|
Post by NhiHa on Jun 22, 2008 5:13:10 GMT 9
VietNamCongHoavietnam.ictglobal.net/modules.php?name=News&file=article&sid=282GHI CHÚ: Thời khoảng này 42 năm về trước, năm 1963, ba tháng trước cuộc chính biến đưa tới trường hợp Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và bào đệ là ông Ngô Đình Nhu bị nhóm tướng đảo chánh sát hại, nhiều sự kiện đã dồn dập xảy ra. Được sự đồng ý của luật sư Lâm Lễ Trinh, nguyên tổng trưởng nội vụ thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), hiện là chủ bút tạp chí Anh-Pháp Human Rights/Droits de l’Homme, Diễn Đàn Giáo Dân khởi đăng bài ký sự này được tác giả viết lại theo ký ức của một nhân chúng khả tín: ông Quách Tòng Đức. Tuy là bạn tâm giao với người viết từ lâu, ông Quách Tòng Đức luôn luôn tỏ ra dè dặt và thận trọng khi nhắc đến những năm dài làm đổng lý văn phòng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vị lãnh tụ khai sáng nền Ðệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Sau lần chính biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông Đức trở lại ngành tư pháp và được làm Chủ Tịch Tham Chính Viện năm 1969. Tháng 4 năm 1975, Sàigòn thất thủ, ông và gia đình xin tị nạn chánh trị tại Paris. Chánh phủ Pháp tuyển dụng ông vào Phòng Tố Tụng Tổng Quát của thị xã Paris, thời thị trưởng Jacques Chirac. Ông về hưu đầu năm 1984. Nay 89 tuổi, trí tuệ còn minh mẫn tuy sức khoẻ không tốt như trước. Gần đây, trong những lần gặp nhau lại ở Pháp cũng như qua nhiều cuộc điện đàm có ghi âm, ông Đức đã chịu thố lộ với người viết nhiều điều liên hệ đến giai đoạn chín năm phục vụ vị nguyên thủ quốc gia bị sát hại năm 1963. LẦN ÐẦU GẶP CHÍ SĨ NGÔ ÐÌNH DIỆM Ông Quách Tòng Đức sanh tại An xuyên năm 1917, thuộc một gia đình trung lưu, đậu cử nhân và cao học Luật Đông Dương năm 1941, đại học Hà Nội, sau khi lấy bằng tú tài tại trường Pétrus Ký, Sàigòn. Ông thuộc toán cử nhân đầu tiên gồm có Nguyễn Thành Cung và Lê Văn Mỹ thi đậu năm 1942 vào ngạch huyện, phủ tại Miền Nam Việt Nam mà cấp bậc cao nhất là đốc phủ sứ thượng hạng ngoại hạng, tương đương với chức tổng đốc đứng đầu tỉnh ở ngoài Trung và Bắc. Khi vua Bảo Đại chỉ định Trần Văn Hữu lập chánh phủ, Thủ Hiến Nam Việt Thái Lập Thành (xuất thân là một đốc phủ sứ như các ông Nguyễn Ngọc Thơ, Lê Tấn Nẩm, Dương Tấn Tài, và Lê Quang Hộ) bổ nhiệm ông Quách Tòng Ðức năm 1951 làm chánh văn phòng và Thiếu Tá Dương Văn Minh, chánh võ phòng. Năm 1953, Thái Việt Thành và Thiếu Tướng Chanson bị nhóm Cao Đài kháng chiến của Trịnh Minh Thế ám sát tại Sa Ðéc trong một cuộc kinh lý. Bốn mươi chín ngày sau Điện Biên Phủ thất thủ, tức là 26 tháng 6 năm 1954, Bảo Đại giao cho cựu Thượng Thơ Ngô Đình Diệm lập chánh phủ, thay thế hoàng thân Bửu Lộc. Trước đây, ông Diệm đã ba lần từ chối lời mời của Bảo Đại vào những năm 1937, 1945 và 1948. Ông giao thiệp thân tình với nhà cách mạng Phan Bội Châu lúc sanh tiền, có ghé Nhật năm 1950 để hội kiến với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và, theo một số sử liệu, từng lãnh đạo Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội trong nước. Có lúc ông bị Việt Minh bắt giữ và, khác với Bảo Đại, đã cương quyết bác bỏ lời mời của ông Hồ Chí Minh (HCM) làm cố vấn cho chánh phủ HCM. Hiệp định Genève, ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, chia đôi Việt Nam tại Vĩ Tuyến 17. Trong đám đông quần chúng đón tiếp nồng nhiệt Thủ Tướng Diệm tại phi trường Tân Sơn nhất có ông Nguyễn Ngọc Thơ, nguyên bí thơ của Toàn Quyền Decoux, cùng đi với ông Quách Tòng Ðức. Thủ tướng Diệm ,lúc đó kiêm luôn quốc phòng và nội vụ, đã mời ông Thơ tham gia nội các với tư cách Bộ Trưởng Nội Vụ. Ông Thơ chọn ông Đức làm đổng lý văn phòng năm 1954. Ngày 23 tháng 10 năm 1955, cuộc trưng cầu dân ý tại miền Nam đã đưa đến việc truất phế Bảo Đại. Ngày 26 tháng 10 năm 1956, từ thủ tướng trở thành tổng thống, ông Diệm đã thiết lập nền Ðệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam. Quân đội tổ chức một cuộc diễn binh huy hoàng tại đại lộ Trần Hưng Đạo Sàigòn dưới quyền điều khiển của ông Dương Văn Minh, vừa được vinh thăng thiếu tướng sau khi tảo thanh xong tàn quân Bình Xuyên tại Rừng Sát. Cuối năm 1954, ông Quách Tòng Ðức thay thế Ðổng Lý Tôn Thất Trạch và giữ chức vụ này cho đến ngày quân đội đảo chánh vào năm 1963. MỐI LIÊN HỆ CỦA TỔNG THỐNG DIỆM VỚI GIA ÐÌNH Theo ông Quách Tòng Ðức, năm 1954 chánh phủ Pháp trao trả dinh Gia Long (ở đường Gia Long), và sau khi quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam, nhà cầm quyền Ðệ Nhất Cộng Hòa mới thu hồi Dinh Toàn quyền Norodom, đổi tên thành Dinh Độc lập, trên đại lộ Thống Nhất. Dinh này đươc xây cất lại hoàn toàn sau ngày 27 tháng 2 năm 1962 vì một phần kiến trúc đã bị hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử dội bom hư hại khá nặng. Hình chụp vào năm 1960: đoàn xe của Tổng Thống Diệm đang di chuyển trên đường phố với đoàn người chào đón hai bên đường. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm) Dinh Độc lập chia làm hai tầng: Tầng dưới có hai phòng khánh tiết tráng lệ và các Văn phòng của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống, Đổng Lý Văn Phòng, Tổng Thư Ký Phủ Tổng Thống và nhân viên. Tầng trên chia làm ba phần: Phía trái dành làm văn phòng và phòng ngủ của tổng thống, phòng sĩ quan tuỳ viên, ở giữa có hai phòng tiếp tân khang trang, phía phải là nơi cư ngụ của gia đình ông bà Nhu gồm có hai trai, hai gái. Tổng Thống Diệm thích làm việc trong phòng ngủ, trang trí sơ sài với một cái giường nhỏ bằng gỗ, một bàn tròn và ba ghế da. Nơi đây, tổng thống thường dùng cơm và tiếp các bộ trưởng và tướng lãnh. Gia đình Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất trọng nho giáo. Hằng năm vào Tết Nguyên Ðán, luôn luôn tụ họp đông đủ ở Phủ Cam, Huế, để chúc thọ bà cụ Ngô Đình Khả giao cho người con áp út Ngô Đình Cẩn săn sóc ngày đêm. Ông bà Ngô Đình Khả có chín người con: 6 trai, 3 gái. Trưởng nam, Tổng Ðốc Ngô Đình Khôi và con trai là Ngô Đình Huân bị Cộn Sản giết năm 1945. Ba người con gái là bà Ngô Đình Thị Giao tức bà Thừa Tùng, bà Ngô Đình Thị Hiệp tức bà Cả Ấm, thân mẫu của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và bà Ngô Đình Thị Hoàng tức bà Cả Lễ, mẹ vợ của Nghị Sĩ Trần Trung Dung. Tổng Thống Diệm là người con trai thứ ba trong gia đình nhà Ngô, sanh năm 1901 tại Huế, được vua Bảo Đại bổ nhiệm năm 1933 làm Thượng Thơ Ðầu Triều lúc 33 tuổi, nhưng ông Diệm sớm rủ áo từ quan vì thực dân Pháp không chấp nhận chương trình cải tổ rộng lớn của ông. Sau ngày ông Khôi qua đời, Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục trở nên người anh cả "quyền huynh thế phụ." Đức cha được kính nể và có nhiều ảnh hưởng đối với Tổng Thống Diệm. Ông Quách Tòng Ðức cho biết lúc còn ở Vĩnh Long, Giám Mục Thục vài tuần có về Saigon ngụ trong Dinh. Ông Ngô Đình Luyện, con út trong gia đình, đại sứ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở Luân Đôn, năm khi mười họa mới về nước nghỉ phép hay đến dự các phiên họp của Hội Ðồng Tối Cao Tiền Tệ mà ông là một thành viên. Ông Đức không nhớ có lần nào gặp ông Cẩn trong Dinh Độc Lập. Văn phòng đổng lý không làm việc thẳng với ông Ngô Ðình Nhu. Ông Nhu có nhân viên riêng trong Sở Nghiên Cứu Chánh Trị Phủ Tổng Thống mà người giám đốc đầu tiên là Ðốc Phủ Sứ Vũ Tiến Huân, Tham Lý Nội An Bộ Nội Vụ, về sau thay thế bởi bác sĩ Trần Kim Tuyến. Văn phòng của Sở Nghiên Cứu xử dụng một ngôi nhà riêng trong hàng rào Dinh Độc lập. Vài tháng trước vụ binh biến 1 tháng 11 năm 1963, bác sĩ Tuyến bị thất sủng, Trung Tá Phạm Thư Đường thay thế. Ông Tuyến được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự (hụt) tại Le Caire, trở lại Việt Nam và liên hệ đến một nhóm âm mưu đảo chánh. Đảo chánh thành công, bác sĩ Tuyến bị Hội Ðồng Cách Mạng đày ra Côn Đảo (tỉnh trưởng là Trung Tá Tăng Tư) trên một năm cùng với khoảng 200 nhân vật thuộc chế độ cũ, trong đó có Ngô Trọng Hiếu, Cao Xuân Vỹ, Ðại Tá Nguyễn Văn Y, Hà Như Chi, Dương Văn Hiếu, v.v. Ông Quách Tòng Ðức không thể xác nhận tin nói rằng trước ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông Nhu đã giao cho người em vợ là Trần Văn Khiêm điều khiển cơ quan mật vụ. Ông Khiêm bị nhiều tai tiếng, từng cộng tác với văn phòng của luật sư Trương Đình Dzu, ứng cử viên tổng thống thời Thiệu-Kỳ. Khi được hỏi cách cư xử của Tổng Thống Diệm với bà Ngô Ðình Nhu (nhủ danh Trần Lệ Xuân), ông Đức cho biết "ông cụ có vẻ nể và ủng hộ bà Nhu" trong vụ tổ chức Phong Trào Phụ nữ Liên đới và vận động Quốc Hội ban hành Bộ Luật Gia đình cấm ly dị. Tổng thống cho rằng bà Nhu hành động như vậy là giúp cải tổ xã hội. Tuy nhiên, những kẻ xấu miệng lại cho rằng Bộ Luật Gia đình nhằm mục tiêu riêng: ngăn luật sư Nguyễn Hữu Châu ly dị với vợ là bà Trần Lệ Chi (chị của bà Nhu). Ngoài chức vụ dân biểu quốc hội, bà Nhu còn là Chủ Tịch Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới. Khi tiếp quốc khách, bà Nhu đóng vai trò đệ nhất phu nhân vì tổng thống Diệm độc thân. Tuy bất bình về những lời tuyên bố châm dầu vào lửa của người em dâu trong vụ hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11 tháng 6 năm 1963, ông Diệm không công khai phủ nhận vì ngại đụng chạm đến ông Nhu vào một giai đoạn rối như tơ vò. Chính ông Nhu, với tánh hay nhường nhịn cho yên nhà yên cửa, cũng không kiểm soát nổi lối phát ngôn của vợ. Bà Nhu hiện có một cuộc sống kín đáo, đơn sơ, nặng về tôn giáo, qua lại giữa Paris và Rome, tất cả con cái đều thành tài. Trưởng nữ Ngô Đình Lệ Thủy chết trong một tai nạn lưu thông sau 1975. Sự bất hạnh không ngớt đeo đuổi gia đình nhà Ngô. Thời gian gần đây, bà Nhu thay bà Luyện để tổ chức hằng năm tại Paris một lễ cầu hồn cho Tổng Thống Diệm và ông Nhu. Trong số ít người còn lui tới với bà Nhu, có vợ chồng cựu bộ trưởng Bộ Lao Ðộng Huỳnh Hữu Nghĩa. Ông Nghĩa qua đời năm vừa rồi. Về tin đồn Đức Cha Ngô Ðình Thục làm kinh tài (khai thác lâm sản, mua thương xá Tax, làm chủ nhà sách Albert Portail, v.v.), ông Đức cho rằng Tổng Thống Diệm tin Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục không làm điều gì quấy, ngài phải kiếm tiền nuôi sống trường đại học Đà Lạt do ngài thành lập. Trải qua một cuộc đời sóng gió và gặp nhiều hiểu lầm với Toà Thánh Vatican sau năm 1975, Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục được Ðức Giáo Hoàng phục hồi chức tước, về hưu ở Hoa kỳ và đã ra đi bình yên tại một viện dưỡng lão công giáo thuộc tiểu bang Missouri. Ông Quách Tòng Ðức xác nhận ông Ngô Đình Nhu chẳng những là lý thuyết gia mà còn là bộ óc của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa, "l’homme indispensable, nhân vật cần thiết." Ông xuất thân từ Ecole des Chartes Paris, trầm tỉnh, ít nói, lạnh nhạt bên ngoài, thích nghiên cứu lịch sử, có nhiều sách hơn đồng chí. Trong lối ba năm cuối của chế độ, dù giữ quyền quyết định cuối cùng trong mọi việc, Tổng Thống Diệm thường phê chuyển các hồ sơ chính trị quan trọng qua cho ông Nhu để lấy ý kiến, không kể những cuộc gặp mặt thảo luận riêng hằng ngày. Ông Nhu làm việc âm thầm, cần mẩn, hút thuốc liên hồi (mỗi lần nửa điếu, do sự can ngăn của bà Nhu) trong một văn phòng không rộng, đầy ngập sách vở, ánh sáng mờ mờ, ở tầng dưới Dinh Độc lập, có gắn máy lạnh và interphone với bên ngoài. Ông thường phê vào các công văn với một cây bút chì mỡ màu xanh lá cây. Ông là cha đẻ của Đảng Cần Lao, dựa vào thuyết Nhân Vị, Personnalisme, đúc kết hai xu hướng của triết gia công giáo Emmanuel Mounier (1905-1950) và Jacques Maritain (1882-1973). Ông phát động và thực hiện kế hoạch quốc phòng ấp chiến lược từng tạo điều kiện khó khăn cho các hoạt động của Cộng Sản. Quốc sách này được thành lập bởi nghị định số 11-TTP của tổng thống và ông Nhu là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Bộ đặc trách ấp chiến lược. Ông Nhu cũng cho thành lập Phong Trào Thanh Niên và Thanh Nữ Cộng Hòa giao cho Cao Xuân Vỹ phụ trách. Ông đẩy mạnh tổ chức Lao động ở Việt nam và nâng đỡ Trần Quốc Bửu. Đại Tá Lansdale (người đã ủng hộ Magsaysay trở thành tổng thống Phi Luật Tân năm 1952) giúp ông móc nối với lực lương kháng chiến Cao Đài để đưa tướng Trình Minh Thế về với chánh phủ Việt Nam Quốc Gia. Ngoài chức Tổng Bí Thư Đảng Cần Lao, ông không bao giờ tháp tùng tổng thống trong các cuộc kinh lý. Săn bắn là thú tiêu khiển yêu chuộng của ông Nhu và đồng thời là cơ hội tìm nơi yên tịnh để suy nghĩ. Ông đại sứ Ngô Ðình Luyện, gốc kỹ sư, tánh tình cởi mở, thích giao du với bạn bè mỗi khi về Việt Nam nhưng không có nhiều ảnh hưởng vì không xen vào vấn đề nội trị. Ông là bạn học của cựu hoàng Bảo Đại, sống tại Luân đôn và đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa ở nhiều xứ Âu Châu và Phi Châu. Bà Luyện sống ở ngoại quốc nhiều hơn và ít khi xuất hiện. Sau năm 1963, ông Luyện dạy toán taị một trường tư thục Paris, sau đó sang Phi Châu làm việc một thời gian, tình trạng khá chật vật khi về hưu. Ông chỉ qua Hoa Kỳ vài lần để thăm Đức Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, và không còn liên lạc với bà Nhu và ông đã quá vãng ở Pháp. Cho đến cuối năm 1961, vai trò của ông Ngô Đình Cẩn, cố vấn lãnh đạo miền trung, trái lại rất hệ trọng về mặt an ninh và đoàn thể. Ông Cẩn không ăn học cao nhưng nắm vững tình hình địa phương, có óc tổ chức, luôn luôn trang phục theo lối Việt, áo dài, khăn đóng, ăn trầu (do đó có biệt danh "ông cố trầu"), độc thân, thích hút thuốc Cẩm Lệ, đan rổ, làm vườn, nuôi thú, nuôi chim. Ảnh hưởng của ông lan vào Miền Nam với những điệp vụ mang danh nghĩa chiêu hồi của Đoàn Công tác Đặc Biệt do Dương Văn Hiếu quán xuyến, sự hiện diện của Nguyễn Văn Hay trong cương vị phó tổng giám đốc tại Tổng Nha Cảnh Sát Công An Sàigòn và các hoạt động của cánh Cần Lao do nha sĩ thân tín Phan Ngọc Các điều khiển. Sau vụ binh biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, viên lãnh sự Mỹ là Helble tại Huế không cho Cẩn và thân mẫu được tỵ nạn chánh trị tại toà lãnh sự trong khi trước đó, cơ quan USAID Sàigòn chứa chấp Thích Trí Quang nhiều ngày. Lúc vừa bị bắt, ông Cẩn có chỉ cho tướng Đổ Cao Trí tịch thu tại nhà ông ở Phú Cam, dưới gầm giường, "một bao bố và một va-li đựng quý kim" (đọc hồi ký dòng họ Ngô Đình của Nguyễn Văn Minh, bí thư của Ngô Ðình Cẩn, trang 307). Ông Cẩn bị Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng (thời tướng Nguyễn Khánh cầm quyền), xử tử vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 9 tháng 5 năm 1964 tại sân sau Khám Chí Hòa ở Sàigòn. Luật sư bào chữa là Võ Văn Quan. Ông Ngô Ðình Cẩn tỏ ra bình tỉnh tại pháp trường, tuyên bố tha thứ cho các người tuyên án ông và xin đừng bị bịt mắt nhưng không được chấp nhận. Nếu gia đình thỏa thuận lấy của đổi mạng, ông Cẩn có thể đã thoát chết. Vụ tống tiền này đã được cố nghị sĩ Trần Trung Dung và cố trung tướng Lâm Văn Phát xác nhận với người viết sau năm 1975. Được hỏi về tin đồn có sự cạnh tranh ảnh hưởng chánh trị giữa ông Nhu và ông Cẩn, ông Quách Tòng Ðức nói chỉ nghe nói phong thanh. Vào tháng 10 năm 1963, ông Cẩn nhận được lệnh của Tổng Thống Diệm ngưng mọi hoạt động về đoàn thể và đóng cửa văn phòng cố vấn chỉ đạo ở ngoài miền Trung gồm có Hồ Đắc Trọng và Ðại Úy Nguyễn Văn Minh. Hình như sự hiện diện của Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục tại Huế đã bó tay ông Cẩn phần nào. Ông Cẩn không dám phê bình chị dâu tuy không ưa bà Nhu. Trong phạm vi cá nhân, ông Cẩn giữ liên lạc tốt với Thượng Tọa Trí Quang. Nhưng điều này không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Phật giáo. Hoa kỳ và Cộng Sản đã nhúng tay quá sâu. Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục, một trong hai người anh của ông Diệm trong gia đình họ Ngô. Hình chụp vào tháng 1 năm 1962 tại Hoa Kỳ. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm) Người viết có yêu cầu ông Quách Tòng Ðức cho biết trong gia đình họ Ngô ai là người gây tiếng tăm bất lợi cho chế độ. Suy nghĩ một phút, ông Đức đáp: Tổng Giám Mục Ngô Ðình Thục và bà Nhu. Đặc biệt trong giai đọan Phật Giá, đức cha có ảnh hưởng quá nặng ngoài lãnh vực tôn giáo. Bà Nhu xen quá sâu vào chính trị, điều ít thấy trong giới phụ nữ Việt Nam. Ngó từ bên ngoài, năm anh em Ngô Đình rất khắn khít, mỗi người giúp tay xây dựng chế độ trong một lãnh vực. Sự đoàn kết ấy được diễn tả trong huy hiệu Ðệ Nhất Cộng Hòa: năm cành trúc kết thành một bó, dưới khẩu hiệu "Tiết Trực Tâm Hư." Tuy nhiên, mỗi nhân vật có cá tánh riêng, nhận định không luôn luôn nhất thống, đôi khi còn mâu thuẫn. Đó là hậu quả khó thể tránh trong một chế độ dựa vào gia tộc để lãnh đạo. Phe chống đối cũng như Hoa kỳ và Cộng Sản đều khai thác triệt để và dễ dàng nhược điểm này. Dư luận cho rằng trong năm chót của chế độ, trước cuộc binh biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông Nhu trên thực tế là một "tổng thống không ngôi" vì có nhiều quyền lực, làm lu mờ vai trò của ông Diệm, nhưng quyền bính hiến định vẫn ở trong tay ông Diệm bị tấn công tứ phía, bên trong lẫn ngoài nước. Không có một văn kiện chánh thức nào bổ nhiệm ông Nhu lẫn ông Cẩn làm cố vấn chánh phủ. Chính các đoàn thể chánh trị ở Miền Trung mời ông Cẩn làm "cố vấn chỉ đạo" và dành cho ông danh xưng nầy. Có lúc dư luận cảm thấy ông Diệm cần ông Nhu hơn là ông Nhu cần ông Diệm. Tổng Thống Diệm không thể tách rời khỏi ông Nhu đóng vai trò "l’âme d**née, linh hồn đày đọa." Đó là đầu mối thảm trạng xảy ra cho hai người vào giờ phút chót. Tổng Thống Diệm tưởng lầm có thể dùng uy tín cá nhân để bảo vệ sanh mạng của bào đệ. Tổng Thống Diệm cũng tưởng lầm khối tướng lãnh chấp nhận điều đình với ông. Phần đông tướng lãnh kính nể Tổng Thống Diệm nhưng tất cả ngán sợ ông Nhu vì ông Nhu lắm mưu mô, nhiều bản lãnh. Sự ngán sợ đã trấn áp lòng nể trọng và dẫn đến quyết định hy sinh vị nguyên thủ quốc gia. Lúc 3 giờ trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, lúc tiếng súng đang nổ lớn, Tổng Thống Diệm điện thọai cho Ðại Sứ Henry Cabot Lodge. Một cuộc điện đàm ngắn ngủi, đầy phẫn nộ trong khuôn khổ ngoại giao. Khi hay hai ông Diệm, Nhu thoát khỏi Dinh Gia Long đêm1 tháng 11 năm 1963, nhóm phản loạn "run en phát rét " và một tướng cầm đầu định "trở cờ," theo tiết lộ của Tổng Thống Thiệu trước khi qua đời với người viết. Lucien Conein thúc phe phản lọan phải bắt sống cho kỳ được hai ông Diệm, Nhu. Conein nói suồng sã: "On ne fait pas l’omelette sans casser les oeufs!" (không thể rán trứng mà không đập bể trứng) theo Trần Văn Đôn kể lại trong hồi ký. Tổng Thống Diệm không chiụ ra lệnh cho một số đơn vị võ trang trung thành phản công quân đảo chánh vì muốn tránh cảnh nồi da xáo thịt, làm suy giảm tiềm năng kháng cộng. Bốn giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963, hai viên tướng tư lệnh quân khu thân tín ở Vùng 1 và 2 là Đỗ Cao Trí và Nguyễn Khánh tuyên bố ủng hộ Hội Ðồng Cách Mạng. Hy vọng cuối cùng tan biến. Hai giờ sau, tổng thống cho phép đại úy Đỗ Thọ, sĩ quan tùy viên, điện thoại cho người chú là Ðại Tá Đỗ Mậu yêu cầu cho xe đến đón tại nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn. Lúc 6 giờ 45 sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống Diệm đích thân điện thoại cho các tướng Minh, Đôn và Khiêm để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Dương Văn Minh chỉ định Mai Hữu Xuân, Nguyễn Văn Quang, Dương Ngọc Lắm, Dương Hiếu Nghĩa và Nguyễn Văn Nhung (vệ sĩ của Dương Văn Minh, đã từng thủ tiêu xác của "Ba Cụt" Lê Quang Vinh) đi đón, với chỉ thị riêng là thanh toán hai ông Diệm, Nhu, trước khi về tới Bộ Tổng Tham Mưu. Ðại Sứ Henry Cabot Lodge nhắm mắt trước vụ mưu sát này mà ông có dư quyền chận lại nếu muốn. Ông Nhu có thiện cảm với Pháp hơn với Mỹ bởi yếu tố văn hoá và giáo dục ảnh hưởng nặng. Ông Diệm lại e dè với Pháp (qua kinh nghiệm thất vọng thời làm quan dưới triều thực dân) nhưng rốt cuộc, oái oăm thay, ông trở thành nạn nhân của Mỹ mà ông nghĩ là văn minh và nhân đạo hơn.
|
|
|
Post by NhiHa on Jun 22, 2008 5:18:54 GMT 9
CON NGƯỜI CỦA CHÍ SĨ NGÔ ÐÌNH DIỆM Nhiều sách vở và tài liệu đã nói về cuộc đời chánh trị và riêng tư của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, một lãnh tụ cương trực, khí khái, chống cộng cố hữu cũng như bướng bỉnh với đế quốc, bất luận Pháp, Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Theo ông Quách Tòng Ðức, Tổng Thống Diệm có cái uy nghiêm riêng phát xuất từ một gương mặt phúc hậu, một tác phong cương nghị, một giọng Huế ấm áp, một lối nhìn thẳng vào người đối thoại. Một nốt ruồi đen thấy rõ trên gò má dưới mắt trái của tổng thống được các nhà tử vi xem như báo hiệu một số mạng nhiều buồn phiền và tang tóc. Ông không nặng lời hay gắt gỏng với cấp thừa hành khi không vừa ý. Phong cách của Tổng Thống Diệm làm cho những người tiếp xúc với ông phải kính nể. Sau cái bề ngoài trầm tỉnh, Tổng Thống Diệm là một con người cuồng nhiệt, một hỏa diệm sơn, kiên trì trong mục đích, không nhân nhượng trên những đức tin căn bản. Trong chín năm làm việc tại Dinh, ông Đức cũng có dịp chứng kiến một ít trường hợp, vì lý do đặc biệt, tổng thống thịnh nộ, quát tháo, đập bàn. Những "trận bão" này, tuy nhiên, qua mau, tổng thống tự kềm chế cấp thời vì bản tánh của ông bộc trực, không cố chấp. Ông Diệm có thể độc thoại hàng giờ khi nói đến những đề tài mà ông nghiền ngẫm như chủ thuyết cộng sản, ấp chiến lược, khu trù mật, dinh điền, cải tổ hành chánh, hay văn hoá Khổng Mạnh. Mái tóc đen nhánh, dáng người thấp, chân đi hai hàng lạch bạch nhưng mau lẹ. Rất sùng đạo, xem lễ mỗi buổi sáng, hoăc tại một phòng riêng trong dinh, hoặc tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế. Trang phục màu trắng, cà vạt đen quanh năm, không thay đổi. Làm việc bất chấp giờ giấc, với nhịp độ làm các người thân cận mệt nhoài. Khi có vấn đề khẩn, ông cho mời nhân viên hữu trách vào dinh để đàm đạo thâu đêm. Bằng không, ông đọc phúc trình, hồ sơ đến khuya, uống trà, hút thuốc nhưng không bao giờ hút hết phân nửa điếu thuốc. Tổng Thống Diệm kinh lý không biết mệt. Có khi mỗi tuần đi suốt hai ba ngày, đến các tiền đồn hẻo lánh, làng Thượng xa xôi, xử dụng mọi phương tiện chuyên chở: máy bay, ghe, tàu, xe jeep, trực thăng. Ông không hùng hồn trước đám đông nhưng rất thoải mái và thân mật ở giữa những nhóm nhỏ, không quan cách, không mị dân Khi nhóm hội đồng nội các, Tổng Thống Diệm thường ra ngoài chương trình ấn định, nếu tình cờ gặp một đề tài gây chú ý. Ông nói say mê, không đầu không đuôi, lắm khi không kết luận. Với tư cách thơ ký phiên họp, ông Quách Tòng Ðức ghi mệt tay. Lúc bế mạc, các bộ trưởng thường phải nhờ ông Đức tóm tắt vì suốt chín năm trời làm việc bên cạnh Tổng thống, ông Đức đã quen và rút kinh nghiệm, tuy đôi lúc cũng đoán lầm. Tổng Thống Diệm sống rất nặng về lý tưởng. Con người Khổng Giáo nghiêm khắc và Công Giáo khổ hạnh nơi ông có những nhận xét lắm khi không sát thực tế. Ông thường nhắc rằng người cán bộ trung thành luôn luôn hy sinh vì đại cuộc mà không cần đến cơm áo và chức tước, một lời khen của lãnh tụ đủ gây mãn nguyện. Khổ nổi, không phải cán bộ nào cũng thánh thiện như thế. Cuộc nổi loạn năm 1963 là một sự cải chính xót xa. Thú tiêu khiển của Tổng Thống Diệm không nhiều vì thiếu giờ rảnh. Ông thích cỡi ngựa ở Đà Lạt hay trong vòng rào của Dinh Độc Lập trong những năm yên ổn. Ông sưu tập máy ảnh, thích chụp hình và rất vui khi nhận được một máy lọai mới. Chủ tiệm chụp hình Hà Di thường được gọi vào Dinh về vấn đề chuyên môn. Tổng Thống Ngô Ðình Diệm viếng thăm trường Lasan Taberd tại Saigon. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm) Tổng Thống ăn uống thanh đạm, thường bữa dùng tại ngay phòng ngủ, do ông già Ân và Ðại Úy Nguyễn Bằng phục dịch với thực đơn ít khi thay đổi gồm có cơm vắt, muối mè, cá kho và rau. Tổng thống ít khi đau, lâu lâu cảm cúm, có bác sĩ Bùi Kiện Tín chăm sóc. Phòng nội dịch không đông nhân viên, do ông Tôn Thất Thiết phụ trách. Vấn đề tiền bạc riêng của tổng thống thì giao trọn cho chánh văn phòng đặc biệt Võ Văn Hải. Ông Diệm không có nhu cầu lớn. Ông Hải, học trò cũ của Giám Mục Ngô Đình Thục, tốt nghiệp Trường Khoa Học Chính Trị Paris, cử nhân Hán học, rể của cựu Thượng Thơ Nguyễn Khoa Toàn, theo sát Tổng Thống Diệm từ lúc còn bôn ba ở hải ngoại và được ông Diệm thương như con. Ông Hải chính là người được Tổng Thống Diệm chỉ định ngày11 tháng 11 năm 1960 ra trước cổng Dinh Độc Lập tiếp xúc với các sĩ quan phản loạn Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông để tìm hiểu yêu sách của họ. Hải chống ông bà Nhu và bác sĩ Tuyến, giám đốc Sở Mật Vụ và cũng không thích ông Cẩn. Ông Đức còn nói thêm: Vài hôm sau vụ đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông có chứng kiến vụ Hải lập biên bản trao cho Ðại Úy Đặng Văn Hoa, chánh văn phòng của tướng Trần Văn Đôn số tiền của Tổng Thống Diệm giao cho Hải cất giữ. Ông Đức không biết số tiền này được bao nhiêu và lọt vào túi của ai. Nơi hai trang cuối cùng của hồi ký Việt Nam Nhân Chứng, Trần Văn Đôn có ghi rỏ Hải đã trao hai số bạc mặt 2,390,000 đồng và 6,297 Mỹ kim. Dương Văn Minh lấy 6,000 đô và chia cho Trần Thiện Khiêm 297 đô. Số bạc Việt Nam được phân phát cho Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu, Phạm Ngọc Thảo, Trần ngọc Tám, Trần Thiện Khiêm, riêng Đôn có nhận 24,500 đồng. Khi phe quân nhân lên cầm quyền, Võ Văn Hải có can đảm tổ chức nhóm "Tinh Thần Ngô Đình Diệm" và ra ứng cử dân biểu tai Sàigòn nhưng thất cử. Năm 1974, không hiểu vì sao Hải lại xoay qua, cùng với Tôn Thất Thiện, ủng hộ nhiệt tình tướng Dương Văn Minh là người ra lệnh hạ sát hai ông Diệm, Nhu. Hải qua đời trong một trại giam Bắc Việt sau năm 1975, đem theo nhiều điều bí mật chưa hề tiết lộ. Về câu hỏi Tổng Thống Diệm liên hệ ra sao với đảng Cần Lao, ông Quách Tòng Ðức cho biết ông Diệm chỉ để ý theo dõi hoạt động của Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia (tổ chức nồng cốt của chế độ từ lúc đầu) và Liên Ðoàn Công Chức Cách Mạng, một tổ chức ngoại vi của chánh phủ. Về chuyện thành lập và sinh hoạt của đảng Cần Lao, Tổng Thống Diệm giao hết cho hai ông Nhu và Cẩn. Trong các năm chót của chế độ, kế hoạch ấp chiến lược cũng do ông Nhu hoàn toàn phụ trách, tổng thống không lưu ý đến như đã từng lưu ý đến kế hoạch dnh điền hay khu trù mật. Các gương mặt nổi trong hoạt động Cần Lao gồm có các ông Huỳnh Văn Lang, Trần Kim Tuyến, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa, Lê Quang Tung, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Châu, Đỗ Kế Mai, Nguyễn Trân. Bác Sĩ Tuyến làm việc với ông Nhu, ít khi gặp tổng thống, trừ trường hợp đặc biệt. Quyết định đưa Cần Lao vào quân đội, tức là chính trị hoá quân đội, sẽ làm yếu quân đội vì phá vỡ hệ thống quân giai và làm nản lòng các sĩ quan chuyên nghiệp. Quân đội chỉ biết có tổ quốc. Và phục vụ tổ quốc mà thôi. VỤ CÔNG ÐIỆN SỐ 9159: CẤM TREO CỜ PHẬT GIÁO VÀ SỰ TRỞ MẶT CỦA CÁC SĨ QUAN THÂN TÍN Trong quyển hồi ký Dòng họ Ngô Đình, xuất bản năm 2003 tại California, tác giả Nguyễn Văn Minh, nguyên bí thư (1956-63) của ông Ngô Đình Cẩn, ghi nơi trang 164-165: khoảng 10 ngày sau vụ nổ lựu đạn giết 7 em bé và một số Phật tử tại đài phát thanh Huế nhân ngày lễ Phật Đản năm 1963, Dương Văn Hiếu, trưởng đoàn công tác đặc biệt Miền Trung, vào dinh để phúc trình với Tổng Thống Diệm. Ông Diệm nói với Hiếu như sau về vụ treo cờ Phật giáo: "Sau đó tôi mới bảo Quách Tòng Đức gởi công văn nhắc các tỉnh, chứ tôi có cấm chi mô. Không hiểu tại răng hắn để tới ngày chót mới gởi công điện. Khi xảy chuyện, tôi kêu vô hỏi, hắn xin thôi. Công chuyện đổ bể như ri rồi, xin thôi thì ích chi?" Nguyễn Văn Minh còn viết thêm ý kiến của Tôn Thất Đính: "Ông Đức đã gởi đi một công điện mà không tham khảo ý kiến ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Lẽ nào lại tự tiện đánh đi một công điện như vậy nếu không được tình báo Mỹ tổ chức?" Được hỏi nghĩ sao về những đoạn trích dẫn trên đây, ông Quách Tòng Ðức tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Ông xác quyết không bao giờ có nhận được lệnh của ông Diệm thảo và gởi cho các tỉnh trưởng công điện số 9159 đề ngày 6 tháng 5 năm 1963 do ông Nguyễn Văn Minh nêu ra, với nội dung "chỉ thị cho các cơ quan phụng tự (nhà thờ, chùa chiền) chỉ treo cờ quốc gia mà thôi" (nguyên văn). Trước đó, việc treo cờ được giải quyết bởi hai nghị định số 78 và 189 của Bộ Nội Vụ (năm 1957 và 1958) và một sắc lệnh đầu năm 1962 của Phủ Tổng thống nhắc nhở quần chúng tôn trọng quốc kỳ. Ông Đức kể lại: Tháng 4 năm 1963, sau một cuộc thị sát vào mùa lễ Phục Sinh, Tổng Thống Diệm có chỉ thị cho ông Đức gởi thông tư lưu ý các giới chức tỉnh về thể thức treo quốc kỳ Việt Nam trong các ngày lễ đạo, không phân biệt tôn giáo nào: treo trước cổng giáo đường, ở chính giữa và phía trên, đúng kích thước, còn các cờ đạo và cờ đoàn thể thì ở vị trí thấp hơn. Thông tư nhấn mạnh: phía trong các giáo đường, chùa chiền và những nơi thờ phượng, giáo kỳ được treo tự do, không giới hạn. Lệnh của Tổng thống được phổ biến ngay ngày hôm sau. Theo ông Quách Tòng Ðức, đầu tháng 5 năm 1963, tại Huế, xảy ra một điều đáng tiếc là để lấy điểm trong lễ Ngân Khánh 25 năm thụ phong giám mục của Đức Cha Ngô Đình Thục, nhà chức trách hành chánh địa phương đã cho treo cờ Vatican "loạn xạ," bất chấp thông tư nói trên. Một tuần sau, ngày 8 tháng 5 năm 1983 vào dịp lễ Phật Đản, các Phật tử cũng tự tiện treo cờ Phật giáo như thế. Hôm sau, tỉnh trưởng Thừa Thiên trở lại thi hành thể thức treo cờ trong thông tư của Phủ Tổng Thống nên gây sự phẫn nộ của Phật tử vì họ cho rằng đây là một biện pháp bất công, kỳ thị. Tại Miền Nam, theo ông Đức, với 4,800 chùa Phật, không có xảy ra vấn đề như ở Huế. Ông Đức còn nhớ rất rành mạch rằng, sau thảm kịch tại Đài Phát Thanh Huế chiều ngày 8 tháng 5 năm1963, tổng thống có đòi ông vào Văn phòng để đưa cho ông xem, với một gương mặt "mệt nhọc, buồn rầu và chán nãn," công điện ngày 6 tháng 5 năm1963 nói trên và hỏi "một cách sơ sài" ai đã gởi đi chỉ thị ấy. Ông Đức trả lời không biết vì trong sổ công văn gởi đi không có dấu vết của tài liệu vừa kể. Theo ông Quách Tòng Ðức, trong hoàn cảnh chánh trị dồn dập sôi động lúc đó (hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, Quách Thị Trang bị bắn chết tại chợ Bến Thành, lựu đạn nổ ở Huế, tướng lãnh lập kiến nghị đòi cải tổ, việc kiểm soát chùa, v.v), Tổng Thống Diệm rối trí, không còn màng đến việc ra lệnh điều tra. Ông có lẽ dư biết việc giả tạo công điện 9159 là một đòn phép mới của phe chống chánh phủ. Vậy việc ông Đức xin từ chức là một điều thất thiệt. Để tỏ thiện chí dàn xếp, chánh phủ đồng ý cho hai Ủy Ban Liên Bộ và Liên Phái công bố một thông cáo chung ngày 16 tháng 6 năm 1963 xác định những điểm đã thỏa hiệp về việc treo cờ Phật giáo và quốc kỳ, hứa xét lại Dụ Số 10 trước Quốc Hội vào cuối 1963, tạm ngưng áp dụng nghị định của Phủ Tổng Thống số 116/TTP/TTK ngày 23 tháng 9 năm1960 ấn định thể thức mua bán bất động sản và đất đai của Phật Giáo, hứa sẽ trừng trị nhân viên có lỗi và bồi thường các gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, mọi việc đã quá trễ đối với Hoa Kỳ và Bắc Việt. Trong hồi ký Ngô Đình Diệm, Nỗ Lực Hòa Bình Dang Dở, (Nhà Xuất bản Xuân Thu, California, 1989), nơi trang 189-190, ông Nguyễn Văn Châu, nguyên Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý Quân Đội VNCH, trở thành đối lập với chánh phủ trước cuộc binh biến ngày 1 tháng 11 năm 1963, có ghi lại như sau: Sau năm 1975, một cựu đại úy Hoa Kỳ tên James Scott, liên hệ với CIA và từng làm cố vấn cho Tiểu Đoàn 1/3 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh (BB), thú nhận trong một lá thơ đăng trên một tuần báo Mỹ rằng chính ông ta đã gài một trái bom nổ chậm chiều 8 tháng 5 năm1963 taị Huế. Sự kiện này cũng được bác sĩ Trần Kim Tuyến, dưới bút hiệu Lương Khải Minh, ghi lại trong hồi ký Làm Thế Nào Giết Một Tổng Thống, (tập 2, trang 366-370). Theo trung tướng Trần Thiện Khiêm xác nhận với Marguerite Higgins, tác giả quyển Vietnam, Our Nightmaret, chương VI, tướng Nguyễn Khánh (nắm quyền sau cuộc chỉnh lý ngày 30 tháng 1 năm 1964) đã hy sinh Thiếu Tá Đặng Sỹ, Phó Tỉnh Trưởng Nội An Thừa Thiên, để hòa thượng Thích Trí Quang trì hoãn chống đối. Toà Án Mặt Trận xữ Đặng Sỹ khổ sai chung thân. Tình trạng giữa Tổng Thống Diệm và Hoa Kỳ căng thẳng kể từ muà hè 1962, nổ lớn tại Huế với vụ Phật Giáo ngày 8 tháng 5 năm 1963. Qua tháng 7, tin đồn đảo chánh lan rộng. Ngày 21 tháng 8 năm 1963, Đại Sứ Henry Cabot Lodge trình ủy nhiệm thơ và bắt đầu móc nối với tướng lãnh. Sau ngày Lực Lượng Đặc Biệt của Đại Tá Lê Quang Tung lục soát chùa chiền, các tướng tin cẩn của Tổng Thống Diệm đều đổi lòng, theo phe phản loạn, trừ ông Cao Văn Viên trước sau như một. Ông Đức cảm động khi được biết ông Viên đã xác nhận với người viết rằng sau ngày 30 tháng 1 năm 1964, tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý ê-kíp Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Nhung (kẻ giết hai ông Diệm-Nhu, từ đại úy được thăng thiếu tá) đã bị An Ninh Quân Đội bắt vào giao cho lực lượng Nhảy Dù của tư lệnh Cao Văn Viên canh giữ. Nhung "đã tự treo cổ bằng một sợi giây giày trong khám đường," theo lời tướng Viên. Hình chụp tại Saigon vào tháng 7 năm 1963, tức bốn tháng trước khi các các tướng Kim, Ðính, Ðôn, Xuân, và Minh nổi dậy đảo chánh lật đổ chánh phủ của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Tấm hình chụp các nhân viên cảnh sát và binh lính đang canh gác trước một cuộc biểu tình của một số tăng nhân Phật Giáo tại khu vực Chợ Bến Thành. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm). Được hỏi: trong các tướng thường ra vô Dinh Độc lập, ai là người được sủng ái nhất, ông Quách Tòng Ðức đáp không do dự: "Tôn Thất Đính và Trần Thiện Khiêm, mà tổng thống xem như người nhà." Điều này không ngăn Đính và Khiêm đóng vai trò chính yếu trong cuộc đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, trọng hệ hơn cả Dương Văn Minh được chọn làm bình phong. Chính Trần Văn Đôn, với tư cách người móc nối, đã tiết lộ trong hồi ký Việt Nam Nhân Chứng, rằng Đôn có dò xét tâm ý của Đính và đến gặp Khiêm bốn lần, lần đầu vào tháng 9 năm 1963, và Khiêm có cho Đôn biết "ông ta cũng có một kế hoạch riêng do Mỹ chủ trương." Đôn viết (nguyên văn): "Tôi khuyên ông ta không nên bàn với Mỹ một việc quan trọng như vậy, nên bỏ kế hoạch ấy đi" (trang 193). Trong những biến cố quân sự liên tiếp làm hỗn loạn miền Nam từ 1 tháng 11 năm 1963 cho đến ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền, tướng Trần Thiện Khiêm đứng sau màn giựt giây chiếu theo lời xác nhận của một số nhân chứng hàng đầu khả tin. Tới nay, ông Khiêm không đính chánh mà cũng không tiết lộ gì cả. Liệu tướng Khiêm sẽ ra đi như tướng Thiệu, mang xuống tuyền đài những bí ẩn đau thương của Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam? Theo Quách Tòng Ðức, Dương Văn Minh không sâu sắc về chánh trị tuy thời cuộc đã đưa ông ta lên ghế quốc trưởng hai lần: sau ngày 1 tháng 11 năm 1963 (nhờ Mỹ giúp) và tháng tư 1975 (với sự đồng ý của Bắc Việt). Lần đầu, Minh tại chức ba tháng. Lần sau, được 40 giờ rồi đầu hàng địch vô điều kiện. Với tư cách bộ trưởng Nội vụ, tác giả bài này được chỉ thị đích thân điều tra mật về trường hợp tẩu tán kho vàng Bảy Viễn và có mời tướng Dương Văn Minh đến giải thích. Vì lý do chánh trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư lệnh Hành Quân bị giải tán, tướng Minh được cử làm cố vấn quân sự phủ tổng thống, một chức vụ tượng trưng. Từ đó, ông cảm thấy không yên tâm với "chiếc gươm Damocles treo trên đầu." Ông hận chế độ, đặc biệt là hận cố vấn Nhu đã vô ơn sau khi ông đã chống Nguyễn Văn Hinh, ủng hộ Thủ Tướng Diệm, giúp dẹp Bình Xuyên và bắt nạp tướng Ba Cụt. Một lý do khác gây nghi ngờ đối với tướng Minh là cơ quan tình báo quốc gia bắt đủ bằng chứng về mối liên hệ thầm lén giữa ông Minh và người em trai lúc đó đang phục vụ trong quân đội Bắc Việt là Thiếu Tá Dương Văn Nhựt, bí danh Mười Ty. Một người em khác của tướng Minh là Trung Tá Dương Văn Sơn trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cũng đã chứa chấp vợ chồng Nhựt và đóng vai trò liên lạc ở trong và ngoài xứ. Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Y, Cục Trưởng Trung Ương Tình Báo và Tổng Giám Đốc Cảnh Sát, hiện ở Virginia, đã xác nhận với người viết có đích thân trình hồ sơ Dương Văn Minh cho Tổng Thống Diệm xem. Tổng thống liền ra lệnh hủy hồ sơ này "trước mắt ông" vì không muốn cho Hoa Kỳ biết vì xấu hổ. Hoa Kỳ và Đại Sứ Henry Cabot Lodge đã khai thác mối thù riêng của tướng Minh đối với cá nhân hai ông Diệm-Nhu để lật đổ nền Ðệ Nhất Cộng Hòa và thay ngựa giữa dòng. Hoa Kỳ cũng dư biết Dương Văn Minh có liên hệ với Bắc Việt nên tạo áp lực cho Trần Văn Hương trao quyền gấp lại cho Dương Văn Minh (tuy thể thức trao quyền này trái với hiến pháp của Việt Nam Cộng Hòa) hầu tạo lý do cho Mỹ được sớm rút khỏi Việt Nam. Cựu đại tá Nguyễn Linh Chiêu, hiện ở Huntington Beach, California, kể lại với tác giả bài này như sau: Năm 1983, ông có gặp tướng Minh tại Paris, hỏi vì sao thủ tướng Vũ Văn Mẫu vào cuối tháng 4 năm 1975 lại hấp tấp ra thông cáo buộc quân đội Mỹ phải rút trong vòng 24 giờ. Tướng Minh đáp trước mặt nhân chứng Trần Văn Đôn là đã làm "theo lời yêu cầu của đại sứ Mỹ Graham Martin." Các sự kiện trên đây cho thấy tướng Dương Văn Minh chỉ là một con rối trong tay Hoa Kỳ, Pháp, và luôn cả Bắc Việt. Minh đã giúp Hoa Kỳ tràn vào Việt Nam bằng cách tuân lệnh đảo chánh ông Diệm. Mười hai năm sau, cũng chính Minh giúp quân đội Mỹ rút lui. Nguyên Tổng Thống Trần Văn Hương đã thẳng thắn phát biểu: "Minh không phải là con người thích hợp với cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước." Năm 1988, Dương Văn Minh được Hoa Kỳ cho phép rời Paris qua thành phố Pasadena, California, sống với người con gái. Phải chăng đây là một cách trả ơn? Ông Minh quá vãng ngày 6 tháng 8 năm 2001, thọ 86 tuổi. Trước đó, ông Võ Văn Kiệt cũng có đến thăm ông Minh tại Pháp. Theo Lý Quý Chung (cựu dân biểu VNCH) tiết lộ trong quyển Hồi ký Không Tên vừa xuất bản tại Saigon. Với vài người thân tín, tướng Minh nói ông không tiếc hối đã đóng vai trò của một Pétain Việt Nam. Vào thời đó, tướng Nguyễn Khánh là một sĩ quan thân tín có công "cứu chúa" trong vụ binh biến 11 tháng 11 năm 1960 khi giữ chức Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Ông nuôi cao vọng thay thế Tổng Tham Mưu Trưởng Lê Văn Tỵ. Sau khi thăng thiếu tướng tạm thời tại mặt trận, ông được đưa lên vùng cao nguyên hẻo lánh để trấn Quân Khu 2 và Vùng 2 Chiến Thuật. Ông Khánh sanh bất mãn, vì thế tuyên bố trên đài phát thanh lúc bốn giờ sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963 ủng hộ phe đảo chánh. Theo tướng Khánh kể lại với người viết: đêm 1 tháng 11 năm 1963, ông Diệm và ông Nhu có điện thoại từ Chợ Lớn lên Pleiku cố thuyết phục ông Khánh cầm quân về Sàigòn giải cứu nhưng ông Khánh trả lời "quá trễ và ở quá xa." Câu hỏi đặt ra như sau: Nếu tướng Khánh nhận lời và đem quân về "cứu giá," nếu Tổng Thống Diệm trì hoản xuất hiện vào sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963, và nếu sự cứu giá thành công, thì thời cuộc liệu thay đổi ra sao? Mọi việc tùy thuộc biết bao nhiêu chữ "nếu." Sau hết, với người viết, tướng Nguyễn Khánh còn than phiền là Tổng Thống Diệm không giữ lời hứa (viết tay) trao quyền lại cho quân đội sau cuộc binh biến 11 tháng 11 năm 1960. Đây là một sự kiện khác mà tướng Khánh hẳn không quên. Trong một buổi lễ long trọng truy điệu cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tại Little Sàigòn, California, tướng Nguyễn Khánh không tiếc lời ca tụng Tổng Thống Diệm như một anh hùng dân tộc mà ông ngưỡng mộ và quyết chí noi gương. Tổng Thống Diệm nể trọng Ðại Tướng Lê Văn Tỵ, người duy nhất trong quân đội được kêu bằng "ngài." Phía dân sự, cách xưng hô này chỉ áp dụng đối với Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ và Bộ Trưởng Ngoại Giao Vũ Văn Mẫu, nhân vật cạo đầu năm 1963 để phản đối trong vụ Phật giáo bị đàn áp. Tướng nào giỏi đóng tuồng và chuyên "trở cờ"? Tuy không thân cận với giới tướng lãnh, ông Đức có thể trả lời theo một nhận định chung là tướng Trần Văn Đôn (người từng công khai đốt lon sĩ quan Pháp để tỏ lòng trung thành với Tổng Thống Diệm) và Tôn Thất Đính (con cưng của chế độ trở giáo đâm sau lưng chế độ). Ai thâm độc nhất? Đỗ Mậu. Ông Mậu, một nhân vật cột trụ trong đảng Cần Lao, thú nhận đã mọp lạy trước ông Đính (cũng là gốc Cần Lao gộc) để van xin Đính theo quân nổi loạn. Viên "đại tá muôn năm" Đỗ Mậu đã hận vì Tổng Thống Diệm cho rằng ông không đủ văn hóa để tiến cao hơn. Người viết có dịp hỏi nguyên thủ tướng Nguyễn Khánh nghĩ sao khi chọn ông Mậu lãnh đạo Bộ Văn Hóa là không thích hợp chút nào với trình độ của ông ta thì tướng Khánh nheo mắt cười, trả lời: Mậu tự ti mặc cảm nhưng đầy cao vọng và được một số Phật tử ủng hộ lúc đó. Việc bổ nhiệm này khuyến khích ông Mậu cộng tác sốt sắng. Đây là một "đòn chánh trị" quen thuộc của Nguyễn Khánh, kịch sĩ từng đả đảo Hiến Chương Vũng Tàu do chính ông cho thảo ra. Một đòn khác của tướng Khánh: móc nối với Huỳnh Tấn Phát, lãnh tụ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, với chủ đích, theo lời tuyên bố của Khánh, kéo Phát về phiá Quốc Gia. Điều này đã bị bà Nguyễn Thị Bình phủ nhận hoàn toàn trong hồi ký Chung Một Bóng Cờ (Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, năm 1993). Chẳng những thế, trang 453-454 của hồi ký còn tiết lộ Nguyễn Khánh đã vận động Hoa Kỳ cúp viện trợ và bỏ rơi Tổng Thống Thiệu. Ông Khánh công khai đi đêm với Mặt Trận Giải Phóng trong giai đoạn chót của Hiệp Định Paris. Tổng Thống Diệm có thích được nịnh hót hay không? Ý kiến của Ông Đức: Tại Bắc Việt, Cộng sản đã thần tượng hoá Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Trong nam cũng có khuynh hướng ấy đối với ông Diệm, dưới nhiều hình thức, đặc biệt trong Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia với số đoàn viên tăng từ 10,000 năm 1955 lên đến 2 triệu năm 1963, được tổ chức đến tận xã, phường. Hình chụp vào tháng 8 năm 1964, một số binh sĩ Lực Lượng Ðặc Biệt VNCH đang hành quân trong vùng sông rạch gần Saigon. Cuộc đảo chánh kết thúc vào cuối năm trước (1963), nhưng tình hình chiến sự trên bốn vùng chiến thuật vẫn không bớt phần ác liệt. Những năm sau đó nhiều vụ đụng độ dữ dội đã xảy ra. Chiến tranh đã đi sâu vào tâm hồn của mọi người, ăn dần vào mọi khía cạnh trong xã hội. Chiến tranh có lẽ đã không còn xa lạ với người dân thành thị. Từ các địa danh xa lạ như Bình Giả, Ðức Cơ, Pleime, và Ðồng Xoài đột nhiên về sau trở thành quen thuộc trong một số nhạc phẩm như Một Mai Giã Từ Vũ Khí của Ngân Khánh, Kỷ Vật Cho Em của Phạm Duy, hay Người Ở Lại Charlie của Trần Thiện Thanh, đều nói lên nỗi xót xa của người thương binh khi trở về: "...anh trở về, đây kỷ vật viên đạn đồng đen, anh cho em sang sông làm kỷ niệm..." như để nhắc nhở mọi người về những khổ lụy không phải của chỉ riêng người lính, mà là của cả một thế hệ đang bị chìm sâu trong vũng lầy của chiến tranh và khổ ải. (HÌNH ẢNH: VNCTLS sưu tầm). Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành bỏ hàng ngũ kháng chiến về cộng tác với ông Diệm từ lúc đầu như Trần Hữu Phương và Trần Lê Quang. Ông có công xây dựng Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia, tổ chức chiến dịch tố cộng và đề xướng "suy tôn Ngô tổng thống." Vì bất thuận với bác sĩ Trần Kim Tuyến, ông Thành rời nội các vào cuối năm 1959. Ba bộ trưởng khác cũng ra đi cùng một lúc vì, với ông Thành, lập hồ sơ truy tố một số cán bộ Cần Lao dân sự và quân sự lộng quyền: Trần Trung Dung (quốc phòng), Nguyễn Văn Sĩ (tư pháp) và người viết (nội vụ). Bộ Thông Tin bị đổi thành Nha Tổng Giám Đốc Thông Tin do bác sĩ Trần Văn Thọ (thuộc đảng Cần Lao) phụ trách. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Trần Chánh Thành (lúc đó đã từng là nghị sĩ và ngoại trưởng thời Nguyễn Văn Thiệu) tự tử bằng thuốc độc tại nhà để tránh sa vào tay Cộng Sản. Còn bác sĩ Tuyến thì được nhà báo điệp viên Việt Cộng nằm vùng Phạm Xuân Ẩn lấy xe chở đến một địa điểm để dùng trực thăng Mỹ thoát khỏi Việt Nam. Tuyến định cư tại Anh quốc nhờ bà Tuyến làm việc cho Tòa Đại sứ Anh ở Sàigon. Tuyến làm chủ một nhà trọ Bed And Breakfast gần Cambridge và qua đời cách đây vài năm, sau khi phát hành với Cao Vĩ Hoàng quyển hồi ký Làm Thế Nào Giết Một Tổng Thống?" Theo ông Quách Tòng Đức, Tổng Thống Diệm là một người cởi mở, bình dân trong những năm đầu chấp chánh. Nhưng về sau, trở nên khó tánh và khép kín hơn. Ảnh hưởng của quyền lực, hoàn cảnh, hay là vì giới cận thần a dua? Qua ba giai đọan Quốc Hội Lập Hiến, Quốc Hội Lập Pháp Kỳ 1 và Quốc Hội Lập Pháp Kỳ 2, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đi lần vào bế tắc. Trong gia đình, ông bà Trần Văn Chương, nhạc gia của ông Nhu với người chồng là đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn (Washington, D.C.) và vợ là quan sát viên tại Liên Hiệp Quốc, đã lợi dụng chức vụ để phản tuyên truyền và đả kích kịch liệt chánh phủ Sàigòn và luôn cả vợ chồng ông Nhu. Bác sĩ Trần Văn Đỗ, chú vợ của cố vấn Nhu, và luật sư Nguyễn Hữu Châu, nguyên Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Nội Vụ, anh em bạn cột chèo với ông Nhu, cũng không còn ủng hộ ông Diệm. Luật sư Châu đào thoát qua Paris qua ngã đường đi Nam Vang (Phnom Penh) nhờ sự giúp đở của bạn học cũ là Quốc Vương Sihanouk. Ông đã trình luận án thạc sĩ luật chỉ trích chương trình viện trợ Hoa Kỳ ở Việt Nam và sau đó, dạy luật tại trường đại học Paris. Luật sư Châu như khoa học gia Bửu Hội, năm 1972, cũng ngã theo ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông Trần Văn Đôn, người chủ trương đảo chánh, đã nhìn nhận một cách thương hại: Tội nghiệp, mọi người đều bỏ Tổng Thống Diệm. Ông Quách Tòng Ðức tỏ ra dè dặt đối với dư luận cho rằng Tổng Thống Diệm kỳ thị Phật giáo. Ông cho biết Tổng Thống Diệm thường tiếp xúc với các vị tu hành thuộc mọi tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Ông Diệm không bỏ qua dịp viếng thăm một số chùa như chùa Sư Nữ của Sư Bà Diệu Huệ (mẹ giáo sư Bữu Hội) ở Phú Lâm, hay chùa Diệu Đế ở Huế, v.v. Chính ông Đức đã nhiều lần chuyển đến tay ông Mai Thọ Truyền, chủ chùa Xá Lợi và Hội Trưởng Hội Phật Giáo Nam Việt những số tiền giúp đỡ. Một chuyện mà ít người biết là Tổng Thống Diệm đã hiến cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trọn số tiền 15,000 mỹ kim, giải thưởng Leadership Magsaysay tặng cho Tổng thống. Vì lý do chánh trị, quyết định này không được công bố. Ủy Ban Tôn Giáo Liên Hiệp Quốc được chánh phủ VNCH mời đến điều tra năm 1963 cũng đã phúc trình là sau ngày hai ông Diệm, Nhu bị giết, thì nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã không kỳ thị tôn giáo. Mặt khác, Tổng Thống Diệm đã từng thẳng thắn bác bỏ những yêu sách quá đáng của các giáo phẩm miền Bắc di cư, bởi thế nên có sự bất mãn ngấm ngầm. Hai Giám Mục Phát Diệm, Bùi Chu Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi đã chống đối ông Diệm ra mặt. Cho đến ngày Tổng Thống Diệm qua đời, phần đông những người phục vụ sát cạnh bên Tổng Thống Diệm hàng ngày đều thuộc thành phần Phật giáo: Đổng Lý Quách Tòng Ðức, Tổng Thư Ký Nguyễn Thành Cung, Chánh Văn Phòng Võ Văn Hải, Bí Thư Trần Sử, Nội Dịch Tôn Thất Thiết, Cận Vệ Nguyễn Bằng, v.v.
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 10, 2008 13:20:46 GMT 9
“Phiến Cộng” Trong Dinh Gia Long - Phần 1 Thứ Tư, Ngày 24 tháng 9-2008 Ðiều không thể ai phủ nhận là một dân tộc muốn vượt tiến, phải nghiền ngẫm những trang quốc sử trung thực của chính đất nước, dân tộc mình. Dù không ai có thể tắm hai lần dưới cùng một dòng nước, như một triết gia Tây phương đã viết, lịch sử là một gia tài vô tận đóng góp cho sự hưng thịnh và sinh tồn của một dân tộc. Những người cầm quyền và các thế lực chính trị thường ưa thích che dấu sự thực lịch sử, dùng mọi thủ đoạn man trá và ác độc nhất để bẻ cong lịch sử hầu ngu dân, điều kiện hóa trí tuệ thanh thiếu niên. Hậu quả là nhiều hơn một lần, người Việt vừa hò hét vừa chĩa súng, xỉa gươm giáo vào ngực nhau mà tàn sát, dù chẳng rõ nguyên do tại sao cần có những cuộc thảm sát phi nghĩa và vô luân ấy. Nhiều hơn một lần, người Việt dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến đã trở thành nạn nhân của những nguồn ý thức hệ ngoại lai, tự biến thành những âm binh chịu phù phép, đâm chém bắn giết, cắt cổ mổ bụng người thân mà vẫn ngỡ tưởng mình thánh thiện. Những hệ thống tuyên truyền tinh vi của giới chức cầm quyền và các thế lực khác khiến người Việt bị vong thân, tha hóa, lúc nào cũng sẵn sàng lao vào những “cuộc thánh chiến” do ngoại cường điều khiển. Giai đoạn từ 1945 tới 1975 là giai đoạn tiêu biểu nhất của nhiều cuộc “thánh chiến” được du nhập hay áp đặt lên giang sơn gấm vóc của chúng ta, chặt xương, cắt gân, chia tim xẻ óc dân tộc chúng ta. “Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng, 1945 - 1975” là biên khảo lịch sử mới nhất của Chính Ðạo, một bút danh của Tiến sĩ Sử học/Luật học Vũ Ngự Chiêu, nhằm giải đáp một số vấn nạn, nếu không phải nghi án, lịch sử cận đại, hiện vẫn còn gây nhiều bàn cãi, nghi hoặc. Dựa trên tài liệu văn khố Pháp, Mỹ, Nga, Trung Cộng, Việt Nam và những tài liệu nguyên bản khác thu thập suốt hơn 25 năm qua, tác giả hy vọng sẽ đóng góp phần nào cho việc tái dựng lại những trang lịch sử trung thực nhất, không ngả nghiêng tà vạy theo ý thức hệ, tôn giáo hay mục tiêu chính trị giai đoạn của các thế lực nào đó. Sách do nhà xuất bản Văn Hóa phát hành trong năm 2004 [Giá 2.00 MK; Ðịa chỉ: PO Box 720798, Houston, Texas 77272 USA] Bài “Phiến Cộng Trong Dinh Gia Long” này là một trong những vấn nạn lịch sử tiêu biểu hiện còn tô đậm, đào sâu theo lằn ranh tôn giáo và ý thức hệ của người Việt. Vì đây là một nghiên cứu công bố nhiều tài liệu mới giải mật lần đầu tiên trên thế giới, nên nhiều chi tiết khác hẳn với những cảm nhận lịch sử đại chúng, vốn chỉ giới hạn trong sự yêu ghét, tin đồn vô căn, tài liệu tuyên truyền của nhiều hơn một phe phái, tôn giáo. Một trong những nghi án lịch sử cận đại còn gây nhiều tranh luận là vấn đề âm mưu ve vãn [flirtation] Cộng Sản Hà Nội của anh em Tổng thống Ngô Ðình Diệm (1897-1963) trong hai năm 1962-1963. Nhiều học giả thế giới đã cố gắng đưa ra những giải thích về vấn đề này. Người cho rằng anh em họ Ngô không còn biết lý lẽ [no longer be rational] nữa trước áp lực Mỹ.(1) (1. William Henderson and Wesley R. Fishel, “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem,” Vietnam Perspective (Aug 1966), tr. 17-18; Mieczylslaw Maneli, War of the Vanquished [Cuộc chiến của những kẻ bại] (New York: 1971), tr. 148-150; David Kaiser, American Tragedy: Kennedy, Johnson, and the Origins of the Vietnam War (Cambridge, Mass: Belknap Press, 2000), tr. 256-257.) Người cho rằng họ Ngô chỉ muốn bắt chẹt [blackmail] hay chơi một ván bài poker với Mỹ.( 2) (2. George McT Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam (New York: Alfred A. Knof, 1986), tr. 58.) Người cho rằng họ Ngô thực sự muốn nói chuyện với miền Bắc,(3) và nếu không có cuộc đảo chính 1/11/1963, Cộng Sản đã chiếm miền Nam vào cuối năm 1963. (3. Kahin, Intervention, tr. 153-155; Fredrik Logwall, Choosing War: The Last Chance for Peace and the Escalation of War in Vietnam (Berkeley: Univ of California Press, 1999), tr. 7-8; Francis X. Winters, The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963-February 15, 1964 (Athens: Univ. of Georgia Press, 1997), tr. 43-44.) Bi thảm cho họ Ngô là những người tin rằng họ Ngô muốn dâng miền Nam cho Cộng Sản Bắc Việt– đặc biệt là Ðại sứ Henry Cabot Lodge–lại có quyết định chung cuộc số phận họ Ngô. Vấn đề ve vãn Cộng Sản này khá phức tạp. Nó không chỉ hạn chế trong phạm vi quốc nội của Việt Nam mà còn bị chi phối, hoặc ít nữa ảnh hưởng, bởi các trào lưu chính trị và chiến lược thế giới của nhiều hơn một ngoại bang. Ngoài Liên bang Mỹ, Liên Sô Nga và Trung Cộng–ba quốc gia ảnh hưởng sâu đậm trên nội tình Việt Nam–còn có những quốc gia khác như Pháp, India [Ấn Ðộ], Poland [Ba Lan] hay vương quốc Ki-tô Vatican. Trong biên khảo Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 dưới bút danh Chính Ðạo, và tâm bút Ngàn Năm Soi Mặt, ký tên Nguyên Vũ, chúng tôi đã lược nhắc đến vấn nạn này, dưới tiểu tựa “Phiến Cộng trong Dinh Gia Long.”(4) (4. Hai chương sách này đều được đăng lại trên nhiều website từ năm 2003. Ðộc giả Ði Tới cũng có dịp đọc qua bài “Cái chết của một hàng tướng: Dương Văn Minh,” trước khi bài này in trong Ngàn Năm Soi Mặt (bản hiệu đính và bổ sung đăng trên Hợp Lưu, Phụ bản đặc biệt tháng 9 & 10/2006)) Vì trọng tâm các chương có đề cập đến âm mưu ve vãn Hà Nội của họ Ngô trên không phải là chính sách của họ Ngô, chúng tôi đã vô cùng tỉnh lược, không đi vào chi tiết cũng như phân tích các dữ kiện. Bài viết này xin được coi như đóng góp thêm vào vấn nạn trên. Kết luận của chúng tôi là chưa đủ tư liệu để biết rõ mục đích của anh em họ Ngô trong việc ve vãn Cộng Sản giữa lúc áp lực Mỹ ngày một nặng. Dẫu vậy, có thể tạm thời kết luận rằng họ Ngô, qua thành tích dĩ vãng, khó thể có ý định tìm hòa bình cho tương lai của đất nước và dân tộc. Hành động của họ Ngô chỉ là một thứ quyết định, hoặc đe dọa, “ăn không được thì đạp đổ” để cảnh giác người Mỹ. Cũng có thể nó đã được phóng đại lên để Ðại sứ Lodge có cớ ra tay lật đổ họ Ngô, khởi đầu một chuỗi thí nghiệm mới, hy vọng tìm ra một chính phủ bản xứ hữu hiệu hơn để tiếp tục chống Cộng và chiến thắng. (5) (5. Giữa lúc cuộc đảo chính đang diễn ra, Rusk chỉ thị Lodge cố vấn các Tướng nên nhấn mạnh việc Nhu ve vãn Cộng Sản [thingyering with Communists to betray anti-Communist cause] để tạo thiện cảm với dư luận Mỹ; Foreign Relations of the United States [Bang giao quốc tế của Liên bang Mỹ], 1961-1963 (Washington, DC: GPO, 1991), IV:89-90. Se dẫn: FRUS, 1961-1963.) I. TIẾP XÚC VỚI CỘNG SẢN: Không ai có thể chối cãi việc anh em họ Ngô tiếp xúc với Cộng Sản. Nếu thời điểm họ Ngô bắt đầu ve vãn Cộng Sản còn gây nhiều bàn cãi, đầu mối bằng xương, bằng thịt xuất hiện tại ngay chính Dinh Gia Long ngày 2/9/1963 là Mieczylslaw Maneli, Trưởng đoàn Poland [Ba Lan] trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến (ICC, sẽ dẫn UBQT/KSÐC). Ðích thân Cố vấn Ngô Ðình Nhu (1910-1963) cũng tuyên bố với viên chức tình báo Mỹ, và ngay cả các Tướng miền Nam, nhiều lần, rằng ông ta từng tiếp xúc Việt Cộng.( 6) (6. Frederick Nolting, From Trust to Tragedy: The Political Memoirs of Frederick Nolting, Kennedy’s Ambassador to Diem’s Vietnam (New York: Prager Publishers, 1988), tr, 117-18; Chính Ðạo, Tôn Giáo & Chính Trị: Phật Giáo, 1963-1967 (Houston: Van Hoa, 1994, 1997), tr. 51.) Tình báo Mỹ, Pháp và Việt đều nói về buổi họp mặt bí mật với Phạm Hùng (Phó Thủ tướng Bắc Việt, đặc trách kế hoạch thống nhất hai miền Nam-Bắc từ năm 1958). Một số người còn nhắc đến, dù chẳng trưng được bằng cớ có thể kiểm chứng nào, những cuộc tiếp xúc giữa ông Nhu và cán bộ CSBV ngay tại Sài Gòn vào hạ tuần tháng 10/1963. (7) (7. Nguyễn Văn Châu, Ngô Ðình Diệm: Nỗ lực hòa bình dang dở, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Vi Khanh (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1988), tr. 161-164. Trung tá Châu–một cựu Quân ủy trung ương của Ðảng Cần Lao, trước khi nắm Nha Chiến tranh Tâm lý, và rồi đưa qua Oat-shinh-tân làm tùy viên quân sự vào tháng 9/1962–thời gian này có mặt ở Sài Gòn, nhưng không nêu tên nhân chứng.) Ðích thân Tổng thống Diệm, theo một cộng sự viên thân tín từ năm 1942, cũng định tìm cách tiếp xúc một cán bộ cao cấp của Hà Nội ở New Dehli vào khoảng trung tuần tháng 11/1963.(8) (8. Lời chứng của Trần Văn Dĩnh trong Ellen Hammer, A Death in November (NY: Oxford Univ Press, 1987), tr. 268-270; Winters, Year of the Hare, tr. 99; Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot (Boston: Little, Brown, 1997), tr. 433-434; Philip E. Catton, Diem’s Final Failure (Lawrence, Kansas: Press of Univ. of Kansas, 2002), tr. 195. Dĩnh là một thông ngôn phục vụ tại Tòa lãnh sự Nhật ở Huế từ năm 1942, và có liên hệ với Diệm từ ngày này.) Cũng có tin Nhu đã đạt được một thỏa thuận ngầm với Bắc Việt để thành lập một chính phủ thống nhất, trung lập với Hồ làm Chủ tịch và Nhu làm Phó. A. NHỮNG ÐẦU MỐI: Có nhiều đầu mối Cộng Sản mà Nhu tiếp xúc hay có tin đã tiếp xúc. 1. Mieczylslaw Maneli: Từ mùa Xuân 1963, theo Maneli, nhiều nhân vật trong giới ngoại giao đã yêu cầu Maneli gặp Ngô Ðình Nhu. Trong số này có Ðại sứ Pháp Roger Lalouette, Ðại sứ India (Ấn Ðộ) Ramchundur Goburdhun trong UBQT/KSÐC, Ðại sứ Italia (Ý) Giovanni d'Orlandi và Ðặc sứ Vatican (Tòa thánh La Mã) Salvatore d'Asta. Họ đều nói với Nhu về Maneli, và Nhu tỏ ý muốn gặp. Tối Chủ Nhật, 25/8, Maneli được giới thiệu với Nhu trong buổi tiếp tân của Trương Công Cừu, vừa để ra mắt ngoại giao đoàn nhân dịp được cử thay Vũ Văn Mẫu làm Quyền Ngoại trưởng, vừa đón tiếp tân Ðại sứ Lodge. Ngay sau lần gặp sơ khởi này, Maneli báo cáo về Warsaw, đồng thời thông báo với Ðại sứ Liên Sô Suren A. Tovmassian ở Hà Nội và Hà Văn Lâu, Trưởng đoàn VNDCCH tại UBQT/KSÐC. Lâu và Tovmassian, theo Maneli, tán thành. Qua ngày 2/9, Nhu mời Maneli vào Dinh Gia Long bàn việc. Sau đó, Maneli ra Hà Nội báo cáo. Nhưng Warsaw đột ngột cho lệnh Maneli ngừng gặp Nhu. (9) (9. Maneli, 1971, tr. 137-139, 140-147. Từ cuối tháng 8/1963, tình báo Mỹ đã biết tin về kế hoạch của Maneli; FRUS, 1961-1963, IV:89-90. Sau ngày 1/11/1963, Bộ trưởng Nội Vụ Tôn Thất Ðính cũng họp báo tiết lộ việc Nhu liên lạc với Hà Nội, qua trung gian Maneli; Maneli 1971:112-114. Những lời chứng trong sách của Maneli ấn hành tại Mỹ, tưởng cần nhấn mạnh, chỉ là một thứ truyền khẩu sử, hay dã sử; cần được phối kiểm với các tài liệu văn khố khác.) Ngay chiều 2/9, Cố vấn Nhu nhìn nhận với Lodge rằng mới gặp Maneli hôm đó. Theo Nhu, Maneli hỏi Nhu là có thể báo cáo gì với Phạm Văn Ðồng về những lời tuyên bố của de Gaulle (29/8) và Hồ (29/5/1963 hoặc 8/1963). Nhu trả lời: “Không.”(10) (10. FRUS, 1961-1963, IV:85.) Ngày 2/9/1963 này, mật báo viên của tình báo Mỹ nhận xét rằng việc Maneli và nhân viên Pháp (không phải cá nhân Lalouette) làm trung gian cho Nhu và Ðồng là một thứ bí mật chẳng dấu được ai (open secret) trong giới ngoại giao Sài Gòn đã nhiều tháng. Mật báo viên này cũng được Maneli nhờ giới thiệu với Nhu nhưng từ chối.(11) (11. FRUS, 1961-1963, IV:89-90.) Bốn ngày sau, chiều 6/9, Ngô Ðình Nhu tái xác nhận với viên chức CIA là d'Orlandi và Goburdhun nhiều lần yêu cầu Nhu gặp Maneli. Trong buổi gặp ngày 2/9, Maneli khuyên Nhu nên lợi dụng những lời tuyên bố của de Gaulle (29/8) và Hồ (29/5/1963 hoặc 8/1963) để thương thuyết với Hà Nội. Maneli nói đã được Phạm Văn Ðồng ủy quyền làm trung gian. Nhu trả lời Maneli rằng lời tuyên bố của de Gaulle rất “hấp dẫn” [interesting], nhưng chỉ những người thực sự chiến đấu trong cuộc chiến này mới có quyền nói và hành động. Nam Việt Nam liên kết với Mỹ và sẽ là điều vô luân khi dò dẫm đơn phương sau lưng người Mỹ. Vấn đề hiệp thương bất lợi cho tinh thần chiến đấu cũng như sự thông suốt về chính trị của dân chúng miền Nam. Nhu khẳng định không thương thuyết với Hà Nội, chỉ tiếp xúc Việt Cọng miền Nam. Nhu còn nói không có đường giây bí mật nào với miền Bắc, nhưng Maneli và Goburdhun lúc nào cũng sẵn sàng.( 12) (12. FRUS, 1961-1963, IV:125-126.) Như thế, đích miệng Ngô Ðình Nhu thú nhận hai lần đã gặp Maneli, người tự nhận là sứ giả của Phạm Văn Ðồng, Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hóa [VNDCCH]. Ngày 16/9, Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm–Tham Mưu trưởng Liên quân, lúc ấy đã chuẩn bị đảo chính–mật báo với Mỹ rằng các Tướng nóng lòng làm đảo chính hơn khi thấy thêm nhiều chứng cớ về việc Ngô Ðình Nhu muốn thương thuyết với miền Bắc. Theo Khiêm, Nhu tiết lộ với một số Tướng (như Big Minh, Lê Văn Nghiêm) về cuộc tiếp xúc Maneli. Maneli đã mang tới đề nghị của Ðồng về việc hiệp thương giữa Bắc và Nam; và Nhu đang nghiên cứu, sẽ cho các Tướng biết thêm những bước kế tiếp. Nhu tuyên bố Maneli đã hoàn toàn dưới sự sử dụng của Nhu và sẵn sàng bay ra Hà Nội bất cứ lúc nào được chỉ thị. Nhu còn thêm rằng Ðại sứ Pháp Lalouette từng đề nghị tương tự.( 13) (13. FRUS, 1961-1963, IV:239-240.) 2. Cán bộ “Việt Cộng”: Ngô Ðình Nhu nhiếu lần tuyên bố đã bí mật tiếp xúc với cán bộ Việt Cộng (hiểu theo nghĩa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam). Mùa Xuân 1963, nhân dịp phát động chiến dịch Chiêu Hồi (vào tháng 4/1963), Nhu khoe đón tiếp cán bộ Việt Cộng cao cấp ngay tại Dinh Gia Long. Có lần, Nhu chỉ vào chiếc ghế Ðại sứ Frederick (Fritz) Nolting đang ngồi, nói một lãnh tụ Cộng Sản vừa mới rời chỗ đó. Rồi giải thích rằng đang gặp các lãnh tụ Việt Cộng để thuyết phục họ về hàng. Nolting báo cáo chi tiết này về Oat-shinh-tân, và xin cho Nhu toàn quyền hành động hầu thành lập một chính phủ “mở rộng.” Nhưng các cố vấn của Kennedy không hài lòng–họ coi đó gần như một hành động bội phản.( 14) (14. Nolting, From Trust to Tragedy, 1988:117-118.) Chiều 24/5, Ngô Ðình Nhu yêu cầu Tướng Paul Harkins (Tư lệnh MAC-V), Richard G. Weede (Tham Mưu trưởng MAC-V), John H. Richardson (CIA) và William Trueheart (Cố vấn chính trị tòa Ðại sứ) vào Dinh Gia Long, xác định từng liên hệ với cán bộ CS cấp cao. Nhu tiết lộ mới được tin mật là CS vừa tổ chức một Hội nghị cán bộ chính trị và quân sự cao cấp ngày 19/5/1963 tại đồn điền Memot trên đất Miên. Mật báo viên của Nhu tham gia hội nghị này. Kết quả, Hội nghị trên quyết định rút 6 tiểu đoàn đặc công từ Việt Nam qua Lào làm nghĩa vụ Quốc tế từ ngày 20/5. Các đơn vị chính qui sẽ rút về mật khu Miên, hay ngừng tham chiến, giao trách nhiệm chiến đấu cho các đơn vị địa phương và tự vệ. Nhu tuyên bố nếu báo cáo trên là đúng, VNCH sẽ tổng tấn công, đánh tan các lực lượng địa phương trên, và ngăn chặn đặc công từ Lào đột nhập Nam Việt Nam.(15) (15. FRUS, 1961-1963, III:327-330.) Chiều ngày 2/9, Nhu thú nhận với Lodge rằng mình từng tiếp xúc Việt Cọng. Những cán bộ VC này đã rất chán nản, muốn ngừng hoạt động. Sáu tháng trước, một Ðại tá VC muốn đào ngũ với 3 tiểu đoàn, nhưng Nhu khuyên ông ta ở lại biên giới Lào chờ cơ hội thuận tiện. Một Tướng VC ở Miên cũng muốn gặp Nhu. Không những VC đang thất vọng mà còn cảm thấy bị Bắc Việt lợi dụng.(16) (16. FRUS, 1961-1963, IV:85.) Có người cho rằng đây là lời bịa đặt của Ngô Ðình Nhu. Nhận định này quá vội vã. Trong hậu trường chính trị Sài Gòn, luôn luôn có những màn đi đêm lạ lùng. Không thiếu người nỗ lực “lôi kéo những phần tử Quốc Gia” ra khỏi sự kiềm tỏa của Cộng Sản trong MT/GPMN. Trong số nhân vật được coi là “người quốc gia” có Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1913-1989). Từ năm 1948-1949, Y sĩ Lê Văn Hoạch, một cựu Thủ tướng Nam Kỳ Tự Trị (1946-1947), và Nguyễn Hòa Hiệp (1906-1974) đã không ngừng thực hiện kế hoạch đưa phần tử quốc gia về thành. Mùa Thu 1964, Ðại tướng Nguyễn Khánh–qua Quốc Vụ Khanh Lê Văn Hoạch–trao đổi thư từ với Phát, Tổng thư ký MT/GPMN, đồng thời cầm đầu tổ tình báo trí vận Sài Gòn-Gia Ðịnh. Món quà trao đổi là vợ con Phát và tù binh Mỹ. Hai năm sau, dù đang lưu vong ở Paris, Khánh còn mưu toan móc nối Chủ tịch MT/GPMN về hồi chính. Một trong những người trung gian là Nha sĩ Lê Văn Trường ở Paris, người tự nhận là “thượng cấp” của Thọ. Năm 1966, Lodge cũng lọt vào một màn ảo thuật âm mưu đưa Thọ bỏ mật khu.( 17) (17. Xem Chính Ðạo, VNNB, 1939-1975, tập I-D: 1964-1968 (đang in).) Trong hai năm 1962-1963, chung quanh Ngô Ðình Nhu có khá nhiều cán bộ tình báo chiến lược CSBV. Albert Phạm Ngọc Thảo và Vũ Ngọc Nhạ chỉ là hai người được biết nhiều nhất. Lời thú nhận “móc nối Việt Cộng” của Nhu, bởi thế, cần được nghiên cứu kỹ càng hơn trước khi có một nhận định võ đoán [sweeping remark]. Cho tới khi có tài liệu chứng minh ngược lại, chúng ta không thể không tin lời khai của chính ông Nhu. (Theo hình luật Mỹ, lời tự thú của nghi can là bằng chứng rất đáng tin cậy) 3. Phái viên khác của Hà Nội: Theo một nguồn tin, Ngô Ðình Nhu còn mượn cớ đi săn, để bí mật gặp cán bộ CSBV. a. Truờng hợp Phạm Hùng: Cán bộ CS được William Colby–trưởng lưới tình báo CIA tại Sài Gòn, Giám đốc Sở CIA Ðông Nam Á, Phụ tá Giám đốc kế hoạch bình địỳnh nông thôn ở Việt Nam [CORDS], và rồi Giám đốc CIA–nêu đích danh là Phạm Hùng (1912-1988), Ủy viên Bộ Chính Trị Ðảng Lao Ðộng Việt Nam, Phó Thủ tướng, nguyên Chủ Nhiệm Ủy Ban Thống Nhất. Theo Colby, nhiều năm sau cái chết của anh em Diệm-Nhu, một Tướng cao cấp thuộc nhóm đảo chính 1963 [Trần Văn Ðôn, Trần Thiện Khiêm hay Tôn Thất Ðính?] tuyên bố đã từng nghe tin Nhu gặp Phạm Hùng vào [tháng 2/1963]. Cuộc gặp mặt này xảy ra trong giai đoạn Diệm-Nhu đang có nhiều dị biệt lớn lao với Mỹ, và đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi sự bế tắc giữa hai gọng kìm Mỹ và Cộng Sản.( 18) (18. William Colby, Lost Victory, 1989:102-103. Trong cuốn Our Endless War in năm 1987, Ðôn không nhắc đến chi tiết này. Ấn bản tiếng Việt của tập hồi ký trên ghi rằng Nhu được Trung tá Bường, tỉnh trưởng Bình Tuy, đưa đến gặp Phạm Hùng và hai người khác. Nhu hứa với Phạm Hùng là sẽ cho Lệ Xuân và Lệ Thủy ngồi lên chuyến xe lửa thống nhất đầu tiên ra Hà Nội (tr. 183). Tướng Ðôn, tưởng cũng nên ghi nhận, là một trong những “nguồn tin đáng tin cậy” của các viên chức Mỹ. Một trong những lý do là Ðôn từng được OSS huấn luyện vào mùa Hè 1945, rồi gửi trở lại nội địa lấy tin tức về quân Nhật. Ðôn rất thân thiết với Lucien “Lou” Conein và Edward Lansdale.) Là người thân thiết với Nhu và chống việc thay Diệm, Colby không trích dẫn lời chứng của Tướng [Ðôn Khiêm hay Ðính?] một cách tắc trách. Muốn bác bỏ hay “chỉnh lý” chi tiết này, cần tìm ra tư liệu văn khố Bộ Chính Trị Ðảng CSVN, Nga hay Trung Cộng chứng minh không có màn đi đêm, mà không thể chỉ dùng lối nhận định võ đoán là “tin đồn vô căn.” Về chi tiết Phạm Hùng là “người cầm đầu các nỗ lực của Cộng Sản tại miền Nam mà Colby đề cập cũng không nhất thiết phải hiểu thu hẹp như Bí thư Trung Ương Cục Miền Nam vào thời gian này [1963]. Năm 1963, Phạm Hùng, với cương vị Phó Thủ tướng, cựu Chủ nhiệm Ủy Ban Thống nhất, có thể được kể như người cầm đầu nỗ lực của CS tại miền Nam. Những Nguyễn Văn Linh, Võ Toàn (Võ Chí Công), Trần Văn Trà, Trần Nam Trung (Trần Lương), Trần Văn Tấn (Lê hay Trịnh Trọng Tấn) chỉ là cán bộ trung cấp (Ủy viên trung ương Ðảng) tại “B”. Câu văn của Colby có thể cũng chỉ nhằm ghi nhận Phạm Hùng là người cầm đầu CS miền Nam khi Colby được mật báo về chuyện gặp gỡ bí mật Nhu-Hùng bốn năm năm trước.(19) (19. Colby dùng từ “apocryphal” [phóng đại], khi phê bình lời nhận xét của Phạm Hùng về sự hữu hiệu của Ấp chiến lược do người bạn thuật lại, mà không nhắm vào bản tin về buổi gặp mặt Nhu - Hùng.) Cuộc gặp mặt Hùng - Nhu, tưởng nên ghi thêm, cũng được tình báo Pháp ghi nhận. Tin tình báo thì thường chỉ ghi “reliably informed.” Lời chứng của các Tướng Ðôn, Khiêm, Minh hay Nghiêm có mức khả tín nào sẽ được tài liệu văn khố bạch hóa trong tương lai. b. Những đầu mối khác: Vài tác giả còn ghi nhận đại diện CSBV vào gặp Ngô Ðình Nhu ngay tại Sài Gòn, qua trung gian Ðại sứ India trong UBQT/KSÐC “nhiều lần.”(20) (20. Châu, 1988:162 - 163. Xem thêm đoạn nói về yếu tố India gần cuối bài.) Trần Văn Dĩnh – cố vấn và xử lý thường vụ Tòa Ðại sứ Việt Nam tại Oat - shinh - tân từ ngày 22/8/1963, đang trên đường qua New Dehli nhận nhiệm sở mới–tiết lộ rằng ngày 29/10 đích thân Ngô Ðình Diệm chỉ thị cho Dĩnh chuẩn bị gặp một đại diện Hà Nội (Lê Ðức Thọ?) để dò ý. Theo dự trù, Dĩnh sẽ gặp phái viên Hà Nội ngày 15/11/1963 tại New Dehli, nơi Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương) đang giữ chức Tổng Lãnh sự từ ngày 26/7/1956. Nhưng cuộc đảo chính 1/11/1963 khiến âm mưu này phải bỏ dở. Theo Dĩnh, Diệm còn dặn phải dấu kín Nhu.( 21) (21. Chẳng hiểu do ngẫu nhiên hay vì một lý do nào cả Châu và Dĩnh, hai cán bộ Cần Lao cao cấp, đều có mặt ở Sài Gòn vào những ngày cuối của chế độ Diệm. Theo tài liệu văn khố Phủ Tổng thống Ðệ nhất Cộng Hòa, vào cuối tháng 10/1963 có một Ðại hội chống Cộng ở Sài Gòn.) Những âm mưu đi đêm giữa Ngô Ðình Nhu với Hà Nội, dĩ nhiên, phải nhiều thời gian nữa mới có thể rõ chi tiết, khi tài liệu văn khố Bộ Chính Trị Ðảng CSVN, Trung Cộng, Liên Sô Nga hay Vatican mở ra cho các nhà nghiên cứu. Một số tư liệu Pháp và Mỹ hiện cũng chưa giải mật. Người học sử nghiêm túc không thể không thận trọng về mặt trận tình báo dầy phủ sương mờ nghi hoặc này, chẳng nên áp dụng cứng ngắc thứ luật “bằng chứng” [evidence rule] của luật pháp Mỹ gọi là “hearsay” [nghe lại lời kể của một người khác]. Hơn nữa, có những bằng chứng không thể bài bác khác, sau khi phối kiểm lại, cho thấy Diệm-Nhu quả thực đã ve vãn Hà Nội, tìm cách gặp đại biểu Hà Nội, khiến chính phủ Mỹ lo ngại rằng một sự thỏa thuận Bắc-Nam có thể trở thành sự thực vào khoảng cuối năm 1963. (Giáo sư Trần Bạch Ðằng nói với tôi, trong dịp phỏng vấn ở Sài Gòn năm 2004-2005, là không hề có tiếp xúc mật với họ Ngô) B. NHỮNG BIỂU HIỆU: Việc ve vãn Cộng Sản Hà Nội còn có thể tăng bổ [corroborate] bằng những lời tuyên bố và việc làm của họ Ngô trong ba năm 1961-1963 liên quan đến các vấn đề “thống nhất và trung lập,” yêu cầu cắt giảm lính Mỹ và tuyên truyền chống Mỹ. 1. Thống nhất và trung lập: Những tài liệu văn khố hiện đã mở ra chưa tiết lộ rõ ràng chi tiết về phản ứng của họ Ngô với điều kiện “thống nhất và trung lập” mà Hà Nội cũng như MT/GPMN tung ra từ năm 1962. a. Thống nhất đất nước: Thống nhất đất nước là giấc mơ và mục tiêu tối hậu của đa số người Việt. Chính vì đòi hỏi thống nhất đất nước này của Hồ Chí Minh mà Cao ủy Georges Thierry d’Argenlieu phần nào đã đẩy Hồ tới chân tường, khai mở đợt 2 của giai đoạn thứ nhất (1945-1954) cuộc Tam Thập Niên Chiến (1945-1975) vào cuối năm 1946. Sau hiệp định Geneva (20-21/7/1954), Hồ quyết tâm đòi hỏi thống nhất đất nước đến cùng. Khi phe chống Cộng muốn khai sinh Việt Nam Cộng Hòa [VNCH] phía Nam vĩ tuyến 17–với sự trợ giúp của Liên bang Mỹ–Hồ không chịu bỏ cuộc. Sau những nỗ lực đòi hiệp thương Tổng tuyển cử một cách hòa bình bị thất bại, từ năm 1959, Hồ phát động giai đoạn 2 (1959-1975) của cuộc Tam Thập Niên Chiến dưới danh nghĩa “giải phóng miền Nam.” Cơ sở pháp lý của Hồ là Hiệp ước Geneva (20-21/7/1954), theo đó hai miền Bắc-Nam phải tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước sau hai năm ngưng bắn. Hỗ trợ cho cơ sở pháp lý đó là một đạo quân khoảng 300,000 người với gần 9 năm kinh nghiệm tác chiến kháng Pháp (1945-1954), một miền Bắc hầu như bất khả xâm phạm, một miền Nam còn sôi động dư âm của chiến thắng Pháp và một hệ thống chính quyền kháng chiến, vô hình, bám sát lấy rừng núi, nông thôn và những cơ sở bí mật ở các thành phố. Các kế hoạch Tố Cộng, Diệt Cộng và Hồi Chánh từ năm 1955 khiến khoảng ba phần tư trong số hơn 40,000 cán bộ Cộng Sản được gài lại bị trung lập hóa–nhất là tại miền Trung–nhưng số lượng trung kiên nằm vùng đủ khả năng, nhiệt tình và hận thù để tiếp tục tranh đấu. Các mật khu mạnh của Cộng Sản là khu vực An Lão (Bình Ðịnh), chiến khu C, chiến khu D, Ðồng Tháp Mười, và nhất là vùng Cà Mau. Nhờ sự tiếp tay của các Hoa thương, Cộng Sản xuất cảng gạo và than đước Cà Mau qua cửa ngõ Singapore, và nhập cảng thuốc men cùng những nhu yếu phẩm khác. Vì áp lực quốc tế, thoạt tiên Hồ chỉ cổ võ việc trở lại với Hiệp định Geneva, và kế đó là phát động một cuộc chiến tranh giới hạn, trường kỳ, dựa trên nguồn nhân lực và tài lực miền Nam. Cánh tay ngoại vi của Hồ là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam [MT/GPMN]–một thứ mặt trận thống nhất mới, qui tụ đại đa số thành viên người miền Trung hay miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Trung Ương Cục Miền Nam, dưới bảng hiệu Ðảng Nhân Dân Cách Mạng miền Nam Việt Nam. Ðược Hà Nội cho chào đời giữa lúc cuộc đảo chính của Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến bột phát trong hai ngày 11-12/11/1960, từ ngày 20/12/1960 MT/GPMN được đánh bóng thành một tổ chức tự phát của người miền Nam, chống lại “chế độ phát xít Ngô Ðình Diệm,” “tay sai đế quốc Mỹ,” để thành lập một chính phủ liên hiệp, trung lập. Chính phủ này sẽ bàn việc thống nhất với VNDCCH sau khi giành được chính quyền. (22) (22. Ngày Thứ Sáu, 11/11/1960, Bộ Chính Trị điện cho Xứ Ủy miền Nam: Lợi dụng khai thác ngay cuộc đảo chính của Nhảy Dù. Có thể cho ra công khai Phong trào MTGPMN. Hòa bình, trung lập; Văn Kiện Ðảng Toàn Tập [VKÐTT], 21, 2002:1012-1016.) Ða số những người chống Cộng miền Nam – đặc biệt là gần 1 triệu người di cư trong hai năm 1954 - 1956 – thống nhất đất nước cũng là giấc mơ cao đẹp. Ðã có nhiều nỗ lực, hoặc mơ tưởng, giải phóng miền Bắc. Nhưng thực trạng chính trị và quân sự khiến nhiệm vụ hàng đầu của họ là xây dựng một miền Nam vững mạnh, đủ sức tự vệ để sinh tồn, chờ đợi ngày sẽ thống nhất đất nước dưới một chế độ dân chủ, tự do thực sự. Sự qua phân đất nước chỉ là thế tạm thời. Ngoại trừ một thiểu số “công dân hạng nhất” của chế độ, đa số thầm lặng chấp nhận mũ ni che tai, tự biến thành những bè bèo tây trôi nổi theo những cơn thủy triều ý thức hệ đang vẽ lại bản đồ chính trị thế giới.
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 10, 2008 13:22:00 GMT 9
b. Trung lập:
Xét kỹ lịch sử và điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, trung lập là thể chế lý tưởng nhất để duy trì độc lập và phát triển đất nước theo trào lưu toàn cầu hóa. Nhưng trong giai đoạn 1954-1975, hai chữ “trung lập” có những hàm ý khác nhau.
Là một siêu cường cầm đầu khối tân Quốc tế Cộng Sản, Liên Bang Sô Viết Nga muốn tránh những cuộc đương đầu không cần thiết với Liên Bang Mỹ và khối Tây Âu. Bởi thế, Mat-scơ-va chủ trương sống chung hòa bình với tư bản hầu phát triển đất nước. Mat-scơ-va không ngừng khuyên nhủ Hà Nội nên chấp nhận hiện trạng (status quo), và từ chối viện trợ cho Bắc Việt đánh chiếm miền Nam.
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Ðông, thực tâm cũng muốn sống chung hòa bình với khối tư bản. Dưới mắt Bắc Kinh, “trung lập” miền Nam có nghĩa Liên bang Mỹ phải ngưng sự hiện diện quân sự tại đây. Chính vì thế, nếu tin được lời chứng của cựu Ngoại trưởng Trần Văn Ðỗ, Chu Ân Lai từng đề nghị ông gửi một phái đoàn qua Bắc Kinh sau khi ký Hiệp định Geneva 1954, và nói miền Nam có thể trung lập. (23)
(23. Phỏng vấn tại Paris năm 1982-1983.)
Mao đã đưa ra triết lý cái chổi và đống bụi, khuyên Hà Nội chỉ nên tập trung vào đấu tranh chính trị trên tinh thần Hiệp định Geneva.
Sự phân hóa Nga - Hoa sau ngày Nikita S. Khrushchev hạ bệ Stalin thành hai phe “xét lại” và “giáo điều” vào cuối thập niên 1950 tạo cơ hội cho Hồ Chí Minh đẩy mạnh hơn nỗ lực thống nhất đất nước. Tuy nhiên, vì Mat-scơ-va và Bắc Kinh chỉ viện trợ rất giới hạn, trong hai năm 1959-1960, Hồ không công bố rõ chiêu bài chính trị nào để sử dụng cho MT/GPMN.
Theo các chuyên gia Mỹ, Hồ tin rằng sẽ chiến thắng mau chóng, trong vòng 1 năm. Nhưng phản ứng của chính phủ John F. Kennedy, qua chủ thuyết “Tân Biên Cương” – tức quyết tâm bảo vệ miền Nam với kế hoạch Chống Phản Loạn [Counter-Insurgency Plan, viết tắt là CIP], hay theo thuật ngữ Bắc Việt, chiến tranh đặc biệt, dựa theo đề nghị của Tướng Maxwell D. Taylor và kinh tế gia Eugene Staley (NSAM 111)–khiến Hồ đưa ra một bước chiến lược giai đoạn: đó là trung lập hóa miền Nam. Ðề nghị trung lập này rút kinh nghiệm từ hội nghị Geneva về Lào, đưa đến việc thành lập chính phủ liên hiệp, trung lập tại vương quốc láng giềng phía Tây Việt Nam năm 1962.
Một số viên chức Mỹ, như lãnh tụ khối đa số Mike Mansfield–người từng nhiều lần cứu nguy Ngô Ðình Diệm trong hai năm 1954-1955–cũng nghĩ đến giải pháp trung lập hóa toàn vùng Ðông Nam Á, nếu thí nghiệm chính phủ liên hiệp, trung lập ở Lào thành công. Cố vấn của Kennedy về Viễn Ðông Chester A. Bowles còn muốn tạo một vùng trái độn từ Baghdad tới Seoul (Hán Thành).
Trong hai năm 1961 và 1962, các viên chức ngoại giao Mỹ cũng từng bí mật cho Y sĩ Phạm Ngọc Thạch và Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm biết quyết tâm bảo vệ miền Nam của Mỹ: Mỹ sẽ chỉ ngưng can thiệp vào miền Nam nếu Hà Nội ngưng xâm lăng.
Bởi thế, năm 1962, Hà Nội chỉ thị cho Trung Ương Cục Miền Nam và MT/GPMN tung ra chiêu bài trung lập hóa miền Nam. Nhưng “trung lập” của Hà Nội–nếu tin được những tư liệu mới được công bố của Việt Nam–có hương vị riêng. Nghị quyết Bộ Chính Trị Ðảng Lao Ðộng Việt Nam [LÐVN] ngày 27/2/1962 khẳng định:
“Chúng ta hiện nay vừa đánh, vừa đòi thành lập chính phủ liên hiệp thật sự, đòi tổng tuyển cử thật sự, đòi hòa bình trung lập, đó chẳng qua là tạo những bước quá độ sau này để cho phong trào tiến lên dễ dàng hơn, cô lập bọn hiếu chiến nhiều hơn nữa, tranh thủ bọn cầu hòa ngay cả trong phe địch.” (24)
(24. Nghị quyết BCT ngày 27/3/1962 về công tác cách mạng miền Nam; VKÐTT, 23, 2002:164. Tuy nhiên, vẫn cương quyết đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự, giành và giữ vững thế chủ động: 1. đấu tranh chính trị; 2. công tác mặt trận; 3. phá ấp chiến lược và thế kềm kẹp của địch; 4. đẩy mạnh đấu tranh vũ trang; 5. xây dựng lực lượng vũ trang; 6. công tác binh vận; 7. củng cố và mở rộng căn cứ; 8. công tác Ðảng; phải thắng địch từng bước; “không sợ Mỹ.”)
Ngô Ðình Diệm, vào tháng 5/1963, tâm sự với Lalouette rằng chiến trận sẽ tự động tàn lụn đi, không cần phải có thương thuyết, vì các lãnh đạo miền Bắc cảm thấy được sự vô ích trong âm mưu đánh chiếm miền Nam.( 25)
(25. Báo cáo ngày 29/5/1963, Lalouette gửi BNG; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 18.)
Chỉ từ tháng 8/1963, Diệm mới tách khỏi lập trường chống Cộng, nghiêng về “trung lập.” Ngày 30/8, Diệm triệu tập một phiên họp Hội đồng chính phủ để nghiên cứu tuyên ngôn ngày 29/8/1963 của Tổng thống Charles de Gaulle về giải pháp trung lập, thống nhất, độc lập với mọi ảnh hưởng ngoại bang. Rồi cho lệnh Việt Tấn Xã dịch tuyên ngôn trên, in trên trang nhất bản tin Việt Tấn Xã. Diệm cũng cho lệnh Ðại sứ Phạm Khắc Hy ở Paris xin gặp Ngoại trưởng Maurice Couve de Murville, yêu cầu giải thích lập trường của Pháp. Một số viên chức thân cận với Nhu, như Quyền Ngoại trưởng Cừu–được Lodge gọi là “tên xu nịnh không hề biết xấu hổ nhất mà tôi từng được biết”–nói với viên chức Pháp rằng người Việt đã “hiểu được” những gì de Gaulle muốn nói.( 26)
(26. Xem Ðoạn II, infra.)
Nhu là người duy nhất trực hoặc gián tiếp đề cập đến trung lập. Nguồn tin tình báo Mỹ ngày 30/8/1963 khẳng quyết rằng ít tháng trước ngày Nhu tiếp Maneli tại Dinh Gia Long, Nhu đã chủ trương trung lập hóa và thống nhất Việt Nam.( 27)
(27. FRUS, 1961-1963, IV:89-90.)
Gần cuối tháng 8/1963, Trần Thiện Khiêm mật báo với Mỹ rằng Nhu từng tuyên bố với các Tướng (kể cả Dương Văn “Big” Minh, Lê Văn Nghiêm) là nếu Mỹ cắt viện trợ, Nhu có thể liên lạc với Hà Nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn.( 28)
(28. Ibid. [FRUS, 1961-1963, IV:89-90].)
Nhưng trong lần gặp Lodge chiều 2/9, và John H. Richardson (?)chiều 6/9, Nhu thanh minh rằng Nhu cực lực chống trung lập, vì trung lập hoàn toàn đi ngược với quan điểm và chính sách VNCH.( 29)
(29. FRUS, 1961-1963, IV:126.)
Sở dĩ vấn đề “trung lập” gây nên nhiều cơn bão trong lòng ly vì ngay tại Mỹ đã có những người nêu lên vấn đề này. Chính de Gaulle từng nói thẳng với Kennedy vào cuối tháng 5/1961–khi Kennedy trên đường tới dự hội nghị thượng đỉnh với Khrushchev–là cần trung lập hóa Ðông Dương (và từ chối gửi quân vào Lào giúp bảo đảm nền trung lập ở đây).
Nhưng như Ngoại trưởng Dean Rusk sau này nhận định:
3. Vấn đề trung lập hóa Nam Việt Nam là một trò cuội. Rusk đã đề nghị với Gromyko là trung lập hóa cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, nhưng Gromyko phản đối, nhấn mạnh rằng miền Bắc là một thành phần của khối Xã hội Chủ nghĩa và điều này không thể thay đổi. Trung lập hóa miền Nam Việt Nam như thế chỉ có nghĩa cô lập miền Nam khỏi sự viện trợ của phương Tây, dễ biến thành miếng mồi ngon cho Cộng Sản.
4. Rusk đã nói chuyện với de Gaulle, và lập trường de Gaulle rất gần gũi với Mỹ.
5. Nếu Bắc Kinh đồng ý cho các nước lân bang được độc lập, Mỹ sẽ sẵn sàng thương thuyết với Trung Cộng. [Ðể thử xem đề nghị ngày 31/12/1963 của Khrushchev, trong thư gửi Johnson, về vấn đề giải quyết ôn hòa những vùng đất tranh chấp có mang lại gì mới lạ hay chăng].
Theo Rusk, quan điểm của BNG cũng chẳng khác biệt bao lăm với Mansfield: “Một Ðông Nam Á ít tùy thuộc vào viện trợ và giúp đỡ, ít dưới sự kiểm soát của Mỹ, không bị cắt đứt với Trung Hoa nhưng cũng không bị Trung Hoa khống chế.” Khác biệt chỉ là cách thực hiện: Mansfield muốn có “ngưng bắn [da beo],” trong khi Rusk muốn hòa bình ở thế mạnh, khi Bắc Việt không còn tham tâm chiếm miền Nam. (30)
(30. FRUS, 1964-1968, I:9-11.)
Bộ trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara nhận định:
3. Sự chia cắt hay trung lập hóa có nghĩa là Mỹ phải triệt thoái, và toàn miền Nam sẽ bị sụp đổ.
4. Hậu quả của việc Cộng Sản thống trị miền Nam sẽ rất nghiêm trọng đối với những phần còn lại của Ðông Nam Á và vị trí của Mỹ tại đây cũng như trên toàn thế giới.
5. Phải chiến thắng bằng mọi cách. (31)
(31. FRUS, 1964-1968, I:12-13.)
Theo Cố vấn ANQG McGeorge Bundy:
1. Trung lập hóa miền Nam có nghĩa:
a. Sự sụp đổ mau chóng của lực lượng chống Cộng tại miền Nam, và sự thống nhất dưới chế độ CS.
b. Thái Lan sẽ trung lập, và gia tăng ảnh hưởng Hà-nội cũng như Bắc Kinh ở đây.
c. Sụp đổ của lực lượng chống Cộng tại Lào.
d. Áp lực mạnh trên Malaya và Malaysia.
e. Nhật và Philippines sẽ có khuynh hướng chuyển qua trung lập.
f. Tai hại cho uy tín của Mỹ tại Ðài Loan và Nam Hàn.
2. Nếu trung lập hóa Việt Nam là phản bội những người chống Cộng, và có thể sẽ bị thất cử.
3. Ðường lối đúng nhất là tăng cường cuộc tranh đấu chống Cộng. (32)
(32. FRUS, 1964-1968, I:14-15.)
Ðại sứ Lodge còn muốn trung lập hóa miền Bắc, qua một kế hoạch gọi là “cây gậy và củ cà-rốt”–tức dùng bản tuyên bố ngày 2/10/1963 là Mỹ sẽ hoàn tất kế hoạch quân sự ở Nam Việt Nam năm 1965, và bắt đầu rút 1,000 quân cho tới cuối năm 1963, làm điều kiện cho Bắc Việt ngưng xâm lăng miền Nam, đổi sang thế trung lập, với Hồ Chí Minh thủ vai tương tự như [Josif Broz] Tito của Yugolasvia. (33)
(33. FRUS, 1961-1963, IV, 1991:656-659. Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Ðông vụ William P. Bundy gọi đề nghị của Lodge là “A bizarre aberration. Never considered or taken seriously by anyone, so far I know;” Ibid., IV:656n4.)
Ngắn và gọn, Nam Việt Nam chỉ được quyền trung lập nếu Mỹ chấp thuận.
2. Giảm quân số Mỹ:
Việc đòi hỏi giảm quân số Mỹ được Ngô Ðình Nhu đề cập từ đầu năm 1963.
Thực ra, cho tới thời điểm trên, lực lượng Mỹ tại Nam Việt Nam mới chỉ lên tới khoảng 15,000 người, do sự hạn chế của Hiệp ước Geneva (20-21/7/1954) giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc dù năm 1955 hai nước đồng chủ tịch Hội nghị Geneva cho phép Pháp tự cởi bỏ trách nhiệm với hiệp định trên, triệt thoái khỏi Ðông Dương, và Liên bang Mỹ trực tiếp bảo trợ Ngô Ðình Diệm khai sinh ra Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), tới năm 1959, Oat-shinh-tân vẫn tự hạn chế trong việc gửi quân chiến đấu vào phía Nam vĩ tuyến 17. Nhưng từ sau nghị quyết 15 (khoá II) của Ðảng Lao Ðộng [Cộng Sản] Việt Nam năm 1959, và nhất là Nghị quyết Ðại hội kỳ III vào tháng 9/1960–khẳng định quyết tâm nhất thống miền Nam bằng võ lực–chính phủ Kennedy ngày một can thiệp sâu hơn vào Việt Nam để bảo vệ “tiền đồn của Thế Giới Tự Do” này. Dầu vậy, Kennedy vẫn tự giới hạn trong khuôn khổ chiến lược “chống phản loạn” [Counter-Insurgency Plan, hay CIP]–tức ngăn chặn sự xâm nhập của cán binh CS từ miền Bắc, và cô lập, đả bại lực lượng “Việt Cộng” ở miền Nam. Mũi quân sự chủ lực vẫn là các đơn vị VNCH. Cuối tháng 11/1961, tổng số cố vấn Mỹ mới chỉ có 948 người. Ngày 9/1/1962, tăng lên 2,646 người và dự trù sẽ lên 5,576 vào cuối tháng 6/1962. Ngày 30/1/1963, Tướng Earle Wheeler, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, báo cáo Mỹ đã có hơn 400 cố vấn cấp Tiểu đoàn và tương đương; trên 100 cố vấn tỉnh; 220 người trong ngành an ninh tại NVN. Ngoài ra, gần 300 phi cơ đã hoạt động, gồm 148 trực thăng vận tải, 11 trực thăng võ trang, 81 vận tải có cánh, 13 khu trục (chiến đấu cơ), 9 oanh tạc cơ hạng nhẹ, 4 thám thính chiến đấu, 37 liên lạc. Trên thực tế, các phi cơ Mỹ cũng bắt đầu trực tiếp tham chiến qua kế hoạch FARMGATE. Vào tháng 11/1963, có khoảng 16,300 cố vấn Mỹ tại Nam Việt Nam.( 34)
(34. Quân đội VNCH cũng tăng lên 196,357 Bộ binh, 6,595 Hải quân, 5,817 Không quân, 5,281 TQLC, 75,909 ÐPQ, và 95,828 Dân vệ; FRUS, 1961-1963, III, tài liệu 26; IV:408.)
Khác với những tin huyễn truyền sau ngày Tổng thống Diệm chết (như Diệm không muốn cho quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam nên bị giết), Diệm rất mong muốn có quân chiến đấu Mỹ và Ðồng Minh vào miền Nam. Nhưng sau ngày tuyên bố tình trạng lâm nguy để có thể động viên mọi nhân vật lực miền Nam và chuẩn bị đón nhận quân chiến đấu Mỹ, Diệm phải miễn cưỡng chấp thuận sự gia tăng hạn chế quân Mỹ trong khuôn khổ kế hoạch CIP. Ðiều khiến Diệm đặc biệt bất mãn là Kennedy không định rõ số tiền quân viện cho miền Nam, trong khi nhấn mạnh VNCH phải thực hiện cải cách chính trị–mà theo Diệm chỉ mang lại hỗn loạn, có lợi cho Cộng Sản. (35)
(35. FRUS, 1961 - 1963, II, 1988:642 - 644, 649 - 652.)
Ngày 12/4/1963, khi tiếp chuyện một viên chức CIA ở Sài Gòn Nhu tuyên bố cần giảm từ 500 tới 3,000 hay 4,000 lính Mỹ. Nhu nói khi người Mỹ mới tới, người Việt rất kính nể họ vì họ làm việc chăm chỉ, có kỷ luật và không gấu ó lẫn nhau hay với người khác. Tuy nhiên kỷ luật đã bị sa sút, theo thời gian và nhân số. Diệm đã nhận được quá nhiều lời than phiền. Tướng Ðính, chẳng hạn, than phiền rằng có quá nhiều người Mỹ.( 36)
(36. FRUS, 1961 - 1963, III:222-225.)
Mười ngày sau, 22/4, cơ quan CIA tiên đoán chế độ Diệm sẽ yêu cầu Mỹ giảm quân tại miền Nam. Mới đây cả Diệm lẫn Nhu đều quan tâm đến vấn đề nhân viên Mỹ “xen vào” (infringements) chủ quyền của VN, đặc biệt là MAAG và LLÐB Mỹ. Phủ Tổng thống đang tra hỏi những viên chức giữ chức vụ phối hợp với Mỹ về các hành vi của nhân sự Mỹ.( 37)
(37. FRUS, 1961 - 1963, III:246 - 247.)
Hơn một tháng sau, trong bài phỏng vấn Nhu trên báo Washington Post [Bưu điện Oat-shinh-tân] số ra ngày Chủ Nhật, 12/5, Warren Unna thuật rằng Nhu muốn khoảng 12,000-13,000 quân Mỹ sẽ giảm xuống một nửa. Vì theo Nhu, đa số các cố vấn Mỹ tại địa phương chỉ thu thập tin tức tình báo, và sự hiện diện đông đảo của cố vấn Mỹ tạo cơ sở cho tuyên truyền của VC. Do áp lực của Mỹ, ngày 17/5, Ngô Ðình Diệm mượn tuyên cáo chung [với Nolting] về vấn đề quĩ tài trợ chống nội loạn [CIP] để chính thức cải chính lời tuyên bố của Nhu: Số nhân viên Mỹ tại Nam Việt Nam sẽ tùy thuộc vào nhu cầu an ninh, kinh tế và xã hội.( 38)
(38. FRUS, 1961 - 1963, III:307 - 308,309n3.)
Ngày 20/5, Nolting cũng báo cáo là Nhu cải chính rằng đã bị Unna trích dẫn sai lạc. Ba ngày sau nữa, 23/5, Nhu chính thức thanh minh rằng chỉ muốn phát động một cuộc cách mạng thực sự, để tiến dần đến tự túc. Ðã bị hiểu lầm quá nhiều như bài Mỹ hay bài ngoại. (39)
(39. FRUS, 196 1- 1963, III:309, 317 - 321.)
Hạ tuần tháng 5/1963, sau khi chào Diệm để về Pháp nghỉ, Lalouette báo cáo Diệm và Nhu đã yêu cầu Mỹ giảm bớt số cố vấn. Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, người được Mỹ coi như nhân vật có thể kế vị Diệm trong trường hợp bất trắc, cũng xa gần không muốn Mỹ gửi cố vấn dân sự xuống các tỉnh. (40)
(40. Báo cáo ngày 29/5/1963; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 91:137-143; CÐ ngày 31/5/1963; Ibid., d. 91:144 - 147.)
Trong bài phỏng vấn trên tờ Espresso của Italia, xuất bản ngày 10/10, Ngô Ðình Nhu tuyên bố miền Nam chỉ cần các đơn vị trực thăng và tiền, không muốn binh sĩ Mỹ vì lính Mỹ không có khả năng đánh chiến tranh du kích. Ngay LLÐB do Kennedy thành lập cũng chẳng có giá trị gì. Diệm và Nhu chống lại việc đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam kể cả trong giai đoạn nghiêm trọng nhất trong mùa Ðông 1961-1962. (sic) Cuộc chiến không thể thắng được với người Mỹ, vì người Mỹ cản trở sự chuyển biến cách mạng của xã hội, một điều kiện tiên quyết của chiến thắng.( 41)
(41. FRUS, 1961 - 1963, IV:386. (Nên lưu ý là lời tuyên bố này xảy ra sau khi Lodge áp lực Nhu phải rời nước).)
Ước muốn của Nhu là Mỹ chỉ cung cấp quân viện, phi cơ, súng đạn, thiết giáp, thiết vận xa, v.. v... và giao mọi việc khác cho họ Ngô.
Mạnh miệng nhất là Lệ Xuân. Trong thời gian đi giải độc ở Âu châu và Mỹ, “Rồng Cái” từng ví von quân nhân Mỹ tại Việt Nam như những tên lính đánh thuê nho nhỏ [little soldiers of fortune].
3. Chống Mỹ:
Suốt từ đầu năm 1950, sau khi lội núi vượt sông đi bộ 17 ngày qua Bắc Kinh xin viện trợ, ngày 3/2/1950 được Phó Chủ tịch Trung Cộng là Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ] cho qua Mat-scơ-va gặp Josef Stalin để giải thích lý do giải tán Ðảng Cộng Sản Ðông Dương ngày 11/11/1945, Hồ Chí Minh ngả hẳn về khối Cộng Sản do Liên sô Nga cầm đầu. Ngoài những chiến dịch suy tôn Stalin, Mao Trạch Ðông, tái lập Ðảng Cộng Sản dưới bảng hiệu Ðảng Lao Ðộng Việt Nam năm 1951, hay chỉnh phong, chỉnh cán, chỉnh quân, cải cách ruộng đất, áp dụng những “nghi lễ Mao-ít” trong đời sống thường nhật, Hồ chỉ thị cho thuộc hạ đẩy mạnh phong trào tố cáo “đế quốc Mỹ xâm lược.”( 42)
(42. Tới cuối năm 1949, HCM vẫn tự nhận là “người quốc gia.” Phía sau hậu trường, từ năm 1945-1946, Hồ đã nối lại liên lạc với CSTH tại vùng Quảng Tây-Quảng Ðông. Hồ còn đồng ý cho Trung đoàn 1 của Quân khu Quảng Ðông hoạt động trong lãnh thổ Việt Bắc từ tháng 3/1946. Ðơn vị của Huang Jingwen này còn huấn luyện cho các binh sĩ Việt Minh, cũng như tổ chức các đơn vị võ trang người Việt gốc Hoa; Zhai 2000:11-12.)
Sau năm 1954, cơ quan tuyên truyền Hà Nội cũng ngày đêm ra rả gọi sự trợ giúp của Mỹ cho chế độ chống Cộng ở miền Nam là “đế quốc” hay “tân thực dân.”
Chế độ Diệm chỉ bắt đầu dùng đến thuật ngữ “thực dân Mỹ” sau cuộc đảo chính của Nhảy Dù và TQLC ngày 11/11/1960. Ngày 17/11/1960, Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cọng của Trương Công Cừu, Ngô Trọng Hiếu và Nguyễn Văn Châu sử dụng những phương tiện của chính phủ rải truyền đơn tố cáo “thực dân Mỹ, Anh, Pháp” dính líu vào cuộc đảo chính. Ðích thân Diệm tố cáo với Tướng Lionel McGarr, Tư lệnh MAAG, rằng có những phần tử Mỹ nói xấu chế độ. Nhu thì đi thẳng vào vấn đề hơn. Trong cuộc thảo luận với Lalouette, Nhu nghi Mỹ nhúng tay vào cuộc đảo chính. Một trong những chứng cớ là Ðại sứ Elbridge Durbrow chỉ đứng ra hòa giải, và còn cho Hoàng Cơ Thụy vào bao tải đựng văn kiện ngoại giao đưa trốn ra khỏi nước. Nhóm sĩ quan Nhảy Dù thì tuyên bố ở Phnom Penh là được Mỹ yểm trợ.( 43)
(43. Xem Chính Ðạo, Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963, 2000:198-203.)
Xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng từ sau ngày Dinh Ðộc Lập bị oanh tạc, trong bài diễn văn khánh thành Tượng Hai Bà Trưng (Lễ Hai Bà Trưng, 10/3/1962 và Ðại hội Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới), Lệ Xuân công kích mạnh những đối thủ của chế độ “Nhân vị.” Không những chỉ tấn công “loài cáo Cộng Sản,” Lệ Xuân còn chỉ trích Tây phương. Theo Lệ Xuân, lý do chính của sự bất ổn nông thôn là các nước Tây phương từ chối yểm trợ thành lập lực lượng bán quân sự. Lệ Xuân kêu gọi phụ nữ Việt hãy bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ và độc lập cho đến hơi thở cuối cùng, bất kể áp lực ấy từ đâu tới. (44)
(44. AMAE (Paris), CLV, SV.)
Báo cáo ngày 18/12/1962 của nhóm TNS Mike Mansfield (1903-2001), Chủ tịch Khối đa số Thượng viện Mỹ, khiến vợ chồng Nhu lại xa gần đả kích “thực dân.”( 45)
(45. FRUS, 1961-1963, II:779-787.)
Ngày 2/3/1963, Diệm cũng tuyên bố không cần học hỏi gì ở Oat-shinh-tân.( 46)
(46. AMAE (Paris), CLV, SV, d. 17. Xem thêm bài phỏng vấn trên báo US News & World Report.)
Gần cuối tháng 3/1963, Nhu cho lệnh Ðại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực Lượng Ðặc Biệt [LLÐB] và Tướng Tôn Thất Ðính mở chiến dịch tuyên truyền chống “chống Mỹ.“( 47)
(47. Ðính 1998, tr. 270-272.)
Lệ Xuân mượn ngày Lễ Hai Bà Trưng 1963, và rồi tổ chức Phong Trào Phụ Nữ Liên Ðới [PTPNLÐ] để chỉ trích Mỹ can thiệp vào nội tình Việt Nam. Theo Lệ Xuân, đừng nên tỏ vẻ biết ơn viện trợ của ngoại quốc; vì nhiều kẻ viện trợ tưởng rằng chúng có quyền phá hủy phong tục, truyền thống và luật pháp lành mạnh của Việt Nam, biến Việt Nam thành bù nhìn, dụ dỗ đàn bà Việt Nam vào đường sa đọa. Vì thế, ngày 13/4/1963, Nolting đã từ chối lời mời lên Ðà Lạt nghỉ của Lệ Xuân.( 48)
(48. FRUS, 1961-1963, III:225. Ngày 16/4/1963, khi gặp Diệm để thông báo sắp về Mỹ nghỉ, Nolting than phiền về lời tuyên bố của Lệ Xuân. Diệm hứa sẽ không còn tái diễn nữa.)
Ngoài dư luận, những tin đồn về sự hống hách của cố vấn Mỹ cùng phản ứng “anh hùng” của các cấp chỉ huy Việt khi “đương đầu” với thái độ trịch thượng được loan truyền. Như một sĩ quan Việt từng “tát tai” một cố vấn Mỹ khi thanh tra vũ khí, v.. v...
Khi được tin Lodge sẽ thay Nolting ở Sài Gòn, Nhu gọi Lodge là “Toàn quyền,” tước vị của viên chức cầm đầu Ðông Dương dưới thời “Bảo hộ” Pháp.
Từ cuối tháng 8/1963, nữ phát ngôn viên bán chính thức của chế độ–tức Lệ Xuân–ngày càng bộc lộ bản chất và tư cách đích thực của một người ít học vấn, nhưng do “Thiên mệnh Mỹ” và viện trợ Mỹ bỗng dưng lọt vào trung tâm quyền lực của miền Nam. Tổng Giám mục Ngô Ðình Thục (1897-1984) cũng hòa điệu vào vở bi hài kịch mà Cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ McGeorge Bundy phải chua chát gọi là “cơn điên cuồng tập thể của một gia đình cai trị chưa hề thấy từ sau [ngày sụp đổ của] Nga hoàng.”(49)
(49. FRUS, 1961-1963, IV:175. [Xem Phần III])
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 10, 2008 13:22:46 GMT 9
B. NGUYÊN DO: Có nhiều yếu tố dẫn đến việc anh em Diệm-Nhu tự biến mình thành “phiến Cộng.” 1. Giải tỏa áp lực Mỹ: Mục tiêu tối hậu của người Mỹ là duy trì một miền Nam chống Cộng, để ngăn chặn (containment) sức bành trướng của Trung Cộng và Nga Sô xuống vùng Ðông Nam Á (NSAM 111). Trên căn bản, người Mỹ chỉ yểm trợ một miền Nam chống Cộng mà không phải cá nhân nào. Nhưng họ Ngô muốn đồng hóa miền Nam với gia đình mình. Kiểu “sau lưng Hiến Pháp còn có tôi.” Bởi thế, những lời cố vấn để cải thiện hành chính, kinh tế, chính trị và quân sự được diễn dịch thành “áp lực” miên viễn. Trong khi đó, từ năm 1960, người Mỹ muốn “rút ngắn hơn giây cương” con ngựa kéo cỗ xe chống Cộng miền Nam. Ba vấn đề được nhấn mạnh là đảng Cần Lao (Ðảng cầm quyền), nhân sự, và mở rộng sinh hoạt chính trị. Người Mỹ từng nhiều lần yêu cầu ông Diệm giới hạn quyền lực của Ðảng Cần Lao, vợ chồng cố vấn Nhu, Cẩn và Thục, cũng như mở rộng chính quyền cho những chính khách chống Cộng. Anh em nhà Ngô cương quyết không chịu nhượng bộ. Họ muốn độc quyền “thiên mệnh Mỹ” và “phép lạ Mỹ.” Cuộc tranh đấu của Phật giáo từ ngày 7/5/1963 khiến áp lực Mỹ ngày một gia tăng. Chính phủ Kennedy công khai áp lực Diệm phải đáp ứng những nguyện vọng của Phật giáo, thành thực tôn trọng bản Tuyên cáo chung 16/6/1963, và từng đe dọa sẽ tách biệt khỏi chính sách Phật giáo của chế độ Diệm nếu có thêm một vụ tự thiêu. Diệm-Nhu quyết không nhân nhượng, tìm đủ cách phản ứng: Từ bịa đặt ra việc Cộng Sản ném lựu đạn (sau sửa sai thành hai trái mìn từ lực) trước Ðài phát thanh Huế, đàn áp, bắt giữ người biểu tình, tới vu cáo cuộc tranh đấu của Phật giáo do Cộng Sản chi phối, nhằm lật đổ chính quyền. Cả Diệm lẫn Nhu đều lên án “đế quốc” [và Cộng Sản] nhúng tay vào cuộc tranh đấu của Phật Giáo.( 50) (50. Xem, thư Diệm gửi U Thant ngày 5/9/1963; United Nations, General Assembly, Official Records, Agenda Item 77, và lời khai của Nhu cùng các viên chức khác trong Ibid., Doc. A/5630, 7/12/1963. Xem thêm tài liệu 3 thứ tiếng Việt, Mỹ và Pháp do Việt Tấn Xã thực hiện, Tôn Thất Thiện chủ biên, để nạp cho Ủy Ban Ðiều Tra Liên Hiệp Quốc; TTLTQG 2 (TP/HCM), PTT/Ð1CH, HS 8511; Vũ Ngự Chiêu, “Vài cảm nghĩ về Thượng tọa Thích Quảng Ðức;” Hợp Lưu (Fountain Valley, CA), số 84 (8-9/2005), tr. 194-206; Chính Ðạo, “Mùa Phật đản đẫm máu;” Cuộc thánh chiến chống Cộng, 2004:243-304.) 2. Lo ngại bị Mỹ bỏ rơi: Từ năm 1960, họ Ngô không còn được chính phủ Mỹ chiều chuộng như xưa. Sau cuộc đảo chính hụt 11/11/1960, anh em Diệm-Nhu bắt đầu nghi ngờ sự yểm trợ mà Bảo Ðại từng cay đắng gọi là “mù lòa” của chính phủ Mỹ, và nhóm “Những người bạn Mỹ của Việt Nam” [American Friends of Vietnam] như cựu Tướng William Donovan, TNS Mansfield, Hồng y Francis Spellman, v.. v... (51) (51. Chính Ðạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 203. Xem thêm thư ngày 23/9/1960, Loyd D. Musolf, Trưởng đoàn Chuyên Viên Ðại học Tiểu bang Michigan [MSU], gửi Viện trưởng Hannah: Tình hình Việt Nam ngày một tồi tệ. Mỗi tháng khoảng 5,000 tù nhân chính trị bị bắt giữ. FRUS, 1958-1960, I:586-9.) a. Lo sợ Mỹ thay đổi chính sách: Từ năm 1960, anh em Diệm-Nhu-Thục luôn luôn lo sợ Mỹ thay đổi chính sách. Tình hình chính trị và quân sự tại Lào, và nhất là giải pháp một chính phủ hòa giải, hòa hợp, trung lập, càng khiến Nhu lo sợ Mỹ bỏ rơi miền Nam. Ngày 19/10/1961, khi gặp Lansdale, Nhu không dấu sự lo sợ rằng diễn biến ở Lào là dầu hiệu bỏ rơi chính sách chống Cộng, và giải kết Liên phòng Ðông Nam Á.( 52) (52. FRUS, 1961-1963, I:411-416.) Diệm cũng bắt đầu lo sợ Mỹ giải kết với miền Nam. Ngày 27/11/1961, chẳng hạn, Diệm đã nói với Nolting rằng chuyến đi của phái đoàn Tướng Maxwell D. Taylor cũng tương tự như chuyến đi của Tướng Marshall tới Trung Hoa năm 1947 trước khi bỏ rơi chế độ Tưởng Giới Thạch. Nhân viên CIA ghi thêm là theo Nguyễn Ðình Thuần, thái độ Diệm rất “khủng hoảng” [frustrated] bởi những điều kiện không thực tế của báo cáo Taylor, sự khó khăn tìm người có thể ủy thác quyền lực; áp lực chiến tranh; và việc Diệm đã thận trọng hỏi ý các cố vấn, nội các, Quốc hội về việc sẵn sàng đón nhận quân ngoại quốc, nhưng bây giờ lại phải đối diện việc tái hướng dẫn họ. (53) (53. FRUS, 1961-1963, II, 1988:692-693.) Mặc dù Ðại sứ Nolting tuyên bố Mỹ sẽ hết sức yểm trợ Diệm, và không còn vấn đề bắt Diệm phải tách rời khỏi anh em trong gia đình, Diệm-Nhu chưa an tâm. (54) (54. Theo Lalouette, một trong những lý do là chính sách của Mỹ tại Lào đã thất bại; và Mỹ chọn Nam Việt Nam để chống Cộng trên toàn cõi Ðông Dương. Vấn đề VN trở thành vấn nạn hàng đầu của Ðông Nam Á, trong khi Trung Cộng là vấn nạn hàng đầu trên thế giới. Thất bại ở VN sẽ phá hủy cả hệ thống phòng thủ Ðông Nam Á và Thái Bình Dương. Việt Nam, với những nhà lãnh đạo Mỹ, chỉ là một “pion,” những “pion” quan trọng. Lập trường này được sự ủng hộ của Bri-tên, và các nước Anglo-Saxon như Australia, Canada và New Zealand. CLV, SV, d. 14.) Sự hoán đổi một số viên chức Ngoại Giao Mỹ cũng tạo nên những cơn bão trong lóng ly vào dịp Lễ Tạ Ơn 1961. (George Ball làm Thứ trưởng thay Chester Bowles; W. Averell Harriman làm Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Ðông vụ [thay Walter McConaughy]; George McGhee làm Thứ trưởng đặc trách chính trị vụ [thay Ball]; Chester Bowles làm đại diện cá nhân TT và cố vấn về Phi, Á và Châu Mỹ Latin; Walt Rostow làm Cố vấn kiêm Chủ tịch Hội đồng Thiết kế chính sách). Những nỗ lực tiếp xúc Hà Nội của Ðại sứ John Galbraith tại New Dehli, đưa đến việc trao đổi tài liệu với Phạm Ngọc Thạch vào tháng 11/1961, và rồi cuộc gặp gỡ bí mật giữa Harriman và Ung Văn Khiêm ngày 22/7/1962 tại Geneva tạo nên đủ loại tin đồn về thương thuyết hay hòa đàm với Bắc Việt. (55) (55. FRUS, 1961-1963, I:671.) Việc ký kết thoả ước Geneva về hoà bình tại Lào ngày 23/7/1962–với 14 quốc gia bảo đảm sự trung lập của vương quốc này–càng khiến mối lo sợ này gia tăng. (Hội Nghị Quốc Tế Giải Quyết Vấn Ðề Lào đã bắt đầu từ ngày 15/5/1961). Mùa Hè 1962, Mansfield cũng bắt đầu đặt lại vấn đề mục tiêu của Mỹ tại Ðông Nam Á. Trong diễn văn đọc ngày Chủ Nhật, 10/6/1962 tại Ðại học MSU, East Lansing, Michigan–đại học đã trúng thầu điều khiển trường Quốc Gia Hành Chánh cho VNCH, và cung cấp cố vấn cho ngành công an-cảnh sát–Mansfield tỏ ý thất vọng [disillusion] về hiện tình miền Nam, xa gần nhắc đến nhu cầu thay đổi chiến lược toàn vùng Ðông Nam Á. (56) (56. FRUS, 1961-1963, II:448; III:155.) Chưa có tài liệu nào chứng tỏ Diệm-Nhu biết gì về những cuộc tiếp xúc trên hay chăng, nhưng Nguyễn Ðình Thuần từng gạn hỏi Durbrow về lối nói úp mở của Lalouette quanh một triển vọng thương thuyết gần sau ngày từ Paris trở lại Sài Gòn. (57) (57. Từ ngày 28/7/1962, Sài Gòn cho biết Thuần muốn nhân dịp qua Mỹ dự Hội thảo Quĩ tiền tệ quốc tế [International Monetary Fund] tại Oat-shinh-tân (ngày 17/9/1962) để thảo luận vấn đề bang giao Việt-Mỹ. Tháp tùng có Bửu Hoán thuộc NHQG, Vũ Quốc Thúc, và William Trueheart.) Ngoài ra, cần đề cập đến không khí hòa hoãn đặc biệt giữa Mỹ và Nga vào cuối năm 1962, đầu năm 1963. Tháng 12/1962, Nikita S. Khrushchev đề nghị hai siêu cường nên hạn chế cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử. Ngày 10/6/1963, Kennedy đáp ứng bằng bài diễn văn tại Ðại học American ở Kentucky, kêu gọi tiến về một nền hòa bình thế giới. Khrushchev hết lời ca ngợi, và ngay sau đó, đại diện Mỹ, Bri-tên cùng Nga bắt đầu thương thuyết về vấn đề hạn chế thí nghiệm bom nguyên tử. Ngày 5/8/1963, Hiệp ước cấm thí nghiệm nguyên tử trên không gian, trong khí quyển và dưới đáy biển [The Treaty Banning Nuclear Weapons Tests in the Atmosphere, in Outer Sapce and Under the Water] tại Mat-scơ-va (14 UST 1313) càng khiến Diệm-Nhu lo sợ hơn về sự thay đổi chính sách chống Cộng của Mỹ tại Nam Việt Nam. Trong buổi nói chuyện với 15 Tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu ngày 30/8/1963, Nhu tuyên bố mật vụ Mỹ đang gia tăng nỗ lực lật đổ chính phủ Diệm từ sau ngày ký hiệp ước cấm thử bom nguyên tử (58) (58.; CIA Information report ngày 2/9/1963; FRUS, 1961-1963, IV:91. Tưởng nên ghi nhận rằng sự hòa hoãn Mỹ-Nga này, theo tài liệu Trung Cộng, cũng khiến Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ nghiêng hẳn về phía “giáo điều” Bắc Kinh, và xa gần đả kích chủ nghĩa “xét lại” của Nga.) Phía sau hậu trường chính trị, Nhu tìm cách giảng hòa với Pháp, hy vọng dùng Pháp để giảm bớt áp lực Mỹ. (Kế hoạch này đã khởi xướng từ năm 1961). Có lúc Nhu còn xa gần nhắc đến Trung Cộng. Và, đáng sợ hơn nữa, nuôi ý định ve vãn Cộng Sản. Việc Nhu gặp Maneli tối 25/8/1963 và ngày 2/9/1963, rồi tiết lộ với các Tướng rằng có thể liên lạc với Hà Nội, yêu cầu giảm bớt cường độ chiến tranh, trong khi thương thuyết một thỏa ước vĩnh viễn có lẽ ít nhiều ảnh hưởng bởi mối lo sợ bị bỏ rơi miền Nam này. (60) (60. FRUS, 1961-1963, IV:89-90. Dù là lý thuyết gia của chế độ chống Cộng miền Nam, Nhu từng được bổ nhiệm làm Quản thủ văn khố Hà Nội vào tháng 9/1945.) Liên hệ Việt-Mỹ căng thẳng hơn khi ngày 2/10/1963 Bạch Cung tuyên bố sự can thiệp quân sự có thể hoàn tất vào cuối năm 1965, và Mỹ sẽ triệt thoái 1,000 quân vào cuối năm 1963. b. Lo sợ Mỹ bỏ rơi họ Ngô: Mối lo ngại này chẳng phải vô bằng chứng. Thực ra, các viên chức Mỹ và dư luận thế giới đối diện một sự thực khó thể chối cãi là chế độ Ngô Ðình Diệm độc tài, gia đình trị, và giáo phiệt. Mặc dù Diệm vẫn được coi như nhân vật khó thể thay thế, anh em Diệm–đặc biệt là vợ chồng Nhu-Lệ Xuân và Tổng Giám Mục Thục–trở thành mục tiêu đánh phá của Cộng Sản cũng như phe đối lập. Nhiều người nghĩ rằng TGM Thục cũng như vợ chồng Nhu phải ra đi. Ngày 11/7/1960, cố vấn chính trị của Diệm là Wolf Ladejinsky–từng thành công trong chương trình cải cách điền địa ở Nhật và Ðài Loan–nói với Trưởng Sở Miên, Lào, Việt Nam của Nha Hợp Tác Quốc Tế (International Cooperation Administration) là Diệm đã bị đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Nhu, “thiên tài ác quỉ” [evil genius]. Diệm dần dần tách biệt khỏi thực trạng. Dù Diệm tiếp tục kinh lý đó đây, nhưng bị che dấu sự thực, tránh những dữ kiện không vui, cô lập khỏi dân chúng và thực tế từ bỏ lời tự nhận là một lãnh đạo được yêu thích. Diệm che chở cho sự tham nhũng của gia đình mình cũng như viên chức cao cấp. Chính phủ Diệm chỉ gồm những người không bản sắc, hạng ba, hoàn toàn tùy thuộc vào ân sủng của Diệm [whim]. Chẳng có mấy hy vọng khiến Diệm thay đổi. Từ tháng 3/1960, Diệm và Ladejinsky đã xa cách nhau dần, vì Diệm trở thành tự kiêu, tự đại, ngày một tự cô lập khỏi đám đông, công khai che chở cho Cần Lao và thân thuộc. Ladejinsky chưa bỏ đi vì sợ mang tiếng bỏ rơi con thuyền đang bị đắm. Dẫu vậy hiện nay vẫn chưa có ai khá hơn Diệm. Những khả năng đối lập đã bị Diệm tiêu diệt. Theo Ladejinsky, Mỹ cần có thái độ cứng rắn với Diệm, vì Diệm chẳng còn một chỗ nào để nương tựa.( 61) (61. FRUS, 1958-1960, I:516-8 [tài liệu 179].) Ngày 5/9/1960, Ðại sứ Durbrow báo cáo tình hình an ninh ngày một suy thoái. Bất mãn trong mọi giới, nhất là quân đội và giáo dân Ki-tô di cư. Nông dân không được bảo vệ đúng mức; giá bán lúa thấp; lao công bắt buộc làm Khu trù mật và những kế hoạch khác; lạm quyền của viên chức địa phương. Việt Cộng chưa lộ diện ở Sài Gòn, nhưng có thể ra mặt nếu có biểu tình hay đảo chính. Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng Liên Ðoàn Lao Công–đồng sáng lập Ðảng Cần Lao–liên kết với Lê Văn Ðồng, chống lại nhóm Ngô Ðình Nhu-Trần Kim Tuyến. Ki-tô giáo di cư muốn thay đổi chính quyền để tránh CS chiến thắng. Sự bất mãn trong quân đội ngày một gia tăng, vì chính sách ưu đãi một thiểu số [favorism]. Tướng Dương Văn Minh từng tuyên bố giết được 1 VC ngoài mặt trận, 10 VC khác được tăng cường. Giáo dân dự định biểu tình ngày 19/8 nhưng bị ngăn chặn. (62) (62. FRUS, 1958-1960, I:560-3.) Ngày 16/9/1960, Durbrow lại báo cáo sợ rằng đảo chính sẽ xảy ra. Sự bất mãn của mọi tầng lớp dân chúng ngày một tăng. Qua Joseph A. Mendenhall, Durbrow đề nghị xin nói thẳng với Diệm những đề nghị tạo một cú kích xúc tâm lý để giải tỏa áp lực tuyên truyền của CS và các phe đối lập, cũng như thuyết phục dân chúng về những biện pháp cần thiết để ổn định tình hình. (63) (63. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk 10, tr. 1311-6; FRUS, 1958-1960, I: 575-9.) Ngày 21/9/1960, Hội đồng ANQG Mỹ họp phiên thứ 460, quyết định Diệm phải mở rộng chính phủ. Ngày 7/10, XLTV Ngoại trưởng Dillon chấp thuận cho Durbrow khéo léo khuyên Diệm đưa Nhu đi làm Ðại sứ, và cải tổ chính phủ. (64) (64. FRUS, 1958-1960, I: 591-594 [Tài liệu 202]. Ngày 20/9/1960, Lansdale phản đối cách chức Nhu và Tuyến, vì việc này cũng giống như cắt cánh tay mặt của Diệm.) Ngày 14/10, Durbrow gặp Diệm, đọc rồi trao cho Diệm một văn thư bằng tiếng Pháp: Yêu cầu Diệm thi hành chính sách cởi mở hơn mà Durbrow đã đề nghị về Oat-shinh-tân: bổ nhiệm một Bộ trưởng Quốc Phòng, để Diệm rảnh rang chú trọng những kế hoạch toàn diện; đưa một hay hai người chống Cộng đối lập vào chính phủ; khuyến khích các Bộ trưởng nhận trách nhiệm hơn đệ trình ngay cả những việc không quan trọng lên Phủ Tổng thống. Ðồng thời, cải tổ Ðảng Cần Lao từ dạng bí mật hiện tại ra công khai, hoặc giải tán nó. Cho Quốc Hội quyền điều tra bất cứ bộ hay nha sở nào, qua hình thức những buổi tường trình công cộng, v.. v... Tuyên bố những sửa đổi trên trong bài diễn văn ngày Quốc Khánh 26/10/1960 sắp tới. Durbrow còn đề nghị cho vợ chồng Nhu và Trần Kim Tuyến nhận nhiệm vụ ở ngoài nước. Diệm chỉ đồng ý cải tổ chính phủ; chống việc đưa vợ chồng Nhu và Tuyến ra đi. Theo Diệm, những tin đồn về Nhu do CS gây ra. (65) (65. FRUS, 1958-1960, I:595-596, 603-604.) Trước áp lực Mỹ, ngày 3/10/1960, Diệm đọc diễn văn trước Quốc Hội, hứa sẽ thực thi một số cải cách. Ngày 7/10, Diệm thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Ngày 18/10, Diệm thay đổi nội các: Nguyễn Ðình Thuần thay Trần Trung Dung làm Bộ trưởng Phụ tá Quốc Phòng; Lâm Lễ Trinh rời bộ Nội vụ; Bùi Văn Lương, Tổng Ủy viên Phát triển Ðiền địa thay. Bộ Thông tin đổi thành Tổng Nha. Tổng Lãnh sự Rangoon là Trần Văn Dĩnh thay Trần Chánh Thành làm TGÐ. Nguyễn Văn Sĩ mất bộ Tư pháp. Nguyễn Văn Lượng thay. (66) (66. FRUS, 1958-1960, I:606n4.) Ngày 26/10, Diệm đọc diễn văn, kêu gọi đoàn kết, thống nhất chống Cộng. Trong khi đó, tình hình quân sự ngày một suy thoái. Cuộc tấn công vào căn cứ Trảng Sụp (Tây Ninh) của Trung Ðoàn 32 (Sư đoàn 21) và những cuộc biểu tình của “đạo quân tóc dài” Bến Tre chưa tắt dư âm, ngày 21/10, VC đánh hàng loạt tiền đồn VNCH tại Dakpek, Daksut và Dakse. Quận lÿ Toumorong bị CSBV chiếm giữ nhiều ngày. Thiếu tướng Tôn Thất Ðính, Tư lệnh Quân Ðoàn II, phải xin Nhảy Dù tới giải tỏa áp lực. Ngày 28/10, VC lại tấn công vào công trường xây đường từ Kontum về Quảng Ngãi. Ngày 10/11, VNCH phản đối với Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến (ICC) là chính qui Bắc Việt tham dự những cuộc tấn công ở Kontum trong tháng 10/1960.( 67) (67. FRUS 1961-1963, I:20n6.) Ðáng sợ hơn nữa, những lo ngại của họ Ngô bấy lâu đã trở thành sự thực: sớm ngày 11/11/1960, một số cấp chỉ huy trẻ Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến làm đảo chính. Thái độ “không can thiệp” [hands-off] của Durbrow khiến họ Ngô cực kỳ bất mãn. Ngày 11/11, Diệm từng nhờ Raymond J. De Jaegher–một Linh mục người Belgium, Chủ tịch Hội Thái Bình Dương Tự Do, Vùng Viễn Ðông–yêu cầu TQLC Mỹ đổ bộ để bảo vệ công dân Mỹ và kiểm soát phi trường Tân Sơn Nhất, nhưng Durbrow không chấp thuận. Mặc dù Durbrow và Colby phần nào cứu nguy bản thân Diệm bằng cách ngăn cản Nhảy Dù đánh thẳng vào Dinh Ðộc Lập, Diệm và Nhu nghi có bàn tay Mỹ trong cuộc đảo chính. Chiều 17/11, Diệm nói với Tướng McGarr tại Dinh Ðộc Lập là cảm thấy chán ngấy thái độ của “thế giới tự do” trong thời gian đảo chính; và chỉ có MAAG là cơ quan yểm trợ Diệm tích cực nhất. Diệm minh xác rằng không hề có tư tưởng chống Mỹ, nhưng trên thực tế có những người ngoại quốc, kể cả Mỹ, đã nói xấu chế độ và đặc biệt là gia đình họ Ngô. (68) (68. FRUS, 1958-1960, I:633-4, 678-9.) Ngày 30/11/1960, Diệm nói với Ladejinsky rằng Vương Văn Ðông, trong khi thương thuyết, bảo Diệm là người Mỹ ủng hộ phe đảo chính. (69) (69. Durbrow nghĩ đây là cách đổ lỗi cho người khác thay vì chính mình; FRUS, 1958-1960, I:708.) Ngô Ðình Nhu – khối óc chính trị của Diệm – cũng tin có Mỹ nhúng tay. Trong báo cáo ngày 25/11/1960, Lalouette tiết lộ Nhu nghi Mỹ dính líu vào cuộc binh biến 11/11: cuộc đảo chính xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi tin Kennedy đắc cử được công bố, giữa lúc chính trị Mỹ đang ở vào một ngã tư; sáu ngày trước cuộc đảo chính, các nhân viên Mỹ đã hỏi ý kiến một tổ chức công nhân lớn là họ nghĩ gì nếu một chế độ độc tài quân sự được thiết lập; những sĩ quan Dù tuyên bố với viên chức Pháp ở Phnom Penh là họ ở về phe Mỹ; Trung tá Ðông là học trò của Tướng McGarr, Tư lệnh MAAG; trong đêm 11/11, Võ Văn Hải, sứ giả của Diệm, đã yêu cầu Tòa Ðại sứ Mỹ can thiệp để Diệm đạt một giải pháp dung hòa, nhưng Tòa Ðại sứ nhấn mạnh chỉ giữ một vai trò bí mật, và giữ liên lạc với cả hai phe; những đối lập dân sự như Phan Khắc Sửu, Phan Quang Ðán được cảm tình của Mỹ; Hoàng Cơ Thụy được Mỹ bảo vệ; Ðại sứ Mỹ can thiệp với lực lượng cứu viện từ Mỹ Tho đừng vội tiến quân, gây ra đổ máu, để giữ tình đoàn kết quân đội; thái độ của Oat-shinh-tân và báo chí Mỹ tạo nên một dư vị cay đắng và sự bất mãn trong giới cầm quyền miền Nam. Lalouette tiếp: Chính phủ Diệm cáo buộc người Mỹ đã tiếp tay nhóm đảo chính, và cho họ một số tiền lớn trước khi tẩu thoát qua Miên. Cách nào đi nữa, Oat-shinh-tân đã từ lâu thúc dục Diệm mở rộng chính phủ. Tháng trước, Parsons đã nhấn mạnh về sự thay đổi cần thiết. Người Mỹ ủng hộ nhiều điểm trong đề nghị của phe đảo chính, trong đó có việc loại bỏ một số phần tử gia đình họ Ngô. Hiện nay, liên hệ Việt-Mỹ đang khủng hoảng. Ngày 17/11, Bộ trưởng Nguyễn Ðình Thuần tuyên bố trong một buổi họp báo rằng không có chính phủ ngoại quốc nào dính líu vào đảo chính. Ðiều này không có nghĩa trái ngược lại với chủ đề đảo chính đã có sự đồng lõa của người Mỹ. Ngô Ðình Nhu từng tuyên bố rằng nhiều công sở Mỹ ở Việt-Nam đã xen vào mà Bộ Ngoại Giao Mỹ không được biết. Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cộng còn đi xa hơn nữa, cổ võ tinh thần bài ngoại. Ngày 15/11/1960, phát ngôn viên tổ chức này tố cáo những nhóm ngoại kiều đồng lõa với phản loạn và bọn thực dân, nhưng không đưa ra một giải thích rõ ràng các thuật ngữ trên. Tất cả như có vẻ nói đến “tân thực dân” Mỹ. Tiếp đó tổ chức trên giải một truyền đơn tố cáo Mỹ, Pháp và Bri-tên đã nhúng tay. Những người cầm đầu Việt Nam khẳng định rằng Pháp không hề dính líu.(70) (70. Theo một nhân chứng, tổ chức này thành lập tối 12/11, do Trương Công Cừu [Ki-tô, Quảng Nam] làm Chủ tịch; Ngô Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch; Nguyễn Văn Châu, Tổng Thư ký. Danh xưng đầu tiên là Ủy Ban Nhân Dân Chống Ðảo Chánh; nhưng hôm sau đổi thành Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cộng; Ðỗ Mậu, Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, 1987:434-5; 1993:355-56. Ngày 17/11, Ủy Ban Nhân Dân Chống Phiến Cọng rải truyền đơn tố cáo một nhóm “thực dân” Mỹ, Bri-tên và Pháp dính líu vào cuộc đảo chính 11/11/1960. Tin đồn này đã lưu truyền tại Sài Gòn từ ngày 16/11. Durbrow cho rằng chính phủ Diệm là tác giả. Yêu cầu Thuần phải ngăn chặn việc trên.) Ngày 18/11, Ðại sứ Trần Văn Chương, và Cố vấn Nguyễn Duy Liên được mời vào Bộ Ngoại Giao Mỹ gặp J. Graham Parsons, Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Ðông Vụ, và Chalmers B. Wood, Việt Nam Vụ. Parsons nghĩ rằng Diệm không biết Ủy Ban Chống Phản Loạn và Phiến Cộng tố cáo Mỹ, nhưng phải có ai đó chấp thuận, vì trong Ủy Ban có một số Tướng và sĩ quan Cảnh Sát, truyền đơn cũng được xe nhà binh rải. Chương hứa sẽ báo cáo về Sài-gòn, rồi đưa ra một bài trên báo Le Monde Diplomatique mới nhất, nói rằng Mỹ đã quyết định yểm trợ một nhóm sĩ quan trẻ làm đảo chính. Parsons và Wood cực lực cải chính. Theo Parsons có người chống đối chế độ đã gặp Collins, nhưng Tướng Collins không có lời khuyên hay khuyến khích nào. Cá nhân trên cũng không được Bộ Ngoại Giao tiếp kiến. (71) (71. FRUS, 1958-1960, I:680-1.)
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 10, 2008 13:23:52 GMT 9
Ngày 4/12/1960, Ðại sứ Durbrow nhận định: Tình hình ngày một nguy hiểm. VC tăng gia hoạt động và áp lực. Dân chúng thì ngày thêm bất bình vì Diệm thiếu khả năng ngăn chặn sự bành trướng của CS, và chính sách bàn tay sắt của Diệm với các nhóm chống đối. Nếu Diệm không thay đổi có lẽ phải nghiên cứu việc thay đổi lãnh đạo trong một tương lai không xa. (72) (72. FRUS, 1958-1960, I:711.) Ngày 9/12/1960, cơ quan CIA cũng làm tờ trình về việc những người có thể thay Diệm. Trong quân đội có Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Ðôn, Raymond Nguyễn Khánh; dân sự có Nguyễn Ngọc Thơ, cùng một số chuyên viên Ki-tô như Nguyễn Ðình Thuần, Huỳnh Văn Lang, v.. v... Riêng với gia đình họ Ngô, 1. Vợ chồng Nhu không được lòng dân, và chắc chắn không dễ lên thay Diệm. Cuộc đảo chính cho thấy sức mạnh và quyết tâm của Nhu trong trường hợp khẩn cấp. Với sự yểm trợ của Ðảng Cần Lao, Nhu là một thực lực đáng kể nếu có cuộc tranh chức vị Tổng Thống thay Diệm. 2. Ngô Ðình Cẩn: Có thực lực ở miền Trung, có thể duy trì quyền lực tại đây nếu chính phủ Sài Gòn bị CS chiếm, hoặc một chính phủ khác lên nắm quyền. Tuy nhiên, Cẩn không thể làm Tổng Thống, và chỉ có thể đứng sau bức màn nhung. 3. Ngô Ðình Luyện: Vì Luyện ở hải ngoại, có uy tín hơn. 4. Nhóm lưu vong: Có Bửu Hội, đương kim Ðại sứ Morocco; Nguyễn Văn Hinh; Tướng Dương Văn Ðức, mới rời Việt Nam vào tháng 12/1958; Nguyễn Bảo Toàn. Riêng Bảo Ðại thì không thể sử dụng được nữa. 5. Một số khác từng nắm chính quyền như Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, Bùi Lương, Trần Văn Lắm. Tuy nhiên, họ chỉ có thể nghiêng về phe này hay phe kia. Các Nhóm Cần Lao: 1. Nhóm “Young Turks”: Ðặng Ðức Khôi, Trần Văn Dĩnh hay Tôn Thất Thiện, do Nhu đào tạo. 2. Nhóm Nghiệp đoàn: Trần Quốc Bửu có liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Canh Nông Lê Văn Ðồng. Bửu nắm nghiệp đoàn, Ðồng là người miền Nam. Nếu hợp tác với một nhân vật quân sự, liên minh này là một nhóm rất mạnh. 3. Nhóm miền Trung: Trong nhóm này có Võ Văn Hải, Ðỗ Cao Minh, Ngô Khắc Tỉnh và Trung tá Lê Quang Tung. 4. Trần Kim Tuyến: Tuyến có những người thân như Trần Văn Tho (?),Trung tá Nguyễn Văn Châu và Cao Xuân Vỹ. Các lực lượng khác: 1. Giáo phái: Hòa Hảo mạnh nhất, rồi tới Cao Ðài. Bình Xuyên chỉ còn là những đám cướp nho nhỏ. 2. Ki-tô Giáo: Có tổ chức chặt chẽ hơn các giáo phái. Một số nhân vật sáng giá như Nguyễn Văn Can (?) Ngoại trừ trường hợp đảo chính, nếu Diệm đột ngột chết, người thay thế là Thơ. Tuy nhiên, sự nhu nhược của Thơ sẽ khiến một người khác xuất hiện, có thể là quân đội hay một chính khách mạnh, với sự ủng hộ của quân đội. Nếu cuộc chiến chống Cộng bị xấu đi và sự bất mãn của dân chúng gia tăng, một âm mưu đảo chính khác có thể xảy ra. Ngoài các sĩ quan trẻ như trong trường hợp ngày 11/11/1960, mối nguy hiểm lớn của Diệm sẽ là một Tướng cao cấp, hoặc chỉ với lực lượng quân sự, hoặc phối hợp với dân sự. Một nhóm khác có thể làm đảo chính là Cần Lao, đặc biệt là các nhóm Bửu-Ðồng, nếu họ có thể liên kết với quân đội. Chìa khóa của chiến thắng sẽ là một liên minh rộng rãi. Cách nào đi nữa, cuộc bầu cử tháng 4/1961 là một ngày hệ trọng cho lịch sử VNCH. Ðây có thể là cơ hội thay thế Diệm một cách hợp pháp hay bán hợp pháp; hoặc sẽ kích thích thêm lòng bất mãn của dân chúng về một cuộc bầu cử gian lận, dẫn đến một nỗ lực khác nhằm lật đổ Diệm. (73) (73. FRUS, 1958-1960, I:721-8.) Ngày 29/12/1960, Durbrow lập lại ý định tìm một biện pháp khác Diệm vì Diệm không muốn mở rộng chính phủ và cải cách [liberation]. (74) (74. FRUS, 1958-1960, I:749-750.) Sự đắc cử của liên danh John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson khiến chính phủ Diệm–và nhất là Tổng Giám Mục Thục cùng vợ chồng Nhu–tạm thời được an tâm một thời gian ngắn. Kennedy là một giáo dân Ki-tô La Mã, từng quen biết và ủng hộ Diệm từ đầu thập niên 1950. Dù chưa nhậm chức, Kennedy đã cho Tướng Edward Lansdale qua Việt Nam thị sát tình hình. Ngày 15/3/1961, Kennedy cũng đồng ý cử Frederick (“Fritz”) E. Nolting làm Ðại sứ, thay Durbrow. [Trong những tháng cuối của nhiệm kỳ đại sứ, Durbrow ngày càng bị Diệm lạnh nhạt]. Vì chuyên biệt về Âu Châu, Nolting yêu cầu William Trueheart, một bạn cũ, làm Phụ tá ở Sài Gòn. Ngày 10/5, Nolting trình ủy nhiệm thư. Tháp tùng tân Ðại sứ là Phó Tổng thống Johnson. Trong tiệc do Nolting khoản đãi tối 11/5, Johnson ca ngợi Diệm như “Winston Churchill của Ðông Nam Á Châu.” Sau chuyến đi này, Johnson đưa ra kế hoạch 3 năm tại Việt Nam: Ngoại trừ trường hợp BV ồ ạt tấn công, Mỹ không có ý định sử dụng quân chiến đấu Mỹ; Ðối xử tế nhị nhưng cứng rắn khi thực hiện các chương trình đã đồng ý; Nhân viên Mỹ phải cùng làm việc với họ, lắng nghe những lời họ phàn nàn và giải quyết những điều đó [làm việc vì họ?]. Phải giúp phát triển những định chế dân chủ. (75) (75. Báo cáo ngày 23/5/1961 của Johnson; US-Vietnam Relations, 1945-1967, Bk11:159-166; FRUS, 1961-1963, I:138n8, 145-146, 152-157.) Ngày 11/5/1961, Kennedy cũng quyết định gửi LLÐB Mỹ tham chiến ở Nam Việt Nam, phát động “chiến tranh đặc biệt,” kể cả việc yểm trợ Hải thuyền VNCH. Trong hạ bán năm 1961, tình hình miền Nam càng suy thoái. Cộng Sản Bắc Việt tung ra một loạt những cuộc tấn công khắp nơi, đặc biệt là vùng cao nguyên và miền Trung. Rúng động dư luận nhất là việc Ðại tá Hoàng Thụy Năm, đại diện VNCH trong Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến bị sát hại. (76) (76. Ngày 19/10/1961, trong cuộc họp báo, Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công Dân Vụ, tuyên bố Năm bị Việt Cộng bắt cóc và giết hại. Hiếu cũng tiết lộ khoảng 20,000 cán bộ CS Bắc Việt đã đột nhập miền Nam, hoạt động trong các mật khu; News from Vietnam [Washington, DC], X:11 [15/12/1961]:3.) Ngày 18/10/1961, Diệm ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Quốc Hội ủy quyền cho Diệm toàn quyền hành động trong vòng 12 tháng (Luật 54/11). Thực ra, đây là kế hoạch vận động toàn nhân lực quốc gia để chống Cộng, thực thi chiến lược Chống Phản Loạn. Trong khi đó, Kennedy cũng cử hai phái đoàn qua Việt Nam. Ngày 14/6/1961, Eugene Staley dẫn phái đoàn kinh tế đến Việt Nam, làm việc với phái đoàn Vũ Quốc Thúc, Khoa trưởng Luật khoa [cho tới ngày 14/7/1961]. Ngày 18/10, Tướng Maxwell D. Taylor, Tổng Tham Mưu trưởng Liên quân Mỹ, cầm đầu phái đoàn Bộ Quốc Phòng và Ngoại Giao tới Sài Gòn. Tháp tùng có Walt W. Rostow, Cố vấn ANQG; Sterling J. Cottrell, Giám đốc Ủy Ban đặc nhiệm Bộ Ngoại Giao; Ðô Ðốc Luther Heinz; Thiếu Tướng William H. Craig; Thiếu Tướng Edward G. Lansdale; Tiến sĩ George Rathjens, Bộ Quốc Phòng; James W. Rowe, Nha Quản trị Hợp tác Quốc tế (ICA); David R. Smith, Bộ QP; William J. Jorden, Bộ Ngoại Giao. Ngày 20/10/1961, Diệm đề nghị với Taylor một hoà ước hỗ tương phòng thủ, gia tăng quân số VNCH, và không yểm Mỹ. Sau đó đồng ý mời quân Ðồng Minh vào giúp VNCH đánh thắng Cộng Sản. Tuy nhiên, cả Rusk lẫn MacNamara đều chống lại đề nghị đưa quân chiến đấu vào Việt Nam của Taylor. (77) (77. US-Vietnam Relations, 1945-1967, Book 11, tr. 359-367; FRUS, 1961-1963, I:576.) Một số quốc gia như Pháp, Bri-tên, India và Burma cũng chống việc đưa quân chiến đấu vào Việt Nam. Ngày 16/11 kế hoạch Taylor-Staley bị sửa đổi thành kế hoạch NSAM 111 [gia tăng quân Mỹ ở Việt Nam, nhưng đòi hỏi Diệm phải thực hiện cải cách chính trị].(78) (78. FRUS, 1961-1963, I:656-657.) Ngày 17/11/1961, tại Việt Nam, Diệm ngưng một chuyến kinh lý bay về Sài Gòn để được thông báo về chính sách mới của Kennedy. Nhưng lá thư đề ngày 15/11 của Kennedy khiến Diệm cực kỳ bất mãn. Khoảng cách giữa những gì thỏa thuận trước đây và đề nghị của Kennedy khá xa. Theo Diệm, Mỹ bắt Việt Nam phải nhân nhượng quá nhiều về chủ quyến tối thượng [sovereignty] đổi lấy sự trợ giúp quá ít. (79) (79. FRUS, 1961-1963, I:643, 650.) Cuộc khủng hoảng tháng 11-12/1961 khiến Oat-shinh-tân bắt đầu nghiên cứu một giải-pháp-khác-Diệm. Ngày 25/11, Cố vấn ANQG Rostow đề nghị nếu Diệm không cải cách đúng mức, phải nghĩ đến việc tìm người thay. Hiện đã có khoảng 16,000 bộ đội VC (70% tuyển mộ tại địa phương; 25% tập kết trở về; 5% Bắc). Ngoài ra còn cán bộ dân sự. Nhũng tháng đầu năm 1961, mức xâm nhập 400 người mỗi tuần. Những nhân vật muốn làm đảo chính được ghi nhận: Trung tướng Dương Văn Minh, Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm, Ðại tá Phạm Văn Ðổng, Thiếu tá Lộc, v.. v... Những sĩ quan lưu vong ở Miên như nhóm Ðại tá Nguyễn Chánh Thi cũng được tiếp xúc. Nhưng Kennedy vẫn cho Diệm thêm một cơ hội. Ðể khuyến khích Diệm thi hành kế hoạch Chống Phản Loạn, Kennedy giảm thiểu áp lực cải cách chính trị hay loại bỏ anh em Diệm, bắt đầu kế hoạch khai quang mà Diệm ưa thích, tăng quân số VNCH, và tặng thêm một số phi cơ trực thăng H-34. Tuy nhiên, cơ sở yểm trợ Diệm tại Mỹ ngày một soi mòn. Khởi đầu là nhóm học giả và chuyên viên thuộc Ðại học Tiểu Bang Michigan [MSU], được ủy nhiệm giúp Nam Việt Nam xây dựng chính quyền. Ngày 24/1/1962, Giáo sư Wesley Fishel ghi nhận chế độ Diệm đã xa rời quần chúng, chống đối ngày một nhiều. Lần đầu tiên sau bảy năm rưỡi thân thiết với họ Ngô, Fishel cảm thấy bi quan về VNCH. Trong hai năm rưỡi qua, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và tâm lý đã ung hoại sâu xa. Về kinh tế, những tiến bộ ít năm trước bắt đầu xoay chiều, phần vì lũ lụt, phần vì VC gia tăng hoạt động. Năm 1962, VNCH không xuất cảng được gạo. Trong khi đó, Ðảng Cần Lao của Nhu xen vào các hoạt động kinh tế, tạo nên những hậu quả tai hại. Về quân sự, sự gia tăng lính Mỹ cùng trực thăng khiến tình hình khả quan hơn, nhưng chẳng hiểu ưu thế ấy giữ được bao lâu. VC và Trung Cộng chắc chắn sẽ có phản ứng. Những chuyến thăm vùng Cao nguyên và đồng bằng Cửu Long khiến Fishel lo ngại rằng VC sẽ khởi sự tấn công trong vòng ít tuần nữa. Về chính trị và tâm lý, VNCH đang ở mức thấp nhất. Hy vọng và sự hứng khởi của những năm 1955-1956 đã lịm tắt. Một cảm giác hận thù phảng phất trong không gian. Trong vòng 4 tuần lễ thăm Việt Nam, Fishel đã nói chuyện với 118 người quen cũ, không ai thuộc thành phần đối lập, và ít nữa hai phần ba còn theo Diệm năm 1959, tất cả đều bày tỏ mối sợ hãi chung là Cộng Sản đang chiến thắng (Viet Cong are coming). Diệm ngày càng bị trói buộc bởi “những vùng ảnh hưởng ác quỉ” (evil influences) chung quanh. Chưa ai buộc tội Diệm làm sai, nhưng Diệm không chịu sửa đổi lỗi lầm của người chung quanh. Vài ba người can đảm còn ở quanh Diệm không dám nói thẳng với Diệm những điều “chói tai” vì có thể Diệm sẽ cách chức họ, và các “ảnh hưởng ác quỉ” sẽ thay họ bằng tay chân chúng. Ai là những ảnh hưởng ác quỉ này? Theo Fishel, Nhu và vợ [Lệ Xuân] đứng đầu bảng. Lý thuyết của Nhu đã thất bại, nhưng cả Diệm lẫn Nhu chưa chịu nhìn nhận. Lệ Xuân–thông minh, sinh động, dơ dáy và tàn bạo theo kiểu Borgia [as brillant, vivacious, pregnant dogy, and brutal in her Borgia-like fashion as ever]–làm các giai tầng xã hội xa cách chế độ của người anh chồng ở lúc Diệm cần sự yểm trợ của họ. Lệ Xuân đã bảo trợ việc biểu quyết một đạo luật “trong sạch hóa xã hội;” cấm khiêu vũ, thuốc ngừa thai, và kiểm soát việc ăn mặc, tỏ tình nơi công cộng, v.. v... Sự áp dụng mù lòa giáo điều Ki-tô này sẽ khiến chia rẽ các tín đồ Ki-tô và những người Lương, tạo nên sự căng thẳng mà trước đó ít khi xảy ra. . . . Viện trợ Mỹ, theo Fishel, chỉ giúp những ngón tay và ngón chân của VNCH cử động; nhưng thân mình vẫn bất động. Nếu không có một cú kích xúc tâm lý trong vài tháng tới, không còn cách nào cứu vãn miền Nam. Theo Fishel, cần phải loại bỏ vợ chồng Nhu mới hy vọng tạo nên được cú kích xúc tâm lý khả dĩ. (80) (80. FRUS, 1961-1963, II:149. Luật bảo vệ Luân lý [số 12/62] ban hành ngày 22/5/1962. Ngày 18/12/1963, Thủ tướng Thơ ký Sắc Luật số 2/63 bãi bỏ; TTLTQG II (TP/HCM), PThT, HS 29265.) Ngày 26/1/1962, Phụ tá Giám đốc Viễn Ðông vụ, Sở Quốc tế An ninh vụ, Bộ Quốc Phòng Mỹ, viết: Về khía cạnh tâm lý, Diệm không đủ khả năng tản quyền. Ông ta không có khả năng hòa giải. Ông ta mang ảo tưởng toàn năng. Ông ta là một quan lại theo huấn luyện và gia truyền. Ông ta tự cho mình là chân lý. Ông ta tin rằng được thiên thần hướng dẫn. Ông ta có lẽ không đủ khả năng kết luận rằng vì quyền lợi của Việt Nam, ông ta nên từ bỏ quyền lực. Việc ông ta can thiệp vào quân sự khiến sự chỉ huy-lãnh đạo của quân đội bị thương tổn. Ông ta không có kinh nghiệm quân sự. ( 81) (81. FRUS, 1961-1963, II:60-62.) Cuộc đánh bom Dinh Ðộc Lập sáng 27/2/1962 không chỉ đánh sập vài ba chỗ trong Dinh, gây thương tích nhẹ cho Lệ Xuân, dời chỗ ở của Diệm về Dinh Gia Long, chỗ làm việc cũ của Thống đốc Nam Kỳ, mà còn đào sâu hơn sự lo ngại của nhà Ngô. (82) (82. Xem chi tiết cuộc đánh bom Dinh Ðộc Lập của Trung úy Phạm Phú Quốc và Thiếu úy Nguyễn Văn Cử trong Chính Ðạo, VNNB, I-C: 1955-1963, 2000:244-251.) Ngày 10/3/1962, Ðại sứ Lalouette báo cáo về Paris rằng vấn đề Việt Nam gai góc hàng đầu tại Ðông Nam Á: Cuộc đánh bom Dinh Ðộc lập ngày 27/2/1962 phá vỡ vẻ bình lặng ngoài mặt. Ngoài Cộng Sản, những lực lượng đối lập không CS gia tăng chống đối Diệm. Chống đối này, dưới những dạng thức khác nhau, có mẫu số chung là sự hờn oán (la rancoeur) chống lại một thế lực tổng thống độc tài. Lực lượng chống đối tập họp những người ái quốc cấp tiến, giới trưởng giả Nam kỳ bị gạt bỏ khỏi những việc công ích bởi những phần tử từ Bắc hay Trung vào tị nạn, những giáo phái bị giải giới và bị nghi ngờ và, một cách tổng quát, tất cả người không Ki-tô chống lại thiểu số Ki-tô (10% dân số) đã đặt tôn giáo Ki-tô La Mã lên hàng quốc giáo. Họ không đòi hỏi sự thay đổi trong chế độ, mà là thay đổi cả một chế độ. Ngô Ðình Diệm ngày một mất dần sự ủng hộ. Hai lý do chính là (1) lối cai trị cá nhân, và (2) sự bất lực của chế độ trước tình trạng mất an ninh ngày một gia tăng. Tổng thống Diệm . . . sống trong tháp ngà. Sự tiếp xúc giữa ông ta và quần chúng đã bị cắt đứt và ông ta hình như chẳng có ý muốn tái lập. Sự kiêu ngạo quan lại và sự trầm lặng chống lại điều đó. (83) (83. CLV, SV, d. 14, tr. 138-9. Ngay trong ngày 27/2 này, Bộ Chính Trị Ðảng LÐVN ra Chỉ thị về kế hoạch mới áp dụng tại miền Nam: đó là khuyến khích những thành phần bất mãn nổi lên chống chế độ Diệm, tiến tới việc thành lập một chính phủ liên hiệp, trung lập. Ngày 3/3/1962, “MT/GPMN” cũng ra Nghị quyết khẳng định: Miền Nam là một thuôc địa mới của đế quốc My; và qui định 8 công tác: Chống phá ACL và gom dân; Quản lý nông thôn; Ðẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; Ðẩy mạnh cuộc đấu tranh vũ trang; vận động quân đội miền Nam; Ðoàn kết rộng rãi toàn dân; cải thiện đời sông nhân dân; tranh thủ đồng tình quốc tế. VKÐTT, 23, 2002:940-956.) Ngày 16/8/1962, trong phiếu trình lên Phó Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Ðông vụ Edward E. Rice, Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị tại Sài Gòn, ghi nhận: Chẳng có cơ hội nào khiến Diệm và Nhu thay đổi. Diệm đã già (65 tuổi) và không bỏ được lề lối quan lại. Diệm và Nhu đều nghĩ rằng họ biết người Việt hơn ai hết, vì thế ít khi nhận lời khuyên can. Cả hai đều không tin cậy người ngoài gia đình và họ không thể thay đổi nguyên tắc “chia để trị.” Không thể thắng VC với cách làm việc của Diệm-Nhu, và dù áp lực cách nào đi nữa, Diệm-Nhu cũng không chịu thay đổi lề lối làm việc. Ðề nghị: Loại bỏ Diệm, vợ chồng Nhu, và tất cả những người trong họ Ngô.( 84) (84. FRUS, 1961-1963, II:596-601; Chính Ðạo, VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 256-258.) Cố vấn của Kennedy, Bowles, cũng không tin rằng sự yểm trợ những Sarit, Ngô Ðình Diem, Phoumi, và Tưởng Giới Thạch phản ảnh chủ thuyết “Tân Biên Cương” tại Á Châu. (85) (85. FRUS, 1961-1963, II: 1962, tài liệu 214.) Tuy nhiên, ngày 17/8/1962, Bạch Cung quyết định rằng báo cáo tháng 5/1961 của PTT Johnson vẫn là căn bản của chính sách Việt Nam: Vì chưa tìm được người thay Diệm, chính phủ Kennedy tiếp tục làm việc với Diệm.( 86) (86. FRUS, 1961-1963, II:601-603.) Như đã lược nhắc, ngay Mansfield–người từng ba lần cứu nguy cho Diệm trong hai năm 1954-1955–cũng bắt đầu đổi ý. Ngày 18/10/1962, Kennedy yêu cầu Mansfield dẫn một phái đoàn Thượng viện đi tham quan các nước Á Châu và đưa ra những đề nghị hữu dụng. Ngày 18/12, sau khi hoàn tất chuyến tham quan, Mansfield đề nghị Mỹ phải duyệt xét lại chính sách, vì sau khi đã trút vào miền Nam nhiều tỉ Mỹ kim, tình hình an ninh đã trở lại với giai đoạn Diệm mới lên cầm quyền.( 87) (87. FRUS, 1961-1963, II:779-784; VNNB, I-C: 1955-1963, tr. 239-40, 268-269. Báo cáo này nạp cho Bạch Cung ngày 26/12/1962; nhưng chỉ phổ biến ngày 25/2/1963. Xem thêm Báo cáo ngày 2/3/1963 của Ðại sứ Herve Alphand; AMAE (Paris), CLV, SV, d. 17, và báo cáo ngày 2/3/1963 của Lalouette; Ibid.) Ngày 27/12/1962, Theodore J. C. Heavner ghi chú về báo cáo của Mansfield: Mansfield vẫn tin rằng bản thân Diệm không tham nhũng [incorruptible]. Chưa thấy ai có thể thay Diệm. Nhưng Diệm có vẻ đã già, tự cô lập khỏi thực tế. Vợ chồng Nhu ngày một nhiều quyền lực, và điều này thật bất hạnh. Tình trạng giống hệt hồi 1954-1955. Không đồng ý nhận xét chủ quan của Harkins là sẽ chiến thắng trong vòng 1 năm. Sợ sẽ phải chi tiêu nhiều hơn. Nếu những kế hoạch hiện tại không thành công, cần trung lập hóa toàn vùng. (88) (88. FRUS, 1961-1963, II:797-798.) Họ Ngô ít nhiều biết được những nhận xét bất lợi trong báo cáo của nhóm Mansfield. Tháng 2/1963, khi báo cáo có hiệu đính của Mansfield được công bố tại Mỹ, anh em họ Ngô không dấu được sự giận dữ. Nhu nói thẳng với viên chức Mỹ là báo cáo Mansfield báo hiệu sự triệt thoái của Mỹ khỏi miền Nam. (89) (89. FRUS, 1961-1963, III:124; VNNB, I-C: 1955-1963, 2000:269-270.) Ðặc biệt, quyết định thay Ðại sứ Nolting bằng Lodge vào tháng 6/1963–giữa cơn khủng hoảng Phật Giáo, và sự cải thiện bang giao Nga-Mỹ–càng tăng thêm nỗi hãi sợ bị bỏ rơi của họ Ngô. Nhu dùng tiếng “Toàn quyền” để gọi Lodge, trong khi Diệm hờn oán nói dẫu có phải gửi 10 Lodge tới Sài Gòn, vẫn phải huấn luyện pháo binh bắn vào Dinh Gia Long.( 90) (90. FRUS, 1961-1963, III:414.) Diệm còn nói thẳng với Nolting vào thượng tuần tháng 8/1963 là Mỹ đã thay đổi chính sách. Những ngày kế tiếp, họ Ngô tìm đủ cách tự cứu. Ðàn áp Phật Giáo, ban hành Thiết quân luật, tấn công chùa chiền, tố cáo Mỹ âm mưu đảo chính. Rồi tiếp xúc sứ giả Hà Nội. Hành động ve vãn Cộng Sản này tạo cho Lodge và những người chống họ Ngô thêm một vũ khí bắn vào vợ chồng Ngô Ðình Nhu, công dụng hủy diệt mạnh hơn cả những cáo buộc như tiếm quyền, muốn kế vị Diệm, hay Nhu đã nghiện thuốc phiện. (Còn tiếp) Chính Ðạo
|
|
|
Post by Can Tho on Nov 11, 2008 14:50:29 GMT 9
Ai ra lệnh giết Ông Ngô Đình Diệm - Tại Sao ? Phan Đức Minh 1.- Cuộc đảo chánh thực sự bùng nổ : * Ngày 1 – 11 – 1963 : Quân đảo chánh bao vây dinh Tổng Thống ( là dinh Gia Long vì dinh Độc Lập đang sưả chưã ). Lúc ban đầu, hai ông Diệm và Nhu vẫn còn yên trí rằng đây là “Kế hoạch chống đảo chánh – Plan of Countercoup“ cuả ông Nhu và Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ( Commander of the 3rd Army Corps ) đã hoạch định trước đó để “ dập luôn “ âm mưu đảo chánh, đồng thời bắt hết Bộ Chỉ Huy cuả lực lượng này ( Diem and Nhu at first believe the attack to be opening of a Countercoup engineered by Nhu and General Ton That Dinh, 3rd Army Corps Commander…). Thế nhưng vào phút chót, các Tướng đảo chánh đã liên lạc, thuyết phục Tướng Đính đồng thời “ dúi nhẹ “ cho Tướng Đính 1 mớ đô la, ( đô la Mỹ chớ không phải đô … Hồ đâu, mà giá trị cuả năm 1963 đó ). Thế là xong ! Tướng Đính thấy rằng tình thế đã đến nước này thì… lượm đô cuả Cabot Lodge lợi hơn, khôn hơn. Nếu chống lại thì bắt buộc con cáo già Cabot Lodge , bọn CIA và đám cầm đầu đảo chánh cũng phải bằng mọi cách, xoá sổ luôn cả mình mà thôi, dù cho Tướng Đính nắm quân rất mạnh và xưa nay Tướng Đính được coi là 1 Tướng gan lì, đánh giặc thì Tướng cộng sản cũng phải nể. Thế mới hay “ Có tiền mua Tiên cũng được – A golden key opens all doors“ là thế đó ! Cabot Lodge khỏi cần dùng đến Binh Pháp Tôn Tử, Clausewitz, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon … chi cả. Cứ sài binh pháp cuả Đại Danh Tướng Đô La là ăn chắc, đánh đâu thắng đó, thành quách nào cũng tan. Hai ông Diệm và Nhu hết còn trông cậy vào ai được nưá! Tứ bề thọ địch mất rồi ! Hai ông đành tính chuyện thoát thân… Chừng 8 giờ 00 tối ngày 1 - 11 - 1963, Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên (được coi là can đảm, có nghiã, có tình đối với ông Diệm) lái chiếc xe nhỏ Citroen 2 chevaux, theo lối cổng đường Pasteur, vào dinh Gia Long. Hướng này bỏ trống vì bên trong không còn sức kháng cự cuả Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống nưã cho nên bên ngoài, quân đảo chánh không cần kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần đợi ông Diệm tuyên bố đầu hàng hay tới giờ G, giờ H thì vô bắt mà thôi. Chủ quan thiệt ! Từ dưới đường hầm bí mật ( lo xa từ trước rồi ) dinh Gia Long, ông Diệm cùng ông Nhu lên xe do Cao Xuân Vỹ lái, có sĩ quan tuỳ viên, Đại Úy Đỗ Thọ xách cặp đựng giấy tờ, tài liệu đi theo. Cao Xuân Vỹ lái xe vào Chợ Lớn, tới nơi đặt trụ sở Tổng Nha Thanh Niên Cộng Hoà cuả Vỹ thì Trung Tá Phước , Phó Đô Trưởng Nội An, lấy xe Desoto đón 2 ông Diệm và Nhu, đem theo một vài vệ sĩ thân tín, chạy tới nhà Mã Tuyên, một Bang Trưởng người Hoa Kiều và là một Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hoà, được Vỹ tin cậy. Qua đêm trời gần sáng, ông Diệm hỏi Mã Tuyên coi có nhà thờ công giáo nào ở gần đấy thì đưa ông tới. Đoàn tuỳ tùng đưa 2 ông Diệm và Nhu đến nhà thờ Cha Tam, là nhà thờ cuả đa số là người Hoa ở vùng này. 2.- Ai ra lệnh giết ông Diệm ? Nhiều người, kể cả người Mỹ cũng bảo “ Mỹ, Cabot Lodge không ra lệnh giết thì Bố ai dám giết Ông Diệm ! “ Vậy mà không phải vậy đâu ! Tướng Trần Văn Đôn có lần nói: Tướng Minh ra lệnh giết bằng cách ra mật hiệu cho Đại Úy Nhung, cận vệ ( bodyguard ), tuy trong Hồi Ký viết bằng Việt Ngữ, Tướng Đôn nói là không biết. Trong Hồi Ký viết bằng Anh Ngữ và trong 1 cuộc phỏng vấn, Tướng Đôn lại quả quyết là Tướng Minh ra lệnh giết. Báo chí đã từng viết : Có những Tướng Lãnh và nhân vật chính trị thân cận với Tướng Minh đã hỏi thẳng Tướng Minh “ Có phải Ông ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu không ? “ Tướng Minh trả lời “ Muốn hiểu sao thì hiểu ! “, hoặc “ Chuyện đã qua rồi bới ra làm chi nữa ! “. Theo Bà Ellen J. Hammer , người quen biết rất nhiều với các nhân vật quan trọng ở Miền Nam, trong cuốn “ A Death in November “, có nói : Sau khi tình hình đã thay đổi nhiều trong liên hệ của các Tướng Lãnh, năm 1971 Tổng Thống Thiệu đã nói thẳng “ Tướng Big Minh là người ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu “. Cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh, hồi cuối năm 2001, tại Orange County, đã trả lời nữ Phóng Viên truyền hình Thanh Thúy về cái chết của hai Ông Diệm và Nhu, Tướng Khánh nói : “ Dương Văn Minh ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu vì tư thù... “ Trong một cuộc mạn đàm thân tình và cởi mở trước Giáng Sinh năm 2004, tại Springfields- Virginia, cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã xác nhận với Ông Lâm Lễ Trinh, cựu Bộ Trưởng Nội Vụ trong chính phủ Ngô Đình Diệm, từ 1954 đến 1959, là : Dương Văn Minh ra lệnh cho Đại Úy Nhung, cận vệ của mình, phải giết hai Ông Diệm và Nhu với sự giám sát của Tướng Mai Hữu Xuân, người chỉ huy đoàn xe đi “ bắt “ hai Ông Diệm và Nhu tại nhà thờ Cha Tam ... Riêng kẻ viết bài này đã nhiều lần viết “ Tướng Dương Văn Minh ra mật lệnh cho Đại Úy Nhung, cận vệ, phải giết cả 2 anh em Ông Diệm và Nhu “. Bây giờ ta coi tiếp. * Ngày 2 - 11 – 1963 : Vào khoảng 6 giờø 00 sáng, ông Diệm bắt đầu điều đình với các Tướng đảo chánh bằng cách điện thoại cho Tướng Trần Thiện Khiêm, yêu cầu thông báo cho các Tướng đảo chánh là muốn nói chuyện với Tổng Thống về tình hình đất nước thì cho người tới gặp Tổng Thống tại nhà thờ Cha Tam, Tổng Thống đang làm Lễ tại đây. Các Tướng đảo chánh liên lạc ngay với Cabot Lodge và bảo đảm với Cabot Lodge là tính mạng cuả ông Diệm sẽ được an toàn ( At about 6:00 a.m. Diem begins negotiating with the Generals, Who have assured that Diem’s life will be spared .) Tại sao các Tướng đảo chánh lại phải cam kết với Cabot Lodge là bảo toàn tính mạng cho ông Diệm ? Vì Cabot Lodge không cho lệnh giết , trái lại khi chi tiền, còn yêu cầu các Tướng đảo chánh không được giết ông Diệm. Thế mà cuối cùng ông Diệm lại bị giết mới thật là rắc rối khó hiểu. Những điều khó tin lại hay có thật ! A.- Ông Kennedy có ra lệnh giết ông Diệm không ? Không ! Vì trước khi cuộc đảo chánh xẩy ra, ông Kennedy đã gửi điện văn khẩn cấp cho Cabot Lodge, ra lệnh liên lạc ngay với các Tướng đảo chánh hoãn cuộc đảo chánh lại kia mà ! ( President Kennedy cables Lodge urgently to ask the Generals to postpone the coup …) Ông Diệm còn lãnh đạo miền Nam thì ông Kennedy còn hi vọng ngăn chặn cộng sản hữu hiệu tại vùng này theo chính sách ngăn chặn cộng sản ( Containment Policy against the Communism ) cuả Mỹ đã áp dụng trên toàn cầu, kể từ sau Thế Chiến thứ 2. Mất ông Diệm, ông Kennedy quả thực không tìm ra nhân vật nào khác ở miền Nam có khả năng lãnh đạo và chống cộng sản tốt hơn, hiệu quả hơn ông Diệm, nhất là sau khi nghe sự trình bày của 2 vị Tướng đáng tin cậy nhất : Maxwell Taylor và Paul Harkins. Chẳng vậy mà khi nghe tin ông Diệm bị giết chết, ông Kennedy đã vô cùng sững sờ, hoảng hốt ( President Kennedy is extremely shocked at the news of Diem’s death… ). Ý chí bám víu gượng gạo vào cái “ vũng lầy Việt Nam – the Vietnam Morass “ cuả ông Kennedy đến đây kể như hoàn toàn rã rời. Giết chết ông Diệm, nắm được chính quyền rồi thì các Tướng Lãnh lại chẳng biết làm gì cả. Họ chỉ làm được có mỗi một việc là cho mở lại các vũ trường, những chốn ăn chơi đốt tiền, đốt bạc, ăn chơi đĩ điếm. Có thế thôi ! Ở các thành phố thì càng thêm rối loạn, mất an ninh, trật tự, tranh giành quyền lực để đưa đến cuộc Chỉnh Lý ( Governmental readjustment ), thực ra là một cuộc đảo chánh khác ( another coup d’état ) cuả Tướng Nguyễn Khánh sau đó không lâu. Ở thôn quê thì coi như bỏ ngỏ, mặc cho cộng sản muốn làm chi thì làm vì hệ thống ấp chiến lược một công trình xây dựng cuả ông Nhu, tuy không hoàn hảo, nhưng đã làm cho cộng sản thực sự mất đi một sức mạnh từ cơ sở nông thôn, khó thực hiện được kế hoạch bao vây và tiêu diệt các thành thị cuả miền Nam. Ông Diệm bị giết, là bọn tài phiệt quốc tế buôn bán chiến tranh vui mừng, vì sẽ được tự do buôn bán chiến tranh trên xương máu cuả các chiến binh Mỹ cũng như Việt Nam Cộng Hoà và cộng sản, luôn cả dân chúng 2 miền Nam, Bắc. Chúng sẽ 1 tay đẩy cho quân Mỹ đánh nhau với cộng sản, tiêu thụ cả núi, cả biển tiền bạc, quân nhu, quân dụng, vũ khí đắt tiền nhất và cả trăm thứ bắt buộc phải có cho đạo quân viễn chinh dự trù có thể lên đến hơn nưả triệu người, từ bên kia bán cầu, kéo sang đất nước Việt Nam nhỏ bé để đánh nhau theo kiểu quân đội nhà giầu. Còn tay kia chúng nó sẽ lén lút hoặc công khai buôn bán, làm ăn với Liên Sô, với tất cả khối cộng sản trên thế giới bằng những vật liệu, món hàng, mà sau đó biến thành phương tiện chiến tranh và lại chạy sang quân cảng Hải Phòng hay sân bay Hà Nội để cho quân đội cộng sản dùng những thứ đó mà giết lính Mỹ trên chiến truờng Việt Nam ( By sending his men to fight in Southeast Asia, President Johnson seemingly recognized communism as an enemy. However, he made agreements to sell or give the Soviet Union and her communist satellites hundreds of millions of dollars worth of food, electronic computers, chemical plants, oil refinery equipment, airborne radar apparatus, jet aircraft engines, machine tools for $800-million auto assembly plant and military rifles…). Toàn những thứ để cho quân cộng sản giết lính Mỹ và Quân Đội Việt nam Cộng Hòa tại chiến truờng Việt Nam không hà ! Ông Diệm bị giết rồi thì ông Kennedy liền nghĩ ngay đến việc rút chân ra khỏi vũng lầy Việt nam càng sớm càng tốt, nếu không muốn phải chờ đến lúc Liên Sô, Bắc Kinh cùng với Hà Nội thực sự đánh gục Hoa Kỳ trên chiến truờng này. Ông Kennedy cho lệnh thực hiện gấp kế hoạch rút Sĩ Quan cố vấn, huấn luyện và các chuyên viên Mỹ về nước… Ông Kennedy quên rằng “ Kế hoạch buôn bán chiến tranh Việt Nam “ cuả “ chúng nó “ đã sẵn sàng rồi mà nay Ông lại định phá đám chúng nó hay sao ? Bắt buộc chúng nó phải xoá sổ luôn cả Ông, mặc dầu Ông là Tổng Thống Hoa Kỳ. Mới kéo được về nước 1,500 cố vấn, chuyên viên thì 20 ngày sau, kể từ khi Ông Diệm bị giết ở Việt Nam, thì chính Ông Kennedy, Tổng Thống thứ 35 cuả Hoa Kỳ cũng bị bắn chết ở Dallas, Tiểu Bang Texas tại chính đất nước của Ông. Chánh phạm ( principal ) trong vụ bắn chết Ông Kennedy sau đó cũng bị giết luôn ( tương tự như Đại Uý Nhung bắn chết Ông Diệm ) để thủ tiêu chứng nhân lịch sử. Trước khi đi Dallas, người bạn thân cuả Ông Kennedy, một Giáo Sư Đại Học đã khuyên “ … Tổng Thống không nên đi chuyến này. Ở đó nguy hiểm lắm ! “ Ông Kennedy đã trả lời “ Nếu chúng nó đã định giết tôi thì không giết tôi ở đó, chúng nó cũng sẽ giết tôi ở nơi khác. Nếu tôi không dám đi, truớc hết, tôi là một kẻ hèn. Mà Kennedy không được phép là một kẻ hèn ! “ Vậy là Ông Kennedy không muốn đảo chánh, lật đổ Ông Diệm vào thời điểm đó, chớ chưa nói chi đến việc ra lệnh giết Ông Diệm ! Sau này sách báo Mỹ có nêu lên tới 5 điều khiến Tổng Thống Kennedy bị giết , nhưng điều chính yếu và quan trọng hàng đầu là chuyện Tổng Thống Kennedy chủ trương “ rút chân ra khỏi vũng lầy tại Nam Việt Nam “ như đã nói ở trên. B.- Cabot Lodge có ra lệnh giết Ông Diệm không ? Cũng không ! Tại sao ? Ngay lúc quân đội đảo chánh đã bao vây chặt chẽ dinh Gia Long, nơi 2 Ông Diệm và Nhu đang ở, Thủy Quân Lục Chiến và nhẩy Dù cùng nhiều đơn vị Bộ Binh đã kiểm soát hết các địa điểm kháng cự của phía quân đội bảo vệ cũng như trung thành với Ông Diệm, đường điện thoại duy nhất còn lại từ bên ngoài liên lạc vào hầm dinh Gia Long reo lên. Một sĩ quan cầm ống nghe rồi đưa cho Ông Diệm vì đầu dây đằng kia chính là Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge. Ông Diệm nghe xong rồi trả lời bằng tiếng Pháp : “ Non, je refuse, mais merci quand même de votre charité - Không, tôi từ chối, nhưng cũng xin cảm ơn lòng nhân đức của Ông). Ông Diệm bỏ máy rồi quay sang nói với Ông Nhu “ Cabot Lodege vừa kêu máy, đề nghị chúng ta ra đi. Ông ta hứa bảo đảm với các Tướng Lãnh để cho chúng ta ra đi an toàn. Họ dành sẵn cho chúng ta một phi cơ, nhưng tôi đã từ chối “. Ngoài ra, ta còn biết rằng : Thứ nhất : Nhiệm vụ cuả Cabot Lodge chỉ là làm sao thay thế Ông Diệm bằng người cầm quyền khác, biết tuân theo ý muốn cuả giới tài phiệt Mỹ, Ô Kê cho chúng đổ quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, đánh nhau với cộng sản 5, 10 năm thôi. Ai cũng biết mọi tội vạ cuả vụ đảo chánh này đổ hết lên đầu Cabot Lodge rồi. Nếu Cabot Lodge cho giết ông Diệm, biết đâu, lại chẳng có người, vì sót thương Ông Diệm, vì căm thù Cabot Lodge, vì tự ái dân tộc, mà liều thân, thí mạng, tặng cho Cabot Lodge 1 trái lựu đạn, 1 quả mìn trên đường xe chạy, hay cho luôn 1 băng tiểu liên vào đầu, bể sọ ra thì cũng rồi đời. Cabot Lodge dư biết rằng : khi người ta đã liều mạng để giết ai, thì giết 1 Tổng Thống, kể cả Tổng Thống Mỹ, người ta cũng dư sức làm được. Trên thế giới này, Tổng Thống, Thủ Tướng bị giết đầy ra đó ! Chớ cỡ Cabot Lodge, 1 anh Đại Sứ còm ở cái xứ chiến tranh, loạn lạc liên tu bất tận này thì việc giết đâu có khó ! Con cáo già Cabot Lodge đâu có dại gì mà làm thêm cái việc vô ích, không cần thiết, thêm nhiều oán thù đó ! Thứ hai : Cabot Lodge dù sao đi nưã, lúc này cũng chỉ là 1 anh Đại Sứ cuả Mỹ tại Việt Nam, dưới quyền Ông Kennedy. Cabot lodge đã nhiều phen qua mặt Ông Kennedy trong vụ đảo chánh này rồi. Ông Kennedy đâu có ngu, có đần. Vậy thì khi Ông Kennedy ra lệnh cho Cabot Lodge “ Khoan ! Hãy ngưng ngay kế hoạch đảo chánh ! “ mà Cabot Lodge vẫn cứ phe lờ đã là 1 chuyện đáng để Ông Kennedy trừng trị về tội bất tuân thượng lệnh . Ông Kennedy cũng biết bực mình, mất mặt về hành động cuả Cabot lodge, dám khinh thường Tổng Thống lắm chớ! Cabot Lodge dư thưà khôn ngoan để biết đâu là cái giới hạn cuả thái độ khinh thường Ông Kennedy để mà dừng lại đúng mức. Vượt qua giới hạn đó, Ông Kennedy bắt buộc phải có thái độ để bảo vệ uy quyền cuả Ông. Thế cho nên Cabot Lodge dại gì mà giết Ông Diệm để chọc giận Ông Kennedy thêm nưã ! Dại dột, vô ích! Ông Kennedy có đủ uy quyền để “ đuổi cổ – kick out “ Lodge ra khỏi chức vụ Đại Sứ, lôi đầu về Mỹ trị tội kia mà ! Cabot Lodge khôn lắm, không dại gì đi làm cái việc vô ích, chẳng lợi lộc gì cả. Thứ ba : Khi phác họa cuộc đảo chánh, Cabot Lodge đã họp các Tướng Lãnh phản loạn lại, khuyến khích, chi tiền và bắt các Tướng phải cam kết là không được giết Ông Diệm ! Bởi cái chỗ đó cho nên ở trên có nói : Khi Ông Diệm liên lạc điện thoại với Tướng Trần Thiện Khiêm ,tỏ ý muốn gặp các Tướng đảo chánh thì Bộ Chỉ Huy đảo chánh đã tức tốc liên lạc ngay với Cabot Lodge và cam đoan với Cabot Lodge là tính mạng cuả Ông Diệm sẽ được an toàn (… Diem begins negotiating with the Generals, who have assured that Diem’s life will be spared… ). Vậy thì Cabot Lodge đâu có muốn, đâu có ra lệnh giết Ông Diệm ! Lodge chỉ phải … tạ tội, thanh minh thanh nga với ông Kennedy bằng 1 điện văn, trong đó có đoạn “… We could neither manage nor stop the coup once it got started… It is equally certain that the coup would not have happened as it did without our preparation…” ( có cả tội cuả Ngài ở trong đó đấy, xin Ngài chớ buồn làm chi…). * Tại sao Tướng Dương Văn Minh phải ra lệnh cho Đại Úy Nhung giết 2 Ông Diệm và Nhu ? Lịch Sử cũng như Quân Sử cuả Hoa Kỳ đã ghi chép rằng “… Finally an US-built M – 113 armored personnel carrier is sent to pick up Diem and Nhu up from Francis Xavier Church in Cholon. General Minh’s bodyguard, Captain Nhung, murders Diem and Nhu on their way to staff headquarters, at Minh’s orders.” Chẳng lẽ những sử gia viết lịch sử và quân sử Hoa Kỳ lại hèn nhát đến mức độ không dám nhận rằng Ông Kennedy, Cabot Lodge đã ra lệnh giết Ông Diệm để rồi viết sách, đổ đại cho Dương Văn Minh làm cái việc này, và chỉ cho Dương Văn Minh phải lấp lửng nói với đám Tướng Lãnh đảo chánh “ Việc đã qua rồi, bới ra làm chi nưã ! “ mỗi khi Dương Văn Minh bị các Tướng này vặn hỏi “ Tại sao lại giết Ông Diệm ? “ vì khi họp bàn với nhau, các Tướng Lãnh đều đồng ý với quan điểm cuả Cabot Lodge là phải bảo toàn tính mạng cho Ông Diệm, không được giết ! Chỉ tách Ông Diệm ra khỏi quyền lực, đưa đi sống lưu vong ở đâu đó, Đài Loan hay Thái Lan chẳng hạn. Thế là xong ! Bây giờ câu hỏi là: Tại sao Dương Văn Minh phải ra lệnh giết Ông Diệm ? A.- Dương Văn Minh phải giết Ông Diệm vì : Hai Tướng Tôn Thất Đính và Nguyễn Khánh, 2 Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, có quân rất mạnh trong tay, chỉ chịu theo phe đảo chánh vào phút chót, một cách bắt buộc. Nếu Ông Diệm còn , dù ở đâu đi nưã, Dương Văn Minh vẫn tin rằng trong tình thế lộn xộn, mà bắt buộc phải lộn xộn, 2 Tướng này có thể nhân danh quyền lợi quốc gia, dân tộc, không chấp nhận sự phản loạn lật đổ Ông Diệm, do tài phiệt quốc tế chỉ huy, đạo diễn, để quật lại phe đảo chánh thì Tướng Minh cũng ngán, cũng run lắm chớ ! Vậy cứ giết quách Ông Diệm là xong ! Khỏi lo !Tướng Minh phải cho Đại Úy Nhung, sĩ quan cận vệ, lúc nào cũng luôn ở sát bên mình, đi lo vụ giết này mới an tâm. Mà Đại Úy Nhung là một con người xuất thấm thân từ lính Commando của Pháp, khi giết người xong, còn thích cắt đầu, xẻo tai đem về trình cho cấp chỉ huy của mình nữa mới ghê gớm, đúng là thứ ác quỷ, cuồng tín, say máu giết người. B.- Tướng Dương Văn Minh phải giết Ông Diệm vì : âm mưu đảo chánh đã quá rõ ràng, cơ quan Mật Vụ ( Secret service ) và Ông Nhu đã nắm hết mọi chi tiết trong tay. Ông Nhu đã lập kế hoạch cùng với Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 ( 3rd Army Corps Commander ) bất thình lình tung ra 1 màn “Chống đảo chánh – Countercoup “ để nắm đầu hết trơn kia mà ! Dương Văn Minh là kẻ đứng đầu âm mưu đảo chánh, kể như đã leo lên lưng cọp rồi , với cái thế “ Trèo cao thì té nặng – The higher up, the greater the fall“ , càng đầu trò thì càng to tội. Vậy mà Ông Kennedy lại cứ…thụt lui, bước tới, ba hồi đã ô kê, bốn hồi lại…sì tốp, âm mưu bại lộ hết trơn thì chỉ có nước chết với Ông Nhu và đám sĩ quan, quân đội còn thương mến, trung thành với Ông Diệm. Nguy hiểm quá ! Ngộ lỡ ông Nhu và các Tướng Đính và Khánh nắm được đầu thì Tướng Minh chỉ có nước: bị tước hết binh quyền, ra trước Toà Án Quân Sự Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật ( 3rd Tactical Area’s Field Court Martial ) để lãnh bản án tử hình. Rồi Tổng Thống Diệm bác đơn xin ân xá. Cuối cùng thì Dương Văn Minh bị lôi ra pháp trường, hai tay bị trói giật cánh khuỷu vào cây cột, mắt bị bịt kín bằng miếng vải đen. Một tiếng hô chỉ huy và 1 loạt đạn cuả Tiểu Đội Hành Quyết ( Executing squad ) thi nhau xuyên thủng ngực, và Dương Văn Minh gục đầu, máu tuôn ra đầy ngực… Nghĩ đến đây là Dương Văn Minh bắt buộc phải chọn giải pháp “ Giết ông Diệm ! “ Dương Văn Minh thuộc lòng câu “ Cẩn tắc vô ưu – Safety first “ hơn ai hết trong lúc này. Tướng Minh trông Sĩ Quan nào cũng đáng nghi ngờ, không tin ai được bởi vì theo Văn Hào Shakespeare thì “ Sự nghi ngờ luôn ám ảnh tâm trí kẻ phạm tội; Tên ăn trộm sợ rằng ở mỗi bụi rậm đều có 1 viên cảnh sát - Suspicion always haunts the guilty mind; The thief doth fears each bush a police officer .” Bắt được hai ông Diệm, Nhu , cứ giết quách đi là chắc ăn, khỏi lo ! C.- Tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh giết hai Ông Diệm và Nhu vì Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho CIA, Cabot Lodge “ Không can thiệp chi tiết vào kế hoạch đảo chánh, cứ để các Tướng tùy theo tình hình thực tế mà hành động. “ Dương Văn Minh tự diễn dịch “ Người lãnh đạo cao nhất nước Mỹ đâu có cấm Tướng Minh giết Ông Diệm khi ra lệnh này ! “ Xử lý hành động tuỳ theo tình hình kia mà! D.- Tướng Dương Văn Minh đã cho lệnh mật để Đại Uý Nhung giết Ông Diệm vì khi bàn thảo việc đảo chánh, Cabot Lodge chi tiền và yêu cầu các Tướng không được giết ông Diệm chẳng qua là vì Cabot Lodge không muốn chọc giận ông Kennedy, và qua mặt Tổng Thống nhiều quá. Nay Tướng Minh có nêu ra: vì tình trạng hỗn loạn, vì vấn đề an nguy cuả đại cuộc, cuả chính sinh mạng mình, tức là coi như ở vào tình trạng… In case of absolute necessity, in case of riots, hay nói theo kiểu Tây là : en cas de situation troublée… thì cứ coi như việc giết ông Diệm cũng … huề cả làng, mọi tội xí xoá... thì ông Kennedy cũng… đành huề thôi . Còn đối với Cabot Lodge, con cáo già chính trị, chuyên viên đảo chánh, người đã quá quen thuộc với những vụ chết chóc trong nghề đảo chánh thì… tiền đã chi cho cướp, chia nhau hết rồi, Tướng Minh có giết 1 ông Diệm, chớ giết đến 10 ông Diệm cũng… sức mấy mà Cabot Lodge đòi tiền lại được ! Chẳng lẽ lôi Tướng Minh ra mà đập, mà kiện hay sao ? Kiện ở đâu ? 3.- Sau cái chết của Ông Ngô Đình Diệm : A.- Tổng Thống Kennedy kinh hoàng, cho rút sĩ quan, cố vấn, chuyên viên Mỹ về nước, tính chuyện bỏ cuộc. Kết quả ông Kennedy cũng bị bắn chết 20 ngày, sau ông Diệm, để cho ông Phó Lyndon B. Johnson lên thay, và quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào Việt Nam và cuối cùng cũng như người Pháp…quân đội Mỹ ra đi không kèn, không trống. Về nước chẳng ai thèm chào mừng, đón rước, chẳng có lấy một vòng hoa chiến thắng, mà còn bị biểu tình sỉ vả, mặc dầu đã có 58 ngàn quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường, mấy ngàn người còn ghi mất tích, và cả triệu người Mỹ phải gánh chịu chung niềm đau tủi, mất mát, đui què, mẻ sứt hay điên khùng…Đau thật ! Lịch sử và Quân Sử Hoa Kỳ đã phải ghi “ Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội bách chiến bách thắng của Hoa Kỳ đã thua trận một cách đau đớn ê chề trên chiến trường Việt Nam – The first time in the American History, the unvanquisable armed forces of the United States lost ignominiously the war in Vietnam battle field...” B.- Ông Diệm chết đi thì Miền Nam như rắn không đầu, cá mè một lưá, càng thêm hỗn loạn, rồi Tướng Khánh làm cuộc “ Chỉnh Lý “ nhưng thực ra là cuộc đảo chánh khác để “ hốt “ các Tướng đã đảo chánh ông Diệm, nhốt đầu vào 1 chỗ ( Tướng Minh được tha vì thuộc loại to đầu mà dại, không đáng lo, khỏi cần nhốt ) cho ngồi chơi mà ngẫm nghĩ sự đời đen bạc, phản phúc, và thế nào là “ Làm điều lành, Trời báo cho bằng phước; Làm điều dữ, Trời báo cho bằng họa - Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa “ hay nói theo Tây thì “ On récolte ce qu’on a semé “, còn nói theo kiểu Mỹ và Ăng-Lê thì “ Who sows the wind will reap the whirlwind “ Tất cả giống nhau: “ Gieo gió thì gặt bão “. Tiếp theo là những ngày tháng tối đen 1966, Miền Nam lại hỗn loạn đấu tranh, cũng phát xuất từ Huế, với cái vụ Tướng Nguyễn Chánh Thi, người đã một phen đảo chánh không ra cái gì cả vì chỉ là một sự thử nghiệm của CIA, nhưng lan vào đến Đà Nẵng với cảnh Bàn Thờ Phật xuống đường, thì Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ , Tướng Không Quân râu kẽm, một phật tử chính hiệu, đưa Quân Đội và Quân Cảnh từ trong Nam ra dẹp hết trơn, nhốt đầu các nhân vật lãnh đao. Thế là hết đấu tranh ! Nếu tiện, chúng tôi sẽ viết một chuyện nho nhỏ nhưng cũng oái oăm về bản thân kẻ viết bài này cùng với Thiếu Tá Nguyễn Hữu Viên, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Truyền Tin Quân Đoàn I ( cả hai cùng là Phật tử ) nhưng quyết tâm chỉ huy chống giữ , bảo vệ đơn vị trong những ngày rối loạn “ Bàn thờ xuống đường tại thành phố Đà Nẵng “. C.- Ông Diệm chết đi thì Hồ Chí Minh ở Hà Nội không còn đối thủ, bèn lên đài phát thanh Hà Nội hiệu triệu quốc dân đồng bào: “ Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ cứu Nước trên khắp các mặt trận của ba miền đất nước ! Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược không những trên Quê Hương, Tổ Quốc Việt Nam, mà còn đánh thắng đế quốc Mỹ ngay trên đường phố, tại các trường Đại Học cuả chúng nưã ! Kháng chiến nhất định thắng lợi ! Thống Nhất, Độc Lập nhất định thành công ! “ Theo Giáo Sư Francis Xavier Winters, năm 1999 viết trên tạp chí “ World Affairs “ của Ấn Độ, có nói là : Sau cái chết của Ông Diệm, Hồ Chí Minh lại còn lên giọng trịch thượng, nói với Wilfrid Burchett, một ký giả cộng sản hạng nặng, là: “ Tôi không thể ngờ là tụi Mỹ lại ngu đến thế ! “ Rồi Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp gặp McNamara ở Hà Nội tháng 11 – 1995, thì nói : “ Chính sách của người Mỹ sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là người có tinh thần quốc gia rất mạnh. Không bao giờ Ông ta để cho người Mỹ giành lấy quyền điều khiển chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.. Người Mỹ đã làm điều đó bất chấp sự phản đối của Ông Diệm để rồi mua lấy một thất bại thảm khốc. Ông Diệm chết thì cũng chấm dứt sự hiện diện quân sự của người Mỹ tại đây một cách sớm hơn”. Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch “ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam “ nói với phóng viên Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Cộng Sản Hà Nội: “ Sự lật đổ Ngô Đình Diệm là một món quà Trời tặng cho chúng tôi. “ Trần Nam Trung, Phó Chủ Tịch Mặt Trận tuyên bố : “ Đế Quốc Mỹ chơi đòn đổi ngựa giũa dòng, nhưng chúng sẽ không bao giờ tìm được người chống Cách Mạng hiệu quả hơn Ngô Đình Diệm. “ D.- Ông Diệm chết đi thì Liên Sô, thành luỹ cuả Phong trào cộng sản thế giới ( International movement of communism’s Stronghold ) vô cùng mừng rỡ vì Liên Sô sẽ dứt điểm Việt Nam trong một ngày không xa để chuyển “ Nỗ lực đấu tranh chống chủ nghiã tư bản đế quốc – Struggling efforts against Capitalism and Imperialism“ sang những vùng khác ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Ở những quốc gia mới phát triển, lại lâm tình trạng chiến tranh, bị cộng sản quốc tế mưu toan thôn tính như Nam Việt Nam thì không thể nào có được 1 chính quyền hoàn hảo như người ta mong ước, nhưng Ông Diệm chết đi, quả thực không có người thay thế được. Nam Việt Nam trên đường tuột dốc rối loạn và đi đến sự sụp đổ. Kẻ có lợi là cộng sản Hà Nội, phong trào cộng sản thế giới, bọn tài phiệt quốc tế. Còn bọïn Tướng Lãnh đảo chánh thì chỉ được lợi về … đô la, và sau này tha hồ tham nhũng, hối mại quyền thế, buôn quan, bán lính, nhưng không thoát khỏi cái nhục chung cuả nhân dân và Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, khi mất nước, phải bỏ Tổ Quốc ra đi , có khi với trăm ngàn khổ ải, nhục nhằn, hay phải sống đọa đầy nhục nhã hơn cả súc vật trong những trại tù cải tạo, dưới bàn tay sắt máu cuả bọn cộng sản Hà Nội kiêu binh thắng trận, vô cùng dã man, tàn bạo, ác độc hơn cả loài sa-tăng quỷ dữ… San Diego, California Phan Đức Minh -------------------------------------------------------------------------------- Tài liệu tham khảo : - The Death of A Nation .- John A. Stormer.- Liberty Bell Press.- Missouri, 1968. - The World Almanac of The Vietnam War.- John S. Bowman ( General Editor ).- Bison Books Corp.- New York, 1985. - Vietnam : The History & The Tactics.- Ahsley Brown & Adrian Gilbert.- Orbis Publishing Limited.- London, 1982. - The Final Days.- Bob Woodward & Carl Bernstein.- The Hearst Corp.- New York,1976. - Henry Kissinger Diplomacy .- Simon & Schuster . - New York, 1994. - Kennedy . – Theodore Sorensen .- Harper & Row.- New York, 1965. - A Book of U.S. Presidents.- George Sullivan.- Scholastic Incorporation.- New York, 1984.
|
|
|
Post by NhiHa on Jan 30, 2010 16:42:46 GMT 9
TT Trí Quang và vai trò của Mỹ trong biến cố Phật giáo năm 1963vanhoa.proboards.com/index.cgi?board=suvn&action=display&thread=63Việc tấn công chùa Xá Lợi Mấu chốt đưa đến tình trạng khủng hoảng Phật giáo khó hàn gắn được là việc tấn công chùa Xá Lợi vào 12 giờ 5 phút đêm, ngày 20/08/1963. Oái ăm thay, ngôi chùa này được xây cất với tài trợ của TT. Ngô Đình Diệm. Tại sao trụ sở Ủy ban liên phái lại đặt ở chùa Xá Lợi của cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, một người ôn hòa, mà không đặt tại Ấn Quang? Xá Lợi đâu có phải là trung tâm cho Phật giáo Việt Nam. Đây là lời giải dáp vấn nạn qua lời trần tình của TT. Thích Tâm Châu: “Tôi nhận nhiệm vụ rồi, tôi tưởng rằng được đặt văn phòng tại chùa Ấn Quang, nhưng không ngờ các vị tại Ấn Quang e ngại chính quyền, không dám cho đặt văn phòng Ủy Ban tại đây. Tôi rớt nước mắt phải đi van xin Cụ Chánh Trì Mai Thọ Truyền cho đặt văn phòng tại chùa Xá Lợi, mời cụ giữ cho chức vụ Tổng Thư Ký Ủy Ban và vay cụ 35 đồng để sắm chút ít văn phòng.” Trích Bạch Thư của TT Thích Tâm Châu, trang 23 TT. Tâm Châu không có tiền đến nỗi chỉ vay có 35 đồng bạc! Thật đáng ngạc nhiên đến không hiểu được. Những dấu hiệu rạn nứt giữa các vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo đã khó tránh được sau này. Việc tấn công chùa là một vụng về của chế độ. Bất kể là có sự khiêu khích của các vị sư từ chùa Xá Lợi hay Từ Đàm và Diệu Đế. Nó chấm dứt mọi con đường dẫn đến đàm phán và hòa giải và tạo một hình ảnh xấu về sự đàn áp Phật giáo một cách công khai. Dư luận nói chung từ trong nước đến ngoài nước tỏ ra bất lợi cho chính quyền của TT Ngô Đình Diệm. Cái tiếng ấy sau này cũng khó rửa cho sạch. Theo ông Colby đó là một thứ công khai khai chiến rồi. Phần thắng lợi nghiêng về phía Phật giáo được coi như nạn nhân của việc đàn áp Phật giáo. TT. Trí Quang biểu tình trước Dinh Độc Lập (1/10/1967) Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS -------------------------------------------------------------------------------- Việc tấn công chùa này lại do chính hai tướng Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính khuyến cáo ông Diệm và Nhu. Về kế hoạch tấn công chùa Xá Lợi của chính quyền Sài Gòn là một kế hoạch tối mật chỉ mình ông Nhu và 5 sĩ quan cao cấp như Tôn Thất Đính, Trần Thiện Khiêm... Đứng ra hành động là Lực lượng đặc biệt và Cảnh sát đặc biệt của Nguyễn Văn Y. Vậy mà nhà báo Mỹ được biết trước! Thế mới buồn thay, không có việc lớn nhỏ gì xảy ra của chính quyền VNCH mà lại không kịp thời thông báo cho báo chí Mỹ! Nhờ sự tiết lộ cho các nhà báo Mỹ nên họ đã kịp thời đến chùa Xá Lợi trước khi cuộc khám xét chùa của lực lượng đặc biệt và yêu cầu các vị Thượng Tọa trốn đi, nhưng các vị ấy đã từ chối đi trốn và ngồi lại với các tăng ni trong chùa. “Theo lời tường thuật của Mert Perry, một nhà báo nói được tiếng Pháp, sau khi nghe được tin mật báo như trên, ông và nhà báo Halberstam đã đi taxi đến ngay chùa Xá Lợi trước nửa đêm và đã chứng kiến lực lượng đặc biệt của đại tá Lê Quang Tung và họ nhận ra không có binh chủng nào khác. Việc lục soát kéo dài trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Riêng TT Trí Quang theo các phóng viên này thì TT. đã vượt thoát trước khi cuộc lục soát được tiến hành” “Dites-lui qu‘is vont arrêter tous les Bouddhistes juste après minuit, dit en francais la voix mystérieuse.” Nói với ông ta là họ sẽ đến bắt tất cả các Phật tử vào trước nửa đêm, một giọng nói bí mật bằng tiếng Pháp như vậy đã điện thoại cho Mert Perry. (Trích trong L'innocence perdue. Un Américain au Vietnam , Neil Sheehan, May 3rd 1990, Seuil, trang 300) Halberstam đã tường thuật một buổi họp báo vào ngày 29 tháng 8 rằng chính tướng Đính tuyên bố ông là người chỉ huy cuộc tảo thanh chùa, ông đã dùng quân đội và các lực lượng khác trong cuộc tảo thanh ấy. Lực lượng gồm hai đại đội thuộc lực lượng đặc biệt, Bảo An và Cảnh sát. Cũng theo Tôn Thất Đính, phía tăng ni không có ai bị thương, phía công lực có 20 người bị thương. (Trích New York times, 30/08/1963) Hầu hết các tăng sĩ đã bị bắt như Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Thượng Tọa Thích Tâm Châu trong cuộc tảo thanh chùa này. Chỉ riêng TT Trí Quang trốn thoát được và được Mỹ cho lánh nạn tại tòa đại sứ. Riêng ông Ngô Đình Nhu trong dịp phát biểu hàng tuần về Ấp Chiến lượng nhận xét về tình trạng Phật giáo: “Thiện chí ôn hòa của chính phủ đã bị số sư sãi trên coi là biểu hiệu của một sự nhu nhược, nên họ càng làm tới. Họ đã biến các chùa chiền nhất là Xá Lợi thành những trung tâm khuấy rối... Ai ưng tu hành thì quyết tâm tu cho đắc đạo và ai ưng làm chính trị thì phải từ bỏ áo tu, ra hẳn ngoài đời để làm chính trị, chứ không thể kéo dài tình tràng mập mờ, nửa đạo, nửa đời như từ hơn ba tháng nay.” (VNCH, UBLBĐTACL, Biên Bản số 62. Phiên họp tại Dinh Gia Long ngày 23/8/1963 tr 6-12, PTT/1CH, HS8278.) Cuộc trốn thoát của TT. Trí Quang Có một số dư luận khác nhau về truyện trốn thoát của TT Trí Quang cần được nêu ra. Theo TT. Thích Tâm Châu: “Tại chùa Xá Lợi, trụ sở của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo cũng bị bắt trọn vẹn. Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết cũng bị bắt. Tôi cũng bị bắt, và họ đem nhốt tôi vào một cái cầu tiêu nào đó. Thượng Tọa Trí Quang may mắn trốn được vào Tòa Đại Sứ Mỹ.” (Trích Bạch thư, Thích Tâm Châu, trang 22.) Nhưng trong bài phỏng vấn của nhà báo Vĩnh Phúc bằng điện thoại được ghi lại trong cuốn Những huyền thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, ông đã chi tiết hơn: ‒ Lúc đó thầy Trí Quang đang tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ? ‒ Dạ không phải đâu. Cũng cùng bị bắt cả. Nhưng sau Trí Quang lẩn vào đám chư tăng ni cải dạng đi. Nhưng cũng bị bắt nhốt ở Rạch Cát, sau đó ngài mới chạy vào tòa đại sứ. (Trích sách đã dẫn, Vĩnh Phúc, trang 297.) “Theo Phiếu đệ trình số 0289/QĐIIIVPTL ngày 22/8/1963 của Tôn Thất Đính đệ trình Tổng Thống cho thấy TT. Trí Quang không có trong danh sách những người bị bắt. Vậy thì lời xác nhận của TT. Tâm Châu là không đúng sự thật. Ngay cả hai tăng sĩ tị nạn tại cơ quan USOM Mỹ không có ai là Trí Quang cả (III, tài liệu 275) Các người bị bắt là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, TT. Tâm Châu, Bửu Chơn, Thiên Hoa, Tâm Giác cùng nhiều người khác sau một giờ chống cự” (Trích Phiếu đệ trình số 0289/QĐ III/VPTL ngày 22-8-1963 của Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tư lệnh vùng III chiến thuật, kiêm Tổng trấn Đô thành Sài Gòn, gởi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Ký hiệu tài liệu TM-HS 209.) Tuy nhiên, các lời giải thích của các ký giả ngoại quốc thì hoàn toàn trái ngược với TT. Tâm Châu. Neil Sheehan thì cho rằng: “Le plus dynamique des chefs bouddhistes, Thich Tri Quang, qui avait organisé la premìere manifestation à Hue et se savait cond**né à mort avait réussi à fuir avant le raid avec deus autres bonzes” Người năng động nhất trong đám lãnh đạo Phật giáo, Thích Trí Quang chính là người tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên ở Huế và ông biết rằng ông bị coi như bị kết án tử hình, ông đã trốn thoát được trước khi có cuộc lục soát chùa cùng với hai nhà sư khác. (Trích L’Innocence perdue, Neil Sheehan, trang 300.) Nhưng có lẽ quan trọng nhất là nguồn tài liệu sau đây từ thư viện Kennedy: “Tri Quang escaped arrest and disappeared mysteriously for ten days before seeking and obtaining asylum at the Us embassy.” (Trích Saigon to State 1, september 1963, JFKL, box 199.) “Embassy officials who listened to him denounce the Diem Government found that he changed his position on an issue as soon as he discovered that it had not convinced the Americans of Diem’s undesirability” (Trích Saigon to State, 21 november 1963, NA II, RG 59, Central files, 1963, box 4047. ) (Trích lại trong Triumph forsaken, Mark Moyar, trang 460) TT. Trí Quangvà Tướng Nguyễn Ngọc Loan trước Dinh Độc Lập Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS -------------------------------------------------------------------------------- Trí Quang đã trốn thoát khỏi cuộc lùng bắt và biến dạng một cách bí mật 10 ngày trước khi xin được tòa đại sứ Mỹ cho phép lánh nạn ở tòa đại sứ.. Nhân viên sứ quán đã nghe TT Trí Quang tố cáo chính quyền Sài Gòn và đã khám phá ra ông thay đổi quan điểm về một đề tài khi mà ông thấy rằng ông đã không thuyết phục được người Mỹ về việc không thích ông Diệm. Theo Arthur J. Dommen viết thì cho đến 1/9, Trí Quang và hai nhà sư khác mới thực sự xin tỵ nạn vào đại sứ quán Hoa Kỳ. Điều này phù hợp với việc ông bỏ trốn biệt tích 10 ngày trước đó theo Mark Moyar. Và chỉ đến tòa đại sứ Hoa Kỳ lánh nạn sau khi biết chắc chắn là ông đã được Mỹ chấp thuận: “On september 1, Tri Quang and two other monks sought political asylum in the American Embassy.” Vào đầu tháng 9, Tri Quang và hai nhà sư khác đã xin tỵ nạn chính trị ở tòa đại sứ Mỹ. (Trích The Indochinese Experience on the French and the American, Arthur J. Dommen trang 527.) Chỉ một việc lánh nạn vào tòa đại sứ thôi mà đã có nhiều nguồn dư luận khác biệt! Hai tháng ăn ở trong tòa đại sứ Mỹ Sau đấy, TT. Trí Quang đã ở trong tòa đại sứ Mỹ khoảng hơn 2 tháng trời. Ông làm gì, sinh hoạt ra sao, ăn cơm chay hay ăn đồ Mỹ? Không một nhà báo Mỹ cũng không ai biết đến những chi tiết này. Mặc dầu`TT Trí Quang là người rất kín miệng. Tính ông ít nói, cục tính và cao ngạo. TT. Tâm Châu nhận xét, “Tính ông Trí Quang là tự tôn và tự kiêu. Ông mỉa mai thêm: Giáo Hội Phật giáo thống nhất trở thành Nhất Thống.” Sư ông Nhất Hạnh cũng dị ứng với ông Trí Quang khi nhận xét, “Thông minh, nhưng quá nhiều tự tin, thiền sư Trí Quang gặp quá nhiều trở lực nội bộ.” (Trích Việt Nam Phật giáo Sử lược, chương 38, Cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Lang.) Topmiller nhận xét, “Ông là loại người gây khích động, anh hùng khi chống Diem, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm đối với bất cứ chính quyền VNCH sau 1963.” (Trích Topmiller, như trên trang 8). Các nhận xét trên quả thực không xa lắm với con người thật của TT . Trí Quang. Ông Trí Quang là người rất khó để được mọi người chấp nhận. Sau này, ngay chính Lodge cũng e ngại là Trí Quang có tiềm năng gây rối loạn. Ông cũng ít khi nào chịu cho ai phỏng vấn. Có lần phóng viên báo Time được ông cho phỏng vấn đã viết, “In an unusual private interview, one of the relatively few he has granted to Western newsmen, Thich Tri Quang talked for an hour last week with TIME Correspondents Frank McCulloch and James Wilde at his Saigon residence, a room in a maternity clinic.” (Trích “A talk with Thich Tri Quang”, Friday, Apr. 22, 1966) Telegram của ĐS Cabot Lodge gởi Bộ Ngoại Giao Mỹ (26/08/1963) Nguồn: FRUS, Tài liệu 292 -------------------------------------------------------------------------------- Trong Bản Tiểu truyện tự ghi, ông đã không hề nhắc nhở tới bất cứ một sự việc gì, một liên lạc nào hoặc tên bất cứ một người Mỹ nào mà ông đã gặp trong thời gian tỵ nạn trong tòa đại sứ. Bản Tự Truyện của TT Trí Quang theo tôi là quá ư sơ sài và thiếu rất nhiều chi tiết đáng lẽ cần phải viết đầy đủ hơn. Nó vỏn vẹn chỉ có mấy chục trang và ông hầu như không đả động một chữ nào về “những biến động miền Trung” kể từ 1963-1966. Phải chăng đó là những tính toán và quyết định sai lầm trong cuộc đời làm chính trị mà ông không muốn nhắc tới nữa? Hay là một thứ trốn tránh tất cả trách nhiệm về những năm tháng xáo trộn này? Tôi nghĩ rằng Bản Tiểu truyện tự ghi quá sơ sài cho thấy thiếu sự trung thực với chính ông và công luận đòi hỏi ông cần viết lại đầy đủ hơn để công bằng với lịch sử sau này. Viết sao là tùy sự suy nghĩ của ông, nhưng điều chính yếu là viết thật đầy đủ hơn, ít lắm cũng vài trăm trang về những năm tháng ấy. Khôn ngoan, kín đáo như thế. Nhưng tôi có cảm tưởng hai tháng ẩn mình trong tòa Đại sứ, ông đã nói khá nhiều về nhiều vấn đề. Và hình như ông có xu hướng tin người ngoại quốc và thường đố kỵ với người Việt Nam, nhất là chức sắc Phật giáo? Vì thế tài liệu gốc (primary source) của Mỹ ngày nay cho thấy một điều chắc chắn là bất cứ điều gì ông phát biểu thì đều đã được kín đáo thu băng và gửi đi từ tòa đại sứ Sài Gòn về Hoa Thịnh Đốn. Ít lắm có vài chục phúc trình từ tòa đại sứ Sai Gòn gửi về Hoa Thinh Đốn về những tuyên bố của TT. Thích Trí Quang. Rất nhiều điều được coi là bí mật về con người, về những suy nghĩ, về những việc làm của TT. Trí Quang nay mọi người biết được là từ phía người Mỹ. Theo James McAllister: “Các giới chức Mỹ thường xuyên gặp gỡ Trí Quang trong suốt những năm 1964-1966. Những đàm thọai này đủ cung ứng một cái nhìn toàn diện về những tín lí của ông với hàng loạt vấn đề. Mặc dù Trí Quang trên một số mặt nào đó vẫn còn là một nhân vật mà giới sử gia khó nắm bắt, nhưng những tương tác giữa ông và giới chức Mỹ có thể cung ứng một nguồn tư liệu không thể thiếu và chưa được sử sụng trong việc tìm hiểu cả phong trào Phật giáo lẫn sự thất bại to lớn của Mỹ tại Việt Nam.” (Trích Thích Trí Quang và chiến tranh Việt Nam, Nghiên cứu của JAMES McALLISTER, giáo sư Williams College, dựa trên hồ sơ lưu trữ của Bộ ngoại giao Mĩ. Trần Ngọc Cư dịch từ tiếng Anh. [“Only Religions Count in Vietnam : Thich Tri Quang and the Vietnam War,” tạp chí Modern Asian Studies 42, 4 (2008), pp. 751–782 , snipurl.com/u7uba, diendan.org) Mặc dầu TT. Trí Quang liên hệ mật thiết với Mỹ như vậy, nhưng TT. Trí Quang vẫn tự hào là không nhờ vào Mỹ. Ông tuyên bố: “Tôi không nằm trong túi áo ai cả.” Nhưng vào tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ có phải là nằm trong túi áo của Mỹ chăng? Và sau 1975 thì số phận Phật giáo Việt Nam và TT. Trí Quang như thế nào? Lúc đó không có cái túi áo nữa mà là cái rọ - một căn phòng nhỏ chôn vùi cả một cuộc đời tranh đấu tôn giáo và chính trị. Sau 1975, ông đã tâm sự với một người bạn giáo sư đại học, “ Anh với tôi, tụi mình hết thời rồi. Bây giờ, tôi chỉ lo ngồi dịch sách.” Việc ông được chấp nhận tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ là một điều mà ngay chính nhiều người Mỹ cũng không hiểu nổi. Cho nên có thể nói hai tháng ở tòa đại sứ Mỹ đã có thể cứu cái mạng của ông cũng không phải là ngoa ngôn. Phần còn lại là ông có bổn phận trả cái ơn ấy và chính Lodge cũng nghĩ rằng ông Trí Quang là một nhân vật nguy hiểm, nhưng ông tin rằng Trí Quang không thể nào quên cái ơn cứu mạng và sẽ chấp nhận Mỹ như một đồng minh chiến lược. Nghĩ đến hai nhân vật Trí Quang và Cabot Lodge, mặc dầu một kẻ mặc áo tu hành, một kẻ mặc áo chính trị mà họ giống nhau nhiều điểm. Họ đều thông minh, lanh lợi và quyền biến, sẵn sàng thương lượng. TT. Trí Quang đã từng nói với người Mỹ và ông Trần Văn Hương là ông sẵn sàng loại trừ Khánh với điều kiện Trần Văn Hương thỏa mãn những điều kiện của phe Phật giáo. Ông cũng đã muốn loại trừ nhiều người, nhiều lãnh đạo chính phủ sau này. Nhưng sau này đến lượt Cabot Lodge là “người bạn của Trí Quang” đã loại trừ ông Trí Quang một cách không thương tiếc. Xin sẽ có những bài riêng về các vấn đề này.
|
|
|
Post by NhiHa on Jan 30, 2010 16:46:47 GMT 9
TT Trí Quang và vai trò của Mỹ trong biến cố Phật giáo năm 1963Nguyễn Văn Lục Lời mở ‒ Tôn giáo và chính tri. Đó loại đề tài cấm kỵ mà người ta tránh không muốn nói đến. Đã đến lúc đủ thời cơ chín mùi và đủ mức độ trưởng thành về nhận thức để có thể tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị? Có nên cứ tiếp tục mặc nhầm áo của nhau mãi chăng? Đó là về phía người mặc áo. Nhưng cái quan trọng là phá vỡ cái “não trạngTrung cổ” trong đầu mỗi người cứ vẫn trộn lẫn hai phạm vi đó vào làm một. Trộn lẫn thế quyền và thần quyền đã gây ra biết bao hệ lụy cho một đất nước. Một nhà sư hay một linh mục làm chính trị có một sự “đánh lận” với trò chơi hai mặt. Việc đó không fairplay tý nào cả. Đụng đến họ về phạm vi chính trị thì đụng ngay đến tôn giáo của họ như một lá bùa hộ mạng. Nó chỉ biểu tỏ một tình trạng ấu trĩ cả về mặt tôn giáo và chính trị cần phải vượt qua. Chúng ta phải cố gắng phá cái “não trạng thời Trung cổ”, theo kịp các xã hội tân tiến trong đó có sư phân giới, cắm mốc rạch ròi giữa tôn giáo và chính trị. Làm chính trị thì thắt cravate, mặc áo complet. Làm tôn giáo thì mặc áo tu hành mầu gì cũng được. Bài viết này như một cái test về ý thực tự do và dân chủ đối vời người cầm bút và bạn đọc. Nhưng tôi cũng nhận thức một cách sâu xa rằng phá bỏ một “não trạng Trung Cổ” không dễ dàng gì! Nhưng chẳng lẽ không làm, không bắt đầu. Vai trò của CIA trên thế giới Kể từ sau thế chiến thứ hai, vai trò người Mỹ nổi bật lên như một cường quốc cả về mặt kinh tế và chính trị, trong đó không thể không nói tới vai trò của CIA Mỹ. Kế hoạch tái thiết Âu Châu, kế hoạc Marshal của tổng thống Truman, 1947, ngoài viện trợ kinh tế còn là một kế hoạch chính trị be bờ, bao vây Liên Xô và các nước Đông Âu. Trụ sở CIA Nguồn: CIA -------------------------------------------------------------------------------- Từ đó CIA có mặt khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc từ 1945-1960; Ý 1947-1948 rồi 1950-1970; Phi Luật Tân 1940-1950; Đại Hàn 1945-1953; Albania 1949-1953; Đức Quốc 1950; Iran 1953; Guatemala 1953-1954; Costa Rica 1950; Syria 1956-1957; Trung Đông 1957-1958; Indonesia 1957-1958; Liên Xô 1940-1960; Cam Bot và Lào 1955-1973; Haiti 1959; Guatemala 1960; Ecuador 1960-1963; Congo 1960-1964; Brazil 1961-1964; Ghana 1966; Iraq 1972-1975; Nicaragua 1981; Và không thể không kể tất cả các nước Đông Âu. (Trích tóm lược trong The CIA, a forgotten history, US Global Interventions Since World War 2, William Blum. 1987.) Và Việt Nam, OSS đến trước, rồi CIA 1950-1975. Trong những người có quan hệ mật thiết nhất với Ngô Đình Diệm là Wesley Fishel mà ông Diệm quen biết khi sang Nhật. Kể từ đó, Fishel sau này về dạy tại Michigan State College, một trường quản lý những dựa án giúp đỡ kỹ thuật mà CIA tài trợ. Nhờ cái thế ấy, ông Diệm được cảm tình của một số lớn các chính trị gia Mỹ như Mansfield, Kennedy, William O. Douglas, v.v... (Trích Talawas, 2007 tóm tắt bài viết của Edward Miller, Hoai Phi, Vi Huyền chuyển ngữ: Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Đình Diệm 1945-1954). Số tiền mà CIA tài trợ và chi phí nhân viên trong một năm không phải là nhỏ, 150.000 nhân viên và 6 tỉ đô la vào năm 1974 một cách bí mật và hợp pháp: “Operating silently in the shadows of the federal government carefully obscured from public view and virtually immune to congressissional oversight, the intelligence community every yesrs spends over $6 billion and has a full-time workforce of more than 150.000 people.” (Trích CIA and the Cult of Intelligence, Victor Marchetti and John D.Marks, trang 95). Ở Việt Nam, riêng về mặt Văn hóa, ông Robert Speer, Giám đốc cơ quan Thông tin Hoa Kỳ tại Việt Nam đã làm đơn lên bộ trưởng bộ Thông Tin và Thanh niên, ngày 26/7/1956 để cho xuất bản các tờ báo Gia Đình (Life), in 80000 số phát không, rất trang nhã và đẹp và tờ Chân Trời Mới sau đổi là Sáng Tạo, do Mai Thảo chủ trương, sau này thêm các tờ Hiện Đại, Thế Kỷ 20. Theo người viết, các chương trình tài trợ của CIA dưới các danh nghĩa các cơ quan JUSPAO, USAID, USIS, USOM, MACV, Asia Foundation đều đa dạng, phức tạp, nhiều mặt đã đem lại rất nhiều lợi ích cho việc phát triển giáo dục như các trường Quốc Gia Hành Chánh, các trường kỹ thuật, các chương trình xã hội, phát triển cộng đồng. Ngay như tờ Sáng Tạo, dù được Mỹ tài trợ, nhưng Mai Thảo và nhóm Sáng Tạo không bị bất cứ một kiềm chế hay giới hạn hoặc kiểm soát dù gián tiếp nào của ông Robert Speer. Vì vậy Sáng Tạo xứng đáng trở thành ngọn cờ đầu của Văn Học miền Nam sau 1955. Đấy là chúng ta chưa kể các chương trình “tư nhân” như Ford, Fulbright, Kế hoạch Colombo (Kế hoạch Hợp tác Kinh tế Phát triển Xã hội vùng Á châu Thái Bình Dương, của tổ chức Liên chính phủ, lâu đời nhất – từ năm 1951 – DCVOnline), hãng Shell đã đào tạo một cách chính quy bao nhiêu nhân tài cho miền Nam VN hay cá chương trình ngắn hạn như Wolrd Youth Program, The Department of States International Visitor program, The Asian and Pacific Students Leaders Projects, East Asia and Pacific Journalist Program. (Trích tóm tắt bản phụ lục trong cuốn: Cuộc Xâm Lăng Về Văn Hóa Và Tư Tưởng của Đế Quốc Mỹ tại Việt Nam, Lữ Phương, trang 213-216). CIA và Phật Giáo Trong một phúc trình của quỹ tài trợ Châu Á Việt Nam của đại diện ở Việt Nam (ông Frank E. Dines mới qua đời) đề tối mật: Chương trình Phật giáo ở Việt Nam, ông Frank có một số nhận xét như sau: “Phật giáo ở Việt Nam có ý nghĩa không phải chỉ vì số lượng người theo từ 80% đến 90% dân số là Phật giáo hoặc chịu ảnh hưởng Phật giáo mà còn vì tính chất đặc biệt của nó. Nhiều Phật tử tin rằng tôn giáo của họ nếu được rọi vào các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị thì có thể đem lại một giải pháp cho sự hỗn loạn và khốn cùng đang bủa vây Việt Nam nhiều thập niên (...) Một điểm đặc biệt khác thường của Phật giáo Việt Nam ngày nay là sự tập trung không phải chỉ uy thế tôn giáo mà cả uy thế thế tục vào tay các nhà sư. Viện Hóa Đạo (The Execution of Dharma) hiện do Tăng lữ kiểm soát. Trong hoàn cảnh, làm việc với các Phật tử, quỹ tài trợ đang làm một công việc nguy hiểm, chúng ta có thể bị chỉ trích ở Việt Nam và Hoa Kỳ, điều này có thể quan niệm dễ dàng nếu các Phật tử đi tới chỗ chống chính phủ và chống lại nỗ lực chiến tranh (...) Theo quan điểm của Quỹ Tài Trợ thì sự quan tâm mới đây của giới tăng lữ với giáo dục và việc họ sẵn sàng giao cho Quỹ tài trợ những tăng ni trẻ tuổi khá nhất của họ để huấn luyện ở nước ngoài là một cơ hội tuyệt vời để giúp khuôn nắn giới lãnh đạo tương lai.” Trong các chương trình xã hội, Quỹ cũng tài trợ đắc lực cho Trường Thanh Niên Phụng sự Xã Hội của Thích Nhất Hạnh. Ngay cả sách vở do Thích Nhất Hạnh hoàn thành cũng được sự hỗ trợ của quỹ tài trợ như nhận xét sau đây: “Những tác phẩm này soi rọi ánh sáng vào sự suy tưởng xã hội của Phật giáo ở Việt Nam” Phần Đại Học Vạn Hạnh. Thì được ung cấp máy in cũng như tài trợ và phát triển Thư viện của Đại Học.. Tuy nhiên, miễn là có một kế hoạch lâu dài được triển khai để xử dụng tăng ni được huấn luyện như thế.” (Trích tóm lược bản phúc trình của Quỹ Tài trợ, trong phần phụ lục cuốn: Cuộc xâm lăng về Văn Hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam VN, Lữ Phương, trang 227-239.) Sự tài trợ của CIA qua các cơ quan Asia Foundation là điều tốt cho người Mỹ mà cũng tốt cho Phật giáo VN. Sau này, đa số trí thức Phật giáo trở về VN trong các vai trò lãnh đạo Phật giáo là một bằng cớ tốt đẹp của những chương trình này. Nó cũng giống như các Kế hoạch Colombo, v.v... Tất cả tuỳ thuộc vào thành phần sinh viên được đào tạo. Chương trình chỉ giúp phương tiện đào tạo mà không có một ràng buộc cụ thể về pháp lý (ngoài thời hạn học trình: học xong phải về) hay bó buộc tinh thần nào đối với các thành phần được cấp học bổng. CIA trong mối tương tác với Phật giáo qua TT Thích Trí Quang Sau khi hai anh em TT Ngô Đình Diệm bị giết, ngay vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, “Big” Minh sai Đôn Và Kim qua gặp Cabot Lodge, sau đó Lodge dẫn hai người qua gặp TT. Trí Quang đang tỵ nạn trong tòa đại sứ Mỹ. Buổi gặp gỡ này thật ý nghĩa giữa 3 thành phần mà cùng có một mục đích chung: Đại sứ Mỹ, tướng lãnh đại diện cho quân lực VNCH và Thích Trí Quang đại diện cho Phật giáo. Nhưng mãi đến ngày 4-11-1963, TT. Thích Trí Quang mới chính thức bước ra khỏi tòa Đại sứ Mỹ, tại Sài Gòn. Ý nghĩa của việc rời khỏi tòa đại sứ Mỹ một cách kín đáo ngày 4-11-1963 cho thấy sự can thiệp của Mỹ vào biến cố Phật giáo 1963 tại miền Trung như thế nào.Theo Topmiller trong Lotus Unleashed, kể từ khi đi ra khỏi tòa đại sứ một cách thầm lặng, phía người Mỹ cũng như phía tướng lãnh quân đội VNCH đều nhìn nhận trong những năm sắp tới đây, TT. Thích Trí Quang sẽ đóng một vai trò quan trọng và khối Phật giáo nổi lên như một lực lượng chính trị trong thế đối đầu với cộng sản. Phần TT. Thích Trí Quang trở thành một khuôn mặt được người Mỹ biết đến nhiều nhất như một nhà sư chính trị ngoại hạng. (Trích tóm lược The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, Robert J. Topmiller, The University Press of Kentucky, 2002, trang 4-8) Người Mỹ hiểu rõ điều đó và CIA đã nhúng tay vào từ trước 1963. Thật ra, người Mỹ đã tham dự vào bất cứ phương diện nào từ quân sự, chính trị của cuộc chiến tranh 1954-1975. Và làm bất cứ truyện gì. Bất cứ thời điểm nào, ngay cả ném Việt cộng từ máy bay xuống biển. Chẳng hạn năm 1960, CIA, theo Philip Liecht viết lại là họ đã thu gom các súng ống tịch thu được của Cộng Sản BắcViệt chất lên một thuyền ở một vùng nước cạn, ngụy tạo một trận đánh chìm chiếc thuyền đó. (Trích The CIA, A Forgotten History: U.S. Global Interventions Since World War 2, William Blum, London: Zed Books, 1986, trang 142.) Đối với Phật giáo, CIA đã nhìn thấy ở đó là một tiềm năng không thể coi nhẹ. Vì thế, họ đã gián tiếp tài trợ qua quỹ Asia Foundation để tạo một lớp tu sĩ ưu tú, sau này sẽ trở về lãnh đạo Phật giáo. Nhất là kể từ 1965, CIA đã tài trợ kín đáo cho các chương trình đào tạo các ứng viên Phật tử để sau này lãnh đạo giới Phật giáo. Người Mỹ nhìn thấy cái lợi trong tương lai của việc đào tạo này và để “uốn nắn” một cách khéo léo những vị ấy có cảm tình với đường lối của Mỹ. Xem thêm: Buddhism and the Buddhist. Progamming of the Asia Foundation in Asia (San Francisco, 1968), 17-20, 110-20. Trích theo The Lotus Unleashed: The Buddhist Peace Movement in South Vietnam, 1964-1966, Robert J. Topmiller, trang 154. Hoặc The CIA and the cult of intelligence, Victor Marchetti, John D. Marks , từ trang 178 về quỹ Asia Foundation.) Trong lúc có phong trào tranh đấu Phật giáo thì một số nhà sư đã về nước như Thích Quảng Liên, thuộc cánh tả. (Dưới mắt người Mỹ trong bản “phúc trình tối mật” nói ở trên, Thích Quảng Liên bị đánh giá là loại “vô tích sự”, chỉ thích xe hơi Hoa Kỳ thôi). Ở ngoại quốc thì có Thích Nhất Hạnh, Thích Minh Châu, Thiện Châu, Thích Mãn Giác và Mạn Đà La, v.v... Cho nên nếu có người Mỹ nhúng tay vào trong Phong trào tranh đấu của Phật giáo năm 1963 thì cũng không lấy gì làm lạ. Việc thứ nhất là tòa đại sứ Mỹ đã cho TT. Trí Quang tỵ nạn sau cuộc bố ráp khoảng 30 chùa trên toàn quốc vào đêm 20-8-1963. Nhưng chỉ riêng việc này thôi thì đã có khá nhiều luồng dư luận khác nhau mà người viết xin trình bày ở đây. Để chính thức được vào lánh nạn trong tòa đại sứ Mỹ thì không ai ngờ rằng TT. Trí Quang đã phải viết một lá thư gửi cho đại sứ Cabot Lodge để xin tị nạn. Sau đây là những lá thư với bằng chứng hiển nhiên chứng tỏ rằng TT. Trí Quang là một nhà sư chính trị trong mưu toan lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm bằng cách mượn tay người Mỹ. Cuộc tranh đấu Phật giáo chỉ là cái cớ che đậy cho những mưu toan ấy. TT Trí Quang đã viết một lá thư cầu cứu với hy vọng, “Đất nước của tự do sẽ không giao nộp ông cho chính phủ Diệm, nhất là Hoa Kỳ đang giúp nhân dân chúng tôi gìn giữ tự do.” Mấy dòng này cho thấy TT. Trí Quang cũng không hẳn tin vào Hoa Kỳ và bộc lộ tâm trạng lo sợ nếu bị Hoa Kỳ trao lại cho chính phủ Ngô Đình Diệm. (Thư này hiện nay đang nằm ở thư viện John F Kennedy, Saigon to Secretary, September 2, 1963, National Security File (NSF), box 199, State cables 9/1/1963-9/10/1963. Trích lại trong Chỉ có tôn giáo là đáng kể ở Việt Nam: Thích Trí Quang và chiến tranh VN, James McAllister, Trần Ngọc Cư dịch.) Sau này, vào 06/10/1963, TT.Trí Quang gửi một thư nữa cho Tổng Thống Kennedy và đại sứ Cabot Lodge mà nội dung là muốn người Mỹ “giải quyết lá bài Ngô Đình Diệm”. Nội dung lá thư cho thấy TT. Trí Quang nhờ người Mỹ can thiệp không phải cho mục tiêu tranh đấu của Phật giáo mà là hy vọng người Mỹ khai trừ chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng lá thư quan trọng nhất mà TT. Trí Quang viết cho Lodge vào ngày 09/09 mà mục đích là xin đi ra ngoại quốc. Bộ Ngoại Giao Mỹ đồng ý, nhưng muốn biết sẽ đi đâu. Tám ngày sau, 17/09 Lodge đề nghị cứ giữ TT. Trí Quang ở Sài Gòn. Nếu Diệm đổ, Trí Quang có thể dùng được. Nếu Diệm còn cầm quyền, sẽ di tản khỏi Việt Nam.” (FRUS, 1961-1963, IV: tài liệu 75) Lá thư này quan trọng ngoài dự đoán của nhiều người và đủ để giải thích toàn thể bài viết này. Sự can thiệp của Mỹ trực tiếp vào biến cố Phật giáo 1963 nay đã đã là một hiện thực khó nói khác đi được. Sự can thiệp ấy rất khôn khéo và gián tiếp chẳng khác gì vụ đảo chánh 1963, họ đứng đằng sau các tướng lãnh để giật giây và cấp giấy chứng nhận “bảo đảm sinh mạng cho các tướng lãnh một con đường rút lui” và một phần thưởng trị giá khoảng 30 ngàn Mỹ kim khi công việc hoàn tất. Đúng ra, theo Trần Văn Đôn trong Our endless war, số tiền là 3 triệu đồng VN, tương đương 42.000 mỹ kim lúc ấy. Không có sự bảo đảm đó, không một tướng lãnh nào dám làm đảo chánh cả. Như lời tường thuật của ký giả Marguerite Higgins tóm tắt sự can thiệp thô bạo của người Mỹ vào nội bộ của VN qua lời trần tình của ông Ngô Đình Diệm, “Xem ra tôi không thể nào làm cho tòa đại sứ Hoa Kỳ tin được rằng đây là nước Việt Nam chứ không phải Hoa Kỳ.” (Trích lại điểm sách Chiến thắng bỏ lỡ, Minh Võ, DCVOnline.net, tháng 8, 2007) Sự can thiệp của Mỹ đến từ nhiều nguồn, nhiều phía. Có thể từ các viên chức trong tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, lãnh sự Mỹ ở Huế, nhân viên y tế của Mỹ ở Huế, CIA như Conein, chính khách đủ loại và bộ phận quan trọng không nhỏ là các phóng viên báo chí như Neil Sheehan, thuộc United Press International, Malcom Browne, thuộc Associated Press, nhà báo nổi tiếng với bức hình Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Bức hình sau đó đã được truyền đi khắp thế giới. Hình Hòa Thượng Thích Quảng Đức xuất hiện trong bữa ăn tối trong các gia đình Mỹ ngày hôm ấy và cũng không khác gì bức hình đại tá Nguyễn Ngọc Loan xử bắn Việt Cộng đã xâm nhập vào tận phòng ngủ của các vợ chồng người Mỹ sau này. Nhưng chừng hơn một năm sau, khi người Mỹ không cần đến phong trào tranh đấu Phật giáo nữa thì giọng điệu của họ đã đổi khác. Khi tiếp nhận những hình ảnh tự thiêu của một nhà sư nữ, khoảng chừng 50 tuổi do TT. Trí Quang sắp xếp và do Stanley Karnov gửi đi từ Huế, tổng thống Johnson nhìn những hình ảnh tự thiêu đó và đã gọi những cuộc tự thiêu đó là “những thảm kịch vô ích”: “Những cuộc tự thiêu của Phật tử gia tăng. Johnson đã đưa ra lời tuyên bố trong đó, ông coi việc tư thiêu là một “thảm kịch và vô ích” và đã kêu gọi dân miền Nam Viet Nam ủng hộ chính quyền – Rõ ràng là dấu chỉ cho thấy Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi Kỳ và đám bộ hạ chung quanh ông ta.” (Trích Vietnam: une histoire, Stanley Karnow, trang 270.) Nhà báo có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất là David Halberstam, tờ New York Times mà những bài viết của ông ảnh hưởng tới cả những quyết định của Tòa Bạch Ốc. Chẳng hạn những bài như, Buddhists Mourn Viet Nam victims, 29-5-1963; Diem regime under fire, 7-7-1963; Mrs. Nhu denounces U.S for “Blackmail” in Viet Nam, 08/08/1963 tất cả đăng ở The New York Times. Theo Mark Moyar thì Halberstam là một trong những nhà báo hiểm độc nhất trong lịch sử Mỹ. (Trích Halberstam’s History, Mark Moyar, National Review Online, July 5, 2007) Qua một số trích dẫn trên cho thấy vai trò quan trọng của báo chí Mỹ như thế nào? Ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình chính trị ở VN lúc bấy giờ. Có thể nói báo chí Mỹ trở thành một cơn ác mộng đối với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh cuộc tranh đấu của Phật giáo còn có một cuộc chiến tranh của giới truyền thông Mỹ với chính quyền Việt Nam và nói mỉa mai như Stanley Karnowo, “Thảm kịch của Việt Nam lúc bấy giờ đã trở thành một giấc mơ cho các nhà báo Mỹ.” (Trích Karnow như trên, trang 173.) Nhưng khi Karnow viết như thế thì oái ăm thay chính ông là một trong ba nhà báo viết tai hại nhất cho VN là: Halberstam, Sheehan và Karnow. Họ, những nhà báo Mỹ đó lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người Việt Nam để được nổi tiếng. Và hẳn nhiên, các nhà sư tranh đấu đã không bỏ qua cơ hội lợi dụng các nhà báo này. Vì thế, họ đã có chủ đích là chỉ thông báo tin tức, biến cố của giáo hội cho các nhà báo Mỹ mà thôi. Các nhà sư có mối giao hảo tốt, săn đón và tiếp đãi với các nhà báo Mỹ mà không thông báo cho bất cứ báo chí Việt Nam nào. Những thông tin của những nhà báo Mỹ vì thế thường thiên lệch và gây những bất lợi không nhỏ cho chính quyền Sài Gòn đồng thời tạo ra một dư luận tiêu cực. Đó là cái vòng luẩn tai hại chống lại Diệm, “The bonzes took care to keep American reporters like David Halberstam and Malcolm Browne appraised of their actions, contributing to Saigon government crackdowns on the journalists, which then led to negative reporting with consequent adverse shifts in opinion in the United States.” (Trích Lost Crusader, The secret wars of CIA Director William Colby, John Prados, New York: Oxford University Press, 2003, trang 110). Rồi bà Nhu nổi nóng, mất khôn nói một câu khó tha thứ “barbeques”. Báo chí làm vẩn đục thêm bầu khí, làm cho hai bên chính quyền và Phật giáo không tin tưởng vào thiện chí của nhau nữa. Ông Nhu tỏ ra cứng rắn hơn. Phần Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết gửi thư không tin tưởng vào thiện chí của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Câu chuyện nhỏ ngày càng trở thành lớn. Trùm mật vụ Colby sau này nghĩ lại nếu chính quyền Mỹ ủng hộ chính quyền ông Diệm trong lúc họ đang cần sự ủng hộ ấy thì có thể thuyết phục ông Diệm đi đến một sự hòa giải thuận lợi. Nhưng rất tiếc điều đó đã không xảy ra. Người đảm trách công việc giao thiệp với báo chí Mỹ của Phật giáo là Đại đức Thích Đức Nghiệp.(1) HT Thích Quản Đức tự thiêu (ngã tư Phan Đình Phùng/Lê Văn Duyệt, Saigon, 11/06/1963) Nguồn: Malcolm Browne, AP -------------------------------------------------------------------------------- Theo lời khai của một thương tọa (xem chú thích cuối bài), TT Thích Đức Nghiệp đã có ý định cầm dao đâm một nhà sư khác vì những bất đồng quan điểm trong công cuộc tranh đấu của Phật giáo. Đại đức Thích Đức Nghiệp vốn làm thông dịch viên cho Mỹ và cũng là người được TT Thích Tâm Châu giao phó tổ chức vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Ông đã tổ chức thật chi tiết và chu đáo vụ tự thiêu này. Sự can thiệp của Mỹ sau này làm cho nhiều người không ngần ngại cho rằng giữa phong trào tranh đấu của Phật giáo và chính sách của Mỹ đối với đệ I cộng hòa có những điểm chung về mục tiêu mà hai bên đều có lợi.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 15:45:04 GMT 9
NHỚ NGÀY 1–11-1963: CUỘC ĐẢO CHÁNH TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM NGÀY 1 - 11 -1963 TẠI NAM VIỆT NAMLời tác giả: Trước khi đọc loạt bài “Cuộc đảo chánh lật đổ và giết chết Ông Ngô Đình Diệm", được chia làm 3 phần : 1/- Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ ông ngô Đình Diệm? 2/- Diễn tiến cuộc đảo Chánh.3/- Ai ra lệnh giết chết ông Ngô Đình Diệm ? Người viết xin mời độc giả đọc qua đoạn này, trích trong bài viết của nhà văn Chu Tất Tiến trước đã, vì gần đây, cho tới bây giờ mà đó đây người ta vẫn thấy những bài viết của vài “nhà văn lớn“ trên Báo in cũng như Báo online, phạm phải 3 điểm sai lầm quan trọng nhất trong số những điều sai lầm: A/- Ông Ngô Đình Diệm bị đảo chánh vì đàn áp Phật Giáo (mà hình thức bắt đầu bị coi là đàn áp Phật Giáo chỉ xẩy ra khi tiến trình (process) đảo chánh đã bắt đầu xẩy ra ở Huế theo âm mưu dàn dựng của ngoại quốc và đám Tướng Lãnh, Sĩ Quan cao cấp trong Quân Đội Nam Việt Nam ham quyền, hám lợi, bị ngoại quốc mua chuộc). B/- Ông Ngô Đình Diệm giao các chức vụ quan trọng trong Chính Phủ cũng như Quân Đội cho các nhân vật hầu hết là người Thiên Chúa Giáo cùng tôn giáo với ông Diệm. C/- Chính phủ Mỹ, người Mỹ ra lệnh giết chết ông Ngô Đình Diệm (trong khi thực sự thì chẳng có chính phủ Mỹ hay người Mỹ nào ra lệnh giết chết ông Diệm cả). Phan Đức Minh CÁI CHẾT ĐAU THƯƠNG CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM Trong cuốn Dragon D'Annam, Cựu hoàng Bảo Đại cho biết, vào giai đoạn khó khăn và khẩn trương nhất của VN 1954, nhà vua đã tha thiết mời gọi ông Ngô Đình Diệm, lúc đó là một tu sĩ Thiên Chúa Giáo tại dòng tu Thánh Benedict, New Jersey, Hoa Kỳ, về lãnh đạo và cứu nguy đất nước. Ông NĐ Diệm làm Thủ Tướng thời Vua Bảo Đại và sau đó được dân bầu lên làm Tổng Thống VNCH. Ông Diệm lãnh đạo từ 7-1954 cho đến khi Tướng Dương Văn Minh kêu gọi một số tướng lãnh, theo lệnh Mỹ và CIA, làm cuộc đảo chánh và Tướng DV Minh ra lệnh giết chết Ông Diệm vào ngày 2 tháng 11, 1963 cùng bào đệ NĐ Nhu. Trong chín năm, TT Diệm đã thăng chức tướng lãnh và gắn lon tướng cho hơn hai mươi sĩ quan từ Chuẩn tướng lên Đại tướng. Người ta nhận thấy trong các tướng lãnh do TT Diệm bổ nhiệm, tất cả đều là người PHẬT TỬ. Không có tướng lãnh nào Công Giáo cả. Trung Tướng Trịnh Minh Thế là Phật giáo Hòa Hảo và Thiếu Tướng Văn Thành Cao đạo Cao Đài. Lịch sử ghi rõ, trong nội các làm việc trực tiếp với TT, TT NĐ Diệm đã bổ nhiệm hơn hai mươi Bộ trưởng và Tổng trưởng. Tất cả đều là Bộ Truởng và Thứ Trưởng người PHẬT TỬ (98 %) - (ngoại trừ 1961 Bộ Trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung là người Công giáo duy nhất). TT NĐ Diệm đã liên tục chọn Ông Nguyễn Ngọc Thơ, một người Phật Tử thuần túy, làm Phó TT, đứng chung liên danh cho đến khi ngày TT bị thảm sát. Những chức vụ quan trọng trong chính phủ như Thủ Tướng (Vũ Văn Mẫu), Đô Trưởng Sài Gòn & Gia Định, Tổng Trưởng Ngoại Giao... Đại sứ VN tại Hoa Kỳ (Trần Văn Chuơng), và Âu Châu như Pháp, Đức, Ý, Anh..v..v. TT Ngô Đình Diệm đều dành cho người Phật Tử. Các tư lệnh quân đoàn cũng vây. Trong bốn quân đoàn của VNCH, quân đoàn ba quan trọng nhất. TT Diệm bổ nhiệm Trung Tướng Tôn Thất Đính làm Tư Lệnh Quân đoàn ba, quân khu ba, và nắm luôn Tư lệnh biệt khu Thủ đô SG. Do đó sau khi được Thượng Toạ Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu áp lực móc nối thì Tướng Tôn Thất Đính theo Tướng DV Minh phản Thầy... thì chắc chắn Ông Diệm phải chết. Bây giời người viết xin mời quý vị đọc từng phần của loạt bài viết “Cuộc Đảo Chánh ngày 1 tháng 11 - 1963 và Lệnh giết chết ông Ngô Đình Diệm dưới đây “. 1/- Tại sao có cuộc Đảo Chánh lật đổ Ông Ngô Đình Diệm (Mến tặng những người bạn trẻ của tôi sinh trưởng sau sự kiện lịch sử này và đang sống bất cứ ở đâu trên trái đất này: trong hay ngoài nuớc Việt Nam). California - U.S.A. Phan Đức Minh 1.- Tình hình trước khi xẩy ra cuộc Đảo Chánh: * Những tháng giữa năm 1960, Ông Diệm với tư cách Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, đi thăm các Bộ Tư lệnh Quân Khu I - 2 - 3 - 4 và Quân Khu Thủ Đô để nói chuyện với các Sĩ Quan thuộc các Quân Binh Chủng về một vấn đề vô cùng quan trọng: Người Mỹ muốn đổ các đơn vị tác chiến (Combatant Units) của họ vào lãnh thổ Nam Việt Nam để đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong công cuộc chiến đấu chống cộng sản trên chiến trường này. Tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân Khu I, Đà Nẵng, trước mặt rất đông Sĩ Quan: cấp Tướng, cấp Tá và cấp Úy, Ông Diệm đã nói rõ ý chí của Ông là nhất định không chấp nhận cho người Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam mà chỉ chấp nhận vai trò của người Mỹ trong nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Ông nói: “Chúng ta cần có sự cố vấn và huấn luyện của Mỹ, chúng ta cần có sự viện trợ quân sự, kinh tế của người Mỹ, nhưng chúng ta không cần, và nhất định không chấp nhận để cho người Mỹ chiến đấu thay thế cho chúng ta trong công cuộc bảo vệ Quê Hương, Đất Nước này. Cuộc chiến đấu này không thể đơn thuần giải quyết bằng sức mạnh của vũ khí chiến tranh, nhất là bằng một đạo quân viễn chinh từ một quốc gia khác kéo đến. Nếu người Mỹ làm việc đó, chúng ta sẽ mất hết chính nghĩa, mất sự hậu thuẫn của nhân dân, tôi sẽ trở thành Tổng Thống bù nhìn và anh em, các Sĩ Quan sẽ chỉ còn là những kẻ đánh thuê cho ngoại quốc... “. Ông nói thật nhiều, với tất cả tấm lòng và trái tim của Ông. Rồi ông kêu gọi tất cả các Sĩ Quan Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, đã từng nêu cao tinh thần anh dũng, can đảm trên mọi chiến trường khắp các Vùng Chiến Thuật (Tactical Areas), hãy cùng Ông bằng mọi giá, giữ vững lập trường, đi đúng đường lối lãnh đạo chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc mà ông đã vạch ra và quyết tâm theo đuổi, bất chấp mọi sức ép bất cứ từ đâu đến! Những cánh tay giơ lên, những tiếng hô vang làm rung chuyển cả Hội Trường Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I - Quân Khu I. “Quyết tâm ủng hộ Tổng Thống ! Quyết tâm giữ vững lập trường chiến đấu của Tổng Thống để bảo vệ Tổ Quốc !“ Tôi lúc đó chỉ là một Chuẩn Uý hiện dịch, nhưng với cái vốn kinh nghiệm gần 7 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, 2 lần bị Tây bắt nhốt đầu vào tù. Lần thứ 2, tôi tự nguyện nằm chờ ở ruộng lúa Tiên Hưng, Tỉnh Thái Bình, chờ cho quân đội Pháp đến bắt để thoát ly khỏi hàng ngũ kháng chiến do Đảng cộng sản lãnh đạo, để khỏi làm liên lụy đến người thân, bạn bè của tôi còn trong hàng ngũ kháng chiến vì tôi đã biết: người Pháp bắt không đáng sợ khi họ đã bắt được mình, như qua lần thứ nhất bị bắt, họ đối xử rất nhân đạo, không như cộng sản. Lại hơn 6 năm chống cộng sản, xuất thân từ một Binh nhì trong Quân đội quốc gia Việt Nam (Private/ Soldat de 2ème classe, không theo học trường Sĩ Quan nào cả) tôi cũng đủ trí khôn để thông cảm với những khó khăn, nguy hiểm đang đợi chờ Ông Diệm, vị Tổng Thổng đầu tiên của nền Cộng Hoà non trẻ tại Nam Việt Nam. Tôi thấy ông Diệm thật vô cùng can đảm coi cái chết cho Tổ Quốc, cho dân tộc quá nhẹ nhàng, dám chống lại những thế lực lúc đó ai cũng phải kiêng nể. Tôi nhìn các Sĩ Quan đàn anh đứng chung quanh, hình như ai nấy đều linh cảm thấy có một cái gì nặng nề, nguy hiểm đang đợi chờ vị Tổng Thống khả kính và can đảm của mình. Phải thành thực mà công nhận rằng: vào thời gian đó, dưới sự lãnh đạo của Ông Diệm, Quân Đội ra Quân Đội, Tướng Tá ra Tướng Tá, Sĩ Quan ra Sĩ Quan, chớ không có... hổ lốn, bát nháo như một số khá đông của những thời gian sau này, sau khi Ông Diệm không còn nữa. Tôi không phải là người công giáo như Ông Diệm, mà chỉ là một quân nhân hiện dịch thuần tuý, đặt quyền lợi Tổ Quốc lên trên hết, nhưng cũng thấy mắt mình nhoà đi. Tôi cầu xin Ơn Trên phù hộ, che chở cho Ông, cũng như cho Đất Nước này… • Ngày 19-6 -1960: Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn Elbridge Durbrow, gửi cho ngoại trưởng Mỹ, Christian Herter ở Hoa Thịnh Đốn 1 điện văn mật thông báo tình hình Sài Gòn: Có thể có 1 cuộc đảo chánh nhằm lật đổ chính quyền của Ông Diệm, trong khi đó ở nông thôn, hoạt động của cộng sản gia tăng mạnh mẽ. Phần cuối, bản văn kết thúc “Nếu thế đứng của Ông Diệm tiếp tục giảm sút, không còn phù hợp với tình thế chính trị, tâm lý, kinh tế và an ninh tại đây nữa thì có thể là điều mà chính phủ Hoa Kỳ nên tính đến những phương cách khác để hành động và thay thế người lãnh đạo hầu đạt đến những mục tiêu của chúng ta..." (If Diem’s position in the country continues to deteriorate as result failure adopt proper political, psychological, economic and security measures, it may become necessary for US Government to begin consideration for alternative courses of action and leaders in order to achieve our objectives…). * Ngày 11-12 tháng 11-1960: Đại Tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Lữ Đoàn nhẩy dù và Trung Tá Vương Văn Đông (nhưng ban đầu chủ yếu lại là Vương Văn Đông) chỉ huy một lực lượng quân sự gồm nhiều Tiểu Đoàn nhẩy dù và 1 đơn vị Thuỷ Quân Lục Chiến, bao vây dinh Tổng Thống để làm một cuộc đảo chánh với lý do được công bố trên đài phát thanh Sài Gòn đã bị quân đảo chánh chiếm giữ “... Ông Diệm đã tỏ ra không đủ khả năng cứu đất nước khỏi họa cộng sản cũng như bảo vệ sự đoàn kết quốc gia… - Diem has shown himself incapable of saving the country from Communism and protecting national unity… “ Biết rằng cuộc âm mưu đảo chánh này không do những nhân vật chính trị có danh tiếng, không có hậu thuẫn chính trị thực sự của dân chúng, không có sự tham gia của các Tướng Lãnh cũng như lực lượng quân đội dưới quyền cho nên Ông Diệm tạo thế trì hoãn, thoái thác nhượng bộ trước sự đòi hỏi của phe đảo chánh là từ bỏ chính quyền và đợi cho các lực lượng quân đội, hầu hết vẫn còn trung thành với ông, từ các nơi kéo về dẹp loạn. Cuộc đảo chánh bất thành vì quá non kém về tổ chức, lãnh đạo cũng như đường lối chinh trị và quân sự. Tuy nhiên cuộc đảo chánh bất thành này đã đem lại cho chính quyền của Ông Diệm những bài học quan trọng: A.- Cộng sản càng tích cực tung cán bộ vào thành phố khai thác những mâu thuẫn, bất đồng giữa chính quyền và các nhân vật, các nhóm chống đối tại thành thị. Những mâu thuẫn này tất nhiên phải có trong hoàn cảnh miền Nam Việt Nam đang phải thực hiện một xã hội tương đối tự do, dân chủ, phồn thịnh (hơn hẳn miền Bắc), cùng một lúc phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lăng, phá hoại toàn diện của cộng sản Hà Nội, được chỉ đạo và yểm trợ từ Mạc-Tư-Khoa cũng như từ Bắc Kinh, theo “ Đường lối cách mạng vô sản toàn cầu của Đệ Tam Quốc tế - Global Proletarian Revolution Policy of the Third International “. B.- Thi hành 1 đường lối vô cùng khó khăn khả dĩ đáp ứng được nhu cầu của tình thế: * Giữ vững chính quyền đang bị âm mưu khuynh đảo từ bên ngoài do bọn tài phiệt quốc tế, ở bên trong thì do cộng sản chỉ đạo. Ngay trong nội bộ hàng ngũ quốc gia cũng có những phần tử ham danh, hám lợi cũng như quyền lực đang chờ đợi thời cơ để hành động. * Giữ vững tinh thần kỷ luật và lòng trung thành của quân đội, là sức mạnh bảo vệ chính quyền, chế độ. Đồng thời giữ vững sự đoàn kết các tôn giáo là sức mạnh hậu thuẫn của nhân dân, nhưng cả hai: Quân Đội và Tôn giáo lại là những mục tiêu quan trọng nhất mà cả 3 lực lượng chống phá nói trên đang nhắm vào để làm nổ bùng một cuộc đảo chánh khác, có tầm vóc quy mô, có tổ chức tinh vi hơn cuộc đảo chánh đã thất bại một cách dễ dàng ngày 11 tháng 11 năm 1960. * Ngày 20-12-1960: Để đánh lừa dư luận quốc tế, để thu hút các nhóm chống đối và lôi kéo nhân dân Miền Nam, cộng sản Hà Nội tuyên bố chính thức cho ra mắt công khai Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tại 1 Chiến Khu (Strategic War Zone) của cộng sản tại phiá Đông của Nam Việt Nam, thành phần bao gồm chừng 100 nhân vật nói là đại diện cho các nhóm chính trị đối lập với chính quyền, đại diện cho các tôn giáo có mặt tại Nam Việt Nam, các lực lượng vũ trang còn sót lại sau khi bị quân chính phủ đánh tan trong các chiến dịch hành quân tại miền Tây trước đó vài ba năm. Mặt trận này thực sự đặt dưới quyền lãnh đạo của một cán bộ cao cấp của Hà Nội, thuộc Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng (Political Bureau of the Party’s Central Committee). • Ngày 1 tháng 4 - 1961: Cộng sản tung 1 Tiểu Đoàn chủ lực quân, có du kích địa phương tăng cường, gồm hơn 400 quân, tấn công thử sức vào 1 ngôi làng chiến đấu kiểu mẫu của “Quốc sách ấp chiến lược - National policy of Strategic Hamlets” thuộc Tỉnh Kiến Hoà, nhưng bị quân đội Cộng Hoà đánh tan và bị thiệt hại nặng nề. Hai ngày sau, cộng sản thử sức lần nữa bằng cách tấn công vũ bão và bất ngờ vào khu vực Bến Cát, phía Bắc Sài Gòn, nhưng hơn 100 quân cộng sản bị quân Cộng Hoà tiêu diệt, bỏ xác tại trận. Cộng sản buộc phải đổi hướng, tập trung nỗ lực vào những hoạt động võ trang phá hoại tại các thành phố, tung cán bộ len lỏi vào trong các tầng lớp nhân dân, hàng ngũ tôn giáo có đông đảo quần chúng nhưng hệ thống tổ chức thiếu chặt chẽ, để tìm cơ hội gây xáo trộn chính trị tại các thị trấn, nơi tập trung đông đảo dân cư, làm suy yếu chính quyền Miền Nam thay vì nôn nóng giành chiến thắng quân sự để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị và ngoại giao. • Ngày 12-5-1961: Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson, trong cuộc viếng thăm Á Châu, đã gặp Tổng Thống Diệm tại Sài Gòn. Ông Johnson ca tụng Tổng Thống Diệm là một Churchill của Á Châu và nói: “Đối với thế đứng của Hoa Kỳ tại Á Châu, Tổng Thống Diệm là nhân vật, là người bạn không thể thiếu được.” Tuy nhiên, khi trở về Mỹ, ông Johnson lại báo cáo cho Tổng Thống Kennedy cũng như cho các nhân vật chính trị cao cấp biết rằng: Ông Diệm vẫn giữ vững lập trường không cho quân chiến đấu của Hoa Kỳ vào Việt Nam, trừ phi cộng sản Hà Nội xua quân tràn qua vĩ tuyến 17 một cách đại quy mô như cộng sản Bắc Hàn đã xua quân tràn qua vĩ tuyến 38 hồi 1950. * Ngày 18-9-1961: Cộng sản bất thần mở trận đánh lớn cấp Trung Đoàn (Regiment), tung 1,500 quân bao vây và đánh chiếm Tỉnh Lỵ Phước Vinh, sau khi đã mở chiến dịch gồm 41 trận đánh lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ Miền Nam để áp đảo và chia sẻ lực lượng đối phương. Sau đó 3 tuần lễ, tại diễn đàn Quốc Hội, Tổng Thống Diệm chính thức tuyên bố với quốc dân và thế giới là Việt Cộng, với sự chỉ đạo và yểm trợ của cộng sản quốc tế đã chính thức biến cuộc chiến tranh du kích trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà thành một thứ chiến tranh xâm lăng quy mô thực sự, có sự tham chiến của quân chính quy cộng sản, được trang bị tối tân và hùng hậu… Bọn tài phiệt quốc tế, buôn bán chiến tranh, càng thêm cơ hội để tung tiền và thủ đoạn để đưa đám “Lobbyists“ vào các hành lang, ngõ ngách của Quốc Hội, hệ thống truyền thông Hoa Kỳ, dọn đường cho một kế hoạch ào ạt đổ quân tác chiến của Mỹ và lôi kéo một số đơn vị quân đội Đồng Minh vào chiến trường Nam Việt Nam. Chậm chân là thiệt hại cả... núi đô la chớ không phải chuyện đùa. Nhưng, lại tiếng nhưng ở chỗ này ! Nhưng Ông Diệm nhất định không chấp nhận cho quân đội tác chiến của Mỹ chiến đấu tại Nam Việt Nam. Còn Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy thì cũng không hăng hái, thiết tha cho lắm với việc đổ quân tác chiến của Mỹ vào chiến trường Miền Nam trong hoàn cảnh lúc này vì nó không như lúc cộng sản Bắc Hàn xua quân cấp Quân Đoàn (Army Corps) tràn qua vĩ tuyến hồi năm 1950… Ông Kennedy vẫn trung thành với “Đường lối ngăn chặn - Containment Policy “ để chống lại sự bành trướng của phong trào cộng sản trên thế giới từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, bằng những phương cách ít tốn sinh mạng người Mỹ nhất, trừ trường hợp nền an ninh của Mỹ bị đe dọa trực tiếp, nghĩa là ông Kennedy chỉ chấp nhận hy sinh nhân mạng của Mỹ trong Trường hợp bất khả kháng - In case of absolute necessity“. Thế thì “chúng nó“ bắt buộc phải loại trừ Ông Diệm khỏi ngôi vị lãnh đạo Nam Việt Nam trước đã, và sau đó bất cứ kẻ nào làm ngăn trở việc đổ quân tác chiến của Mỹ vào Nam Việt Nam cũng đều bị “chúng nó“ xoá sổ hết (kể luôn cả Tổng Thống Mỹ). * Ngày 2-1-1963: Tại Ấp Bắc, cách Sài Gòn 40 dậm về phiá Đông Nam, gần 2 Trung Đoàn, 2,500 quân thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, trang bị vũ khí tự động, có xe tăng, thiết vận xa, pháo binh và không quân (cả khu trục cơ lẫn trực thăng) yểm trợ, mở cuộc hành quân bao vây, tiêu diệt 1 lực lượng cộng sản gồm chừng I Tiểu Đoàn (Battalion) hơn 300 quân chủ lực địa phương, với hoả lực yếu kém hơn rất nhiều, lại không có xe tăng cũng như không quân, pháo binh yểm trợ. Kết quả thật là đau buồn: Cộng quân thoát khỏi vòng vây vào ban đêm, gần như toàn vẹn chủ lực, sau khi đã gây cho quân chính phủ những tổn thất đáng kể. Thật là một cơ hội bằng vàng để bọn tài phiệt quốc tế dùng ảnh hưởng, sức mạnh của đồng đô la để lái các cơ quan truyền thông, hướng dẫn dư luận, gây áp lực tại Hoa Kỳ, từ Quốc Hội cho đến chính phủ phải bằng mọi giá đổ quân tác chiến của Mỹ vào Việt Nam ngay lập tức. Nếu không, “Tiền đồn chống cộng“ của Mỹ tại Á Châu sẽ xụp đổ và “Chính sách ngăn chặn cộng sản“ của Mỹ trên thế giới sẽ thất bại và... nền anh ninh của chính nước Mỹ cũng sẽ bị lâm nguy... Chúng đem câu nói của Lenin, Sư Tổ của cách mạng vô sản 1917 tại Nga, người đã mở đường cho phong trào cộng sản thế giới bùng ra hết cách ngăn cản sau thế chiến thứ 2, mà dọa cả nước Mỹ. “Trước hết, chúng ta hãy chiếm giữ Đông Âu, rồi nắm lấy khối quần chúng khổng lồ ở Á Châu, sau đó bao vây Hoa Kỳ là thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta khỏi phải đánh đấm chi cả, Hoa Kỳ cũng sẽ rơi vào tay chúng ta như một trái cây đã chín rữa". - "First, we will take eastern Europe, then the masses of Asia, then we will encircle the United States which will be the last bastion of Capitalism. We will not have to attack, it will fall into our hands like an overipe fruit.” (The Death of A Nation - John A. Stormer - The Liberty Bell Press - Florissant Missouri, July 1978, Page 14). * Ngày 8-5-1963: Dưới sự phù phép của CIA Mỹ, cộng thêm mưu mô của cộng sản Xứ Uỷ miền Trung Việt Nam, bùng nổ vụ rối loạn, chống đối ở Cố Đô Huế, giữa hàng chục ngàn tín đồ Phật Giáo với nhân viên chính quyền địa phương và các lực lượng an ninh. Tổng Thống Diệm tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia là vụ này có bàn tay của cộng sản nhúng vào, gây thêm tình trạng khó khăn cho địa phương, tạo thêm sự mâu thuẫn trầm trọng giữa chính phủ và 1 tôn giáo lớn trong nước. Cuộc rối loạn ngày càng gay go, dữ dội, quyết liệt và biến sang hình thức “Một tôn giáo lớn nhất trong nước - thường kể luôn cả những người chỉ theo “ Đạo thờ cúng Ông Bà “, những người (trong đó có cả tôi) 1 năm chỉ ngày Tết theo gia đình đến Chùa Lễ Phật 1 lần, còn ngoài ra không biết gì cả), không được đào tạo, huấn luyện, sinh hoạt tôn giáo chặt chẽ - chống lại một hệ thống chính quyền được lãnh đạo bởi 1 Tổng Thống là người thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã.“ Phía chính phủ thì lên tiếng: Tổng Thống Diệm sử dụng người theo nguyên tắc thông thường của các nhà lãnh đạo là căn cứ vào tài năng, đức độ, sự tin cậy, thích hợp cho công việc và lợi ích quốc gia, chớ không phải vì kỳ thị tôn giáo…(Sau 1975, Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, kìm kẹp kẻ đối lập, áp bức dân chúng gấp triệu lần Ông Diệm, mà sao chưa thấy phe phái nào biểu tình, chống đối để lật đổ chính quyền? Hay nhỉ ! Chẳng lẽ cộng sản nó tài, nó giỏi đến thế !). Sự rối loạn càng bùng lên dữ đội và lan mạnh tới các thành phố lớn rồi di chuyển trung tâm đấu tranh chống chính phủ về ngay tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan quyền lực quốc gia, các Toà Đại Sứ ngoại quốc, cũng như các cơ sở truyền thông quốc tế. Tại đây, Thượng Toạ Thích Trí Quang, một trong những vị lãnh đạo cao cấp, có uy lực của Phật Giáo, gốc người Bắc Việt, 2 lần bị Pháp bắt vì tình nghi có liên lạc với Việt Minh (cộng sản), được biết là một nhân vật tôn giáo vận đặc biệt trong hoạt động chính trị, của cộng sản từ năm 1946, cùng lúc với người viết bài này đang đứng trong hàng ngũ kháng chiến, có chút chữ nghĩa và người thân ở cấp trên che chở, nên được làm việc tại cơ quan Tuyên Huấn, được phép đọc nhiều sách báo của cộng sản nên biết được sự việc.. Dưới sự lãnh đạo của cộng sản, ông Thích Trí Quang đứng ra phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh của dân chúng. Thượng Toạ thông báo cho phía Mỹ biết là người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hoạt động của chính quyền Sài Gòn do Mỹ ủng hộ… (Thich Tri Quang, a politically sophisticated monk of North Vietnamese origin, twice arrested by French on suspicion of Vietminh connections, stirs the people against Diem and informs US officials, whom he holds responsible for Diem because of US support…). * Ngày 7-6-1963: Bà Ngô Đình Nhu lên tiếng tố cáo trước dư luận là người Mỹ đã cố tình nhúng tay vào, tạo nên vụ biến động này và thúc đẩy cho ngày một thêm trầm trọng, phức tạp thêm, nhằm khuynh đảo chính quyền của Tổng Thống Diệm vì Tổng Thống Diệm cương quyết không chấp nhận chính sách can thiệp chính trị và quân sự của người Mỹ, là chính sách đi ngược lại ý nguyện và quyền lợi của dân chúng Nam Việt Nam. * Ngày 11-6-1963: Thượng Toạ Thích Quảng Đức (theo kế hoạch của ông Thích Trí Quang) tự thiêu ngay tại trung tâm thủ đô Sài Gòn, để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính phủ. Dư luận dân chúng trong nước và thế giới bị xúc động mạnh. Báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan truyền thông khác, nhất là tại Mỹ (đã bị lâm trận hoả mù của bọn Lobbyists nói ở trên) khai thác tối đa vụ này theo chiều hướng “ Phải thay thế ngay người lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam“. Đang cơn dầu sôi lưả bỏng như thế thì Bà Ngô Đình Nhu, vì tức giận người Mỹ và lực lượng đấu tranh nên đã nóng giận, mất sự khôn ngoan, bình tĩnh cần thiết trước tình thế bất lợi cho chính phủ. Bà Nhu lên tiếng mạt sát, thoá mạ cuộc tự thiêu của Thượng Toạ Quảng Đức. Thật là “Lửa đã đỏ lại đổ thêm dầu “. Điều này làm cho dư luận dân chúng thêm phẫn nộ, nghiêng hẳn về phía lực lượng đấu tranh chống chính phủ. * Ngày 27-6-1963: Thấy tình hình Sài Gòn rối loạn, khó gỡ được ra, Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bổ nhiệm Ông Henry Cabot Lodge, thuộc Đảng Cộng Hòa, sang Sài Gòn giữ chức vụ Đại Sứ Hoa Kỳ, thay thế cho Đại Sứ Nolting, người đang tỏ ra bất lực trong việc gỡ rối cho tình hình Sài Gòn theo chiều hướng có lợi cho chính sách của Hoa Kỳ tại Nam Việt Nam. Thực tâm Tổng Thống Kennedy là chỉ gỡ rối sao cho êm đẹp, thuận lợi cho đường lối, chính sách của Hoa Kỳ, của Ông Kennedy, chớ Ông Kennedy lúc này không hề nghĩ đến việc lật đổ Ông Diệm, nhất là không bao giờ nghĩ đến việc phải giết Ông Diệm. Ông Cabot Lodge được giới chính trị và truyền thông Hoa Kỳ coi là “ Một con cáo già chính trị “ và đồng thời là một “Chuyên viên đảo chánh”, và hiện đang theo đuổi một chính sách mang tính cách “ Diều hâu “ khác hẳn với Ông Kennedy về vấn đề Việt Nam. Một Cabot Lodge, cáo già chính trị, chuyên viên đảo chánh, không cùng 1 Đảng với Ông Kennedy, thuộc Đảng Cộng Hòa, có nhiều liên hệ với quyền lợi của bọn tài phiệt buôn bán chiến tranh, mà sang làm Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn thì tình hình sẽ ra sao? Cabot Lodge được cử sang Sài Gòn với nhiệm vụ “gỡ rối - Untangling“ tình hình, nhưng Cabot Lodge lại quyết định chọn “phương cách gỡ rối “ bằng một “Cuộc đảo chánh - Coup d’ état “ êm ái, nhẹ nhàng, không chọc giận Ông Kennedy, sinh trưởng trong 1 gia đình theo đạo Thiên Chúa, nghĩa là chỉ cần đẩy Ông Diệm ra khỏi ngôi vị lãnh đạo chính quyền Nam Việt Nam, đưa Ông Diệm đi sống lưu vong ở một quốc gia nào đó nằm trong “Quỹ đạo chính trị - Political circle “ của Hoa Kỳ, như Đài Loan, Thái Lan chẳng hạn là đủ rồi. Sau đó, Cabot Lodge sẽ dựng lên một thứ chính quyền mới hoàn toàn biết vâng phục theo ý muốn của Hoa Kỳ, hay đúng ra trong lúc này, là ý muốn của “Giới tài phiệt - Financial Oligarchy “ của Mỹ đang tính chuyện kiếm lời thật lớn lao trong cuộc chiến tranh đang xẩy ra trên đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng đầy đau khổ, máu xương và nước mắt này… Đây cũng là sự mở đường cho quân đội Mỹ nhẩy vào chiến cuộc Việt Nam từ năm 1965 bằng cả sức mạnh của Hải - Lục - Không - Quân, dư sức đánh thắng bất cứ cuộc chiến tranh quy ước (Conventional war) nào, nhưng với chiến tranh nhân dân (People’s War), địch thấy ta, nhưng ta không thấy địch, sau khi ta bị chết một số quân, tràn vào mục tiêu thì địch biến mất, chỉ còn lại từng đám ông già, bà lão trẻ em, có khi ta nổi điên tức giận, xả súng bắn luôn đám dân vô tội này, chưa kể những trường hợp nổi điên, lôi đầu vài người đàn bà vào xó xỉnh nào đó hiếp dâm cho hả giận thì quân ta chỉ có …từ chết đến bị thương lê lết. Đánh muôn năm, càng đánh càng lún sâu vào vũng lầy thất bại. Đối phương có chính nghĩa, đánh đến … người dân cuối cùng để chống xâm lăng, bảo vệ Tổ Quốc.Do đó cuộc chiến tranh này đã ghi vào Lịch Sử cũng như Quân Sử Hoa kỳ là cuộc thua trận đầu tiên một cách thê thảm… Kissinger phải đi đêm với Trung Cộng, chịu mọi giá xin cho được cái “ Agreement of cease-fire “ đễ Mỹ rút quân cho có giấy, có tờ tại cuộc Hoà Đàm tại Paris, chớ không thì bọn Việt Cộng hăng máu, nắm thế thượng phong, với sự yểm trợ hết mình của Liên Sô và cả Trung Cộng, đòi đánh cho Mỹ phải chạy vô điều kiện, không hiệp ước, Hoà Đàm chi cả… * Đó ! Câu trả lời cho cái đầu đề của bài viết này “ Tại sao có cuộc đảo chánh lật đổ Ông Ngô Đình Diệm?“ Thiết tưởng đã đủ rõ ràng, khả dĩ góp phần nhỏ bé vào việc làm sáng tỏ 1 trang lịch sử cận đại của một đất nước, một dân tộc anh hùng, nhưng quá bé nhỏ trước nanh vuốt của một bầy thú dữ khổng lồ... Xin mời đón xem 2 bài kế tiếp : 1/- Diễn tiến cuộc Đảo Chánh. 2/- Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Diệm ? NHỚ NGÀY 1 THÁNG 1 -1963: DIỄN TIẾN CUỘC ĐẢO CHÁNH LẬT ĐỔ ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM Đi vào con đường đảo chánh : Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, Ông Nolting, hết phương gỡ rối. Báo cáo được tới tấp gửi về Hoa Thịnh Đốn, và Bộ ngoại giao Mỹ liên tục phúc trình tình hình nguy ngập tại Sài Gòn với yêu cầu phải thay thế ngay Ông Diệm bằng một người khác. Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy, vốn không thích thú lắm với chính sách can thiệp sâu đậm của Mỹ vào cái "Vũng lầy Việt Nam" ngay từ khi vào Toà Bạch - Ốc, để phải đối đầu trực tiếp với Liên Sô và Trung Cộng, đành phải chọn Ông Henry Cabot Lodge thuộc Đảng Cộng Hòa - một tay cáo già chính trị, từng nhiều phen giải quyết gọn lẹ những vấn đề của Mỹ tại nhiều quốc gia trên thế giới - sang Sài Gòn thay thế Ông Nolting trong việc gỡ rối tình hình. Khi cần thay thế một chính quyền tại quốc gia nào đi ngược lại quyền lợi của Mỹ là Cabot Lodge làm xong ngay. Thực tâm Ông Kennedy là muốn Cabot Lodge sang Sài Gòn giàn xếp sao cho ổn thoả, có lợi cho đường lối, chính sách và quyền lợi của Mỹ tại đây; nhưng Cabot Lodge thì ngay từ lúc nhận lệnh để lên phi cơ sang Sài Gòn, là đã tính ngay chuyện loại Ông Diệm ra khỏi chính quyền, thay thế bằng một người hay một nhóm nhân vật lãnh đạo mới, biết vâng phục đường lối của Mỹ trong lúc này (bị bọn tài phiệt thao túng theo đường hướng buôn bán chiến tranh, đổ quân tác chiến của Mỹ vào chiến trường Việt Nam). Khi Cabot Lodge nhận nhiệm vụ bước lên phi cơ sang Sài Gòn thì giới truyền thông của Mỹ đã nói chắc như đinh đóng cột là " In Washington, the Kennedy administration begins seriously speculating on a coup against Diem), nghĩa là nói thẳng ra rằng Cabot Lodge sang Sài Gòn với sứ mạng lật đổ Tổng Thống Diệm. Cabot Lodge biết rõ rằng thuyết phục một số Tướng Lãnh có quyền, có quân trong tay đứng ra làm cuộc đảo chánh chẳng mấy khó khăn vì chuyên viên đảo chánh này đã có sẵn trong tay những "Bảo bối quan trọng, thiết yếu nhất;" chỉ việc đem ra sử dụng mà thôi. Đó là: A.- Trong tình trạng rối loạn trước mắt, Cabot Lodge đánh trúng tim những "Người hùng Quân Đội" là phải ra tay gấp để cứu dân, cứu nước. Tướng Lãnh không thể ngồi yên để trông thấy nhà tan, nước mất... B.- Các Tướng Lãnh, những người anh hùng của đất nước phải nắm lấy chính quyền. Chỉ có các Tướng Lãnh mới đủ khả năng và uy thế để lãnh đạo đất nước này đi đến chiến thắng, vinh quang, tự do, hạnh phúc vv... C.- Cabot Lodge lại còn có một thứ vũ khí vô cùng mạnh mẽ, được liệt vào hàng "Siêu hoả lực - Superfirepower", còn hơn cả bom A, bom H, hơn cả phi đạn tầm xa, tầm cụt, đánh đâu thắng đó. Đấy là "vũ khí Đô La". Dùng cả đống đô la (giá trị năm 1963) để lôi kéo 1 số Tướng Lãnh có quyền lực, có quân trong tay vào hàng ngũ đảo chánh trong tình thế Sài Gòn sôi sục đấu tranh như thế thiết tưởng chẳng phải chuyện khó khăn đối với Cabot Lodge, chuyên viên nhà nghề trong những áp-phe đảo chánh. Tướng nào còn do dự, lưng chừng, không quyết tâm đảo chánh thì "Bộ chỉ huy đảo chánh" phải thuyết phục, hù dọa và... chi tiền. Tiền đã có người lo rồi. Sĩ Quan cao cấp nào tỏ ra ương ngạnh, trung thành tuyệt đối với Ông Diệm thì bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh cuối cùng là "xoá sổ luôn". Mục này dễ thôi! Chỉ cần triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu với sự có mặt bắt buộc của các Tướng Lãnh, các Tư Lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn, các Chỉ Huy Trưởng Binh Chủng, các cơ quan trọng yếu của Quân Đội. Ai không quyết tâm, dứt khoát lật đổ Ông Diệm, hay bỏ ra ngoài phòng họp để phản đối thì lực lượng an ninh (đã chọn lựa kỹ càng) phải bắn hạ ngay tức khắc khi kẻ đó vừa bước chân ra khỏi cửa phòng họp, bất kể kẻ đó là ai. Có thế thiên hạ mới sợ mà phải đi theo. Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng đặc biệt - người quân nhân thật sự anh hùng, với tinh thần "Uy vũ bất năng khuất" - là một trường hợp điển hình. Ông đã bị bắn gục ngay khi ra khỏi cửa phòng họp vì Ông không chấp nhận cúi đầu khuất phục trước áp lực của đám người bội phản, bị xúi giục bởi đồng Đô La của ngoại quốc. * Ngày 4-7-1963 : Tướng Trần Văn Đôn, người đang giữ chức vụ chỉ huy cao nhất trong Quân Đội, thông báo cho Lucien Conein, nhân vật cao cấp của cơ quan Tình Báo Trung Ương Mỹ (CIA: Central Intelligence Agency) tại Sài Gòn biết là một vài Tướng Lãnh của Quân Đội Việt Nam... đã ô kê theo kế hoạch và đang ráo riết chuẩn bị cuộc đảo chánh lật đổ Ông Diệm. Tướng Trần Thiện Khiêm, người được Tổng Thống Diệm tin cậy vì đã đem quân từ vùng 4 Chiến Thuật về giải cứu Tổng Thống đầu tiên trong vụ đảo chánh hụt của Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông (1960), và được CIA của Mỹ nhắm mua chuộc, lôi kéo để sử dụng khi cần, mới là người lãnh đạo kế hoạch này, nhưng Tướng Khiêm khôn ngoan lắm, cứ đóng vai chỉ huy ở hậu trường, đề phòng những trường hợp “Mưu sư tại nhân, thành sự tại Thiên - L’ homme propose, Dieu dispose “ khó ai biết trước được. * Ngày 20-8-1963 : Tổng Thống Diệm chấp nhận đề nghị của Tướng Trần Văn Đôn (xưa nay được Ông Diệm tin cậy vì là một trong số những Tướng Lãnh được coi là có thực tài, xứng đáng với cấp chức được giao phó) ban hành Lệnh Thiết Quân Luật - Declaring Martial Law) để giữ vững tình hình và đối phó hiệu quả với cuộc chiến tranh phá hoại của cộng sản trên mọi lãnh vực và trong tình thế hiện tại. Mục đích thực sự của số Tướng Lãnh cầm đầu âm mưu đảo chánh là dựa vào tình trạng thiết quân luật để xiết chặt an ninh, bố trí quân đội cần thiết cho cuộc đảo chánh. Tổng Thống Diệm thì lại nghĩ khác. Ông Diệm nhận thấy tình hình đã đến lúc cần phải tập trung và bố trí lực lượng quân đội để cho bào đệ của Ông, Ông Cố Vấn Chính Trị Ngô Đình Nhu - Người được dư luận đánh giá là viên cố vấn an ninh, chính trị xuất sắc, có mưu lược, khôn ngoan, ra tay dập tắt dứt khoát cuộc âm mưu lật đổ chính quyền. Mang đầy tính chất phức tạp: * Có khá đông dân chúng bị lôi cuốn vào cuộc đấu tranh một cách nghiêm trọng thật sự. * Mang mầu sắc Chiến tranh tôn giáo. * Được một phần quan trọng quân đội chính phủ ủng hộ. * Được người bạn Đồng Minh khổng lồ hậu thuẫn cho mình xưa nay; nay xoay chiều, khuynh đảo chính mình để thay thế bằng một lá bài khác. * Đươc cộng sản quốc nội cũng như quốc tế chú tâm khai thác triệt để hầu làm tan rã một chính quyền chống cộng quyết liệt, và chống cộng có Đường Lối, Sách Lược mang lại hiệu quả rõ ràng. * Ngày 21-8-1963 : Tình trạng càng trở nên phức tạp, nguy hiểm khi quân đội trung thành với chính phủ, đồng loạt mở cuộc tấn công vào các Chùa chiền tại Sài Gòn, Huế và vài thành phố lớn khác; nhằm truy lùng, bắt bớ các nhân vật chính trị đối lập, tu sĩ, tăng ni, sinh viên, bị coi là những thành phần cốt cán của lực lượng đấu tranh chống chính phủ. * Ngày 22-8-1963 : Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu, Giáo Sư Thạc Sĩ (*) Luật Khoa, một Phật tử từ chức và cạo đầu (như các tăng ni) để phản đối sự đàn áp của chính phủ. Đại Sứ Hoa Kỳ, Henry Cabot Lodge, báo cáo về Hoa Thịnh Đốn: Ông Ngô Đình Nhu là người chủ động trong công cuộc đàn áp triệt để này và xác nhận: Các Tướng Lãnh chính thức yêu cầu Hoa Kỳ ủng hộ tích cực cho cuộc đảo chánh đang được xúc tiến tổ chức. * Ngày 24- 8- 1963 : Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cho Cabot Lodge, liên lạc với Tổng Thống Diệm và yêu cầu Tổng Thống loại bỏ ngay Ông Nhu ra khỏi bộ máy chính quyền Sài Gòn. Nếu không thì chính Tổng Thống Diệm cũng là người phải ra đi. Thich Tri Quang, the politically ambitious buddhist monk who helped overthrow Diem's government * Ngày 26-8-1963 : Đại Sứ Mỹ, Cabot Lodge trực tiếp gặp Tổng Thống Diệm để bàn về việc loại bỏ Ông Nhu và thay đổi chính sách. Tổng Thống Diệm nghiêm khắc, nhìn thẳng vào mặt Cabot Lodge, và nói Ông dứt khoát không loại bỏ Ông Nhu và không bàn chuyện thay đổi chính sách với Cabot Lodge. Cabot Lodge sau đó, thúc bách chính quyền Kennedy (cho đến lúc này vẫn còn chưa mạnh mẽ, thống nhất ý chí trong việc lật đổ Tổng Thống Diệm - Lodge presses the Kennedy administration, still badly divided over the issue of encouraging a coup, to support the dissident Generals...) ủng hộ các Tướng Lãnh để lật đổ ngay Ông Diệm. Giám Đốc cơ quan CIA của Mỹ tại Sài Gòn, John Richardson, đồng quan điểm với Cabot Lodge, và tường trình lên Tổng Thống Kennedy là tình hình không còn cách nào cứu vãn được nữa, chỉ còn cách loại bỏ Tổng Thống Diệm và Ông Nhu mà thôi. * Ngày 31-8-1963 : Tại Hội Nghị An Ninh Quốc Gia, Paul Kattenburg, vừa từ Sài Gòn trở về, khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ nên nhân lúc này, tìm cách rút chân ra khỏi "Vũng lầy Việt Nam" một cách danh dự. Ngoại trưởng Dean Rusk phản đối và xác định là Hoa Kỳ sẽ ở lại Việt Nam cho tới khi chiến thắng. Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara khẳng định rằng Hoa Kỳ đang đi tới chiến thắng và phải chiến thắng. Thế mà 2 chục năm sau, McNamara lại viết sách, viết Hồi Ký nhận tội, hối lỗi về sự tham chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam là một sự sai lầm to lớn. Ông McNamara này lại còn sang tận Hà Nội gặp Cựu Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp để thú nhận tội lỗi đàng hoàng. Ông McNamara gián tiếp nói lên rằng: Cả nước Mỹ, từ lớn đến nhỏ, tất cả đều bị... mát dây điện, lẩm cẩm như Ông McNamara hết trơn. Chỉ có một mình Ông Bill Clinton là khôn ngoan, sáng suốt để chơi màn "trốn quân dịch, đóng vai Draft Dodger" để sau này còn sống mà làm Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Hải Lục Không Quân của Siêu Cường Quốc Hoa Kỳ. Gần đây, năm 2010, lại thêm nhân vật bất nhân, bất nghĩa, gian ngoan, thủ đoạn Kissinger, của thời Đệ Nhị Cộng Hoà Nam Việt nam, khi biết cuộc đời của mình sắp đến ngày tàn, cũng lại viết thêm sách, thú nhận : Sự Xụp đổ đau đớn của Nam Việt Nam là do lỗi lầm quan trọng của Hoa Kỳ… Điều này chứng tỏ trong chính phủ Hoa Kỳ lúc đó không có sự thống nhất trong đường lối chiến tranh tại Việt Nam. Việc này làm cho chính Tổng Thống Kennedy cũng không dứt khoát trong vấn đề: Ra đi hay ở lại trong ván bài Việt Nam. Mà nếu ở lại thì ai là người có khả năng thay thế Ông Diệm để làm cho chính sách chống cộng ở đây tốt đẹp hơn. Trong cuộc họp Hội Đồng An Ninh quốc gia, Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson đề nghị: bằng mọi cách, phải đẩy mạnh (leo thang, đổ quân tác chiến vào Việt Nam) cuộc chiến đang thuận lợi. Cuối cùng, Tổng Thống Kennedy phải lớn tiếng: Vậy thì ở Sài Gòn, liệu có thứ chính phủ nào khác có thể chống cộng sản thành công được không? Ông Kennedy lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan (being in a dilemma), ở lại Việt Nam thì càng lún sau vào vũng lầy, phải đối đầu trực tiếp với Mạc-Tư-Khoa và Bắc Kinh, rất nguy hiểm. Không ở lại thì chẳng lẽ thả nổi cái "Chính sách ngăn chặn cộng sản - Containment Policy against Communis " của Hoa Kỳ tại Á Châu thì cái khối dân chúng khổng lồ tại lục địa này sẽ đi tới đâu? Giao hết cho cộng sản hay sao? Vả lại, từ lúc Ông Diệm nắm chính quyền cho đến lúc trước khi xẩy ra tình trạng hỗn loạn này, hai Ông Diệm và Nhu đã tạo được những thành công rất quan trọng về các phương diện: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội, kỷ cương, trật tự, làm cho chính giới Hoa Kỳ tin tưởng rằng Hoa Kỳ cần phải trấn giữ cái "Tiền đồn chống Cộng" này. Bỏ đi sẽ vô cùng nguy hiểm. Ở ba cái xứ lạc hậu, chậm tiến thuộc các lục địa Á Phi (Backward, underdeveloped Asian and African countries), mà lại đang có chiến tranh chống bọn cộng sản ma quái, xảo quyệt thì các Ông Diệm và Nhu quả là những khuôn mặt lãnh tụ rất cần thiết, kiếm cho ra người khá hơn không phải dễ dàng. Trưởng phái đoàn Ba-Lan (cộng sản) trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (International Commission for Supervision and Control of the Cease-fire), Mieczyslaw Maneli, tìm gặp Ông Ngô Đình Nhu để bàn định kế hoạch "Thống nhất và trung lập hoá Việt Nam - Unification and Neutralization of Vietnam" hầu loại bỏ Hoa Kỳ ra khỏi vùng lãnh thổ này, dựa theo kế hoạch của Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle (Pháp còn cay cú với Mỹ lắm, Mỹ không chịu yểm trợ bằng không quân nên Pháp đã phải ra đi sau cuộc thất trận ở Điện Biên Phủ, để cho Mỹ nhẩy vào thay thế). Đại Sứ Pháp tại Sài Gòn, Roger Lalouette, thúc giục Maneli (Ba Lan) liên lạc ngay với Hà Nội để giàn xếp, thực hiện kế hoạch của Tổng Thống Pháp. Còn phía Ông Diệm và Ông Nhu thì chỉ là lối thoát cuối cùng để khỏi bị lật đổ với nhiều kết quả tệ hại, nguy hiểm trong cuộc đảo chánh do phiá Hoa Kỳ đang đạo diễn. Thủ Tướng cộng sản Hà Nội, Phạm Văn Đồng, đón nhận nồng nhiệt kế hoạch của Pháp và Ba-Lan. Maneli trở lại Sài Gòn, gặp Ông Nhu và cho Ông Nhu biết rằng chính quyền Hà Nội sẵn sàng hợp tác với hai Ông Diệm và Nhu để 2 ông thoát khỏi 1 âm mưu thâm độc, đồng thời tìm ra một giải pháp hợp lý, hợp tình cho vấn đề chấm dứt tình trạng chiến tranh Việt Nam... Giám Đốc cơ quan CIA của Mỹ bắt được tin này, liền thúc giục Ngoại Trưởng Mỹ, Dean Rusk: Hoa Kỳ phải ra tay trước bằng cách yểm trợ tích cực cho các Tướng Lãnh thực hiện ngay cuộc đảo chánh, và đề nghị tức khắc tấn công Bắc Việt nếu Hà Nội xiá vô vụ này... (... advises Rusk that the Generals be encouraged to move promtly with their coup, and suggests attacking North Vietnam if Hanoi interferes...). * Ngày 5-10-1963 : Cabot Lodge phúc trình với Tổng Thống Kennedy là Tướng Dương Văn Minh được đề cử vào vai trò Thủ Lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh. Tướng Minh đã gặp Conein (CIA), yêu cầu phía Hoa chắc chắn là: Kể từ lúc này trở đi Hoa Kỳ không nên làm ngăn trở cuộc đảo chánh bằng bất cứ hình thức nào vì tình thế đã đi vào cái thế không thể lùi được nữa, đã quay lưng ra biển mất rồi (lộn xộn là chết hết vì Tướng Minh rất nghi ngờ sự quyết tâm của 2 Tướng Tôn Thất Đính và Nguyễn Khánh, 2 Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn (Army Corps Commanders) có quân trong tay và không nhiệt thành với cuộc đảo chánh này. Tổng Thống Kennedy chấp nhận yêu cầu này và khuyến cáo Cabot Lodge và CIA nên để cho các Tướng Lãnh tùy theo tình hình mà quyết định hành động, cốt sao đạt được mục tiêu của Hoa Kỳ là Chống cộng sản hữu hiệu để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản tại khu vực Á Châu. * Ngày 22-10-1963 : Tướng Mỹ Harkins gặp Tướng Trần Văn Đôn trong buổi tiếp tân tại Toà Đại Sứ Anh ở Sài Gòn. Tướng Harkins nói với Tướng Đôn là Ông ta có nghe biết về cuộc chuẩn bị đảo chánh, và cho rằng đó là 1 điều sai lầm... (He knows of the coup and considers it a mistake...). Tướng Đôn hoảng hồn nên vội gặp ngay Conein của CIA và cho biết cuộc đảo chánh dự trù phải cho cho nổ ra vào ngày 26-10-1963, nhân lúc huy động quân lực cho ngày Lễ Quốc Khánh hàng năm, kẻo không Tướng Harkins nói theo kiểu đó thì... chết hết! Tướng Đôn cũng run lắm chớ! Lỡ Sư Phụ lông lá chơi ngón "phản thùng "thì chết cả lũ! Mà nó hay chơi ngón này lắm. Conein bèn trấn an cho Tướng Đôn bớt ngán. "Cái Ông Tướng Harkins, ông ấy nói theo ý nghĩ cá nhân của Ông ấy. Ăn nhằm chi? Mình cứ... Go ahead!" Tướng Mỹ 4 sao Maxwell Taylor, Chủ Tịch Uỷ Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ (U.S. Chief of Joint Staff) đã từng tâm tình với Tướng Harkins cũng như với Tổng Thống Kennedy là đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm thì rồi hậu quả sẽ phiền toái lắm, nếu không nói là nát bấy (Completely crushed); chúng ta hết còn khả năng chống cộng sản tại mảnh đất này nữa. Cộng sản Hà Nội lợi dụng tình hình rối loạn ở Sài Gòn cũng như nhiều thành phố khác, tung quân đánh phá hệ thống Áp Chiến Lược (System of Strategic Hamlets) do Ông Nhu chỉ đạo tổ chức các làng chiến đấu để chống lại và tiêu diệt các cơ sở chiến đấu hạ tầng (Basic fighting organizations) của cộng sản ngay tại nông thôn vì Ông Diệm và Ông Nhu biết rằng bên nào kiểm soát và nắm vững được nông thôn với 80% dân số thì bên đó sẽ thắng trong cuộc chiến tranh này. Các năm về trước, cộng sản đã từng bỏ hết các thành phố, nhưng nắm vững được nông thôn cho nên cuối cùng nguời Pháp đành chịu thua mặc dầu quân đội Pháp ngay từ lúc ban đầu, luôn luôn làm chủ tình hình trên các chiến trường với những phương tiện chiến tranh hùng hậu tưởng chừng như chỉ tối đa là 3 năm sẽ hoàn toàn tiêu diệt hết khả năng chống cự của cộng sản để đạt chiến thắng. Điều này cũng giống y chang như ý nghĩ của Ông McNamara và nhiều Tướng Lãnh Mỹ khác khi ào ạt đổ quân tác chiến của Mỹ vào Việt Nam; trong đó có cả Tướng 4 sao Westmoreland, một thời từng là Tổng Chỉ Huy quân đội Mỹ tại Việt Nam hơn 10 năm sau vẫn cứ tưởng như vậy. Những nhân vật này chưa bao giờ hiểu được "Sức mạnh của thế chiến tranh nhân dân - Power of People's War Strategy" mà Karl Marx và Lenin, Sư Tổ và Sư Phụ của Hồ Chí Minh, đã dậy cho người cộng sản biết một bí quyết "Làm thế nào để dùng sức yếu, nhưng tinh thần mạnh và quyết thắng của mình để đánh bại một kẻ thù có sức mạnh, nhưng thiếu một tinh thần quyết thắng dẻo dai và bền bỉ.". Trong khi cộng sản tưởng rằng rối loạn ở Thủ Đô và các thành phố thì Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà sẽ chán nản, không còn tinh thần nào mà chiến đấu nữa - lại càng làm cho Tổng Thống Kennedy đâm ra phân vân, nghĩ ngợi là lật đổ Tổng Thống Diệm thì rồi tình hình nam Việt Nam, cái "Tiền đồn chống Cộng ở Á Châu" rồi sẽ ra làm sao đây? Chẳng lẽ bỗng dưng giao hết cho cộng sản! Lại thêm Tướng Maxwell Taylor, Chủ Tịch Uỷ Ban Tham Mưu Liên Quân, qua thông tin từ Tướng Harkins ở Sài Gòn, đã tỏ ra ủng hộ đường lối, chính sách của Tổng Thống Diệm. Theo 2 Tướng Taylor và Harkins thì lật đổ Tổng Thống Diệm, loại bỏ Ông Nhu thì kể như dọn đường, mời cộng sản vào chiếm luôn Miền Nam. Đầu óc Tổng Thống Kennedy thật là chao đảo, lộn xộn về vụ này. Cuối cùng, Tổng Thống Kennedy cấp tốc gửi điện văn cho Cabot Lodge, ra lệnh liên lạc ngay với các Tướng đảo chánh yêu cầu "Hãy khoan thực hiện cuộc đảo chánh! ". Cabot Lodge và một số nhân vật cao cấp của Bộ ngoại giao Mỹ có liên hệ, ảnh hưởng với giới "tài phiệt và phe phái Diều hâu" chủ trương leo thang chiến tranh, đổ quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, đã nhiều lần qua mặt, che mắt Ông Kennedy; lần này lại thêm lần nữa dìm chết bức điện văn hoãn đảo chánh của Ông Kennedy, coi như... không nhận được. Ông Kennedy vốn thông minh cho nên đã nhận biết ra điều này cho nên Ông đã từng ra lệnh và nhắc nhở Bộ ngoại giao Mỹ, các nhân vật cao cấp của Mỹ tại sài Gòn, kể luôn cả Cabot Lodge là "Phải phúc trình ngay cho T ổng Thống biết mọi biến chuyển quan trọng tại Việt Nam thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, và mọi quyết định quan trọng đối với tình hình tại đây đều phải có ý kiến trước của Tổng Thống." Lệnh của TổngThống là như vậy nhưng các nhân vật cao cấp thuộc Bộ ngoại giao, Cabot Lodge và cấp lãnh đạo CIA ở Sài Gòn có thi hành đúng đắn hay không lại là chuyện khác. Vì tình trạng trên cho nên mặc dầu Cabot Lodge nhận được điện văn khẩn (Urgent Message) của Tổng Thống Kennedy yêu cầu liên lạc với các Tướng Lãnh Sài Gòn khoan hãy khởi sự cuộc đảo chánh, nhưng Cabot Lodge chẳng bao giờ thông báo, yêu cầu các Tướng Lãnh thi hành lệnh đó. Cuối cùng (có lẽ vì đau đầu và mệt mỏi về chuyện này quá), Tổng Thống Kennedy đành phó mặc cho con cáo già, chuyên viên đảo chánh, Cabot Lodge, muốn làm chi thì làm (...President Kennedy cables Lodge urgently to ask the Generals to postpone the coup, but Lodge never delivers the message. In the end, Kennedy leaves the final judgement U.S. presient J.F. Kennedy of the matter to Lodge...). Thế là, mặc dầu Tổng Thống Kennedy ra lệnh hoãn kế hoạch đảo chánh lại, nhưng cuộc đảo chánh vẫn xẩy ra vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 khi quân đảo chánh bao vây dinh Tổng Thống tại Sài Gòn, tức là dinh Gia Long vì lúc này dinh Độc Lập đang sửa chữa... Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”, Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm như sau: “Tôi không thể nói - lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta - và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.” (Richard Nixon, The memoirs of Richard Nixon, Touchstone, New York 1990, tr. 256 - 257) Ông cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting trong cuốn "From Trust To Tragedy" của ông ta, đã viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm như sau: "Tôi đã có đọc lịch sử Việt Nam, và đã biết các cuộc chiến tranh giành độc lập của xứ sở này, và cũng đã biết là ông Diệm hiểu biết tường tận, thấu đáo vấn đề. May mắn là tôi cũng đã có một căn bản hiểu biết đáng kể về triết học và khoa tôn giáo đối chiếu. Nhưng tôi hoàn toàn không được chuẩn bị để nghe những điều như thế nàỵ Càng nghe tôi càng thích thú. Tôi đặt những câu hỏi. Mỗi câu hỏi lại mở ra một chương mới, và sau một thời gian tôi nhận ra sự dấn thân tận hiến và lòng say mê của con người này, là người đã hiến trọn đời mình để giữ cho bằng được căn cước lịch sử của dân tôc của ông ta và ông ta hiểu nó, yêu thích nó. ....Cho đến lúc này cáo buộc quan trọng nhất của ông ta là người Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ông ta (TT Diệm) không muốn người Mỹ đoạt lấy trách nhiệm của VN. Ông ta không muốn quân lực Mỹ chiến đấu cho nền độc lập và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam VN. Ông bảo tôi: "Nếu chúng tôi không tự mình thắng cuộc chiến này với sự viện trợ vô giá của qúy quốc thì như vậy chúng tôi sẽ thua và thua là đáng đời". Ông ta vô cùng cương quyết trong vấn đề này và ông ta cảm thấy rằng nếu chính phủ Nam VN trở nên lệ thuộc vào Hoa Kỳ thì như vậy chứng tỏ luận cứ của Việt cộng là đúng. Việt cộng thường nói rằng: "Nếu các anh cúi đầu thần phục Hoa Kỳ thì các anh sẽ thấy các anh đúng chỉ là thuộc địa của Mỹ cũng như 75 năm về trước VN đã từng là thuộc địa của Pháp". Về điểm tế nhị này tôi đã có thể trấn an ông ta, vì toàn bộ ý niệm của những khuyến cáo cho toán đặc nhiệm cũng như những huấn thị cho tôi do TT Kennedy ban hành, là phải giúp Nam VN tự bảo vệ nền độc lập tự Do của họ cho chính họ" (Đại Sứ Hoa Kỳ Frederick Nolting trong cuốn "From Trust To Tragedy"). * Chúng tôi sẽ viết nốt về một vấn đề thật quan trọng, mà cho tới lúc này nhiều người vẫn còn đặt ra câu hỏi: "Ai là người đã ra lệnh giết Ông Ngô Đình Diệm, Tổng Thống đầu tiên của nền Cộng Hoà Việt Nam, ngưới đã chết một cách thảm khốc chỉ vì: * Không chấp nhận cho Mỹ đưa quân tác chiến vào Việt Nam và nắm quyền lãnh đạo cuộc chiến đấu chống cộng sản tại đây, đẩy chính nghĩa của cuộc chiến (Just cause of the war) vào tay cộng sản. * Bị bạn đồng Minh phản bội. * Bị một phần dân chúng hiểu lầm vì âm mưu thâm độc của thù trong và giặc ngoài. * Bị đám tay chân, bộ hạ, ham tiền bạc, quyền hành, hạ độc thủ vì đám người này đã bị sức mạnh Đô La của ngoại nhân khuất phục. *** Chỉ có 1 điều duy nhất an ủi được linh hồn Ông Diệm ở thế giới bên kia là: càng ngày càng có nhiều người Việt Nam (không những ở Miền Nam mà ngay cả ở Miền Bắc), cũng như có nhiều người Mỹ hiểu được sự thật về con người, lòng yêu thương đất nước và dân tộc Việt Nam của Ông. * California - U.S.A. Phan Đức Minh San Diego, California -USA Phan Đức Minh NHỚ NGÀY 1 THÁNG 11 -1963: AI RA LỆNH GIẾT ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM? TẠI SAO? Sau khi ông Diệm bị giết rồi, nhiều người quen thân hỏi tôi, vài năm sau có cả viên Đại Úy cố vấn Mỹ tên Boyd (first name) trong đơn vị tôi ngày trước, buổi sáng ông ta dạy tôi 1 giờ Anh ngữ đàm thoại tại phòng làm việc của ông, buổi chiều, tôi (Trung Uý Trưởng Ban 1) lại sang đó để dạy ông 1 giờ Pháp ngữ căn bản và thực hành vì ông ta có biết chút ít, giảng bằng tiếng Anh mới chết chớ, được sự đồng ý của Thiếu Tá Viên, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn truyền tin Quân Đoàn I. Ông đã từng hỏi tôi: Theo Trung Uý thì "Ai ra lệnh giết Ông Ngô Đình Diệm?". Lúc đó làm sao tôi trả lời được, nhưng cũng hỏi ngược lại ông : “ Thế Đại Uý có biết ai ra lệnh không ? “Ông ta đáp : Còn lơ mơ lắm, nhiều nguồn tin trái ngược nhau, nhưng nặng phần nghiêng về phía CIA và Cabot Lodge… Đó, 1 Sĩ Quan Mỹ cấp Đại Uý mà cũng vậy thôi. Ông ta thiếu gì sách báo Mỹ để đọc, đọc xong còn đem sang Phòng của tôi đưa tận tay nếu có tin gì đặc biệt, mà tôi thì học Anh Ngữ -British English, không phải Amerian English - kiểu không trường, không lớp chi cả, tự tìm cách, đủ kiểu, đủ cách, học sao thì học…Khổ thế đấy, thành ra khi nói năng được ít nhiều là tìm cơ hội để “ lăn dzô “ mà nói năng cho quen cho biết, còn các thứ thì kiếm sách mà học, riết rồi cũng có chút vốn “ làm ăn “ khá dần. Vì vậy, hôm nay tôi xin gửi đến quý vị đó, cùng những bạn đọc khác, bài viết dưới đây với lòng mong ước là sẽ phần nào góp sức cùng quý vị tìm ra câu trả lời dễ dàng hơn. Tới bây giờ, nếu có ai nêu câu hỏi: "Ai ra lệnh giết ông Ngô Đình Diệm thì nhiều người cũng vẫn trả lời là: Mỹ ra lệnh giết, Cabot Lodge hay CIA ra lệnh giết chớ còn ai vào đó nữa ! Câu chuyện không đơn giản như thế! - Người Mỹ (chính quyền, nhân vật ngoại giao, Đại Sứ, CIA vv...) có ra lệnh, tổ chức, điểu khiển cuộc đảo chánh lật đổ Ông Ngô Đình Diệm không? - Có! - Người Mỹ có ra lệnh giết Ông Ngô Đình Diệm không? - Không! Thế mà tới lúc này, vô số người Việt, cả người Mỹ nữa, vẫn không rõ về câu hỏi ở trên. Chính tôi đã gặp và đã thấy điều đó. Có thể những người này mắc lo công việc chuyên môn, ngành nghề của họ nên không để ý đến chuyện khác nữa chăng! Rồi đến những nhân vật kêu bằng " Chính trị gia hạng gộc của Mỹ " đã phán vô cùng tào lao, tầm bậy về cuộc chiến Việt Nam, mà phần lỗi, cái xấu cứ đổ hết lên đầu Quân Đội và Nhân Dân Nam Việt Nam, làm cho nhiều người Việt hiểu biết, có tâm hồn Việt Nam, không vì giầu sang, phú quý mà... ngậm miệng ăn tiền phải lên tiếng bằng những bài viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh rồi đưa lên Internet cho cả thiên hạ cùng đọc, cùng chia sẻ nỗi buồn, niềm đau với mình. Như thế thì nói chi đến thế hệ trẻ Việt Nam đang sống ở nơi hải ngoại này, làm sao họ hiểu được! Muốn biết sự thật, chúng ta cần đi theo từng buớc của một tiến trình lịch sử (historic process). 1.- Cuộc đảo chánh thực sự bùng nổ : * Ngày 1-11-1963, quân đảo chánh bao vây dinh Tổng Thống (là dinh Gia Long vì dinh Độc Lập đang sửa chữa). Lúc ban đầu, hai ông Diệm và Nhu vẫn còn yên trí rằng đây là "Kế hoạch chống đảo chánh" của ông Nhu và Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3 (Commander of the 3rd Army Corps) đã hoạch định trước đó để "dập luôn" âm mưu đảo chánh, đồng thời bắt hết Bộ Chỉ Huy của lực lượng này (Diem and Nhu at first believe the attack to be opening of a Countercoup engineered by Nhu and General Ton That Dinh, 3rd Army Corps Commander...). Thế nhưng vào phút chót, các Tướng đảo chánh đã liên lạc, thuyết phục Tướng Đính đồng thời "dúi nhẹ" cho Tướng Đính 1 mớ đô la, (đô la Mỹ chớ không phải đô... Hồ đâu, mà giá trị của năm 1963 đó). Thế là xong! Tướng Đính thấy rằng tình thế đã đến nước này thì... lượm đô của Cabot Lodge lợi hơn, khôn hơn. Nếu chống lại thì bắt buộc con cáo già Cabot Lodge, bọn CIA và đám cầm đầu đảo chánh cũng phải bằng mọi cách, xoá sổ luôn cả mình mà thôi, dù cho Tướng Đính nắm quân rất mạnh và xưa nay Tướng Đính được coi là 1 Tướng gan lì, có nhiều tình cảm tốt đẹp với hai Ông Diệm va Nhu. Thế mới hay "Có tiền mua Tiên cũng được - A golden key opens all doors" là thế đó! Cabot Lodge khỏi cần dùng đến Binh Pháp Tôn Tử, Clausewitz, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon... chi cả. Cứ sài binh pháp của Đại Danh Tướng Đô La là ăn chắc, đánh đâu thắng đó, thành quách nào cũng tan. Hai ông Diệm và Nhu hết còn trông cậy vào ai được nữa! Tứ bề thọ địch mất rồi! Hai ông đành tính chuyện thoát thân... Chừng gần 8 giờ 00 tối ngày 1-11-1963, ông Cao Xuân Vỹ, Tổng Giám Đốc Thanh Niên (được coi là can đảm, có nghĩa, có tình đối với ông Diệm) lái chiếc xe nhỏ Citroen 2 chevaux, theo lối cổng đường Pasteur, vào dinh Gia Long. Hướng này bỏ trống vì bên trong không còn sức kháng cự của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống nữa cho nên bên ngoài, quân đảo chánh không cần kiểm soát chặt chẽ, chỉ cần đợi ông Diệm tuyên bố đầu hàng hay tới giờ G, giờ H thì vô bắt mà thôi. Chủ quan thiệt ! Từ dưới đường hầm bí mật (lo xa từ trước rồi) dinh Gia Long, ông Diệm cùng ông Nhu lên xe do Cao Xuân Vỹ lái, có sĩ quan tuỳ viên, Đại Úy Đỗ Thọ xách cặp đựng giấy tờ, tài liệu đi theo. Cao Xuân Vỹ lái xe vào Chợ Lớn, tới nơi đặt trụ sở Tổng Nha Thanh Niên Cộng Hoà của Vỹ thì Trung Tá Phước, Phó Đô Trưởng Nội An, lấy xe Desoto đón 2 ông Diệm và Nhu, đem theo một vài vệ sĩ thân tín, chạy tới nhà Mã Tuyên, một Bang Trưởng người Hoa Kiều và là một Thủ Lãnh Thanh Niên Cộng Hoà, được Vỹ tin cậy. Qua đêm trời gần sáng, ông Diệm hỏi Mã Tuyên coi có nhà thờ công giáo nào ở gần đấy thì đưa ông tới. Đoàn tuỳ tùng đưa 2 ông Diệm và Nhu đến nhà thờ Cha Tam, là nhà thờ của đa số là người Hoa ở vùng này. 2- Ai ra lệnh giết ông Diệm ? Nhiều người, kể cả người Mỹ cũng bảo " Mỹ, CIA, Cabot Lodge không ra lệnh giết thì Bố ai dám giết Ông Diệm!" Vậy mà không phải vậy! Tướng Trần Văn Đôn có lần nói: Tướng Minh ra lệnh giết ông Diệm bằng cách ra mật hiệu cho Đại Úy Nhung, cận vệ (bodyguard), tuy trong Hồi Ký viết bằng Việt Ngữ, Tướng Đôn nói là không biết. Trong Hồi Ký viết bằng Anh Ngữ và trong 1 cuộc phỏng vấn, Tướng Đôn lại quả quyết là Tướng Minh ra lệnh giết. Một số Tướng Lãnh (đã từng họp bàn đảo chánh với Cabot Lodge, tất nhiên có cả Tướng Dương Văn Minh, đã đồng ý không giết ông Diệm, chỉ đưa ông ấy ra khỏi Việt Nam thôi, để tránh hận thù, rắc rối to lớn cho cả 2 bên : Cabot Lodge và các Tướng). Sau này nhiều Tướng Lãnh hỏi thẳng Tướng Minh "Có phải Ông ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu không?" Tướng Minh trả lời lơ lửng: " Muốn hiểu sao thì hiểu! - Chuyện trước mắt không lo, sao cứ bới móc chuyện cũ ra để làm cái chi vậy!"… Theo Bà Ellen J. Hammer, người quen biết rất nhiều với các nhân vật quan trọng ở Miền Nam, trong cuốn "A Death in November ", có nói: Sau khi tình hình đã thay đổi nhiều trong liên hệ của các Tướng Lãnh, năm 1971 Tổng Thống Thiệu đã nói thẳng "Tướng Big Minh là người ra lệnh giết 2 Ông Diệm và Nhu vì lo sợ đường dài… ". Cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh, hồi cuối năm 2001, tại Orange County, đã trả lời nữ Phóng Viên truyền hình Thanh Thúy về cái chết của hai Ông Diệm và Nhu: "Dương Văn Minh ra lệnh giết 2 ông này vì thù hận riêng tư..." Riêng kẻ viết bài này đã từng viết " Tướng Dương Văn Minh ra mật lệnh cho Tướng Mai Hữu Xuân (tay sai của Pháp) cầm đầu toán quân “đi bắt ông Diệm “và Đại Úy Nhung, cận vệ, phải chính tay giết cả 2 Ông Diệm và Nhu". Bây giờ ta coi tiếp. * Ngày 2-11-1963: Vào khoảng 6 giờ 00 sáng, ông Diệm bắt đầu điều đình với các Tướng đảo chánh bằng cách điện thoại cho Tướng Trần Thiện Khiêm, vốn được ông Diệm tin cậy vì đã “xung phong“đem quân ở miền Tây về cứu Tổng Thống hồi Nguyễn Chánh Thi đảo chánh năm 1960 không thành, và do đó mà CIA mua chuộc Tướng Khiêm này ngay sau vụ đảo chánh hụt 1960 để sử dụng sau này. Ông Diệm điện thoại cho Tướng Khiêm là vì vậy, yêu cầu thông báo cho các Tướng đảo chánh là muốn nói chuyện với Tổng Thống về tình hình đất nước thì cho người tới gặp Tổng Thống tại nhà thờ Cha Tam, Tổng Thống đang làm Lễ tại đây. Các Tướng đảo chánh liên lạc ngay với Cabot Lodge và bảo đảm với Cabot Lodge là tính mạng của ông Diệm sẽ được an toàn (At about 6:00 a.m. Diem begins negotiating with the Generals, Who have assured that Diem’s life will be spared.) Tại sao các Tướng đảo chánh lại phải cam kết với Cabot Lodge là bảo toàn tính mạng cho ông Diệm ? Vì Cabot Lodge không cho lệnh giết, trái lại khi chi tiền, còn yêu cầu các Tướng đảo chánh không được giết ông Diệm. Thế mà cuối cùng ông Diệm lại bị giết mới thật là rắc rối khó hiểu. Khi đoàn xe "đi bắt" 2 Ông Diệm và Nhu trở về Bộ TổngTham Mưu, một số Tướng Lãnh và Sĩ Quan cao cấp thấy 2 Ông Diệm và Nhu nằm chết còng queo trong xe bọc sắt M- 113, đầu nát bấy, máu me tùm lum thì đều quay trở lui, lắc đầu hay thở dài buồn bã. Nếu theo “thiên hạ” nói là 2 Ông tự sát thì tự sát chi mà lại bắn được nhiều phát vào đầu như thế? Còn bảo 2 Ông cướp súng của Đại Úy Nhung nên bị Đại Úy Nhung bắn chết, lại càng chẳng ai tin vì: Liệu 2 Ông có bao giờ học cách sử dụng súng của Đại Úy Nhung không, mà đòi cướp súng! Nếu bị cướp súng thật thì Đại Úy Nhung sao lại cứ nhè đầu 2 Ông mà bắn kỹ lưỡng cho nát bấy ra như vậy mà không bắn vào ngực, vào bụng cho mỗi Ông một phát thôi cho mau và gọn lẹ dễ dàng như bất cứ ai bị đối thủ cướp súng. Ngoài ra, cũng chẳng có dấu hiệu chi tỏ ta có sự giằng co, cướp súng... Riêng Tướng Mai Hữu Xuân, người có nhiều thù hận với anh em Ông Diệm, được Tướng Dương Văn Minh tin cậy hơn cả, thì đến trước mặt Tướng Big Minh, đứng thẳng người, giơ tay chào nghiêm chỉnh và báo cáo: " Mission accomplie - Nhiệm vụ đã hoàn thành ". Nhiệm vụ chi đã hoàn thành ? - Nhiệm vụ Tướng Minh giao cho giết ông Diệm chớ chi nữa. Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, người quyết tâm bảo vệ mạng sống của Ông Ngô Đình Diệm mạnh nhất, khi nghe tin 2 Ông Diệm và Nhu đã chết trong xe bọc sắt M-113, và được đưa về Bộ Tổng Tham Mưu, thì lập tức lái xe chạy ào tới Bộ Tổng Tham mưu, không cần nhìn cảnh 2 ông Diệm và Nhu đã chết, bất kể một vài Sĩ Quan đứng gần đó, tay cầm gậy chỉ huy, phăng phăng đi tìm các Tướng Chỉ Huy Đảo Chánh để hỏi cho ra lẽ: tại sao lại có chuyện chết chóc thế này ? Bây giờ, ta lại coi tiếp. A.- Ông Kennedy có ra lệnh giết ông Diệm không? - Không ! Vì trước khi cuộc đảo chánh xẩy ra, ông Kennedy đã gửi điện văn khẩn cấp cho Cabot Lodge, ra lệnh liên lạc ngay với các Tướng đảo chánh hoãn cuộc đảo chánh lại kia mà ! (President Kennedy cables Lodge urgently to ask the Generals to postpone the coup...). Ông Diệm còn lãnh đạo miền Nam thì ông Kennedy còn hy vọng ngăn chặn cộng sản hữu hiệu tại vùng này theo chính sách ngăn chặn cộng sản (Containment Policy against the Communism) của Mỹ đã áp dụng trên toàn cầu, kể từ sau Thế Chiến thứ 2. Mất ông Diệm, ông Kennedy quả thực không tìm ra nhân vật nào khác ở miền Nam có khả năng lãnh đạo và chống cộng sản tốt hơn, giỏi hơn ông Diệm. Chẳng vậy mà khi nghe tin ông Diệm bị giết chết, ông Kennedy đã vô cùng sững sờ, hoảng hốt (President Kennedy is extremely shocked at the news of Diem’s death...). Ý chí bám víu gượng gạo vào cái "vũng lầy Việt Nam - the Vietnam Morass" của ông Kennedy đến đây kể như hoàn toàn rã rời. Giết chết ông Diệm, nắm được chính quyền rồi thì đám Tướng Lãnh, Sĩ Quan cao cấp lại chẳng biết làm gì cả. Họ chỉ làm được có mỗi một việc là cho mở lại các vũ trường, những chốn ăn chơi đốt tiền, đốt bạc, ăn chơi đĩ điếm. Có thế thôi! Ở các thành phố thì càng thêm rối loạn, mất an ninh, trật tự, tranh giành quyền lực để đưa đến cuộc Chỉnh Lý (Governmental readjustment), thực ra là một cuộc đảo chánh khác của Tướng Nguyễn Khánh sau đó không lâu. Ở thôn quê thì coi như bỏ ngỏ, mặc cho cộng sản muốn làm chi thì làm vì hệ thống ấp chiến lược một công trình xây dựng của ông Nhu, tuy không hoàn hảo, nhưng đã làm cho cộng sản thực sự mất đi một sức mạnh từ cơ sở nông thôn, khó thực hiện được kế hoạch bao vây và tiêu diệt các thành thị của miền Nam - Đầu năm 1963, kẻ viết bài này (biệt phái) đã có thể cùng đi với một số sĩ quan và ít binh sĩ võ trang cá nhân đi thăm một số Ấp Chiến Lược thật an bình, hào luỹ chắc chắn, nhân dân tự vệ vững mạnh, dân chúng an tâm làm ăn thoải mái, mà trước kia vùng này cộng sản luôn về thu gom luá gạo, thâu thuế ở Quảng Ngãi là vùng đất của cộng sản từ lâu. Bà con dân chúng cho hay: bây giờ, tụi nó mà về đây, dù ban đêm cũng không dám vì chúng tôi chống cự được, rồi pháo binh yểm trợ và máy bay ào đến ngay… Ông Diệm bị giết, là bọn tài phiệt quốc tế buôn bán chiến tranh vui mừng, vì sẽ được tự do buôn bán chiến tranh trên xương máu của các chiến binh Mỹ cũng như Việt Nam Cộng Hoà và cộng sản, luôn cả dân chúng 2 miền Nam, Bắc. Chúng sẽ 1 tay đẩy cho quân Mỹ đánh nhau với cộng sản, tiêu thụ cả núi, cả biển tiền bạc, quân nhu, quân dụng, vũ khí đắt tiền nhất và cả trăm thứ bắt buộc phải có cho đạo quân viễn chinh dự trù có thể lên đến hơn nưả triệu người, từ bên kia bán cầu, kéo sang đất nước Việt Nam nhỏ bé để đánh nhau theo kiểu quân đội nhà giàu. Còn tay kia chúng nó sẽ lén lút hoặc công khai buôn bán, làm ăn với Liên Sô, với tất cả khối cộng sản trên thế giới bằng những vật liệu, món hàng, mà sau đó biến thành phương tiện chiến tranh và lại chạy sang quân cảng Hải Phòng hay sân bay Hà Nội để cho quân đội cộng sản dùng những thứ đó mà giết lính Mỹ trên chiến truờng Việt Nam (By sending his men to fight in Southeast Asia, President Johnson seemingly recognized communism as an enemy. However, he made agreements to sell or give the Soviet Union and her communist satellites hundreds of millions of dollars worth of food, electronic computers, chemical plants, oil refinery equipment, airborne radar apparatus, jet aircraft engines, machine tools for $800-million auto assembly plant and military rifles...). Toàn những thứ để cho quân cộng sản giết quân đội Mỹ tại chiến truờng Việt Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hoà không hà ! Ông Diệm bị giết rồi thì ông Kennedy liền nghĩ ngay đến việc rút chân ra khỏi vũng lầy Việt Nam càng sớm càng tốt, nếu không muốn phải chờ đến lúc Liên Sô, Bắc Kinh cùng với Hà Nội thực sự đánh gục Hoa Kỳ trên chiến truờng này, hay tại chính trên đường phố rối loạn của đất nước Mỹ. Ông Kennedy cho lệnh thực hiện gấp kế hoạch rút Sĩ Quan cố vấn, huấn luyện và các chuyên viên Mỹ về nước... Ông Kennedy quên rằng Kế hoạch buôn bán chiến tranh Việt Nam của "chúng nó" đã sẵn sàng rồi, mà nay Ông lại định phá đám chúng nó hay sao? Bắt buộc chúng nó phải xoá sổ luôn cả Ông, mặc dầu Ông là Tổng Thống Hoa Kỳ. Mới kéo được về nước 1,500 cố vấn, chuyên viên thì 20 ngày sau, kể từ khi Ông Diệm bị giết ở Việt Nam, thì chính Ông Kennedy, Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ cũng bị bắn chết tại Dallas, Tiểu Bang Texas của chính đất nước Ông. Chánh phạm (principal) Lee Harvey Oswald trong vụ bắn chết Ông Kennedy, sau đó 2 ngày, cùng bị giết luôn trong nhà tù của Dallas City (tương tự như cảnh chết bí hiểm của Đại Uý Nhung – đã được thăng cấp Thiếu Tá vì công trạng giết ông Diệm theo lệnh của Tướng Dương Văn Minh bắn chết Ông Diệm) để thủ tiêu chứng nhân lịch sử. Trước khi đi Dallas, người bạn thân của Ông Kennedy, một Giáo Sư Đại Học đã khuyên "... Tổng Thống không nên đi chuyến này. Ở đó nguy hiểm lắm!" Ông Kennedy đã trả lời " Nếu chúng nó đã định giết tôi thì không giết tôi ở đó, chúng nó cũng sẽ giết tôi ở nơi khác. Nếu tôi không dám đi, truớc hết, tôi là một kẻ hèn. Mà Kennedy không được phép là một kẻ hèn!" Vậy là Ông Kennedy không muốn đảo chánh, lật đổ Ông Diệm, chớ chưa nói chi đến việc ra lệnh giết Ông Diệm! B.- Cabot Lodge có ra lệnh giết Ông Diệm không? Cũng không! Tại sao? Ngay lúc quân đội đảo chánh đã bao vây chặt chẽ dinh Gia Long, nơi 2 Ông Diệm và Nhu đang ở, Thủy Quân Lục Chiến và nhẩy Dù cùng nhiều đơn vị Bộ Binh đã kiểm soát hết các địa điểm kháng cự của phía quân đội bảo vệ cũng như trung thành với Ông Diệm, đường điện thoại duy nhất còn lại từ bên ngoài liên lạc vào hầm dinh Gia Long reo lên. Một sĩ quan cầm ống nghe rồi đưa cho Ông Diệm vì đầu dây đằng kia chính là Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge. Ông Diệm nghe xong rồi trả lời bằng tiếng Pháp: " Non, je refuse, mais merci quand même de votre charité - Không, tôi từ chối, nhưng cũng xin cảm ơn lòng nhân đức của Ông “. Ông Diệm bỏ máy rồi quay sang nói với Ông Nhu: "Cabot Lodege vừa kêu máy, đề nghị chúng ta ra đi. Ông ta hứa bảo đảm với các Tướng Lãnh để cho chúng ta ra đi an toàn. Họ dành sẵn cho chúng ta một phi cơ, nhưng tôi đã từ chối ". Ngoài ra, ta còn biết rằng: Thứ nhất: Nhiệm vụ của Cabot Lodge chỉ là làm sao thay thế Ông Diệm bằng người cầm quyền khác, biết tuân theo ý muốn của chính quyền Mỹ, đúng ra là giới tài phiệt Mỹ, Ô Kê cho chúng đổ quân tác chiến Mỹ vào Việt Nam, đánh nhau với cộng sản 5, 7 năm thôi. Ai cũng biết mọi tội vạ của vụ đảo chánh này đổ hết lên đầu Cabot Lodge rồi. Nếu Cabot Lodge cho giết ông Diệm, biết đâu, lại chẳng có người, vì sót thương Ông Diệm, vì căm thù Cabot Lodge, vì tự ái dân tộc, mà liều thân, thí mạng, tặng cho Cabot Lodge 1 trái lựu đạn, 1 quả mìn trên đường xe chạy, hay cho luôn 1 băng tiểu liên vào đầu, bể sọ ra thì cũng rồi đời. Cabot Lodge dư biết rằng: khi người ta đã liều mạng để giết ai, thì giết 1 Tổng Thống, kể cả Tổng Thống Mỹ, người ta cũng dư sức làm được. Trên thế giới này, Tổng Thống, Thủ Tướng bị giết đầy ra đó! Chớ cỡ Cabot Lodge, 1 anh Đại Sứ còm ở cái xứ chiến tranh, loạn lạc liên tu bất tận này thì việc giết đâu có khó! Con cáo già Cabot Lodge đâu có dại gì mà làm thêm cái việc vô ích, không cần thiết, thêm nhiều oán thù đó! Thứ hai: Cabot Lodge dù sao đi nữa, lúc này cũng chỉ là 1 anh Đại Sứ của Mỹ tại Việt Nam, dưới quyền Ông Kennedy. Cabot lodge đã nhiều phen qua mặt Ông Kennedy trong vụ đảo chánh này rồi. Ông Kennedy đâu có ngu, có đần. Vậy thì khi Ông Kennedy ra lệnh cho Cabot Lodge "Khoan! Hãy ngưng ngay kế hoạch đảo chánh!" mà Cabot Lodge vẫn cứ phe lờ đã là 1 chuyện đáng để Ông Kennedy trừng trị về tội bất tuân thượng lệnh. Ông Kennedy cũng biết bực mình, mất mặt về hành động của Cabot lodge, dám khinh thường Tổng Thống lắm chớ! Cabot Lodge dư thừa khôn ngoan để biết đâu là cái giới hạn của thái độ khinh thường Ông Kennedy để mà dừng lại đúng mức. Vượt qua giới hạn đó, Ông Kennedy bắt buộc phải có thái độ để bảo vệ uy quyền Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh quân đội của Ông. Thế cho nên Cabot Lodge dại gì mà giết Ông Diệm để chọc giận Ông Kennedy thêm nữa! Dại dột, vô ích! Ông Kennedy có đủ uy quyền để "đuổi cổ - kick out" Lodge ra khỏi chức vụ Đại Sứ, lôi đầu về Mỹ trị tội kia mà! Cabot Lodge khôn lắm, không dại gì đi làm cái việc vô ích, chẳng lợi lộc 1 triệu hay vài trăm ngàn đô la gì cả (hồi năm 1963 cứ nói con số nho nhỏ vậy thôi)! Thứ ba: Khi phác họa cuộc đảo chánh, Cabot Lodge đã họp các Tướng Lãnh phản loạn lại, khuyến khích, chi tiền và bắt các Tướng phải cam kết là không được giết Ông Diệm! Bởi cái chỗ đó cho nên ở trên có nói: Khi Ông Diệm liên lạc điện thoại với Tướng Trần Thiện Khiêm, tỏ ý muốn gặp các Tướng đảo chánh thì Bộ Chỉ Huy đảo chánh đã tức tốc liên lạc ngay với Cabot Lodge và cam đoan với Cabot Lodge là tính mạng của Ông Diệm sẽ được an toàn (...Diem begins negotiating with the Generals, who have assured that Diem’s life will be spared...). Vậy thì Cabot Lodge đâu có muốn, đâu có ra lệnh giết Ông Diệm! Lodge chỉ phải ... tạ tội, thanh minh thanh nga với ông Kennedy bằng 1 điện văn, trong đó có đoạn "...We could neither manage nor stop the coup once it got started... It is equally certain that the coup would not have happened as it did without our preparation..." (có cả tội của Ngài ở trong đó đấy, xin Ngài chớ buồn làm chi...). * Tại sao Tướng Dương Văn Minh phải ra lệnh cho Đại Úy Nhung giết 2 Ông Diệm và Nhu? Lịch Sử cũng như Quân Sử của Hoa Kỳ đã ghi chép rằng "...Finally an US-built M-113 armored personnel carrier is sent to pick up Diem and Nhu up from Francis Xavier Church in Cholon. General Minh’s bodyguard, Captain Nhung, murders Diem and Nhu on their way to staff headquarters, at Minh’s orders." Chẳng lẽ những sử gia viết lịch sử và quân sử Hoa Kỳ lại hèn nhát đến mức độ không dám nhận rằng Ông Kennedy, Cabot Lodge đã ra lệnh giết Ông Diệm để rồi viết sách, đổ đại cho Dương Văn Minh làm cái việc này, và chỉ cách cho Dương Văn Minh phải lấp lửng nói với đám Tướng Lãnh đảo chánh "Việc đã qua rồi, bới ra làm chi nữa!" mỗi khi Dương Văn Minh bị các Tướng này vặn hỏi "Tại sao lại giết Ông Diệm?" vì khi họp bàn với nhau, các Tướng Lãnh đều đồng ý với quan điểm của Cabot Lodge là phải bảo toàn tính mạng cho Ông Diệm, không được giết! Chỉ tách Ông Diệm ra khỏi quyền lực, đưa đi sống lưu vong ở đâu đó, Đài Loan hay Thái Lan chẳng hạn. Thế là xong ! Bây giờ câu hỏi là: Tại sao Dương Văn Minh phải ra lệnh giết Ông Diệm? Ngay sau cuộc đảo chánh, giết ông Diệm và ông Nhu, nhiều nhân vật chính trị và Tướng Lãnh đã biết điều này, nhưng vì nhiều lý do, và không có Toà Án nào hay cơ quan quan thẩm quyền nào đảm trách điều tra và công bố vấn đề này cả, nhưng người ta đã hiểu, đã biết một cách không sai lầm : A.- Dương Văn Minh phải giết Ông Diệm vì: Hai Tướng Tôn Thất Đính và Nguyễn Khánh, 2 Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn, có quân rất mạnh trong tay, chỉ chịu theo phe đảo chánh vào phút chót, một cách bắt buộc. Nếu Ông Diệm còn sống, dù ở đâu đi nữa, Dương Văn Minh vẫn tin và sợ rằng trong tình thế lộn xộn, mà bắt buộc phải lộn xộn, 2 Tướng này (nhất là Tướng Tôn Thất Đính, người rất nóng tính và cương quyết bảo vệ mạng sống của hai Ông Diệm và Nhu mạnh nhất) có thể nhân danh quyền lợi quốc gia, dân tộc, không chấp nhận sự phản loạn lật đổ Ông Diệm, do tài phiệt quốc tế chỉ huy, đạo diễn, để quật lại phe đảo chánh thì Tướng Minh cũng ngán, cũng run lắm chớ! Vậy cứ giết quách Ông Diệm là xong! Khỏi lo! Tướng Minh phải cho Đại Úy Nhung, sĩ quan cận vệ, lúc nào cũng luôn ở sát bên mình, đi lo vụ giết này mới an tâm. Mà Đại Úy Nhung là một con người xuất thân từ lính Commando của Pháp, khi giết người xong, còn thích cắt đầu, xẻo tai đem về trình cho cấp chỉ huy của mình nữa mới ghê gớm, đúng là thứ ác quỷ, cuồng tín, say máu giết người. B.- Tướng Dương Văn Minh phải giết Ông Diệm vì : âm mưu đảo chánh đã quá rõ ràng, cơ quan Mật Vụ (Secret service) và Ông Nhu đã nắm hết mọi chi tiết trong tay. Ông Nhu đã lập kế hoạch cùng với Tướng Tôn Thất Đính, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, bất thình lình tung ra 1 màn "Chống đảo chánh" để nắm đầu hết trơn kia mà! Dương Văn Minh là kẻ đứng đầu âm mưu đảo chánh, kể như đã leo lên lưng cọp rồi, với cái thế "Trèo cao thì té nặng - The higher up, the greater the fall", càng đầu trò thì càng to tội. Vậy mà Ông Kennedy lại cứ... thụt lui, bước tới, ba hồi đã ô kê, bốn hồi lại... sì tốp, âm mưu bại lộ hết trơn thì chỉ có nước chết với Ông Nhu và đám sĩ quan, quân đội còn thương mến, trung thành với Ông Diệm. Nguy hiểm quá! Ngộ lỡ ông Nhu và các Tướng Đính và Khánh nắm được đầu thì Tướng Minh chỉ có nước: bị tước hết binh quyền, ra trước Toà Án Quân Sự Mặt Trận Vùng 3 Chiến Thuật (3rd Tactical Area’s Field Court Martial) để lãnh bản án tử hình. Rồi Tổng Thống Diệm bác đơn xin ân xá. Ở Việt Nam hồi đó, tử hình thì chỉ có đem bắn thôi, làm chi có sài ghế điện, hay chích thuốc độc. Cuối cùng thì Dương Văn Minh bị lôi ra pháp trường, hai tay bị trói giật cánh khuỷu vào cây cột, mắt bị bịt kín bằng miếng vải đen. Một tiếng hô chỉ huy và 1 loạt đạn của Tiểu Đội Hành Quyết (Executing squad) thi nhau xuyên thủng ngực, và Dương Văn Minh gục đầu, máu tuôn ra đầy ngực, Sĩ Quan chỉ huy đến bên cạnh “ban thưởng “ thêm cho tên tử tội phản loạn đầu sỏ 1 phát súng “ân huệ “ nữa theo kiểu cách của loại xử tử này. Nghĩ đến đây là Dương Văn Minh bắt buộc phải chọn giải pháp "Giết ông Diệm!" Dương Văn Minh thuộc lòng câu "Cẩn tắc vô ưu - Safety first" hơn ai hết trong lúc này. Tướng Minh trông Sĩ Quan nào cũng đáng nghi ngờ, không tin ai được bởi vì theo Văn Hào Shakespeare thì "Sự nghi ngờ luôn ám ảnh tâm trí kẻ phạm tội; Tên ăn trộm sợ rằng ở mỗi bụi rậm đều có 1 viên cảnh sát - Suspicion always haunts the guilty mind; The thief doth fears each bush a police officer". Bắt được hai ông Diệm, Nhu, cứ giết quách đi là chắc ăn, khỏi lo! C.- Tướng Dương Văn Minh đã cho lệnh mật để Đại Uý Nhung giết Ông Diệm vì khi bàn thảo việc đảo chánh, Cabot Lodge chi tiền và yêu cầu các Tướng không được giết ông Diệm chẳng qua là vì Cabot Lodge không muốn chọc giận ông Kennedy, và qua mặt Tổng Thống nhiều quá. Nay Tướng Minh có nêu ra: vì tình trạng hỗn loạn, vì vấn đề an nguy của đại cuộc, của chính sinh mạng mình, tức là coi như ở vào tình trạng... In case of absolute necessity, in case of riots, hay nói theo kiểu Tây là en cas de situation troublée... thì cứ coi như việc giết ông Diệm cũng... huề cả làng, mọi tội xí xoá... thì ông Kennedy cũng... đành huề thôi. Còn đối với Cabot Lodge, con cáo già chính trị, chuyên viên đảo chánh, người đã quá quen thuộc với những vụ chết chóc trong nghề đảo chánh thì... tiền đã chi cho cướp, chia nhau hết rồi, Tướng Minh có giết 1 ông Diệm, chớ giết đến 10 ông Diệm cũng... sức mấy mà Cabot Lodge đòi tiền lại được! Chẳng lẽ lôi Tướng Minh ra mà đập, mà kiện hay sao? Kiện ở đâu? Có điều Tướng Minh không dám nói thẳng, nói thực vấn đề với các Tướng Lãnh khác, sau khi sự việc đã xong, và Tướng Minh đã trở thành nhân vật lãnh đạo số 1 của quốc gia, đã ở vào địa vị coi như Quốc Trưởng, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách mạng (Chairman of the Revolutionary Military Council) thì Tướng Minh không thể được xếp vào loại người "Có gan ăn cướp, phải có gan chịu đòn - As you brew, so must you drink", không xứng đáng với thái độ của một Tướng Lãnh đã từng nhiều phen cầm quân đánh giặc và lúc này đã ở vào địa vị cao nhất trong xã hội Miền Nam. Ông Diệm có coi thường và không trọng dụng cũng là phải. Trong khi đó, ông Diệm lại trọng dụng những Tướng cứng đầu, dữ dằn, những Sĩ Quan cao cấp, đã có thời còn là Đại Tá (Colone l), còn là Chuẩn Tướng (Sub-brigadier General) mà đã dám cầm cây "Gậy Chỉ Huy - Command stick" mà Tây thì kêu là "Bâton de Commandement" gõ vào đầu Sĩ Quan Cố Vấn của Tây, của Mỹ và quát "Không được vô lễ đối với Sĩ Quan Việt Nam!" khi những tay Cố Vấn này muốn làm... ông nội người ta, tỏ thái độ vô lễ đối với Sĩ Quan Việt Nam cấp nhỏ ngay trước mặt các vị Sĩ Quan Việt Nam cầm Gậy Chỉ Huy này. 3.- Sau cái chết của Ông Ngô Đình Diệm: A.- Tổng Thống Kennedy kinh hoàng, cho rút sĩ quan, cố vấn, chuyên viên Mỹ về nước, tính chuyện bỏ cuộc. Kết quả ông Kennedy cũng bị bắn chết 20 ngày sau ông Diệm, để cho ông Phó Lyndon B. Johnson lên thay, và sau đó quân tác chiến Mỹ ào ạt đổ vào Việt Nam và cuối cùng cũng như người Pháp... quân đội Mỹ ra đi không kèn, không trống. Về nước chẳng ai thèm chào mừng, đón rước, chẳng có lấy một vòng hoa chiến thắng, mà còn bị biểu tình sỉ vả, mặc dầu đã có 58 ngàn quân nhân Mỹ tử trận tại chiến trường, mấy ngàn người còn ghi mất tích, và cả triệu người Mỹ phải gánh chịu chung niềm đau tủi, mất mát, đui què, mẻ sứt hay điên khùng... Đau thật! Lịch sử và Quân Sử Hoa Kỳ đã phải ghi "Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội bách chiến bách thắng của Hoa Kỳ đã thua trận một cách đau đớn ê chề trên chiến trường Việt Nam - The first time in the American History, the unvanquisable armed forces of the United States lost ignominiously the war in Vietnam battle field..." B.- Ông Diệm chết đi thì Miền Nam như rắn không đầu, cá mè một lứa, càng thêm hỗn loạn, rồi Tướng Khánh làm cuộc "Chỉnh Lý" nhưng thực ra là cuộc đảo chánh khác để "hốt" các Tướng đã đảo chánh ông Diệm, nhốt đầu vào 1 chỗ (Tướng Minh được tha vì thuộc loại to đầu mà dại, không đáng lo, khỏi cần nhốt) cho ngồi chơi mà ngẫm nghĩ sự đời đen bạc, phản phúc, và thế nào là "Làm điều lành, Trời báo cho bằng phước; Làm điều dữ, Trời báo cho bằng họa - Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc; Vi bất thiện giả, thiên báo chi dĩ họa" hay nói theo Tây thì "On récolte ce qu’on a semé", còn nói theo kiểu Mỹ và Ăng-Lê thì "Who sows the wind will reap the whirlwind". Tất cả giống nhau: "Gieo gió thì gặt bão". Ở đời xưa nay vốn là như thế. Tiếp theo là những ngày tháng tối đen 1966, Miền Nam lại hỗn loạn đấu tranh, bàn thờ đem ra ngoài đường, cũng phát xuất từ Huế, với cái vụ Tướng Nguyễn Chánh Thi, người đã một phen đảo chánh không ra cái gì cả vì chỉ là một sự thử nghiệm của CIA, nhưng lan vào đến Đà Nẵng thì với tư cách Thủ Tướng, Nguyễn Cao Kỳ, Tướng Không Quân râu kẽm, một phật tử chính hiệu, đưa Quân Đội và Quân Cảnh từ trong Nam ra dẹp hết trơn, nhốt đầu những nhân vật lãnh đao. Tên nào thoát thì trốn sang nước láng giềng cho khỏi bị tóm cổ. Thế là hết đấu tranh! Cuộc đời, sự nghiệp của Ông Nguyễn Cao Kỳ chỉ đáng được 1 điểm an ủi ở chỗ này mà thôi dù Ông có cơ hội, có chức, có quyền. C.- Ông Diệm chết đi thì Hồ Chí Minh ở Hà Nội không còn đối thủ, bèn lên đài phát thanh Hà Nội hiệu triệu quốc dân đồng bào: "Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẵn sàng chiến đấu chống Mỹ cứu Nước trên khắp các mặt trận của ba miền đất nước! Quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược không những trên Quê Hương, Tổ Quốc Việt Nam, mà còn đánh thắng đế quốc Mỹ ngay trên đường phố, tại các trường Đại Học của chúng nữa! Kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống Nhất, Độc Lập nhất định thành công!" Theo Giáo Sư Francis Xavier Winters, năm 1999 viết trên tạp chí "World Affairs" của Ấn Độ, có nói là: Sau cái chết của Ông Diệm, Một nhà báo Pháp hỏi Hồ chí Minh: Ông Diệm là người thế nào? Ông Hồ đã trả lời: Ông ta là một người yêu nước theo kiểu của Ông ta. Hồ Chí Minh lại còn lên giọng trịch thượng, nói với Wilfrid Burchett, một ký giả cộng sản hạng nặng, là: "Tôi không thể ngờ là tụi Mỹ lại ngu đến thế!" Rồi Tướng cộng sản Võ Nguyên Giáp gặp McNamara ở Hà Nội tháng 11-1995, thì nói: "Chính sách của người Mỹ sai lầm hết chỗ nói. Ngô Đình Diệm là người có tinh thần quốc gia rất mạnh. Không bao giờ Ông ta để cho người Mỹ giành lấy quyền điều khiển chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam.. Người Mỹ đã làm điều đó bất chấp sự phản đối của Ông Diệm để rồi mua lấy một thất bại thảm khốc. Ông Diệm chết thì cũng chấm dứt sự hiện diện quân sự của người Mỹ tại đây một cách sớm hơn". Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam" nói với phóng viên Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Cộng Sản Hà Nội: "Sự lật đổ Ngô Đình Diệm là một món quà Trời tặng cho chúng tôi." Trần Nam Trung, Phó Chủ Tịch Mặt Trận tuyên bố: "Đế Quốc Mỹ chơi đòn đổi ngựa giữa dòng, nhưng chúng sẽ không bao giờ tìm được người chống Cách Mạng hiệu quả hơn Ngô Đình Diệm." Ông Diệm là thế đó! Cộng sản cũng phải công nhận giá trị thật sự của nhân vật Ngô Đình Diệm. D.- Ông Diệm chết đi thì Liên Sô, thành luỹ của Phong trào cộng sản thế giới (International movement of communism’s Stronghold) vô cùng mừng rỡ vì Liên Sô sẽ dứt điểm Việt Nam trong một ngày không xa để chuyển "Nỗ lực đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản đế quốc - Struggling efforts against Capitalism and Imperialism" sang những vùng khác ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Chẳng vậy mà tờ báo Sự Thật, cơ quan ngôn luận và đấu tranh chính thức của Đảng Cộng Sản Liên Sô lại dành chỗ trang trọng nhất để phô bầy sự phấn khởi trước cái chết của ông Diệm và khẳng định rằng "... Bọn tay sai bù nhìn của Mỹ đã nắm được chính quyền "để tạo thêm sự dễ dàng cho cộng sản Hà Nội chiến thắng mau lẹ hơn... - The Soviet newspaper Izvestia expresses satisfaction at Diem’s end while asserting that American puppets have come to power..." E.- Ông Diệm chết đi, quả thực không có người thay thế được. Nam Việt Nam trên đường tuột dốc và đi đến sự sụp đổ. Kẻ có lợi là cộng sản Hà Nội, phong trào cộng sản thế giới, bọn tài phiệt quốc tế. Còn nhiều người trong bọn Tướng Lãnh đảo chánh thì chỉ được lợi về... đô la, và sau này tha hồ tham nhũng, hối mại quyền thế, buôn quan, bán lính, nhưng không thoát khỏi cái nhục chung của nhân dân và Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà, khi mất nước, phải bỏ Tổ Quốc ra đi, có khi với trăm ngàn khổ ải, nhục nhằn, hay phải sống đọa đầy nhục nhã hơn cả súc vật trong những trại tù cải tạo, dưới bàn tay sắt máu của bọn cộng sản Hà Nội kiêu binh thắng trận, vô cùng dã man, tàn bạo, ác độc hơn cả loài sa-tăng quỷ dữ... California – U.S.A Phan Đức Minh ****************************** Mộ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và hai bào đệ Ngô Đình Nhu, Ngô Đình CẩnTrích Hồi ký “Đôi dòng ghi nhớ” của Đại tá Phạm Bá Hoa “Trong khi Hội Đồng Quân Nhân Cách mạng cùng với các nhân vật chính trị và tôn giáo, thảo luận về thành phần chánh phủ thay thế chánh phủ sụp đổ, thì thi hài ông Diệm và ông Nhu được đưa xuống bệnh xá Tổng Tham Mưu, tọa lạc bên kia đường gần như đối diện với tòa nhà chánh Tổng Tham Mưu, để làm các thủ tục trước khi tẩn liệm và mai táng. Khai tử của hai ông làm tại quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, ngang cổng số 2 trại Trần Hưng Đạo, tức Bộ Tổng Tham Mưu. Nghề nghiệp trên tờ khai tử của ông Diệm thì tôi không được đọc, nhưng của ông Nhu ghi là “quản thủ thư viện”. Hai quan tài: ông Ngô Đình Nhu (bên trái) và ông Ngô Đình Diệm (bên phải) “Trung Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Trung Tá Nguyễn Văn Luông (vừa thăng cấp) tìm mua hai quan tài tốt nhất, nhưng tìm cả Sài Gòn chỉ có một cái tốt nhất và cái còn lại được xem là tốt nhì. Dĩ nhiên cái tốt nhất dành cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Theo yêu cầu của bà Trần Trung Dung, cháu gái gọi ông Diệm ông Nhu là cậu ruột, đưa hai quan tài đến quàn tại bệnh viện Saint Paul trên đường Phan Thanh Giản. Biết được tin đó, học sinh sinh viên vì phẫn uất trong tù đày khi tham gia đấu tranh cho sự công bằng tôn giáo, nên dự định đánh cắp quan tài của hai ông. Tin tức này đến tai bà Dung, và Bà vội vã xin Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chuyển trở vào Bộ Tổng Tham Mưu. Sau cùng, hai quan tài được an táng tạm trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, cạnh chùa An Quốc. Lễ an táng vị nguyên thủ quốc -2- gia và vị cố vấn của ông ngay sau khi bị lật đổ, thật là thê thảm! Phải cử hành lúc nửa đêm để tránh những đụng chạm xô xát với học sinh sinh viên. Trong bóng đêm mù mịt, dưới ánh đèn pha loại nhỏ, ánh sáng chỉ đủ cho công việc hạ huyệt hai quan tài. Có mặt lúc đó, gồm vị linh mục người Pháp, ông bà Trần Trung Dung (một thời là Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng dưới quyền Tổng Thống Diệm), Trung Tá Nguyễn Văn Luông (trưởng ban mai táng), tôi, và một số quân nhân của Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu phụ trách an táng. Xong, một biên bản được thiết lập, và toàn bộ hồ sơ được ghép thành một tập dày cùng với hình ảnh từ lúc tẩn liệm đến khi hoàn thành hai ngôi mộ. Hai ngôi mộ thật bình thường. Tôi có giữ một hồ sơ này, nhưng cuối cùng cũng phải thiêu hủy sau ngày chế độ tự do Việt Nam Cộng Hòa chúng ta sụp đổ 30 tháng 4 năm 1975.” * * * Tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, mộ ông Ngô Đình Diệm ngoài cùng (bên phải). Năm 1964 được di chôn tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt: không có nấm mộ, bia, chỉ có tấm đan (bê – tông) đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm trước 30-4-1975, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề mộ kiên cố. Một nhân chứng trong Ban di dời sau này kể: Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai ông chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai -3- người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập. * * * Ba ngôi mộ của gia đình họ Ngô nằm thẳng hàng. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. Thi hài ông Diệm, ông Nhu được chôn lại tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), với áo quan loại tốt và kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn được chôn tại nghĩa trang Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân (mất năm 1964) cũng được quy tụ về đây. Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 16:26:30 GMT 9
ĐỆ NHỨT CỘNG HÒA của Miền Nam VN(1955-1963)Huỳnh Văn Lang(Bài nói chuyện ở Hội Tác giả VN Hải ngoại, ngày 08-11-2009) Nội dung của bài nói chuyện hôm nay là những sự kiện hay những biến ố quan trọng nhứt đã đưa đến sự hình thành ra Đệ nhứt Công hòa của miền Nam VN (1956-1963), mà cái ID của nó là Hiến Pháp năm 1956, cũng là phần kết của bài nầy. Hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tuớng Ngô đình Diệm (NĐD) về giúp nước, từ Chicago, Illinois, tôi về đến Sài gòn ngày 24 tháng 8, 1954 và liền sau đó vì thời cuộc đưa đẩy, thủ tướng NĐD đã đặt để tôi vào những địa vị, nếu gọi được là địa vị hay đúng hơn là cương vị, để tôi thành ra chứng nhân cho những sự kiện tôi muốn ghi lại ra đây. Những sự kiện tôi trình bày sau đây có ba giá trị khác nhau: là chứng nhân, không chứng nhân nhưng biết thật chắc chắn và một ít chuyện không biết chắc, quí vị sẽ phân biệt được 3 giá trị khác nhau đó. • 1 - Cương vị thứ nhứt (Phụ tá Bí thư của thủ tướng NĐD) Đầu tiên tôi tạm thời thay thế anh Võ văn Hải là bí thư của Thủ tướng, để anh tạm thời giữ chức Chánh văn phòng, thình lình bỏ trống. Ba ngày đầu tôi ăn ngủ trong dinh Gia long, sau được đưa ra ngủ nghỉ ở khách sạn Kinh hoa, Chợ lớn, nhưng luôn luôn về dinh Thủ tướng ăn cơm trưa và tối cho đến khi Thủ tướng cho lệnh bộ Tài chánh cấp cho villa số 140, đường Hai bà Trưng, SG. Cho nên tôi may mắn làm việc bên Thủ tướng cho đến ngày 10 hay 11 tháng 10, 1954. Chính trong thời gian ngắn ngủi 45 ngày nầy đã xảy ra biến cố Nguyễn văn Hinh, Tổng tham mưu quân đội Quốc gia VN muốn đảo chánh. Để dễ hiểu rõ biến cố nầy thiết nghĩ cũng nên nhắc lại, trước đó, ngày 16, tháng 6, ông Ngô đình Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng, lập nội các VN thay thế chánh phủ hoàng thân Bửu Lộc. Thiết nghĩ khi bổ nhiệm NĐD, Quốc trưởng Bảo Đại (BĐ) có hội kiến với bộ Ngoại giao Mỹ và cũng có thể với chánh phủ Pháp nữa, vì Pháp dù có thua trận ở Điện biên phủ trong tháng 5 rồi, nhưng vẫn còn nắm quyền Ngoại giao và Quốc phòng ở VN với một đạo quân viễn chinh dù đã thua trận nhưng vẫn còn hùng hổ, đang khi anh em NĐD lại có tiếng là chống Pháp. Cũng chắc chắn là chánh phủ Hoa kỳ không có liên quan trực tiếp gì đến chuyện bổ nhiệm nầy, vì dù ông Diệm có bôn ba ở Hoa kỳ gấn 3 năm đi nữa, ông có quen thân với nhiều nhận vật có tiếng nói trong chánh trường Hoa kỳ, nhưng thật ra Hoa kỳ chưa nghĩ đến chuyện thay thế Pháp ở Đông dương, cho đến khi chạm mặt với Nga/Tàu ở hội nghị Genève trong tháng 7, 1954. Sau khi được bổ nhiệm, bất chấp lời can gián của ông Ngô đình Luyện ở Pháp và ông Ngô đình Nhu ở VN, Thủ tướng NĐD về Sài gòn ngày 26, cùng tháng 6, 1954. Tổng liên đoàn Lao công VN cổ động đón tiếp, nhưng số người đến phi trường TSN chưa đến 500. Bốn ngày sau Thù tướng bay ra Hà nội để xem xét tình hình và tiếp xúc chánh khách ngoài Bắc, để rồi trở về Sài gòn thành lập Nội các, ra mắt ngày 7 tháng 7, 1954: Thủ tướng kiêm bộ Quôc phòng và Nội vụ. Chánh phủ chưa kịp làm gì thì ngày 20 cùng tháng Hiệp định Genève ký kết giữa Pháp và Việt minh (VM) thoạt đến, toàn dân dở khóc dở cười, có hòa bình hay đúng hơn chì là đình chiến giữa hai phe, nhưng đất nuớc lại bị chia đôi. (1) (1) Ngày 21-07-54, đang khi Tồng thống Eisenhower họp báo để giải thích hiệp định Genève cho quốc dân Mỹ, thì ngoài đường có một nhóm sinh viên VN biểu tình lên án các cường quốc chia đôi đất nước của họ. Hôm sau ở trước trụ sở Liên hiệp quốc (UN), New-york, cũng có một nhóm sinh viên VN biểu tình, đông hơn. Cả hai cuộc biểu tình đều do ĐVL, ĐTC & HVL tổ chức, hình HVL có lên báo, lên T. 55 năm sau nhìn lại... Bao nhiêu vấn đề chánh trị xã hội cả văn hóa…đổ dồn về miền Nam với 36,000 quân viễn chinh Pháp và trào lưu Bắc kỳ di cư chạy giặc CS bắt đầu, người Pháp dự đóan là khoảng 60,000 người, Thủ tướng NĐD hy vọng 100, 000… không dè trào lưu chạy giặc CS bộc phát như thác lũ, quá sự tuởng tượng của mọi người, nghĩa là trong vòng 300 ngày do Hiệp định Genève qui định số người Bắc kỳ di cư lên trên 860,000. Thủ tướng vui bao nhiêu thì càng lo nhiều hơn nữa… Khi về đến VN, tôi cảm thấy rõ ràng tình trạng quá yếu kém của chánh phủ NĐD cũng như uy tín của tân Thủ tướng quá thấp. Không thấy chánh phủ Bửu Lộc bàn giao lại cái gì, ngoài cái dinh Gia long và sở Nội dịch với năm bảy chiếc xe cũ kỹ, không có một tiểu đội canh gác. Thủ tướng kiêm bộ Quôc phòng, mà không có quân đội, bộ Nội vụ không có Công an Cảnh sát, trong lúc đô thành Sài gòn - Chợ lớn là Bình xuyên, miền Tây Nam kỳ lục tỉnh là Hòa hảo, miền Đông là Cao đài, quần chúng người Nam nghe nói đến NĐD, nhưng không biết NĐD là ai. Ngoài ra sau lưng tướng Ely, Cao ủy Pháp là cả một tập đoàn thực dân đang hôi quyền thế, hôi cả tài sản như buổi chợ chiều. Trong lúc người Mỹ mới nhảy vào chánh trường VN chưa có một chủ trương rõ ràng... Tắt một lời, xã hội miền Nam đang ở trong một tình trạng vô cùng hỗn mang gần như tuyệt vọng, vô phương cứu vãn. Dư luận Quốc tế cho chánh phủ NĐD không thọ quá 6 tháng. Ưu tư số 1 của Thủ tuớng NĐD là phải nắm lấy quyền hành, là thủ tướng kiêm Quốc phòng, cho nên đầu tiên ông phải nắm quân đội. Tham mưu trưởng Nguyễn văn Hinh (vợ đầm tức nhiên là dân Pháp), cần phải thay thế. Và chính tướng Hinh lại khai chiến trước, ngày 09-09-54 chỉ trích Thủ tướng trên đài phát thanh Pháp Á do anh Phan cao Phái (anh của chị Minh Châu bạn của người viết) quản lý và đòi cải tổ chánh phủ. Thủ tướng Diệm phản pháo ngay, ngày 11-09-54 chỉ thị tướng Hinh phải đi Pháp trong vòng 24 tiếng, gọi là để khảo sát tổ chức quân đội Pháp trong vòng 6 tuần. Tướng Hinh từ chối và vận dụng quân đội trong tay mình để làm loạn, muốn đảo chánh, cho 1 tiểu đội thiết giáp chạy chung quanh dinh Độc lập (mới được Cao ủy Ely giao trả tuần trước) vửa hăm dọa, vừa chửi bới, cùng một lúc cho đài phát thanh quân đội ra rả tố cáo chánh phủ nào là độc tài, nào là tham nhũng v,.v. (Những đêm đó tôi ngủ trong dinh Thủ tướng, sẵn sàng để Thủ tướng xử dụng như một thông dịch viên và đi đêm với CIA Mỹ, khi đại tá Landsdale từ Manila qua VN, đóng đô ở hộp đêm Ma Cabane, trước cửa vườn Tao đàn, cách dinh Thủ tướng một con đường. Đại tá Lansdale có nhiệm vụ giúp chánh phủ NĐD ổn định tính hình). Nội các NĐD sắp sụp đổ đến nơi, vì ngày 20-09-54, 9 trên 18 bộ trưởng yếu bóng vía đệ đơn từ chức. Nên lưu ý là cuộc khủng hỏang nầy xảy ra đúng lúc cuộc Bắc kỳ di cư bộc phát như lũ lụt sông Hồng, CS Hà nội chận đường, đe dọa, bắt cóc, thủ tiêu…vẫn không be nổi. Nhưng với sự hợp tác chặt chẽ giữa CIA và tòa Đại sứ Mỹ, Thủ tuớng NĐD giải quyết được cuộc khủng hoảng do tướng Nguyễn văn Hinh gây ra, nhưng không phải là không đổ mồ hôi hột: đại sứ Heath cho tướng Hinh biết là nếu có đảo chánh trong tình thế nầy thì Mỹ sẽ cúp viện trợ quân sự ngay, đang khi đại tá Lansdale tìm cách tách tuớng Hinh ra khỏi tham mưu của ông ta là 2 nhơn viên phòng nhì của Pháp, Lansdale biếu hai sĩ quan nầy hai vé máy bay đi Manila du hí năm ngày. Qua tháng sau, 1954 thủ tướng NĐD cất chức tướng Hinh và bổ nhiệm tướng Lê văn Tỵ lên thay. (Cũng là lúc thủ tướng NĐD gửi tôi qua bộ Tài chánh có công tác khác, nên những chuyện sau đây tôi không phải là chứng nhân, nhưng biết được rõ ràng.) Đại sứ Heath và tướng O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ, lại yêu cầu thủ tướng Diệm nên giữ tướng Hinh lại trong quân đội. Ông Diệm từ chối. Trước sự cứng rắn của Thủ tướng, đại sứ Heath thay đổi thái độ, từ bạn ra thù ngay và gửi điện tín về Washington, tố cáo thủ tướng là bất tài, không có khả năng dung hợp…cần phải thay đổi. Nhưng lúc bấy giờ tổng thống Eisenhower và Hội đồng an ninh Quốc gia, cả đa số Lưỡng viện Quốc hội lại nhận thấy Thủ tướng Diệm có thể lãnh đạo mặt trân chống Cộng ở Đông nam Á châu, nên hoàn toàn bác bỏ đề nghị của đại sứ Heath và Tông thống Eisenhower gửi đặc sứ qua thay thế là tướng Collins, bạn thân tin của ông. Đặc sứ Collins đến Sài Gòn mang theo bức thơ của Tổng thống Mỹ xác nhận ủng hộ một mình Thủ tướng NĐD và muốn thảo luận với Thủ tướng một chương trình viện trợ kinh tế quân sự qui mô hơn. Nhưng lại không dè tướng Collins và tướng Ely là huynh đệ chi binh từ Đệ nhị Thế chiến. Tai hại là đặc sứ Mỹ bị Cao ủy Pháp chi phối hoàn toàn, ngày một ngày hai tuớng Collins thay đổi thái độ đối với Thủ tướng NĐD, có nghĩa là ủng hộ mưu đồ “Diệm must go’’ mà thực dân Pháp đã dàn dựng từ 4, 5 tháng nay. Ngày 08-12-1954, hai tướng Collins và Ely vào dinh Độc lập chính thức đề nghị với Thủ tướng NĐD nên bổ nhiệm Phan huy Quát làm bộ trưởng Quốc phòng và Bảy Viễn làm bộ trưởng Nội vụ. Tất nhiên Thủ tướng NĐD từ chối và phải từ chối, vì nếu ông chấp nhận thì chẳng hóa ra ông chịu thua và mất gần hết quyền hành - Quốc phòng và Nội vụ là hai bộ quan trọng nhứt của chánh phủ nên ông đã kiêm nhiệm - để cho người Mỹ, qua ông Quát, Đại việt và người Pháp, qua Bảy Viễn, tướng cướp tha hồ giựt dây. Thế là lại khủng hoảng! Collins còn cực đoan hơn nữa. là đề nghị với Washington: Nên đưa Bảo Đại về, đem Phan huy Quát lên làm thủ tướng thay thế NĐD và ban hành tình trạng khẩn trương, tập hợp các lực lượng quốc gia để thống nhứt hành động. Nếu không thực hiện giải pháp nầy được, thì tốt hơn Mỹ nên rút ra khỏi VN. Không dè tướng Collins lại dứt khoát đến thế. Trong quan hệ giữa Collins và Ely, làm như có bóng một người đàn bà, tôi không rõ lắm nên không nói ra đây. Tuy nhiên trong khủng hoảng nầy tôi biết rõ một việc, ai là người đã giúp chánh phủ Mỹ khỏi sai lầm trầm trọng, đó là Thương nghị sĩ Mansfield. Nhận được phúc trình và đề nghị dứt khoát, nếu không nói là cực đoan hay ngu xuẩn của đặc sứ Collins, TT Eisenhower, Hội đống An ninh Quôc gia và Foster Dulles, bộ ngoại giao, hội nhau lại, hết sức hoang mang, như bị một búa bổ vào đầu, tóa hỏa tam tinh, nên phải kêu gọi đến ý kiến của bên Dân chủ đối lập, mà người có thớ nhứt là Thương nghị sĩ Mansfield: TNS Mansfield đến tòa Bạch ốc góp ý: Ông Diệm là một tích sản mình vừa thu nhận, dù có nhỏ bé cách mấy đi nữa thì cũng là một tích sản, tại sao mình phải phiêu lưu đi đổi với những giá trị khác, mà mình mù tịt không hiểu biết hay chưa hiểu biết mảy may gì hết. Thế là Thủ tướng NĐD lại thắng, tất cả chánh phủ Mỹ đều chấp nhận ý kiến của TNS Mansfield vì là khôn ngoan nhứt và ngày 14-12- 54 chánh phủ Hoa kỳ chỉ thị cho tướng Collins: Trong tình thế hiện nay, không có một chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục viện trợ cho VN và ủng hộ Thủ tướng Diệm. Nhưng chưa hết, tướng Collins với thực dân Pháp còn quậy nữa, mà năng nổ quyết liệt nhứt là bảy Viễn, Bình Xuyên. • 2 - Cương vị thứ hai. (Công cán ủy viên bộ Tài chánh) (a) Tiền. Cuộc khủng hoảng Nguyễn văn Hinh giải quyết chưa xong hay gần xong (10-10-54) thì thủ tướng NĐD gửi tôi qua bộ Tài chánh để giúp bộ trưởng Trần hữu Phuơng, cũng là bạn thân của tôi từ khi còn ở Paris, làm Công cán ủy viên, để hằng ngày theo dõi diễn tiến Hiệp định Paris, mới hợp lại để thay thế Hiệp ước Pau, cũng có nghĩa là phủ định tất cả những ký kết của Hiệp ước nầy. Nhờ đường lối dứt khoát của thủ tướng Mendès-France như ở Hội nghị Genève (20-07-1954), trong một thời gian kỷ lục hôi nghị Paris kết thúc, ký kết giữa 4 nước đêm 30 tháng 12, 1954: Pháp nhìn nhận toàn vẹn chủ quyền tài chánh và tiền tệ (hối đoái) của 3 nước Việt-Miên-Lào và cho thi hành việc bàn giao ngay trong vòng 3 ngày, tức là ngày 02-01- 1955. Từ rày viện trợ quân sự, kinh tế, nhân đạo của Mỹ và các nước sẽ đi thẳng vào tay VN, không phải qua tay Pháp nữa. Nhờ theo dõi diễn tiến của hội nghị Paris rất sát– ngày 23 hay 24 tháng 12-54, bộ Tài chánh nhận được điện tín của phái đoàn VN do ông Duơng tấn Tài cầm đầu, đại khái “hoàn toàn thắng lợi và sẽ kết thúc trong vòng 7 ngày’’, và ông bộ trưởng Tài chánh dành cho tôi cái danh dự được mang điện tín nầy vào trình Thủ tướng, cùng giải thích cho tThủ tướng biết rõ những kết quả tốt đẹp của Hiệp định Tài chánh & Tiền tệ ở Paris) - nên trước đó năm bảy ngày bộ Tài chánh, do đề nghị của tôi đã giữ lại đuợc một ngân phiếu 15 triệu đô của bộ Ngọai giao Mỹ viện trợ chuơng trình di cư Bắc kỳ, chờ qua mươi ngày sau bỏ vào trương mục VN ở một ngân hàng Mỹ bộ Tài chánh tự do chọn lấy, hơn là phải bỏ vào trương mục VN ở Pháp quốc Ngân hàng (Banque de France) như trước kia. Độc lập tài chánh và nhứt là tiền tệ (hối đoái) là từ đây. Từ đây chánh phủ VN được toàn quyền tổ chức cũng như quản lý tài chánh và tiền tệ của mình. Trước đây Pháp đã viện trợ cho các giáo phái xây dựng lực lượng quân sự tất cả trên dưới 20 ngàn quân, không phải chỉ có khí giới thôi mà còn có một số tiền mặt khá quan trọng khác nữa. Từ đầu năm 1955, Pháp sẽ ngưng viện trợ và các giáo phái cần viện trợ phải đến với chánh phủ NĐD. Chính yếu tố tiền ở đây, dù không phải là yếu tố duy nhứt, nhưng là yếu tố quan trọng nhứt đã định đoạt lấy thái độ các giáo phái đối với chánh phủ NĐD và giúp chánh phủ NĐD thống nhứt quân đội quốc gia VN, chấm dứt tình trạng sứ quân do thực dân Pháp cấu tạo từ 9 năm qua.(2) (2) Ngày 14-01, đại tá Ng văn Huệ, tham mưu truởng của tuớng Trần văn Sóai, Hòa hảo đem 3,500 về với quân đội quốc gia. Ngày 13-02-55 tuớng Trinh minh Thế, Lực lượng Kháng chiến Liên Minh Quốc gia Cao đài dẫn 5,000 quân về với thủ tướng NĐD. Ngày 10-03-55 Thiếu tá Nguyễn văn Đầy, Lực lượng Hòa hảo Quốc gia đem 5,000 quân và ngày 31 cùng tháng tướng Nguyễn thành Phuơng, Tổng tư lệnh Quân đội Cao đài đem toàn quân lực của mình về theo thủ tướng NĐD. Tướng Nguyễn giác Ngộ, Lưc lượng Dân xã Hòa hảo, từ 23 tháng 2 đã hứa đem 8,000 quân về, nhưng phải đợi qua thág 5, khi thủ tướng NĐD dẹp xong lực lượng BX mới chịu thi hành lời hứa. (b) Tiền Trên đây là hậu quả tích cực xây dựng uy tín và củng cố quyền hành của Thủ tướng. Thủ tưởng NĐD khởi sự được các giáo phái ủng hộ, mà sau lưng các Giáo phái là cả một khối dân chúng miền Nam. Để rồi qua ngày 01-01-55, Thủ tướng ký nghị định chấm dứt đặc quyền Đại thế giới (cờ bạc) và Bình khang (đĩ điếm) của Bình xuyên, tức là trực tiếp phá vỡ ngay nguồn tài chánh khổng lồ, nếu không nói là duy nhứt của lực lượng Bình xuyên. Gián tiếp nguồn tài chánh của Quốc trưởng BĐ ngày một ngày hai phải cạn kiệt: trước đây mỗi ngày BX phải đóng hụi chết cho Quốc trưởng BĐ đúng 1 triệu đồng, theo hối xuất thời đó là trên 28,500 Mỹ kim. (Từ lâu Quốc trưởng BĐ đã có một đời sống vuơng giả kiêm Playboy tại lâu đài Thorenc ở Cannes; Nam phương Hoàng hậu có tàu (Yatch), BĐ có mấy xe Sport hiệu Ý.) Có phải đây là một yếu tố trong nhiều yếu tố tiêu cực bắt buộc Quốc trưởng BĐ nghĩ đến chuyện cất chức NĐD, để cho bảy Viễn lên thay, thử hỏi? (Nói về tiền, tôi muốn nhắc đến một trường hợp ghê gớm hơn. Sau tuần lễ vàng (1945), HCM dùng một số vàng lớn, dưới mọi hình thức, để mua chuộc hai tướng Tàu là Lư Hán và Tiêu Văn - do Thống chế Tưởng giới Thạch sai qua VN để giải giới quân Nhựt cùng một lúc hậu thuẩn các lực lượng quốc gia như VNQD đảng, Đại việt Cách mạng…- để hoàn toàn bỏ rơi các đảng phái quốc gia, cho Việt minh lấy thế thượng phong và sát hại các đảng phái quốc gia, cướp lấy chính nghĩa giải phóng dân tộc, độc quyền yêu nước, độc quyền kháng Pháp). • 3 - Cương vị thứ ba. (Bí thư Liên kỳ bộ Cần lao Nhân vị CM đảng) Sau khi giải quyết khủng hoảng tướng Hinh xong và được tin tranh thủ thắng lợi giành được Chủ quyền tài chánh và tiền tệ, Thủ tướng NĐD mừng lễ Giáng sinh rất vui vẻ và lạc quan hơn. Tôi được Thủ tướng gọi đến tham dự lễ Giáng sinh, nửa đêm ngày 24 tháng 12, năm 1954, được tổ chức ngoài sân sau dinh Độc lập. Và nhứt là vinh dự được Thủ tướng đich thân chỉ định tôi ngồi hàng ghế đầu, ngay sau lưng của ông. Sau đó còn cho riêng tôi một món quà Giáng sinh đáng giá nữa. Biết đâu ông đã nghĩ đến chuyện giao cho tôi quyền điều hành Viện hối đoái Quốc gia (VHĐ) từ giữa đêm hôm đó ? Trong 4 tháng đầu năm 1955, ngoài VHĐ, phần lớn tôi để thì giờ và tâm trí vào công trình văn hóa của anh em chúng tôi, là trường Bách khoa Bình dân, khai giảng ngày 15, tháng 11,1954. Vửa điều hành một trường sở có trên 1,200 học sinh, vừa giảng dạy 2 lớp tối, từ 6 giờ 30 đến 9,00 giờ, tôi không trực tiếp liên hệ với những biến cố hay sự kiện lịch sử xảy ra cho VN lúc đó nữa. Tuy nhiên, dù không chứng kiến, tôi vẫn theo dõi luôn và đuợc biết rõ những chuyện sau đây.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 16:32:10 GMT 9
- Ngày 12-01-55 thuơng cảng Sài Gòn được giao trả cho chánh phủ NĐD. - Cùng ngày 12-01-55, tướng Agostini Pháp bàn giao toàn quyền quản lý quân đội VN cho tướng Lê văn Tỵ. Đến đây thì Thủ tướng NĐD xuất hiện rõ ràng như là một nhận vật có đủ khả năng tranh thủ độc lập toàn vẹn cho Quốc gia. Nhưng thực dân Pháp và tay sai chưa chịu bỏ cuộc. Bất hạnh là chính Quốc trưởng BĐ lại để cho chúng lợi dụng, nếu không nói là đồng lõa với chúng. Nên BĐ và Pháp thúc đẩy Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia ra đời, là ngày 03-03-1955: ngòai Cao đài, Hòa hảo, Bình xuyên còn có Bs Nguyên tôn Hoàn, Đại việt miền Nam, Phan quang Đán, đảng Dân chủ, Hồ hữu Tường… Hộ pháp Phạm công Tắc được BĐ mời lãnh đạo Mặt trận.. Phản ứng của Hoa thịnh đốn: Không thể Mỹ chi tiền mà để Pháp thao túng chánh truờng VN, nên ngày 08-03-55 TT Eisenhower tái xác nhận ủng hộ NĐD và bản sao gửi BĐ, gián tiếp khuyến cáo đừng thọt gậy bánh xe, gây khó khăn cho NĐD nữa và khuyên Thủ tướng NĐD chống lại đòi hỏi của Mặt trận và bảo các các giáo phái nên rút khỏi Mặt trân. Nhưng bị áp lực của Bình xuyên và BĐ các giáo phái không nghe theo liền. Ngày 21-03-55 Mặt trận gửi tối hậu thơ cho Thủ tướng NĐD: trong vòng 5 ngày, phải cải tổ nội các theo mô hình nhân sự của Mặt trận. Thủ tướng NĐD mời vào hội với ông, nhưng ông dứt khoát từ chối. Mà sáu ngày sau (27-03-55) ông còn cho lệnh đại tá Đỗ cao Trí đánh chiếm bộ chỉ huy Công an Cảnh sát do BX nắm giữ. Thế là chiến tranh giữa thủ tuớng NĐD có quân lực Quốc gia ủng hộ và BX có Pháp hậu thuẫn đã khởi sự và hai bên có cả một tháng để chuẩn bị đánh lớn, cũng gọi là hưu chiến. Cũng là lúc, ngoài cái nợ văn hóa (trường Bách khoa Bình dân) và cái nợ chuyên môn (Viện Hối đoái Quôc gia) tôi mang thêm cái nợ chánh trị nữa. Đầu tháng 04, 1955, ông Ngô đình Nhu, Tổng bí thư Cần lao Nhân vị Cách mạng đảng (CLNVCM) đã giao hay là nhờ tôi đứng ra phát triển đảng CL (Cần lao) trong Nam và tôi đã nhận lãnh, một cách tự nguyện, nhưng hết lòng theo truyền thống của gia đình “là làm cái gì phải làm đến nơi đến chốn, không làm thì thôi’’ và tôi đã khởi sự ngay, là thành lập Liên kỳ bộ Nam Bắc việt, bí thư là Chí nguyện, Đến lúc cuộc khủng hỏang Bình xuyên đến hồi gây cấn nhứt, nghĩa là có đánh nhau, có đổ máu… là cơ hội thử lửa (Baptême du Feu) cho Liên kỳ bộ Nam Bắc việt vừa mới thành lập với một tiểu tổ cơ bản và đầu não, gổm 8 thành viên. Nhưng với bao nhiêu đó Liên kỳ đã tích cực ủng hộ chiến dịch đánh Bình xuyên, bất chấp thiết quân luật Liên kỳ đã đi rải khắp các nẻo đừơng Sài Gòn/ Chợ lớn và Gia định cả ngàn tờ ‘’hịch’’ tố cáo tội ác của Bình xuyên trong 8 năm qua. (Toàn là sự thật, không một chút tuyên truyền láo). Và như chúng ta biết, biến cố Bình Xuyên lại kéo theo sau sự kiện Truất phế Quốc truởng Bảo Đại. Lại thêm một cơ hội nữa cho Liên kỳ tập sự nhún tay vào chánh trị, là giúp củng cố chánh quyền NĐD và giúp công xây dựng nền móng cho tòa nhà Đệ nhứt Công hòa của miền Nam VN, luôn luôn không quên những cán bộ CS để lại miền Nam. (Vì thế mà Liên kỳ vội bỏ đô thành Sài Gòn/Cholon để trọng tâm vào các tỉnh miền Tây). Trên đây là hai biến cố hết sức quan trọng mà với sự hạn hẹp của một con người, cá nhân tôi ở cương vị bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt, dù muốn dù không cũng đã trở thành chứng nhân như nhiều nhân chứng khác, nếu không nói là trực tiếp tham gia vào những biến cố lịch sử VN trong khoảng thời gian đó. Tiếp tục chủ trương triệt hạ quyền lực Bình xuyên, sau khi cải tổ Nội các (24-04-1955) có sự tham gia của Hòa hảo (Trung tướng Trấn văn Soái và ông Lương trọng Tường) và Cao đài (Thiếu tướng Nguyền thành Phương), ngày 25 tháng 4, 1955 Thủ tướng NĐD ra sắc lệnh cách chức Lai văn Sang, Tổng giam đốc CS Quốc gia. Như thế tức là tấn Bình xuyên vào vách tường. Cũng là lúc đặc sứ Collins vì quá bất mãn với Thủ tuớng NĐD nên đi về Washington để ráo riết vận động cho cả Chánh phủ Mỹ chuyển hướng 180 độ, tức là ‘’Diệm must go’’ cho kỳ được, và lần nầy ông thành công. Rõ ràng tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đứng về phe Thực dân Pháp là tướng Ely, Bảy Viễn…hơn là phe Quốc gia của Thủ tướng NĐD. Ba ngày sau là ngày 28-04-55, BX a) khai chiến, pháo kích vào dinh Đôc lập. Cùng một lúc, BĐ gửi điện tín b) triệu ông Diệm và tướng Tỵ qua Pháp để tường trình về tình hình trong nuớc và c) bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn văn Vỹ, tư lệnh Ngự lâm quân Đalat làm Tổng tư lệnh quân đội Quốc gia VN thay thế tướng Nguyễn văn Hinh, được toàn quyền sử dụng mọi phuơng tiện cần thiết để giải quyết cuộc tranh chấp giữa thủ tướng Diệm và các giáo phái. Lưu ý: Ba sự kiên a,b, c ghi trên hoàn toàn ăn khớp với nhau. Cùng ăn khớp với vận động thành công của tướng Collins ở Wahington, ‘’Diệm must go’’. Đặc biệt lưu ý đến chi tiết nầy: Thay thế tướng Hinh, tức là hoàn toàn phủ nhận quyền hành của Thủ tướng, coi chuyện Thủ tướng NĐD bổ nhiệm tướng Tỵ như ‘’ne pas’’. Như thế chẳng hóa ra là cất chức Thủ tướng rồi còn gì nữa? Chuyện triệu Thủ tướng qua Pháp, không với ai khác mà là với tướng Tỵ, vừa được thủ tướng bổ nhiệm Tổng tham mưu Quân đội Quôc gia VN. Đúng là một tiểu xảo chánh trị bất xứng. Được lệnh của Quốc trưởng BĐ, Thủ tưởng Diệm đã khôn ngoan, tìm được một lực lượng vô song để đương đầu với Quốc trưởng, không còn là Quốc truởng của một nuớc, của Quôc dân nữa mà là đại diện cho một tâp đoàn Thưc dân rất hùng hậu. Lực lượng vô song nói ở đây là Quốc dân. Một điều cần nói ở đây là khi Thủ tướng đi tìm một lực lượng vô song đó không phải là không có cố vấn của CLNVCM đảng, lúc đó là ai? Là Ngô đình Nhu, là Trần quốc Bữu, Trần trung Dung, Trần chánh Thành, có cả BS Bùi kiện Tín và ai ai nữa…cả nhóm Tinh thần, trong đó có Bs Huỳnh kim Hữu. Biết rằng tất cả những nhân vật nầy không một ai gia nhập Cần lao, nhưng đều chấp nhận chủ trương của ông Ngô đình Nhu và do ông Nhu chi phối theo đường hướng Cần lao của ông.. Vì đó mà Thủ tường NĐD cấp tốc triệu tập các Chánh đảng và Nhân sĩ Quốc gia, ngày hôm sau là ngày 29-04-1955, để xin ý kiến: Nên tuân lệnh Quốc trưởng BĐ triệu qua Pháp hay không? Như thế tức là muốn đặt Hội nghị trước một sự chọn lựa dứt khoát: Bảo Đại hay là Ngô đình Diệm ? Ở đây tôi muốn nói đến tính cách đại diện bao quát của Hôi nghị, chưa bao giờ miền Nam có một Hôi nghị gồm đại diện của những 18 đoàn thể nếu không nói là chính đảng và có những 34 nhân sỉ tên tuổi. (3) (3) 18 chánh đảng là: - Mặt trận Quốc gia Kháng chiến VN – VN Phục quốc hội – Thanh niên Quôc dân Xã VN –VN Dân chủ Xã hội – Phong trào tranh thủ Độc lập VN – Phụ nữ Quốc dân xã VN – VN Cần lao Nhân vị Cách mạng đảng – Tịnh độ Phật giáo đồ VN – Tổng Liên đoàn Lao công VN – Phong trào Dân chúng Liên hiệp VN – Phong trào Cách mạng Quốc gia – Tập đoàn Công dân – Nhóm Tinh thần – Xã hội Công giáo – Thanh niên Dân chủ VN –Cựu Chiến sĩ Kháng chiến VN – Nghiệp đoàn Ký giả VN – Hội tương trợ Đồng bào Nghệ Tỉnh /Bình. Rất tiếc là không còn đâu có danh sách 29 nhân sĩ. Trong số những nhân sĩ nầy tôi quen thân với BS Huỳnh kim Hữu và ông Huỳnh minh Y, bố vợ anh Huỳnh sanh Thông và anh Dư phước Long và năm ba nhân sĩ nữa, toàn là người Nam kỳ. Như thế có thể khẳng định tính cách đại diện bao quát của dân miền Nam. Dù biết rằng có những đảng chánh trị chỉ có vài ba chục đảng viên và không có một cây súng trong tay để đánh Pháp và chống CS Việt minh. Tuy nhiên cũng được cả năm bảy đoàn thể chánh trị có thực lực, nghĩa là có cả ngàn nếu không nói là mấy chục ngàn đảng viên và có năm bảy ngàn cây súng. Đó là VN Dân xã đảng Hòa hảo do bí thư Nguyễn bảo Toàn (Nguyễn giác Ngộ) đại diện, VN Phục quốc hội Cao đài do đại tá Hồ hán Sơn (Nguyễn thành Phưong) đại diện và Mặt trân Quốc gia Kháng chiến VN do Nhị Lang (Trình minh Thế) đại diện và Tịnh độ cư sĩ do Đoàn trung Còn đại diện. Đặc biệt là có những đoàn thể thanh niên, phụ nữ và trí thức. Nói được là gần toàn dân miền Nam có đại diện chánh thức đến phó hội. Cũng có vài gương mặt Bắc kỳ di cư, nhưng thiết nghĩ không có đại diện cho di cư Bắc kỳ vì khi đó Bắc kỳ di cư chưa định cư. . Ngày 29-04-1955, đúng10 giờ hôi nghị gồm đúng 52 đại diện cho 18 đảng phái và 34 nhân sĩ khai mạc tại phòng khánh tiết dinh Độc lập. Thủ tướng NĐD từ trên lầu đi xuống và có mấy lời: Cám ơn và nêu lý do mời đến hội, để rồi xin rút lui để tất cả hôi viên tự do thảo luận. Nói xong vài câu Thủ tướng NĐD bỏ lên lầu, không muốn ở lại, e có thể gây ảnh hưởng thế nầy hay thế nọ. Hôi nghị bắt đầu làm việc ngay là bầu: Chủ tọa đoàn: ông Nguyễn bảo Toàn, bí thư Dân xã đảng, Hòa hảo. Thư ký: ông Phạm việt Tuyền, nhà báo. Và họ đã nghiêm chỉnh làm việc. (Sáng ngày hôm đó còn có 3 trái pháo kích BX bắn vào dinh Đôc lập, có một trái nổ ngay đúng lúc Hôi nghị bắt đầu làm việc) Nhưng đang khi các hội viên yên lặng chăm chú đọc chương trình nghị sự, thì ông Nhi Lang đứng lên tuyên bố: “Thưa quí vị, tôi được chỉ thị đòan thể chúng tôi là Mặt trận Quôc gia Kháng chiến VN đến đây gặp quí vị không phải đề nói chuyện về việc Thủ tuớng NĐD có bổn phận hay không bổn phận thi hành lệnh của Bảo Đại. Mà là trái lại, tôi xin thẳng thắn đặt vấn đề là đã đến lúc chúng ta cần trút bỏ quyền hành của ông Quốc trưởng vô dụng kia đi. Là vì ông ta đang làm một việc trái với nguyên tắc lãnh đạo quốc gia. Thử hỏi, thành phố Sài Gòn đang có biến, dân chúng đang xôn xao lo sợ, tại sao ông BĐ lại chọn ngay lúc nầy để bắt buộc Thú tướng phải bỏ nước sang bên Pháp xa xôi kia, để ‘’tham khảo ý kiến?’’ Tham khảo cái gỉ? Phải chăng đây là mưu kế để nhắm lật đổ Chánh phủ nầy? Vậy tôi xin tuyên bố dứt khoát, nếu quí vị bằng lòng thảo luận việc truất phế Bảo đại ngay bây giờ,thì tôi ở lại. Bằng không, tôi xin phép ra khỏi phòng hội nầy ngay!’’. Lúc bấy giờ cả cử tọa sửng sốt hay bàng hoàng trước đề nghị quá táo bạo của Nhi Lang, cũng vừa lúc đại tá Hồ hán Sơn, đại diện tướng Cao đài Nguyễn thành Phương đứng lên và tuyên bố tiếp: “Nhân danh Việt Nam Phục Quốc hội, chúng tôi đồng ý với mặt trận Quốc gia kháng chiến, yêu cầu quí vị đừng bận tâm tới lệnh triệu thỉnh vô lý của Bảo đại nữa, mà hãy đồng tâm làm một cuộc cách mạng, chấm dứt ngay vai trò của ông Quốc trưởng BĐ kia đi cho xong. Nếu ý kiến nầy không được hưởng ứng, tôi cũng xin rút lui ngay tức khắc!’’ Đến đây thì tòan thể cử tọa không còn rụt rè nữa, nhứt là khi chủ tọa đoàn Nguyễn bảo Toàn cũng đứng lên tuyên bố hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của hai ông Nhị Lang và Hồ hán Sơn, nên đều hoan hô lên, trăm người như một, có người còn la lên đã đảo Bảo Đại và có người cởi giày ném vào mặt bức hình BĐ treo cao giữa phòng. Ông Vũ văn Mẫu, một giáo sư Bắc kỳ, với một nhân sĩ nữa chạy lại cồng kền Nhị lang lên vai và bảo đứng lên gỡ bức ảnh đi. Ông Nhị lang cực khổ lắm mới hạ đuợc bức ảnh đồ sộ của Quốc trưởng và ném xuống đất. Sau mươi phút sôi nổi, ồn ào… hôi nghị ngồi lại để bầu ra một Ủy ban Cách mạng Quốc gia, gồm 3 nhân vật đầu não là Nguyễn bảo Toàn, Chủ tịch, Hồ hán Sơn, Phó chủ tich, Nhị lang làm Tổng thư ký. Với sự đóng góp của nhiều cố vấn, một giờ sau Ủy ban đã thảo xong một bản Kiến nghị. Và sau khi nghe Chủ tịch Nguyễn bảo Toàn đọc hai lần, tât cả hội viên là 52 người đều chấp nhận và ký tên. Xong rồi thì các hôi viên yêu cầu Chủ tịch đi lên lầu mời Thủ tướng NĐD xuống để nghe kết quả của nghị hội. Thủ tuớng NĐD xuống lầu, tất cả mọi người đều đứng lên, ông đứng trước cử tọa, mặt xẩm xuống, vẻ buồn buồn hơn là lo âu, bầu không khí bỗng chốc trở nên yên lặng lạ thường… Chủ tịch Ủy ban vừa cảm động vừa quả quyết đọc lớn cho mọi người đều nghe: Thay mặt cho toàn thể Hôi nghị, tôi xin trình Thủ tướng kết quả của Hôi nghị là bản Kiến nghị gồm 3 điểm nầy: Kiến nghị: 1.- Truất phế Quôc trưởng Bảo đại 2.- Giải tán Chánh phủ Ngô đình Diệm 3.- Ủy nhiêm chi sĩ Ngô đình Diệm thành lập chánh phủ mới để trừng trị bọn phiến loạn Bình xuyên, thu hồi chủ quyền quốc gia, yêu cầu triệt thoái quân đội viễn chinh Pháp và tổ chức bầu cử quốc dân đại hội. Làm ngày 29, tháng 04, 1955 Đại diện 18 chánh đảng và đoàn thể cùng 34 nhân sĩ ký tên: Vừa nghe Truất phế Quốc trưởng BĐ, mọi người đều thấy mặt Thủ tướng đỏ lên rồi lần lần biến sắc. Ông hoàn toàn bị cú sốc. Nghe xong thấy ông lặng người, tay nhận lấy bản kiến nghị và cố gắng lấy lại bình tỉnh, hết sức chẫm rãi trả lời gần như từng chữ một: Xin quí ngài cho tôi… được có thì giờ… suy nghĩ kỹ… về vấn đề trọng đại nầy! Xin cám ơn quí ngài! Sau đó các hội viên lần lượt êm lặng đến bắt tay từ giã Thủ tướng, thấy vẻ mặt ông âu lo rõ ràng…. lúc đó là 5 giờ chiều. Hôi nghị đã kết thúc và giải tán. Đến đây thì cuộc Cách mạng kể như là xong và Thủ tướng Diệm bị đặt trước một sự đã rồi. Vốn Thủ tuớng NĐD chỉ muốn dẫn vào nhà một con tuấn mã để nhờ giúp qua suối, không dè nhìn lại là một con bạch hổ, ông không cỡi thì nó sẽ thịt ông, nhưng nếu ông dám leo lên lưng nó, thì chỉ một cái nhảy vọt nó đưa ông lên tới đĩnh núi cao vời vợi. Thật ra khi đến giai đoạn nầy Thủ tướng NĐD vẫn còn nghĩ đến một chế độ Quân chủ lập hiến, chưa nghĩ đến một chế độ Công hòa, cái đó là chắc. Thành ra khi biết chuyện Truất phế là sự đã rồi, ông không tái mặt làm sao được! Chiều tối lại, lúc 8 giờ đài phát thanh Sài Gòn đưa tin cho toàn quốc và Thế giới biết ở miền Nam VN đã xẩy ra cuộc cách mạng Truất phế Quốc trưởng Bảo đại. Cùng một lúc Ủy ban Cách mạng Quốc gia kêu mời các nhân sĩ và đồng bào ngày hôm sau đến hội tại tòa Đô chánh Sài Gòn để nghe Ủy ban thuyết trình về biến cố lịch sử vừa xảy ra. Và ngày hôm sau, từ sớm các giới nhân sĩ, các đại diện các chánh đảng, thanh niên sinh viên phụ nữ, báo chí.. phấn khởi tụ tập đầy nghẹt phòng khánh tiết tòa Đô chánh Sài Gòn. Ông Nguyễn bảo Toàn, Hồ hán Sơn và Nhị lang thuyết trình về Cuôc Cách mạng Truất phế BĐ ngày hôm trươc, tất cả cử tọa đều nhiệt liệt hoan hô, triệt để ủng hộ. Và thêm một màn hạ bệ Bảo Đại một lần nữa, có người bắt thang leo lên gỡ bức ảnh to tướng hình Quốc trưởng BĐ treo trước cửa tòa nhà và ném xuống đất, rồi có những thanh niên nhảy lên dậm đạp cho nát bét (Tôi đã chứng kiến màn hạ bệ do anh bạn ĐTC điều khiển). Đang khi đó ba tướng Nguyễn giác Ngộ (Hòa hảo), Nguyển thành Phuơng (Cao đài) và Trịnh minh Thế (Mặt trận Quốc gia Kháng chiến) được Ủy ban Cách mạng giới thiệu, đứng ra trình diện để công chúng hoan hô, như là những anh hùng đã tạo ra thời thế. Và chúng tôi đã nghĩ vậy, vì sau lưng của Ủy ban Cách mạng đã có ba tướng nầy cho ý kiến, nếu không nói là cho chỉ thị, nên ba ông đại diện Nguyển bảo Toàn, Hồ hán Sơn và Nhị Lang đã hành động, đã lên tiếng hết sức đồng nhịp với nhau (synchronized) và nhờ vậy mà lôi kéo tất cả Hội nghị một cách dễ dàng, nhứt là khi các thành phần hôi nghị đã sẵn có tiềm thức phản hoàng rồi.(5) (5) Vốn cái ý phức phản hoàng nầy có trong Nam từ thời vua Tự Đức tức là gần cuối thế kỷ 19 khi vua Tự Đức nhượng cho Thực dân Pháp 3 tỉnh miền Đông, rồi 3 tình miền Tây Nam kỳ lục tỉnh một cách dễ dàng quá. Rồi đến khi phong trào Kháng Pháp trong Nam, như của Thủ khoa Huân, của Trương công Định, của Thiện hộ Dương, của Cố quản Trần văn Thành… lại bị triều đình nhà Nguyễn bỏ rơi gần như hoàn toàn. Đề rồi qua đầu thế kỷ 20, phong trào Tây học, như các nhà cách mạng Đệ tứ Nguyễn an Ninh, Nguyễn văn Nguyễn, Tạ thu Thâu, Hồ hữu Tường và nhứt là Phan chu Trinh đã gieo rắc trong Nam nhứt là trong giới trí thức ý thức phản hoàng hay Cộng hòa. Ngoài ra chế độ thuộc địa Pháp là chế độ thuộc địa có văn hóa cộng hòa hơn là quân chủ, cho dù nó phát xuất từ thời Napoleon III… Đến đây thì cuộc Cách mạng đã được chánh thức hóa bằng một văn kiện có rất nhiều chữ ký rất nặng giá vì đại diện cho nhiều đoàn thể chánh trị hay quần chúng và công khai hóa bằng đài phát thanh, bằng sự xác nhận trước công chúng của thủ đô Sài Gòn/ Chợ lớn. Như thế phải nhìn nhận là cuộc Cach mạng nầy đã thành tựu một cách tuyệt đối rồi. (Period, Point final). Và theo tôi cuộc Cách mạng nầy là biến cố lịch sử quan trọng nhứt từ ngày Việt Minh cướp chánh quyền trên tay Chánh phủ Bảo đại/ Trần trọng Kim tại Sài Gòn ngày 23-08-45 (ở Hà nội là ngày 19 tháng 8, 1945) 10 năm truớc, vì nó có tính cách quyết định, dù chỉ là đập đổ, san bằng. Nhưng muốn xây dựng cái gì thì phải đập đổ và san bằng trước cái đã. Đó là một lẽ tất nhiên. Còn chuyện xây dựng là chuyện của hồi sau. Cuôc Cách mạng Truất phế Quốc trưởng Bảo đại nầy là tác động của dân miền Nam nói chung, trong đó quần chúng Nam kỳ lục tỉnh qua các đại diện của họ đã đóng một vai trò chủ động, không ai có thể chối cải điều đó. Dù là tiêu cực hay là đập đổ và san bằng, nhưng tích cực là nó đã dọn đường cho sự hình thành ra Đệ nhứt Công hòa, vì ngay lúc đó chính Thủ tướng NĐD còn nghĩ tới chế độ Quân chủ lập hiến. Nhưng tai hại vô cùng, chỉ năm năm sau cũng chính quần chúng Nam kỳ lục tỉnh (không quơ đũa cả nắm) qua Mặt trận Giải phóng Miền nam đã đóng một vai trò qua ư quan trọng, dù không phải là chủ động đã khởi sự tàn phá, không phải chì Đệ nhứt CH mà cả Đệ nhị CH nữa. Sau 15 năm dọn đường, đúng hơn là làm cổ sẵn cho CS Miền Bắc thôn tính hoàn toàn, đúng hơn là thuộc địa hóa miền Nam, cho đến bao giờ? Truất phế BĐ là một tác động Cách mạng sáng suốt hợp tình hợp lý bao nhiêu, thì tác động gọi là Mặt trận Giải phóng miền Nam, là một cái sai lầm ghê gớm, nếu không nói là ngu xuẫn tày đình bấy nhiêu, như lịch sử 34 năm qua đã chứng minh quá hùng hồn, vì hệ lụy tai hại vô cùng, cho quyền lợi, cho cả quyền làm người của dân miền Nam nói chung và dân Nam kỳ lục tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, tôi còn hy vọng, dù mong manh đi nữa, sẽ có ngày quần chúng miền Nam nói chung và Nam ky lục tỉnh nói riệng sẽ đứng lên làm một cuốc Cách mạng nữa. Và lần nầy là một cuộc Cách mạng vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của cả một dân tộc VN, không riêng gì cho miền Nam hay Nam kỳ lục tỉnh. Đó là sứ mạng của lịch sử giao phó cho dân miền Nam, không riêng gì người trong nước hay ở hải ngoại. (Ơ đây cũng nên nhắc lại những biến cố rất quan trọng sau đây, nhưng tôi kể là bên lề vì nó không có tính cách quyệt định, nó như là mấy màn của một tấn bi hài kịch lịch sử mà các diển viên, từ những tên lưu manh hạng nặng, những nhà ngoại giao ngu ngơ, cho đến những chánh trị gia lổi lạc phi thường, những anh hùng rất thông minh và can trường… mà vai nào cũng đặc sắc cả, đặc sắc ở đây không có nghĩa là vai trò nào cũng tốt đẹp đáng vỗ tay. Đầu tiên là chuyện của một ông tướng Nguyễn văn Vỹ, tư lênh Ngự lâm quân, Đà Lạt, được Quốc trưởng BĐ bổ nhiệm ngày 28, tháng 04 - cùng một lúc triệu Thủ tướng Diệm và Tổng Tham mưu Lê văn Tỵ qua Pháp – làm Tổng tham mưu quân đội Quôc gia VN thay thế tướng Hinh được toàn quyền hành động. Được bổ nhiệm xong, tướng Vỹ vội kéo Ngự lâm quân về ngay Tổng tham mưu bắt tướng Tỵ, kéo vào dinh Gia long toan lật đổ chánh phủ NĐD. Lúc đó là 6 giờ chiều. Nhưng ngẫu nhiên Ủy ban Cách mạng, sau khi trình diện ở tòa Đô chánh đã đổi tên là Hội Đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia kéo nhau vào dinh Độc lập và một lần nữa Nhị lang lại là người táo bạo nhứt dám dùng một khẩu súng tay (chưa chắc đã lên đạn), bắt tướng Vỹ phải đưa tay lên đầu hàng, nghĩa là cuộc phản đảo chánh cùa tướng Vỹ bỗng chốc hóa ra mây khói. Đến đây đúng là trò hề, vì mới năm phút trước tướng Vỹ áp lực Thủ tuớng NĐD từ chức, bây giờ ông phải nhờ Thủ trướng che chở cho ông khỏi mất mạng. Để rồi đầu hàng Cách mạng, ký cả hai tay giấy cam kết trở lại hợp tác với Thủ tướng. Nhưng hai ba giờ sau lại phản phé, muốn lật ngược lại thế cờ. Song đến chừng đó thì không còn một ma nào coi ông có chút gì nghiêm chỉnh cả, nên mọi người đều bỏ rơi ông, bắt buộc ông phải cuốn gói rút quân chạy về Đà lat, lúc đó đã 3 giờ sáng. Chuyên thứ hai là chuyện của một ông đặc sứ Collins của TT Eisenhower. Sau khi không chinh phục được Thủ tuớng Diệm theo đề nghị ngu ngơ cải tổ chánh phủ của mình, ông tự cho mình bị khinh bạc, mất mặt với bạn bè chi binh, biết đâu lại không có miệng lưỡi của một mụ đàn bà xúi bậy vào…ông vội bỏ VN trở về Mỹ chính hai ngày trước khi BX khởi chiến. Ông về Mỹ ráo riết vận động với Quốc hội, với bộ Ngoại giao, với hội đồng An ninh Quồc gia và triệt để khai thác tình tự bạn chi binh với chính TT Eisewhower. Sau 5 ngày vận động không ngừng nghỉ, ông thành công: TT Eisenhower gửi tối hậu thư tuyên bố “Diệm must go’’ để ông Đặc sứ mang về Sài Gòn, phổ biến cho các đảng phái liên hệ, cũng có thể như là món quà đáng giá triệu đô cho bạn chi binh của ông là tướng Ely và nhứt là cho Bảy Viễn.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 16:36:34 GMT 9
Nhưng không ai dè, chính trong thời gian ông ở Mỹ thủ tướng NDD đã ký sắc lệnh mở chiến dịch Hoàng Diệu do đại tá Duơng văn Minh làm tư lệnh, để phản công Bình Xuyên và ngày một ngày hai quân đội Quốc gia VN đã đánh bật hai trung đoàn BX ra khỏi địa bàn Sài Gòn/Chợ lớn, tàn quân BX rút chạy vào Rừng Sát, hoàn toàn tan rã và chiến dịch đã kết thúc trong vòng mươi ngày và ngày mùng 8 tháng 5 đại tá Dương văn Minh kéo quân khải hoàn về. Quân đội Quốc gia tổn thất vài mươi sinh mạng. Chẳng may lại mất một tướng tài, cũng là một nhà chánh trị đầy hứa hẹn. Sáng ngày 02-05- 1955 tướng Trinh minh Thế kéo quân qua cầu Tân thuận để truy kich quân binh BX, một người lính Pháp trong tàn quân BX bắn sẻ từ bên kia cầu, tướng Thế chết ngay trên “command car’’. (Sau nầy người Pháp có bắn tin là đã trả được thù cho tướng Chanson và Thái lập Thành, tay chơn của Pháp, vì hai nhân vật nầy đã bị quân của tuớng Thế ám sát chết ở Sadec năm bảy năm trước.) Sau khi thành công xoay chuyển Wahington hơn 180 độ, tướng Collins hớn hở bay về VN. Trên con đường bay về Sài Gòn thì Washington được tin thủ tướng NĐD với quân đội Quốc gia trung thành, như vũ như bão phản công BX mà chiến thắng ở trong tầm tay của Thủ tướng rõ ràng. Đánh BX để chứng minh Thủ tướng có đủ bản lãnh và tài ba để ổn định tình thế, bất chấp những mưu mô lươn lẹo của thực dân Pháp và cố chấp ngu ngơ của tướng Collins. Cho nên Washington lập tức phải trở lại ủng hộ thủ tướng NĐD còn hơn trước (statu quo ante) và đã vội vả đánh một diện văn khác để thủ tiêu bức thơ của Collins đang cầm tay. Cho nên khi ông Đặc sứ vừa xuống phi trường TSN thì cũng vừa lúc một nhân viên tòa đại sứ chạy đến trình cho ông một diện văn hỏa tốc. Ông phải mở ra xem liền, tôi không thấy gương mặt của ông đặc sứ Collins lúc bấy giờ, nhưng tôi chắc là ông phải đổ mồ hôi hột, dù trời Sài Gòn tháng 5 không nóng lắm, nhưng có thể ông cảm tưởng là đã tới tháng 8 rồi! Tôi nghiệp cho ông Đặc sứ, quá nhiều ego (tự ái), làm mất sáng suốt!) Đến đây thì phải nhìn nhận là trên thực tế chế độ quân chủ của nhà Nguyễn với 13 triều đại (1802-1954) đã thật sự cáo chung, sau một thời gian 9 năm (1945-1954) hấp hối. Vốn độc lập của VN do quân đội Nhựt ban cho (09-03- 1045), không do tranh đấu, do hi sinh mà được, tất nhiên không giá trị bao nhiêu, nên Nguyên thủ quốc gia phung phí một cách vô ý thức là phải.Tuy nhiên trong mấy tháng độc lập quốc gia (09-03 đến 24-08-1945), chánh phủ Trần trọng Kim cũng làm được một việc cho quốc dân là Cải tổ hệ thống giáo dục quốc gia theo định hướng dân tộc. Nhưng cùng một lúc làm một việc vô cùng tai hại cho quốc dân nhứt là ở miền Nam kỳ lục tỉnh. Vốn ngày 02-05-1945, Hoàng đế Bảo đại đã ký sắc luật phóng thích tất cả tù nhân chánh trị, mà trong đó 90% là cán bộ CS, bị Pháp giam giữ ở Côn đão từ phong trào Soviết-Nghệ tỉnh (1929-30) và cuộc nổi dậy trong Nam (1939-1940) của Đệ tam Quôc tế, mà tổng số lên đến trên 10,000. Nhờ đó mà ngày một ngày hai (tháng 6, tháng 7, 1945) cả mấy ngàn cán bộ CS, (trong đó có Lê Duẫn, Tôn đức Thắng, Phạm Hùng, Lê văn Lương…toàn là cán bộ cao cấp), sau nhiều năm tôi luyện vừa lý thuyết vừa kỹ thuật hành động được đón tiếp nhiệt liệt trở về Cấn thơ, Sóc trăng, Trà vinh…để rồi làm ung thúi chánh trường miến Nam, đưa VM nắm lấy thế thuợng phong, đàn áp các Giáo phái, giết hại các nhà ái quốc chân chính, cướp lấy chánh nghĩa quốc gia, thầu công cuộc kháng Pháp cho đến Điện biên phủ, tháng 5, 1954. • 4 - Cương vị thứ tư là một cương vị hỗn hợp. Khi tôi vừa điều khiển VHD, các trường BKBD và Hội Văn hóa Bình dân, với chức vụ Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt, tôi đã trở thành một cố vấn đa dạng (tiện tệ, văn hoá và an ninh) của Thủ tướng NĐD. Ơ đây tôi không nói tôi đã làm nhửng gì, tôi chỉ nói đến những gì tôi thấy tôi nghe, cũng là chứng nhân cho những biến cố lịch sử kể ra sau đây. Thật ra từ đây vai trò của CLNVCM đảng càng ngày càng trở nên quan trọng và rõ ràng hơn. Nói đến Cần lao trong giai đọan nầy, ngoài lý thuyết Nhân vị, không phải chỉ là những thành viên đầu não của nó là Ngô đình Nhu, Trần quôc Bửu, Trấn chánh Thành, Trần trung Dung… , và trong chừng mực hạn hẹp của nó là Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt, (thành lập từ đầu tháng 04, 1955 và giải tán đầu năm 1958), mà còn phải kể những đoàn thế do Cần lao lãnh đạo, như Tập đòan Công dân, Phong trào Cách mạng Quốc giai… Tất cả đều nhìn nhận Thủ tướng sau là Tổng thống NĐD làm lãnh tụ tối cao, biểu tượng cho chính nghĩa Quốc gia hay Dân tộc, chống lại HCM, biểu tượng cho chủ nghĩa Quôc tế Mac-lêninit (4) (4) (Cũng lạ là trong những cuộc khủng hoảng vừa kể trên những người cận kề bên ông Diệm nhứt toàn là người Trung hay người Bắc, chỉ có một mình tôi là người Nam, mà cuôc Cách mạng Truất phế BĐ lại hoàn toàn là do tác động của người miền Nam. Có phải vì thế mà thủ tướng Diệm phải suy nghĩ cả 2 tháng mới khởi sự hành động một cách dứt khoát với BĐ.) Và thành tích cụ thể và rực rỡ nhứt cùa CL, là cuộc Trưng cầu Dân ý, kéo theo là Quốc hội lập hiến với Hiến pháp 1956 của nó, cũng là cái ID (lai lịch) của Đệ nhứt Công hòa của miến Nam (1956-1963). a - Trưng cầu dân ý. Ngày 22 tháng 10, thủ tuớng NĐD qua hệ thống truyền thanh đã kêu gọi quốc dân ngày hôm sau nên dùng cái quyền tự do của mình, cũng là nhiệm vụ của người công dân, phải đi đầu phiếu để chọn lưa giữa Quốc trưởng BĐ và ông, tức là chọn một thể chế Quân chủ hay Cộng hòa. Và ngày 23 tháng 10, 1954 quốc dân miền Nam đã nhiệt liệt huởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng NĐD, náo nức kéo nhau đi đầu phiếu và kết quả hết sức tốt đẹp cho thủ tướngNĐD: 5,838,907 cử tri đi bầu. 5.721.735 lá phiếu Truất phế Quôc trưởng BĐ và bầu NĐD lên thay thế, như là Quốc trưởng VN. Như thế Thủ tướng NĐD thu về cho mình gần 98% số phiếu đi bầu. Thật ra thì Thủ tướng Diệm không cần đến một phân xuất cao đến thế. Vì ai ai cũng đinh ninh ông thắng và thắng lớn. (Ai nói gì thì nói theo tôi kết quả hay những con số nầy hoàn toàn trung thực với ý người dân, nếu có một hai thùng phiếu không hợp lệ vì nhân viên chánh quyền quá sốt sắng đến chỗ ngu xuẩn, thì chỉ là một con số quá nhỏ, không đáng kể.) Như thế Quốc dân miền Nam muốn chấm dứt chế độ Quân chủ và ủy nhiện cho ông NĐD nhiệm vụ thiết lập chế độ Công hòa dân chủ. Cho nên cách nầy hay cách nọ Truất phế Quốc trưởng BĐ như là mẹ đẻ ra các Biến cố lịch sử kế tiếp, như là một quá trình tiến hóa chánh trị bất di bất dịch của lịch sử. Ngày 26 tháng 10, 1955, Thủ tướng NĐD tuyến bố Hiến chương tạm thời, theo đó từ rày VN là một nước Cộng hòa, người lãnh đạo là Quốc trưởng kiêm luôn chức Thủ tướng, tức là Tổng thống nước Việt nam Cộng hòa. Đến đây thì uy tín của Thủ tướng lên đến tuyệt đỉnh, trong nuớc cũng như trên thế giới, vì tuyệt đại đa số Quốc dân ủng hộ ông. Nhờ đó mà ộng giải quyết tất cả các vấn đề tồn kho với Pháp để hoàn thành độc lập Quốc gia trọn vẹn: a) Pháp phải giao trả lại cho VN hoàn toàn chủ quyền tiền tệ tài chánh (VN không còn phải ở trong khu vực đồng quan Pháp nữa), b) chủ quyền Ngoại giao (Cao ủy Pháp được giải tán, từ rày tướng Ely chi là một đại sứ, bộ Ngoai giao VN giao thiệp thẳng với bộ Ngoại giao Pháp) và c)chủ quyền Quốc phòng, quân đội Pháp lục tục rút quân cho hết trong vòng 6 thángb - Xây dựng chế độ Công hòa. Ngày 23-01-56 Thủ tướng ký nghị định tổ chức bầu Quôc hội lập hiến. Ngày 04-03-56, Quốc dân miền Nam nhiệt liệt hứng khởi đi đầu phiếu, bầu 123 dân biểu cho Quốc hội Lập hiến. Ngày 26-10-56 tân Hiến pháp được công bố. Nước Việt nam Cộng hòa ra đời, Thủ tướng NĐD được xác nhận là Nguyên thủ Quốc gia, dưới danh xưng là Tổng thống, kiêm chức vụ Thủ tướng, với 2 nhiệm kỳ là tối đa, mỗi nhiệm kỳ là năm năm. • Kết luận Hiến pháp 1956 hay là ID của Đệ nhứt Cộng hòa ở miền Nam. Thử tìm hiểu cái ID nầy xem. Như trên đã nói, từ ngày Hội nghị các chính đảng và các nhân sĩ miền Nam đã làm Cách mạng Truất phế Quốc trưởng BĐ (ngày 29-04-1954), vai trò của CLNVCM đảng càng ngày trở nên hết sức quan trọng, với chủ thuyết Nhân vị cũng như với tổ chức nhân sự của nó. Ảnh hưởng của nó trên những biến cố chánh trị đưa đến kết quả là Hiến pháp VN Cộng hòa 1956 đều luôn luôn có tính cánh quyệt định nếu không nói là chủ động. Và cây nào sanh ra trái nấy là một lẽ tất nhiên. Ngay trong trang đầu của Hiến pháp có hai từ ngữ Duy linh và Nhân vị. Thiết nghĩ hai từ ngữ nầy cũng đủ để giái thích tất cả bản chất của một Hiến pháp như là bản luật tối cao của một nước, của một Quốc gia hoàn toàn độc lập. Nhưng nội dung với những điều khoản của nó không khác mấy với những Hiến pháp các nước khác, kể cả nước CS, như là định đoạt chủ quyền thuộc về toàn dân, định đọat nhiệm vụ và bảo đảm quyền lợi của nguời dân với đầy đủ những quyền tự do của nó, tự do đi lại, cư ngụ, tự do tư tưởng, tư do ngôn luận, tư do tín nguởng., đủ thứ tự do…. Nhưng lại khác với các hiến pháp khác và hoàn toàn trái ngược với hiến pháp của CHXHCN ở chỗ thi hành hay áp dụng, mà phương châm hành động là Chủ thuyết của Hiến pháp. Muốn hiểu lập luận nói trên thì nên so sánh Hiến pháp của nước Việt nam Cộng hòa của miền Nam dân chủ và Hiến pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa của miền Bắc CS. Nếu hai chữ Duy linh và Nhân vị đã đủ để giải thích bản chất của Hiến pháp VN Công hòa, thì hai từ ngữ Duy vật (Xã hội Chũ nghĩa) và Đảng ngay trang đầu Hiến Pháp CHXHCN cũng quá đủ để giải thích bản chất của Hiến pháp nầy. Vốn chủ thuyết Duy linh Nhân vị là một lý thuyết lấy Chân lý lịch sử, lấy Sự thật khoa học làm căn bản để giải thích mọi diễn tiến của xã hội con người, cũng như nhận định con nguời (Nhân vị) như là một giá trị tuyệt đối, ngang hàng với trời đất, tức nhiên Nhân vị của con người thành ra mực thước đo lường các giá trị khác. Tuy nhiên Nhân vị còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, để đưa cộng đồng cùng đồng tiến. (Ba ngôi sao biểu hiệu của CLNVCM đảng có nghĩa là nhân vị, cộng đồng và đồng tiến). Hiến pháp Đê nhứt CH đã bảo đảm cho Quốc dân miền Nam được nhiều năm hết sức an lạc: Kinh tế phát triển tốt đẹp dù phải nhận thêm gần 1 triệu di cư chạy giặc CS từ miền Bắc, Xã hội được an bình, an sinh xã hội được bảo đảm, Giáo dục được tổ chức có qui củ theo định hướng duy linh truyền thống dân tộc. vừa tiến bộ theo trào lưu khoa học của nhân loại, Văn học được nẩy nở tưng bừng… Đang khi đó thì thuyết duy vật sử quan của CS lại lấy ảo tưởng (thiên đàng XHCN) tức là sai lầm, cũng là gian dối , làm cứu cánh tối hậu cho xã hội, để rồi lấy Đảng làm con đuờng hay Đạo để đưa tới cứu cánh. Tức nhiên Đảng hay Đạo thành ra mực thuớc đo lường Đạo đức của con người, mà người CS gọi là Đạo đức Cách mạng. Cho nên tất cả những hành vi, nhửng hoạt đông của con nguời, từ tiêu thụ đến sản xuất, từ giết nguời cướp của, từ đánh đĩ hảm hiếp, tham nhủng gian lận…đến cả tố khổ cha mẹ, phản bội bạn bè anh em….đến cả bán trăm ngàn đàn bà con gái trẻ con, bán nước, bán biển, miển sao có lợi cho Đảng, miển sao củng cố được quyền lực của Đảng, tất cả, tất cả đều là Đạo đức Cách mạng, đúng theo tư tường của HCM..
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 16:44:27 GMT 9
Cho nên Hiến pháp của CHXHCN, một bản luật tối cao của một nước hóa ra một dụng cụ để phụng sự Đảng hơn là quốc dân, nếu có sự đối chọi giữa quyền lợi của Quốc dân và quyền lực của Đáng thì bắt buộc Hiến pháp phải luôn luôn đứng về phía của Đảng, bất chấp đến tất cả những tiêu chuẩn công lý, công bằng, phong hóa cao thấp lớn nhỏ hết. Kinh nghiệm điển hình là những vi phạm hiến pháp trắng trợn của Nhà nước như đàn áp tự do ngôn luận, tư do tư tuởng, tự do tin nguỡng…luôn luôn được Tòa án chấp nhận một cách dứt khoát như là hợp Hiến, hợp pháp, như là lẽ phải. Như thế việc chống án là một việc illogic, một việc vô lý, không phải lẽ. Kết quả tối hậu là một xã hội, một nước chỉ gồm có hai thành phần: Đảng thành là Thiên chúa tối cao và Quốc dân thành ra tín hữu hèn hạ bất đắc dĩ, cũng gọi là nô lệ. Tất cả tài sản hữu hình (đất đai, nhà cửa, cơ xưởng…) và vô hình (trí thức nếu có, dư luận, cả tôn giáo…) lân lần trở thành sở hữu của Đảng. Hiến pháp của Việt nam Cộng hòa đã trở thành một thế lực bảo đảm sự phát triển xã hội của miền Nam trong cả hai thập niên (1955- 1975), dù Hiến pháp của Đệ nhứt Cộng hòa sau 02-11-63 có bị thay đổi đi nữa thì tinh thần của nó vẫn còn tồn tại, chẳng những trong Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa, mà còn dan díu bỏ chạy theo cả triệu thuyền nhân, để rồi thấm nhuần vào tâm hồn của Công đồng người Việt hải ngoại tản mát năm châu bốn bể. TT Ngô đình Diệm và ông Ngô đình Nhu. Trên kia tôi có nói đến những biến cố lịch sử đã dọn đường cho sự xuất hiện và thành hình VN Đệ nhứt Cộng hòa, với một ID có bản chất nhân bản rõ ràng. Đó là một diễn tiến chánh trị, đầy gian truân, đầy nghiệt ngã, đúng là một trường hợp mang nặng, rất nặng, đẻ đau và rất đau. Qua diển tiến của lịch sử, không cần dài dòng, sau những sự kiện hết sức phức tạp ghi trên, quí vị cũng nhận thấy ngay hình ảnh khi ẩn khi hiện, nhưng luôn luôn bất khuất của một người Anh và của một người Em. Và Anh Em Họ phải tài ba thế nào, phải dũng cảm kiên trì làm sao, mới khắc phục bao nhiêu trở ngại khó khăn tày đình,mới phá vở bao nhiêu mưu đồ bát quái, để sau cùng sản sinh ra được một đứa con tinh thần ưu tú, khỏe mạnh, đến thế nào mà xã hội VN của chúng ta mới có được những năm tháng (1956-1963) độc lập, tự đo và hạnh phúc. Tất nhiên không hoàn hảo vì giặc ngoài và nhứt là giặc trong… nhưng vẫn còn để lại được cho dân tộc, không riêng gì ở miền Nam mà còn cho cả nước, một legacy, một di sản chánh tri (độc lập & tư do), văn hóa ( chân lý & phóng khoáng), kinh tế (nhân bàn & công binh). Cái legacy nầy đã nảy sinh ra một cái tinh thần với bản chất quốc gia hay dân tộc, mà người viết có kỳ vọng sẽ là động lực bất khuất để đoàn kết và làm Cách mạng lật đổ một chế độ có bản chất hoàn toàn gian dối và sắt máu Mác-lêninit. Hôm nay là ngày mùng 8, tháng 11. mới tuần trước đây, hội ‘’Ái hữu người Việt Quôc gia Hải ngoại’’ đã tổ chức Lễ giỗ cho hai người Anh Em, TT Ngô đình Diệm và cố vấn Ngô đình Nhu và quan trọng hơn nữa: Trên 30 Hội đoàn, Đoàn thể đã tập hợp hành lễ Truy điệu hai người Anh Em tại công viên Tự do, Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster. Trong các sách tôi viết về cái chết của hai nguời Anh Em nầy, luôn luôn tôi có câu kết sau đây: Thương cho Tổng thống Ngô đình Diệm và tiếc cho ông Ngô đình Nhu! Hôm nay tôi xin lập lại! Thương ở đây là thương khóc, khóc cho một con nguời đầy đức độ, ái quốc mãnh liệt, cả đời tranh đấu, kiên trì tranh thủ cho Độc lập Quốc gia, cho Tự do Dân tôc, cho Hạnh phúc Đồng bào, đúng là một vị Anh hùng dân tôc, một vĩ nhân của đất nước! Tiếc là thuơng tiếc, thuơng tiếc cho một đầu óc uyên thâm, cho một hòai bảo rộng lớn, cho một viễn kiến cao sâu…mà trong dòng lịch sử, dân tộc VN đã sản sinh ra, nhưng được mấy người, thử hỏi? Tôi được may mắn và danh dự gần gũi với hai người Anh Em nhiều tháng nhiều năm, từ những lúc gian truân trầy trật. Trước tòa án xét xử của lịch sử, là nhân chứng trong nhiều nhân chứng cho hai người Anh Em, tôi tự cho mình luôn luôn trung thực. Thành thật cám ơn tất cả quí vị! Westminster, ngày 08-11-2009 Huỳnh văn Lang (Tel: 714-890-5194) Email <h.vanlang@sbcglobal.net>
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 17:07:35 GMT 9
Cần thẩm định lại giá trị của TT Ngô Đình Diệm và chế độ VNCH Tôn Thất Thiện Ông Diệm do chính phủ Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp ủng hộ ?Thuyết Nhân Vị phủ nhận cá nhân, cốt lõi của dân chủ ? Trong những năm gần đây vấn đề xét lại lịch sử Việt Nam được đặt ra và càng ngày càng được hưởng ứng. Trong sự xét lại này, giai đoạn 1954-1963, giai đoạn ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, là một giai đoạn rất sôi động nhưng lại chưa được khảo xét đầy đủ và đứng đắn, và nay cần được chú ý nhiều hơn. Về điểm này có thể nhắc đến những tác phẩm : - Nhớ lại những ngày ở cạnh tổng thống Ngô Đình Diệm của đại tá Nguyễn Hữu Duệ (1), - Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt của ông Nguyễn Văn Minh (2), - Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam, 1954-1963, Một cuộc cách mạng của tiến sĩ Phạm Văn Lưu và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn (3). Những tác phẩm trên đây đáng đánh giá cao vì các tác giả của nó hội đủ những điều kiện cần thiết về vô tư và chính xác. Những tác phẩm này ra đời đúng lúc. Nó có tác dụng góp một phần quan trọng vào sự dọi ánh sáng mới vào lịch sử giai đoạn 1954-1963. Đặc biệt nhất là nó đã nói lên những điều mà, đáng lẽ, chính anh em họ Ngô phải nói lên trong hơn 50 năm qua để trả lời những công kích chỉ trích về họ và chế độ Việt Nam Cộng Hòa I. Anh em họ Ngô đã im lặng. Họ đã im lặng, vì họ đã bị sát hại. Nay mới có người nói thay họ. Bài này chỉ bàn về tác phẩm của tiến sĩ Phạm Văn Lưu và tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn, vì, khác với các tác phẩm của đại tá Nguyễn Hữu Duệ và của ông Nguyễn Văn Minh, nó không thuộc về loại hồi ký/hồi ức, mà là một công trình sử học, đúng nghĩa của nó, nghĩa là thỏa mãn những tiêu chuẩn về khoa học của những trường đại học lớn của thế giới : khảo sát tường tận, hoàn toàn khách quan, dữ kiện được cân nhắc kiểm tra kỹ lưỡng, trình bày một cách bình tĩnh, vô tư, ngôn ngữ đứng đắn. Nó thỏa mãn những điều kiện trên vì nó trích từ những luận án tiến sĩ của hai tác giả. Hai tác giả trên đây đã tốt nghiệp từ Đại học Monash University ở Melbourne, Úc, và đã từng là giáo sư của các đại học đó. Họ đã chọn Việt Nam và giai đoạn Ngô Đình Diệm làm đề tài luận án tiến sĩ, và những bài họ viết được trích từ các luận án của họ. Năm nay họ đều 62 tuổi, nghĩa là trong thời gian 1954-1963 họ còn là học sinh nên không có liên hệ gì với chế độ Cộng Hòa I. Họ cũng không có quan hệ gia đình gì với họ Ngô. Sau khi đến Úc, họ theo học các đại học nói trên, và họ đã bỏ rất nhiều công đi sưu khảo tại rất nhiều nơi có chứa tài liệu dồi dào liên quan đến Việt Nam : Bảo tàng viện chiến tranh Úc ; East-West Center, Đại học Hawaii ; Archives of Indochina, Đại học Berkeley, C.A. ; Thư viện của Austin University, Texas ; Đại học Harvard ; Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. ; Thư viện Eisenhower, Thư viện Kennedy, Thư viện Johnson ; và Library of Congress, Washington D.C. Cuối cùng, sau khi tốt nghiệp, họ đã giảng dạy ở những đại học Úc, và vị thế này bắt buộc họ phải vô tư để giữ uy tín đứng đắn của mình và... khỏi mất việc. Như thế ta có thể chắc về tính chất khả tín của những gì họ viết : chính xác, vô tư, và đứng đắn. Quyển Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam 1954-1963 (ĐNCHVN I), 229 trang, có 5 chương. Hai chương 4 và 5 không quan hệ lắm vì nó chỉ chứa một số hình ảnh về các cuộc viếng thăm các quốc gia bạn, hay đăng lại một số diễn văn của Tổng thống Diệm. Ba chương còn lại là những chương đáng chú ý. Chương 1, "Những thách thức nghiệt ngã khi về chấp chánh" của P. V. Lưu, nói về những thách thức mà ông Diệm gặp phải trong hai năm 1954-1955 sẽ được bàn đến một cách khá chi tiết, vì nó chứa đựng nhiều điều mới mà người Việt Nam cần biết. Chương 2, "Chủ nghĩa Nhân Vị, con đường mới, con đường tiến bộ", của N. N. Tấn, nói về thuyết Nhân Vị cũng vậy vì đây là lần đầu mà thuyết này được trình bày một cách tường tận, đầy đủ, và nhất là trung thực khách quan. Chương 3, "Thành quả 9 năm cầm quyền" của tiến 2 sĩ Lưu, nói về thành tích 9 năm cai trị của ông Diệm cũng là một cái gì mới. Trong quá khứ, sách báo nói về ông Diệm và chế độ ông thường chú tâm vào khía cạnh chính trị, cá nhân và gia đình ông - độc tài, gia đình trị - nhưng không hề đề cập đến những thành quả lớn mà chính phủ ông đạt được trong 9 năm ông lãnh đạo : kiện toàn độc lập - lấy lại chủ quyền quốc gia trong tất cả các lãnh vực : chính trị, ngoại giao lẫn quân sự và kinh tế tài chính - cải thiện đời sống của dân chúng bằng cách phát triển tất cả các lãnh vực hoạt động - kỹ nghệ, nông thôn, ngư nghiệp, chuyên chở, giáo dục... Chương này rất phong phú về thống kê, cho độc giả một ý niệm rõ ràng về những thành tích lớn lao mà Việt Nam đã đạt được dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa I. Trong 50 năm qua, sách báo về Việt Nam rất nhiều, nhưng phần lớn trong loại "khảo cúu" xuất phát từ các giới Tây phuơng, đặc biệt là Hoa Kỳ, thường xuyên tạc sự thực, bôi xấu Việt Nam, và đặc biệt là ông Diệm. Đó là vì, như David Horrowitz, lãnh tụ phát động trào phản chiến "sit in" của Đại học Berkeley, C.A., trong thập niên 1960 thú nhận sau khi đã bỏ và chống lại phong trào này trong thập niên 1980, những giới đại học và truyền thông Hoa Kỳ đã bị các tổ chức phản chiến và cộng sản mang danh "cách mạng" xâm nhập, chi phối và áp đặt quan điểm "politically correct" của họ. Ông Diệm bị công kích bôi xấu đặc biệt vì ông chống thực dân cả Pháp lẫn Mỹ đã gắt gao mà chống cộng sản còn gắt gao hơn nữa. Phần khác, trên những kệ sách của các thư viện vắng bóng những tác phẩm loại "khảo cứu" của người Việt có đủ tầm thuyết phục, phản bác lại các tác phẩm của những giới phản chiến và "cách mạng" trên đây. Có nhiều tác giả lại vô tình a dua người Tây phương lặp lại những luận điệu bôi xấu Việt Nam và lãnh tụ Việt Nam, nhứt là lãnh tụ chống cộng hữu hiệu như ông Diệm. Vì lý do trên đây, không ít người Việt phe "quốc gia" thường có mặc cảm xấu hổ hay nghi hoặc về xứ sở, dân tộc, và các lãnh đạo của Việt Nam khi nghĩ hay bàn về thời sự. Riêng về ông Ngô Đình Diệm, thì họ lại càng chê bai, kết tội hơn nữa, và những gì tốt về ông thì không nói đến. Khuyết điểm trên đây cũng dễ hiểu. Đối với nhiều người Việt, Bụt nhà không thiêng ! Trong chương 1, tiến sĩ Lưu đã dùng những từ ngữ "thách thức" và "nghiệt ngã" để nói về những trở ngại mà ông Diệm gặp phải khi về nước chấp chánh và trong hai năm đầu để giữ chính quyền. Hai từ ngữ này rất đúng. Ông Diệm đã găp vô vàn trở ngại. Nhưng những trở ngại lớn nhất là do chính phủ Pháp ở Paris hoặc Washington, những viên chức Pháp và những giới tài phiệt Pháp ở Việt Nam gây ra trong việc tìm cách lật đổ ông, một đằng bằng cách xúi giục những người Việt chống đối ông dùng đủ mọi cách, kể cả quân sự, để gây bất ổn, một đằng bằng cách thuyết phục lôi kéo đại diện chính phủ Hoa Kỳ ở Paris, ở Sài Gòn, và ngay cả ngoại trưởng và tổng thống Hoa Kỳ ở Washington đừng ủng hộ ông ấy nữa. Tuyên truyền cộng sản và các giới phản chiến "politically correct" Tây phương đã không ngớt quả quyết rằng ông Diệm là "người của Mỹ", được chính phủ Mỹ lựa chọn và đưa lên làm thủ tuớng và yểm trợ hết mình. Phần khác, gần đây lại có tác giả quả quyết rằng "Ngô Đình Diệm do chính phủ Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp hỗ trợ" (4). Cả hai luận cứ trên đều là những quả quyết vu vơ, và đã bị tiến sĩ Phạm Văn Lưu phản bác với những dữ kiện rất vững chắc không thể phủ nhận được, vì rút ra từ các điện văn mật trao đổi giữa những toà đại sứ Mỹ ở Paris, Sài Gòn, bộ ngoại giao Mỹ và Tòa Bạch Ốc, và với chính phủ Pháp. Các điện văn đó được bạch hóa và phổ biến trong những năm gần đây đã cho ta biết được sự thực đích xác về những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong những năm 1954-1956, thời gian mà ông Diệm chấp chánh và ổn định tình hình. Ông Lưu đã cho ta thấy rằng ngay từ ngày được cựu hoàng Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng ngày 16-6- 1954, và ngay cả trước đó nữa, cho đến cuối năm 1956 ông đã bị nhân viên dân sự cũng như quân sự Pháp ở Sài Gòn và chính phủ Pháp, dù là thiên tả như Mendès-France, hay thiên hữu như Edgar Faure ở Paris, nói xấu và tìm đủ mọi cách lật đổ. Và trong cố gắng thực hiện ý đồ này, họ đã hết mình thuyết phục các đại diện Mỹ ở Sài Gòn, Paris, bộ trưởng ngoại giao J.F. Dulles, và ngay cả tổng thống 3 Eisenhower chấp nhận giải pháp loại bỏ ông Diệm, và đã suýt thành công trong sự vận động này. Ngày 13-6-1954, ba ngày trước khi ông Diệm được chính thức bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Dejean, phó cao ủy Pháp ở Sài Gòn, nói với ông McClintock, đại diện Mỹ tại Sài Gòn, rằng ông Diêm "không có cơ may để lập một chính phủ hữu hiệu cho Việt Nam". Ngày 15-6-1954, một tuần trước khi ông Diệm bước chân xuống Sài Gòn và ba tuần trước khi ông Diệm trình diện chính phủ của ông, tướng Ely, cao ủy Pháp ở Sài Gòn cũng nói với ông McClintock rằng ông Diệm không đủ khả năng lãnh đạo. Ngày 20- 6-1954 tại Paris, ba ngày trước khi ông Diệm đáp máy bay đi Sài Gòn, hơn hai tuần trước ngày ông Diệm trình diện chính phủ của ông (7-7-1954), thủ tướng Pháp Mendès-France nói với đại sứ Mỹ Dillion rằng ông Diệm là một người cuồng tín và nhờ Hoa Kỳ ngăn cản không cho ông làm hỏng Hội nghị Genève. Ông Mendès-France không đặt vấn đề không cho ông Diệm làm thủ tướng vì bận tâm của ông ta (Mendès) lúc đó là phải ký cho đuợc hiệp định nội trong ngày 20-7, nếu không ông ta phải từ chức, vì khi nhận chức thủ tướng ông đã cam kết với Quốc hội Pháp như vậy ! Trong nhưng cuộc tiếp xúc khác với đại diện Mỹ, lúc ông Diệm quyết định dùng binh đương đầu với thách thức quân sự của Bình Xuyên, tướng Ely nói ông Diệm là người "mắc chứng hoang tưởng tự đại" (mégalomane), hoặc "điên khùng". Trong cuộc hội nghị với các ngoại trưởng Mỹ, Anh, ở Paris ngày 8-5-1955, thủ Tướng Pháp E. Faure đã kích ông Diệm nặng nề, gọi ông là "điên khùng". Trong những buổi họp với đại diện Hoa Kỳ để bàn về Việt Nam, luận đề được đại diện Pháp luôn luôn đưa ra là "giải pháp" Ngô Đình Diệm chỉ là một cuộc thí nghiệm, "thời gian thí nghiệm đã qua", ông Ngô Đình Diệm đã tỏ ra "không có khả năng tập họp các lực lượng chính trị", không được quân đội yểm trợ, không ổn định được tình hình, gây hận thù đối với Pháp, cho nên phải thay thế ông bằng một người, hay nhóm người, có khả năng hơn. Người, hay nhóm người "có khả năng hơn" này tất nhiên lấy trong những nhân vật mà Pháp chi phối. Những đại diện Mỹ ở Sài Gòn - các cố vấn McClintock và Kidder, đại sứ Heath, đặc sứ Collins - cũng ngã xiêu theo quan chức Pháp, nhất là những quan chức này có uy tín như phó cao ủy Dejean, và tướng Ely, và nhiều lần đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ nên thay thế ông Diệm. Ngay cả ngoại trưởng Dulles và tổng thống Eisenhower cũng chấp nhận nguyên tắc này sau khi nghe phúc trình của đặc sứ Collins về vụ ông Diệm ra lệnh cho quân đội quốc gia dẹp Bình Xuyên, và ngày 27-4-1955 đã điện cho tòa đại sứ Sài Gòn chỉ thị về quyết định này. Họ bực bội với ông Diệm vì ông từ chối những giải pháp mà họ cho là có khả năng ổn định tình hình. Lý do thật sự của thái độ này là sự bực bội của họ trước thái độ cứng rắn, không nhân nhượng của ông Diệm. Nói cho đúng, quan chức Pháp cũng như quan chức Mỹ ở Sài Gòn hồi đó bực bội với ông Diệm vì ông tỏ ra một người không dễ bảo. Nói trắng ra, ông Diệm không chịu làm bù nhìn, dù là của Pháp hay của Mỹ, nhất là khi những đề nghị của họ vi phạm độc lập, danh dự, và tương lai của Việt Nam. Ví dụ : sau những xáo động ở thủ đô do Bình Xuyên và tướng Hinh gây ra trong mùa thu 1954, đại sứ Heath đề nghị ông Diệm lưu tướng Hinh lại trong quân đội, nhưng ông Diệm không chấp nhận. Đại sứ bèn quyết định là ông Diệm phải ra đi, và ông tường trình về Washington như sau : "chúng ta phải tranh thủ thời gian để chuẩn bị điều mà Mendès-France gọi là một cơ cấu chính quyền khác... Tất cả mọi người ở tòa đại sứ tin chắc rằng ông Diệm không thể tổ chức và điều hành một chính quyền vững mạnh". Đặc sứ Collins đã nhiều lần, đặc biệt là ngày 13-12-1954 và ngày 31-3-1955, điện cho Tòa Bạch Ốc đề nghị thay thế ông Diệm vì ông Diệm "quá cứng rắn". Các đề nghị của ông không được chấp nhận. Nhưng hạ tuần tháng 4-1955, sau vụ chạm súng giữa Bình Xuyên và quân đội quốc gia, một buổi họp quan trọng được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc để nghe ông phúc trình, một giải pháp do ông đề nghị được chấp nhận : loại ông Diệm khỏi chức vụ thủ tướng, đưa ông Trần Văn Đỗ thay thế ông, và cử bác sĩ Phan Huy Quát làm phó thủ tướng. Trong những người chấp thuận có cả ngoại trưởng Dulles và tổng 4 thống Eisenhower. Lập trường này được thông báo cho tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 27-4-1955. Sự chấp nhận trên đây của ngoại trưởng Dulles cũng khá lạ, vì ông là người ủng hộ giải pháp Diệm mạnh nhất. Nhưng thật ra, ông cũng đã phòng xa. Trong một văn thư gởi cho đặc sứ Collins ngày 20-4- 1955, trước khi ông này rời Sài Gòn đi Washington, ông nêu ra hai điều kiện để quyết định sự ở lại hay ra đi của ông Diệm : 1/ Ông Diệm có can đảm và quyết tâm để hành động và 2/ Ông ta có được sự trung thành của quân đội không ? Nếu ông Diệm thất bại một trong hai điều kiện này thì ông phải ra đi. Nhưng ngày 28-4-1955 quân đội Bình Xuyên lại tấn công quân đội quốc gia. Ngày 29-4-1955, bất chấp sự khuyến cáo của tướng Ely, ông Diệm ra lệnh cho quân đội đánh trả, và quân đội quốc gia đã thắng. Chính phủ Mỹ hiểu rằng những dự đoán của tướng Ely về ông Diệm không có khả năng địch lại Bình Xuyên là sai lầm, và làm cho đặc sứ Collins cùng chính phủ Mỹ quyết định sai lầm. Từ nay họ không còn tin vào nhận định của Pháp nữa. Ngày 1-5-1955 nhận lệnh tổng thống Eisenhower, ngoại trưởng Dulles gởi điện đến Paris và Sài Gòn hủy bỏ điện tín ngày 27-4-1955. Ngày 8-5-1955, tại hội nghị Anh- Mỹ-Pháp ở Paris, ngoại trưởng Dulles tuyên bố rằng về Việt Nam, từ nay sẽ không còn thỏa hiệp chung Mỹ-Pháp nữa. Ông Diệm thắng. Cái thắng của ông Diệm là sự thắng của can đảm, và cương quyết bảo vệ chính nghĩa quốc gia Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, nó là một cái thắng của chính ông, dù ông bị Pháp cản trở và không có sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Sự thắng này đưa đến những quyết định căn bản mang lại độc lập thật sự cho Việt Nam trong vòng chỉ một năm: - về chính trị Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp tư chọn quy chế cho mình - chế độ Cộng Hòa ; - thu hồi chủ quyền về ngoại giao : bang giao giữa Việt Nam và Pháp qua Bộ Ngoại Giao Pháp thay vì Bộ Các Quốc Gia Liên Kết và Cao Ủy Pháp ở Sài Gòn và Cao Ủy Việt Nam tại Paris thành Tòa đại sứ, chấm dứt lệ thuộc ngoại giao Việt Nam vào Pháp ; - thu hồi chủ quyền về quân sự : ngày 26-4-1956 quân đội Pháp rút hết khỏi Việt Nam, quân đội Việt Nam không còn lệ thuộc vào Pháp nữa, viện trợ Hoa Kỳ cấp trực tiếp cho Việt Nam ; - chủ quyền kinh tế tài chính : cuối tháng 12 năm 1955, Việt Nam ra khỏi khu Phật lăng ; - giáo dục : Việt Nam tự do nhận giáo sư, chuyên viên từ bất cứ nơi nào , và gởi sinh viên ra bất cứ nơi ngoại quốc nào.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 17:09:11 GMT 9
Như tiến sĩ Lưu nhấn mạnh : những chuyển biến trên "mang theo ý nghĩa chính thức chấm dứt 72 năm chế độ Pháp bảo hộ Việt Nam (1884-1956)". Người thực hiện được điều này cho Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm. Với tác phẩm "Đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam 1954-1963", tiến sĩ Phạm Văn Lưu đã giúp ta thấy rõ điều này. Cũng như với tiến sĩ P. V. Lưu, những sưu khảo của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tấn đóng góp một phần quan trọng vào vào việc soi sáng giai đoạn lịch sử 1954-1963, thời gian ông Diệm cầm quyền. Những sưu khảo này nhằm vào chủ thuyết Nhân Vị. Theo tiến sĩ Tấn, trong 40 năm qua, "chưa có cuốn sách nào viết về chủ nghĩa Nhân Vị dưới khía cạnh hàn lâm [khoa học] cũng như đánh giá về tầm quan trọng của nó như là một chủ thuyết chính trị" dù rằng chủ thuyết này là chủ thuyết khai sanh ra nền Cộng Hòa đầu tiên tại Việt Nam. Đây là "một vấn đề lịch sử còn tồn đọng" trong thế kỷ qua. Bài của ông tìm hiểu vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm công du Hoa Kỳ (1957) Tổng thống Eisenhower và Ngoại trưởng Dulles nghênh tiếp tại sân bay 5 đề này, đặc biệt là tìm giải đáp cho những "nghi vấn lịch sử" sau đây : 1. Chủ nghĩa Nhân Vị là gì ? 2. Quan niệm Nhân Vị về các lý tưởng của cuộc cách mạng quốc gia ra sao và thể hiện qua các đường lối chính sách như thế nào ? 3. Về nguồn gốc triết học Nhân Vị là một thuyết ngoại lai hay mang bản chất chính trị văn hoá của Việt Nam? Ông Tấn nói : những câu trả lời cho các nghi vấn trên đây "sẽ đặt nền móng cho công việc thẩm định phẩm chất lãnh đạo và những đóng góp lịch sử của tổng thống Ngô Đình Diệm trong 9 năm cầm quyền...". Bài khảo luận của tiến sĩ Tấn "Chủ nghĩa Nhân Vị, con đường mới, con đường của tiến bộ" chứa rất nhiều dữ kiện, suy diễn, và phân tích rất tỉ mỉ, buộc độc giả phải đọc kỹ và nghiền ngẫm, không thể kể chi tiết ở đây. Bài này chỉ đề cập đến một số khía cạnh cần được độc giả đặc biệt chú tâm. Về Nhân Vị là gì, tiến sĩ Tấn đã dựa trên những lời của chính ông Diệm để giải thích : Về Nhân Vị là gì, TS Tấn đã dựa trên những lời của chính Ông Diệm để giải thích: Nhân và Vị là hai học thuyết Nho giáo. Nhân 仁 do chữ Nhân 人 và chữ Nhị 二 hợp thành (仁) có nghĩa là lòng thương người, đạo lý làm người ; Vị 位 do chữ Nhân 人 và chữ Lập 立 hợp thành (位) có nghĩa là người có cái vị trí của họ, đứng giữa và ngang hàng với Trời và Đất. Hai chữ này hợp lại để diễn tả ý tưởng: vị trí và phẩm giá con người trong cộng đồng nhân loại và trong vũ trụ. Ông viết : "Tóm lại, chủ thuyết Nhân Vị là một triết lý nhằm đề cao giá trị của con người trong tương quan với vũ trụ, Trời và Đất, với người khác trong xã hội. Lý thuyết Nhân Vị chủ trương rằng : vì con người có một giá trị tối thượng nên mọi sinh hoạt trên đời này đều phải hướng về việc phục vụ con người. Chủ nghĩa Nhân Vị lấy CON NGƯỜI biết tu thân (vừa tĩnh vừa động) làm nền tảng để giải quyết các mâu thuẫn trong sinh hoạt của con người". Về nguồn gốc, tiến sĩ Tấn nhận xét rằng trong suốt 40 năm qua không mấy ai chú ý tìm hiểu "Lý thuyết Nhân Vị" vì cho rằng lý thuyết đó là ngoại lai, cho rằng "Nhân Vị của các ông Diệm, ông Nhu là của Mounier, là của Công Giáo". Những lời phê bình này hoặc: a/ mang một chủ đích chính trị nào đó, hoặc b/ thiếu hiểu biết về chủ nghĩa Nhân Vị. Trong số những người loại (a) có những người như Nguyễn Thái. Trong tác phẩm Is South Vietnam Viable ?, ông nói rằng ông Nhu đã say mê thuyết dân chủ xã hội dựa trên lòng bác ái và giá trị nhân bản mang danh "Personnalisme" của Emmanuel Mounier, và "mối liên hệ của nó với xã hội mà ông Nhu cổ võ chẳng có gì là mới mẻ", và cái thuyết Nhân Vị "Personnalisme" cũng chẳng có gì xa lạ vì trong một trường phái triết học Pháp trong đó có Emmanuel Mounier và Jacques Maritain để hết mình cổ võ cho nó... Trong số những người loại (b) thì có thể kể ông Nguyễn Gia Kiểng. Gần đây, trong một bài phê phán ông Ngô Đình Diệm, ông viết : "Nếu dựa trên những gì ông Nhu đã viết [sic!] về chủ nghĩa nhân vị thì có thể nói là chính ông cũng chỉ hiếu lơ mơ [sic!] Có lẽ [sic!] ông đã du nhập chủ nghĩa nhân vị vào Việt Nam vì lý do là lúc đó nó được coi là giải pháp Thiên chúa giáo cho hòa bình Công giáo của thế giới. Nó có tham vọng là một vũ khí tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, nó là một bước lùi lớn, gần như một sự đầu hàng, bởi vì nó phủ nhận cá nhân [sic!], cốt lõi của dân chủ" (5). Tiến sĩ Tấn đã bác bỏ dễ dàng những nhận định sai lầm nặng nề và ông cố vấn Ngô Đình Nhu 6 những phê phán hời hợt trên đây. Ông đã trích dẫn những tuyên bố, phát biểu của các ông Diệm-Nhu, và những khảo luận của những nhà học giả Việt Nam có úy tín để chứng minh rằng "Nhân Vị là một lý thuyết chính trị mang một bản sắc dân tộc rõ rệt", và "với biện chứng mạch lạc rõ rệt của triết gia Kim Định, giáo sư Nghiêm Xuân Hồng, và học giả Đinh Văn Khang, Chủ Nghĩa Nhân Vị (Tâm linh, Đông phương) của ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bắt nguồn từ nền tảng văn hóa của Việt Nam, không thể nào lầm lẫn với Personalisme của Mounier (Duy tâm Tây phương) được". Ông nói : "Mọi việc đã được sáng tỏ và cuộc điều tra lịch sử này chấm dứt với kết luận : Chủ Thuyết Nhân Vị của hai ông Diệm-Nhu mang một bản chất văn hóa và chính trị hoàn toàn Việt Nam" (in đậm của chính TS Tấn). Tiến sĩ Tấn đã minh chứng thêm xác quyết của ông với những trích dẫn trực tiếp từ một số tuyên bố của ông Diệm và ông Nhu. Ông Ngô Đình Diệm : "Nhắm mắt bắt chước nước ngoài khác gì nhận trước sự bảo hộ của ngoại bang” (nói với ký giả Marguerite Higgins). Ông Ngô Đình Nhu : - "Chủ thuyết [Nhân Vị] đặt nền tảng trên quan niệm tôn trọng phẩm giá con người và đẩy mạnh sự phát triển đến mức độ cao nhứt. Quan niệm này... ở ngay trong truyền thống dân gian Việt Nam" (Đại hội văn hóa quốc gia, 11-1-1957). - "Tôi phải nói ngay rằng : chủ thuyết Nhân Vị của tôi chẳng có dính dáng gì đến cái Nhân Vị Công Giáo đang được giảng dạy bởi các tổ chức Công Giáo tại miền Nam Việt Nam... Hiện nay cái học thuyết nhân vị mà tôi cổ võ là một nền dân chủ đấu tranh trong đó tự do không phải là một món quà của ông già Noel, nhưng mà là kết quả của một cuộc chinh phục bền bỉ và sáng suốt trong đời sống thực tế, không phải trong một khung cảnh lý tưởng, mà trong những điều kiện địa lý chính trị đã được định sẵn" (Phỏng vấn với báo Toronto Globe and Mail, trong Nguyệt san Gió Nam, 5-5-1963). Tiến sĩ Tấn kết luận : "Giải pháp Nhân Vị mà ông Diệm và ông Nhu đã cổ võ 40 năm về trước là mô hình “xã hội dân chủ nhân vị” đã được thí nghiệm ở miền Nam từ 1954 đến 1963 : kinh tế thị trường với sự mềm dẻo của một chính phủ phúc lợi, thực hiện công bằng xã hội và dân chủ thực sự ở hạ tầng cơ sở với định hướng dân chủ trên thượng tầng cấu trúc... Chủ nghĩa Nhân Vị chỉ được thử nghiệm trong một thời gian ngắn ở Miền Nam Việt Nam, nhưng trong lãnh vực lý thuyết hàn lâm, Chủ Nghĩa Nhân Vị có một giá trị đóng góp lâu dài và quan trọng vào công cuộc phát triển con người nói chung và đặc biệt tại các quốc gia nghèo đói hiện nay". Và "ông Diệm đã hạ quyết tâm, "chọn con đường hy sinh để bênh vực phẩm giá con người: ...người ta có thể hủy diệt ông Diệm, nhưng không thể cướp đi những giá trị thuộc về ông ấy. Do đó trên căn bản đạo đức nghề nghiệp, các sử gia có bổn phận đem trả lại cho ông Diệm những gì thuộc về ông ấy và nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Hãy trả lại cho lịch sử những gì thuộc về lịch sử". Tôn Thất Thiện (Ottawa) Chú thích : (1) Nguyễn Hữu Duệ, 4366 Menlo Avenue # 23, San Diego, C.A. 92115, U.S.A. ĐT: 619-284.5484. Giá bán : 15 USD. (2) Nhà xuất bản Hoàng Nguyên, P.O.Box 2637, Garden Grove, C.A.92642-2637, U.S.A. Giá bán : 20 7 USD. (3) Nếu muốn mua sách ở Úc, xin liên lạc trực tiếp với nhà xuất bản : Center For Vietnamese Studies Publications, Reservoir, Victoria, 3073, Australia. Ở Mỹ, xin liên lạc với ông Lê Tinh Thông, 2362 Ashbury Circle, Westminster, C.A., 92683, USA. ĐT: 714-891.6216. Giá bán : 10 USD. Ở Châu Âu : xin liên lạc với nhà sách Nam Á : Centre Commercial Les Olympiades, 44 avenue d'Ivry, 75013 Paris, France. (4) Nguyễn Gia Kiểng, "Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền như thế nào ?", Thông Luận, tháng 4, năm 2005. (5) "Nhìn lại kinh nghiệm Ngô Đình Diệm", Thông Luận, tháng 11, 2005. Nguôn: huongduongtdx.com The slogan used by Premier Diem—"Follow me if I advance! Kill me if I retreat! Revenge me if I die!"—is the literal translation of what Benito Mussolini said some 30 years ago. But the old Duce's words, "Se avanzo seguitenii. Se indietreggio uccidetemi," showed a much greater Christian spirit because he omitted any reference to vendetta.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 17:12:16 GMT 9
Nhân kỷ niệm ngày 1-11-1963 Nhìn lại kinh nghiệm T T . Ngô Đình Diệm
Nguyễn Gia Kiểng Hơn bốn mươi năm đã trôi qua từ ngày ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và sát hại, sau 9 năm cầm quyền. Đã có rất nhiều người viết về ông. Tất cả đều nhận định là ông đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng, đưa đến sự sụp đổ của chế độ mà ông dựng ra và cái chết bi đát của ông và hai người em. Những sai lầm đó là: quá thiên vị đối với Công giáo; đưa anh em vào những địa vị quyền lực chính và để cho họ lộng hành, tạo ra một chế độ "gia đình trị"; gạt bỏ những người thân tín lúc ban đầu như Nguyễn Bảo Toàn, Hồ Hán Sơn; tin dùng bọn nịnh thần; xử lý vụng về vụ treo cờ Phật giáo ở Huế đưa đến bạo động ; quan niệm và thực hiện sai các chính sách cải cách điền địa, khu trù mật, ấp chiến lược, v.v. Nhưng phải chăng nếu Ngô Đình Diệm không mắc phải những sai lầm đó thì ông đã thành công, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã đứng vững và lịch sử Việt Nam có thể đã rất khác? Phải nói ngay là tôi không chấp nhận những lập luận này. Đây chỉ là những sai lầm tương đối nhỏ, được khai thác để lật đổ ông Diệm, chứ không phải là nguyên nhân thực sự đưa tới sự sụp đổ của chế độ Diệm. Trong cùng một thời điểm, chế độ cộng sản miền Bắc đã làm những sai lầm to lớn hơn nhiều. Vụ treo cờ Phật giáo ở miền Trung đưa đến bạo loạn làm 8 người thiệt mạng không là gì so với đợt cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Những bội bạc với những công thần cũng không thể nào so sánh được với các vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, Xét lại chống đảng. Đám quần thần của ông Diệm không đến nỗi lộng hành như tập đoàn Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn. Đảng cộng sản bỏ Liên Xô theo Trung Quốc năm 1960, rồi lại bỏ Trung Quốc theo Liên Xô từ năm 1970 trở đi. Chính sách tập thể hóa lao động đã thất bại thê thảm, đưa đến nạn đói kém tại khắp miền Bắc. Đảng cộng sản không những chỉ chèn ép Phật giáo, họ xóa bỏ luôn Phật giáo tại miền Bắc. Mặc dầu vậy, chế độ cộng sản vẫn đứng vững và sau cùng toàn thắng. Vậy thì không phải là do đã phạm một số sai lầm mà Ngô Đình Diệm đã thất bại. Nói một cách giản dị, chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như mọi chính quyền quốc gia trước và sau ông, đã thất bại bởi vì nó phải thất bại dù có phạm phải những sai lầm đã được nêu ra hay không. Các chế độ quốc gia - Quốc Gia Việt Nam, rồi Việt Nam Cộng Hòa - đã được xây dựng trên những nền tảng ý thức, lịch sử và văn hóa sai thì các chính quyền quốc gia chỉ có thể sai lầm mà thôi. Không phạm sai lầm này thì cũng sẽ phạm sai lầm khác. Nếu tôi chỉ đề cập đến ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu thì cũng chỉ vì một sự nể nang đặc biệt đối với hai ông. Những người cầm quyền khác của phe quốc gia hoặc chỉ xuất hiện trong một thời gian quá ngắn ngũi để có thể nhận xét, hoặc quá tồi dở để đáng được nói tới. Ông Diệm và ông Nhu đã hiểu một cách rất lệch lạc về bối cảnh thế giới, tình hình Việt Nam, về sứ mạng của họ, về những gì phải làm và nên làm. Sự thất bại của họ là điều không tránh khỏi, tất cả vấn đề còn lại chỉ là thất bại như thế nào mà thôi, nghĩa là không quan trọng. Họ đã lầm về thời đại và các giá trị. Điều mà ông Ngô Đình Diệm không ý thức được là một quốc gia Việt Nam mới đã thành hình sau một thế kỷ Pháp thuộc và cọ sát hàng ngày với các giá trị phương Tây. Nước Việt Nam mới này rất khác với nước của các vua chúa nhà Nguyễn và các triều đại trước đó. Nó là tổng hợp của một lịch sử dài, một khả năng học hỏi và thích nghi cao, một sự sung túc chưa bao giờ có và một khối lượng khổng lồ những kiến thức và giá trị mới. Quần chúng Việt Nam đã đủ mạnh để có vai trò quyết định và cũng muốn đóng vai trò đó. Họ không còn là những thần dân nữa, họ đã trở công dân biết phê phán những người cầm quyền. Nền tảng chính đáng của một chính quyền hay một lãnh tụ từ nay chủ yếu tùy thuộc vào sự chấp nhận của quần chúng. Và quần chúng lý luận và phê phán theo sự hướng dẫn của những "trí thức dân tộc" có kiến thức, gần gũi với họ và chiếm được cảm tình của họ vì đã xác nhận qua hành động và hy sinh sự gắn bó với đất nước Việt Nam. Đó là những trí thức của Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung Kỳ Dân Biến, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tự Lực Văn Đoàn, Đại Việt, v.v. Đó không phải là những ông tổng đốc, tuần phủ, tri huyện, đốc phủ sứ, thầy thông, thẩy phán. Thành phần trí thức yêu nước này quyết định sự chính đáng của các chính quyền và các nhân vật tùy theo những đóng góp cho cuộc tranh đấu giành chủ quyền dân tộc. Nếu nhận xét như vậy thì ông Diệm hoàn toàn không có một sự chính đáng nào. Ông là con nhà quan, học tạm đủ, dựa vào địa vị của cha để học trường hậu bổ, tức trường dành cho các con quan để được đào tạo ra làm quan ; rồi đi làm tri huyện, tuần phủ dưới chế độ Pháp thuộc. Ông khác hẳn với mẫu người lý tưởng trong tâm hồn người Việt Nam : một anh hùng áo vải vươn lên từ sự nghèo khó, đạt tới sự uyên bác nhờ học hỏi, tha thiết với thể diện dân tộc và lập thân một cách hiên ngang, khảng khái. Ông Diệm rất hãnh diện với sự nghiệp của ông. Điều này chứng tỏ ông rất xa lạ với xã hội Việt Nam và những giá trị mà nó trân trọng. Sự chính đáng của ông Diệm càng yếu ở chỗ ông là một bầy tôi được chỉ định bởi một dòng vua đã để mất nước, triều Nguyễn, và một ông vua hèn nhát trụy lạc, Bảo Đại. Ông Diệm có thể là người tốt trong cái thế giới nhỏ hẹp của đám quan lại của triều đình Huế, nhưng ông không thuộc vào xã hội Việt Nam và do đó không có tư cách nào để lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập cả. Quan niệm về sự chính đáng của ông Diệm rất hủ lậu : ông cho rằng cứ cầm quyền là đủ để người dân phải phục tùng và biết ơn. Ông tự xưng là "cứu tinh dân tộc" và bắt người ta "suy tôn" cùng với quốc kỳ, bắt "toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô tổng thống" và rước đèn mừng sinh nhật Ngô tổng thống. Thật là lố lăng. Có người giải thích rằng ông Diệm đã bắt chước việc phe cộng sản tôn sùng Hồ Chí Minh, lấy người hùng địch với người hùng. Nhưng nếu đúng như vậy thì quả là một sự bắt chước ngốc nghếch. Trước khi tôn sùng Hồ Chí Minh người ta đã tạo ra hình ảnh một Hồ Chí Minh bôn ba, tự lập, vào sinh ra tử, sống cho đất nước, thông thái nhưng bình dị như một cha già dân tộc, nghĩa là theo đúng hình ảnh lãnh tụ lý tưởng trong lòng người Việt Nam. Ông Diệm hoàn toàn không có vóc dáng này. Chỉ một sự thiếu chính đáng này thôi cũng đủ để ông Diệm thất bại rồi, bởi vì Việt Nam đã thay đổi, quần chúng đã đã trở thành người quyết định sự thành bại trong một cuộc nội chiến, ngay cả nếu họ không ý thức được. Chính vì thế mà khối lượng viện trợ khổng lồ, cả về người lẫn của, của Hoa Kỳ đã không cứu được chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông Diệm và ông Nhu còn lầm lẫn ngay cả về ý nghĩa thực sự của cuộc đấu tranh mà họ lãnh đạo. Họ không hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh chống độc tài và vì dân chủ. "Quốc sách chống cộng" mà họ đề ra hoàn toàn mất mọi ý nghĩa vào lúc chính họ cũng lập ra một chế độ độc tài. Dĩ nhiên là trong chiến tranh khó có thể thực hiện đầy đủ dân chủ được và phải chấp nhận những hạn chế bắt buộc, với điều kiện là những giới hạn này được giải thích một cách minh bạch và lương thiện. Nhưng vấn đề ông Diệm và ông Nhu không phải chỉ tạm đình hoãn dân chủ vì tình thế bắt buộc, họ bất chấp dân chủ và dị ứng với dân chủ. Vậy thì cuộc tranh đấu mà họ lãnh đạo còn có ý nghĩa gì ngoài lý do là ở vùng quốc gia no ấm hơn vì được ngoại viện nhiều hơn ? Về điểm này, bộ máy tâm lý chiến của phe quốc gia đã chế ra một câu bất hũ để chỉ những người mà họ cho là phản bội : "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Ăn là động tác sinh tồn bình thường và bắt buộc của mọi động vật, nhưng quyết định hành động là tâm hồn. Chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như các chính quyền quốc gia khác, không chinh phục được lòng người. Ông Nhu còn làm một sai lầm to lớn khác, mà những người cầm quyền khác, vì ít kiến thức, không mắc phải : đó du nhập chủ nghĩa nhân vị. Ông Nhu cho rằng muốn đánh bại chủ nghĩa cộng sản cần có một chủ nghĩa hay hơn. Không thiếu những người nghĩ như ông Nhu. Trước đó Việt Nam Quốc Dân Đảng đua ra chủ nghĩa Tam Dân ; ông Trương Tử Anh đưa ra chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn ; ông Lý Đông A chủ nghĩa Duy Dân. Nhưng những người này không có dịp để cầm quyền và thử nghiệm sự sai lầm của họ như ông Nhu. Trước hết là sai lầm về cách đặt vấn đề. Chủ nghĩa cộng sản đáng chống lại không phải chỉ vì nó là cộng sản mà trước hết bởi vì nó là một chủ nghĩa. Mọi chủ nghĩa, hiểu theo nghĩa "ý thức hệ", đều phải bị chống lại bởi vì đều sai và đưa đến bế tắc. Tại sao ? Đó là vì mọi chủ nghĩa đều là những kết luận do một cố gắng tổng hợp những dữ kiện của thế giới. Cứ giả thử là cố gắng tổng hợp đó đúng đi (một điều không có gì bảo đảm) thì, vì thế giới biến đổi không ngừng, ngay khi tổng hợp vừa đạt được nó đã lỗi thời rồi. Không làm gì có "chân trời lịch sử không thể vượt xa hơn" như những tín đồ của Marx rêu rao. Sau đó là sự vớ vẩn của chính chủ nghĩa nhân vị. Về bản chất, chủ nghĩa nhân vị chỉ là một chủ nghĩa cá nhân vì không đủ tự tin đã phủ nhận chính mình. Nó là một cố gắng để dung hợp giữa hai chủ nghĩa : chủ nghĩa cá nhân, nền tảng của các chế độ dân chủ, và chủ nghĩa tập thể, nền tảng của các chế độ độc tài chuyên chính cộng sản, phát-xít và nazi. Cuộc hôn nhân ngược ngạo giữa hai triết lý không thể dung hợp này được thực hiện trong tinh thần cộng đồng của Thiên Chúa giáo. Lý do ra đời của nó là trong thập niên 1930, sau cuộc khủng hoảng kinh tế lớn được coi như hậu quả của chủ nghĩa tư bản và những thắng lợi của các lực lượng chuyên chính tại Nga, Đức và Ý, nhiều trí thức mất lòng tin ở dân chủ, mà nền tảng là chủ nghĩa cá nhân, và loay hoay đi tìm một đường lối mới. Emmanuel Mounier là một trong những người này. Ông lập ra tạp chí L’Esprit, trình bày những ý kiến về chủ nghĩa nhân vị do ông và một số thân hữu Công giáo Pháp đề nghị. Bản thân Mounier cũng viết một cuốn sách nhỏ với tựa đề "Chủ nghĩa nhân vị là gì ?". Cuốn sách tuy mỏng nhưng không cô đọng, nó có thể tóm lược trong một vài trang, nếu bỏ đi những trang biện luận dài dòng và lắc léo để đem lại cho một số từ trong tiếng Pháp, thí dụ như từ personne, một số nghĩa mới. Hiện nay không còn nhà tư tưởng nào coi chủ nghĩa nhân vị là đáng để ý nữa. Nếu dựa trên những gì ông Nhu đã viết về chủ nghĩa nhân vị thì có thể nói là chính ông cũng chỉ hiểu lơ mơ. Có lẽ ông đã du nhập chủ nghĩa nhân vị vào Việt Nam vì lý do giản dị là lúc đó nó được coi là giải pháp Thiên Chúa giáo cho hòa bình của thế giới. Nó có tham vọng là một vũ khí tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, nó là một bước lùi lớn, gần như một sự đầu hàng, bởi vì nó phủ nhận cá nhân, cốt lõi của dân chủ. Việc nó xuất phát từ những trí thức Công giáo và được coi như sản phẩm của Công giáo càng khiến nó trở thành khó chấp nhận đối với xã hội Việt Nam. Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều nhân vật quan trọng thân cận với ông Diệm và ông Nhu. Tất cả đều nhìn nhận họ chẳng hiểu gì về chủ nghĩa nhân vị cả. Và làm sao hy vọng có thể lập ra một chủ nghĩa chính trị nhanh chóng như vậy ? Ngay trong thời đại của các chủ nghĩa cũng cần nhiều thế kỷ trước khi một chủ thuyết giành được một chỗ đứng đủ mạnh để làm nền tảng cho một chế độ chính trị. Chủ nghĩa cộng sản, dù được coi là của Marx, đã manh nha từ thời cổ Hy Lạp, được chuyên chở bởi tư tưởng Thiên Chúa giáo, rồi phát triển mạnh mẽ nhờ những xáo trộn xã hội khốc liệt do cuộc cách mạng kỹ nghệ gây ra trước khi Marx va Lenin hệ thống hóa nó thành một công thức giành chính quyền và cầm quyền. Ông Nhu, mà một vị đàn anh quí mến của tôi đánh giá là một trong những người Việt Nam hiếm hoi có tầm vóc lãnh tụ quốc gia, đáng lẽ đã phải hiểu như vậy. Về mặt tư tưởng, vào lúc ông Diệm lên cầm quyền các chủ nghĩa đã hết thời. Chỉ còn lại cuộc đấu tranh vì dân chủ, giữa một công thức dân chủ hóa đứng đắn đã được thử nghiệm thành công tại Hoa Kỳ và Tây Âu và một công thức dân chủ hóa bệnh hoạn là chủ nghĩa cộng sản. Không nên quên rằng về bản chất chủ nghĩa cộng sản là một công thức được đề nghị để thực hiện dân chủ, dù nó đã sai lầm một cách đẫm máu. Phần lớn các nước cộng sản lúc đó có quốc hiệu là "cộng hòa dân chủ", hoặc "dân chủ nhân dân". Chế độ cộng sản miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chế độ Pol Pốt là Kampuchia Dân Chủ. Đáng riếc là chúng ta, một dân tộc đông đảo và có lịch sử dài, đã không có được những nhà tư tưởng đủ tầm vóc trong một khúc quanh lịch sử quan trọng. Đáng tiếc hơn nữa là ông Ngô Đình Nhu thay vì khiêm tốn tìm hiểu mô hình dân chủ phương Tây để đem ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam lại nuôi tham vọng làm người khai sáng ra một hệ thống chính trị mới và du nhập một học thuyết mà chẳng ai, kể cả ông, hiểu được. Cuộc đấu tranh mà hai ông Diệm và Nhu lãnh đạo không còn ý nghĩa gì cả vì nó không được đặt dưới ngọn cờ dân chủ. Một nguyên nhân quan trọng khác đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm là ông Diệm và ông Nhu không biết làm chính trị. Nguyên nhân của tệ gia đình trị là do ông Diệm không có đội ngũ. Chỉ một việc này thôi cũng đủ chứng tỏ ông Diệm và ông Nhu không có tầm vóc của những nhà hoạt động chính trị đúng nghĩa. Họ chọn lối làm chính trị nhân sĩ, theo đó người ta xây dựng uy tín và tiếng tăm cho mình, rồi chờ thời cơ. Đó là cách làm chính trị tồi tệ nhất. Cách đánh giá đúng nhất, có thể là duy nhất, một người lãnh đạo là đánh giá đội ngũ của ông ta. Đội ngũ đông đảo tới mức nào, gồm những thành phần nào, đạo đức và ý chí ra sao, khả năng thế nào, gắn bó với nhau tới mức độ nào, để theo đuổi mục tiêu nào, v.v. Vào lúc ông từ chức thượng thư bộ lại ở tuổi 32 với tiếng tăm của một người trong sạch, ông Diệm đã có điều kiện để xây dựng một chính đảng. Có lẽ ông cũng muốn làm việc này vì ông đã bắt liên lạc với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội nhưng ông đã không thành công. Việt Nam Quang Phục Hội chỉ là một cái vỏ rỗng, nó vô nghĩa đến nỗi ngay cả khi đã nắm được chính quyền nhờ thời cơ, ông Diệm cũng không nghĩ đến việc phát triển nó. Tại sao ông Diệm không có đảng ? Trước hết cần hiểu thế nào là đảng. Đảng Cần Lao của ông Nhu, cũng như đảng Dân Chủ của ông Thiệu sau này, không phải là những chính đảng. Đó là sự tập trung ô hợp của những người chen lấn nhau để tranh giành ân huệ từ một ông chủ. Khi ông chủ không còn, hoặc không còn gì để ban phát, đám đông tan rã tức khắc. Một chính đảng đúng nghĩa không phải như thế. Đó là những người tự nguyện đến với nhau vì cùng chia sẻ những giá trị chung và đồng ý trên một dự án chính trị. Các chí hữu không bỏ rơi nhau trong khó khăn vì đó là cam kết tiên quyết của tổ chức. Đồng ý trên một dự án chính trị có nghĩa là họ đồng ý với nhau về cả những mục tiêu phải đạt đến lẫn những phương pháp để đạt mục tiêu. Quan trọng hơn nữa, gia nhập tổ chức phải là một hy sinh về quyền lợi, tự do, và đôi khi cả an ninh, để gây dựng một đội ngũ đủ sức mạnh để thực hiện lý tưởng. Tóm lại, phải có tư tưởng đặc sắc và dự án đúng đắn, phải có những người lãnh đạo đủ khả năng và sức hấp dẫn để thành lập, duy trì và phát triển đội ngũ. Quan trọng hơn hết, phải tìm được những con người có tài, có đức và có lòng. Ông Diệm và ông Nhu không có tư tưởng chính trị. Linh mục Cao Văn Luận kể lại trong hồi ký của ông rằng, sau thế chiến II ông về nước gặp ông Diệm và hỏi về đường hướng chính trị thì được ông Diệm cho xem một tài liệu viết tay lộn xộn, một nửa bằng tiếng Pháp, một nửa bằng tiếng Việt. Đó là sau khi ông Diệm từ chức và có đủ thời giờ để suy nghĩ sau hai mươi năm. Không có kinh thì không lập được đạo, ông Diệm đã chỉ qui tụ được vài người thân tín phục tùng cá nhân ông. Ông Ngô Đình Luyện, khi bàn về chế độ Ngô Đình Diệm, đã nói với tôi một năm trước khi qua đời năm 1989 : "Nếu trước khi cầm quyền ông cụ đã có sẵn một ê-kíp khoảng mười người có khả năng thì đã thành công rồi". Lúc ông được ông Bảo Đại mời ra làm thủ tướng, ông hoàn toàn không có ai. Ông Nhu và ông Luyện phải đi tìm bộ trưởng trong số những người quen biết, chẳng hạn như trong đám sinh viên thuộc giáo xứ Công giáo tại Paris. Bác sĩ Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị (thực tế là cơ quan tình báo), con người được coi là cột trụ của chế độ Ngô Đình Diệm, tâm sự rằng : "Mình chỉ là chỗ quen biết với ông cụ mà được tín nhiệm chứ co biết gì về chính trị đâu, còn tình báo thì mình hoàn toàn mù tịt". Ông Ngô Đình Luyện cũng xác nhận điều này. Những người thân tín nhất của ông Diệm và ông Nhu đều như thế cả. Một vài người xuất sắc là những ngoại lệ hiếm hoi, và họ cũng không được trọng dụng vì không phục tùng vô điều kiện và do đó không được tín cẩn. Con những người khác thì không cần nói đến. Họ đi theo ông Diệm để cầu mong danh lợi. Họ có thể có bằng cấp cao, nhưng kinh nghiệm chính trị thì tuyệt đối không, ý chí cũng không, mà trong nhiều trường hợp lại thiếu cả phẩm giá. Họ không tham dự vào việc lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chế độ, và khi chế độ gặp khó khăn họ bỏ rơi ông Diệm, thậm chí phản bội. Đảng Cần Lao chỉ là một ảo tưởng, nó hoàn toàn không có một thực chất nào. Ông Diệm dựa vào bộ máy chính quyền do người Pháp để lại và tin dùng những cựu công chức và quân nhân của bộ máy này ; những người cùng một tâm lý và quá trình như ông. Nhưng mọi bộ máy cần những người lãnh đạo chính trị đặt ra chính sách, mục tiêu, đôn đốc việc thực hiện và nhất là cho nó một ý chí và một linh hồn. Nói cách khác, cần những cán bộ chính trị trong một chính đảng mà ông Diệm và ông Nhu không có. Nếu có một chính đảng, ông Diệm đã không cần, và cũng không thể, dựa trên gia đình, ông cũng không phải lo sợ sự phản bội đến nỗi luôn luôn phải cắt đặt vào những địa vị quyền lực cao những người mà ông biết trước là không có bản lãnh nào để có thể phản bội ông. Và chắc chắn cũng không có vấn đề xây dựng chủ nghĩa nhân vị, thay vào đó là một cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ thực sự, có kế hoạch và có quyết tâm. Với những thiếu sót trầm trọng như thế, sự thất bại của ông Diệm và ông Nhu là điều không tránh khỏi, dù họ không mắc phải những sai lầm thường được viện dẫn ra để giải thích sự thất bại của chế độ đệ nhất cộng hòa. Họ sẽ phạm những sai lầm khác, vì họ chỉ có thể sai lầm thôi. Có phải vì thế mà cần lên án ông Diệm và ông Nhu không? Tôi nghĩ là không vì xét cho cùng, trong giai đoạn đó cũng chẳng có ai hơn họ. Vào lúc đó chúng ta thiếu một nhân sự chính trị đúng nghĩa. Những người có phương tiện ăn học thì chạy theo bằng cấp để cầu danh vọng cá nhân. Bằng cấp và địa vị cho họ cái ảo tưởng là họ có văn hóa nhưng thực ra họ không có. Một số người, mà chúng ta phải đặc biệt kính phục, đã dấn thân tranh đấu cho dân tộc trong các đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng Đại Việt. Họ thao thức tìm một hướng đi cho đất nước nhưng họ vừa thiếu phương tiện vừa không được xã hội quí trọng, lại bị các chính quyền mệnh danh là quốc gia trù dập nên không theo kịp được tiến triển của văn hóa và tư tưởng thế giới. Ý thức quốc gia nẩy nở trong một quần chúng mà kiến thức ngày càng được mở rộng nhưng lại vắng mặt trong giới cầm quyền. Tình trạng này đẻ ra một nghịch lý là chế độ Việt Nam Cộng Hòa có rất nhiều người tốt trong quân đội cũng như trong bộ máy hành chính, nhưng lãnh đạo lại cực kỳ tồi dở. Và cuối cùng thì một chế độ chỉ đáng giá ở mức mà lãnh đạo của nó đáng giá. Cho nên chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã sụp đổ một cách hổ nhục, và biết bao nhiêu trí tuệ và dũng cảm bị uổng phí. Thảm kịch đó là do cái di sản của văn hóa Nho giáo, đào tạo con người để làm tôi tớ chứ không phải để làm những con người tự do, sáng tạo và dũng cảm. Và nếu có một bài học mà chúng ta cần rút ra, không những cần mà còn cấp bách vì chúng ta vẫn chưa rút ra được, thì đó là đấu tranh chính trị phải có tổ chức. Chính trong tổ chức mà các khái niệm được hình thành, các ý kiến được sàng lọc dưới ánh sáng của trí tuệ và thực tại, mà lòng tin được nuôi dưỡng và tăng cường, mà quyết tâm được hun đúc, bản lãnh và trí tuệ được rèn luyện. Mỗi người, trong khi hy sinh một phần cái tôi của mình, trở thành lớn hơn và tạo ra sức mạnh cần có để thay đổi thay vì chịu đựng lịch sử. Nếu không chúng ta sẽ bất lực và chỉ có thể sai lầm. Một lời sau cùng cho ông Diệm và các em ông. Với những giới hạn về nhận thức của họ và với bối cảnh xã hội và nhân văn mà họ thừa hưởng, họ chỉ có thể sai lầm mà thôi. Như mọi người khác trong thời đại của họ. Nhưng ít ra họ đã sống và đã chết như những con người xứng đáng. Nguyễn Gia Kiểng (Nguồn: thongluan.org tháng 11, 2004)
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 21, 2010 17:24:25 GMT 9
Những cuộn băng ghi âm mới của Kennedy Lữ Giang “…Phải đọc từng trang biên bản các phiên họp, các báo cáo, các chỉ thị của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, chúng ta mới thấy được sự phức tạp trong chính sách của Hoa Kỳ về việc điều hành cuộc chiến Việt Nam. Ngồi viết mò hay dựa theo quan điểm của một số tác giả, không thể viết đúng được…” Mặc dầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ và hạ sát một cách tàn nhẫn cách đây 46 năm, thỉnh thoảng Bộ Ngoại Giao, Cơ quan CIA, các văn khố và thư viện Hoa Kỳ lại cho công bố thêm một vài tài liệu liên quan đến vụ này. Chắc chắn còn một số văn kiện quan trọng khác liên quan đến nội vụ vẫn chưa được giải mã vì có phương hại đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhưng với những tài liệu đã được công bố, chúng ta có thể biết được biến cố đã thật sự xẩy ra như thế nào, không còn có thể nói mò, viết mò hay bóp méo sự thật như từ năm 1990 trở về trước. Không phải là chuyện mới lạ Ngày 3.11.2009, hầu hết các báo tại Hoa Kỳ đã đăng một bài dưới đầu đề “Những cuốn băng cho thấy Kennedy chống lại cuộc đảo chính ở Sài Gòn (năm 1963)” (Kennedy was conflicted over Saigon coup) của ký giả Barry Schweid thuộc hãng thông tấn AP, nói về việc thư viện JFK Presidental Library ở Boston vừa mới công bố các cuốn băng cho thấy cách đây 46 năm các tướng lãnh Việt Nam tin tưởng được sự ủng hộ của đồng minh Hoa Kỳ đã lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn, nhưng Tổng Thống Kennedy chống lại việc Bộ Ngoại Giao bật đèn xanh cho các tướng làm đảo chính. Tổng Thống nói: “Tôi không thấy có bất cứ lý do nào để tiến tới, trừ khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta có cơ hội tốt để thành công.” Theo Kennedy, chúng ta muốn có những phán đoán tốt hơn, và ông không nghĩ rằng chúng ta phải làm điều đó. Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc. Sáng ngày 3.11.2009 đài truyền hình MSNBC đã cho phát lại đoạn video phỏng vấn Tổng Thống Kennedy trong chương trình Huntley-Brinkley Report (NBC) ngày 9.9.1963 và audio trích lại một phần những phát biểu trong các buổi họp nói trên. Năm 2003, các lời phát biểu của các Tổng Thống Mỹ trong thời gian chấp chính đã được ghi lén và in lại trong 9 CD dưới cái tên “The White House Tapes Eavesdroping on the President”, trong đó có những lời phát biểu của Tổng Thống Kennedy và các cố vấn liên quan đến cuộc đảo chính năm 1963. Từ đó đến nay, một số băng khác cũng đã được công bố thêm. Những đoạn băng mới được công bố nói trên chỉ là phần bổ túc mà thôi. Thật ra, tài liệu về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức đảo chính lật đổ ông Diệm đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố gần đầy đủ trong bộ “Foreign Relations of the United States” (FRUS), Tập IV, 1961 – 1963 (từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1963), xuất bản năm 1991. Không đọc các tài liệu in trong các bộ FRUS từ 1954 đến 1963 đã được Bộ Ngoại Giao Hoa ấn hành, không thể biết được chính phủ Hoa Kỳ đã thúc đẩy và giúp đỡ chính phủ Ngô Đình Diệm hình thành ở miền Nam một chế độ độc đảng giống “mô thức Trung Hoa Quốc Dân Đảng” của Tưởng Giới Thạch để chống cộng, và cuộc tranh luận chung 2 | T r a n g quanh “mô thức” này. Nhưng sau đó, khi quyết định đưa quân vào miền Nam, các viên chức Hoa Kỳ đã phê phán và đập phá “mô thức” do chính họ đòi hỏi phải thiết lập một cách không thương tiếc. Phải đọc bản phúc trình điều tra của phái đoàn Liên Hiệp Quốc mới biết được biến cố Phật Giáo đã xẩy ra tại miền Nam năm 1963 như thế nào. Đây là một bản phúc trình đã nói lên những sự thật khiến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lo sợ, phải vận động và làm áp lực để bản phúc trình đó đừng được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc! Phải đọc từng trang biên bản các phiên họp, các báo cáo, các chỉ thị của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, chúng ta mới thấy được sự phức tạp trong chính sách của Hoa Kỳ về việc điều hành cuộc chiến Việt Nam. Ngồi viết mò hay dựa theo quan điểm của một số tác giả, không thể viết đúng được. Cũng đừng tin vào hai cuốn được giới thiệu là tài liệu mật của CIA mới được giải mã, đó là cuốn CIA and the House of Ngo và cuốn CIA and the Generals do Thomas L. Abern Jr. biên soạn và được Nguyễn Kỳ Phong tóm lược và giới thiệu, vì Thomas L. Abern Jr. đã viết hai tập đó với ý đồ “lái sử”, nên không phản ảnh đúng sự thật. Phải đọc từng bản văn chính thức đã được giải mã để tìm hiểu những chuyện gì đã thật sự xảy ra. Trong phần dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những nét chính về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và âm mưu của các nhóm đứng đàng sau. Bất đồng về đảo chính Ông McNamara cho biết quyết định của Tổng Thống Kennedy là Hoa Kỳ “không đưa ra bất cứ khởi xướng nào nhắm tích cực khuyến khích một sự thay đổi trong chính phủ” (VNCH) đã gây tranh luận mấy tuần liền. Trong một điện văn gởi cho Tướng Maxell Taylor ngày 25.10.1963, ông Lodge nói rằng âm mưu của các tướng Nam Việt Nam nay đã đi quá xa và “chúng ta không nên phá ngang cuộc đảo chính.” (we should not thwart a coup). Lập luận của ông ta “dường như dám đánh cá chính phủ mới sẽ không vụng về (bungle) và sai lầm (stumble) như chính phủ hiện tại”. Thay mặt Tổng Thống, Tướng Taylor trả lời rằng không phải chúng ta làm hỏng cuộc đảo chính, mà chúng ta phải xem xét kế hoạch của các tướng và loại ra những sơ hở có thể đưa tới thất bại. Tướng Harkins đã nổi giận khi đọc công điện nói trên của ông Lodge. Ông cho rằng ông Lodge đã không cho ông biết về kế hoạch đảo chính. Tướng Harkins đề nghị “chúng ta không nên đổi ngựa một cách quá vội vàng, mà chúng ta phải tiếp tục tìm cách thuyết phục con ngựa đó đổi hướng và phương pháp hành động”. Ông Lodge cho rằng như vậy là Hoa Kỳ đang phá hỏng kế hoạch đảo chính. Ông viết: “Đừng nghĩ rằng chúng ta có quyền ngăn trở hay trì hoản cuộc đảo chính.” (Do not thing we have the power to delay or discourage a coup.) (Robert S. McNamara, In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam. Vintage Books, New York, 1995, tr. 81 – 82). Tổng Thống nói xem ra lực lượng quân sự ủng hộ và chống ông Diệm bằng nhau. Nếu thế, bất cứ âm mưu bày ra một cuộc đảo chính nào đều vớ vẩn. Nếu Lodge đồng ý quan điểm đó, chúng ta sẽ chỉ thị ông ta ngăn cản cuộc đảo chính. (FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 468 – 471. Document 234). Lúc 6 giờ 40 ngày 29.10.1963, Đại Sứ Lodge đã gởi về Bộ Ngoại Giao ở Washington một công điện nói rằng xem ra âm mưu đảo chính của các Tướng Lãnh đã đến nơi 3 | T r a n g (imminent), và dù cuộc đảo chính này thành công hay thất bại, Chính Phủ Hoa Kỳ phải chuẩn bị để chấp nhận sự kiện là chúng ta sẽ bị đổ tội (blamed), mặc dầu không chứng minh được. Và cuối cùng, “không một hành động tích cực nào của Chính Phủ Hoa Kỳ có thể ngăn chận âm mưu đảo chính trừ phi báo tin cho Diệm và Nhu với tất cả sự nhục nhả mà một hành động như thế có thể gây ra”. (FRUS 1961 – 1963. Volume IV, tr. 454 – 455. Document 226). Trong công điện gởi cho Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Sài Gòn lúc 5 giờ 49 phút chiều 30.10.1963, ông Bundy, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Về An Ninh Quốc Gia, đã nói thẳng với Đại Sứ Lodge: “Chúng tôi không chấp nhận như là một chính sách của Hoa Kỳ rằng chúng ta không có quyền trì hoản hay ngăn cản cuộc đảo chính”. Ông phải khuyến khích những người đảo chính ngưng hay hoản lại bất cứ hoạt động nào mà theo sự phán đoán tốt nhất của của ông, rõ ràng là không đem lại viễn tượng thành công cao. (FRUS, 1961 – 1963, Volume IV, tr. 500 - 501. Document 249). Sau đó, lúc 6 giờ 30 chiều 30.10.1963 ông Lodge lại gởi một công điện khác cho Bộ Ngoại Giao nói rằng chúng ta phải đánh giá chính xác về cơ hội thành công cuộc cuộc đảo chính, “nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta có quyền trì hoãn hay ngăn cản cuộc đảo chính”. Qua các cuộc tranh luận, chúng ta thấy Tổng Thống Kennedy, Tướng Taylor, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert Kennedy, Bộ Trưởng Quốc Phòng McNamara, Tướng Harkins, hai viên chức cao cấp CIA là McCone và Colby, v.v. đã tỏ vẻ không muốn tổ chức đảo chính. Chỉ có Harriman và Cabot Lodge là cương quyết hành động. Nhóm chủ trương đảo chính 1.- Lý do quyết định đảo chính: Ông Frederick Nolting, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa đã ghi rõ trong cuốn From Trust to Tragedy như sau: “Âm mưu “trung lập hóa” Lào của ông ta (Harriman) là một sự thất bại thê thảm, và sự thù nghịch ngày càng gia tăng của ông với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia đình của ông ta, trở thành một yếu tố chủ yếu trong việc lật đổ ông Diệm. 1963.” (Frederick Nolting, From Trust to Tragedy, sách đã dẫn, tr. Xiv). 2.- Làm cho tình hình xấu đi: Để có thể tổ chức đảo chính, nhóm Harriman đã cố tình làm cho tình hình tại miền Nam ngày càng xấu đi. Sau vụ giao cho Trần Quang Thuận tổ chức hoả thiêu Hoà Thượng Quảng Đức vào ngày 11.6.1963, theo báo cáo của Tướng Trần Văn Đôn cho CIA, chiều 18.8.1963 Tướng Khiêm, một nhân viên CIA, đã triệu tập các tướng tại Bộ Tổng Tham Mưu, trong đó có cả những tướng đang bất bình với ông Diệm như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân và Nguyễn Ngọc Lễ, và quyết định đến xúi ông Nhu và ông Diệm phải “ban hành các biện pháp mạnh để ổn định tình hình”. Họ báo cáo rằng “tinh thần của quân đội đang xấu hơn (deteriorating) và trong thực tế họ sợ rằng một đồn quân sự ở trong tình trạng gần như đào ngũ (near state of desertation)”. Ông Diệm đã trúng kế của CIA. Ngay chiều 20.8.1963 ông ban hành Sắc Lệnh số 84/TTP “tuyên bố tình trạng giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam...” và cho phép lục xét các chùa để bắt các phần tử gây rối. (FRUS, 1961 – 1963, Volume III, tr. 616. Document 275). 4 | T r a n g 3.- Ra lệnh đảo chính Trong cuốn hồi ký Swords and Plowshares, Đại Tướng Maxwell D. Taylor, Chủ Tịch Ban Tham Mưu Liên Quân thời Tổng Thống Kennedy, cho biết khi tình hình lộn xộn xẩy ra tại Sài Gòn, một nhóm hoạt động chống Diệm (a small group of anti-Diem activists) đã nắm lấy cơ hội, xử dụng “mánh mung lẫn tránh” (end run) để vượt qua bằng cách soạn thảo một cách vội vàng một công điện tối quan trọng đối với Sài Gòn không cần có sự đồng ý thông thường của Bộ. Trong cuốn hồi ký In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam, ông Robert S. McNamara đã trình bày khá rõ ràng về quyết định lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông viết: “Khi báo cáo về tình trạng xáo trộn tới tấp gởi về Hoa Thịnh Đốn vào ngày 24 tháng 8, các nhân viên có nhiệm vụ ứng trực nhận thấy rằng cơ hội để có hành động chống lại ông Diệm đã đến. Trong đêm đó Hoa Kỳ đã đề ra một kế hoạch đảo chính, một hành động trong số những hành động quan trọng nhất của hai trào Tổng Thống Kennedy và Johnson. “ Người khởi xướng hành động này là Roger Hilsman Jr., nhân vật kế nhiệm Averell Harriman, giữ chức Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ. “Sau khi Roger Hilsman hoàn thành bức công điện, trong ngày 24 tháng 8, Averell Harriman, người vừa được trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Về Chính Trị Vụ, chấp thuận ngay. Bức công điện của những người chủ trương được quyết định gởi cho Sài Gòn ngay trong ngày hôm đó...” 4.- Sử dụng cơ quan mật vụ đặc biệt Lúc đó, Giám Đốc CIA tại Washington và Trưởng Trạm CIA ở Sài Gòn đều chống đảo chính, nên nhóm Harriman phải xử dụng một hệ thống tình báo đặc biết để tổ chức đảo chính. Khi Harriman được Tổng Thống cử làm Thứ Trưởng Ngoại Giao về Chính Trị Sự Vụ, ông kiêm luôn Chủ Tịch Đoàn Công Tác Đặc Biệt về Chống Nổi Dậy vừa có chân trong Ủy Ban 40 (phối hợp về tình báo) trong đó có “Đoàn Công Tác Đặc Biệt” (Special Group). Tổ chức này giống như “một chính phủ bí mật trong một chính phủ” (a secret government within a government). Thông thường, Đoàn triển khai chủ trương của Tổng Thống, nhưng khi có sự xung đột về quan điểm, mạnh ai nấy làm. Như vậy ông đã nắm trọn trong tay các cơ quan tình báo Mỹ nên quyền lực rất lớn. Kế hoạch đảo chính được hoạch định rất công phu và tỉ mỉ. Trước hết là tách những người thân tín như Trần Kim Tuyến (Giám đốc sở mật vụ), Nguyễn Đình Thuần (Bộ trưởng Phủ Tổng Thống), Đỗ Mậu (Giám Đốc An Ninh Quân Đội)... ra khỏi ông Diệm và ông Nhu bằng cách tạo ra những biến cố giả tạo để gây sự nghi ngờ. Kế đến là sử dụng ngay lực lượng được ông Nhu tin cẩn nhất đó là Sư Đoàn 5 đo Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy với nhiệm vụ bảo vệ thủ đô để làm lực lượng chính của cuộc đảo chính. Người chỉ huy cuộc đảo chính cũng là người được ông Diệm tin tưởng nhất, đó là Tướng Trần Thiện Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Ông Điệm và ông Nhu không bao giờ nghĩ rằng Tướng Khiêm và Đại Tá Thiệu đã đi theo CIA! Lệnh giết ông Diệm và ông Nhu Chúng tôi xin nhắc lại, trong một cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28.2.2003, cho biết vào ngày 1.2.1966, Tổng 5 | T r a n g Thống Lyndon B. Johnson đã nói chuyện bằng điện thoại với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCathy như sau: Johnson: ... Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm. MacCarthy: Có chứ. Johnson: (Rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau VÀ XỬ DỤNG MỘT BỌN ÁC ÔN CÔN ĐỒ ĐÁNG NGUYỀN RỦA để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó. Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với Tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại Sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng Thống Johnson lại nhắc lại điều đó: Johnson: Họ khởi đầu và nói: “Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.” Taylor: Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế. Johnson: Và lúc đó tôi đã van nài họ, “Xin vui lòng đừng làm điều đó”. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta.” Ông Maura Porter, người quản thủ thư viện cho biết các cuộc hạ sát không hề được bàn cãi tại các cuộc họp ở Toà Bạch Ốc. Vậy quyết định giết ông Diệm mà Tổng Thống Johnson nhắc lại ở trên đã được bàn tại đâu và ai là người đã ra lệnh giết ông Diệm và ông Nhu? Phải chăng bàn ở Bộ Ngoại Giao? Hiện nay vẫn còn nhiều tài liệu chưa được tiết lộ và có thể sẽ vĩnh viễn không được tiết lộ, nên rất khó biết được. Trong cuốn The Secret History of the CIA, Joseph J. Trento cho biết Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson như sau: “Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện” (On instructions from Averell Harriman... The order that ended in the deaths of Diem and his brother originated with Harriman and were carried out by Henry Cabot Lodge’s own military assistant). Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein. Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp. Tổng Thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành. Ông Carson tiết lộ: “Kenny O’Donnell (người được Tổng Thống Kennedy chỉ định làm thư ký) tin rằng McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, nhận lệnh từ Averell Harriman chứ không phải từ Tổng Thống. Kenndy đặc biệt lo lắng về việc Michael Forrestal, một người trẻ trong nhân viên Toà Bạch Ốc phụ trách về liên lạc giữa Việt Nam và Harriman.” Trưởng Trạm CIA tại Saigon là “Jocko” Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội Hành Quân Đặc Biệt (Special Operations Army), đó là John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal. 6 | T r a n g Theo Carson, “John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chính”, mặc vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hoá trước công luận. Carson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại Sứ Cabot Lodge chỉ định cho “các công tác đặc biệt” (special operations) có thể hành động không bị trở ngại. (Joseph J. Trento, The Secret History of the CIA. Carroll & Graf, New York, 2005, tr. 334 – 335). Phản ứng của Kennedy Trong cuốn hồi ký mang tên In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam, ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết: “Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế... “Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo. “Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại...” Hôm 4.11.1963, hai ngày sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói: “Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó (ra lệnh đảo chính) đã được soạn thảo tồi tệ. Đáng lẽ bức điện đó không bao giờ được gởi vào hôm Thứ Bảy. Đáng lẽ tôi không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn” Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một công điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chính đã được tiến hành rồi. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy công điện này. Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau: “Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong khi ông ta bắt đầu gặp nhiều sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng”. *********************************************************************** Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay ... December 28, 2017 Format: PaperbackVerified Purchase Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay đã có nhiều sách báo, đoàn thể, tôn giáo cũng như hầu hết đồng bào Việt Nam đều quy trách những nhà lãnh tụ miền Nam như Tổng thống Diệm, tuớng Minh, Đôn, Thiệu, Kỳ v.v…đều là những người đã một phần chịu trách nhiệm để Cộng sản thôn tính miền Nam. Sự quy trách này trên bình diện chính trị, truyền thông đương nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên phương diện lịch sử thì thật là phiến diện. Do đó tiện giả sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm cây viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch sử Việt Nam. Ngược dốc thời gian năm 1958, Đại tá Trần Thiện Khiêm là một trong những sĩ quan được Tổng thống Diệm ưa thích vì vậy Đại tá Khiêm đã được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 4BB. Thời gian này Đại tá Khiêm có hai người bạn thân nhất là Đại tá Nguyễn Khánh và Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, bất cứ cuối tuần nào , Đại tá Khiêm đều lái xe đến thăm Đại tá Khánh tại đồn điền trà J’Ring, sau đó 2 người kéo lên Đà Lạt thăm Trung tá Thiệu đương là Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.. Năm 1960 trong vụ đảo chánh do Trung tá Vương Văn Đông cầm đầu bị thất bại, bởi Đại tá Khiêm Tư lệnh SĐ 21BB từ miền Tây kéo về giải cứu Tổng thống Diệm, và kể từ đó Đại tá Khiêm được Tổng thống Diệm tín cẩn tuyệt đối, thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm Tham mưu trưởng Liên quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi nắm chức vụ trên và nhất là được sự tin tưởng của Tổng thống, Thiếu tướng Khiêm đã đề cử Trung tá Thiệu làm Tư lệnh Sư đoàn 5BB và Thiếu tướng Khánh làm Tư lệnh vùng 2 Chiến thuật. Tóm lại tất cả các chức vụ quan trọng trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào thới điểm này nếu có sự đề bạt của Thiếu tướng Khiêm chắc chắn sẽ được Tổng thống Diệm chấp thuận, ngoài ra TT Khiêm hơn hẳn các tướng lãnh khác là được cả ông Cố vấn Ngô Đình Nhu mến phục. Bởi vậy tiếng nói của Thiếu tướng Khiêm với hai nhân vật then chốt của nền Đệ Nhất Cộng Hòa có một tác dụng gần như tuyệt đối, các tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng trong QLVNCH biết như vậy nên mọi lệnh của TT Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân đưa ra đều được thi hành đầy đủ, chính xác. Từ trước tới nay đã có nhiều sử gia và nhân vật chính trị đề cập đến cuộc đảo chánh ngày 1-11-63 nhưng nhiều sự kiện vẫn còn thiếu sót và không chính xác vì chưa ai nêu đúng nhân vật chủ chốt, hầu hết đều cho rằng các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính là những nhân tố chính. Nhưng mặt trái bên trong hậu trường thì không phải vậy, Trung tướng Đôn mặc dù là Quyền Tổng Tham mưu trưởng nhưng không được các Tư lệnh quân binh chủng tin tưởng, Tướng Minh không có thực lực trong tay còn lại Tướng Đính chỉ trong phạm vi Tổng trấn Sài Gòn mà thôi. Đến đây tiện giả xin trình bày diễn tiến cuộc đảo chánh 1-11-63 để quý vị độc giả có thể thấu hiểu ai là người đã soạn thảo, móc nối và thi hành kế hoạch đảo chánh. Khoảng đầu tháng 10-1963 Thiếu tướng Khiêm gọi Thiếu tá Giang lên văn phòng cho biết sẽ có đảo chánh để lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa vì Thiếu tướng Khiêm được biết ông Ngô Đình Nhu đã có liên lạc với phía Việt Cộng. Đến đây tiện giả xin mở dấu ngoặc. Sở dĩ Thiếu tướng Khiêm tiết lộ cuộc đảo chánh cho Thiếu tá Giang vì Thiếu tá Giang đã từng là Chánh Văn phòng của Thiếu tướng Khiêm, và ngay sau nhậm chức Tham mưu trưởng Liên quân Thiếu tướng Khiêm đã yêu cầu Nha An ninh quân đội đưa Thiếu tá Giang sang giữ chức vụ Trưởng phòng An ninh Quân đội Bộ Tổng Tham mưu. Ngày 20-10-1963 Thiếu tướng Khiêm chỉ thị Thiếu tá Giang qua gặp Đại tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An ninh quân đội để cho Đại tá Mậu biết là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vừa ra lệnh cho Thiếu tướng Khiêm tạm giữ Đại tá Mậu vì ông này đang vận động đảo chánh; và Thiếu tướng Khiêm dặn Thiếu tá Giang nói với Đại tá Mậu tạm thời lánh mặt để Thiếu tướng Khiêm dễ dàng trình lên ông Cố vấn. Cũng trong thời gian này Thiếu tướng Khiêm tiết lộ với Thiếu tá Giang về phía tướng lãnh Thiếu tướng Khiêm đã tranh thủ được hầu hết, chỉ còn có Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh vùng 4 là chưa hội ý, riêng Tướng Khánh và Đại tá Thiệu hoàn toàn đồng ý với Thiếu tướng Khiêm, ngoài ra các Tư lệnh quân binh chủng đã có hứa là sẽ sát cánh với Thiếu tướng Khiêm. Nói tóm lại việc vận động, tổ chức cũng như hoàn tất kế hoạch đảo chánh hầu như do Thiếu tướng Khiêm chủ động vì chỉ có tướng Khiêm hội đủ mọi yếu tố để cho các tướng lãnh và tư lệnh quân binh chủng tin tưởng. Sáng sớm ngày 31-10-1963 Thiếu tướng Khiêm gọi Thiếu tá Giang lên văn phòng; khi Thiếu tá Giang bước vào thì thấy Đại tá Nguyễn Hữu Có ở đó, Thiếu tướng Khiêm chỉ thị cho Thiếu tá Giang cầm công điện hỏa tốc đi cùng với Đại tá Có xuống Mỹ Tho để bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn hiện do Đại tá Đạm là tư lệnh. Sở dĩ Thiếu tướng Khiêm ra lệnh cho Thiếu tá Giang đi với Đại tá Có là để Đại tá Đạm tin tưởng là lệnh thật do chính Thiếu tướng Tham mưu trưởng ký vì Đại tá Đạm từng biết sự thân cận giữa Thiếu tướng Khiêm và Thiếu tá Giang. Đến 11 giờ sáng cùng ngày Thiếu tá Giang trở về Bộ Tổng Tham mưu và được Thiếu tướng Khiêm cho biết đúng 12 giờ trưa Thiếu tướng Khiêm sẽ chủ tọa buổi họp các tư lệnh quân binh chủng, và sau buổi họp nếu ai chống lại đảo chánh thì thiếu tá Giang phải giữ lại trong phòng họp Bộ Tổng Tham mưu chờ lệnh của Thiếu tướng Khiêm. Buổi họp vừa chấm dứt; trong lúc lộn xộn thì Đại úy Nhung sĩ quan cận vệ của Trung tướng Minh tự ý bắt Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng đặc biệt dẫn đi đâu không rõ, sau đó Đại úy Nhung trở lại định bắt Đại tá Cao Văn Viên, Tư lệnh Sư đoàn nhảy dù và ông Lê Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô Thành, nhưng Thiếu tá Giang đã ngăn chặn kịp thời. Đại úy Nhung báo lên Trung tướng Minh và Trung tướng đến hỏi lý do cản trở Đại úy Nhung thì Thiếu tá Giang trả lời là thi hành lệnh Tướng Khiêm. Khoảng 2 giờ trưa ngày 31-10-63 Đại úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại tá Tung dẫn 1 đại đội lực lượng đặc biệt cùng với 4 chiến xa đến cổng Bộ Tổng Tham mưu để hỏi tình trạng Đại tá Tung, ngay khi đó Đại úy Nhung chạy ra gặp Đại uý Triệu và yêu cầu Đại úy vào trình diện Thiếu tướng Khiêm, Đại úy Triệu nghe lệnh trình diện Thiếu tướng Khiêm nên Đại úy không nghi ngờ gì do đó mới bị chết thảm. Khi tiếng súng đảo chánh nổ trưa 31-10-63 Thiếu tướng Khiêm đã chủ động qua các diễn trình như: – Ra lệnh cho Đại tá Có điều động Sư đoàn 7 ngăn chặn lực lượng tiếp viện từ vùng 4 chiến thuật. – Lệnh cho Đại tá Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 điều quân về Sài Gòn để làm chủ lực tấn công Lữ đoàn phòng vệ Phủ Tổng thống và Dinh Gia Long. – Cô lập tất cả Tư lệnh Quân binh chủng nào xét ra chống lại cuộc đảo chánh. – Ra lệnh cho Tướng Khánh, Tư lệnh vùng 2 và Tướng Trí vùng 1 chiến thuật thi hành những biện pháp cần thiết. Riêng các Tướng Minh, Đôn, Kim, Nghiêm, Xuân v.v…có mặt tại Tòa nhà chánh bộ Tổng Tham mưu chỉ có tính cách phụ giúp hơn là thực quyền vì tất cả mọi lệnh và điều hành đảo chánh đều diễn ra trong phòng làm việc của tướng Khiêm. Tiếng chuông của chiếc điện thoại được reo đúng 3 giờ 17 phút, Thiếu tướng Khiêm nghe, đầu giây bên kia người đối thoại không ai khác là Tổng thống Diệm. Sau cuộc điện đàm Thiếu tướng Khiêm quay qua tướng Minh, Đôn nói "Tổng thống nói với các tướng lãnh đến dinh Gia Long nói chuyện. Moi trả lời để hội ý rồi sẽ trình lại Tổng thống sau" nhưng sau đó tướng Minh, Đôn, Kim và cả Khiêm không đồng ý đến gặp Tổng thống Diệm. Tuy nhiên khoảng 4:30 chiều 31-10-63 Thiếu tướng Khiêm tự ý điện thoại cho Tổng thống Diệm với đề nghị đưa Tổng thống cùng toàn thể gia đình ông Nhu ra ngoại quốc với sự bảo đảm an ninh do chính Thiếu tướng Khiêm hứa. Khoảng 6 giờ chiều Tổng thống Diệm gọi cho tướng Khiêm để cho biết là T.T. đồng ý đề nghị nói trên nhưng khi tướng Khiêm hội ý với tướng Minh, Đôn, Kim thì tướng Minh nói ngay "Giờ này quá trễ rồi, chúng ta cứ tiếp tục". Qua các cuộc điện đàm kể từ lúc tiếng súng bắt đầu nổ cho đến khi Tổng thống Diệm chạy đến nhà thờ Cha Tam, Tổng thống Diệm chỉ có gọi điện thoại cho Thiếu tướng Khiêm mà thôi. Đọc hết đoạn trên chắc độc giả đã nhận ra vai trò của tướng Khiêm từ tiền đảo chánh đến khi cuộc chính biến 1-11-63 hoàn tất, nếu tướng Khiêm không được Tổng thống Diệm tin dùng, nếu không có sự hợp tác với tướng Minh, Đôn v.v…chắc chắn là cuộc đảo chánh không thể xảy ra được vì trên cương vị Tham mưu trưởng Liên quân lại được sự tín cẩn của Tổng thống vì vậy các Tư lệnh Quân Binh Chủng đã không có phản ứng nên chính biến 1-11-63 mới thành công một cách dễ dàng. Ngược lại nếu tướng Minh, Đôn, Đính ra lệnh cho các đơn vị chắc chắn sẽ bị chống đối hoặc không thi hành, nhất là 2 lực lượng nồng cốt do chính Thiếu tướng Khiêm điều động với SĐ7 có nhiệm vụ ngăn chặn tiếp cứu của vùng 4, và Sư đoàn 5 chủ yếu tấn công Lữ đoàn Liên Binh phòng thủ phủ Tổng thống với dinh Gia Long. Sau cuộc chính biến 1-11-63 thành công, vai trò nổi bật là những tướng Minh, Đôn, Kim, Đính, Xuân. Riêng tướng Khiêm với chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng hữu danh vô thực, ngoài ra tiếng nói của tướng Khiêm trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng hầu như bị lãng quên do đó cuộc chỉnh lý mới bùng nổ mà nguyên nhân chính là do sự bất mãn của tướng Khiêm. Người tổ chức, thảo kế hoạch do tướng Khiêm chủ động với sự trợ giúp của tướng Khánh và tướng Thiệu cùng 1 số đông các Tư lệnh quân binh chủng. Tuy nhiên vì sở trường của tướng Khiêm là không bao giờ muốn lộ mặt nên tướng Khánh được tướng Khiêm chỉ định coi như lãnh đạo cuộc chỉnh lý. Trên thực tế tướng Khánh không có thực lực, không được ai tin tưởng cho nên nếu không có tướng Khiêm đẩy ra sân khấu chắc chắn không bao giờ tướng Khánh mơ tưởng được làm Chủ tịch Hội đồng Quân nhân, Thủ tướng v.v… Mục tiêu của cuộc chỉnh lý không ngoài mục đích của tướng Khiêm là vô hiệu hóa hết quyền hành các tướng Minh, Đôn, Kim v.v…để trả thù lại sự vô ơn của các tướng đối với tướng Khiêm sau cách mạng 1-11-63 và luôn thể đưa những người bạn thân nhất nắm chính quyền là tướng Khánh, tướng Thiệu v.v… Do đó ngay khi cuộc chỉnh lý thành công tướng Khiêm không muốn ở vị thế lãnh đạo nên đẩy tướng Khánh ra thay thế tướng Minh, đưa tướng Thiệu nắm chức Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH. Nhưng khi tam đầu chế Minh, Khánh, Khiêm thành hình thì tướng Khánh ham quyền lực, quên đi người đã gây dựng sự nghiệp cho mình là tướng Khiêm, nên tướng Khánh một mặt củng cố uy quyền mặt khác loại bỏ những người thân cận của tướng Khiêm. Tiện giả còn nhớ câu của tướng Khánh nói với tướng Khiêm khi tướng Khánh tống tướng Khiêm đi làm Đại sứ tại Đài Loan như sau: "Anh phải dời VN trong vòng 48 tiếng, nếu không tôi sẽ không bảo đảm tính mạng của anh". Mặc dù sau khi tướng Khánh loại được tướng Khiêm, nhưng từ Đài Loan tướng Khiêm vẫn âm thầm tổ chức để lật đổ tướng Khánh, do đó mới có những cuộc binh biến xảy ra liên miên cầm đầu bởi tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đại tá Tồn, Trang v.v… Tuy nhiên, tướng Khiêm ít nhất vẫn được người bạn trả ơn đàng hoàng là tướng Thiệu, vì ngay khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống thì tướng Khiêm, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ được gọi về giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và sau đó là Thủ tướng cho đến sát biến cố 4-1975. Xuyên qua những sụ kiện trình bày trên tiện giả chỉ với mục đích duy nhất là đóng góp nhỏ nhoi vào kho tàng lịch sử biến động nhất của 2 nền Cộng hoà mà tiện giả nghĩ rằng nhân vật Trần Thiện Khiêm dù muốn dù không đã nắm giữ một vai trò tích cực có tính cách xoay chuyển cục diện của miền Nam v.v… Tiện giả cũng nghĩ rằng nếu không có Trần Thiện Khiêm sẽ không có đảo chánh 1-11-63, không có chỗ cho vai trò của tướng Khánh trên sân khấu chính trị "cải lương" nhất trong giòng lịch sử Việt và chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống nền Đệ nhị Cộng hòa, người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm làm tan rã QĐVNCH trong một thời gian kỷ lục cũng như đau khổ, tủi nhục cho hàng triệu gia đình Việt Nam .
|
|
|
Post by NhiHa on Oct 25, 2010 5:10:52 GMT 9
Nguyễn Quang Duy Một lựa chọn dân chủ trong quá khứ: Hoàng đế Bảo Đại - Thủ tướng Ngô Ðình Diệm 1 2 Trong bài “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: con đường lên nắm quyền của Ngô Ðình Diệm, 1945-1954”, giáo sư Edward Miller trình bày những hoạt động của Ngô Ðình Diệm trong vòng một thập kỷ trước khi ông trở thành Thủ tướng vào tháng 7 năm 1954. Dựa trên những hoạt động tích cực này, Edward Miller kết luận ông Diệm thành công chủ yếu nhờ nỗ lực của chính mình và của những đồng minh người Việt, cũng như ông đã chủ động tìm cách nắm lấy quyền lực đúng lúc. Trong kết luận thứ hai của bài viết, Edward Miller nhấn mạnh “... Không có bằng cớ nào chứng tỏ rằng Ngô Đình Diệm được bổ nhiệm nhờ một chiến dịch gây áp lực (với Bảo Ðại) do những quan chức Hoa Kỳ khởi xướng.” Bài tiểu luận này nghiên cứu những quan hệ giữa Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Qua đây, độc giả nào quan tâm có thể thấy được nhiều điểm khác bài viết của Edward Miller về hai nhân vật lịch sử nói trên. Cũng như, vào năm 1954, việc Ngô Đình Diệm chấp chính là một chọn lựa dân chủ của Bảo Đại, với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia tại Việt Nam. Và đến chết Bảo Đại vẫn tin rằng đây là một quyết định đúng lúc và đúng đắn, mặc dù sự chọn lựa này dẫn đến việc trưng cầu dân ý để “truất phế Bảo Đại, khai sinh Đệ nhất Cộng hoà”. Bảo Đại. Nguồn: www.wikimedia.org Ngô Đình Diệm. Nguồn: Chính Đạo Hoàn cảnh Việt Nam khi Bảo Đại cầm quyền Câu chuyện về cụ Phan Bội Châu đối đáp với Hội đồng Đề hình nói được hoàn cảnh “An Nam” lúc Bảo Đại vừa lên ngôi. Ngày 23-11-1925, Hội đồng Đề hình đã xử án cụ Phan Bội Châu, Quan toà hỏi: “Ông phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, hay là chính trị của nước Nam?” Cụ Phan trả lời: “Tôi phản đối chính trị của chính phủ bảo hộ, chứ nước Nam có nước đâu và có chính trị đâu mà tôi phản đối?” [1] Nước Nam ở đây chỉ gồm một phần của Trung kỳ. Theo hoà ước Giáp Tuất (1874), miền Nam đã trở thành đất Pháp. Theo Hoà ước Giáp Thân (1884), miền Bắc và miền Trung vẫn thuộc chủ quyền nhà Nguyễn và dưới sự bảo hộ của Pháp. Trên thực tế Pháp đặt ra Phủ Toàn quyền, lần hồi tước hết chủ quyền của vua. Năm 1893, Pháp đã buộc Triều đình Huế chấp thuận cho Pháp toàn quyền giữ gìn an ninh và cai trị vùng cao nguyên miền Trung. Người Kinh không được phép lên làm ăn buôn bán và sinh sống ở đây. Nhà vua cũng không còn được thu thuế ở vùng này nữa. Đến năm 1897, Pháp bãi bỏ chức Kinh lược sứ Bắc kỳ, giao quyền cho viên Thống sứ Pháp. Từ đó, ở Bắc kỳ, quan lại Việt Nam chỉ biết có Thống sứ chứ không còn biết đến triều đình nữa. Để dễ bề thống trị, Pháp đặt luật lệ riêng cho mỗi miền và cao nguyên. Đó là thời gian khi Bảo Đại vừa chấp chính. Trong thời gian Bảo Đại đang theo học ở Pháp, đại thần nhiếp chính Tôn Thất Hân đã ký với Pháp một hiệp ước. Theo đó, khâm sứ Pháp được chủ toạ Hội đồng Nội các. Pháp đảm trách thu thuế và kiểm soát tài chính. Từ đó triều đình không còn ngân sách riêng. Mọi quyết định chi tiêu của nhà vua cũng phải lấy phê chuẩn từ các công chức Pháp... Đó là “thời” của vị vua xưa nay vẫn bị khép là “bù nhìn”. Hoàng đế Bảo Đại và vị Thượng thư Bộ Lại Sau khi tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris và về nước, khi nắm được tình hình Bảo Đại đã bắt tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ quyền quốc gia. Ngày 10-12-1932, Bảo Đại cho công bố một đạo dụ theo đó nước ta theo chế độ quân chủ lập hiến. Bảo Đại sẽ trực tiếp điều khiển nội các, và cho cải cách hành chính, giaó dục, tư pháp, cũng như muốn người Pháp thực thi đúng đắn Hoà ước 1884, để cho Triều đình một ít quyền hành trong khuôn khổ nền bảo hộ Pháp. Theo đó một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ... Những dự định cải cách này đã được ông Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút Nam Phong, đề nghị từ trước qua bốn bài xã luận đăng trên báo France-Indochine ở Hà Nội, mà bài thứ ba nhan đề là “Tiến tới một Hiến pháp”. Vì đề nghị Phạm Quỳnh phù hợp với ước muốn cải cách, nhà vua đã chọn Phạm Quỳnh làm Thượng thư Nội các [2] mới thay thế Nguyễn Hữu Bài. Bảo Đại cho biết chính ông Charles [3] , có thể theo chỉ thị của chính phủ Pháp, đã đề nghị Phạm Quỳnh vào chức vụ này. Còn về Ngô Đình Diệm, Bảo Đại chọn vì: “... lúc ấy [Ngô Đình Diệm] làm tuần vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách Bộ Lại. Vốn dòng dõi quan lại, anh ruột ông ta làm Tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ Thượng thư Nội các, Ngô Đình Diệm lại còn là Tổng thư ký cho Hội đồng Hỗn hợp về Canh tân đã được ban bố năm trước bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm đã được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu, tiến cử.” [4] Bảo Đại đặt hết niềm tin vào hai người Phạm Quỳnh và Ngô Đình Diệm. Phạm Quỳnh đầy viễn kiến lại được người Pháp hổ trợ. Còn Ngô Đình Diệm thì kinh nghiệm, uy tín và ước mong cải tổ xã hội Việt Nam. Những cải tổ kể trên bị các phần tử bảo thủ, lạc hậu, thực dân trong chính phủ Pháp kịch liệt chống đối nên nỗ lực của Bảo Đại và hai ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm bị tê liệt hoàn toàn. Chỉ sau bốn tháng, Ngô Đình Diệm xin Bảo Đại được từ chức. Bảo Đại đã khuyên Ngô Đình Diệm như sau: “Quan Thượng, trẫm hiểu tinh thần trách nhiệm của quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng. Sau nữa, những năm sắp tới đây còn dành cho chúng ta nhiều biến chuyển. Trẫm biết ông và quan Thượng Nguyễn Hữu Bài vẫn có liên lạc chặt chẽ. Như thế, hẳn cụ Bài không quên nhắn nhủ ông những điều lo ngại của cụ. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu châu, và như thế, sẽ có những hậu quả đối với Á châu mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt.” [5] Cũng cần biết, năm 1907, vua Thành Thái bị Pháp bắt vì liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để đang ở Nhật. Pháp buộc nhà vua thoái vị và đày sang đảo Reunion [6] . Ngô Đình Khả, thân phụ Ngô Đình Diệm, lại là Thượng thư Bộ Lễ và tận trung không chịu cùng với các đại thần trong triều đình theo lệnh Pháp ký tên vào tờ biểu yêu cầu vua Thành Thái thoái vị. Vì thế đã bị người Pháp giáng chức và bắt về hưu không cho lãnh tiền hưu liễm. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại đích thân mời và Cường Để đã nhận lời hồi hương giúp nước. Ngày 30-7-1945, tại Tokyo, cơ quan thông tấn Domei loan tin Cường để đang trên đường về Việt Nam, do lời mời của Bảo Đại. Cường Để sẽ nắm chức Cơ mật Viện trưởng. [7] Báo Hưng Việt, ngày 3-8-1945, đã viết “... Theo Để, mục đích của ông là khôi phục lại độc lập cho Tổ Quốc, mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc chứ không vì ngôi đế vương.” [8] Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đều có liên lạc mật thiết với Cường Để. Cả hai vẫn tiếp tục được Bảo Đại tin dùng. Có phải Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại giao phó trọng trách (hay ngầm thu xếp) liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để, nói riêng, và Nhật, nói chung? Bảo Đại đã từng giao trách nhiệm liên lạc các đảng phái quốc gia và Việt Minh cho các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Phan Kế Toại để kêu gọi cộng tác hay kết hợp. Kỳ Ngoại hầu Cường Để là chú của Bảo Đại. Cho nên không có gì là lạ nếu Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đại giao phó trọng trách liên lạc với Kỳ Ngoại hầu. Còn Nguyễn Đệ là bí thư của Bảo Đại. Một chuyên viên kinh tế, có thể đã được Từ Cung Thái hậu giới thiệu. Nguyễn Đệ cũng quen biết Nguyễn Hữu Bài và là bạn thân của Ngô Đình Diệm. Sau khi Ngô Đình Diệm từ chức, Nguyễn Đệ cũng xin từ chức. Sau này khi Bảo Đại làm Quốc trưởng ông lại tiếp tục làm bí thư của Bảo Đại và được Bảo Đại hết mực tin dùng. Mặc dù có lúc Bảo Đại đã lo ngại Nguyễn Đệ là người của Toà thánh Vatican vì ông đã được Toà thánh giới thiệu. Trong hồi ký của mình, Bảo Đại cũng nhắc đến việc Bùi Bằng Đoàn được giao nắm Bộ Hình (tức Bộ Tư pháp). Ông này vốn là quan, có bằng luật khoa và đã 51 tuổi. [9] Qua nội các đầu tiên, Bảo Đại đã cho thấy ông là người sẵn sàng tham khảo ý kiến và dung hoà những quan điểm hoặc khuynh hướng khác nhau nhằm xây dựng nền tảng dân chủ, trong một thể chế quân chủ lập hiến. Nhật đảo chính Pháp Năm 1940, Nhật đánh Lạng Sơn, Pháp thua phải ký hiệp ước cho quân Nhật sang đóng trên lãnh thổ Việt Nam. Năm 1945, phe Đức - Nhật yếu thế, khối Đồng minh nắm chắc phần thắng. Quân Pháp ở Việt Nam bắt liên lạc với quân Đồng minh. Nhật biết được, đêm 9-3-1945, Nhật cho nổ súng tấn công quân Pháp. Chỉ trong vòng một đêm, cơ đồ thực dân Pháp xây dựng trong vòng trăm năm đã hoàn toàn sụp đổ. Ngày 11-3-1945, Đại sứ Nhật Marc Masayuki Yokoyama yết kiến Bảo Đại tường trình việc Nhật chấm dứt chủ quyền của Pháp ở Việt Nam và nhiệm vụ của ông là trao lại nền độc lập của Việt Nam. Bảo Đại rất ngạc nhiên đặt thẳng vấn đề Nhật công khai bảo trợ Hoàng thân Cường Để rồi kết luận: “... Còn tôi, tôi quan tâm đến dân tộc tôi hơn là quan tâm đến ngai vàng...” [10] Việc Bảo Đại tự ý thoái vị (25--8--1945), và chấp nhận bị truất phế (23--10--1955) đã chứng minh Bảo Đại là lãnh tụ “thờ ơ” quyền lực. Ngay chiều hôm đó, Bảo Đại cho triệu tập Hội đồng Cơ mật để thông báo, phân tích và thảo luận về tình hình mới. Bảo Đại yêu cầu tất cả các thượng thư đồng ký bản Tuyên ngôn Độc lập, do Phạm Quỳnh soạn từ gợi ý của Yokoyama, trong đó xác định “... kể từ ngày hôm nay, hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp được bãi bỏ, và đất nước thu hồi chủ quyền độc lập quốc gia...” [11] Ngày 19-3-1945, vua Bảo Đại báo cho thượng thư Phạm Quỳnh biết là từ nay, nhà vua tự tay đảm trách quyền lãnh đạo quốc gia. Phạm Quỳnh ý thức được tình thế mới, đã cùng toàn thể thượng thư lục bộ xin từ chức. Bảo Đại cho lập nội các mới. Như đã nói ở trên có thể Ngô Đình Diệm đã được Bảo Đaị giao phó trọng trách liên lạc với Kỳ Ngoại hầu Cường Để và Nhật. Do đó Bảo Đại đã coi Ngô Đình Diệm là ứng cử viên số một để lãnh đạo chính phủ Việt Nam mới, và vì vậy Bảo Đại đã hai lần đích thân nhờ Đại sứ Nhật Yokoyama triệu hồi Ngô Ðình Diệm từ Sài Gòn về Huế thành lập chính phủ. Edward Miller, dựa vào Shiraishi, cho rằng Ngô Đình Diệm đã nhận được bức điện thứ hai trong hai bức điện mà Bảo Ðại gửi đi ngay, và đã tự ý từ chối lời đề nghị của Bảo Đại. Ông đã thắc mắc không biết vì lý do gì ông Diệm quyết định như vậy. Nhưng lại cho biết ông đã Diệm hối hận về quyết định này và cố gắng đảo ngược tình thế, nhưng quá muộn: Bảo Ðại đã mời học giả và nhà phê bình văn hoá Trần Trọng Kim lên làm thủ tướng. Vũ Ngự Chiêu, lại dựa vào Marakami, cho rằng tướng Nhật Tsuchihashi Yuitsui, Toàn Quyền Nhật tại Đông Dương, đã không muốn đưa Cường Để lên ngôi, với hy vọng sẽ lợi dụng tối đa hệ thống hành chính thuộc địa của Pháp. [12] Báo Thông tin, Hà Nội ngày 10-6-1945, đưa tin: “DIỆM, từ năm 1944, đã được coi như ứng viên chức thủ tướng trong một chính phủ do Nhật bảo trợ. Tuy nhiên, từ sau ngày Tsuchihashi được giao trách nhiệm cai quản Đông Dương, phe Cường Để bị loại. Bị Tokyo áp lực đưa Cường Để hồi hương, Tsuchihashi đã có lần tuyên bố: Cứ đưa hắn về đây. Ta sẽ lập tức tống cổ hắn vào Côn Lôn.” [13] Theo bản phúc trình cho nhà cầm quyền Pháp dưới dạng hồi ký không được công bố của Đại sứ Nhật Yokoyama, Ngô Đình Diệm đã từ chối vì lý do sức khoẻ. Nhưng ít lâu sau thì ông được biết ông Diệm đã từ chối vì hai lý do: thứ nhất ông đã thề trung thành với Kỳ Ngoại hầu Cường Để và không muốn phục vụ Bảo Đại mà ông cho là thân Pháp; thứ hai là ông muốn lấy lại Nam Bộ và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng mà lúc này Nhật chưa trả lại cho Việt Nam. [14] Trong khi đó, hồi ký Bảo Đại viết rất rõ: “...Trong óc tôi, người tiêu biểu nhất trong số này là Ngô Đình Diệm... Ba tuần lễ trôi qua, mà chẳng thấy tăm hơi Ngô Đình Diệm ở đâu. Trước thúc dục ngày càng khẩn thiết của tôi, Đại sứ Yokoyama trả lời là chưa tìm thấy vị Thủ tướng dự trù này. Sự chậm trễ ấy làm tôi suy nghĩ. Người Nhật rất thành thạo trong sự kiện xảy ra ở Việt Nam. Cơ quan tình báo của họ rất đắc lực, và họ biết chỗ và biết cách để tìm thấy nhân vật này. Về sau tôi biết được qua lời nói của Đại sứ Yokoyama là Ngô Đình Diệm không được cảm tình của của chính phủ Nhật.” [15] Trong Hồi Ký Trần Trọng Kim có hai lần nhắc đến việc này. Lần đầu ở Chương 3 khi vừa từ Thái Lan về lại Việt Nam, khi ông vừa nhận được thơ mời của Bảo Đại, ông gặp ông Diệm thì được ông Diệm cho biết đã không nhận được thơ mời. [16] Lần thứ hai Trần Trọng Kim nhắc đến việc này là ở Chương 4 khi ông vào gặp Bảo Đại. Trần Trọng Kim nói rõ ông có “hỏi ông Tối cao Cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời Tối cao Cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại.” [17] Hồi ký của Trần Trọng Kim được xuất bản tại Sài Gòn năm 1969, có thể là hồi ký được nhiều người Việt đọc nhất. Khi hồi ký này được phổ biến các nhân vật lịch sử như Bảo Đại, Hoàng Xuân Hãn, Tùng Hạ, Phan Anh... đều còn sống và không có người nào đính chính. Đối chiếu hồi ký của Bảo Đại và Trần Trọng Kim có thể nói rằng Yokoyama đã thiếu thành thật khi báo cáo với người Pháp. Sau khi chính phủ Trần Trọng Kim đã được thành lập, Đỗ Mậu và Nguyễn Tấn Quê, hai cán bộ cùng tổ chức Đại Việt Phục hưng của ông Diệm, đã được ông Ngô Đình Khôi cử vào Sài Gòn để gặp ông Diệm và để tổ chức cuộc đón tiếp Kỳ Ngoại hầu mà ông Khôi tưởng sẽ trở về Việt nam. Nhờ đó Đỗ Mậu mới biết để ghi rõ trong hồi ký của ông như sau: “Ông Diệm mới trình bày việc người Nhật đã phản bội, không cho Kỳ Ngoại hầu Cường Để về nước và cắt đứt mọi liên lạc chính trị với chính ông... Lúc bấy giờ ông Quê và tôi mới thực sự hiểu rõ tình hình và trạng huống bi đát cua ông Diệm và của tổ chức chúng tôi. Sách lược nắm chính quyền bằng con đường thân Nhật của ông Diệm đã đi vào bế tắc và hoàn toàn thất bại, hệ quả chính trị của nó không những là mất đi những ưu thế phát triển mà quan trọng hơn cả, còn là sự tê liệt của tổ chức.” [18] Trong hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, một thành viên trong Uỷ ban Kiến quốc, có hình thức của một chính phủ lâm thời thân Nhật, cho biết ông cũng đã bị lãnh sự Nhật hăm doạ: “...Nhưng nếu ông tiếp tục hoạt động, chúng tôi sẽ bắt buộc phải nghiêm trị phong trào của ông...” [19] Đối chiếu các hồi ký kể trên có thể kết luận người Nhật đã không đồng ý với Bảo Đại để Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập chính phủ. Thậm chí người Nhật còn tìm cách ngăn cấm mọi sinh hoạt chính trị của ông Diệm. Trong hồi ký, Đỗ Mậu cũng cho biết: “Công tác của tôi được ông Diệm giao phó là tổ chức một lực lượng quân nhân khố xanh trong khắp cơ binh thuộc xứ Trung kỳ, bao gồm từ Thanh Hoá vào đến Phan Thiết và các tỉnh cao nguyên. Về quân nhân khố đỏ thì do Thiếu uý Phan Tử Lăng đang phục vụ trong Mang Cá ở Huế phối hợp với ông đội khố đỏ Nguyễn Vinh phụ trách việc liên lạc và thông tin các cơ sở quân sự đóng tại Huế và Phú Bài.” Như vậy, nếu ông Diệm nắm quyền, lực lượng này sẽ là nồng cốt cho việc thành lập một lực lượng quân sự hay Quân đội Quốc gia. Điều này có lẽ người Nhật đã biết được. Sau khi Nhật đảo chính, đa số người Pháp ở Đông Dương vẫn được tự do và tiếp tục đảm trách những công việc hành chính trước đây. Người Nhật chỉ bắt một số ít các giới chức cao cấp người Pháp có liên hệ với phe De Gaulle và thành phần chống đối. Mục đích chính của cuộc đảo chính là tránh việc lực lượng Đồng minh đổ bộ, quân Pháp nội ứng sẽ nổi dậy. Trong đánh ra, ngoài đánh vào, sẽ gây thiệt hại khó lường cho quân đội Nhật. Lúc này Thế chiến Thứ hai cũng đã đến hồi kết thúc. Người Nhật biết rõ ván cờ khó có thể đổi chiều. Đảo chính là việc không thể tránh. Nhưng người Nhật muốn tránh mọi việc gây thêm ác cảm với người Pháp. (Thêm vào đó, cá nhân Đại sứ Yokohama lại có vợ là người Pháp.) Người Nhật cũng muốn tiếp tục lợi dụng hệ thống hành chính thuộc địa của Pháp. Do đó việc xử dụng những lực lượng Quốc gia chống Pháp, với chủ trương quá khích hay vũ trang, không còn được hổ trợ hay nằm trong chiến lược của Nhật tại Đông Dương. Đây có thể là lý do chính người Nhật đã không đồng ý với Bảo Đại để Ngô Đình Diệm đứng ra thành lập chính phủ. Và nội các Trần Trọng Kim là nội các của giới khoa bảng. Cũng vì lý do này, người Nhật chỉ trao trả lực lượng Bảo an cho chính phủ Trần Trọng Kim hai tuần lễ trước ngày Việt Minh cướp chính quyền. Thiếu một lực lượng quân sự để bảo vệ an ninh cho dân chúng và bảo vệ chính quyền là lý do chính khiến chính phủ Trần Trọng Kim đã tự giải thể ngay khi Nhật đầu hàng. Ngô Đình Diệm từ chối lời mời Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ cầm quyền không quá 4 tháng (17-4 tới 5-8-1945). Sau đó nhiều diễn biến dồn dập xảy tới, mà hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hai trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima (ngày 6-8-1945) và Nagasaki (ngày 9-8-1945). Liên Sô tuyên chiến với Nhật (ngày 11-8-1945). Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Ngày 17-8-1945, tại Nhà hát lớn Hà Nội Việt Minh cướp diễn đàn của Tổng hội công chức. Ngày 19-8-1945, Việt Minh cướp chính quyền Hà Nội. Ngày 25-8-1945, Bảo Đại thoái vị. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố cầm quyền. Quân Pháp quay lại Việt Nam. Ngày 6-3-1946, Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ Bộ chấp nhận quân Pháp trở lại Việt Nam. Thương thuyết giữa Pháp và Việt Minh bế tắc. Ngày 19-12-1946, Hồ Chí Minh tuyên chiến với Pháp. Sau khi thoái vị, Bảo Đại đã nhận lời mời của Hồ Chí Minh ra Hà Nội làm “Cố vấn Tối cao” cho Chính phủ của họ Hồ. Nhờ đó Bảo Đại biết được Hồ Chí Minh chỉ lấy mình làm bức bình phong, để được quốc dân và Đồng minh công nhận sự “chính danh” của cái chính phủ tự phong này. Khi Hồ nhận ra việc Bảo Đại vẫn được quốc dân, các đảng phái quốc gia và Đồng minh tin tưởng mời ra chấp chính, Hồ đã yêu cầu nhà vua theo phái đoàn sang gặp thống chế Tưởng Giới Thạch. Rồi tìm cách bỏ Bảo Đại lại đây: một hình thức cho lưu đày viễn xứ. [20] Cũng nhờ thời gian làm “Cố vấn” cho Hồ Chí Minh, Bảo Đại mới thấu hiểu bề sâu của cung đình “cách mạng vô sản”. [21] Hồi ký Trần Trọng Kim cho biết khi ông gặp Bảo Đại ở Hồng Kông lời đầu tiên nhà vua đã nói với ông là: “Chúng mình già trẻ lớn bé mắc lừa bọn du côn.” [22] Sau ngày Việt Minh cướp chính quyền, Ngô Đình Diệm cũng bị bắt giữ một thời gian tại miền Trung, sau đó ông được đưa ra Hà Nội vào khoảng tháng 2 năm 1946 để gặp Hồ Chí Minh. Hồ đề nghị Ngô Đình Diệm giữ một chức vụ trong chính phủ đoàn kết Việt Minh nhưng Ngô đã không nhận. Trong thời gian này, Bảo Đại và Ngô Đình Diệm không được gặp nhau nhưng có thể đã được Hồ thu xếp giao cho một công việc mà cả hai đều đã không nhận. Điều này sẽ được đề cập trong một dịp khác. Một mặt, vì không thể thương lượng hay thoả hiệp với Việt Minh, một tổ chức cộng sản; mặt khác, vì cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để có phương tiện tài chính đối phó với Cộng sản, Pháp đã phải chấp nhận điều kiện của Hoa Kỳ là từng bước nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. [23] Ngày 20-3-1947 Hội đồng Chính phủ Ramadier cùng Hội đồng Các chính đảng Pháp công bố Quyết nghị về chính sách mới của Pháp tại Việt Nam. Theo đó, chính phủ Pháp hướng về Bảo Đại như một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh và từng bước trao trả độc lập thống nhất cho Việt Nam. [24] Người Việt quốc gia sau một thời gian ngắn tiếp xúc với Việt Minh, cũng nhìn ra cốt lõi và bản chất cộng sản của tổ chức này. Bắt tay với Việt Minh hay với Pháp đều đi ngược lý tưởng quốc gia mà họ hằng theo đuổi. Nhân sỹ và lãnh đạo các tổ chức Quốc gia đã nhanh chóng hướng đến Bảo Đại như tâm điểm, vừa chống Pháp, vừa chống Cộng sản, từng bước giành lại độc lập thống nhất cho Việt Nam. Hồng Kông trở thành một tụ điểm cho người Việt quốc gia. Bảo Đại lắng nghe từng cá nhân, từng tổ chức, tự nhận lãnh vai trò trọng tài, đứng trên các đoàn thể chính trị trong nước để dung hoà những quan điểm hoặc khuynh hướng khác nhau và tạo thế đoàn kết cho những người Việt quốc gia. Chung quanh Bảo Đại, nhân sỹ và lãnh đạo các tổ chức sinh hoạt như một quốc hội nhỏ. Họ đề đạt, họ chọn lựa những người đại diện và quyết định chiến thuật cho từng giai đoạn.
|
|
|
Post by NhiHa on Oct 25, 2010 5:12:52 GMT 9
Ngày 5-7-1947, Bảo Đại lên tiếng sẵn sàng chấp nhận vai trò nếu được dân chúng Việt Nam đặt tín nhiệm. Ngày 18-9-1947, nhà vua gởi lời kêu gọi dân chúng với mong muốn:”... đạt được độc lập và thống nhất, đúng như nguyện vọng của đồng bào, đạt tới những thoả hiệp do sự bảo đảm hổ tương, và có thể xác định với đồng bào là lý tưởng mà chúng ta từng dũng cảm chiến đấu trong cuộc kháng chiến gian lao, sẽ đạt được toàn diện...” [25] Ngày 7-12-1947 Cao uỷuỷ Bollaert ký Tuyên Ngôn Chung trên Vịnh Hạ Long với “cá nhân” Quốc Trưởng Bảo Đại, để thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam. Sau đó Bảo Ðại sang Pháp xem xét tình hình rồi quay về Hồng Kông để tham khảo ý kiến của Ngô Đình Diệm, Trần văn Lý, Nguyễn văn Xuân, Phan văn Giáo... rồi cân nhắc nước cờ tới, từng bước đấu trí với người Pháp.
Ngô Đình Diệm là một trong những người đã luôn sát cánh bên Bảo Đại trong thời gian nay. Edward Miller đã viết “... Ðiều quan trọng là kế hoạch Ngô Đình Diệm cổ vũ trong những cuộc gặp gỡ này phản ánh nhận thức về nền cộng hoà trong ông: kế hoạch nhằm xây dựng một hội đồng Việt Nam mới, trong đó uỷ nhiệm Bảo Ðại làm đại diện trong các cuộc thương lượng với Pháp, và kế hoạch cũng quy định là cựu hoàng có nghĩa vụ phải hội ý với hội đồng trước khi thực hiện bất cứ thoả thuận nào về vấn đề độc lập”. Edward Miller đã tham khảo hồi ký của Bảo Đại nhưng lại thiếu khách quan và công bằng khi viết như trên.
Trong hồi ký, Bảo Đại đã thuật lại vắn tắt như sau “... Thierry D'Argenlieu đã nói là giải pháp Hồ Chí Minh đã thất bại. Nay gió đã đổi chiều. Trong số khách thăm viếng này, người thì đến để theo phò, người thì đến để thăm dò đường lối cho Pháp hay cho các nước khác. Bác sỹ Phan Huy Đán, Luật sư Đinh Xuân Quảng, cả hai đều thuộc phe xã hội, thêm đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng Trần văn Tuyên, đều từ Quảng Châu sang. Người em họ trung thành với tôi, Vĩnh Cẩn cùng người em khác trẻ hơn, là tay đá banh nổi tiếng Vĩnh Tường, và Phan Văn Giáo tạo thành cái nhân vĩnh viễn thân cận. Rồi đến quýuý vị khác khá danh tiếng như Bác sỹ Lê Văn Hoạch, thuộc nhóm Cao Đài, cựu phó thủ tướng Nam Bộ, Phạm Văn Bích, Ngô Đình Diệm trước tôi tưởng là tai mắt của Mỹ, Phạm Công Tắc, giáo chủ Tây Ninh, Lê Văn Soái, tướng Hoàoà Hảo, v.v... Tất cả các nhân vật đó đều đưa ra ý kiến và đồng nhất về chính trị, nhấn mạnh là tôi phải trở về, để đem lại hoà bình cho đất nước.” [26] Bảo Đại không cho biết lý do tại sao đã tưởng Ngô Đình Diệm là tai mắt của Mỹ. So với các nhân vật khác Bảo Đại chỉ coi Ngô Đình Diệm như một nhân sỹ hơn là một lãnh đạo tổ chức. Cũng cần biết lúc này tổ chức Đại Việt Phục Hưng của Ngô Đình Diệm đã bị Việt Minh khủng bố và chưa tổ chức lại được, nếu không nói là đã tan rã.
Sự thành hình của chính phủ Ramadier ngày 21-1-1947, và quyết định thay d'Argenlieu bằng Dân biểu Emile Bollaert ngày 5-3-1947 mang lại một không khí mới. Bollaert chấp nhận một chính phủ Liên bang Việt Nam, với ba chính phủ địa phương tại ba kỳ, và một chính phủ trung ương tượng trưng sự thống nhất lãnh thổ. Vấn đề đặt ra là ai sẽ cầm đầu chính phủ trung ương đó. Bảo Đại là người duy nhất Bollaert muốn giao cho nắm giữ chính phủ Trung ương này.
Ngày 22-3-1948, Bảo Đại đã cử Ngô Đình Diệm về Sài Gòn gặp Cao uỷ Bollaert để tìm hiểu thái độ Pháp về việc thành lập một chính phủ trung ương lâm thời. Chuyến đi không mấy kết quả, ông Diệm rất thất vọng khi trở lại Hồng Kông. Bảo Đại đã kể lại như sau: "Theo Diệm, chúng tôi chỉ còn một cách: Đợi chờ, và để khẳng định thái độ cương quyết của mình, ông ta đề nghị lập một uỷ ban nghiên cứu, mà người ta đoán được dễ dàng là chẳng đi đến đâu. Đa số các nhà ái quốc ở Hồng Kông lại không đồng quan điểm với Diệm." [27] Bảo Đại viết tiếp "Để cắt ngắn những lập trường mâu thuẫn ấy, tôi đề nghị tập hợp một Hội nghị vào ngày 26 tháng 3 ở Hồng Kông khách sạn, để ra một thông báo, thành lập một chính phủ trung ương lâm thời, không phải để điều đình mà để dùng làm "Tạm ước sống còn" với nước Pháp, có tầm trách nhiệm hạn chế, nhưng thực hiện được tức khắc, hầu giúp cho hai bên cơ hội hiểu biết nhau và thoả hiệp bằng những sự việc cụ thể... Lập một chính phủ trung ương lâm thời, phù hợp với hoàn cảnh quốc tế là một điều vừa hữu lý, vừa cần thiết." [28] và "..., tôi cho Trần văn Tuyên giải thích rõ ràng hơn, với các đại diện chính trị và tôn giáo là nếu chính phủ trung ương lâm thời được uỷuỷ nhiệm đàm phán về bản thông báo, về thể chế thực hiện, thì tôi chịu trách nhiệm đàm phán về thoả ước nhất định, nhưng nhiệm vụ của tôi chỉ đóng vai trò trung gian, hay điều giải viên hạn chế có vậy mà thôi, chỉ có nhân dân mới có quyền quyết định tự do với đầy đủ ý thức để thiết lập thể chế mà họ bằng lòng chấp nhận, sau khi trật tự và hoà bình được vãn hồi." [29] Đa số đồng ý để Bảo Đại vận động thành lập Chính Phủ Quốc Gia Lâm Thời đứng ra thoả hiệp với Pháp.
Trong hồi ký Bảo Đại cho biết một cách rõ ràng, Ngô Đình Diệm vẫn chính là nhân vật đầu tiên mà ông nghĩ tới: “Nay chỉ còn đi đến việc thực hiện. Nhưng ai sẽ là thủ tướng chính phủ trung ương đây? Diệm được mời, nhưng lại từ chối không chịu ký vào bản thể chế, nên không nhận...” [30] Cuối cùng Tướng Nguyễn Văn Xuân đã được chọn.
Ông Nguyễn Văn Xuân là một người miền Nam, một công dân Pháp và đương kim Thủ tướng Nam Kỳ Cộng hoà quốc. Mục đích chính Bảo Đại chọn Nguyễn Văn Xuân chỉ để người Pháp chấp nhận hai từ độc lập, thống nhất trong các văn kiện sẽ ký sau này với Pháp.
Dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ (Việt Nam) và cờ tam tài (Pháp), với sự chứng kiến của Quốc trưởng Bảo Đại, ngày 5 tháng 6 năm 1948 tại vịnh Hạ Long, ông Emile Bollaert, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, và ông Nguyễn Văn Xuân, Thủ tướng Chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam, đồng công bố bản Tuyên bố chung: “Nước Pháp long trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam; Việt Nam được tự do thực hiện nền thống nhất của mình.” [31] Đây là một sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng, lần đầu tiên Pháp chính thức công nhận Chính phủ Quốc gia Việt Nam (thống nhất ba miền Việt Nam) và cũng là lần đầu tiên lá Quốc kỳ vàng ba sọc đỏ được chính thức công nhận. [32] Trước đó, ngày 7-12-1947 Cao uỷ Bollaert đã ký Tuyên ngôn chung trên vịnh Hạ Long với “cá nhân” Quốc trưởng Bảo Đại, để thừa nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam. Sau đó Bảo Đại đi Pháp còn Ngô Đình Diệm trở về Việt Nam.
Ngày 28-4-1949, Bảo Đại về nước lại có ý định mời Ngô Đình Diệm ra lập chính phủ. Trong hồi ký Bảo Đại đã không nhắc đến ý định này. Theo hồi ký Linh mục Cao văn Luận khi ông vào Huế: “Bửu Lộc đánh điện mời tôi lên gặp hoàng đế Bảo Đại, và ý chừng muốn nhờ tôi thuyết phục ông Ngô Đình Diệm ra thành lập một chính phủ qui tụ được những người quốc gia chân chính, có uy tín, có tài năng.” Trước khi gặp Bảo Đại Linh mục Luận có gặp Ngô Đình Diệm và được ông Diệm cho biết chưa phải lúc để ông tham chính: “Bên Tàu đằng nào thì Mao Trạch Đông cũng thắng Tưởng Giới Thạch. Mỹ muốn cho họ Tưởng thoả hiệp chia đất hay chia quyền với Mao cho yên chuyện Trung Hoa lục địa. Quân cộng sản Tàu thẳng tiến đến biên giới Bắc Việt Nam, quân Việt Minh được sự giúp đỡ trực tiếp của quân cộng sản Tàu, sẽ mạnh lên, quân Pháp sẽ gặp khó khăn, lúc đó thì cả Pháp và Bảo Đại sẽ lạy lục người nào đưa ra được một giải pháp quốc gia chân chính. Lúc đó ra cũng chưa muộn.” Khi Linh mục Luận yết kiến Bảo Đại chỉ nghe Bảo Đại than:” Lúc mới về nước tôi đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác của các nhân vật quốc gia chân chính. Tôi có ngỏ ý mời họ nhưng phần đông đều từ chối hoặc đòi hỏi những điều kiện quá lý tưởng không thể nào tạo ra được trong hoàn cảnh này.” Linh mục Luận không nghe Bảo Đại nhắc gì đến Ngô Đình Diệm. Vào ngày 16 tháng 6 năm 1949, Ngô Đình Diệm cho đăng một tuyên bố trong đó ông hoàn toàn phủ nhận Hiệp ước Elysée, là bản hiệp ước mà Bảo Đại đã ký với Tổng thống Pháp Vincent Auriol, trước khi Bảo Đại về nước.
Linh mục Cao văn Luận cũng cho biết một lý do khác mà Ngô Đình Diệm mặc dù chấp nhận giải pháp từng bước giành độc lập mà Bảo Đại đang đeo đuổi nhưng đã từ chối cộng tác với Bảo Đại: “... thì chúng ta có thể dùng thoả hiệp vịnh Hạ Long làm bàn đạp để tranh đấu một cách ôn hoà, đòi hỏi thêm những chủ quyền khác mà người Pháp chưa chịu trao trả. Với ai thì được, nhưng với Bảo Đại thì không thể được. Dù có thiện chí đến mấy cũng vô ích thôi. Bảo Đại chỉ thích nghi lễ, hình thức, bề ngoài lại ham săn bắn, ăn chơi, không có tinh thần trách nhiệm đối với sứ mạng lãnh đạo của ông.”
Chính Đạo (2004) cũng cho biết “... Tháng 3-1950, Giám mục Lê Hữu Từ tại Phát Diệm sai Lê Quang Luật vào Nam yêu cầu Diệm đừng “chùm chăn” và “ngang bướng” nữa, cần yểm trợ Bảo Ðại.” [33] Trong phần chú thích của chuyên luận Cuộc thánh chiến chống cộng, Chính Đạo (2004) cũng đề cập đến lý do ông Diệm không cộng tác với Bảo Đại như sau: “Ngày 24-3-1950, Luật tiết lộ với cơ quan tình báo Pháp (SEHAN) rằng Diệm không thân cận được với Bảo Ðại vì bản tính nhu nhược (faible) và thiếu cương quyết (indécis) của Bảo Ðại. Nếu lên nắm quyền, Diệm sẽ chống cộng thẳng tay, mà muốn thế cần có sự tín nhiệm và yểm trợ tuyệt đối của Bảo Ðại. Ðiều này chắc không có. Ngoài ra, lập trường chính trị của Diệm cũng khác biệt. Thứ nhất Diệm muốn biết chắc thể chế độ chính trị của Việt Nam sẽ được tương tự như Ấn Độ trong khối Liên hiệp Anh. Nhưng sự bảo đảm chắc chắn này không được chứng tỏ qua thực tế, như việc bàn giao chủ quyền, hay qua sự tiến hoá của các khuynh hướng chính trị tại Pháp... SHAT (Vincennes), Indochine, 10H 1039.” [34]
(Còn 1 kì)
© 2008 talawas
-------------------------------------------------------------------------------- [1]Nguyễn Văn Bường, Việt sử, trang 345. [2]Phạm Quỳnh giữ chức này mãi đến khi Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945. Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (anh trưởng Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (người con trai độc nhất của ông Khôi) cùng bị Việt Minh bắt và bị sát hại ngay sau khi tổ chức này cướp được chính quyền. [3]Ông Charles là cựu Khâm sứ Trung Kỳ, thân thiết với Vua Khải Định và chăm sóc Bảo Đại trong thời gian ở Pháp cũng như khi Bảo Đại vừa về nước. [4]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 91. Nguyễn Hữu Bài là bạn thân của Ngô Đình Khả (cha Ngô Đình Diệm), lại còn là nhạc phụ của ông Ngô Đình Khôi (anh trưởng Ngô Đình Diệm) và là người đỡ đầu cho ông Ngô Đình Diệm. [5]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 93. [6]Nguyễn văn Bường, Việt Sử, trang 336. [7]Chính Đạo, Việt Nam Niên biểu, trang 236. [8]Chính Đạo, Việt Nam Niên biểu, trang 238. [9]Bùi Bằng Đoàn là thân phụ của Bùi Tín. Ông Tín là Đại tá quân đội cộng sản. Ngày 30--4--1975, vì là sỹ quan cao cấp nhất của quân đội Bắc Việt có mặt lúc đó tại Dinh Độc lập, Ông Tín đã được tướng Dương Văn Minh bàn giao chính phủ. Từ khi ông Tín ra nhập hàng ngũ dân chủ, công khai chống lại nhà cầm quyền cộng sản, sử học chính thống đã gạt bỏ dữ kiện này. [10]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 158. [11]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 162. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh cố tình Tuyên ngôn Độc lập một lần nữa. [12]Vũ Ngự Chiêu, Phía bên kia cuộc Cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8-1945), trang 81-82. [13]Chính Đạo, trang 226. [14]Lê văn Khoa, Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh. Tị nạn. Bài học Lịch sử, trang 424. [15]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 165. [16]Tôi nghĩ bụng ông Diệm và ông Chữ là hai người đã được tư lệnh bộ Nhật chú ý lâu ngày, và các ông ấy lại có tổ chức và đảng phái, sao người Nhật lại không nói gì hết? Ðang nghĩ ngợi như thế, thì chợt thấy ông Ngô Ðình Diệm đến. Ấy là lần đầu tôi gặp mặt ông Diệm vì trước kia tôi chỉ nghe nói thôi chứ không bao giờ gặp. Ông Diệm hỏi tôi: “Cụ mới về đây à? Cụ có biết tin gì không?”. Tôi đáp: “Tôi mới về, chưa biết gì cả, chắc có tin gì thì ông biết trước tôi. Người Nhật lạ quá, họ chẳng cho chúng tôi biết gì cả. Tôi vừa thấy trong bộ tư lệnh nói ở Huế các bộ thượng thư đã từ chức rồi. Vua Bảo Ðại gọi ông Hoàng Trọng Phu vào bàn việc lập chính phủ mới”. “Thế à? Sao người Nhật không cho tôi biết?” Ngồi nói chuyện qua loa vài câu, rồi ông Diệm đứng dậy nói: “Tôi phải vào tư lệnh bộ có chút việc, sáng sớm mai tôi lại về Vĩnh Long”… [17]Ngài nói: “Trước kia nước Pháp giữ quyền bảo hộ nước ta, nay đã không giữ được nước cho ta, để quân Nhật đánh đổ, vậy những điều trong hiệp ước năm 1884 không có hiệu quả nữa, nên bộ thượng thư đã tuyên huỷuỷ hiệp ước ấy. Trẫm phải đứng vai chủ trương việc nước và lập chính phủ để đối phó với mọi việc.” Tôi tâu rằng: “Việc lập chính phủ, ngài nên dùng những người đã dự định từ trước, như Ngô Ðình Diệm chẳng hạn, để có tổ chức sẵn sàng. Tôi nay thì phần già yếu bệnh tật, phần thì không có đảng phái và không hoạt động về chính trị, tôi xin ngài cho tôi về nghỉ.” Ngài nói: “Trẫm có điện thoại gọi cả Ngô Ðình Diệm về, sao không thấy về.” Tôi tâu: “Khi tôi qua Sài Gòn, có gặp Ngô Ðình Diệm và ông ấy bảo không thấy người Nhật nói gì cả. Vậy hoặc có sự gì sai lạc chăng. Ngài cho điện lần nữa gọi ông ấy về. Còn tôi thì xin ngài cho ra Bắc.” Ngàinói: “Vậy ông hãy ở đây nghỉ ít lâu, xem thế nào rồi hãy ra Bắc.” Lúc ấy tôi mệt nhọc lắm, và có mấy người như bọn ông Hoàng Xuân Hãn đều bảo tôi trở lại. Tôi chờ đến gần mười ngày. Cách độ ba bốn hôm tôi lại đi hỏi ông tối cao cố vấn Nhật xem có tin gì về ông Diệm chưa. Trước thì cố vấn Nhật nói chưa biết ông Diệm ở đâu, sau nói ông Diệm đau chưa về được. Ðó là lời tối cao cố vấn, chứ tự ông Diệm không có điện riêng xác định lại. [18]Hoành Linh, Hồi ký Đỗ Mậu, Chương 2, Vào đường đấu tranh. [19]Nguyễn Xuân Chữ,Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ. Những bài học quí báu của một nhà ái quốc liêm chính, nhưng bất phùng thời, trang 251-252: Khi gặp nhân vật cầm đầu phái bộ Nhật, ông này còn ướm hỏi: “Ông không nhận vào triều đình Huế, tôi muốn mời ông về Hà Nội làm cố vấn cho quân đội Nhật, ông nghĩ sao?” “Sau năm, sáu năm ở Việt Nam, người Nhật thông suốt những vấn đề chính sự và quân sự có thể gấp trăm, nghìn tôi, nhận nhiệm vụ lớn lao ông đề nghị thì là tôi không tự biết tôi.” “Ông không nhận một chức vụ gì, sau khi về Bắc, ông sẽ làm gì?” “Tôi sẽ giở lại nghề thuốc của tôi.” Không hiểu vì lẽ gì, viên Lãnh sự bỗng nhiên đổi giọng: “Tôi tin lời ông. Nhưng nếu ông tiếp tục hoạt động, chúng tôi sẽ bắt buộc phải nghiêm trị phong trào của ông.” (Mais si vous continuez à vous agiter, nous serious obligés de sévir contre votre movement. Câu tiếng Pháp này là nguyên lời nói của lãnh sự). Trong hai cuộc đàm thoại giữa các tướng lãnh Nhật và với viên Lãnh sự, cũng như trong cuộc đàm thoại đã nói trên với viên Đại tá về chương trình, kẻ viết chỉ ghi chép lại những lời nói và những cảm tưởng riêng. Những lời nói, những hoạt động chính trị có thể có của bạn họ Ngô kẻ viết không thuật lại vì không nhớ rõ hoặc không biết. [20]Trong Hồi ký Bảo Đại cho biết đã nhận lời nhưng chỉ với lý do “... đi chơi một chuyến...” Khi phái đoàn về nước Hồ đánh điện báo cho vua biết “... Ngài có thể đi chơi nưã. ...” Khi Bảo Đại điện tín muốn về thì không được trả lời. Sau này Hồ gởi bác sỹ Phạm ngọc Thạch đến Hồng Kông tìm vua, qua Thạch nhà vua kiểm chứng và đoan chắc ngaì đã bị Hồ cho lưu đày viễn xứ. Hồ một mặt vẫn công khai coi Bảo Đại như “Cố Vấn Tối Cao”, mặt khác lại tung tin Bảo Đại đã trốn lại bên Tàu. ( Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, các trang 235, 241, 247 và 258). [21]Quan Cách Mạng là từ mà Hồ đã dùng để trìu mến gọi những người theo Hồ. Cụm từ này đã được Hồ xử dụng ngay cả trước khi nắm được chính quyền. [22]Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, [23]Trong thời gian này hầu hết các quốc gia bị thuộc, một cách hoà bình và uyển chuyển, từng bước cũng đã giành lại độc lập cho xứ sở của họ. [24]Giải pháp này được người Pháp và các học giả ngoại quốc gọi là “giải pháp Bảo Đại”. Trong hồi ký, Bảo Đại đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi người Việt nên đứng từ góc nhìn của người Việt xem đây là giải pháp của người Pháp, hay là “giải pháp của Pháp”. Gọi là “giải pháp Bảo Đại” là một điều hoàn toàn không chính xác. Vai trò của Bảo Đại chỉ là uyển chuyển lợi dụng giải pháp của Pháp để đòi người Pháp từng bước trao trả độc lập và thống nhất cho Việt Nam. Cách nhìn ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, cách viết và bài viết. [25]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, các trang 288. [26]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 264. [27]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 310. [28]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 312. [29]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 313. [30]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 313. [31]Điều 1, bản Tuyên bố chung – Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 576. [32]Trước đây, Pháp có đối thoại với Việt Minh, đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với người Pháp nước này chỉ từ vĩ tuyến 16 trở lên. Ở miền Nam, Tháng 5 năm 1946, Nam Kỳ Cộng hoà Quốc đã chính thức được thành lập. [33]Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống cộng, trang 64 . [34]Chính Đạo, Cuộc thánh chiến chống cộng, chú thích 121, trang 403 .
|
|
|
Post by NhiHa on Oct 25, 2010 5:14:41 GMT 9
Ngô Đình Diệm vận động Bảo Đại
Ngô Đình Diệm sang Nhật gặp Cường Để rồi sang Hoa Kỳ vận động sự ủng hộ của chính giới nước này. Giáo sư Edward Miller đã nhắc đến: “Thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Thục tiếp tục sang Châu Âu vào tháng 10 năm 1950. Sau này Ngô Đình Diệm kể lại là ông đã gặp Giáo hoàng ở Vatican; ông cũng sang Paris một thời gian ngắn, gặp gỡ các quan chức Việt và Pháp ở đó và gửi một thông điệp tới Bảo Ðại. Thông điệp này mang lời đề nghị làm thủ tướng Quốc gia Việt Nam tới Ngô Đình Diệm, với điều kiện là ông có đủ thẩm quyền để cai trị các cơ quan hành chính vùng miền trong Việt Nam. Ðề nghị này có vẻ là bước lui của Ngô Đình Diệm, vì trong đó không ghi yêu cầu trước đây của ông đòi quyền tự trị lãnh thổ thì ông mới đồng ý phục vụ trong chính phủ của Quốc gia Việt Nam. Nhưng Bảo Ðại không ấn tượng với khả năng mềm dẻo mới có này của Ngô Đình Diệm, và chỉ trả lời chung chung.” Không thấy Bảo Đại trình bày việc này trong hồi ký của ông.
Tháng 6-1953, Linh mục Cao Văn Luận nhân chuyến đi Hoa Kỳ có ghé Paris và thăm Ngô Đình Diệm. Linh mục Luận đã hỏi ông Diệm “Lúc ni chính là lúc cụ phải về nước chấp chánh. Hồi trước, cụ đã tiên đoán giải pháp Bảo Đại sẽ thất bại hẳn rồi, chắc thế nào Hoa Kỳ cũng phải can thiệp. Mấy năm ni cụ đã tạo được uy tín với Mỹ. Tôi tưởng đây là lúc tình hình đã chín mùi rồi.” Đựơc ông Diệm trả lời: “Nhưng tôi sang Ba-Lê đã mấy tháng mà cũng chưa thấy Bảo Đại nói chi không lẽ lại phải đi năn nỉ cầu cạnh, nên đành phải chờ.”
Linh mục Luận suy luận: “... tôi đã cố tránh nhắc lại tên Nguyễn Đệ với ông Diệm, nhưng khi chia tay ông Diệm rồi, tôi thấy rõ sự hiềm khích giữa ông Diệm với Đệ trở thành một vấn đề đáng kể. Viên chánh văn phòng này hiện đang lãnh sứ mạng của Bảo Đại mở các cuộc tiếp xúc tìm người về chấp chánh. Vậy mà ông Diệm với Đệ lại không thể nói chuyện với nhau, như vậy làm sao để ông Diệm có thể vượt qua cửa ải này mà gặp Bảo Đại thu xếp việc nước. Tôi quyết định phải đi tìm gặp ngay Nguyễn Đệ.” Cũng cần biết trước đây Nguyễn Đệ và Ngô Đình Diệm là bạn rất thân, cùng tham gia Nội Các đầu tiên, ông Diệm từ chức ông Đệ cũng từ chức theo. Và đã có lúc Bảo Đại lo ngại ông Đệ là người của Toà thánh Vatican vì ông là người Công giáo, rất gần guĩ với Toà thánh và đã được Toà thánh giới thiệu.
Khi Linh mục Luận đến gặp ông Để cho biết: “... Nhưng hẳn cha cũng rõ, việc ông Diệm về nước hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, phần ở quốc dân, phần ở Đức quốc Trưởng, phần ở chính ông Diệm... Cha đã gặp ông Diệm và biết hết mọi chuyện rồi, thành thử con cũng xin thưa thật với cha: Đức Quốc Trưởng cũng như con đầu đã nghĩ tới ông Diệm, không phải bây giờ mà từ năm 1948, khi đón cha lên Đà Lạt. Nhưng kẹt cái là anh em họ Ngô xưa nay vốn kiêu ngạo quá lố. Dù con có muốn lo cho ông Diệm về đi nữa, thì chính ông cũng phải gặp Đức Quốc Trưởng mà trình bày với ngài. Không lẽ cha đòi con phải đưa Đức Quốc Trưởng tới lạy ông Diệm sao?” Cuối cuộc gặp, ông Đệ đồng ý: “Con xin hứa với cha nội trong mùa hè này, bằng mọi cách con sẽ thu xếp để đưa ông Diệm xuống Cannes gặp Đức Quốc Trưởng. Cha có gặp lại ông Diệm, xin cha nói rõ lòng con cho ông biết.”
Năm 1951, Ngô Đình Diệm trở về Hoa kỳ. Do cùng được Hồng y Francis Spellman, Ngô Đình Diệm đã sinh hoạt chung với Linh mục Trần văn Kiệm trong cùng một nhà dòng. Theo Linh mục Kiệm trong thời gian 2 năm tại đây ở ông Diệm có hai mục tiêu đeo đuổi. Mục tiêu số một ông nhằm là tìm nhân tài trong số các sinh viên du học tại Hoa Kỳ và Canada. Mục tiêu số hai là ông nghiên cứu tại chỗ chính thể và chính trường Hoa kỳ.
Linh mục Kiệm cũng cho biết: “Mùa hè năm 1953, trung tuần tháng 6, ông Diệm gọi tôi mà nói: “Hoàng đế Bảo Đại mời tôi trở về nước chấp chính.” “... Tại sao Hoàng đế Bảo Đại kêu gọi chí sĩ Diệm sớm sủa như thế này?” Được hỏi Cụ trả lời rất dứt khoát: “ Được Mỹ bật đèn xanh, không phản đối việc tôi quy cố hương là đủ. Chắc rằng về nước nhà rồi, tôi sẽ còn cần họ tiếp sức mới hãn ngữ được đường tiến của Mạc tư khoa, Bắc kinh và Hà nội. Như vậy là bõ công tôi sống hơn hai năm ở Hoa kì . Việc tôi trở về sẽ không do Hoa thịnh đốn quyết định, nhưng sẽ tuỳ thuộc công cuộc Hoàng đế Bảo Đại dàn xếp với Champ Élizée có hanh thông hay chăng.” Ít lâu sau ông Diệm có gửi cho Linh mục Kiệm một bức thư kể vắn tắt rằng: “công cuộc Hoàng đế Bảo đại điều đình với Pháp không xuôi xẻ.”
Trong hồi ký, không thấy Bảo Đại nhắc đến có ý định hay đã mời Ngô Đình Diệm trong 3 lần, năm 1949, 1951 và 1953 như được các nhân vật khác kể lại. Chỉ thấy Bảo Đại đã viết rất rõ lý do mình chọn Bửu Lộc: “Tôi chọn Bửu Lộc để dự trù trong việc ngoại giao quốc tế, sẽ họp trong năm 1954. Bửu Lộc đã ở cạnh tôi rất lâu mỗi khi tôi về nghỉ ở Pháp. Như vậy, ông ta thường có dịp học hỏi và quen biết với giới chính trị Pháp, và các nhân vật ngoại quốc khác.” [1]
Trong bài viết “Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền như thế nào?” đăng trên Thông Luận số 191, Nguyễn Gia Kiểng, dựa trên 2 lá thơ, lá thứ nhất của ông Jacqué Bénet, bạn thân của ông Ngô Đình Nhu, gởi bà Nhu đề ngày 18-4-2004, và lá thứ hai đề ngày 20-4-1955, do ông Nhu gửi cho ông Jacqué Bénet, để chứng minh ông Diệm do người Pháp gây áp lực Bảo Đại đưa lên cầm quyền. Ông Kiểng đã viết bài này trong tinh thần hoàn toàn chủ quan, và vì một lý do nào đó không phổ biến hai lá thơ kể trên để người đọc có thể tự mình đánh giá. Theo ý kiến của người viết bài này, Bảo Đại, trái lại, luôn luôn cố gắng điều đình và thuyết phục người Pháp chấp nhận Ngô Đình Diệm. Có vô số tài liệu và chứng cớ chỉ thấy Ngô Đình Diệm không được hỗ trợ của Pháp. Trong bài ông Kiểng đề cập tới việc trực tiếp nói chuyện với ông Ngô Đình Luyện và được “ông Ngô Đình Luyện khẳng định là quyết định đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền hoàn toàn do ông Bảo Đại, chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có vai trò gì và chỉ biết đến ông Diệm sau khi ông Diệm đã nhậm chức Thủ tướng. Còn Pháp thì không những không giúp gì mà còn phá ông Diệm.” Nỗ lực của ông Jacqué Bénet, nếu có, chỉ là giảm bớt sự chống đối của chính phủ Pháp và tiếp tay với Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền.
Ngô Đình Diệm – một lựa chọn dân chủ
Quyển Con rồng Việt Nam – Hồi ký chính trị của Bảo Đại đã nhắc đến hàng trăm nhân vật Việt Nam và ngoại quốc, lần đầu được phổ biến bằng Pháp ngữ năm 1980. Sau nhiều năm nhiều người vẫn còn sống, không có người nào đính chính, như vậy đủ xác nhận mức độ trung thực của nó. Cũng như giới khoa bảng đối chiếu các diễn biến lịch sử với các tài liệu khác đã xác nhận quyển hồi ký lịch sử này có mức độ khả tín cao, nếu không nói là tuyệt đối. Quyển hồi ký đã được Nguyễn Phước tộc dịch ra tiếng Việt năm 1990. Càng ngày quyển hồi ký càng được giới nghiên cứu để tâm và không thể thiếu trong các công trình nghiên cứu về Việt Nam trong giai đoạn 1945-1954. Trong hồi ký của mình, Bảo Đại đã viết rất rõ về sự lựa chọn Ngô Đình Diệm làm thủ tướng năm 1954. Cũng như đối với hầu hết các thủ tướng khác, công việc [lựa chọn] này gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất là đánh giá về Ngô Đình Diệm. Ý kiến của Bảo Đại như sau: “... Trước đây tôi đã dùng ông Diệm, tôi biết rằng ông ta vốn khó tính. Tôi cũng biết về sự cuồng tín, và tin vào đấng cứu thế. Nhưng trong tình thế này, không còn có thể chọn ai hơn. Thật vậy, từ nhiều năm qua, người Mỹ đã biết ông, và rất hâm mộ tính cương quyết của ông. Trước mắt họ ông là nhân vật có đủ khả năng đối phó với tình thế, vì vậy Washington sẵn sàng hổ trợ ông. Nhờ thành tích cũ, và nhờ sự có mặt của em ông, đang đứng đầu Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc, ông được nhiều nhà quốc gia cuồng nhiệt ủng hộ, các vị này từng làm đổ chính phủ Tâm và chính phủ Bửu Lộc. Tóm lại nhờ cương quyết và cuồng tín, ông là người chống cộng chắc chắn. Đúng vậy, đó là người của hoàn cảnh.” [2] Như vậy Bảo Đại đã đã thăm dò nhiều khuynh hướng khác nhau: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Toà thánh Vatican, các tổ chính trị, các tôn giáo Việt Nam, trước khi tiến đến việc mời ông Diệm đứng ra thành lập nội các.
Giai đoạn thứ hai, Bảo Đại “cho vời đến Cannes các lãnh tụ của tất cả các phong trào chính trị và tôn giáo ở Việt Nam để hỏi ý kiến. Tôi cho họ biết cái gì đã xảy ra, rằng tất cả đều đã được xếp đặt trước, đến chỗ sẽ chia đôi đất nước. Tôi vạch cho họ sự cần thiết đặt một đường hướng mới, là gợi ý họ cho thay thế Hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm, để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghênh ý kiến của tôi.” [3] Công việc này nhằm minh xác đánh giá cá nhân, chính thức xác nhận sự hổ trợ, để từ đó ông Diệm có được một chính danh, khả dĩ tìm kiếm được sự hổ trợ từ các tổ chức chính trị, tôn giáo, quốc dân và Đồng minh.
Giai đoạn cuối là chính thức thông báo, thuyết phục và tấn phong ông Diệm: “Đây là Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó, để chống lại bọn cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.” [4]
Đối chiếu với hồi ký của Bùi Diễm, Bảo Đại đã chọn Ngô Đình Diệm là vì “chẳng qua là một chính sách dùng người mà ông Bảo Đại đã áp dụng từ trước đến nay: ông chọn người để đối phó với từng giai đoạn một, và ông vẫn tự tin có đủ khéo léo để chọn người đúng lúc và đúng chỗ.” [5] Thực vậy, trong hồi ký Bảo Đại đã kể lại khá rõ chính sách dùng người theo từng giai đoạn của mình.
Khoảng tháng 6 năm 1954, Bùi Diễm trực tiếp nêu câu hỏi: “Thưa Ngài, Ngài thấy ông Diệm thế nào?” Bảo Đại trả lời “Ông Diệm có thể là một giải pháp, nhưng theo anh, ông Diệm có được Mỹ ủng hộ không?” Bùi Diễm hỏi lại: “Thưa Ngài, sao Ngài không hỏi thẳng người Mỹ?” Bảo Đại đáp lại: “Có chứ, tôi sẽ tìm hiểu, nhưng nếu anh dò hỏi được thêm thì anh cho tôi biết.” [6]
Về việc tấn phong Ngô Đình Diệm, Bùi Diễm cho biết: “Vào cuối năm 1991, tôi có dịp trở lại thăm Cựu hoàng Bảo Đại tại Ba Lê. Trở lại chuyện cũ, tôi có hỏi ông về vấn đề này, thì ông trả lời rằng: vào thời kỳ đó, thái độ của Hoa Kỳ cũng không có gì rõ rệt cả, tuy nhiên ông đã quyết định chọn ông Diệm vì ông cho rằng trong số những nhân vật làm chính trị ở miền Nam lúc đó, ông Diệm rõ ràng là người ít dính líu tới Pháp trong những năm về sau này, nên có thể dễ được người dân ủng hộ hơn những người khác. Đây là một sự trớ trêu của lịch sử. Những diễn biến về sau này cho thấy khi bổ nhiệm ông Diệm làm Thủ tướng, Quốc trưởng Bảo Đại đã tự mình tạo những điều kiện đưa tới sự đào thải của chính mình và cả triều đại của nhà Nguyễn. Chắc chắn lúc đó ông không có một chút ngờ vực ông Diệm, một người đã từng làm quan trong triều đình cũ vào thập niên 1930. Ông cho rằng ông Diệm chẳng thể nào nghĩ đến việc lật đổ ông, vả lại bất cứ một Thủ tướng nào, nếu không còn hữu dụng nữa, thì cũng có thể bị thay thế. Tuy nhiên, trong dịp gặp lại tôi năm 1991, ông không hề tỏ lời oán trách ông Diệm.” [7]
Tại sao Bảo Đại trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm?
Ngô Đình Diệm đã nhận trọng trách lãnh đạo đất nước trong một tình thế cực kỳ khó khăn đó là đánh giá tình hình của Bảo Đại. Trong hồi ký, Bảo Đại viết: “Công việc không dễ dàng gì cho Ngô Đình Diệm. Việc ông đến Saigon chẳng được ai hoan nghênh. Cần phải động viên tinh thần mọi người cả nước đã rơi vào tình trạng hoang mang. Ngày 30 tháng 6 ông ta ra Hà-nội mà những điều ông ta thấy không ai có thể tưởng tượng được. Chống lại cộng sản chẳng ai nghĩ đến... Trái lại nữa người Pháp bắt đầu di tản trước tiên... Hàng trăm ngàn người đau khổ trong đó có những người Công giáo thuộc các giáo phận miền Bắc mà ông tin tưởng sẽ đứng bên cạnh ông, thì chỉ nghĩ đến chạy vào Nam. Thật đã quá chậm, không thể hành động gì được nữa. Diệm trở về Sài Gòn. Ngày 9 tháng 7, ông lập chính phủ không phải dễ dàng gì. Cuối tháng 6, cuộc hành quân bi thảm ở đèo An Khê, cả đoàn quân bị tan rã vì sa vào ổ phục kích rộng lớn của Cộng sản...” [8]
Nhiều người vẫn tin rằng việc Bảo Đại trao toàn quyền về chính phủ và quân sự là theo đòi hỏi của Ngô Đình Diệm. Thực ra, trong Hồi ký Bảo Đại đã giải thích khá rõ: “Sau Hội nghị Genève, tất cả mọi người đều xa lánh tôi. Người Anh, người Mỹ, người Pháp đều không biết đến tôi nữa. Không ai còn đến gặp tôi. Riêng có phái đoàn Việt Minh cử một người có tên là Văn Chỉ, đến xin gặp nói là đại diện của Phạm Văn Đồng... Chính là sau cuộc gặp gỡ này tôi đã trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm.” (Xin xem chú thích để biết toàn bộ cuộc gặp) [9] Trong cuộc gặp gỡ này Văn Chỉ đã chuyển lời thượng cấp, Việt Minh sẽ sẵn sàng làm theo lệnh Bảo Đại nếu được gọi. Với tấm lòng vì đất nước và kinh nghiệm với cộng sản, để tránh cho miền Nam lại lọt vào tay quân cộng sản, Bảo Đại đã từ chối cộng tác với Việt Minh, hiểu được tình trạng khó khăn ông Diệm đang phải đối đầu, nên quyết định trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm.
Trong quyển hồi ký, Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, phụ trách tổ chức Việt kiều ở Ba Lê, viết rất rõ về nhân vật Việt Minh Văn Chỉ này: “Mặt khác, chúng tôi gửi về trong nước những nhận định về tình hình ở Pháp, về thái độ của các đảng khác, về các phong trào của nhân dân Pháp. Việc này phải kín đáo, chỉ có tôi với anh Nguyễn Văn Chỉ cùng làm. Anh Chỉ hơn tôi khoảng năm tuổi. Hồi 1930, anh đã tham gia phong trào chống lại vụ án xử tử hình một số cán bộ trong cao trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh. Anh sang Pháp học lâu rồi, tiếng Việt nói không thạo, đi lại với anh em Việt kiều cũng không tiện lợi, mà lúc bí mật càng tốt. Anh Chỉ còn có thuận lợi là mang quốc tịch Pháp, nếu anh không làm gì phạm pháp, thì Chính phủ Pháp không có quyền bắt anh vì ý kiến về chính trị và cũng không có quyền trục xuất anh. Anh rất trung kiên, tận tuỵ. Suốt cả thời gian dài, cứ mỗi buổi sáng, anh đi mua mười mấy tờ báo lớn của Pháp, xem kỹ, chỗ nào cần chú ý, gạch chì xanh, gạch đỏ vào, dán lại rồi nhờ Trung ương Đảng Pháp gửi về Việt Nam. Cứ như thế, cần cù, chăm chỉ từ ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác. Ngoài ra anh không phải là đảng viên, nên có lợi thế trong việc quan hệ với các chính khách, các tổ chức ngoài Đảng Cộng sản Pháp, qua đó tập hợp được nhiều tin tức. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên để trao đổi, nhận định tình hình để kịp chuyển về trong nước. ở các tỉnh cũng có một số anh em liên hệ được như thế.” [10] Bảo Đại đã nhớ cả tên của cán bộ điệp báo Việt Minh Văn Chỉ này chứng tỏ cuộc gặp gỡ với người này thực sự có một ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tối hậu của Bảo Đại.
Việc đối chiếu hai quyển hồi ký đã cho thấy cuộc gặp gỡ với Văn Chỉ đúng là một sự kiện lịch sử dẫn đến việc Bảo Đại đã trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm. Khác với huyền thoại cho rằng đó là đòi hỏi của ông Diệm. Huyền thoại này đã được hầu hết các học giả (nếu không nói là tất cả) tin theo, trong đó có giáo sư Edward Miller.
|
|
|
Post by NhiHa on Oct 25, 2010 5:16:08 GMT 9
Truất phế Bảo Đại Vai trò Bảo Đại với đất nước đã chấm dứt từ khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho trưng cầu dân ý về một chế độ chính trị cho miền Nam. Trong bài viết “Truất phế Bảo Đại và khai sinh Đệ nhất Cộng hoà”, Lâm Lệ Trinh, nguyên Bộ trưởng Nội vụ (1955-59) thời Tổng thống Diệm, đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện truất phế Quốc trưởng Bảo Đại. Theo bài viết này việc truất phế là một việc làm hoàn toàn ngoài ý muốn của ông Diệm. Ông Trinh còn cho rằng thậm chí lương tâm ông Diệm cảm thấy đã phạm tội khi quân. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý là 98,2 phần trăm dân chúng muốn truất phế nhà vua. Kết quả này bị nhiều người cho là gian lận. Bản thân ông Trinh cũng cho rằng kết quả kia là không hoàn toàn trung thực. Trong hồi ký, Bảo Đại đã nhẹ nhàng chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu. Nhà vua chỉ đưa ra nhận xét về cuộc chơi: “Sự trình bày khôn khéo, sự lựa chọn của cử tri đã được hướng dẫn một cách rõ ràng.” [11] Tận trong thâm tâm, Bảo Đại đã thấu hiểu việc ông Diệm làm là vì dân vì nước, nên đã rất thông cảm cho ông Diệm. Bảo Đại cũng sáng suốt nhận ra rằng “thời” của mình đã hết. Mặc dù Bảo Đại thông cảm cho hoàn cảnh và việc làm của Ngô Đình Diệm mà Bảo Đại nghĩ là vì dân vì nước, chiến dịch truất phế Bảo Đại vẫn còn hằn nét đến ngày nay. Hãy xem lại một đoạn hồi ký của Đỗ Mậu để mường tượng lại chiến dịch này: “Năm 1955, với vị thế là cán bộ chính trị trung niên của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, với tư cách là chủ tịch phong trào Cách mạng Quốc gia của bốn tỉnh duyên hải khu vực Nam Trung phần, tôi đã hăng say hoạt động cho chiến dịch truất phế Bảo Đại mà tôi cho là không còn đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống cộng, và không còn đủ vóc dáng để khai mở một kỷ nguyên dân chủ cho đất nước nữa. Thật ra thì dân ý đang đòi hỏi và hướng về một cuộc thay đổi gốc rễ để đáp ứng với biến đổi mới của thời đại, và ông Diệm trên mặt chính trị không cần gian lận và trên mặt luân lý không cần dùng thủ đoạn vu khống hạ nhục Bảo Đại thì cũng có thể, một cách rất lương thiện và dân chủ, thắng phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này. Nhưng những tài liệu do Bộ Thông tin Sài Gòn gởi ra cũng như những chỉ thị mật của Phong trào Cách mạng Quốc gia từ Huế gởi vào cho tôi đều chủ yếu tập trung vào việc lên án những tội lỗi của Bảo Đại: Bảo Đại bù nhìn, Bảo Đại dâm ô, Bảo Đại tham nhũng, Bảo Đại vô đức vô tài... Lên án không chưa đủ, chỉ thị còn bắt phải khơi dậy lòng căm thù Bảo Đại trong quần chúng nữa! Cả một chiến dịch bao trùm từ Cà Mau đến Bến Hải, chính quyền yểm trợ trên cả hai mặt nội dung lẫn phương tiện, hung hăng và rầm rộ tìm cách đạp Bảo Đại xuống bùn dơ của lịch sử. Cả nước được vận động để phỉ nhổ Bảo Đại như là một hiện thân xấu xa nhất, hơn cả Lê Chiêu Thống và Lê Long Đĩnh. Hai đài phát thanh Sài Gòn và Huế, phối hợp với báo chí trong gần một tháng trời, liên tục mạt sát Bảo Đại và thúc giục dân chúng quất roi và đốt lửa những hình nộm Bảo Đại. Chiến dịch to lớn của một nhân vật quốc gia chống cộng (theo Mỹ) để truất phế một nhân vật quốc gia khác cũng chống cộng (nhưng theo Tây) còn tàn độc và khủng khiếp hơn chiến dịch hạ bệ Bảo Đại của kẻ thù là cộng sản Việt Minh thời 1948, 1949, khi giải pháp Bảo Đại mới ra đời để đối phó với Hồ Chí Minh.” Nếu có một cuộc tham khảo rộng rãi ý kiến những vị trên 60 tuổi sẽ thấy được tuyệt đại đa số có một cách nhìn hết sức tiêu cực về vị hoàng đế cuối triều Bảo Đại. Đó là chưa nói đến những tài liệu “lịch sử” của cộng sản “đổi trắng thay đen” theo từng nghị quyết. Vừa rồi giới sử gia “chính thống” mở chiến dịch “nhìn nhận và đánh giá lại vai trò của nhà Nguyễn trong lịch sử”, âu cũng là một điều tốt. Tuy thế, nếu chế độ cộng sản còn tồn tại, có lẽ phải cả trăm năm nữa vai trò của Hoàng đế Bảo Đại mới được đánh giá một cách công bằng, trung thực và khách quan, nếu không nói là chẳng bao giờ. Từ tư tưởng đến hành động, Bảo Đại là người quốc gia, không chấp nhận cộng sản, nếu không nói là tích cực chống cộng. Kết luận Bài tiểu luận này chỉ sử dụng một số những dữ kiện nhằm mục đích góp thêm vào công trình nghiên cứu của giáo sư Edward Miller. Trong chuyên luận của mình, Edward Miller có một số nhận xét và đánh giá sai về Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Một phần vì ông đã cố gắng chỉ ra nỗ lực tích cực của Ngô Đình Diệm và các đồng minh người Việt của ông Diệm. Phần khác, Edward Miller dựa nhiều trên các nghiên cứu khác, mà phần chính các công trình nghiên cứu này lại dưạ trên những tài liệu và tường trình chính thức mang nặng chính trị và tuyên truyền. Đó là chưa kể nhiều huyền thoại đã được thêu dệt về cá nhân ông Diệm. Cuộc sống trung dung và cởi mở của Bảo Đại lại cũng là những đề tài nóng hổi cho báo chí trong và ngoài nước trong một thời gian dài khai thác. Không ít tin tức báo chí nóng hổi này, do thiếu kiểm chứng, đã được đưa vào những công trình nghiên cứu. Bài tiểu luận này dùng phương pháp đối chiếu các hồi ký để chỉ rõ Ngô Đình Diệm chấp chính là một chọn lựa dân chủ của Bảo Đại, với sự đồng thuận của tất cả các tôn giáo, các phong trào chính trị và đảng phái quốc gia tại Việt Nam. Muốn hiểu rõ và phân tích sâu hơn về hai nhân vật lịch sử Bảo Đại và Ngô Đình Diệm cần nghiên cứu về các yếu tố khác như gia đình, cá tính, giáo dục,... là giới hạn chưa được tiếp cận của bài viết này. Qua quyển hồi ký Con rồng Việt Nam, Bảo Đại do nhìn ra được tài đức Ngô Đình Diệm, đã luôn luôn quý trọng, tin cẩn và xem Ngô Đình Diệm như ứng viên sáng giá nhất trong mọi giai đoạn. Bảo Đại đã chính thức chọn ông Diệm để mời lãnh đạo chính phủ tới bốn lần vào các năm 1933, 1945, 1948 và 1954, mặc dù ông này chỉ nhận hai lần vào năm 1933 và 1954. Một số nguồn tư liệu khác còn cho thấy có thể Bảo Đại đã có ý định – hay đã mời – Ngô Đình Diệm ra chấp chính trong ba lần khác nữa, và các năm 1949, 1951 và 1953. Nhờ chính thống, có viễn kiến và cá tính, trong vai trò Quốc trưởng và trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, Bảo Đại đã thăm dò nhiều thế lực chính trị khác nhau: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Toà thánh Vatican, các tổ chức chính trị, các tôn giáo Việt Nam, trước khi đi đến quyết định mời một thành viên thành lập một nội các mới. Trong thời gian 1947-54, Bảo Đại luôn tìm cách kết hợp các tôn giáo, đảng phái, các tổ chức quốc gia, các cá nhân ưu tú chung quanh mình, tìm quyết định chung, để đồng thuận về nhân vật lãnh đạo chính phủ. Nhờ vậy, tất cả các nội các Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc và Ngô Đình Diệm đều bao gồm nhiều đảng phái và tổ chức quốc gia. Sau nhiều năm nô lệ, rồi lại chiến tranh, và vẫn chưa hoàn toàn độc lập thống nhất, Bảo Đại đã thiết lập được một guồng máy dân chủ, bước đầu thực hiện tốt những chức năng của một thể chế Quân chủ Lập Hiến. Tạo được nền tảng của sinh hoạt dân chủ như vậy một điều không dễ. Phải là một bậc minh quân mới có thể làm được điều này. Bảo Đại cũng đã sửa soạn để tiến đến bước thứ hai: Quốc hội đề nghị ứng viên, Quốc trưởng tấn phong ứng viên. Nội dung này sẽ được bàn sâu hơn trong một dịp khác. Người viết xin được dùng nhận xét của Hoàng đế Bảo Đại về Tổng thống Ngô Đình Diệm để tạm kết bài viết. Khoảng giữa năm 1992, trong một buổi nói chuyện của Bảo Đại tại một trường học ở Pháp, được nhà báo Phan Văn Trường ghi lại và dịch từ Pháp văn như sau: “Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía cộng sản đã được Liên Xô tích cực ủng hộ về mọi mặt nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để có thể ngăn chặn (endiguer) sự bành trướng của cộng sản. Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là người yêu nước. Lúc trao quyền, tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa, vì ông ấy rất mộ đạo, là phải giữ vững miền Nam, và nếu không làm được sứ mạng ấy thì phải trao trả quyền lại cho tôi. Nhưng rồi ông ta đã chết khi thi hành nhiệm vụ. Dù sao thì ông ta cũng cố giữ những lời cam kết ấy mà không được.” [12] Melbourne, Úc Đại Lợi, 27-10-2008 Bảo Đại, 1990, Con rồng Việt Nam – Hồi ký chính trị 1913-1987, Nguyễn Phước tộc xuất bản. Bùi Diễm, 2000, Gọng kìm lịch sử – Hồi ký chính trị, Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai. Chính Đạo, 1997, Việt Nam niên biểu – 1939-1975 (Tập B: 1947-1954), Văn Hoá, Houston, Hoa Kỳ. Chính Đạo, 2004, Cuộc thánh chiến chống cộng, Văn Hoá, Houston, Hoa Kỳ. Hoành Linh, Đỗ Mậu, Hồi ký Đỗ Mậu, www.vnthuquan.net Edward Miller, “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Ðình Diệm, 1945-1954”, Hoài Phi, Vy Huyền dịch, www.talawas.org Linh mục Cao Văn Luận, 1969, Bên giòng lịch sử 1940-1965, Sài Gòn, www.vnthuquan.net Lâm Lệ Trinh, 2005, Truất phế Bảo Đại và khai sinh Đệ nhất Cộng hoà, www.lichsuviet.cjb.net LM An-tôn Trần văn Kiệm, 2005, Có phải Hoa Thịnh Đốn đã đưa Ông Diệm về làm Tổng thống Đệ nhất Cộng hoà Việt Nam?, (www.vietnamreview.com) Lê Xuân Khoa, 2004, Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh. Tị nạn. Bài học lịch sử, Tập I, Tiên Rồng xuất bản. Minh Võ, 1999, Ngô Đình Diệm: Lời khen. Tiếng chê, www.tvvn.org Nguyễn Khắc Viện, Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris, (www.vnthuquan.net) Nguyễn Xuân Chữ, 1996, Hồi ký Nguyễn Xuân Chữ, Những Bài Học Quí Báu của Một Nhà Ái Quốc Liêm Chính, Nhưng Bất Phùng Thời, Nguyễn Xuân Phác và Chính Đạo hiệu đính, Nhà Xuất Bản Văn Hoá, Houston, Hoa Kỳ. Nguyễn Văn Bường, Việt sử, Tủ sách Sử học Việt Nam, trọn bộ hai quyển, Sài Gòn. Nguyễn Gia Kiểng, 2005, “Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền như thế nào?”, www.thongluan.org Vũ Ngự Chiêu, 1996, Phía bên kia cuộc Cách mạng 1945: Đế quốc Việt Nam (3-8-1945), Văn Hoá, Houston, Hoa Kỳ. © 2008 talawas -------------------------------------------------------------------------------- [1]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 498. [2]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 516. [3]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 514. [4]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 514 Sau khi thảo luận với ông Foster Dulles để cho ông ta biết ý định ấy, tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta: “Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.” “Thưa hoàng thượng, không thể được ạ.” Ông ta đáp. “Tôi xin trình ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu...” “Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.” Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp: “Thưa hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.” Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta: “Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.” Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào: “Tôi xin thề.” [5]Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử , Chương 12, trang 146. [6]Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử , Chương 12, trang 144. [7]Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử , Chương 12, Chú thích 1, trang 146-147. [8]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 517-518. [9]Toàn bộ cuộc gặp đã được Bảo Đại kể lại như sau: “Thưa Hoàng thượng”, ông ta hỏi tôi, “Ngài nghĩ sao về Hội nghị Genève?” “Đó là việc giữa các anh và nước Pháp.” “Thưa Hoàng thượng, người ta đã cắt nước Việt Nam thành hai. Vua Gia Long, Đức Tiên đế đã từng thống nhất đất nước, và sau này, Ngài đã phục hồi lại được. Tôi nghĩ rằng Ngài khó có thể chấp nhận sự việc đã xảy ra tại Genève.” “Anh định đề nghị cái gì?” Tôi hỏi lại ông ta. “Thượng cấp của tôi đã bảo tôi đến nói với Ngài là họ sẵn sàng quên Hiệp ước Genève và các cuộc bầu cử, để định cùng Ngài bắt tay đi đến thống nhất đất nước.” – “Nhưng anh định thống nhất như thế nào?” “Thưa Hoàng thượng thật giản dị. Xin Hoàng thượng trở lại Sài Gòn, và gọi đến chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Ngài, theo lệnh của Ngài.” “Như vậy chính tôi sẽ đưa chế độ cộng sản vào Sài Gòn?” – “Thưa Hoàng Thượng, không phải chỉ có người cộng sản ở đây, đối với chúng tôi, Ngài là bậc quốc phụ của khắp toàn dân Việt Nam. Hẳn Ngài không thể quên đã có hằng ngàn người chết, đã hy sinh cho tổ quốc.” “Thế thì tại sao mãi đến giờ phút này, các anh mới tìm tôi? Các anh có thể làm như thế cách đây đã ba năm. Như thế các anh đã tránh được bao sự chém giết vô ích. Trong các bản tuyên bố của tôi, không bao giờ tôi đả kích cá nhân ông Hồ Chí Minh... Và đến bây giờ, khi tất cả đã được dàn xếp, các anh mới lại tìm tôi? Và các anh vẫn còn tiếp tục. Các anh ngày nay lại lao đầu vào cuộc chiến mới, làm xáo trộn tất cả đất nước, nhất là về địa hạt kinh tế, mà tôi đã dày công xây dựng từ từ 1949. Tất cả sự ấy, tại sao? Trong hy vọng lừa bịp để đặt nền móng cho một chủ thuyết không mấy thích hợp với tâm hồn người Việt chúng ta.” “Thưa Hoàng thượng, Ngài rất có lý. Nhưng xin Hoàng thượng đừng quên, Ngài đứng trên tất cả, Ngài là cha của toàn dân chúng tôi và Ngài có nhiều con đã phải hy sinh và chết cho đất nước.” Chính là sau cuộc gặp gỡ này tôi đã trao toàn quyền cho Ngô Đình Diệm. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 522-523). [10]Sau Hiệp định Genève vài tháng, tháng 11 năm 1954, hai ông Viện và Chỉ đã bị Cảnh sát chính trị bắt giữ trong vài tiếng đồng hồ để điều tra về các hoạt động của hai ông. Ông Viện cho biết:”Đối chiếu việc hỏi cung hai người, tôi và anh Chỉ biết rằng thực chất việc cảnh sát bắt chúng tôi hỏi cung không phải vì vấn đề Việt kiều mà là vấn đề nội trị của nước Pháp. Họ muốn dò xem tôi và anh Chỉ có quan hệ gì với Mendès France (là Thủ tướng Pháp đã ký Hiệp định Genève) trước khi Điện Biên Phủ thất bại hay không, nếu có thì họ sẽ tung ra trước dư luận rằng vì Chính phủ Pháp giao bí mật quân sự cho Việt Minh nên quân Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Lẽ đương nhiên, chúng tôi không khai báo gì về chuyện này. Về sau cũng yên, không có vấn đề gì nữa.” Sự trợ giúp tình báo và chiến lược từ Đảng Cộng sản Pháp để dẫn đến chiến thắng của Việt Minh ở Đông Dương là một đầu đề chưa được quan tâm nghiên cứu. (Nguyễn Khắc Viện, Từ làng Gôi Vị đến kinh thành Paris,) [11]Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trang 539. Hai câu hỏi được chọn là: “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp nhận nhận Ngô Đình Diệm là Quốc trưởng, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ”, và “Tôi không truất phế Bảo Đại và không chấp nhận nhận Ngô Đình Diệm là Quốc trưởng, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.” [12]Minh Võ, 1999, NGÔ ĐÌNH DIỆM, Lời khen Tiếng chê. Nguồn gốc: Nguyệt san “Diễn Đàn Phụ Nữ” tháng 9 năm 1992.
|
|
|
Post by Can Tho on Oct 26, 2010 2:54:40 GMT 9
Ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền như thế nào ? Nguyễn Gia Kiểng * Ngô Đình Diệm do chính phủ Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp hỗ trợ * * Tại sao Hoa Kỳ quyết tâm lật đổ Ngô Đình Diệm ? *Trong Thông Luận số tháng 11-2004, tôi có viết bài "Kinh nghiệm Ngô Đình Diệm". Sau đó vài ngày tôi nhận được thư của ông Trần Minh Châm, một người đàn anh quí mến của tôi và cũng là một người rất gần gũi với gia đình họ Ngô, đặc biệt là với ông Ngô Đình Cẩn. Tôi không khỏi bỡ ngỡ khi mở thư này : đó chỉ là hai tờ photocopy, mỗi tờ là một trang của một thư viết tay bằng tiếng Pháp, tuồng chữ hai thư rất khác nhau. Đọc xong, tôi hiểu là tôi vừa nắm được "cái mảnh còn thiếu" (la pièce manquante) mà tôi vẫn tìm kiếm về chính quyền Ngô Đình Diệm. Tôi gọi điện thoại cho ông Châm, và vài ngày sau được trao toàn bộ hai lá thư này. Tôi không khỏi bâng khuâng : tại sao một sự kiện quan trọng như vậy mà lại hoàn toàn không ai biết? Cho tới một thời gian gần đây, hầu như đối với mọi người, ông Diệm đã được người Mỹ đưa lên cầm quyền trong chủ trương hất người Pháp ra khỏi Đông Dương. Một vài tác giả còn thêm rằng ông Diệm đã được phe Công giáo Mỹ, tiêu biểu là hồng y Spellman, đỡ đầu nên đã giành được sư ủng hộ của Mỹ. Người ta tin như vậy chỉ vì không có giả thuyết nào khác chứ thực ra việc Mỹ chuẩn bị Ngô Đình Diệm như một giải pháp của họ có nhiều điều khó hiểu. Ông Ngô Đình Nhu, con người chủ chốt của chế độ, không tới Mỹ bao giờ và cũng không hề quen biết một người Mỹ nào trước khi lên cầm quyền. Cá nhân ông Ngô Đình Diệm chỉ sang Mỹ hai lần, lần đầu năm 1950 và lưu lại vài tháng nhưng không được chính khách Mỹ nào tiếp cả ; lần thứ hai năm 1951, ông ở lại lâu hơn và có đi nói chuyện ở một số trường đại học, nhưng cũng không đi đến kết quả nào vì ông không có tài diễn thuyết và rất kém về tiếng Anh. Ông trở lại Paris cư ngụ tại nhà một người quen, rồi sau đó, tháng 5-1953, ông sang Bỉ sống trong một dòng tu Công giáo cho đến ngày được mời ra cầm quyền. Như thế chứng tỏ rằng ông Diệm chỉ có rất ít liên hệ với Hoa Kỳ. Hơn nữa, việc ông vào một dòng tu và không tiếp xúc với ai cũng chứng tỏ ông đã bỏ cuộc. Người ta nói nhiều đến đại tá CIA Lansdale như là một nhân vật Mỹ nhiệt tình ủng hộ ông Diệm, nhưng Lansdale đã hoạt động tại Việt Nam từ lâu và cũng chỉ quen biết với hai ông Diệm và Nhu sau khi họ đã lên cầm quyền. Như vậy ông Ngô Đình Diệm khó có thể là giải pháp của người Mỹ. Sau này các tài liệu được công khai hóa của chính phủ Mỹ cũng chứng tỏ Mỹ không hề quan tâm đến ông Diệm trước khi ông lên cầm quyền. Không những thế, họ còn có ý định lật đổ ông vào tháng 4-1955 giữa lúc tình hình đặc biệt gây cấn giữa ông Diệm và các giáo phái. Họ đã chỉ đổi ý và ủng hộ ông Diệm sau khi ông Diệm, trước sự bất ngờ của họ, đánh bại quân Bình Xuyên của Bảy Viễn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Người đầu tiên cải chính rằng ông Diệm không do người Mỹ đưa lên cầm quyền là ông Ngô Đình Luyện, em ruột hai ông Diệm và Nhu. Theo ông Luyện thì chính Bảo Đại đã tự lấy quyết định bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Vì giải thích của ông Luyện phù hợp với những dữ kiện mà Hoa Kỳ công bố sau này nên tất cả các tác giả viết về ông Diệm từ hơn mười năm qua đều chấp nhận. Những nhân vật Việt Nam đã tình cờ được biết những sự kiện lịch sử có đặc tính là họ biết có những điều rất sai và ảnh hưởng tới lý luận của nhiều người nhưng không thấy cần phải đính chính. Ông Ngô Đình Luyện đã chỉ kể lại cho những người mà ông quen biết. Tôi may mắn là một trong những người được ông Luyện kể lại giai đoạn ông Diệm được chỉ định làm thủ tướng, có lẽ chi tiết hơn mọi người khác vì tôi đặt nhiều câu hỏi cho ông. Theo ông Luyện thì chính ông đã được ông Bảo Đại tiếp xúc và yêu cầu chuyển lời mời ông Diệm làm thủ tướng. Ông Bảo Đại nói rằng tình hình đã hoàn toàn tuyệt vọng nên cần một người đủ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cơ nghiệp nhà Nguyễn không chấm dứt một cách quá tầm thường, và ông Diệm có thể là người đó. Điều này có lẽ ông Luyện không nói với ai nên không thấy tác giả nào viết ra. Cũng theo ông Luyện, chính vì nghĩ rằng cơ nghiệp nhà Nguyễn không còn gì nên ông Bảo Đại đã chấp nhận trao toàn quyền cho ông Diệm. Ông Luyện cũng kể thêm một chi tiết khôi hài là chính ông nhận quyết định này từ tay ông Bảo Đại đang đánh bạc tại sòng bài Palm Beach ở Cannes, một thành phố nghỉ mát miền Nam nước Pháp. Ở đây cũng xin mở một ngoặc đơn để nói về quan hệ đặc biệt giữa hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Luyện. Hai người rất thân nhau vì ông Luyện được chọn ngay từ hồi mới 10 tuổi để được nuôi dạy chung với ông Bảo Đại, cho thái tử có bạn. Hai người cùng được gửi đi Pháp du học từ thời thơ ấu, sống với nhau và trưởng thành cùng với nhau. Tóm lại, ông Ngô Đình Luyện khẳng định là quyết định đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền hoàn toàn do ông Bảo Đại, chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không có vai trò gì và chỉ biết đến ông Diệm sau khi ông đã nhận chức thủ tướng. Còn Pháp thì không những không giúp gì mà còn phá ông Diệm. Tôi đã thảo luận nhiều với ông Luyện về chuyện này, đặc biệt là vào ngày 1-11-1986 khi tôi cùng với ông đi dự lễ giỗ ông Diệm vào buổi sáng, sau đó chúng tôi nói chuyện suốt buổi chiều và buổi tối, đến gần nửa đêm tôi mới đưa ông về nhà. Tôi tin sự thành thực và chính xác của những gì ông Luyện kể, hơn thế nữa không ai thân cận với cả ông Bảo Đại lẫn ông Diệm bằng ông để biết rõ sự thực. Tuy nhiên tôi vẫn thấy nó không hợp lý. Trước hết ông Diệm đã giành được thắng lợi một cách quá dễ dàng trong giai đoạn rất gay cấn từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955, khi ông bị tướng Nguyễn Văn Hinh, tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc Gia Việt Nam, và các lực lượng vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo chống đối. Ông đã trục xuất được Nguyễn Văn Hinh vào tháng 11-1954, đánh đuổi được quân Bình Xuyên trong một vài ngày vào cuối tháng 4-1955, thu phục được Trịnh Minh Thế, vô hiệu hóa được Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Nguyễn Thành Phương, mặc dù liên minh chống đối ông được cả chính phủ Pháp lẫn Bảo Đại yểm trợ, trong khi ông chỉ có trong tay một vài tiểu đoàn. Tướng Paul Ely, tư lệnh quân đội Pháp, phải rời Việt Nam vào tháng 6-1955. Cần nhắc lại là Mỹ đã chỉ yểm trợ ông Diệm sau khi ông đã toàn thắng. Vậy phải giải thích thế nào ? Tôi không tin là thắng lợi này do bản lĩnh phi thường của hai ông Diệm và Nhu vì họ đã tỏ ra rất kém sau đó. Một điều cũng khó hiểu là mặc dù chống Pháp, chính quyền của ông Diệm thuần túy là một sự tiếp nối rất bình thường của bộ máy cầm quyền mà người Pháp để lại, rất khác với một chính quyền đặt nền tảng trên tinh thần quốc gia dân tộc. Các hạ sĩ quan, trung úy, đại úy của quân đội Pháp được thăng nhanh chóng lên cấp tướng để cầm đầu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, các đốc phủ sứ, tri phủ, tri huyện được lưu dụng và trọng dụng. Những người đã từng làm công an thời Pháp, đã truy lùng, bắt bớ, tra tấn những người tranh đấu cho độc lập trở thành nòng cốt của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả cái máy chém và đội đao phủ đã từng hành quyết những người yêu nước cũng được giữ lại. Con cái các bộ trưởng và cả con cháu họ Ngô tiếp tục học trường Pháp (hình như không có một bộ trưởng nào của ông Diệm cho con học chương trình Việt cả). Hơn thế nữa, chính quyền Ngô Đình Diệm còn tiếp tục đàn áp thô bạo các đảng phái quốc gia chống cả thực dân Pháp lẫn cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Mặt khác, tại sao ông Bảo Đại đã coi cơ nghiệp của nhà Nguyễn là hết và đã trao toàn quyền cho ông Diệm sau này lại trở mặt đòi cách chức ông Diệm ? Tôi tin là ông Ngô Đình Luyện đã thuật lại đúng những lời ông Bảo Đại, nhưng không tin là ông Bảo Đại đã nói thực, vì một lý do giản dị là nếu ông biết nghĩ tới danh dự của nhà Nguyễn thì ông đã không sống nếp sống trụy lạc và bê tha như thế. Đối với tôi, Bảo Đại là một người hoàn toàn không có một quan tâm nào với bất cứ ai, ngoài cờ bạc và ăn chơi. Sau cùng, để chỉ giới hạn trong một vài điểm chính, tại sao chính quyền Pháp mặc dù chống ông Diệm, lại bênh vực ông Diệm trong việc từ chối tổng tuyển cử theo đòi hỏi của Hà Nội ? Tại sao chính quyền Pháp, dưới chính phủ xã hội Guy Mollet, lại lấy quyết định chỉ nhìn nhận một chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như là đại diện duy nhất của Việt Nam ? Nếu giải thích là do áp lực của Hoa Kỳ thì tại sao sau này họ lại bênh vực Hà Nội và chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam ? Tóm lại, có những điều rất khó hiểu, thậm chí vô lý. Tôi vẫn nghi là có một cái gì đó còn thiếu và cần được phát giác ra. Tôi đã trình bày những điểm trên, và nhiều điểm khác, với ông Luyện. Ông Luyện nhún vai trả lời ngắn gọn : "logique ou pas, c'est la vérité" (hợp lý hay không, đó là sự thực). Trở lại với hai lá thư mà ông Trần Minh Châm giao cho tôi. Một lá thư là của ông Jacques Bénet, bạn thân của ông Ngô Đình Nhu, gửi cho bà Nhu đề ngày 18-10-2004, thư thứ hai đề ngày 20-4-1955 là của ông Nhu gửi ông Bénet. Trong thư gửi bà Nhu, tình cờ nhân một xung khắc giữa hai người, ông Bénet nhắc lại rằng chính ông đã là đầu mối đưa ông Diệm lên cầm quyền (trong khi bà Nhu thì tin rằng ông Diệm đã lên cầm quyền là do ý Chúa). Ông Bénet thuật lại rằng vào khoảng tháng 3-1954, khi trận Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự nguy ngập của Pháp, ông Ngô Đình Nhu đã nảy ý kiến thuyết phục chính phủ Pháp, lúc đó là một chính phủ cánh hữu do ông Laniel làm thủ tướng, đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền. Ông viết : "(…) Chồng bà, Ngô Đình Nhu, đã có một ý kiến thiên tài, chắc chắn là do Chúa khiến, là lúc này, vào tháng 3-1954 giữa lúc trận Điện Biên Phủ đang diễn ra, là lúc để thuyết phục chính phủ Pháp (chính phủ Laniel-Bidault-Reynaud) nên mau chóng đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền" (1). Ông Nhu đã cử bạn ông là ông Trần Chánh Thành sang Paris và nhờ ông Jacques Bénet giúp đỡ để tiếp xúc và thuyết phục chính quyền Pháp về đề nghị này. Ông Bénet đã làm được việc này nhờ một người bạn tên là Antoine Ahond quen thân nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Pháp, đặc biệt là các ông Germain Vidal, chánh văn phòng thủ tướng, ông Bourgenot, bộ trưởng tại phủ thủ tướng, và ngoại trưởng Bidault. Mặt khác, chính ông Trần Chánh Thành cũng tỏ ra xuất sắc. Nhờ thế mà ông Diệm đã được chính quyền Pháp chấp nhận và ép buộc ông Bảo Đại phải chấp nhận. Ông Bénet viết như sau : "Điều này (việc đưa ông Diệm lên cầm quyền) đã có thể làm được chủ yếu là vì chính phủ Pháp lúc đó có nhiều phương tiện khác nhau để gây áp lực quyết định đối với Bảo Đại" (2). Như vậy, theo ông Bénet thì rõ ràng là chính phủ Pháp đã chọn giải pháp Ngô Đình Diệm và buộc Bảo Đại phải chấp nhận. Có lẽ cũng vì ông được Pháp chọn lựa và áp đặt nên ông Diệm đã thừa thắng xông lên đòi ông Bảo Đại phải trao toàn quyền. Ông Bảo Đại quá lệ thuộc Pháp để có thể cưỡng lại. Bí mật này có lẽ chỉ có hai người là ông Nhu và ông Bénet biết rõ mà thôi, ông Trần Chánh Thành biết giai đoạn đầu nhưng không biết rõ khúc sau, còn chính ông Diệm có lẽ cũng không biết rõ giai đoạn đầu. Lá thư thứ hai, của ông Nhu gửi ông Bénet, khẳng định một cách rõ ràng ông Diệm hành động trong một thỏa thuận với Pháp. Thư đề ngày 20-4-1955, giữa lúc tình hình đang cực kỳ căng thẳng với lực lượng Bình Xuyên. Tám ngày sau cuộc chiến bùng nổ và lực lượng Bình Xuyên bị đánh bại nhanh chóng hầu như không kháng cự, Bảy Viễn chạy về Rừng Sát để rồi năm tháng sau bị tấn công trong chiến dịch Hoàng Diệu, do đại tá Dương Văn Minh chỉ huy, phải bỏ chạy sang Pháp. Ít lâu sau, tướng Hòa Hảo Ba Cụt ở Long Xuyên cũng bị truy kích, rồi bị bắt trong lúc ra thương thuyết để đầu hàng và bị chém đầu. Trong thư này ông Nhu yêu cầu ông Bénet vận động để chính quyền Pháp thực hiện khẩn cấp một kế hoạch đã được dự trù. Ông Nhu viết : "Phải vận động để những chỉ thị theo chiều hướng này, mà tao chắc chắn là đã chuẩn bị sẵn, được khẩn cấp gửi sang Sài Gòn" (3). (Trong thư ông Nhu gạch dưới để nhấn mạnh đoạn này, ông Nhu xưng hô mày, tao với ông Bénet vì hai người rất thân nhau). Nhưng "chiều hướng này" là chiếu hướng nào ? Trong thư ông Nhu nói khá rõ là phải nắm được quân đội quốc gia (do Nguyễn Văn Hinh làm tổng tham mưu trưởng) và dẹp các giáo phái vũ trang, để sau đó tổ chức tuyển cử. Ông Nhu cũng than phiền là tướng Ely (tư lệnh quân đội Pháp tại Việt Nam) là một con người tiêu cực và thiếu quả quyết. Một cách hàm ý, ông yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi tướng Ely. Không đầy hai tháng sau tướng Ely về Pháp. Tất cả trở thành rõ ràng. Ông Diệm lên cầm quyền do một kế hoạch của Pháp và ông đã được Pháp giúp đỡ một cách tận tình, dù kín đáo. Chính nhờ sụ giúp đỡ này mà ông Diệm đã toàn thắng. Tất cả là một kịch bản đã được sắp đặt. Việc ông Diệm tỏ ra chống Pháp và ngược lại Pháp tỏ ra chống ông cũng chỉ là một kịch bản. Ông Nhu viết : "Không thể lập lại sai lầm của giai đoạn 1945-1954. Nếu chỉ được phương Tây yểm trợ chúng ta sẽ chắc chắn thua cộng sản tại châu Á. Phải có hậu thuẫn của nhân dân Việt Nam và cảm tình của các nước châu Á" (4). Ông Bảo Đại đã không hiểu kịch bản này, khi thấy có sự căng thẳng bề ngoài giữa Pháp và Ngô Đình Diệm ông đã tưởng là có thể dựa vào Nguyễn Văn Hinh, Bảy Viễn và các giáo phái để lật ông Diệm. Chính ông đã bị truất phế. Cũng cần nói thêm là chiến dịch Hoàng Diệu tấn công vào Rừng Sát do đại tá Dương Văn Minh chỉ huy chỉ là một dàn cảnh. Không hề có giao tranh. Pháp đã chuẩn bị sẵn để đem Bảy Viễn đi khỏi Việt Nam. Bây giờ người ta có thể hiểu tại sao ông Diệm đã trọng dụng nhân sự của Pháp để lại, bảo vệ các quyền lợi kinh tế của người Pháp, duy trì văn hóa Pháp, và ngược lại tại sao chính quyền Pháp sau đó đã chỉ nhìn nhận chính quyền Ngô Đình Diệm mà không nhìn nhận chính quyền Hồ Chí Minh. Việc ông Diệm và ông Nhu bí mật tiếp xúc với phe cộng sản trước khi bị lật đổ cũng nằm trong chủ trương của Pháp. Và người ta cũng hiểu luôn tại sao sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cảm tình của Pháp lại dần dần hướng về Bắc Việt. Còn một câu hỏi khác. Tại sao chính quyền Kennedy lại quyết tâm lật đổ ông Diệm cho bằng được ? Họ không chỉ ủng hộ các tướng lãnh để lật đổ ông Diệm, họ đã trả tiền cho các tướng để lật ông. Ông Trần Văn Đôn, trong hồi ký "Việt Nam Nhân Chứng", đã nhìn nhận là trung gian của Mỹ đã mua chuộc các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, ông trưng cả các biên lai nhận tiền (một trong những biên nhận này là của ông Nguyễn Văn Thiệu, nhận một triệu đồng). Nhiều người nói rằng tổng thống Kennedy đã tỏ ra rất xúc động khi nghe tin ông Diệm và ông Nhu bị giết chết. Nhưng sự xúc động này không chứng tỏ rằng Kennedy không chủ trương lật đổ ông Diệm. Sự xúc động trước một án mạng do chính mình gây ra không có gì là lạ. Nhưng sự xúc động đó đã không ngăn cản chính quyền Mỹ giao ông Ngô Đình Cẩn cho các tướng lãnh để bị xử bắn khi ông Cẩn vào tòa đại sứ Mỹ xin tị nạn. Cũng đừng nên quên là Kennedy có quan hệ cá nhân với các mafia và đã được mafia tài trợ để tranh cử tổng thống. Kennedy không phải là một người hiền lành. Theo tôi, chính quyền Kennedy phải bằng mọi giá lật đổ hai ông Diệm-Nhu vì họ chống lại việc đem quân đội Mỹ vào Việt Nam. Kennedy lên cầm quyền đầu năm 1961 với chủ trương sống chung hòa bình với Liên Xô và chống Trung Quốc. Từ đầu năm 1962, Kennedy và Kruschev bắt đầu những cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Vienne, thủ đô Áo, trong dó theo nhiều tài liệu được tiết lộ, Liên Xô đã thông báo với Mỹ là họ có thể tấn công Trung Quốc để phòng hờ hậu họa. Vào lúc đó căng thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc đã đạt tới mức cao nhất. Thế giới đều lo sợ viễn tượng một Trung Quốc lớn mạnh và hiếu chiến, đã gây ra cuộc chiến Cao Ly, tấn công Kim Môn, Mã Tổ, đánh chiếm Tây Tạng và đang đe dọa Đài Loan. Một cuộc tấn công Trung Quốc là điều mà nhiều quốc gia cho là nên làm. Hơn nữa, Trung Quốc lại vừa trải qua thảm kịch "Bước Nhảy Vọt" làm hơn 40 triệu người chết đói, bất mãn lên tới tột đỉnh. Đó là thời điểm lý tưởng để tấn công Mao Trạch Đông. Tóm lại, một cuộc tấn công Trung Quốc rất có thể xảy ra và Hoa Kỳ phải đổ quân vào Việt Nam để sẵn sàng trước mọi biến cố. Họ không thể cho phép Ngô Đình Diệm ngăn cản kế hoạch này, nhất là khi họ khám phá ra rằng Ngô Đình Diệm đang bí mật tiếp xúc với Hà Nội theo một kế hoạch của Pháp. Sự khám phá ra Ngô Đình Diệm là lá bài của Pháp có lẽ càng khiến họ quyết tâm hơn. Độc giả có thể hỏi : ông Diệm do một chính phủ cánh hữu của Pháp đưa lên, tại sao lại tiếp tục được các chính phủ cánh tả sau đó ủng hộ, mặc dầu vài ngày trước khi ông Diệm lên cầm quyền thì chính phủ Pháp đã thay đổi, cánh tả đã thay thế cánh hữu ? Câu trả lời giản dị là cánh tả còn ủng hộ ông Diệm mạnh hơn là cánh hữu. Một giải pháp tương tự như giải pháp Ngô Đình Diệm là điều mà cánh tả đã chủ trương từ lâu. Hơn nữa ông Nhu, người sắp đặt tất cả, chỉ có hậu thuẫn của cánh tả Pháp. Muốn hiểu rõ những gì đã xảy ra cần hiểu con người Jacques Bénet. Ông này là bạn thân của ông Nhu ; hai người cùng học trường Ecole des Chartes. Ông thuộc đảng Xã Hội, vợ ông là chị em họ với tổng thống François Mitterrand. Ông Nhu mặc dù thân Pháp theo truyền thống gia đình nhưng quan niệm rằng Việt Nam phải được độc lập. Lập trường này được cánh tả Pháp ủng hộ nhưng lại bị cánh hữu bác bỏ. Chính vì vậy mà ông Nhu, qua trung gian của Jacques Bénet, chỉ quan hệ với đảng Xã Hội Pháp. Cánh hữu Pháp chỉ dùng những người hoàn toàn theo Pháp như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, v.v. Chỉ đến khi Pháp đã sa lầy tại Điện Biên Phủ và hoàn toàn tuyệt vọng họ mới phải miễn cưỡng chấp nhận giải pháp độc lập mà cánh tả Pháp chủ trương từ lâu. May cho ông Diệm và ông Nhu là họ lên cầm quyền cùng một lúc với cánh tả Pháp, nếu không chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn với cánh hữu. Người ta có thể nhận xét là từ sau khi cánh hữu, với tướng De Gaulle, lên cầm quyền từ 1958, Pháp không còn dễ dàng với chính quyền Ngô Đình Diệm như trước nữa. Điều có vẻ khó hiểu là Jacques Bénet dù thuộc đảng Xã Hội đã vận động được chính phủ cánh hữu ủng hộ ông Diệm vài tháng trước khi nhường chính quyền cho cánh tả. Jacques Bénet đã làm được việc này bởi vì ông là một trong những người tham gia kháng chiến tích cực trong lúc Pháp bị Đức chiếm đóng. Ông đã vào sinh ra tử, bị bắt ba lần và vượt trại ba lần. Hầu hết những người cầm quyền tại Pháp sau thế chiến II, dù thuộc cánh tả hay cánh hữu, đều đã tham gia kháng chiến và quí trọng nhau trong gian nguy. Jacques Bénet là dân biểu quốc hội lập hiến, quốc hội đã khai sinh ra nền cộng hòa thứ tư của Pháp. Ông có nhiều bạn thân giữ vai trò quan trọng trong cánh hữu. Họ tin ông và đã chấp nhận giải pháp Ngô Đình Diệm vì không còn giải pháp nào khác, để bảo vệ những quyền lợi kinh tế và văn hóa,vào lúc nước Pháp đã thất bại rõ ràng tại Việt Nam. Tôi gặp ông bà Jacques Bénet lần đầu tiên cách đây hơn mười năm trong một bữa ăn do ông bà Trần Minh Châm khoãn đãi. Chúng tôi nói chuyện suốt nửa ngày về nhiều vấn đề chính trị, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến ông Ngô Đình Diệm. Tôi không thể ngờ rằng chính ông lại là đầu mối của một biến cố chính trị lớn trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sau khi đọc xong hai lá thư do ông Trần Minh Châm trao, tôi lại được gặp lại Jacques Bénet lần nữa trong một bữa cơm trưa cùng với ông Trần Minh Châm. Ông Jacques Bénet năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Ông lái xe đến nhà ông Châm để gặp tôi. Ông nhớ rất rõ những gì đã xảy ra và kể cho tôi mọi chi tiết. Sự thành thực của ông là tuyệt đối. Hơn nữa, điều ông kể ra rất hợp lý. Điều quan trọng trong lịch sử không phải là biết những gì đã xảy ra mà là hiểu tại sao chúng đã xảy ra như thế. Vả lại, hơn tất cả các địa hạt khác, trong lịch sử nếu không hiểu thì càng không thể biết đúng, ngay cả khi chính mình là tác nhân, chưa nói là chứng nhân. Khi tôi hỏi ông có ý thức được rằng ông đã can thiệp một cách quan trọng vào lịch sử Việt Nam không thì ông trả lời với một nụ cười : "Tôi biết lắm chứ". Cho đến nay, ngoại trừ ông Ngô Đình Nhu và ông Jacques Bénet, mọi người đều hiểu lầm về giai đoạn ông Diệm lên cầm quyền. Chính ông Luyện cũng không biết rõ, nếu không chắc chắn ông đã nói với tôi. Ngay cả ông Diệm, mặc dù trước khi rời Paris về nước có tới thăm và cảm ơn ông Bénet có lẽ cũng chỉ biết một phần sự thực. Phát giác này làm tôi bâng khuâng. Nếu không vì một xích mích nhỏ với bà Nhu, vì một tập hồ sơ cũ, thì ông Bénet đã không viết lá thư này nói lên những gì đã xảy ra để ông Trần Minh Châm có được mà gửi cho tôi, và sự hiểu lầm sẽ tiếp tục. Lịch sử là một kho dữ kiện mô tả chân dung của một dân tộc trong dòng thời gian. Nó cho ta biết ta là ai và có thể làm gì. Khi lịch sử sai thì chúng ta không hiểu chính mình, làm việc trên những tài liệu sai, và kết luận không thể đúng. Một giai đoạn còn rất gần với chúng ta và được bình luận nhiều như giai đoạn Ngô Đình Diệm mà còn có thể sai như vậy thì những gì sử Việt Nam chép lại của trăm năm, nghìn năm về trước có mức độ chính xác nào ? Các sử gia sẽ còn cần nhiều cố gắng tìm kiếm, phân tích và phê phán để lịch sử được đúng đắn hơn. Trước hết những người có may mắn được biết những sự kiện có giá trị lịch sử phải nói ra hết sự thực. Đó là bổn phận đối với cộng đồng quốc gia. Đó cũng là điều mà rất tiếc là họ hoặc chưa làm, hoặc chưa làm một cách đầy đủ. Nguyễn Gia Kiểng Chú Thích : (1) "Or votre mari, Ngô Dinh Nhu, a eu l’intuition géniale - dictée, bien sûr, par la Providence - que le moment était arrivé, en mars 1954 pendant la bataille de Dien Bien Phu, d’essayer de convaincre le Gouvernement Français d’alors (Gouvernement Laniel-Bidault-Reynaud) qui disposait encore de quelques atouts déterminants quant au Destin de l’ancienne Indochine de permettre d’urgence la venue au Pouvoir de son frère, Monsieur Ngô Dinh Diem, personnalité nationaliste vietnamienne d’une réputation sans tâche et d’une notoriété évidente, afin de prendre la tête du Gouvernement du Viêt Nam non communiste". (2) "Cela fut possible parce que les gouvernements français d’alors disposaient vis à vis de Bao Dai, particulièrement, de divers moyens de pression déterminants". (3) "Il faut travailler de manière à ce que des instructions en ce sens, qui sont, j’en suis persuadé, déjà prêts, soient envoyées d’urgence à Saigon". (4) "Car il ne faut plus recommencer l’expérience de 1945-1954. Soutenus seulement par le camp occidental, nous sommes sûrs d’être battus par le communisme en Asie. Il faut avoir le concours du peuple vietnamien et la sympathie du Monde asiatique, pour que l’aide occidentale, dédouanée par la personnalité du Président Ngô, puisse être utile, ayant reçue l’étiquette asiatique". Về giai đoạn Ngô Đình Diệm, độc giả có thể đọc hai tác phẩm chi tiết và công phu : "Việt Nam 1945-1995" của Lê Xuân Khoa và "Vietnam, pourquoi les Américains ont-ils perdu la guerre ?" của Nguyễn Phú Đức. The slogan used by Premier Diem—"Follow me if I advance! Kill me if I retreat! Revenge me if I die!"—is the literal translation of what Benito Mussolini said some 30 years ago. But the old Duce's words, "Se avanzo seguitenii. Se indietreggio uccidetemi," showed a much greater Christian spirit because he omitted any reference to vendetta. Some Fascist posters, signed by Mussolini, did in fact add the final phrase, "Se muoio, vendicatemi!" Mussolini and Diem owe the slogan to its originator, the Royalist La Rochejaquelin, who shouted the same enjoinder—in French—to his Catholic followers during the Wars of the Vendee (1793), a vain counterrevolution against anticlerical republican revolutionaries.
|
|
|
Post by NhiHa on Nov 4, 2010 6:27:07 GMT 9
Kế Hoạch Đảo Chánh Tinh ViLữ Giang Trong cuốn “A Death in November. The Struggle for Indochina”, sử gia Ellen J. Hammer cho biết ông Mieczyslaw Maneli, trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, đã tiết lộ rằng hôm 2.9.1963, ông có gặp và hỏi ông Ngô Đình Nhu về lời kêu gọi ngưng bắn của Tướng De Gaulle và ông Nhu đã trả lời như sau: “Về De Gaulle, trong khi ông ta có quyền có ý kiến của những kẻ không dự phần vào cuộc chiến, ông ta không có quyền can thiệp. Lòng trung thành của chúng tôi đối với người Mỹ không cho phép chúng tôi nhận xét về lời tuyên bố khác. Người Mỹ là người duy nhất trên trái đất dám giúp Nam Việt Nam. Vì thế tôi không có bình luận.” Nghe lời tường thuật này, ông Roger Lalouette, đại sứ Pháp tại VNCH lúc đó đã tỏ ra thất vọng và nói với ông Maneli: “Nếu ông ta (ông Nhu) không từ bỏ những ảo tưởng này, ông ta sẽ thua. Đó là một sai lầm thê thảm.” (If he does not rid himself of these illusions, he will be lost. It is a tragic mistake.) Nhận định của Đại Sứ Lalouette đã trở thành sự thật. Chỉ vì tin vào người Mỹ, ông Diệm và ông Nhu đã bị giết, và cả miền Nam đã bị mất! Khi ông Nhu nói những lời trên với ông Maneli, ông không biết số mệnh của chế độ Ngô Đình Diệm đã được Washington quyết định rồi. TÁC GIẢ KẾ HOẠCH ĐẢO CHÁNH Đọc tài liệu và phỏng vấn các nhân chứng, chúng tôi thấy trên thế giới chưa có kế hoạch đảo chánh nào đã được CIA soạn thảo một cách chu đáo và tỉ mỉ như kế hoạch đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trước tiên, kế họach đó đã được đề nghị trong phúc trình ngày 16.8.1962 của Joshep A. Mendenhall, một thành viên trong Toán Việt Nam của Harriman, sau một chuyến viếng thăm Việt Nam. Mendenhall nói “Chúng ta không thể thắng cuộc chiến với phương thức của Diệm – Nhu”, vậy cần phải lật đổ chế độ này. Nhưng ông nói rõ rằng cuộc đảo chánh phải nằm trong tay Hoa Kỳ, nhưng tránh đừng để dân chúng nghĩ rằng tân chính phủ là bù nhìn của chúng ta. Ông viết: “Các viên chức thích hợp của Hoa Kỳ phải âm thầm chọn lựa một ít người Việt Nam có khả năng làm đảo chánh (như Nguyễn Ngọc Thơ và Dương Văn Minh) và cho biết sẵn sàng ủng hộ một cuộc đảo chánh trong thời gian thích hợp. Chúng ta đứng đàng sau hậu trường làm cố vấn, còn để cho người Việt thực hiện tất cả.” (FRUS 1961 – 1963, Volume II, tr. 596 – 601). Đề nghị của Joshep A. Mendenhall đã được thực hiện gần như toàn bộ trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 sau này. Ông Cao Xuân Vỹ kể lại, sau khi Mendenhall gặp ông Diệm và ra về, ông Diệm đã lầu bầu với các nhân viên trong văn phòng: “Cái thằng con nít này nó sẽ giết mình.” Sự tiên đoán này hoàn toàn đúng! Việc triển khai kế hoạch của Mendenhall rất phức tạp. Chúng tôi phải tham khảo rất nhiều tài liệu, nhất là hồi ký của các tướng Việt Nam nắm vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chánh như Tướng Trần Văn Đôn, Tướng Tôn Thất Đính, v.v, sau đó trong nhiều năm, chúng tôi phải tìm kiếm và phỏng vấn các nhân chứng liên hệ mới có thể khám phá ra được kế hoạch đảo chánh đã thật sự được hoạch định và thực hiện như thế nào. LỰC LƯỢNG DÙNG ĐẢO CHÁNH Trước hết, CIA đã biến Tướng Trần Thiện Khiêm và Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu thành những người được ông Diệm và ông Nhu tin cậy nhất, cho giữ những chức vụ then chốt bảo vệ chế độ, để thực hiện cuộc đảo chánh khiến hai ông không ngờ được. CIA thấy rằng không lực lượng nào đang đóng tại Sài Gòn đủ khả năng chống lại Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượng Đặc Biệt của ông Diệm. Vì thế, CIA đã quyết định dùng Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu làm lực lượng chính. Trong công điện ngày 22.10.1963 gởi cho phụ tá trưởng Phòng Tình Báo thuộc Bộ Quốc Phòng, ông Jones, Tùy Viên Quân Sự tại Việt Nam, đã báo cáo rằng có ít nhất 4 tướng lãnh và 6 đại tá tham gia đảo chánh, trong đó có Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5. (FRUSS, 1961 – 1863, Volume IV, tr. 419 – 420). Lúc 9 giờ 21 phút tối 29.10.1963 Trung Ương CIA ở Washington đã gởi cho Trạm CIA tại Sài Gòn một công điện về tương quan lực chung quanh Sài Gòn đã nói rõ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, về phía bắc, có 9.200 quân, do Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy, được tướng Đôn xác nhận toàn bộ sư đoàn này theo phe đảo chánh (Don’s claim of whole divison). Báo cáo do Hilsman soạn thảo ngày 29.10.1963 cũng đã xác định về sự tham gia đảo chánh của toàn bộ Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm như sau: “Tất cả theo đảo chánh.” (All with coup). Ngoài Sư Đoàn 5 của Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu, nhóm đảo chánh đã quyết định dùng hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên (cháu Đỗ Mậu), Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến chỉ huy làm lực lượng xung kích, Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu và yểm trợ Thủy Quân Lục Chiến chiếm Dinh Gia Long, và khoảng 16.000 tân binh quân dịch ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung do Tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy chiếm một số cơ sở phụ trong đô thành Sài Gòn. Trung Đoàn 1 Thiết Giáp ở Gò Vấp do Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa chỉ huy, được phân công như sau: Chi Đoàn 1/1 Chiến Xa M24 do Đại Úy Bùi Văn Ngãi chỉ huy, yểm trợ chiếm Thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long. Hai Chi Đoàn Thiết Vận Xa M113 là 4/1 do Đại Úy Trần Văn Thoàn chỉ huy và 5/1 do Trung Úy Nguyễn Văn Tỷ (thay Đại Úy Hà Mai Việt) chỉ huy, sẽ phối hợp với hai Chi Đoàn Thám Thính M114 là 2/1 và 3/1 bảo vệ Bộ Tổng Tham Mưu. Lực lượng của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng Tham Mưu và Đài Phát Thanh Quân Đội ở Quang Trung. Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu đưa Sư Đoàn 5 bao vây Sài Gòn và sẽ tiến vào thủ đô khi các lực lượng ở bên trong bắt đầu khai chiến. PHÁ THẾ GỌNG KỀM CỦA ÔNG NHU Để bảo vệ Thủ Đô, ông Nhu giao cho Quân Đoàn III chỉ huy luôn Sư Đoàn 7 ở Định Tường và cử Đại Tá Lâm Văn Phát làm tư lệnh sư đoàn này thay Đại Tá Bùi Đình Đạm. Ông Nhu nghĩ rằng Sư Đoàn 5 giữ phía Bắc và Sư Đoàn 7 giữ phía Nam sẽ tạo thành một “thế gọng kềm Nam – Bắc” bảo vệ Thủ Đô khi có nguy biến. Tại Sài Gòn đã có sẵn hai lực lượng có khả năng chống lại bất cứ cuộc đảo chánh nào, đó là Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Lực Lượn Đặc Biệt. Vì thế, CIA đã bàn với các tướng đảo chánh kế hoạch đưa Lực Lược Đặc Biệt ra khỏi Thủ Đô và chuyển Sư Đoàn 5 vào mà không bị nghi ngờ gì cả. Do đó, một tuần trước ngày đảo chánh, Tướng Trần Văn Đôn đã vào trình Tổng Thống Diệm rằng các tin tình báo cho biết một số đơn vị Việt Cộng đã xâm nhập vào vùng ven đô. Đặc biệt tại khu Hố Bò ở Củ Chi, Gia Định, phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn. Tại đây, Việt Cộng đã thiết lập một vùng Tam Giác Sắt với hệ thống mật khu vòng đai như Hố Bò, Bời Lời và Long Nguyên. Việt Cộng đã xử dụng Hố Bò làm địa bàn liên lạc. Tướng Đôn xin Tổng Thống cho xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt và Sư Đoàn 5 để mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng. Tổng Thống đồng ý. Được sự chấp thuận của Tổng Thống Diệm, Tướng Đôn đã ra lệnh Đại Tá Lê Quang Tung cho lập kế hoạch hành quân đưa Lực Lượng Đặc Biệt đi tảo thanh vùng Hố Bò, còn Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu lập kế hoạch hành quân vùng ven đô. Được lệnh, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tá Lộ Công Danh, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn 5, lập kế hoạch hành quân. Kế hoạch này được đặt tên là “Kế Hoạch Hành Quân Rừng Sát”. Theo kế hoạch, Trung Đoàn 7 sẽ về đóng tại Hàng Xanh, Trung Đoàn 8 đóng tại cầu Bình Lợi và Trung Đoàn 9 đóng ở cầu Bến Lức. Đây là lực lượng chính của quân đảo chánh. Ngày 31.10.1963, Tổng Thống Diệm đã ký Sự Vụ Lệnh cho phép mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng ở khu Hố Bò. Ông Diệm đã trúng kế CIA! Có Sự Vụ Lệnh của Tổng Thống, Tướng Đính đã ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt mở cuộc hành quân giải tỏa khu Hồ Bò, đưa Lực Lượng này ra khỏi Thủ Đô. Mật lệnh giữa Quân Đoàn III và Lực Lượng Đặc Biệt là Bravo I. Trong khi đó Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được lệnh đưa Sư Đoàn 5 về Sài Gòn để mở “cuộc hành quân ven đô”â. Nhưng Đại Tá Thiệu chỉ được đem quân vào Thủ Đô để tấn công Dinh Gia Long khi có mật lệnh Bravo II. (Tôn Thất Đính, 20 Năm Binh Nghiệp, tuần báo Chánh Đạo, San Jose, 1998, tr. 437) Đại Tá Phát được lệnh của Tổng Thống Điệm phải đến trình diện Quân Đoàn III vào ngày 30 hay 31.10.1963 và đến nhận chức ở Mỹ Tho vào ngày 1.11.1963. Nhưng khi đến trình diện ở Quân Đoàn III, Đại Tá Phát đã bị nhóm thuộc đơn vị tham mưu do Đại Tá Nguyễn Hữu Có chỉ huy, bí mật giữ lại tại Quân Đoàn III trước khi Trung Tá Nguyễn Khắc Bình tố cáo với ông Nhu rằng Đại Tá Có rủ rê ông tham gia đảo chánh. Tướng Trần Văn Đôn cho biết thêm: Tối ngày 31 tháng 10, sau khi dùng cơm ở nhà hàng Trung Hoa với Tướng Weede, Tham Mưu Trưởng của Tướng Hatkins, ông có ghé thăm Tướng Đính tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III vào lúc 11 giờ 30 và nói quyết định của ông đưa Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 kể từ ngày 1.11.1963. Trưa 1.11.1963, Tướng Đính gọi điện yêu cầu Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Đạm bàn giao Sư Đoàn 7 cho Đại Tá Có. Tướng Đôn đã ra lệnh ngay. Như vậy, cái “thế gọng kìm Nam – Bắc” mà ông Nhu quyết định thành lập để bảo vệ Thủ Đô đã bị biến thành cái gọng kìm đánh sập chế độ. Ông Nhu không hề hay biết gì về chuyện này. MỞ CUỘC HÀNH QUÂN Trước ngày đảo chánh, hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu Tá Nguyễn Bá Liên chỉ huy gồm có Tiểu Đoàn 1 của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 4 của Đại Úy Lê Minh Hằng, được lệnh mở cuộc hành quân giả đánh vào núi Thị Vãi ở Ba Rịa, rồi bất thần quay về chiếm Tổng Nha Công An Cảnh Sát, đài Phát Thanh Sài Gòn và tấn công vào Dinh Gia Long. Đúng 1 giờ trưa, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho một số đơn vị của cả ba trung đoàn thuộc Sư Đoàn 5 di chuyển về Saigon, một phần đóng ở ngã tư Hàng Xanh, một phần đóng ở cầu Bình Lợi và một phần đóng ở Phú Lâm để ngăn chận quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu Sài Gòn. Ông Cao Xuân Vỹ, tổng giám đốc Nha Thanh Niên, cho biết lúc 1 giờ 30, khi nghe tiếng súng bắt đầu nổ ran tại một vài nơi ở Sài Gòn, ông đã gọi cho ông Ngô Đình Nhu tại Dinh Gia Long để hỏi thăm tin tức. Ông Nhu bảo ông Vỹ đi quanh một vòng xem tình hình như thế nào. Ông Vỹ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình vẫn yên tĩnh. Ông Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng mô mà đảo chánh?” Ông Nhu nhắc lại sáng nay Đại Tá Thiệu mới đến đây nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh! Vì thành Cộng Hòa được phòng thủ khá kiên cố nên Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp không thể chọc thủng được, Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu đưa Sư Đoàn 5 tấn công vào Thành Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Thiệu trả lời chưa chuyển quân tới Sài Gòn được, mặc dầu lúc đó Trung Đoàn 7 đang có mặt trên xa lộ Biên Hòa. Đại Tá Thiệu muốn xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định hành động. Buổi chiều, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Đoàn 5 và một bộ phận chỉ huy của Trung Đoàn 7 đã được đưa vào đặt tại Trường Đại Học Sư Phạm ở đường Cộng Hòa. Một phần của lực lượng Trung Đoàn 7 đã tiến vào chiếm giữ một số vị trí đã định ở thủ đô. Cho đến giữa đêm mồng 1 rạng ngày 2.11.1963, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù từ Trung Tâm Vạn Kiếp đến, vẫn không phá vỡ được Thành Cộng Hòa. Đại Úy Bùi Ngươn Ngãi chỉ huy Chi đoàn 1/1 Chiến Xa M24 tiến lên khai chiến với Liên Binh Phòng Vệ ở Thành Cộng Hoà thì bị bắn tử thương ngay trong chiến xa. Cái chết của Đại Úy Ngãi ngay trong chiến xa đã khiến các chi đoàn chiến xa tham gia đảo chánh phải chùng lại. Sau cái chết của Đại Úy Ngãi, Tướng Đôn lại ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải cho Sư Đoàn 5 tấn công ngay. Không thể trì hoãn được nữa, Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Trung Đoàn 7 do Thiếu Tá Vũ Ngọc Tuấn chỉ huy, Đại Đội 5 Thám Báo và một pháo đội hổn hợp mở cuộc tấn công yểm trợ. Với sự yểm trợ của Sư Đoàn 5, lực lượng đảo chánh vẫn không chiếm được Thành Cộng Hòa. Tướng Tôn Thất Đính cho Tướng Đôn biết Đại Tá Lâm Văn Phát tình nguyện chỉ huy cuộc tấn công vào Thành Cộng Hoà. Tướng Đôn hứa sẽ thăng Đại Tá Lâm Văn Phát lên Thiếu Tướng nếu Đại Tá Phát thanh toán xong Thành Cộng Hoà. Nhưng sau đó không nghe tin gì về việc Đại Tá Phát tấn công vào Thành Cộng Hoà. Có lẽ Đại Tá Thiệu không chịu trao quân. Tướng Đôn ra lệnh Tiểu Đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Lê Hằng Minh bao vây Dinh Gia Long, và hứa sẽ cho lực lượng của Sư Đoàn 5 và chiến xa đến yểm trợ sau khi chiếm xong Thành Cộng Hoà. Lúc 3 giờ sáng ngày 2.11.1963, sau khi vừa chiếm xong Thành Cộng Hoà, Tướng Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu tấn công vào Dinh Gia Long. Mặc dầu trong Dinh Gia Long chỉ có một đại đội Cận Vệ do Thiếu Tá Huỳnh Văn Lạc chỉ huy, nhưng việc tấn công Dinh Gia Long không dễ dàng vì tại đây có những công sự chiến đấu rất vững chắc. Vã lại, còn nhiều đại đội bộ binh và chi đội thiết giáp của Liên Binh Phòng Vệ đang đóng tại Dinh Độc Lập, Vườn Tao Đàn và Sở Thú. Họ chưa có hành động nào vì phải chờ lệnh của Tổng Thống Diệm. Tướng Đôn ra lệnh cho Tướng Đính phải thanh toán Dinh Gia Long trước khi hừng sáng, nhưng đến 4 giờ 30 sáng 2.11.1963, Tướng Đính cho biết Thiết Giáp của quân đảo chánh ở ngoài và Thiết Giáp bảo vệ Dinh Gia Long không muốn đánh nhau. Tướng Đính ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải chiếm được Dinh Gia Long trước 6 giờ sáng. Bỗng nhiên, lúc 5 giờ 15 sáng 2.11.1963, Tổng Thống Diệm đã ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng, sau đó ông và ông Nhu rời khỏi nhà Mã Tuyên để đi vào nhà thờ Cha Tam. Chiều 3.2.1963, chính Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân đến Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Biên Hoà gắn lon Thiếu Tướng cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu. CHẾT VÌ “QUÂN TỬ TÀU” Bây giờ các bí mật lịch sử đã được tiết lộ gần hết, nên những nỗ lực biện minh hay bôi bác “lãnh tụ” hay sự kiện lịch sử mà “người Việt Quốc gia” đã thực hiện không ngừng nghỉ trong 47 năm qua, đang trở thành vô giá trị. Thế hệ tới sẽ không đọc những tài liệu nhảm nhí đó mà chỉ đọc những tài liệu có căn bản sử học. Đã đến giai đoạn PHẢI TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ: Ai có công sẽ được tổ quốc ghi ơn, ai làm sai sẽ bị lịch sử lên án. BIỆN MINH HAY BÔI BÁC KHÔNG THỂ SỬA LẠI LỊCH SỬ ĐƯỢC. Mặc dầu CIA đã phối hợp với một số tướng lãnh thảo ra một kế hoạch đảo chánh rất tinh vi, nhưng ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long mà chẳng ai biết. Tướng Đôn cho biết khi nghe tin này, Lucien Conein, người chỉ đạo cuộc đảo chánh, đã điên lên và thét lớn: - Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt lại cho kỳ được vì rất quan trọng. Ông ta nói bằng tiếng Pháp: - On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs. (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập bể những cái trứng). Nhưng rồi chính ông Diệm đã quyết định số mạng của mình và số mạng của đất nước. Ngày 26.9.1963, Bộ Trưởng McNamara cho biết ông có nói chuyện với ông Smith, giáo sư một trường đại học hàng đầu ở Mỹ, nói tiếng Việt rất trôi chảy. Khi nói về tương quan giữa ông Diệm và ông Nhu, ông Smith có nhận định như sau: “Ông Diệm không thể tồn tại quá 24 giờ nếu không có ông Nhu nắm vững dây cương và điều hành căn bản quyền hành cần thiết cho sự sinh tồn của ông ta. Nhu không thể tồn tại quá 24 giờ nều không có chiếc áo khoác uy tín của ông Diệm. Mỗi người biết rằng họ cần nhau.” Nhưng quyết định tối hậu vẫn nằm trong tay ông Diệm. Vì thế CIA đã dùng Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần để tách ông Nhu ra khỏi ông Diệm. Trong những ngày cuối, ông Diệm không còn tin ông Nhu nữa. Tuy chịu ảnh hưởng khá nhiều của Tây học, ông Diệm đã hành xử theo bản chất của một Quân Tử Tàu khi đối phó với một biến cố quyết định số phận của chính mình và của đất nước. Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống có 2 tiểu đoàn gồm khoảng 1500 quân, chia ra thành 6 đại đội, đang đóng rãi rác ở Sở Thú, Thành Cộng Hòa, Dinh Độc Lập (đang xây) và vườn Tao Đàn, có thêm Tiểu Đoàn 41 Biệt Động Quân do Đại Úy Sơn Thương làm tiểu đoàn trưởng đến tăng cường. Ngoài ra, liên binh còn có một liên chi đoàn Thiết Giáp, một đại đội Phòng Không và một đại đội Truyền Tin. Nếu quyết chiến, quân đảo chánh khó thắng được. Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ, tư Llệnh phó Liên Binh Phòng Vệ cho biết khi quân đảo chánh bắt đầu mở cuộc tấn công, ông đã thăm dò và biết được bộ tham mưu của nhóm đảo chánh đang đóng ở Bộ Tổng Tham Mưu với một lực lượng bảo vệ khá sơ sài, ông đã xin phép Tổng Thống Diệm cho bỏ Thành Cộng Hòa và dùng 3 đại đội của lữ đoàn phối hợp với liên chi đoàn Thiết Giáp mở cuộc tấn công chiếm Bộ Tổng Tham Mưu. Nhưng tổng thống không đồng ý và ra lệnh qua sĩ quan tùy viên: “Bảo Duệ đừng nóng nảy, tổng thống đang liên lạc với các nhóm tướng lãnh để tránh đổ máu.” Đại Úy Đỗ Thọ, tuỳ viên của ông Diệm, đã kể lại rằng lúc đang ở nhà Mã Tuyên, khi nghe tin quân đảo chánh và quân trong dinh Gia Long đang giao tranh, Tổng Thống Diệm nói: “Vậy đổ nát, chết chóc, không lợi chi cả!” Sau đó, ông đã quyết định ra lệnh cho Liên Binh Phòng Vệ buông súng, rồi đi vào nhà thờ Cha Tam xưng tội và rước lễ trước khi ra trình diện quân đảo chánh. Ông vẫn tin rằng với tư thế của ông, chẳng ai dám làm hại ông và các tướng lãnh đảo chánh sẽ để cho ông và ông Nhu ra đi. Nhưng ông đã lầm. Nói tóm lại, mặc dầu đã ở vào cuối thế kỷ 20, ông Diệm vẫn còn dùng đạo Nho để ứng phó với tình thế. Do đó, khi ông vừa bị giết, tạp chí Time số ra ngày 8.11.1963, đã viết bài “Last of the Mandarins” (Vị Quan Lại cuối cùng) nói rằng “Vị quan lại ở trong dinh, xem ra đã không tiếp xúc với thực tế”. Cổ nhân nói: “Sư trúc tâm hư nhi hữu tiết; hiệu mai cốt thiết khả sinh xuân” (Học theo trúc, rỗng lòng nhưng mắt cứng; Bắt chước mai, xương sắt nảy mầm xuân) và coi đó như đạo đức của người quân tử. Ông Diệm lấy khẩu hiệu là "Tiết trực tâm hư" (đốt thẳng, ruột rỗng) và cứ sống như thế nên bị CIA giết. Lữ Giang
|
|
|
Post by Can Tho on Dec 3, 2010 9:34:51 GMT 9
Letter from President Eisenhower to Ngo Dinh Diem, President of the Council of Ministers of Vietnam, October 23, 1954 DEAR MR. PRESIDENT: I have been following with great interest the course of developments in Viet-Nam, particularly since the conclusion of the conference at Geneva. The implications of the agreement concerning Viet-Nam have caused grave concern regarding the future of a country temporarily divided by an artificial military grouping, weakened by a long and exhausting war and faced with enemies without and by their subversive collaborators within. Your recent requests for aid to assist in the formidable project of the movement of several hundred thousand loyal Vietnamese citizens away from areas which are passing under a de facto rule and political ideology which they abhor, are being fulfilled. I am glad that the United States is able to assist in this humanitarian effort. We have been exploring ways and means to permit our aid to Viet-Nam to be more effective and to make a greater contribution to the welfare and stability of the Government of Viet-Nam. I am, accordingly, instructing the American Ambassador to Viet-Nam to examine with you in your capacity as Chief of Government, bow an intelligent program of American aid given directly to your Government can serve to assist Viet-Nam in its present hour of trial, provided that your Government is prepared to give assurances as to the standards of performance it would be able to maintain in the event such aid were supplied. The purpose of this offer is to assist the Government of Viet-Nam in developing and maintaining a strong, viable state, capable of resisting attempted subversion or aggression through military means. The Government of the United States expects that this aid will be met by performance on the part of the Government of Viet-Nam in undertaking needed reforms. It hopes that such aid, combined with your own continuing efforts, will contribute effectively toward an independent Viet-Nam endowed with a strong government. Such a government would, I hope, be so responsive to the nationalist aspirations of its people, so enlightened in purpose and effective in performance, that it will be respected both at home and abroad and discourage any who might wish to impose a foreign ideology on your free people. Sincerely, Dwight D. Eisenhower . *************************************** Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Giai đoạn 1961-1975) Nhà máy thủy điện Đa Nhim là một công trình thủy điện của Việt Nam được xây dựng trên sông Đa Nhim. Đây là công trình thủy điện đầu tiên, nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Ngày 01/4/1961, Lễ khởi công xây dựng công trình thủy điện Đa Nhim đã diễn ra để xây dựng nhà máy thủy điện lớn đầu tiên ở phía Nam với công suất 160 MW gồm 4 tổ máy. Thủy điện Đa Nhim có hồ chứa với lưu vực 775 km2 nhận nước từ sông Đa Nhim và sông Kronglet trên thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Các hạng mục thi công trải dài trên hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận với cửa nhận nước, đường hầm áp lực dài 5 km thuộc thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng; đường ống áp lực dài 2,3 km, trạm phân phối và tòa nhà năng lượng thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Công trình sử dụng nguồn vốn 39 triệu USD được cung cấp từ quỹ bồi thường chiến tranh của Chính phủ Nhật Bản và một phần từ nguồn vốn vay khoảng 9 triệu USD, bao gồm cả chi phí xây dựng và lắp đặt thiết bị cho nhà máy Đa Nhim, đường dây truyền tải 230 kV và trạm Sài Gòn. Ngày 15/01/1964, Nhà máy thủy điện Đa Nhim chính thức vận hành phát điện tổ máy số 1 và số 2, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành toàn bộ công trình. Hàng năm, thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện Quốc gia khoảng 1 tỷ kWh và khoảng 500 triệu m3 nước cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận. ************************************* NHỮNG CÁI CHẾT TRONG CÁCH MẠNG 1-11-1963 (Lê Tử Hùng)Posted on May 16, 2023 by Lê Thy baovecovang2012.wordpress.com/2023/05/16/nhung-cai-chet-trong-cach-mang-1-11-1963-le-tu-hung/3/MỘT HÌNH THỨC THỦ TIÊU ĐẠI TÁ LÊ QUANG TUNG Hai cái chết bí mật của Đại tá Lê Quang Tung và Đại tá Hồ Tấn Quyền đem đến nhiều nghi vấn sau cách mạng 1-11-63 thành công. Những cái chết này đều do bàn tay hành động của Hội đồng quân nhân cách mạng (Hội dồng tướng lãnh thì đúng hơn) nhưng người Mỹ do Đại sứ Lodge đại diện ở xứ này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với lịch sử về sau của Việt Nam trong khúc quanh lịch sử 1-11-63. Số phận hai viên chức cấp tá đứng đầu Hải Quân và Lực lượng Đặc biệt được ghi nhận bị giết trong ngày 1-11-63. Cố nhiên trong khung cảnh của một cuộc cách mạng, nhân sự « phản bội » thì cái chết được xem như cỏ rác, và giới chức không thể đặt căn bản luật pháp để mở một cuộc điều tra. Đây là một sự sơ sót cho lịch sử cận dại khi bàn cập đến những nhân vật liên quan chung quanh Tổng thống Ngô Đình Diệm. Điểm nhầm lẫn lần đi đến chính quyền tiếp nối chế độ Ngô Đình Diệm và vô tình làm những sử gia phải đặt giả thuyết mơ hồ không chính xác. Đó là điểm tai hại sử liệu cho nước nhà. Đại tá Lê Quang Tung được nổi tiếng trong giới quân dội. Ông là vị sĩ quan trẻ, có tài và có đức. Cấp tướng tá thời bấy giờ rẩt nể nang ông Tung. Tuy nhiên Đại tá Tung là vị sĩ quan cao cấp không mấy xuất hiện ở đám đông. Vì thế các nhân viên cao cấp ở Trung ương, các Quân khu mới biết mặt và tiếng tăm của ông ta đang điều khiển một binh chủng được chế độ Ngô Đình Diệm tin dùng. Đại tá Tung vốn là người thân cận của ông Ngô Đình Cẩn, cố vấn chỉ đạo miền Trang, ông Ngô Đình Cẩn đã giới thiệu Tung với ông Cố vấn Ngô Đình Nhu. Lúc bấy giờ ông Tung đang mang cấp bậc đại úy. Ông Tung từ Huế vào Sàigon theo lệnh của ông Ngô Đình Nhu vào năm 1961, nghĩa là sau vụ đảo chánh hụt 11-11-60. Ông Nhu đưa ông Tung về trụ sở cơ quan mật vụ trên đường Phùng Đắc Khoan và Phan Đình Phùng để tổ chức Lực lượng Đặc biệt ra Bắc đang bành trướng mạnh. Thời gian đó những nhân viên trong tổ chức này cho rằng ông Tung về cơ quan là chỉ bổ sung thêm nhân sự và họ coi ông Tung như trăm ngàn sĩ quan thân tín được ông Nhu chọn lựa giúp thêm uy thế chế độ mà thôi. Chính ông Tung cũng nghĩ như vậy. Cho nên khi đến Sàigon ông Tung đã đến trình diện ở cơ quan nầy và ông ta chờ đợi ngày hôm sau yết kiến ông Nhu và Tổng Thống Diệm. Gặp ông Nhu trong vài câu chuyện hãy còn bỡ ngỡ với khung cảnh và văn phòug ông Cố vấn trong dinh Độc Lập. Khi ông Nhu chính thức bổ nhiệm ông Tung làm Tư Lệnh Đặc Biệt, thì ông Tung càng bỡ ngỡ thêm. Ồng Tung không biết gì hơn, chỉ biết cười, cám ơn và sẵn sàng nhận chức vụ mới (Nguyên ông Tung là cựu giáo sư và phụ tá Giám đốc công an cảnh sát Trung phần). Sau đó ông Nhu cho nhân viên hướng dẫn ông Tung ra mắt Tổng thống Diệm. Tổng thống Diệm rất bằng lòng cốt cách của ông Tung. Ông Diệm có lối coi mặt mà bắt hình dong. Sau những câu hỏi han thường lệ về gia đình của những nhân viên cộng sự với mình, TT Diệm căn dặn ông Tung chăm chỉ làm việc, đừng ham chơi. Ôngg Tung chỉ lo việc «vâng dạ » trước Tổng thống mà thôi. Tuy nhiên Tổng thống Diệm đang vui vẻ, bỗng ông đăm chiêu nhìn thẳng vào cổ áo ông Tung. Lối nhìn của Tống thống Diệm rất sắc làm cho ông Tung lo sợ mà không biết chuyện gì lại có sự «quái đản » đó. Chợt ông Diệm gật đầu rồi nói với ông Tung : « Đại úy lon nhỏ quá làm Tư lệnh coi răng được. Thôi anh mang Thiếu tá thực thụ đi ». Ông Tung cười mà không nói năng gì cả. TT Diệm nói thêm : «Anh mang Đại úy chắc lâu rồi hỉ. Lon cũ lắm rồi ». Ông Tung đáp lại : « Dạ thưa Cụ cũng ngoài 2 năm mấy». TT Diệm cười : « Thôi được, anh sẽ là Thiếu tá thực thụ và thêm Trung tá nhiệm chức để làm việc cho dễ dàng ». Thế là sau khi cáo từ Tổng thống Diệm, ông Tung vội vàng ra phố mua hai bông mai bạc gắn cổ áo và chính thức giữ chức Tư lệnh Đặc Biệt. Khi ông Tung về sở mật vụ, trá hình ở đường Phùng Khắc Khoan thì nhân viên ở đây ngạc nhiên vô cùng. Vì mới ngày hôm qua ông ta chỉ là Đại úy nay thăng lên Trung tá. Sau nầy họ mới biết ông Tung được thăng chức do đặc cách của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Từ đó ông Tung giữ chức Tư lệnh Đặc biệt và binh chủng nầy hoạt động công khai như một binh chủng bộ binh. Một năm sau Trung tá Tung lại được thăng chức Đại tá và ông chuyển Bộ Tư Lệnh về bên cạnh nghĩa trang Bắc Việt và sân vận động Quân đội cho đến khi đảo chánh l-l1-63 bùng nổ tại Saigon. Rồi cuối cùng ông từ tạ binh chủng này không một lời nói để đi vào cõi thiên thu trong ngày chính biến quân đội. Trường hợp sự thăng quan tiến chức cùng cái chết Đại tá Tung đều âm thầm, bí mật, ít ai biết đến bề trái của nó. Có thể nói rằng dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Đại tá Tung là người bước vào danh vọng rất đặc biệt, có một không hai. Và sự đặc biệt đó, Đại tá Tung đã trả lại cái chết xứng đáng là người « ăn cây nào rào cây ấy ». Đó là một điều vinh dự, bất khuất của một sĩ quan vậy. Theo những cựu nhân viên làm việc dưới quyền Đại tá Tung đều cho rẳng ông ta là một người tốt, một sĩ quan gương mẫu và có tài chỉ huy. Ông Tung mẫu người đứng đắn khiêm nhượng, được lòng các sĩ quan và nhân viên trong Lực lượng Đặc biệt. Theo ông Nguyễn Thiện Dzai, cựu Đại úy, nguyên nhân viên tình báo cao cấp trông coi trại Lê Văn Duyệt (nơi giam cầm các sư sãi trong cách mạng 1-11-63) thì Đại tá Tung ít có bạn bè. Người bạn duy nhất của ông là Tướng Tôn Thất Đính Tư lệnh quân đoàn II. Mỗi lần Tướng Đính từ quân đoàn II về Sàigòn đều cho Đại tá Tung biết. Ngày hôm đó dù bận rộn công việc đến đâu, Đại tá Tung cũng lên phi trường đón ông Đính. Nếu quả đa đoan hoặc sợ TT Diệm gọi bất ngờ, Đại tá Tung thường ở lại văn phòng đợi chờ Tướng Đính đến. Tướng Đính và Đại tá Tung thường đi ăn uống với nhau. Có khi ở nhà Đại tá Tung và có lúc ở các nhà hàng nổi tiếng trong Thủ đô. Ngoài ra Đại tá Tung còn từ chối những buổi tiệc được hàng cấp tướng, cấp tá mời. Nguyên do có một lần Đại tá Tung đi ăn tiệc, Tổng thống Diệm gọi ông nhưng không gặp. TT Diệm bực bội, cho rằng Đại tá Tung lo ăn chơi, bỏ bê công việc. Hôm sau TT Diệm la rầy Đại tá Tung. Từ đó Đại tá Tung không đi ăn tiệc nữa. Ông chỉ đi với người bạn thân là tướng Đính mà thôi. Và trước khi đi đều cho người nhà và nhân viên biết địa điểm để phòng hờ khi TT Diệm gọi thì đến báo cho ông ngay. Tính tình Đại tá Lê Quang Tung ôn hòa, nhỏ nhẹ. Ông làm việc rất chăm chỉ, có sáng kiến làm cho các cố vấn phải nể nang. Bản chất ít nói, nên lắm người cho Đại 1á Tung thâm thúy. Do đó khi đảo chánh 1-11-63 khởi sự, tất cả tướng lãnh chọn mục tiêu thanh toán đầu tiên là Đại tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực lượng Đặc biệt. Đối với TT Diệm, ông Tung tỏ ra thái độ trung thành triệt để mỗi khi nói về TT, ông Tung coi bộ kính trọng vượt mức. Sự trung thành, tôn kính đó đúng với lòng thật của ông ta chứ không phải đầu môi chót lưỡi để cầu danh lợi. Riêng với ông cố vấn Ngô Đình Nhu, Đại tá Tung đặt mình vào cộng sự viên đắc lực. Đại tá Tung thường đàm luận với ông Nhu trong việc chỉnh trang Lực lượng Đặc biệt đi đến như lực lượng Nhảy Dù nhưng phải tinh vi, khoa học hơn. Thường nhật Đại tá Tung đều vào dinh gặp ông Nhu mà không bỏ sót một ngày nào kể từ khi ông điều khiển Tư Lệnh Lực lượng Đặc biệt và quân ủy Cần lao trong quân đội. Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu rất biệt đãi Đại tá Tung trong đó có sự nể nang tình bạn hơn là một nhân viên cấp dưới thừa hành công việc. Nhân viên phủ Tổng thống làm việc bên cạnh ông Nhu, cũng như bà Nhu rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy ông Nhu nói cười vui vẻ khi Đại tá Tung vào gặp ông ta. Đó là điều hiếm có trong cuộc đời được gọi là cô đơn chính trị của ông Nhu. Bà Nhu cũng như chồng, kính mến Đại tá Tung. Có lẽ sự trầm tĩnh, chịu khó làm việc, học hỏi của Đại tá Tung đã hợp với tâm tính vợ chồng ông Nhu, nên mới được trọng dụng như vậy. Bà Nhu thường yêu cầu Đại tá Tung giúp đỡ vài ba công chuyện trong Phong trào Liên đới Phụ nữ hoặc hỏi han về sự tổ chức bán quân sự cho Thanh nữ Cộng Hòa ở Thị Nghè, suối Lồ Ồ. Có lần bà Nhu nhận được một bức thư của một phụ nữ với lời lẽ thống thiết. Bức thư đó than phiền đói khổ, không có công ăn việc làm, xin bà Cố vấn kiếm cho một việc làm ra tiền giúp gia đình. Bà Nhu đã cho nhân viên mang bức thư đó qua văn phòng Đại tá Tung và bà không quên viết vài dòng chữ trên tấm carte với đại ý xin Đại tá Tung tìm giúp công việc cho người phụ nữ đó trong cơ quan của ông. Trong bức thư bà Nhu viết là bà không có quyền hạn tuyển nhân viên, văn phòng bà cũng đủ người. Chỉ có Đại tá Tung mới thâu nhận nhân viên dân chính. Sự ngớ ngẩn của bà Nhu thấy rõ nhưng những nhân viên trung thành với chế độ như Đại tá Tung thì cho việc làm của bà Nhu là một hành động đáng quí. Câu chuyện tìm việc ở trên làm cho Đại tá Tung mỉm cười. Ông đã đem bức thư của người phụ nữ tìm việc và bức thư của bà Nhu cho nhân viên xem. Ai cũng bật cười và lạ lùng trước thái độ của bà Nhu. Tuy làm việc ở Sàigon nhưng Đại tá Tung cũng liên lạc thường xuyên với ông Cố vấn Chỉ đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn. Thái độ của ông Tung đối với cậu Cẩn khác hẳn với ông Diệm, ông Nhu. Đại tá Tung biết ông Cẩn là người thừa hưởng «tháp ngà» để dung thân, đầu óc thủ cựu, thứ quan lại «cha truyền con nối» đời sống ru rú trong cảnh vườn, chậu kiểng nên Đại tá Tung phải biết hòa mình với một nguời nhà quê có của, có tiền, học đòi thói văn minh thành thị. Thỉnh thoảng đưọc dịp công tác tại Huế, Đại tá Tung thường đến thăm ông Cẩn. Ông Cố vấn chỉ đạo miền Trung hỏi han việc làm của Đại tá Tung ở Saigon. Và ông Cẩn trách vợ chồng ông Nhu khá nhiều trước mặt Đại tá Tung. Đó là thời gian sau ngày hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử dội bom dinh Độc Lập làm cho cánh trái sụp đổ, ông Cẩn cũng yêu cầu Đại tá Tung thận trọng đừng đụng chạm đến nhân viên mật vụ miền Trung đang hoạt động tại Saigon. Đại tá Tung trả lời là ông không thuộc vào lãnh vực đó nhưng sẽ căn dặn «anh em» những lời của Cậu. Ông Cẩn nói với Đại tá Tung như vậy vì có sự đụng chạm giữa mật vụ đặc biệt miền Trung và mật vụ của ông ở Saigon. Chính Đại tá Tung hiểu rõ điểm ấy vì ông đã nghe nhiều người nói rằng ông Cẩn rất giận ông về điều này. Và câu chuyện đã đến tai Tổng thống Diệm rồi mới giàn xếp êm đẹp. Cái êm đẹp này có vẻ bề ngoài mà thôi, còn bề trong ông Cẩn vẫn cứ chửi rủa suốt ngày khi nhận báo cáo của Mật vụ miền Trung hoạt động ở Saigon bị hạn chế. Người ta cho ông Tung làm việc cho đảng và vô tình khuyến khích các sĩ quan cao cấp tham gia chính trị. Đó là một điều tối kỵ đưa quân đội vào phe phái này, phe phái khác mà người ta thường gọi là gia nhập đảng, Trong thời gian Đại tá Tung đảm nhận chức Quân ủy, mức tiến Cần Lao Quân Đội đã giảm khá lớn. Có nhiều sĩ quan đã gia nhập đảng Cần Lao mà không chịu sinh hoạt tập thể. Vì thế ông Nhu hằng ngày thúc đẩy ông Tung phải hoạt động mạnh. Chính ông Tung luôn luôn theo lệnh đó, nhưng thất bại rõ rệt. Cần Lao hầu như hết hiệu nghiệm trong quân đội. Dù rằng cũng có sĩ quan tham gia nhưng cốt ý làm vừa lòng ông Nhu để kiếm chức Tư lệnh Sư đoàn, Tỉnh trưởng, Quận trưởng, mà không có một ý thức chính trị nào cả. Ung thối đó lan tràn mà Đại tá Tung không thể ngăn chặn được. Vì Cần Lao dưới mắt Đại tá Tung cần lượng hơn cần phẩm để báo cáo với ông Ngô Đình Nhu mà thôi. Từ ngày chỉ huy Lực lượng Đặc biệt, Đại tá Tung đã thành côug được nhiêu công tác bí mật. Như gửi quân ra Bắc, lập căn cứ du kích dọc theo biên giới Lào Việt (mạn Thanh Hóa) và miền Trung du Bắc Việt. Khi Đại tá Tung trở về thiên thu thì những cơ sở này cũng theo gió nước mây ngàn chôn vùi. Đó là một điều làm cho Cộng sản Bắc Việt mãn nguyện. Đại tá Tung đã thành công trong quân dội, nhưng ông đã nhầm lẫn thất bại trong việc gia nhập đảng Cần Lao mà ông là Quân ủy cuối cùng, vào những năm bệ rạc của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Tung mắc kẹt ở chức vụ Quân ủy của đảng Cần lao trong quân đội. Vì sa lầy vào Cần Lao, ông Tung đã trở thành công cụ của ông Ngô Đình Nhu. Những việc làm không tưởng của ông Nhu qua lãnh vực Cần Lao đã làm cho ông Tung bị vết xấu trong quân đội. Vết hoen trong đời Đại tá Tung là do ở chức vụ Quân ủy Cần Lao. Vì Quân ủy canh cánh bên mình, Đại tá Tung phải gò bó trong khuôn khổ. Ông ngại ngùng giao dịch với cấp sĩ quan ngang hàng. Nhưng nhờ ở đức tính mềm dẻo, chứa đựng sự chịu khó bên trong, nên dù giữ chức Quân ủy, dư luận quân đội vẫn cho ông là thứ Cần Lao hạng nhẹ. Nghĩa là ông đang hờ hửng với Cần Lao. Thật vậy, sau cách mạng 1-11-63 thành công, nhắc nhở đến Đại tá Tung người ta chỉ đề cập đến chức vụ chỉ huy Lực lượng Đặc biệt có công lớn thả Biệt Kích ra Bắc mà thôi. Và việc ông gia nhập Cần Lao đến chức Quân ủy chẳng qua vì cái thế trong một chế độ dược coi là huy hoàng nhất ở NAM VIỆT NAM kể từ năm 1954 tới nay. Hôm nay dù Đại tá Tung chết (?) hoặc sống (?) bụi thời gian đã chôn vùi tháp ngà của một chế độ. Một chế độ mà Đại tá Tung đã được tin dùng dến mức tối đa của lòng người thì thiên thu vĩnh viễn cũng thỏa mãn lắm rồi, dù ông để lại nỗi đau đớn lớn cho vợ con ở chốn trần gian. Cái chết của Đại tá Tung thi hài mất biệt là một điều bí mật lạ lùng làm bội tăng sự thắc mắc. Vì dù sao cuộc cách mạng 1-11-63 dựa vào chính nghĩa Phật giáo rất sáng sủa và thực tế thì cái chết kia không đúng nghĩa mà lại phải mây mù như thế. Đại tá Lê Quang Tung chết hay sống, tất cả mờ ám, bí mật cho thân nhân vị Tư lệnh Đặc Biệt này. Chết hoặc sống của Đại tá Tung, chính những nhân vật then chốt làm cách mạng 1-11-63 cũng không biết rõ từng chi tiết. Cố nhiên Đại tá Tung là người của chế độ cũ phải thanh trừng trong một cuộc cách mạng. Nhưng giết Đại tá Tung là sai lầm lớn lao, Ông Tung là người của chế độ Ngô Đình Diệm nhưng tư cách của ông phụng sự quân đội, đất nước. Ông Tung đáng bị cầm tù hơn là thủ tiêu âm thầm như thế. Đại tá Tung mất đi để lại một Lực lượng Đặc biệt quan trọng ở miền Nam cũng như trên đất Bắc Cộng Sản. Khi nghe ông bị giết, một số lính Bắc Binh (Biệt Kích đi Bắc) đào ngũ hoặc kéo nhau vào rừng ly khai. Nhưng dưới thời Nguvễn Khánh một số đơn vị nầy trở về hợp lác với chính phủ và được lệnh khoan hồng. Và cũng kể từ đó binh chủng của nguvên Đại tá Lê Quang Tung không được đặc ân như dưới thời TT Ngô Đình Diệm. Ngoài ra những cơ sở trên đất Bắc của Lực lượng Đặc biệt tan rã. Một số gián điệp Biệt Kích ra đầu thú với chính quyền Cộng sản Hà Nội. Một số vượt biên giới qua Lào qua Thái Lan. Một số chết trong rừng thiêng nước độc. Nguyên do, họ đã mất lòng tin, vì vị chỉ huy của họ, Đại tá Tung bị giết. Cái chết của Đại tá Tung đúng giữa ngày cách paạng 1.11-63. Người Mỹ đã dự trù một cuộc đảo chánh đó để hạ bệ chế độ Ngô Đình Diệm đang đi ngược chính sách Mỹ qua đầu óc « chính trị tháp ngà cô đơn » của Ngô Đình Nhu. “Người Mỹ xấu xí” Henry Cabot Lodge hỗ trợ cho Hội đồng quân nhân cách mạng mà không tiên liệu đến những cái chết đem lại tai hại cho đất nước nầy Đối với những viên chức cao cấp, đáng ra người Mỹ phải tiên liệu các nhân sự « điên cuồng cách mạng » làm tiêu tan tài nguyên quốc gia mà trong đó bao quát cả về nhân lực. Đại tá Tung là một nhân lực đáng kể. Nhưng số phận ông hẩm hiu hơn các viên chức cao căp khác của chế độ Ngô Đình Diệm. Những nhân vật chế độ cũ đáng chết thì người Mỹ và Hội đồng QNCM lại tha thứ. Việc làm tắc trách đó đã vô tình đẩy lùi cuộc cách mạng. Và cuộc cách mạng đó đã làm cho Tướng Trần văn Đôn gần đây đã tuyên bố : « 1.11.63 là một ngày biến động ». Một trong những lãnh tụ cách mạng 1-11-63 đã thốt lên như vậy thì những cái chết trong Cách mạng đó quả là phí vậy. Nếu đúng 1-11-63 là biến động lịch sử thì Đại tá Tung bị giết là do ở sự ganh tị, bè phái. Lực lượng Đặc biệt được thành lập là do sáng kiến của Hoa kỳ. Ngân sách đài thọ do CIA cung cấp. Mặt trận gián điệp, du kích trên đất Bắc do Lực Lượng Bặc Biệt thực hiện. Ông Ngô Đình Nhu chấp nhận mặt trận đó hầu thu ngắn thời gian giải phóng đất Bắc đem lại vinh quang cho chế độ Ngô Đình Diệm. Ồng Nhu đồng ý trên nguyên tắc những cơ cấu tổ chức do những cố vấn Hoa kỳ đã từng được CIA huấn luyện vạch ra. Đại tá Lê Quang Tung được chỉ huy lực lượng này trên danh nghĩa. Nhưng ông đã đóng góp tài sức ngang hàng với người Hoa Kỳ mặc dầu ông Tung chưa hề xuất thân từ một trường điệp báo nào ở VN cũng như trên thế giới. Ông là một nhà quân sự hành chánh, nhưng nhờ ở thông minh, tinh vi, học hỏi. Chẳng bao lâu ông Tung lại điều khiển các cố vấn Hoa kỳ trong các chương trình hoạt động gián điệp khắp cả Bắc Trung Nam. Từ hững hờ đến trọng dụng Đại tá Tung. Ông Tung cũng là người đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay gián điệp U2 có người lái và không người lái. Người Iloa kỳ đã đưa ông Tung ra hạm đội thứ 7 bỏ neo ở Thái Bình Dương dọc theo bờ biển VN để quan sát loại máy bay nầy. Ông Tung đã dự nhiều buổi thuyết trình ở đó và nhìn tận mắt những hình ảnh do máy bay U2 chụp được các cơ quan quân sự của Cộng sản Hà nội trên đất Bắc. Đại lá Tung hết sức thán phục loại máy bay gián điệp này. Các nhân viên tình báo ở đó cho ông Tung biết, những hình ảnh rõ ràng này là máy bay chụp ở cao độ mà mắt trần không trông thấy. Nhờ ở U2 những cuộc thả lính Biệt Kích (Dân sự chiến đấu) không bị phát giác. Mọi công tác thành công mỹ mãn do công lớn ở con chim sắt gián điệp U2. Người Hoa kỳ tín nhiệm, tin tưởng ở Đại tá Tung như thế. Ông đã nhìn thấy được U2 một khí giới mới lạ nhất của Hoa kỳ trong chiến tranh gián điệp mà thế giới Cộng sản không khám phá bất ngờ được. Đại tá Tung đã làm phúc trình cặn kẽ lên Tổng thống Diệm và ông Ngô Đình Nhu trong cuộc viếng thăm Hạm đội thứ 7. Ông mô tả U2 rất cặn kẽ làm cho ông Nhu, ông Diệm tin tưởng vô biên. Vì vậy trong thời gian nầy lính Biệt Kích gởi ra Bắc liên tiếp, không ngừng. Đại tá Tung, một sĩ quan tình báo quan trọng như vậy mà vẫn không được bảo đảm khi tiếng súng cách mạng 1-11.63 khai hỏa trong thủ đô Saigon. Dù rằng người Mỹ lo sợ Đại lá Tung tiết lộ giờ đảo chánh với ông Nhu, người Mỹ phải tiên liệu được số mạng của ông để khỏi dang dở chương trình hoạt động của Lực lượng Đặc biệt. Nhất là những đường dây gián điệp đang trú ngụ bên kia vĩ tuyến 17. Giờ thứ 25 với mức độ đảo chánh đến độ quyết liệt như thế nào đi nữa người Mỹ vẫn có thể bảo đảm được số phận của Đại tá Tung. Nhưng ông đã bị bỏ rơi. Bỏ rơi một cách oan uỗng đến độ mất tích, chết sống trong bí mật. Cho nên phải nói rằng làm việc với người Mỹ không có nghĩa đưọc họ bảo trợ. Lối vắt chanh bỏ vỏ đối với người Mỹ là điều thường tình. Người ý thức chính trị phải tiên liệu điêu đó để bảo đảm cho chế độ, cho chính cá nhân mình. Phân tích như thế để khai sáng trường hợp Đại tá Tung và không lấy gì băn khoăn thái độ người Mỹ nhất là lối làm việc tập đoàn của họ. Đại tá Tung không còn trên cõi đời nầy, chết giữa tiếng súng cách mạng là con tốt thí cho chế độ Ngô Đình Diệm vậy.
|
|