khe âm vào bên trong (groove), một cạnh là mộng lồi ra ngoài (tongue), khi khép vào với nhau thì “khít rịt” y như … cậu với mợ vây. Rất là dễ dàng, bạn có thể “may tay” chứ không cần keo dán, hoặc máy móc cầu kỳ. Bạn có thể làm theo thứ tự như sau:
1. 48 tiếng làm quen Mang gỗ từ cửa hàng về nhà, không nên lắp đặt ngay, mà phải để cho cho nó có thời giờ thích ứng, bằng cách lấy gỗ khỏi hộp, đặt nó trên nền, để cho dãn nở theo nhiệt độ và ẩm độ của gian phòng trong vòng 48 tiếng (2 ngày). Không cẩn thận như vậy, gỗ có thể dãn nở khi đã “ván đã đóng thuyền”, khiến nó bị cong lên hoặc hở ra, làm mất thẩm mỹ nền nhà.. Nẹp ven tường (baseboard molding), nếu đã có sẵn, cần phải được gỡ ra. Dễ nhất là dùng một thanh nạy (Pry Bar) giá chỉ có vài đồng tại Harbor Freight Tools, Home Depot, hoặc Lowes… Sau đó, cất riêng ra một nơi để sau này lắp trở lại, nếu không mất mất tiền mua nẹp mới. Nền dưới (Subfloor): Mặt nền dưới có thể là ván, vinyl, gỗ hoặc xi măng…. miễn là vững chắc, phẳng phiu, không lổn nhổn đất, rác, hoặc đinh vít ngổn ngang.
2. Trải tấm lót (underlayment) Trước khi lắp gỗ lên, cần phải trải lót một lớp “xốp” nhẹ, hoặc cao su nhẹ, giúp mặt gỗ chịu đựng uyển chuyển mà không lên tiếng càm ràm mỗi khi có người bước lên trên. Nếu bên dưới là nền xi măng nằm ngay trên mặt đất, thì vai trò của lớp trải lót này càng quan trọng, bạn nên kiếm một thứ high-quality để có thể vừa ngăn tiếng ồn bên trên, vừa ngăn hơi nước từ mặt đất bốc lên làm hại ván. Không nên gối đầu các mép tấm lót lên với nhau. Nhưng dùng băng keo để kết dính chúng lại, và dùng dao để cắt những chỗ thừa bỏ đi, không nên tận dụng bằng cách bện vào bên dưới.
3 - Hoạch định đồ hình (Layout) Tức là phác họa địa hình địa vật, bao gồm các công việc sau: - Tìm xem bờ tường nào dài nhất và thẳng nhất, và sẽ đặt bước khởi đầu từ đó, bắt đầu từ góc trái tiến về phía phải. Tuy nhiên, bạn chỉ cần ướm chừng vậy thôi, chứ chưa ra tay ngay đâu. - Chừa ra một khoảng trống cách mỗi bờ tường ¼ inch. Cửa hàng có bán sẵn một vật dụng, giúp chúng ta duy trì khoảng trống đều đặn dọc các bờ tường, gọi là Spacers, có đủ mọi kích cỡ, từ ¼”, ½” hoặc ¾”…. Khoảng trống này là chỗ “thở” của nền gỗ, đúng hơn là chỗ để cho gỗ dãn nỡ khi thời tiết thay đổi. Đặt các spacers này chung quanh 4 bên vách tường, cách nhau 6”. Khi lắp đặt nền xong, các spacers này sẽ được rút lên, bỏ đi, lộ ra khoảng trống cạnh tường. Những khoảng trống này sẽ được lấp đi, khi chúng ta đặt lại các nẹp quanh tường. - Ướm chừng trước, xem cả gian phòng sẽ mất chừng bao nhiêu thanh gỗ. Dĩ nhiên, thanh gỗ cuối cùng khó có thể … toàn thây, thế nào chúng ta cũng phải xẻ bớt để thích ứng với khoảng trống còn thừa lại. Bí quyết để làm ĐẸP là: Không nên để thanh gỗ cuối cùng hẹp hơn 2 inches. Nhưng nếu khoảng trống còn lại ít hơn 2” thì sao? Lấy chiều rộng còn lại cho tấm ván cuối cùng, cộng với tấm ván nguyên vẹn đầu tiên, rồi chia đôi. Sau đó bạn xẻ dọc hai thanh gỗ theo chiều rộng chia đôi đó, để thanh đầu chịu “lẹm” một ít, thanh cuối chịu “lẹm” một ít. Mất công hơn một chút, nhưng muốn đẹp phải vậy thôi. Trong các trường hợp khác, người ta sẵn sàng chịu mổ xẻ, lắp ghép đau đớn hơn nhiều, nhưng nghĩ tới đẹp thì vẫn chịu được, có ai kêu ca gì đâu! - Kỹ thuật xẻ ván: Khi phải xẻ ván, nhất là khi xẻ dọc theo chiều dài tấm ván, điều quan trọng là phải làm sao để đường cưa đi ngọt, sắc, không để lại vết răng cưa lởm chởm. Bí quyết dành cho những người tự làm mà không có đủ đồ nghề chuyên môn là: Nếu dùng cưa máy, bạn nên đặt miếng ván ngửa mặt lên; Nhưng dùng cửa tay thì lật úp mặt chính xuống. Như vậy đường cưa không để lại nhiều dấu vết trên mặt chính của ván. Cần dùng một cái kẹp ê-tô (clamp) để giữ cho miếng ván không nhúc nhích khi cưa. Hoạch định xong là hoàn tất được quá nửa công việc. Giai đoạn kế tiếp là bắt tay vào việc tương đối dễ dàng, nhưng cần phải để ý ở hàng đầu tiên, hàng thứ 2 và hàng sau cùng. Chúng ta sẽ nói thêm về việc này trong bài sau.
Lắp đặt nền ván Laminate: Xếp ván so le- Bài II (VienDongDaily.Com - 27/08/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Trong việc lắp đặt nền gỗ Laminate, chúng ta đã biết cách mua ván, cách ước lượng và tính toán. Trước khi bắt đầu lắp ván, việc cần thiết là phải có được mặt nền bên dưới (subfloor) bằng phẳng và sạch sẽ, để trải tấm lót lên. Khi trải tấm lót, nhớ là không trải gối đầu, mà chỉ xếp chúng sát mép với nhau, rồi lấy băng keo kết dính 2 mép lại. Giai đoạn ấy coi như sẵn sàng rồi, bây giờ Hằng lại xin mời “ông giáo già” đến giúp đỡ về cách lắp đặt từng hàng ván. À, chú của em cũng nói, công việc không khó, nhưng đàn ông làm thì tiện hơn, còn nội tướng chúng ta chỉ cần đứng… chỉ huy thôi.
Ô bàn cờ so le Trong khi lắp ván, chúng ta phải làm thế nào tạo ra một nền nhà có những đường kẻ chỉ dọc ngang, gần giống như một bàn cờ, nhưng khác ở chỗ là các ô “bàn cờ” này không thẳng hàng mà phải xếp so le với nhau. Đồ hình so le này rất cần thiết vì 2 lẽ: Thẩm mỹ: Nền nhà có ô so le trông đẹp mắt và đa dạng hơn. Kết cấu: Nếu các ô không so le, mà các đường kẻ chỉ (seam) lại thẳng tắp một hàng với nhau, thì nền nhà sẽ dễ bị bung, vì điểm yếu nhất tập trung hết vào một đường kẻ chạy từ trong ra ngoài. Nếu giữ được mọi chi tiết mà không biết làm so le, thì thành quả của chúng ta vẫn là ... con số không. Nếu các ông tự làm lấy, chắc chắn sẽ bị bà xã chê, còn làm theo sự chỉ huy của các bà mà quên mất điều này, thì cũng không thêm được một điểm nào với má bầy trẻ đâu. Nhưng làm sao để tạo sự so le? Đó là nhờ sử dụng những thanh ván dài ngắn không đều. Khi nói không đều là nói về chiều dài, còn chiều rộng thì các thanh ván phải bằng nhau cả. Nhà sản xuất có thể xếp sẵn các tấm ván với chiều dài khác nhau vào trong một hộp, hoặc chúng ta sẽ có những tấm ván cùng kích thước rồi cưa cắt dài ngắn theo ý mình, và đồ hình so le sẽ thể hiện trong khi lắp đặt.
Hàng ván thứ nhất: Chọn một cạnh tường dài nhất và thẳng nhất để bắt đầu. Đặt những miếng spacers ¼” (miếng ngăn để tạo khoảng cách) sát vách tường, dùng băng giấy, loại băng lót nền khi sơn nhà (blue painters tape) dán chúng vào tường. Đặt 2 spacers dọc theo chiều dài mỗi thanh ván. Bắt đầu từ góc trái của bức tường, đặt miếng ván đầu tiên theo qui tắc: Đó là một miếng ván nguyên vẹn, đủ kích thước Cạnh dài có mộng lồi (tongue) hướng về bức tường. Đẩy ván vào sát tường, cho đến khi bị spacers ngăn lại. Tiếp đó, tiến về bên phải, bạn lắp miếng ván thứ 2 vào cạnh rộng của ván thứ nhất. Có thể dùng tay để khép mộng (tongue) vào khe (groove). Tốt hơn, nên lót một miếng kê (tapping block) ở cạnh rộng đối diện rồi dùng búa cao su (rubber mallet) nện vào cho 2 thanh ván khép chặt với nhau. Cứ như vậy, di chuyển dần về phía phải. Tới thanh ván cuối cùng của hàng thứ nhất, bắt buộc chúng ta phải cắt ván cho vừa khoảng trống còn lại, sau khi đã dành chỗ để đặt spacers. Nên giữ lại những mẩu ván thừa, nếu còn dài hơn 12 inches để dùng lắp vá những chỗ khác. Do sự hạn chế của khoảng trống còn lại, việc lắp đặt tấm ván cuối cùng trong hàng sẽ khó khăn hơn, vì chúng ta không còn chỗ kê tay hoặc kê búa như với những tấm ván trước. Có một dụng cụ đặc chế cho công tác này, gọi là Pull Bar (thanh kéo), một đầu cúp xuống móc vào mép ván sát tường, còn đầu kia ngảnh lên để chịu búa. Nếu có được cái Pull Bar mà kê búa gõ vài nhát, các thanh ván sẽ khớp chặt với nhau ngay. Chuyện đó không khó! Các dụng cụ đặc chế cho công tác lắp đặt ván thường được bán theo bộ (gọi là Lamination Installation Kit) bao gồm mấy chục miếng spacers, một thanh tapping block, và một thanh pull bar, giá chưa tới $20, có thể mua được dễ dàng ở các cửa hàng Home Depot, Lowes….
Hàng ván thứ hai và thứ ba Sang tới hàng ván thứ hai, “ô so le” phải được thể hiện. Trở lại từ điểm khởi đầu của hàng thứ hai, nếu cứ lấy nguyên một thanh ván còn đủ kích thước lắp vào đây, thì ván ở hàng thứ nhất và hàng thứ 2 sẽ có cạnh dọc nối đuôi tạo thành một đường thẳng, và chúng ta sẽ có những ô bàn cờ nằm sát bên nhau, chứ không phải là ô so le. Để tránh điều tối kỵ này, chúng ta cắt ván như sau: Thanh ván bắt đầu hàng thứ 2: Chiều dài chỉ bằng 1/3 thanh ván ở hàng thứ nhất. Thanh ván bắt đầu hàng thứ 3: Chiều dài bằng 2/3 thanh ván thứ nhất. Thanh ván bắt đầu hàng thứ 4: Để nguyên vẹn, không cắt, chiều dài bằng thanh ván hàng thứ nhất. Đặt được thanh ván đầu hàng rồi, thì ghép các thanh tiếp nối chỉ là sự lặp lại cùng một động tác cũ, không có gì khó khăn. Hoàn tất hàng thứ 3, chúng ta sẽ thấy các ô so le thể hiện rõ ràng. Ngoài cách trên, người ta có thể biến hóa tùy theo sáng kiến, chẳng hạn đảo lộn như sau: Thanh ván bắt đầu hàng 2: Chiều dài bằng 2/3 Thanh ván bắt đầu hàng 3: Chiều dài bằng 1/3 Thanh ván bắt đầu hàng 4: Không cắt, giữ nguyên vẹn chiều dài…. Tuy nhiên, chúng ta phải theo qui định của nhà sản xuất nếu họ có hướng dẫn cụ thể về cách cắt ván để tạo ô so le.
Hàng Ván Cuối Cùng: Rồi cũng tới hàng ván cuối cùng, trước khi chúng ta có thể hoàn tất công việc. Khoảng trống còn lại, trừ đi chỗ đặt spacers, chắc chắn không vừa khít một thanh ván, buộc lòng chúng ta phải xẻ ván hầu cắt bớt chiều rộng. Để xẻ cho vừa, chúng ta áp dụng mẹo nhỏ sau đây (xem hình Tấm Ván Cuối) Đặt thanh ván cuối (số 2 trong hình), ngang bằng mép tấm ván vừa lắp xong (số 1 trong hình). Đặt một mẩu ván khác (số 3), trên tấm số 2, rồi ép sát vào tường (đúng ra là ép sát vào spacers) Lấy phấn vạch theo mép ngoài của ván số 3, chạy trên ván số 2. Xẻ ván số 2 theo đường phấn, chúng ta sẽ có phần ván vừa vặn cho khoảng trống còn lai. Lắp nghiêng dải ván đó vào khe của hàng trước, rồi từ từ ấn xuống, chúng ta sẽ lắp đầy khoảng trống còn lại một cách rất vừa vặn. Lời kết của Hằng: Chú của Hằng bảo, tới khúc này là bạn có thể nhận công được rồi. Không hiểu “bà chủ nhà” sẽ trả công bạn thế nào: Một bữa tối ngon lành? Hay một bữa gì khác? Nhưng nếu thuê thợ, với tiền công từ $1 tới $3.50 một square foot, thì gian phòng khách 500 square foot, bà chủ nhà sẽ phải trả từ $500 tới $1,700. Không ít đâu. Câu nói của chú làm Hằng nghĩ ngợi quá, nếu ông Cả Đẫn làm được, thì em không biết làm bữa gì đãi ổng đây!
Sàn ván Laminate: Những điểm kết thúc (bài 3) (VienDongDaily.Com - 30/08/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Hằng cứ lo phải kiếm cái gì để đãi ông Cả Đẫn sau khi ổng làm xong cái nền ván laminate. Nhưng chú của em bảo “chưa, chưa xong được. Còn mấy điều quan trọng cần nói cho hết.”
Lắp ván dưới khung cửa Vì khung cửa có một cái nẹp nhô ra khỏi vách tường, gọi là door casing, nên chúng ta sẽ có trở ngại khi lắp ván ở chỗ này. Bạn có thể cắt miếng ván chạy vòng quanh nẹp cửa, nhưng đó không phải là giải pháp hay. Thợ chuyên nghiệp cắt cái chân khung cửa cho nó hở ra một cái khe, đủ để lắp miếng gỗ và còn dư ra khoảng trống chừng 1/16 trên mặt gỗ. Muốn cắt khe cho chính xác, bạn đặt miếng laminate trên nền thảm lót (underlayment), đẩy sát vào bên chân cửa, rồi dùng bút chì vẽ một vạch trên chân cửa, nhích cao hơn mặt ván 1/16”. Đây sẽ là cái vạch để bạn lùa cưa vào, cắt ngắn chân khung cửa. Lắp ván quanh những vật tròn, hoặc ở những nơi có nhiều góc cạnh: Dùng một miếng các-tông, hoặc một tờ giấy để ướm và cắt ra làm mẫu trước khi dán cái mẫu giấy ấy lên để cắt gỗ. Nhớ dán theo đúng chiều và đúng mặt để có được miếng gỗ tương đương, không nghịch chiều.
Thanh chuyển tiếp (transition) Bây giờ chúng ta tới một nơi quan trọng trước khi kết thúc công tác: Đó là các đường mép ván, tiếp giáp với thảm, với gạch, hoặc một vật liệu nào khác… ở gian phòng kế cận. Ở những nơi này, chúng ta phải có thanh chuyển tiếp (transition pieces). Thanh chuyển tiếp có 2 mục đích sau: 1. Để tạo ra một kết thúc đẹp cho mặt nền vừa lắp đặt. 2. Để tạo ra một chuyển tiếp nhẹ nhàng sang một mặt nền khác, có thể cao hơn, hoặc thấp hơn. Vì vật liệu trong nhà có thể gồm nhiều loại, nên các thanh chuyển tiếp cũng phải có nhiều kiểu để thích ứng, chẳng hạn: T-molding: là thanh chuyển tiếp giữa 2 mặt nền đều là vật liệu cứng, chẳng hạn mặt gỗ với mặt gỗ ở cửa phòng, hoặc mặt gỗ với mặt gạch. Carpet reducer: Là thanh chuyển tiếp giữa mặt nền gỗ với thảm. Hard surface reducer: Là thanh chuyển tiếp giữa mặt nền gỗ và một mặt nền khác cũng là vật liệu cứng, nhưng thấp hơn mặt gỗ. Stair nose: Là thanh kết thúc bậc thềm hoặc bậc thang. Chúng ta phải tùy địa điểm để mua thanh chuyển tiếp thích hợp.
Lắp Wall Moulding Đến đây vẫn chưa thể coi là xong, bạn còn phải dán nẹp cho các vách tường (Wall Moulding hoặc Wall Baseboard). Bạn có nhớ là còn một một khoảng trống chừng ¼ giữa vách tường và nền ván chứ? Đó là khoảng hở được chừa ra làm chỗ “thở” cho ván. Những thanh nẹp tường được lắp vào đây vừa làm đẹp bức tường, vừa là để che đi khoảng hở ¼” này. Vì thế chiều dầy của thanh baseboard phải từ ½ inch tới 5/8 inch để có thể làm được việc đó. Dĩ nhiên, cần phải rút các miếng spacers đã đặt vào đó trước khi lắp baseboards. Khi lắp baseboards, xin nhờ mấy điều sau: Nếu muốn sơn baseboard bằng một màu ưa thích thì nên sơn trước đó, để cho khô rồi mới lắp vào tường. Bắt đầu với bờ tường dài nhất. Có thể dùng keo dính hoặc đinh để bắt baseboards vào tường. Nếu dùng đinh, nhớ đóng vào tường, ở những chỗ có trụ gỗ, chứ không đóng vào drywall hoặc vách ván. Có một dụng cụ gọi là Stud Finder, giúp bạn tìm ra vị trí của trụ gỗ, đánh dấu vị trí đó trên tường, rồi đặt baseboard trước khi bắn đinh. Nếu bờ tường quá dài, xẻ 2 thanh nẹp 45 độ theo chiều dầy, rồi ghép chúng với nhau. Có thể dùng Caulk để lấp những chỗ hở, nếu có, giữa ván nẹp và tường. Caulk là chất liệu dùng để hàn lấp các khe hở trong nhà, thường là tổng hợp giữa Silicone và Acrylic, có bán sẵn ở các cửa hàng vật dụng sửa chữa nhà cửa. Chờ cho Caulk khô lại rồi sơn lên.
Lắp đặt Quarter Rounds Để tô điểm cho đường viền quanh tường và lấp khoảng hở ¼ inch với nền gỗ laminate, chúng ta cũng có thể dùng những thanh nẹp nhỏ hơn, có hình ¼ vòng tròn, nên được gọi là quarter round. Có nhiều người dùng cả Baseboard lẫn Quarter Rounds để làm dáng thêm cho đường viền quanh tường. Nhưng xét thấy tô điểm cầu kỳ không cần thiết, chỉ cần dùng một trong 2, hoặc Baseboard hoặc Quarter Round, là đủ. Như vậy là hoàn tất công trình. Nói nghe dài dòng, nhưng nếu chỉ trong 3 bài vừa qua mà các bạn đã biết tự lắp một nền gỗ Laminate cho nhà mình, thì sự tiến bộ còn đáng kể hơn là “đi hia bảy dậm” nữa.
|
|
|
Post by nguyendonganh on Sept 14, 2013 1:28:22 GMT 9
Nền nhà …. em biết hỏi ai? (VienDongDaily.Com - 15/08/2013) Vũ Hằng/Viễn Đông
Một người bạn đã viết cho Hằng như thế! Chả là vì nền nhà cô hiện tại là thảm, mà ông xã cứ đòi thay bằng nền gỗ, cô bảo ổng chờ để cô hỏi mà không biết hỏi ai… nên “em viết thư đại cho chị. Không biết chị có giận em không?” Bạn xem, lời kết thư cô viết có dễ thương không cơ chứ. Phần trên còn dễ thương hơn, nhưng cô không muốn Hằng đăng trọn vẹn, sợ ông xã biết…. Không hiểu ổng biết thì làm sao, nhưng ý cô như vậy nên mình phải theo. Chúng ta thử giúp cô vài ý kiến về sự hơn thiệt giữa nền thảm và nền gỗ như thế nào nhé.
Harwood và Laminate Khi nói về gỗ, điều đầu tiên chúng ta cần phân biệt là 2 thứ Harwood và Laminate. - Hardwood là gỗ thật, lấy từ thân cây rừng. Bởi vì là gỗ thật, nên Hardwood khá đắt – đắt đến mức nào là còn tùy loại gỗ - nhưng nó có giá trị hơn đối với những người thích kén chọn. - Laminate có thể gọi là gỗ giả (faux wood), đẹp không thua gì gỗ thật mà lại rẻ hơn nhiều. Điểm đặc biệt, tuy rẻ hơn nhưng Laminate lại tốt hơn, có giá trị sử dụng cao hơn Hardwood. Ngày nay, Laminate càng lúc càng được ưa chuộng. Nên nói về gỗ, đa số mọi người nghĩ tới Laminate. Vì thế, những gì chúng ta nói về gỗ dưới đây chủ yếu là của laminate.
Gỗ và thảm: Những điều lợi hại Tiện lợi hiển nhiên của gỗ là sạch và dễ lau chùi hơn thảm. Nếu có nuôi chó mèo, bạn lại càng nhận rõ sự khác biệt. Nền thảm cần có máy Vacuum hút bụi mà chưa chắc đã sạch, trong khi nền gỗ chỉ lia vài tia chổi là ăn chắc. Về độ bền, gỗ vượt hơn thảm rất xa. Loại gỗ rẻ tiền nhất cũng được bảo đảm tối thiểu 10 năm. Đó là bảo đảm chống trầy sát hoặc nứt nẻ, còn về dáng vẻ thì có dùng tới 30 năm nền gỗ trông vẫn như mới. Trong khi đó, không mấy ai giữ mới được nền thảm sau … 5 năm. Nếu bạn tính bán nhà mà chưa thay thảm, thế nào người mua cũng tìm cách bớt tiền. Nhưng nếu là nền gỗ thì sau bao nhiêu năm người mua cũng không dựa vào đâu mà kỳ kèo được. Thêm nữa, gỗ không bao giờ “xù lông nhím” gây dị ứng cho ai cả. Trong khi đó, bông sợi thảm dễ xù ra, khiến nhiều người dị ứng hắt hơi hay ngứa ngáy. Nhưng thảm cũng có ưu điểm chứ? Có! Thì vào mùa đông, nền thảm cho chúng ta một cảm giác ấm cúng, thân ái hơn, trong khi nền gỗ trông có vẻ lạnh lùng và … cứng nhắc! Thêm nữa, mọi người đều thừa nhận rằng nền gỗ … ồn ào, có thể phát tiếng kêu lộp cộp dưới đế giầy. Trong khi đó, nền thảm êm dịu, mềm mại dưới gót chân. Tuy nhiên, chính ở cái điểm bất tiện này mà chúng ta lại phải công nhận một lợi điểm nữa của nền gỗ: Bạn có thể đi giầy vào nhà nền gỗ, chứ không ai đủ can đảm đi giầy trên thảm cả. Em có kinh nghiệm bản thân về điều này là vì mấy con bạn ngổ ngáo không bao giờ chịu bỏ giầy ngoài cửa khi vào nhà ai. Chúng bảo bắt cởi giầy thà chúng không vào nhà còn hơn. Gặp những đứa cứng đầu như vậy, chắc mình đành mất bạn để giữ thảm, hoặc phải cấp tốc thay thảm để giữ bạn mà thôi. Còn một điểm khác có thể là điểm yếu của nền gỗ, đó là tiền công lắp đặt. Không nói về tiền mua, bởi vì nó tùy thuộc cấp bậc của sản phẩm, nhưng nói về tiền công lắp đặt thì sau đây là ước tính của những nhà chuyên môn: Lắp đặt gỗ ước tính từ $1.00 tới $5.00 một square foot. Lắp đặt thảm dưới $1 một square foot. Như vậy, nếu lắp đặt gỗ cho cả căn nhà rộng chừng 1500 sf, chắc bạn phải tốn thêm từ $1,500 đến $2000 tiền công. Nhưng nếu chỉ lắp gỗ cho phòng khách, hoặc phòng làm việc, rộng chừng 200 sf tới 400 sf, thì sự chênh lệch không đáng kể. Về trường hợp của bạn, Hằng mạn phép góp ý là bạn cứ mạnh dạn chiều ý lang quân nếu chàng muốn gỡ thảm và lắp gỗ. Đó cũng là một khuynh hướng chung tại Mỹ, kể cả trong số những sắc dân “ngoại quốc”; Còn người Việt mình thì khỏi nói: 10 người có tới 9 người rưỡi là thích nền gỗ. Có nền gỗ rồi, bạn có thể mua những tấm thảm màu, gọi là Area Rug, để tô điểm thêm cho một khu vực đặc biệt, chẳng hạn bên dưới coffe table ở phòng khách. Đặt thảm màu trên nền gỗ là một cách trang điểm có duyên, làm gian phòng có thêm phong cách mới. Nếu là nhà nền thảm, tìm một loại Rug tương ứng đặt trên đó sẽ khó hơn.
|
|
|
Post by Cửu Long Giang on Nov 16, 2013 1:53:22 GMT 9
Tám mẹo vặt biến giày chật thành vừa chân Khi quá thích một kiểu giày đẹp mắt nhưng không mua được kích cỡ vừa chân, có nhiều mẹo nhỏ giúp bạn có thể tự nới rộng giày ra từ 0.5 đến 1 size mà không cần nhờ đến thợ. Sau đây là 8 cách dễ thực hiện trong nhiều cách trang mạng WikiHow đề nghị.  (Hình: Getty Images) 1. Mang giày trong nhà Đây có thể nói là cách dễ nhất, ai cũng có thể làm được, tuy khá mất thời gian và hiệu quả thấp. Bạn nên dành ra vài ngày nếu muốn sử dụng phương pháp này. Những lúc rảnh rỗi ở nhà như coi TV hay đọc sách, bạn mang giày vào. Khi không phải đi tới lui, giày chật hay cứng một chút cũng không làm đau chân. Đến lúc diện giày mới, chân bạn sẽ quen với giày và giày cũng mềm và rộng ra được một chút.  (Hình: Getty Images) 2. Dùng vớ và máy sấy tóc Phương pháp này chỉ nên dùng cho giày da. Bạn hãy đeo vào đôi vớ dày nhất, trước khi ráng mang vào đôi giày. Sau đó, dùng máy sấy để sát vào góc giày mà bạn đang cần nới độ 20 đến 30 giây. Ngưng, bỏ vớ để thử xem giày vừa chưa. Lặp lại các bước cho đến khi giày rộng ra vừa đủ. Bôi dầu bóng loại chuyên dụng cho giày da để làm sáng lại góc giày vừa sấy.  (Hình: Getty Images) 3. Dùng nước, bịch ni lông và tủ lạnh Dùng một bịch ni lông nhỏ, tốt nhất là bong bóng hay loại bịch cỡ một chiếc sandwich, đựng một phần ba thể tích nước rồi cột lại. Chọn loại thích hợp để bảo đảm nước không bị tràn ra ngoài. Để một bịch nước vào mỗi bên giày. Đặt đôi giày vào ngăn đá tủ lạnh. Khi nước hoá đá, thể tích tăng lên giúp giày của bạn cũng dãn ra. Độ 20 phút trước khi cần xài, bạn cần lấy giày ra để giày trở lại nhiệt độ thông thường. Lấy bịch nước đá đã chảy ra khỏi giày. Tiếp tục các bước nếu còn cần phải nới thêm.  (Hình: Getty Images) 4. Dùng giấy báo cũ Thấm ướt một mớ giấy báo cũ, vừa đủ để nhét cứng mỗi bên giày. Đừng quá tay đến mức giày biến dạng. Để giày và báo khô, giày đã rộng ra thêm cho bạn. Nếu không có giấy báo, bạn có thể dùng vớ cũ để thay thế.  (Hình: Getty Images) 5. Dùng oat-meal Phương pháp này đặc biệt thích hợp cho những đôi giày ủng bằng da. Hãy đổ đầy đôi giày với oat (hạt mạch) hoặc các loại hạt có khả năng thấm nước cao khác. Sau đó, đổ nước vào giày, vừa cao hơn mực hạt oat là được. Để qua đêm, các hạt trên sẽ thấm hết nước và nở ra, khiến giày rộng thêm. Trước khi sử dụng, đổ các hạt oat và rửa sơ đôi giày.  (Hình: Getty Images) 6. Dùng alcohol Alcohol loại dùng để sát trùng cũng có thể giúp bạn nới rộng đôi giày mới. Đổ alcohol và nước, tỉ lệ bằng nhau, vào một bình xịt nước. Xịt lên giày và mang vào chân. Alchohol sẽ khô nhanh. Lặp lại các bước cho đến khi giày vừa chân. Nếu không kiên nhẫn để từ từ thực hiện phương pháp trên, bạn có thể xịt alcohol vào vớ trước khi mang giày để rút ngắn thời gian.  (Hình: Getty Images) 7. Dùng khoai tây Gọt một củ khoai tây và cắt làm đôi. Bỏ mẩu khoai vào giày, ép chặt vào cho góc giày nông ra. Đổ phần khoai đi, lau sạch phía trong giày. Đừng sợ khoai làm dơ hay hôi giày. Ngược lại, khoai tây có khả năng khử mùi tốt.  (Hình: Getty Images) 8. Dùng dụng cụ nông giày Bạn có thể mua các dụng cụ này, thường là bằng gỗ, trong chợ lớn hay trên mạng. Giá cả tuỳ loại từ $12.99-$39.99. Khi mua nhớ chọn kích cỡ phù hợp với cỡ giày mình mang. Thị trường cũng có các loại dầu, hoá chất, để bạn bôi vào giày khi nông bằng đồ nông gỗ, vừa để bảo vệ giày vừa rút ngắn phần nào thời gian cần thực hiện. (T.A.)
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Apr 26, 2014 3:21:47 GMT 9
Nói hành nói tỏi VienDongDaily.Com Vũ Hằng
Nói hành nói tỏi là một thói quen xấu của … đa số chúng ta. Ai cũng bảo thế, nhưng Hằng lại không nghĩ như vậy, bởi vì em thấy hành tỏi có nhiều điều tốt, rất tốt nữa là khác, như các bạn sẽ thấy sau đây. Hôm nay em xin nói tỏi trước.
Tỏi: Một thứ gia vị không thể thiếu
Hẳn nhiên là như vậy: Tỏi rất cần thiết để chúng ta pha nước mắm chấm bánh tráng cuốn, chả giò, để làm các mòn xào… và rất nhiều thứ khác. Chuyện này chắc các bạn còn rành hơn cả em. Nhưng ngoài sự hiện diện không thể thiếu trong món ăn, tỏi còn có những ích lợi khác, bảo đảm sẽ là những tiết lộ bất ngờ đối với nhiều bạn.
Giúp mọc tóc
Muốn có được một mái tóc đen dầy, trước hết phải làm sao khỏi rụng tóc, và sau đó phải tạo điều kiện giúp cho tóc mới mọc lên. Vì thế có thể nói giúp mọc tóc cũng là góp phần trị rụng tóc luôn. Vấn đề rụng tóc và giúp tóc mọc nhiều, thực ra, có những nguyên nhân sâu xa mà nhiều chuyên viên y tế đã vào cuộc nghiên cứu, và tung ra thị trường nhiều sản phẩm trị liệu. Cứ xem những mục quảng cáo trên các phương tiện truyền thông là đủ biết vấn đề rụng tóc và mọc tóc quan trọng thế nào. Nhưng có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy ai quảng cáo cho … tỏi, là vì nó tầm thường, nằm lăn lóc trong góc tủ bếp: Bán tỏi thì được bao nhiêu tiền mà quảng cáo?
Nhưng, công hiệu của nó ra sao? Cô giáo em bảo tỏi chữa rụng tóc rất công hiệu, bởi vì tỏi, cũng như hành, có nhiều chất allicin, có khả năng làm giảm rụng tóc, tăng cường và tái tạo chân tóc. Tỏi cũng có đặc tính khử trùng, chống nấm, làm giảm gầu đầu và trị chứng ngứa da đầu. Để tận dụng những ích lợi đó, chúng ta làm như thế này:
Cắt nhỏ chừng 2 “ánh” tỏi, bỏ vào trong 1 cái tô
Lấy chai dầu Olive đổ vào tô, cho ngập hết các miếng tỏi. Ngâm chừng 1 tiếng đồng hồ, hoặc càng lâu càng tốt, để tinh túy của tỏi ngấm vào dầu.
Chắt lấy dầu từ trong tô bằng cách dùng một miếng vải lọc, đổ vào một tô khác. Thành phẩm có được gọi là “dầu tỏi”, với bã tỏi đọng lại trong vải lọc đem liệng bỏ. Không nên để bã tỏi lẫn vào trong dầu, dính vào tóc làm cho khó gội đầu.
Dùng “dầu tỏi” xoa lên đầu, chủ yếu cho thấm vào da đầu và chân tóc. Giữ như vậy khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Rồi gội lại cho sạch bằng xà bông và xả nước.
Làm như vậy mỗi tuần 1 lần, hoặc 5 ngày 1 lần. Trong vòng 1 tháng, bạn sẽ nhận thấy tóc đỡ rụng hẳn. Hy vọng mẹo vặt này có thể đáp ứng phần nào nỗi âu lo của các bạn đang bị rụng tóc, đặc biệt một người bạn đã viết thư cho Hằng cách đây ít lâu.
Diệt vảy nến
Vảy nến phải chi là những giọt lệ từ cây nến bình thường thì đâu có gì đáng ghét đến phải tiêu diệt, nhưng không hiểu sao nó lại xuất hiện trên cơ thể chúng ta, làm bong lên những mảng da sần sùi không khác gì vảy nến, làm mất đi vẻ mịn màng của da thịt, đồng thời gây ngứa ngáy khổ sở vô cùng. Cũng giống như vậy nhưng xảy ra ở các kẽ bàn chân, là hiện tượng mà người ta gọi là “bàn chân lực sĩ” (athlete’s foot).
Nếu đã dùng thuốc do bác sĩ kê toa mà chưa khỏi, thì xin bạn thử lấy chút dầu tỏi trên đây ra thoa thử mỗi ngày vài lần xem. Để được hiệu quả hơn, bạn nên uống thêm “viên thuốc tỏi”. Nhớ tìm loại thuốc viên không để lại mùi trong hơi thở để khỏi gây khó chịu cho những người chung quanh.
Khêu dằm
Dằm là cái gai, mảnh gỗ, mảnh thủy tinh vụn…. đâm vào tay hoặc vào chân. Không khêu ra được, nó có thể mưng mủ, hoặc ít nhất cũng gây khó chịu và đau đớn không ít cho nạn nhân. Đúng rồi, “gai đâm vào thịt thì đau”, chứ có phải như cái thứ gì “đâm vào … thì nhớ nhau suốt đời” được đâu!
Bình thường chúng ta lấy một cái kim, nhờ một người sáng mắt khêu nó ra. Người khêu phải bạo tay khi đâm kim và khoét rộng trên da trước khi có thể lấy được cái dằm. Đối với nạn nhân thì máu me dầm dề và đau thôi khỏi nói! Mà cũng không mấy khi thành công. Có khi phải đi bác sĩ mổ mới lấy dằm ra được.
Tình cảnh đó chắc bạn cũng đã từng trải qua, nhưng chắc bạn chưa thử dùng đến cái mẹo vặt dân gian sau đây bao giờ: Rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy một ánh tỏi, đắp lên chỗ đau, ở chỗ cái dằm còn nằm sâu bên dưới, rồi lấy băng cá nhân hoặc băng keo dán lại…. để qua đêm. Sáng hôm sau, bạn sẽ cảm thấy đỡ đau hơn nhiều là vì cái dằm đã tự chuồi ra từ hồi nào. Bằng không, bây giờ khêu ra cũng sẽ dễ hơn và đỡ đau hơn trước.
Nãy giờ, Hằng “nói hành nói tỏi” khá nhiều. Mẹ em nghe được, thế nào cũng mắng cho một trận nên thân. Nhưng hy vọng các bạn sẽ thông cảm, và đừng nghĩ rằng con bé này là… người xấu nhé! ***************** Bữa trước mình nói tỏi, hôm nay mình nói hành nhé. Hành là thứ “rau” phổ thông trong nhà bếp không khác gì tỏi, mà có khi còn phổ thông hơn. Ngày Tết, gần như không nhà nào không có món dưa hành để ăn với bánh chưng. Có thời gian Hằng được các chị em trong nhà gọi là “phi hành gia” nhờ biết làm “hành phi” rất ngon. Bây giờ giới ăn nhậu lại sính món “hành chiên” thơm lừng, hấp dẫn…. Ngoài khả năng phục vụ bàn ăn với nhiều hình nhiều vẻ như vậy, hành còn có ích cho sức khỏe. Riêng con bé này thì rất chịu ơn hành vì nó giúp mình làm… đẹp, xin nói về việc này trước nhé.
Làm đẹp da
Nếu cũng công nhận điều người ta vẫn nói là “nhất da nhì dáng,” thì chắc bạn sẽ rất quí cái loại “rau” tầm thường này. Vốn chứa rất nhiều vitamin A, C và E , hành có thể làm cho nước da của chúng ta sáng hồng lên, giúp hàn gắn những tổn thương mà tia cực tím (Ultraviolet) trong ánh nắng gây ra cho da. Với các hóa chất bảo vệ như quercetin, sulfur, hành giúp da căng mọng, loại trừ vết nhăn, và làm cho da mềm mại, hồng hào. Nếu được như vậy thì còn sợ gì tuổi tác nhỉ?
Bằng cách nào ư?
Chế mặt nạ bằng nước cốt hành tươi (onion juice) theo công thức: 2 muỗm (tablesthingy) bột mì, 1.5 tablesthingy nước cốt hành và ½ muỗn cà phê (teasthingy) sữa tươi. Hòa chung với nhau để làm thành chất hồ sền sệt, nếu quá đặc thì pha thêm sữa cho vừa sử dụng. Nếu mùi hành quá gắt, có thể pha thêm vài giọt dầu thơm (essential oil) như dầu Lavender, để làm vui lòng lỗ mũi (nhưng không thực sự cần thiết). Rửa mặt cho sạch rồi đắp đều chất hồ này lên mặt và cổ. Chờ chừng 15-20 phút hoặc cho đến khi mặt nạ khô hẳn lại. Sau đó, lấy bông gòn nhúng sữa đắp lên và bắt đầu chà sát theo đường vòng tròn để từ từ gỡ mặt nạ đi.
Mỗi tuần làm vài lần, mặt nạ nước cốt hành sẽ giúp lột tầng da chết để khoe ra một làn da mới, mềm mại và săn chắc.
Nếu không có giờ làm mặt nạ thì chỉ cần chà mặt bằng nước cốt hành tươi mỗi ngày cũng sẽ giúp kích hoạt sự lưu thông mạch máu bên trong, giúp nước da sáng hồng và trẻ trung hơn.
Làm đẹp tóc
Cũng giống như tỏi, hành là một thứ vũ khí lợi hại chống lại những kẻ thù của mái tóc, làm cho tóc dầy lại, ngăn chặn rụng tóc, bớt gầu đầu và bớt … gãi ngứa!
Trước tiên, chắt nước cốt hành bằng cách xay nát củ hành, rồi dùng vải lọc lấy bã bỏ đi. Pha nước cốt hành với dầu olive theo tỷ lệ 50/50, rồi đắp lên da đầu. Lấy bọc ny lông trùm đầu, để ngấm trong vòng 2 tiếng đồng hồ, sau đó gội lại bằng xà bông và nước lã.
Làm như vậy mỗi tuần một lần, bạn sẽ sớm phục hồi lại mái tóc dài đầy đặn với một lớp da đầu sạch sẽ, không còn lả tả gầu trắng rơi rụng xuống hai bờ vai nữa.
Nếu tóc thưa không phải vì rơi rụng, mà vì nó vốn là như thế thì bạn phải kiên nhẫn hơn: Xay một củ hành để lấy nước cốt nguyên chất, hòa với nửa muỗng cà phê (teasthingy) mật ong. Nếu mùi hành quá mạnh thì pha thêm vài giọt dầu thơm (bất cứ loại essential oil nào cũng được). Rồi xoa lên đầu, không cần dùng bọc ny lông trùm kín, để qua đêm, đến sáng hôm sau gội lại. Làm như vậy mỗi tuần 3 lần, bằng không cũng phải được ít là 1 lần, mới mong có kết quả: Nhiều chân tóc mới sẽ mọc ra, làm nền cho một mái tóc dầy dặn và sung sức hơn.
Tuy nhiên, nước cốt hành có thể làm nhạt màu tóc đen của bạn, nhất là khi đó là màu tóc mới… hóa trang: Thế nào thuốc nhuộm cũng có bay đi ít nhiều do tác dụng của nước cốt hành. Để ngăn ngừa hậu quả đó, bạn có thể pha thêm thêm dầu mụt tạt (mustard oil), với tỷ lệ 50/50 so với nước cốt hành. Dầu mụt tạt sẽ kềm lại, không cho nước hành làm nhạt màu tóc của bạn nữa.
Để cho đỡ cay…
Trong lúc loay hoay với củ hành, có thể bạn sẽ phải chảy nước mắt vì hơi hành cay gắt bốc lên. Để làm cho hơi hành dịu lại, bạn nên bỏ nó vào tủ đá, chừng 15 hay 20 phút trước khi lấy ra cắt. Nhưng nhớ đừng để trong đó quá lâu, kẻo khi lấy ra củ hành cứng lại như đá thì cũng khổ.
Xa lánh… hành tỏi VienDongDaily.Com Vũ Hằng
Hôm nay mình không nói hành nói tỏi nữa, mà còn tìm cách xa lánh chúng. Là vì, tuy giúp làm được nhiều món ăn ngon, có ích lợi cho sức khỏe và ích lợi trong nhiều phương diện khác ngoài nhà bếp, nhưng hành tỏi để lại những di tích không được ưa chuộng, cụ thể là khi còn tươi, hành tỏi có mùi hăng nồng, ăn vào miệng thở ra mùi khó chịu, xông lên mắt làm cay xè, và tràn nước mắt nước mũi giàn giụa. Sau khi ăn vào miệng, chúng ta có cảm giác mọi người đều nhăn mặt nhìn mình với ánh mắt đề phòng, rồi từ từ lảng tránh, làm mình mắc cở vô cùng.
Cách phản ứng đơn giản nhất là đi đánh răng và cạo lưỡi. Đánh răng là đương nhiên, nhưng có người quên … cạo lưỡi. Thực ra cái lưỡi của mình tiếp nhận 80% tới 90% vi khuẩn gây ra mùi vị, nên quên cạo lưỡi là quên phần lớn công tác vệ sinh đó. Rồi súc miệng lại bằng vài ngụm nước bạc hà “mouthwash” là có thể yên trí được một phần.
Những người đủ … cứng
Tuy nhiên, làm như vậy mới lo được mặt ngoài. Thực ra, cái mùi hành tỏi xuất phát từ trong gan ruột đưa lên, chứ không chỉ từ nơi miệng. Vì thế phải làm cách nào để đưa vũ khí của mình vào tận trong nội cung. Đối với ông Cả Đẫn nhà em thì chuyện đó “dễ ợt, miễn mình cứng chút là xong.” Cứ nghe ổng nói thì cái gì cũng “dễ ợt” miễn là mình… thế nọ, thế kia. Nhưng trong trường hợp này Hằng không đồng ý, bởi vì bạn phải nuốt sâu vô trong bụng một thứ có thể hóa giải được chất sulfur của tỏi. Không dễ đâu, nhất là khi “vũ khí” phải đưa vào là Mustard, một thứ “tương” cay xè đắng ngắt chúng ta vẫn thường ăn với sushi hoặc “hot dog”.
Nhưng nếu chịu được mùi cay của Mustard, thì bạn làm thế này:
- Xịt ra một thìa Mustard, ngậm trong miệng và dùng lưỡi đá qua đá lại chừng một phút trước khi nhả ra.
- Sau đó, xịt Mustard thêm chừng nửa thìa, lần này nuốt luôn vào trong bụng. Mustard sẽ đánh tan mùi hành tỏi từ bụng thở ra.
Thế nào, dễ chứ? Vậy là bạn “cứng” hơn Hằng rồi đó.
Những người … mềm
Như Hằng đây, ăn hot dog không có Mustard là không được. Nhưng bảo nuốt cay thì em thua. Nên em phải dùng một vài mẹo khác, “mềm” hơn, như sau:
- Ăn sống những loại rau có bạc hà (mints), như rau ngò, rau húng tươi, hoặc uống trà bạc hà.
- Ăn một hoặc hai miếng bánh mì.
- Ăn khoai tây nghiền, ăn canh nấm, uống nước chanh tươi chanh, ăn cà rốt…. Tất cả đều là những thực phẩm làm nhẹ mùi hành tỏi. Nếu bạn là chủ bếp, dọn ra một bữa ăn có nhiều món nấu tỏi, đừng quên kèm thêm các thứ trên để thực khách “rửa miệng” nhé!
Cũng có nhiều khi hơi thở mình bị hôi mà không phải do hành tỏi. Ấy là do bộ tiêu hóa làm việc không mẫn cán, do miệng mình quá khô hoặc do thiếu tinh bột. Nếu chỉ vì 2 lý do sau này, bạn có thể ăn một lát bánh mì, nhai vài thanh kẹo cao su, nhất là cao su quế, uống chút rượu để kích thích tuyến nước miếng tràn ra, cũng là một cách làm cho miệng bớt nặng mùi.
Không gian nặng mùi
Tiện đây, xin giới thiệu với bạn một lá thư cũng … nặng mùi, nhưng là thứ mùi từ không gian bên ngoài chứ không phải ở trong ra: “Mấy hôm trước em mê xem phim quá, chả ý đến nồi cá kho trên bếp, để cho cạn nước, cháy khê lúc nào không biết. Mãi đến khi nghe máy báo khói kêu inh ỏi, mới sực nhớ thì nhà cửa đã mù mịt. Chạy vội vào bếp thì mấy con cá đã cháy đen, bốc mùi khét lẹt cả gian nhà gần 1500 square feet. Mở hết cửa nẻo ra cho thoáng cũng chỉ chữa được khói. Còn mùi khét vẫn lảng vảng, rất lâu sau đó. May mà ông chồng em hôm đó đi làm overtime, đến tối mịt mới về, nên mùi khét lẹt đã đỡ phần nào, chứ không thì thế nào cũng bị ông ấy mắng cho một trận.”
Hằng thông cảm với bạn về cái tật mê phim (ai mà chẳng…), nên xin nhắc lại một cái mẹo nhỏ để phòng lần sau:
Để hóa giải cái mùi cháy khét, mùi cá nướng, thịt nướng, mùi chiên xào, hoặc bất cứ thứ mùi gì bất thường khó chịu lởn vởn trong nhà, bạn chỉ việc đổ ít dấm vào chén, rồi đem để giữa phòng. Dấm sẽ mau chóng hút hết những mùi lạ bất thường. Bảo đảm khi ông xã về đến nhà, dù hôm đó không có làm overtime chăng nữa, thì mùi lạ cũng đã tiêu tán hết rồi.
Trên đây là vài ba mẹo vặt giúp hóa giải những thứ mùi không mấy ai ưa. Dù có nguồn gốc từ bên ngoài hay phát ra từ bên trong, chúng ta đều có phép để trị cả. Nhưng ấy là nói về cái mùi thông qua lối trên, tức là cửa tiền, chứ còn cái thứ xông ra theo … cửa hậu thì con bé này không biết, chuyện đó là của các nhà chuyên môn cao cấp hơn nhé.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Apr 26, 2014 3:23:13 GMT 9
Dĩ độc trị độcVienDongDaily.Com Vũ Hằng Không biết ăn cái gì mà sao ‘nóng ruột’ quá vậy ta?Nhân nói về dấm (vinegar), mặc dầu không chủ trương dùng dấm để làm giảm cân, nhưng Hằng biết dấm là một “mẹo vặt” hiệu quả giúp chúng ta giải quyết được nhiều triệu chứng tật bệnh khác. Dĩ độc trị độc Trước tiên là chứng ợ chua do chất chua từ trong dạ dầy dồn lên trên, làm cho ngực mình nóng ran rất khó chịu. Cơn khó chịu thường xảy ra sau khi ăn, nhất là khi mình nằm xuống sau một bữa ăn no. Chị em Hằng ngày còn nhỏ mỗi lần than với mẹ rằng “con bị nóng ruột” là thế nào bà cũng chạy xuống bếp, pha trộn thứ gì đó, rồi đưa cho tụi này uống. Chỉ vài giây sau là chứng “nóng ruột” tan biến, y như mẹ mình là một bác sĩ cao tay hoặc một bà tiên có phép màu gì đó. Sau này mới biết rằng mẹ cho mình uống… dấm. Nhưng tìm hiểu thêm thì lại càng lạ hơn là vì dấm chủ yếu là acid, mà chất chua dồn lên làm nóng trong ngực mình cũng là acid luôn. Ông Cả Đẫn nhà em bảo như vậy gọi là “dĩ độc trị độc.” Không biết ngày xưa ở Việt Nam mình có những loại dấm nào, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người thì dấm táo (apple cider vinegar) là thích hợp nhất để trị chứng ợ chua hay nóng ruột. Nếu có thể kiếm được loại dấm táo chưa tiệt trùng (non-pasteurized), tức là dấm táo thiên nhiên vẫn còn những vi sinh vật “phúc thần” (beneficial bacteria) trong đó là tốt nhất. Vào chợ hoặc các cửa hàng bán thực phẩm chữa bệnh (health food store), nhớ tìm những chai có ghi chữ “apple cidar vinegar, non-pasteurized” mới mua. Chúng ta có thể mua sẵn một chai để dành, khi hữu sự thì đem sử dụng theo công thức như sau: Lấy chừng 1 hoặc 2 thìa canh hòa vào một ly nước lớn (8 ounces) để làm cho nhẹ mùi chua Nếu vẫn thấy khó uống, có thể pha thêm mật ong (honey) Rồi uống trước bữa ăn, hay bất cứ lúc nào có ợ chua. Nếu có thể, nên dùng một ống hút để đưa dung dịch thẳng vào trong dạ dầy mà không qua tiếp cận với men răng, bởi vì chất chua có thể làm hại men răng. Tại sao có thể dùng một chất chua vốn là acid để trị một triệu chứng do acid gây ra? Cách chữa trị này các bác sĩ có lẽ không chấp nhận, bởi vì họ có thể giúp bạn trị ợ chua bằng nhiều thứ thuốc tây, bán tự do trong Pharmacy. Nhưng có người cho hay họ thử các thứ đó rồi mà không thấy hiệu quả bằng dấm táo. Nếu bạn cũng từng bị chứng ợ chua hành hạ, mà trong nhà không sẵn thuốc, thì xin thử mẹo vặt này xem sao. Kinh nghiệm dân gian của nước mình và cả nước Mỹ nữa đó, chắc chắn không phải là vô giá trị đâu. Trị gầu đầu Dấm táo còn là một “môn thuốc” rất hiệu quả để trị gầu đầu (dandruff). Cái chứng này tưởng là không có gì đáng nói, nhưng ai bị rồi mới thấy rằng nó dễ làm cho mình mắc cở khi ra nơi công cộng. Nó làm cho mình ngứa đầu, lúc nào cũng phải đưa tay gãi, khiến thiên hạ tưởng rằng “tuần này chắc cô ấy chưa tắm!” Chưa kể những hạt bụi trắng rơi lấm tấm đầy vai áo, trông mắc cở chết được. Trong một bài trước đây ở mục này, chúng ta có nói về cách dùng baking soda để trị gầu đầu. Bây giờ mình lại có thêm một “phép” khác, đó là dấm táo. Dùng dấm táo theo công thức sau: Pha dấm táo với nước lạnh theo tỷ lệ 50/50. Rót vào trong bình có vòi xịt (spray bottle), rồi xịt đều lên tóc. Lấy vải cuốn hoặc bao ny lông trùm đầu, để như vậy chừng 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ, trong lúc làm việc nhà như bình thường. Sau đó, xả nước cho sạch. Làm như vậy 2 lần một tuần, chừng vài ba tuần là sẽ thấy kết quả. Có chưng diện ra ngoài đường cũng không còn mắc cở với thiên hạ nữa.
|
|
|
Post by Vĩnh Long on Apr 26, 2014 3:26:28 GMT 9
Dấm táo và công dụngVienDongDaily.Com Vũ Hằng  Uống dấm táo có giảm cân không? Có thể, nhưng phải cực kỳ cẩn thận (www.webmd.com ) Nhân nói về mẹo vặt “ăn nhiều” để giảm cân, một bạn đọc gửi đến câu hỏi sau đây: “Tôi nghe nói là uống dấm cũng giúp mình giảm cân. Mà tôi thường nghe nói về dấm táo. Cô có thể cho biết dấm táo là gì. Và, ngoài dấm táo còn có dấm gì nữa?” Dấm (Vinegar) có nhiều loại, trong đó dấm táo và dấm trắng chúng ta thường thấy hơn cả. Nói chung, dấm gì chăng nữa cũng đều rất chua, rất rẻ và giúp ích được nhiều việc. Về việc uống dấm để giảm cân, Hằng có nghe nhiều người nói nhưng bản thân em không dùng. Phân biệt giữa dấm táo và dấm trắng, Hằng thấy có những điểm như sau: - Dấm táo (Apple Cider Vinegar) làm từ trái táo, có màu hơi vàng. Trong khi đó, loại dấm kia (white vinegar) làm bằng những loại ngũ cốc có nhiều tinh bột như bắp, khoai tây, gạo lúa mạch…, và có màu trắng. - Dấm táo chua hơn vì có độ acid cao (từ 5 tới 6%), trong khi dấm trắng có khoảng 4% acid nên không chua bằng. - Uống để trị bệnh thì người ta cho rằng dấm táo tốt hơn. Nhưng dùng để làm muối dưa, người ta thích dùng dấm trắng, vì không muốn màu vàng vốn có của dấm táo ảnh hưởng tới rau dưa. - Dùng thay thuốc tẩy khi lau rửa hoặc giặt giũ, người ta cũng dùng dấm trắng, bởi vì màu trắng của dấm không ảnh hưởng màu vải vốn có của y phục. Hơn nữa, dấm trắng có phần rẻ hơn dấm táo. Nếu phải dùng với số lượng lớn, dùng dấm trắng sẽ đỡ “hao địa” hơn. Dấm táo và sức khỏe Thú thực, trong các thứ chua Hằng chỉ chịu mùi chanh, còn mùi dấm thì thua, cái mũi của con bé này yếu lắm. Nên ngoài việc dùng dấm để trộn xà lách, pha nước mắm, và dùng nó như một thứ thuốc tẩy không độc hại, em chưa thử dấm trong các việc khác. Nhưng nghe nói dấm có nhiều tác dụng cho sức khỏe, không phủ nhận được. Theo báo cáo trên một trang mạng rất có uy tín về y tế là www.webmd.com thì dấm – nói rõ là dấm táo - được xác minh là có những công dụng sau đây: - Bệnh tiểu đường: Một vài cuộc khảo cứu đã cho thấy dấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường. Cụ thể nhất là cuộc khảo sát thực hiện năm 2007 với 11 người có bệnh tiểu đường cấp 2, sau khi họ uống 2 thìa dấm trước khi đi ngủ, sáng hôm sau đo đường thấy giảm được từ 4% tới 6%. - Bệnh cao mỡ trong máu (cholesterol): Dấm táo có thể làm giảm cholesterol. Đó là theo kết quả khảo sát năm 2006 với loài chuột, còn với người thì … chưa thấy. Bạn nào cao Cholesterol ráng chờ chút nhé. - Bệnh cao máu (high blood pressure) và bệnh tim: Cũng trong thí nghiệm với loài chuột, người ta thấy dấm táo giúp ổn định huyết áp của những cô chú chuột cao máu. Còn về người thì một cuộc khảo cứu khá qui mô khác cho biết, những người ăn xà lách trộn với dấm từ 5 tới 6 lần một tuần thì cơ nguy mắc bệnh tim giảm hơn so với người không ăn. Nhưng các bác sĩ cũng không dám dựa vào kết quả này để nói chắc đó là do công trạng của riêng dấm, bởi vì ai cũng biết xà lách là thứ hỗn hợp tạp bí lù, cái tác dụng đó biết đâu là của một thứ khác trong xà lách. - Giảm cân: Từ nhiều ngàn năm nay, dấm vẫn được người ta uống vào để giảm cân, có lẽ vì dấm trấn áp cảm giác thèm ăn. Một cuộc thí nghiệm thực hiện năm 2005 với 12 người cho thấy những người ăn bánh mì với một chút dấm trắng cảm thấy no bụng hơn là những người ăn bánh mì không dấm. Kết quả chưa xác nhận xuống được bao nhiêu pounds sau thời gian xét nghiệm. Nếu dấm táo có thể giúp chúng ta trong những vấn đề đó thì phải kể là kỳ công, và một lần nữa, chứng tỏ rằng “mẹo vặt” có thể mang lại nhiều ích lợi lớn lao cho đời sống. Những điều cần lưu ý Tuy nhiên, khi dùng dấm vì lý do sức khỏe, các bác sĩ ở trang mạng www.webmd.com cũng lưu ý những điều sau đây: - Dấm có nồng độ acid cao. Vì thế khi uống dấm, cần phải pha loãng với nước lã hoặc với nước juice. Bằng không, dấm nguyên chất có thể làm hại các sớ thịt trong miệng, trong cổ họng và làm hại men răng, ấy là chưa kể vào trong ruột, làm xót dạ dầy, gây lở loét dạ dầy… - Dùng dấm lâu ngày có thể làm giảm các tố chất khác trong cơ thể chúng ta, cụ thể là tổn hại chất potassium, làm hại xương…. - Nếu bị tiểu đường mà muốn thử dùng dấm để tự trị, xin nhớ rằng dấm có chứa chất chromium, có thể tác động tới mức insulin trong máu. Vì thế, phải cực kỳ cẩn trọng trước khi quyết định sử dụng … mẹo vặt này. Hôm nay, “con cóc” bò ra khỏi miệng hang, nói hơi nhiều chuyện trên trời, nên phải cậy nhờ tới uy tín của các chuyên viên y tế trên mạng webmd.com. Thực ra, nếu chỉ nói chuyện giảm cân thôi, Hằng xin hiến với bạn một mẹo vặt khác: Cứ “ăn nhiều bữa nhẹ bụng” như lần trước đã thưa với bạn rồi đấy! Dấm và NấmVienDongDaily.Com Vũ Hằng Dấm và nấm là những thứ chẳng ai lạ gì. Bà Mỹ bên hàng xóm thường đến khoe với em một món nấm xào dấm mà bà gọi là “Balsamic vinegary mushroom” rất hấp dẫn. Nhưng ý Hằng hôm nay không phải nói về nấm ăn, mà về một thứ nấm khác. Tuy cũng khá phổ thông, nhưng nấm này không ngon mà làm cho mình rất khó chịu: Đó là thứ nấm, không mọc ở ngoài vườn, mà phát triển trong cơ thể hoặc trên da thịt chúng ta, gọi là bệnh nấm. Bệnh nấm có liên hệ gì với dấm không? Có, nhiều lắm, như bạn sẽ thấy trong một vài mẹo vặt sau đây: Nấm ăn móng “Cây nấm” ở đây không ăn được mà trái lại nó ăn … chúng ta. Thậm chí nó có thể “ăn” cả móng chân và móng tay chúng ta nữa. Nếu bạn thấy giữa bộ móng ngà ngọc xuất hiện một ngón lạc loài với cái móng sẩn đen, bị gậm nhấm sần sùi thì đó chính là “tác phẩm” của bệnh nấm. “Con nấm,” có lẽ gọi vậy thì đúng hơn, rất thích ăn chất sừng ở móng tay móng chân. Chắc bạn không lạ gì hình ảnh những móng tay, móng chân thâm đen rất mất thẩm mỹ ấy, và chắc bạn cũng đã mất khá nhiều công phu tìm thầy tìm thuốc. Hôm nay “bà lang” xin hiến với bạn thêm một thứ thuốc vườn bảo đảm công hiệu, chắc chắn sẽ làm tan sự phiền muộn do những móng thâm đen gây ra: Lấy một tách dấm táo (apple cider vinegar), ngâm tay và chân trong đó chừng 5 phút, vài ba lần một ngày. Nên cắt ngắn và làm sạch móng trước khi ngâm, để dấm có thể ngấm vào lớp da dưới móng. Sau đó để cho dấm tự khô trên da tay. Nếu nấm phát triển trên ngón chân, thì nên đi chân không bất cứ khi nào có thể được để ngăn chặn môi trường phát triển nấm. Trên da, nấm có thể phát triển dưới dạng “hắc lào” mọc khoanh vùng ở tay, chân, và nhất là ở vùng háng. Có khi lại cả gan leo lên mặt, mọc chung quanh mép, mất thẩm mỹ và gây ngáy rất khó chịu. Nghe đâu ông giáo Trần Văn Hương, sau này làm tới chức phó tổng thống ở miền Nam Việt Nam, trong thời gian bị thực dân cầm tù cũng bị chứng ngứa này, bởi vì, ổng kể lại là hay gãi … lăn tăn trong những lúc ngồi buồn. Chắc trong tù không tìm được dấm mới phải chịu như vậy. Ở ngoài này thì dễ lắm: Mình chỉ việc pha 1 phần dấm táo với 3 phần nước, rồi bôi trên những vùng da bị nấm là xong. Mỗi ngày làm vài lần, nhưng nhớ phải kiên nhẫn và đều đặn trong vài tuần lễ. Nhất là đối với bệnh nấm ăn móng lại càng cần phải kiên nhẫn hơn: Dùng thuốc tiên mà bỏ nửa chừng thì cũng là công cốc. Candida: Nấm trong ruột Bệnh nấm phát triển bên ngoài, ăn trên da như trên có thể hiểu được là do mồ hôi đọng lại quá lâu, không kịp khô, làm thành một vùng ẩm thấp cho nấm mốc phát triển. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất, bởi vì nấm còn có thể mọc cả trong ruột. Và ngoài những bệnh do “ở bẩn” nói trên, nấm trong ruột có thể phát tác nhiều chứng bệnh khác như: Bệnh chàm (eczema) Bệnh vảy nến (psoriasis) Ngứa ngáy ở lỗ mũi, lỗ tai và cả những lỗ khác …. ( Ông Cả Đẫn muốn Hằng nói rõ thêm về những chỗ “khác” đó, nhưng em biết ổng chỉ giả bộ “ngơ” để làm khó… Mong mọi người hiểu cho em.) Thậm chí, nấm phát triển trong ruột còn làm cho người mệt mỏi, bần thần, và từ đó xuống tinh thần, sinh ra chán nản Thực ra, nấm luôn luôn hiện diện trong ruột và rất cần thiết cho tiến trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất nuôi cơ thể. Nhưng nếu nấm sinh sản quá nhiều, chúng sẽ len ra khỏi thành ruột, lẫn trong máu, phóng độc chất vào hệ tuần hoàn, từ đó phát sinh ra nhiều chứng bệnh, cả ở ngoài da, nội tạng và tâm thần. Đó là chứng bệnh mà người Mỹ gọi là Candida, tên của loại nấm phát triển bên trong cơ thể. Theo bác sĩ Amy Myer, một bác sĩ rất nổi tiếng trong ngành Functional Medicine tại Hoa Kỳ, thì bệnh nấm Candida có thể được tìm ra qua thử máu, thử phân, thử nước tiểu…. và có nhiều thuốc để trị. Còn theo bà lang vườn thì chỉ cần một thứ đơn giản: Xin kiếm ngay chai dấm táo rồi tự trị theo công thức sau: Lấy 1 thìa canh (teasthingy) dấm hòa trong 1 ly nước lọc hoặc nước trà, rồi uống mỗi ngày 2 lần, trước bữa ăn. Nếu không uống hết một lúc thì có thể nhấm nháp mỗi lúc một chút. Hoặc pha thêm mật (honey) cho dễ uống hơn. Thực ra, dùng dấm táo để trị Candida không hẳn là mẹo vườn. Các nhà khoa học giải thích rằng chất acid và enzymes có trong dấm táo tiêu diệt bớt số nấm Candida thặng dư, từ từ tái lập sự cân bằng trong cơ thể. Phản ứng trong những ngày đầu tiên sử dụng dấm có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu hơn. Nhưng cố gắng và kiên trì, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu, và triệu chứng giảm hẳn trong những ngày sau. Dấm và HoaVienDongDaily.Com Vũ Hằng Dấm và hoa, đó là đề tài bạn đọc đã gợi ý qua lá thư sau đây: “Tôi mới mua được một bình bông ở Good Will, giá rất rẻ mà lại lạ mắt, cái bình có cổ thon còn ôm một bó bông trắng. Nói thực lòng, vì là đồ cũ nên cái bình thủy tinh có chỗ ố mờ, còn bó bông tuy vẫn là màu trắng, nhưng không còn mượt mà nữa. Cô Hằng có biết làm cách nào để phục hồi lại cả bình lẫn bông hay không? Cám ơn cô.” Bạn không nói rõ, nhưng chắc đó là những bông hoa lụa, và Hằng tin rằng bạn là một người biết thưởng thức sắc đẹp. Những người thực sự biết thưởng thức sắc đẹp không thể nào bỏ qua hoa lụa, nói chung là hoa giả. Hoa lụa đẹp với muôn nghìn muôn vẻ, không khác gì hoa thật. Nhưng trong khi hoa thật héo tàn theo ngày tháng, thì hoa lụa vẫn cứ đẹp rực rỡ, lúc nào cũng như giữa mùa xuân sắc. Không đòi hỏi chăm nom, tưới tắm như hoa thật, không tốn tiền chiều chuộng như “hoa biết nói,” mà hoa lụa chỉ biết cống hiến sắc đẹp của mình để làm vui người và đẹp đời. Từ ngày biết yêu hoa, Hằng cứ nghĩ rằng hoa lụa mới đích thực là sứ giả của sắc đẹp, nên phần dưới đây, em xin gọi tắt là hoa, chứ không phân biệt hoa thật hoa giả gì nữa. Thời gian, kẻ thù tàn hại nhất của muôn loài, cũng chẳng có cà-ram gì với hoa. Chỉ một thứ có thể làm nhạt phai sắc đẹp của hoa, đó là bụi đất lâu ngày tích tụ vào nhánh, vào cành, vào lá, vào hoa… làm lu mờ màu tươi sắc thắm. Nhưng hoa lại có nhiều vũ khí sắc bén để chống lại hầu duy trì sắc đẹp vượt thời gian của mình. Phục hồi hương sắc Khi thấy bình hoa trong nhà đã kém tươi vì bám nhiều bụi đất, bạn có thể lấy những nhánh hoa ra, đặt nằm trên một tấm khăn giấy, rồi làm như sau: Dùng 1 bình khí nén (compressed air, bình xịt thổi bụi máy điện toán) để đuổi bụi khỏi những cánh hoa. Sau đó lấy dấm, pha với nước theo tỷ lệ 50/50, đổ vào trong một bình xịt khác, rồi phun nhè nhẹ đều khắp trên cánh hoa và thân hoa. Và để hoa tự khô trong không khí. Sau khi hoa khô rồi, chúng ta sẽ thấy sự trẻ trung tươi mới trở về, và bó hoa sẽ hấp dẫn không khác gì thuở ban đầu. Sáng trong như mới Còn về cái bình thủy tinh bị mờ ám, bạn có thể làm cho nó sáng trong như mới một cách rất dễ dàng, bằng những thứ sau đây: Dấm Bột Baking Soda: Đó là cái tên bình dân, còn tên chính thức trong giấy “khai sinh” là Bicarbonate of Soda, mình cũng nên biết luôn như vậy để khỏi bị thiên hạ chê là cù lần. Một ít xà bông rửa chén. Và một ít phụ tùng như găng tay, khăn giấy, cùng với cái sink rửa chén đã sẵn trong nhà bếp. Rồi bắt đầu: Bơm đầy một sink nước nóng. Xịt nhiều xà bông giặt, rải thêm một ít Baking Soda vào. Quậy đều cho sủi bọt lên. Ngâm bình hoa cũ mới mua - và tất cả những ly tách thủy tinh muốn rửa nhân dịp này – vào đây chừng 10 phút. Chà bình thật kỹ trong ngoài bằng nước xà bông ấy. Mạnh tay hơn một chút nơi miệng và eo (chỗ nắm tay) của bình, là 2 nơi có nhiều vệt dơ hơn cả. Tháo nước trong sink. Xả bằng nước trong cho trôi hết xà bông trên bình. Rồi lại đổ nước vào sink, lần này pha thêm dấm, nhận chìm bình vào đây và ngâm chừng 5 phút. Lấy bình ra, để cho tự khô trong không khí, và kiểm tra lại xem còn vệt nước nào không. Nếu có thì dùng khăn khô, sạch để lau. Bây giờ bảo đảm bạn sẽ có một cái bình thủy tinh sáng bóng, không một chút tì vết, y như lúc mới mua về vậy. Đường dài, ngõ hẹp Ở đây, bạn lại đối diện một lối vào đã dài mà còn hẹp. Bình thường, nó sẽ gây thêm đôi chút khó khăn, nhưng nhiều người lại thích vì sự kiểu cách và hấp dẫn. Chẳng hạn như ông xã Hằng, nói đến đường dài ngõ hẹp là ông cứ một hai “bảo đảm với bà là chúng tôi ai cũng thích, chứ … cứ rộng thông thống từ trên xuống dưới thì có mà chán chết!” Có lẽ nhiều người khác cũng nghĩ như vậy thật, bằng chứng là đa số các bình hoa đều được thiết kế với một cái cổ nhỏ mà rất dài, không thể đưa tay vào bên trong mà ngoáy. Đồ của bạn thế nào? Có như vậy không? Dù thế nào chăng nữa, có là “đường dài ngõ hẹp” thì chúng ta vẫn có cách: - Thuốc rửa răng giả: Nếu trong nhà có người xài răng giả, chắc họ sẽ có 1 trong 2 thứ này: Efferdent hoặc Polident. Bạn xin vài viên, bỏ vào trong bình rồi chế nước cho đầy. Thuốc sủi lên, sẽ làm sạch chất dơ trên thành bình một cách rất nhanh chóng. Ông anh của Hằng đọc đến chỗ này chắc sẽ hãnh diện vì mấy viên thuốc lắm đây. Em đề cập mẹo này để tỏ lòng tôn kính sư huynh, bù lại những lúc mình cứ lẽo đẽo theo chọc quê ngài về chuyện … hăng rết! Thực ra, thuốc Efferdent hoặc Polident, tuy không khó kiếm nhưng không phải ai cũng có sẵn nếu trong nhà không có người xài răng giả. Nhưng còn 2 thứ dưới đây thì sao? - Dấm và baking soda: Hai thứ thuốc tiên này chắc ai cũng có sẵn. Trước tiên, đổ vài thìa baking soda (hoặc nhiều hơn, nếu bình lớn) vào bình. Tiếp theo là dấm trắng. Baking Soda trong bình gặp dấm, sẽ sôi lên sùng sục. Sau cùng, đổ thêm nước nóng, chờ nguội một chút rồi cầm bình lên súc mạnh, để “lóc” hết những tầng xà bần cáu ghét bám ở thành bình. Đến đây chắc chắn bạn sẽ có hoa tươi và bình mới, chẳng ai biết là đồ cũ, mua làm phúc cho Good Will nữa đâu. Và đường dài ngõ hẹp cũng chẳng thành vấn đề, miễn đẹp là được, phải không bạn?
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 31, 2014 2:33:20 GMT 9
Những hữu ích của nước đá. Khai thông máy xay rác. Máy xay rác ở một bên bồn rửa chén, tuy ẩn mặt nhưng luôn luôn khẳng định sự hiện diện của mình bằng những tiếng rên rì rì. Đó là khi nó hài lòng, khi không hài lòng nó có thể thét ré lên, hoặc xì ra cái mùi hôi thối nồng nặc do bựa bám (grease) tích lũy lâu ngày và đóng tầng trong bụng của máy. Chưa kể lúc nó nghẹt, không chịu quay, hoặc bít cửa, không cho nước xả chảy thông xuống cống. Để tránh những lúc máy xay rác không hài lòng như vậy, lâu lâu mình phải đãi nó ít viên đá cục. Chỉ việc ném xuống đó vài viên đá lạnh, rồi mở máy xay, và mở nước ở độ chảy thấp. Đá cục bị nghiền nát, sẽ kéo theo lớp bựa, làm sạch lòng máy xay, không cho nó thở thối lên nữa.
Làm đẹp bồn tắm. Bồn tắm cần phải kín nước. Nếu nó hở, nước sẽ rò ra ngoài, hoặc thấm vào tường vách làm hư nhà cửa. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể mua một tuýp keo hàn, gọi là “caulk” bít nó lại. Kẹt một điều là khi mình dùng ngón tay để chà mịn vết hàn, thì chất keo dính luôn vào ngón tay, khiến cho vết hàn không được mịn mà ngón tay của mình cũng lem nhem. Để đến lúc vết hàn khô hẳn thì lại càng khó coi. Nhưng nếu thay vì dùng ngón tay, chúng ta dùng một viên đá cục để miết trên mặt keo, thì vết hàn trông sẽ mịn màng ngay.
Gai đâm vào thịt : Dùng một nhánh tỏi áp vào, băng lại rồi để qua đêm: Nghe mùi tỏi thơm, cái gai có thể tự chui ra. Nhưng cũng có cái gai không nghe được mùi (vì mũi nó tẹt, chưa kịp sửa) nên không biết đường. Vậy mình phải giúp, không còn cách nào khác là phải “khều” nó ra. Chắc chắn đau lắm mà vẫn phải cắn răng chịu, nếu chưa biết cái mẹo này: Đó là lấy một viên đá lạnh, áp vào chỗ gai đâm để làm tê trọn cái vùng da ấy, trước khi chọc mũi kim vào để khêu ra. Bây giờ, bạn sẽ thấy bớt đau nhiều, mà khẩy gai ra cũng dễ hơn.
Phỏng mọng nước : Bị phỏng nắng, và nhất là bị phỏng lửa thì rát lắm. Phải để cho nó hành mình mấy ngày cho đến khi sưng thành mụn nước, vỡ ra, rồi mới từ từ lành lại. Nhưng bạn có thể đốt giai đoạn bằng cách lấy ngay một viên đá lạnh áp lên, làm tái lớp da bị phỏng, không cho nó sung thành mụn nước nữa. Vết thương sẽ lành sớm, rút ngắn thời gian chịu khổ hình của bạn. Áp dụng rộng ra, mỗi khi va phải cạnh bàn, cạnh ghế, chân giường làm bạn đau điếng, và da tím lại đến mấy ngày, bạn có thể dùng một viên đá lạnh chà lên chỗ bị thương. Hơi lạnh từ cục đá sẽ làm cho mạch máu co lại, khiến vết thương bớt đau, bớt bầm, và bớt sưng.
Chén cơm khô : Cơm ăn chưa hết trong ngày thường được bỏ vào tủ lạnh. Ngày hôm sau lấy ra ăn có thể hâm lại trong microwave, bạn vẫn có cơm nóng như thường. Nhưng điều bất thường là cơm bị khô lại chứ không dẻo như lúc mới nấu nữa. Cách giải quyết đơn giản và hiệu nghiệm nhất là lấy một viên đá lạnh bỏ vào giữa chén cơm. Nếu dùng màng plastic bọc quanh chén thì nhớ chọc thủng vài lỗ cho hơi nước thoát ra, trước khi bỏ vào microwave hâm lại. Vặn nhiệt độ lên thật cao trong thời gian chừng 1 phút rưỡi. Lấy ra, chúng ta sẽ có chén cơm nóng hổi, bốc khói và dẻo ngon y như lúc mới nấu vậy.
Dính như sam : Chẳng hiểu “sam” dính đến mức nào, có bám chắc như những cái bã kẹo cao su dính trên quần áo và đầu tóc mình không. Dĩ nhiên, đây không phải là chỗ của chúng, nhưng gỡ được ra cũng phiền, nhiều khi bực mình đến phát sốt. Thực ra, chỉ cần lấy một viên đá lạnh, chà chà nhiều lần trên chỗ dính, miếng cao su sẽ tự nhiên thun lại, mình có thể lấy cái thìa, hoặc dùng tay lấy ra rất dễ dàng.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 31, 2014 2:45:11 GMT 9
Những hữu ích của nước đá. Khai thông máy xay rác. Máy xay rác ở một bên bồn rửa chén, tuy ẩn mặt nhưng luôn luôn khẳng định sự hiện diện của mình bằng những tiếng rên rì rì. Đó là khi nó hài lòng, khi không hài lòng nó có thể thét ré lên, hoặc xì ra cái mùi hôi thối nồng nặc do bựa bám (grease) tích lũy lâu ngày và đóng tầng trong bụng của máy. Chưa kể lúc nó nghẹt, không chịu quay, hoặc bít cửa, không cho nước xả chảy thông xuống cống. Để tránh những lúc máy xay rác không hài lòng như vậy, lâu lâu mình phải đãi nó ít viên đá cục. Chỉ việc ném xuống đó vài viên đá lạnh, rồi mở máy xay, và mở nước ở độ chảy thấp. Đá cục bị nghiền nát, sẽ kéo theo lớp bựa, làm sạch lòng máy xay, không cho nó thở thối lên nữa.
Làm đẹp bồn tắm. Bồn tắm cần phải kín nước. Nếu nó hở, nước sẽ rò ra ngoài, hoặc thấm vào tường vách làm hư nhà cửa. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể mua một tuýp keo hàn, gọi là “caulk” bít nó lại. Kẹt một điều là khi mình dùng ngón tay để chà mịn vết hàn, thì chất keo dính luôn vào ngón tay, khiến cho vết hàn không được mịn mà ngón tay của mình cũng lem nhem. Để đến lúc vết hàn khô hẳn thì lại càng khó coi. Nhưng nếu thay vì dùng ngón tay, chúng ta dùng một viên đá cục để miết trên mặt keo, thì vết hàn trông sẽ mịn màng ngay.
Gai đâm vào thịt : Dùng một nhánh tỏi áp vào, băng lại rồi để qua đêm: Nghe mùi tỏi thơm, cái gai có thể tự chui ra. Nhưng cũng có cái gai không nghe được mùi (vì mũi nó tẹt, chưa kịp sửa) nên không biết đường. Vậy mình phải giúp, không còn cách nào khác là phải “khều” nó ra. Chắc chắn đau lắm mà vẫn phải cắn răng chịu, nếu chưa biết cái mẹo này: Đó là lấy một viên đá lạnh, áp vào chỗ gai đâm để làm tê trọn cái vùng da ấy, trước khi chọc mũi kim vào để khêu ra. Bây giờ, bạn sẽ thấy bớt đau nhiều, mà khẩy gai ra cũng dễ hơn.
Phỏng mọng nước : Bị phỏng nắng, và nhất là bị phỏng lửa thì rát lắm. Phải để cho nó hành mình mấy ngày cho đến khi sưng thành mụn nước, vỡ ra, rồi mới từ từ lành lại. Nhưng bạn có thể đốt giai đoạn bằng cách lấy ngay một viên đá lạnh áp lên, làm tái lớp da bị phỏng, không cho nó sung thành mụn nước nữa. Vết thương sẽ lành sớm, rút ngắn thời gian chịu khổ hình của bạn. Áp dụng rộng ra, mỗi khi va phải cạnh bàn, cạnh ghế, chân giường làm bạn đau điếng, và da tím lại đến mấy ngày, bạn có thể dùng một viên đá lạnh chà lên chỗ bị thương. Hơi lạnh từ cục đá sẽ làm cho mạch máu co lại, khiến vết thương bớt đau, bớt bầm, và bớt sưng.
Chén cơm khô : Cơm ăn chưa hết trong ngày thường được bỏ vào tủ lạnh. Ngày hôm sau lấy ra ăn có thể hâm lại trong microwave, bạn vẫn có cơm nóng như thường. Nhưng điều bất thường là cơm bị khô lại chứ không dẻo như lúc mới nấu nữa. Cách giải quyết đơn giản và hiệu nghiệm nhất là lấy một viên đá lạnh bỏ vào giữa chén cơm. Nếu dùng màng plastic bọc quanh chén thì nhớ chọc thủng vài lỗ cho hơi nước thoát ra, trước khi bỏ vào microwave hâm lại. Vặn nhiệt độ lên thật cao trong thời gian chừng 1 phút rưỡi. Lấy ra, chúng ta sẽ có chén cơm nóng hổi, bốc khói và dẻo ngon y như lúc mới nấu vậy.
Dính như sam : Chẳng hiểu “sam” dính đến mức nào, có bám chắc như những cái bã kẹo cao su dính trên quần áo và đầu tóc mình không. Dĩ nhiên, đây không phải là chỗ của chúng, nhưng gỡ được ra cũng phiền, nhiều khi bực mình đến phát sốt. Thực ra, chỉ cần lấy một viên đá lạnh, chà chà nhiều lần trên chỗ dính, miếng cao su sẽ tự nhiên thun lại, mình có thể lấy cái thìa, hoặc dùng tay lấy ra rất dễ dàng.
|
|
|
Post by Can Tho on Jan 16, 2015 8:17:58 GMT 9
Vài mẹo vặt dùng trong nhà 1. Khử mùi hôi của nồi chảoNồi và chảo khi rửa sạch mà vẫn còn mùi hôi, hãy dùng chanh, bã trà hay bã cà phê rửa qua một lần, mùi hôi sẽ biến mất. 2. Cách luộc thịt dai, mềm, dònMuốn luộc thịt cho trắng, dai và ngon, hãy bắt nước thật sôi, sau đó cho vào 1 muỗng soup giấm chua. Cũng có rất nhiều loại thịt dai quá như thịt gà hoặc vịt đẻ nhiều, muốn luộc các loại thịt này cho mềm, trước khi luộc, nên bọc lá đu đủ, phủ kín các loại đó. 3. Muốn luộc lòng heo trắng dòn, ngon Hình: nhahangquangon.wordpress.com Nấu nước thật sôi, lúc đó mới cho lòng vào, sau khi lòng vừa chín tới thì vớt lòng ra cho ngay vào chậu nước có pha sẵn một chút phèn chua (nước phèn nầy đã được nấu chín và để nguội) làm như thế thì lòng sẽ được dòn và trắng hơn. 4. Rửa sạch bình thủy (Hình minh họa: Getty Images) Muốn rửa sạch các bình thủy, hoặc các bình thuỷ tinh có miệng nhỏ, mà không thể thò tay vào trong được thì hãy cho vào một nắm gạo và đổ một ít nước sôi vào đậy nắp kín lại sau đó lắc mạnh. Sau vài lần, bình thuỷ sẽ sạch như cũ. 5. Tủ lạnh có mùi hôi (Hình minh họa: Getty Images) Muốn làm cho tủ lạnh hết bị hôi, ngoài dùng bằng phương pháp để baking soda trong tủ, còn có thể dùng sữa tươi. Đặt một chén sữa tươi vào giữa tủ lạnh khoảng 6 tiếng đồng hồ, mùi hôi sẽ biến mất ngay. Ngoài ra cũng có thể để bã cà phê thường xuyên trong tủ lạnh. Cứ vài ngày, nếu có bã mới thì thay, tủ lạnh sẽ không có mùi hôi. 6. Chữa bột bị nhãoKhi nhồi bột làm bánh, bị quá nhão mà không muốn cho thêm bột khô vào, thì hãy lấy một cái khăn sạch và cho bột bị nhão vào khăn gói lại. Để chừng 15 đến 20 phút, nếu quá nhão có thể để thêm thời gian, hoặc có thể thay khăn mới. Nước sẽ thấm vào khăn và bóc hơi. 7. Cá nướng không bị tróc daTrước khi nướng cá đã ướp sẵn, nên thoa một chút dầu ăn ngoài da để không dính vào vĩ nướng. Khi bắt đầu nướng, nên để lửa thật lớn để cho lớp da bên ngoài se lại ngay. Sức nóng sẽ làm cho những chất mỡ trong cá tan ra nhanh nhưng không thoát ra ngoài được, do đó da cá sẽ vàng mà thịt vẫn thơm ngon. 8. Nấu nước dùng cho trongPhải nấu nước cho thật sôi mới cho thịt hoặc xương vào và không được đậy nắp nồi. Khi nước đã sôi lại, thì bớt lửa và vớt bọt thường xuyên và cho vào đó một củ hành tím đã nướng chín. Nếu lỡ nước không trong, thì dùng một khăn vải mỏng sạch để lược lại và cho vào một nồi khác nấu sôi trở lại. Hoặc lấy 1 tròng trắng trứng đánh cho thật nổi, đổ úp vào trong nồi nước dùng. Các bọt trong nồi nước dùng sẽ cuốn vào tròng trắng trứng, xong rồi vớt tròng trắng trứng bỏ đi.(N.L)
|
|
|
Post by Can Tho on Apr 16, 2015 10:16:25 GMT 9
Thuốc trừ giánThông thường, sau một thời gian thì thế nào trong nhà cũng có gián. Nhà mới mua sau khi trùm mối chừng một năm thì gián từ hàng xóm di cư sang, rồi chúng sinh ra càng ngày càng động. Vì vậy người ta sản xuất ra rất nhiều loại thuốc trừ gián, tính ra có cả vài chục loại thuốc khác nhau, nhưng chưa thấy món nào hiệu nghiệm trừ cách trùm mối nguyên nhà. Cách nầy bất tiện mất công dọn dẹp và tốn kém. Nay tôi bày các bạn loại thuốc nầy (hình=Advion Cacroach Gel Bait) giá bán trong Amazon $20 (hộp 4 ống, có thể xài cho ít ra là cho 4 căn nhà lớn). Thấy là mắc nhưng đáng tiển. Tuy hộp có 4 ống, nhưng thực sự thì các bạn xài chưa tới 1 phần tư ống nữa. Cách xài như sau: các bạn nhiểu một chút thuốc bằng hột đậu xanh cách nhau chừng 10" (20 cm) vào những nơi gián thường bò ra ban đêm như nhà tắm, bồn rửa mặt, nhất là nhà bếp. Mỗi nơi chừng năm bảy nhiểu nhỏ như hột đậu xanh. Nếu nhà các bạn có gián nhiều thì sáng hôm sau các bạn thấy trên sàn nhà xác gián như mưa rơi. Món thuốc trừ gián nầy hiệu quả đặc biết, hình như nó là thực phẩm ngon đối với loài gián. Nó thu hút gián đến ăn, tỉ như biết thực phẩm ngon của Trung Cộng sản xuất, tuy biết có độc nhưng vẫn ăn. Nhân đây đố các bạn tại sao người Trung Hoa (Lục Địa) thích mở quán buffet (All You Can Eat = ăn bao bụng) tại Mỹ, các bạn biết được tôi chịu 1 ly cà phê, có khi lổ họ cũng mở. Thuốc nầy trừ được gián lớn gián con, do vậy nên nhểu thuốc ở nơi kẹt hốc kẹt gián lui tới, tránh cho trẻ con và gia súc đụng tới được, cũng tránh dính vào nồi nịu son chảo chén dĩa. Thành phần chất giết gián trong đó rất nhỏ chưa tới 1% trọng lượng. Một giọt keo nhỏ bằng hạt đậu xanh không chứa bao nhiêu chất độc hết. Nếu các bạn mua dùng thì nhớ đọc chỉ dẫn rất tỉ mỉ trong hộp.  Sau một vài hôm, lượng gián trong nhà các bạn gần như hết sạch, sẽ không thấy gián chạy lung tung trong bếp trong nhà tắm. Quí bà chỉ tốn công quét gom xác chúng lại rồi đổ đi một lần là xong khỏi lâu lâu moi hộc bàn, hộc tủ ra dọn dẹp lau chùi phân gián. 9 Meo Vat voi Coca Cola  1/ When car oil drips onto driveways and garage floors, it leaves its leaves an unsightly stain that's tough to remove with ordinary cleansers. That's where a little Coke comes in handy. Pour a liberal amount of cola over the stain, let it bubble and soak for an hour, then hose clean.  2/Coke can be used to clean car battery terminals; the slight acidity does not react with battery acid so you can pour it over the battery and let it wash away corrosion. Coke also can be used to defrost a frozen windshield, and a liberal amount of cola poured over the windshield and bumper can help remove bugs and road debris (always rinse with plain water to avoid damaging the car’s paint job.  3/A small bowl of Coke will attract slugs and snails; the acid in the Coke will kill them. A cup of Coke also can be used to lure wasps, which then drown in the liquid. You also can get rid of an ant hill by liberally dousing the area with Coke. Related: New & Notable: 8 High-Tech Bug Zappers to Keep You Bite-Free  4/Coke can help improve your compost pile. Add one can of soda per week to your compost; the sugar in the cola feeds beneficial microorganisms, and the cola increases the acidity of the pile, helping material decay faster. Related: Composting 101: What You Should and Shouldn’t Compost  5/Toilet bowls can get downright disgusting, filled with unsightly stains under the rims and around the bowl. Make an unpleasant cleaning chore easier by pouring a can of Coke right into the toilet. Let stand for an hour before scrubbing with a stiff brush. The carbonation will “fizz” through the toughest grime, leaving you with a sparkling clean bowl. Related: 8 Unusual Tips for Your Cleanest Bathroom Ever  6/Maybe you've heard that Coca-Cola is great at removing rust. The hype is true; the phosphoric acid in a can of Coke means that with an overnight soak you can remove rust from metal with ease. Simply submerge the item in a tray of Coke, then scrub clean with a stiff brush in the morning. Related: How To - Maintain the Metal in Your Yard  7/If your oven grates and baking sheets have seen better days, you don’t have to toss them and buy new. Instead, try letting them soak in an overnight Coke bath. The chemicals in the cola will loosen all of the burnt-on bits, allowing you to scrub away most of the blackened areas and save you from replacing these costly items.  8/Copper-bottomed are great for conducting heat, but they lose their luster with use. Restore their bright sheen by soaking the copper part in a pan filled with Coke for about an hour. The acid in the Coke makes the copper look shiny and new—without scrubbing. This cleaning trick works on plenty other household copper accents, as well.  9/Maybe it's time to give Coke a place in your laundry room. The soda makes an effective pre-soak treatment and stain remover for grease spots in your laundry. For best results, apply to fresh stains. If the spot discolors slightly when you pour on the Coke, that’s a sign it is working. Let the liquid sit for a few minutes, and then launder as usual in the warmest water recommended for the garment.
|
|
|
Post by Can Tho on Sept 23, 2017 6:10:13 GMT 9
Mẹo khử mùi hôi nhà vệ sinh đơn giản Khử mùi nhà vệ sinh bằng dầu gióChắc hẳn trong tủ thuốc của mỗi gia đình không thể thiếu lọ dầu gió. Bạn sẽ cảm thấy bất ngờ vì ngoài tác dụng xoa bóp, giảm đau, giải cảm… dầu gió còn giúp khử mùi hôi nhà vệ sinh dễ dàng. Bạn chỉ cần mở nắp lọ dầu gió đặt trong góc nhà vệ sinh, mùi hôi sẽ “không cánh mà bay”, lại chẳng tốn chi phí nào vì lọ dầu gió có thể giúp bạn khử mùi nhà vệ sinh 2 đến 3 tháng. Khử mùi hôi bằng dấmCũng giống như dầu gió, để sử dụng dấm trong việc khử mùi, bạn chỉ cần đặt lọ dấm đã mở nắp sẵn vào góc nào đó trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được đối với những mùi hôi ở mức độ nhẹ thôi nhé. Với những mùi hôi khó chịu hơn, bạn hãy thử ngay qua các cách tiếp theo dưới đây. mẹo vặt hay,mẹo vặt cuộc sống,mẹo vặt hàng ngày Khử mùi hôi bằng muối trắng hoặc muối nở (baking soda)Bạn có biết một trong số những nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi hôi trong nhà vệ sinh chính là từ chất thải lâu ngày bám vào cống thoát nước không sạch đi được? Cách đơn giản nhất để bạn khử sạch cống đó là hòa ít muối trắng với nước ấm, sau đó đổ từ từ vào thành cống, miệng cống. Một lúc sau các chất thải “biến mất” và mùi hôi cũng sẽ không còn nữa. Nếu nhà bạn sẵn có muối nở (Baking soda) thì có thể dùng thay thế muối trắng, kết quả thậm chí còn khiến bạn bất ngờ hơn. Bạn nên thực hiện việc này thường xuyên đối với cống thoát nước và bồn cầu, tốt nhất là đều đặn mỗi tuần để khắc phục tình trạng chất bẩn, chất thải tồn đọng gây mùi hôi khó chịu trong nhà vệ sinh. Khử mùi hôi bằng chanhMột trong số những nơi dễ gây nên mùi hôi trong nhà vệ sinh là bồn cầu. Ngoài việc đánh rửa sạch sẽ thường xuyên, bạn có thể sử dụng chanh để nhà vệ sinh luôn thoáng mát và không có mùi hôi. Bạn dùng khoảng 3 quả chanh ép lấy nước và đổ vào trong bồn cầu. Tiếp theo, hãy đậy nắp bồn cầu lại và đóng cửa nhà tắm (lưu ý không được xả nước). Để tầm khoảng 1 tiếng sau thì xả nước, đảm bảo nhà vệ sinh sẽ không hề có mùi hôi nữa nhé! Khử mùi hôi bằng lá dứaLá dứa là loại lá có mùi thơm mà các bạn vẫn thường dùng để pha trà, làm bánh hoặc cho vào xôi. Tuy nhiên, lá dứa còn có công dụng mới nữa, đó là khử mùi hôi cực tốt. Chỉ cần treo vài bó lá dứa trong góc nhà vệ sinh thì bảo đảm mùi hôi, ẩm mốc trong nhà vệ sinh sẽ biến mất hoàn toàn, mà nhà vệ sinh lại thêm màu xanh tươi mát. Khử mùi hôi bằng rượu mạnhNghe có vẻ rất là vô lý nhưng nếu bạn đặt vài ly rượu nhỏ nồng độ mạnh ở góc nhà vệ sinh, mùi hôi thối sẽ không còn dám “làm phiền” trong vòng 5 đến 7 ngày cơ đấy. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nước hoa, hay tinh dầu thơm theo mùi tùy ý thích. Nhỏ vài tinh dầu dịu mát hoặc nước hoa vào miếng bọt biển khô, nếu không có thể nhỏ vào lõi giấy vệ sinh rồi buộc dây treo trong phòng vệ sinh. Với những mẹo vặt hay khử mùi hôi kể trên, nhà vệ sinh của bạn sẽ luôn sạch sẽ, thơm mát.Thành Luân (tổng hợp)
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 24, 2017 1:00:58 GMT 9
Bởi Hồ Yến Vỏ bưởi có rất nhiều công dụng tuyệt vời, vô cùng hữu ích.Khi nấu cháo, thêm vài lát vỏ bưởi, ăn sẽ có mùi thơm, thêm tác dụng giúp khai vị. 2. Sát cạnh bếp lò nếu có đặt vài lát vỏ bưởi, dưới tác dụng phát tán, tinh dầu trong vỏ bưởi sẽ làm cả nhà thơm tho. 3. Trong vỏ bưởi chứa nhiều vitamin C và tinh dầu thơm, sau khi phơi khô đem bỏ chung với trà, mùi vị thơm phức, sẽ có tác dụng thông mũi, miệng, đường tiêu hóa, gây sảng khoái.  Ảnh minh họa Vỏ bưởi nấu nước hay vắt ra nước để uống, giúp tỉnh rượu. 5. Vỏ bưởi có chứa chất kiềm, nếu chấm ít muối rồi chà xát lên các vết bẩn trên đồ sơn mài, sẽ sạch bóng. 6. Vỏ bưởi có thể tẩy vết bẩn trên mặt da nhân tạo ở giày da, dây nịt lưng…  Ảnh minh họa 7. Vỏ bưởi 1 – 2 quả, thêm 2 ly nước để nấu, sau đó lấy nước để chà rửa các vật dụng trong nhà, sẽ giúp tẩy sạch các vết bẩn. 8. Vỏ bưởi cắt hạt lựu, dùng mật ong hay đường cát trắng ngâm cho thấm, nửa tháng sau có thể làm nhân bánh bao ngọt, thơm ngon khoái khấu. 9. Vỏ bưởi rửa sạch xắt nhuyễn, thêm đường cát trắng, chế thành tương sốt bưởi ăn như tương sốt cà, với vị ngon khác thường. 10. Khi chế biến các món thịt dê, cá,… nếu thêm vào một ít vỏ bưởi, có thể tẩy đi mùi tanh đặc trưng của những thức ăn này.  Ảnh minh họa 11. Khi nướng thịt hay sườn, thêm vào vài lát vỏ bưởi, mùi vị sẽ tươi tắn mà không thấy quá béo ngậy. 12. Vỏ bưởi có công năng hóa đàm, trừ phong thấp, giảm huyết áp, là 1 loại dược thảo rất tốt. Sau khi rửa sạch phơi khô, dùng ngâm trong rượu trắng, sau 2 – 3 tuần có thể dùng, giúp thanh phế, tiêu đàm, thời gian ngâm càng lâu, tửu vị càng thơm nồng. 13. Vỏ bưởi cùng gừng tươi xắt lát, thêm nước nấu chung, dùng trị nôn ói do dạ dày hàn lạnh. 14. Vỏ bưởi tươi 12g (hay vỏ khô 6g) nấu nước uống, giúp trị táo bón.  Ảnh minh họa 15. Vỏ bưởi nấu nước uống, giúp giải độc từ cá, cua. 16. Vỏ bưởi tươi 30g, cam thảo 6g, cùng nấu nước uống, giúp trị viêm tuyến vú. 17. Vỏ bưởi tươi phòng trị hôi miệng. 18. Vỏ bưởi sau khi phơi khô, bỏ vào túi vải khâu kín, dùng nấu nước để tắm, bảo vệ làn da mịn màng, sáng đẹp. 19. Muốn tóc mượt mà, giảm rụng và gàu. Hãy đun sôi một ít vỏ bưởi khô cùng 2 quả bồ kết bẻ nhỏ trong 1,5 lít-2 lít nước, để sôi khoảng 5-10 phút, chờ nước nguội rồi dùng gội đầu. 20. Nếu bạn còn trẻ mà đã có dấu hiệu bị hói thì hãy dùng vỏ bưởi tươi xịt lên tóc, tinh dầu trong vỏ bưởi có tác dụng kích thích tóc mọc ra. Nếu thể trạng bạn phù hợp thì sẽ có cảm giác tóc dày lên rõ sau một thời gian. Mẹo này có thể giúp trị rụng tóc và thưa tóc, tránh bị hói. Cách làm tinh dầu bưởi đơn giản ngay tại nhà Nguyên liệu: Vỏ 3 quả bưởi tươi hoặc nếu đã phơi qua 1 nắng thì càng tốt. Nồi to và bát hoặc tô nhỏ. Bạn đem rửa sạch tất cả rồi lau cho khô ráo. Cách làm tinh dầu bưởi tại nhà Rửa sạch vỏ bưởi. Dùng dao thái lớp vỏ màu xanh bên ngoài quả bưởi, bạn thái được càng mỏng và nhiều thì tinh dầu bưởi thu được càng đặc. Sau đó đem lớp vỏ thu được thái thành từng miếng nhỏ cỡ khoảng 2 ngón tay. Tiếp đó cho hết số vỏ bưởi đã được thái miếng vào nồi. Đổ nước sạch vào nồi sao cho nước ngập khoảng 1/3 vỏ là được, rồi đặt một chiếc bát to vào giữa nồi. Cho nồi lên bếp, đun sôi. Khi nồi sôi thì giảm nhỏ lửa để tinh dầu bưởi dần được tiết ra và vỏ bưởi không bị quá nhũn. Ngay sau khi giảm nhỏ lửa bạn lật ngược cái nắp nồi lại, đặt lên đó 1 ít đá lạnh. Hơi tinh dầu bưởi bay lên, gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại rồi rơi xuống chiếc bát đặt ở giữ nồi theo độ lõm của nắp nồi. Khi đá tan hết bạn gạt hết nước đi rồi cho vào đó 1 lượt đá mới. Trong lúc đun cần chú ý điều chỉnh lửa và nước để nước không lẫn vào bát tinh dầu. Sau 30 – 45 phút bạn có thể tắt bếp, khi đó bạn đã thu được những giọt tinh dầu bưởi nguyên chất ở trong bát. Bạn hãy đổ tinh dầu vào lọ để bảo quản và dùng dần. Cuối cùng, bạn hãy đổ tinh dầu vào lọ để bảo quản và dùng dần. Theo dep
|
|